Ðề tài: 1984
View Single Post
  #39  
Old 04-02-2004, 08:40 PM
VietDoll's Avatar
VietDoll VietDoll is offline
Búp Bê Nhí Nhảnh
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 2,416
Default

Ngôn Mới là ngôn ngữ chính thức của Đại Dương, đã được sáng chế để đáp ứng nhu cầu ý hệ Anh Xã hay Chủ Nghĩa Xã Hội Anh. Năm 1984 chưa có ai dùng Ngôn Mới làm dụng cụ thông tin độc nhất, dù là trong bài diễn thuyết hay bài văn. Những bài xã luận trong Thời Báo được viết bằng Ngôn Mới, nhưng đó là một công cuộc phi thường chỉ chuyên viên mới thực hiện nổi. Ngôn Mới được mong sẽ tận cùng thay thế Ngôn Cũ (hay Anh Ngữ thông dụng, như đáng nhẽ phải gọi nó) vào khoảng 2050. Trong khi chờ đợi nó kiên trì tiến bước, các Đảng viên càng ngày càng có khuynh hướng dùng các từ và lối kết cấu ngữ pháp Ngôn Mới trong lời nói hàng ngày của họ. Ngôn thể được dùng năm 1984 và được gồm trong Từ Điển Ngôn Mới Bản Thứ Chín và Thứ Mười, là một thể tạm thời, chứa đựng nhiều từ thừa và dạng cổ hủ sẽ bị gạt bỏ sau này. Nơi đây chúng ta bàn về thể hoàn hảo, cuối cùng, gồm trong bộ Từ Điển Bản Thứ Mười Một.

Mục đích của Ngôn Mới không những là cung cấp một phương tiện biểu lộ nhân sinh quan và tập quán tinh thần riêng của tín đồ Anh Xã, mà còn là khiến những lối tư tưởng khác không thể có được. Mục tiêu là khi Ngôn Mới được dứt khoát chấp nhận và Ngôn Cũ bị quên lãng, tư tưởng dị giáo — tức tư tưởng khác nguyên lý Anh Xã — sẽ không thể được nghĩ thành chữ, ít nhất trong chừng mực ý nghĩ lệ thuộc chữ. Ngữ vựng của Ngôn Mới được đặt cốt sao diễn tả đích xác và nhiều khi một cách rất tế nhị mọi ý tưởng một Đảng viên có thể muốn tỏ bày đúng, đồng thời khai trừ mọi ý nghĩa khác cũng như khả năng đạt tới những ý nghĩa đó nhờ một số phương sách gián tiếp. Điều ấy được thực hiện một phần nhờ sự sáng chế ra từ mới, nhưng đặc biệt nhờ sự loại trừ những từ không muốn dung nạp, cùng sự gạt bỏ khỏi những từ còn lại các ý nghĩa không chính thống và bất cứ nghĩa phụ nào, xa chừng nào đi nữa. Chỉ một thí dụ. Từ tự do sẽ được giữ trong Ngôn Mới nhưng nó chỉ sẽ được dùng trong những câu như "Con chó này tự do không có rận", "Cánh đồng này tự do không có cỏ dại". Nó không thể được dùng theo nghĩa "tự do chính trị" hay "tự do tinh thần" như cũ vì sự tự do chính trị hay tinh thần không còn nữa, dù dưới hình thức khái niệm, và bởi vậy tất nhiên không được nêu tên. Ngoài hẳn sự hủy bỏ những từ thực dị giáo, sự thu gọn từ vựng được coi như một cứu cánh, và không một từ nào có thể miễn được có phép tồn tại. Ngôn Mới được soạn cốt không phải để mở rộng, mà để giảm bớt tầm tư tưởng, và mục đích này được trợ giúp gián tiếp bởi sự cắt xén số từ tới mức tối thiểu.

Ngôn Mới dựa trên Anh ngữ như chúng ta hiện biết, mặc dầu nhiều câu Ngôn Mới, tuy không chứa đựng từ mới sáng chế, chắc khó hiểu đối với một người nói tiếng Anh ngày nay. Từ Ngôn Mới được chia ra làm ba hạng khác biệt, gọi là từ vựng A, từ vựng B (cũng có tên là từ kép) và từ vựng C. Giản dị hơn là bàn riêng về mỗi hạng, song các đặc điểm ngữ pháp của Ngôn Mới có thể được nêu cả trong phần dành cho từ vựng A, vì cả ba hạng cùng chung quy tắc.

Từ vựng A. Từ vựng A bao gồm những từ cần thiết cho công việc hàng ngày — như ăn uống, làm việc, mặc quần áo, lên xuống cầu thang, đi xe, làm vườn, thổi nấu, đại loại. Nó gần như hoàn toàn gồm những từ sẵn có — kiểu như đá, chạy, :D cây, đường, nhà, ruộng — nhưng so với từ vựng Anh ngữ ngày nay số từ ấy rất ít, trong khi ý nghĩa của chúng được xác định khắt khe hơn nhiều. Mọi nghĩa nước đôi và mọi nghĩa cạnh đều bị tiễu trừ. Trong chừng mực thực hiện như thế nổi, mỗi từ Ngôn Mới thuộc hạng A chỉ được là một âm ngắt diễn tả có một khái niệm rõ ràng. Hoàn toàn không thể dùng từ vựng A với chủ định làm văn chương hay để bàn cãi về chính trị hoặc triết lý. Nó chỉ cốt diễn tả những tư tưởng hữu ý đơn giản, thường bao hàm đồ vật cụ thể hay hành động thể xác.

Ngữ pháp Ngôn Mới có hai đặc điểm quan trọng. Thứ nhất là tính gần như hoàn toàn đổi lẫn giữa những phần câu khác nhau. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ (trên nguyên tắc điều này áp dụng cho cả những từ rất trừu tượng như nếu hay khi) cũng có thể được dùng hoặc làm động từ, danh từ, tĩnh tự hay phó từ. Giữa hình thể động từ hay danh từ không có sự khác biệt nào nếu hai từ cùng gốc, và quy tắc này bao hàm sự hủy bỏ nhiều hình thể cổ xưa. Ví dụ, từ ý nghĩ không có trong Ngôn Mới. Nó được thay thế bởi ý được dùng làm danh từ lẫn động từ. Nguyên lý từ nguyên không được áp dụng nơi đây: có khi danh từ gốc được chọn, có lúc động từ được giữ. Ngay trong trường hợp danh từ và động từ có nghĩa tương tự nhưng không có liên hệ gốc gác với nhau, một trong hai từ thường bị trừ khử. Thí dụ không còn chữ tựa như cắt, nghĩa của nó được bao trùm đủ trong động danh từ dao. Tĩnh từ được cấu tạo nhờ gắn tiền tố đầy vào động danh từ, và phụ từ nhờ gắn tiền tố cách. Ví như đầy tốc có nghĩa là "nhanh", và cách tốc có nghĩa là "một cách nhanh :Dng". Một số tĩnh từ ngày nay như tốt, to, lớn, đen, mềm được giữ lại nhưng tổng số từ được giữ như vậy rất ít. Chúng không mấy cần thiết, vì hầu hết tính ý có thể thấu đạt nhờ thêm đầy vào động danh từ. Không có phụ từ hiện có nào được giữ trừ một số rất ít đã có thêm sẵn chữ cách: tiền tố cách không thay đổi. Thí dụ, chữ giỏi được thay bằng cách tốt.

Lại nữa, bất cứ từ gì — điều này trên nguyên tắc áp dụng cho mọi từ thuộc Ngôn Mới — cũng có thể bị phủ định nhờ thêm tiền tố không hay được tăng cường nhờ gắn tiếp tố hơn, hay tiếp tố bội hơn nếu muốn nhấn mạnh hơn nữa. Cho nên tỷ dụ không lạnh có nghĩa là "ấm", trong khi lạnh hơn và lạnh bội hơn có nghĩa tương ứng là "rất lạnh" và "hết sức lạnh". Cũng có thể, như trong Anh ngữ ngày nay, đổi nghĩa của hầu hết từ nhờ các phụ tố như trước, sau, trên, dưới, v.v. Với những phương pháp trên thấy rõ có thể đi đến một sự giảm bớt lớn lao từ vựng. Thí dụ từ tốt đã có, thì từ xấu không còn cần thiết, bởi ý nghĩa của nó có thể được diễn tả đúng chẳng kém — còn hay hơn nữa — bởi không tốt. Điều cần thiết là mỗi khi có hai từ họp thành một cặp đối lập nhau phải quyết định nên bỏ từ nào. Ví như tối có thể được thay bởi không sáng và sáng bằng không tối tùy sớ thích.

Đặc điểm đáng kể thứ hai của pháp ngữ Ngôn Mới là tính đều đặn của nó. Trừ một vài ngoại lệ được kê ở dưới, mọi biến tố đều theo cùng quy tắc. Cho nên mọi thời quá khứ đều được chỉ bởi tiền tố đã. Như quá khứ của ý là đã ý, các dạng khác như vốn, vừa, từng, vv. đều bị loại bỏ. Mọi số nhiều được biểu hiệu bởi tiền tố chúng. Như số nhiều của người là chúng người. Các dạng khác như các, những, mọi, vv. đều bị khai trừ. Các tĩnh từ so sánh đều được ghép với hơn, nhất, những dạng khác như trội, gấp, vượt, bị loại cả.

Những loại từ độc nhất còn được phép đổi dạng không đúng qui củ là đại từ, đại từ quan hệ, tĩnh từ chỉ định, và trợ động từ. Các loại từ này theo quy tắc cũ, trừ từ mà bị gạt đi vì không cần thiết, và những từ sẽ phải, chắc sẽ bị loại trừ vì mọi ý tương lai đã được bao gồm dưới từ sẽ. Cũng có vài chỗ trái phép trong sự cấu tạo từ ngữ xuất phát từ sự cần nói cho nhanh cho dễ. Từ nào khó phát âm hay có thể bị hiểu nhầm, bị coi tức thì là từ dở: thành thử thỉnh thoảng, viện cớ hài âm, có chữ thừa được lồng vào một từ hay có một hình thái cổ được lưu giữ. Nhưng nhu cầu ấy thể hiện rõ hơn trong quan hệ của nó với ngữ vựng B. Tại sao lại quy cho sự phát âm dễ dàng một tầm quan trọng lớn như vậy, điều đó sẽ được giải thích sau trong tiểu luận này.


__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn