![]() |
Cột đồng chưa xanh (tt)
Vốn đọc sử sách nhiều nên Long Vân có thể giải đáp câu hỏi này không chút khó khăn: _ Cổ thư chép, thần vốn là hoàng tử thứ tư của Vua Lý Thánh Tông, mẹ là Hoàng phi họ Nguyễn thường gọi là Hạo Nương, người trấn Sơn Tây. Tương truyền, hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại. Lớn lên, Hoằng Chân tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn. Thuở ấy, giặc Tống liên kết với quân Chiêm Thành kéo hàng vạn hùng binh bao vây chiếm đánh Đại Việt. Thế giặc rất mạnh. Nhà vua bèn xuống chiếu vời nhân tài đánh giặc cứu nước. Khi sứ giả của nhà vua đi ngang qua Thị Trại, hoàng tử Hoằng Chân nhờ sứ giả về tâu với Vua chuẩn bị cho mình một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi. Sứ giả vui mừng vội về tâu lại. Nhà vua bèn cấp đủ những thứ hoàng tử Hoằng Chân yêu cầu, ngoài ra còn cấp thêm hơn năm ngàn binh mã. Nhận được đồ vật vua ban, Hoằng Chân bèn thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Con voi nghe tiếng thét liền phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử Hoằng Chân chỉ đạo hơn năm ngàn binh mã vua ban và một trăm hăm mốt nghĩa sĩ của Thị Trại đánh thẳng vào nơi giặc đồn trú. Giặc Tống thấy quân ta hùng dũng xông tới, nghe tiếng voi gầm ngựa hí thì hồn xiêu phách tán, bỏ cả gươm giáo tháo chạy thoát thân. Hoàng tử và ba quân ca khúc khải hoàn. Nhà vua rất đỗi vui mừng, cho mở yến tiệc khao quân. Trong buổi yến tiệc, ngài tỏ ý muốn nhường ngôi cho hoàng tử Hoằng Chân, nhưng hoàng tử không nhận. Sau đấy ít lâu, hoàng tử Hoằng Chân lâm bệnh nặng. Nhà vua truyền ngự y đến cứu chữa cho hoàng tử, nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm. Không lâu sau, hoàng tử qua đời. Nhà vua tiếc thương, bèn phong hoàng tử Hoằng Chân làm Linh Lang Đại vương, cho lập đền thờ ngay tại Thị Trại, đổi tên Thị Trại thành ra Thủ Lệ, lại xuống chiếu cho người dân làng ấy được hưởng “Hộ nhi sở tại”, tức là được miễn phu phen, tạp dịch muôn đời để chuyên tâm thờ phụng Linh Lang Đại vương. Sau này, khi nhà Trần đánh giặc Mông cổ và nhà Lê tiễu trừ họ Mạc tiếm ngôi, các vị tướng xuất trận đến viếng đền cầu đảo và đều giành thắng lợi. Vua Trần Thái Tông hàm ơn bèn sắc phong thêm năm chữ: “Bình Mông Vương Thượng Đẳng”. Triều Lê Trung Hưng phong thêm tám chữ: “Phối Đồng Thiên Địa – Vạn Cổ Lưu Truyền”. Trải qua các triều đại đều phong ngài làm “Thượng Đẳng Thần”. Gắn liền với sự tích con voi phủ phục khi nghe tiếng thét của hoàng tử, ngôi đền có xây thêm hai bức tượng voi chầu bằng đá và được gọi là đền Voi Phục từ đấy. Thuỷ Bình thốt lên: _ Hay quá nhỉ? Không ngờ đền này có sự tích thần kỳ như thế! Đào Long Vân mỉm cười nhìn nàng nói tiếp: _ Lại có sự tích khác nói ngài là Long thần, khi Hoàng phi về làng cư tang mẹ, một buổi ra hồ Tây tắm gội thì bị một con giao long lao tới quấn chặt lấy bà, phun dãi đầy người, hương thơm sực nức, bà hoảng sợ phát ốm, khiến nhà vua phải đón về cung từ đó bà có thai tới mười bốn tháng. Một hôm mơ thấy con Long Vương tên là Hoàng Lang tới trước mặt thưa rằng sẽ thác sinh làm con bà. Hôm ấy trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt khắp cung, Hoàng phi sinh được một nam tử, thể mạo khôi kỳ. Khi quân giặc sang xâm lược, theo tiếng gọi cầu của nhà vua, Hoàng Lang vụt lớn lên xin đi đánh dẹp. Bằng lá cờ thần, một voi lớn và nghĩa binh thị trại, Hoàng Lang đại thắng. Dẹp xong giặc đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá thành một con rắn to bò về hồ Tây lặn mất dạng. Thuỷ Bình tỏ vẻ thán phục: _ Đào huynh quả là kiến thức uyên bác, có dịp chuyện trò với nhau thực làm tôi mở rộng tầm mắt rất nhiều! Qua một khúc quanh hẹp, vô tình hai người đi sát vào nhau, mùi hương thiếu nữ thoáng xông vào mũi gợi cho chàng bồi hồi nhớ lại buổi đầu tiên gặp nàng dưới hình dạng Bạch Y kiếm sĩ, bị nàng trêu đùa đe doạ khiến chàng liều gan ôm chặt lấy nàng. Lúc ấy chàng chợt nhận ra thân mình nàng rất mềm mại và có mùi thơm thoang thoảng giống tựa hôm nay. Không biết Thuỷ Bình có cùng hồi tưởng đó chăng mà chỉ thấy nàng vội xê dịch người ra xa một chút, trên mặt nàng hơi ửng đỏ như sắc hoa đào mùa xuân trông lại càng diễm lệ, dù rằng vẫn còn ở dưới lốt nam trang. Ái Hoa (còn tiếp) |
Dầu biết Thuỷ Bình là nữ chính nhưng không thiện cảm với các nhân vật tiểu thư đài các này cho lắm, nên vẫn tiếc rẻ cho cô em họ LV hơn. LV cũng đa lăng nhăng lắm, hồi mê cô này hồi mết cô kia. Thất vọng! :(
Đúng là đàn ông VN chỉ muốn cơi nới chứ không muốn xây mới :( |
Trích:
Ủa, sao vmt không thích Lý Thuỷ Bình? Nàng vừa đẹp vừa dễ thương, lại cứng cỏi, gan dạ, không ham mê quyền quý, không chê kẻ nghèo hèn, phận tiểu thư đài các mà dấn thân vào gió bụi hành hiệp cứu giúp người cùng khốn, đối xử với người không thân thuộc cũng chí tình chí nghĩa, trên đời hiếm gặp lắm đấy! :dzui2: Mới chỉ thấy 4 nàng xung quanh Đào hoa công tử thui, từ từ sẽ xuất hiện thêm nữa mà! :dacinggirls::dacinggirls: |
Cột đồng chưa xanh (tt)
Để khoả lấp nỗi ngượng ngùng, Thuỷ Bình hỏi lảng sang chuyện của Đào Long Vân: _ Từ độ ấy đến nay công việc của Đào huynh thế nào? Dương tiểu thư bình an chứ? Hai người đã làm lễ thành thân chưa? Nghe nhắc đến nỗi thương tâm, mặt chàng trầm hẳn lại. Sau một lúc trấn tĩnh chàng tóm lược cho nàng nghe việc bị Tống Văn Nhân hãm hại, quan Phủ ép cung, rồi được đồng bọn của Ngô Trọng Đạo giải thoát khỏi nhà lao, sau cùng bởi do tên Vương công tử chỉ điểm quan binh truy nã, chàng phải lánh tới đây và đang định tìm thuê xe đi Hải Dương gặp Tiêu Đề đốc thăm dò về chuyện xưa trong triều Tây Sơn. Thuỷ Bình chép miệng than: _ Chỉ vì món tặng vật của chúng tôi mà Đào huynh phải khốn đốn chịu án oan, giờ thành kẻ tha phương lưu lạc! Long Vân lắc đầu đáp: _ Không phải thế! Cô nương chẳng liên can chi đến việc này. Đã cố tình khép tội thì dẫu không có vòng ngọc với túi bạc chúng vẫn có thể cài vật chứng vào nhà để vu cáo. Thậm chí không bằng cứ quan Phủ vẫn có thể khảo tra kềm kẹp bắt người ngay nhận tội. Người ta bảo: “Miệng nhà quan có gang có thép” cơ mà, mình là dân lành thấp cổ bé miệng phải đành chịu thôi! Thuỷ Bình vẫn bứt rứt khó chịu trong lòng. Nàng cảm thấy như có lỗi đã góp phần gây ra cho chàng thảm trạng này. Chợt nghĩ ra cha Thuỷ Bình cũng có liên can vào vụ án năm đó, Long Vân hỏi: _ Hình như lệnh tôn lúc ấy cũng vì sợ vua Cảnh Thịnh sát hại mà bỏ Tây Sơn sang đầu quân chúa Nguyễn. Cô nương có bao giờ nghe người thố lộ việc này chăng? Thuỷ Bình lắc đầu: _ Không! Gia nghiêm rất kín miệng về vụ ấy. Tôi chưa hề nghe người thuật lại bất kỳ chuyện chi xảy ra ngày trước. Có lẽ người tránh không muốn nhắc lại thời kỳ phục vụ dưới triều Nguỵ Tây, bởi vì do sự kèn cựa trong quan trường, triều thần có thể vin vào cớ ấy moi móc ra những lỗi lầm cũ mà trừng phạt, thậm chí có thể nguy đến tính mệnh của bản thân và gia đình. Nàng nhìn thẳng vào mắt chàng rồi nói bằng giọng rất chân tình: _ Từ sau ngày hoàng thượng thống nhất sơn hà, toàn bộ những người làm quan dưới triều đại cũ đều bị gia hình rất nặng, vợ con thân thuộc của họ không ai tránh khỏi tội chết. Đào huynh hiện đang là tội phạm bị truy nã, lại là con của tướng Tây Sơn, dẫu sao cũng chẳng thể đường hoàng lộ hình tích mà gặp Tiêu Đề đốc. Nếu biết nguồn gốc huynh, tôi nghĩ ông ấy sẽ bắt giữ huynh và tâu lên triều đình xử ngay để tỏ ra mình dứt khoát quay lưng lại với triều đại cũ. Huynh hãy nên suy nghĩ cẩn thận! Đào Long Vân giật mình. Chàng thấy nàng nói rất đúng. Như vậy công việc dò la của chàng càng thêm khó khăn. Thuỷ Bình lại bảo: _ Gia nghiêm và Tiêu Đề đốc làm quan đồng triều, hai bên đã từng qua lại quen biết lâu ngày. Tôi nghĩ huynh nên giả làm người họ Lý thì có thể thân cận được với Tiêu Đề đốc và tìm cơ hội thăm dò tin tức cần thiết. Nàng lấy ra sợi dây treo miếng ngà bịt bạc có hình chim phụng đưa cho chàng: _ Đào huynh giữ vật này thì Tiêu Đề đốc sẽ tin ngay là người trong họ Lý. Huynh cần nhớ hiện nay gia nghiêm là Hữu Tham Tri bộ Lại, tước Uy Vũ Bá. Ái Hoa (còn tiếp) |
Cột đồng chưa xanh (tt)
Long Vân tần ngần cầm lấy sợi dây quen thuộc đã từng bao năm mang trên cổ chàng từ khi mới lọt lòng. Chàng thật tình cảm động cho sự quan tâm chu đáo của nàng, mặc dù là hai người quen nhau chưa bao lâu và cũng không có gì ràng buộc thân thiết. Chàng đưa mắt nhìn nàng lộ vẻ mang ơn. Thuỷ Bình né tránh ánh mắt của chàng, vờ nhìn mông lung về phía xa. Nàng nói: _ Tiếc rằng tôi còn bận chút việc nhà cần giải quyết, bằng không thì đã có thể theo qua Hải Dương giúp huynh một tay rồi! Đào Long Vân hỏi: _ Cô nương đã tìm gặp người thân chưa? Bao giờ mới trở về Kinh thành với gia đình? Thuỷ Bình đáp: _ Chúng tôi đã tìm thấy Trần Di Nương. Nhưng hiện thời tôi không thể về Kinh được. Chàng ngạc nhiên: _ Tại sao thế? Nàng nói nhỏ: _ Bởi vì nếu về nhà, gia nghiêm bắt tôi phải thành hôn với Trần Mộng Cao, một kẻ gian manh tham giàu phụ nghĩa. Hắn tuy học sách thánh hiền mà hành động trái luân thường đạo lý. _ Hắn cũng là người ở Kinh thành ư? _ Không, hắn quê quán Sơn Tây. Tôi biết được điều ấy cũng là nhờ dịp tình cờ thôi, có lẽ do hoàng thiên xui khiến cho tôi thấu hiểu con người của hắn! Long Vân lại hỏi: _ Làm thế nào mà hôm trước cô nương tìm đến đúng thầy tôi để trao tín vật? Từ khi cha tôi qua đời mẹ tôi đã mang tôi đi trốn tránh, gửi cho thầy tôi nuôi dạy, tính ra cũng gần hai mươi năm. _ Cái này do nhũ mẫu tôi nói lại. Còn tại sao người biết thì tôi không rõ. _ Cô nương hiện thời đang ở nhà Di Nương phải không? Thuỷ Bình hơi đỏ mặt ra bộ ngượng ngùng: _ Chúng tôi thuê quán trọ bởi vì ở chỗ Di Nương hơi bất tiện. Long Vân tỏ vẻ thông cảm: _ À, nơi Long thành này dân chúng đông đúc, nhà cửa nhỏ bé chật chội, lẽ tự nhiên là ở quán trọ thoải mái hơn chứ nhỉ? Nàng lắc đầu: _ Chẳng phải đâu! Nhà Di Nương là một trang viện rất khang trang chứa được hàng trăm người, nhưng mà … Nàng lại ngập ngừng giây lâu rồi buông thõng câu: _ … không ở được! Ái Hoa (còn tiếp) |
LV yêu ai nhất Aihoa?
|
Trích:
|
Cột đồng chưa xanh (tt)
Nguyên hồi tháng trước Mạc Quân Tử và Lý Thuỷ Bình lên Thăng Long tìm Trần Thập Nương. Hai người lần bước đi vào tất cả các nơi trà đình tửu quán khắp bốn mặt thành để thăm dò mà không thấy tăm hơi. Mạc Quân Tử bảo: _ Hay là Di Nương đã chuyển sang nghề khác? Hoặc giả đã gặp đấng hùng anh xứng đáng nên cùng nhau kết nghĩa Tấn Tần bỏ nghề bán quán chăng? Thuỷ Bình cười: _ Nếu thế thì đáng tiếc cho Mạc huynh đã trễ chuyến đò tình rồi! Quân Tử cười theo phụ hoạ: _ “Duyên tiên đâu đến tay phàm?” Kẻ bất tài thô kệch như đệ nào dám mong gì được giai nhân để mắt đến! Chỉ cầu xin một lần gặp mặt chiêm ngưỡng dung nhan cho thoả lòng hâm mộ! Đi đã mỏi chân, hai người bước vào một quán ăn trông khá sang trọng, bước lên lầu chọn một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra phía hồ Tây. Mạc Quân Tử gọi hầu bàn lấy vài món ăn ngon và một bình trà mạn thơm phức. Thình lình một đám thanh niên ồn ào từ dưới bước lên, vài ba gã ăn mặc diêm dúa ra vẻ công tử nhà quan, còn lại thì trang phục nho sinh. Chúng chiếm một bàn lớn ở giữa, gọi rượu thịt ăn uống rất là thô tục, oang oang nói chuyện chẳng để ý chi mọi người chung quanh. Một gã công tử mặc áo tía cầm cái giò gà to béo ngậy đưa lên mồm cắn một miếng tợn, rồi vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói: _ Này chúng ta no say rồi chốc nữa xuống Xuân Phong chơi nhé? Có người báo ở đấy mới tuyển hai ả đào trẻ măng cực kỳ xinh đẹp, hát hay nữa! Gã khác ăn mặc theo lối nho sinh tiếp lời: _ Nhưng nghe bảo bọn chúng kiêu kỳ lắm, muốn gặp phải gửi thiếp báo trước và chẳng phải ai cũng được tiếp đâu! Cả bọn ồ lên: _ Láo thế? Được hầu bọn ta là phúc bảy mươi đời nhà nó rồi, dám từ chối sao chứ? _ Nếu chúng lôi thôi, ta phá nát cái nhà đấy thì có mà kéo nhau ra đường đi ăn mày! Gã nọ lắc đầu: _ Trần Thập Nương chẳng phải là tay dễ trêu vào. Tốt nhất là ta nên dụng lễ đã! Nghe đến tên Trần Thập Nương, Thuỷ Bình hơi giật mình, nàng hỏi nhỏ: _ Xuân Phong là nơi nào Mạc huynh có biết chăng? Mạc Quân Tử đáp: _ Có lẽ là quán Đào nương! Không biết có đúng là dì của Lý huynh hay chỉ là sự trùng danh trùng tính ngẫu nhiên? Thuỷ Bình đề nghị: _ Chốc nữa mình đi theo bọn này đến nơi xem thử. Mạc Quân Tử nheo mắt, miệng cười cười ra vẻ tinh quái: _ Ừ, nếu Lý huynh không ngại thì chúng ta đi. Chắc là náo nhiệt lắm! Thuỷ Bình ngạc nhiên: _ Sao đệ phải ngại chứ? Họ Mạc trấn an: _ Quán Đào nương là chốn dành cho các bậc phong lưu nam tử. Chúng ta đến đấy thưởng thức cũng là bình thường thôi. Ái Hoa (còn tiếp) |
Cột đồng chưa xanh (tt)
Hát ả đào, còn gọi là ca trù, tuy phát xuất từ vùng Thanh Nghệ nhưng lại thịnh hành ở miền Bắc trong khi miền Trung và Nam không biết nhiều đến môn nghệ thuật này, nhất là một tiểu thư khuê các như Thuỷ Bình lại càng mù tịt. Mạc Quân Tử bèn giảng giải cho nàng nghe: _ Ca trù là một môn nghệ thuật gồm hai thứ: thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc gắn liền với giọng ca đào nương và khí nhạc gồm một bộ phách gõ, một cây đàn đáy và một trống chầu. Các đào nương mang tiếng hát phục vụ cho người biết thưởng thức, thường là quan viên hay những nhà nho. Nho giáo đề cao việc suốt đời tu dưỡng đạo đức để hướng tới nhân cách cao khiết, do vậy thú giải trí của nhà nho cũng phải phải là những thứ thanh nhã thể hiện bằng các bộ môn: cầm – kỳ – thi – họa. Ca trù kết hợp hai trong số bốn món đó: cầm và thi, tức là âm nhạc và văn chương. Âm nhạc thể hiện qua làn điệu, tiếng đàn, nhịp phách; văn chương thể hiện qua ca từ của các bài hát. Có nhiều tác phẩm vốn là thơ, phú, từ… lại trở thành kinh điển trong ca trù như Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Tương tiến tửu của Lý Bạch, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú của Tô Thức, Chức cẩm hồi văn của Tô Huệ. Người nghe có thể yêu cầu đào nương hát những bài mình ưa thích, hoặc các bài hát mình sáng tác sẵn. Khi cao hứng, họ có thể sáng tác luôn bài hát để đào nương hát ngay trong cuộc. Tuy ý nghĩa ban đầu cao quý là thế nhưng dần dần những sự việc phức tạp lại xảy ra. Nhiều tình cảm, quấn quít, dan díu đã nảy sinh từ đây. Phía sau các cuộc hát là những cuộc tình phong lưu rất tự do, không bị ràng buộc bởi quan hệ lễ nghĩa vợ chồng. Hơn nữa khi xã hội loạn lạc, đạo đức suy đồi, ca hát trở nên một nghề kiếm sống thì các quán đào nương cũng phải cố chiều chuộng khách, do đó nảy sinh ra những cô đào rượu, tuy không giỏi hát nhưng lại có tài chuốc rượu làm khách vui lòng. Từ đấy các quán ca mang tiếng xấu và bị người đời khinh rẻ. Thuỷ Bình nghe ra thì ửng hồng đôi má, nàng lườm nguýt chàng bằng đuôi mắt thật dài: _ Mạc huynh am tường rành rẽ thế ắt là cũng đã từng có mấy cuộc tình phong lưu rồi đấy hẳn? Mạc Quân Tử chối ngay: _ Đệ là người võ biền thô lậu, đâu có thường xuyên vào nơi dành cho các bậc văn nhân tao nhã ấy. Chỉ là đôi khi có dịp được bằng hữu mời mọc rủ rê, cho theo ngồi chầu nên kiến thức mở mang chút ít vậy thôi. Nếu Lý huynh sợ thì … Thuỷ Bình ngắt lời: _ Ai bảo là đệ sợ? Chúng ta cứ đến đấy vui thú một buổi xem nào! Ái Hoa (còn tiếp) |
Cột đồng chưa xanh (tt)
Lát sau, gã công tử và đám tuỳ tùng kia bước ra ngoài, gã nào cũng chếnh choáng say, mặt đỏ gay, nói năng luông tuồng không màng để ý những kẻ chung quanh. Hai người cũng lẳng lặng trả tiền rồi bước theo chúng nhưng giữ một khoảng cách xa xa để tránh nghi ngờ. Đi chừng nửa khắc vòng vèo qua mấy con phố lờn, chúng rẽ vào một con đường nhỏ rồi thẳng tới một căn nhà lớn, cửa gỗ chạm trổ rất hoa mỹ, trước cửa có bức hoành đỏ đề bốn chữ đại tự bằng nhũ vàng “Xuân Phong Ca Quán”. Từ trong nhà có hai cô gái bước ra đon đả đón chào, cô nào cũng môi son má phấn, đáy thắt lưng ong, trang sức cực kỳ diễm lệ. Một tên nho sinh dường như quen thuộc nơi đây lên tiếng hỏi: _ Dì Mười có nhà chăng? Bọn ta muốn nghe hát ở đây đêm nay! _ Dạ, dì Mười lên dinh quan Ký từ chiều chắc cũng sắp về! Quý công tử có đưa thiếp hẹn trước chưa ạ? Tên nho sinh quay qua giới thiệu: _ Đây là Hách công tử ở phủ Hách công, công tử nghe đồn quán Xuân Phong vừa tuyển được mấy đào nương tài sắc tuyệt vời nên muốn mục kiến cho thoả lòng ngưỡng mộ. Mấy cô gái lắc đầu đáp: _ Ồ, hai cô Ngọc Thanh Ngọc Cầm ấy có cả chồng thiếp xếp hàng sẵn kia, quý công tử muốn chờ đến phiên ắt phải mất vài tuần đấy! Hiện thời họ đang tiếp bọn ông Tú Hàn trong kia rồi. Gã gọi là Hách công tử chửi đổng lên: _ Một tên tú tài quèn thôi mà có mẹ gì! Bảo nó ra đây ta trả cho gấp đôi này. Nếu vừa ý công tử ta thì bạc thưởng tha hồ tiêu hàng tháng ấy! _ Dạ không được đâu ạ! Lề luật ở quán Xuân Phong xưa nay là dù quan quyền hay dân thường, người nào ghi thiếp trước thì được ưu tiên phục vụ, người sau phải chờ đến phiên thôi! Dù cho có hàng núi tiền cũng chẳng thể phá bỏ lề luật được. Hách công tử cười ngạo: _ Lề luật à? Để xem kẻ nào dám phỗng tay trên Hách công tử này? Gã xô dạt mấy cô gái ra bước xăm xăm vào trong. Hai cô gái toan ngăn lại nhưng thấy điệu bộ hùng hổ của cả bọn nên lo sợ tránh qua bên. Bọn chúng theo hướng tiếng đàn ca bước vào một gian phòng rộng. Giữa phòng trải một chiếc chiếu lớn, có năm sáu người ngồi dọc hai bên. Đầu chiếu là một người đàn ông trạc tứ tuần, mặc áo the đen, đầu vấn khăn nhiễu, ngồi ở đầu, tay cầm dùi gõ vào trống chầu để trước mặt. Những người kia ngồi gật gù như đang say mê thưởng thức. Ở chiếc sạp bên trong có hai cô gái, một cô vận áo lụa tứ thân màu lá mạ, mang yếm màu đào, vừa ca vừa gõ phách, cô còn lại mặc áo lụa tím, yếm vàng, đang khảy đàn hoà theo điệu hát. Bọn người Hách công tử vào phòng vừa lôi cổ những người đàn ông đang ngồi nghe ném ra đường, vừa quát tháo: _ Cút ngay đi! Hay muốn ăn đòn vỡ mặt hử? Những người văn nhân bị ném ngã đau quá đứng lên không được, nằm rên hừ hừ. Một số người đi đường dừng lại đỡ họ dậy nhưng vừa thấy mặt đám người Hách công tử đã lật đật bỏ đi ngay. Bọn họ Hách quay vào bảo hai cô gái: _ Hai nàng đừng sợ, cứ đàn ca hầu chúng ta đêm nay, bản công tử sẽ ban thưởng trọng hậu cho! Mạc, Lý hai người theo sau nảy giờ mới vừa đến nơi thấy hành động bọn Hách công tử thì tức giận nói: _ Ở đâu có đám côn đồ ngang ngược thế? Chúng bay chẳng xem luật vua phép nước ra gì à? Ái Hoa (còn tiếp) |
Múi giờ GMT. Hiện tại là 07:23 AM. |
Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2025, Jelsoft Enterprises Ltd.