Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Nguyễn Nhật Ánh
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #11  
Old 07-20-2004, 05:19 AM
NNA_Fan NNA_Fan is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2004
Bài gởi: 200
Default

Chương 11

Kể từ ngày đi xem triển lãm về, tật làm biếng rời bỏ tôi, tất nhiên không phải cùng một lúc. Với những chuyện đã trải qua trước đó, tôi cũng mơ hồ nhận ra rằng chỉ có siêng năng, chịu khó mới thành công ở đời (thằng Quang là một tấm gương trước mắt, kể từ ngày kiên trì học nhóm, nó tiến bộ thấy rõ) và tính lười nhác không được ai nể nang. Nhưng phải đến khi "gặp" bà Võ Thị Thơi thì mọi chuyện mới rõ ràng đối với tôi. Từ việc học tập, lao động đến sinh hoạt, kiểm điểm lại, tôi thấy mình còn thua xa so với thiên hạ. Đầu đuôi cũng tại tôi ít chịu cố gắng. Tôi nhớ lại chuyện thằng Thành hôm trước. Nó với thằng Tú đều ở tổ mười, đều nghịch như nhau, nhưng thằng Tú nghịch mà siêng, còn Thành thì lười. Nó lười còn "ác" hơn tôi. Ai đời trực quét sân mà nó bỏ tới ba buổi liền. Thầy Dân nhắc nhở, cảnh cáo hai, ba lần nó vẫn không chừa. Tới lần thứ ba, thầy Dân gởi sổ liên lạc về nhà mời ba nó lên. Nó giấu biến sổ và nói dối thầy là ba nó bận. Thầy Dân tới nhà, mới rõ đầu đuôi sự việc. Thế là thằng Thành bị đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường. Bữa đó ba nó phải hứa hẹn đủ điều, lại phải làm tờ cam đoan nữa, thằng Thành mới được học tiếp.
Nghĩ tới chuyện đó, tôi phát ớn lạnh. Gì thì gì, tôi không bao giờ để bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Nghĩ tới cảnh ba tôi phải ngồi trong văn phòng ban giám hiệu, đau xót nghe các thầy cô kể tội con mình, tôi thấy thà độn thổ cho xong.
Thấy tôi tự dưng đâm ra gọn gàng, ngăn nắp, chịu mó tay vô chuyện nhà, má tôi mừng lắm:
- Thằng Huy độ rày thay đổi quá xá!
Ba tôi phát biểu:
- Thì nó lớn rồi nó phải khá lên chớ!
Nghe khen, tôi khoái chí lắm. Lâu lắm rồi tôi mới được ba má khen tôi "khá", lại còn kèm theo "nó lớn rồi" mới hách xì xằng chớ. Điều thầy Dân nói từ đầu năm học đến nay mới có người xác nhận.
Thằng Tin thì chứng nào tật nấy. Tôi làm gì nó cũng tò tò đi theo sau lưng để coi thử tôi "thay đổi" như thế nào. Nhưng bây giờ thì tôi kệ xác nó, không thèm đếm xỉa. Tôi làm vì tự giác, vì tôi thích làm chớ đâu phải làm cho nó coi. Nó bám theo tôi suốt hai ngày, rồi tuyên bố:
- Anh siêng thiệt chớ không phải giả bộ!
Từ đó, tôi thoát khỏi sự quấy rầy của thằng em trời đánh.
Ở lớp cũng vậy. Trong những buổi trực sinh, tôi lao động thực sự chớ không phải miễn cưỡng như mọi khi. Còn việc chăm sóc cây thì khỏi chê. Đại không nói gì nhưng nó lộ vẻ hài lòng thấy rõ. Nhỏ Hiền dường như cười với tôi nhiều hơn. Những lúc bắt gặp ánh mắt ấm áp của Hiền, tôi nhủ bụng, nếu lớp giao mình tôi chăm sóc cả vườn cây nhất định tôi sẽ không từ chối. Nhưng lời khen "giá trị" nhất là của thằng Hùng, chi đội trưởng kiêm lớp phó lao động. Nó biểu dương tôi trong tiết sinh hoạt lớp:
- Bạn Huy trong thời gian qua đã có những tiến bộ lớn trong tham gia lao động. Đó là một tấm gương tự rèn luyện đáng học tập. Đề nghị chúng ta cho một tràng pháo tay!
Cả lớp vỗ tay rần rần khiến tôi đỏ bừng mặt, vừa sung sướng vừa ngượng ngùng. Một cảm giác mới mẻ tràn ngập hồn tôi. Tôi nhìn sang Bảy và thấy nó cũng đang nhìn tôi, nhe răng cười. Có lẽ nó cũng sung sướng không kém gì tôi.
Bảy sung sướng còn vì một lẽ khác nữa. Đó là, song song với việc tích cực lao động, tôi đã bắt đầu chăm chỉ học toán. Tôi quyết tâm phải chinh phục cho bằng được cái môn học nhức đầu này. "Oán" thì "oán" nhưng học thì vẫn phải học. Biết làm sao! Vì thế mà độ rày Bảy không phải vừa giảng bài vừa canh chừng cặp giò ưa chạy của tôi nữa. Mà cái môn toán kể cũng lạ! Học chăm chỉ chừng vài buổi, tôi phát hiện ra đằng sau cái bề ngoài rắc rối, bí hiểm của nó, môn toán lại là một môn học hết sức sáng sủa, rõ ràng. Bất cứ việc gì cũng có quy tắc của nó. Vấn đề là phải nhớ những quy tắc và biết áp dụng nó trong từng trường hợp cụ thể. Đó là cái chìa khóa để mở cánh cửa toán học. Trước giờ thấy cánh cửa này đóng kín mít, lại gắn một cái ổ khóa to tổ bố, tôi phát ngán, lo thối lui, lo "oán" nó mà quên việc đi tìm chìa để mở.
Bây giờ sau khi "tỉnh ngộ", sau khi kiên nhẫn ngồi dán mình vô bàn học ở nhà Bảy với một tinh thần cầu tiến thực sự, tôi đã nắm được cái chìa khóa vạn năng trong tay. Tất nhiên, cần phải biết cách mở khóa. Nhưng mở như thế nào, điều đó không lo, Bảy sẽ hướng dẫn tôi.
Nhưng tiếc một nỗi là, tôi tìm được chìa khóa hơi muộn màng. Vì vậy mới xảy ra sự kiện đáng nhớ sau đây.
Gần đến kỳ thi học kỳ một, liên đội trường tôi tổ chức những cuộc thi hái hoa đân chủ giữa các lớp cùng khối, vừa để vui chơi vừa nhằm kiểm tra tình hình ôn tập của học sinh. Cuộc thi giữa các lớp khối 8 được tổ chức vào chiều thứ bảy.
Vì không đủ thời gian nên đáng lẽ tất cả học sinh đều tham dự, điều lệ của ban tổ chức quy định mỗi lớp chỉ được cử mười người.
Ở lớp tôi, sau khi các tổ đề xuất, ban chỉ huy chi đội và ban cán sự lớp bàn bạc lựa chọn. Thực ra, trong những trường hợp như thế này , ý kiến của Kim Liên, lớp phó học tập, thường có tính chất quyết định.
Kết quả là trong mười người chọn đi thi, tổ tôi có tới ba mống. Tôi chịu trách nhiệm về những câu hỏi của môn văn, Bảy, môn toán và Quang, sinh vật. Đại học giỏi đều nhưng lại không xuất sắc hẳn môn nào nên không được đưa vào danh sách.
Một giờ chiều ngày thứ bảy, hội trường chật ních người. Ngoài những thí sinh chính thức, số học sinh còn lại của các lớp cũng kéo nhau tới trường, vừa ham vui vừa tò mò muốn theo dõi cuộc thi. Số khán giả dự thính này ngồi đầy nghẹt các dãy ghế phía sau và đứng chen chúc ồn ào ở cuối phòng, to tiếng bàn cãi và đánh cuộc về những đề thi cũng như về kết quả xếp hạng cuối cùng. Mười đứa lớp tôi ngồi vào hai dãy bàn có ghi chữ 8A2 bằng phấn trắng. Tôi, Bảy và Quang ngồi xúm lại một chỗ. Đứa nào đứa nấy hồi hộp liếc lên bàn ban giám khảo. Ở đó, có mặt tất cả các thầy cô dạy lớp 8 mà chúng tôi quen biết. Thầy Dân ngồi ngoài bìa, động viên tụi tôi bằng ánh mắt ấm áp, vui vẻ. Nhưng điều đó không làm cho tôi bình tĩnh. Thiệt lạ , trước bất cứ cuộc thi nào cũng vậy, kể cả cuộc thi điền kinh hằng năm trong trường, tôi luôn rơi vào tâm trạng bồn chồn, thần kinh căng thẳng một cách khó chịu, không cưỡng được.
Mấy đứa bàn dưới có vẻ tự tin hơn. Kim Liên và thằng Cang đang trao đổi với nhau gì đó về những câu hỏi sắp xảy ra lát nữa đây.
Bên cạnh bàn ban giám khảo, trước tấm bảng đen là một cây không rõ cây gì, trồng trong chậu sành, cành lá sum sê, có gắn rất nhiều hoa giả. Trên mỗi cành cây, lủng lẳng những mảnh giấy đủ màu cuộn tròn, trên đó ghi những câu hỏi mà lát nữa đây chúng tôi sẽ mở ra.
Không khí huyên háo, những lời thì thầm to nhỏ lập tức im bặt khi cô Thanh, giáo viên dạy văn chúng tôi năm lớp bảy, cũng là bí thư chi đoàn trường, bước ra bục gỗ, cầm lấy mi-crô. Bằng giọng nói rõ ràng, hơi nhấn mạnh chữ cuối câu, cô nhắc lại mục đích ý nghĩa của cuộc thi, giới thiệu các thầy cô giám khảo và cuối cùng chúc chúng tôi đạt được kết quả tốt trong cuộc thi hôm nay cũng như trong kỳ thi học kỳ một sắp tới. Sau đó, cô nhường mi-crô lại cho chị Quyên. Chị Quyên là học sinh lớp 9, ủy viên học tập của liên đội, sẽ là người trực tiếp điều khiển chương trình.
Với nụ cười tươi tắn muôn thuở trên môi chị Quyên công bố cách thức cuộc thi. Nghe tới đâu, mồ hôi tôi toát ra tới đó. Thể lệ cuộc thi là một cú bất ngờ đối với tôi, cũng có thể với cả các lớp khác. Theo như các cuộc thi hái hoa dân chủ tổ chức trước đây thì sau khi cử người lên "hái " câu hỏi, lớp dự thi có quyền chỉ định người trả lời. Ví dụ như, nếu Quang lên bắt nhằm câu hỏi văn thì "người hùng" sẽ là tôi. Chọn người đi dự thi lần này, lớp tôi cũng chọn trên cơ sở đó. Ai dè, cách thức cuộc thi do chị Quyên công bố lại khác hẳn: Người nào lên "hái hoa" người đó bắt buộc phải trả lời câu hỏi mình bắt được. Như vậy có nghĩa là nếu nhà sinh vật mà tóm phải câu về văn thì chưa chắc nó đã trả lời xuôi, còn tôi mà bắt trúng câu hỏi toán thì đời tôi có thể... tàn. Dĩ nhiên, trong trường hợp người đứng trên bảng đáp sai thì những người ngồi dưới được quyền bổ sung hoặc trả lời giùm. Nhưng như vậy, lớp đó sẽ bị trừ điểm. Nghĩ đến chuyện bắt nhằm đề toán, tôi giật mình thon thót. Nếu vậy, không biết sự thể sẽ ra sao. Đến nước này thì không thể trốn tránh vào đâu được. Thể lệ đã quy định các học sinh đăng ký tham gia cuộc thi đều phải lần lượt lên bảng.
Tôi nhìn sang bên cạnh. Quang tỏ vẻ lo âu. Và nhỏ Kim Liên, đội trưởng đội tuyển, không giấu được sự hồi hộp. Còn các đồng đội khác của tôi vẫn bình tĩnh như thường. Rõ ràng là chúng, những học sinh toàn diện, không ngán cách thi mới. Tôi cay đắng và buồn bã hiểu ra điều đó. Nói cho đúng ra, tôi không hề phàn nàn hoặc có ý nghĩ phản đối cách thi này. Người kém thông minh nhất cũng có thể thấy được sự tiến bộ của kiểu thi này so với kiểu thi cũ. Nó loại trừ kiểu học đối phó, kiểu học phân công. Nó đòi hỏi người học sinh phải học toàn diện và ôn đầy đủ, không được phép lơ là hoặc coi nhẹ bất cứ môn học nào.
Nhưng thể lệ chỉ công bố ngay trước cuộc thi khiến tôi bị hố to và nhỏ Kim Liên, đứa chọn tôi, cũng bị hẫng. Tôi chỉ còn cách nhắm mắt cầu nguyện cho câu hỏi toán không rơi trúng đầu tôi.
Trong lúc tôi "cầu nguyện" thì cuộc thi bắt đầu.
Lớp 8A1 lên trước. Bên đó cử thằng Vương. Nó vừa bước lên bảng vừa mỉm cười tự tin. Cả hội trường im lặng theo dõi từng cử chỉ của nó. Đứng trước cái cây bí hiểm nhiều cành nhánh kia, nó phân vân một thoáng rồi bứt đại cuộn giấy màu vàng. Chúng tôi căng mắt nhìn những ngón tay của Vương đang lóng ngóng mở cuộn giấy vo tròn.
Đọc thoáng qua câu hỏi, Vương quay sang chị Quyên ra ý hỏi. Chị Quyên nói:
- Em cứ đọc lớn câu hỏi lên. Và sau đó trả lời.
Vương hắng giọng đọc:
- Phát biểu định luật bảo toàn khối lượng các chất, và giải thích định luật theo thuyết nguyên tử - phân tử.
Đám đông bên dưới ồ lên:
- Dễ quá!
Đó là câu hỏi hóa học về định luật của Lô-mô-nô-xốp. Nếu gặp phải câu hỏi như thế này, tôi cũng có thể đáp được.
Tất nhiên Vương trả lời trôi chảy và chính xác, kiếm điểm mười ngon ơ mà lại khỏi giải bài tập. Lớp 8A1 vỗ tay lốp bốp, đầy phấn khởi.
Tới phiên lớp tôi. Kim Liên hỏi nhỏ:
- Bạn nào xung phong lên trước?
Không đứa nào trả lời, chỉ có những ánh mắt nhìn nhau dò hỏi. Riêng tôi, tôi nhìn xuống, tránh ánh mắt của Kim Liên và tụi bạn, bụng nghĩ: mình sẽ lên sau, để coi đứa lên trước làm ăn ra sao đã!
Trong khi tôi tính toán thì thằng Cang đứng dậy:
- Để tôi.
Nói xong, nó bước ra khỏi chỗ. Cang là "vua vẽ bản đồ" lớp tôi. Nó có năng khiếu hội họa, lại đi học thêm, nên vẽ đẹp hết biết. ở trường, nó chuyên môn trang trí báo tường của lớp cũng như của liên đội. Lớp tôi dành nó cho môn địa, để coi thử nó bắt phải môn gì.
Cang chọn mẩu giấy màu đỏ, mở ra và đọc to đề trước sự hồi hộp của chúng tôi. Đó là một bài toán vật lý liên quan đến mặt phẳng nghiêng.
Nghe xong đề, Bảy thở phào:
- Đề này thằng Cang làm dư sức!
Quả thực, Cang đã đem về điểm mười đầu tiên cho lớp tôi trong sự hoan hô ầm ĩ của đồng đội.
Tiếp đó, tụi 8A3 và 8A4, mỗi lớp cũng kiếm một điểm mười cho mình.
Bắt đầu vòng thứ hai, 8A1 lại xơi một con mười nữa.
Tới 8A2 chưa ai nói gì thì thằng Quang tự động phóc lên bảng khiến đứa nào cũng trố mắt ngạc nhiên. Tôi cũng không hiểu tại sao bữa nay nó bạo dạn dữ vậy. Chẳng phải là học sinh toàn diện, cũng chẳng phải là người quen thi thố tài năng, vậy mà nhoáng một cái, chưa ai kịp có ý kiến, nó đã tót lên trên kia và câu hỏi đã nằm trong tay rồi.
Tôi ngồi yên không trả lời. Bảy không hiểu tiếng la của tôi. Tôi hô "chết", không phải chết thằng Quang mà là chết tôi. Bởi vì, nếu vừa rồi tôi xông lên biết đâu tôi đã bắt được câu hỏi ngon lành này. Còn từ giờ trở đi thì chỉ có trời mới biết cái gì đang chờ đợi tôi.
Sau khi phân tích câu một cách chính xác, Quang hớn hở đi xuống. Tôi giật áo nó:
- Sao mày bạo gan dữ vậy?
Quang nhe răng cười hì hì:
- Bạo gan gì đâu?
- Sao mày dám lên trước?
- Thì đằng nào cũng phải lên, thôi thì lên đại cho rồi! Lên sau, tao sợ mấy đứa kia bắt hết câu hỏi về sinh vật. Cũng may là đụng ngữ pháp!
Thằng này hên thiệt! Tôi nhủ thầm và ngẫm nghĩ một hồi, thấy cái kiểu suy luận liều mạng của nó coi ra cũng có lý. Đúng rồi, mình phải nhanh chân lên chớ không tụi nó bắt hết những câu hỏi về môn văn. Nghĩ vậy, nhưng khi đến lượt lớp tôi, tôi vẫn ngồi yên nhường cho Kim Liên lên. Nó bắt phải câu hỏi sử dễ ợt khiến tôi tiếc hùi hụi.
Trong khi tôi chần chờ thì Quang đã lập thêm một thành tích. Thành tích này còn sáng :Di hơn khi nãy.
Số là nhỏ Ngọc Điệp bên lớp 8A4 bắt phải đề sinh vật có hai câu hỏi. Câu thứ nhất hỏi về sự khác nhau giữa cá chép và cá mập thì nó trả lời được, vì đã học qua rồi. Câu thứ hai, tức là câu hỏi phụ mới thiệt là nhức óc:
- Cá heo bơi rất nhanh, trong mười giây chúng bơi được 100 mét. Em hãy giải thích vì sao?
Trong bài "Lớp cá" chúng tôi đã học không có đoạn nào nói đến chuyện này. Rõ ràng đó là câu hỏi thầy Hiển đặt ra để thử trình độ hiểu biết của chúng tôi.
Sau khi trả lời xong xuôi câu hỏi thứ nhất, Ngọc Điệp cứ thừ người suy nghĩ. Nó đứng yên lâu đến nỗi chị Quyên phải nhắc:
- Sao, em trả lời được không?
Ngọc Điệp ấp úng đáp cầu may:
- Cá heo bơi nhanh là nhờ hệ cơ đuôi phát triển.
Nói xong, nó nhìn ban giám khảo. Thầy Hiển mỉm cười, lắc đầu:
- Không phải! Các em lớp 8A4 có bổ xung gì không?
Một thoáng im lặng. Rồi một đứa đứng lên:
- Thưa thầy, cá heo bơi nhanh là nhờ có nhiều vây ạ.
Thầy Hiển lại lắc đầu.
Lớp 8A4 vẫn không chịu thua:
- Thưa thầy, nhờ da có trơn ạ.
Cũng trật luôn. Thầy Hiển gõ viết xuống bàn:
- Mời các lớp khác!
Có tiếng đứa nào cười hí hí phía sau, pha trò:
- Có gì đâu! Tại vì nó vừa là cá lại vừa là heo!
Tôi không nhịn được liền thúc vô hông nhà sinh vật:
- Ra tay đi mày! Hay mày cũng bí?
Không đợi tôi khích đến lần thứ hai, Quang đứng dậy. Nó làm một tràng:
- Thưa thầy, cá heo sở dĩ bơi được nhanh là nhờ hình dạng cơ thể của chúng bảo đảm cho việc đạt tới tốc độ tối đa. Chính các chuyên gia đóng tàu đã nghiên cứu đặc điểm này của chúng để đóng thử nghiệm loại tàu vượt đại dương có hình dạng tương tự và đã đạt được vật tốc cao hơn những con tàu hiện đại có hình dáng con dao.
Quang ngừng một chút lấy hơi rồi tiếp:
- Ngoài ra, chúng bơi nhanh còn nhờ sự cấu tạo lớp da của chúng. Lớp da ngoài rất dày và đàn hồi không thua gì loại cao su tốt nhất, gắn với một lớp khác có nhiều mũi lồi nằm lọt vào những hốc của lớp da ngoài. Nhờ vậy mà cá heo bơi rất nhanh.
Nói xong, Quang ngồi xuống. Tôi nghe nó nói thao thao bất tuyệt, sướng lỗ tai thiệt nhưng không biết có đúng không. Mấy đứa khác cũng ngơ ngơ ngác ngác. Chỉ đến khi thầy Hiển lên tiếng:
- Em Quang đã đáp rất đúng câu hỏi. Thầy chỉ bổ sung thêm một phần nhỏ: Chính nhờ da cá heo đàn hồi nên khi vận tốc tăng lên đột ngột, trên lớp da của chúng xuất hiện những vết nhăn vận tốc và dòng chảy tầng chớ không biến thành dòng xoắn lộn xộn như ở các loại cá khác. Nhờ vậy, cá heo có vận tốc cao. Nhưng dù không dẫn giải điều này, câu trả lời của em Quang vẫn xứng đáng được điểm mười.
Thì cả hội trường, kể cả đám khán giả ở cuối phòng, không hẹn mà cùng vỗ tay như sấm. Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Quang, lúc này đang che giấu niềm vui bằng một nụ cười ngượng nghịu. Tôi cũng hào hứng vỗ đến rát cả tay, sung sướng có một người bạn "xịn" như vậy.
Cuộc thi lại tiếp tục.
Tôi nhủ bụng, lần này phải lên bảng. Lên sớm may ra vớ được một đề văn. Vả lại, tôi phải lên, tôi phải làm một cái gì đó cho ra trò, mặc dù không biết đó là cái gì. "Vinh quang" của nhà sinh vật làm dậy trong lòng tôi một thôi thúc mơ hồ mà mãnh liệt.
Nghĩ sao làm vậy, tới vòng thứ tư, khi thằng Lợi bên lớp 8A1 vừa xuống, tôi liền rời khỏi chỗ ngồi, tiến lên bảng không đợi chị Quyên gọi.
Đứng trước những cành nhánh lủng lẳng các mẩu giấy đủ màu, tim tôi đập thình thịch. Tôi đứng lưỡng lự một lúc lâu, chưa biết nên chọn mẩu giấy nào, bên tai nghe loáng thoáng những câu trêu chọc:
- Thằng Huy nó đang thôi miên các câu hỏi!
- Không phải, nó đang ngắm cây cảnh!
- Tụi mày không biết gì hết, nó đang làm thơ tả cái cây đó!
Câu cuối cùng đích thị là giọng thằng Chí. Nãy giờ nó đứng lấp ló ở cuối phòng, không hó hé một tiếng, vậy mà tôi vừa xuất hiện là nó trổ cái tật bép xép ra liền. Tôi tức nó vừa giận mình. Khi nãy ngồi dưới tôi đã hạ quyết tâm đâu đó đàng hoàng, vậy mà khi lên đây tôi bỗng dưng đâm ra ngần ngại. Cuối cùng, tôi chọn cuộn giấy màu xanh. Tôi nhớ lúc nãy thằng Quang cũng bắt phải cuộn giấy xanh.
Tôi vừa lẩm bẩm:
- Lạy trời, đừng toán!
Vừa chậm chạp mở tờ giấy ra, hồi hộp y như người dò vé số vậy. Không dám dò nhoáng một lần, sợ nỗi thất vọng đến quá nhanh, tôi sè sẹ nặn ra từng con số một để niềm hy vọng kéo dài từng giây một.
Toán! Cứ toán!
Tôi tái mặt nhận ra điều tôi vẫn e ngại đang nằm sờ sờ trên mẩu giấy. Té ra trời không có mắt, hoặc ít ra trời cũng nặng tai. Tôi cầu ổng mà ổng không nghe thấy gì hết. Mà lại toán đại số nữa mới chết chớ: tìm số trị của một biểu thức, trong đó nhằng nhịt những a và b, trừ và cộng, nhân và chia, ngoặc lớn, ngoặc nhỏ, bình phương, lập phương đủ thứ, y như thể mọi thứ khó gặm nhất của môn đại số người ta đều đưa hết vào đây.
Tôi nhìn vào đề toán như nhìn vào một khu rừng, không biết đường vô chỗ nào, lối ra ở đâu, mồ hôi rịn ướt trán.
Thấy tôi đọc tờ giấy xong rồi đứng im không nói, chị Quyên giục:
- Câu hỏi gì đó em? Đọc đi!
Tôi khẽ đáp:
- Bài tập toán.
- Vậy thì sau khi đọc xong em chép đề và giải trên bảng.
Tôi đọc và chép như một cái máy. Lúc này thực tình tôi không nghĩ gì đến bài toán nữa mà nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình.
Tôi rầu rĩ nhìn xuống dưới và thấy Bảy cũng đang nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bã và lo lắng. Nó thừa hiểu tôi không thể nào làm được bài toán này và sự "gãy gánh" của tôi sẽ đem lại bất lợi lớn cho kết quả của lớp trong cuộc thi hôm nay. Dù gì thì gì, Bảy cũng phải chịu một phần trách nhiệm, bởi vì nó là ông thầy toán của tôi, một ông thầy không hoàn thành nhiệm vụ. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp Bảy. Mặc dù vừa phải bán hàng vừa trông em, nó vẫn tích cực và kiên trì kèm cặp cho tôi với thằng Quang trong những chiều học nhóm. Tất cả mọi điều là do cái tính biếng nhác, ngại khó của tôi mà ra. Gần đây, tôi có siêng hơn, đã chịu dành đầu óc cho môn Toán, nhưng bước xuất phát của tôi quá chậm, nay ra đến giữa học kỳ hai tôi mới có hy vọng đuổi kịp tụi bạn. Còn bây giờ thì... Tôi đảo mắt nhìn đám đông hỗn độn cuối hậu trường. Thằng Chí đang đưa tay làm loa nhắc tôi cái gì đó. Xa quá, tôi nghe không rõ, và khẽ lắc đầu.
Thấy vậy, thằng Chí tăng âm thanh:
- Phải rút gọn biểu thức!
Câu nhắc của Chí cả phòng đều nghe. Nó "giúp bạn" lộ liễu quá khiến tôi mắc cỡ đỏ cả mặt. Ngay cô Thanh cũng phải lên tiếng nhắc nhở:
- Ở dưới không được nhắc! Lớp nào nhắc sẽ bị trừ điểm!
Nhưng dù Chí có nhắc, tôi cũng không biết làm sao để rút gọn biểu thức. Bây giờ tôi chỉ mong rút gọn được chính tôi, thu nhỏ lại bằng con kiến, kiến lửa cũng được, để khỏi phải trơ bộ mặt đần độn ra trước hàng trăm con mắt.
Rốt cuộc, thì Chị Quyên lên tiếng hỏi tôi:
- Em giải được không?
Tôi sượng sùng:
- Dạ không ạ!
Đáp xong, tôi lẳng lặng về chỗ, bước chân như đeo đá. Trong khi đó, Bảy tiến lên bảng. Nó cầm phấn nguệch nhoáng một cái là xong. Khi về chỗ ngồi, nó vỗ vai tôi, an ủi:
- Đừng buồn! Thua keo này, bày keo khác!
Không phải tôi sợ mình không bày được keo khác, điều đó nhất định là được, nhưng tôi buồn là mình đã để thua keo này một cách đáng trách. Lỗi không phải ở Bảy, người bạn tốt và hiền lành của tôi, cũng không phải ở nhỏ Kim Liên, người đã chọn tôi vào đội hình hôm nay, cũng không phải ở thể lệ sửa đổi của cuộc thi, càng không phải ở môn toán. Bây giờ tôi không "oán " nó mà "oán " chính tôi. Đáng lẽ tôi phải cố gắng sớm hơn!
Tôi chìm trong suy nghĩ buồn rầu và không còn bụng dạ nào chú ý đến những gì xảy ra sau đó nữa.
Lúc ra về, tôi không tuôn ra cổng theo đám bạn mà lẻn ra ngoài vườn bạch đàn ngồi một mình một bóng. Tôi muốn được yên tĩnh trong lúc này. Tôi lót dép dưới quần, ngồi tựa lưng vô tường, lặng lẽ nhìn ngắm lớp đất tơi xốp do chính tay tôi xới trong những ngày qua, trên đó những hàng bạch đàn tươi tốt cứ vươn mãi về phía bầu trời với những chiếc lá non tơ, xanh biếc.
Có một bàn tay đặt lên vai tôi. Giỏi thiệt! Chân cẳng thằng Bảy vậy mà nó cũng lùng sục ra mình! Tôi quay lại.
Không phải Bảy mà "cậu ông trời" đang ngồi bên cạnh tôi. Nó muốn gì đây? Tôi đã biết thân biết phận, bỏ ra ngồi đây, vậy mà nó còn kiếm tôi tính gây chuyện nữa sao? Tôi bực dọc quay mặt đi chỗ khác. Nhưng Đại đã bóp nhẹ vai tôi:
- Tụi mình về đi! Không đứa nào trách mày chuyện khi nãy đâu! Con người ta chớ có phải cái máy đâu mà tiến vọt một cái ngay được!
Không đợi tôi đồng ý hay không, nó dựng tôi dậy và kéo đi. Lần đầu tiên từ ngày nhập học, tôi đi chung với Đại, đi chung một cách tự nguyện, sung sướng và dễ chịu.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #12  
Old 07-20-2004, 05:22 AM
NNA_Fan NNA_Fan is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2004
Bài gởi: 200
Default

Chương 12

Sau cuộc thi đáng nhớ đó, tôi bệnh liệt giường, người sốt nóng. Cặp nhiệt thủy ngân có khi chỉ quá con số 39 độ.
Thằng Tin bày đặt làm khôn, khuyên má tôi:
- Má phải đưa gấp ảnh vô bệnh viện mới được! Ảnh bị sốt suất huyết đó!
Nghe nó nói, tôi bắt giật mình. Quả thực, ở thành phố độ rày đang có dịch sốt xuất huyết. Nghe nói bệnh này nguy hiểm lắm, chết như chơi. Tôi đang lo lắng thì nghe má tôi cười:
- Không phải đâu! Đây chỉ là sốt thường thôi. Sốt xuất huyết là khi nào sốt cao đột ngột và liên tục kìa. Rồi lại buồn nôn ói mửa và đau bụng, nhức đầu nữa.
Nghe vậy, tôi an tâm. Lúc này tôi sợ sốt xuất huyết, tôi sợ chết thình lình lắm. Nếu chết ngay bây giờ thì làm sao cố gắng đẩy môn toán lên, làm sao "bày keo khác" như thằng Bảy nói được. Rồi tôi bỏ cây bạch đàn của tôi cho ai. Rồi lấy ai giảng ngữ pháp cho nhỏ Hiền mỗi khi thằng Đại nhờ. Lấy ai đi học chung với thằng Bảy, cho nó mượn sách và thỉnh thoảng trêu chọc cái "máu điệp viên" của nó. Còn nhà sinh vật nữa, nếu tôi chết bất tử, ai sẽ nghe những câu chuyện lý thú của nó. Lúc bình thường thì tôi chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng đến lúc sắp sửa "từ giã cõi đời", tôi mới phát hiện ra là tôi bận bịu nhiều thứ quá, mà thứ nào cũng quan trọng. Vì vậy, khi biết mình không bị sốt xuất huyết, tôi mừng như sống lại. Cả tôi lẫn Tin, không đứa nào biết hiện nay các bác sĩ đã chữa thành công thứ bệnh ghê gớm này, và nếu bệnh, tôi cũng đừng có hòng chết được! Nhưng dù không phải sốt xuất huyết, tôi cũng chưa thể đến trường được. Đối với tôi, đó là điều khổ tâm ghê gớm. Nhất là chỉ còn mười ngày nữa là thi học kỳ. Má bảo tôi bệnh là do mắc phải trận mưa chiều hôm trước. Má nói thì chắc là đúng. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ sự thất bại trong cuộc thi hôm thứ bảy vừa rồi có thể là một nguyên nhân gây nên cơn sốt của tôi. Mới nghỉ học có ba bữa mà tôi nhớ trường, nhớ lớp quá xá. Tôi nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ bàn ghế, bảng đen, vườn cây, nhớ đủ thứ. Tôi nhớ cả Kim Hà - Kiến Lửa, thằng Chí ba hoa, thằng Hùng chi đội trưởng. Đã từ lâu rồi, tôi không còn giận chúng. Tôi biết chúng ưa phê bình, kiểm điểm tôi không phải vì ghét bỏ gì tôi mà vì thực lòng chúng muốn tôi tiến bộ, muốn tôi trở thành một học sinh tốt. Ngay cả Đại cũng vậy. Trong thời gian gần đây, tôi đã nhìn Đại bằng một con mắt khác, tôi không ác cảm với nó như hồi mới đầu nữa. Đại nghiêm khắc nhưng công bằng và tốt bụng. Nó yêu bạn nhưng không chịu nhân nhượng những khuyết điểm của bạn, không vị nể bạn như kiểu thằng Bảy, vì vậy mà có lúc tôi tưởng nó cố tình "đụng" tôi. Khi hiểu ra điều đó, tôi quý nó hơn. May nhờ nó làm tổ trưởng, tổ tôi mới đi lên chớ nếu tôi làm, chắc cả tổ đi xuống hố từ bảy đời rồi.
Tôi nằm trên giường vừa nghĩ ngợi miên man, vừa dòm chừng đồng hồ, chờ Bảy và Quang tới.
Kể từ hôm tôi bệnh, sáng nào trước khi đi học, Bảy cũng ghé qua nhà tôi lấy tập của tôi đem lên trường chép bài giùm. Khi thì nó chép, khi thì Quang chép. Chữ thằng Quang ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc như gà bới. Nhưng không vì thế mà tôi không biết ơn nó. Tan học, Bảy đem tập trả tôi và giảng lại những điều thầy cô giảng ở lớp. Nó giảng giải kỹ lưỡng, chi li, sợ tôi không hiểu, và nhẫn nại trả lời từng thắc mắc của tôi. Đến khi tôi tỏ ra hiểu thấu đáo bài học, nó mới an tâm ra về. Nhờ vậy, dù nghỉ học, tôi vẫn theo kịp chương trình ở lớp và đỡ lo lắng cho kỳ thi sắp tới.
Thằng Quang mặc dù nhà xa nhưng trưa nào cũng chở Bảy ghé tôi. Nó có chiếc xe đạp cà tàng nhưng chạy rất chiến. Tôi thường gọi nó là con Rốt-xi-nan lắm mặc dù nó không biết Đông-ki-sốt là ai. Hễ ngựa là nó khoái rồi.
Đến nhà tôi, Quang chỉ đóng vai khán giả, ngồi một chỗ nghe Bảy giảng bài cho tôi. Nó chưa bao giờ có mơ ước làm "thầy " tôi. Nhưng ngược lại, nó cung cấp cho tôi những tin tức sốt dẻo:
- Huy ơi, dãy bạch đàn của tổ mình cao gần hai thước rưỡi đó. Cao nhất lớp. Sáng nay tao mượn cây thước của thầy Đức chạy ra vườn đo đàng hoàng!
Hoặc là:
- Thầy Hoàng dạy thể dục nói sau khi thi học kỳ sẽ tổ chức giải bóng đá giữa các lớp tám và lớp chín đó nghen mày! Hết bệnh lẹ lẹ lên!
Những thông báo hấp dẫn của nó khiến tôi nôn nao quá xá, cứ muốn ba chân bốn cẳng chạy ngay tới trường. Tôi luôn thầm mong ông Bụt trong chuyện cổ tích hiện ra, chích cây đũa thần vô người tôi, thế là trong thoáng mắt, cơn cảm cúm biến mất. Nhưng chẳng có cây đũa thần nào chạm vô người tôi cả, chỉ có những cây kim tiêm của má tôi chích vô mông đau điếng.
Trưa nay cũng vậy, vừa bước vô khỏi cửa, Bảy chưa kịp đưa tập vở cho tôi, Quang đã bô bô:
- Huy ơi, có cái này cho mày nè!
Tôi nhướng mắt:
- Gì vậy?
Nó làm bộ bí mật:
- Một món quà bất ngờ.
- Ăn được không?
Nó cười hì hì:
- Không ăn được! Nhưng rất đặc biệt!
Tôi nóng ruột:
- Nói đại ra cho rồi! Úp mở hoài!
Quang lấy trong tập ra một tờ giấy đưa cho tôi. Tôi tò mò đọc. Thì ra đó là một bài thơ của Kiến Lửa. Nhưng lần này Kiến Lửa đã đổi giọng, nó không buồn chích tôi nữa:

Kỳ thi đã sắp đến rồi
Mà sao bạn lại bệnh ngay lúc này
Bạch đàn giờ đã xanh cây
Có bàn tay bạn ngày ngày bón chăm
Bạn ơi hết bệnh cho nhanh
Mau mau về với chúng mình bạn nghe
Chúc Huy sức khỏe dồi dào
Trở về với lớp, với cô, với thầy.
Kiến Lửa lúc này làm thơ tiến bộ hơn lúc trước. Nhưng đôi chỗ gieo vần còn lộn xộn, ý tứ trùng lặp, xưng hô loạn xị, khi thì gọi bạn khi lại gọi Huy. Tuy nhiên, bài thơ làm tôi xúc động thật sự. Té ra Kiến Lửa vẫn nhớ đến tôi và dành cho tôi nhữnh tình cảm chân thành, mặc dù trước đây nó từng đốt tôi nhảy dựng lên. Tôi rất cảm ơn bạn, Kiến Lửa ạ, tôi sẽ cố hết bệnh để trở về với trường, với lớp.
Nhưng cơn bệnh quái ác của tôi vẫn không chịu hết ngay. Nó cứ bắt tôi nằm nhà nghe Bảy giảng bài và nghe Quang thông báo tin tức. Thiệt sốt ruột! Tôi có cảm giác như bị cầm tù trong nhà. Một hôm, cùng với Bảy và Quang, Đại và Hiền đến thăm "nhà tù" của tôi.
Thấy "phái đoàn" tới, tôi nhỏm người dậy. Nhưng Đại nắm lấy vai tôi ấn xuống:
- Cứ nằm nghỉ đi! Ngồi dậy chi cho mệt!
- Không sao! Đỡ nhiều rồi!
Tôi nói và lại cố nhỏm dậy nhưng Đại quyết không cho, nó giữ chặt vai tôi. Trong tư thế đó, nó báo tin cho tôi:
- Đơn xin vô đội của mày đã được xét. Ban chỉ huy liên đội đã thông qua rồi. ít bữa lên trường là kết nạp. Mừng không?
Tôi bàng hoàng cả người. Từ lâu tôi đã chờ đợi tin này, vậy mà khi nghe Đại nói, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ. Bất giác tôi buột miệng hỏi một câu lãng xẹt:
- Thiệt không?
Nhỏ Hiền xen vào:
- Thiệt mà! Chính bạn Hùng nói với tổ mình.
Thế là quyết tâm và mơ ước của tôi từ đầu năm đã được thực hiện. Những cố gắng của tôi trong thời gian gần đây đã đem lại kết quả tốt đẹp. Tôi đã là đội viên. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Từ nay, tôi sẽ không còn hổ thẹn mỗi khi nhìn thằng Tin đi học với chiết khăn quàng đỏ trên vai nữa. Ba tôi sẽ không còn áy náy và buồn phiền về "thằng to đầu" này nữa. Tôi có cảm tưởng như cơn sốt đã lùi xa, đã biến mất. Tôi rơi vào một trạng thái nhẹ nhõm đầy phấn chấn. Trong cảm giác lâng lâng đó, tôi nghe Bảy nói:
- Ở trường mình mới thành lập các đội Trần Quốc Toản. Mỗi lớp là một đội. Mỗi đội chia thành nhiều nhóm: Nhóm mua hàng, nhóm trông em, nhóm làm việc nhà... Tổ mình thuộc nhóm mua hàng. Thi học kỳ xong là bắt đầu "công tác" đó nghen mày!
Tôi tỏ vẻ hiểu biết:
- Giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ chớ gì!
- Không phải chỉ các gia đình thương binh liệt sĩ thôi đâu! Kể cả các gia đình neo đơn có con em đi bộ đội, đi thanh niên xung phong nữa!
Tôi nháy mắt với Bảy:
- Vậy mình kéo tới giúp gia đình thằng Đại đi. Nó có anh đi bộ đội mà!
Bảy chưa kịp trả lời, Hiền đã lên tiếng:
- Ba bạn Đại còn là thương binh nữa đó. Bác ấy ở tù Côn Đảo, bị tra tấn đến gãy tay.
Cả bọn sửng sốt khi nghe Hiền nói. Trời ơi, nó có người cha oai thiệt oai, thành tích lẫy lừng vậy mà trước nay có giấu kỹ! Gặp tôi, tôi đã khoe ngay từ đầu năm rồi.
Quang nói với Đại:
- Vậy nhà mày là "đại chỉ đỏ" rồi! Hôm nào tụi tao tới mua hàng giùm cho mày nghen!
Đại cười:
- Thôi! Tụi mình tới giúp nhà khác đi! Nhà tao không thiếu người mua hàng đâu tao có tới năm đứa em lận!
Tôi vọt miệng:
- Vậy thì tụi tao tới trông em giúp mày! Đề nghị thầy Dân đổi tụi mình từ nhóm mua hàng sang nhóm trông em.
Bảy, Quang, Hiền vỗ tay lốp đốp trước ý kiến của tôi và hùa vô:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Đổi thành nhóm trông em!
Đại đỏ bừng mặt, nó lắc đầu nguây nguẩy:
- Không được đâu! Ai lại làm kỳ vậy! Tự dưng lại kéo tới nhà tao!
Tôi khăng khăng:
- Không có kỳ gì hết! Tụi tao sẽ xin ý kiến thầy Dân.
Quay sang tụi bạn, tôi hô:
- Ai đồng ý thì đưa tay lên!
Bảy, Quang, Hiền đều đồng loạt giơ tay khiến Đại mặt mày bí rị. Nó không biết làm gì ngoài việc nhắc đi nhắc lại:
- Không được đâu! Tao đã nói là không được mà!

- o O o -
Bệnh của tôi đã thuyên giảm. Sáng nay, khi ngủ dậy tôi thấy trong người khỏe khoắn hẳn lên, liền đòi đi học nhưng má tôi không cho. Má rờ đầu tôi rồi nói:
- Con hết bệnh rồi, nhưng phải nghỉ thêm một ngày cho lại sức rồi mai hãy đi.
Má nói, tôi không dám cãi. Và khi bước xuống khỏi giường, đi tới đi lui trong nhà, tôi thấy sức mình còn yếu thiệt, hai chân cứ run run. Thôi, cố gắng đợi đến mai vậy! Tôi tự an ủi.
Trưa, như thường lệ, Bảy và Quang đem tập về cho tôi.
Nhưng hôm nay, lật tập ra, tôi bắt gặp một nét chữ lạ. Không phải chữ Quang cũng không phải chữ Bảy. Tôi ngạc nhiên:
- Ai chép bài giùm tao vậy?
Bảy cười mỉm:
- Mày đoán coi!
Tim tôi đập thình thịch trong ngực. Thực ra, không đợi Bảy đố, tôi cũng đã đoán ra chữ ai rồi. Nét chữ không đẹp nhưng mềm mại, đích thị là chữ con gái. Vậy là Hiền, chứ còn ai vô đây nữa! Chẳng lẽ Bảy đưa tập tôi cho Kim Liên hay Kim Hà chép, nó đâu có điên dữ vậy.
Lật tới lật lui cuốn tập trong tay, bất giác tôi nín thở khi gặp dòng chữ ở trang sau cùng: "Mong Huy không bao giờ quên người bạn gái của mình. Hiền". Lập tức tôi gấp cuốn tập lại, lật đật nhét dước gối như giấu một cục vàng, sợ Bảy và Quang phát hiện. Tai lùng bùng, còn hai tay thì luống cuống, điệu bộ của tôi khiến Bảy phì cười:
- Mày làm cái trò gì vậy?
- Không, không! Có gì đâu! - Tôi chối phắt.
- Ha, ha, ha! - Bảy ôm bụng cười sặc sụa - Mong Huy không bao giờ quên người bạn gái. Mày giấu câu đó chớ gì?
Tôi tái mặt:
- Sao mày biết?
Bảy nháy nháy mắt một cách ranh mãnh:
- Sao lại không biết! Có vậy mà cũng bày đặt giấu tới giấu lui! Cho mày coi đây nè!
Bảy chìa cuốn tập của nó cho tôi coi. Ở trang cuối, có dòng chữ của Hiền, nội dung na ná như câu trong tập tôi: "Mong rằng Bảy sẽ nhớ mãi đến Hiền". Câu của Quang còn "tha thiết " hơn: "Chúng ta đừng quên nhau".
Tôi ngượng chín người khi hiểu rằng cái câu êm ái đó không phải Hiền dành riêng cho tôi. Nó "ban phát" đồng đều hết, y như chuyện thêu khăn tay vậy. Vậy mà tôi lại đi làm cái chuyện che che giấu giấu làm như của hiếm, thiệt là bễ mặt. Đồng thời, tôi không giấu được kinh ngạc:
- Nó làm cái gì mà viết tùm lum trên tập của tụi mình vậy?
Bảy không cười cợt nữa. Nó thở dài, vẻ mặt nghiêm trang:
- Hiền sắp sửa chuyển trường rồi. Nó sẽ không còn học chung với tụi mình nữa!
- Hả? Mày nói sao?
Tôi thốt lên, chới với. Tin của Bảy như sét đánh ngang tai. Tôi hy vọng là mình nghe lầm. Nhưng không, Bảy nói tiếp:
- Thi xong học kỳ một là Hiền đi. Nó chuyển về trường Phú Lâm.
Tôi vẫn không hiểu:
- Sao vậy mày? Tại sao đang học nửa chừng Hiền lại xin chuyển trường?
- Tại vì nhà nó dời về Phú Lâm chớ sao! - Quang ngứa miệng chen vào trả lời thay cho Bảy.
Tôi nhìn Quang nghi ngờ:
- Nói thiệt hay chơi đó mày? Hiền không ở chỗ chợ Cầu Ván nữa hả?
- Thiệt mà! - Quang gật đầu - Khu nhà chỗ đó bị giải tỏa rồi. Người ta gọi đó là khu nhà ổ chuột. Còn dân ở đó thì được cấp nhà mới ở Phú Lâm, trong một chung cư vừa xây xong. Hiền dời về đó thì nó phải chuyển sang trường Phú Lâm học cho gần chớ sao! Có gì đâu mà thắc mắc!
Không, tôi đâu có thắc mắc, tôi hỏi cho biết vậy thôi. Biết để mừng giùm cho Hiền. Từ nay Hiền khỏi phải sống chui rúc, ra vào trong túp nhà tối tăm, chật chội và ọp ẹp bên rãnh nước đem ngòm nơi đuôi chợ. Dọn về nơi ở mới rộng rãi, khang trang, Hiền sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong học tập. Chắc Hiền sẽ tiến xa. Nhưng còn gánh chè? Chiều chiều, bóng dáng dịu dàng của Hiền có sẽ xuất hiện trên khắp các nẻo đường Phú Lâm ngang dọc, với gánh chè trĩu trịt trên vai và lời rao ngọt ngào trên miệng, nhặt nhạnh từng đồng phụ giúp mẹ nữa không?
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Quang nói:
- Hiền nghỉ bán chè rồi. Bây giờ buổi chiều nó đi học may.
- Ủa, vậy còn một mình má Hiền bán hả ?
- Cũng nghỉ luôn. Má Hiền mới được nhận vào bán hàng trong hợp tác xã tiêu thụ phường. Cái phường hiện giờ chớ không phải phường Cầu Ván đâu!
Vậy thì tuyệt! Tôi không mong gì hơn là những điều tốt đẹp và may mắn hãy luôn luôn đến với Hiền, đến với người bạn gái của tổ năm chúng tôi. Tính tình trầm lặng, giọng nói êm ái, mắt nhìn ấm áp, lúc nào cũng vui vẻ cũng cười lúc nào cũng nhường nhịn bạn bè, lúc nào cũng mong muốn giúp đỡ người khác, người tổ viên nữ duy nhất của chúng tôi như thế đấy. Trước một người bạn gái như vậy, không ai có thể làm điều xấu. Thật vậy, sự tiến bộ của tôi từ đầu năm đến nay có một phần là nhờ Hiền. Bởi vì lúc nào tôi cũng muốn chứng minh cho Hiền thấy tôi là một con người tốt, một học sinh đàng hoàng, gương mẫu, không chê vào đâu được. Vậy mà bây giờ chúng tôi sắp phải chia tay với Hiền thường ngày có đầy đủ năm đứa ngồi học, bây giờ trống đi một chỗ, tôi thấy cay cay nơi mũi.
Tự dưng tôi buồn khiến Bảy với Quang đâm buồn theo. Ba đứa ngồi ba góc như ba pho tượng, lặng lẽ theo dõi những ý nghĩ của riêng mình về "cảnh đời tan hợp".
Thình lình, Bảy vỗ đét lên lưng tôi:
- Có gì đâu mà buồn! Thi học kỳ xong Hiền mới đi chớ có phải đi ngay bây giờ đâu!
- Dời xuống Phú Lâm, cũng ở trong quận mình chớ đâu xa! - Quang tiếp lời Bảy - Xa nó thì tụi mình cũng buồn thiệt. Nhưng nếu muốn thì đạp xe lại thăm nó mấy hồi, dễ ợt.
Nói xong, nó quay lắc vai tôi:
- Chừng nào tao dẫn mày với thằng Bảy tới nhà nó chơi cho biết! Tao đến đó một lần rồi.
Ờ hén! Chuyện đơn giản vậy mà mình không nghĩ tới. Thỉnh thoảng mình đạp xe lại thăm Hiền chớ có gì khó đâu. Nó viết cho mấy đứa con trai tụi tôi, dặn đừng quên nó, chắc ý là nhắc tụi tôi siêng ghé thăm nó chớ gì. Vậy mà tôi chẳng nghĩ ra. Đầu đuôi cũng tại tôi lâu nay ít tới chơi nhà bạn bè. Tôi chỉ tới lui mỗi một nhà Bảy, một phần vì nhà nó gần, phần khác vì dạo trước tôi dựa dẫm nó để cóp-pi toán. Nhà Hiền ở chợ Cầu Ván tôi cũng tới một lần, tới vì cuốn địa. Nhưng cái thời kỳ biếng nhác của tôi đã qua rồi. Từ nay, tôi phải năng tới thăm bạn bè mới được. Để được biết và làm quen với ba Đại, người thương binh đáng kính trọng. Để hiểu đời sống của nhà sinh vật và cặp thỏ thí nghiệm của nó mà từ lâu tôi hứa tới coi rồi quên bẵng. Tôi cũng sẽ đi thăm Kim Hà - Kiến Lửa, thăm Hùng, Chí, thăm Kim Liên... Một nửa năm học đã trôi qua với bao nhiêu vui buồn, xáo trộn. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, tâm hồn tôi đã cảm nhận biết bao điều mới mẻ. Con người tôi, tựa như lớn hẳn lên , không phải lớn ở cái chiều cao "nhất lớp" của tôi, mà lớn trong những suy nghĩ của mình.
Bất giác tôi buột miệng bảo Quang:
- Chiều mai tao sẽ tới thăm cặp thỏ của mày!
Nó sáng mắt lên:
- Mày nói thiệt chớ! Vậy cả thằng Bảy cũng đi nữa nghen! Mà bữa nay không phải một cặp đâu! Thỏ tao mới đẻ một bầy!

HẾT
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #13  
Old 09-14-2009, 03:31 PM
tj3umanthau's Avatar
tj3umanthau tj3umanthau is offline
Junior Member
 
Tham gia ngày: Aug 2009
Bài gởi: 3
Thumbs up ^^~

bài nài hay thiệt đọ
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #14  
Old 12-06-2009, 09:48 AM
thomy193 thomy193 is offline
Junior Member
 
Tham gia ngày: Dec 2009
Bài gởi: 1
Default

mình thích nhất đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
hay mê ly luôn!
đọc là nghiền
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 09:48 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.