Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Vườn Tao Đàn > CLB Thơ Đối Đáp
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Ðề tài đã khoá
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 09-24-2009, 04:47 PM
Tiêu Dao's Avatar
Tiêu Dao Tiêu Dao is offline
Thèm Bú Quanh Năm !
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 843
Post Ðọc một bài thơ như thế nào - Nguyễn Đức Tùng

Đọc một bài thơ như thế nào
-Nguyễn Đức Tùng-


Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn

(Bùi Giáng)


BÀI MỘT

Ẩn dụ

Ẩn dụ trong thơ là nơi tập trung nhiều lớp ý nghĩa, là nơi mà ngôn ngữ ở trong tình trạng giàu có nhất của nó. Hình ảnh và ngôn ngữ giao hòa với nhau làm nên trung tâm của các biện pháp tu từ, gồm có sự so sánh, phép tượng trưng, nhân cách hóa, ẩn dụ… mà tôi gọi chung là phép ẩn dụ. Tôi cho rằng có một sự lẫn lộn (confusion) rất đáng tiếc của không ít người đọc hôm nay, trong số họ có cả những người sáng tác và những người yêu thơ, liên quan đến ẩn dụ mà chúng ta thử cùng nhau phân tích để làm sáng tỏ.
Chùm thơ của tôi trên ... chủ nhật 9/3/2008 và bài của Đỗ Quyên - Bình thơ Nguyễn Đức Tùng ngay sau đó 10/3/2008, đã gây ra những ý kiến khác nhau, thậm chí tranh cãi, trong văn chương và ngoài văn chương. Nhiều ý kiến sâu sắc, thú vị của những tác giả khác nhau đã được trình bày, người đọc có thể tham chiếu trên ..., nhưng cũng có những mặt tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ thêm.
Tôi xin mở đầu bằng thắc mắc trong văn chương của độc giả Quỳnh Thi. Hỏi: “Khi đứa bé còn đang chạy thì làm thế nào mà nó thoát khỏi cái bóng của mình đây?” Tôi xin hỏi lại: “Thế khi đứa bé không chạy thì nó có thoát khỏi cái bóng của mình không?” Lại xin hỏi tiếp: “Thế khi nó nhảy, thì sao?” v.v…Tất cả những tranh luận như trên gọi là các tranh luận thuần lý (logical). Các tranh luận này có thể có ích cho khoa học nhưng không mấy khi cần thiết cho thơ. Thế thì hóa ra các nhà thơ muốn nói gì thì nói à? Ngụy biện chăng?

Để trả lời, mời bạn đọc thử Tô Thùy Yên:

Con đường đáo nhậm xa như nhớ

Xa như nhớ là xa thế nào? Sao không bảo là xa đi mỏi cả chân hay là xa ba cây số và hai trăm năm mươi mét cho nó dễ hiểu, khỏi thắc mắc?
Thật ra, vì những lý do mà chúng ta sẽ phân tích sau đây, các nhà thơ, một cách có ý thức hay không, thường dùng một thứ ngôn ngữ khác, không phải là ngôn ngữ khoa học và báo chí, mà chúng ta gọi là ngôn ngữ thơ ca (poetic language).
Tôi vừa bắt đầu bằng một thí dụ hơi khó. Thông thường, các so sánh như trên đây, là ngược lại.

Nhớ chàng như ánh trăng đầy
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm

(Tản Đà dịch thơ Đường: Tư quân như nguyệt mãn, Dạ dạ giảm thanh huy)

Đem một nỗi nhớ mông lung trừu tượng mà so với một ánh trăng cụ thể thì có vẻ gần với tưởng tượng hơn.
Ẩn dụ gắn với các hình ảnh. Hình ảnh trong thơ là một chữ có tác dụng mang lại các yếu tố cảm giác như nhìn, sờ, nếm, ngửi, nghe. Nghĩa của chữ do đó được tăng lên nhờ các xúc động mang tính chất vật thể. Khác với văn xuôi và ngôn ngữ báo chí, người đọc cần để ý rằng trong thơ, ý nghĩa của một câu là rất quan trọng nhưng chính hình ảnh của câu thơ đó mới quyết định sự thành công của nó. Hay không thành công.

Một đứa bé
Chạy rất nhanh


Chạy nhanh như thế nào? Nó chạy nhanh với mục đích gì? Không ai biết. Nhưng những đứa trẻ chơi đùa la hét trên sân trường, trên đường phố có mục đích gì không? Tôi nghĩ là không.
Khi ta còn nhỏ, nếu tôi nhớ không lầm về tuổi trẻ của mình, cuộc đời là cả một sự thể nghiệm (experiment). Tôi muốn tả niềm háo hức của tuổi thơ và niềm vui sống mà mùa xuân mang lại, gần như vượt khỏi giới hạn vật lý của con người, khi viết:

Thoát khỏi cái bóng của mình

Hiệu ứng thị giác. Một số hình ảnh rất sáng rõ, một số khác mờ tối hơn. Trong kinh nghiệm cụ thể chúng ta cũng thường nhìn các sự vật từ các khoảng cách khác nhau và dưới những ánh sáng khác nhau. Chúng gây ra các liên hệ (associations) mà người đọc lập tức có được một cách tự động do các kinh nghiệm cá nhân, vốn khác nhau của mỗi người. Mỗi khi nghe:

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn

(Nhạc Phạm Duy, phổ thơ (?) Nguyễn Văn Bình)

bao giờ tôi cũng nhớ đến cây vải đầu hồi nhà của dì tôi, một cây vải cao lớn tỏa bóng mát những ngày thanh bình, trước chiến tranh, càng về sau mỗi năm càng ít ra trái hơn có lẽ vì buồn nhớ người chủ đi xa lên tận xứ Lào làm ăn lưu lạc.
Các giác quan khác cũng gây ra những hiệu ứng tương tự như thế trong lòng người đọc - Không, tôi muốn nói là trong cơ thể người đọc.

Ẩn dụ là sự di chuyển của ý nghĩa. Đó là một phương pháp của ngôn ngữ, dùng thay thế cái này bằng cái khác, tạo ra nghĩa mới hoặc làm cho ta thấy rõ hơn một sự vật ở hai mặt khác nhau. Sự chuyển thể này có thể di chuyển từ một ý nghĩa trừu tượng đến một ý nghĩa cụ thể, hay là ngược lại.
Một ví dụ khác, không trực tiếp liên quan đến thơ: Nhắc đến một người chị họ của tôi, mẹ tôi hay nói: “Cái con chân đi không chấm đất”. Nói như thế là nói ví von. Không cần dùng đến chữ như. Ví von là một hình thức khác của phương pháp ẩn dụ.
Vậy, ẩn dụ không phải là chuyện dành riêng cho các nhà văn như nhiều người vẫn tưởng. Nó khởi đầu với ngôn ngữ hàng ngày và đến nay vẫn tiếp tục như thế.
Tại sao người ta dùng đến ẩn dụ? Vì nó mô tả các trạng thái và các sự vật ở mức độ chính xác hơn, sắc sảo hơn.
Ngôn ngữ thơ có hiệu lực mô tả những kinh nghiệm phức tạp mà ai cũng từng trải qua: Gặp lại người bạn thân thuở thiếu thời, phẫn nộ trước cảnh bất công, sự mất mát đau đớn, v.v… Hay là tình yêu lâng lâng đầu đời.
Lặng nghe lời nói như ru
Nói như ru là nói thế nào? Nói dịu dàng, êm ái, làm người ta lặng đi, sung sướng bồi hồi. Như ru là phép so sánh. Câu trên đã hay như thế rồi, câu dưới phải thế nào?

Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng

Nét thu là ẩn dụ. Nét thu là nét gì? Trừu tượng cực điểm để mô tả một trạng thái mơ mơ hồ hồ và cái đẹp lãng đãng của Kiều.
Nhưng phép ẩn dụ được dùng lâu ngày sẽ sáo mòn như chính ngôn ngữ, trở thành con dao hai lưỡi. Nét thu càng trừu tượng thì càng khó biết đó là nét gì, nghĩ đến đâu cũng được, dùng cho ai cũng được. Đó là ngôn ngữ quy ước thường gặp ngày xưa. Như ru là phép so sánh tỉ lệ, nét thu là ẩn dụ thay thế, theo nghĩa hẹp, chiều xuân là tả thực. Không phải chỉ có các chữ mà toàn bộ một ý tưởng hay hình ảnh cũng, và thường khi, tạo ra ẩn dụ.

Gieo cầu em ném giữa mông lung
Ta như ngọn gió làm sao bắt
Lại rớt vào tay một gã khùng

(Thu Bồn)

Mặc dù được sử dụng trong đời sống hàng ngày, ẩn dụ được dùng nhiều hơn và đặc biệt hơn trong văn học. Vì sao nhà văn dùng nó nhiều? Chúng ta hãy xem hai thí dụ sau đây:
Ngôn ngữ thông báo: Ngày mai trời nắng, không có mây. Không có nhu cầu để sử dụng các so sánh ở đây.
Ngôn ngữ khoa học: A+B = C. Không có vai trò của hình ảnh vì các thông tin này đã được trừu tượng hóa. Trừu tượng hóa là sự giản lược các sự vật sinh động thành các khía cạnh tinh khiết, không màu sắc, mùi vị, hình dáng. Nhờ trừu tượng hóa, nhà khoa học bỏ qua các chi tiết không quan trọng để giải quyết các thông tin chính. Trong hình học chẳng hạn, hình tròn là hình tròn; nó không nhất thiết phải là trái cam hay chiếc bánh ngọt.
Chữ trừu tượng tiếng Anh là abstract. Abstract không chỉ có nghĩa là trừu tượng mà còn có nghĩa là rút ra, lấy ra. Các nhà toán học rút cái hình tròn trừu tượng ra khỏi trái cam.
Trong đời sống, chúng ta có những kinh nghiệm ngược lại.
Bạn không ăn những hình tròn mà ăn những trái cam hay những cái bánh ngọt. Càng cụ thể, sự vật càng trở nên phong phú. Nhà văn là người đi tìm các sự vật cụ thể, ở đó đời sống trở lại tình trạng nguyên khôi của nó, phức tạp, phong phú và bất tận.
Trong văn xuôi có nhiều ẩn dụ, nhưng trong thơ chúng trở nên dày đặc. Có thể nói rằng: Thơ chính là ẩn dụ.

Để so sánh người ta thường dùng hai cách. Một là so sánh trực tiếp, như trong câu thơ của Nguyễn Du trên đây, hay là:

Thơ ta như cánh nhạn
Không bao giờ có đôi

(Viên Linh)

Đây là phương pháp tỉ lệ (simile). Nhưng các nhà thơ hiện đại thường đẩy xa sự so sánh này, và dùng một điều trừu tượng để tả một vật cụ thể, như trong câu thơ của Tô Thụy Yên đã nói, hay có thể nhắc đến câu thơ của Trần Mạnh Hảo:

Ngày sống như thí dụ
Ban đêm sống thật hơn


Cách thứ hai là so sánh gián tiếp, không dùng đến chữ như.

Tôi muốn ngược thời gian
Bước xuống từng bậc đá

(Thanh Thảo)

Tác giả mô tả thời gian bằng không gian, một cách khéo léo tinh tế. Một đặc tính của ẩn dụ là sự tương tự, giống nhau. Nếu lời nói không dịu dàng thì không thể gọi là như ru được.
Nhưng sự so sánh không phải bao giờ cũng là giữa hai vật giống nhau. Nếu một nhà văn viết: Nói bi bô như một đứa trẻ, thì đó là một phép so sánh tầm thường, ở một tay nghề còn non. Sở dĩ như thế vì trong sự ví von này các đối tượng rất gần nhau.
Nhưng khi Quang Dũng viết:

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

thì người nghe thấm thía sức mạnh của câu thơ, nhờ sự khác nhau giữa khúc độc hành và sông Mã.
Sức mạnh của nhiều ca từ Trịnh Công Sơn cũng nằm ở đây.
Tuy nhiên sự khác nhau này không được xa quá. Nếu viết:

Trong bồn tắm của nàng vòi nước gầm lên khúc độc hành

thì hai hình ảnh quá xa, trở thành một ẩn dụ kém. Chồng nàng gầm lên thì có.
Đôi khi nhà thơ chuyển dịch một khái niệm rất trừu tượng vào một sự vật rất cụ thể, đẩy sự chuyển dịch đến tận cùng, biến ngôn ngữ thành hình ảnh. Hình ảnh này trở thành một tấm gương đối chiếu cho các xúc cảm và các giá trị tinh thần có tính cách cộng đồng, ta gọi là các biểu tượng. Các biểu tượng vì quá cô đọng có thể trở nên huyền bí hoặc khó giải thích, gây ra những cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược.

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi


Bài thơ này không phải để tả con cóc. Hình như thế. Con cóc chỉ là biểu tượng. Nhưng là biểu tượng của cái gì? Cho rằng bài thơ trên là một bài đồng dao dễ hát, dễ nhớ cũng đúng. Cho rằng nó là một bài thơ dở cũng đúng. Nó không phải thơ ư? Cũng đúng. Cho nó có những ý nghĩa văn chương và xã hội hết sức quan trọng và cách tân, thậm chí là một bài thơ tuyệt hay như trong các tranh luận ngày nào của Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Minh Tuấn, Đặng Tiến trên báo chí hải ngoại, cũng đúng. Sở dĩ như thế là vì các tranh luận hay tranh cãi nói trên, trong khi không phải là vô ích, thực tế đã mang lại những hiểu biết mới, thì chắc chắn không thể dẫn đến kết luận cuối cùng như các nhà tranh luận nói trên vẫn tưởng, vì bản thân tác phẩm đã sử dụng một biểu tượng hoàn toàn mở (open ended). Sự diễn dịch và thẩm định nghệ thuật đối với bài Con Cóc lệ thuộc vào các hệ đối chiếu văn hóa – tâm thức (reference) và tọa độ của người đọc, vốn thay đổi theo thời gian và không gian.
Một thí dụ khác: các nhà thơ viết tiếng Anh thường nhắc đến chữ bone (xương). Với họ, chữ bone có một ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Chữ xương trong tiếng Việt không có một ý nghĩa tương tự sâu xa như thế.

Nửa nụ hôn đầu ta đã gửi
Lên mặt hồ trong suốt đời ta

(Hoàng Vũ Thuật)

Nụ hôn đầu là biểu tượng hay dùng của người Việt Nam. Trong tiếng Anh, chữ first kiss không gây ra một ấn tượng sâu đậm tập thể như thế (nói chi đến nửa nụ). Nhưng mặt hồ trong suốt là gì thì không rõ lắm. Nó có vẻ như được dùng để thay thế một cái gì đó, ai cũng hiểu, nên không cần phải nói ra. Tôi xin nói thêm rằng trong nhiều trường hợp, hình ảnh không những mang lại các cảm giác vật lý cụ thể mà còn gây ra những thay đổi về giọng điệu (tone) của bài thơ. Chúng ta sẽ còn dịp quay lại vấn đề này.

Các nhà cấu trúc luận còn đi xa hơn nữa khi cho rằng thật ra tất cả các ngôn ngữ đều là ngôn ngữ hình ảnh. Họ cho rằng mối liên hệ giữa cái chỉ định và cái được chỉ định là có tính cách hoàn toàn ngẫu nhiên hay ngẫu hứng, tức là không có quy luật nào cả.
Sự diễn dịch các ẩn dụ văn học, tức là tìm hiểu về nó, giải thích, phân tích, trao cho nó các ý nghĩa văn học và xã hội, là một công việc thú vị nhưng phức tạp, rất dễ gây nhầm lẫn. Trong thí dụ của mấy câu thơ của Thu Bồn trên đây, gã khùng là ai? Anh chồng giàu bụng phệ của người đẹp? “Bọn lính Mỹ xâm lược” trong mắt một số người? Hay “tụi Việt cộng xâm lăng” trong mắt một số người khác?
Khó như thế là vì ngôn ngữ thơ ca là một ngôn ngữ bị nén chặt, giàu năng lượng, chứa đầy điện tích.

xin đọc: BÀI HAI - Sự hấp dẫn của chữ


Vancouver, tháng 3 & 4/2008
Nguyễn Đức Tùng


trích từ Hội Luận Văn Học
__________________
thành tình nhân đứng giữa trời không
khóc mộng thiên đường .. vta
  #2  
Old 09-24-2009, 05:04 PM
Tiêu Dao's Avatar
Tiêu Dao Tiêu Dao is offline
Thèm Bú Quanh Năm !
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 843
Post

Đọc một bài thơ như thế nào
-Nguyễn Đức Tùng-


Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn

(Bùi Giáng)


BÀI HAI

Sự hấp dẫn của chữ

1. Ảnh hưởng của phương pháp siêu thực:

Chủ nghĩa siêu thực xuất hiện từ Pháp. Người đầu tiên đặt tên cho nó vào năm 1917 là Guillaume Apollinaire, nhưng người cổ vũ đến cùng là André Breton. Các nhà siêu thực nhấn mạnh đến phương pháp sáng tạo tự động (automatic writing), liên tưởng tự do (free association) và các giấc mơ. Rõ ràng là họ chịu ảnh hưởng của phân tâm học.
Breton kể một giai thoại rằng có một thi sĩ nọ, sống trong một ngôi biệt thự vùng Camaret, mỗi khi đi ngủ, ông lại cho treo trước cửa nhà mình tấm bảng đề “nhà thơ đang làm việc”. Thật đúng là:

Mía cứ ngọt âm thầm trong bóng tối
(Mai Văn Phấn)

Phương pháp siêu thực cho phép các nhà thơ đi xa trong liên tưởng, tạo ra các hình ảnh không có liên hệ thuần lý (disjunctive images). Các hình ảnh và các ý tưởng trong thơ có mối liên hệ khó giải thích, có thể gọi là vô thức. Cần chú ý rằng mặc dù phong trào siêu thực đã thúc đẩy những tiến bộ đáng kể trong văn chương, những người lập ra hay khai triển nó như Breton, Aragon, có lẽ với một ngoại lệ duy nhất là Octavio Paz - lâu về sau, đều có tính quá khích, phá hủy, thậm chí phá hoại, đồng bóng.
Hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều có sử dụng, không nhiều thì ít, hình ảnh siêu thực. Từ Bùi Giáng, Trần Dần, Dương Tường… trước đây, đến Thường Quán, Đỗ Kh., Chu Vương Miện, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nghi Hoàng, Bùi Chát, Đỗ Quyên, Lý Đợi, Phan Nhiên Hạo, Đặng Thân, Đỗ Lê Anh Đào, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh hiện nay… chẳng hạn đều có khuynh hướng vô thức. Trong âm nhạc, có một người chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp siêu thực khi viết lời, nhưng điều này hình như chưa được ai nói tới, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhờ phương pháp siêu thực, cách sử dụng các ẩn dụ trở nên giàu có, gần như phóng túng, bất tận.
Nhưng bao giờ cũng thế, cái dễ là cái bẫy chết người.
Ngày nay, chủ nghĩa siêu thực không còn tồn tại như một phong trào văn học, nhưng vẫn tiếp tục sức mạnh của nó như một phương pháp sáng tác, mà tôi cho rằng sẽ còn lâu dài. Người đại diện xứng đáng đầu tiên của nó ở Việt Nam là Thanh Tâm Tuyền vào những năm 1960 ở miền Nam, mặc dù tôi tin rằng lúc đó ông còn khá xa lạ với phân tâm học. Do áp lực của thời cuộc, chiến tranh trở nên khốc liệt, du kích đánh phá các thành thị, lính Mĩ đổ bộ vào miền Nam, người đọc thơ chưa có thời gian trang bị cho mình kiến thức để sẵn sàng tiếp nhận nó, các nhà phê bình ở miền Nam lúc đó cũng không có đủ sự chuẩn bị về lý luận để đánh giá nó. Các nhà phê bình miền Bắc cùng thời dĩ nhiên là không hay biết hay là không được phép tiếp cận phong trào này. Gần bốn mươi năm sau, chủ nghĩa siêu thực trở lại Việt Nam, lần này đơn giản như một phương pháp. Nó chinh phục một số không ít các nhà thơ trẻ trong nước cũng như hải ngoại, và trong khi hào phóng khơi nguồn ở họ những dòng chảy năng lượng sáng tạo dồi dào, không biết vung phí vào đâu, thì nó lại dẫn họ vào các khu rừng rậm đầy gai của thơ ca, bỏ mặc họ ở đó, không có một viên sỏi nào, và nhiều người mãi mãi không tìm thấy lối ra.

2. Ngôn ngữ và vài dòng tự sự về việc chọn chữ:

độc giả Quỳnh Thi hỏi như sau:

“Anh lật trái lá sen hồ
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật


Theo tôi hiểu, người Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Không ai nói là để thăm Phật."

Người đọc thơ đọc như Quỳnh Thi là rất kỹ, tinh ý. Đúng là Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Vấn đề là tôi không biết chắc Chế Lan Viên có phải là Phật tử hay không? Nhưng quan tâm của chúng ta không dừng ở đó. Bất cứ nhà thơ nào khi viết cũng dụng công rất kỹ về từ ngữ. Tôi cũng thế. Nhiều người tìm cách định nghĩa thơ, nhưng không ai định nghĩa được trọn vẹn. Dù định nghĩa như thế nào thì có một điều chắc chắn là thơ gồm có… những chữ. (Các loại thơ không có chữ là những ngoại lệ mà chúng ta chưa bàn ở đây.)
Khi viết câu trên tôi đã chọn một số chữ sau đây, các nhà văn còn gọi là “thao tác chữ”: lễ Phật, cúng Phật, lạy Phật, viếng Phật, tìm Phật, hỏi Phật, thỉnh Phật. Thậm chí còn nghĩ đến những chữ rất táo bạo nhưng… không dám viết xuống. Không dám đây là không dám vô lễ với Chế Lan Viên, chứ không phải với Phật (Mô Phật!).
Cuối cùng, tôi đã chọn chữ nào?
Robert Frost, nhà thơ hàng đầu của Mỹ, có một lời khuyên dành cho những người làm thơ và cả những người đọc thơ, đó là đọc to các câu thơ để xem chúng vang lên như thế nào? Tôi cũng tin là tai của chúng ta sẽ bắt được những chữ mà mắt của chúng ta bỏ sót. Đọc như thế vài lần thì tôi chọn chữ thăm.
Đối với nhiều nhà thơ, âm nhạc của bài thơ là quan trọng nhất. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Một số thể loại thơ không đặt nặng nhạc tính nhiều như một số thể loại khác. Thơ Đường rất mạnh về nhạc tính nhưng thơ Haiku Nhật Bản coi trọng hình ảnh hơn, mặc dù không phải là họ không chú ý vần điệu. Thơ Haiku vốn có vần điệu chặt chẽ. Thơ hiện đại và hậu hiện đại ngày càng xa rời nhạc tính, và đây có lẽ là điều đáng tiếc chăng?
Thật ra, trong bài thơ Chùa, yếu tố quan trọng nhất để người viết quyết định chọn chữ “thăm” không phải là nhạc điệu, mà là ý nghĩa của chữ. Chữ “thăm” dĩ nhiên rất khác với chữ “lễ”, chữ “cúng”. Tôi chọn chữ này để mô tả tính cách của Chế Lan Viên là người mà tôi đề tặng. Đúng ra không phải là tính cách mà là thái độ của ông trước một số vấn đề. Đó là một thái độ, theo tôi, vừa sang cả siêu hình vừa… lưu manh phi trí thức đối với các vấn đề siêu hình và tôn giáo. Cho đến cuối đời Chế Lan Viên vẫn nằng nặc đẩy xa các câu hỏi siêu hình nhưng tôi nghĩ trong các nhà thơ hiện thực Xã hội chủ nghĩa chính thống, chính ông mới là người bị nó ám ảnh nhiều nhất, như trong ví dụ lát nữa đây.
Chúng ta bàn tiếp chuyện chọn chữ. Các nhà thơ ngày càng có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, vì vậy có một hiện tượng hiểu lầm đáng tiếc. Có nhiều thi sĩ ngày nay cho việc chọn chữ khi làm thơ cũng hệt như việc chọn chữ khi viết văn xuôi, “cả hai đều như rứa”. Vì vậy họ làm cho các độc giả yêu thơ rất đáng yêu của chúng ta vô cùng bối rối, nhiều khi như kẻ lạc đường. Không trách họ bỏ các nhà thơ, cầm tập thơ lên rồi bỏ xuống không mua, là phải. Bạn có thể tìm thấy vô số những thí dụ như vậy trên các trang web và báo chí, nên tôi thấy tạm thời không cần phải trích ra.
Nhưng hãy xem ngôn ngữ của một số nhà thơ khác. Từ các bài thơ tôi đang có sẵn trên bàn, lấy tiện tay, nhưng dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong số họ.
Có hơi hướm của văn xuôi:

Một ngày loáng thoáng một ngày qua
(Nguyễn Bắc Sơn)

Chạm nhẹ vào văn xuôi:

Đom đóm chữ tụ về
Từ các bãi tha ma văn học

(Đỗ Quyên)

Rõ hơn nữa:

Nghệ thuật cũng vậy thôi. Cao siêu thường bị chối.
(Nguyễn Trọng Tạo)

Giễu nhại và rất thực:

Ở đâu có mùi thối là ở đó có hoa cứt lợn
Bởi vì hoa cứt lợn là một loại hoa rất bẩn

(Lý Đợi)

Nghi thức và rất… sạch:

Em tắm rất kỹ và rửa sạch tay mỗi khi ngồi trước giấy
(Vi Thùy Linh)

Dung dị:

Mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
Một tô phở một tô bánh canh
Một hột vịt lộn
Một miếng cá chiên

(Du Tử Lê)

Còn Chế Lan Viên thì sao?
Bây giờ mà anh cứ lai nhai lải nhải
Tồn tại hay không tồn tại
Thì ai nghe anh?
Rõ ra là lối nói có chất ngôn ngữ đường phố. Thoải mái, thêm mấy chữ thì, mà… buông thả. Có vẻ như ai cũng viết được.
Không phải thế. Chúng ta cùng đọc lại xem: các chữ đi với nhau rất khéo- bây, lai, nhai, lải, nhải, tại, hay, tại, ai. Đó là các vần trùng điệp liên tiếp mô tả một anh chàng đúng là lai nhai, lải nhải. Tôi chắc chắn rằng ông đã chọn chữ rất kỹ.
Khi phỏng vấn loạt bài Thơ Đến Từ Đâu tôi phải đọc nhiều thơ và trường ca của các nhà thơ đi từ miền Bắc, vốn xa lạ với tôi. Ngoài Bắc gọi đó là các nhà thơ thế hệ “chống Mỹ” (Xin dùng chữ này với nghĩa quy ước, vì ngày nay hầu hết họ đã thôi chống Mỹ, vì thấy chơi với Mỹ, như các nhà thơ miền Nam trước đây, vui hơn). Tôi nhận ra rằng các nhà thơ này (Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thụy Kha…) có thể so sánh với các nhà thơ miền Nam cùng thời hay trước họ một thế hệ thơ (Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Quách Thoại, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên…) nếu xét riêng về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, và chỉ riêng về mặt này mà thôi, trong những thời điểm chiếu sáng nhất của họ, và chỉ trong những thời điểm đó mà thôi, đã đạt đến mức tài hoa điêu luyện, mà các nhà thơ trẻ hiện nay, muốn chạy đuổi theo họ cũng còn… hơi bị lâu!
Thí dụ, Hữu Thỉnh. Nhà thơ này, điều hành Hội Nhà Văn thì dở, bị một số hội viên chê là bảo thủ giáo điều, nhưng làm thơ không tệ chút nào. Trong một trường ca, tôi quên mất tên, mở đầu, Hữu Thỉnh viết:

Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu


Quê tôi bên dòng nước trong xanh (nhưng nhiều cá!), mỗi ngày vào mùa hạ bọn học sinh đều xuống bến sông tắm rửa. Đó là nói trước chiến tranh, trước khi quân đội miền Bắc tiến vào, theo chân… nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Trước chùa sư nữ gần bến đò Thạch Hãn có một tam cấp dẫn xuống nước. Tôi đã từng đếm đúng mười ba bậc. Vì vậy tôi “tự ý” sửa lại như sau:

Đường xuống bến có mười ba bậc

Nhưng đọc lại, tôi thấy nó kỳ kỳ. Tức là không hay. Ba chữ b đi trong một câu là quá nhiều. Tôi thử các phép khác: mười một, mười hai, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám, mười chín. Đọc đi đọc lại chỉ có mười sáu là hay nhất. Tôi không biết quê ngoài Bắc của nhà thơ Hữu Thỉnh có thật là có bến sông mười sáu bậc hay không? Nếu Hội Luận này… cử người về điều tra thì chúng ta có thể biết được sự thật, nhưng các nhà phê bình không ai dại dột làm điều đó. Tại sao thế?
Vì sự thật văn chương không phải là sự thật thông thường. Nếu là văn chương đích thực, nó phải cao hơn. Và đúng hơn. Kiểu khác. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
Tôi xin kể tiếp. Trong các chữ còn lại, tôi thấy chữ mười tám là khá hơn cả:

Đường xuống bến có mười tám bậc

Mười tám là thanh xuân. Mười sáu cũng thanh xuân. Nhưng ngày xưa mười tám thì có… hơi già. Vậy mười sáu đẹp hơn. Về âm, nghe kĩ thấy mười sáu đi với nhiều thứ. Này nhé: chữ sáu bậc phát âm dễ hơn chữ tám bậc hay bốn bậc. Cũng như mười ba, chữ bốn bậc, bảy bậc có quá nhiều vần bờ, trong khi chữ sáu lại vần với âm cuối của câu sau (bạc mái đầu).
Tất nhiên điều này chỉ đúng cho câu thơ nói trên, vì sự lập lại các âm tương tự (repetition) vốn là một thủ pháp quen thuộc của các nhà thơ bậc thầy.

It bleeds the black blood from the blueberries
(Warren)

Tôi có đang vượt qua lãnh vực của ngôn ngữ học không? Nhưng mười sáu thanh xuân mà đi với bạc mái đầu thì đối xứng lắm.

Trăng mười sáu tuổi, em mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa

(Trần Dạ Từ)

Tôi không cần phải bình nữa. Đọc lên thơm cả không gian.

xin đọc: BÀI BA - Bài thơ và tác giả


Vancouver, 22/4/2008
Nguyễn Đức Tùng


trích từ Hội Luận Văn Học
__________________
thành tình nhân đứng giữa trời không
khóc mộng thiên đường .. vta
  #3  
Old 09-24-2009, 05:18 PM
Tiêu Dao's Avatar
Tiêu Dao Tiêu Dao is offline
Thèm Bú Quanh Năm !
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 843
Post

Đọc một bài thơ như thế nào
-Nguyễn Đức Tùng-


Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn

(Bùi Giáng)


BÀI BA

Bài thơ và tác giả

Một nhà thơ Canada kể rằng hồi còn học trung học, ông có viết một bài thơ khóc mẹ rất hay, được giải thưởng. Hôm phát giải, khi được mời lên đọc bài thơ, ông đã trân trọng giới thiệu mẹ của ông có mặt trong hàng ghế cử tọa danh dự. Ai cũng kinh ngạc, vài người đứng lên chất vấn, một số khác tức giận bỏ ra về, có lẽ vì thấy mình bị chơi khăm.

Câu hỏi ở đây là: một nhà thơ còn mẹ thì có thể viết một bài thơ khóc mẹ được không?

Tôi đi xa hơn nữa: nếu trong đời thực một người không hề yêu mẹ anh ta, đối xử với bà rất tệ hại, mà viết một bài thơ thương mẹ thì có giả dối không? Nếu một người không có tình yêu nước, thậm chí “phản bội tổ quốc”, mà viết một bài thơ yêu nước, thì có được không?

Lại đi xa hơn nữa: thế nào là sự giả dối trong văn chương?

Thắc mắc của Phan Nhiên Hạo và những người khác, gián tiếp hơn, như Nguyễn Đăng Thường... sau khi đọc chùm thơ của tôi ngày 9.3.2008, tuy không đặt ra những câu hỏi rõ ràng và trực tiếp như thế, nhưng nếu ta theo đuổi đến cùng, chúng sẽ dẫn đến những câu hỏi tế nhị hơn, tổng quát hơn, về mối quan hệ giữa tác giả và bài thơ, giữa bài thơ và nhân vật, giữa ý định của người viết và ý nghĩa của tác phẩm. Trong bài này, tôi xin phân tích về mối quan hệ giữa tác giả và bài thơ và sẽ đề cập đến các vấn đề khác ở những bài sau.

Trong cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, có kể một câu chuyện, nếu tôi nhớ không lầm, về việc Tố Hữu đã từng làm thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ trong khi thật ra ở ngoài đời, vào lúc đó, ông ta chưa hề đặt chân đến Điện Biên bao giờ. Tôi đoán rằng sự tiết lộ này sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên, một số sẽ có cảm giác như mình bị lừa, và một số khác, mến mộ Tố Hữu hơn, sẽ cảm thấy bối rối, không biết giải thích như thế nào, đành lờ đi.

Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng


Hai câu thơ này trở nên có vẻ trang điểm (decoration). Nếu bạn vốn thích thơ của nhà thơ nổi tiếng, tiếng tốt và tiếng xấu, thì sau khi đã biết câu chuyện kể trên của Trần Đăng Khoa, sự thích thú của bạn có giảm đi phần nào chăng?

Chỉ có bạn mới trả lời được cho chính mình. Có những câu thơ mà ấn tượng về sự thành thật là cần thiết cho việc gợi lên những đồng cảm ở người đọc, như hai câu trên đây, nhưng cũng có trường hợp mà sự cần thiết này chỉ ở mức tối thiểu:

Là sóng đó rồi tan thành bọt đó
Đổ qua có sắc màu mà đổ lại hóa hư không

(Chế Lan Viên)

Một dân tộc mệt mỏi vì binh đao thường chán những câu thơ hào nhoáng. Họ lại lắng nghe lời thì thầm thủ thỉ:

Xuân này em có về không
Cành mai cố quận nở bông dịu dàng

(Bùi Giáng)

Các nhạc sĩ cũng chia sẻ số phận với các nhà thơ. Tôi nhận xét rằng sau những tuyên bố nào đó của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông về Việt Nam, lòng mến mộ của một số người nghe ở hải ngoại, ít nhất là xung quanh tôi, dành cho ông trước đây đã thuyên giảm nhiều. Mới đây, gặp lại một người bạn cũ ở Mỹ, thường hát nhạc Phạm Duy, khi tôi yêu cầu anh hát một bài của ông thì anh ấy từ chối và chọn một tác giả khác. Trái lại với trường hợp Văn Cao hay Trịnh Công Sơn. Những người yêu mến họ không hề giảm đi. Chúng ta cần phân biệt rằng giá trị của một tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khi vẫn phải lệ thuộc vào các hệ quy chiếu thẩm mĩ, thì vẫn có tính lâu dài hơn và khách quan hơn nhiều so với sự mến mộ của người thưởng ngoạn, vốn ngắn ngủi. Như vậy mối quan hệ giữa tác giả và bài thơ chỉ có thể trở thành mối quan hệ tương đối bền vững, một khi tác giả “đã xong” và hoàn cảnh làm phát sinh bài thơ đó đã thay đổi. Khi một tác giả còn đang sống sờ sờ bên người đọc và hoàn cảnh làm phát sinh bài thơ hoặc là chưa thay đổi hoặc là vẫn tiếp tục tác động một cách nào đó lên đời sống của người đọc đương thời, thì mối quan hệ này lúc nào cũng biến đổi. Vì vậy, trong phê bình văn học, những cố gắng khách quan hóa sự thẩm định (appreciation) quả thật là khó khăn nhưng bao giờ cũng cần thiết.

Nhà phê bình trẻ tuổi trong nước Trần Thiện Khanh, một người mới viết nhưng đầy tài năng, trong một trao đổi cá nhân gần đây, có hỏi tôi rằng: anh có những mô hình đọc thơ nào không.

Thưa anh, tôi không có một mô hình đọc thơ nào cả. Nhưng tôi cho rằng đối với người đọc, việc hiểu thơ (understanding) là việc quan trọng bậc nhất. Tôi biết rằng điều này có thể gây tranh cãi. Nhưng tôi vững tin rằng nhờ hiểu một bài thơ mà người đọc có thể thưởng thức đầy đủ vẻ đẹp thẩm mỹ của nó. Như vậy giá trị của một bài thơ là nằm trong tự thân nó, trong cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh của bài thơ, vốn vĩnh viễn theo thời gian. Nếu thế thì việc tìm hiểu mối quan hệ giữa bài thơ và tác giả, mối quan hệ giữa tác giả và hoàn cảnh lịch sử, cũng như các chi tiết tiểu sử của tác giả hay các sự kiện lịch sử liên quan đến đối tượng được mô tả, tức là các nhân vật trong thơ, có còn quan trọng nữa không?

Có những sự kiện xảy ra trong đời sống của nhà thơ và xã hội ghi dấu ấn rõ ràng lên tác phẩm.

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Ôi những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim, em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác


Những câu thơ của Thanh Tâm Tuyền có thể nào tách khỏi cuộc nổi dậy ngây thơ hào hùng tươi trẻ Hungary 1958 và sự kiện Liên Xô đưa quân vào thủ đô của nước này để trấn áp một chính quyền dám đi trước thời đại ba mươi năm? Không có sự kiện Budapest thì ý nghĩa của bài thơ là ý nghĩa nào?

Có một người sĩ quan của bộ đội miền Bắc đã viết như sau:

Thật sung sướng khi được chết
Như một thường dân

(Nguyễn Thụy Kha)

Đây có lẽ là một trong những câu thơ hay nhất về chiến tranh Việt Nam. Những người cầm súng phía bên này chắc sẽ trở nên thông cảm hơn một chút với những người cầm súng phía bên kia khi được đọc những câu thơ như thế. Chúng không nhiều. Văn chương có khả năng đem con người lại gần nhau. Tôi ít được đọc những câu viết giản dị mà có tầm suy nghĩ như thế ngay cả trong những tập thơ hay văn xuôi về chiến tranh trong ba mươi năm qua được quảng cáo khắp nơi. Văn chương hay bao giờ cũng cần sự dũng cảm, nâng người đọc lên, giúp họ vượt thoát qua các bức tường của chính mình. Nhưng nếu tác giả Nguyễn Thụy Kha không phải là một người lính thực thụ, liệu tôi có thấy câu thơ của anh rung động sâu xa như tôi đã thưởng thức không?

Tuy vậy, hầu hết những bài thơ khác không khởi đi từ những kinh nghiệm trực tiếp hay hoàn cảnh cụ thể. Chúng được sinh ra như thế nào? Có thể từ những gợi ý rất gián tiếp, một câu chuyện được kể lại bởi một người bạn, một cảnh diễn ra ngoài đường phố, kí ức mơ hồ của tuổi trẻ, một cảm giác bùng cháy dữ dội khi xem một cuốn phim, cảm giác bâng khuâng bồi hồi trên trang sách cuối cùng của cuốn tiểu thuyết hay, vân vân.

Tôi cho rằng đối với văn xuôi, câu chuyện có thật ngoài đời và câu chuyện trong tiểu thuyết thường rất khác nhau, trong khi đó đối với thơ, chúng rất gần nhau. Những kinh nghiệm trong đời của một nhà văn thường cách xa những kinh nghiệm của nhân vật của anh ta, trong khi những kinh nghiệm của nhà thơ thì lại gần gũi hơn với các kinh nghiệm của nhân vật. Điều kì lạ là ở chỗ càng gần gũi nhau, chúng càng trở nên mơ hồ, hư hư ảo ảo, biến đổi khôn lường.
Thì cũng như tình yêu.

Xuân về, tuyết tan, đi bộ sau giờ làm việc dưới những rặng anh đào trổ bông mê muội, tôi thường nhớ đến đoạn mở đầu bài thơ của e.e. cummings.

in Just-
spring when the world is mud-
luscious the little
lame balloonman

whistles far and wee


Rất khó dịch e.e cummings. Đó là ký ức của nhà thơ về những ngày cắp sách đi học. Không, đó chính là kinh nghiệm hiện tại của cậu học sinh khi mùa xuân về trên sân trường. Nhưng hình như chúng ta cũng bắt đầu nhận ra trong đoạn thơ trên một điều gì khác nữa, xa hơn, tinh tế hơn (far and wee) những điều tôi vừa nói, phải chăng vì những âm s, l rì rào như gió thổi trong lá cây?

Muốn xem xét mối quan hệ giữa bài thơ và người làm ra nó không thể bỏ qua quá trình sáng tạo của nhà thơ đối với từng bài cụ thể. Một số nhà thơ có một ý tưởng rạch ròi, là họ định viết cái gì, viết như thế nào, bắt đầu ra sao, kết thúc với những chữ nào. Trong trường hợp này ý định của nhà thơ rất sáng sủa, như thể có một thứ linh hồn bất diệt, mà công việc của nhà thơ là gọi nó ra từ cõi sâu thẳm nào, rồi anh ta chỉ việc lấy xương thịt đắp lên để thành một con người thật. Như thế “cái hồn” là điều có trước, quyết định. Tôi gọi đó là ý định của nhà thơ.

Một số những nhà thơ có ý định như thế và quả thật họ đã hoàn tất công trình làm thơ của mình như thế, đúng với bản vẽ đầu tiên như một người thợ xây căn nhà trên bản vẽ của kiến trúc sư, đúng từng viên gạch. Những nhà thơ này theo tôi thật là may mắn, nhưng điều đáng tiếc là cái mà họ xây nên hầu hết chỉ có thể là những căn nhà chứ không phải là những bài thơ. Tôi ít thấy các ngoại lệ.

Trong những trường hợp khác, nhà thơ có thể có những ý tưởng ban đầu, mà ta gọi là ý định, nhưng khi quá trình sáng tác xảy ra, chính ngôn ngữ và hình ảnh của bài thơ lại kéo họ đi. Nhà thơ không còn là chủ thể sáng tạo duy nhất nữa. Chữ của anh ta cũng không phải là chữ của anh ta. Căn nhà có thể được xây xong nhưng bản vẽ đầu tiên đã bị vứt bỏ.

Cảm hứng nghệ thuật lại là một vấn đề phức tạp khác. Một số tác giả làm việc dựa trên cảm hứng, khi nó đến, họ làm việc rất nhanh một mạch, gần như không sửa chữa. Một số khác làm việc bằng kỉ luật hàng ngày, lao động miệt mài trên trang giấy, sửa đi sửa lại một câu thơ hàng trăm lần. Không có phương pháp nào ưu tiên hơn phương pháp nào, vì đối với người đọc, chỉ có thành tựu cuối cùng mới là quan trọng.

Nói vậy hóa ra nhà thơ chẳng có trách nhiệm gì đối với tác phẩm của mình hay sao?

Không phải thế. Quá trình sáng tạo rất phức tạp và việc nhà thơ không làm chủ được quá trình này hoàn toàn không gỡ bỏ được khỏi đôi vai của anh ta trách nhiệm của mình như một tác giả “toàn năng” trước người đọc và dư luận xã hội. Nhà thơ có thể không hoàn toàn làm chủ việc chọn lọc các chữ để đưa vào một câu thơ nào đó, nhưng anh ta lại hoàn toàn làm chủ việc lấy chúng ra khỏi câu thơ của mình.

Trong những hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt, một nhà thơ có thể làm bất cứ việc gì để sống và có thể hoàn toàn giữ im lặng, nhưng một khi anh ta đã viết thì thơ phải nhất thiết phản ảnh những suy nghĩ và cảm nghiệm nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ là tiếng nói xã hội, tiếng nói công dân, dù đó là một bài thơ tình, hay là một bài thơ hoàn toàn không có đề tài thời sự. Nhà thơ có thể đốt tác phẩm của mình đi trước khi đưa nó đến nhà xuất bản. Theo nghĩa đen. Nếu điều đó là cần thiết.

Tôi không có ý định so sánh điều này với việc các nhà thơ “cách mạng” như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… đã từng cho các tập thơ Điêu tàn, Gửi hương cho gió, Lửa thiêng… của họ vào lửa, vì đó là hành động có tính cách tượng trưng, có thể là dưới sức ép, cũng có thể là do các nhà thơ thành thật tin như thế, ít nhất là vào lúc ấy. Nhưng đó là các tác phẩm đã được xuất bản và đã được công chúng biết đến rồi: quan hệ của tác phẩm và tác giả về căn bản đã xác lập xong.

Có một khuynh hướng diễn dịch thơ ca nông cạn và rẻ tiền đang phổ biến khắp mọi nơi, nhưng tôi cho rằng, một cách đáng ngạc nhiên, ở hải ngoại cũng chẳng kém gì ở giới hàn lâm chính thống trong nước, vì một số lý do lịch sử. Đó là chính trị hóa việc diễn dịch thơ ca, việc đọc các thông điệp thơ ở bề mặt, việc quy cho nó những trách nhiệm chính trị mà thơ không nhất thiết phải có, việc từ chối nhìn con người như một toàn thể, nói chung là việc dung tục hóa thơ ca.

Sự hiểu biết của chúng ta đối với nhà thơ có ảnh hưởng như thế nào đối với việc diễn dịch và thưởng thức một bài thơ?

Nếu câu thơ:

Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Tổ quốc hôm nay…


Của một tác giả nào khác, viết một thời điểm khác, không phải của Trần Dần, viết năm 1955, thì chúng ta có thấy còn hay nữa không, nếu còn hay thì có thấy hay khác đi không?

Đừng phun thuốc muỗi. Chết thuyền quyên
Dân chủ khú mất rồi. Hỏng cả vại dưa ngon

(Trần Dần)

Người đọc rất muốn biết tác giả là ai, viết câu thơ này vào thời điểm nào.
Nhưng đọc:

Ngắc ngứ chiêm bao
Li tán cả vùng sao

(Trần Dần)

Hay:

Những con đường sao mọc lúc ta đi
Những chiều sương mây phủ lối ta về


của một nhà thơ mà Trần Dần hình như rất ngưỡng mộ, thì có cần biết tác giả mới thấy là hay, hay không?

Như thế, có những bài thơ hay mà đứng độc lập một mình, vì có tính phổ quát, và có những bài thơ hay mà phải đứng dựa vào những hoàn cảnh khác, vì có những đặc tính riêng biệt. Những bài thơ yêu nước, chẳng hạn, thường bao giờ cũng gắn với một cuộc cách mạng hay chiến tranh cụ thể. Thật ra trong quá khứ, với văn chương truyền khẩu, vai trò của tác giả không quan trọng lắm, hầu hết là vô danh. Không có chữ viết, thơ có tính cách trình diễn, kể lại, hát lại. Vì kể lại và hát lại như thế, nên lời thơ không thể nào cố định do trí nhớ mỗi người mỗi khác, mỗi lúc mỗi khác. Tác phẩm của một làng xóm hay một tập thể không chỉ là tiếng nói mà tác giả dành cho cộng đồng đó mà còn, thông qua động tác biểu diễn của người ngâm, người hát, người kể mà trở thành tiếng nói của cộng đồng đó. Thời kỳ in ấn đã mau chóng lấy mất ảnh hưởng của văn chương truyền khẩu và đem lại nền văn học chữ viết. Sự hiện diện của tác giả ngày một rõ ràng và quan trọng. Bài thơ không còn là một tác phẩm tập thể, có thể được biến đổi qua các làng xóm hay theo thời gian, không còn là tiếng nói của cộng đồng mà là tiếng nói của cá nhân người viết.

Bài thơ trở thành một phương tiện để tìm hiểu tác giả.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Thích câu thơ quá, nhiều người tò mò muốn biết Hàn Mặc Tử có quen người đẹp nào ở Vĩ Dạ hay không? Mộng Cầm chăng? Cô gái nào mà tốt số, hay xấu số thế? Anh Nguyễn Đặng Mừng, trên talawas 9.4.2008, than thở rằng sau khi được giải thích cho nghe chữ điền tức là bức bình phông bằng chè tàu thường gặp ở Huế, đâm ra bớt thích câu thơ đến một nửa. Trước đó anh tưởng rằng chữ điền là người phụ nữ có khuôn mặt chữ điền.

Nếu chúng ta dừng lại ở đây, ấn tượng mà một số người đọc có thể có là: đúng rồi, thế ra mình cũng nghĩ nhầm, cứ tưởng chữ điền là mặt của một cô gái đẹp, ngờ đâu đó chỉ là bức bình phông.

Nếu tôi dừng lại như thế, thật là không lương thiện.

Tôi không muốn nói rằng việc hiểu chữ điền của Hàn Mặc Tử như thế nào là không quan trọng. Một chữ có thể có nhiều nghĩa. Tìm hiểu về đời sống riêng của tác giả, nhất là một tác giả kì lạ như Hàn Mặc Tử, sẽ giúp hiểu thêm nhiều điều về thơ của ông. Nếu biết rằng có một cô gái ở Vĩ Dạ có khuôn mặt chữ điền, và đem lòng yêu nhà thơ của chúng ta, cũng là điều thú vị lắm chứ? Mặc dù tôi không chắc phụ nữ có mặt chữ điền thì có đẹp hay không.

Những câu hỏi mà bạn có thể đặt ra nữa là: tác giả có ý dùng chữ điền để diễn tả mặt người phụ nữ, nhưng trong đời thực ông không hề quen biết một cô gái nào ở Vĩ Dạ chi cả, thì có được không? Thế nếu mới đầu ông dùng chữ điền để chỉ khuôn mặt, khi viết được nửa bài thì ông đổi ý, “muốn” nó là cái bình phông trước sân nhà ở Huế, thì có được không? Nếu một nhà phê bình hay khảo cổ bỗng nhiên một hôm tìm được một tài liệu bí mật chép bằng tay của chính Hàn Mặc Tử, trong một cái tráp chôn dưới hòn đá ngoài sân, nói rằng chữ điền không phải là cái bình phông chè tàu hay là khuôn mặt o tê mà là một vật thứ ba nào đó, thì sao?

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là: sự chú ý thẩm mĩ của người đọc đã bị đánh lạc hướng.

Chúng ta đang chạm đến một khái niệm quan trọng trong việc hiểu thơ, đó là sự thành thật. Ngược lại với sự thành thật là: giả dối. Không ít người quả quyết tin rằng họ biết được thế nào là thành thật, thế nào là giả dối.

Tôi thì không chắc chắn như thế.

Trong đời sống, chúng ta đánh giá cao sự thành thật. Thành thật là gì? Là ý nghĩ đi đôi với lời nói, lời nói đi đôi với việc làm. Nghĩ một đằng nói một nẻo, hay nói một đằng làm một nẻo là một lời chê trách. Nhưng trong văn chương thì sao? Muốn đánh giá sự thành thật của tác giả thì phải liên hệ đến các sự vật nằm ngoài văn bản. Vả lại, giá trị của một tác phẩm văn học có nhất thiết phải giới hạn trong việc tác phẩm đó phản ảnh chính xác những suy tư và tình cảm của tác giả hay không?

Đọc một bài thơ hay một tác phẩm văn chương, người đọc có thể nhận xét: “bài thơ xúc động quá”. Khi nói như thế anh ta có thể hàm ý rằng người viết rất thành thật trong khi viết.

Tôi cho rằng cần phân biệt hai thể loại thơ khác nhau khi chạm đến khái niệm thành thật và giả dối, đến vấn đề vai trò của tác giả. Một là thể thơ trữ tình và hai là thể thơ tự sự. Trong thơ trữ tình tác giả là (một) nhân vật, trong thơ tự sự tác giả không nhất thiết phải là nhân vật.

Những người đọc thơ nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa tác giả và bài thơ, và xem nó là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm, mặc nhiên thừa nhận rằng bài thơ là một phần cuộc đời của tác giả, là bản mô tả các sự việc đã xảy ra, tường thuật về đời sống riêng tư hoặc là các vấn đề xã hội chính trị “đã thực sự xảy ra”. Trong khi đó cần hiểu rằng thơ cũng như các thể loại văn học khác, tiểu thuyết chẳng hạn, tạo ra các phiên bản của hiện thực cuộc đời thông thường: hiện thực của văn chương là một version khác, khác với hiện thực cuộc đời.

Có những tác phẩm dựa trên các sự thật “có thật”, các sự kiện lịch sử khách quan hay tiểu sử một cá nhân cụ thể chẳng hạn. Khi chuyển thành các trang viết thì chúng đã được biến đổi, kể lại, chuyển thể, bất chấp tác giả có ý thức hay không ý thức về điều này. Trong thơ trữ tình, các sự kiện kiểu này thường mờ nhạt, và hình ảnh của tác giả trở nên quan trọng. Trong thơ tự sự, ngược lại, các sự kiện trở nên rõ rệt hơn, nhưng không vì thế mà thơ trở thành một bản mô tả, Trong thơ tự sự, tiếng nói và chân dung tác giả được giấu đi rất kĩ. Tôi cho rằng, và điều này là quan trọng, chúng càng được giấu đi, bài thơ càng thành công.

Cố gắng đi tìm tiếng nói của tác giả trong một bài thơ tự sự là một công việc thú vị nhưng hết sức khó khăn, nhiều khi không làm được.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận một thực tế là nếu chúng ta phát hiện giữa bài thơ và tác giả có một khoảng cách, thì bài thơ trở nên bớt hấp dẫn đi. Ví dụ, đối với những người không thích Tố Hữu, thì các câu thơ vốn rất được khen, nhiều khi quá đáng, của ông, trở nên không còn hay nữa. Nhưng thực ra thì, chúng vẫn hay.

Quan niệm cho rằng văn chương là sự tự biểu hiện (self expression) được cụ thể hóa trong một câu nói nổi tiếng của một nhà văn Pháp: văn là người. Tôi cho rằng quan niệm này có thể đúng, mặc dù chỉ phần nào thôi, khi áp dụng vào thơ trữ tình, nhưng không thể áp dụng trong thơ tự sự và thơ có tính kịch (dramatic).

Có một điều khó khăn là sự phân biệt giữa thơ trữ tình và thơ tự sự hay các thể loại tương tự, đặc biệt trong trào lưu hậu hiện đại, không rạch ròi và dễ được mọi người đồng ý.

Các thứ biên giới bao giờ cũng mịt mờ sương khói hơn là chúng ta nghĩ về chúng. Nhưng đó lại là điều may mắn của một nhân loại tường minh.


trích từ talawas
__________________
thành tình nhân đứng giữa trời không
khóc mộng thiên đường .. vta
Ðề tài đã khoá


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 11:10 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.