View Single Post
  #398  
Old 05-30-2014, 06:37 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Cột đồng chưa xanh (tt)

Chàng đưa mắt ra hiệu cho Thuỷ Bình, nàng sẽ gật đầu. Hai người nhảy xuống điểm vào mấy huyệt đạo làm tay chân chúng cứng đơ không thể nhúc nhích, đoạn cùng kề gươm vào cổ doạ nạt:
_ Ngồi im, nếu bay la lên lưỡi gươm sẽ xuyên vào họng ngay!

Hai gã run như cầy sấy van xin lia lịa:
_ Bẩm hai quan chúng con không dám.
_ Lạy các quan tha cho. Con còn mẹ già, con dại …

Mạc Quân Tử bật cười:
_ Ừ, ta không giết bay đâu, chỉ hỏi đường nào đến Trấn Vũ Đạo Quán thôi, và ở đấy có bao nhiêu đạo sĩ tu hành?
_ Khải bẩm quan, Đạo Quán ở ngay đầu đường đê Cổ Ngự ngăn giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Quán có hai vị đạo sĩ tài phép, dung mạo bất phàm, trụ trì, một vị tên là Mai Gầm và vị còn lại là Mai Hoa, cùng mười hai đệ tử gọi là Thập Nhị Đồng Tử.
_ Chúng có tài phép gì?
_ Bẩm quan, con nghe đồn là hai vị có tài hô phong hoán vũ, trục quỷ khu tà. Còn vũ nghệ thì cao siêu đến mức đạp cây cây đổ, chỉ đá đá tan. Có lần trời mưa lớn, hai vị múa kiếm ngoài sân suốt nửa giờ đến khi mưa tạnh mà người vẫn khô ráo, quần áo tóc tai không dính một giọt nước. Thập Nhị Đồng Tử cũng vũ nghệ siêu quần, khắp vùng không ai địch lại.

Mạc Quân Tử gật đầu nói:
_ Đủ rồi, đường đê Cổ Ngự ở đâu?
_ Dạ quan đi theo đường chính này chừng vài dặm, thấy ngôi chùa to thì rẽ tay phải, tiếp tục thêm một dặm nữa, rẽ trái, phía trước là hai hồ nước lớn. Vốn khi xưa hai hồ chỉ là một, nay có đường đê Cổ Ngự ngăn làm đôi. Đạo Quán nằm ngay đấy, nhìn từ xa thấy ngay.
_ Tốt lắm, bây giờ chúng bay ở yên đây, chờ đôi ba giờ huyệt đạo tự giải khai sẽ hoạt động bình thường. Sớm mai dậy không được bảo ai biết, phải vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra, bằng không cứ bép xép thì chúng ta trở lại cắt cổ.

Nhanh như chớp chàng đưa tay điểm vào á huyệt hai gã gia nhân rồi cùng Lý Thuỷ Bình trở lại tường rào nhảy vọt ra ngoài. Hai người nhắm Tây Hồ chạy thẳng.

Trấn Vũ Đạo Quán là một trong bốn đạo quán lớn ở Thăng Long, trong thờ Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế. Quán đầu tiên được khởi dựng từ thời Lý Thái Tổ, trong đợt mở rộng hoàng thành Thăng Long dưới triều Lê Thánh Tông được di dời đến phía nam hồ Tây. Sau đấy được trùng tu nhiều lần dưới các triều vua Lê, chúa Trịnh và Tây Sơn. Từ xa Mạc Quân Tử và Lý Thuỷ Bình đã thấy bốn cột song song đứng thẳng dàn hàng ngang phía trước tam quan, hai cột giữa cao hơn hai cột ngoài, trên đầu bốn cột có chạm hình thú. Giữa hai cột mỗi bên là bức tường ngắn, trên có hình đầu cọp, dưới là phù điêu hình nguyên con hổ đứng. Cổng tam quan xây hai tầng cũng bằng gạch trắng, mái ngói cong, trên đỉnh có chạm song long triều nhật. Tầng trên có khắc ba chữ đại tự “Trấn Vũ Quán”. Dưới ba đại tự này là vòm tròn có khung gỗ hình giống như bánh xe gồm vòng trục chính giữa và tám nan hoa chia đều chung quanh. Phía sau có hình bát quái đồ. Tầng dưới phía trên vòm cửa có phù điêu đầu rồng, hai bên viết mấy câu đối phía trong màu nhũ vàng, phía ngoài chữ màu đen trên nền sơn trắng. Bốn cánh cửa gỗ màu đỏ đóng im ỉm. Nối vào tam quan hai bên là vòng tường cao quá đầu người. Bên trong tường trồng nhiều cây đại thụ.

Hai người thấy vắng vẻ liền nhảy qua tường vào trong. Qua một chiếc sân là ba lớp nhà tiền tế, chính điện và hậu cung. Toà chính điện rất to rộng, có bốn lớp mái, bốn hàng hiên. Cửa chính điện đóng kín, đèn thắp lờ mờ tuy nhiên hai người đều có nội công thâm hậu nên vẫn nhìn rõ mọi vật. Ở giữa điện treo bức hoành phi, hai bên tường hồi có khắc các bài thơ ca ngợi đền và thần Trấn Vũ. Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen được đúc dưới thời Lê Hy Tông, cao đến một trượng, chu vi hai trượng, toạ trên tảng đá cẩm thạch cao ba thước. Thần có khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt nhìn thẳng toát ra vẻ uy nghiêm nhưng hiền hậu, râu dài, tóc xoã, không đội mũ, mặc đạo bào, ngồi trên bục đá, hai chân trần đặt trên mặt đất. Bàn tay trái của thần đưa ngang ngực bắt ấn quyết, bàn tay phải vịn đốc kiếm. Thanh gươm của thần chống trên lưng một chú rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa và rắn là biểu trưng của thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Nhìn vẻ hùng vỹ uy nghiêm của bức tượng thần trong lòng hai người không khỏi dâng lên niềm thán phục và tôn kính. Quan sát một lúc không thấy gì lạ, hai người bèn lần vào hậu cung là nơi các đạo sĩ cư ngụ.

Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn