View Single Post
  #5  
Old 11-13-2012, 03:49 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww ĐẮC NHÂN TÂM - Phần 4

ĐẮC NHÂN TÂM

Phần IV - Sửa tính người mà không làm cho họ phật ý


Chương Một

Nếu bạn bắt buộc phải chỉ trích, thì xin bạn bắt đầu như sau này


Hồi Calvin Coolidge còn làm Tổng thống Huê Kỳ, một người bạn tôi được mời lại Bạch cung, vô phòng ông vừa đúng lúc ông nói với cô thư ký của ông rằng: "Chiếc áo cô bận hôm nay thiệt đẹp... Cô có duyên lắm...".
Ông vốn ít nói. Chưa bao giờ người ta nghe ông khen những người giúp việc ông như vậy. Thiệt lạ lùng, thiệt bất ngờ, tới nỗi cô thư ký thẹn thùng đỏ mặt lên.
Ông Coolidge nói tiếp: "Lời tôi khen đó, cô đừng lấy làm tự phụ lắm; tôi chỉ muốn làm vui lòng cô thôi... Từ nay tôi muốn khi đánh máy, cô để ý tới những dấu chấm câu hơn chút nữa".
Phương pháp đó tuy kém kín đáo, nhưng tâm lý thật sâu sắc. Sau khi được nghe lời khen rồi, ta thấy những lời trách không khó chịu lắm.
Người thợ hớt tóc, thoa xà bông thiệt kỹ rồi mới cạo râu.
Phương pháp đó, ông Mc. Kinley dùng năm 1896; khi ông dự bị cuộc vận động tuyển cử của ông để làm Tổng thống. Một trong những người cộng tác với ông, viết một bài diễn văn mà người ấy tự cho rằng hùng hồn bằng tất cả những bài của Cicéron, Démosthène và Daniel Webster hợp lại.
Vẻ tự đắc hiện trên mặt, người đó đọc cho ông Mc. Kinley nghe tác phẩm bất hủ của mình. Thiệt ra bài đó có giá trị, nhưng dùng không đúng trường hợp, sẽ làm cho người ta la ó, phản đối, chế giễu, nhưng ông Mc. Kinley không muốn phạm lòng tự ái, cũng không muốn làm cụt hứng người đó. Nhưng dù sao cũng phải chê. Ông xử trí khéo léo như vầy; ông khen lớn:
"Bài diễn văn của anh thiệt hay; đáng khen lắm; không ai làm hơn được. Trong nhiều trường hợp, một bài như vậy cần lắm. Nhưng trong trường hợp này, nó có thiệt là thích hợp không? Mặc dầu lời lẽ hữu lý và ôn tồn, ta cũng nên đoán trước nó sẽ có tiếng vang gì trong đảng chúng ta. Anh về nhà đi, viết cho tôi bài khác phỏng theo những ý kiến đây này, rồi anh gởi cho tôi một bản nhé".
Người kia vâng lời, theo ý ông và có công giúp ông nhiều nhất trong cuộc vận động bầu cử đó.
Dưới đây là một bức thư mà Tổng thống Lincoln viết ngày 26-4-1863, trong giờ đen tối nhất của cuộc Nam Bắc chiến tranh. Đã 18 tháng rồi, những đại tướng của Ngài cầm đầu quân đội miền Bắc thua hết trận này tới trận khác. Thiệt là một cuộc đâm chém vô lý và vô ích. Cả ngàn lính đào ngũ. Dân tình hoảng sợ. Chính đảng Cộng hòa cũng phản kháng, đòi Ngài từ chức. Ngài nói: "Chúng ta ở ngay bờ một vực thẳm. Thượng đế hình như cũng ghét bỏ chúng ta và tôi không còn một mầm hy vọng nào hết!".
Đại tướng Hooker đã có những lầm lỗi nặng và Tổng thống muốn sửa trị người hữu dõng vô mưu cầm vận mạng của cả một dân tộc đó. Vậy mà trước khi chỉ trích, Ngài khen Hooker ra sao? Lầm lỗi của Đại tướng rất nặng mà Ngài không nói tới ngay bằng một cách tàn nhẫn. Ngài chỉ rất ôn tồn nói: "Ông đã làm vài việc mà tôi không được hoàn toàn vừa ý...". Thiệt là nhã nhặn và lịch thiệp!
Đây, bức thư đó đây:
"Tôi đã để ông cầm đầu đạo binh Potomac. Khi quyết định như vậy, tất nhiên tôi đã căn cứ vào những lý lẽ vững vàng. Nhưng tôi không phải cho ông hay rằng ông đã làm vài điều mà tôi không được hoàn toàn vừa ý.
Tôi tin rằng ông là một quân nhân can đảm và có tài dụng binh. Tự nhiên, tôi trọng những tài ba đức tính đó.
Tôi cũng tin rằng ông không vừa cầm quân, vừa làm chính trị, mà như vậy là phải. Ông có đức tự tin, đức đó quý lắm, nếu không phải là cần thiết.
Ông có xa vọng. Xa vọng mà giữ được trong những giới hạn cho vừa phải thì tốt nhiều hơn là hại. Nhưng tôi biết rằng xa vọng của ông đã đưa ông tới sự dùng đủ mọi cách để cản trở Đại tướng Burnside; như vậy ông đã làm hại lớn cho nước chúng ta và cho một người bạn cầm quân đáng trọng và đáng khen của ông.
Mới rồi ông có nói - tôi biết chắc như vậy - rằng quân đội và chính phủ đều cần có một người độc tài cầm đầu.
Không phải vì ông có ý tưởng đó mà tôi tin dùng ông. Chính ra, dù ông có ý tưởng đó, tôi cũng vẫn có gan dùng ông. Ông cũng hiểu vậy chứ?
Chỉ những đại tướng thắng trận mới có thể đòi làm nhà độc tài được. Bây giờ tôi hãy xin ông thắng trận trước đã, còn vấn đề độc tài, chúng ta sẽ bàn sau.
Chính phủ sẽ hết sức bênh vực ông, nghĩa là không hơn cũng không kém các đại tướng khác. Nhưng tôi ngại rằng cái phong trào chỉ trích và nghi ngờ các vị chỉ huy mà ông rải rác trong quân đội sẽ trở lại hại ông. Tôi sẽ hết sức giúp ông để triệt cái thói đó đi.
Quân đội mà có tinh thần đó thì ông - mà cả Nã Phá Luân tái sinh nữa - cũng không thể bắt họ gắng sức được. Ông nên coi chừng hữu dõng vô mưu. Nhưng ông phải cương quyết; luôn luôn dụng tâm mãnh tiến và đem đại thắng về cho chúng tôi".
Tôi hiểu bạn lắm. Bạn không phải là một Coolidge, một Mc. Kinley hay một Lincoln. Điều bạn muốn biết là làm sao áp dụng phương pháp đó vào công việc làm ăn hàng ngày được. Đây, xin bạn nghe chuyện ông Gaw, kiến trúc sư giúp việc cho một hãng thầu khoán lớn về nhà cửa.
Ông Gaw là một người thường như bạn và tôi.
Hãng của ông cậy ông cất ở Philadelphie một ngôi nhà lớn, hẹn phải cho xong một thời hạn nhất định. Mọi việc tiến hành thuận tiện. Nhà cất gần xong rồi thì thình lình nhà chế tạo những đồ đồng để trang hoàng phía trước nhà, cho hay rằng không giao những đồ đồng đó y hẹn được. Sao? Cả một tòa nhà vì vậy mà phải trễ sao? Phải bồi thường lớn và sai hẹn, sẽ lỗ vốn lớn, bao nhiêu sự khó khăn! Mà chỉ vì mỗi một người!
Gọi điện thoại... Tranh biện... trách mắng... Đều vô hiệu. Hãng bèn sai ông Gaw lại Nữu Ước vô tận hang để làm xiêu lòng con cọp đó.
Khi ông vô phòng giấy nhà chế tạo đó, ông nói:
"Ông có biết rằng ở Brooklyn này, không có ai trùng tên với ông không?".
Người kia ngạc nhiên: "Không, tôi không hay đấy". Ông Gaw tiếp: "Tôi cũng mới hay đây, khi kiếm địa chỉ của ông trong Điện thoại niên giám".
Nhà chế tạo lấy cuốn niên giám và tìm kiếm kỹ lưỡng, rồi nói với một giọng tự đắc rõ rệt:
"Quả thật tên tôi hơi lạ. Họ tôi gốc ở Hòa Lan qua cư trú ở đây gần được hai trăm năm rồi".
Trong vài phút, ông ta vui vẻ kể về cha mẹ và tổ tiên ông. Khi ông ta nói xong, ông Gaw khen nhà máy của ông ta và kết luận:
- Nhà máy đó vào hạng sạch sẽ nhất, khéo tổ chức nhất trong số các nhà máy mà tôi đã được thấy.
Nhà kỹ nghệ nói:
- Tôi đã suốt đời dựng nó lên, sửa sang nó và tôi lấy làm tự đắc vì nó lắm... Ông muốn đi thăm các xưởng của tôi không?
Ông Gaw, từ đầu đến cuối trầm trồ khen máy móc, phương pháp làm việc và giảng giải tại sao ông cho là hơn những nơi khác. Ông nhận thấy vài bộ phận đặc biệt: nhà kỹ nghệ khoe tự ông ta sáng tạo ra và tả tỉ mỉ về những động tác của nó ra sao.
Sau cùng, ông ta cố mời ông Gaw dùng bữa trưa với ông ta. Bạn nhận kỹ, từ đâu tới đó, chưa có nửa lời về mục đích của cuộc thăm viếng.
Sau bữa, nhà kỹ nghệ nói: "Thôi nói về việc ông đi. Tất nhiên tôi hiểu tại sao ông lại đây. Tôi không ngờ rằng ông nói chuyện vui vẻ như vậy. Ông có thể trở về Philadelphie. Tôi hứa với ông rằng những đồ đồng của ông sẽ làm và giao đúng hẹn, dù tôi phải ngưng hết thảy những công việc khác lại".
Ông Gaw không đòi mà được. Nhà kỹ nghệ giữ lời hứa và tòa nhà cất xong đúng hẹn.
Nếu ông Gaw dùng những phương pháp kịch liệt mà người ta thường dùng trong những trường hợp đó thì có trôi chảy được như vậy không?
Vậy, muốn cải thiện người mà không làm cho người đó phật ý, giận dữ, bạn hãy:
"Bắt đầu câu chuyện bằng cách tặng người đó vài lời khen thành thật".
Đó là quy tắc thứ nhất.


Chuong 2

Chỉ trích cách nào mà khỏi gây thù oán?


Charles Schwab, cánh tay mặt của Andrew Carnegie, ông vua Thép, nhờ thiệp thế mà khéo ngoại giao mà được hết thảy mọi người quý mến. Một buổi trưa, có việc đi qua các xưởng của ông, ông bắt gặp một nhóm thợ đương hút thuốc, mà ngay trên đầu họ có tấm bảng đề "Cấm hút thuốc". Ông Schwab xử trí ra sao? Ông có chỉ tấm bảng mà la lên: "Các anh không biết đọc ra sao?". Không! Ai kia thì xử sự như vậy, chứ ông Schwab thì không bao giờ. Ông lại gần họ, đưa cho mỗi người một điếu xì gà rồi nói: "Xin anh em vui lòng ra ngoài kia hút".
Nhóm thợ hiểu rằng ông biết họ đã phạm luật của xưởng nên nhắc khéo họ. Họ càng quý mến ông, vì chẳng những ông không đả động tới điều lệ, còn mời họ hút thuốc, làm cho họ cảm động mà thấy ông nể nang họ. Ai mà không mến một người như vậy?
John Wanamaker, là chủ nhiệm cửa hàng lớn trong tỉnh Philadelphie, cũng dùng phương pháp đó. Ông có thói quen mỗi ngày đi dạo qua hết các gian hàng của ông. Một lần ông thấy một bà khách đứng đợi tại một gian hàng mà chẳng ai tiếp bà hết. Các cô bán hàng còn mải cười giỡn, chuyện trò trong một xó. Ông Wanamaker không nói chi hết, nhẹ nhàng tiến lại quầy hàng, đích thân tiếp bà khách hàng, rồi đem giao món hàng bà đã lựa cho một cô làm công để gói lại... đoạn tiếp tục đi.
Một vị mục sư nổi danh ở Huê Kỳ, ông Lyman Abbott, khi nhận chức, phải đăng đàn thuyết pháp tỏ ý ai điếu và ca tụng công đức vị mục sư tiền nhiệm mà hồi sanh tiền vốn có tài hùng biện.
Vì quyết tâm tỏ tài, ông ra công gọt giũa bài thuyết pháp của ông còn tỉ mỉ hơn văn sĩ Flaubert nữa. Khi viết xong, ông đọc cho bà mục sư nghe. Bài đó chẳng hay ho gì, cũng như phần nhiều những bài diễn văn soạn sẵn.
Bà Abbott, nếu vụng xử, ắt đã nói: "Này, mình, bài đó tệ quá... không được đâu!... Thiên hạ sẽ ngủ gục mất. Nó tràng giang đại hải như một bộ bách khoa tự điển vậy. Mình thuyết giáo đã lâu rồi mà sao còn dở vậy? Thì mình cứ nói tự nhiên, dùng ngôn ngữ của mọi người có hơn không? Nếu mình đọc bài đó ra, thì sẽ tai hại cho mình lắm đa!...".
Bà mục sư có thể nói như vậy được. Nhưng rồi sẽ xảy ra sự chi, chắc bạn đã đoán được. Chính bà cũng biết vậy nữa. Cho nên bà chỉ nói rằng bài diễn văn đó, nếu cho đăng vô Tạp chí Bắc Mỹ thì tuyệt. Nghĩa là bà kín đáo vừa khen, vừa chê bai đó không thích hợp với công việc thuyết giáo. Ông Lyman Abbott hiểu ý, xé bài văn đã tốn nhiều công đó và chẳng cần soạn trước, ông đăng đàn thuyết giáo.
Vậy, muốn thay đổi hành động của một người mà không làm phật ý họ và cũng không gây thù oán:
Bạn hãy nói ý cho họ hiểu lỗi của họ.
Đó là quy tắc thứ hai


Chương Ba

Hãy tự cáo lỗi trước đã


Cách đây vài năm, cháu gái tôi, Joséphine Carnegie, rời quê hương tới làm thư ký cho tôi tại Nữu Ước. Hồi đó cháu 19 tuổi, mới ở trường ra, nghĩa là không có một chút xíu kinh nghiệm nào về thương mãi. Hiện nay cháu đã trở nên một trong những thư ký hoàn toàn nhất mà tôi được biết. Nhưng hồi mới ư?... Hồi mới thì cháu... còn cần phải học rất nhiều.
Một hôm, tôi đã định rầy cháu, nhưng suy nghĩ lại, tự nhủ: "Khoan đã, Dale Carnegie à... Tuổi anh gấp đôi tuổi nó. Anh kinh nghiệm cả vạn lần hơn nó. Anh bắt nó có quan điểm của anh, có trí xét đoán của anh sao được, tuy rằng anh còn tầm thường lắm đấy! Nhớ lại chút coi! Hồi anh 19 tuổi, anh đã làm những chi nhỉ? Anh có nhớ đã làm việc đó... rồi việc đó nữa không...?".
Sau khi cân nhắc kỹ, một cách chân thành và vô tư, tôi phải kết luận rằng cháu Joséphine còn giỏi hơn tôi khi tôi bằng tuổi cháu, mà tôi phải thú nhận rằng như vậy không phải là một lời khen cháu đâu.
Nhưng lần sau, mỗi khi tôi bắt buộc phải rầy cháu, tôi bắt đầu như vầy: "Cháu đã lầm lỗi, nhưng có Trời Phật biết cho, hồi xưa chú còn lầm lỗi nặng hơn cháu nhiều. Phải lớn tuổi mới biết xét đoán được. Hồi chú bằng tuổi cháu, chú vô lý hơn cháu nhiều. Chú đã làm nhiều cái bậy đến nỗi chú không dám chỉ trích một ai hết. Nhưng, cháu thử nghĩ giá làm như vầy, có phải khôn hơn không?...".
Nếu ta khiêm tốn nhận trước rằng ta cũng chẳng hoàn toàn gì rồi mới trách kẻ khác, thì kẻ đó không thấy khó chịu lắm.
Vị Vương hầu khôn khéo Von Bulow đã hiểu phương pháp đó là quan trọng từ năm 1909. Lúc đó ông làm Tể tướng dưới triều Hoàng đế Guillaume II, vị Hoàng đế cuối cùng của nước Đức, ngạo mạn, kiêu căng thường tự khoe rằng lục quân và hải quân của mình đủ sức "đánh tan lũ mèo rừng".
Một chuyện lạ lùng xảy ra, Hoàng đế tuyên bố những lời không thể tưởng tượng được, làm rung động cả châu Âu và vang lên khắp bốn phương trời. Những lời điên rồ hợm hĩnh và vụng dại đó, ông tuyên bố giữa công chúng, trong khi ông qua thăm Anh hoàng; ông lại cho phép tờ báo Anh Daily Telegraph công bố lên mặt báo nữa.
Ông tuyên bố rằng ông là người Đức độc nhất có cảm tình với người Anh, rằng ông sẽ tăng cường hải quân của ông để chống với Nhật Bản, rằng chỉ nhờ sự can thiệp của ông mà Anh quốc mới khỏi bị đè bẹp dưới sự đô hộ của Nga, Pháp, rằng Anh thắng được quân Boers ở Nam Phi là nhờ trận đồ của ông, và còn nhiều hơn nữa...
Từ 100 năm, chưa thấy ông vua nào giữa thời bình mà tuyên bố những lời lạ lùng như vậy. Cả châu Âu giận dữ ồn ào, như bầy ong vẽ vỡ tổ. Nước Anh khích nộ sôi nổi. Các nhà chính trị Đức hoảng sợ. Giữa sự kinh ngạc của mọi người, Hoàng đế đâm hoảng, cậy Vương hầu Von Bulow nhận giùm hết trách nhiệm thay vua. Ông muốn Tể tướng bố cáo rằng chính Tể tướng đã khuyên ông tuyên bố những lời lạ lùng đó.
Von Bulow cãi:
- Tâu Bệ hạ, thần tưởng không một người nào ở Anh cũng như ở Đức, lại có thể tin rằng thần đã khuyên Bệ hạ như vậy được.
Chưa dứt lời thì Von Bulow đã tự biết mình lỡ lời. Hoàng đế đùng đùng cơn giận:
"Thì ngươi nói phắt rằng ngươi coi ta ngu như lừa, đã làm những lỗi mà ngươi, ngươi không khi nào làm!".
Von Bulow biết rằng đáng lẽ phải khen trước đã rồi mới chê, nhưng trễ quá rồi, chỉ còn mỗi một cách vớt vát là: đã lỡ chê trước thì phải khen sau vậy; và năng lực của lời khen thiệt mạnh, kết quả dị thường:
Tể tướng kính cẩn trả lời:
"Thần đâu dám có ý đó. Bệ hạ hơn thần về nhiều phương diện. Không những hơn về vấn đề binh bị và hải quân - điều đó đã đành - mà hơn cả về khoa vật lý học nữa. Thần đã từng khâm phục nghe Bệ hạ giảng về phong vũ biểu, về vô tuyến điện tín hoặc về quang tuyến X nữa. Thần tự thấy xấu hổ, vì chẳng biết chút chi về hóa học và vật lý học, không thể phân tích được một vấn đề giản dị nhất của khoa học. Nhưng bù vào đó, thần cũng biết chút ít về sử ký và có lẽ có vài đức tính khả dĩ có thể dùng được trong chánh trị và ngoại giao".
Hoàng đế tươi như hoa. Von Bulow tự nhún để khen ngợi, biểu dương Người, và Hoàng đế đại xá cho hết, vui vẻ truyền: "Trẫm và ngươi không nên rời nhau. Trẫm đã chẳng nói rằng Trẫm và ngươi bổ sung lẫn cho nhau sao?''.
Rồi Hoàng đế siết chặt tay Von Bulow, không phải một mà nhiều lần, Guillaume II đã xúc động tới nỗi, trong ngày đó, có lần giơ hai quả đấm lên nói:
"Nếu kẻ nào đó nói bất kỳ điều gì xúc phạm tới Vương hầu Von Bulow, thì Trẫm sẽ thoi vào mặt nó!".
Von Bulow đã biết chữa lỗi lại liền. Nhưng con cáo già đó cũng đã lầm lỡ; đáng lẽ là phải bắt đầu tự cáo những khuyết điểm của mình và ca tụng Guillaume II đã, thì ông đã lỡ tỏ trước rằng ông chê vua vụng dại không biết giữ gìn lời nói.
Chỉ có vài lời tự nhún và khen ngợi mà Von Bulow đã làm cho một ông vua kiêu căng đương bị xúc phạm biến thành một bạn thân, tận tâm với mình. Phương pháp đó đối với một vị Hoàng đế còn có hiệu quả như vậy, thì bạn thử tưởng tượng đối với chúng mình đây, còn hiệu quả tới đâu. Sự nhũn nhặn và biết khâm phục, khéo dùng cho vừa phải và đúng trường hợp, giúp chúng ta làm được những việc phi thường trong đời chúng ta.
Vậy muốn thay đổi thái độ của người khác mà không làm cho họ phật ý, giận dữ, bạn phải theo quy tắc thứ ba sau này:
Trước khi chỉ trích ai, bạn hãy tự thú nhận những khuyết điểm của bạn đã".


Chương Bốn

Đừng ra lệnh


Một người, trong ba năm làm việc chung một phòng với nhà kinh tế học trứ danh Owen D. Young, người đã lập ra kế hoạch Young, nói rằng không hề nghe thấy ông ra lệnh cho ai hết. Ông Young chỉ bảo, đề nghị, tuyệt nhiên không truyền lệnh. Chẳng hạn không khi nào ông nói: "Làm cái này", "Làm cái kia...", "Đừng làm cái này hay cái kia". Không, ông nói: "Thầy có thể nghiên cứu việc này được...", "Thầy cho rằng như vậy nên không?". Sau khi đọc cho người ta đánh máy một bức thư, ông thường hỏi các người giúp việc ông: "Như vậy được không? Khi người giúp việc trình ông bản thảo một bức thư để xin ông sửa cho, ông chỉ bảo: "Có lẽ nên sửa lại câu này như vầy...".
Luôn luôn ông để cho những người giúp việc ông có nhiều sáng kiến, không bao giờ ông tỏ vẻ bắt buộc họ làm việc này việc nọ theo ý ông, mà ông để họ hành động theo ý họ. Nếu họ lầm lẫn thì là một cơ hội cho họ tự cải.
Một cách đối đãi như vậy làm cho người ta vui lòng tự sửa mình. Lại không làm thương tổn lòng tự ái của người ta, cho người ta nhận thấy sự quan trọng của người ta và như vậy người ta sẽ vui lòng cộng tác với mình, không phản đối mình.
Vậy quy tắc thứ 4 để sửa lỗi người mà không làm cho họ phật ý, giận dữ là:
"Đừng ra lệnh. Dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta".


Chương Năm

Giữ thể diện cho người


Mấy năm trước, Công ty Điện khí ở Nữu Ước gặp một việc khó giải quyết: làm sao cho Charles Steinmetz chịu bỏ chức chủ sở đi được. Steinmetz là một thiên tài bậc nhất về điện học, nhưng hoàn toàn bất tài trong công việc chỉ huy một phòng kế toán. Công ty sợ làm phật ý ông vì ông rất cần cho công ty mà lại dễ hờn vô cùng. Các ông giám đốc công ty liền thăng ông lên chức: "Kỹ sư cố vấn của Công ty Điện khí"; chỉ có cái chức là mới, còn công việc vẫn là công việc cũ. Rồi họ lựa một người khác cho chỉ huy phòng kế toán.
Steinmetz sung sướng.
Mà các vị giám đốc cũng vậy!
Khéo xử một cách ngọt ngào, biết giữ thể diện cho Steinmetz, họ đã êm ấm đạt được mục đích, không thiệt hại chút gì hết.
"Giữ thể diện!". Điều đó quan trọng lắm. Vấn đề sinh tử! Vậy mà trong chúng ta, có mấy người biết giữ thể diện cho người khác? Chúng ta chà đạp cảm tình của người, bắt họ theo ý ta, buộc lỗi họ, dọa dẫm họ; chúng ta rầy la con cái hay người giúp việc trước mặt bất cứ ai, không hề nghĩ rằng tự ái của họ đang bị ta chà đạp. Mà có khó khăn gì đâu, chỉ một chút suy nghĩ, vài lời ngọt ngào, một lòng thành thật gắng sức quên mình và hiểu người là đủ làm dịu hẳn vết thương.
Lần sau, chúng ta có bắt buộc phải làm công việc đáng ghét là đuổi một người ở hay một người làm công thì ta nên nhớ điều đó.
Đây là nguyên văn bức thư một kế toán viên gởi cho tôi:
"Đuổi người làm công, không phải là một cái thú. Mà bị đuổi lại càng không thú chút nào hết. Công việc của hãng chúng tôi có từng mùa. Cho nên, bắt đầu tháng ba là chúng tôi phải sa thải một số nhân viên đi.
Mãi tới gần đây, chúng tôi vẫn báo tin buồn đó cho những người bị hy sinh bằng cách này:
Ông Smith, mời ông ngồi xuống. Tới mùa hết việc rồi, chúng tôi không có đủ công việc để cậy ông giúp... Chúng ta đã cho ông hay trước rằng công việc ông làm chỉ tạm thời thôi...".
Nhưng người bị mất việc dù sao cũng thất vọng lắm. Họ có cảm tưởng bị bỏ rơi và không thèm giữ một mảy may cảm tình với một hãng đã đối đãi với họ khiếm nhã như vậy.
Sau này, tôi áp dụng một cách lịch sự hơn, đối đãi với họ có lễ độ hơn. Tôi cho mời từng người vô phòng tôi sau khi suy nghĩ kỹ về công việc họ đã giúp tôi trong cả mùa đông, tôi nói với họ như vầy:
"Ông Smith, ông đã đắc lực giúp chúng tôi (nếu quả có vậy). Khi chúng tôi cậy ông đi Nữu Ước, nhiệm vụ không phải dễ mà ông đã thành công được một cách đáng khen; hãng lấy làm vinh dự lắm. Ông có tài, có nhiều tương lai, dù ông làm việc ở đâu cũng vậy. Chúng tôi tin cậy ông và hễ có việc để nhờ ông giúp được, chúng tôi sẽ nghĩ tới ông. Chúng tôi không quên ông...
Kết quả tốt hơn vô cùng. Họ không oán hờn gì hết, họ không cho rằng họ bị chúng tôi phản. Họ hiểu rằng nếu có công việc thì chúng tôi tất giữ họ lại. Và khi chúng tôi cần tới họ, họ vội vàng lại liền, có vẻ cảm ơn chúng tôi lắm".
Ông Dwight Morrow, cựu sứ thần Mexique, đã quá cố, nhạc phụ ông Lindbergh, có một tài dị thường là làm cho hai kẻ thù sắp đà đấm nhau, hòa giải với nhau liền. Ông làm cách nào? Ông tìm trong quan điểm của hai người, tất cả những chỗ mà ông cho là công bằng, ông đem phô bày ra và ca tụng, không cho ai là trái hết, dù cuộc tranh biện kết cục ra sao cũng vậy.
Đó là quy tắc của mọi sự trọng tài: giữ thể diện cho người ta.
Năm 1922, sau hai thế kỷ oán thù, dân Thổ Nhĩ Kỳ quyết xua đuổi những kiều dân Hy Lạp ra khỏi nước, Mustapha Kémal hô hào quân lính". Hỡi sĩ tốt, mục đích của chúng ta là Địa Trung Hải". Chiến tranh đó giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, là một trong những chiến tranh cận đại đổ máu nhiều nhất. Quân Thổ thắng và khi hai đại tướng Hy Lạp Tricoupis và Dionis lại tổng hành dinh của Kémal để đầu hàng, dân Thổ trút lời nguyền rủa lên đầu họ.
Nhưng Kémal không tỏ ra cho họ thấy rằng ông là người thắng. Những bực vĩ nhân không phí thì giờ tự đắc, khoe những thành công của mình.
Ông bắt tay hai đại tướng đó nói:
"Xin mời hai Ngài ngồi xuống đây, chắc hai Ngài mệt lắm".
Rồi sau khi nói chuyện với họ về trận mạc, ông xoa vết thương tự ái của họ: "Tôi xin lấy tư cách một quân nhân nói chuyện với hai Ngài cũng là quân nhân. Tôi cho chiến tranh là một canh bạc, và những người cao nhất cũng có khi thua".
Vậy, cả tới trong khi nỗi vui mừng thắng trận kích thích ông, mà ông cũng không quên quy tắc quan trọng thứ 5 sau này:
"Giữ thể diện cho người"


Chương Sáu

Khích lệ người ta cách nào?


Tôi đã được biết anh Pete Barlow. Anh chuyên môn dạy chó và ngựa làm trò trong những rạp xiếc. Tôi thích coi anh dạy chó lắm. Khi một con chó hơi tấn tới một chút, anh vuốt ve nó, khen nó, thưởng nó thịt; nói tóm lại, trọng thị sự thành công của nó.
Phương pháp đó không mới mẻ gì. Tất cả những người dạy súc vật áp dụng nó đã nhiều thế kỷ rồi.
Tôi tự hỏi đối với loài người sao chúng ta không dùng cách hợp lý đó? Tại sao ta không dùng thịt thay cho roi, lời khen thay cho lời mắng? Chúng ta nên theo anh Pete Barlow: muốn khuyến khích ai thì dù người đó tấn tới rất ít, ta cũng nên khen. Như vậy chúng ta khích lệ họ cho họ tiếp tục gắng sức.
Lewis E. Lawes, giám đốc khám Sing Sing, công nhận rằng những lời khuyến khích có nhiều kết quả rất tốt, cả với những tội nhân chai nhất. Ông nói trong một bức thư:
"Tôi đã nhận thấy rằng muốn cho tội nhân hợp tác với và trở lại con đường lương thiện thì khen những sự gắng sức của họ, có hiệu quả hơn là rầy, phạt họ".
Tới bây giờ tôi chưa từng bị nhốt khám Sing Sing và không biết bọn tội nhân nghĩ sao. Nhưng chỉ cần ngó về quá khứ của tôi, cũng thấy rằng đời tôi có một đôi khi thay đổi do một lời khen hay khuyến khích. Và bạn có như vậy không?... Quá khứ đầy những thí dụ chứng minh năng lực thần diệu của lời khen.
Năm mươi năm trước, một đứa nhỏ 10 tuổi làm việc trong một xưởng ở Naples. Nó mơ mộng muốn thành một danh ca. Chẳng may, ông thầy đầu tiên dạy nó ca làm cho nó thất vọng: "Giọng mày ca như xé tai người ta". Nhưng má nó, một người nhà quê nghèo an ủi nó, ôm nó vào lòng, bảo rằng bà tin chắc nó có tài và đã thấy nó tiến tới rồi. Bà làm việc cực khổ, nhịn ăn, nhịn mặc, đi chân không, để dành tiền cho con học âm nhạc... Những lời khuyến khích của bà thay đổi hẳn đời đứa nhỏ. Chắc bạn đã được nghe người ta nói tới nó: tên nó là Caruso.
Nhưng hoàn cảnh nó thiệt là trái ngược. Học thì sơ sài, cha bị giam thâu (thiếu nợ mà bị giam) và chính nó nghèo lắm, nhiều khi bị "lửa cơ đốt ruột". Sau cùng, nó kiếm được một việc làm là dán nhãn lên trên những ve thuốc nhuộm trong một kho hàng đầy những chuột cống. Tối, nó ngủ trên một gác thượng ghê tởm, sát mái nhà, cùng với bọn du côn cặn bã của thành Luân Đôn. Nó không tin ở giá trị của nó và sợ người ta chế giễu tới nỗi phải đợi trời tối như mực rồi mới dám lén lút đem bản thảo bỏ vào thùng thư. Hết bản này đến bản khác bị từ chối. Sau cùng, một ngày tươi sáng tới: một truyện nó viết được người ta nhận đăng. Đành rằng người ta không trả nó một xu nhỏ nào hết, nhưng nó không cần. Nhà xuất bản khen nó, là đủ rồi! Có người nhận là nó có tài rồi! Nó sung sướng tới nỗi nó đi lang thang ngoài phố, hai hàng lệ ròng ròng trên má.
Từ lúc đó, nó hy vọng, tự tin và tương lai của nó thay đổi hẳn. Nhưng nếu không có sự khuyến khích đó thì có lẽ nó còn làm suốt đời trong những nhà máy đầy chuột cống. Người đó, cũng không xa lạ gì với bạn. Chính là văn sĩ Anh Charles Dickens.
Nửa thế kỷ sau, một thanh niên khác ở Luân Đôn làm việc trong một cửa hàng bán đồ nỉ. Dậy từ 3 giờ sáng, quét tiệm và nai lưng ra làm 14 giờ một ngày. Được 2 năm, chịu không nổi, rồi một buổi sáng, không điểm tâm, bỏ nhà ra đi, cuốc bộ trên 20 cây số về thăm bà mẹ làm quản gia cho một chủ điền. Cậu than thở với mẹ, khóc lóc van lơn, thề nhất định tự tử, nếu còn phải bắt buộc bước chân vào cửa hàng đó nữa... Rồi cậu viết một bức thư dài cho ông giáo cũ, thú nhận rằng chịu không nổi đời được nữa, chỉ muốn quyên sinh thôi. Ông giáo hồi âm, an ủi cậu, nói cậu rất thông minh, làm việc lớn được, đời sẽ tươi sáng hơn và cuối thư, cho cậu một chân giáo viên.
Những lời khen an ủi đó, đủ thay đổi đời cậu và có một ảnh hưởng sâu xa trong văn học nước Anh. Thực vậy, từ hồi ấy, nhân vật đó đã viết 77 cuốn sách và dùng ngòi viết mà kiếm được trên một triệu mỹ kim. Chắc bạn viết văn sĩ đó: Chính là H. G. Wells.
Năm 1922, ở Californie có một thanh niên nghèo khổ, sống với vợ. Giọng chàng tốt; chủ nhật hát ở nhà thờ và thỉnh thoảng hát trong những lễ cưới để kiếm vài mỹ kim. Nhưng khó đủ ăn lắm, chàng nhất quyết xa châu thành về nhà quê mà đời sống ít đắt đỏ. Kiếm được một cái chòi ở giữa vườn nhỏ rồi ở đó. Tiền mướn nhà tuy chẳng là bao, nhưng đối với chàng còn nặng quá; chàng không trả nổi. Thiếu 10 tháng tiền nhà, chàng đành làm trong vườn nho để trả nợ. Nhiều khi đói quá, được ít nho lót lòng chàng mừng lắm. Chàng thất vọng đến nỗi muốn giải nghệ đi bán xe cam nhông... Chính lúc đó, văn sĩ Rupert Hugles nghe chàng ca, khen chàng: "Giọng anh tốt lắm. Anh phải lên Nữu Ước, kiếm thầy học, luyện thêm nó đi...".
Chính lời khen đó đã mở đầu cho quãng đường rực rỡ của chàng. Chàng giãi bày tâm sự với tôi như vậy. Chàng liều mượn hai ngàn rưỡi mỹ kim rồi đi về miền Đông. Thanh niên đó là nhà danh ca Lawrence Tibbett.
Nếu chúng ta biết đem ra ánh sáng những tài năng sâu kín của những người ở chung quanh chúng ta, thì chẳng phải là ta chỉ dẫn đạo, cải thiện, phân phát họ mà thôi, ta còn cải tạo họ nữa.
Bạn cho rằng tôi nói quá ư? Thì đây, xin bạn nghe những lời chí lý sau này của giáo sư William James, một nhà tâm lý có lẽ có tài nhất của châu Mỹ.
"Chúng ta hiện tại ra sao, và chúng ta có thể trở thành một người ra sao, hai trạng thái đó khác nhau xa lắm, cũng như một người chập chờn nửa thức nửa ngủ, so với một người tỉnh táo hẳn hoi vậy.
Chúng ta chỉ dùng một phần nhỏ những khả năng vật chất và tinh thần của chúng ta. Nói chung thì loài người sống mà bỏ phí ít nhiều khả năng lắm. Có đủ bảo vật mà không dùng tới".
Bạn cũng có "Những bảo vật mà bạn không dùng tới", hoặc không biết lợi dụng nó tới cực độ. Trong những bảo vật đó, có khả năng huyền diệu khích lệ người khác bằng những lời khuyến khích thành thật và khả năng làm cho họ biết những năng lực tiềm tàng của họ.
Vậy muốn thay đổi một người mà không làm cho họ phật ý, giận dữ, bạn phải:
"Lấy công tâm nhận những sự gắng sức của họ, khen những tấn tới nhỏ nhất của họ. Lời khuyến khích của bạn phải thành thật và nhân từ".
Đó là quy tắc thứ 6.


Chương Bảy

Vị tri kỷ giả, dụng


Một bà bạn tôi ở Nữu Ước, bà Gent, mướn một người ở gái và hẹn chị ta thứ hai sau lại bắt đầu làm việc. Trong thời gian đó, bà kêu điện thoại hỏi một người chủ cũ về hạnh kiểm của chị ta. Người chủ đó không hài lòng về chị ta lắm... Nhưng khi chị lại, bà Gent nói: "Chị Nellie, hôm nay tôi kêu điện thoại hỏi bà chủ cũ của chị. Bà ấy nói chị ngay thẳng và đứng đắn, giỏi làm bếp và khéo săn sóc trẻ em. Nhưng bà ấy có thêm rằng, chị không siêng năng, nhà không bao giờ lau chùi kỹ. Riêng tôi, tôi tin rằng bà ấy nói quá đáng. Tôi coi người chị cũng biết chị cẩn thận. Chị sửa soạn thật gọn gàng. Tôi chắc rằng chị chăm nom nhà cửa không có chỗ nào đáng chê, cũng như cách ăn bận của chị vậy. Rồi chị coi, chắc chắn chị sẽ vừa ý tôi lắm".
Và mọi sự được vừa ý thiệt. Chị Nellie muốn xứng đáng với lời khen của bà chủ. Và chị xứng đáng thiệt. Nhà cửa sạch bóng. Mỗi ngày chị làm phụ một giờ nữa để cọ, lau, chứ không chịu để cho bà Gent thất vọng.
Ông hội trưởng Công ty Baldwin sản xuất đầu xe lửa nói:
"Những người đã trọng ta, mà ta lại biết mến tài họ, thì dễ chỉ huy họ lắm".
Tóm lại, nếu bạn muốn cho ai phát triển một đức tính nào, bạn nên hành động như đức tính đó đã là một đặc sắc rõ ràng nhất của người đó. Shakespeare nói: "Nếu bạn còn thiếu một đức tính, cứ xử sự như đã có nó rồi". Muốn cải thiện một người, bạn cứ ra vẻ tin người đó có đức tính này đức tính nọ đi. Tỏ ra tin cậy người đó đi, khen họ đi: Họ sẽ gắng sức phi thường để xứng đáng với lời khen của bạn.
Trong cuốn "Ký ức cuộc đời sống chung với Maeterlinck", bà Georgette Leblanc kể chuyện một sự thay đổi dị thường trong đời một cô bé nước Bỉ.
Bà nói: "Tôi ăn cơm tháng tại một khách sạn gần nhà và họ cho một người hầu gái đem lại nhà tôi. Tên chị là "Marie rửa chén" vì hồi mới vô làm, người ta để chị rửa chén. Chị xấu như quỷ, mắt lé, chân đi chữ bát, gây giơ xương, đần độn.
Một hôm, trong khi chị đặt bàn, tôi đột ngột bảo chị:
''Chị Marie, chị có rất nhiều chỗ đáng quý, chị có biết không?''.
Vì quen giấu tình cảm của mình, chị đứng thừ ra một lúc, câm như hến và trơ như đá. Rồi đặt đĩa lên bàn, chị thở dài, ngây ngô nói: "Thưa bà, thiệt tôi không bao giờ ngờ như vậy". Chị không hỏi thêm một câu, lặng lẽ trở vô bếp và nhắc đi nhắc lại lời tôi đã nói cho mọi người nghe.
Lòng tin của chị mạnh tới nỗi không ai nỡ chế giễu chị, mà từ hôm đó, còn hơi nể chị nữa. Nhưng sự thay đổi lạ lùng nhất, chính là sự biến hóa của thâm tâm chị. Tin chắc rằng chị có nhiều chỗ đáng quý mà không ai biết, chị hăng hái sửa soạn, trau giồi nhan sắc đến nỗi tuổi xuân của chị mà chị quên bẵng đi, trở lại rực rỡ trên nét mặt chị và người ta không thấy chị xấu nữa.
Hai tháng sau, lúc tôi dọn nhà, chị cho tôi hay sắp thành hôn với cháu đầu bếp chánh. Chị ta nói: "Tôi sắp được sang trọng" và cám ơn tôi. Chỉ có một câu ngắn mà thay đổi cả đời chị ta".
Bà Georgette Leblanc đã khen chị Marie và lời khen đó đã thay đổi hẳn người đàn bà đó.
Mới rồi tôi được hầu chuyện một ông giám đốc Công ty "exchange Buffets". Hai mươi sáu tiệm, cao lâu hợp lại thành công ty đó và cùng theo một chính sách đặc biệt, lấy "danh dự" làm trọng.
Trong những tiệm đó, sáng lập từ năm 1885, không bao giờ người ta đưa giấy tính tiền cho khách hàng hết. Bạn muốn kêu món gì thì kêu, ăn xong rồi, bạn tính tiền lấy, rồi khi ra, đem lại quỹ trả. Không kiểm soát gì hết, không có thẻ gì hết.
Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi:
"Nhưng ông phải có vài người giám thị chứ? Không thể tin hết thảy các khách ăn được".
- Chúng tôi không có người giám thị nào hết - ông giám đốc trả lời - Có lẽ cũng có người ăn quịt, nhưng chúng tôi không cần biết tới. Chúng tôi chỉ biết rằng chính sách của chúng tôi hẳn có chỗ hay, nếu không thì sao đã thịnh vượng trong nửa thế kỷ nay được?
Tại những cao lâu đó, khách ăn được đãi như người lương thiện, biết trọng danh dự. Cho nên hết thảy, giàu, nghèo, ăn trộm, ăn xin... đều muốn được xứng đáng với lòng tin cậy của chủ tiệm.
Ông Lawes, giám đốc khám Sing Sing còn nói:
"Đối với một quân vô lại, muốn cho được việc, chỉ có mỗi một cách là tỏ vẻ tin cậy nó, đãi nó như một công dân lương thiện và đáng trọng, cứ nhận ngay rằng nó trung thực, đứng đắn. Được bạn tin cậy, nó phỉnh mũi ra và có lẽ gắng sức để được xứng đáng lòng tin đó".
Lời đó hay và đúng đến nỗi tôi muốn nhắc lại đây:
"Đối với một quân vô lại, muốn cho được việc, chỉ có mỗi một cách là tỏ vẻ tin cậy nó, đãi nó như một công dân lương thiện và đáng trọng, cứ nhận ngay rằng nó trung thực, đứng đắn. Được bạn tin cậy, nó phỉnh mũi ra và có lẽ gắng sức để được xứng đáng với lòng tin đó".
Vậy, muốn sửa đổi một người mà không làm cho họ phật ý, giận dữ:
"Bạn gây cho người ấy một thanh danh rồi họ sẽ gắng sức để được xứng thanh danh đó".
Đó là quy tắc thứ 7.


Chương Tám

Hãy khuyến khích người


Một ông bạn của tôi, đã bốn chục cái xuân xanh, gần đây mới đính hôn cùng một cô, và vị hôn thê của ông khuyên ông học khiêu vũ - kể cũng hơi trễ!
Sau ông kể lể tâm sự với tôi:
"Trời biết cho rằng tôi nhảy dở hết chỗ nói. Tôi khiêu vũ theo một lối cổ từ hai chục năm về trước. Cô giáo dạy tôi, nói thẳng cho tôi biết rằng phải quên hết những điều cũ đi để bắt đầu học lại từ đầu. Cô làm tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi xin thôi.
Lại học một cô khác. Cô này lấy lòng tôi, có lẽ quá khen tôi một chút, nhưng tôi thích như vậy. Với một giọng tự nhiên, cô nói rằng điệu bộ của tôi có lẽ hơi xưa, nhưng nguyên tắc thì đúng, và muốn học những điệu mới không khó khăn chi hết.
Cô thứ nhất chê tôi mà làm tôi hết muốn học. Cô thứ nhì, trái lại, làm bộ như không thấy những lỗi lầm của tôi mà không ngớt khen những tiến bộ của tôi. Cô nói: "Trời phú cho ông cái giác quan về tiết điệu; ông thiệt là người trời sinh ra để mà khiêu vũ".
Lương tri của tôi bảo tôi rằng trước cũng vậy mà sau này cũng còn như vậy, tôi suốt đời sẽ chỉ là một "thằng" khiêu vũ dở thôi. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi thích tin rằng không biết chừng lời cô đó đúng cũng nên.
Thì cô ta ăn tiền của tôi, phải khen tôi là sự dĩ nhiên... Nhưng nghĩ tới điều đó làm quái gì?
Dù sao đi nữa, từ bữa cô ta cho tôi tin rằng tôi có "giác quan về tiết điệu" thì tôi khiêu vũ khá hơn trước nhiều. Lời đó đã phấn phát tôi, làm cho tôi hy vọng và gắng sức tập tành cho khá thêm lên".
Chê một đứa nhỏ, một đức lang quân hay một người làm công rằng họ đần độn, không có một chút tài năng gì, rằng họ "đầy bị thịt", "đoảng vị", chẳng được việc gì, không hiểu chút chi hết, tức là diệt hết ý muốn tự cải của họ đi.
Nên thử phương pháp ngược lại. Khuyến khích họ nhiều vào; nói rằng công việc dễ làm lắm. Tỏ ra rằng ta tin nơi tài năng họ, rằng họ có tài mà họ không ngờ... và bạn sẽ thấy họ thức suốt đêm để tập tành cho hoàn hảo.
Đó là phương pháp của nhà diễn thuyết Lowell Thomas. Ông đó thực có khiếu, có thiên tài dẫn đạo người. Ông làm cho bạn tự tin. Ông truyền cho bạn lòng tin chắc, sự bạo dạn, sức mạnh, làm cho bạn thay đổi thành một người khác. Mới rồi, tôi đi nghỉ cuối tuần với ông bà Thomas. Trong khi củi cháy lách tách trong lò sưởi, người ta mời tôi đánh bài bridge. Đánh bài "Bridge"? Không! Không, không, không. Tôi không biết đánh! Không biết chút chi hết. Không thể được!
Ông Thomas bảo tôi: "Này anh Dale. Đánh bridge dễ lắm mà. Chỉ cần có trí nhớ và biết suy xét. Anh đã nghiên cứu về trí nhớ. Đó là sở trường của anh. Anh thử chơi đi, anh sẽ mau biết lắm".
Và, tức thì, không kịp nghĩ ngợi gì hết, tôi đã thấy tôi ngồi vào hội, lần đó là lần thứ nhất trong đời tôi. Ông Thomas chỉ bảo tôi rằng tôi có thiên tư về bài, và đánh bài dễ lắm, là tôi liều chơi liền.
Ely Culbertson là vua bài bridge. Những sách ông viết về nó được hoan nghênh nhiệt liệt và dịch ra mười hai thứ tiếng. Mà ông thú với tôi rằng sở dĩ thành một nhà chuyên môn như vậy chỉ nhờ một người đàn bà khuyến khích.
Ông đã thử đủ nghề nhưng chưa bao giờ có ý dạy đánh bài hết. Không những ông đánh bài thấp mà còn ương ngạnh tới nỗi không ai muốn đánh bài với ông.
Hồi đó ông gặp cô Josephine Dillon, trẻ đẹp, làm giáo sư dạy đánh bài "bridge". Ông thương cô và cưới cô. Cô nhận thấy ông phân tích giá trị từng quân bài kỹ lắm, và biểu ông rằng ông có thiên tư kỳ dị và bất ngờ về lối chơi đó. Đó chỉ là lời khen, không hơn không kém, nhưng lời khen đó đã xoay hẳn cục diện đời ông.
Vậy muốn thay đổi thái độ của một người mà không làm cho người ấy phật ý, giận dữ, bạn phải:
"Khuyến khích họ, tức thì lỗi lầm gì cũng dễ sửa, việc khó khăn gì cũng dễ làm".
Đó là quy tắc thứ tám.


Chương Chín

Làm sao cho người ta vui sướng mà làm công việc bạn nhờ cậy


Hôm đó vào năm 1915. Đã trên một năm, các nước ở châu Âu chém giết lẫn nhau ghê gớm chưa từng thấy trong lịch sử. Châu Mỹ ở trong tình trạng kinh hoảng. Có thể lập lại hòa bình được không? Không ai biết được.
Nhưng Tổng thống Wilson nhất quyết gắng sức làm cho kỳ được. Ông sai một mật sứ đi hội nghị với các nhà cầm đầu châu Âu.
William Jennings Bryan, Tổng trưởng nội vụ, sứ đồ của hòa bình, nóng lòng đi lắm. Ông thấy đó là một dịp phụng sự một lý tưởng cao cả và trở nên bất hủ. Nhưng Tổng thống Wilson lựa một người khác, đại tá House, bạn thiết của ông. Và ông cậy đại tá làm công việc khó khăn là báo tin đó cho Bryan hay.
Đại tá chép cuộc gặp gỡ đó trong nhật ký của ông:
"Bryan thất ý lắm, khi ông hay tin rằng tôi được Tổng thống giao phó cho sứ mệnh mà ông ao ước".
Tôi trả lời ông ta: Tổng thống nghĩ nên giữ kín cuộc vận động đó. Mà nếu Bryan đi, tên tuổi của ông mà ai cũng biết, đủ làm cho người ta chú ý tới và tự hỏi ông tới với mục đích chi đây...".
Nghĩa là đại tá muốn cho ông Bryan hiểu rằng ông là người quan trọng quá, không nên nhận sứ mệnh đó - và ông Bryan hài lòng.
Khôn khéo, lại có nhiều kinh nghiệm, đại tá House đem thực hành một trong những quy tắc lớn nó điều khiển sự giao thiệp giữa loài người. Quy tắc đó là: Làm sao cho người khác thấy vui sướng mà làm công việc bạn cậy họ.
Khi Tổng thống Wilson mời ông Mc. Adoo giúp việc trong văn phòng ông, ông cũng áp dụng quy tắc đó, mặc dù điều ông tin cậy không phải là một sự hy sinh, mà chính là một danh dự vô cùng cho ông Mc. Adoo, ông này thấy vui thích bội phần và kể lại như vầy:
"Ông (Wilson) bảo tôi rằng ông sẽ sung sướng lắm, nếu tôi chịu nhận chức Tổng trưởng Quốc khố. Ngôn ngữ ông thiệt lịch sự: ông cho tôi cảm tưởng rằng nếu tôi chịu nhận vinh dự lớn đó, thì tức là ban cho ông một đặc ân".
Tôi biết một diễn giả được mọi nơi mời đến diễn thuyết. Ông ta không thể làm vừa lòng mọi người được cho nên bắt buộc phải từ chối, nhưng ông từ chối một cách khéo léo đến nỗi người ta vui vẻ ra về. Ông làm cách nào? Tất nhiên ông không nói cụt ngủn rằng ông bận việc lắm... Không. Sau khi cám ơn và tỏ lòng tiếc không nhận lời được, ông vội vàng giới thiẹu một người có thể thay ông được. Nghĩa là không để cho người kia có đủ thì giờ thất vọng trước sự từ chối của ông và ông làm cho tư tưởng người đó hướng ngay về diễn giả mà ông giới thiệu.
Ông nói:
"Tại sao ông không cậy ông bạn tôi, Cleveland Rodgers, nhà xuất bản tờ Brooklyn Eagle? Hoặc ông Guy Hickock? Ông ấy đã viết báo 15 năm ở Paris và biết rất nhiều chuyện thú vị... Hay là ông lại hỏi ông Livingston Longfellow xem sao? Chắc ông biết ông ấy có một cuốn phim tuyệt đẹp về những cuộc săn bắn lớn ở ấn Độ...".
Ông Want, quản lý một nhà in lớn ở Nữu Ước, có một người thợ máy mà ông nhất định muốn sửa đổi tính tình. Anh thợ đó phải trông nom cho một loạt máy vừa sắp vừa đúc chữ và nhiều máy khác nữa, sao cho những máy đó chạy đêm và ngày mà không hư hỏng, khỏi ngưng lại. Anh ta phàn nàn công việc nặng nhọc quá, làm việc nhiều giờ quá, và xin thêm người phụ.
Ông Want không cho thêm người phụ, cũng không rút công việc, rút giờ làm việc, mà anh ta vẫn vui lòng. Ông làm cách nào? Ông cho riêng anh ta một phòng giấy với một tấm bảng treo ở cửa đề tên và chức mới của anh. "Giám đốc phòng giữ gìn máy móc".
Thành ra anh thợ máy không phải là một nhân viên hạ cấp, mà ai cũng có quyền sai bảo nữa, anh nay đã nghiễm nhiên là một viên chỉ huy rồi. Người ta đã công nhận giá trị tài năng của anh. Tự thấy cái quan trọng và uy thế mới của mình, anh hài lòng và tiếp tục làm không phàn nàn chi hết.
Bạn cho vậy là con nít ư? Có lẽ là con nít thiệt. Mà người ta cũng đã cho Nã Phá Luân đã dùng phương pháp con nít đó khi ông lập ra huy chương Bắc đẩu bội tinh, phân phát một ngàn năm trăm chiếc cho lính ông và thăng chức "Pháp quốc Thống chế" cho 18 đại tướng, gọi đội quân của ông là "Đại binh".
Ai chế giễu ông rằng dùng đồ lòe loẹt vô dụng đó để thưởng những người đã nhiều lần vào sanh ra tử với ông, ông đáp: "Loài người vẫn bị cai trị bằng những đồ lòe loẹt đó".
Biết cách phân phát chức tước và uy quyền như Nã Phá Luân, thì chúng ta cũng sẽ được những kết quả như vị anh hùng đó.
Trước nhà bà Gent, một bà bạn của tôi, mà tôi đã có dịp nói tới, có một bãi cỏ đẹp mà tụi con nít thường tới giày xéo phá phách mỗi ngày. Mắng, dọa, dỗ dành đều vô hiệu. Tức thì bà thay đổi chiến thuật. Bà kêu đứa nhỏ ngỗ nghịch nhất, tặng cho nó chức "thám tử" và giao cho trách nhiệm đuổi tất cả những đứa vô chơi trên bãi cỏ, bất kỳ là đứa nào. Và vấn đề đó giải quyết xong lập tức. Viên "thám tử" nhóm lửa ở sau nhà, nung một thanh sắt cho tới trắng ra và dọa sẽ dí vào đứa nhỏ nào dám dẫm lên vườn cỏ!
Bản tính loài người như vậy. Cho nên muốn sửa đổi một người mà không làm cho họ phật ý, giận dữ:
"Bạn phải xử trí ra sao cho người đó thấy sung sướng làm công việc mà bạn đề nghị".
Đó là quy tắc thứ 9.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn