Nguyễn Hiền
Nguyễn Hiền quê làng Hà Dương, huyện Thượng Hiền (Nam Định), thông minh từ thuở nhỏ, học nhà sư ở chùa từ khi 5, 6 tuổi, năm 11 tuổi nổi tiếng thần đồng. Có người ở Kinh Bắc tên Đặng Tính tự thị mình tài giỏi hơn đời, nghe tiếng Hà Dương có thần đồng bèn lặn lội tìm đến thử tài. Đặng ra bài phú đề tài là: "Phụng hoàng sào vu A các, Kỳ lân du vu Uyển hựu" (chim phụng hoàng làm tổ trên A các, con Kỳ lân đi chơi vườn Uyển hựu). Nguyễn Hiền đọc luôn 4 câu:
_ Qui phi Lạc thủy
Long bất Mạnh hà
Ỷ bỉ Hữu hùng chi quốc
Ấp vu Trác lộc chi a"
nghĩa là:
Không phải con rùa sông Lạc thủy
Không phải con rồng sông Mạnh hà
Ấy kia nước Hữu hùng (hùng = con gấu)
Đóng đô ở gò Trác lộc (lộc = con nai)
Câu nào cũng có một giống cầm thú. Đặng Tính lắc đầu le lưỡi rằng:
_ Thiên tài xin nhường cho bác trẻ tuổi này!
Năm đó Nguyễn Hiền đi thi đỗ thủ khoa. Khi vào thi Đình, văn Nguyễn Hiền hay nhất, được vua chấm giải Trạng nguyên. Lúc vào bái mạng, vua thấy bé loắt choắt lấy làm lạ mới hỏi:
_ Trạng học ai ở nhà?
Hiền thưa:
_ Tôi sinh ra đã biết. Chỉ thỉnh thoảng vào chùa hỏi nhà sư vài chữ thôi.
Vua cho là Trạng chưa biết lễ phép, ăn nói không khiêm tốn, cho về nhà học lễ 3 năm rồi mới bổ làm quan.
Không bao lâu có sứ Tàu đem bài thơ ngũ ngôn sang thử tài. Cả triều đình không ai biết nghĩa bài thơ, vua phải sai sứ giả tới làng Hà Dương mời Trạng về triều. Sứ giả tới nơi gặp một đứa trẻ trên đường làng mới kéo lại hỏi thăm thì nó không thèm đáp. Sứ giả cũng là tay hay chữ, bèn nói rằng:
_ Tự là chữ, cất giằng đầu chữ Tử là con, con ai con ấy?
(chữ Tự 字 có nghĩa là chữ, bỏ nét trên đầu thành chữ Tử 子 có nghĩa là con).
Đứa trẻ đáp ngay:
_ Vu là chưng, bỏ ngang lưng chữ Đinh là đứa, đứa nào đứa này?
(chữ Vu 于 có nghĩa là chưng, mất nét ngang giữa thành chữ Đinh 丁 có nghĩa là đứa).
Sứ giả biết là Trạng bèn dò tới nhà, gặp Hiền đang lúi húi nhóm bếp lại châm chọc:
_ Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo? (Tôi nghe quân tử xa chỗ bếp núc, lọ là phải nịnh vua bếp)
Trạng đối liền:
_ Ngã bản hữu qua cư đỉnh nại, khả tạm điều canh. (Ta cốt có chức Tể tướng, còn tạm nấu nồi canh. Ý nói nấu canh cũng như làm tướng, mặn lạt do tay mình)
Sứ giả kính phục bèn kể ý vua rước Trạng về kinh. Hiền nói:
_ Trước Thiên tử bảo ta chưa biết lễ, không ngờ chẳng những Trạng không biết lễ mà Thiên tử cũng vậy.
Rồi nhất định không đi. Sứ giả về tâu, vua phải sai đem ngựa xe cờ lọng đủ lễ thỉnh Trạng mới chịu theo về triều. Liếc qua bài thơ Trạng đã biết ý giải ra ngay, sứ Tàu phải chịu phục (xem bài "Chữ gì" cùng trang ở phía trên). Vua phong Trạng làm Kim tử vinh lộc đại phu, sau thăng Công bộ Thượng thư. Không bao lâu thì mất.
Vua thương tiếc, đổi tên huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên để tránh húy, bắt dân nơi ấy lập miếu thờ, cấp ruộng dành cho việc cúng tế hàng năm.
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)
|