Go Back   Vina Forums > Sắc Màu Cuộc Sống > Du Lịch, Thắng Cảnh, Phong Tục Toàn Quốc > Danh Lam - Thế Giới
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 01-18-2011, 12:37 AM
VietDoll's Avatar
VietDoll VietDoll is offline
Búp Bê Nhí Nhảnh
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 2,416
Default Ði Alaska theo du thuyền Princess

Alaska nằm ở miền Tây Bắc nước Mỹ. Ðây là tiểu bang lớn nhứt nhưng cũng lạnh nhứt nên có rất ít dân cư sinh sống. Sáu tháng mùa Ðông lạnh giá đã qua.


Tracy Arm Fjord, một vùng phong cảnh tuyệt đẹp của Alaska.

Mùa Hè ấm áp lại trở về với Alaska, lúc này du khách bốn phương lại trở lại Alaska để ngao du sơn thủy, để cắm trại, câu cá, đi bộ, chèo thuyền... Lười biếng như chúng tôi thì có thể theo các du thuyền đến Alaska để... đi chơi cho biết phong cảnh. Trước khi đi chúng tôi tìm hiểu trên Internet và trong các sách du lịch để biết xem mình nên đi vào lúc nào và sẽ chọn du thuyền nào?


Thời điểm du lịch:


Alaska thuộc miền hàn đới nên rất lạnh. Mùa du lịch Alaska là mùa Hè kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9 dương lịch. Ðầu mùa và cuối mùa là tháng 5 và 9 thì thời tiết sẽ lạnh. Vào đầu tháng 5, băng chưa tan, có khi tàu không thể vào được bên trong vịnh Tracy Arm là một nơi phong cảnh tuyệt trần. Còn nếu đi vào cuối tháng 9 thì trời lại hay mưa nên giá du lịch rẻ hơn nhiều so với mùa Hè vào tháng 6, 7, 8. Giá cruise đi Alaska vào mùa Hè có thể gấp 2 lần giá cuối mùa. Do đó, tùy theo hoàn cảnh và sở thích du khách có thể chọn thời điểm thích hợp để đi. Dĩ nhiên tiền nào của nấy. Giá rẻ thì lạnh, mưa và ít thú vị hơn...


Trang trí nội thất sang trọng của tàu Princess.


Chọn cruise đi Alaska:


Nhiều hãng tàu cùng khai thác dịch vụ du lịch trên du thuyền tới Alaska như Holland America, Princess, Celebrity, Norwegian Cruise Line... Nhưng nói chung có 3 loại tua du thuyền lên Alaska là:
1. Tua Northbound: tàu khởi hành từ Seattle hay Vancouver theo hướng Bắc, ghé các thành phố dọc bờ biển như Ketchikan, Juneau, Skagway hay Sitka... Chuyến đi sẽ kết thúc tại bến tàu Seward (ở phía Bắc) hay Whittier (ở phía Nam) của thành phố Anchorage. Sau khi lên bờ du khách có thể ở chơi tiếp để thăm viếng hai thành phố Anchorage và Fairbank. Họ cũng có thể thăm viếng Công Viên Quốc Gia Denali nơi có ngọn núi McKinley cao nhứt Bắc Mỹ (6,194 mét). Một chuyến du hành như vậy có thể kéo dài 10-14 ngày. Ðiều bất tiện của chuyến đi này là việc di chuyển từ bến tàu về phi trường Anchorage không thuận tiện (không có taxi) nên du khách phải mua vé xe buýt chuyển tiếp của hãng tàu với giá khá mắc (60-100 đô la một người) vì thật ra từ bến tàu Seward hay Whitter về Anchorage cũng khá xa (60-100 km). Ngoài ra, phải xuất phát từ một phi trường rồi về bằng phi trường khác nên mua vé máy bay cũng khó hơn một chút.


Sân quần vợt trên tàu Princess.

2. Tua Southbound: ngược với lộ trình trên và khởi hành từ Seward hay Whittier đi về Seattle hay Vancouver. Tương tự như tua trên với chiều ngược lại.

3. Inside Passage Round Trip: Khởi hành từ Seattle hay Vancouver lên thăm miền Ðông Nam Alaska rồi trở lại bến cũ trong vòng 7-8 ngày (không ghé Anchorage). Tua này được nhiều người chiếu cố hơn vì dễ mua vé máy bay. Nên chọn tua khởi hành từ Seatle thì có lợi hơn Vancouver vì vé máy bay sẽ rẻ hơn và vì Seattle còn thuộc về Mỹ nên việc xét hỏi khi lên máy bay để trở về cũng nhanh hơn.

Sau khi nghiên cứu các chuyến đi, chúng tôi chọn mua cruise của hãng Princess khởi hành từ Seattle ngày 29 tháng 8, 2010 với chương trình sẽ thăm viếng 3 thành phố ven biển của Alaska là Ketchikan, Juneau, và Skagway. Ngoài ra, trên đường về sẽ thăm một thành phố của Canada là Victoria. Giá vé cruise là: 750 USD một người, mắc hơn rất nhiều so với các cruise qua vùng Caribbean trong cùng thời gian. (Nếu mua tua vào cuối tháng 9 có khi chỉ 500 đô la một người).


Du thuyền vĩ đại Sapphire Princess đang chờ đón chúng tôi lên đường.

Từ Los Angeles, chúng tôi sẽ lên Seattle theo chuyến bay của hãng Alaska Airline khởi hành lúc 8:30 giờ sáng. Giá vé khứ hồi mua trên mạng Internet của www.expedia.com là 311 đô la một người. Nếu tính cả tiền típ, như vậy vị chi mỗi người tốn khoảng 1,200 đô la cho chuyến du lịch một tuần.


Lên đường:


Ngày Chủ Nhựt, 29 tháng 8, chúng tôi khởi hành từ sáng sớm. Chuyến bay của hãng Alaska Airline êm ả đưa chúng tôi tới thành phố Seatle lúc hơn 11 giờ. Phi trường SEATAC nằm cách bến tàu cũng khá xa nên chúng tôi phải tìm phương tiện để ra bến tàu. Ta có thể đi taxi với tiền xe chừng 40-50 đô la cho đoạn đường dài chừng 30 km. Mới đây, Seattle đã có tuyến đường xe điện nối liền phi trường về thành phố với giá vé chỉ có 3.5 đô la một người. Ta có thể đi từ phi trường về trạm Westlake là trung tâm Seatle, sau đó sẽ phải đi taxi để ra bến tàu số 91.


Thành phố Seatle nhìn từ lầu 15 tàu Princess.

Nhưng cách tiện nhứt mà cũng đỡ tốn kém hơn là đi shuttle (minivan). Ðây là hình thức đi chung xe. Một chuyến shuttle có thể chở chừng 10 người với giá tiền 19 đô la một người. Trên xe, cô tài xế kể sơ lược về thành phố Seattle. Theo cô, Seattle là một thành phố lớn với khoảng 600,000 dân nhưng nếu kể cả ngoại ô thì lên tới 3.4 triệu người. Thời tiết ở đây có mưa khá nhiều nên chúng tôi thấy cây cối xanh tươi như ở Ðà Lạt. Hôm nay trời hơi lạnh (55 độ F) nhưng không gió hay mưa. Ðường xa lộ cũng không bị kẹt xe vì là ngày chủ nhựt. Do đó, chỉ hơn 20 phút sau, chúng tôi đã tới gần trung tâm Seattle. Lúc này chúng tôi thấy một cảng container thật lớn. Bên trong cảng, tôi thấy rất nhiều container của hãng China Shipping và của hãng Hanjin. Ðiều này cho thấy ngoại thương giữa Mỹ với Trung Quốc và Ðại Hàn rất phát triển. Bên tay phải chúng tôi bây giờ là trung tâm Seattle với nhiều nhà cao tầng hiện đại nằm hai bên những con đường khá dốc.

Xe chạy dọc bến cảng tiến về phía Bắc. Bên trái là cảng Seattle nơi có chiếc du thuyền của hãng Norwegian Cruise Line (NCL) đang cặp bến ở đó để đón khách. Ngoài ra, tàu thuyền nho nhỏ cũng di chuyển tấp nập. Seattle là một cảng lớn và quan trọng ở miền Tây Bắc nước Mỹ.
Lúc 12 giờ 15, chúng tôi đến cảng số 91 ở phía Bắc Seattle. Ở đây, chúng tôi thấy trong cảng có hai chiếc du thuyền to lớn đang đậu. Ðó là chiếc Oosterdam của hãng Holland America và chiếc Sapphire Princess mà chúng tôi sẽ du hành trong tuần tới.


Sơ lược về tàu Sapphire Princess:


Chiếc Sapphire Princess này rất lớn. Nó có trọng tải 116,000 tấn được đóng ở Nhựt năm 2004. Tàu dài 290 mét, rộng tối đa 37 mét có tất cả 18 tầng. Vận tốc tối đa của tàu là 41km/h. Số nhân viên trên tàu là 1,100 người có thể phục vụ cho 2,670 hành khách. Tàu mang cờ Bermuda và ông thuyền trưởng hiện nay là người Ý.


Thủ tục lên tàu:


Tương tự các du thuyền khác, để lên tàu, chúng ta sẽ qua xét hành lý như lên máy bay. Sau đó ta sẽ lấy thẻ lên tàu giống như một thẻ tín dụng và khi vào trong sẽ được chụp hình để nhân viên an ninh dễ kiểm soát.


Phòng của chúng tôi:


Tàu Princess có một điều hay là khi du khách lên tàu thì có thể nhận phòng ngay. Phòng của chúng tôi ở lầu 11. Mỗi lầu có tên bắt đầu từ chữ A, B, C... Lầu 11 bắt đầu bằng chữ B (viết tắt cho chữ Baja). Diện tích phòng là 160 SF nhưng trông cũng rộng rãi chớ không chật lắm nhờ những tấm kiếng lớn gắn đối diện ở trên tường gắn làm cho chúng ta cảm thấy thoáng hơn. Nơi để quần áo có thể bước vào được (walking closet). Phòng tắm nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Trong phòng còn có có TV, tủ lạnh, máy sấy tóc và tủ an toàn. Ngăn kệ thì nhiều lắm, xài không hết. Phòng ốc và thiết bị trên tàu Princess coi đẹp và sang trọng hơn tàu Carnival.


Ăn trưa buffet:


Nghỉ ngơi một chút thì cũng gần 2 giờ trưa. Chúng tôi lên lầu 14 (Lido) để ăn trưa. Lúc này du khách tới hơi nhiều nên phải sắp hàng khá dài. Nhà hàng Horizon Court của tàu Princess nhỏ hơn tàu Carnival nhưng thực phẩm ngon hơn. Ở đây ngoài các món thông thường còn có đặc sản như thịt trừu, cá hồi, tôm, mực... Trái cây, bánh ngọt cũng ngon hơn. Trưa nay, toàn bộ du khách đều ăn ở đây nên phòng ăn có vẻ ồn ào và chật chội. Mấy ngày sau, họ có thể chia ra ăn ở các nhà hàng khác nên nơi đây rộng rãi hơn. Nhân viên ở đây ăn mặc rất đẹp và cách phục vụ cũng rất lịch sự, nhã nhặn. Lúc nào cũng “ Yes sir,” “Yes madame”... Hôm nay mới tới thấy món ăn nào cũng ngon lành, hấp dẫn và sẵn hơi đói nên chúng tôi ăn khá mạnh. Ăn trưa xong thấy có quầy kem chúng tôi cũng xếp hàng vào nhận hai cây kem để ăn thử. Kem không ngon lắm mà trên tàu Princess này quầy kem chỉ mở cửa từ 11 giờ trưa tới 7 giờ tối mà thôi. Bạn nào thích ăn kem sẽ chê Princess ở điểm này.


Các tầng cao của tàu Sapphire Princess:


Ăn trưa xong chúng tôi đi dạo một vòng để khám phá các tầng trên như 14, 15, 16, 17, 18 . Giống như các du thuyền khác, các tầng trên của tàu này cũng gồm có 4 hồ bơi (nước ấm) và hơn 10 cái hot tubs (hồ nước nóng). Ðặc biệt có 1 hồ và 2 hot tubs có mái che nên có thể tắm ở bất cứ thời tiết nào. Phía sau tàu, hồ tắm nhỏ nhỏ nhiều lắm. Ðó là khu vực dành riêng cho người lớn. Phía trước tàu có một sân đánh quần vợt nhỏ, một phòng tập thể thao và phòng tắm hơi đấm bóp. Bên ngoài là đường để đi bộ thể dục, cứ đi 10 vòng thì được một dặm.


Lộ trình chuyến du ngoạn Alaska theo tàu Sapphire Princess.

Tầng 16, có phòng dành cho thiếu nhi. Tầng 18 là một bar rượu tên là Skywalker. Tuy nhiên tàu Sapphire Princess không có TV lớn ở ngoài trời như Carnival. Họ cũng không có ban nhạc và ca múa tập thể ngoài trời nên ít vui hơn.


Seattle nhìn từ tầng cao của tàu Sapphire Princess:


Chiều nay, sau khi thực tập cách rời tàu khi khẩn cấp, chúng tôi lên tầng 15 để ngắm cảnh Seattle từ trên cao và xem tàu rời bến. Lúc này trời nhiều mây, tuy không mưa nhưng cũng không có nắng. Từ tàu nhìn về phía trung tâm thành phố cũng hơi xa. Ở đó có những cao ốc thật cao. Nổi bật nhứt dĩ nhiên là tòa tháp Space Needle. Trong vịnh tàu bè di chuyển cũng nhiều nhưng vì trời âm u nên khung cảnh có vẻ buồn bã chớ không náo nhiệt. Ở phía bên kia là chiếc tàu Oosterdam sơn màu đen đủi che hết cảnh quan. Phía đầu tàu là một chiếc cầu cũ kỹ. Bên dưới là sân đậu xe của hải cảng bây giờ cũng yên lặng vì toàn bộ du khách đã lên tàu. Nhìn chung, cảnh trí có vẻ buồn bã. Chỉ có những du khách hôm nay là vui vẻ. Họ đứng dọc hai bên tàu để ngắm cảnh. Họ cười nói, chụp hình và xem một cuộc xổ số ở bên dưới tầng 14. Trông ai cũng có vẻ hân hoan. Họ sắp tham gia một chuyến du hành kỳ thú về một vùng có nhiều phong cảnh xinh đẹp. Ðó là Alaska.

Lúc 4 giờ, ở cảng bên kia, chiếc Oosterdam từ từ tách bến nhắm hướng bắc thẳng tiến. Sau đó tàu của chúng tôi cũng lên đường. Từ Seattle ra biển cũng xa. Hai bên bờ nhà cửa, núi đồi cũng còn đẹp. Trời còn sáng, chúng tôi ngắm cảnh một chút rồi trở về phòng thay quần áo đi tắm hồ nước nóng.

Ði chơi miền đất lạnh mà cũng có dịp tắm hồ. Kể ra cũng lạ phải không bạn? Thật ra, tất cả du thuyền đều có hồ nước nóng trong phòng có mái che. Nhiệt độ ở đây được điều hòa khoảng 70-80 độ F (20-25 độ C). Do đó, chúng ta có thể tắm hồ hay ngồi nghỉ trong các hot tub. Các hồ này có các tia nước phun mạnh vào lưng để đấm bóp nên rất đã. Ngồi chơi trong hồ chừng một giờ, chúng tôi về phòng thay đồ chuẩn bị đi ăn tối.


Tối đầu tiên trên tàu:


Ăn tối: Tàu Princess có một tiện lợi khác đó là bạn có thể chọn giờ ăn tối bất cứ lúc nào từ 5 giờ 30 tới 9 giờ 30. Có 4 nhà hàng khác nhau. Bạn muốn vào nhà hàng nào cũng được vì thực đơn thì giống nhau. Bữa ăn tối gồm 3 phần: ăn chơi, ăn chính và tráng miệng. Bạn nào muốn uống rượu thì phải trả thêm tiền. Một chai rượu chát đỏ giá 21 đô la. Uống không hết thì gởi lại cho bồi bàn. Tối mai uống tiếp cũng được. Các món ăn của tàu Princess này được trình bày đẹp đẽ và trông ngon lành. Ăn ở nhà hàng thì trông sang trọng vì có người phục vụ nhưng phải gọi món và phải chờ chuẩn bị món ăn. Ai không thích thì có thể ăn buffet trên lầu 14. Kỳ này chúng tôi ngồi riêng nên không có dịp nói chuyện với những bạn đồng hành khác. Tối nay, tôi ăn món chính là cá hồi và cơm chiên. Trên dĩa có trang trí vài cọng măng tây cho đẹp. Tráng miệng sẽ là kem ba màu.


Xem show “Chào Mừng Du Khách”:


Ăn tối xong, chúng tôi vào rạp hát để xem show “Chào Mừng Du Khách.” Mở màn là một màn ca vũ của vũ đoàn Princess. Sau đó anh Lee, giám đốc Văn Nghệ giới thiệu Ban “Ăn Chơi” của anh ta gồm những nhân viên sẽ tổ chức các trò chơi, hướng dẫn mua sắm, bán tua, giữ trẻ... Anh ta cũng ra hai câu đố. Ai đáp trúng sẽ được thưởng.

Câu thứ nhứt: Bài hát nào được dân Mỹ hát nhiều nhứt. Nhiều người đoán trúng: Ðó là bài “Happy Birthday.”

Câu thứ hai: Món ăn nào được người Mỹ thích nhứt. Câu này tuy dễ nhưng ít người đoán ra vì không phải là hamburger, hot dog hay pizza mà là món Thịt Gà Chiên.

Lee cũng hỏi du khách coi ai đã từng đi Alaska và hôm nay trở lại. Lác đác cũng có người giơ tay. Một số du khách khác đã từng đi tàu Princess và đã tín nhiệm và tiếp tục tham gia với du thuyền này hôm nay.
Lee cũng yêu cầu những người khách ngồi gần nhau bắt tay chào nhau thân ái vì chúng tôi sẽ là “người trong cùng một tàu” trong 7 ngày tới đây.
Cuối cùng là một màn kể chuyện hài hước.

Tuy tối nay tàu có nhiều chương trình nhảy đầm và vui chơi nhưng chúng tôi không tham gia mà đi ngủ sớm. Chương trình còn dài, hôm nay mới bắt đầu mà thôi.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 02:37 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.