Chương 25
Từ đường Cao-Thắng, trước rạp xi-nê Việt Long, góc Cao Thắng - Trần Quý Cáp, vừa đạp xe qua khỏi đường Phan Đình Phùng, thằng Thạch ra dấu cho thằng Mai và thằng Dũng ngừng lại. Sau đó, nó ngoái lại nhìn về phía sau lưng, chờ cho vắng xe rồi nó từ từ đạp xe qua hướng lề trái.
Ba thằng ngừng xe lại trước một cái quán nhỏ - có lẽ là một cái nhà vừa được dùng để ở và mở quán buôn bán - trước cửa có một quày như một chiếc xe bán bánh mì. Thằng Mai ngạc nhiên hỏi thằng Thạch:
- “Quán bánh mì tàn chi quái đao của mầy đây hả?”
Không đợi thằng Thạch trả lời, thằng Dũng nhìn lên tấm bảng hiệu “Hòa Mã - bánh mì thịt nguội - chuyên môn Ba-tê, Jambon - saucisson. Giò - đầu Heo”, nói thay:
- “Tiệm bánh mì ngầu nhất đô thành Sài Gòn nha mậy.” Thằng Mai bán tín, bán nghi:
- “Sao mầy biết.”
- “Mấy ông ký giả thường ăn ở đây lắm. Ông nào cũng khen ngon mà rẻ nữa.”
Thằng Thạch nói như ra lệnh:
- “Thôi vô ăn đi, để coi mầy thấy có ngon bằng bánh mì Chợ Lớn của mầy không?"
Ba thằng dựng xe ngay gốc cây lề đường, bước vào quán. Đã quá giờ ăn sáng, sắp đến buổi trưa nên quán hơi thưa khách. Ba thằng chọn cái bàn sát ngay cửa ra vào. Thỉnh thoảng được ba nó dẫn đến đây ăn sáng nên thằng Thạch tỏ ra là dân sành điệu, nói với người phụ nữ, vấn khăn kiểu phụ nữ miền Bắc xưa:
- “Bác cho con ba dĩa thịt nguội với ba-tê gan.”
Thằng Mai thầm thì:
- “Ê, bà chủ quán răng đen mã tấu, tụi bây ơi.”
- “Người Bắc hay nhuộm răng đen lắm. Bà này người Bắc mà.”
- “Ủa, người Bắc sao biết bán bánh mì kiểu Tây?”
- “Vậy mới tàn chi quái đao chớ mậy.”
Bà chủ khẽ khàng mang ra ba dĩa sứ thịt nguội được trang điểm bằng những cọng hành ngò, dưa chua và chút bơ vàng. Ba ổ bánh mì tròn, mới được nướng lại, nóng, bốc mùi bột thơm điếc mũi, nằm trong ba cái rỗ nhỏ đầy cám dỗ làm nước miếng ứa chân răng. Mùi thịt, mùi bánh mì, mùi thơm của bơ, mùi của quán làm tụi nó đói bụng cồn cào. Không thằng nào bảo thằng nào, tụi nó tự động chấm dứt cuộc tranh luận để tấn công vào những miếng thịt nguội đang nằm trên dĩa. Nãy giờ, trong góc nhà, một người đàn ông, ngồi lặng lẽ đọc báo bên tách trà có lẽ đã nguội từ lâu chợt ngẩng lên. Ông nhìn thằng Dũng rồi nhíu mày lại có vẻ suy nghĩ. Còn thằng Dũng, dù đang cầm nĩa, đưa miếng thịt nguội béo ngậy vào miệng, linh cảm có người đang nhìn mình, nó đưa mắt nhìn về phía người đàn ông. Những nét gì đó quen quen mơ hồ từ người đàn ông này nhưng trong thoáng chốc nó chưa kịp nhận ra.
- “Sao ông đó nhìn mầy dữ vậy? Bộ mầy ăn quỵt tiền ở đây hả? Hay là mầy cua con gái ổng?” Thằng Thạch trêu thằng Dũng.
Như để trả lời câu hỏi của thằng Thạch, người đàn ông lừ lừ đứng dậy, đi về phía thằng Dũng, cả bọn nó bỗng dưng không ai bảo ai im lặng và ngưng lại công việc đưa thức ăn vào bao tử. Đến bàn tụi nó, ông tự động kéo ghế ngồi xuống và hỏi:
- “Mấy cậu là học sinh Petrus Ký?”
Ông ấy nói bằng giọng Bắc, tiếng hơi nặng, không đợi bọn nó trả lời, ông nói tiếp:
- “Học sinh Petrus Ký học tốt lắm. Như ngoài Bắc, hồi xưa có trường Bưởi. Tuổi các cậu là tuổi đẹp, tuổi của hạnh phúc...” Quay sang thằng Dũng, ông hỏi:
- “Có phải cậu là con của anh Thành, ở nhà in...?”
Từ khi nghe giọng nói của ông ta, Dũng đã ngờ ngợ là mình đã gặp ông này ở đâu rồi nhưng ký ức chưa kịp trở về cho đến khi ông nhắc đến tên của ba nó thì nó reo lên:
- “Bác... bác Ngọc!”
- “Lúc này anh Thành khỏe không?”
- “Dạ, khỏe, thưa bác.”
- “Cậu về bảo với anh Thành cho tôi gửi lời hỏi thăm, bảo với anh ấy là lúc này tôi chưa có sáng tác nào mới để in cả. Cậu bảo với anh ấy là lúc nào thuận tiện, tôi mời ghé quán nhà tôi dùng quà sáng, cả cậu nữa nhá.”
Thằng Dũng thầm phục trí nhớ của ông chủ hiệu bánh mì Hòa Mã này. Nó chỉ gặp ông có một lần, khi ông đến nhà in để nhận tập thơ Hoa Thề mà ông đã đặt in tại đây. Nó còn nhớ lúc ấy ông Ngọc đã ký tặng ba nó tập thơ vừa mới đóng xén xong, còn thơm mùi mực. ông Ngọc nói với ba nó: “Mình in thơ vì muốn trải lòng, muốn tâm sự nhưng chẳng biết gửi về đâu. Chẳng dám làm làm thi sĩ. Chỉ cần làm ông chủ hiệu bánh mì, ai ăn một lần cũng nhớ là được rồi.” Giọng ông lớn, sang sảng và vui vẻ.
Ba nó góp lời:
- “Vừa là nhà thơ vừa là ông chủ hiệu bánh mì nổi tiếng Sài Gòn hoa lệ thì chánh phủ cũng đâu có cấm.”
- “Thôi ông cò ơi, làm thơ là làm cho mình. Còn làm cửa hiệu là làm cho khách. Nhiều khi làm chủ cửa hiệu bánh mì cho ngon, ai ăn một lần cũng nhớ, tồn tại với thời gian còn khó hơn làm thơ nữa...”
- “Tôi tin là tiệm bánh mì Hòa Mã của ông cũng sẽ là một cái tên quán khi ai đó muốn nói đến đặc điểm của Sài Gòn cũng như nói đến chùa cũng phải nói đến Tam Tông Miếu.” Ông Ngọc kêu lên:
- “Mà Hòa Mã thì nhìn xéo qua chùa Tam Tông Miếu. Mấy ông sư lo tranh đấu nên quên bánh mì Hòa Mã, mấy ổng nhớ tẩy chay thì mệt. Lúc này mấy ông sư mạnh lắm...”
Thằng Dũng luôn nhớ giọng cười và tiếng nói sang sảng của ông. Đáng lẽ nó phải nhớ ra ông trước chứ tại sao nhà thơ lại nhớ thằng nhỏ như mình. Lúc áy có vài người khách vào quán, ông Ngọc lại quày bánh mì, bưng những dĩa thịt nguội, bánh mì đến bàn cho khách. Thằng Dũng thầm thì với bọn thằng Thạch:
- “Nhà thơ đó nghe tụi bây.”
Thằng Thạch lộ vẻ ngạc nhiên:
- “Nhà thơ mà bán bánh mi mậy? Tao nghe nói mấy ông nhà thơ tối ngày cứ đi mây về gió không mà.”
Thằng Dũng bí nhưng cũng cố giải thích, dù sao nó cũng có liên quan đến nhật trình, báo chí mà:
- “Mấy ông nhà thơ kia sống bằng nghề làm thơ còn ông này làm thơ nhưng sống bằng nghề bán bánh mì của vợ. Vợ ổng bán chứ ổng có bán đâu.”
Thằng Thạch hỏi thằng Mai:
- “Sao lo ăn không vậy mậy, ngon không?”
- “Ngon tàn chi quái đao Dương Chí Tôn luôn. Bánh mì này là bánh mì Tây chứ không phải bánh mì bán ngoài xe lề đường. Bánh mì trước rạp Việt Long cũng ngon nhưng không ngon bằng ở đây."
- “Mầy nói chuyện huề tiền không hà. Bánh mì bán ngoài xe là bánh mì bình dân, còn bánh mì Hòa Mã là bánh mì thượng hạng, sức mấy mà so sánh được. Nhưng bánh mì rạp Việt Long đã hơn...”
Thằng Dũng thắc mắc:
- “Sao mà đã hơn.”
- “Người bán đẹp hơn, trẻ hơn ông bà chủ Hòa Mã”
- “Mầy làm như hễ người đẹp là bánh mì ngon vậy.”
- “Ngon nay là ngon tâm lý. Khúc bánh mì do tay người đẹp cầm đưa cho mầy thì thơm hơn khúc bánh mì do bà già cầm đưa cho mầy."
Thằng Mai như chợt nhớ ra cái tát tai của con nhỏ bán bánh mì khi nó làm theo lởi của thằng Thạch xúi dại:
- “Bộ mầy định nói tới con nhỏ bán xe bánh mì trước rạp Việt Long đó hả. Con nhỏ đó dữ như bà chằn, thôi bỏ qua đi tám.”
Thằng Dũng ngớ ra:
- “Con nhỏ bán bánh mì nào?”
Thằng Thạch giả lả:
- “Xe bánh mì trước rạp Việt Long. Bánh mì ở đó cũng ngon.”
Không biết rằng thằng Thạch có một mối quan tâm gì đó đến con nhỏ bán bánh mì đã từng cho nó xơi một bạt tai, thằng Mai lanh chanh:
- “Mà con nhỏ bán bánh mì dữ như bà chằn luôn.”
- “Tại mầy chọc nó làm chi.” Không hiểu sao nó nói thêm, có lẽ vì nó không muốn thằng Mai hiểu lầm về con Tịnh: “Có lẽ con nhỏ mầy gặp là em hay chị nó.”
Thằng Mai ngạc nhiên:
- “Sao mầy biết? Hay là...”
Không để thằng Mai nói hết câu, thằng Thạch chặn ngay: “Con nhỏ cho mầy ăn chưởng chỉ là con nhỏ em, con nhỏ chị hiền hơn nhưng khó tính lắm, đố thằng nào có thể tán cho nó mở miệng.”
Thằng Dũng tự tin:
- “Làm gì mà khó dữ vậy. Chỉ cần nói chuyện vãn hoa là ghê nào cũng khoái.”
- “Thôi, bỏ qua đi tám. Với con nhỏ này thì sức mấy." Thằng Dũng tự ái:
- “Nếu tao nói chuyện với nó được thì mầy tính làm sao?”
- “Tao bao mầy chầu xi-nê ở Rex”
Thằng Mai ăn có:
- “Tao làm chứng cho.”
- “O. K Salem.”
Thằng Thạch gọi chủ quán bánh mì Hỏa Mã tính tiền. Nó móc tờ giấy năm chục cáu cạnh để lên bàn một cách hùng dũng. Thằng Mai nhìn tờ giấy bạc, buông ra một câu nhận định: “Tao đến xe bánh mì, móc giấy 100 ra, mua một ổ bánh mì 50 là ghê thua liền...”
Thằng Thạch thầm nghĩ:
- “Thằng này khinh địch quá.”
Bà chủ quán Hòa Mã bước lại bàn tụi nó, khẽ nói:
- “Ông nhà tôi mời các cậu xơi quà sáng hôm nay, không tính tiền.”
Thằng Mai lẹ làng cầm tờ giấy bạc, trong khi thằng Dũng hơi ngập ngừng và khi đứng dậy nó khoanh tay và nói:
- “Tụi con cám ơn hai bác.”
- “Dạ, cám ơn hai bác.”
Vừa lấy xe, thằng Mai vừa nói:
- “Tao mà như thằng Dũng sẽ ghé đây ăn hoài.”
Thằng Dũng phản bác:
- “Mình đâu có được lợi dụng lòng tốt của người ta, buôn bán, kiếm được đồng tiền cũng cực khổ lắm cứ bộ.”
Thằng Thạch thì thực tế hơn:
- “Một hai lần thôi mầy ơi, mầy lại nhiều lần coi, tiền lính là tính liền nghe mậy. Bây giờ ghé lại rạp Việt Long xem con nhỏ đó hôm nay có ra bán không hay là...”, nó định nói hay là đến nhà thằng Hòe, nhưng nó ngừng lại vì không muốn cho hai thằng này biết là con bé Tịnh thuộc loại học giỏi mà tụi nó có ngước cổ mà nhìn cũng không tới.
Cả ba đạp xe từ đường Cao Thắng đi ngược về hướng Hồng Thập Tự để ghé rạp Việt Long, nằm ngay ngã ba Cao Thắng - Trần Quý Cáp. Vừa gần đến rạp Việt Long, thằng Thạch liền ngừng xe, kêu:
- “Ê... tốp, tốp... tụi bây.”
Hai thằng kia liền ngừng xe lại, thằng Thạch liền nói:
- “Ê, nó kìa. Hôm nay nó bán chứ không phải em nó.” Thằng Mai lõ mắt nhìn:
- “Ừ, đúng rồi, con hỏ này là con nhỏ khác, không phải là con nhỏ đánh tao hôm bữa, nhưng mà tao thấy quen quen... hình như tao gặp ở đâu rồi...”
Thằng Thạch nói với thằng Dũng:
- “Đâu mầy trổ tài cho tao coi đi...”
Thằng Dũng đạp xe thẳng tới xe bánh mì, sau đó thằng Mai cũng lót tót đạp xe theo, dù sao nó vẫn là chứng nhân cho cuộc đối thoại với chủ nhân xe bánh mì. Còn thằng Thạch đứng từ xa để theo dõi kết quả, xem là nó bất tài ăn nói hay là con Tịnh là con nhỏ khó chịu thiệt.
Tại xe bánh mì, thằng Dũng tán tỉnh con Tịnh:
- “Em đẹp như giai nhân cho lòng anh thao thức...”
- “Anh ăn bánh mì gì? Thịt, cá hay patê?”, con Tịnh hỏi. Những câu tán tỉnh loại này, con Tịnh nghe riết đã trở thành miễn nhiễm.
- “Cho anh khúc bánh mì thịt, bao nhiêu cũng được để nói rằng lòng anh đã cảm mến em.”
Giống như lúc bán cho những người khách khác, mặc cho khách đứng lải nhải, con Tịnh vẫn im lặng làm bánh mì. Sau khi để đồ chua và xịt nước tương vào bánh mì xong, nó gói lại và đưa cho thằng Dũng.
- “Mười đồng anh.”
Thằng Dũng đưa cho con Tịnh tờ 50 đồng của thằng Thạch hồi nãy:
- “Tiền không là tất cả chỉ có tình người mới là nụ hồng trong cuộc sống.”
Thằng Mai đứng nghe thằng Dũng nói chuyện mà trong lòng nó nói thầm “thằng này nói chuyện cải luơng còn hơn Hùng Cường, Thành Được nữa nghe mắc cười thấy mẹ”. Nghĩ vậy nó không dám lên tiếng. Dù sao nó vẫn là trọng tài, làm chứng cho thằng Dũng. Nó chỉ chăm chăm nhìn vào ổ bánh mì. Hồi nãy ăn bánh mĩ Hòa Mã, nó cảm thấy chưa đã thèm vi phần bánh mì đó quá ít, phần thì gu bánh mì Hòa Mã không hạp với gu bán mì của nó. Bánh mì xe này mới là đúng điệu. Đồ chua, hành lá, ngò xanh đâu ra đó. Bánh mì mà thiếu đồ chua thì kể như thua. Nhưng phải nói là xe bánh mì hấp dẫn nó không phải là vì con nhỏ bán bánh mì nhưng là vì khoanh thịt luộc. Nhìn khoanh thịt luộc với lớp da bọc màu hồng, trắng nõn những mỡ, nó muốn chảy nước miếng. Xóm nó chỉ có gánh bánh mì bà Tư Móm mới đạt được trình độ làm thịt luộc kiểu này nhưng thịt heo của bả làm mua từ heo lậu có bơm nước cho nặng ký của tư lái nên dù ăn ngon nhưng cũng thấy ơn ớn. Nó chỉ cầu mong cho thằng Dũng đưa cho nó ổ bánh mì còn thằng Dũng có nói chuyện được với con nhỏ này hay không thì nó không quan tâm.
Còn thằng Thạch từ đàng xa thấy con Tịnh đưa ổ bánh mì cho thằng Dũng thì nó hiểu rằng thằng Dũng đã đầu hàng. Sức mấy mà tán con nhỏ này được. Nó thầm hả hê trong lòng. Không phải nó là thằng không biết tán ghệ nhưng tại con nhỏ này thuộc ghệ - cua - gạch nên nó phải chịu thua mà thôi.
Nhưng quái lạ! Khi thằng Dũng đưa ổ bánh mì cho thằng Mai đi rồi thì thằng Mai, tay cầm khúc bánh mì vẫn tiếp tục đứng nói chuyện với con Tịnh. Nó thấy con Tịnh đứng nói chuyện với thằng này rồi còn giơ tay chỉ trỏ gì đó. Còn thằng Mai, không biết lịch sự văn hóa gì hết, cứ đứng đó vừa thổi “khẩu cầm” vừa nói chuyện với con Tịnh. Ngay cả thằng Dũng cũng ngạc nhiên khi thấy mình trổ tài văn chương để tán tỉnh mà chẳng đi tới đâu, trong khi thằng Mai nói năng giật cục, nhát gừng, rất ư là đầu đường xó chợ, hành tiêu tỏi ớt thế mà lại làm cho con nhỏ bán bánh mì chịu nói chuyện với nó. Sức mấy mà hiểu nổi?
Sau khi gặm gần hết ổ bánh mì, thằng Mai mới chịu quay lại chỗ thằng Thạch và Dũng đang đợi. Thằng Thạch cáu tiết, vừa vì chờ lâu, vừa vì thấy thằng Mai hơn nó. Nó dấm dẳng: “Mầy nói với nó cái gì vậy?”
Thằng Mai ngơ ngác:
- “Nói cái gì. Ạ... tao nói về chuyên làm thịt luộc bọc da làm sao cho ngon như xe bánh mì của nó. Tao còn chỉ nó bí quyết nữa...”
- “Bí quyết cái gì?”
- “Muốn làm thịt luộc ba rọi cho ngon phải cột bằng dây chuối chứ không được cột bằng dây nylong, sau đó phải luộc bằng nước dừa.. Tao chỉ nói có vậy thôi, còn bao nhiêu là con nhỏ đó nó nói không...” Ngừng một chút rồi nó nói tiếp: “Ờ mà quên nữa, con nhỏ tên Tịnh, nó có theo thằng Hòe đến lớp mình tham dự liên hoan tất niên đó...”
__________________
|