View Single Post
  #32  
Old 08-13-2013, 05:52 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 29

Tảng sáng chủ nhật, cả thành phố còn ngái ngủ sau đêm thứ bảy. Con đường Cộng Hòa ngày thường nhộn nhịp bước chân học sinh, sinh viên sáng nay vắng lặng. Chỉ có một người công nhân vệ sinh đang quét những lá cây rơi rụng hai bên đường.
Nhiều nhóm học sinh dã có mặt từ lúc 6 giờ 30. Nhiều gương mặt còn ngái ngủ. Có đứa đi đến trường bằng xe đạp, Mobylette, PC. Cũng có đứa do ba má hay anh chị chở đến. Có những nhóm bạn, thuộc loại công tử, đi ăn sáng, từ quán cà phê Năm Dưỡng, miệng còn ngậm tăm đi ngênh ngang trên đường trở về trường. Rặt một màu xanh của quần, trắng của áo. Sáng hôm nay chỉ có học sinh của những lớp đệ tứ, lớp đàn anh buổi chiều, được chọn để tham gia đi lạc quyên. Đệ tứ đã lớn, được quyền tham gia những hoạt động hiệu đoàn ngoài cánh cổng trường vôi trắng. Tụi nó tụ họp trước cổng trường, chờ mấy anh lớn ban đại diện đến để xuất phát.
Nhóm tứ 7 đã có mặt đầy đủ. Đứa nào đứa nấy đều có tâm trạng háo hức, chờ đợi và nhiều gương mặt có vẻ nghiêm trọng trong một buổi sáng chủ nhật khác hơn mọi buổi sáng chủ nhật khác. Kêu gọi những thằng bạn quen ở các lớp khác, chòng ghẹo nhau chí chóe. Và hiện giờ, điều mà cả tám thằng đang đợi là bóng dáng thằng Thạch với khẩu phần ăn sáng mà thằng này đã hứa.
Thằng Mai, tay ôm cái thùng, chép miệng:
- “Chắc nó bị con nhỏ bán bánh mì hớp hồn rồi quá.”
- “Thế nào nó cũng bị ghệ này cứa như tàn chi quái đao...”, thằng Dũng bình luận.
Tụi nó chưa kịp nói xấu thằng Thạch đến tận cùng thì đã thấy dáng thằng này ngồi trên chiếc PC với một giỏ xe chứa đầy bánh mì. Vừa đến nơi, thằng Thạch lướt cặp mắt điểm danh, thấy quân lính đầy đủ cả, nó cười toe toét, khoe chiến công mua bánh mì:
- “Bánh mì mới ra lò, vừa nóng, vứa thổi vửa ăn đây…”
Bọn nó xúm lại chung quanh thằng Thạch để nhận bánh mì. Một số học sinh các lớp khác ngạc nhiên khi thấy tụi học sinh tứ 7 có tiêu chuẩn bánh mì trước khi “hành quân” bèn hỏi thằng Thạch:
- “Ê, tụi bây hùn tiền mua bánh mì hả?”
Thằng Thạch trả lời tỉnh bơ:
- “Tiêu chuẩn mỗi học sinh đi lạc quyên được ban đại diện cho 10 đồng ăn sáng, trưởng ban xã hội từng lớp giữ tiền này...” Mấy thằng này nghe thằng Thạch trả lời bèn nhao nhao quay trở về lớp của nó để hỏi tội thằng trưởng ban xã hội lớp không lo cho anh em ăn sáng như lớp tứ 7.
Thằng Mai chụp lấy ổ bánh mì, nhai lấy nhai để. Thấy trong giỏ xe của thằng Thạch còn dư một ổ, thằng Mai đặt cọc với thằng Thạch: “Tao ôm thùng lạc quyên, mệt hơn tụi bây nên tao đớp luôn ổ này nha.”
Thằng Thạch thấy thương thằng Mai. Thằng này sinh trong một gia đình luôn luôn thấy sự đói nên lúc nào cũng phải có thức ăn để phòng thân, kể cả khi no nên nó gật đầu:
- “Tao mua dư mà.”
Được thằng Thạch đồng ý nên thằng Mai nhận xét:
- “Bánh mì ngon một cây luôn. Chỗ này làm đồ chua ngon, giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt. Ngon hơn đồ chua ở bánh mì Hòa Mã. Một ổ này chắc 10 đồng?”
- “Đồ nâng bi”, thằng Ngầu “mắng yêu" thằng Mai vì nó cũng đang ngắm nghía ổ bánh mì nhưng thằng Mai đã nhanh tay, lẹ miệng chộp mất.
Thằng Mai, kẻ thường xuyên “ám sát” bánh mì vào buổi sáng., đủ loại bánh mì. Bánh mì thịt, cá, xíu - mại, mà nhiều nhất là bánh mì không với đồ chua chan nước tương bởi cái túi thường xuyên “mông tại” nên có sự thẩm định về giá cả khá chính xác. Vì ổ bánh mì này nhiều thịt nên không thể có giá 5 đồng được.
Khi thằng Thạch lại xe bánh mì đã thấy con bé Tịnh làm sẵn 10 ổ bánh còn nóng hôi hổi, để sẵn. Khi mở một ổ bánh mì ra xem thì thằng Thạch thấy có gì đó không ổn vì có khá nhiều thịt chứ không phải đồ chua. Nó kêu lên:
- “Tịnh bán một ổ bao nhiêu đây?”
- “5 đồng.”
- “5 đồng sao nhiều vậy nè?”
- “5 đồng vì bán vốn, không lấy lời, đóng góp cho lạc quyên được không?”, con nhỏ Tịnh chu mỏ.
- “Vậy cám ơn Tịnh nghe. Tui đi về để tụi nó đói bụng.”
- “Khoan đã, để Tịnh nói cái này nghe. Hôm Tịnh đi thi Đố vui để học, anh ủng hộ nha.”
- “Làm sao tui đi được?”
- “Mỗi thí sinh được mời một người làm ủng hộ viên.”
- “Sao Tịnh không mời bạn của Tịnh?”, vừa hỏi xong thằng Thạch cảm thấy mình ngu vô cùng tận.
- “Tịnh chỉ thích mời Thạch thôi...”
- “Sao Tịnh biết tên tui?”
- “Bí mật. Thạch đi được không?”
- “Được, được chứ... sẽ có mặt... sẽ ủng hộ... sẽ vỗ tay...”, nó lắp bắp như thằng ngọng.
Chưa bao giờ thằng Thạch lâm vào hoàn cảnh vừa lúng túng, vừa bối rối và vừa khoái như lúc này. Nó chất bánh mì vào giỏ xe và chạy nhanh như để giữ cảm giác lâng lâng này còn mãi với mình. Cho đến bây giờ, cảm giác đó vẫn còn đọng trong tâm trí của nó.
Bỗng dưng một chiếc xe Honda đam ngừng ngay chỗ nhóm thằng Thạch đang tụ tập. Thằng Lê, trong bộ quần xanh áo trắng xếp ly thẳng muốt đang ngồi phía sau xe của một người phụ nữ trung niên. Thằng Lê có vẻ ngượng ngùng nhảy vội xuống xe. Người phụ nữ nói với thằng Lê:.
- “Đâu... trưởng ban xã hội lớp con đâu?”
- Thằng Lê e dè đua tay chỉ thằng Thạch đang ngồi trên xe PC gặm bánh mì say sưa. Người phụ nữ - má thằng Lê dựng xe, đi bộ lại chỗ đậu xe của thằng Thạch:
- “Con... ơi, con cho thằng Lê đi lạc quyên với nghe...”
Thằng Thạch ngạc nhiên:
- “Nhưng nó đâu có xung phong...”
- “Em nó còn khờ lắm. Mấy vụ này đi mới vui... Ngồi bán trong chợ Bến Thành, dì thấy toàn mấy học sinh trường khác đi lạc quyên, không có học sinh Petrus Ký.., nhưng mà các em học sinh đó dễ thương lắm. Dì chờ học sinh Petrus Ký hoài mà không thấy... Thằng Lê phải đi lạc quyên, từ thiện, giúp đỡ đồng bào miền Trung mới là học sinh Petrus Ký chứ. Buổi sáng chủ nhật ở nhà ngủ đâu có được!”
Rồi má thằng Lê nói tiếp:
- “Con... con cho thằng Lê đi lạc quyên nghe...”
Thêm một thằng nữa thì đông vui, có mất gì đâu nên thằng Thạch trả lời:
- “Dạ."
Quay qua thằng Lê, má nó dặn:
- “Đi lạc quyên nhớ ôm cái thùng người ta mới biết nghe.” Xong quay qua nói với thằng Thạch:
- “À, nè dì đóng ủng hộ tiền lạc quyên trước lấy hên”, nói xong má nó móc ra 50 đồng bỏ vào thùng lạc quyên. “Lát nữa, mấy con nhớ đi vào chợ Bến Thành nghe, dì vận động mấy người bạn buôn bán ở trong chợ đóng góp lạc quyên cho học sinh Petrus Ký chứ không đóng cho học sinh trường khác..." Lại quay qua thằng Lê:
- “Con nhớ ôm thùng lạc quyên đi vào chợ Bến Thành, lại ngay cái quày của má nghe, cho mấy người bạn bán hàng của má biết mặt con chớ…"
Rồi má nó leo lên xe Honda đạp máy dông thẳng nhanh như lúc đến.
Tụi thằng Ngầu, thằng Ninh nhái giọng má nó, chọc thằng Lê: “Con nhớ ôm thùng lạc quyên đến quày của má để người ta biết má có con học ở trường Petrus Ký cho má lấy le nghe…” Thằng Lê quê quá, đỏ mặt lặng im. Thằng Thạch thấy tội nghiệp thằng này. Nó thuộc loại “con trai cưng của má” trong nhà. Nó làm cho má nó nở mày, nở mặt với mấy bà tiểu thương trong chợ Bến Thành khi có thằng con học ở một trường danh giá. Nhưng trong lớp thằng này thuộc loại con nhà lành hơi khờ một chút nên dễ bị mấy thằng có thớ ăn hiếp. Vì vậy nó cũng muốn “noi gương” một số thằng trong lớp để trở thành dân có máu mặt. Có lần nó đã xung phong đi “cấm túc” dùm thằng Thuật để lấy le cùng mấy thằng bạn học lớp khác vì nó nghĩ dân bị đi cấm túc là dân chì.
Sau khi vào trường cất xe xong, thằng Thạch đến nhóm tứ 7, ra lệnh:
- “Thôi chuẩn bị đi, tụi bây.”
- “Đi bằng cái gì? Xe nhà trường không đưa sao?”
- “Nhà trường làm gì có xe mà đưa! Tụi mình đi bộ ra đầu đường Nguyễn Hoàng đón xe buýt ra chợ Bến Thành...” Thằng Lê có ý kiến:
- “Nếu có ghé chợ Bến Thành, tụi mình vô đó, lạc quyên trước lấy hên được không Thạch?”
- “Ừ, để coi. Thôi, đi tụi bây.”
Mấy thằng học sinh tứ 7 đi theo thằng Thạch về hướng đường Nguyễn Hoàng để đến trạm xe buýt. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe buýt ghé trạm này, mỗi chuyến cách nhau khoảng 15 phút, ở đây cũng có tuyến xe lam thường xuyên chạy ngang nhưng thằng Thạch chọn đi xe buýt vì khả năng của nó chỉ có thể đến đó. Mỗi vé xe buýt chỉ tốn có năm cắc, đi đông, mà lại là học sinh đang đi lạc quyên cứu trợ thì ca bài con cá với người soát vé chắc chắn sẽ được giảm vé - nó nghĩ thế. Quần xanh, áo trắng với phù hiệu hiệu đoàn Petrus Ký cũng dễ gây được thiện cảm.
Tụi nó đứng lóng ngóng ở trạm dừng xe buýt hơn năm phút vẫn chưa thấy bóng xe buýt ló mặt tới. Phía sau lưng tụi nó là những quán cà phê dọc theo đường Nguyễn Hoàng đã mở cửa. Từ trong những quán cà phê này bay ra múi cà phê thơm lừng cùng với giọng ca của nữ ca sĩ Khánh Ly trong những bài nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, đang là mốt thời thượng. Nghe nhạc, lúc uống cà phê để suy triết lý thế sự của những anh học sinh Petrus Ký đệ nhị, đệ nhứt phải là nhạc Trịnh Công Sơn thì mới là dân điệu nghệ. Hơn ai hết, học sinh Petrus Ký các lớp này khoái nhạc Trịnh vì tụi nó sắp đi đến với cuộc chiến tranh một cách trực tiếp chứ không chỉ nằm trên mặt báo bằng những cái tin chiến sự nếu như không qua cửa ải thi cử. Đó cũng là một động lực thúc đẩy bọn nó phải học như điên khi kỳ thi đến gần. Uống thuốc bổ để học. Uống cà phê thật đặc mỗi tối để chống cự với cơn buồn ngủ. Mỗi khi thi xong, nhìn mặt thằng nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo. Đôi mắt lơ láo chẳng còn chút thần hồn. Chẳng bù với đám học sinh nữ Gia Long, Trưng Vương. Bọn nó có rớt cũng chẳng sao! Cùng lắm là nghỉ học lấy chồng rồi sinh con, đẻ cái cho xong đời con gái.
Thằng Thạch chép miệng:
- “Dân miền Trung khổ thiệt. Bão lụt, lại còn bị chiến tranh nữa. Người chết hai lần thịt da nát tan...”
- “Dân nào chẳng khổ mậy, nhất là dân nghèo. Còn chiến tranh là còn khổ...”, thằng Dũng phụ họa. Trong đầu thằng Dũng khi nói câu này là nó nhớ lại những đêm cảnh sát đi bắt những người trốn quân dịch trong xóm nó. Tiếng chó sủa. Những thanh niên trốn lính nhảy xuống bờ ao, chun vào hồ nước, vào bụi rậm. Tiếng bước chân đi rầm rập. Tiếng ông liên gia trưởng kêu từng nhà mở cửa để xét giấy gia đình. Tiếng chửi thề, tiếng rượt đuổi ầm ĩ. Tiếng van xin, than vãn hoàn cảnh phải nuôi gia đình của những người bị bắt lính. Tiếng khóc của những người vợ, người mẹ vang lên trong đêm tối nghe não nuột làm sao. Muốn khỏi lâm vào hoàn cảnh này, thằng Dũng nghĩ, chỉ có cố gắng học và thi đậu. Chỉ cần rớt một năm là nó sẽ lâm vào hoàn cảnh của những người anh, người chú, người bạn trong con xóm nhỏ của nó. Không ai qua khỏi cặp mắt cú vọ của thằng cha liên gia trưởng cụt giò vì đi lính cho Tây. Nghe nói hàng năm thằng cha này đều lên danh sách những thanh niên trong xóm đến tuổi đi lính - ai được miễn, hoãn quân dịch vì bất cứ lý do gì đều phải trình cho thằng cha này biết.
Một vài thằng càu nhàu:
- “Sao xe buýt lại trễ vậy. Chờ mỏi cả cẳng.”
- “Không chờ sao gọi là xe buýt hả tụi bây.”
- “Đi xe rẻ tiền mà còn đòi hỏi nữa, sao được...”
Thay vì là chiếc xe buýt, một chiếc xe Jeep bất ngờ ngừng lại, thắng cái két trước mặt tụi nó. Thằng Cường ngồi trên ghế trước xe nói với thằng Thạch:
- “Tụi bây leo lên xe, tao chở cho. Chờ xe buýt biết khi nào mới có.”
- “Tụi tao tới 10 thằng đủ chỗ không?”
- “Đủ mà. Cứ chen nhau mà ngồi là được.”
Với kinh nghiêm của thằng lơ chuyên sắp chỗ ngồi trên xe, thằng Mai chỉ cách:
- “Thằng nào ốm ngồi trong lòng thằng bự con là đủ chỗ, khỏi có lo. Leo lên xe đi tụi bây.”
Tụi nó ào ào nhào lên xe. Thằng Thạch, vì là chỉ huy nên có vinh dự được ngồi ghế trước cùng thằng Cường. Xe bắt đầu chạy, thằng Cường nói:
- “Tao ủng hộ tụi bây một két nước ngọt xá xị...”
Tụi nó sướng quá, vỗ tay:
- “Hoan hô... hoan hô... Đâu đâu...”
- “Ăn bánh mì mà chưa có nước uống. Nãy giờ khát thấy mẹ...” Lôi dưới gầm xe ra két nước ngọt 24 chai, tụi nó khui ngay và đưa lên miệng tu. Thằng Thạch chống chế vì quên vụ nước uống cho tụi nó:
- “Tao biết thế nào thằng Cường cũng mang nước ngọt tới ủng hộ anh em..."
Thằng Lê chen vào:
- “Quên nữa, hồi nãy má tao nói đến chợ Bến Thành bả đã dành sẵn một kết Pepsi cola cho tụi mình...”
- “Hoan hô...”
- “Uống Pepsi ngon hơn xá xị con cọp...”
- “Uống xá xị con cọp ngon hơn nước ngọt con nai...”
- “Ghé chợ Bến Thành lấy Pepsi uống, Thạch ơi...”
- “Tàn chi quái đao luôn Dương Chí Tôn... lò ơi..."
Hòa trong tiếng động cơ là tiếng nói chuyện ồn ào, la hét của bọn nó. Thằng Dũng bắt giọng bài hiệu đoàn ca và tụi nó cùng hát theo:
“Đoàn học sinh hương danh Petrus Ký..
Chúng ta nguyện xây nước Việt ngày mai..”
Đã hơn 10 giờ. Sau khi đi dọc đường Tự Do - từ đoạn trụ sở Quốc hội tụi nó tập trung tại Vương cung Thánh đường. Nơi đây, trước cửa bưu điện rất nhiều khách vãng lai cũng như đi lễ ngày chủ nhật nên tụi nó có thể lạc quyên được rất nhiều từ những người đi lễ. Nhiều bà đi lễ mặc áo dài, cổ đeo dây chuyền thánh giá, sau khi bỏ tiền vào thùng lạc quyên đã xoa đầu tụi nó khen ngợi. Những gia đình, những cặp nam thanh nữ tú ngồi trên bãi cỏ trước tượng Đức mẹ chụp ảnh hoặc hơi đùa khi thấy tụi nó ôm thùng đi lại đều sẵn sàng móc tiền trong túi ra bỏ vào thùng. Cá biệt có những bậc cha mẹ đưa tiền cho con nhỏ bỏ vào thùng “cho tụi nó quen với từ thiện.” Người Sài Gòn hay làm từ thiện. Làm để lấy phước cho con cháu. Có người cho những số tiền lớn không cần được biết đến tên tuổi cho những tổ chức tôn giầo mà họ tin được.
Thằng Dũng cùng thằng Mai ôm thùng đứng sau lưng Vương cung Thánh đường, nhìn ra đường Thống Nhất - một con đường lớn và ngắn, bắt đầu từ dinh Độc Lập chạy dài đến Sở thú. Thằng Mai nhớ nhất con đường này là nhờ có rạp Thống Nhất - nơi chuyên xổ số hàng tuần có phụ diễn văn nghệ trong giờ nghỉ giải lao. Thi thoảng, nó cũng đi coi xổ số, đến giờ nghỉ giải lao nó lén chun lên hậu trường từ ngõ bên hông rạp. Trong hậu trường nó được dịp chiêm ngưỡng các kịch sĩ nổi tiếng như Ngọc Đức, Tùng Lâm, Văn Chung, Thẩm Thúy Hằng... tập tuồng hay hóa trang. Lúc đó nó cảm thấy khoảng cách giữa họ và nó sao mà gần gũi. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng ăn bò viên, hủ tiếu mì như người bình dân chúng nó. Kịch sĩ Tùng Lâm mất tiền cũng chửi thề ỏm tỏi, náo động cả hậu trường. Có khi nó thấy các kịch sĩ cũng gầy sòng chớp nhoáng trước khi màn sân khấu kéo lên.
Riêng thằng Dũng, không hiểu sao, nó nhận thấy sáng nay nhiều thanh niên trong những bộ quần áo hippy, tóc dài, đeo mắt kính có dán hoa thị - một biểu tượng của loài hoa của dân hippy cưỡi xe chạy rầm trời về phía sở thú. Thằng Dũng nêu thắc mắc này với thằng Mai:
- “Sao tụi hippy chạy đường này quá trời vậy mậy?”
- “Chắc tụi nó vô sở thú coi đười ươi.”
Bỗng dưng thằng Dũng kêu lên:
- “Đúng rồi, tao quên. Sáng nay trong sở thú có đại hội nhạc trẻ, cứu trợ nạn nhân bão lụt.”
- “Nhạc trẻ mà cũng cứu trợ nạn nhân bão lụt?”
- “Ừ. Tiền lời của việc bán vé. Tao đọc báo mà quên mất. Có nhiều ban nhạc trẻ đang nổi tiếng tham dự”
- “Tao không khoái nhạc trẻ. Mấy thằng Việt Nam, da vàng mũi tẹt mà hát toàn nhạc Tây nhạc Mỹ, đặt tên ban nhạc nào là Crazy Dog, Hammer, Blue Jet... toàn tên Tây, tên Mỹ không.” Thằng Dũng hào hứng:
- “Lần này có một ban nhạc mang tên Việt Nam nghe mậy.”
- “Tên gì?”
- “Bách Việt.”
- “Của ai vậy?”
- “Của mấy anh trường mình chứ ai."
- “Ủa, trường mình cũng cho học sinh tham dự mấy đại hội này à?”
- “Không. Mấy ảnh tham gia với tự cách cá nhân chứ không phải mang tên trường.”
Mấy chuyện này thằng Dũng vô cùng rành rọt nhờ những lá thư mùa thi của cô bé Thanh Danh thông báo cho nó. Anh Kiệt cũng là một thành viên trong nhóm nhạc Bách Việt. Anh sẽ thổi sáo và chơi sanh tiền.
- “Vậy đi coi đi.”
- “Tao cũng muốn lắm nhưng không biết để cái thùng ở đâu.”
- “Thì mình mang theo, sẵn đó mình lạc quyên luôn.”
- “Đi kiếm tụi thằng Thạch, phải rủ tụi nó đi nữa.”
Hai thằng quày quả đi ngược lại hướng cổng trước cúa Vương cung Thánh đường. Thằng Thạch đang nói chuyện bằng... tay với một người nước ngoài, có vẻ là dân du lịch vì một tay đang cầm bản đồ, một tay đang cầm máy ảnh.
Thằng Dũng thông báo cho thằng Thạch biết chuyện nó và thằng Mai dự định sẽ đi vào sở thú và rủ toàn bộ nhóm đi cùng. Thằng Thạch lắc đầu nguầy nguậy:
- “Mình đang đi lạc quyên mà đi coi đai hội nhạc trẻ đâu có được!”
Thằng Dũng cố thuyết phục:
- “Mình vô đó vừa xem vừa lạc quyên cũng được vậy.”
- “Mấy thằng cha, con mẹ hippy đó không có đóng tiền cho lạc quyên đâu.”
Thấy khó thuyết phục thằng Thạch vì lý do đi lạc quyên được nên thằng Dũng nói huỵch toẹt:
- “Mình phải đi ủng hộ học sinh trường mình chứ”
- “Học sinh trường mình thì có liên quan gì đến đại hội nhạc trẻ?”, thằng Thạch ngạc nhiên.
- “Mấy anh đệ nhứt trường mình, ừ quên nữa có cả thằng Chương vãn nghệ của lớp mình, thành lập ban nhạc tham dự đại hội nhạc trẻ hôm nay tại sở thú...”
- “Hả, có cả thằng Chương văn nghệ nữa hả!? vậy là phải đi xem ủng hộ nó. Nếu không mấy thằng hippy ở dơ ăn hiếp ban nhạc của trường mình... Đi tụi bây. Khoan đã, để tao kêu thằng Cường. Nó đang đi Siêu thị đường Nguyễn Du...” Thế là một lát sau, 11 thằng tụi nó đã có mặt ở trước cửa Thảo cầm viên. Từ bên trong vang ra tiếng trống, đàn và giọng của một ca sĩ đang gào rú một bản nhạc tiếng Anh. Từ ngoài nhìn vào, tụi nó thấy trước sân khấu được dựng giữa đường đi chính chật kín những thân người mà tụi nó khó có thể phân biệt nam và nữ. Dân hippy - dù nam hay nữ - đều giống nhau trong những cái quần ống loe suông hoặc loa voi, cùng với những cái áo sặc sỡ chật bó thân hình phì nhiêu hoăc là bộ xương cách trí. Những mắt kính to bản, có dán hoa thị che gần hết khuôn mặt. Những mái tóc mới là điểm chính để không thể phân biệt giới tính của hippy: dài phủ gáy. Nhiều tay hippy, có vẻ như muốn dễ phân chia ranh giới cúa giới tính một cách rạch ròi nên để thêm bộ râu không cần tỉa tót. Phương châm của dân hippy là sống theo tự nhiên - miễn làm sao có tiền để sống là được, sống với thiên nhiên miễn là thiên nhiên không bị ô nhiễm. Còn họ làm cho thiên nhiên ô nhiễm thì chẳng sao. Đó mới là hippy.” Hippy giao chỉ “theo tên gọi một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh. Bọn họ đang đứng dưới sân khấu gào thét, múa may theo thần tượng ca sĩ của ban nhạc trẻ đang làn, lê bò toài trên sân khấu. Trên những bãi cỏ là những nhóm hippy khác đang ngồi ăn, uống thậm chí chuyền tay nhau những điếu cần sa. Những gương mặt đê mê vì nhạc. Đê mê vì cần sa. Đê mê vì không khí hoang dại. Chưa tan buổi diễn mà người ta có thể thấy rác khắp mọi nơi. Rác từ ngoài cổng vào đến tận bên trong.
Đứng ngay cửa ra vào để soát vé cũng là một anh tóc dài, áo bó, quần loa rộng khiến cho người ta có cảm tưởng như hai chân của anh ta như đang bơi trong đó. Thấy bọn nó ôm thùng lạc quyên đi vào, anh ta ngăn lại:
- “Vé đâu?”
Thằng Thạch nhanh nhẩu:
- “Dạ, tụi em là học sinh Petrus Ký đi lạc quyên cứu trợ...”
- “Ờ... ờ đi cứu trợ hả. Nhưng ở đây là đại hội nhạc trẻ mà, khán giả vào đây để xem nhạc trẻ...”
- “Dạ, không sao. Của ít lòng nhiều. Ai muốn cứu trợ cũng được, ai không muốn cũng không sao.”
Có lẽ thấy bộ dạng mấy thằng này trong bộ đồng phục quần xanh, áo trắng học sinh không phải là dân hippy mê nhạc trẻ nên người gác cổng mở cánh cửa sắt nhỏ bên hông cửa chính cho từng thằng đi vào. Vừa qua khỏi cánh cửa, thằng nào cũng bị bao quanh bởi tiếng nhạc làm cho thân người của tụi nó bỗng dưng như muốn lắc lư. Thằng Thạch nhận xét: “đúng là kích động nhạc! Tao nghe mà muốn nhảy quá tụi bây ơi!
Thằng Dũng kêu “tụi mình tập trung ra gần phía sân khấu đi, để khi mấy ảnh xuất hiện mình vỗ tay cho dễ”.
Tụi nó cùng nhau đi vòng qua bên hông một quãng khá xa để tiến về phía trên sân khấu. Trên đoạn đường đi, nhiều anh, chị hippy thấy bọn nó đeo thùng cứu trợ lạc quyên đã gọi lại để bỏ vào thùng từng đồng tiền lẻ. Có tay hippy thấy bọn nó đi ngang qua liền giơ hai ngón tay trỏ và giữa thành hình chữ V như để khen ngợi làm tụi nó mát cả ruột và vô cùng tự hào khi mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng trong cơ man loạn xạ màu sắc cúa những bộ quần áo lụng thụng đầy tua ren và bằng đủ chất liệu mà họ khoác lên người để được gọi là thời trang của một tay hippy.
Đến gần sân khấu, tụi nó vẫn không chen vào được những hàng người ngồi dầy ken trên mặt đất. Khán giả không đứng và cũng chẳng có ghế để ngồi và thực sự họ cũng chẳng cần ngồi ghế. Đó là tinh thần chơi hết mình, nghe hết mình, cỗ vũ hết mình cho ngày đại hội nhạc trẻ theo lời yêu cầu của ban tổ chức gồm những tay nhạc trẻ lừng danh - trong đó phải kể đến công của nhạc sĩ Trường Kỳ, người được mệnh danh lả “vua hippy.” Mà thực ra, họ phải ngồi thôi vì họ không thể đứng hết suốt chương trình - mà theo giới thiệu là có đến gần 30 ban kích động nhạc tham gia. Nhìn tới, nhìn lui, thấy không còn chỗ trống, thằng Thạch “ra lệnh” cho tụi nó ngồi cùng một nhóm, ở phía trái sân khấu. Góc ngồi này cũng gần sân khấu nên tụi nó có thể thấy được những ban nhạc đang biểu diễn trên sân khấu mà không phải mỗi cổ vì phải ngước nhìn.
Trường Kỳ, trong vai trò xướng ngôn viên, bước ra sân khấu giới thiệu ban nhạc “The Vampire” sẽ kế tiếp chương trình. Sau đó theo thứ tự là những ban “The Ants”, “C. B. C”, “Three dog night”, “Three Apples”... Những ban nhạc trẻ mang tên Mỹ này là những ban nhạc được thành lập để chơi trong các phòng trà nhạc trẻ và các Club Mỹ. Không một ban nhạc trẻ nào mang tên Việt Nam. Giống như tên gọi, các ban nhạc này cũng chơi toàn những bản nhạc Top Hit của những ban nhạc ngoại quốc mà họ bắt chước bằng cách nghe lại từ băng nhạc hay trên đài phát thanh hàng tuần. Không ban nhạc nào lại không biết chơi những bản Top Hit thời thượng của những ban Beatles, Rolling Stone, Santana, The Mama and the Papa, The Ventures... Nếu không chơi được nghĩa là họ tự đào thải khỏi làng kích động nhạc, không chơi được trong các Club Mỹ, trong các phòng trà nhạc trẻ. Không những tên ban nhạc đã được Mỹ hóa mà ngay tên của những ca sĩ cũng là tên ngoại như Billy Jane, Jo Marcel, Tony, Tiny... mặc dù xuất hiện trong những bộ quần áo màu sặc sỡ, tóc tai, râu ria dài thậm thượt nhưng cũng không giấu nổi thân phận da vàng, mũi tẹt.
Những thành viên của “The Vampire” trong bộ quần áo da ngắn tay, có ren tua tủa ở hai cánh tay và ống quần làm người ta liên tưởng đến quần áo của chàng cao bồi Clean Eastvvood trong phim “A few dollars more”. Ban nhạc này biểu diễn những bài nhạc trong những phim cao bồi Mỹ như “A few dollars more”, “Django phục hận” “Những tay súng miền Viễn Tây”... Thằng Thạch huýt gió giống như dĩa hát nó nghe hàng ngày từ dàn pick - up của chị nó: “Tèng teng... ten tèng, tèng teng, ten tèng... tằng tăng tăng táng tàng tăng, tăn tằng... tằng tăng... xèo... Xèo xèo”.
Tiếp đó, theo như lời giới thiệu, là ban nhạc “The Ants” xuất hiện. Chắc là kiến vàng nên những thành viên trong ban nhạc này mặc những bộ cánh màu vàng, óng ánh kim tuyến. Cô ca sĩ, cũng giống kiến, ốm nhách, cao nhồng với giọng ca khàn đục mang âm hưởng của Joan Baez. Riêng anh chàng chơi ghita lead quỳ xuống sân khấu, dùng răng cắn vào dây đàn. Khán giả ngồi dưới sân khấu bị kích động bởi giai điệu nhạc và những động tác như lên đồng của các tay đàn đang tạo ra âm thanh từ những dụng cụ phá tiếng đàn ghita.
Lăn lê, bò toài. Những bài hát, những giai điệu nước ngoài quen thuộc trùng lắp giữa một vài ban nhạc. Đủ thứ trang phục từ cầu kỳ đến đơn giản một cách thô tục. Những vòng hoa lắc lư trên ngực, trên đầu tóc. Tiếng gào rú hỗn loạn loảng xoảng âm thanh sắc lẹm hay bùng nhùng giọng trầm. Mồ hôi rơi thấy rõ trên gương mặt ca sĩ, nhạc công. Nắng trưa đã lên cùng với đỉnh điểm của những cái loa chát lòa tiếng trép. Rùng rùng tiếng vỗ tay. Ào ào tiếng cổ vũ.
Thằng Mai ôm bụng nói với thằng Thạch:
- “Mầy còn bánh mì không, tao đói bụng quá.ễ”
- “Mầy ăn gì mà tàn sát vậy. Hồi sáng cháp hai ổ rồi.”
- “Tại bánh mì mầy mua ngon quá.”
- “Mầy ăn nhiều mà ốm nhom như vậy chắc là nuôi mấy con lãi kim, lãi đũa, lãi móc câu trong bụng rồi.”
Thằng Mai mặc cho thằng Thạch sỉ vả, nhăn nhó:
- “Tao đói quá, chắc tao không chờ xem ban nhạc gì... gì.. Của trường mình đâu...”
Thằng Thạch lấy từ trong túi xách ra một ổ bánh mì đưa cho thằng Mai. Thằng Dũng kêu lên:
- “Ê, khoan ăn hả, tới phiên ban Bách Việt của anh em trường mình kìa...”
- “Ồ... ồ...”
- “Coi bộ ngầu à..”
Tiếng bàn luận huyên náo, nổi lên. Tiếng huýt sáo miệng, tiếng la ó của đám khán giả đang ngồi dưới sân khấu khi nhóm Bách Việt xuất hiện. Ngay cả cái tên của ban nhạc đã là một cái gì rất “lô-can” khiến đám đông khán giả ái mộ nhạc trẻ chỉ quen với những ban nhạc có tên nước ngoài ngạc nhiên, tò mò thì sự xuất hiện của ban Bách Việt quả là một cú đi ngược và tạo nên sự mới lạ trên sân khấu.
Bốn chàng trai. Chẳng tóc dài như những thành viên của các ban nhạc khác vì họ đang đội trên đầu những chiếc rế đen - hình ảnh thấy trong những tấm bưu thiếp in ảnh của những người đàn ông Việt ngày xưa. Những thành viên của nhóm Bách Việt xúng xính trong chiếc áo the lĩnh đen, cái quần vải trắng và đi trên những đôi gưốc mộc. Lạ hơn nữa là, trên tay họ không phải là những cây ghita điện - công cụ chủ yếu của những ban kích động nhạc. Họ là bốn chàng trai trẻ, ở lứa tuổi 18 - là học sinh Petrus Ký, cùng học quốc nhạc do thầy Nguyễn Hữu Ba dạy từ trường Petrus Ký và sau đó là trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ. Đó là Phước Kiệt - thổi sáo và chơi sanh tiền, Duy Anh chơi đàn bầu và bộ trống; Trang thủ cây đàn nhị, và Chương, người trẻ nhất ngồi bắt chéo chân để làm đế đặt cây đàn tranh.
Tiếng nhận xét nổi lên ở phía dưới sân khấu:
- “Tụi nó chơi đàn đám ma làm sao chơi nhạc trẻ được...”
- “Ừ, thì để coi...”
- “Dầu sao thì cũng lạ mắt, chờ coi tụi nó biểu diễn cái đã..."
- “He... ha... kích động nhạc đàn gáo với ống tiêu thiến heo... Thằng Thạch đâm lo, nói nhỏ với thằng Dũng:
- “Ê mậy, sao tao thấy lo quá mậy...”
Vì đã từng xem thằng Chương chơi nhạc cùng với ban dân ca của trường trong buổi liên hoan văn nghệ liên trường nên thằng Dũng nói:
- “Không sao đâu. Mấy ảnh chơi tàn chi quái đao lắm."
Tuy cứng miệng với thằng Thạch, và cũng trấn an với mình vì nó cũng thấy hơi run trong không khí này.
Từ những cái loa lớn bắt chung quanh sân khấu bắt đầu vang ra những âm thanh đầu tiên trong bài “The Twist” - một bài hát thịnh hành lúc đó. Tiếng của cây đàn nhị hòa cùng tiếng đàn tranh, bầu cùng sáo làm âm vang của bài hát thịnh hành mang một âm hưởng rất lạ. Chưa bao giờ tín đồ nhạc trẻ đang ngồi chung quanh sân khấu này lại được nghe bài nhạc Twist bất hủ này bằng những âm thanh của các nhạc cụ lạ lùng trên. Họ vô cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra những cây đàn nhị, tranh vẫn có thể chơi nhạc trẻ phương Tây được chứ không chi dùng trong dàn nhạc đám ma hay trong các chương trình dân ca nhạc cổ trên đài phát thanh hay tivi. Những tay hippy, dân mê nhạc lắc lư theo điệu Twist cuốn hút. Hẳn Chubby Checker - cha đẻ “The Twist” cũng không ngờ rằng dân mê nhạc xứ Việt lại khoái Twist một cách tàn chi quái đao như vậy. Nhưng lại càng không ngờ hơn nữa khi Tvvist lại được chơi bằng những nhạc cụ của chính đất nước họ chứ không phải bằng những cây ghi ta điện lúc Twist vừa được khai sinh.
- “Bis... bis...”
- “Hoét... hoét... bis.. Bis...”
Tiếng vỗ tay cổ vũ, kèm theo tiếng yêu cầu bi... bis vang lên náo nhiệt dưới sân khán giả. Những tay hippy bàn tán xôn xao:
- “Nghe cũng được chứ hả tụi bây?”
- “Làm sao nghe nhạc mà “nhót” được là đứng điệu!”
Sau khi chấm dứt hai bài nhạc nước ngoài tiêu biểu của điệu Twist là “The Twist” và “Let”s Twist again” trên sân khấu im lặng một chút. Rồi, khán giả nghe âm thanh của tiếng đàn nhị vang ra những nốt nhạc đầu tiên của bài “Đêm đô thị”, một bài nhạc được viết theo điệu Twist của nhạc sĩ Y Vân.
- “Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng. Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm. Lá lá lá lá ỉa ỉa, lá lá lá la... Đời đẹp quá á... á a à á bài thơ...”
- “Người em gái đang thì tròn trăng mới như nhiều trang giấy..."
Bài hát gây một hiệu ứng tập thể khi những tay hippy ngồi duới sân khấu cùng vỗ tay, cùng lắc lư và hát theo tiếng đàn đang được những cái loa khuếch đại âm thanh hết cỡ. Lác đác có vài người đứng dậy lắc lư theo điệu nhạc tại chỗ và sau đó là từng cặp, từng cặp đứng dậy cùng lắc tuýt. Vừa lắc, họ vừa hát, vừa hét theo lời bài hát nhất là đoạn điệp khúc “lá lá lá lá la, lá lá lá lá la...” mà ai cũng có thể gào rống được.
Tụi thằng Thạch cũng không thoát khỏi được môi trường lây lan âm nhạc tập thể này. Nhất là thằng Thạch. Một thằng có máu Twist trong người. Rồi sau đó là thằng Mai - kẻ đã được học lác tuýt ế-ghèn trong vòng năm phút dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo sư khiêu vũ Thạch. Hai thằng đứng đối diện nhau, cùng nhảy mặc cho cái nắng chói chan đang chiếu trên đỉnh đầu. Thể trạng thằng Thạch thì quá khỏe cho điệu nhảy này. Chỉ lo cho thằng Mai. Nhưng nó đã được vũ trang bằng ổ bánh mì hồi nãy nên cái bao tử của nó vẫn đảm bảo cho nó phấn khích. Sau đó tới phiên thằng Ngầu, thằng Tuấn và ngay cả thằng lờ khờ như thằng Lê cũng cùng nhảy với các đàn anh của mình. Tụi nó vui quá! Cười đùa, hú... hét... Bis... bis... Bravo...!
Trên sân khấu, bốn ông “thầy đồ” thời đại cũng nhún nhảy không kém. Âm nhạc đã nhập vào hồn của những thành viên ban Bách Việt. Họ lấy tên là Bách Việt để khẳng định với những nhóm nhạc trẻ khác là dân Việt, dùng nhạc cụ Việt vẫn có thể tải những âm điệu hiện đại được, không thua kém bất cứ nhạc cụ nào. Bách Việt, cái tên vẫn nghe hay hơn là The Hawks - The Black Caps, The Kings..., những cái tên vay mượn cũng như cách chơi vay mượn từ những dĩa nhạc, không dám trại đi, ngay cả phong cách. Nhóm Bách Việt đã làm được. Họ chơi hay, thuần thục không, chưa biết.
Nhưng họ đã dám khai phá một bước mới cho nhạc trẻ Việt Nam. Chơi không vay mượn. Đưa điệu Twist phổ biến trên thế giới đến với khán giả Việt Nam bằng lối chơi của người Việt Nam, bằng những nhạc cụ của ông cha thường sử dụng trong những lúc nghỉ ngơi sau những buổi chiều đồng áng nhọc mệt. Nhóm Bách Việt đã dám chấp nhận “không thành công cũng thành nhân” để đưa nhạc cụ Việt lên sân khấu, chơi nhạc Tây ở trung tâm nhạc trẻ Sài Gòn - nơi tập trung những anh tài nhạc trẻ của thời đại.
Và họ - nhóm Bách Việt đã được chấp nhận bởi những tràng pháo tay cỗ vũ nồng nhiệt của khán giả - những tay hippy mê nhạc trẻ. Những tràng pháo tay kéo dài. Tiếng huýt sáo, tiếng kêu to “Bách Việt... bis... bis... one more time... Chơi nữa đi...” làm những thành viên Bách Việt phấn hứng. Họ chơi tiếp bài dân ca Việt Nam “Trống cơm” cũng bằng nhịp điệu của Twist. “Tình bằng có cái trống cơm. Khen ai khéo vỗ ố mấy bông nên bông, ố mấy bông nên bong chát chùm.. Chát
chát chùm..Twist...”. Chưa bao giờ một bài dân ca được phối theo điệu Twist, chơi bằng đàn cò, đàn tranh mà vẫn thúc giục được những cái chân của khán giả hippy cùng... Twist.
Chưa ban nhạc nào mệnh danh nhạc trẻ Việt Nam làm được điều ấy. Ban Bách Việt đã làm được. Họ chỉ là những tay nhạc trẻ chơi một cách tài tử. Họ không và sẽ không chơi trong các phòng trà và các Club Mỹ để kiếm sống. Vì nhạc đối với họ không phải là phương tiện để kiếm sống. Họ vẫn còn đi học. Họ là học sinh. Những thành viên của ban nhạc Bách Việt là học sinh Petrus Ký. Họ vẫn và sẽ là học sinh Petrus Ký. Bây giờ. Và nhiều năm sau nữa!
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn