View Single Post
  #1  
Old 08-03-2009, 02:08 PM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default Phép làm thơ Đường luật

Phép làm thơ Đường luật
Tác Giả: Ái Hoa



A. KHÁI NIỆM MỞ ĐẦU

1. Phân biệt thơ Đường luật và thơ Đường

Rất nhiều người làm thơ đã lầm lẫn gọi thơ Đường luật là thơ Đường. Thật sự thì đây là 2 ý niệm hoàn toàn khác nhau.

- thơ Đường luật (ĐL) : là thơ làm theo Thi luật đặt ra từ đời nhà Đường bên Tàu. Các bài thơ này bên Trung quốc được gọi là Luật thi. Sang Việt Nam, Thi luật gọi là thể thơ ĐL.
- thơ Đường hay Đường thi : là những bài thơ của các thi sĩ Trung Hoa làm dưới thời nhà Đường, nổi tiếng nhất là 300 bài được gọi là Đường thi tam bách thủ. Trong số đó có một số được làm theo thể thơ ĐL, số còn lại làm theo các thể thơ khác, phần lớn là thơ cổ phong.


2. Phân loại

Thơ ĐL chia làm 2 loại : thất ngôn mỗi câu có 7 chữ, ngũ ngôn mỗi câu có 5 chữ.
Bài thơ nào có 8 câu thì gọi là bát cú, có 4 câu thì là tứ tuyệt, còn gọi là tuyệt cú.
Như vậy có các loại thơ ĐL sau đây:

- thất ngôn bát cú
- thất ngôn tứ tuyệt
- ngũ ngôn bát cú
- ngũ ngôn tứ tuyệt

Trong số này, thơ ĐL thất ngôn bát cú (ĐLTNBC) là thể thơ phổ biến nhất.
Về hình thức, thơ tứ tuyệt được xem như là thơ bát cú đem giấu đi hai cặp câu và thơ ngũ ngôn được coi là thơ thất ngôn cắt bỏ hai chữ đầu mỗi câu. Vì vậy chỉ cần biết luật thơ ĐLTNBC thì có thể làm các loại thơ ĐL khác.


3. Các khái niệm dùng trong thơ ĐL ở Việt Nam
a/ Âm, thanh và vần trong tiếng Việt
Âm
Tiếng Việt có 29 mẫu tự, tạo thành 10 nguyên âm (a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y), 2 bán nguyên âm (ă, â) và 16 phụ âm đơn (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, r, s, t, v, x), 9 phụ âm kép (ch, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr) không kể các phụ âm gh, ngh vì chữ h thêm vào chỉ có hình thức mà không đọc.
Âm là cách đọc của một chữ, được cấu tạo bằng một mẫu tự, hoặc cụm mẫu tự, mà không kể đến phụ âm đứng phía trước. Thí dụ: Hình, Tình, Tính, Tịnh, Vĩnh, Khinh ... các chữ này đều mang âm INH, nhưng khác phụ âm đầu và dấu giọng.

Thanh
Tiếng Việt có 5 dấu giọng (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) cùng với tiếng không có dấu tạo thành 8 thanh, chia làm 2 nhóm:
- Thanh Bằng gồm có :
Phù bình thanh : gồm những chữ không mang dấu (thí dụ: đêm, vương)
Trầm bình thanh : gồm những chữ mang dấu huyền (thí dụ: sầu, tiền)
- Thanh Trắc gồm có :
Phù khứ thanh : gồm những chữ mang dấu ngã (thí dụ: nỗi, mỹ)
Trầm khứ thanh : gồm những chữ mang dấu hỏi (thí dụ: cỏ, chuyển)
Phù nhập thanh : gồm những chữ mang dấu sắc mà tận cùng bằng phụ âm c, t, ch hay p (thí dụ: bích, sắc)
Phù thượng thanh : gồm những chữ mang dấu sắc còn lại (thí dụ: ám, chướng)
Trầm nhập thanh : gồm những chữ mang dấu nặng mà tận cùng bằng phụ âm c, t, ch hay p (thí dụ: thiệt, mập)
Trầm thượng thanh : gồm những chữ mang dấu nặng còn lại (thí dụ: lạ, mệnh)
Vần
Những từ mang cùng âm và cùng loại thanh (trắc hay bằng) được gọi là vần với nhau. Thí dụ chữ lồng vần với chữ ông, chữ đồng và chữ sông; chữ hỗ vần với chữ cố, chữ lộ và chữ sổ; chữ mắt vần với chữ cắt, chữ chặt và chữ bặt, v.v... Trong thơ VN, vần có thể gieo ở giữa câu hay cuối câu. Vần giữa câu gọi là yêu vận, vần cuối câu gọi là cước vận.


b/ Niêm, luật, vần và đối trong thơ ĐL
Luật
Luật là sự quy định về thanh bằng hoặc trắc ở từng vị trí của mỗi chữ trong câu. Bài thơ ĐL bát cú gồm 8 câu chia thành 4 cặp câu liên tiếp nhau.
Trong thơ ĐLTNBC vần bằng chỉ có 2 loại cặp câu (B=bằng, T=trắc):
- luật bằng:
BB TT BB T
TT BB TT B
- luật trắc:
TT BB B TT
BB TT T BB

Nếu cặp câu là hai câu 1-2 thì chữ thứ 7 của câu 1 có thể đổi thành bằng để gieo vần với các câu chẵn, khi đó chữ thứ 5 phải đổi lại thành trắc.
- luật bằng:
BB TT TB B
TT BB TT B
- luật trắc:
TT BB T TB
BB TT T BB

Niêm
Niêm có nghĩa là dính. Trong thơ ĐL niêm là sự dính líu & liên hệ về luật giữa các cặp câu liên tiếp nhau trong một bài thơ. Niêm được quy định ở chữ thứ 2 của câu.
Để đạt yêu cầu về niêm, trong bài thơ ĐL các cặp câu luật bằng và luật trắc phải đặt xen kẻ nhau. Nếu cặp câu đầu là luật bằng thì có bài thơ luật bằng:
BB TT TB B
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB
BB TT BB T
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB

Nếu cặp câu đầu là luật trắc thì có bài thơ luật trắc:
TT BB T TB
BB TT T BB
BB TT BB T
TT BB TT B
TT BB B TT
BB TT T BB
BB TT TB B
TT BB TT B

Vần
Vần được gieo ở cuối các câu chẵn của bài thơ ĐL (cước vận). Chữ cuối câu 1 nếu cùng nhóm thanh với vần thì cũng phải vần, nếu khác nhóm thanh thì không vần. Trong toàn bài thơ chỉ dùng một vần duy nhất (gọi là đơn vận).
Vần có 2 loại: chính vận và thông vận.
- Chính vận là vần gồm những chữ có âm y hệt nhau, chỉ khác phụ âm đầu và dấu giọng. Thí dụ: trường, sương, dương, thương ...
- Thông vận là vần gồm những chữ có âm tương tự. Thí dụ: lùng, chung, không, công, tòng, đông, hồng ...
Nếu dùng chữ mà âm nghe không giống lắm, miễn cưỡng mà dùng tạm thì gọi là cưỡng vận. Thí dụ: an với ang, ươn với ương,...
Nếu dùng chữ có âm hoàn toàn khác nhau thì gọi là lạc vận. Thí dụ: ơ với ơi, a với ao ...


Đối
Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng nhau.

Trong thơ ĐL TNBC các câu 3-4 và 5-6 bắt buộc phải đối từng cặp một . Câu đối thì không hạn chế số chữ, nhưng trong thơ ĐL câu đối phải giữ theo đúng luật của bài thơ về số chữ và luật bằng trắc .

Về đại thể, hai câu thơ đối nhau phải đối cả về ý, từ và thanh.

* đối ý

Ý ngụ trong 2 câu đối phải mang tính cách tương phản (tức là tả 2 sự việc trái ngược nhau) hoặc tương đồng (tức là ý đi song song bổ túc nhau).

Thí dụ:

- tương đồng:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Bà huyện Thanh Quan)

- tương phản:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
(Trần Tế Xương)

* đối từ:

Các từ hoặc cụm từ trong câu trên và câu dưới phải đối nhau về từ loại, sự vật và ngữ pháp:
- từ loại: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối tính từ, v.v... từ đơn đối từ đơn, từ kép đối từ kép, từ lắp láy đối từ lắp láy, v.v...
- ngữ pháp: chủ từ phải đối với chủ từ, túc từ phải đối túc từ, v.v...
- sự vật: từ nhân xưng thì đối từ nhân xưng, cảnh vật thì đối cảnh vật, tên người đối với tên người, địa danh đối với địa danh, v.v...

Ngoài ra các từ tiếng Hán Việt phải đối bằng từ Hán Việt, từ thuần Nôm thì đối với từ thuần Nôm, điển tích đối với điển tích, v.v...

Thí dụ:
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
(Bà huyện Thanh Quan)

-còi với chài là những vật dụng để làm việc của mục đồng và ngư phủ,
-mục với ngư là danh từ người, ngành nghề, và là tiếng Hán việt
-thét và tung đều là động từ
-trăng với gió là danh từ, chỉ sự vật thiên nhiên
-miền với bãi là danh từ chỉ nơi chốn
-khoáng dã với bình sa là từ ghép Hán việt, khoáng với bình là tính từ, dã với sa là danh từ

* đối thanh:

Chữ thanh bằng đối với chữ thanh trắc và ngược lại . Nếu giữ đúng luật bằng trắc của thơ ĐL thì bắt buộc đã đối nhau về thanh rồi, không cần quan tâm nữa.

Tuy rằng đối thanh và đối từ góp phần quan trọng để tạo thành một bài thơ ĐL TNBC hay, nhưng nội dung ý tưởng mới là phần chủ yếu của bài thơ, nên cần phải đặt nặng vấn đề viết câu sao cho có ý nghĩa.
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn