Có điều lạ là những cánh cửa trong nhà hàng đều không khoá, ngay cả những cánh cửa sổ cũng được mở tung ra, hèn gì tụi con nít dám chạy vô đây như chỗ không người . Ông Sang cầm điện thoại lên tính kêu cảnh sát nhưng ông ngừng lại ngẫm nghĩ:
-Nhà hàng không bị mất gì, không lẽ mình báo là ...có ma ?
Ông Sang không phải là người nhát gan, yếu bóng vía, tuy rằng ông tin có ma, nhưng ông cũng tin có quả báo, ông tin rằng người và ma là hai thế giới khác nhau, ông không đụng “họ” thì “họ” sẽ không chạm tới ông . Nếu chỗ này có oan hồn hay ma quỷ ám chướng chi đó, tại sao lại chờ tới lúc này mà phá ? Ông Sang nhìn ra cửa trước nhà hàng, đối diện ngay cánh cửa, nằm sát tường, ở dưới đất là cái bàn thờ nhỏ bằng gỗ ông đã mua ở phố Tàu năm ngoái . Trong bàn thờ ông đặt một cái tượng ông Địa, tượng trưng cho Thần Tài, để mong cho nhà hàng Trùng Dương làm ăn khấm khá . Hình ảnh ông Địa với cái bụng to và nụ cười rộng tới mang tai làm ông Sang sực nhớ tới mấy ông thày pháp bắt ma . Xứ này kiếm thày bói không khó, chứ đi hỏi kiếm thày pháp sư, không chừng bị người ta cười vào mũi . Cả năm nay mở nhà hàng, bây giờ ông Sang mới cảm thấy muốn buông xuôi, ra sao thì ra, nhưng chuyện làm ăn, đâu có thể một sớm một chiều vì mấy con ma mà bỏ . Ông Sang lẩm bẩm một mình:
- Thây kệ, để lát nữa biểu chú Chín mua đồ về cúng cho .... vợ chồng nó, có lẽ tụi nó chưa được đi đầu thai ... (nói tới đây, ông Sang cao giọng hơn, ai vô tình nghe được chắc người ta tưởng ông bị ma nhập) .... Tụi bay có nợ nần chi thì sống đã trả hết rồi, chết là hết, đừng có làm hại người khác ...đừng có phá tao, phá khách của tao, nếu không thì ... thì đừng có trách ...
Nói đến đây, ông Sang ngập ngừng rồi im lặng, ông cũng không biết sẽ phải làm gì với mấy con ma . Hù ...ma xong, ông Sang cảm thấy vững tâm một tí, mạnh miệng nói như vậy để trấn an cái cảm giác sợ hãi trong lòng, ông biết ma chỉ phá ban đêm, lúc đó ông và mọi người trong nhà hàng về nhà hết, cho tụi nó ở ké part-time, không trả tiền cũng là quá đáng lắm rồi .
Loáng thoáng ngoài kia có tiếng xe hơi cũ quen thuộc chạy xình xịch ra cổng sau nhà hàng rồi tắt máy, ông Sang đi vội ra nhà bếp mở cửa, nóng nảy chờ đợi . Dũng và chú Chín nối đuôi nhau đi vào, hai người đồng ý đi carpool (xe của Dũng) mỗi ngày để đi làm cho tiện, tuy là chỗ ở của họ không cách nhà hàng Trùng Dương bao xa . Dũng hôm nay không cạo râu, khuôn mặt lộ rõ nét mệt mỏi, giống như mới đánh xong canh bạc bị thua cháy túi . Chú Chín cũng không khá hơn bao nhiêu, suýt tí nữa là ông Sang không nhận ra chú . Cặp mắt chú Chín có hai cái vòng đen, có lẽ còn đen hơn mấy cái đáy chảo trong nhà bếp, môi dưới chú trễ xuống, dài hơn thường lệ, mấp máy định nói gì đó nhưng ông Sang ra hiệu cho chú khoan nói, thằng Mễ phụ bếp tên Chê Sần (Jason) cũng vừa xuất hiện ở cửa bếp, lên tiếng chào ông và mọi người . Chê Sần không biết nói tiếng Việt, chỉ nghe hiểu được một số từ như, rửa chén, nhặt rau, nấu cơm nhưng ông Sang muốn tránh, chuyện này càng ít người sợ càng tốt .
Chờ cho Chê Sần đi vo gạo, chú Chín mới lại gần ông Sang, miệng chú thì thầm mà tay chú vẫn không quên làm việc, chú cầm con dao mài xoèn xoẹt lên miếng đá kêu ken két làm ông Sang nhăn mặt, thụt lùi lại phía sau một bước:
- Ghê quá ông chủ à, tối hôm qua tui nằm mơ, tui thấy con dzợ tui nó báo mộng cho tui ...
Nói xong câu mở đầu giựt gân, chú Chín liếc nhìn ông Sang để dò phản ứng, không thấy ông Sang nói gì, chú Chín hơi thất vọng nhưng vẫn xổ một tràng không đầu không đuôi, khi chú nói nhanh, tiếng Việt của chú trở nên lơ lớ:
- Từ lúc con dzợ tui nó mất tới giờ, ông chủ biết đó, tui đâu có dám nghĩ đến bà nào, cũng may cho tui , tui mà lí dzợ là tiêu đời với hai con ma này dzồi . Ông chủ có nghe qua chuyện ma tìm người chết thế hong dzạ? Tui biết nói ra thế nào ông chủ cũng la tui .... mà tui cũng chỉ nói cho mình ông chủ nghe, chỗ ở của vợ chồng thằng Phan, tức là căn B từng chệt, ở ngay đây nè, chỗ bếp này là phòng ngủ của vợ chồng nó ...
Cho dù bình tĩnh tới đâu, ông Sang cũng không khỏi giật thót người, ông đưa mắt nhìn bao quát căn bếp, tưởng tượng ra một khung cảnh đầm ấm của đôi vợ chồng trẻ, rồi sau đó là vụ thảm sát, biết đâu chỗ ông đang đứng là nơi họ nằm chết ? Ông Sang làm bộ ho nhẹ rồi nạt chú Chín:
- Vợ chú chết lâu rồi mà .... chắc là chú nhớ bả quá rồi ban đêm nằm mơ chứ gì ?
Chú Chín đặt con dao xuống, quay sang mở freezer, chú lôi từng con vịt đã làm sẵn ra xếp thành hàng lên khay, lát nữa đây, chú sẽ ra tay đao phủ thủ đưa đám vịt lên bếp lửa hồng . Quẹt cánh tay lên trán lau mồ hôi, mới sáng sớm mà chú đã đổ mồ hôi nhễ nhại, chú than:
- Tui có linh tính là sẽ có chuyện xảy ra .... tui chỉ mong là đừng gặp, đừng thấy, ông bà mình nói hong sai mà, gặp ma xui lắm, xui ba năm, uýnh bài đâu là thua đó! Ủa, sao vịt mất tiêu đâu hai con dzồi ?
Ông Sang đang bước ra mở cửa trước, nghe chú Chín la hoảng vội quay lại:
- Chú đếm lại coi, chú có nhớ lộn hông ?
- Đâu có, tui có ghi số đánh dấu đàng hoàng, tui xếp đúng 8 con vô ngăn tủ đá ....
Tiếng chó sủa dồn dập phía đằng sau cửa bếp cắt ngang lời nói của chú Chín . Chê Sần lau vội đôi bàn tay ướt, ló đầu ra cửa ngơ ngác, chó hàng xóm hôm nay ồn ào quá . Mọi khi tụi chó đâu có cãi nhau, những tiếng chó sủa càng lúc càng lớn, lâu lâu lại gừ gừ như sợ hãi, như dọa nạt .
Nghĩ là lũ nhỏ trở lại phá, ông Sang cùng Chê Sần bước ra ngõ quan sát . Ngõ vắng tanh, giữa mùi thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan, ông Sang ngửi thấy có mùi thịt sống tanh tưởi, ông bước lại gần gốc cây tìm tòi . Khuất sau gốc cây, dưới đám ruồi vo ve là đống xương vịt còn dính chút thịt và da xếp thành đống ngay ngắn!
***
Thanh ngắm từng tấm thiệp hồng in chữ mạ vàng, tấm nào cũng đẹp, biết chọn kiểu gì đây ? Chi cũng háo hức không kém, cô cầm một tấm thiệp nhung đỏ lên mũi hít, thơm quá . Ông chủ tiệm nhìn hai người mỉm cười:
- Tui sẽ để giá đặc biệt cho, đừng lo, đáng lẽ in thiệp gấp như vầy, ít khi tui nhận . Anh chị chắc chắn ngày cưới và nhà hàng nào chưa ?
Thanh nói nhanh không cần suy nghĩ, ngày cưới quan trọng cả đời mà, phải nhớ chứ:
- Dạ thưa bác, ngày 20 tháng 7, tức là hai tháng nữa đó bác, tụi cháu sẽ đãi tiệc cưới vào tối hôm đó, tại nhà hàng Trùng Dương!
Ông chủ tiệm sững sờ vài giây, nhìn Thanh trân trân:
- Phải anh muốn nói nhà hàng Trùng Dương nằm trên đường Bolsa ?
Thanh gật đầu hãnh diện, không ngờ nhà hàng Trùng Dương lại nổi tiếng như vậy:
- Dạ đúng đó bác, nhà hàng đẹp, chỗ đậu xe rộng rãi, chủ nhà hàng lại là chỗ thân tình với gia đình cháu .
Ông chủ tiệm mấp máy môi toan nói gì đó nhưng ông lại ngưng, dù sao cũng không phải chuyện của ông, ông nói lảng:
- Ờ, phải rồi, tui thấy địa điểm ở đó rất tốt cho đám cưới, tuy nằm gần khu thương mại nhưng lại không ồn ào, khu đất đó mới sửa sang ...hình như anh chị mới dọn về Cali phải không ?
Thanh ngạc nhiên nhìn Chi:
- Bác tài thiệt, ba má cháu ở dưới Los, còn cháu thì đi học xa, hồi đó cháu học ở Ohio, mới tốt nghiệp năm ngoái, vợ cháu cũng mới dọn sang Cali .
Nhân lúc ông chủ tiệm in cúi xuống hí hoáy ghi chép địa chỉ nhà hàng, Chi quay sang hỏi Thanh câu hỏi mà cô đã hỏi đi hỏi lại mấy lần:
- Anh có chắc là nhà hàng Trùng Dương đủ rộng cho 30 bàn tiệc không anh, anh hỏi bác Sang chưa ? Theo em, mình cũng phải trừ hao ...
Thanh nghiêm mặt xác nhận:
- Em không tin anh thì cũng phải tin bác Sang chứ . Hiện giờ nhà hàng Trùng Dương xài loại bàn vuông cho rộng rãi, nhưng nếu đãi tiệc cưới, phải dùng loại bàn tròn . Bàn tròn tiết kiệm rất nhiều chỗ, nếu xếp khéo có thể để được 40 bàn, tính ra mình còn có thêm sân khấu cho ban nhạc và một khoảng trống dưới sân khấu để nhảy đầm . Bác Sang nói với anh là bác ấy sẽ đặt mua loại bàn tròn, vì sau này dù sao nhà hàng cũng cần tới cho các tiệc cưới khác . Đám cưới của tụi mình là tiệc cưới đầu tiên nên sẽ được dùng bàn mới, khăn mới .
Chi sung sướng nắm tay Thanh, cô nói vuốt:
- Tại em lo nên mới hỏi, anh cũng biết đó, mới đầu chỉ tính mời ít thôi, nhưng ba má anh đâu chịu, rồi đâu phải chỉ có bạn bè của em, của anh, nguyên họ hàng nhà anh ...
Chi đang nói dở dang thì có tiếng điện thoại reo, Thanh lục túi quần:
- Không phải điện thoại của anh, chắc của em đó Chi ?
Chi áp điện thoại vào tai, nét mặt cô tự dưng biến đổi, cô xoay mặt nghiêng mình nhìn ra cửa . Tuy không nghe người bên kia nói gì nhưng Thanh biết Chi đang bực mình, cô gắt gỏng:
- Không được đâu ... đã nói rõ rồi mà, đừng kêu lại cho Chi nữa, dạo này Chi bận lắm .... gặp cũng vậy thôi ....vậy đi nghen!
Quàng tay qua vai Chi, Thanh tò mò hỏi:
- Ai vậy em?
Chi bối rối tắt điện thoại, cô nói mà không nhìn Thanh:
- Có điện thoại cũng phiền, thôi để em tắt đi ....con nhỏ bạn cũ của em đó mà, lâu ngày không gặp, nghe tin em sắp lấy chồng nó lại không biết điều, cứ rủ đi chơi hoài!
Thanh quen Chi qua một người bạn học giới thiệu, quen nhau một thời gian ngắn rồi quyết định lấy nhau . Đáng lẽ Thanh muốn để một thời gian nữa mới làm đám cưới, nhưng ba má Thanh cứ thúc hối mãi . Chi có tính mềm mỏng, chuyện gì cũng chiều ý Thanh, cho nên chuyện cãi nhau hầu như chưa bao giờ xảy ra . Hồi nào giờ Thanh vẫn tin Chi thành thật với mình, hôm nay trong giọng nói và cử chỉ của Chi, Thanh mơ hồ cảm thấy có gì là lạ, dấu diếm .
Thanh nắm tay Chi, chiếc nhẫn đính hôn có viên kim cương năm góc cộm lên trong lòng bàn tay, cạnh sắc của kim cương làm Thanh đau điếng:
- Bạn em cũng như bạn anh, có gì mà em ngại, bộ em không tính mời người ta tới dự đám cưới của mình à ? Ủa, mà cô đó là ai, anh đã gặp qua chưa ?
Chi chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại lại reng, như bị điện giật, Chi cầm điện thoại lên nhìn rồi thở phào:
- Rõ ràng là turn it off rồi, làm hết hồn ...lần này là điện thoại của anh đó!
Tiếng người nói văng vẳng bị ngắt quãng từng chập trong điện thoại làm Thanh phải bịt một bên tai lại để nghe :
- Dạ, bác Sang đó hả, bác nói gì cháu nghe không rõ ? Dạ, cháu là Thanh đây bác ...
Giọng ông Sang rè rè, tiếng được tiếng mất:
- Bác tính vầy không biết có được không ....Tiệc cưới hai tháng nữa ...có lẽ ... không ....để bác hỏi ....
- Hai tháng nữa, dạ kịp mà bác, tụi cháu mới đặt in thiệp cưới nè bác .
-......không ... được ....bác....
- ??? Bác Sang ơi, điện thoại bị gì đó, cháu nghe không rõ, hay để lát cháu kêu lại cho bác ?
- À, ừ ...kêu cho bác...bye cháu!
Chi lo lắng:
- Anh đừng nói với em là bác Sang đổi ý đó nghen, thiệp cưới thì đặt rồi, tới giờ này mà đổi ngày là ...là khỏi làm đám cưới luôn! Ba má em chọn mãi mới kiếm được ngày lành năm nay cho hai đứa mình .
Thanh lắc đầu:
- Anh có nghe được bác Sang nói gì đâu, để lát ra ngoài anh gọi lại, không biết sao điện thoại khó nghe quá!
Rời tiệm in bước ra xe, Chi nhìn đồng hồ tay:
- Nhà hàng Trùng Dương cách đây không xa, sẵn em đang đói bụng, hay là mình tới đó ăn trưa nha anh ?
Thanh gật đầu không nói, anh nghĩ thầm:
- Tiệc ở nhà hàng chỉ là phụ, không đãi tiệc vẫn có thể làm đám cưới được như thường, làm đám cưới kiểu Mỹ là khoẻ nhất, đỡ mệt .
Tuy mong vậy nhưng Thanh biết sẽ không bao giờ thuyết phục được tứ thân phụ mẫu và nhất là Chi, cô sẽ nghĩ là Thanh không coi trọng cô . Chi thường mơ mộng:
- Anh có còn nhớ đám cưới của công nương Diana không anh ? Linh đình và đẹp quá anh hén ? Hồi nhỏ em mê tới bây giờ . Vương giả vua chúa thì làm đám cưới kiểu vương giả, người thường như mình mà làm đám cưới cũng cần phải long trọng :roll: . Em thấy mình không nghèo đến nỗi không có khả năng tổ chức được một đám cưới như người ta . Em muốn có một ngày đám cưới khó quên cho cả hai đứa mình . Khi đãi tiệc, mình phải tìm một nhà hàng thật lớn, thật nhiều bàn, có phòng trang điểm cho cô dâu, rồi còn phải có chỗ để bày cái bánh cưới, chung quanh xếp hoa tươi ...
Nếu Chi trọng hình thức bao nhiêu thì Thanh lại thích giản dị bấy nhiêu . Qua lời những thằng bạn thân đã lấy vợ của Thanh kể lại, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, ngày đám cưới là ngày của hai họ, của tất cả mọi người, không phải của riêng gì cô dâu và chú rể, phong tục người Á Châu là vậy . Bao giờ cũng phải nghĩ đến cái vui của số đông hơn là vui riêng, cô dâu và chú rể thì mệt đừ người ra, có khi cả ngày không được ngồi xuống mà uống một miếng nước, miệng thì lúc nào cũng phải nhoẻn một nụ cười như là sung sướng lắm . Sau này vụ đãi tiệc ở nhà hàng Tàu cũng được một số người trẻ đổi lại là đãi tiệc ở hotel của Mỹ . Các cô cậu thích đặt tiệc ở hotel vì vừa sang, vừa lịch sự, đẹp mắt, cho dù có tốn kém hơn họ cũng chịu . Nhưng các ông cụ bà cụ cao niên, răng yếu bụng yếu lại chê không tiếc lời, nào là đồ ăn Mỹ ăn không ngon, no không đủ, lèo tèo tí rau với miếng bánh mì, nước uống nhiều hơn thức ăn, không khí tẻ nhạt v.v... Tính tới tính lui, rốt cuộc rồi Thanh cũng phải chọn đám cưới truyền thống, đãi tiệc tại nhà hàng Trùng Dương .
Giờ ăn trưa ở Trùng Dương khách khứa ra vào đông không kém gì giờ ăn tối . Thanh phải lái xe vô tận phía bên trong, dọc theo bờ tường mới kiếm được chỗ đậu . Theo thói quen, Chi kéo tấm kiếng trước mặt xuống để tô lại son môi . Nhìn vô gương Chi thoáng thấy có bóng người đàn ông từ phía sau nhà hàng đi ra, Chi sợ hãi thụp đầu xuống khiến Thanh ngạc nhiên:
- Gì đó Chi ?
Chi hồi hộp ngồi lên nhìn lại trong gương lần nữa, bóng người đàn ông biến mất sau nhà bếp , cô ngẩn ngơ, không lẽ tình cờ như vậy sao . Chi nghiêng mặt để mái tóc rũ sang một bên, che bớt đi một nửa khuôn mặt:
- Dạ không, tự dưng em thấy nhức đầu, hết muốn ăn, nắng quá anh à, hay là anh cho em về .
Thanh tắt máy xe, hơi lạnh cũng theo đó tắt theo, không khí trong xe trở nên nóng và ngột ngạt hơn:
- Đã tới đây rồi thì vô một tí đi em, không ăn cũng được, nhưng chờ anh nói chuyện với bác Sang đã chứ!
(Còn chưa hết :eek: )
__________________
Ảo Giác ***
Ray rứt sầu mang bởi vì yêu .
Thân tàn khổ nhục mới tiêu điều .
Dương gian bối cảnh nhiều ngang trái .
Người đời sanh hận cũng vì yêu .
Tình đến thân thương hỏi bao nhiêu ?
Sao người vẫn thử cứ làm liều ?
Dấn thân cam chịu tình sa đọa .
Cho hồn ảo mộng mãi vì yêu .
Tình vốn thiêng liêng rất nhiệm mầu .
Khiến người tâm động mãi khắc sâu .
Vấn vương sầu nhớ dù sơ khởi .
Cho người ôm mộng mãi về sau .
Tình yêu nào phải ánh trăng sao .
Hay vương lầu mộng ..có đâu nào .
Chỉ là ảo giác khi mộng tưởng .
Sao người cứ mãi vẫn khát khao ?
Thử hiểu vì sao mới yêu nhau .
Biệt danh tương xứng hay diện mạo .
Tâm đầu ý hợp lời trao đổi .
Tình đến người chạnh ở điểm nào ?
|