View Single Post
  #25  
Old 11-13-2012, 07:12 AM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww THỦY HỬ TRUYỆN - Hồi 49, 50

Hồi 49

Bày kế liên hoàn, phá nhà Hổ, Chúc;
Kéo cờ thắng trận, về trại Lương Sơn.


Khi đó Ngô Dụng bảo với Đới Tung rằng:
- Phiền hiền đệ trở về sơn trại gọi Thiết Diện Khổng Mục Bùi Tuyền, Thánh Thủ Thư Sinh Tiêu Nhưỡng, Thông Tý Viện Hầu Kiện, Ngọc Tý Viên Kim Đại Kiện, bốn người đem các thứ dùng theo sở trường của mình xuống đây, có việc cần kíp, phải mau cho kịp mới được.
Đới Tung vâng lệnh ra đi.
Chợt thấy quân sĩ vào bá, có con chủ nhân Hổ Gia Trang bên tây thôn, là Hổ Thành, dắt trâu khiêng rượu đến xin vào bái kiến.
Tống Giang truyền lệnh cho mời vào.
Hổ Thành vào trước trướng, cúi lạy kêu rằng:
- Em gái chúng tôi còn tuổi trẻ lỗ mãng, không hiểu sự thế, trót lỡ mạo phạm tôn uy, vậy ngài bắt được, không dám hối hận điều chi. Song cái đó chỉ vì em tôi dao trước trót đính hôn với Chúc Gia Trang, nên mới đường đột làm càn như vậy, dám xin tướng quân lấy lòng khoan thứ mà tha tội đi cho, ngài định lấy lễ vật thế nào, chúng tôi xin vâng lệnh...
Tống Giang nghe nói, truyền mời ngồi chơi mà nói rằng:
- Lũ Chúc Gia Trang ngông nghênh vô lễ, dám sỉ nhục bọn Lương Sơn, nên mới đem quân đánh giết. Lẽ ra đối với quý trang không có việc gì thì phải. Song vì lệnh muội bắt mất Vương Nụy Hổ của chúng tôi, nên chúng tôi phải trả lễ mà bắt lệnh muội cho phải phép đấy thôi. Nay nếu đem trả Vương Nụy Hổ đây, thì chúng tôi sẽ xin trả lệnh muội lại.
Hổ Thành nói:
- Vị hảo hán ấy chúng tôi không được biết, bị bọn Chúc Gia Trang bắt về bên mất rồi...
Ngô Học Cứu hỏi:
- Vậy thì nay Vương Nụy Hổ ở đâu?
Hổ Thành nói:
- Hiện nay bị giữ ở bên Chúc Gia Trang, chúng tôi không thể nào sang lấy về được.
Tống Giang nói:
- Đã không lấy được Vương Nụy Hổ về trả lại chúng tôi thì chúng tôi trả lệnh muội về thế nào được?
Ngô Học Cứu nói:
- Huynh trưởng bất tất phải nói thế. Bây giờ cứ thế này mới được: Từ nay Chúc Gia Trang có việc gì, thì Hổ Gia Trang không được cứu ứng, nếu Chúc Gia Trang có người chạy trốn sang tới đó, thì phải bắt mà đem sang đây, bấy giờ tôi sẽ đưa trả lệnh muội về...
Vì lệnh muội hôm đó đã có người đưa lên núi, để Tống Thái Công săn sóc, hiện không có ở đây bây giờ, vậy xin cứ thế, rồi sau này sẽ liệu...
Hổ Thành vâng lời mà rằng:
- Từ nay chúng tôi không dám cứu ứng nữa. Nếu họ có chạy sang, thì chúng tôi bắt lấy, đem nộp sang ngay cho tướng quân.
Tống Giang nói:
- Nếu quả như thế, rất là hay lắm, không còn lễ vật nào hơn, nhưng cần phải đúng lời mới được.
Hổ Thành vâng lời bái tạ về.
Bấy giờ Tôn Lập sai lấy cờ hiệu, đổi làm quân mã của quan Đề Hạt ở phủ Đăng Châu, rồi dẫn một hàng nhân mã đi thẳng đến Chúc Gia Trang, Trang khách ở trong tường, trông thấy cờ hiệu Đăng Châu, liền vào bảo cho trong trang biết.
Loan Đình Ngọc nghe báo có quân mã của Tôn Đề Hạt đến, bèn nói với ba con họ Chúc rằng:
- Tôn Đề Hạt với tôi là anh em học võ với nhau khi trước, nay không biết có việc chi mà đem nhân mã qua đây như vậy, ta thử ra đón vào hỏi chuyện xem sao?
Nói đoạn, sai mở cửa trang, bỏ đích kiều xuống, rồi cùng ra đón tiếp. Bọn Tôn Lập thấy người ra tiếp, liền xuống ngựa chào nhau, rồi Loan Đình Ngọc hỏi rằng:
- Lâu nay hiền đệ coi giữ Đăng Châu, sao nay lại đến đây, có việc gì đó thế?
Tôn Lập nói:
- Tôi vừa mới tiếp được văn thư của quan Tổng binh cắt sang coi giữ Vận Thành Châu, để phòng bị bọn Lương Sơn Bạc, tiên đường qua đây, nghe nói nhân huynh ở trong trang, nên muốn vào hỏi thăm một chút, lẽ ra đi lối cửa trước, nhưng thấy ngoài phía đằng ấy toàn thị quân mã đóng đòng, nên không dám xung đột, phải tìm đường lối tắt trong thôn, đi lối cửa sau mà vào thăm nhân huynh đây.
Loan Đình Ngọc nói:
- Đã mấy hôm nay đánh nhau với bọn giặc Lương Sơn mới bắt được mấy tên Đầu Lĩnh ở trong trang kia, chỉ đợi bắt tên chúa chỏm là Tống Giang, rồi đem giải quan một thể. Nay ta được hiền đệ đến đây, thì thực là trên gấm thêm hoa còn gì hơn nữa?
Tôn Lập cười rằng:
- Nếu vậy tiểu đệ tuy kém, cũng xin giúp nhân huynh bắt nốt tụi ấy, cho trọn việc của nhân huynh chẳng hay có được hay không?
Loan Đình Ngọc nghe nói cả mừng, liền mời cả vào trong trang, rồi cất cầu lên mà đóng cổng trang lại. Tôn Lập dẫn nhân mã vào xếp đặt một nơi, thay đổi áo xiêm, rồi lên trên sảnh chào Triều Phụng, và ba anh em Chúc Long.
Khi chào hỏi xong, Loan Đình Ngọc nói với Chúc Triều Phụng rằng:
- Hiền đề Tôn Lập tôi đây, biệt hiệu là Bệnh Uất Trì, đương là Đề Hạt ở phủ Đăng Châu, nay vâng mệnh Tổng binh sai đóng ở Vận Châu đó.
Chúc Triều Phụng nói:
- Nếu vậy chúng tôi cũng thuộc dưới quyền ngài đây rồi...
Tôn Lập khiêm tốn mà rằng:
- Có đâu dám thế? Chúng tôi đến đây cũng mong có điều gì ngài sẽ chỉ giáo cho.
Ba con họ chúc mời mọi người cùng ngồ, rồi Tôn Lập hỏi đến sự tình đánh nhau ra sao?
Chúc Long đáp rằng:
- Hiện đánh mấy hôm nay chưa phân thắng phụ ra sao cả.
Đoạn rồi Tôn Lập gọi Cố Đại Tẩu, dẫn Nhạc Đại Nương vào trong nhà, để chào hỏi vợ con Chúc Triều Phụng, và gọi Tôn Tân, Giải Trân, Giải Bảo lên chào mọi người mà nói rằng:
- Ba người này là anh em tôi cả.
Lại trỏ Trâu Uyên, Trâu Nhuận mà nói rằng:
- Hai vị quan nhân ở Đăng Châu đi tiễn tới đây...
Chúc Triều Phụng và ba con dẫu có khôn ngoan sắc sảo, song thấy Tôn Lập đi đó có vợ con anh em, kẻ đưa người đón, còn là đồ đạc xe pháo cẩn thận, lại là anh em bạn học với giáo sư Loan Đình Ngọc, thì trong lòng không còn chút gì nghi ngờ, liền sai thiết cơm rượu để làm tiệc khỏan đãi, mà lưu ở đó mấy hôm.
Đêm hôm thứ ba chợt thấy trang binh vào báo:
- Tống Giang lại kéo quân mã sang đánh trang.
Chúc Bưu nghe báo nói lên rằng:
- Để ta ra trận bắt thằng giặc này mới được.
Nói đoạn mở cửa trang, bỏ cầu xuống, dẫn hơn một trăm quân kị xông ra. Ngoài kia có một toán quân mã ước chừng năm trăm người, một viên tướng là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, đeo cung dắt tên, vỗ ngựa múa gươm đến đánh, Chúc Bưu múa gươm vỗ ngựa xông ra đấu nhau trước núi Độc Long tới mấy mươi hiệp, bất phân thắng phụ.
Hoa Vinh lừa miếng phá đĩnh quay ngựa ù té chạy, Chúc Bưu liền toan phóng ngựa đuổi theo. Chợt có người đứng đằng sau nói lên rằng:
- Tướng quân chó nên đuổi, người ấy bắn tên giỏi lắm, lỡ ra mắc tên ngầm thì khốn.
Chúc Bưu nghe nói, bên quay ngựa trở lại, dẫn quân mã đi rồi. Chúc Bưu liền xuống ngựa, lại vào nhà trong uống rượu.
Tôn Lập hỏi:
- Tiểu tướng quân bắt được tên giặc nào đó?
Chúc Bưu nói:
- Trong bọn đó có anh Tiểu Hoa Vinh nào đánh gươm cũng khá, đấu nhau đến năm mươi hiệp, rồi hắn kéo chạy, tôi đã toan đuổi theo, sau thấy bọn quân nhân nói là anh ta bắn tên rất giỏi, phòng khi hắn bắn tên ngầm, nên phải kéo quân về mà không đuổi nữa.
Tôn Lập nói:
- Tôi dẫu bất tài nhưng ngày mai xin bắt mấy đứa cho ngài coi...
Nói đoạn lại cùng nhau uống rượu đến tối mới tan.
Vào khoảng giờ ngọ ngày hôm sau, trang binh lại vào báo:
- Quân mã Tống Giang lại kéo đến trước trang.
Chúc Long, Chúc Hổ, Chúc Bưu nghe báo đều đóng đai nịt lên ngựa, mở cửa trang để đón đánh. Bấy giờ xa nghe tiếng trống la khua, cờ bay phất phới, quân mã Tống Giang, đã bầy thành trận thế, tề chỉnh ở đó.
Chợt thấy bên trận Tống Giang có Báo Tử Đầu Lâm Xung quát mắng ầm ĩ cả lên. Chúc Long nghe vậy cả giận liền bỏ đích kiều xuống, cầm thương lên ngựa, dẫn hai trăm nhân mã reo hò bước ra, phá trận của Lâm Xung, trong trang khua trống vang lừng, rồi hai bên cùng giương cung bắn tên để canh giữ ven trận. Lâm Xung múa bát sà mâu đánh nhau với Chúc Long hơn ba mươi hiệp bất phân thắng phụ, đôi bên lại khua la đều thu quân lại. Chúc Hổ nóng tiết vác đao lên ngựa xông ra trước trận, quát lên rằng:
- Tống Giang ra đây, quyết chiến một trận xem sao?
Bên kia Mộc Già Lạn Mục Hoằng liền vỗ ngựa ra đánh Chúc Hổ. Đôi bên đánh nhau hơn ba mươi hợp, cũng không phân thua, Chúc Bưu thấy vậy không sao im được liền cầm thương lên ngựa, dẫn hai trăm quân kị, thẳng xông đến trận Tống Giang, bên kia Bệnh Quan Sách Dương Hùng thấy hai bên đánh nhau hăng hái, trong bụng mũ giáp đai bào, và dắt ngựa ô truy của mình ra rồi ăn mặc chỉnh tề mà nhảy lên mình ngựa. Trên trang nổi một hồi thanh la, Tôn Lập liền phóng ngựa ra trận, bên kia Lâm Xung, Mục Hoằng, Dương Hùng đều kìm ngựa đứng ở trước trận Tống Giang.
Tôn Lập phóng ngựa ra mà nói:
- Tôi xin bắt mấy thằng này cho các ngài xem.
Khi đến trước mặt trận, Tôn Lập quát lên rằng:
- Trong trận giặc có tay nào đánh giỏi, ra đây quyết chiến với ta?
Nói đoạn thấy bên kia nhạc ngựa loảng soảng, có một viên tướng là Thạch Tú cưỡi ngựa xông ra đánh.
Đôi bên người ngựa giao nhau, mũi thương lên xuống đánh nhau tới năm mươi hợp. Tôn Lập lừa miếng phá đĩnh nhường cho Thạch Tú đánh sấn vào, rồi né mình vờ tránh mà bắt sống Thạch Tú cắp tót về trước trang bảo quân sĩ trói lại.
Ba người họ Chúc thấy vậy liền thừa thế mà đánh ra, quân mã Tống Giang đều chạy tán loạn hết. Đoạn rồi thu quân trở về trong trang, cùng đến chúc mừng Tôn Lập.
Tôn Lập liền hỏi:
- Hôm nay nữa là bắt được mấy tên giặc tất cả?
Chúc Triều Phụng nói:
- Thoạt tiên bắt được Thời Thiên, thứ nhì bắt được tên Dương Lâm đương đi do thám, thứ ba bắt được Hoàng Tín, rồi Nhất Trượng Thanh bên Hổ Gia Trang bắt được tên Vương Nụy Hổ, sau đối trận bắt được tên Tần Minh, Đặng Phi, hôm nay lại bắt được Thạch Tú chính là tên đốt điếm của tôi hôm nọ đấy...Thế là cộng tất cả được bảy tên rồi...
Tôn Lập nói:
- Được, không nên giết một thằng nào cả, cứ để bảy xe tù nhốt nó đấy, cho ăn uống tử tế, đừng để cho nó gầy còm, chờ bao giờ bắt được Tống Giang sẽ giải lên Đông Kinh, cho thiên hạ biết tiếng Tam Kiệt ở Chúc Gia Trang.
Chúc Triều Phụng tạ ơn mà rằng:
- Đa tạ Đề Hạt có lòng giúp đỡ, chắc là bọn Lương Sơn phải dứt ngay...
Nói xong đón Tôn Lập vào trong nhà dự tiệc, còn Thạch Tú thì cho giam xuống xe tù. Bấy giờ Tôn Lập ngầm sai Trâu Uyên, Trâu Nhuận cùng Nhạc Hòa, đi dò xét các nơi phòng ốc cùng các cửa ngõ ra vào cho tinh thuộc tất cả, để đợi cho đến lúc hành sự. Dương Lâm, Đặng Phi thấy hai người ở đó, thì trong bụng lấy làm vui mừng vững ý. Nhạc Hòa liền thừa cơ lúc vắng, báo tin tức cho mọi người cùng biết, còn Cô Đại Tẩu, cùng Nhạc Đại Nương thì chuyên về một việc các lối ra vào trong phòng ốc cho thông. Ngày hôm thứ năm, nhằm khoảng giờ thìn, cơm nước mới xong bỗng thấy người nào báo Tống Giang chia binh làm bốn mặt ập vào đánh Chúc Gia Trang.
Tôn Lập nói:
- Nó chia đến mười mặt cũng mặc, các anh không sợ, cứ phòng bị cho cẩn thận, sắp sửa gậy móc tử tế, để ta bắt cả cho mà xem. Chết một thằng nào cũng không phải là giỏi.
Người trong trang đều nai nịt tử tế, rồi Chúc Triều Phụng dẫn mấy người lên cổng gác để nom, khi đó thấy phía đông có một đội năm trăm quân mã, một tướng đứng đầu là Báo Tử Đầu Lâm Xung, và Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Nhị đứng sau. Phía bên tây một toán nhân mã ước tới năm trăm, có Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh đứng trước, có Trương Hoành, Trương Thuận, theo sau; Bên Nam một bọn năm trăm nhân mã có ba vị Đầu Lĩnh đứng đầu là Mục Hoằng, Dương Hùng và Lý Quỳ, mấy mặt nhân mã đều động trống khua chiêng, uy thế ầm ầm không khác gì vỡ trời long đất vậy.
Loan Đình Ngọc bảo với mọi người rằng:
- Hôm nay tất phải cẩn thận mới được, để tôi xin dẫn một đội nhân mã ra cửa sau, đánh về mạn Tây Bắc.
Chúc Long nói:
- Tôi xin dẫn quân mã ra lối cửa trước, đánh mặt chính Đông.
Chúc Hổ nói:
- Tôi xin ra cửa sau đánh mạn Tây Nam.
Chúc Bưu nói:
- Còn tôi xin ra cửa trước đánh bắt Tống Giang thằng giặc ấy mới quan hệ lắm.
Chúc Triều Phụng cả mừng, đưa rượu thưởng cho mọi người. Rồi ai nấy đều lên ngựa, dẫn ba trăm quân kị mã, mở cửa trang đi ra. Còn các người canh giữ trong trang đều khua trống reo hò để giúp thêm oai thế.
Khi đó Trâu Uyên, Trâu Nhuận đã giấu sẵn đại phủ trong mình, đứng chực ở bên cửa sảnh, Giải Trân, Giải Bảo dắt dao đứng ở cửa sau, Tôn Tân, Nhạc Hòa đứng ở cửa trước, còn Cố Đại Tẩu thì sai người nhà giữ lấy Nhạc Đại Nương, rồi cầm song đao nấp ở trong nhà, để cùng đợi nhau hạ thủ. Bên này bọn Chúc Gia Trang đánh ba hồi trống, nổi tiếng súng hiệu, mở cửa trước cửa sau, hạ đích kiều xuống, rồi mấy toán quân đều xông ra chia đường đón đánh. Tôn Lập vừa mới dẫn vài mươi tên quân ra, đứng ở đích kiều, thì Tôn Tân đã đem cờ hiệu của Tôn Lập cắm ngay ở trên gác cổng. Đoạn rồi Nhạc Hòa cầm sang hát lên mấy tiếng.
Trâu Uyên, Trâu Nhuận nghe tiếng hát, liền thổi còi hiệu, rồi múa đại phủ chém luôn mấy tên trang khách canh cổng, và mở xe tù thả bảy ông kễnh ở trong đó ra. Bảy anh ra khỏi xe ù, bèn đến giá gươm mỗi anh vớ lấy một cây, rồi reo hò ầm ầm cả lên.
Cố Đại Tẩu múa song đao xông vào trong phòng, tìm bao nhiêu đàn bà trẻ con, tặng cho mỗi người một dao, không còn mống nào sót lại.
Chúc Triều Phụng thấy sự thế nguy biến, liền đâm đầu xuống giếng, bị Thạch Tú nhanh tay chém cho một dao, rồi cắt lấy thủ cấp. Đoạn rồi mười mấy vị chia tay nhau mà đuổi giết trang binh.
Giải Trân, Giải Bảo ở cửa sau, liền châm lửa đốt đống cỏ ngựa, làm cho khói lửa bốc lên mù mịt cả trời.
Bốn mặt nhân mã thấy trong trang phát hỏa, liền hết sức cướp đường về cứu, Chúc Hổ chạy về đến đích kiều, gặp Tôn Lập ngăn đường mà quát hỏi rằng:
- Thằng giặc này chạy đi đâu thế?
Chúc Hổ biết là mắc kế, bèn quay ngựa chạy lại trận Tống Giang, luống cuống bị Lã Phương, Quách Thịnh đâm chết cả người lẫn ngựa. Toán tiểu đội Chúc Gia thấy vậy, đều tán loạn chạy đi cho thoát mạng, rồi Tôn Tân đón Tống Giang vào trang.
Mặt bên Đông, Chúc Long đấu với Lâm Xung không nổi, quay ngựa chạy về lối cổng sau. Khi vào tới đích kiều thấy Giải Trân, Giải Bảo, đương ném xác trang khách vào đống lửa. Chúc Long bèn quay ngựa trở lại mà chạy về mạn bắc, bỗng đâu gặp Lý Quỳ cầm song phủ chém con ngựa ngã lăn ra, rồi sấn vào chém đứt Chúc Long làm hai đoạn.
Chúc Bưu thấy trang khách đến báo, biết không trở về được, liền vỗ ngựa chạy thẳng đến Hổ Gia, bị Hổ Thành sai trang khách trói lại, rồi đem giải đến Tống Giang. Vừa giải đến giữa chừng gặp Lý Quỳ giơ song phủ chém luôn một nhát, rồi trang khách chạy tan đi hết.
Lý Quỳ lại vác phủ xông đánh Hổ Thành, Hổ Thành thấy thế lực hùng dũng không sao đánh nổi, liền phóng ngựa bỏ cửa bỏ nhà, mà chạy sang phủ Diên An, về sau mới phát phúc làm nên một võ tướng ở đó.
Bấy giờ Lý Quỳ đang thuận tay thích chém, thẳng đến Hổ Gia Trang, đem toàn gia họ Hổ bất cứ trẻ già đều chém chết hết cả, rồi gọi tiểu lâu la dắt lấy cả ngựa, thu lấy của cải, rồi cho một mồi lửa đốt cháy trang viện, khi trở về dâng nộp Tống Giang.
Khi đó Tống Giang ngồi trong Chúc Gia Trang, các Đầu Lĩnh đến dâng công, bắt sống được bốn năm trăm người, cướp được năm sáu trăm ngựa, còn trâu dê băt sống không biết bao nhiêu mà kể.
Tống Giang thấy vậy cả mừng mà nói rằng:
- Chỉ thương hại cho Loan Đình Ngọc là một tay hảo hán anh hùng, mà cũng bị chết oan vào đó, thực là đáng tiếc!
Đương khi than thở chợt thấy người báo, Hắc Toàn Phong đốt Hổ Hoàng Tín chém đầu người đem đến nộp.
Tống Giang nghe báo liền nói:
- Hổ Thành bữa trước đã đến xin hàng, ai bảo nó đến chém giết người ta, và đốt cả nhà người ta như thế?
Vừa nói dứt lời thì thấy Lý Quỳ mình đã máu me, lưng dắt song phủ thẳng đến trước mặt Tống Giang, dạ mà nói rằng:
- Chúc Long chúng tôi giết rồi, Chúc Bưu cũng bị tôi giết nốt, Hổ Thành thì chạy mất, còn cả nhà Hổ Thái Công đều bị giết sạch cả, xin đến để dâng công.
Tống Giang quát lên rằng:
- Chúc Long thì có người trông thấy ngươi giết, còn những người khác, thì ngươi giết ở đâu?
Lý Quỳ nói:
- Tôi chém đương sướng tay, toan chạy vào Hổ Gia Trang, gặp ngay người anh nàng Nhất Trượng Thanh giải Chúc Bưu ra, bèn chém cho một nhát bửa sọ làm đôi, chỉ còn tiếc Hổ Thành chạy mất, không làm sao đuổi được. Nhà hắn thì tôi cũng giết cả rồi, không còn sót một người nào cả.
Tống Giang lại quát lên rằng:
- Ai bảo nhà ngươi đến đấy? Ngươi phải biết, bữa trước Hồ Thành đã dắt dê khiêng rượu đến xin hàng, mà sao không nghe lệnh ta, dám thiện tiện đến đó giết cả nhà người ta, cố ý làm trái tướng lệnh của ta như thế?
Lý Quỳ nói:
- Ca Ca quên chứ tôi đây không quên đâu. Bữa trước tôi còn nhớ con ran con nó đuổi đánh định giết Ca Ca, thế mà nay còn bênh nó...Ca Ca định kết hôn với nó hả, mà thương tiệc bố vợ?
Tống Giang liền thét lên rằng:
- Đừng thoăng thoắng nói xấc ở đây. Bắt sống được mấy người tất cả?
Lý Quỳ nói:
- Ối chào! Ai phiền phức thế, nó có sống nữa cũng chém chết cho xong...
Tống Giang nói:
- Ngươi trái quân lệnh của ta lẽ phải chém, nhưng nghĩ công ngươi bắt được Chúc Long, Chúc Bưu thì hãy xóa đi cho, lần sau nếu trái lệnh, tất là không tha nữa.
Lý Quỳ nói:
- Thôi, dẫu không có công lai gì, nhưng chém cũng sướng tay đã...
Khi đó chợt thấy quân sư Ngô Học Cứu dẫn nhân mã đến trang để nâng chén mừng Tống Giang. Tống Giang bàn với Ngô Học Cứu định trừ hết cả thôn Chúc Gia thì mới hả lòng.
Thạch Tú bẩm với Tống Giang rằng:
- Ở thôn đây có lão Chung Ly vốn là kẻ lương dân tử tế, nếu hôm đó lão không chỉ đường bảo tôi, thì tất còn nguy nữa, vậy chúng ta không nên bỏ hoại người tốt mới được.
Tống Giang bèn cho Thạch Tú đi tìm người ấy đến.
Thạch Tú vâng lời đi một lúc tìm được lão Chung Ly, dẫn đến lạy chào Tống Giang cùng Ngô Học Cứu.
Tống Giang sai lấy một bao kim bạch, thưởng cho lão già mà nói rằng:
- Lẽ ra ta định làm cỏ hết cả thôn này, song nghĩ lão già có ơn khi trước mà tha cả cho dân, từ nay phải yên nghiệp làm ăn mới được.
Chung Ly vâng lạy tạ ơn, Tống Giang lại nói:
- Mấy hôm nay ta đến ở đây, không khỏi có điều rối loạn đến dân sự. Vậy nay đã đánh xong Chúc Gia Trang, vì dân trừ được hại to, trong dân có bao nhiêu nhà, đều thưởng cho một hộc gạo, gọi là thụ lộc làm vui, phiền lão phân phát giúp cho.
Đoạn rồi nhất diện sai đem thóc gạo của Chúc Gia Trang xếp để lên xe, kim ngân tài bạch chia thưởng cho ba quân, và các thứ trâu bò, dè ngựa, đều tải về sơn trại để mà chi dụng. Khi đó tính ra được năm mươi vạn hộc lương đem về Sơn Bạc. Tống Giang thấy vậy lấy làm vui mừng liền cùng các vị Đầu Lĩnh cũ và mới là bọn Tôn Lập đem vả xe trượng vợ con, chia làm ba đội lập tức kéo về sơn trại.
Khi đi qua đường các dân sự trong thôn, đều cõng trẻ dắt già đem hương hoa ra đường đón để mừng lạy tạ, chẳng khác chi quân vương giả đi qua, không ai là không kính phục.
Ba quân thẳng ngọn cờ đào,
Oai hầm dậy đất, tiếng hào xông mây.
Cõi trời riêng chiếm từ đây,
Những loài nô lệ xưa nay sá gì?
Nói về Phác Thiên Bằng Lý Ứng từ khi chữa khỏi vết thương, trong mình đã hơi khỏe mạnh, liền đóng kín cửa trang không ra đến ngoài, mà ngày ngày cho người ra thăm tin tức Chúc Gia. Sau khi biết Chúc Gia đã bị Tống Giang đánh phá tan tành, thì trong bụng nghĩ thầm nửa mừng mà thêm nửa sợ. Chợt một hôm thấy trang khách đến báo:
- Có Quan Phủ bản châu dẫn bốn năm mươi tên kiệu quân đến, muốn hóiự tình về Chúc Gia Trang.
Lý Ứng nghe nói, liền bảo Đỗ Hưng mở cửa trang, bỏ đích kiều rồi lấy lụa quấn tay ra đón Quan Phủ mời vào trong sảnh.
Khi tới nơi Quan Phủ xuống ngưak vào sảnh ngồi giữa, viên Khổng Mục ngồ một bên, phía dưới có mấy người Áp Phiên, mấy người Ngu Hầu, dưới nữa thêm có mấy người Tiết Cấp cùng lính ngục đứng hầu.
Lý Ứng lạy chào, đứng ở trước sảnh, rồi Tri Phủ hỏi:
- Việc Chúc Gia Trang bị đánh phá như thế nào?
Lý Ứng bẩm rằng:
- Chúng tôi bị Chúc Bưu bắn một mũi tên, vẫn còn đau ở cánh tay, phải đóng cửa ở trong nhà không hiểu sự thể ra sao?
Tri Phủ nói:
- Chúc Gia Trang hiện có đơn đem trình, nói rằng ngươi kết liền với bọn Lương Sơn, dẫn quân đi đánh Chúc Gia Trang, và nhận các đồ chè rượu trâu dê của giặc, còn chối làm sao.
Lý Ứng nói:
- Chúng tôi là một người biết phép luật xưa nay, có khi nào lại dám làm càn như thế được.
Tri Phủ nghiêm sắc mặt nói rằng:
- Ngươi nói khó tin lắm, hãy đem về Phủ rồi sẽ đối chứng xem sao?
Nói đoạn, liền quát trói Lý Ứng đem về Phủ để đối chứng với bọn Chúc Gia Trang. Hai viên Ngu Hầu cùng bọn Tiết Cấp túm vào trói Lý Ứng lại, rồi Quan Phủ lên ngựa dẫn mọi người dong Lý Ứng đi.
Quan Phủ lại hỏi:
- Tên nào là Đỗ Chủ Quản đây?
Đỗ Hưng nói:
- Bẩm chúng con là Đỗ Hưng.
Tri Phủ nói:
- Trong giấy thưa có cả tên ngươi, ta phải bắt về một thể, chúng đâu trói lại.
Chúng vâng lời, khóa tay Đỗ Hưng vào, cùng dong theo Quan Phủ ra khỏi cổng trang, rồi vội vội vàng vàng kéo đi rất nhanh.
Đi được ba mươi dặm đến một khu rừng kia, chợt thấy Tống Giang, Hoa Vinh, Lâm Xung Dương Hùng, Thạch Tú, dẫn một toán nhân mã đón chặn đường đi, rồi Lâm Xung quát lên rằng:
- Bọn hảo hán Lương Sơn Bạc ở đây.
Bọn Tri Phủ thấy vậy kinh hoàng luống cuống, không dám chống cự, liền bỏ cả Lý Ứng, Đỗ Hưng mà chạy trốn thẳng.
Tống Giang quát lên rằng:
- Chúng đâu đuổi bắt lấy bọn kia...
Chúng vâng lệnh quay ra đuổi một quãng rồi chạy về bẩm rằng:
- Nếu chúng tôi đuổi kịp thì chém đầu Tri Phủ mang về, nhưng không biết họ đã chạy trốn đâu hết cả rồi.
Tống Giang liền sai cởi trói Lý Ứng, Đỗ Hưng tháo cả khóa ra, rồi sai dắt hai con ngựa cho hai người cưỡi mà hỏi rằng:
- Chúng tôi muốn mời ngài lên Sơn Bạc ít bữa, có được chăng?
Lý Ứng nói:
- Tôi không thể đi được...Tri Phủ là các ông...giết, không việc gì đến tôi...
Tống Giang cười rằng:
- Trước mặt Quan Tư ai hiểu cho lẽ đó? Chúng tôi đi rồi, chỉ e lại lụy cho các ngài thôi. Đã hay là ngài chả chịu làm nghề lạc thảo nhưng hãy lên ở tạm sơn trại ít bữa, để nghe xem sự thể làm sao, rồi lại trở về cũng được.
Nói đoạn đốc thúc quân mã dắt ngựa bắt hai người cùng đi, không thể nào từ chối được. Khi về tới Lương Sơn Bạc, Tiều Cái dẫn các hàng Đầu Lĩnh đón tiếp, dâng rượu tiếp phong, rồi mời cả lên Tụ Nghĩa Sảnh. Bấy giờ mời Lý Ứng lên, cùng các Đầu Lĩnh chào hỏi, xong rồi cùng khiêm nhượng mà chia ra ngồi làm hai dãy.
Lý Ứng nói với Tống Giang rằng:
- Hai người chúng tôi tới đây, được cùng các vị Đầu Lĩnh tiếp kiến, dẫu ở đây theo với các ngài cũng không lấy gì làm ngại. Song còn vợ con ở nhà, không biết ra sao? Xin các ngài rộng ơn cho chúng tôi trở về thì hay lắm...
Ngô Dụng cười mà đáp rằng:
- Chết nỗi! Đại Quan Nhân lầm rồi, quý quyến hiện đã đến sơn trại kia chứ đâu? Quý trang bây giờ đã đốt cháy cả rồi, Quan Nhân còn định về đâu được nữa.
Lý Ứng nghe nói bụng hồ đồ không tin, chợt thấy một toán nhân mã dẫn các xe trượng kéo lũ lượt ra sơn trại. Lý Ứng nom ra, quả nhiên toàn là những người trong trang trại mình cả, bèn vội vàng chạy ra hỏi thăm tin tức. Sau thấy vợ con nói rằng:
- Khi Quan Phủ bắt dong Quan Nhân đi rồi. Lại có hai người Tuần Kiểm dẫn bốn người Đô Đầu đem ba trăm thổ binh đến, thu lấy hết cả tài sản, bắt hết chúng tôi cho lên xe, bao nhiêu hòm xiểng trâu dê lừa ngựa, đều bắt lấy cả, nói là dọn chạy loạn đi, rồi phóng hỏa đốt cả trang viện mà kéo lên đây.
Lý Ứng nghe nói ngây hẳn người ra kêu khổ!
Tiều Cái, Tống Giang liền xuống sảnh cúi lạy tạ tội mà rằng:
- Anh em chúng tôi nghe nói Đại Quan Nhân là người tốt, mới lập ra mưu để đón ngài lên đây, dám xin ngài thứ tội cho.
Lý Ứng thấy sự thế đến nơi, và được lòng tử tế như vậy, đành phải vâng theo mà không biết nói, làm sao được nữa.
Tống Giang liền sai đem quyến thuộc Lý Ứng cho vào ở một bên phòng hậu sảnh. Lý Ứng thấy các Đầu Lĩnh cũng nhiều người vợ con cũng phải vâng lời mà lưu ở trong sơn trại cho xong.
Đoạn rồi cùng vào trong sảnh trò chuyện với nhau. Các Đầu Lĩnh đều tỏ ý vui mừng vô hạn.
Tống Giang cười bảo Lý Ứng rằng:
- Ngài thử xem để tôi gọi bọn Quan Phủ với bọn Tuần Kiểm của chúng tôi ra chào ngài.
Nói đoạn gọi từng người ra trỏ cho Lý Ứng xem:
- Tiên Nhượng làm quan Phủ, Đới Tung, Dương Lâm làm Tuần Kiểm, Bùi Tuyên làm Khổng Mục Kiêm Đại Kiện, Hầu Kiện làm Ngu Hầu, và Lý Tuấn, Mã Lân, Trương Thuận, Bạch Thắng, làm Tiết Cấp.
Lý Ứng nom thấy vậy lắc đầu lè lưỡi không nói được câu gì nữa. Tống Giang lại sai giết trâu mổ ngựa làm tiệc thiết đãi Lý Ứng, và khao mừng mười hai vị Đầu Lĩnh mới lên sơn trại là: Tôn Lập, Tôn Tân, Giải Trân, Giải Bảo, Trâu Uyên, Trâu Nhuận,Đỗ Hưng, Nhạc Hòa, Thời Thiên, Cố Đại Tẩu, Hổ Tam Nương, và Nhạc Đại Nương, còn gia quyến Lý Ứng thì làm việc thiết đãi ở trong nhà trong, các quân chúng lớn nhỏ đều có khao thưởng hết cả. Hôm đó trên đại sảnh mở cờ dóng trống, đàn nhạc vang lừng, các Đầu Lĩnh cùng nhau chè chén đến tối mới tan. Đoạn rồi sai xếp đặt phòng riêng cho các vị Đầu Lĩnh mới đến ở yên nghỉ.
Ngày hôm sau lại đặt tiệc, cùng tụ họp yến âme với nhau. Tống Giang gọi Vương Nụy Hổ đến rằng:
- Khi trước ở núi Thanh Phong, ta có hứa việc hôn nhân cho ngươi, từ bấy đến nay trong lòng vẫn áy náy, chưa sao mà như lời được. Vậy nay phụ thân ta có một người con gái, xin gả cho ngươi để khỏi phụ lời khi trước.
Nói đoạn liền mời Tống Thái Công cho dẫn Nhất Trượng Thanh ra mà khuyên dỗ rằng:
- Người anh em tôi là Vương Anh đây tuy võ nghễ không bằng hiền muội, song trước tôi có hứa làm mối lương duyên cho hắn, mà chưa thành được. Vậy nay hiền muội đã nhận phụ thân tôi làm nghĩa phụ, thì các vị Đầu Lĩnh đây xin làm mối lái, chọn ngày lành tháng tốt cho hiền muội cùng Vương anh kết làm phu phụ, nên chăng?
Nhất Trượng Thanh thấy Tống Giang có lòng nghĩa khí như vậy, không tiện từ chối, bèn cùng Vương Anh lạy tạ Tống Giang mà nhận lời kết tóc xe tơ. Tiều Cái cùng mọi người đều vui mừng hớn hở, mà cùng nhau xưng tụng đại nghĩa của Tống Giang. Khi đó lại cùng nhau chè chén tạc thù rất là thỏa thích. Đươngkhi yến ẩm, chợt thấy tiểu lâu la và báo:
- Trong tửu điếm Chu Đầu Lĩnh, có người ở Vận Thành, tên là Lôi Hoành, đến xin lên để bái kiến Đầu Lĩnh.
Tiều Cái, Tống Giang nghe nói cả mừng, bảo với nhau rằng:
- Nếu vậy chắc là ân nhân đã lên nhập đảng, thực là chí nguyện bình sinh, ngày nay mới thỏa...
Cho hay:
Trượng Phu đứng ở trên đời,
Thù xưa phải báo ơn người chớ quên.
Một lời trót đã nặng nguyền,
Trăn năm xin có hoàng thiên soi cùng.
Còn thân thể còn núi sông,
Còn bầu nhiệt huyết, tấc lòng còn ghi,
Non xanh dù gặp lương tri,
Ngang trời dọc đất ngại gì nữa chăng?
Lời bàn của Thánh Thán:
Ba lần đánh Chúc Gia, thấy biến ra cách khác, mới biết tài sâu tác giả tả ra, càng khiến cho ta tán thưởng, như tả đến Loan Đình Ngọc đi mất, không biết ra sao? Hỡi ơi! Há chẳng lạ thay!
Lúc mở cửa trang, bắc đích kiều, thì ba họ Chúc với một họ Loan, ra nghinh địch, rõ ràng ở giấy, ai đọc chẳng thấy rõ, mà Loan Đình Ngọc chết ở chỗ nào? Không thấy dấu vết, chỉ căn cứ vào một lời than tiếc của họ Tống thì cho đã chết rồi! Ta nghe rằng bậc anh hùng từ xưa, biết rằng cái gì nên làm mới làm, còn không nên làm thì thôi, vid như chim ưng, tùy từng chỗ đậu, không phải chỗ đậu, tất cao bay xa chạy lánh đi, như Loan Đình Ngọc trốn đi đâu, cứ xem Hổ Thành chạy thoát, sau cũng thành một Đại tướng của Trung hưng, danh giá vẫn còn, lẽ nào Đình Ngọc lại không thoát khỏi, chắc rằng Đình Ngọc trốn thoát sau phải làm nên, không nói rõ ra đây, coi đã chết trận này, vì một lẽ khác.
Trong khi Tống Giang đem quân đến đánh, Lâm Xung, Lý Tuấn, Nguyễn Tiểu Nhị ở cửa Đông, Hoa Vinh, Trương Thuận, Trương Thuận, ở cửa Tây, Mục Hoằng, Dương Hùng, Lý Quỳ ở cửa Nam, mà Đình Ngọc ra trận ở cửa Bắc, tức không chạy ra cửa có tướng, lại đón địch cưa không người, đáng ngờ câu đó, mới có lời bàn chưa thể chết! Song riêng ta cho rằng, ba mặt tấn công, thế như hùm hổ vây thành, nếu Đình Ngọc sớm biết, còn có thể bảo vệ toàn quân cho họ Chúc, thì làm sao mà chạy trốn đi ngay, lại thấy rõ là phải chết. Thế thì chạy ra một cửa bắc không có tướng là sao? Nói rằng cửa bắc không phải là không có tướng, quân mã Tống Giang bốn mặt tấn công, chẳng chép tới cửa bắc, cũng vì Đình Ngọc mà kiêng bỏ đi, nếu mà chéo ra thì phải rõ ràng, rõ ra thì sức của Đình Ngọc đâu thua, dao không thể mẻ, thương không thể gãy, trống không thể ngừng, tên không thể hết...tức Đình Ngọc chưa đến nỗi chết, nếu chép ra Đình Ngọc thua chết, thì dao mẻ, thương gãy, trống ngừng, tên hết, thì có chỗ không nên nói ra vậy. Theo Kinh Xuân thu vì người hiền mà kiêng bỏ, coi khuyết đi mà chả chép ra, cho nên không chép đến tên Đầu Lãnh đón đánh cửa Bắc, là vì không nên chép đến sự của Loan Đình Ngọc, còn khó dùng bút chép ra như thế, thì ai bảo rằng: Tùy quan chép Sử dễ làm; Tùy quan chép Sử dễ đọc vậy vâjy?
Sử Tiến tìm Vương Giáo Đầu chẳng thấy, ta đọc đến mà buồn hàng tháng. Trương Thanh mở hàng giết một Đầu Đà, chẳng biết là ai, khiến ta đọc đến mà buồn hàng tháng; Đến đây chợt đâu lại mất Đình Ngọc không rành khiến ta lị buồn hàng tháng, tác giả sao có ngòi bút lạ thế, khiến cho người buồn được ra, song ta đã hiểu ra, không buồn nữa, thấy rằng tác giả tả có ý, biết đọc Sử Ký mới xem ra?


Hồi 50

Sáp Sí Hổ vác gông đánh chết ả đào;
Mỹ nhiêm Công mắc mưu mất toi cậu ấm.


Khi đó Tiều Cái, Tống Giang nghe nói có Lôi Hoành đến, thì lấy làm cả mừng, bèn lập tức cùng với quân sư Ngô Dụng đi xuống núi để nghinh tiếp. Khi ra tới bến Kim Sa, đã thấy Chu Quý chở thuyền đưa Lôi Hoành đến đó.
Tống Giang trông thấy Lôi Hoành vội vàng vái chào mà rằng:
- Đã lâu nay xa cách tôn nhan trong lòng thì lấy làm khao khát. Ngày nay không biết vì cớ gì mà ân nhân lại rời gót qua đây? Cho chúng tôi được gặp như vậy... ?
Lôi Hoành đáp lại mà rằng:
- Tiểu đệ vâng lệnh quan, sai sang phủ Đông Xương có việc công, đường đi qua đây, nhân thấy tiểu lâu la đòi tiền mãi lộ, sau đệ xưng tên ra, thì Chu Đầu Lĩnh biết, rồi có ý lưu lại mà đưa lên hầu ngài...
Tống Giang nghe đến đó, vội nói lên rằng:
- Nếu thực là trời đưa ân nhân đến đây cho chúng tôi được gặp, thì xin đón ân nhân lên chơi trên trại, để anh em trò chuyện, cho thỏa lòng mong nhớ bấy lâu.
Nói đoạn mời Lôi Hoành lên đài sảnh gọi các Đầu Lĩnh ra chào rồi làm rượu thiết đãi luôn mấy ngày ở đó.
Tiều Cái hỏi đến chuyện Chu Đồng. Lôi Hoành đáp rằng:
- Chu Đồng từ khi nhận chức Tiết Cấp coi đề lao ở bản huyện, Quan Huyện mới rất có lòng tín nhiệm mà thân mến lắm.
Tống Giang lấy lời uyển chuyển khuyên Lôi Hoành vào đảng ở đó. Lôi Hoành từ chối; Vì có mẹ già không thể nào mà bỏ đi được, xin đợi khi lão mẫu trăm năm mất rồi, sẽ theo lên nhập đảng.
Đoạn rồi Lôi Hoành bái từ Tống Giang cùng các Đầu Lĩnh để xin đi. Tống Giang hết sức cầm giữ không được, bèn, lấy các đồ tiền bạc ra để tiễn tặng Lôi Hoành, và cùng các Đầu Lĩnh đưa chân xuống núi.
Khi Lôi Hoành đi rồi, Tiều Cái, Tống Giang về đến đại trại, lại mời quân sư Ngô Dụng lên Tụ Nghĩa Sảnh, để cắt đăt cho trong sơn trại.
Ngô Dụng cùng Tống Giang bàn định cẩn thận, rồi đến hôm sau họp các Đầu Lĩnh, để chia cắt chức việc: Tôn Tân, Cố Đại Tẩu nguyện mở tửu điếm khi xưa, nay hai vợ chồng ra coi tửu điếm để thay Đồng Uy, Đồng Mãnh; Thời Thiên cho ra giúp đỡ Thạch Dũng; Nhạc Hòa cho ra giúp đỡ Chu Quý Trịnh Thiên Thỏa giúp đỡ Lý Lập. Bốn mặt tửu điếm Đông, Tây, Nam, Bắc, đều đặt hai vị Đầu Lĩnh để bán rượu, bán thịt, và chiêu nạp hảo hán bốn phương. Nhất Trượng Thanh, Vương Nụy Hổ cho hạ trại ở sau núi, để coi xét lừa ngựa, Tiểu trại bến Kim Sa, cho anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh ra coi; Tiểu trai bên Áp Thủy giao cho chú cháu Trâu Uyên, Trâu Nhuận đóng, Hoàng Tín, Yến Thuận lãnh quân mã bản bộ dóng ở đường cái trước núi; Giải Trân, Giải Bảo coi đệ nhất quan; Đỗ Thiên, Tống Vạn coi đệ nhị quan ở thành Uyển Tử;Lưu Đường, Mục Hoằng coi đệ tam quan ở trước sơn trại; ba anh em họ Nguyễn coi giữ thủy trại Nam Núi, Mạnh Khang vẫn coi việc đóng chiến thuyền; Lý Ứng, Đỗ Hưng, Tưởng Kính: Coi sóc tiền lương của cải trong sơn trại. Đào tôn Vương, Tiết Vĩnh sửa đắp thành trì trong Lương Sơn Bạc; Hầu Kiện chuyên may áo giáp, bào, mũ, cờ, quạt cùng các đồ áo trận, Chu Phú, Tống Thanh coi sóc yến tiệc, Mục Xuân, Lý Vân, đốc thúc việc làm nhà làm trại, Tiêu Nhượng, Kim Đại Kiện giữ việ ứng tiếp tân khách, cùng các thư tín công văn, Bùi Tuyên coi quân chính coi giữ việc thưởng công phạt tội; Lã Phương, Quách Thịn, Tôn Lập, Âu Bằng, Mã Lân, Đặng Phi, Dương Lâm cùng Bạch Thắng đều phân phái ra tám mặt trại để yên nghỉ. Tiều Cái, Tống Giang, Ngô Dụng ở giữa trại trên núi; Hoa Vinh, Tần Minh ở bên tả; Lâm Xung, Đới Tung ở bên hữu, Lý Tuấn, Lý Quỳ ở trại phía đằng trước; Trương Hoành, Trương Thuận ở traiï phía sau. Còn Dương Hùng, Thạch Tú thì chia coi hai bên nhà Tụ Nghĩa Sảnh.
Các hàng Đầu Lĩnh đã cắt đặt xong rồi, cùng nhau luân lưu làm việc để vui mừng yến ẩm, ai lấy đều cổ võ hân hoan, trong sơn trại rất là thịnh vượng.
Thành Uyển Tử, vũng Liên Nhi,
Triều đình riêng một biên thùy kém ai?
Từ đây riêng chiếm cõi trời,
Áo xiêm chỉ chấp những người cơ mi.
Nói về Lôi Hoành từ khi bái biệt bọn Lương Sơn, liền khoác khăn gói, vác thanh đao, xăm xăm về tới Vận Thành, vào nhà chào mẹ, và thay xống áo, lấy công văn đưa vào trình huyện, rồi mới trở về yên nghỉ. Từ hôm ấy trở đi mỗi ngãy hai buổi vào hầu việc quan, theo như thướng lệ.
Một hôm chàng ở trong huyện trở, ra một mình lững thững đương đi về phía bên đông, chợt thấy sau lưng có người gọi rằng:
- Đô Đầu về bao giờ thế?
Lôi Hoành quay lại nom, thì thấy tên Lý Tiểu Nhị ở đó, liền đáp rằng:
- Ta mới về được mấy hôm nay.
Lý Tiểu Nhị nói:
- Đô Đầu đi vắng luôn, chắc không biết ở đây có một người con gái hát, rất đẹp rất tài, tên là Bạch Tú Anh ở Đông Kinh mới đến hẳn? Bữa trước nó có đến chào Đô Đầu, nhưng ngài còn đi vắng, hiện nay vẫn khai diễn ở ngoài phố luôn luôn. Mỗi ngày lại có một trò khác nhau hoặc múa hoặc đàn, hoặc ca, nghề gì cũng khéo, người xem đông như kiến cỏ vậy. Đô Đầu thử đến nom qua xem, thực là một vai đào hiếm có.
Lôi Hoành đang khi cô liêu, nghe nói vậy, liền bảo Lý Tiểu Nhị dẫn đến để xem. Khi tới nơi, Lôi Hoành ngồi ghế thứ nhất ở dẫy đầu, ngồi vào đó, rồi tên Lý Tiểu Nhị quanh quẩn lẩn đi chơi mất.
Bấy giờ thấy một ông già buộc khăn xéo, mặc áo lụa bông, thắtdây lưng lụa, tay cầm cái quạt chạy ra sân khấu nói mấy câu khai mào:
- Lão tôi người ở Đông Kinh, tên là Bạch Ngọc Kiều, năm nay tuổi tác, nhờ có con gái là Bạch Tú Anh múa hát đàn sáo để dâng hiến các quan, các quan chiếu cố...
Nói đoạn mấy tiếng thanh la đánh phèng phèng, rồi Tú Anh lên sân khấu vái chào bốn mặt, mà vác thanh la khua ầm cả lên.
Đọan rồi dứt tiếng thanh la, Tú Anh liền đọc bốn câu rằng:
"Chim mới kêu vang, chim cũ buồn,
Dê già gầy yếu bén dê non,
Đời người khổ nhất nghề sinh lý,
Thua cái uyên ương bay liệng luôn."
Lôi Hoành nghe xong vỗ tay khen hay.
Bạch Tú Anh nói:
- Hôm nay trên tờ cáo bạch đã nói rõ bản trò, vậy tôi xin diễn tích này là tích uẩn tạ phong lưu, rất chiều lý thú, tên gọi"Thành Dự chương theo đuổi Tô Khanh" để công sẽ hiến các ngài khán gia.
Nói đoạn lại hát, hát một lúc lại nói. Người ngồi xem mấy ghế đầu, đều vỗ tay khen ngợi luôn mồm.
Dám đâu khoe khéo khoe tài,
Cũng mong nhờ lượng các ngài thông minh...
Đọc đến đó lại tiếp luôn rằng:
- Thôi, các quan đã có lời ban khen, con hãy xuống, bây giờ đến lượt rung trống đây...
Bạch Tú Anh bèn cầm lấy cái khay, miệng đọc luôn mấy câu:
- Mau đến chỗ lợi, mau đến chỗ lợi, tay nâng đến nơi, tất là phát đạt.
Bạch Ngọc Kiều lại nói:
- Con đi qua một lượt, các quan đương mong để thưởng cho con đấy...
Bạch Tú Anh liền bưng cái khay đi xin thưởng. Trước hết đến trước mặt Lôi Hoành, ngồi ở đầu dây.
Lôi Hoành sờ túi toan thưởng, bất đồ không có đồng tiền nào, bèn bảo Tú Anh rằng:
- Hôm nay quên không đem tiền, để mai ta thưởng một thể.
Tú Anh cười rằng:
- Tiền đầu bất lợi, sau còn mong chi? Quan ngồi chỗ đó đáng lắm, xin ngài rộng tay cho người khác trông vào... .
Lôi Hoành đỏ mặt nên đáp rằng:
- Không phải là ta tiếc, nhưng hôm nay quên, không giắt đi, để mai vậy...
- Ngài đã đi nghe hát, lẽ nào lại không giắt tiền?
- Ta thưởng ngay đến ba lạng cũng được, nhưng ngặt vì hôm nay không giắt đi...
Bạch Tú Anh lại nói:
- Thưa ngài hiện nay một đồng không có, còn nói gì đến ba lạng? Ngài bảo chúng tôi trông mơ đỡ khát, vẽ bánh đỡ đói, như thế thì...
Bạch Ngọc Kiều thấy vậy bảo con rằng:
- Con rõ khéo hoài công, không đi xin các ông nhà quan, các ông thành thị khác, còn cứ đứng hỏi làm gì ông ấy mãi? Thôi đi hỏi các ngài biết điều kia thôi...
Lôi Hoành lấy làm khó chịu hỏi luôn:
- Ta đây lại không biết điều hay sao?
Bạch Ngọc Kiều nói:
- Nếu ông biết được ngón chơi thì có lẽ chó mọc sừng mất.
Chúng nghe nói đều đứng cả dậy. Lôi Hoành nổi giận đùng đùng quát mắng rằng:
- Quân chó này dám nói xấc với ta à?
Bạch Ngọc Kiều nói:
- Tôi bảo bác là con bò nữa bác làm gì?
Bấy giờ có kẻ nhận biết Lôi Hoành mắng bảo Bạch Ngọc Kiều rằng:
- Không được thế,ông ấy là Lôi Đô Đầu ở huyện đó...
Bạch Ngọc Kiều nói:
- Chỉ sợ là"Lư câu đầu" mà thôi...
Lôi Hoành không sao nín nổi, đương ngồi ở ghế, nhảy tót lên sân khấu, nắm lấy Bạch Ngọc Kiều mà đánh tát một thôi, vêu cả môi sưng cả má lên. Chúng thấy Lôi Hoành đánh hăng quá bèn túm đến can ngăn mà vôc về khuyên giải Lôi Hoành về. Đoạn rồi người trong rạp đều tản mác mà đi về cả. Nguyên Bạch Tú Anh với Quan Huyện mới ở Vận Thành, vẫn có tư tình đi lại đã lâu, nên ngày nay mới đến huyện Vận Thành, để kiếm ăn về nghề hát diễn. Bấy giờ chị ả đào thấy phụ thân bị Lôi Hoành đánh nhiều vết thương nặng, bèn lập tức thuê một cỗ xe kiệu vào kêu Quan Huyện, là Lôi Hoành đánh bố, đuổi cả người trong rạp hát và ý toan hiếp tróc cả mình.
Quan Huyện nghe nói cả giận, lập tức bảo cho Bạch Ngọc Kiều làm đơn kiện, rồi sai ra khám nghiệm vết thương và lấy chứng cớ phân minh tất cả. Bấy giờ cũng có nhiều người tử tế với Lôi Hoành, cũng nói lót với Quan Huyện, song cái thế lực phấn son sai khiến nhà quan, làm cho quan cũng phải mê man mờ mịt, không còn nghe ai nói một câu nào nữa. Quan liền lập tức sai người bắt Lôi Hoành vào hụyện vật cổ ra đánh, bắt cung nhạn các tội, rồi sai đóng gông làm hiệu cho thiên hạ coi.
Chị ả đào còn muốn ra tay yêu nghiệt, xui Tri Huyện bắt dong Lôi Hoành ra trước cửa rạp cho đê nhục một thể.
Hôm sau chỉ ả đào đến diễn hát, Tri Huyện ta bèn vâng lời, sai lính dong Lôi Hoành ra rạp hát. Bọn lính đó cũng là một bọn làm việc quan với nhau, nên có bụng nể Lôi Hoành, mà dắt lánh đi một nơi, không nỡ đem dong ra rạp hát.
Chị ả đào ta lại tức mình, chạy đến tìm đám lính đó mà bảo rằng:
- Quan Huyện sai các anh dong hắn ra trước rạp hát sao các anh không đến? Để lát nữa tôi vào kêu với Quan Huyện, xem các anh nói ra thế nào?
Bọn lính thấy vậy liền nói rằng:
- Nương Tử bất tất phải làm thế, để chúng tôi dong đi bây giờ.
Tú Anh nói:
- Nếu vậy, thì sau đây tôi sẽ thưởng cho các anh.
Tụi lính bất đắc dĩ phải bảo với Lôi Hoành rằng:
- Đô Đầu phiền lòng cho chúng tôi đưa đi qua ngoài rạp hát một tý rồi sẽ về, không có thì nguy với con yêu tinh này mất.
Nói đoạn liền trói Lôi Hoành mà dong ra ngoài phố. Đương khi đám người huyên náo, thì chợt đâu người mẹ Lôi Hoành đi đưa cơm đến đó.
Người mẹ trông thấy con như vậy, liền kêu khóc òa lên, rồi mắng bọn lính rằng:
- Các anh cùng với con ta cũng là một bọn làm việc trong nha cả, nỡ nào các anh đem lòng thế cho đang? Người ta ai giữ được trọn đời không có việc trái bao giờ?
Đám lính ấy đáp:
- Thưa cụ, không phải chúng con muốn như thế làm gì? Nhưng ngặt vì có nguyên cáo đi kèm bắt chúng con phải thế, chúng con không làm thế nào mà cưỡng được! Nếu không thế, lát nữa họ vào nói với Quan huyện thì chúng con khổ cả.
Mẹ Lôi Hoành nói:
- Có lẽ nào người đi kiện lại được phép bắt dong người ta đi như thế?
Tụi lính lại sẽ nói:
- Thôi, cụ không biết người ta thân với quan lắm, sểnh một tý là họ nói vớí quan nguy cho cả chúng con.
Bà mẹ nghe nói, liền tự tay cởi trói cho Lôi Hoành rồi miệng rứa lác ầm lên rằng:
- Quân hèn mạt dám ỷ thế như vậy, bà cứ cởi trói ra xem nó làm sao?
Bạch Tú Anh ngồi trong hàng thấy vậy chạy ra vội hỏi:
- Vừa rồi mụ già nói gì thế?
Bà mẹ Lôi Hoành nổi cơn tam bành lên, bèn chỉ tay vào mặt Tú Anh mà mắng rằng:
- Đồ chết băm vằm mổ xẻ kia, đồ đĩ rạc đĩ rày kia. Làm gì mày dám mắng bà?
Bạch Tú Anh nghe nói, dựng đứng lông my, trợn tròn hai mắt mà rằng:
- Con hùm già này, con ăn nhặt này, mày nói xấc với bà hay sao?
Mẹ Lôi Hoành nói:
- Bà mắng mày phỏng mày làm gì được... ? Có lẽ mày làm Quan Huyện ở huyện Vận Thành này hẳn?
Bạch Tú Anh cả giận, giơ tay tát ngay vào mẹ Lôi Hoành ngã lăn ra phố, bà mẹ vừa gượng dậy được, Bạch Tú Anh lại sấn vào tát lấy tát để không thôi.
Bấy giờ Lôi Hoành đương căm tức trong bụng, laiï thấy mẹ già bị đánh như vậy, liền bầng bầng nổi giận giơ đầu gông lên, nhè giữa óc phang cho Tú Anh một cái, vỡ tan óc ra mà nằm ngay xuống đó. Chúng túm vào cứu gọi, thì Bạch Tú Anh đã trợn mắt nghiến răng chết cứng ra rồi, không sao cứu được nữa. Chúng liền đem Lôi Hoành vào để trình với Tri Huyện. Tri Huyện lập tức sai đòi Lý Trưởng, lân bang, cùng các nha lại giải áp Lôi Hoành, ra khám nghiệm tử thi, rồi đem về nha lập án, Lôi Hoành nhất nhất cung nhận, không từ chối một câu nào. Tri Huyện truyền cho mẹ Lôi Hoành tạm về, rồi đóng gông Lôi Hoành bỏ xuống ngục.
Khi đó Mỹ Nghiêm Công, Chu Đồng làm Tiết Cấp coi lao, thấy sự thể như vậy, không biết có cách gì cứu được Lôi Hoành, bèn mua cơm rượu thịt cá vào cho Lôi Hoành ăn uống, và sai đám lính ngục tìm một nơi sạch sẽ kín đáo cho nằm. Được một lát người mẹ Lôi Hoành đem cơm vào trong ngục, khóc lóc bảo với Chu Đồng rằng:
- Lão tôi ngoài sáu mươi tuổi đầu, chỉ trông mong có đứa con đó mà thôi. Xin Tiết Cấp nghĩ đến tình anh em khi trước mà thương đến lão tôi, mà trông nom che chở giúp cho, thì già dẫu chết, cũng không dám quên ơn Tiết Cấp.
Chu Đồng nói:
- Được, cụ cứ yên tâm, chỗ anh em thế nào tôi cũng trông nom cẩn thận. Từ nay bất tất cụ phải đem cơm nước vào đây, đã có tôi liệu biện...Nếu có cơ hội gì cứu được, tức khắc tôi xin làm ngay, cụ đừng ngại.
Mẹ Lôi Hoành nghe nói liền bái tạ ra về.
Chu Đồng nghĩ suốt ngày đêm không có kế gì để cứu cho Lôi Hoành được, bèn nhờ người đến đút lót với Tri Huyện, và nói khắp mọi nơi, để cầu giảm tội đi.
Tri Huyện xưa nay vốn yêu thích Chu Đồng, song vì Lôi Hoành đánh mất người yêu, thì trong lòng lấy làm tức giận, không thể nào dung thứ đi được. Sau lão Bạch Ngọc Kiều lại thúc giục Tri Huyện mau mau phải lập thành văn án, bắt Lôi Hoành bỏ tù sáu mươi ngày, mãn hạ rồi kết đoán giải lên Tế Châu để xử trị.
Khi mãn hạn sáu mươi ngày, phòng giấy đem công văn lên nộp trước ở phủ Tế Châu rồi Chu Đồng vâng lệnh dẫn mười mấy tên lính ngục giải Lôi Hoành đi. CHu Đồng giải Lôi Hoành ra khỏi huyện Vận Thành chừng mươi dặm đường, tới một nơi tửu điếm xa xa, Chu Đồng bảo với mọi người rằng:
- Chúng ta hãy vào đây uống rượu. Đương khi uống rượu, Chu Đồng cất lẻn đem Lôi Hoành ra một chỗ vắng, tháo gông tha Lôi Hoành ra mà bảo rằng:
- Hiền đệ mau mau về nhà, đem thân mẫu lập tức đi một nơi mà trốn tránh, còn ở đây Quan Tư bắt bớ để mặc mình tôi chịu cho.
Lôi Hoành nói:
- Một mình tiểu đệ chạy thoát thì rất dễ, nhưng còn Ca Ca ở đây thì làm sao tránh khỏi sự nguy hiểm được! Việc đó tiểu đệ làm thế không đang tâm... !
Chu Đông nói:
- Hiền đệ không biết: Tri Huyện tức giận vì đánh chết người yêu, nên văn án đều kết vào tội tử, nay giải lên phủ thì tất phải đền mạng chứ chẳng chơi, vậy tôi tha cho hiền đệ ra không có lẽ mắc vào tử tội được. Vả chăng tôi đây không có bố mẹ già trông cậy, những gia tài của tôi khả dĩ đem ra mà bồi thường cũng được, ngại chi? Còn hiền đệ thì mẹ già đầu bạc non nước một thân, thôi hiền đệ phải đi mau mau mới được, đừng nghĩ quanh nghĩ quẩn thêm phiền.
Lôi Hoành nghe nói, lạy tạ Chu Đồng, rồi theo lối cửa sau trốn thẳng về nhà, thu thập khăn gói, dẫn mẹ già lên núi Lương Sơn để ẩn thân ở đó. Khi đó Chu Đồng vất cái gông xuống đám cỏ, rồi chạy về bảo với đám lính ngục rằng:
- Chết nỗi Lôi Hoành chạy mất rồi, ta làm thế nào được?
Chúng nói:
- Nếu thế phải chạy về nhà hắn bắt ngay.
Chu Đồng nhận lời như vậy, song có ý dùng dằng, liệu chừng cho Lôi Hoành chạy đã thoát xa xa, rồi mới trùng trình dẫn chúng về huyện để cáo thú.
Chu Đồng bẩm với Tri Huyện rằng:
- Chúng tôi đi đường lỡ không cẩn thận, bị Lôi Hoành trốn mất lúc nào không biết, vậy xin về đây chịu tội với quan trên...
Tri Huyện vốn thích yêu Chu Đồng cũng muốn thoát tội cho ra, song bị Bạch Ngọc Kiều tót lên Thượng Ty khiếu là Chu Đồng cố ý đánh tháo cho Lôi Hoành để ăn tiền đút lót.
Tri Phủ thấy vậy, đành phải đem sự thực bẩm lên phủ Tế Châu mà giải Chu Đồng lên đó, bọn người nhà Chu Đồng đem tiền nong lên để đút lót khắp cả các nơi. Sau Quan Phủ kết án, đánh hai mươi trượng, chạm mặt cho đầy sang phủ Thương Châu. Khi kết đoán xong, có hai tên công sai, và đưa quần áo, cùng các đồ chi dùng cho Chu Đồng sang đến chủ Thương Châu, quận Hoành Hải, liền đưa cào Quan Phủ mà trình nộp công văn. Quan Phủ thấy Chu Đồng ra dáng tu my nam tử, rõ mặt phi thường, thì lấy làm yêu thích, liền phê giấy cho hai tên công sai trở về, rồi sai tháo gông cho Chu Đồng, mà để hầu luôn trong phủ.
Chu Đồng vốn người ung dung lễ độ, nên ở đó không được bao lâu mà đám Áp Phiên,Ngu Hầu, cùng các người làm việc trong phủ đều có bụng thương yêu vì nể, mà chuyện trò đi lại luôn luôn.
Chợt một hôm, Tri Phủ ngồi ở sảnh đường. Chu Đồng đứng hầu ở dưới thềm, Tri Phủ gọi Chu Đồng lên sảnh mà hỏi rằng:
- Cớ sao ngươi lại tha cho Lôi Hoành mà phải phát vãng như thế này?
Chu Đồng bẩm:
- Việc đó nguyên vì chúng tôi hớ hênh, để Lôi Hoành trốn mất, chứ có đâu dám tha hắn ra?
- Nếu vậy thì việc gì đến nỗi tội nặng?
- Bẩm vì có tên nguyên cáo nhất định vu cho tôi, là cố ý buông tha, nên mới phải tội nặng đến thế.
Tri Phủ lại hỏi đến Lôi Hoành đánh chết chị ả đào, đầu đuôi ra sao? Chu Đồng liền đem hết căn nguyên để kể cho Tri Phủ nghe. Tri Phủ nói:
- Cứ như thế, thì có lẽ ngươi thấy tên Lôi Hoành là một người có hiếu đạo, mà làm phúc tha cho hắn?
Chu Đồng bẩm:
- Có đâu chúng tôi dám làm việïc man muội với quan trên như thế được?
Đương khi nói chuyện thì thấy cậu ấm bé con ở trong bình phong chạy ra. Cậu ấm là con trai đầu lòng Quan Phủ, năm nay mới lên bốn tuổi, mặt mũi khôi ngô, nhác nom có vẻ, nên Tri Phủ yêu chiều quý mến, chẳng khác chi hạt ngọc trên tay.
Bấy giờ cậu ấm trông thấy Chu Đồng ở đó, liền chạy ra ôm lấy để nô đùa. Chu Đồng ẵm cậu bé trên tay, cậu lại vuốt râu Chu Đồng mà nói:
- Tôi chỉ thích râu này ẵm tôi thôi.
Tri Phủ mắng cậu ấm rằng:
- Con bỏ tay ra, không được nghịch xấc thế?
Cậu ấm lại nói:
- Tôi chỉ thích bác râu này, ẵm tôi đi chơi thôi.
Chu Đồng liền bẩm với Tri Phủ rằng:
- Chúng tôi xin ẵm cậu ra chơi cửa phủ một lát xin về ngay.
Tri Phủ nói:
- Trẻ đã thích thế, thì ngươi ẵm đi chơi một lát về ngay...
Chu Đồng vâng lời, ẵm cậu ấm dong chơi cửa phủ; mua cho cậu cái bánh ngọt cậu ăn, rồi quanh quẩn một lúc lại về.
Tri Phủ thấy cậu ấm về liền hỏi:
- Con đi đâu về đó?
- Bác râu này đưa con ra chơi phố, rồi mua bánh ngọt cho con ăn nữa.
Tri Phủ hỏi Chu Đồng rằng:
- Bẩm chúng tôi chiều cậu ấy cho vui, có gì đáng kể.
Tri Phủ liền gọi thị tỳ lấy bình rượu rót thưởng Chu Đồng ba chén, rồi dặn rằng:
- Thỉnh thoảng trẻ có theo chơi, ngươi cứ cho đi cho vui.
Chu Đồng vâng lời, rồi cứ mỗi khi cậuấm đòi được chơi, thì Chu Đồng lại ẵm ra ngoài phố, mua quà bánh cho ăn, không biết đâu mà kể.
Được ít lâu, một hôm đến ngày rằm tháng báy, ở chùa làm lễ phóng sinh, theo lệ có phóng đăng mở hội, chiều hôm ấy thị nữ ra bảo với Chu Đồng rằng:
- Tối hôm nay cậụ ấm đòi đi xem thả đèn, phu nhân truyền Đô Đầu cho cậu đi xem một lúc.
Chu Đồng nhận lời mà rằng:
- Để tôi xin đem đi xem.
Tối đến cậu ấm mình mặc áo sa, đầu đội mũ sư tử, có hai cái sừng hai bên, rồi Chu Đồng cõng lên lưng mà đưa ra xem lễ ở chùa Địa Tạng. Bấy giờ vào khoảng canh một, Chu Đồng ẵm cậu ấm đi quanh chùa xem khắp một lượt, rồi đi ra ngoài thủy đường để đi xem thả đèn. Cậu ấm nhảy xuống đứng trong chỗ chắn song, vừa xem đèn vừa hớn hở rất là vui thích.Chợt đâu có người chạy đến lôi vạt áo Chu Đồng mà nói:
- Ca Ca ra đây tôi nói câu chuyện một tí...
Chu Đồng quay lại nom thấy Lôi Hoành ở đó, bèn lấy làm kinh ngạc quay lại nói với cậu ấm rằng:
- Cậu hãy đứng đây xem, tôi chạy ra mua kẹo mang về đây ngay...Đừng chạy đi đâu mới được...
Cậu ấm nói:
- Bác đi mau về, tôi còn muốn ra ngoài cầu xem thả đèn nữa...
Chu Đồng nói:
- Được rồi, tôi về ngay bây giờ.
Nói xong quay ra hỏi Lôi Hoành rằng:
- Sao hiền đệ lại đến đây thế?
Lôi Hoành dắt Chu Đồng ra chỗ vắng, rồi lạy mà nói rằng:
- Tiểu đệ từ khi nhờ Ca Ca cứu được tính mệnh, mẹ con không biết đi đâu cho được; Sau đành phải lên Lương Sơn Bạc với Tống Công Minh để xin nhập bọn. Tiểu đệ nhân nói đến ân đức của Ca Ca, Tống Công Minh lại càng nhớ đến ơn xưa nghĩa cũ, mà trong lòng cảm hứng vô cùng. Tiều Cái cùng các vị Đầu Lĩnh cũng đều nhắc đến Ca Ca luôn luôn. Nay Ngô Quân Sư cùng tiểu đệ đến đây để thăm hỏi Ca Ca đó.
- Ngô Tiên Sinh ở đâu?
Vừa hỏi xong thì Ngô Học Cứu ở sau lưng chạy ra đáp lên rằng:
- Tôi là Ngô Dụng đây...
Nói đoạn liền bái lạy Chu Đồng, Chu Đồng vội vàng đáp lễ mà rằng:
- Đã lâu nay không được gặp, Tiên Sinh có mạnh khỏe chăng?
Ngô Dụng nói:
- Cảm ơn nhân huynh, các Đầu Lĩnh chúng tôi rất là mong mỏi nhân huynh, nay sai chúng tôi đến đây để đón ngài lên núi tụ nghĩa cho vui. Chúng tôi đến đây đã lâu nhưng không được gặp, đêm nay may được gặp nhân huynh ở đây, thực là hạnh phúc. Vậy xin ngài quá bộ cùng lên sơn trại, để các Đầu Lĩnh tôi được vui lòng.
Chu Đồng nghe nói, lạnh ngắt hồi lâu, rồi nói rằng:
- Tiên Sinh dạy lẫn qúa? Xin ngài chớ nói đến chuyện ấy lỡ người ngoài biết đến không tiện...Lôi Hoành là bị tù tội đến nơi, tôi lấy nghĩa khí tha cho hắn ra, sau hắn đi lên núi với các ngài, còn tôi ở lại đi đày sang đây cốt là để chịu tội cho anh em bạn...rồi một vài năm hết hạn trở về, bấy giờ lại an cư lạc nghiệp giữ phận làm ăn, chớ có lẽ nào tôi lại đi như thế được? Xin hai ông cứ về đi, đừng nói năng lôi thôi mà không tiện.
Lôi Hoành nói:
- Ca Ca ở đây, chung thân chỉ hầu hạ người ta, ra luồn vào cúi, không phải là Đại trượng phu chi chí, vả lại việc này không phải tiểu đệ dám nói, thực là Tiều Cái, Tống Giang cùng mong đợi Ca Ca, nên mới sai đến đây như vậy... Xin Ca Ca chớ phụ lòng các ngài ấy mới được.
Chu Đồng nói:
- Hiền đệ nói người gì thế? Hiền đệ không biết vì hiền đệ có lão mẫu ở nhà nên, tôi mới tha cho hiền đệ như thế. Nay lại hãm tôi vào nơi bất nghĩa nữa sao?
Ngô Dụng nói:
- Đô Đầu đã không chịu đi, anh em ta cũng không nên ép nữa. Thôi ta xin phép bái biệt cho xong.
Chu Đồng nói:
- Nhờ các ngài nói với các vị Đầu Lĩnh, rằng tôi có lời hỏi thăm các ngài...
Nói xong quay ngoắt vào Thủy Đường, dè đâu tới nơi không thấy cậu ấm đứng ở đấy nữa. Chu Đồng luống cuống sợ hãi, vội chạy rối lên để tìm.
Lôi Hoành chạy đến nắm lấy tay Chu Đồng mà rằng:
- Ca Ca đừng tìm nữa, đây chắc là người anh em cùng đi với tôi thấy nói là bác không chịu lên Lương Sơn, cho nên ẵm đi hẳn, chúng ta cùng đi tìm một thể khắc thấy.
- Chết nỗi? Hiền đệ chớ đùa thế, nếu lỡ xẩy ra thế nào Quan Phủ biết đến thì nguy hiểm cả, chứ không phải chuyện chơi đâu...
- Ca Ca cứ đi với tôi, khắc tìm thấy ngay bây giờ.
Chu Đồng nghe nói, bèn kéo Lôi Hoành, Ngô Dụng cùng nhau ra ngoài thành để tìm.
Chu Đồng lấy làm sốt ruột,vội hỏi rằng:
- Họ ẵm đi đâu thế?
Lôi Hoành nói:
- Ca Ca đến chỗ tôi trọ, tôi xin đưa cậu ấm trả Ca Ca.
Chu Đồng nói:
- Nếu chậm thì Tri Phủ đến tới ngay.
Ngô Dụng nói:
- Người anh em đi với chúng tôi, họ không biết thế nào, chắc lại ẵm cậu ta ra chỗ chúng tôi trọ hẳn? Được, ngài cứ đến đó tôi xin trả ngay.
Chu Đồng hỏi:
- Người đi với các ông là ai?
Lôi Hoành nói:
- Tôi cũng chả biết là người nào, chỉ thấy vẫn gọi là Hắc Toàn Phong xưa nay.
Chu Đồng cả kinh mà hỏi rằng:
- Có phải anh Lý Quỳ, giết người ở đất Giang Châu đó chăng?
Ngô Dụng đáp:
- Chính anh ta đó.
Chu Đồng nghe nói dẫm chân lên kêu rằng:
- Nếu vậy thì khổ rồi...
Nói đoạn liền thúc giục hai người đi mau mau để tìm.
Khi ra ngoài thành được hai dặm đường, chợt thấy Lý Quỳ ở trước mặt mà kêu lên rằng:
- Lý Quỳ ở đây rồi...
Chu Đồng vội đi đến nơi mà hỏi:
Cậu bé con Quan Phủ đâu?
Lý Quỳ thấy Chu Đồng đến, vội chấp tay vái chào mà rằng:
- Thưa Ca Ca cậu ấy hiện ở đây kìa.
Chu Đồng nói:
- Bác muốn tốt thì ẵm ra trả cho tôi.
Lý Quỳ trỏ lên đầu mà nói:
- Cái mũ của cậu ấy ở trên đầu tôi đây.
Chu Đồng thấy vậy, cang nóng ruột hỏi dồn:
- Cậu ấy đâu, để ở đâu? Đem đây trả tôi.
Lý Quỳ nói:
- Lúc nãy tôi đánh thuốc mê cho cậu ta, rồi mới cõng ra ngoài thành được. Bây giờ đương nằm ngủ ở trong thành kia. Ca Ca đến mà xem.
Bấy giờ trời đương sáng trăng vằng vặc, Chu Đồng liền đi thốc vào rừng cây, tìm quanh tìm quẩn, mãi sau mới thấy cậu ấm nằm vật ở trên bãi đất. Chu Đồng giơ tay đỡ cậu ấm dậy thì đã thấy đầu đi một nơi, mình đi một nẻo, mà nằm chết sõng soài ở đó.
Chu Đồng thấy vậy cả giận, vội hăm hở chạy ra để tìm ba người, thì không thấy đâu cả. Sau chàng tìm kiếm vẫn vơ mãi, bỗng xa xa thấy Lý Quỳ cầm đôi búa kêu lên rằng:
- Đến đây...Đến đây...
Chu Đồng nóng máu không sao chịu nổi, liền sắn áo rảo bước chạy theo để đuổi Lý Quỳ. Lý Quỳ vội vàn té chạy. Chu Đồng cứ hăm hở đuổi theo. Lý Quỳ vốn tay lặn suối qua rừng rất thạo, Chu Đồng không thể nào đuổi kịp, đuổi được một quãng rồi thở hồng hộc mà đứng lại đó.
Lý Quỳ lại đứng lại mà thách rằng:
- Đến đây, mau đến đây.
Chu Đồng giận quá, không có cách gì mà nuốt sống ngay được Lý Quỳ, lại ù té chạy theo để đuổi, Lý Quỳ đi trước thấy Chu Đồng đuổi thì chạy, hễ Chu Đồng đứng lại, thì cũng đứng lại mà thách thức, làm cho Chu Đồng tức nổ tiết lên, mà không sao làm gì được.
Chu Đồng quanh quẩn theo đuổi đến khi trời đã gần sáng, bỗng thấy một nơi trang viện lớn, thì Lý Quỳ chạy tót vào đó. Chu Đồng dấn vội đến nơi, thấy hai bên trước cửa sảnh trong trang, đều cắm các đồ quân khí rất là uy vệ. Chàng thấy vậy, đoán chắc là một nhà Quan Tư cho đó, liền đứng dừng mà kêu to lên rằng:
- Trong nhà có ai không?
Vừa nói dứt lời, thì thấy có một người ở trong bình phong đi ra quát hỏi rằng:
- Anh là ai? Đến đây có việc chi?
Chu Đồng thấy người đó ra dáng xênh xang đường bệ, vội vàng vái chào đáp rằng:
- Chúng tôi là Chu Đồng làm Tiết Cấp ở huyện Vận Thành, bị tội phát vãng sang đất Thượng Châu, hôm qua nhân ẵm con quan Tri Phủ đi xem thả đèn, bất đồ bị tên Hắc Toàn Phong giết chết con Quan Phủ, rồi chạy đến quý trang đây, xin ngài làm ơn bắt giúp tên ấy để đem về trình quan...
Người kia nói:
- Nếu vậy thì ngài là Mỹ Nhiêm Công ở đất Vạn Thành, xin mời ngài hãy vào ngồi chơi đó...
Chu Đồng nói:
- Xin Quan Nhân tha lỗi cho. Ngài cao tính đại danh là gì?
Người kia đáp:
- Tôi là Tiểu Toàn Phong Sài Tiến...
Chu Đồng nghe nói vội chào mà rằng:
- Tôi được nghe tiếng Sài Đại Quan Nhân đã lâu không ngờ nay lại được bái kiến ở đây?
Sài Tiến đáp lễ lại mà nói:
- Tôi cũng được nghe tiếng Mỹ Nhiêm Công đã lâu, xin ngài hãy vào chơi trong nhà đã.
Chu Đồng theo Sài Tiến vào trong nhà rồi hỏi:
- Thưa ngài, sao Hắc Toàn Phong lại đến đây?
- Thưa ngài nguyên tôi xưa nay thích chơi với bọn hảo hán giang hồ, vả chăng tổ tiên nhà tôi khi trước có công nhượng vị ở Trần Kiêu, nên tiên triều có sắc cho đan thư thiết khoán, dẫu những người phạm tội đến đâu, mà trốn tránh đến đây, cũng không ai dám bắt, mới đây tôi có một người bạn thân, mà cũng là một người bạn cũ của túc hạ hiện đương làm Đầu Lĩnh ở Lương Sơn Bạc, tên là Cập Thời Vũ Tống Công Minh, có viết một bức thư sai Ngô Dụng, Lôi Hoành, xuống trọ ở tệ trang đây, để đón túc hạ không chịu theo đi, nên mới bảo Lý Quỳ giết con Quan Phủ để rấp đường không cho ngài về, rồi sẽ đón lên sơn trại...Ngô tiến sinh cùng Lôi huynh đầu?Không ra đây nói chuyện với Đô Đầu đi...
Nói đoạn, thấy Ngô Dụng, Lôi Hoành ở gian góc đi ra, chấp tay cúi lạy Chu Đồng mà rằng:
- Xin huynh trưởng tha tội, điều đó là Tướng Lệnh của Tống Ca Ca chúng tôi...Xin ngài cứ lên sơn trại sẽ biết.
Chu Đồng nói:
- Các ông đối với chúng tôi vẫn là có bụng tốt nhưng sao nỡ làm tàn nhẫn như thế?
Sài Tiến lại lấy lời khuyên nhủ Chu Đồng cho được thỏa thuận.
Chu Đồng nói:
- Vâng, chúng tôi xin đi, chưng trước hết hãy cho tôi được gặp Lý Quỳ đã.
Bấy giờ Lý Quỳ cũng ở buồng bên cạnh chạy ra vái chào Chu Đồng, Chu Đồng trông thấy Lý Quỳ, tấm lòng tức giận lại đùng đùng sôi nổi, không sao nhịn được, bèn đứng dậy chạy thẳng đến, toan đánh nhau với Lý Quỳ cho hả dạ. Sài Tiến, Lôi Hoành, Ngô Dụng thấy vậy, đều giữ Chu Đồng lại để cản ngăn.
Chu Đồng nói:
- Nếu các ngài muốn cho tôi cúng lên sơn trại, thì phải y cho tôi một việc này mới được.
Ngô Dụng nói:
- Đến mười việc, chúng tôi cũng xin theo được, nữa là một việc, xin ngài cứ nói cho nghe.
Mới hay:
Giang sơn trót thú vẫy vùng;
Cùng loài nhiệt huyết ta cùng có nhau?
Danh trường lợi tẩu là đâu,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Đã mang lấy kiếp nam nhi,
Sao cho thoát khỏi cơ mi mới là...
Trăm năm bóng ngựa câu qua
Họa chăng một tiếng hào hoa ở đời.
Lời bàn của Thánh Thán:
Hồi này vì làm cho Chu Đồng với Lôi Hoành hợp lại một chuyện nửa hồi trên làm ra điệu êm ái hơn nửa hồi sau, làm ra bút dữ dội, như hương đưa, như nhảy thoát khác nhau, mới thấy cái tài tác giả.
Tả Lôi Hoành hiếu với mẹ, chả phải nhiều lời, chỉ qua loa vài nét; bằng vẽ ra một người con hiếu; Tả Chu Đồng không chịu làm giặc cỏ, cũng chả phải nhiều lời chỉ qua loa vài dòng, cũng bằng vẽ ra tấm lòng trong sạch, phản chiếu cười đến Tống Giang, thật rõ chẳng thành thưc, rõ thực nghiêm huấn. Khoe danh tiết, yêu thân mình chẳng chịu nhuốc nhơ...Thấy con người chỉ muốn làm cường đạo. Mới hay người nói: Thà rằng chết với vũ phu, còn hơn mang tiếng thiên thu luận bàn? ?
Cảnh rất kỳ ảo là trong gương xem gương, trong mộng lại mộng; Văn chương kỳ ảo trong lời bình lại nói lời bình, như ở hồi này con hát nói đến"Thành Dự Chương theo đuổi Tô Khanh" thực đối cảnh đẹp, đốt hương thơm, vận tâm hay, giở bút giỏi, viết giấy tốt, nền áng văn kỳ, dù vậy, chả nên không một, chả thể có hai, tả ra ở một hồi này.
"Thành Dự Chương theo đuổi Tô Khanh" vốn một bản hát theo tích cũ diễn ra hợp với hồi này, khiến người sau đọc tới, như hoa trong gương, người đẹp trong rèm, trong ý tứ đã sớm phần minh, nếu đợi nói rõ ra, thì đọc tới không còn thú vị.
Mẹ Lôi Hoành nói rằng:"Lão tôi ngoài sáu mươi tuổi. Chỉ trông cậy vào một đứa con" từng chữ nói ra, đã thấy Lôi Hoành là người con hiếu, vì xét mấy người đã sống ngoài sáu mươi tuổi, có sống lâu mà được con cho ăn cho mặc phân minh, thì cũng quý thay, nay mẹ Lôi Hoành nói với Chu Đồng, nó thấm thía làm sao, khiến cho Chu Đồng thả Lôi Hoành chịu tội thay bạn, thì đủ thấy tấm lòng hiếu với mẹ của Lôi Hoành, mà tấm lòng của mẹ thương con, can thiệp vào khi đày giữa chợ của mẹ Lôi Hoành, cho nên văn này chỉ tả thế thôi đủ thấy cái tình mẫu tử vậy. Trong bài biểutrần tình của Lý Tích có câu:"Kẻ hạ thần mà không có bà, thì không còn sống đến nay; Mà bà hạ thần không có thần thì ngày này không thể sống." Nay xem đến mẹ Lôi Hoành cũng nói: Lão tôi không có đứa con ấy, thì sống làm sao? Thương thay tiếng nói hiếu nhân, làm cho đọc đến như nghe tiếng quạ kêu đàn vậy? ? ?
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn