Vina Forums

Vina Forums (http://forums.vinagames.org/index.php)
-   Thơ Sưu Tầm (http://forums.vinagames.org/forumdisplay.php?f=26)
-   -   Thơ Nguyễn Bính (http://forums.vinagames.org/showthread.php?t=2026)

Han_Tinh_Em 05-18-2004 11:52 AM

Giấc Mơ (nguyễn Bính)

Bỗng dưng đúc được nhà vàng
Sắm xe tứ mã rước nàng vu quy
Vợ hiền cử án tề my
Nửa năm đèn sách đi thi đỗ đầu
Ý không cho cưới nàng hầu
Nửa đêm vợ khóc hoen sầu mắt xanh
Quan to nhất phẩm triều đình
Lầu cao , cửa cuốn buông màng có hoa
Đem đêm gối cánh tay ngà
Nồi kê chưa chín...canh gà dã sôi
Cánh tay ngọc biến đau rồi?
Gối chăn còn giữ nguyên mùi phấn hương

Han_Tinh_Em 05-18-2004 12:02 PM

Bươm Bướm Ngày Xưa

Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lúc tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ .

Lá sen vương vấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cổng mới tan mơ .

Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đêm hôm nay anh mới biết
Tình anh như chuyện bướm xưa thôi .

___ ( Nguyễn Bính ) ___

thuylam 05-21-2004 03:55 PM

Tỉnh Giấc Chiêm Bao"


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 150

Chín năm đốt đuốc soi rừng,
Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân.
Cửa xưa mành trúc còn ngân,
Góc tường vẫn đọng trăng xuân thưở nào.
Làng xa, bản nhỏ, đèo cao,
Gió bay tà áo chiêm bao giữa chừng.
Anh về luyến núi thương rừng,
Nhớ em đêm sáng một vùng thủ đô.
Bồi hồi chuyện cũ năm xưa,
Gặp nhau lần cuối ... trang thư nhạt nhoà.
Thư rằng: "Thôi nhé đôi ta
Tình sao không phụ mà ra phụ tình.
Duyên nhau đạ dựng trường đình,
Mẹ em đã xé tan tành gối thêu ..."
Trăng khuya sáng núi gương đèo,
Anh đi, thư vẫn nằm đeo bên mình.
Lửa sàn nét chữ chên chênh,
Nếp thư đến rách chưa lành vết thương.
Đằm đằm hoa sữa lên hương,
Chân anh vẫn bước trên đường cái đây.
Nẻo hồ, song cửa, lá bay,
Sáng chưng bóng dáng bao ngày yêu xưa.
Trăm năm đã lỡ hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò còn không ?
Tình cờ gặp giữa phố đông,
Em đi ríu rít tay chồng tay con.
Nét cười âu yếm môi son,
Áo bay chắc buổi trăng tròn sánh vai ....
Chín năm bão tối mưa ngày,
Nước non để có hôm nay sáng trời.
Em đi hạnh phúc hồng tươi,
Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao ?
Sắc hương muôn nẻo tuôn trào,
Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình.
Anh về viết lại thơ anh,
Để cho bến mát cây xanh đôi bờ.
Cho sông cho nước tự giờ,
Chẳng còn lỡ chuyến con đò sang ngang.
Lứa đôi những bức thư vàng,
Chẳng còn chữ chữ hàng hàng lệ rơi.
Chim hồng, chim nhạn, em ơi,
Trên nền gối cưới đời đời yêu nhau.

Báo Trăm Hoa -- Hà Nội 9/2/1956



thuylam 05-21-2004 03:55 PM

Chị Trúc trong Thơ Nguyễn Bính


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 124

Thời Báo (Canada), 19/10/00

Ký giả Lô Răng

Theo Bùi Hạnh Cẩn, tác giả NGUYỄN BÍNH VÀ TÔI, đồng thời cũng là anh em con cô con cậu ruột với tác giả LỠ BƯỚC SANG NGANG, thì bà thân của Nguyễn Bính mất rất sớm, khi Nguyễn Bính mơi 3 tháng tuổi. Nguyễn Bính rời quê nội làng Trạm sang ở thôn Vân, quê ngoại (cùng thuộc huyện Vụ Bản - Nam Định) và lớn lên ở đó. Bùi Hạnh Cẩn và Nguyễn Bính như vậy vừa là anh em, vừa là bạn học, bạn thơ từ thủa thiếu thời. Do vậy nên những tiết lộ của họ Bùi soi sáng nhiều điều trong thơ họ Nguyễn.

Có lẽ Nguyễn Bính là thi sĩ đầu tiên (đối với tôi) đã trang trọng đưa "người chị" vào thơ. Tập Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính xuất hiện năm 1938. Gần 60 năm sau tôi mới được nghe bài thơ Chị Tôi của Đoàn Thị Tảo cuối thập kỷ 90 vừa qua. Người tình, người mẹ, người em gái nhỏ ở trong thơ xưa nay không thiếu. Riêng một người chị, ngay từ những bài thơ đầu tiên và sau này suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu "Chị Trúc" một cách thiết tha, đằm thắm. Trong 3 bài Lỡ Bước Sang Ngang đăng lần đầu tiên trên TIỂU THUYẾT THỨ NĂM năm 1938 đều có ghi "Tặng chị Trúc". Sau này nhiều bài thơ khác, khi đi lưu lạc giang hồ, đặc biệt những bài "Trăm câu một vần", "Xuân tha hương" và "Xuân vẫn tha hương", tác giả đều gửi tâm sự về quê nhà, kể lể nỗi niềm cùng chị Trúc:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em, em một chịt
Giời làm xa cách mấy con sông ...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng.
Rượu say nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng...

Trong "Xuân vẫn tha hương", tác giả nằm đón giao thừa ở Huế, "suông cả ân tình rượu cũng suông", đốt ngọn đèn lên nhìn cái bóng cô đơn của mình in trên vách mà thở than cùng chị:

Đêm ba mươi Tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương
Đất khách tình dâng nhòa mắt lệ
Ôi nhà, ôi chị.. ôi quê hương

Trong nhiều bài thơ khác, hình ảnh chị Trúc cứ thấp thoáng xa gần. Chị Trúc đối với Nguyễn Bính là chiếc khăn hồng chị cho để thấm những giọt lệ đời:

Chị cho em chị chiếc khăn thêu
Ý chị thương em khóc đã nhiều
Khóc chị ngày xưa, giờ lại khóc
Cho mình khi tắt một tình yêu..

Chị Trúc là một quê hương để nhớ về - là một đối tượng hết sức thân thương trìu mến để tác giả sẻ chia mọi nỗi cô đơn cũng như những phút giây hạnh phúc:

Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu...

Đọc thơ Jacques Prévers người ta nhớ Barbara - đọc thơ Argon người ta quen với Alsa, đọc Kiều người ta mong gặp Kim Trọng - đọc Lục Vân Tiên người ta nghĩ đến Nguyệt Nga... Đọc thơ Nguyễn Bính ai cũng muốn biết chị Trúc là ai mà người thơ gửi gấm nhiều tâm sự? Nguyễn Bính đã mất trên 30 năm rồi. Người thơ đã nằm im dưới mộ - Nguyễn Bính có một cái hơn người là càng ngày người ta càng đọc, càng ngâm thơ ông. Do vậy nên cái mong mỏi tìm hiểu về chị Trúc càng ngày càng thêm nôn nả.

Như để trả lời vấn nạn của chúng ta, người anh em của Nguyễn Bính, cũng là người bạn học, bạn thơ thủa thiếu thời, Bùi Hạnh Cẩn đã dành một chương trong cuốn "Nguyễn Bính và Tôi" để nói đến chuyện này: "Những bài thơ về chị Trúc".

Bùi Hạnh Cẩn kể rằng Nguyễn Bính sau khi mất mẹ từ rất nhỏ, ông thân của nhà thơ là Nguyễn Đạo Bình tục huyền - cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Bính (tên tục là Nguyễn Trọng Bính) chỉ có 2 người anh trai: Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thu - Nhà thơ không có người chị ruột nào. Vậy chị Trúc là ai?

Người phụ nữ ấy (chị Trúc của nhà thơ) thật ra không có liên hệ họ hàng ruột thịt gì với nhà thơ hết. Theo Bùi Hạnh Cẩn, đó là một phụ nữ họ Lê tên là N.TH. (họ Bùi không hài rõ tên, chỉ ghi như vậy) người đẹp, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa, đôi mắt trong như nước hồ thu. Đặc biệt người phụ nữ này đã có chồng ở thị xã Hà Đông. Ở nơi này có anh ruột của Nguyễn Bính là Nguyễn Mạnh Phác vừa dạy học vừa làm văn nghệ viết kịch, viết báo, làm thơ. Ở tỉnh nhỏ, như thế đã là có giá. Sau này khi Nguyễn Bính nổi danh với Lỡ Bước Sang Ngang thì ông anh Mạnh Phác lại càng được mọi người nể trọng, và đương nhiên chị Trúc người được nhà thơ đề tặng cũng nổi tiếng theo. Thật ra lúc ấy "chị Trúc" chỉ là người em văn nghệ của Nguyễn Mạnh Phác. Một buổi nhà thơ Lê Văn Trương về Hà Đông thăm thú bạn bè - Mạnh Phác, được mời viết cho báo Ích Hữu do Lê Văn Trương phụ trách. Cần phải có một bút hiệu mới cho Mạnh Phác. Ngày xưa, theo lời ông cậu ruột của anh em họ Nguyễn, tức là thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn, thì bà thân của họ Nguyễn "đẻ rơi" Mạnh Phác ngoài lộ. Do vậy nên ngoài tên khai sinh Mạnh Phác còn có tên riêng ở nhà là "cu Đường". Bây giờ cần có một bút hiệu, mọi người mới ghép tên "người em văn nghệ" Trúc với tên riêng Đường thành bút hiệu Trúc Đường. Trúc Đường sau đó trở thành nhà viết kịch có tiếng ở miền Bắc.

Dạo đầu thập kỷ 40, trong không khí ngột ngạt của đệ nhị thế chiến sắp tràn tới Đông Dương, các văn nghệ sĩ có phong trào "đi", hay là "giang hồ vặt", theo khẩu hiệu do Nguyễn Tuân đề xướng "Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc valise". (NT cũng mượn câu nói này của một nhà văn Pháp, tôi không nhớ được tên). Nhưng đi để mà không biết đi đâu?"

Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ?
Đã dấy phong trào khắp bốn trời.

Mấy ông nhà văn, nhà thơ trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, vô Nam rồi lại trở ra... Hãy nghe Tô Hoài kể lại trong hồi ký: "Chúng tôi ghé xuống Thanh Hóa trước tiên.. chúng tôi lại xuống Huế. Vào Huế, lại sống vật vờ như ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Nguyễn Bính gửi thơ về đăng báo, nhờ Trúc Đường gửi tiền nhuận bút vào trọ. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi lại những 3 người. Cũng đến ngày phải đi... chỉ có một mình Nguyễn Bính ở lại Huế".

Đây là thời kỳ Mạnh Phác và chị Trúc gửi thư và tiền vào cho Nguyễn Bính ở Huế. Đó cũng là thời kỳ Nguyễn Bính viết Xuân Tha Hương và Xuân vẫn tha hương.

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Một chị một em, em một chị
Giời làm chia cách mấy con sông...

Chị Trúc, người Nguyễn Bính đề tặng thơ rất trang trọng, người Nguyễn Bính thiết tha sẻ chia tâm sự, thật sự ra chỉ là một "người em văn nghệ" của anh mình: Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác.

Đó chỉ là một hình bóng phụ nữ thoáng qua trong đời Nguyễn Bính. Nhưng nhà thơ trân trọng tôn thờ hình bóng đó, vì Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ thủa nhỏ, đã thiếu tình mẫu tử, lại không có chị, có em nào gần gũi. Chị Trúc thật ra rất xa mà lại rất gần đối với Nguyễn Bính. Đó cũng là ảo giác của người gần chết khát trong sa mạc, tưởng rằng mình sắp đến được một ốc đảo đầy suối trong và bóng mát...




thuylam 05-21-2004 03:56 PM

Đôi dòng tiểu sử Nguyễn Bính


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 123

Tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.

Nguyễn Bính được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm Hồn Tôi.

Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hóa thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm Hoa.

Ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội.

Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang (1940), Tâm Hồn Tôi (1940), Hương Cố Nhân (1941), Mây Tần (1942), Người Con Gái Ở Lầu Hoa (1942), Tình Nghĩa Đôi Ta (1960), Tuyển Tập Nguyễn Bính (1984); kịch thơ Bóng Giai Nhân (1942); truyện thơ Truyện Tỳ Bà (1944)...
Thơ Nguyễn Bính "chân quê": giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo Sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: "Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu ..."




thuylam 05-21-2004 03:57 PM

Anh Lái Đò


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 2

Năm xưa chở chiếc thuyền này

Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

Để tôi mơ mãi mơ nhiều:

Tước đay se võng nhuộm điều ta đi

Tưng bừng vua mở khóa thi

Tôi đỗ quan Trạng vinh quy về làng

Võng anh đi trước võng nàng

Cả hai chiếc võng cùng sang một đò



Đồn rằng đám cưới cô to

Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu

Nhà gái ăn chín nghìn cau

Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn

Lang thang tôi dạm bán thuyền

Có người trả chín quan tiền, lại thôi!

Nguyễn Bính



thuylam 05-21-2004 03:57 PM

Anh Về Quê Cũ


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 92

Anh về quê cũ: thôn Vân
Sau khi đã biết phong trần ra sao?
Từ nay lại tắm ao đào,
Rượu đâu mà cất, thuốc lào nào phơi.
Giang hồ sót lại tình tôi,
Quê người đắng khói, quê người cay men.
Nam kỳ rồi lại Cao miên,
Tắm trong một cái biển tiền người ta ...
Biển tiền, ôi biển bao la,
Mình không bần được vẫn là tay không ...
Thôn Vân có biếc có hồng,
Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.
Đê cao có đất thả diều,
Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay.
Quả lành nặng trĩu từng cây,
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen.
Hiu hiu gió quạt trăng đèn,
Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ra chơi.
Ăn gỏi cá, đánh cờ người,
Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân.
Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nao kết dãi mây Tần cho ta.
Từ nay khi nhớ quê nhà,
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.
Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lâu dần thành ra
Không còn ai ở lại nhà.
Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn.
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn,
Anh về quê cũ có buồn không anh?

1942



thuylam 05-21-2004 03:58 PM

Áo Anh


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 159

1.
Tằm em ăn rỗi hôm nay,
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua.
Mong sao tằm tốt tơ già,
May đôi áo nái làm quà cho anh.

2.
Hẹn cho em một hẹn anh chờ,
Em may áo nái bao giờ mới xong ?
Lạy trời tắt gió ngang sông,
Qua đò biếu áo yên lòng em tôi.

3.
Đưa anh đến bến đò ngang,
Con sào đẩy sóng thuyền nan vào bờ.
Anh đi sương gió vật vờ,
Em về chọn kén chuốt tơ chăm tằm.

Đến mùa gió bấc sang năm,
Bao nhiêu lụa bấy nhiêu làm áo anh.
Mong sao sự nghiệp :Dng thành,
Áo anh đã có em anh may giùm.

1939



thuylam 05-21-2004 03:59 PM

Bảy Chữ


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 140

Mây trắng đang xây mộng viễn hành,
Chiều nay tôi lại ngắm trời xanh,
Trời xanh là một tờ thư rộng,
Tôi thảo lên trời mấy nét nhanh.

Viết trọn năm dài trên vách đá,
Bốn bề lá đổ ngợp hơi thu,
vừa may cánh nhạn về phương ấy,
Tôi gửi cho nàng bức ngọc thư.

Xe ngựa chiều nay ngập thị thành,
Chiều nay nàng bắt được trời xanh,
Đọc xong bảy chữ thì thương lắm,
"Vạn lý tương tư, vũ trụ tình."

Bắc Giang 1940



thuylam 05-21-2004 03:59 PM

Bên Hồ


Thi Sĩ: Nguyễn Bính
thơ/lời: 123

Lá rơi theo gió bay,
Bên hồ ta đứng đắm say nhìn hồ .
Sương mai đây đó trắng mờ,
Như còn lưu luyến đôi bờ cây xanh.
Xa trên mặt nước mông mênh,
Buông thuyền, cô gái nghiêng mình hái sen.





Múi giờ GMT. Hiện tại là 07:35 PM.

Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2025, Jelsoft Enterprises Ltd.