Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Tiểu Thuyết - Truyện Dài
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 04-04-2004, 12:25 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Đây chỉ là truyện cấu tạo từ tưởng tượng nhưng những chi tiết về linh mục Vương Đình Tài và cha Dournes là có thật . Xin cám ơn thầy Bưu, thầy Tình, thầy Anh đã kể về cuộc sống Thượng.



I

Tôi gặp Du cũng đã thật lâu rồi. Nàng yêu thơ và làm thơ hằng tuần. Lúc đó tôi chưa hề viết một bài thơ nào, nhưng tôi rất thích được nghe nàng nói chuyện về thơ, đọc thơ ... Thơ đối với nàng như hơi thở . Có lúc tôi lặng nhìn nàng đọc thơ hàng giờ. Chúng tôi chơi thân với nhau mà chẳng hề nghĩ đến tình yêu trai gái trong thời gian quen nhau. Chuyện thơ văn là giây nối mối tình bạn thơ mộng của chúng tôi.

Nàng là giáo viên được cử lên huyện Chu Pah, Gialai-Kontum khi chưa đầy mười tám tuổi nên trong đôi mắt nàng lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn xa nhà. Tôi là giáo viên chuyên trách Bổ Túc Văn Hoá, đến nhận việc trước nàng khoảng ba tháng nên kể ra cũng rành đường đi nước bước hơn nàng trên làng Thượng hẻo lánh. Chúng tôi ở ngay tại Phòng Giáo Dục huyện. Ban ngày ngoài giờ dạy học, tôi dẫn nàng đi thăm các thôn làng gần đó, kể cho nàng nghe phong tục lối sống của những người dân tộc thiểu số. Buổi tối chúng tôi ngồi phòng khách nói chuyện văn thơ cùng với các giáo viên khác.

Thông thường các giáo viên khác đi nghỉ sớm, còn lại hai đứa tôi thì Du đem thơ nàng ra đọc cho tôi nhận xét. Dĩ nhiên nhận xét của tôi rất tài tử, thấy hay thì nói hay, thấy dở thì nói dở chứ không có lý thuyết gì hết vì tôi có am tường luật thơ gì đâu . Mọi nhận xét chỉ theo cảm nghĩ của một thanh niên vừa lớn.

Mọi người trong phòng giáo dục tưởng hai đứa chúng tôi có tình ý với nhau nên lúc nào cũng tò mò để ý xem quầng mắt chúng tôi có sâu sau những đêm bàn bạc về văn thơ . Hẳn nhiên khuôn mặt chúng tôi vẫn tươi tắn và chẳng có dấu vết nào mà mọi người chờ đợi .

Chúng tôi càng cười thầm với nhau trong lúc mọi người trông chờ một cái gì bất thường trong cuộc sống của chúng tôi . Chúng tôi gần như là đồng lõa trong tấn tuồng đáng tức cười này . Ai nấy đều chờ đợi, nhưng hai nhân vật chính của một cuộc tình lại chẳng tỏ ra chút đam mê nào . Hai đứa chúng tôi cứ giữ mối tình bạn trong trắng cho đến khi một giáo viên cấp hai từ Qui Nhơn được bổ lên huyện chúng tôi .

Thầy Phong dáng cao phong sương, chơi đàn tây ban cầm rất giỏi, và tán gái cũng thật tàị Sau ba tuần thầy đã chinh phục cô Hương, một giáo viên ở Phòng Giáo Dục huyện . Sự đời oái ăm, cái gì dễ thì :Dng quên . Thầy hỏi tôi có quan hệ gì với Du không, tôi dại khờ nói chỉ là bạn thôi . Thầy cười nói thầy muốn theo đuổi Du . Tôi có quyền gì mà ngăn cản đành cười trừ.

Du rất ghét thầy Phong, vì cô Hương đã từng tâm sự với Du về chuyện tình của hai người. Du nói với tôi, "Ông thầy Phong dê không đúng chỗ! Du là bạn thân của Hương, đã là người tình của ông Phong mà ông Phong lại theo đuổi Du thì ông không phải là người đứng đắn!"

Oái ăm sao! Thầy Phong và Du được bổ vào làng Ea Blang để dạy các học sinh trong đó. Trong đó chưa có học sinh cấp hai, nên thầy Phong cùng Du chỉ dạy từ lớp 1 cho đến lớp 5, mỗi lớp cũng chỉ có ít người thôị

Du ngao ngán, xin khiếu nại. Ông trưởng phòng giáo dục lại là người miền Bắc cử vào Nam nên không cứu xét hoàn cảnh tế nhị của giáo viên nam và nữ trong cảnh đơn chiếc ở một làng xa xôi . Du buồn lắm, nói với tôi, "Quang phải vào thăm Du thường xuyên đó!"

Tôi là giáo viên chuyên trách, nhờ tôi chịu khó học tiếng Gia-rai nhanh với một giáo viên Thượng ở phòng giáo dục, anh It . Anh xem tôi như một người em, lúc nào cũng chỉ dạy tôi tiếng Thượng và phong tục người Thượng .

Hằng ngày, sau khi ăn cơm xong, anh It và tôi thường đem lưới và cần câu cắm xuống ruộng và mương để kiếm thêm cá phụ trội cho ẩm thực ít ỏi do nhà nước cấp. Sáng nào tôi hoặc anh Ít cũng đi gỡ lưới và nhổ câu cắm. Hôm nào chúng tôi cũng có thêm cá tươi cho bữa ăn tối.



TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI II

Làng Ea Blang cũng nằm trong phần vụ của tôi, có thầy Phú, tôi gọi là anh Phú Râu, vì anh có bộ râu rậm trên mép rất chịu chơi . Anh năm ấy đã 30 tuổi, có vợ và hai con rồi. Anh phải tình nguyện đi Xoá Nạn Mù Chữ thuộc chương trình bổ túc văn hoá cho người lớn chưa biết chữ thay vì bị đưa đi vào kinh tế mới hoặc cưỡng bách lao động công trường. Anh hơn tôi cả hơn một con giáp, nhưng rất vui vẻ giúp đỡ tôi hoàn thành trách nhiệm mà không hề ghen ghét vì tôi tuổi nhỏ mà lại trên quyền anh.

Hôm Du và thầy Phong vào làng Ea Blang, tôi đeo bao-lô và đồ đạc của Du đi vào làng với họ Đường đi quanh co, những bụi lau cao trổ cờ. Chúng tôi đi ngang con suối Ea Blang lúc gần tối nên thấy người Thượng đang tắm dưới nước. Bầy thiếu nữ trong cảnh thoát y trăm phần trăm vội hụp xuống nước vì thấy người lạ. Thầy Phong cười, tôi vội vàng nói to bằng tiếng Gia-rai giới thiệu là tôi đưa hai giáo viên mới vào làng. Họ nhận ra tôi vì tôi đã vào thăm và giúp thầy Phú nhiều lần .

Trên đường vào làng, thầy Phong hỏi tôi nhiều về lối ăn cách ở trong làng Thượng . Tôi nói với thầy và Du rằng có lẽ thầy và Du sẽ có phòng riêng ở trường . Còn nếu thầy và Du muốn tôi có thể xin trưởng làng cho ở chung với dân như tôi đã xin cho thầy Phú .

Du trên suốt quãng đường đi từ con suối tới làng không nói gì . Tôi chợt ái ngại cho nàng phải đơn côi thân gái trong làng, không có những tiện nghi với phòng tắm phòng vệ sinh như ở phòng giáo dục . Ở vùng Thượng, người ta thường tắm trần truồng một cách tự nhiên dưới suối nước chảy, hay vòi suối . Đàn ông con trai ở suối trên, đàn bà con gái ở suối dưới, cách nhau khoảng ba bốn năm mươi mét mà không hề ngượng ngùng . Tôi giật mình nghĩ tôi chưa hề chuẩn bị tinh thần cho Du về vấn đề này như tôi đã chuẩn bị cho các giáo viên nữ dưới quyền tôi như cô Liễu, cô Mai, cô Tấm ...

Tới trường trong làng, thầy Phong và cô Du mừng rỡ vì trường lớp đã sẵn sàng . Thầy Phong và Du đều có phòng riêng ở hai đầu trường học . Đơn sơ giản dị thôi, nhưng cũng là phòng riêng với giường làm bằng tre đập dẹp và một bàn học. Lớp học cũng chỉ có hai phòng ở giữa làm bằng tre nứa . Trường học này dành cho các em ban ngày còn ban đêm là lớp Xoá Mù cho người lớn . Thầy Phú rất vui mừng khi có thêm giáo viên Việt mà từ đây tôi gọi là giáo viên người Kinh như người Thượng thường gọi .

Tối đó tôi nhờ ông trưởng làng hội họp mọi người lớn nhỏ để giới thiệu hai giáo viên mới dạy ngay tại làng để các em khỏi phải đi bộ cả hơn một tiếng đồng hồ ra ngoài trường xã . Du rất ngạc nhiên vì tôi nói tiếng Thượng lưu loát và cười vui hoà đồng với dân làng . Du biết tôi nói tiếng Thượng, nhưng cứ tưởng tôi chỉ nói bập bẹ những tiếng xin ăn hay đổi chác thôi chứ không biết là lúc nào rảnh là tôi học hỏi thêm bằng cách nói chuyện với anh It hoặc đọc Kinh Thánh bằng tiếng Thượng do các linh mục Thừa Sai Pháp dịch để học thêm tiếng Thượng .

Tôi đã học tiếng Thượng từ những bậc thầy trong ngôn ngữ Thượng trong đó có anh It là giáo viên nhiều năm rồị. Tôi học tiếng Thượng với cha Vương Đình Tài, là linh mục dòng Chúa Cứu Thế, coi chung các làng Thượng ở quanh khu vực Pleiku . Ngài đóng đô ở Plei Choet, sống hoà đồng như người Thượng và rất được người Thượng qúi mến . Chỉ là cấp tốc thôi khi tôi được biết tôi được phân bổ đi vùng dân tộc Jrai (Gia-rai) trong đợt ra quân đầu tiên của chiến dịch Xoá Nạn Mù Chữ . Ngài tặng tôi một cuốn Thánh Kinh hình như do cha Dournes dịch. Cha Dournes là linh mục thừa sai Pháp đã từng sống ở vùng Phú Bổn, có bằng tiến sĩ về dân tộc học ở Sorbonnes taị Paris .

Tôi ở lại đêm đó tại làng, nói chuyện với Du tới khuya về những điều Du nên biết khi ở làng . Tôi nói Du nên hoà đồng với người trong làng và khi đi tắm nên đi với phụ nữ . Du có thể dùng sa-rông để cuốn quanh ngực cũng như dễ dàng tắm rửa chứ không nên đòi một phòng tắm riêng vì từ voì suối đưa lên làng cả một con dốc và cũng chỉ gùi được một gùi nước không đủ để Du tắm . Đàn bà con gái Thượng rất sạch sẽ, ngày nào cũng tắm rửa ít nhất hai lần, buổi sáng lúc đi gùi nước và buổi chiều khi đi làm về . Du buồn cứ nhắc tôi phải ghé lại thăm nàng thường xuyên . Tôi nói Du có gì cần cứ nhờ thầy Phú vì thầy ở đây cũng mấy tháng rồi . Tối đó tôi ngủ cùng với thầy Phú . Lúc lên nhà thầy Phú, thầy đang nói chuyện với thầy Phong . Thầy Phú chọc:

-- Chắc Quang phải lòng cô Du rồi! Có gì chưa ?

Thầy Phong nhìn tôi chằm chặp như soi mói điều gì . Tôi đỏ mặt cười trừ nói rằng tôi chuẩn bị tinh thần cô Du về cuộc sống trong làng Thượng thôi và nhờ thầy Phú giúp Du sau này .

(Còn Tiếp)
TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI III


Đang loay hoay với một vài kế hoạch cho những ngày tháng tới, thì anh Đáng, một giáo viên làng Ea Blang, xã B 10 về , không phải làng Ea Blang, xã B 8 nơi anh Phú dạy . Anh Đáng ra trường Trung Học cùng một năm với tôi, người dong dỏng cao, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng cố một tật cố hữu khó thích hợp trong đời sống gian khổ ở thôn làng là công tử bột và lười vô cùng . Anh nhìn tôi khẩn khoản,

-- "Quang ơi, ông phải đổi tôi đi nơi khác rồi . Dân chúng đếch chịu học với tôi . Họ chẳng cho tôi ở trong làng ."

Tôi ngạc nhiên hết sức vì chính tôi là người đưa thầy Đáng lên làng mở lớp dạy học . Làng đó có nhiều trẻ em, không lẽ có chuyện gì lớn xảy ra . Tôi mời anh Đáng ngồi và hỏi chuyện, "Anh Đáng à, kể cho tôi nghe nguyên nhân vì sao lại có chuyện này".

Anh Đáng chậm rãi nói: "Chuyện dài dòng, nhưng tóm tắt là tuần rồi, tôi hết thức ăn, nên xin gia đình nơi tôi ở ít thịt . Họ đưa cho tôi ít thịt trâu trong ống tre, thối bỏ mẹ, và tôi lỡ miệng nói, thịt trâu thối tôi không ăn được . Họ nổi giận nói với nhau là tôi khinh dân Thượng, đuổi tôi ra khỏi nhà . Tôi sang nhà khác họ cũng đối xử với tôi như thế . Ban ngày, buổi tối, chẳng có ma nào tới lớp học . Tôi phải ra ngoài lớp mắc võng ngủ và đi kiếm củi tự nấu ăn ở lớp, ăn cơm với muối thôi chứ chẳng có ai mua bán hay cho cái gì cả ."

Tôi nói chuyện với anh Đáng một hồi về kinh nghiệm của những người đã sống ở làng Thượng trước kia, và khuyết điểm của anh khi anh lỡ miệng chê thịt trâu thối . Lẽ ra anh nên xin thứ khác, viện cớ rằng anh không quen ăn thịt trâu, anh nhằm món ăn qúi của người ta mà chê thối thì mất lòng là phải . Tôi nói với anh Đáng ở lại ngủ một đêm tại Phòng Giáo Dục rồi ngày hôm sau tôi và anh sẽ trở lại làng để xem tôi có giúp tình hình bớt căng thẳng không . Tôi cũng dự định sẵn với anh Nhật, trưởng Phòng Giáo Dục, là nếu cần tôi sẽ đổi anh Đáng với anh Nhân, giáo viên ở làng kế bên .

Hôm tôi lên Ea Blang cùng với anh Đáng, tôi mới vỡ lẽ là anh Đáng không thể tiếp tục sống ở đây, vì ngoài lý do chê thịt trâu thối, anh còn sai các em đi gùi nước từ dưới suối về cho anh . Dân làng cho rằng anh lười, không chịu tự làm việc mà anh có thể làm được . Tôi cố bào chữa cho anh, nói rằng, đôi khi thầy giáo mắc bận thì có thể nhờ học trò giúp, nhưng dân làng nhất định không muốn thầy Đáng ở lại . Tôi làm như miễn cưỡng bằng lòng với họ và yêu cầu họ phải học hành chăm chỉ khi tôi đưa một giáo viên khác về . Sau khi họ hứa, tôi cùng anh Đáng qua làng kế bên, làng Ea Drang, gặp anh Nhân trình bày trường hợp của anh Đáng và nhờ anh qua làng Ea Blang dạy, còn anh Đáng sẽ dạy tại làng này .

Tôi kể cho anh Nhân trên đường đi tới làng Ea Blang câu chuyện mà tôi nghe bô lão trong làng đó kể trước đây . Làng Ea Blang hồi xưa có một tên khác mà ngay cả những bô lão trong làng cũng quên rồi . Làng đó nằm gần một con suối, chi nhánh của sông Krong Poco . Mỗi làng thượng thường lấy tên của con suối, hay ngọn núi gần đó chứ chẳng cần tìm tên hoa hoè hoa sói gì để đặt . Làng Ea Blang đặc biệt hơn vì lấy tên một người con gái trong làng để đặt tên cho con suối và tên làng .

Nàng Blang là một người con gái thông minh và đẹp, được nhiều người thương mến . Các trai làng kế bên nghe tiếng và tới xin hỏi nàng làm vợ . Thực sự thì theo phong tục người Thượng, người con gái đi cưới chồng, chọn chồng, chứ không phải con trai đi hỏi vợ . Các chàng trai các nơi đều muốn được sống bên nàng nên cứ tranh giành lẫn nhau để đi đến chỗ xung đột . Một hôm, nàng nghiêm nghị nói đám thanh niên phải ngưng ngay các cuộc đánh nhau vì nàng, nàng sẽ không chọn bất cứ ai vì Giàng (Yang), tức là thần linh, đã báo mộng cho nàng là nàng chính là sứ giả hoà bình, là con chim bông trắng của bộ tộc Jrai trong vùng Tây nguyên . Từ đó, không còn các cuộc xung đột ẩu đả, nhưng nàng Blang có vẻ ưu tư sầu muộn thường vào rừng lang thang một mình . Một hôm tới tối không thấy nàng về, người ta nhốn nháo đốt đuốc đi tìm nhưng vô vọng . Mãi sáng hôm sau, khi người ta đi tìm lại, thì mọi bầy chim bông trắng gào kêu ầm ỉ, dân làng thấy lạ kỳ, lại gần thì thấy xác nàng Blang nằm chết trong giòng suối nhỏ, nét mặt bình yên như thiên thần, vẫn đẹp và bình thường chứ xác không sình chương lên như người chết đuối . Huyền thoại cho rằng nàng chính là thần linh, và chim bông trắng, Blang, chính là bạn bè của nàng . Dân làng các nơi từ đó gọi con suối nơi họ tìm ra xác của nàng là con suối Blang, và làng nơi sinh ra nàng cũng được gọi là làng Blang .

Thầy Nhân được dân làng Blang đón tiếp vui vẻ và họ trở lại học bình thường và tôi lại sung sướng trở lại Phòng Giáo Dục, nóng lòng đi gặp lại Du, mà đúng ra tôi đã phải gặp nàng cách đây mấy hôm như đã hẹn, nhưng vì vụ thầy Đáng tôi đã không vào làng của nàng được .

Nguyên Đỗ



TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI IV


Từ làng Ea Blang, B 10, tới Phòng Giáo Dục huyện Chu Pah mất khoảng 7 tiếng đi bộ . Sau một đêm ở lại làng để giới thiệu thầy Nhân cho dân làng, cũng như chuyện trò với thầy Nhân tới khuya, tôi quyết định đi thăm các giáo viên xã B 10, một là thăm hỏi, động viên, khuyến khích các giáo viên của tôi, hai là xem xét tình hình học hỏi và ý kiến của dân làng để có thể đưa ra những kế hoạch phù hợp với nhu cầu của dân làng . Ở một làng nơi hẻo lánh xa xôi, mỗi giáo viên Kinh trụ trì một làng, rất cô đơn, chẳng có ai để chuyện trò nên chúng tôi rất mừng rỡ khi có ai ghé lại . Đi thăm các giáo viên ở các làng cũng là nhiệm vụ lớn của tôi, vì tôi không thể hoàn thành sứ vụ của mình nếu không có sự cộng tác đắc lực của mọi người .

Đành rằng tôi nhớ và rất muốn ghé lại thăm Du, nhưng làng Du ở cũng gần Phòng Giáo Dục, chỉ đi bộ mất độ vài tiếng . Nếu tôi về liền, khi vòng lại trên xã B 10, sát biên giới Cao Miên, vừa mất giờ vừa mệt sức, nên chắc Du cũng chẳng trách cứ gì . Tôi nghĩ vậy và an tâm đi thăm các giáo viên của tôi để xem xét và lấy ý kiến của mọi người .

Khi hỏi han các thanh niên cũng như người già trong làng họ cười nói với tôi, "Học để làm gì ? Người con Thượng biết trồng cái lúa, biết nuôi con heo, biết bắn con hoẵng ... đâu cần phải học nữa! Người cần phải học là đám con nít kia! Chứ chúng tôi đi làm cái nương, đi đốt cái rẫy, phải nghỉ ngơi để có sức làm việc, để làm cách mạng chứ
!"

Ban đầu tôi chưa hiểu hẳn nên thấy họ nói làm cách mạng tôi nghĩ họ nhiệt tình với đường lối của nhà nước . Cho đến khi họ kể chuyện con cọp và con thỏ cho tôi nghe, và như có ý thử tôi có nhớ không, họ nói tôi kể lại câu chuyện tôi vừa nghe , tôi ngây thơ vui vẻ kể lại, làm họ cười lăn cười lóc, còn tôi thì rất ngạc nhiên, vì tôi rõ ràng ghi lại các chữ họ nói và tôi biết giọng tôi cũng khá giống giọng của họ nên không lẽ gì mà tức cười đến như vậy . Tôi hỏi vì sao họ cười vui thế . Họ càng cười ha hả . Thú thật, người Thượng có cái cười rất hồn nhiên vô tư mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, trừ những nụ cười của các em bé . Họ sống chân thành, chất phác và thật vô tư . Mãi sau họ mới nói với tôi một câu mà tôi phải xét lại những đánh giá ban đầu về những người con của núi rừng này, "Nă Juan Tơpai, Nă Jarai Amông, " Có nghĩa là người Kinh là con thỏ (chuyên môn lừa dối), người Thượng là con cọp ( có sức mà hay bị lừa ).

Tôi nhớ lại những chuyện cổ tích Việt Nam xưa, thường những con vật nhỏ, hay người yếu phải dùng trí khôn để đương đầu với những người khoẻ mạnh hay lớn dữ . Tôi thăm dò xem trong làng có những ai còn có thể viết được tiếng Gia-Rai (Jrai), làng nào cũng chỉ có một hai người có thể viết được tiếng mẹ đẻ của họ được thôi, chứ không nhiều . Một sáng kiến manh nha trong trí tôi và tôi hỏi họ, "Nếu tôi xin cấp trên cho đồng bào học đọc và viết tiếng Gia Rai, đồng bào có thích không ?"

Họ cười vui vẻ, trả lời, "Thầy mà làm được chuyện đó, thầy là thần của dân tộc Jrai!"

Tôi nói, "Thật nhé! Tôi không là thần, nhưng chỉ muốn là con Jrai thôi!"

Đồng bào trong các làng cười sung sướng vì thấy tôi hoà đồng với họ . Thật sự tôi rất yêu mến họ, có lẽ vì mối liên hệ của tôi với các linh mục thừa sai và linh mục Vương Đình Tài, họ là những người dấn thân thực sự trong công việc truyền giáo trên Cao Nguyên .

Từ làng cuối cùng ở xã B 10 về tới B 6 nếu đi đường mòn phải mất thêm một ngày vì phải lộn lại các làng tôi đã qua nên tôi quyết định đi ngã tắt xuyên qua rừng và rẫy của đồng bào cho tới xã B 9 thì mới có đường mòn .

Quyết định đi tắt này đã đưa tôi tới một cảnh khó xử và là khúc ngoặt lớn của đời tôi . Không biết đó là rủi ro hay duyên số, nhưng nó đã thay đổi nhiều và làm tôi trưởng thành hơn trong lối nghĩ và hành động trong cuộc sống, chứ không phải chỉ chăm lo hoàn thành nhiệm vụ giáo viên mà thôi .

TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI V


Đi băng đường rừng cần phải rành rọt điạ hình và địa lý . Người chưa quen khó có thể đi đúng hướng nếu không có bản đồ và địa bàn . Tôi may mắn đã đi săn với đồng bào ở vùng này một vài lần nên không đến nỗi sợ lạc đường. Thú dữ từ những năm chiến tranh dữ dội ở vùng Đức Cơ - Pleime đã tản mát qua Miên, Lào, Thái Lan và Miến Điện, chỉ còn lại quanh đây nai, hoẵng, khỉ và các động vật nhỏ mà thôi .

Đi ngang một khoảng rừng thưa, tôi thấy một đám khói xanh nhỏ . Trí tò mò tôi lại gần, chỉ thấy một bếp lửa mà không thấy bóng người nào . Bếp mới được nhóm lên thôi, vì chưa có chút tro hay than nào . Đồng bào Thượng họ không lơ đễnh như thế này đâu . Tôi bắt đầu ân hận mình đã chọn đường tắt, sợ bắt gặp phải Kháng Chiến Quân hay Fulro (Front Unifié de la Libération des races opprimées, tức là Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Các Dân Tộc Bị Áp Bức) là lực lượng dân tộc thiểu số từng chống đối chính phủ quốc gia và bây giờ chống Cộng sản để đòi quyền tự trị . Tôi đảo mắt vòng quanh, định tìm cách chuồn cho nhanh, sau khi đã dập tắt cái bếp vừa mới đốt lên này . Có lẽ ai đó đã phát hiện tôi khi tôi tiến lại và bỏ chạy .

Đang loay hoay thì một cô gái từ buị hoa quỳ chui ra làm tôi giật nảy mình, "Phải đó là anh Quang không?"

"Phải," tôi trả lời, rồi tiến lại, "Trời, Nhung đây mà! Nhung làm Quang giật mình sợ gần chết! Nhung làm gì ở đâỷ"

Nhung từng học chung với tôi năm cuối ở Trường Trung Học Phổ Thông Pleiku . Ba nàng làm Đại Uý đã bị đưa đi học tập ngay từ khi miền Nam sụp đổ . Tôi từng lên nhà nàng chơi cùng với Hải, người theo đuổi nàng một thời gian . Nhung rất dễ thương, làm trưởng ban văn nghệ lớp, còn tôi làm trưởng lớp, còn Hải là tay đờn hay . Tôi chơi thân với cả hai, nên biết chuyện hai người và thường nói với Nhung là Hải rất thương Nhung . Nhung hay lườm tôi nói, "Sao anh không lo cho anh đi ?" Những lúc đó tôi thường lảng qua chuyện khác, vì tôi biết Nhung thích tôi hơn thích Hải, nhưng tôi chẳng thích bồ bịch trai gái khi ước vọng vào đại học chưa thành .

Gần cuối năm học lớp 12, thầy Hiệu Trưởng xuống từng lớp kêu gọi học sinh xung phong gia nhập phong trào xoá nạn mù chữ vừa phát động . Cô giáo viên chủ nhiệm lớp tôi, cô Hồng Quế, giáo viên từ Bắc vào, gọi tôi lên phòng, nói nhỏ với tôi, "Quang à, em phải xung phong vào phong trào này, chứ em đi thi vào Đại Học năm nay, em sẽ không đậu đâu, vì lý lịch gia đình em rất xấu! Này nhé, gia đình em di cư năm 1954, bố em làm việc cho ngụy quyền, anh em làm ngụy quân, đủ rớt ngay! May ra, nếu em tham gia vào phong trào này, đạt thành tích cá nhân, em có thể đậu nếu em đạt điểm cao, mà cô nghĩ em có khả năng để đạt điểm cao!"

Tôi đã phân vân và đi hỏi ý kiến nhiều người . Ai cũng công nhận lời khuyên của cô Hồng Quế có lý nên tôi xung phong ngay ngày hôm sau . Vừa có kết quả khi thi Tốt Nghiệp Phổ Thông xong là tôi học khóa cấp tốc làm giáo viên xoá nạn mù chữ.

Nhung không đi xoá nạn mù chữ, vì nàng là con gái lớn nhất trong nhà, có mấy em còn bé! Bây giờ bất ngờ gặp Nhung ở đây tôi thật hết sức ngạc nhiên . Nhung nhỏ nhẹ giải thích cho tôi biết nàng đang tìm đường vượt biên cùng với 4 người khác . Tôi hỏi, "Họ đâu hết rồỉ"

Nhung chỉ vào chỗ đất trũng sau bụi hoa quỳ lớn, và gọi bạn Nhung, "Ra đây đi, đây là anh Quang, bạn học cũ của Nhung!"

Lù lù, ba anh con trai và một cô con gái, mặt mày đã hốc hác xanh xao, có lẽ vì đói, bò dậy và ra bắt tay chào tôi . Tôi thấy sờ sợ làm sao, như người trộm vào một nhà lạ, sợ ai đó bắt gặp quả tang . Tôi nói với họ đi theo tôi tới một chỗ gần đấy an toàn hơn để nói chuyện . Tôi căn dặn:

--Trong khi đi nếu bắt gặp ai, các anh chị cứ bình tĩnh để tôi đối phó vì đa số người vùng này đều biết mặt tôi .

Tôi đưa họ tới một thác nước. Sau thác nước này có một hang rộng lớn, có thể chứa 400 người, chẳng ai biết trừ những người dân tộc đã từng núp sau thác nước này trong những ngày chiến tranh khốc liệt .

Tôi biết tôi đang làm một việc phạm pháp mà nếu bị phát giác tôi chẳng những bị mất việc mà còn bị tù tội chứ chẳng chơi . Nhưng Nhung là người bạn thân, tôi không thể để nàng bị chết đói hay chết khát hay bị bắt . Trên đời có những việc con người làm theo bản năng không suy nghĩ . Tôi giúp Nhung và bạn Nhung cũng gần như bản năng tự nhiên . Những người đã từng chung số phận, chia vui sẻ buồn, thường có bản năng sinh tồn như thế, "Sống chết vì bạn!"

Khi đã vào sau làn nước, ngồi trong hang, tôi hỏi:

-- Anh chị rời Pleiku từ bao giờ?

Nhung nói:
-- Cả mười ngày rồi!

Tôi sửng sốt nói:
-- Mười ngày, trời đất ơi, nếu rành đường thì giờ này các bạn đã tới biên giới Thái Lan! Bị lạc phải không?

Anh Trung, người lớn nhất trong 5 người, có lẽ cao lắm là 21 tuổi, nói:
-- Bọn mình rời Ninh Đức cả mười hôm nay, sang ngày thứ 3 thì gặp một toán xe bộ đội đi về hướng Tây, tưởng họ thấy bọn mình, cả bọn ù té chạy lấy thân, đồ đạc, ba lô, địa bàn còn để lại hết ở đâu đó . Lúc yên mình vòng trở lại tìm, nhưng chẳng biết đâu ra là đâu, đành cứ hướng mặt trời lặn mà đi!

-- Từ Ninh Đức, xã B 3 mà anh chị lọt qua B 9 là đi hướng Tây Nam rồi đó, nhưng nếu rành đường từ B 3 sang B 9 chỉ hơn một ngày đường thôi .

-- Ừ bọn mình cứ như đi vòng tròn, chẳng biết đâu ra đâu cả . Quang có cách nào dẫn bọn mình tới biên giới không?

Tôi nhìn họ lắc đầu, "Tới biên giới thì dễ, nhưng làm sao các bạn có thể vượt qua sông Krong Poco tháng này, nước còn cao! Cách tốt nhất là các bạn nghe lời Quang trở về . Ở gần biên giới có mấy trạm Công An Biên Phòng mà các bạn không ai rành đường rừng dễ bị bắt lắm! Quang khuyên các bạn nên về, Quang sẽ đưa các bạn về bình yên! Đưa các bạn đi tháng này là đưa các bạn vào tù đó!"

Chúng tôi nói chuyện một hồị Sau khi 5 người họ bàn bạc, Nhung, Tuyết và Hoàng quyết định trở về, còn anh Trung và anh Tâm dứt khoát ra đi .Tôi định chỉ cách hái rau rừng và nấu ăn, nhưng nhìn lại họ chẳng có nồi niêu xoong chảo gì để mà nấu, tôi lấy ra cuộn giây cước và ít lưỡi câu trao cho họ:

-- Hai anh cầm mấy cái này, đi tới chỗ đất ẩm thấp, bới giun làm mồi mà câu cá. Nhớ đốt bếp bằng củi khô thật khô, đừng để khói, dễ bị lộ Từ vùng này tới biên giới chỉ mất hơn một ngày . Các anh không có gì để nấu, tốt nhất là các anh ở lại đây, chờ Quang ít ngày nữa, Quang sẽ mang cà mên để nấu cho các anh . Đi không kiểu các anh mười phần chết mà chỉ có một phần sống thôi . Thành thực mà nói các anh nên về . Quang sẽ dẫn các anh chị về bình yên .

Anh Trung và anh Tâm nhất quyết ra đi, tôi nói họ chờ tại hang 5 ngày, để khi tôi đưa Nhung, Tuyết và Hoàng về thị xã rồi tôi sẽ mua ít lương khô cho họ vì đường bên Miên tôi không rành . Trong vùng này chỉ có lá giang để nấu canh chua, và rau bồ ngót, cũng như rau bột ngọt là ăn được, còn các thứ rau rừng khác như rau mò, càng cua, xà lách soong thì tôi không thấy . Tôi dẫn hai anh đi dọc bờ suối chỉ cho các anh thấy các loại rau đó, và chỗ có thể có giun . Hai anh bới được ít giun, trở lại gần hang thả câu, bắt được 4 con cá hơi to, mừng lắm . Tôi đi lấy ít củi mục khô, nhóm lửa lên trong hang, nướng cá . Năm người ăn cá một cách hí hửng, những con cá sao ngon thơm! Họ mời tôi, tôi cười, "Các anh ăn đi, phần Quang, Nhung, Tuyết và Hoàng để Quang đưa về làng Thượng đãi cho các bạn món canh bí !"

Tôi sắp đặt câu chuyện để nói nếu ai hỏi tôi Nhung, Tuyết, Hoàng là ai . Tôi nói với họ:

-- Nếu ai có hỏi tôi sẽ nói Nhung là vợ sắp cưới của tôi lên thăm , Nhung đi một mình không tiện nên kéo theo Tuyết, bạn gái của Nhung, và Hoàng là bạn trai của Tuyết .

Nhung đỏ mặt nhưng bằng lòng: "Quang nói sao cũng được mà! Chỉ mong sao mọi sự an lành là được rồi!"

Chúng tôi từ giã anh Trung và Tâm, hẹn năm ngày nữa tôi sẽ lại đây đưa lương khô và ít vật dụng cần thiết . Trong lòng tôi cầu mong họ giữ lời hẹn, nhưng nhìn họ tôi không khỏi ái ngại là họ sẽ chẳng chờ, vì thấy câu cá ở đây dễ dàng quá, họ có biết đâu đây là chỗ hẻo lánh ít người tới nên cá nhiều, còn ở những con suối khác đâu có dễ dàng như vậy . Nếu tới sông Krong Poco, thì việc câu cá lại thật quá dễ dàng, vì cá rất nhiều, nhưng làm sao họ có thể đóng bè vượt sông nếu không biết bơi giỏi hoặc dao để chặt tre . Tôi đã đi khỏi hang mà phải vòng trở lại căn dặn thêm một lần nữa:

-- Hai anh phải ráng chờ Quang 5 ngày đó. Trong thời gian chờ nên tập bơi cho giỏi và câu cá cho nhiều hong khô để mang theo phòng khi bị lạc . Tới sông Krong Poco, có thể câu cá tươi mà ăn!

Hai anh ôm chầm lấy tôi: "Cậu lo lắng quá! Bọn này tự lo được mà! Thôi làm ơn đưa ba bạn kia về bình yên, mai này tụi mình còn gặp lại!"

(Còn Tiếp)

Nguyên Đỗ

Back to top


nguyendo
Special Member



Joined: 27 Feb 2003
Posts: 265

Posted: Mon Oct 06, 2003 11:52 am Post subject:

--------------------------------------------------------------------------------

TÌNH CA GIÁO VIÊN MIỀN NÚI VI


Tôi vội vàng đưa Nhung, Tuyết và Hoàng ra khỏi rừng hoang càng sớm càng tốt . Nếu bắt gặp một lúc bốn người trong rừng kiểu này thật khó mà đoán biết hậu quả . Tôi vừa đi vừa nói với ba người những gì họ phải nói phải làm nếu có ai bắt gặp hay hỏi han . Tôi chỉ cầu mong đưa họ về tới thị xã Pleiku an toàn .

Nhung, Tuyết và Hoàng đều còn lại ít tiền trong túi, dư để mua vé xe từ B 6 về thị xã . Tháng này trời đang nắng và đường sá đang sửa sang, bụi bay đầy đường, nên tôi cảm thấy dễ nói hơn nếu có ai bắt gặp là Nhung bạn gái tôi lên thăm cùng với hai người bạn .

Cuối cùng chúng tôi cũng ra đường mòn xã B 9, từ đây về tới B 6 cũng mất ba bốn tiếng đồng hồ . May quá trên đường về B 6 chúng tôi chẳng gặp ai . Chúng tôi đến gần trạm xe đò B 6 thì cũng là lúc xe rời bánh về lại thị xã Pleiku, có chạy bám theo cũng không kịp . Tôi nói với Nhung, Tuyết và Hoàng:

-- Quang đưa các bạn vào thẳng Phòng Giáo Dục không tiện . Quang sẽ dẫn các bạn vào làng Kơ Mông để các bạn tắm rửa, nghỉ ngơi và trưa mai Quang sẽ đi xe đò cùng các bạn về thị xã.

Hoàng nói:

-- Quang tính sao cũng được . Mạng sống của bọn này giao cho Quang hết!

Tôi nhìn Nhung, Tuyết mà thấy tội nghiệp, đã 10 hôm lặn lội rừng sâu, chân tay sưng vù, bây giờ lại phải về, thực là buồn . Nhưng tôi biết chắc hai nàng sẽ không đủ sức làm một cuộc vạn lý trường hành, đi vượt qua biên giới Thái-Miên với tình trạng này . Đó là chưa kể đến những chạm trán với công an biên phòng hoặc du kích xã người Thượng mà chưa chắc họ bắt sống giam tù hay vẫn cứ theo luật rừng bắn trước trình sau khi mọi chuyện đã rồi . Mạng sống con người nơi rừng sâu nước độc mất còn một cách dễ dàng do việc xa xôi hiểm trở, chỉ cần uống nước không đun sôi cũng đủ bị độc hoặc sốt rét cấp tính . Bị những bệnh này mà không kịp đưa về bệnh xá hay nhà thương thì chỉ có nước theo tử thần về bên kia thế giới . Các giáo viên đi công tác vùng này bao giờ cũng phải mang thuốc chống sốt rét mà đôi khi vẫn bị bệnh sốt như thường . Lúc đó, dù lên sơn sốt dầu mồ hôi nhễ nhại thân thể nóng rần rần nhưng hai hàm răng cứ run lên cầm cập vì lạnh . Có lần tôi phải theo lời người Thượng vò lá cúc quỳ bỏ vào miệng nuốt,và có phản ứng cơ thể ngay lập tức: người nóng ran như đang xông lửa và hết lạnh .

Đang đi dọc theo đường làng Kờ Mông thì chúng tôi gặp thầy Phong . Vừa thấy chúng tôi, thầy Phong đã hỏi:

-- Anh Quang, giáo viên mới hả ?

Tôi vội vàng giới thiệu:

-- Không anh, đây là Nhung, người yêu của Quang, đây là Tuyết và Hoàng là hai bạn của Nhung lên thăm, sáng mai về lại thị xã . Quang dẫn họ vào làng cho biết .

-- Anh Quang đào hoa quá ha ? Vậy mà cô giáo Du cứ nhắc hoài!

Nhung nhìn tôi như dò hỏi, tôi cười, nói cô Du là giáo viên cùng làng với thầy Phong . Tôi không muốn đứng lại lâu với thầy Phong sợ lôi thôi nhiều chuyện nên vội vàng từ giã .

-- Quang cần dẫn Nhung, Tuyết, Hoàng đi xem một số nơi trước khi tối, thôi để lúc khác, nói chuyện với anh nhé!

Chúng tôi từ giã nhau, thầy Phong vui hẳn ra mặt . Thế là từ nay, có lẽ thầy đang nghĩ, tôi sẽ không còn là kỳ đà cản mũi trong việc thầy tán tỉnh Du . Lòng tôi bỗng nhói đau, đâm ra phân vân tự hỏi, không biết rồi tôi sẽ nói với Du sao đây . Tôi biết tôi rất thân với Nhung thuở còn đi học, thực sự là tôi mới ra trường có bốn năm tháng mà tôi tưởng chừng như cả mười năm sau những lặn lội trong cuộc sống giữa núi rừng buôn bản . Tôi cũng rất mến Du, mặc dù mới quen biết . Giữa Du và tôi dường như có mối thân thiết đặc biệt khó tả, dù chúng tôi chưa hề có quan hệ trai gái .

"Lại rắc rối rồi đây!" Tôi nhủ thầm, nhìn Nhung, Tuyết, và Hoàng . "Thôi kệ, việc tới đâu hay tới đó! Việc trước tiên là phải đưa ba người này về thị xã an toàn cái đã!" Tôi quyết định sẽ đóng màn kịch bất đắc dĩ này tới cùng .

Tôi đưa Du, Tuyết và Hoàng tới nhà Liễu, một giáo viên dưới quyền tôi, ở làng Kờ Mông . Tôi giới thiệu ba người với cô Liễu, người nho nhỏ, gốc Huế, nói chuyện rất có duyên . Ba người theo như tôi dặn trước đóng kịch cũng tài, quá tài nữa vì khi tôi từ giã để trở lại Phòng Giáo Dục thì Nhung lại gần ôm lấy tôi hôn và nói: "Mai anh trở lại đón tụi em nhé!"

Mặt tôi đỏ như gấc vì đây là lần đầu tiên một người con gái hôn tôi . Cô Liễu nhìn chúng tôi làm tôi càng mắc cở . Hy vọng cô nghĩ là tôi ngượng vì sự biểu lộ tình cảm của chúng tôi trước mặt mọi người, chứ không phải tôi đỏ mặt vì Nhung hôn tôi .



Nguyên Đỗ

*******************************

TÌNH CA GIÁ0 VIÊN MIỀN NÚI VII


Trên đường về Phòng Giáo Dục tôi suy nghĩ làm sao tôi có thể xin phép về thị xã Pleiku mấy ngày để kịp mua những thứ cần dùng cho hai người bạn mới đang tìm đường vượt biên, tôi cũng không khỏi nghĩ tới nụ hôn đầu tê tê trên môi gần như bị điện giật . Tôi thầm nghĩ, "Nhung đóng kịch giỏi thật, nhưng đâu cần phải làm vậy!"

Tôi lại nghĩ tới những ngày học lớp 12, tới những lần tới nhà Nhung với Hải, những buổi tối tâm sự lúc đi khai hoang ở Gia-lu (Ya Lu) ... Lúc nào Nhung cũng ân cần với tôi hơn với Hải và có lần tôi đưa nàng xuống suối rửa chén sau bữa cơm chiều, tôi hỏi nàng:

-- Nhung sợ ma không?

Nhung nhìn tôi cười, nói pha chút thẹn thùng của con gái mới lớn:

-- Đi với Quang thì Nhung sẵn sàng đi tới tận cùng trái đất!

Tôi định đùa, "Thật đấy nhé!" nhưng chợt nghĩ tới Hải, bạn thân của tôi, đang theo đuổi Nhung, nên tôi kịp giữ lại cho riêng mình rồi giả tảng hỏi qua chuyện khác .

Nụ hôn từ giã của Nhung hôm nay không biết chỉ là đóng kịch qua mắt cô Liễu, hay vì cám ơn tôi sắp giúp nàng về lại với gia đình sau 10 ngày đi lạc trong rừng hay nàng yêu tôi thật sự

Tôi lại nghĩ tới Du, người hay bàn chuyện văn thơ với tôi những tối ở Phòng Giáo Dục, giờ này đang ở một mình trong làng Ea Blang với thầy Phú vì thầy Phong đang về Phòng Giáo Dục . Tôi biết anh Phong sẽ không quên kể chuyện này cho Du nghe, không chừng anh Phong đã oang oang ở phòng là tôi đã có vợ sắp cưới và nàng lên thăm tôi hôm nay .

Đúng như tôi dự đoán, vừa trờ mặt tới sân, các anh Nhật, anh Khoa, anh Giáp đã ào ra hỏi:

-- Vợ mày đâu? Sao dấu biệt và im lặng vậy?

Tôi đỏ mặt, chối:

-- Vợ đâu mà vợ, sắp cưới thôi mà!

Rồi tôi hỏi:

-- Các anh lại nghe thầy Phong tuyên truyền rồi chứ gì?

Không chờ họ trả lời, tôi phân trần:

-- Mẹ em ở nhà bị bệnh mà nhà không có ai nên sáng nay nhờ Nhung, người yêu em, và hai bạn của Nhung đi lên đây báo cho em đó, sợ có mệnh hệ gì không kịp nhìn mặt em .

Anh Nhật, trưởng phòng, người Bắc, đã lăn lộn sống với người dân tộc trong những năm chiến tranh, tính tình rất cách mạng, nhưng cũng rất chí tình và cởi mở như người Nam, nói:

-- Cậu có gì cần cứ giao lại cho anh Ít. Tớ cho cậu nghỉ phép một tuần đó . Về lo cho gia đình rồi lên, đừng có hú hí với vợ rồi bỏ sở .

Tôi cám ơn anh Nhật nhưng bào chữa:

-- Nhung là người yêu sắp cưới thôi, chứ chưa phải vợ . Anh nói vậy là giết em đó!

-- Vợ hay vợ sắp cưới cũng như thế thôi, sao cậu không đưa vào đây ngủ . Cậu có phòng riêng mà!

-- Anh nói bậy rồi đó nha! Phạm đạo đức cách mạng đó. Tụi em chưa cưới thật mà . Làm vậy em sẽ bị tru di tam tộc chứ chẳng chơi . Em để Nhung và các bạn ở nhà cô Liễu ở . Mai trước khi về em sẽ đưa họ tới chào các anh chị

Tôi rất vui mừng là qua mắt các anh ở Phòng Giáo Dục một cách tương đối dễ dàng nhờ chuyện anh Phong không kín miệng, nhưng lại ái ngại cho danh dự của Nhung, ái ngại cho tình thân của Du và tôi . "Việc gì tới sẽ tới!" Tôi tự nhủ, rồi tôi nói với anh Nhật và anh Khoa, phó phòng, giáo viên biệt phái từ Bắc vào, nghiêm trang, nhưng cũng rất hiền lành:

-- Các anh vào phòng cho em bàn việc một chút xíu .

Anh Khoa hỏi:

-- Chuyện gì mà trọng đại vậy ?

-- Một ý kiến thôi, khi em đi thăm các làng trong xã . Em đã đưa anh Đáng qua làng anh Nhân, và chuyển anh Nhân về làng Ea Blang. Em dò hỏi đồng bào, thì thấy nếu mình có thể tìm người dạy cho họ cách viết chữ Jrai, công việc chuyển dạy sang tiếng Việt sẽ dễ dàng hơn và có thể hoàn thành trước thời hạn . Làng nào cũng có một hai người biết chút ít chữ Jrai, anh Ít giáo viên của phòng có thể giúp họ lập giáo án và dạy rồi mình kèm thêm ít tiếng Việt trong đó . Như vậy họ sẽ đi học đầy đủ và thường xuyên hơn, bây giờ chỉ đám con nít là đi học, còn thanh niên nam nữ và người già họ cứ nại cớ mệt, đi làm việc, ít người tham dự

Anh Nhật khen:

-- Ý kiến của cậu có vẻ hay đó! Cậu suy nghĩ thêm, rồi bọn tớ bổ sung ý kiến đưa lên huyện đội và tỉnh xem họ nghĩ thế nào .

Tôi tiếp tục nói qua cho anh Nhật và anh Khoa tình hình ở các làng, những việc cần cải tiến, xin thêm giáo cụ ... Tôi kết luận:

-- Sáng mai em sẽ đưa các anh những báo cáo tình hình, và đơn xin giáo cụ ...

Anh Nhật nói:

-- Thôi, cậu để khi trở lại rồi làm cũng được . Việc còn dài mà!

Khi tôi ra khỏi phòng anh Nhật thì thấy thầy Phong cũng từ phòng kế hoạch do anh Hưng, giáo viên cấp 2 miền Nam, ra .

Tôi nhìn anh Phong lắc đầu:

-- Anh Phong tuyên truyền giỏi quá ha!

Anh Phong cười:

-- Xư
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 04-04-2004, 12:28 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

XIII


Hôm sau, thật bất ngờ, tôi gặp hai chị em Nhung và Phượng ở trạm xe đò. Nhung đưa cho tôi một phong bì dầy cộm, dặn kỹ là chờ khi một mình trống vắng rồi hãy đọc. Phượng chỉ nhìn tôi cười, chúc tôi đi bình an và trở về khoẻ mạnh, dặn dò:

- Khi anh Quang về nhớ ghé lại thăm gia đình tụi em nhé!

- Còn phải dặn! Quang nhất định sẽ trở lại thăm mà!

Chúng tôi nói chuyện được một lúc thì chú công an Phiếm tớị Chú gật đầu chào chị em Nhung và tôị Chú hỏi, "Trở lại huyện rồi sao?"

- Dạ còn được một ngày phép nữa, nhưng ... em lên sớm để chuẩn bị. Chứ vừa lên đi dạy ngay mệt chết.

- Thôi ráng phấn đấu lên nhé! Việc gì khó có thanh niên! Khoẻ như các cậu thì phải xung phong vào những nơi gian khó!

Tôi cười, nghĩ thầm phải chi đổi chỗ, cho những người đã quen chịu khổ vào những nơi rừng sâu nước độc, còn cho lớp người mới chúng tôi tiếp tục học để sau này tiếp tục sự nghiệp cách mạng, đem những kiến thức khoa học ra xây dựng đất nước sau này thì có phải hay hơn không!

Cũng may mà chú Phiếm không tò mò xem xét trong ba lô và xách tay của tôi có đựng thứ gì, còn không thì khó mà giải thích. Tôi đi lên huyện sớm hơn một ngày để đi thẳng vào thác nước, không trình diện phòng giáo dục, để tránh những phiền phức bất ngờ có thể xảy ra.

Tôi đã sống cả năm trời dưới chế độ mới, đã hiểu phần nào những bất ổn thất thường, những chiêu bài tố cáo luận tội với chỉ một tí chứng cớ, hay hoàn toàn do vu khống. Linh mục quản xứ Thăng Thiên ở thị xã Pleiku, cha Nguyễn Trí Thước, đã bị rêu rao lăng mạ hằng ngày trên loa phóng thanh. Cha bị quản thúc 24/24 trong nhà xứ chỉ vì ôn hoà đòi lại các bất động sản của giáo hộị Tiền bạc quyên góp để xây nhà thờ chính đã bỏ vào xây dựng trường Minh Đức, bấy giờ đã bị nhà nước quản lý và đổi tên là trường Trung Học Cấp III Thị Xã Pleiku.

Hồi đó đang học lớp 12, sáng sớm nào anh em tôi cũng phải đi quanh vườn, quanh nhà, xem có gì khả nghi không, vì bố tôi đã từng đi tù cộng sản tại khu tư và làm việc với lực lượng Bảo An dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, nên bố tôi thường nói phải cẩn thận với các mánh khoé có thể thành bằng cớ để người khác buộc tội mình. Có lần tôi thấy được một khẩu súng ngắn đã cũ nằm trong hàng rào của vườn nhà tôi. Tôi vội vàng lấy bao nhựa gói kỹ và liệng xuống mương nước mưa bên đường. Quả nhiên trưa đó một số du kích và công an đến nhà tôi, đi xục xạo trong vườn nhưng chẳng tìm được gì. Họ hỏi kỹ lắm nhưng bố tôi, đã già, cứ nhất mực nói là bố tôi chẳng biết gì! Tôi lúc đó ở trường học nên khi về nghe bố mẹ tôi kể, tôi sợ điếng người, nhưng việc tôi làm càng ít người biết thì càng dễ dàng cho mọi ngườị

Tôi ngồi trên mui xe đò đi vào huyện Chư Pah mà lòng băn khoăn với những điều tôi bất đắc dĩ dấn thân vào. Hy vọng là hai người bạn mới biết chịu khó chờ, và nếu có bị bắt họ cũng không khai báo gì. Tôi nôn nao muốn gặp lại Du, tôi cũng bâng khuâng không ít khi nghĩ về Nhung, Hải, chú Phiếm. Hình như là chuyện tình tay ba, tôi đang đóng vai người thứ tư trước mắt mọi ngườị Cũng cảm thấy khó xử. Chủ quan mà xét, tôi thấy Nhung, và cả gia đình Nhung nữa, dành nhiều tình cảm cho tôi, nhưng chuyện tình yêu mấy ai mà rành rọt.

Tôi muốn mở phong bì của Nhung cho tôi để đọc ngay, nhưng đường đi gió bụi mù nên tôi giữ nguyên trong ba lo^. Hành trang mới của tôi đó, một hành lý bí mật sẽ gắn tôi vào cuộc đời Nhung, Hải và chú Phiếm! Chiếc xe đó cứ dồng dềnh chạy trên con đường đất đầy ổ gà, bụi mù. Những hàng cây cúc qùi vàng bên đường bị lớp bụi đất đỏ phủ lên hoa, lá trông đến thảm thương. Tôi mong một cơn mưa lớn rửa sạch lớp bụi đỏ, để cho hoa lá tươi sắc màu, để con đường hoa quì thêm đẹp và thêm thơ mộng.

Khi xe tới trạm dừng ở xã B 9 thì trời đã xế trưa. Tôi mặt mày lem lũ, khoác ba lô và xách tay đi vào làng Plei Nang, cách thác nước chừng một tiếng đi bộ. Tôi là giáo viên chuyên trách ai cũng biết nên chẳng ai nghi ngờ việc đi lại của tôị Tôi ghé lại chỗ cô giáo Hạnh, bạn thân của cô giáo Liễu, gởi lại cái xách tay, nói tôi sẽ ghé lại buổi tối hoặc sáng hôm sau, bây giờ tôi phải kịp lên làng khác.

- Quang lúc nào cũng bận! Sao không ở lại đây tối nay rồi mai đi được không?

Ở lại làm sao được khi có hai người có lẽ đang nôn nóng chờ tôi dưới thác nước. Thời giờ là vàng bạc, nhưng thời gian chờ đợi trong lo âu còn quí hơn ngọc ngà châu báu nữa, chậm một giây cũng có thể nguy cơ tới tính mạng mà. Tôi đâu nhẫn tâm để người ta phải sống trong cảnh hồi hộp đó. Càng rời nơi này sớm chừng nào hay chừng đó!

Tôi biết cô Hạnh muốn tôi ở lại chơi, để cô biên thư cho anh Đoàn, một giáo viên, đang dạy ở B 8, cách làng Nang khoảng 3, 4 tiếng. Để tránh sự nghi ngờ của cô Hạnh, tôi nói với cô:

-- Thôi chị viết thư cho anh Đoàn đi, Quang chờ! Quang sẽ đưa thư cho anh, và tối nay ngủ tại đó. Sáng mai Quang về thế nào anh Đoàn cũng sẽ viết thư cho chị!

-- Quang sao hiểu tâm lý người ta quá! Thảo nào không làm chuyên trách một cách mau :Dng!

-- Mèo mù đớp cá rán đó chị! Tại Quang may mắn học tiếng Thượng với anh Ít đó! Thầy giỏi thì trò nhờ đó!

-- Để Hạnh nấu cơm chiều ăn xong rồi Quang đi!

-- Thôi, khỏi đị Quang chờ chị viết thư xong là đi, chứ không tối mất!

-- Ừ vậy để Hạnh ngồi viết thư cho anh Đoàn liền!

Trong khi cô Hạnh ngồi viết thư, tôi đi vòng ra ngoài trường học, gọi là trường chứ thật ra chỉ là một phòng có bàn ghế thô sơ làm bằng cây bằng tre, nứa, đủ chỗ cho 30 người thôi. Ban ngày dân làng đi rẫy, mang theo các em, nên giáo viên siêng thì soạn giáo án, soạn bài lên lớp, hoặc siêng hơn nữa thì đi theo dân làng lên nương phụ làm với người ta, giảng giải về cách thức trồng trọt của người Kinh. Cái này tôi đã làm theo trực giác và đã rất thành công, chứ không đòi hỏi các giáo viên phải rập khuôn làm theo. Việc gì cũng vậy, mình phải tuỳ thuộc tình hình mà biến chế, canh tân. Ông bà chẳng phải nói, "Nhập sông tùy khúc, nhập gia tùy tục" đó sao?

Tôi ghi nhận sơ qua về tình trạng bàn ghế. bảng, lớp học, rồi trở lại nhà cô Hạnh. Cô Hạnh viết thư đã xong, mắt cô long lanh:

-- Quang nhớ chờ anh Đoàn hồi âm nhé! Sáng mai về mà không có thư anh Đoàn, Hạnh nhéo Quang sứt tai!

-- Trời ơi, chị nhờ người ta, mà lại còn hăm doạ nữa!

Cả hai giáo viên chúng tôi cười vang. Đàn chim đang đậu trước sân nhà giật mình tung bay vù lên câỵ Tôi vội vàng từ giã cô Hạnh, khoác ba lô chứa đầy những vật dụng, thức ăn cần thiết cho hai người bạn mới đang chờ dưới thác nước. Chắc giờ này họ đang nóng lòng chờ đợi, không biết là tôi có trở lại hay không? Tôi mong muốn họ được vạn sự bình an, tuổi thanh niên chúng tôi đã mất mát quá nhiều, tôi không muốn thấy tuổi trẻ của chúng tôi bị sa lầy trong tuyệt vọng. Phải có một lý tưởng để sống, cho dù đó là một sự ra đi bấp bênh, cho dù đó là một lý tưởng khó thành đạt, cho dù đó là một tình yêu trong cảnh khó nghèo, như những người bạn đồng nghiệp của tôị




Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

XIV


Tôi lầm lũi đi trên đường mòn, gọi là đường mòn vì đã có người đi trước thôi, chứ lối đi chỉ đủ một người đi. Nếu hai người đi chung, thì một người phải đi đằng trước, một người đi đằng sau, chứ không thể đi song song được. Cỏ cao vượt cả đầu, giống cỏ này theo người Thượng họ kể, xuất hiện từ thời Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, nên họ đặt tên là cỏ Mỹ. Nó mọc nhanh, cao vượt cả đầu, trong vòng mấy tháng. Trong chiến tranh, du kích hay bộ đội không để ý, cứ tưởng ẩn núp trong những lùm cỏ này là an toàn thì lầm to. Đám cỏ này có thể che khuất bạn, tạo cho bạn một cảm giác an toàn sai lạc vì chúng là chất liệu dẫn lửa nhanh :Dng một khi bom cháy (napalm) thả xuống hay những tay học lối hỏa công trong Tam Quốc Chí thì dẫu Tào Tháo có giỏi cũng chạy đàng trờị

Tôi rời đường mòn, rẽ xuống suối để đi tới thác nước, nơi giao điểm hẹn của tôi và các anh Trung, Tâm. Nắng chiều đã chênh chênh. Khi tôi tới lòng thung lũng, đi ngược lên tới thác nước thì bóng đã mờ vì cây cối trên cao che khuất, tạo một cảm giác gờn gợn trong tôị Không biết các anh ấy ra saỏ Có còn chờ tôi hay đã ra đi hay bị bắt rồị Dù chỉ còn mười phút nữa là chúng tôi có thể gặp nhau, nhưng tôi thấy lòng hồi hộp chi lạ. Không biết có phải vì tôi đang làm một việc nguy hiểm cho nghề nghiệp hay đời sống bản thân của tôi không mà tim tôi tự nhiên đập thình thình hay vì linh tính báo trước cho tôi một điều gì sắp xảy rạ

Tôi hồi hộp quá. Thông thường, khi đi băng rừng lội suối một mình tôi không có cái cảm giác lạ nàỵ Đã biết đây là lần đầu tôi làm một việc nguy hiểm, nhưng đây là một việc nguy hiểm có tính toán, với lòng trắc ẩn giữa con người với con người trong cảnh hoạn nạn, trước cảnh ngộ chung của đất nước. Tôi không thể bàng quan trước cảnh cần cứu mà không cứụ Tim tôi đập thình thịch. Nguy hiểm như rình mò đâu đâỵ Tôi nhìn quanh quất. Chẳng thấy bóng aị Vẫn theo thói thận trọng có sẵn, tôi bỏ ba lô xuống, dấu trong bụi rậm, rồi ra cạnh suối, cởi quần áo để trên bờ, chỉ còn mỗi chiếc quần đùi, nhảy ào xuống suốị

Chỗ này, gần thác, suối mở rộng ra như một hồ con, nước không chảy xiết như phiá dưới khi giòng suối thu hẹp. Tôi định bơi nơi này năm mười phút rồi lặn xuống nước lại gần thác nước để vào điểm hẹn sau khi chắc chắn không có ai rình mò quanh đâỵ Tôi mà bị bắt quả tang với hai người vượt biên thì tiêu tùng chức vụ giáo viên chuyên trách, tiêu tùng tương lai, tiêu tùng hy vọng giấc mộng thi vào đại học để phục vụ quê hương sau này của tôị Nếu bị bắt, không bị bắn cũng bị cầm tù.

Tôi đang bơi thì đột nhiên có tiếng người gọi lơ lớ tiếng Thượng:

-- Này anh kia, lên đây chúng tôi hỏị

Giật mình tôi ngẩng đầu nhìn lên bờ. Ba anh bộ đội đang cầm súng AK lăm le trên bờ. Thì ra linh tính tôi đã báo trước những điều bất ổn. Tôi hít một hơi dài rồi thong thả bơi, tim đập rối bờị Tôi cố điều hoà hơi thở khi bơi vào bờ. Rồi bình tĩnh đứng lên đi tới gần khi tới chỗ nước cạn:

-- Chào các anh, em tên Quang, không phải người Thượng. Em là giáo viên chuyên trách vùng nàỵ Đi công tác mệt nên ghé xuống suối tắm một tí trước khi đi lên B 8.

-- Đồng chí có giấy tờ chứng minh gì không?

-- Dạ có, để em lấy cho các anh coi, trong túi quần của em kia kìa.

Tôi đang định cúi xuống rút giấy tờ trong túi thì bị một anh bộ đội chận lạị

-- Đứng yên, để tôi lấỵ

Hai anh bộ đội kia đứng kè kè với hai khẩu AK. Trời phù hộ làm sao đó, lúc này tôi đã hoàn toàn bình tĩnh để đối phó với bất kỳ hiểm nguy nào. Cứ bình thường trong hoàn cảnh này tim tôi loạn xa, mặt chắc xám ngắt không còn giọt máu, nhưng lúc này tôi tự nhiên không còn mảy may lo sợ. Việc gì đến sẽ đến không thể hồi hộp lo sợ tạo cho người khác nghi ngờ mình được, phải tuỳ cơ ứng phó thôi. Tôi nhủ lòng.

Anh bộ đội cúi xuống rút trong túi quần chiếc ví da của tôi, rút ra giấy chứng minh nhân dân có hình đã làm sau khi miền Nam bị tiếp quản. Hình chụp mới một năm nên vẫn còn giống y chang. Anh đưa cho hai anh bộ đội kia xem giấy chứng minh nhân dân của tôi rồi coi tiếp tờ giấy chứng nhận là giáo viên trong huyện Chư Pah, cộng thêm giấy chứng nhận tôi là giáo viên chuyên trách trong các xã B 8, B 9, B 10, B 11 và B 12 trong huyện. Hai tấm bài sai màu vàng nhạt có dấu triện của phòng giáo dục huyện đang nằm ở B 9 với chữ ký của anh Trần Quang Nhật khi tôi về thị xã đã đi bọc nhựa cẩn thận bây giờ trở thành bùa hộ mạng của tôị

Ba anh bộ đội gật gù hỏi chuyện, hỏi tôi đã đi công tác bao lâu, đã đi những nơi nào trong vùng nàỵ Như trúng tủ, tôi thật thà nói hết. Tiếng Thượng bập bẹ thuở xưa của tôi giờ này như đã chuyên nghiệp có bao nhiêu tôi phăng phăng ra lác mắt ba anh bộ đội nàỵ Tôi kể chuyện băng rừng vượt suối, đi từng làng tham quan và giảng dạỵ Tôi hỏi:

-- Các anh có phải đóng ở B 11 không?

B 11 có một căn cứ bộ đội hồi tôi ở làng Tung Reng đã ghé qua, giúp dân Thượng buôn bán gà. Lúc đó tôi có quen Thượng Uý Minh là C trưởng ở đó. C có lẽ tương đương đại đội, C trưởng giống như đại đội trưởng.

-- Đồng chí biết căn cứ chúng tôi ở B 11?

-- Dạ em có tới căn cứ đó cách đây vài tháng trước. Có quen Thượng uý Minh là C trưởng ở đó!

Một anh bộ đội vỗ vai tôi:

-- Thế đồng chí là người nhà với bọn này rồi.

Tôi mừng rỡ hỏi:

-- Chú Minh bây giờ khoẻ mạnh không?

-- C trưởng ấy à, lúc nào đồng chí ấy chẳng khoẻ! Bọn tớ mới bổ xung, cho ít đồng chí về phục viên. C trưởng còn phải ở lại nên ông ấy bực mình lắm!

-- Thì trước sau gì chú ấy cũng được về phép mà! Bây giờ thời bình rồi chứ đâu còn chiến tranh nữa mà lo không có ngày về.

-- Chưa biết, đồng chí ạ. Không chừng bọn mình phải vượt Cam-pu-chia! Tuần trước có một số đồng chí được lệnh đi tới bên giới Cam-pu-chia và Thái Lan để vẽ bản đồ chi đó. Nhà nước mình hoạch định kỹ lắm không biết bao giờ bọn mình mới được về Bắc lạị

-- Các anh về không được, thì gởi thơ về đưa gia đình sang đâỵ Trong Nam đất còn rộng. lại phì nhiêu, gia đình các anh vào đây vừa tiện vừa có dịp vươn lên đó.

-- Thì cũng nằm trong chương trình định cư của nhà nước. Đất trong đây màu mở mà chưa khai phá hết, uổng quá! Ngoài Bắc, cả tới nghĩa trang cũng trồng khoai, sắn ... Trong đây phí thật!

Chúng tôi chuyện trò vui vẻ ngay cạnh bờ suối hỏi tên tuổi từng người. Ba anh bộ đội Lý, Tiến, Công đều mới gia nhập bộ đội trong năm 1975 trước chiến dịch Hồ Chí Minh, chưa kịp vào Nam thì tin chiến thắng đã về tới Bắc nên các anh cũng được thơm lây chứ chưa hề nổ súng hay thấy chết :Dc trong trận mạc lần nào nên tính tình cũng còn hiền hoà. Tôi tìm ra nguyên do các anh ấy vì sao đi tới đâỵ Họ đi săn nai rồi bị lạc. Tôi mừng thầm.

-- Đi săn nai mà các anh xuống suối này thì không xong rồi. Các anh phải đi về phiá B 8, đọc con suối Ea Rong, thoai thoải không thụp hẳn như ở đây! Đố nai nào xuống uống nước nổi ở đâỵ

Ba anh mừng rỡ ra mặt, hỏi kỹ tôi đường lối đi làm sao. Tôi chỉ nhưng họ cũng mù mờ. Tôi phân vân không biết có nên dẫn họ đi tới suối Ea Rong không, nếu đi thì có thể lấy thêm ít tin tức có lợi cho cuộc vượt biên của hai anh Trung và Tâm, và nếu đi thì có nên lấy ba lô đi theo không? Tôi quyết định:

-- Trời chiều rồi, để em đưa các anh tới suối Ea Rong nha!

Tôi đưa ba anh ấy đi mà không ngoái lại nhìn cái ba lô của tôi đang dấu kín trong bụi rậm tí nào. Tôi còn kịp giờ để trở lạị Từ chỗ này tới Ea Rong chừng nửa tiếng, nửa tiếng đi lại đây vẫn còn kịp chưa tối . Không chừng đêm nay tôi phải nằm ở lại đây, lại phải một đêm hồi hộp nữa. Đã phóng lao thì phải theo lao. Tôi hăng hái vui vẻ dẫn ba anh Lý, Tiến, và Công đi Ea Rong.






Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

***Chương XV***


Đi săn là một kỳ thú. Ở các nước tiên tiến, có luật lệ đàng hoàng. Đi săn phải có giấy có giấy phép và phải theo đúng mùa để hạn chế việc giết thú vật. Ở Hoa Kỳ, mỗi người chỉ được phép bắn chết hai con nai trong một năm, mặc dù nếu biết đường đi của nai, thợ săn có thể rình rập mỗi đêm bắn hoài chẳng hết. Nhờ vậy mà nai hoãng sinh sôi nảy nở khá nhiều. Có những nơi nai hoãng quá nhiều ban đêm đuổi nhau chạy nhảy vượt cả xa lộ đụng cả vào xe hơi gây án mạng nên trên những nơi thường có nai hoãng chạy qua, đều có bảy báo hiệu canh chừng với hình con nai vươn vó nhảy với hàng chữ "Lối Nai Qua" (Deer Crossing).

Ở Việt Nam bấy giờ chưa có luật săn, ai có súng, gần rừng thì cứ vào rừng mà săn, săn thỏ, săn nhím, săn khỉ, săn heo rừng, săn nai, săn trâu rừng,săn hổ để lấy da và xương nấu cao hổ cốt, cũng như bất cứ mọi giống gì có bốn chân, có khi săn cả voi.

Săn voi thì phải nhiều người đi cùng và có người quản tượng cỡi voi đã thuần thục để đuổi. Thịt voi dai nhanh nhách ăn không ngon nên thỉnh thoảng người thượng mới săn voi một lần. Vì voi không đẻ hằng năm, voi có bầu cả ba năm mới sinh.

Săn hổ thì đem dê heo cột vào một gốc cây dùng cành cây chắn lối vào ở ba bên chỉ để một lối đi và đào một hầm sâu có đặt chông để khi cọp rơi xuống thì bị chông cắm chết hoặc bị thương không thể nhảy lên được rồi phủ cỏ lá lên trên mặt hầm. Dê heo rừng đêm khuya hoặc do sợ hãi vì chỗ lạ, hoặc do bẩm tính thiên nhiên biết đánh hơi cọp réo la sợ hãi. Cọp nghe và đánh mùi được lại gần thế là rơi xuống hố.

Thường khi đi săn đêm với đèn pin gắn trên trán để tìm thú vật vui hơn vì khi mình ngó quanh hễ đèn pin bắt được đôi mắt nào thì phản chiếu lại ngaỵ Phải cẩn thận, mở cò súng, và nhắm bắn cho nhanh. Nếu gặp đôi mắt đỏ thì phải tìm một gốc cây gần đó vì mình đã gặp ông thần rừng rồị Hễ âm thanh vừa phát ra là ông ba mươi theo bản năng tự vệ sẽ phóng tới. Người thợ săn không rành rẽ sẽ bị cọp giết chết. Người rành thì núp sau gốc cây để khi cọp phóng tới đụng thân cây mà chết. Thông thường nếu mình không làm gì, cọp sẽ tự động bỏ đị

Heo rừng ở cao nguyên rất nhiều, mùa săn heo rừng thường là dịp mùa lúa mùa khoai sắn. Đi săn heo rừng phải cẩn thận, bắn phải trúng ngay đầu cho heo rừng chết ngaỵ Có một lần tôi gặp một người Thượng đã bị heo cắn nát cả chân. Hỏi chuyện ra thì còn kinh khủng hơn. Anh ta đi săn cùng một người khác. Cả hai bắn một con heo rừng to, heo không biết vì sao không chết. Các anh theo vết máu rơi trên đất để tìm. Bất ngờ con heo bị thương nấp ở đâu đó phóng tới húc chết một người bạn đồng hành rồi tấn công anh ta. Lúc heo tấn công anh bạn, anh này đã hoảng hốt không dám bắn vì sợ lạc đạn, đến khi heo giết chết anh kia chỉ trong chốc lát rồi nhào sang anh cắn chân thì anh chỉa súng bắn chết con heo rừng.

Săn nai thì khoẻ hơn. Nếu là mùa khô, thì ra vùng cỏ tranh đã bị đốt cháỵ Ban đêm nai thường ra đó để ăn tro vì tro có vị mằn mặn thay cho muối. Còn những khi khác nên tìm đồng cỏ hoặc dọc theo con suối thoai thoải vì nai xuống uống nước.

Suối Ea Rong là nơi lý tưởng để săn nai. Tôi đã có dịp đi săn đêm với dân làng. Đêm đó chúng tôi ba người bắn được ba con nai cùng một lúc vì nai thường đi theo đàn. Ba con nai nhìn ánh pin như bị ăn đèn cứ đứng sững nhìn chúng tôi. Như cùng hẹn chúng tôi cùng nổ súng một lúc và giết được cả ba. Ba con nai to thì đố mà khiêng nổi, chúng tôi khiêng một con về, còn hai con kia kéo vào lùm cây dấu đi, rồi sáng hôm sau gọi dân làng ra khiêng về.

Người Thượng có một phong tục rất hay là khi giết được những thú vật lớn như heo rừng, nai đều chia đều cho tất cả đầu người trong làng từ lớn tới bé không trừ một ai, người săn thì được giữ thêm cái đầu và đuôi còn phần chia cũng như phần chia của bất kỳ người nào. Săn thỏ hay những giống vật nhỏ thì được giữ hết.

Tôi vừa dẫn ba anh bộ đội trẻ vừa kể chuyện săn vừa hỏi tình hình biên giới để biết đường giúp đỡ anh Trung và anh Tâm. Nói chuyện quên cả nỗi lo, bốn người chúng tôi đến gần suối thì tôi dơ tay suỵt nhỏ bảo mọi người nằm xuống. Gần suối có một con nai to đang ngẩng lên nghe ngóng. Chúng tôi đang ở đầu gió nên bị nai đánh hơi phát lộ.

-- Nằm yên, lên đạn sẵn sàng!

Cả ba anh bộ đội cùng nhắm, tôi nói khẻ:

-- Nhắm bắn vào ngay trán!

Cả ba anh ríu rít nghe tôi như đợi tôi ra lệnh. Mọi người ra dấu đã sẵn sàng. Tôi nói:

-- Bắn!

Tiếng súng như vang cùng một lượt chát chúa vọng trong rừng chiềụ Con nai quỵ xuống vì phải đạn. Chúng tôi lại gần xem thì chỉ có một phát đạn ngay trán, còn hai viên kia đạn lạc đi săn chim. Chúng tôi cất tiếng cười vang vì chẳng cần biết ai bắn trúng ai không, ba hai thơ săn làm nhiệm vụ kiếm ẩm thực đã hoàn thành sứ mạng.

Anh Lý la lên:

-- Mẹ ơi, con nai to thế này thì cách gì đưa về tới căn cứ được!

Tôi cười:

-- Một là cắt con nai ra làm ba, hai là cột chân nai lại, rồi chặt một cành cây to dài, rồi thay cứ hai anh một lượt khiêng về chứ còn cách nào nữạ

Tôi mượn con dao trên ba lô của anh Tiến đi tìm một cây thon dài chặt xuống làm đòn gánh để họ khiêng nai về. Khi trở lại thì ba anh đã cột chân nai sẵn sàng. Xỏ đòn cây vào và hai gánh ghé vai gánh lên:

-- Chao ơi, gánh con nai khỉ này về tới căn cứ thì hai vai chắc tê rần! Có cách nào khác không?

-- Có một cách khác là nhờ dân làng đó! Nhưng các anh phải trả công họ bằng một đùi nai hay một gì đó giá trị tương đương.

-- Thôi, đồng chí Quang đi với bọn mình đi!

-- Em cũng muốn giúp các anh nhưng em còn phận vụ của em mà! Phải chi gần thì được. Từ đây đi tới đó mất cả hơn 4 tiếng đi người không! Với con nai to kềnh càng này, các anh đi nhanh, cũng phải mất sáu tiếng!

Ba anh năn nỉ:

-- Đồng chí đi với bọn mình đi. Con nai đẹp thế này mà mất một phần tư sao được. Còn trả công họ à, bọn mình chỉ có áo quần chưa đủ mặc chứ có lương lậu gì đâu mà trả.

Tôi do dự nghĩ tới anh Trung và Tâm, nghĩ thầm, "Nhất định mình không thể đi với họ được!" Tôi bèn nghĩ ra một cách khác:

-- Các anh bỏ ra mỗi người năm viên đạn được không? Tất cả là 15 viên?

Họ nhìn nhau như dò hỏi, anh Công, tuổi lớn nhất trong ba anh bộ đội nói:

-- Được thôi, mình về căn cứ đòi các đồng chí khác mỗi người một viên là không những đủ mà còn có lời!

Tôi cùng ba anh thay nhau khiêng con nai tới làng Ea Rong. Làng Thượng ở gần con suối nào thường mang tên của con suối đó! Tôi vào tìm mấy anh du kích Thượng nhờ họ giúp đỡ ba anh bộ đội nàỵ Đạn thời bình qúi giá vô cùng. Mười lăm viên đạn có thể thành 15 chú nai hay 15 chú heo rừng nên việc tìm hai người Thượng gánh nai cho ba anh chẳng khó. Tôi bày mưu cho du kích, "Các anh đừng đi theo đường rừng, vừa mệt, vừa lâu! Chi bằng gánh ra đường B 9 cách đây chừng hơn một tiếng, đi bộ dọc theo đường xe, may ra có xe bộ đội nào đi lên đó, mình nhờ, vừa đỡ mệt vừa có đạn! Lần này, người Gia Rai là con thỏ và người Kinh là con cọp!"

Đám du kích cười ha hả vì đã từng biết tôi hay đùa với những câu thành ngữ của họ thay vì "Nah Yuan topai, nah Jrai amôông!" tôi trại ra, "Nah Jrai topai, nah yuan amôông!" Ba anh bộ đội ngạc nhiên nhìn nhau không hiểu gì, tôi giải thích, "Em đùa với họ thôi, họ đồng ý rồi! Mười lăm viên đạn là mười lăm con nai tương lai đó mà!"

Thế là không những có cách thoát khỏi phải đưa các anh bộ đội về, tôi còn tìm được bốn du kích thay phiên nhau gánh con nai ra đường lộ. Ba anh bộ đội cám ơn tôi rối rít, bảo tôi nhớ lên thăm các anh khi tôi có dịp. Tôi nói:

-- Cho Quang gởi lời thăm thủ trưởng C của các anh nhé! Nhất định em sẽ lên thăm đó!

Nguyên Đỗ
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 04-04-2004, 12:28 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

***Chương XVI***

Chờ du kích và bộ đội đi khuất rồi, tôi vội vàng đi liền, không ghé lại thăm thầy Đoàn, vì thư của cô Hạnh nhờ chuyển tôi để trong túi ba lô còn nằm trong bụi rậm. Tôi không muốn giải thích gì nhiều với thầy Đoàn hay cô Hạnh sau nàỵ Càng ra khỏi làng Ea Rong này càng sớm càng tốt. Cũng may mà thầy Đoàn ngoài giờ dạy thường nằm ngủ chứ không đi đây đó như các giáo viên khác hay tôi, chứ không thì giờ này thầy đã hỏi tôi về cô Hạnh rồi.

Thầy Đoàn và cô Hạnh gặp nhau đầu chiến dịch Xóa Nạn Mù Chữ nàỵ Cô Hạnh khoẻ mạnh bao nhiêu thì thầy Đoàn yếu bấy nhiêu, như thể là luật bù trừ. Thầy Đoàn bị bệnh suyễn, lâu lâu ngực tức, thở không được. Tôi có lần muốn chuyển thầy về gần chỗ cô Hạnh, để hai người nâng đỡ nhau, nhưng đề nghị bị bác bỏ. Phòng Giáo Dục sợ chuyện trai gái chung đụng làm xao lãng nghĩa vụ. Tôi không hoàn toàn đồng ý, nhưng tôi chưa làm chuyên trách lâu, nên đành chịu, không thể làm cách nào khác hơn.

Tôi không muốn bị khiển trách sau này, "Đã bảo mà, để họ ở gần nhau bây giờ có bầu rồi cậu tính sao?" Mất một giáo viên trên vùng xa hẻo lánh này tìm đâu một người khác thay thế? Tôi thường nhủ thầm, phải tìm cách để giúp đỡ mọi người hoàn thành công tác một cách mau :Dng và đạt chỉ tiêu.

Trong điều kiện đất nước vừa giải phóng, tôi dù là giáo viên chuyên trách được phòng Giáo Dục huyện tin tưởng, nhưng vẫn là thành phần khả nghi gia đình tham gia "ngụy quân và ngụy quyền" và là "dân đuổi Pháp quá đà" như anh trưởng phòng Giáo Dục thường bảo. Tôi thường chống chế nói rằng, "Việc đuổi Pháp quá đà là do bố mẹ em, chứ em sinh trong miền Nam! Không lẽ khép tội cha mẹ lên con cháu?"

Có khi hăng máu hơn, còn nói thêm một cách khù khờ, "Đảng và Nhà Nước bây giờ chí công vô tư đâu có vạch lá tìm sa^u, vạch rau tìm vết ai đâu!" ...

Trở lại con đường xuống thác tôi cũng lo lo thế nào ấỵ Không biết có gặp lại anh Trung và anh Tâm không hay là họ đã đi rồi. Đi mà không cẩn thận thì thế nào cũng gặp các anh bộ đội trinh thám biên giới. Phải dặn các anh ấy cẩn thận lắm mới được. Tôi nhủ lòng và thầm mong cho các anh ấy vẫn còn chờ đợi. Theo đúng hẹn thì ngày mai tôi mới tới, nhưng sốt ruột lo cho các anh đi càng sớm càng tốt, chần chừ hoài sẽ càng dễ dàng bị thất bại, ra tù vào khám như chơị

Tới gần thác, tôi rời con đường mòn và đi xuyên vào rừng thoai thoải bên triền dốc dẫn xuống suối. Đang lùi nhủi đi xuống, bầy chim mũ trắng ầm ĩ vang lên báo hiệu có ngườị Tôi giật mình, tim đập thót lên. Sau khi đứng lại hít những hơi thật dài và từ từ thở ra thật chậm tôi lấy lại chút bình tĩnh. Phải xuống thác chiều nay thôi, trước khi mặt trời lặn. Mặt trời lặn rồi thì đố mà tìm được lối đi an toàn trong khu vực này, rắn rết, vắt , :Da...

Xuống tới bờ suối, tôi nhìn quanh quất và liếc về phía bụi rậm. Ba lô của tôi vẫn còn đó, may quá đi thôi! Tôi ngồi xuống, gập mình tập thể dục cho ấm cơ thể rồi cởi quần áo ra để trên bờ, chỉ còn mặc duy nhất cái quần xà lỏn, nhảy tùm xuống nước và bơi ngược lên chỗ thác đổ để leo vào hang, chứ không dám đi lên sợ bị phát giác. Bơi thì đỡ sợ bị tình nghi hơn, có ai gặp thì coi như tôi đang bơi đang tắm thôi.

Lặn sâu xuống nước bơi hẳn vào đằng sau giòng nước đổ, tôi trồi đầu lên nhìn quanh cho mắt quen với ánh sáng lờ mờ sau làn nước. Tôi bơi gần bờ rồi leo lên mép hang. Nước đổ ầm ầm, quanh tôi chỉ là tiếng nước đổ.

Dụi mắt một hồi khi tôi lẩn vào hang rộng mờ tối sau thác nước, tôi liếc nhanh một lượt. Hang mờ tôi chẳng thấy bóng ai, giật mình lo sợ họ đã vội vã đi rồi. Đỡ gánh lo cho tôi nhưng tương lai họ có thoát được dễ dàng không lại là một chuyện khác.

Tôi tiến vào sâu hơn trong hang, thì thình lình hai bóng đen chồm lên vật ngã tôi xuống đất.

-- Mẹ kiếp, làm gì vậy?

Tôi la lên khi nhận ra hai bóng đen đó chẳng ai khác hơn là anh Tâm và anh Trung!

Hai anh cười xòa xin lỗi rối rít nói rằng hồi chiều đã thấy tôi bị bộ đội dẫn đi, hai anh định sáng ngày mai sẽ rời khỏi nơi đây, chứ nhất định không ở thêm một ngàỵ Họ đã thích nghi với đời sống rừng rồi, không còn là thanh niên thành phố nữa. Sự quyết tâm ra đi của họ đã giúp họ học hỏi thích nghi với núi rừng thiên nhiên, câu cá hái lá cây rừng để tạm sống qua ngày ...

Tôi xuống thác lặn sâu rồi bơi xuôi theo giòng suối. Sau khi quan sát bốn bề không thấy có gì khả nghi, tôi mặc quần áo lại và vào bụi rậm lấy chiếc ba lô đầy những thứ cần thiết cho anh Trung và anh Tâm. Tôi vội vàng đi vòng lên sau ghềnh thác và chui vào hang, tim cứ đập thình thịch. Đúng là hành động lén lút lúc nào cũng sợ bị bắt quả tang! Tôi phải mau :Dng dặn dò và chỉ cách xử dụng mỗi thứ trong chiếc bao lô này rồi chuồn cho mau càng sớm càng tốt!

Tối nay tôi phải ghé lại làng Ea Rong thăm thầy Đoàn, rồi sẽ đọc tờ thư dầy cộm của Nhung, trong khi chờ thầy Đoàn hồi âm cho cô Hạnh. Tôi cũng lo lo nhớ nhớ Du, không biết giờ này nàng ra sao trong làng xa ...

Nguyên Đỗ

(Còn tiếp)


Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

***Chương XVII***

Trong khi mở ba lô lấy ra những thứ chúng tôi đã sắm sửa cho cuộc hành trình của anh Trung và anh Tâm, tôi dặn dò các anh phải cẩn thận và bình tĩnh trong cuộc ra đi. Hai kẻ thù dẫn tới sự thất bại là sợ hãi và tự mãn. Sự sợ hãi làm tê liệt trí óc, vô hiệu hoá khả năng suy nghĩ của con ngườị Còn sự tự mãn làm cho ta hớ hênh, khinh thường kẻ địch hay trở ngại khiến con người thất bại không ngờ.

"Trường hợp các anh," tôi giải thích, " tự mãn có thể là khinh thường sơn lam chướng khí, uống nước suối không cần nấu sôi để bị ngã nước, sốt rét một cách không cần thiết, hay đi ngang ruộng rẫy của người Thượng, cứ bẻ bắp, hái bí bầu một cách cẩu thả, để lại dấu vết một cách quá rõ rệt, khiến họ phát giác ra ngay và thông báo cho du kích đi truy lùng kẻ hái trộm..."

Tôi nói chưa dứt thì anh Tâm ngắt lời tôi,

--Quang à, triệu chứng của sốt rét ra sao? Hôm nay Tâm thấy lạnh quá mặc dù mồ hôi nhễ nhại!

--Chết rồi, để Quang xem. Mấy hôm nay các anh có nấu nước sôi không ?

Anh Trung lên tiếng khi tôi nhìn kỹ và sờ trán anh Tâm:

--Từ lúc Quang dặn hôm trước, bọn này lúc nào cũng nấu sôi! Trước đó, thì đụng đâu, uống đó!

Tôi nói với anh Tâm:

-- Tròng mắt anh có màu vàng, trán nóng, bây giờ anh thấy trong người ra sao?

--Lạnh, răng muốn run cầm cập. Tưởng đó là phản ứng khi nhìn thấy Quang bị bắt!

-- Anh đang bị sốt đó! Các anh chưa thể đi ngày mai được đâu! Tạm thời phải ở lại đây, chờ anh Tâm khoẻ đã. Cũng may Quang có mang cho các anh ít thuốc ký ninh! Để bớt lạnh, anh có thể vò lá cúc quỳ non rồi bỏ vào miệng nuốt. Nó đắng lắm nhưng chừng vài phút sau là có công hiệu ngay! Cái này Quang học ở người Thượng.

Tôi nhìn hai anh lo ngại:

--Hay hai anh trở về, Quang có thể dẫn hai anh đi ra mua vé xe về không có gì trở ngạị Chỉ không biết ở địa phương các anh ra sao thôi, chứ xe từ đây về thị xã không có ai kiểm soát giấy tờ gì cả. Nếu cần Quang có thể làm cho các anh mỗi người một giấy chứng nhận giáo viên miền núị

Anh Tâm nói:

--Bọn này quyết tâm rồi, phải đi thôi! Không thể về được!

Tôi không hỏi tại sao, vì thấy sự quả quyết trong giọng nói của anh Tâm. Mỗi người đều có những nguyên do cho mọi việc mình làm mà chỉ có người làm mới hiểu rõ được. Tôi thấy mình đã liên quan tới các anh cũng quá rồi, không muốn làm phiền các anh. Nếu nhất định bảo các anh về rồi các anh bị bắt thì tôi chẳng biết xử trí ra sao. Mà biết thêm mà không giúp được cũng làm tôi ái ngại. Tôi nói:

--Thôi tạm thời các anh ở lại đây mấy ngày, chờ anh Tâm khoẻ đã rồi đi! Quang sẽ ghé lại thăm khi có thể, các anh tránh ra ngoài nhiều, chiều tối đi cắm câu, rồi sáng sớm đi lấy lên! Tránh ra ngoài từ khoảng 8 giờ rưỡi sáng đến 5 giờ chiều, vì lúc đó có thể gặp người đi săn. Nhớ chắn chỗ nấu bếp với 2 tấm poncho Quang mua cho các anh. Ánh lửa dễ làm bị lộ...Ï

Lấy ra hai bi-đông đựng nước, tôi dặn thêm:

--Bao giờ các anh cũng cần có hai bình nước nấu chín để nguội dùng trong ngàỵ Khi đi đường, uống mỗi lần một ít mỗi khi khát. Đừng uống nhiều, đi không nhanh và nhiều khi hết trước khi gặp suối nước. Tránh chỗ nước đọng, nên lấy nước suối chảy mà nấu sôị Lá cây rừng lâu năm rụng xuống có thể có chất độc, nước chảy thì đỡ độc hơn nước ao tù vì chất độc tích tụ. Trong rừng cũng như trên biển nước uống có thể quí hơn vàng đó, các anh phải cẩn thận nấu mang theọ

Anh Trung nhìn tôi nói:

--Quang rành về đường rừng quá! Hay Quang đi với bọn này đi!

Tôi lắc đầu:

--Quang chưa hề nghĩ tới chuyện đi, mà có nghĩ thì bây giờ cũng không thể đi được. Nhiệm vụ của Quang, không hẳn do nhà nước chỉ định, mà do chính bản thân đặt ra! Quang không thể đi đâu. Có điều Quang biết chi, thì trong thời gian còn lại Quang chỉ cho các anh biết, may ra giúp các anh thành công.

Anh Tâm nói:

--Ở lại, Quang cũng không làm được gì đâu. Suy nghĩ kỹ rồi nếu được Quang đi với bọn nàỵ Sang tới trại tỵ nạn bên Thái Lan, Tâm liên lạc với bà con ở Mỹ bảo lãnh cho cả ba anh em mình!

Tôi cười:

--Quang nói không được mà! Cám ơn anh! Chỉ mong anh mau khỏi để ra đi cho sớm. Hai anh ở đây ngày nào thì Quang cũng lo ngại ngày đó! Không những chỉ lo cho hai anh mà cho cả Quang và những người quen biết!

Tôi từ giã hai anh khi trời bắt đầu sẫm tối để về tới làng Ea Rông chỗ thầy Đoàn trước khi trời tối hẳn. Tôi còn muốn nói nhiều về các thứ rau rừng, trái rừng có thể ăn được, như rau mò lá xanh có hoa màu đỏ, rau giang vị chua chua, rau bột ngọt leo dùng nấu canh, hoặc xào với thịt cho thêm vị ngọt và làm thịt mềm giống như công dụng của bột ngọt mà tôi đã học được khi ở với người Thượng hoặc khi nói chuyện học hỏi với các anh bộ đội trinh sát. Tôi nghĩ thầm, "Bệnh anh Ta^m thì phải ba bốn ngày nữa mới may ra bớt, hôm nay mới ngày đầu, anh ấy còn phải sốt hai ba hôm nữa mới giảm được, phải chi mình có nghệ vàng và mật ong thì đỡ!"

Mật ong tương đối còn dễ kiếm trong làng để mua, nghệ vàng thì phải về Phòng Giáo Dục tôi có trồng một ít còn non chưa già. Nghệ vàng pha với mật ong có thể làm thuốc bổ dùng với thuốc ký ninh để trị bệnh sốt rét, chứ không dứt nọc được. Vi khuẩn sốt rét vẫn nằm trong cơ thể một khi mình đã mang bệnh đó, mỗi khi cơ thể yếu là chúng xông ra tung hoành. Tôi mang theo một số thuốc rê, lá thuốc lào phơi khô từng bó, trong ba-lo^. Tôi quyết định đi nhanh để kịp dự lớp tối của thầy Đoàn và nhân tiện hỏi những học viên trong làng xem ai có ai có mật ong không để tôi đổi, còn nghệ thì tôi chạy sang một làng xa hơn một chút nữa có cô Mai là giáo viên bổ túc hy vọng cô cũng như các cô khác có ít nghệ dùng để thoa mặt. hay vết thương để giữ da mặt nhẵn nhụi và không có vết thẹo. Dù đi nhanh, nhưng tôi vẫn không quên tìm những cây lá quen thuộc để bứt một ít làm mẫu cho các anh Trung và Tâm.

(Còn tiếp)

Nguyên Đỗ



Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


***Chương XVIII***

Khi tôi tới bìa làng Ea Rông thì trời đã sẩm tốị Thông thường thì giờ này lớp học đã gần xong, các giáo viên trên vùng cao tranh thủ lúc trời còn sáng để dạy học trước khi trời tối hẳn. Ở làng Thượng, những đêm trời không trăng, thì trời tối mịt, đi lại cũng khó khăn. Có đi đâu, phải cầm thanh củi cháy đỏ hồng đưa qua đưa lại để biết mình đi đâu và cũng để báo hiệu người khác thấỵ Nếu có đèn pin thì còn gì tốt đẹp hơn! Chỉ có những giáo viên dự liệu sẵn mới mang theo những thứ tầm thường mà thật cần thiết đó, nhưng dè sẻn chỉ dùng tới khi thật cần vì pin thời đó cũng khan hiếm.

Tôi đi thẳng tới trường chứ không ghé lại nhà thầy Đoàn ở vì đoán chắc thầy Đoàn đang dạy trên lớp. Khi tôi tới thì các học viên đang lập lại những câu thầy Đoàn đã đọc, có in sẵn trong sách, và thầy viết lại trên bảng. Bảng đen không phải bằng gỗ mà là tấm nhựa đặc biệt cắt ra dài 2 thước rộng 1 thước rưỡị Khi đi tới một làng, các giáo viên được cấp 1 bảng đen, cuộn tròn rồi cột ngoài ba-lo%5Ẹ Dọc đường nếu không có chiếu họ có thể trải ra dưới bóng mát một tàn cây để ngồi hoặc nằm nghỉ.

Những bài học này nhắm vào người Kinh nhiều hơn là người Thượng nên nặng về chính trị sơ cấp hơn là nhắm vào người Thượng đầu óc đơn sơ mộc mạc, gần gũi với núi rừng. Tôi thường nói các giáo viên cần linh động, cứ làm theo đúng giáo án, mỗi ngày một hay hai bài đã có sẵn trong sách, nhưng nửa lớp sau nên viết thêm những gì mắt thấy tai nghe hay những gì cụ thể dân làng có thể lãnh hội được thay vì những ý thức chính trị cơ bản không ăn nhặp gì tới đời sống của dân làng. Ý thức chính trị dù cơ bản nhưng cũng rất trừu tượng mà ngôn ngữ Thượng chưa đủ để diễn tả như Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Thỉnh thoảng cũng có những học viên rất nhạy bén và tò mò muốn hiểu hết ý nghĩa của những bài học, thay vì chỉ lập lại, học thuộc lòng như con vẹt, chỉ cần nhận ra mặt chữ, hỏi những câu tôi cũng ngập ngừng không thể giải thích cho họ vì vốn liếng ngôn ngữ Thượng của tôi chưa đủ hay trong ngôn ngữ của họ chưa có những từ ngữ đó. Có lần họ hỏi tôi, "Thế nào là dân chủ?" khi học tới, "Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý!"

"Dân chủ là mọi quyết định đều do dân đưa lên, dân làm chủ qua những người đại diện, đại biểu mà dân đã bầu, mà người thi hành những quyết định đó là nhà nước, là cán bộ"

"Thế chúng tôi muốn sống di chuyển như cũ có được không?"

Theo lối sống trước kia của người Thượng, họ cứ sống ba năm một chỗ rồi di chuyển đi chỗ khác, để cho gần với nương rẫỵ Trồng trọt ba năm một chỗ, không biết và không dùng tới phân bón nên đất thành cằn cỗi sau ba năm. Năm đầu họ phá rừng, đốt cây, than tro thành phân bón thiên nhiên nên lúa màu mỡ sai hạt, sắn bắp thì củ và trái tọ Họ chưa biết làm vồng trồng khoai lang ở những nơi mà tôi đã đi quạ Tôi là con nhà nông, nên hay chỉ họ những gì mà tôi biết, cũng theo trực năng mà thôị Khoai lang có nhiều điều tốt, lá có thể luộc chấm nước mắm hay muối, củ có thể nướng hoặc luộc, phơi khô để dành ... Ăn khoai lang giúp tiêu hoá, giây khoai lang già có thể cắt nấu cho heo ăn ...

Thầy Đoàn thấy tôi vào cuối lớp gật đầu chào, khi các học viên nhao nhao gọi tôi, "Nai Pơ tho Quang! Dạy học đi!"

Thầy Đoàn đi xuống, nói với tôi, "Đoàn dậy tối nay xong rồi đó, Quang dạy giùm phần cuối nha! Mấy hôm nay, cơn suyễn hành, mệt quá!"

Tôi lo lắng, "Có nặng lắm không? Anh có uống thuốc gì chưả"

"Thuốc thì mình vẫn uống, nhưng mấy hôm nay trở trời thấy mệt hơn!"

"Vậy anh về trước đi, chút nữa Quang ghé!"

"À, aanh Đoàn," tôi vội rút thư của cô Hạnh từ ba-lô đưa ra cho anh khi anh chuẩn bị về, "cô Hạnh gởi thư cho anh!"

"Cám ơn Quang!" Anh Đoàn nói mắt sáng lên mừng rỡ.

Khi anh Đoàn ra khỏi lớp, tôi hỏi các học viên, "Hôm nay đồng bào muốn học gì đây?"

"Con nai!" Họ nhao nhao nóị

"Con naỉ" Tôi hỏi lạị

"Con nai bộ đội bắn đó!"

"À, được rồi! Để tôi nghĩ một lát!" Tôi suy nghĩ làm sao phải viết cho vần, dễ thuộc rồi cầm phấn viết trên bảng:

Con nai khát nước
Xuống bờ suối trong
Súng nổ cái đùng
Con nai ngã gục

Bộ đội nhìn nhau
Họ đều lắc đầu
Con nai nặng quá
Khiêng chẳng được đâu

Vào gọi dân làng
Chia chút được chăng
Lắc đầu không được
Thì thôi chẳng màng

Bộ đội năn nỉ
Giúp cho một tí
Đạn dược chia nhau
Mọi người đồng ý

Viết xong, tôi đọc một lượt rồi giải thích ý nghĩa của từng chữ từng câu, mọi người cười hể hả. Xong đâu đó rồi, tôi đọc từng câu bốn chữ trước, rồi bảo họ lập lại saụ Tôi vừa đọc vừa đi xem từng người xem họ viết lại tới đâu, người nào viết chậm quá thì tôi viết giúp vì bài học đó dài hơn bình thường, nhưng vì nó là câu chuyện thực tế nên dân làng dễ nhớ hơn, có những âm lập lại, những âm vần dễ đọc lại có tính cách diễu một chút nên họ thích học hơn là những bài trong sách khô khan, trừu tượng.

Các học viên hỏi tại sao tôi không ở đây dạy họ ít hôm, tôi nói tôi phải về Phòng Giáo Dục và đi các làng xã khác làm việc chứ không thể ở lại một chỗ. Tôi hẹn họ khi nào có dịp tôi sẽ xin Phòng Giáo Dục cho tôi ở lại đây một tuần dạy học và sống với đồng bào, nhưng tôi dặn kỹ, "Tôi sẽ cố gắng, nhưng tôi không bảo đảm là có được hay không!"

Có mấy người nói:

-- Ờ ờ, "nai pơ tho" Quang là cán bộ lớn!

-- Tôi là cán bộ lớn, thì các bạn là nhà nước! Vậy mình đều như nhau!

Cả lớp đều cười ha hả. Tôi hỏi, "Ở đây có ai còn mật ong không ? Tôi muốn mua hoặc đổị"

--" Thầy đi theo tôi!" Một anh học viên nóị

Anh dẫn tôi tới nhà sàn của anh, đưa cho tôi một bầu nước khá nặng. Tôi mở nút bầu ra, có mùi mật ong, tôi hỏi bán bao nhiêụ Anh học viên nói, "Thầy có những gì trong ba-lo^"

Tôi mở ba lô đưa ra ít bánh thuốc lá, những thứ thường dùng chiếc đèn pin, kem, bàn chải đánh răng....

-- Tôi cho thầy mật ong, thầy cho tôi những bánh thuốc lá này!

--Được, như vậy cũng haỵ

Tôi không phải thử mật ong thật hay mật ong giả vì đồng bào Thượng rất thật thà, không pha thứ này thứ nọ vào mật ong. Mật ong nguyên chất có thể để trong bầu, trong chai đựng cả mấy năm trời mà không đóng thành đường, lúc nào cũng có mùi thơm đặc biệt của mật ong, tuỳ theo tổ ong đó làm ở rừng hoa nàọ Mật ong ở rừng hoa quỳ vàng có màu đỏ sậm, ăn nhiều mau bị say, mật ong ở rừng hoa gạo màu đỏ nhạt hơn...

Tôi mừng là mọi chuyện xảy ra thật dễ dàng kỳ nàỵ Thế là tôi đã có quà cho anh Trung và anh Tâm, chỉ cần thêm ít nghệ nữa là tuyệt vờị Tôi cầm bầu mật ong và tới chỗ anh Đoàn. Anh đang hí hoáy viết thư cho cô Hạnh. Anh không ngừng lại, nói: "" Tối nay Quang ngủ lại đây nhé!"

"Khỏi phải hỏi mà! Quang tới đây là ngủ ké với anh thôi! Anh nằm sàn hay nằm võng?"

"Đoàn thích nằm sàn hơn, nằm võng cong người, tức ngực lắm!" Thầy Đoàn trả lờị

Tôi mở bao lô rút ra chiếc võng xanh bằng vải dù đã được cấp lúc đi dạy, tôi đã nhờ Liên, em họ tôi, may thêm chiếc màn che, chắn muỗi. Khi cột vào hai cây xà lớn ở góc nhà và chui vào võng nằm, võng với màn che sẽ cong cong trũng xuống giống tổ ong, màn che bọc cả thân võng nên muỗi không thể chui vào được, và cũng chắn khói mà người Thượng đốt và dụi cho khói bay đuổi muỗi vào đầu hồi đêm. Ở Thượng quen thì không sao, chứ người mới lên vùng cao, vào làng Thượng sống thử một hai đêm thì không khỏi dụi mắt cay xè vì khói cay cay mỗi tối.

Tôi muốn mở thư của Nhung ra đọc ngay, phần thì thầy Đoàn đang viết thư dưới ánh đèn dầu duy nhất trong nhà, phần tôi đi đường cũng mệt, nên sau khi treo võng xong, xúc miệng, tôi leo lên võng, nằm nói chuyện với anh Đoàn một hồi rồi quay ra ngủ saỵ

Nguyên Đỗ

(Còn tiếp)
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 04-04-2004, 12:29 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

*** Chương XIX***


Tiếng gà gáy sáng làm tôi tỉnh dậỵ Bên ngoài trời còn tờ mờ sáng và lành lạnh. Tôi nằm rán lại trên võng, không muốn đánh thức thầy Đoàn đang nằm ngủ dưới sàn. Lợi dụng chút thời gian yên ắng này, tôi sắp sẵn trong đầu những việc cần phải làm: sang làng Ea Rung để xem cô Mai có ít củ nghệ nào không, tiện hỏi luôn tình hình dạy học bên đó để làm báo cáo...

Người Thượng trong gia đình chúng tôi trú ngụ đã thức giấc. Bà chủ nhà cỡ băm mấy đang cặm cụi thổi lửa từ những cục than hồng nhỏ còn lại từ hồi tối để nấu bữa ăn sáng. Bùi nhùi không bốc cháy ngay, khói um cả nhà làm thầy Đoàn cũng lồm cồm bò dậy, lại ho lụ xụ vì cơn suyễn lại hành. Tôi xuống khỏi võng, xếp chăn và tháo võng cuốn lại bỏ vào ba-lo^.

Mọi người trong nhà đều dậy cả rồi. Ông chủ nhà ngồi phì phò hút thuốc rê, cô gái cỡ 15, 16 tuổi đang xếp những bầu nước đã cạn vào gùi để đưa xuống vòi lấy nước đem về và tắm rửa vệ sinh buổi sáng. Hôm trước họ sài nước có lẽ hơi nhiều, nên bầu bỏ vào cả hai gùi, một gùị Cô gái nói vời người em gái cỡ 10 tuổi, "Đi gùi nước với chị đi!"

Cô gái nhỏ lắc đầu từ chối, giống như đa số những người con út được nương chiều khác, "Không đi đâu!"

Tôi cười, "Tôi giúp được không?"

Chẳng cần cô trả lời, tôi tới đeo cái gùi lớn lên vai, nhường lại cô chiếc gùi nhỏ. Cả nhà cười vui vẻ, họ chọc tôi, "Sao không nói thầy Đoàn gùi cho thầy?"

Tôi nói, "Thầy ấy ho thế kia, thì sao mà gùi nước được?"

Tôi cầm theo túi nhỏ có khăn tắm, quần đùi, lược, bàn chải , kem đánh răng và cục xà bông. Thông thường mỗi làng đều có ít nhất hai vòi nước cách xa nhau một quãng, suối dành cho nam giới ở trên cao hơn và gần làng hơn, suối dành cho nữ giới ở bên dưới và xa hơn. Họ có thể nói chuyện lớn với nhau nên cách xa nhau cỡ 100 mét hoặc xa hơn tí nữa tuỳ theo địa lý của khu vực.

Người Thượng là con cái của núi rừng, nên họ không có những ngượng ngập hay những ý nghĩ đâu đâu. Lúc tắm, họ trần truồng trăm phần trăm, cả nam lẫn nữ. Tôi ở với Thượng đã lâu nhưng chưa thể nào thoát y trăm phần trăm được, còn có vô tình nhìn thấy các cô tắm thì trong lòng vẫn bình yên không có ý nghĩ vởn vơ trần tục, có lẽ vì khung cảnh tự nhiên trong sạch của thiên nhiên chăng.

Sau khi lấy nước và tắm xong, tôi nói vọng xuống cho cô gái đang tắm với các bạn của cô, "Tôi gùi nước về trước đây!"

Tôi nghe tiếng cười ầm ĩ của bầy con gái dưới suối. Chẳng cần nghe tiếng trả lời, tôi gùi nước về nhà vì tôi phải đi tới làng Ea Rung gặp cô Mai rồi còn phải ghé lại thăm anh Trung và anh Tâm trước khi trở lại Phòng Giáo Dục. Một khi về Phòng Giáo Dục rồi, đi đây đó cũng sợ tai mắt, hay sự thắc mắc của người này người kia. Phải cẩn thận lắm mới được, tôi tự nhủ. Về tới nhà, tôi hỏi thầy Đoàn, "Hai hôm nữa anh ra Phòng Giáo Dục nha! Anh về làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu một tuần, Quang sẽ vào đây dạy thế anh."

Thầy Đoàn mắt sáng lên, mừng ra mặt. Tôi cười nói, "Một tuần trăng mật thôi nhé! Quang chưa hỏi qua ý kiến anh Nhật đâu, nhưng thấy không có gì trở ngại, vì Quang sẽ vào đây thế anh! Quang sẽ nói với anh Nhật là anh bị ho nặng quá cần phải ở gần bệnh xá huyện cỡ một tuần xem sao?"

"Quang đưa về cho Hạnh bức thư này! À để Đoàn viết thêm báo tin là sẽ về làng Kờ Mông một tuần!"

"Đừng anh! Không muốn cho cô Hạnh một niềm vui bất ngờ saỏ"

"Quang nhỏ tuổi mà sành tâm lý ghê! Quang kết cô nào là chắc chết cô đó quá!"

"Không dám! Không dám! Cho em hai chữ bình yên đi anh!"

Tôi từ giã anh Đoàn và gia đình người Thượng trước khi cô gái gùi nước về. Họ giữ tôi lại để ăn cơm, nhưng tôi nói tôi cần phải sang làng Ea Rung rồi trở về Phòng Giáo Dục nội trong ngày nên không thể ở lại được. Tôi nháy mắt với anh Đoàn và nói thêm với gia đình người chủ nhà, "Ông bà an tâm, hai ngày nữa thầy Đoàn về Phòng Giáo Dục dưỡng bệnh, tôi sẽ tới đây ăn cơm với đồng bào cả tuần cho mà xem!"

"Thật không?"

"Thật mà, ba hôm nữa tôi sẽ vào lại đây và xin ở đây với ông bà nhé?"

"Được thầy cứ ở nhà chúng tôi!"

Đường đi tới làng Ea Rung cũng ngoằn ngoèo nhỏ hẹp như những con đường mòn khác. Trời còn sớm nên sương mù còn nhiều, hơi nước từ dưới đất toả lên. Tôi lầm lũi đi theo lối nhỏ dẫn tới làng.

Khi tôi tới thì dân làng, kẻ thì đang quét dọn sân, kẻ thì đang cho heo, gà ăn. Tôi lên tiếng gọi cô Mai, "Mai có ở nhà không?"

"Có, anh Quang đó hở? Trời ơi, đi đâu mà sớm thế? Anh lên nhà chơi đi! Mai đang nấu chè đậu đen."

Tôi leo lên cầu thang làm bằng một thân cây, có đục mấy khắc để làm bậc leo. Lom khom cúi xuống vào nhà, vì lối vào nhà sàn thường thấp. Vào bên trong rồi, có thể đứng thẳng và đi lại bình thường vì mái nhà cao hẳn lên. Lối kiến trúc này có cái hay là độ nghiêng hẳn, nước mưa đổ xuống là chảy xuống đất chứ không ứ đọng dễ làm ẩm ướt và dột nhà.

Tôi nhìn cô Mai ngồi canh nồi chè mà buồn cườị Lúc cô bị cử vào đây, cô khóc lóc định bỏ việc ra về vì xa xôi quá, vậy mà chỉ mấy tháng sau cô đã thích hợp nơi này, được dân làng mến lắm. Họ đem hết thứ này thứ nọ cho co^. Ở đây buồn, ban ngày cô ở nhà với lũ nhỏ trong làng, tập hát, dạy vũ, và dạy học chữ. Những lúc rảnh cô thêu thùa và ... nấu chè. Tôi đã ghé lại thăm cô mấy lần và lần nào cũng bắt gặp cô nấu chè. Chỉ mới mấy tháng mà cô Mai trông mập hẳn ra, tôi nhìn cô chọc vui, "Trông Mai hồng hào quá!"

"Anh thấy đó, ngoài việc dạy, chơi với đám trẻ con, Mai còn biết làm gì ngoài việc nấu chè?"

"Thế áo len Mai đan hôm nọ xong chưả"

"Xong rồi, Mai đưa cho ông trưởng làng. Ông ta thích lắm, ông ta cho Mai một con heo con kìa!"

"Thế Mai lấy gì mà nuôỉ"

"Ồ gia đình ông ấy lo hết. Họ nói khi nào Mai muốn đem về thì cứ bắt đưa đi!"

"Thôi nuôi heo lớn rồi khi Mai cưới anh nào đó, giết heo cúng Giàng đi!"

"Anh nói bậy đi nhé! Mai mà ế chồng, anh có tội đó! Mai bắt thường không trả được đâu!"

"Nói gì nghe ghê thế?" Tôi trả lời, rồi thêm, "À Mai có còn chút nghệ nào không?"

"Ơi, anh Quang tính làm điệu như con gái sao, mà phải xức nghệ?"

"Điệu gì, Quang cần nghệ để làm thuốc đó chứ! Nếu còn chia cho Quang một ít, tháng sau Quang đem lên trả gấp đôi!"

"Khỏi cần, cho Mai về thị xã thăm gia đình hai ba bữa đủ rồi!"

"Tính đem heo con về khoe hở?" Tôi đùa.

"Không, Mai hết len rồi. Dân làng thấy Mai đan thích lắm ai cũng muốn Mai đan cho họ. Mấy thiếu nữ trẻ thì muốn học đan với Mai. Mai về sắm ít cây đan và ít len để đan áo và dạy đó!"

"Thật là hay! Để Quang về Phòng Giáo Dục xin xem có ngân qũi nào không, dạy đan thêu cũng là nữ công gia chánh. Tuy không có trong chương trình xóa mù, nhưng đó là động cơ thúc đẩy người Thượng học tập, học nghề... Nếu không có ngân qũi, thì mình có thể xoay sở cách khác ... Nhưng Mai cho Quang khoảng ba tuần nữa nhé! Quang lên đây dạy rồi Mai về sắm sửa những thứ cần dùng."

Ăn bữa chè ngon ơi là ngon! Cô Mai thấy tôi ăn chè ngon miệng, bảo tôi lấy hết đem về ăn. Tôi cười trong bụng. Thế thì còn gì ngon hơn nữạ Tôi có nghệ, có mật ong, có chè. Phen này đúng là trời phù hộ cho anh Trung, anh Tâm và tôi.

Tôi từ giã cô Mai, đi theo đường tắt về làng Nang, tạt qua thăm anh Trung và anh Tâm, trao cho các anh mật ong, nghệ và cà mên chè đậu đen cô Mai vừa nấu vừa ngọt vừa ngon rồi vội vàng về cho kịp xế trưa là giờ xe đò đổ khách xuống xã. Tôi không muốn phải giải thích này nọ là đã lên đây từ hôm trước mà hôm nay mới trình diện.


Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

***Chương XX***

Tôi về tới Phòng Giáo Dục lúc mọi người đã đi vắng cả, chỉ trừ chị Chức là chị nuôi của phòng. Chị nuôi, anh nuôi là danh từ miền Bắc gọi những người lo ẩm thực, nấu bếp nuôi quân trong bộ độị Chị người miền Trung, chắc khoảng ba mươi mấỵ Chồng chị đi lính Cộng Hoà, chết trận trong mùa hè đỏ lửa tại Kontum năm 1972. Tôi hỏi tại sao mọi người đi vắng hết và họ đi đâu mất rồi. Chị trả lời:

"Các anh chị trong Phòng đi họp bên huyện."
"Về chuyện gì thế, chị biết không?"
"Nghe anh Nhật nói về chuyện gì do chính em đề nghị đó!"
"À chuyện tuyển dụng các người Thượng biết tiếng Jrai để làm giáo viên và dạy tiếng Thượng cho những người lớn tuổi không học được tiếng Kinh lúc đầu."
"Đúng rồi, chị thấy anh Nhật chọc anh Ít làm lớn gì gì đó!"

Lợi dụng trời còn sớm, tôi tranh thủ thời gian đi vào làng Ea Blang thăm Du, thầy Phú, thầy Phong sau khi dặn chị Chức là tôi sẽ về ăn tối tại đâỵ Thường lệ là khi ăn hay không ăn, cần phải báo cho nhà bếp biết để nhà bếp nấu vì ăn uống có chế độ, nghĩa là có thể chế và điều độ gì đó theo cách nói của các anh chị miền Bắc. Mỗi người được cấp phát đúng khẩu phần gạo và thức ăn của mình trong tháng, xài nhiều thì sẽ thiếụ Chị Chức chọc tôi, "Liệu mà giữ hồn đấy nhé, em đào hoa vừa thôi, vừa đưa cô nào đó về thị xã, lại vào thăm cô Dụ Coi chừng ban ngày lắm mối tối nằm không!"

Tôi cười nói với chị, "Thế chị không thấy xưa nay em không nằm không đấy à?"

"Thôi đi đi, khỉ quá, cho kịp về ăn tối!"

Thôi thầm nghĩ trong bụng hôm nay tôi đạt giải quán quân về lội bộ, đi một lượt mấy làng và làm những chuyện khó mà tưởng tượng. Lỡ rồi, mà nếu có gặp lại trường hợp tương tự nào nữa tôi cũng sẽ làm như tôi đã làm. Làm sao tôi có thể làm ngơ không giúp người hoạn nạn gặp đường cùng như Nhung, như các anh Trung, anh Tâm...

Thầy Phong và cô Du còn đang dạy học, nên tôi ghé nhà thầy Phú trước hỏi qua tình hình dạy bổ túc văn hoá. Thầy Phú và tôi nói chuyện một hồi về công tác xoá nạn mù chữ, rồi tôi hỏi thầy Phú xem ở đây là làng lớn, có ai biết viết tiếng Thượng khá không, thầy cho tôi được mấy tên, tôi ghi vào sổ, coi như mục đích vào làng của tôi đã tạm hoàn thành. Người ta thường nói đừng kết hợp việc tư với việc công, tôi thì thích làm chung cả hai cho có kết quả khi có thể như vậy mới vui hơn và không ai trách cứ mình. Cuộc đời đã khổ sở, tại sao mình không đem tâm trí ra để vui trong công việc của mình chứ. Cứ lo buồn, than thân trách phận, mà chẳng làm được gì thì buồn chán mãi, sinh bệnh thôi. Khi tôi hỏi thầy Phú về cô Du và thầy Phong, thầy Phú chọc, "Chết Quang rồi đó nhé, lần này không tránh khỏi trận đòn ghen của cô Du!"

Tôi tự nhủ, đúng là thầy Phong mắc dịch lại hoa hoè hoa sói nói lung tung rồi. Tôi cười với thầy Phú mà nhói đau, "Đâu có gì đâu, Quang xem mọi người đều là bạn mà!"

"Bạn cái con khỉ, cô Du khóc mấy đêm liền kìa!"
"Chuyện gì mà phải khóc?"
"Còn chuyện gì nữa, bồ Quang từ thị xã lên tận trên này thăm Quang. Quang lại đưa nàng về, lại còn giả bộ ngây thơ nữa!"
"Ai nói Quang đưa bạn Quang về cho anh nghe!"
"Thì còn ai nữa, chính cô Du đó! Thầy Phong đưa tin về bạn Quang lên chơi, hai hôm sau thì Du ra Phòng Giáo Dục thì biết tin Quang đã về thị xã. Không đưa bồ Quang về thì về thị xã làm gì!"
"Chết chưa, thật đúng là tình ngay lý gian, Quang đưa các bạn Quang về thật, nhưng còn ít chuyện khác nữa chứ bộ"
"Nói sao thì nói, liệu có thể thuyết phục được cô Du không thì mới tài!"
"Chẳng có gì để thuyết phục cả, anh ạ!"

Ngoài miệng tôi nói như thế, nhưng trong lòng ngổn ngang. Tôi và Du rất thân thiết nhau, nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ tỏ tình với nhau, nên trong tình cảnh này, dù tôi có muốn yêu nàng, tôi cũng không nên nói, cho đến khi mọi sự ngã ngũ rõ rệt. Tôi không muốn bị người khác cho tôi là người lang chạ người này người khác. Tôi phải khác thầy Phong hay những người đào hoa khác. Đâu được để trái tim mình hoen ố vì những chuyện không đáng, đi ngược lại với lương tâm trong sạch của mình.

Tôi đi ra bờ suối chặt ít cây đót, tức là cây bông lau về làm chổi và ít hoa quỳ vàng cho Du trước khi Du dạy xong. Hoa quỳ trông rất đẹp mùi hăng hăng không có hương thơm như những loại bông khác. Cây quỳ rất dễ trồng, chỉ cần chặt cây, cắm nước cho mọc rễ là có thể trồng được. Vào mùa mưa, chặt cành quỳ rồi cắm ngay xuống đất sốp, cành quỳ cũng có thể đâm rễ và mọc lên được. Cây quỳ mọc rất nhanh, thường người Kinh chặt trồng làm hàng rào, hoặc chặt làm phân xanh. Làm phân xanh là chặt các cây hôi, cây quỳ ra nhỏ rồi ủ đất lên, sau một thời gian, hoặc trộn với phân chuồng là đồ phế thải của heo, gà, bò ... hoặc trộn với đất thường dùng làm phân chăm bón cho mùa màng rất tốt.

Tôi đưa hoa quỳ cắm trong ống tre cắt ra có thể dùng để đựng bút hoặc muỗng, đũạ.. Tôi đang loay hoay cột cây đót lại làm chổi thì lớp học xong, Du về.

"Anh Quang vào chơi đó hở?"
Tôi ngẩng đầu lên nhìn Du, khuôn mặt nàng lạnh lùng chứ không lộ vẻ niềm nở như ngày nàọ Tôi bình tĩnh nói:

"Quang mới ở thị xã lên, có quà cho Du nè! Có thư của gia đình Du nữa! Quang ghé lại nhà ba má Du, nói vì Quang về gấp quá nên không kịp vào thăm Du ở một làng mới trước khi về. Gia đình Du mọi người đều khoẻ, chị Xuân vẫn làm ở Sở Thông Tin Văn Hoá thị xã. Chị vẫn làm thuyết minh."

Tôi đưa quà, nói một hơi dài, như để thoa dịu lòng Du, nhưng không có kết quả. Du giữ nét mặt lạnh lùng, chỉ nói "Cám ơn!"

Những năm đầu sau giải phóng, nhà nước hoặc muốn tiết kiệm ngân quĩ hoặc muốn kiểm soát tư tưởng nên phim ngoại quốc thường có phụ đề như trước đây thì bây giờ các phim ngoại quốc được diễn tả qua giọng nói của các nhân viên thuyết minh. Phim Long Tranh Hổ Đấu của Lý Tiểu Long được lồng vào khung cảnh cách mạng chống áp bức chứ không còn thuần tuý như nguyên bản. Chị Xuân có giọng ấm áp nên thuyết minh rất haỵ

Tôi hỏi gì Du cũng trả lời một cách khô khan. Tôi đâm vào cảnh khó xử, nói thật thì không được, nói Nhung chỉ là bạn từ thị xã lên thăm thì cũng khó xuôị Tôi muốn phân trần nhưng phải làm sao đây, dưới danh nghĩa gì. Tôi thấy trời đã chiều chiều nên đứng dậy từ giã, hẹn mai mốt trở lại nói chuyện nhiều hơn, thì Du nói, "Khỏi cần đi, Du tự lo được mà!"

Khỏi cần nói, mặc dù đã có những lời báo trước của thầy Phú, chị Chức, tôi thấy hồn mình trĩu nặng. Tôi tự hỏi lòng mình hay là mình đã yêu và tình yêu nào cũng có những đắng caỵ Hôm nay tôi mới nếm thử hương vị đầu đó thôi mà tim tôi như đã có một mũi tên đâm thủng một lỗ lớn. Không biết lấy gì để vá víu khoảng trống đó!

" A ha, anh chàng đào hoa đã về!" Tiếng anh Nhật làm tôi giật mình khi tôi đang trầm ngâm suy nghĩ trên đường về Phòng Giáo Dục.

"Anh Nhật, anh làm em giật mình! Anh mới đi họp bên huyện về?"

"Đúng, phen này cậu phải giúp tớ hết mình nhé! Đề án của cậu đã được huyện chấp thuận rồi! Cậu và lão Ít phải lo cho chu đáo!"

Tôi cười rạng rỡ, "Nhất định thành công mà anh Nhật! Làng Ea Blang chỗ thầy Phú ở có 3 người có thể bổ xung làm giáo viên sau khoá huấn luyện ngắn! Em chắc chắn ở các làng gần thị xã sẽ tuyển dụng thêm được nhiều giáo viên vì họ thường có trình độ cao hơn những làng xa xôi hẻo lánh!"

"Chút nữa ăn cơm xong, cậu và anh Ít vào phòng tớ, mình bàn thêm! Tháng tới bắt đầu được!"

"Tháng tới, tức là chỉ còn 3 tuần nữa?"

"Đúng vậy!"

Chết thật, ba tuần nữa trong khi khởi đầu bằng số không. Dù sao, cũng hy vọng nhiều vì về phiá nhân tâm đã đạt được, còn nhân lực chắc cũng sẽ có đủ, địa lợi thì giáo viên Thượng dạy người Thượng thì phong thổ họ quen thuộc không thấy có gì trở ngại, chỉ còn yếu tố thiên thời nữa thôị Ba tuần, có quá gấp rút không? Tôi tự hỏị Không thể trì hoãn được, trì hoãn huyện họ suy nghĩ lại, cắt ngân khoản một cái là tiêu đời kế hoạch đáng làm nàỵ Tôi sẽ dốc quyết tâm để lo việc này cho tới nơi tới chốn với sự cộng tác của nhiều ngườị Tôi mừng lắm vì đây là lần đầu tiên kế hoạch đã đạt được sự chú ý của huyện với một qui mô lớn, chứ không phải chỉ ở phạm vi nhỏ.


Đêm nay tôi sẽ tự an ủi và tự thưởng mình bằng cách dưới ánh điện phòng mở và đọc bức thư dày cộm của Nhung mà tôi nóng lòng chưa kịp đọc vì quá bận rộn với việc này việc nọ. Đêm nay tôi sẽ thả hồn mình phiêu lãng trong những ngày còn đi học, còn cười đùa vui với bạn bè, với Nhung, với Hải ...

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)


Mọi người giờ này đã đi ngủ hết rồi, chỉ còn lại một mình tôi. Tôi mở bao thư dày cộm của Nhung ra. Không phải là một bức thư dài mà là một bức thư kèm theo một tập nhật ký dày cộm có hàng ca-rô nhỏ, chữ dày dặc. Tôi run lên, làm sao Nhung lại cho tôi đọc nhật ký riêng của nàng. Nhật ký là những gì riêng tư thầm kín nhất, ngay cả đối với con trai, thanh niên chứ nói chi đến một người con gái.

Tôi hồi hộp mở bức thư Nhung mới viết và đọc:



Anh Quang,

Đầu óc Nhung giờ rối bù, nhiều chuyện đã xảy ra dồn dập. May mà gặp anh, nếu không chắc Nhung bỏ mạng trên rừng rồi quá. Phải nói là chuyện tình cờ gặp trên rừng như là tiền định và Nhung rất sung sướng được gặp anh. Những giây phút chuyện trò riêng thật ngắn ngủi nhưng đủ tạo cho Nhung những hạnh phúc nhớ mãi trong đờị

Nhung có nhiều chuyện muốn nói với anh, nhưng vẫn chưa có dịp thổ lộ hết những gì Nhung muốn nói vì thời giờ gấp rút của anh, không phải lo cho bản thân anh mà lo cho những người bạn của Nhung.

Nhung cám ơn anh đã tận tình giúp đỡ Nhung và các bạn của Nhung. Nhung rất cảm động trước sự sẵn sàng đứng làm bình phong cho Nhung. Nhung từ những ngày còn học chung đã cảm phục anh rồi, dù ngại ngùng không nói theo sự e dè của con gáị Nhung có thể viết lại đầu đuôi những ý nghĩ về anh trong bức thư này, nhưng Nhung không muốn làm thế. Nhung muốn anh đọc lại nguyên những dòng nhật ký Nhung đã viết từ hai năm qua. Nhật ký này Nhung chỉ viết cho Nhung, chứ không nghĩ là có một ngày sẽ có một người khác đọc, và nhất là anh thì lại càng không phải. Trong tập nhật ký này là tất cả những tâm tình thật sự của Nhung. Nhung sẵn sàng để chia sẻ với anh chẳng phải vì ơn cứu sống mà vì Nhung muốn anh thực sự hiểu Nhung dù mọi việc còn phụ thuộc vào tương laị

Anh sẽ thấy toàn bộ con người Nhung, trần trụi với những ý nghĩ tư tưởng và hành động. Có lẽ anh sẽ giật mình khi đọc những lời viết táo bạo này, nhưng anh an tâm đọc đi. Nhung sẽ không bao giờ đòi nợ anh đâu, vì Nhung luôn luôn tin tưởng anh, như lần nào đó, anh rủ Nhung đi xe đạp lên Biển Hồ chơi riêng với anh, anh có hỏi khi hai đứa đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ, "Nhung có sợ không?" và Nhung đã trả lời, "Đi với Quang thì có xuống âm ty Nhung cũng không sợ!"

Cho đến bây giờ Nhung có thể sợ này nọ, nhưng Nhung vẫn giữ niềm tin của ngày nào: Nhung hoàn toàn tin tưởng nơi anh, dù có phải xuống địa ngục với anh Nhung cũng không sợ, huống chi chỉ là phơi trần tâm hồn của mình cho anh đọc.

Khi nào anh đọc xong rồi, anh hãy dành cho Nhung một buổi chiều để nói chuyện, để Nhung bổ sung những điều Nhung quên chưa viết hay những gì anh muốn biết. Nhung đã viết tập nhật ký đó từ giữa lớp 11 cho tới ngày Nhung rời thị xã, gần hai năm tròn. Anh sẽ thấy tên anh xuất hiện trên nhiều trang nhật ký của Nhung. Tập nhật ký là người bạn tâm sự của Nhung, và có những trang nhật ký anh có thể gọi là những bức thư tình không gởi. Bây giờ những bức thư tình đó đã tới người nhận rồi đó nha!

Nhung có yêu anh không? Nhung đã nhiều lần tự hỏi điều đó và đã viết trong nhật ký nhiều lần. Tình yêu phải có qua có lại phải không? Cho đến bây giờ tình yêu của Nhung đối với anh là tình yêu đơn phương, hay nói cho đúng hơn là tình yêu tam giác: Người yêu Nhung thì Nhung lại không yêu, và người Nhung yêu là anh thì lúc nào cũng như một người bạn, người anh chăm lo cho em gái mà không có những cử chỉ âu yếm mà một người con gái đang yêu cần cảm nhận.

Thôi anh cứ giở nhật ký Nhung ra đọc rồi cho Nhung biết anh nghĩ gì nhé! Nhung nhất định sẽ không bắt anh phải trả nợ Nhung đâụ Mong anh giữ gìn cẩn thận và bình an.

Thương,

Nhung
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 04-04-2004, 12:30 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

*** Chương XXII ***


Tôi đã thức thật khuya đọc gần hết nửa tập nhật ký của Nhung. Nàng bạo thật, dám để tôi đọc hết cả tâm tình ý nghĩ của nàng. Tôi đã định đọc hết nhưng đêm đã quá khuya, đành tắt đèn leo lên giường ngủ vì tôi còn nhiều chuyện phải làm ngày hôm saụ Tôi nằm trằn trọc suy nghĩ mông lung không biết thiếp đi tự lúc nào.

Khi thức dậy thì trời đã sáng hẳn và mọi người trong Phòng Giáo Dục đã chuẩn bị ăn sáng. Tôi xúc miệng vội vàng rồi xuống phòng ăn. Vừa bước vào thì mọi người đã nhao nhao:

"Sao đêm qua thức suốt đêm hay khóc nhớ người yêu ở thị xã mà mắt sưng sưng vậy?" Chị Chức hỏi.

"Lại muốn về thị xã phải không? Những người yêu nhau đâu muốn rời nhau bao giờ!"

Tôi chỉ cười trừ, kéo ghế ngồi vào bàn. Tối qua sau bữa ăn tối anh Nhật, anh Ít và tôi đã bàn thảo một kế hoạch chung, tôi đã nói với anh Nhật cho tôi hai tuần để soạn thảo chương trình huấn luyện chi tiết hơn để hướng dẫn các giáo viên mới. Trong thời gian đó, tôi và anh Ít đi một số làng xã khác nhau để kêu gọi những người biết chữ Jrai để dự vào khoá huấn luyện sắp tới. Nhà anh Ít làng Thượng sát thị xã Pleiku nơi có rất nhiều người Thượng đã đi học ở các trường người Kinh trước năm 1975 nên anh sẽ về đó và các xã lân cận để chiêu tập giáo viên mới. Còn tôi sẽ phụ trách các làng xã phiá Tâỵ Tôi thưa với anh Nhật là tôi sẽ chọn làng Ea Rông làm trụ sở của tôi chừng 10 ngày để đi tới các làng xã lân cận, để cần gì thì anh Nhật có thể liên lạc với tôi ở đó. Còn tuần cuối cùng anh Nhật, anh Ít và tôi sẽ chọn lọc các người Thượng có thể làm giáo viên và thông qua dạng cuối cùng của chương trình huấn luyện cho phù hợp với chỉ tiêu và phương án hoạt động của Phòng Giáo Dục.

Tôi cũng xin phép anh Nhật chuyển thầy Đoàn về dạy thế cô Liễu một tuần để cô Liễu về phép như tôi đã hứa. Phần tôi, tôi sẽ thế thầy Đoàn dạy học mỗi tối, nên không có gì trở ngại, còn ban ngày tôi sẽ đi liên lạc các nơi mà tôi biết có người khả năng để thu dụng làm giáo viên cũng như soạn thảo chương trình huấn luyện. Anh Nhật cũng dễ dãi nói, "Cậu tính sao cho kế hoạch thành công là được rồi, còn mấy chuyện nhỏ cậu tự lo, không phải thưa trình gì hết!"

Bữa ăn sáng thật vui, ai cũng hỏi chuyện thị xã, chuyện tôi và Nhung. Tôi trả lời kỹ lưỡng về những gì tôi có thể nói mà không sợ trục trặc sau này, còn những vấn đề tế nhị liên quan tới Nhung và những người khác tôi chỉ trả lời cho qua, nửa kín nửa mở, vô thưởng vô phạt. Tôi cũng báo với chị Chức là từ trưa nay tôi sẽ không ăn cơm ở Phòng Giáo Dục nữa vì tôi phải đi công tác các làng xã khoảng hai tuần. Anh Nhật gật đầu vì anh đã biết từ đêm qua. Anh nhìn anh Ít, hỏi:

- Còn ông Ít, chừng nào định đi?

Anh Ít trả lời:

- Ngày mai anh, tôi còn cần làm xong một số chuyện trước khi đi.

- Ông ráng lên nhé, kỳ này gánh nặng nằm trên vai ông và cậu Quang đó.

- Anh và Quang chỉ đâu tôi đánh đó, tôi không quen với chức vụ nặng đâụ

- Kệ đi, ông Ít ạ! Làm việc gì rồi cũng quen, ông ráng lên! Không chừng Phòng Giáo Dục có thể thêm một phó phòng đặc trách Bổ Túc Văn Hoá cho người dân tộc. Chức đó phải giao cho ông.

Mọi người nhình anh Ít kinh ngạc, chỉ riêng anh Nhật và tôi thì đã biết là bên huyện uỷ đã đồng ý rồi, chỉ còn chờ tỉnh ủy đồng ý thôi, mà về người Thượng thì không ai trong huyện có khả năng hơn anh Ít dù anh ít nói. Cũng may mà anh đã là đảng viên một năm rồi nên phần lý lịch cũng không đến nỗi nào.

Muốn trở thành một đoàn viên thanh niên cộng sản, ứng viên phải có lý lịch tương đối trong sạch dưới mắt cộng sản và có hai đoàn viên đề nghị sau khi đã làm đối tượng đoàn ít nhất một năm. Trong thời gian làm đối tượng đoàn, ứng viên phải triệt để thi hành những công tác mà Đoàn giao phó. Để trở thành đảng viên, ứng viên phải là đoàn viên thanh niên cộng sản ít nhất ba năm, và được hai đảng viên bảo hộ để trở thành đối tượng đảng ít nhất một năm. Đối tượng đảng được đi họp những phiên họp phóng khoáng của Đảng và thi hành những công tác Đảng giao phó. Sau một năm là đối tượng đảng, ứng viên đó sẽ được các đảng viên truy xét và quyết định riêng trong một cuộc họp đặc biệt. Có những người chỉ làm đối tượng đảng gần nửa một đời người vì gia đình còn có những vết nhơ lý lịch hay vì một lý do nào đó.

Trường hợp anh Ít tôi không rành vì anh cũng không nói nhiều về anh và anh đã là đảng viên trước khi tôi lên công tác trên huyện. Dù có là đảng viên hay không, anh Ít đối với tôi thật xứng đáng là người anh. Tôi mang ơn anh Ít rất nhiều. Trong bao nhiêu lần nói chuyện, anh không hề mang tư tưởng chính trị ra nhồi sọ tôi. Nếu tôi không biết anh, tôi có thể xem anh như là người quốc gia nữa. Tôi cũng biết thời gian đầu nhà cầm quyền mới rất cần những người cộng tác nên thể lệ có thể lỏng lẻo một tí. Với ai thì không biết, chứ với tôi, tôi rất mong anh Ít giữ chức vụ Phó Phòng Giáo Dục lo về Thượng vụ vì còn ai rành rẽ người Thượng và nhu cầu người Thượng như chính người Thượng.

Ăn xong tôi xuống bếp lãnh tiêu chuẩn gạo cho 2 tuần. Chị Chức đong gạo cho tôi, dịu dàng nói: "Em mới về thị xã lên chưa được nghỉ ngơi sao lại vội vàng đi xa rồỉ"

Tôi cười, " Chị đừng lo, em đi em lại về! Hơn nữa, em thích sống trong làng để học hỏi những điều hay nơi người Thượng mà! Ở đây gần mặt trời, nóng lắm!"

- Cái thằng khỉ, anh Nhật là mặt trời sao? Chị mách lại với anh Nhật bây giờ?

Tôi trả lời một cách tỉnh queo:

- Anh Nhật không phải là mặt trời, thì chị không phải mặt trăng! Không phải là chị ỷ giữ chức chị nuôi, nấu gì em phải ăn nấy sao?

- Khỉ quá, chị sợ em rồị Mà đi vào làng em nhớ ăn uống cẩn thận.

- Chị đừng lo, chị ở lại, lo tưới rau và cho gà ăn giùm em. Có lấy bao nhiêu trứng, nhớ ghi vào sổ để trả nợ cho em sau này đó nha!

- Này bộ tính làm tiền đó hở? Chứ xưa nay em lấy trứng đãi cả phòng có ghi sổ bao giờ đâu?

- Trước khác, bây giờ khác, không được sao?

- Ừ chị ghi sổ cho, may ra anh Nhật cảm động cho em về thị xã nhiều hơn để thăm người yêu mới? Mà còn cô Du thì sao?

Tôi ngẩng mặt xoay qua chỗ khác tránh cái nhìn soi mói của chị Chức, nói bâng quơ:

- Chuyện tương lai rồi tương lai sẽ biết! Chị lo làm gì! Sợ phải mua quà cưới cho em ho*? ?

- Chao ơi, em lại bí mật cả với chị à? Nhà nghèo, nhưng quà cưới thì có bao nhiêu!

- Nhớ đó nha, tới lúc đó chị đừng kiếu là bận này bận nọ.

Tôi lên làng Kờ Mông gặp cô Liễu ngay sau đó. Cô Liễu mừng lắm, vì cô chỉ hy vọng được nghỉ ba ngày, tôi lại cho cô đi tới gần một tuần. Tôi dặn kỹ càng:

- Tối nay Liễu dạy và bảo với dân làng là thầy Đoàn sẽ tới đây dạy thế Liễu khoảng một tuần vì Liễu được phép về thăm gia đình. Sáng mai Liễu có thể ra xe đi về trước khi anh Đoàn tới đâỵ Anh Đoàn đã biết nhà Liễu rồi, Liễu nhớ xin phép chủ nhà là anh Đoàn sẽ ở nhà Liễu ở.

- Được mà, Liễu sẽ không quên đâu!

- À Liễu nhớ hỏi ai biết viết tiếng Thượng, nhớ lên Phòng Giáo Dục gặp anh Nhật, hoặc anh Ít, hay Quang nhé! Phòng đang cần tuyển dụng những người biết đọc và viết tiếng Thượng đó!

- Anh Quang ở lại ăn trưa với Liễu nha!

- Thôi để lúc khác đi, hôm nọ bạn của Quang đã ăn nhờ ở đậu nhà Liễu, lương thực cũng cạn rồi mà.

Tôi mở bao lô định lấy ít đồ cho cô Liễu thì cô Liễu chặn lại:

- Anh Quang đừng làm thế nha, Liễu được về năm ngày là vui lắm rồị Liễu mua thêm lương thực được mà.

- Được, Liễu nói thế thì thôi. Giờ Quang phải đi vào các làng khác trước khi họ đi làm rẫỵ

Tôi đi vội vã tới các thôn trưởng ở các làng lân cận, trình bày sơ qua kế hoạch tương lai với sự kêu gọi các thôn trưởng đề nghị và tuyển chọn những người Thượng có khả năng để được huấn luyện vào khóa đào tạo giáo viên cấp tốc sắp tớị Họ mừng lắm vì cảm thấy Phòng Giáo Dục thực sự quan tâm tới người Thượng, sẵn sàng dạy chữ viết của tiếng mẹ đẻ của họ chứ không phải chỉ áp đặt ngôn ngữ của người Kinh. Hiện giờ công việc gấp rút nên tôi cũng không phải phân trần hay đi sâu vào chính trị nên tôi chỉ trình bày nhu cầu cần thiết thôi, không muốn dính líu với những giây mơ rễ má khác.

Làng cuối cùng mà tôi tới hôm đó là làng Ea Blang nơi cô Du, thầy Phong và thầy Đoàn dạỵ Tôi biết trong làng này có ba người Thượng rất có khả năng và tôi quyết tâm thu phục ba người này, để dạy ngay tại làng của họ hay những làng gần đó. Trên đường đi tới làng tôi đã tìm đủ mọi lý do để thuyết phục họ cũng như đủ mọi lý do để nói chuyện với cô Dụ Nghĩ tới cuộc đàm thoại hôm qua với Du, tôi thấy e ngại quá! Con gái lúc giận cứ trả lời nhát gừng cộc lốc thì con trai dù có tài mấy cũng tìm không ra câu chuyện để nóị Nếu người con gái chịu nói một chút thì mọi việc cũng dễ dàng, việc phân trần việc gì dù rắc rối khó khăn đến đâu cũng không đến nỗi khó để không thể tháo cởi được. Còn cứ nhát gừng thì tôi đành bó taỵ Tôi đâu biết tình cảm trai gái gay go đến thế!

Trước khi đọc nhật ký của Nhung, tôi biết lòng tôi nghiêng hẳn về Du. Bây giờ, tôi bỗng bâng khuâng vì tôi biết Nhung thương tôi lắm. Trước đây tôi chỉ biết Nhung có cảm tình với tôi thôi, nhưng không ngờ tình cảm nàng dành cho tôi sâu đậm hơn tôi tưởng. Tôi không hiểu đó là diễm phước hay bạc phước cho tôi vì tôi sợ mang tiếng đào hoa lắm. Khi tôi tình nguyện đứng mũi chịu sào cho Nhung chẳng qua là để tránh lao lung tù tội cho Nhung, tôi và những người liên quan thôi, chứ không nghĩ tới những phiền phức bất ngờ.

Cái bất ngờ đã đến. Trái tim tôi do dự trước hai người con gái đều dễ thương và có cảm tình với tôi. Có phải tôi tham lam đâu! Lúc còn đi học, tôi đã dàn xếp để Nhung với Hải, bạn thân của tôi hồi đó, đi chơi với nhau. Còn tôi lúc bấy giờ chỉ xem Nhung như bạn thân. Thực ra thì lúc đó tôi có hề biết tình yêu trai gái là gì: tôi mải bận rộn với trường lớp và công việc ở gia đình. Hơn nữa mộng ước của tôi là phải học xong đại học rồi mới tính chuyện sau nàỵ

Phải chăng thời gian cô đơn trên rừng núi cao nguyên đã làm trái tim tôi mềm yếu hay là tôi đã thực sự trưởng thành, đã khiến tôi giống như những thanh niên khác biết rộn ràng, biết yêu thương, biết cua gái, biết nhớ nhung ... Tuổi mười tám là tuổi biết cập ke^. Ở xóm tôi bao nhiêu thanh niên thiếu nữ bỏ học nửa chừng để lấy vợ khi cách mạng vào vì họ sợ thanh niên độc thân phải đi nghĩa vụ xa, thiếu nữ thì sợ phải bắt làm vợ bộ đội hay thương binh. Bây giờ có người đã có con rồI. Một cuộc sống an phận dù nheo nhóc. Còn tôi vẫn ôm một giấc mộng xa vời, tôi vẫn muốn trở lại đại học sau hai năm hoàn thành nhiệm vụ Xoá Nạn Mù Chữ.

Liệu Du hay Nhung có thể chờ đợi tôi được 4 năm không? Tôi không thể yêu người ta rồi bắt người ta chờ 4 năm nếu người ta thực sự không thể chờ 4 năm. Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày có kẻ dèm phA. Ca dao đã rành rành ra đó. Tôi nghĩ mà cảm phục chuyện tình của ông Vương Hồng Sển và bà Năm Sa đéc. Theo như thầy tôi nói, ông Vương Hồng Sển đã theo đuổi bà Năm Sa Đéc tới 20 năm. Tôi chỉ mong tình cảm của tôi với người yêu của tôi kéo dài 4 , 5 năm qua lại trước khi tình yêu đó thăng hoa thành tình vợ chồng.

Từ trước tới giờ mọi việc đều đến với tôi một cách tự nhiên và dễ dàng. Chuyện tôi tình cờ gặp lại Nhung và ra tay nghĩa hiệp giúp các bạn Nhung đã đổi thay cuộc sống thường ngày của tôI. Có phải đó là định mệnh đã giúp tôi trưởng thành thực sự, đã khiến tôi phải do dự bâng khuâng trước ngưỡng cửa tình yêu và hôn nhân, trước công việc trước mắt và ước mộng tương laị

Tôi biết tôi đang ở tình trạng phức tạp lắm. Tôi sẽ không thể nào chấp nhận bước vào hôn nhân một cách mù quáng, hay an phận cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Với tôi, tình yêu phải có giữa đôi trai gáI. Với tôi, người con trai con gái phải đạt được giấc mộng của mình. Liệu Du hay Nhung có thể hiểu lòng tôi tường tận như tôi hiểu tôi không?

Nếu Du cho tôi một cơ hội, tôi có thể bộc bạch hết tâm hồn tôi như Nhung đã làm với tập nhật ký của nàng. Tôi không viết nhật ký đều đặn, tôi chỉ viết tóm tắt những điều tôi phải làm, và tóm lược những gì tôi đã thi hành được. Trong tập vở của tôi, chỉ có những chuyện nhỏ tôi sưu tầm, có ít nét vẽ bằng bút chì phác hoạ những khuôn mặt của những người tôi đã gặp và cần nhớ tên, những câu tiếng Thượng mà tôi thích như những câu đố, câu ca dao, thành ngữ. Tôi là người ham hoạt động hơn là ngồi viết lách, nhất là viết nhật ký như Nhung thì tôi chịu thua. Nàng trung thành viết từng ngày với đầy đủ chi tiết. Tôi không muốn dấu Du chuyện tôi và Nhung, nhưng tôi không muốn tiết lộ những bí mật của Nhung, cũng như chuyện vượt biên của nàng và các bạn của nàng. Tôi chỉ có thể thố lộ những gì ở trong tâm hồn tôi, chứ không thể cho Du biết những gì trong nhật ký của Nhung hay những gì liên quan tới Nhung. Nhưng nếu không giải thích rõ thì Du sẽ cho tôi là giả dốị Thật là khó giải quyết. Tôi đành nhắm mắt để định mệnh định đoạt, chuyện gì phải xảy ra sẽ xảy rạ

Phó mặc cho số mệnh! Tôi nhủ lòng và mạnh dạn đi tới làng Ea Blang trước khi hoàng hôn phủ xuống. Đêm nay tôi sẽ ngủ tại làng này, nói chuyện với dân làng khi họ tới học với thầy Đoàn, thuyết phục ba người thanh niên biết chữ Jrai để họ làm giáo viên, nói chuyện với Du. May ra Du sẽ hiểu tôi, may ra tôi sẽ có một số giáo viên mới, may ra cuộc đời tôi đỡ phức tạp hơn!




:::: Chương XXIII ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi



Khi tôi tới làng Ea Blang, bao nhiêu lời tôi dự định nói với Du trở thành vô ích. Tôi chưng hửng khi nghe thầy Phong nói Du đã ra xe về thị xã trưa nay và thầy phải gộp các lớp của Du lại với các lớp của thầỵ Tôi hỏi:

-- Anh biết chừng nào Du trở lại không?
-- Du trở lại khoảng 4 ngày nữa! Hôm qua Quang nói gì mà sáng nay Du nằng nặc đòi về?
-- Quang có nói gì đâu! Tại anh cả đó, đang không nói chuyện Quang đưa Nhung và các bạn Nhung về làm gì!

Thầy Phong cười, nhìn đăm đăm tôi, rồi hỏi:
-- Trong hai người Quang chọn ai?
-- Người chứ có phải đồ đạc đâu mà chọn. Cả hai người đều là bạn của Quang.
-- Bắt cá hai tay không được đâu Quang à!

Tôi bực tức trả lời:
-- Quang có bắt cá hai tay bao giờ! Bộ anh tính tán cô Nhung thật sao? Anh làm hại cô Hương chưa đủ ho*??

Vừa nói xong, tôi biết tôi lỡ lời. Thầy Phong nhìn tôi hằn học:
-- Quang nghe ai mà nói thế? Chuyện riêng của tôi để tôi lo. Quang mà nói cô Du là biết tay tôi!
-- Anh quên cô Hương là bạn thân của Du sao? Cô Hương khóc lóc kể cho Du khi có mặt Quang ở đó.

Thầy Phong tức giận chửi thề rồi nói:
-- Đúng là con gái!

Tôi rủa thầm, "Đúng là Sở Khanh thì có!" nhưng lặng yên. Con gái thực sự khó hiểu như cô Hương và Du đó. Cô Hương thì kể lể chuyện riêng của nàng với Du khi có mặt tôi ở đó còn Du thì lầm lì chẳng cho tôi một cơ hội nào để phân trần, bây giờ lại về, không nói tôi một tiếng hôm qua.

Tôi chào thầy Phong rồi ghé lại nhà thầy Phú. Thầy đi vắng, có lẽ đi tắm dưới vọt nước. Tôi bỏ ba lô vào góc nhà, lấy khăn tắm và đồ thay, rồi ghé qua bên chỗ chủ nhà, xem có cần gùi thêm nước không. Tôi lấy các trái bầu cạn nước bỏ vào gùi, rồi ôm khăn và đồ tắm đi xuống vọt nước.

Làng Thượng nào cũng có vọt nước cho nước uống và sinh hoạt hằng ngàỵ Họ chưa biết đào giếng, mà có đào chắc giếng cũng sâu vì làng thường toạ lạc trên đồị Đồi thấp thì còn đỡ, gặp phải đồi cao, phải đi cả một cây số mới tới. Đường từ làng xuống suối thường rộng rãi hơn đường mòn. hai người có thể đi song song, còn đường mòn chỉ đi hàng một mà thôi. Nói chuyện thì cũng phải nói to vì người đi trước người đi sau xếp hàng một như chơi rồng rắn lên câỵ

Tôi có một cái thú khi gùi nước là không cảm thấy thừa thãi khi đi xuống suối. Tôi có thể đi thong thả nói chuyện hoà đồng với mọi người. Nếu đi không tay chân cảm thấy thế nào ấy, nhất là người đi trước và người đi sau đều là đàn bà con gái gùi nước. Đàn ông thanh niên không gùi nước, sự phân chia lao động của người Thượng rõ ràng, đàn ông chẻ tre, đan gùi, chặt cây, làm nhà ... Đàn bà thiếu nữ thì giã gạo, gùi nước, nấu cơm... Trẻ em khi chưa tới tuổi dậy thì tự do, có thể học làm việc với cha, với mẹ, với anh chị hay hàng xóm, không phân biệt giới tính.

Khi con trai tới tuổi dậy thì tiếng nói ồm ồm vỡ tiếng, dương mao xuất hiện thì cha mẹ phải trình làng để làng tổ chức một nghi lễ cúng Giàng sau khi chàng con trai đó vượt qua những thử thách tự kiếm sinh trong 3 ngày thả trong rừng một mình. Chàng con trai được trang bị cung tên dao lưỡi câu và một thanh củi cháy đỏ. Bằng bất cứ giá nào thanh củi đó phải được giữ cháy để nướng đồ ăn và đốt sáng trong đêm để sưởi ấm và xua đuổi thú vật trong đêm. Trong ba ngày người thanh niên đó không được gặp gỡ ai dù bất cứ người nào trong làng của mình hay làng khác để chứng minh là mình có thể tự sinh tồn và có thể lo cho gia đình được sau nàỵ Sang ngày thứ tư chàng con trai có thể về, người nào về mà còn mang được thú săn thì đáng được hãnh diện. Buổi tối hôm đó, thường là dịp trăng tròn, cả làng mỗi gia đình đóng góp một gò rượu cần, ít thức ăn để ăn uống chung vui và nhảy múa với nhau qua tiếng nhạc chiêng cồng. Gia đình chàng trai dậy thì phải làm thịt một con heo hay một con bò để cúng Giàng và đãi thôn làng. Đoàn múa đêm hôm đó sẽ do chàng thanh niên dậy thì dẫn đầụ Từ đêm đó chàng trai đã trở thành một thanh niên chính thức của làng, có nghĩa là chàng sẽ phải tham gia làm việc như người lớn, không còn tự do như thiếu niên nữạ Buổi tối chàng không còn cần phải ngủ ở nhà mà có thể ra nhà rông ca hát đùa giỡn với các cô gái đã dậy thì và tới tuổi cập kê .

Con gái dậy thì là khi nàng bắt đầu có âm mao, kinh nguyệt, cơ thể nảy nở các nơi rõ ràng nhất là trên ngực với đôi nhũ hoa tròn chắc. Nàng sẽ được các bà mẹ và thầy hay bà mo giảng giải tường tận về chu kỳ kinh nguyệt và những vấn đề đàn bà. Mười ngày sau khi hết kinh lần đầu nàng sẽ được làm nghi lễ chính thức thành thanh nữ có quyền hát hò đùa giỡn với các thanh niên chưa lập gia đình ở nhà rông giới sự giám quản của một hai bô lão hay bà già.. Nghi lễ của thanh nữ đơn giản hơn nghi lễ con trai nhưng không kém phần trịnh trọng. Trong suốt thời gian nàng hành kinh, nàng phải cắm cành lá trước nhà và lật úp chiếc thang leo lên nhà sàn. Chỉ có người trong gia đình mới có quyền lên nhà thôi, còn nhà đó tuyệt đối không tiếp bất cứ ai trong thời gian này dù là bà con thân thuộc. Tục lệ này gọi là "kam yam" gọi nôm na là kiêng cữ. Trong thời gian này phụ nữ bị coi như không sạch và người chồng không được phép gần gũi với vợ mình.

Nghi lễ cho thanh nữ được cử hành tại nhà rông dành các lễ nghi lớn và chỗ tụ tập của thanh niên nam nữ, có thể coi như đình, chùa, hay nhà thơ nhưng không có tượng hay hình ảnh gì cả. Nhà rông cao to và rộng nhất trong làng. Cô gái sẽ mặc trang phục đẹp nhất của mình mà gia đình hay chính cô ta đan dệt, bà con thân thuộc sẽ đem rượu, thức ăn và quà cáp vòng bằng đồng hay nữ trang tới tặng. Sau đó mọi người ăn uống no say, cô gái sẽ ngồi tiếp đãi từng thanh niên trong làng không có mối liên hệ thân thích hát hò chọc ghẹo trai gái như kiểu hát Quan Họ ở miền Bắc Việt Nam. Có khi họ hát những bài đã học thuộc lòng, có khi tự đặt lời ra mà hát dưới sự có mặt của quan khách luôn luôn chăm chú nghe và gật gù tán thưởng. Đây là cơ hội để cô gái dậy thì tìm mặt gởi vàng, xem cô ưng ý ai rồi sẽ tìm hiểu thêm sau này, mặc dầu thông thường thì cô đã biết rõ từng người vì dân số trong làng cao lắm cũng chỉ chừng một ngàn người từ bé tới lớn. Đa số các làng thường chỉ 500, hoặc 600 người, có làng dưới cả 100 người, quây quất chừng 20 nhà.

Từ khi con trai con gái đã qua nghi lễ dậy thì chính thức vào xã hội người lớn thì anh em không được ngủ chung như trước nữa mà phải ngủ riêng biệt. Thường nam thanh niên đi ngủ tại nhà rông, con gái thì ngủ ở nhà, dù có hát hò khuya tới mấy cũng phải về ngủ tại gia đình mình. Khi người con gái chọn được người mình ưng ý thì thưa với gia đình và thầy hoặc bà mo để hò hẹn chính thức sau một bữa tiệc nhỏ giữa hai gia đình, thầy hoặc bà mo, và họ hàng thân thích, giống như đám hỏị Sau đám hỏi, anh chị đó có thể dẫn nhau ra nhà lúa ở gia đình gái và tìm hiểu nhau suốt đêm. Theo lệ làng, nếu đôi trai gái thỏa thuận, họ có thể hôn, sờ mó từ eo trở lên chứ không được lạng chạng phần dướị Qui luật tự do nhưng rất khó khăn ai vi phạm phải phạt vạ rất nặng nên không thấy các cô có bầu trước ngày cưới dù rằng họ không biết tới phương pháp ngừa thai nhân tạọ Người con gái hay con trai có thể bảo bạn mình ngưng bất cứ lúc nào, nếu vượt qua, một trong hai có thể hô hoán và người trong làng sẽ tới và báo cho chức trách trong làng phạt vạ.

Luật xưa còn khó khăn hơn nhưng sau này đã lỏng lẻo rồị Trước đây trai gái còn phải theo luật cà răng căng tai mà sau này tôi xin tả kỹ hơn. Người Thượng vẫn còn theo chế độ mẫu hệ, con gái cưới chồng về nhà mình, chứ không phải con traị Con cái lấy họ mẹ thay vì họ chạ Không biết có phải vì thế hay là vì này nọ trong các gia đình người Thượng người vợ thường già hơn chồng. Cũng có thể đàn ông Thượng không phải suy nghĩ nhiều như đàn ông người Kinh lúc nào xã hội cũng xem là người cung cấp, nuôi sống gia đình như vai trò của người phụ nữ Thượng.

Khi tôi xuống tới vọt nước thì thầy Phú lò dò về! Tôi nói tối nay tôi ở trọ nhà anh, nhờ anh nấu cơm cho ăn ké vớị Sau khi hứng nước đầy vào các trái bầu khô và đậy nắp, tôi cởi quần áo tắm, chỉ còn chiếc quần xà lỏn là tôi vẫn chưa hoà đồng hoàn toàn với đàn ông con trai người Thượng. Mặc tiếng cười chọc ghẹo của họ tôi đùa lại, "Không có quần cộc, tôi không biết tắm."

-- Con Jrai tắm đâu có cần gì! Thầy là con Jrai mà!
-- Người Kinh nó dạy tôi lâu quá rồi, không có quần đùi tôi không biết tắm.

Bầy con gái dưới suối nghe tiếng thanh niên trên đây hối thúc tôi thoát y cũng nhao lên phụ hoạ:

-- Thầy con thỏ quá phải như con cọp chứ! Cởi đại ra đi!
-- Tôi mà cởi, tôi kiếm cô nào đẹp nhất đi ở nhà lúa đêm nay đó nha!

Thế là cả bọn cuời oang và tha cho tôi. Niềm vui của người dân Thượng mộc mạc như bức tranh quê, những tiếng ca tiếng cười của họ phản ảnh ngay cuộc sống hiện thực của họ chứ không hoa hoè hoa sói văn hoa xa lạ với cuộc sống hằng ngàỵ Có lẽ vì bản tính hồn nhiên đơn sơ thành thật của họ mà tôi lúc nào cũng yêu qúi họ. Họ là hình ảnh mộc mạc chất phác của người Kinh thưở xa xưa mà do chiến tranh loạn lạc nghi ngờ đã mất.


:::: Chương XXIV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Ngoại trừ trục trặc chuyện riêng tôi với Du và thầy Phong, việc ghé lại làng Ea Blang coi như thành công mỹ mãn về mặt công tác. Tôi chẳng những thuyết phục được ba anh biết đọc viết chữ Jrai mà còn tìm được hai chị cũng rành không kém. Tôi lấy được đơn xin làm giáo viên và trình độ học vấn của từng người với lời giới thiệu của thôn trưởng đã làm du kích từ lâu năm nên an tâm là không có việc gì mà họ không thể làm giáo viên. Vấn đề bổ sung họ sau này mới đáng suy nghĩ. Tôi có ý định là đưa giáo viên nữ về ngay làng của họ, còn giáo viên nam có thể dạy các làng lân cận để họ có thể đi lại và làm việc cùng với gia đình nếu cần. Nghĩ vậy thôi chứ tôi không dám hứa với họ điều gì, vì "nhu cầu cách mạng văn hóa" là tuỳ cán bộ cấp trên xét định.

Ít nhất là họ biết tôi thẳng thắn với họ. Người Thượng ghét nhất là nói dối. Hứa với họ điều gì mà không làm thì sẽ thấy họ giận ra mặt. Tôi quen họ lâu rồi nên lúc cà rởn tôi cà rởn, còn lúc làm việc nói đâu phải ra đó, nếu không họ giận là tiêu đời công tác dân vận.

Sáng nay, tờ mờ sáng tôi vội vã cuốn võng và đồ đạc vào ba lô để đi tới làng Ea Rông thay cho anh Đoàn là giáo viên sẽ về làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu 5 ngàỵ Tôi phải đi sớm để kịp ghé xuống thác đưa cho anh Trung và Tâm ít thuốc đã xin được ở bệnh xá huyện sáng qua trước khi tôi lên làng Kờ Mông báo tin cho cô Liễu. Mười viên thuốc trụ sinh Tétramycine và một lọ aspirin qúi hơn vàng lúc nàỵ

Tôi thầm cám ơn cô y tá Thuận đã không hỏi han gì nhiều vì cô bận. Chỗ nào cũng vậy nếu quen biết trước và tin tưởng nhau thì cái gì cũng dễ dàng không bị hạch hỏi. Cụm phong lan tôi tặng cô Thuận dịp khánh thành bệnh xá huyện vẫn xanh tươi trước nhà, đã có những cọng hoa dài nhưng còn nhỏ, chắc chừng hai ba tuần nữa mới nở. Cụm hoa đó lúc tôi tặng màu tím đẹp vô cùng. Đời giáo viên miền núi nghèo nhưng quà tặng thiên nhiên thì không thiếu, chỉ cần chịu khó đi lên rừng một chút là có ngaỵ

Người Thượng chưa biết thưởng thức hoa lan hay các loại hoa. Họ rất thực tế, cái qúi của họ là ghè hoa đựng gạo hoặc ghè rượu, chiêng cồng hay vòng bằng đồng, dao, gùi ... Nói chung là đồ trang sức và vật dụng dùng hằng ngàỵ Hoa thì khi cần thì hái, chứ không có cắt về trồng tỉạ

Sau biến cố 1975 thật đúng là một cuộc đổi đờị Thanh niên thiếu nữ được đưa lên miền cao để làm những công tác mà không ai có thể ngờ được. Mỗi người ở một nơi, một nhiệm vụ. Con gái con trai gì cũng thế. Cô Thuận, y tá, làm việc một mình ở bệnh xá huyện; tỉnh thoảng mới có bác sĩ lên một lần. Cô Nha lo bán hàng thương nghiệp cũng thui thủi một mình. Hai cô đều trẻ nhưng hai người khác xa nhau lắm, cô Thuận thì cao to, cởi mở còn cô Nha thì nho nhỏ thì nhẹ nhàng kín đáo ít khi nói cườị Mỗi lần cô Nha cười trông rất ngộ vì cô má lúm đồng tiền và có một cái răng bọc vàng.

Ở giữa rừng hoang vu, ít có người Kinh qua lại, nên khi chúng tôi gặp nhau dễ làm quen và yêu mến nhau vô cùng. Chẳng thế mà thầy Hạ, một giáo viên Xoá Nạn Mù Chữ ở B 8, cuối tuần nào cũng ghé lại cửa hàng thương nghiệp để "cưa" cô Nha, nhưng mãi tới giờ cô Nha vẫn chưa đổ, chưa chịu thầy Hạ. Cô Nha hiền lành nhã nhặn nhưng có nét u hoài trong đôi mắt đen thăm thẳm của co^. Đám giáo viên con trai tụi tôi hay chọc thầy Hạ là cưa của anh không đủ sắc nên lo về mài dũa thêm. Ngoài thầy Hạ cũng còn có mấy thầy khác, nhưng thầy Hạ là bền bỉ nhất cũng chưa thành công. Tôi thì đơn sơ, chẳng nghĩ mông lung gì, ai cũng là bạn thôi, nên mọi người trai gái đều vui vẻ xem như anh em trong nhà.

Nhưng lá bùa may mắn của tôi đã bớt linh nghiệm rồi, mối liên hệ của tôi với Du đã trục trặc và với thầy Phong đã sứt mẻ phần nào. Tôi đã lỡ lời chạm tới tự ái của con trai vạch ra điểm yếu của thầy Phong, tự biến mình thành tình địch hay có thể là kẻ thù. Gây thù gây oán chỉ thêm khổ thân, tôi cũng bực mình lắm nhưng cũng đành. Tôi tự nhủ, "May mà gây oán với thầy Phong, chứ gây oán với người Thượng, họ bỏ bùa cho mà bỏ xác!"

Tôi chỉ kịp ghé xuống thăm anh Trung và Tâm một tí xíu trao thuốc cho anh Tâm, hẹn ngày hôm sau trở lại rồi phải đi ngay vì tôi muốn anh Đoàn chờ gặp cô Mai rồi đưa cô ra bến xe về thị xã. Tôi đã hứa với cô khoảng 3 tuần nữa cho cô về mà 3 tuần nữa tôi phải lo lớp huấn luyện giáo viên Thượng nên không thể thế cô được.

Tôi vừa trờ đến làng Ea Rông thì anh Đoàn cũng khăn gói quả mướp đeo ba lô rời nhà. Tôi chào anh Đoàn:

-- May quá còn gặp anh ở đây! Anh ở lại đây chừng một tiếng rưỡi nha! Quang qua bên làng Ea Rung gặp cô Mai cho cô về phép ít ngàỵ Cô Mai và anh đi chung nhau một đoạn đường cho vuị

Thực ra dù biết rừng cũng an toàn, nhưng tôi không muốn có việc gì bất trắc xảy ra với giáo viên của tôi, nhất là giáo viên nữ. Nếu không gặp anh Đoàn hôm nay thì tôi sẽ nhờ du kích làng đưa cô Mai ra trạm xe ngày hôm sau thôi chứ không dám để cô đi một mình.

Anh Đoàn hỏi:
-- Rồi ai dạy thế cô Maỉ
-- Anh đừng lo, Quang sẽ dạy làng anh tối nay với sáng mai, rồi dạy làng cô Mai tối mai và sáng mốt rồi trở lại đây dạy tối mốt và sáng hôm sau ... Thế là chẳng làng nào hụt lớp nào.

Anh Đoàn cười:
-- Đoàn chịu Quang thôi. Linh động cách mạng hở?
-- Biết sao giờ, Quang hứa ba tuần nữa cho cô Mai về, mà bây giờ biết ba tuần nữa, Quang bận việc ở Phòng Giáo Dục thì sao đây? Thôi kệ, Quang lên đây rồi ráng còng lưng lo một công hai ba chuyện.

Tôi để anh Đoàn và ba-lô ở lại làng Ea Rông, chạy không cho mau. Tôi tưởng tượng mình là chàng Pheidippides chạy bộ đường dài từ thành phố Marathon về tới thành phố Athens để báo tin chiến thắng thời cổ Hy Lạp năm 490 trước Kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo. Tôi vừa chạy vừa thở đều đều và chạy trên bóng râm đường mòn nên không đến nỗi mệt lắm khi tới làng Ea Rung. Cô Mai thấy mặt tôi cười hỏi, "Anh Quang mới đi uống rượu về hở? Sao mà mặt đỏ gay thế?"

Tôi cười giải thích qua loa, cô Mai mừng rỡ cám ơn rối rít. Đợi cô Mai sửa soạn ba lô đâu đó xong, tôi nói, "Mai để Quang đeo ba lô cho! Mai đi không, tới làng thầy Đoàn rồi Mai đeo ba lô rồi cùng về với thầy Đoàn!"

-- Anh Đoàn cũng về hở
-- Không, anh Đoàn sang làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu, về gần cô Hạnh và bệnh xá để coi có thể điều trị bệnh suyễn của anh Đoàn không. May ra đi nhanh, Mai có thể về cùng với cô Liễu hôm nay đó!

Khỏi phải nói, cô Mai thu dọn một cách nhanh nhẹn. Được đi chung về thị xã với người quen thì còn gì bằng, nhất là hai cô lại cùng phường ở thị xã. Hai cô thể nào cũng có bao nhiêu chuyện để mà tâm sự. Con gái với nhau mà!

Chạy đi và trở về làng Ea Rông không đầy một tiếng. Anh Đoàn ngạc nhiên lắm, hỏi:

-- Bộ Quang có cánh bay hay sao mà lẹ vậy?
-- Quang chạy bộ, và cô Mai cũng đi lẹ để kịp chuyến xe về thị xã hôm nay đó. May ra thì cùng về với cô Liễu. Anh và chị Hạnh đưa cô Mai ra bến xe giùm Quang nhé!

Tôi nháy mắt với anh:
-- Nói chị Hạnh báo cho dân làng biết là chị đưa anh ra bệnh xá rồi mai trở về nếu cần. Hụt một buổi tối cũng không sao! Quang chịu trách nhiệm cho!

Anh Đoàn nói:
-- Không sao, đưa cô Mai ra bến xe rồi Đoàn sẽ đưa Hạnh về lại làng ngay, rồi một mình Đoàn về làng Kờ Mông cũng được, Đoàn còn khoẻ mà.
-- Cám ơn anh! Cứ vậy đi, thôi anh và cô Mai đi liền đi cho kịp!

Chờ thầy Đoàn và cô Mai đi khuất rồi, tôi ra trường ngồi soạn giáo án cho chương trình huấn luyện giáo viên Thượng trong ba tuần nữa. Tôi sẽ dành ngày đầu nói sơ qua về công việc của các giáo viên mới rồi giao họ lại cho anh Nhật và bên Đảng ủy nói về đường lối chính trị. Từ ngày thứ hai trở đi cho tới ngày áp :Dt thì anh Ít và tôi sẽ phụ trách. Ngày cuối lại giao cho anh Nhật, Phòng Giáo Dục và Huyện Uỷ lo thủ tục hành chánh lương lậu và liên hoan mãn khoá. Cấp tốc trong 3 tuần, vậy là từ đây tới 6 tuần nữa tôi hoàn toàn bận bịu không thể tìm gặp Du hay Nhung.

Tôi ngồi viết lách quên cả thời gian cho tới khi tiếng ồn ào trong làng làm tôi ngẩng đầu lên. Mấy anh du kích đi săn vừa bắn được một con nai lớn. Họ nói với tôi:

-- Đạn của bộ đội mới cho hên quá!

Tôi bật cười:

-- Vậy là có lời rồi đó nhé! Có phần tôi không?
-- Có mà, tối nay, chúng tôi đưa cho thầy ở lớp học nha!
-- Được, được, cám ơn!

Tôi vui thấy họ vui, và chợt nhớ mình chưa ăn trưa, bụng cồn cào rồi! Tôi không thể chờ thịt nai để ăn tối. Tôi về nhà bắc nước thổi cơm và ăn với thịt bò kho với xả ớt cay thật cay mà Mẹ tôi đã bỏ vào lon sữa ghi gô (guigot). Tôi cảm thấy bớt bứt rứt là đã quên không chia sớt với anh Trung và Tâm lon thịt khô của mình. Tối nay tôi sẽ nấu cháo thịt nai rồi sáng sớm mai sau khi dạy học xong đưa xuống thác cho hai anh rồi sang làng Ea Rung dạy thế cô Mai.

Nguyên Đỗ
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #6  
Old 04-04-2004, 12:30 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

:::: Chương XXV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi mỉm cười khi đọc đoạn nhật ký khi Nhung nhắc đến tôi lần đầu tiên khi tôi được bầu làm Trưởng Lớp, niên khoá 1975-1976, khóa học đầu tiên sau ngày đất nước đổi thaỵ


Hắn thân hình mảnh khảnh, dáng cao cao, có lẽ cao nhất lớp. Hắn có cái nhìn xa vời, nhưng khi hắn nhìn người nào đều khiến người ấy cảm thấy gần gũi, tin tưởng. Có lẽ vì vậy mà hắn được bầu làm trưởng lớp mặc dầu hắn là một học sinh mới hoàn toàn. Thông thường bạn bè thường bầu cho nhau, nhưng kỳ này, chẳng ai muốn làm, kể cả hắn. Có lẽ không ai muốn lãnh trách nhiệm vì tình hình biến chuyển của đất nước.

Sau khi được bầu làm trưởng lớp, hắn đứng lên ngỏ lời cám ơn mọi người đã bầu trưởng và phó trưởng lớp và đề nghị mọi người bầu thêm các trưởng ban khác mà hắn nghĩ sẽ tạo cơ hội mọi người hiểu biết, vui chơi và cộng tác với nhau hơn theo chủ tiêu vui chơi học hỏi và khoẻ để phụng sự.

Ban thể thao được trao cho Trần Văn Dung và Nguyễn Đức Bảọ
Ban báo chí được trao cho Nguyễn Văn Quảng và Nguyễn Thị Mỹ Ánh.
Ban văn nghệ: Nhung và Phạm Thị Thừa

.................................................. ......................

Tôi mỉm cười và nhớ lại những ngày đầu đi học với những ưu tư dưới chế độ mới. Anh Dung, chơi đá banh rất giỏi, học được nửa năm rồi nghỉ vì bị sốt rét cấp tính rồi tê liệt chân. Hôm tôi dẫn các bạn trong lớp tới thăm, chúng tôi đều khóc, tội nghiệp anh ấỵ Sau đó anh Bảo lên thế và chúng tôi bầu Phạm Công Minh vào chức phó trưởng Ban Thể Thaọ


Biến thiên lịch sử đã thay đổi những dự định tương lai của biết bao nhiêu gia đình và học sinh. Cuộc sống là tranh đấu, thử thách, như tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy miêu tả. Con người nghị lực phải cố gắng vươn lên và góp sức cho đời. Tôi thích đọc những tác phẩm Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê , Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần dưới thời Việt Nam Cộng Hoà hơn là những tác phẩm cách mạng. Nhưng các tác phẩm cách mạng thì nhan nhãn trong các tiệm sách mà giá lại rẻ nên có dư chút tiền tôi đều mua để tìm hiểu thêm như lời thầy giáo hồi xưa nói với chúng tôi, "Để lại cho con cả gia tài không bằng để lại cho con một quyển sách tốt!"

Suốt thời gian làm lớp trưởng, tôi đã cố gắng thực thi những gì đã học hỏi từ tủ sách Học Làm Người hơn là giáo điều mù quáng với những khẩu hiệu cách mạng, không phải vì tôi là con cháu nguỵ quân nguỵ quyền mà vì nhận thức thông thường đã học hỏi và biết suy xét. Chiến tranh đã kết thúc rồi, chúng tôi dấn thân vào việc học tập và xây dựng xã hội mới. Làm việc gì cũng vậy, tôi nhận thấy cần phải biết suy xét, tư duy một cách khách quan không giáo điều mù quáng hay bè phái. Tôi đã cố gạt bỏ những thành kiến về cộng sản để chấp nhận cuộc sống mới dưới ánh mắt xót thương của cha anh. Họ đã chiến đấu ròng rã bao năm trời cho một lý tưởng cao vời mà cuối cùng lại phải thất bại. Âu cũng là vận nước. Có thăng có trầm, có thịnh có suỵ Bố tôi thường bảo vậỵ

Phải chăng đất nước hay con người phải xuống tận cùng vực thẳm để bắt đầu đi lên, mỗi bước tiến sẽ là một thành tựu đáng ghi nhớ. Thời gian ban đầu, tôi thấy cũng không đến nỗi, mọi sinh hoạt hằng ngày đã trở lại bình thường cho đến khi các nơi phát động kế hoạc đánh tư bản maị bản bằng cách đổi tiền giữa năm tôi học lớp 12. Tôi chẳng thấy ai là tư bản mại bản, tất cả đều là những người dân đã và đang cố sống với cuộc sống vất vả hiện tạị Việc đổi tiền đã gây khủng hoảng lớn trong thành phố chúng tôi. Chẳng ai còn thiết tha làm việc.

Tôi lái xe đạp chạy vòng vòng các trạm đổi tiền, để ghi nhận khuôn mặt thống khổ của từng người trước nỗi niềm đau chung. Tất cả dân miền Nam trở thành nạn nhân của sự chèn ép tinh vi của chế độ mới. Tiền bạc dành dụm của mọi người xưa nay đã phút chốc tiêu hao và niềm tin vào chế độ hậu chiến tranh cũng mất mát.

Thủy, bạn học cùng lớp tôi bấy giờ, là con một thương gia khá trong tỉnh gặp tôi ở trạm đổi tiền ngay ở phường Năm, hỏi tôi:

-- Anh Quang làm gì ở đây? Đổi tiền hở?
-- Tiền đâu mà đổi! Mẹ Quang đang đứng xếp hàng chờ kia kìa! Quang chỉ muốn nhìn mọi người để ghi nhận rồi sau này có dịp sẽ viết lại nỗi đau chung của mọi người thôị

Thuỷ lắc đầu hỏi tôi:
-- Anh làm giúp Thủy việc này được không?
-- Việc gì vậy?
-- Anh theo Thuỷ về nhà lấy tiền đổi giùm gia đình Thủy vì họ giới hạn số tiền được phép đổi? Đổi được bao nhiêu cũng được. Không đổi thì số tiền ấy cũng không có giá trị gì.
-- Quang không biết mẹ Quang hiện có bao nhiêu, để Quang hỏi rồi giúp.
-- Đừng anh, anh cứ về nhà Thủy lấy tiền rồi đưa cho Bác, thiếu thừa tính sau, vì hỏi bây giờ bị nghi ngờ theo dõi đó.

Hôm đó Mẹ tôi giúp Thuỷ đổi được đâu 500 đồng tiền mới. Gia đình Thuỷ gởi Mẹ tôi một nửa, nhưng Mẹ tôi lắc đầu từ chối, nói giúp đỡ nhau là chuyện thường, đâu phải mua bán gì đâu. Ba má Thuỷ đành cầm số tiền cho lại và nói rằng:

-- Sau này có việc gì cần, ông bà cứ cho chúng tôi biết!

Bố Mẹ tôi đã già. Các người luôn luôn dạy anh em chúng tôi sống yêu người tích đức phụng sự tha nhân. Việc gì ở đời này cũng là tạm bợ, cũng qua đi với thời gian. Chỉ có những gì trường cửu trên trời mới đáng kể. Bài học cá nhân của gia đình tôi cơ ngơi đồ sộ ngoài Bắc phải bỏ để di cư vào Nam, xây dựng vườn tược đồn điền trù phú rồi cũng phải bỏ vì chiến tranh, rồi bây giờ ít mẫu rộng còn lại sát thị xã cũng phải đem vào hợp tác xã. Tiền bạc xưa nay của bố mẹ tôi là dựa vào vườn rau và vườn cây ăn trái. Khi dư giả thì lại đầu tư vào ruộng đất.

Giới thương nghiệp, nông nghiệp, quân nhân đều trở thành nạn nhân của sự thiếu suy xét lâu dài mà đáng ra sau chiến tranh sẽ là một lực lượng hùng hậu để dựng xây đất nước.

Tôi ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửạ Trời đã xế chiều, trưa mai thầy Đoàn từ làng Kờ Mông sẽ trở vào, và cô Liễu, cô Mai sẽ trở lại nhiệm sở. Đã 5 ngày tôi xoay sở dạy ở làng thầy Đoàn, làng cô Mai, đi thăm anh Trung và anh Tâm mỗi ngàỵ Anh Tâm đã không còn sốt nữa, sức khoẻ đã hồi phục, và có thể ra đi được rồị Trong 5 ngày anh Trung và tôi dùng câu cắm đã bắt được khá nhiều cá để tôi đem về làng luộc và xé ra nhỏ trộn với muối và rang khô để làm ruốc giúp các anh làm thức ăn đi đường. Chương trình huấn luyện các giáo viên Thượng cũng đã tạm xong. Khi người ta làm việc dưới áp lực của việc gì đó thường mau :Dng hơn lúc la`m việc tà tà, không có thời gian nhất định.

Sáng nay tôi dạy ở làng thầy Đoàn, tôi đã từ giã mọi người. Buổi trưa tôi ra thác câu cá và thăm anh Trung và Tâm. Hai anh cũng nóng lòng ra đi, tôi đã đưa cho các anh hộp ruốc cá và hứa sẽ trở lại trưa mai để dẫn các anh đi lên biên giớị Cả mấy ngày qua tôi chỉ dẫn cặn kẽ đường đi nước bước' nên các anh cũng đã rành rẽ phần nàọ Tối nay tôi sẽ dạy bình thường ở làng cô Mai, nhưng sáng mai tôi sẽ giã từ họ trong bữa học cuối cùng.

Gặp nhau giã biệt nhau trở thành thông lệ nhưng cũng xót xa trong lòng. Tôi yêu mến người dân, qúi trọng anh Trung và anh Tâm, dân làng tôi còn có dịp gặp lại, nhưng khi giã biệt hai anh ngày mai rồi chắc chúng tôi chẳng còn cơ hội nào để gặp nhaụ Hai anh nhất định đi, chứ không chịu trở về. Anh Tâm khai thật với tôi là anh đã lấy một số tiền lớn ở cơ quan để mua ghe vượt biển ở Qui Nhơn nhưng bị lừa nên đành phải đi trốn bằng bất cứ giá nào, chứ không thể trở nào trở về được. Còn anh Trung thì tham gia vào một nhóm Phục Quốc giả do chính cộng sản thành lập để quy tụ những phần tử chống đối. Hôm công an truy lùng anh kịp thời trốn được nên bây giờ có trở về cũng chỉ ngồi tù.

Tôi lo sợ cho các anh nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Đã đến nước này, thì các anh nhắm mắt ra đi là phảị Tôi vẽ sơ đồ, chỉ cho các anh những tiếng Thượng cơ bản, để nếu cần các anh có thể giả làm Giáo Viên Miền Núi đi lên vùng biên giới để dạỵ Tôi biết là tôi liều lĩnh lắm, nhưng giúp người thì trời sẽ giúp mình. Công việc xây dựng đất nước đâu phải độc quyền những người ở trong nước mà thôi, mà những người ngoài nước cũng đóng góp phần không kém quan trọng như dân tộc Do Tháị

Biết đâu một ngày nào đó, những người như anh Trung, anh Tâm sẽ là những Mạnh Thường Quân trợ lực việc xây dựng lại quê hương, biết đâu những người Thượng mà chúng tôi đang dạy sẽ trở thành lực lượng đấu tranh cho tự do no ấm thực sự.

Tôi mơ màng mơ tới một ngày đất nước thực sự thanh bình, thấy được mọi người đoàn kết thương yêu nhau, không có nhà tù, không có trại cải tạo, không còn phân biệt quốc gia hay cộng sản, mà chỉ biết rằng mọi người đều là con rồng cháu tiên, giòng dõi Lạc Việt cùng chung một bọc biết cùng nhau xây dựng một quê hương đẹp giàu...


:::: Chương XXVI ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi đã ăn trưa và sửa soạn xong khi thầy Đoàn đưa cô Mai tới làng. Nhìn mặt vui vẻ của hai người tôi cũng thấy vui lâỵ Tôi báo cho cô Mai và thầy Đoàn những gì tôi đã dạy trong năm ngày qua, và hỏi thầy Đoàn thấy bên làng Kờ Mông thế nàọ

-- Bên đó dân họ dễ chịu và thích học. Đoàn rất mến.

Rồi anh chần chừ:

-- Cô Liễu chưa lên hôm nay, có lẽ Quang phải về đó dạy, để không họ nói thầy cô giáo nghỉ dạy bất thường.

Tôi đưa mắt nhìn cô Mai, dò hỏi:

-- Mai biết có chuyện gì xảy ra không?
-- Không anh, hôm qua, Mai tới nhà Liễu rủ sáng nay đi chung thì nhà gia đình Liễu nói Liễu đi từ sáng sớm hôm quạ
-- Lạ nhỉ! Nếu cô Liễu lên hôm qua, thì đã vào tới làng hôm qua rồi. Có lẽ Liễu đi chơi đâu đó rồi nói dối với người nhà là đi lên đây thôi.

Cô Mai hỏi:
-- Anh có dự định gì không?
-- Dự định gì?
-- Về chị Liễu đó!
-- Không, thì Quang phải lên làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu vài ngàỵ Nếu sau ba ngày nữa mà cô Liễu chưa lên thì Quang bắt buộc phải báo cáo thôi. Sợ chuyện gì xảy ra cho cô Liễu mà mình tỉnh bơ không biết thì phải chịu trách nhiệm sau nàỵ Hy vọng là cô Liễu không việc gì!
-- Chắc không sao đâu! Chị Liễu lớn rồi, anh không phải lo!
-- Mai có gặp giáo viên trong huyện nào khác về thị xã không?
-- À tối hôm kia, chị Liễu và Mai có đi phố gặp anh Lực, anh Tài ở B3 cũng mới về nghỉ phép. Nghe anh Tài nói họ sẽ phải trở lại hôm sau. Không chừng chị Liễu đi lên B3 với anh Lực. Họ nói chuyện ăn ý lắm.

B3 cũng thuộc huyện Chư Pah, gồm nhiều làng khá văn minh quanh Ninh Đức, một khu vực trù phú. Đường lên B3 là đường lên Kontum theo quốc lộ 14, hướng Bắc, đi theo đường Lê Lợi, còn đường vào làng Kờ Mông hay trụ sở huyện lại về hướng Tây trên đường Hoàng Diệu nếu lấy rạp hát Diệp Kính là góc vuông của hai đường. Tôi cảm thấy hơi bực bội vì dự định của tôi đưa anh Trung và Tâm lên biên giới bị đứt đoạn. Kệ đi, một ngày không có lớp cũng không saọ Tôi thầm nhủ, việc đưa người đi cho an toàn quan trọng hơn, mình còn dạy ở đây dài dài, việc đưa người đâu phải lúc nào cũng xảy ra.

Có lẽ khuôn mặt tôi lúc bấy giờ đăm chiêu suy nghĩ lắm nên cô Mai nói:

-- Không việc gì đâu anh Quang. Anh lo nghĩ làm gì ? Chuyện chị Liễu, chị Liễu lo.
-- Đành rồi, mọi người trong chúng ta đều trưởng thành hết rồi mà!
-- Anh ở lại ăn cơm rồi về nhé!
-- À không, Quang ăn trưa rồi. Nồi cơm và đồ ăn kia là phần Mai đó! Quang không nghĩ anh Đoàn sẽ tới đây nên nấu không nhiều mấy, nhưng cũng đủ cho Mai và anh Đoàn ăn tạm trước khi ăn tốị
-- Cám ơn anh! Đoàn sáng sớm nay đã tới nhà Hạnh ăn uống xong hết rồi thì cô Mai tới nên mới cùng nhau vào làng chung đó! Hồi nãy cô Mai ghé chỗ Hạnh không chịu ăn cơm nguội nên bây giờ mới đói!

Thầy Đoàn nhìn cô Mai chọc. Cô Mai cười phá lên làm chúng tôi cùng cườị Cô Mai đề nghị:

-- Vậy để Mai nấu chè đậu đen, hai anh ăn rồi đi nhé ?
-- Cám ơn Mai, Quang phải đi. Anh Đoàn ở lại ăn chè đi, Quang có việc phải đi lie^`n. Với lại hôm trước Quang đã ăn chè quá tiêu chuẩn của cô Mai rồi, anh Đoàn chưa có dịp thưởng thức, anh cứ việc ở lại ăn chè xong rồi về cũng còn dư thời giờ để lên lớp.

Tôi khoác ba lô lên vai rồi từ giã cô Mai và thầy Đoàn. Cũng còn 4, 5 tiếng để đi trước khi trời tốị Thời gian đó cũng đủ cho tôi đưa anh Trung và anh Tâm tới B 11! Đêm nay ba chúng tôi phải ngủ giữa rừng thôi! Tôi thầm nghĩ! Sáng mai mình có thể đưa hai anh ấy đi thêm một đoạn nữa tới giáp địa phận B 12 rồi hai anh phải tự đi về biên giới chứ đưa hai anh tới hẳn biên giới thì phải mất hơn hai ngày mà mình phải về làng Kờ Mông và còn ít chi tiết phải viết cho xong trước ngày huấn luyện giáo viên Thượng. Phải chi cô Liễu đã có mặt thì đỡ biết chừng nào, mình có thể đưa hai anh thêm một ngày nữa, rồi chỉ cho hai anh đi theo lối nhỏ dẫn tới con sông Krong Poco. Vượt qua con sông đó rồi đi dọc theo bờ phía phải thì sẽ tới thượng nguồn sông Cửu Long ở bên Cam Bốt. Đóng bè vượt qua sông rồi đi thẳng về phiá Tây sẽ tới khu vực Chiang Mai bên Thái Lan trong vòng ít ngày nếu rành rẽ đường xá và không phải lẩn tránh.

Tôi thấy mình đang làm một việc liều lĩnh mà nếu bố mẹ tôi biết được sẽ cản ngăn ngay vì việc này mà bị phát giác sẽ ảnh hưởng rất lớn với tương lai của tôị Nhưng lao đã phóng rồi, tôi không có gì ân hận vì thấy mình không có sai trái gì với lương tâm. Đã giúp thì giúp tới cùng. Tôi không thể làm ngơ trước sự tuyệt vọng của những người đang ở đường cùng. Thà cho các anh một đường thoát còn hơn thấy các anh sống trong vòng tù tội, sợ hãi vì trong cuộc đời không có gì khổ sở hơn khi sống trong tuyệt vọng.

:::: Chương XXVII::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi đi nhanh trên đường mòn về làng Ea Nang và lách mình theo lối nhỏ xuống thác nước. Trời đang nắng nên việc xuống suối tắm là chuyện thường tình. Vả lại, mấy ngày nay, tôi đã đi tới đây và quen thuộc dạn dĩ vì khu thác nước này hẻo lánh ít người đi lạị Cả mấy ngày không thấy bóng một người Thượng nàọ Nhưng dù sao, tôi lúc nào cũng phải cẩn thận, bỏ ba lô xuống, cởi quần áo ra, bơi vòng vòng một hồi, ngó qua ngó lại, không thấy ai rình rập rồi mới dám lách mình qua màn nước để vào trong hang.

Từ ngoài trời vào trong hang, hang mờ tối, không thấy dáng một aị Tôi nhắm mắt lại rồi mở ra cho quen với bóng tối trong hang. Tiếng nước thác đổ ào ào, tôi nhìn quanh quất cũng không thấy anh Trung và anh Tâm đâụ Tôi dụi mắt và đi sâu vào hang, vào góc tối, chỗ hai anh thường nằm ngủ. Ba lô đồ đạc cũng không còn. Hay các anh có việc gì?

Không thể được vì chiều qua các anh thật vui vẻ vì anh Tâm đã bình phục và mừng là tôi tự nguyện dẫn các anh đi một đoạn đường. Không có dấu vết giằng co, hay giết :Dc. Tôi vấp phải cục đất to, suýt ngã. Tôi cúi xuống xoa bàn chân bị đau thì thấy một phong bì dầỵ Tôi nhặt lên, đoán rằng đó là thư các anh viết để lạị Vừa thất vọng là các anh đã không chờ tôi, vừa mừng là các anh không việc gì. Tôi ra ngoài gần cửa hang, nơi có ánh sáng, bóc thư ra đọc:


Anh Q.

Bọn này tối qua đã bàn luận với nhau và quyết định không nên phiền lụy anh quá nhiềụ Anh đã giúp T và T rất chân tình như một người trong gia đình làm bọn này cảm động và biết ơn lắm. Bọn này thành thật cám ơn anh đã tận tình giúp đỡ những ngày quạ

Sơ đồ anh phác hoạ cũng như bản đồ, địa bàn, lương thực và những lời hướng dẫn của anh sẽ giúp bọn này rất nhiềụ Bọn này được anh chuẩn bị như vậy thật là chu đáo, mọi sự phó mặc vào số phận. Nếu chẳng may không thành công thì đó là tại số chứ không phải vì anh hay bọn này thiếu chuẩn bị.

Chúc anh thành công với mộng ước anh theo đuổị

T & T

Tái bút: Xin gởi anh ít tiền còn lại, bọn này sẽ không còn dịp xài tiền đó nữạ



Tôi mở phong bì coi lại, đếm ra được 500 đồng tiền mớị Tổng cộng hơn một năm lương giáo viên của tôi mỗi tháng được 36 đồng. Tôi tiếc hai anh đã không ghi lại gì cho gia đình hai anh hay để địa chỉ để sau này có dịp tôi liên lạc. Tôi định bụng sẽ hỏi Nhung và các bạn của nàng, may ra sẽ có người biết chỗ ở của hai anh. Số tiền này không phải nhỏ, tôi sẽ giữ và đưa lại cho gia đình hai anh ấỵ Tôi định bụng lúc bấy giờ vậy, chứ không biết phải chi vào việc khác sau nàỵ

Tôi lách ra khỏi hang, đem tiền và bức thư nhét vào túi nhỏ trong ba lo%5Ẹ Tôi sẽ phải đốt bức thư đó càng sớm càng tốt kẻo lỡ có người nào đọc được thì khổ. Trời vẫn đang trưa, tôi lại không phải đưa anh Trung và anh Tâm đi nên tôi thong thả bơi dưới suối một hồị

Giòng nước mát lạnh. Chỉ có tôi bơi như con rái cá cô đơn, bỗng nhiên tôi thấy nhớ hai người bạn mới của tôị Không biết giờ này hai anh đã đi tới đâu rồi, có vững vàng tự tin như trong thư đã viết không. Tôi cũng thầm cảm ơn Trời và cầu nguyện cho hai anh ra đi bình an. Mọi việc như đã được xếp đặt trước. Nếu hai anh chờ, tôi sẽ đưa hai anh đi tới ngày hôm sau, và làng Kờ Mông sẽ thiếu giáo viên đêm naỵ Thế nào rồi cũng bị phản ảnh lên trên là chúng tôi không tận tình dạy học. Tôi thì không hề gì, nhưng cô Liễu sẽ bị kiểm điểm và phiền toái vì đi quá phép. Tôi cầu mong cô Liễu sớm lên trở lại vì tôi chỉ có thể thay cô dạy thế mấy ngày chứ tôi phải lo công việc của tôi nữạ Tôi định sẽ chỉ trách nhẹ thôi chứ không kiểm điểm chi cho lớn chuyện khi cô Liễu lên. Cũng là giáo viên cả, đôi khi cũng phải linh động chứ! Tôi nhủ thầm.

Tôi đi tới làng Nang định đi theo đường nhỏ trong rừng dẫn tới làng Kờ Mông chứ không ra đường cái chính phải đi ngang Phòng Giáo Dục lỡ gặp người nào phải giải thích lôi thôị Tôi ghé nhà cô Hạnh để nghỉ mệt khi cô đang chuẩn bị nấu cơm chiều trước khi ăn rồi lên lớp dạy buổi tốị Khi cô Hạnh biết tôi đi qua làng Kờ Mông dạy thế cô Liễu, cô Hạnh mời tôi ở lại:

-- Quang ở lại ăn cơm chiều rồi hãy đi nhé!

Hôm nay tôi cũng lười vì nhiều chuyện suy nghĩ nên đáp nửa đùa nửa thật:

-- Được, cám ơn chị Hạnh. Mà có đủ phần ăn không đấy?

Tôi mở bao lô lấy phần còn lại của mớ gạo nếp mới đổi ở làng Ea Rông để cho anh Trung và Tâm dùng để nấu cơm ống dễ ăn khi đi đường. Các anh chỉ cần chặt lồ ô hoặc nứa rồi bỏ gạo nếp vào một phần ba ống nứa, đổ nước đầy vào, rồi nướng. Cơm ống có thể giữ lại cả ba bốn ngày, khi nào ăn thì chẻ ống nứa ra, cơm áo dài chắc ăn lâu tiêụ Những người ở vùng cao, lạnh thường ăn cơm nếp nhiều hơn cơm tẻ vì no lâụ Hai anh Trung và Tâm đã xếp đồ vào ba lô nặng đầy nên phần còn dư tôi đem về. Hôm nay đưa cho cô Hạnh. Cô Hạnh nói thấy gạo nếp nói:

-- Vậy để Hạnh nấu xôi nha! Có ít đậu xanh xay sẵn nè! Mấy hôm rồi ông Đoàn ra đây bọn này nấu chè ăn hoàị Hôm thì ở đây, hôm thì ở làng Kờ Mông. Vui phải biết!
-- Ừ nhé! Vui vậy có quên dạy học không?
-- Đâu có! Bọn này biết điều mà đâu dám để phiền toái đến Quang đâụ

Tôi cười:

-- Chọc anh chị vậy thôi, chứ có dịp thuận tiện Quang sẽ sắp xếp cho anh chị ở gần nhau để động viên tinh thần lẫn nhaụ
-- Nhớ đó nha! Quang mà thất hứa, hổng mời dự đám cưới bọn này đó!
-- Chao ơi, đã tính đám cưới rồi saỏ
-- Ừ, bọn này tính càng sớm càng tốt đó! Sức khoẻ ông Đoàn cũng không tốt lắm, nếu có người chăm sóc ổng, chắc ổng đỡ hơn!
-- Suy nghĩ kỹ dữ ha! Mà gia đình hai bên đồng ý chưa ?
-- Chưa hỏi, nhưng bọn này trên hai mươi mốt hết rồi, không còn con nít như Quang mà phải có sự đồng ý của gia đình.
-- Ngon dữ, dám coi Quang là con nít! Chị không sợ Quang trả thù saỏ
-- Quang mà thù ai!
-- Biết đâu đó! Đụng tới nồi cơm chén gạo của Quang, Quang trù chết luôn cho coi!

Chúng tôi đùa qua đùa lại trong khi chờ nồi xôi chín. Tôi nhủ lòng sẽ tạo dịp cho hai người về thị xã cùng một lúc, biết đâu gia đình hai bên đồng ý, hai người sẽ nên duyên vợ chồng. Tôi thấy chị Hạnh rất tốt, có lẽ anh Đoàn là người may mắn mới gặp chị ở đâỵ Chị Hạnh là người khoẻ mạnh, có nét đơn nhu thuần hậu không bon chen, biết chăm sóc cho anh Đoàn là người có vẻ yếu đuối bệnh tật. Tôi suy nghĩ tới luật mâu thuẫn tự nhiên, luật bù trừ mà hoá công đã dựng nên, "Được vợ mất chồng, được chồng mất vợ!" Có phải tại hai thái cực thu hút, hấp dẫn nhau hay không?

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #7  
Old 04-04-2004, 12:31 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

:::: Chương XXVIII ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Mọi người đã đi hết sau khi vệ sinh và ăn sáng. Già trẻ lớn bé đều đi cả, người thì đi làm, người thì đi học, chỉ còn một mình tôi. Lúc người Thượng đi vắng, người ta chỉ khép cửa chứ không có khoá. Mọi người tôn trọng tài sản và qúi trọng lẫn nhaụ Chỉ có những người bệnh mới ở nhà hay những trẻ nhỏ đang tuổi đi học nếu có giáo viên phổ thông ở gần đó. Làng Kờ Mông nằm dọc theo đường chính lên Phòng Giáo Dục và có hai làng khác gần đó, cũng như khu vực kinh tế mới Thạnh Đức của người Kinh mới thành lập nên trường lớp phổ thông tương đối đầy đủ. Có đủ các lớp Cấp I, tức là tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5. Cấp II thì chỉ có học sinh tới lớp 8. Học sinh cấp II toàn là người Kinh từ dưới Qui Nhơn đi lên.

Tôi đang soạn bài cho kỳ huấn luyện giáo viên Thượng thì có tiếng người đi lên. Tôi ngưng viết ngẩng mặt lên xem có phải là cô Liễu trở lại không. Tôi nghe thấy tiếng cô Liễu:

-- Đây là nhà Liễu ở. Mời anh Tài lên nhà!

Có tiếng người nói lại, chắc là tiếng thầy Tài, một giáo viên ở B 3.

-- Nhà lớn đó chứ! Hình như dài và rộng hơn các nhà khác!
-- Có lẽ vậy, nhà này là của ấp trưởng mà!

Cô Liễu giật mình khi thấy tôi đang ngồi trong góc nhà, chỗ cô ở:

-- Anh Quang, tới đây hồi nào vậy?
-- Quang tới chiều hôm qua, khi thầy Đoàn vào làng Ea Rông lại và báo là Liễu chưa thấy lên.

Tôi đứng dậy chào và bắt tay thầy Tài

-- Anh Tài lên chơi hở?

Anh Tài ngần ngừ gãi đầu trả lời:
-- Tài muốn xin đổi chỗ dạy với Liễụ Hôm trước Lực và Tài gặp Liễu và Mai ở thị xã nói chuyện vui chơi, rồi chuyện này sang chuyện khác... Liễu có lên B3 và gặp giáo viên chuyên trách trên đó.

Tài bỏ ba lô xuống, lấy thư giới thiệu đưa cho tôi:
-- Tóm tắt lại là Tài gặp khó khăn không thể tiếp tục dạy trên đó nữa. Thấy Liễu và Lực hai người ăn ý nhau muốn dạy gần nhau nên Tài mời Liễu lên trên đó gặp giáo viên chuyên trách cũng như dân làng để đề nghị đổi chỗ dạỵ

Tôi đọc lướt qua giấy đồng ý cho thầy Tài đổi chỗ với cô Liễu vì thầy Tài gặp khó khăn trong việc dạy ở làng anh. Anh đã thuyên chuyển qua ba làng khác nhau rồi mà ở đâu cũng gặp trở ngại. Anh Phúc, giáo viên chuyên trách vùng đó, đề nghị đổi cô Liễu hay một giáo viên khác hoặc trả thầy Tài về Phòng Giáo Dục vì anh thấy thầy Tài không thể hoàn thành công tác trên B3 được.

Tôi thấy có điều gì không ổn vì lý do không rõ rệt nhưng lờ đi để dịp khác tôi sẽ tìm hiểu thêm. Tôi nhìn thầy Tài hỏi:

-- Thế hồi nãy đi ngang Phòng Giáo Dục anh đã vào nói chuyện với anh Nhật, trưởng phòng, chưa?

Cô Liễu xen vào:
-- Hồi nãy xe vừa lên tới đầu làng Kờ Mông là Liễu với anh Tài nói tài xế cho xuống liền. Liễu không muốn đi bộ giữa trời nắng chang chang nàỵ
-- Vậy nếu Liễu muốn cũng phải viết một đơn xin đổi chỗ liền đi rồi Quang đưa hai người lên Phòng Giáo Dục nói chuyện với anh Nhật giúp hai người thuyên chuyển. Được hay không là tuỳ ở Phòng Giáo Dục, chứ Quang không dám tự quyết định hay thuyên chuyển người ra ngoài khu vực của Quang.

Cô Liễu nài nỉ:
-- Ráng giúp Liễu và anh Tài đi nghen!

Tôi nhìn vào mắt cô Liễụ Tôi thấy Liễu có vẻ linh hoạt hơn, dễ thương hơn, và hạnh phúc hơn. Có lẽ là dấu hiệu của tình yêu đâỵ Chắc cô Liễu trúng tiếng sét ái tình của anh Lực rồị
-- Liễu tính bỏ làng trốn nhà đi theo ai vậy?
-- Có trốn hồi nào đâu, Liễu thích giúp anh Tài mà!
-- Liễu đi thì đi Quang không cản, nhưng phải nhớ Liễu đã quen nước, quen cái ở đây rồị Phong thổ mỗi nơi mỗi khác, không cẩn thận sẽ ngộ độc đó!
-- Không sao, Liễu thích lên đó mà!
-- Thôi vậy đi, Liễu viết đơn xong thì ba người chúng ta lên Phòng Giáo Dục. Liễu cứ để đồ đạc ở đây vì hôm nay không kịp xe về thị xã đâụ Còn anh Tài, mang ba lô đi. Nếu anh Nhật đồng ý anh thay Liễu, Quang muốn anh lên thay anh Đoàn để anh Đoàn về đây cho gần bệnh xá huyện vì trông thấy anh kỳ này bệnh suyễn của anh nặng hơn. Hơn nữa anh ấy cũng quen với dân ở làng nàỵ Tuần rồi, anh Đoàn dạy thế Liễu ở đây!

Ba người chúng tôi đi bộ lên Phòng Giáo Dục vừa đi vừa nói chuyện đời giáo viên miền núi với những vui buồn lẫn lộn. Làng thầy Tài nằm trong góc núi Chư Pao (Núi Con Trâu) vì nhìn từ xa dãy núi trong cũng hơi hơi giống hình còn trâu nhất là lúc về chiềụ Chu Pao trước đây đã xảy ra những trận đánh kịch liệt giữa quân đội miền Bắc và miền Nam nằm giữa thị xã Pleiku và thị trấn Kontum. Dọc theo quốc lộ 14 từ vùng Chu Pao trở lên Kontum lỗm chỗm những hố bom B52 thả vào mùa hè đỏ lửa 1972. Những hố bom đó bây giờ là những chuôm ao xanh có ếch nhái và có khi có cả cá nữạ Không biết có phải người Thượng thả những con cá con, còn quá bé để ăn không, nhưng những hố bom xưa đã được nước mưa đọng lại thành những ao chuôm thành môi sinh mới của cá và ếch nháị Phép lạ của thời hoà bình! Sự sống sẽ thắng cái chết, hoà bình sẽ thắng chiến tranh, ánh sáng sẽ thắng bóng tối và chánh nghĩa sẽ thắng gian tà! Tất cả phải phụ thuộc vào thời gian!

Phải để thời gian băng bó những vết thương, phục hồi hy vọng, và hồi sinh sự sống. Quân võ phu Mông cổ trên lưng chiến mã đã đánh thắng và hùng cứ Trung Hoa nhưng đã hội nhập nền văn hoá nhà Tống để Trung hoá hoàn toàn. Tôi thầm hy vọng văn hoá, lòng yêu thương dân tộc, sự yêu chuộng hoà bình và tự do của miền Nam sau này sẽ đánh bại và thuần hoá được mọi ý thức hệ ngoại laị Mỗi cố gắng, đóng góp của thanh niên chúng tôi sẽ xoa dịu, và xoá bỏ được những sự khác biệt tưởng như không thể dung hoà được.

Tôi không cần biết thầy Tài đã làm gì khiến thầy thất bại cả ba nơi, tôi sẽ cố gắng tranh đấu cho thầy Tài được chuyển về đâỵ Cô Liễu dạy rất tốt nhưng tôi không thể cầm giữ cô ở lại được. Hồn cô đã để ở B 3 rồi, nếu tôi không thuyên chuyển cô, cô sẽ miễn cưỡng dạy mà thôi, như vậy không ai được lợi cả. Chi bằng nhân nhượng những cái có thể nhân nhượng để mọi người cùng vui vẻ hăng say trong công tác giáo dục của mình.


:::: Chương XXIX ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Tôi đưa thầy Tài và cô Liễu xuống nhà ăn ngồi chờ rồi tôi lên văn phòng gặp anh Nhật trước. Dù sao cũng phải chuẩn bị tinh thần cho anh ấy sẵn sàng trước rồi hãy để như là anh quyết định thay vì đó là quyết định của giáo viên hay của tôị Thực ra thì chuyện đổi gần như là việc đã rồi, không thuyên chuyển thì trục trặc lung tung. Tôi ngó đầu vào văn phòng chào:

-- Anh Nhật rảnh không?
-- Vào đi, cậu vừa về?
-- Dạ, em vừa lên từ làng Kờ Mông. Đây là chương trình sơ khởi huấn luyện các giáo viên. Anh rảnh coi qua xem có đồng ý không?

Tôi đưa xấp giấy đã soạn cho anh Nhật, anh đọc phớt qua chương trình tóm tắt ở trang đầu, rồi chăm chú hơn ở những trang sau, gật gù:

-- Được lắm, giống như là cậu chuẩn bị cả bao nhiêu tháng naỵ
-- Cám ơn anh, vậy là đại khái anh đồng ý?
-- Nhất trí mà! Tiếc là ông Ít chưa về để anh em mình nói chuyện thêm.
-- Anh Nhật, còn chuyện nữa, anh phải giúp mới được!

Anh Nhật ngẩng mặt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi đưa đơn xin thuyên chuyển của thầy Tài và cô Liễu cùng với giấy giới thiệu của thầy Phúc từ B 3.
-- Bố láo thật! Anh chàng Phúc đáng lẽ phải bàn bạc với Phòng Giáo Dục trước chứ!
-- Có lẽ tại gấp rút thôi anh, chắc cũng như việc thầy Đáng, làm mất lòng đồng bào vì chuyện thịt trâu thốị

Tôi đưa ra lý do mà anh Nhật đã thừa biết vì chuyện giáo viên Đáng đã xảy ra trong khu vực của tôi, để gián tiếp nhắc nhở anh Nhật chuyện thuyên chuyển tế nhị

-- Thế cậu nghĩ saỏ
-- Em à, em thấy mất cô Liễu cũng uổng, nhưng có thầy Tài cũng được. Thầy Tài khoẻ mạnh, nếu anh đồng ý thì em đưa thầy Tài vào làng Ea Rong thế thầy Đoàn sẽ ra làng Kờ Mông thế cô Liễu vì thầy Đoàn bị suyễn hơi nặng cần gần bệnh xá huyện để lỡ có việc gì ...
-- Cậu thấy được thì anh nhất trí luôn. Thế tính bao giờ chuyển?
-- Ngay liền bây giờ anh ạ. Thầy Tài đã mang ba lô lên đây đang ở nhà ăn với cô Liễụ Anh viết giấy thuyên chuyển xong thì em đưa thầy Tài vào làng Ea Rong liền cho kịp về thảo luận thêm với anh.
-- Thôi, việc gì gấp vậỵ Mai mốt anh em mình bàn cũng được. Cậu lo giùm mấy việc lặt vặt đị Cậu qua phòng ông Ít đánh máy Lệnh Thuyên Chuyển rồi đưa cho tớ ký là xong.

Tôi lấy giấy ba tờ giấy carbon để đánh máy bốn bản Lệnh Thuyên Chuyển Giáo Viên mà không đề tên người hay làng, xã. Xong rồi tôi điền tên thầy Tài và cô Liễu và khu vực hoạt động. Thầy Đoàn trong cùng một khu vực nên không cần, hơn nữa dân làng Kờ Mông đã biết mặt thầy Đoàn rồị Tôi đưa anh Nhật cả hai trang chưa điền tên, nói anh giữ phòng hờ sau nàỵ Anh Nhật nói:

-- Cậu lo xa quá, khỏi cần đị Thôi để tớ ký luôn. Có ai muốn thuyên chuyển bất chợt mà tớ vắng, giao cho cậu quyết định đó!
-- Anh lu bu nhiều chuyện thì được rồi, em giữ đơn này lại, có việc gì em sẽ trình anh.

Tôi báo thêm với anh Nhật:
-- Cô Liễu tối nay tiếp tục dạy ở làng Kờ Mông, sáng mai ra bến xe về, ngày mốt phải có mặt ở B 3 để trình diện thầy Phúc nhận nhiệm sở mớị Còn em đưa thầy Tài lên thay thầy Đoàn liền. Em sẽ ở lại Ea Rong đêm nay để giới thiệu thầy Tài với dân làng. Mai thầy Đoàn về làng Kờ Mông, còn em về đây rồi anh bổ túc thêm ý kiến chương trình huấn luyện giáo viên Thượng.
-- Tớ tin tưởng cậu mà! Hiệp nhận xét cao về cậu lắm!

Ở Phòng Giáo Dục có bốn cô và bảy chàng: chị Hiệp, chị Nhung, chị Chức, chị Hương, anh Nhật, anh Khoa, anh Giáp, anh Hưng, anh Bài, anh Ít và tôị Anh Nhật có cảm tình nhiều với chị Hiệp, mặc dù anh đã có gia đình ở ngoài Bắc. Thường thường, chị Hiệp giữ vai thư ký ngồi ngay trong văn phòng của anh, nhưng hôm nay tôi không thấy chị ở đâỵ

Tôi cười hỏi anh:
-- À mà chị Hiệp đâu rồi, nãy giờ em không thấy chị ấy đâu!
-- Hiệp về thịxã trưa naỵ Ở Phòng chỉ còn mấy mạng le que! Thôi cậu đi đi rồi về càng sớm càng tốt.

Tôi xuống phòng ăn. Cô Liễu và thầy Tài đưa mắt dò hỏị Thầy Tài hỏi nhanh:

-- Có được không anh?
-- Xong rồi, đây là giấy thuyên chuyển cho hai ngườị Anh chị lên cám ơn anh Nhật một tiếng rồi Quang đưa anh Tài lên làng Ea Rong thế anh Đoàn, còn Liễu thì về Kờ Mông dạy và từ giã đồng bào tối nay, sáng mai Liễu về thị xã chơi một hôm rồi ngày mốt lên B 3 trình diện thầy Phúc.

Hai người xiết tay tôi, cảm động. Tôi vui lây vì vừa giúp được mấy người hạnh phúc, nhất là cô Liễu, má hồng lên sung sướng. Đúng là khi người ta yêu, ngay cả ý nghĩ sắp được gần người yêu cũng lồ lộ trên khuôn mặt. Còn tôi, không biết tôi đã yêu chưa mà sao trắc trở quá, với Du, với Nhung đều có cái gì là lạ, dù rằng tôi có cảm tình thật sâu với hai ngườị



:::: Chương XXX::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Thầy Tài và tôi rời Phòng Giáo Dục liền ngay khi thầy và cô Liễu lên chào và cám ơn anh Nhật. Tôi muốn làm việc gì thì làm cho xong, không muốn nấn ná ở lại. Tôi chỉ lấy gọn ghẽ những thứ căn bản một bộ đồ thay, khăn tắm, võng, màn, cà mên, đèn pin nhà binh... còn những thứ khác như mền, quần áo tôi để lại để việc đi lại được dễ dàng. Vừa đi tôi vừa nói qua tình hình dạy học ở khu vực và tình hình ở làng thầy Đoàn để thầy Tài nắm vững và hoạt động được tốt đẹp.

Một khu vực có thành công hay không là nhờ sự cộng tác của tất cả các giáo viên, chứ không tuỳ thuộc vào một cá nhân nào. Tôi không muốn mình độc đoán làm việc, những gì tôi biết, tôi đều chia sẻ với tất cả mọi giáo viên để họ cùng biết và giúp tôi dạy đồng bào Thượng. Thầy Tài lấy làm lạ tại sao tôi giải thích cặn kẽ từng chút một, tôi cười bảo thầy:

-- Mỗi một giáo viên là đại diện cho tập thể giáo viên. Thầy làm sai ở một làng, làng khác sẽ nghe tiếng và ảnh hưởng tới làng bên. Thầy hoạt động tốt ở một nơi sẽ động viên thầy cô giáo và đồng bào ở các làng lân cận.

Từ Phòng Giáo Dục lên làng Ea Nang chỗ cô Hạnh mất độ hơn hai tiếng đồng hồ. Thầy Tài và tôi đi độ hơn một tiếng rưỡi thì thấy mấy con nai chạy băng qua đường mòn. Nai rừng ít khi chạy, thường thong thả đi, trừ khi cháy rừng, bị bắn hoặc phát hiện người săn. Như linh tính báo có chuyện gì bất ổn, tôi thấy bên vầng thái dương giật giật vài cái. Thay vì đi thẳng tới làng Ea Rong, chỗ thầy Đoàn, tôi quyết định ghé lại chỗ cô Hạnh để hỏi xem có gì lạ.

Vừa thấy chúng tôi đến, cô Hạnh đã chạy ra, nói hớt hải:
-- Du kích và bộ đội đang truy lùng quân phiến loạn hay người vượt biên. Tối qua làng họp vì có người nấu nướng trên nhà kho ngoài rẫy của họ, khoai sắn nhổ tùm lum. Tro bếp còn ấm nên có lẽ mới đây thôị
-- Du kích và bộ đội đi về hướng nào?
-- Về phía làng ông Đoàn đó!
-- Họ đi bao lâu rồi?
-- Chừng một tiếng thôi, vì du kích các làng và bộ đội họp chung ở đây rồi mới khởi hành.
-- Thế họ chia làm mấy nhóm?
-- Đi chung một nhóm thôi vì chỉ có 7 anh bộ đội còn đâu khoảng 20 du kích.
-- À thầy Tài sẽ lên thay thế thầy Đoàn ở trên làng Ea Rong. Thầy Đoàn sẽ về làng Kờ Mông sáng mai đó.
-- Thật không? Quang không nói giỡn chứ?
-- Giỡn làm chi? Chị hỏi thầy Tài là biết liền. Thầy Tài đổi chỗ cho cô Liễu, Quang đưa anh Đoàn về thế cô Liễu cho tiện việc đi lại bệnh xá nếu cần vì thấy anh bị suyễn hành nặng hơn.
-- Cám ơn Quang nha! Bọn này không quên Quang đâu!
-- Chuyện nhỏ mà, cám ơn thầy Tài nè! Không có thầy Tài, Quang đâu đổi chỗ ngay cho anh Đoàn được.

Cô Hạnh quay nhìn thầy Tài:
-- Cám ơn thầy Tài nha. Khi nào bọn này đám cưới thầy ráng đi dự đó!
-- Gì chứ ăn thì tôi nhanh lắm! Chừng nào vậy?
-- Ồ chưa nhất định, nhưng bọn này chỉ làm đơn giản thôi, cũng dễ mà! Ăn chung là Quang cho bọn này về sắp xếp!
-- Ấy ấy đừng đặt gánh nặng trên vai Quang nha chị, bộ tính làm áp lực hở? Nói chơi vậy thôi, sau vụ huấn luyện giáo viên Thượng, Quang sẽ tìm cách cho anh chị cùng về một chuyến!
-- Quang hứa rồi đó nha!
-- Dạ thì hứa đó, nếu Quang còn sống thì sẽ giữ lời! Thôi bọn này phải đi cho kịp, chị Hạnh vui vẻ nha!
-- Mấy anh đi cẩn thận, đừng lớ xớ bị bắn đó!
-- Khỏi lo, bọn này vừa đi vừa hát nhạc cách mạng.

Ra khỏi bìa làng, đường mòn quanh co, cây cối um tùm. Tôi nói với thầy Tài:

-- Thầy biết bài hát cách mạng nào không? Thầy hát trước đi, bọn mình thay phiên nhau hát!

Thầy Tài cười hỏi:
-- Thật hay giỡn vậy?
-- Thật đó, mình lùi lũi đi, đâu biết ai rình rập đâu đó, tưởng mình là FULRO thì chết bỏ sừ.

Thầy Tài lắc đầu:
-- Tài không biết bài hát nào cả, chỉ biết mấy bài hát của thiếu nhi thôị
-- Kệ đi, mình hát bài nào mình biết! Cốt là để người ta biết mình không trốn tránh đó mà.

Thế là thầy Tài gân cổ vừa đi vừa hát:

"Ai yêu bác Hồ Chí Minh
Như thiếu niên nhi đồng ..."

Tôi thấy hay hay cũng hùa theo làm vang động cả khu rừng có lẽ vang vọng chu vi cả một cây số vì rừng núi âm vang tiếng hát của chúng tôi. Tôi mong tiếng hát vang vọng thật xa để mọi người nghe thấy, an toàn cho chúng tôi và báo động cho người đang lẩn trốn. Hát một hồi, thầy Tài nói:

-- Thôi anh Quang hát một mình bài gì khác đi, hát hoài khô cổ quá!
-- Để Quang dạy cho anh bài hát tiếng Thượng để anh lác mắt họ nghen! Cứ lập lại thôi, không cần biết nghĩa từng chữ.

Tôi hát một lượt bài Cách mạng thành công bằng tiếng Thượng, "Hơk kơ tơk jai ta jong ying eng ah kach mang ta eng ah oh tơ lơi ăm ah ..." giữa tiếng cười ngặt nghẽo của thầy Tàị

-- Thôi anh Quang ơi, Tài chịu thuạ Hát tiếng Việt còn hát vớ vẩn nữa là tiếng Thượng.
-- Vậy thôi, mình ngưng hát. Cũng mỏi cổ rồi!

Chúng tôi im lặng, tôi đi trước, thầy Tài theo sau. Tôi thầm nghĩ không biết ai đã nhổ sắn và để lại dấu vết tùm lum để xảy ra chuyện nàỵ Không lẽ anh Trung và anh Tâm vô ý đến thế sao khi mà tôi đã dặn dò chỉ vẽ kỹ lưỡng rồi. Tôi phải tìm ra hướng truy lùng của du kích và bộ đội. Không chừng tôi phải tìm cách liên lạc với anh Tâm và anh Trung. Bằng cách nào bây giờ, tôi ước lượng giờ này hai anh đã tới ranh giới B 12. Nếu tôi đi theo đường mòn cũng mất 6 tiếng nữa, lúc đó đêm đã phủ xuống, hơi lạnh trong núi bốc ra!

Tôi nghĩ có lẽ một nhóm người nào đó đã nhổ sắn chứ không thể nào là anh Tâm và Trung được, nhưng nếu bộ đội và du kích truy lùng về hướng các anh đi thì tôi phải kịp thời báo hiệu bằng cách vượt qua họ. Họ đi đông và chưa biết hướng các anh đi nên sẽ mất giờ truy lùng dấu vết, tôi được lợi điểm hơn nên có thể báo các anh đi về hướng khác an toàn hơn, nhưng bằng cách nào? Không thể xếp đá trên đường mòn vì dễ gây chú ý và các anh sẽ không đi theo đường mòn, mà chỉ đi dọc theo đường mòn để đỡ bị lạc nếu các anh theo đường tôi chỉ dẫn. Cách tốt nhất là bằng đèn pin chờ trời tối, dùng mật mã morse để liên lạc may ra nếu hai anh Tâm và Trung thay phiên nhau canh gác như lời tôi dặn họ có thể nhận ra tín hiệu của tôi. Dù với giá nào tôi cũng phải đưa hai anh ra khỏi vòng hiểm nguỵ

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #8  
Old 04-04-2004, 12:31 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

:::: Chương XXXI ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Thay vì ở lại giới thiệu thầy Tài với đồng bào, tôi nhờ thầy Đoàn tối hôm đó giới thiệu thầy Tài và từ giã đồng bàọ lấy cớ tôi qua thăm các thầy cô giáo khác trước khi phải bế quan tỏa cảng tại Phòng Giáo Dục cả hơn hai tuần lễ dài sắp tới. Thầy Đoàn mừng rỡ được về gần cô Hạnh cám ơn tôi rối rít nói rằng:

-- Quang đừng lo, Quang đã hết lòng vì bọn này, thì bọn này sẽ tận lực lo công tác mà!
-- Cứ vậy đi nha, rồi Quang sẽ cố gắng thay mọi người dạy để ai nấy đều có dịp nghỉ phép mà không bị bê trễ công tác. Anh Đoàn đi ngang Phòng Giáo Dục nhớ tìm gặp anh Nhật nói là Quang có chút thay đổi. Chắc phải sau ngày mốt Quang mới về Phòng Giáo Dục lạị Quang bây giờ đi một vòng tròn lên B 8, B 9, B 11, B 12 và B 10 rồi trở lại vì những tuần sắp tới Quang sẽ đóng đô tại Phòng, không đi thăm và động viên các giáo viên trong khu vực của Quang được.

Tôi quay về phía thầy Tài:

-- Còn anh Tài, cứ ráng dạy và hoà đồng như Quang đã nói với anh lúc đi đường. Có gì cứ hỏi thầy Đoàn, cô Mai, cô Hạnh hoặc Quang. Khoảng ba tuần nữa Quang trở lạị

Sau khi rời làng Ea Rong chỗ thầy Tài thay thế thầy Đoàn, tôi tạt ngang làng Ea Rung thăm cô Mai. Trên đường đi tới làng cô Mai, tôi phải hát vang mấy bài ca cách mạng quen thuộc như bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tâỵ Cứ khúc nào rừng cây rậm rạp không thể nhìn thấy người là tôi hát vang lên. Chỗ nào cây cao, có thể nhìn xa dưới tàng cây thì tôi ngưng hát đi nhanh. Cô Mai ngạc nhiên lắm vì tôi mới gặp cô ít hôm trước khi cô lên dạy trở lại. Tôi cười giải thích:

-- Quang đưa thầy Tài lên thế thầy Đoàn. Thầy Đoàn về làng Kờ Mông. Cô Liễu xin đổi lên B 3, khu vực của thầy Phúc, có lẽ để gần thầy Lực.
-- Quang tính làm ông mai hở?
-- Ông mai gì, họ đã quen nhau và xin đổi chứ Quang có liên quan chi! Mà Mai muốn đổi đi đâu không, Quang xin làm ông mai chuyển Mai tới nơi Mai muốn.
-- Không, Mai ở đây vui rồi! Đồng bào ở đây họ qúi mến Mai và Mai cũng không nỡ đi, bỏ lại mấy em nhỏ đang chịu khó học.

Tôi nói sơ qua về tình hình xảy ra ở Ea Rong, nói bộ đội và du kích đang phối hợp truy lùng người lạ chi đó nên xin cô Mai đừng có đi lung tung trong rừng tìm mộc nhĩ hay hoa trái mà nguy tới tính mạng. Cô Mai trả lời:

-- Du kích làng Mai cũng đi sáng nay, họ nói họ sẽ đi kiếm kẻ gian đang lẩn quẩn khu vực nàỵ

Cô Mai mời tôi ở lại, chờ cô nấu cơm chiều, tôi nói:
-- Quang phải lên các làng khác xem tình hình và động viên các giáo viên vì Quang sẽ bận mấy tuần lo vụ huấn luyện giáo viên Thượng để họ trợ lực mình sau nàỵ
-- Vậy Quang ăn chè với Mai rồi hãy đi nha!
-- Mai lúc nào cũng nấu chè ha! Mai mốt Quang gọi Mai là cô Chè đó!
-- Quang mà gọi Mai là cô Chè, Mai nghỉ chơi Quang luôn!

Cô Mai và tôi ngồi xuống ăn mỗi người một chén chè đậu đen cô Mai đã nấu sáng naỵ Chè nguội nên vị ngọt càng thấm. Tôi nhìn cô Mai tủm tỉm cười không nói chi, nhưng cô Mai bắt gặp ánh mắt tôi, hỏi:

-- Nhìn chi kỹ vậỷ
-- Quang đang mường tượng ngày tụi mình mới lên huyện, đứa nào đứa nấy buồn hiu vì lạ nước lạ cái. Bây giờ tụi mình đã quen thuộc rồi, thấy buôn làng cũng như quê hương làng xã của mình. Mai có thấy vậy không?
-- Mai cũng cùng ý nghĩ như Quang, mình sống ở đâu quen đó! Mai mốt rời đây, Mai sẽ buồn lắm!
-- Mai có tính chuyển qua chuyên nghiệp không? Có dịp Quang sẽ nói với anh Nhật.

Cô Mai ngước nhìn tôi, nét mặt rạng rỡ:
-- Thật nha! Nếu được vậy còn gì tốt bằng, vì khi về thị xã Mai cũng không biết làm nghề gì nữa.
-- Được, Quang sẽ cố gắng. Bây giờ Quang phải đi đây, Mai ở lại công tác vui vẻ.
-- Còn Quang, đi đường cẩn thận nha!
-- Quang lúc nào cũng cẩn thận mà, còn giữ mình để ăn chè chứ!

Tôi kiểm soát lại đèn pin. Pin vẫn còn mạnh. Tôi xoáy mở đáy đèn pin, lấy ra mặt nhựa màu đỏ để lên mặt cho dễ dàng lấy khi cần. Tôi sẽ phải dùng đèn pin và tín hiệu Morse đêm nay may ra anh Tâm hay anh Trung có thể nhận rạ Tôi khoác ba lô lên vai, rồi chào cô Mai, xuống nhà sàn vừa đi vừa huýt sáo có vẻ rất tự nhiên dù trong lòng hồi hộp lạ. Tôi ước ao có một con chó làm bạn lúc nàỵ Đi đường rừng lúc này tôi lo lo làm sao đó. Rủi bộ đội hay du kích bắn lầm một cái có chết không! Cái chết của tôi sẽ là một nhầm lẫn đáng tiếc, nhưng dù sao vẫn lãng xẹt! Việc giúp đỡ của tôi đối với anh Tâm và anh Trung kể ra cũng khá chu đáo rồi, việc gì không may xảy đến cho hai anh, cũng chỉ là số mệnh thôi! Không phải chính miệng hai anh đã nói ra đó sao?


:::: Chương XXXII:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Anh Tâm và anh Trung không phải bà con ruột thịt gì của tôi và chúng tôi cũng quen chưa lâu, việc tôi liều lĩnh giúp trong lúc hoạn nạn kể ra cũng khá kỹ càng. Nếu hai anh có mệnh hệ gì, ai có thể trách tôi được. Tôi còn bao nhiêu người thân, còn bao nhiêu dự định chưa thực hiện ... Tôi vừa phân vân lưỡng lự vừa dấn bước đi nhanh trên đường mòn. Không thể thấy cái chết trước mắt mà không cứu, ngay cả là đối với một người lạ. Dù sao họ cũng là đồng hương của tôị Dù sao họ cũng là bạn của bạn tôị Mọi cuộc sống đều có mối tương quan với nhau, chuyện xảy ra cho anh Trung hay anh Tâm có thể là chuyện xảy ra cho tôi sau nàỵ Tôi không thể thờ ơ trước hiểm nguy và cái chết của họ.

Tôi đã quyết định rồi, dù gì mình cũng phải cố gắng. Nếu lỡ hai anh bị bắt, tôi sẽ dùng tiền hai anh để lại để chuộc hai anh ra, nếu lỡ hai anh bị bắn chết thì tôi cũng không hối hận là đã liều mình đi tìm hai anh để dẫn hai anh tới vùng an toàn hơn. Nếu chuyện gì xảy ra ngoài tầm mắt của tôi, ngoài khả năng cứu người của tôi, thì đó là số mệnh. Tôi phải ráng, phải ráng đi nhanh, vượt du kích và bộ độị

Cứ vừa đi vừa chạy trên đường mòn với chiếc ba lô kêu lộc cộc trên vai vì cà mên, đèn pin, và các thứ lỉnh kỉnh, tôi tới bìa làng Ea Yut khi trời ngã chiều. Ghé vào đây nghỉ, đồng thời lấy tin tức cái đã rồi hãy đi tiếp. Làng này là làng thầy Tường, người nhỏ bé hiền lành như con gáị Tôi chưa gặp thầy cả gần 2 tháng rồị Tôi dự định gặp thầy một tí thôi rồi phải đi ngay, lấy cớ còn nhiều làng phải đi, mục đích là tôi phải kịp đi thêm ít nhất 4 tiếng nữa cho kịp các anh Trung và Tâm theo dự đóan của tôi. Họ đi chậm và lẩn trốn, còn tôi vừa đi vừa chạy và biết rành rọt đường xá nên có lẽ sẽ kịp thôi, nếu bộ đội và du kích xã không bắt các anh trước khi tôi kịp đến dẫn đường đi trốn.

Tới gần giữa làng tôi thấy nhiều người tụ tập trong lớp, có bóng quân phục xanh và nón cối của bộ độị Tôi tiến lại định chào thì có tiếng quen quen:

-- Đồng chí Quang đây mà!

Tôi nhìn về phía người nói:
-- Trời anh Lý! Anh làm gì ở đâỷ Anh Công và anh Tiến đâu? Các anh lại đi săn chứ gì?
-- Bọn tớ đây này!

Tôi xoay người nhìn hai anh Công và anh Tiến lồm cồm ngồi dậỵ Hai anh có lẽ mệt đã nằm dài trên ghế trong lớp. Tôi nói:
-- Trái đất tròn và nhỏ thật rồi! Em đang định lên B 11 vào gặp các anh thì lại gặp các anh ở đây! Ngọn gió nào đưa các anh tới đây và chú Minh khoẻ không?
-- Thủ trưởng khoẻ, bữa nọ làm một bữa nhậu ngon lành!

Tôi quay một vòng nhìn quanh thấy đủ 7 anh bộ đội như lời cô Hạnh nói và một số du kích. Có lẽ họ vào đây chờ ăn cơm chiều với đồng bào. Thế là may rồi, tôi đã bắt kịp được với bộ đội và du kích! Tôi phải khôn khéo dò hỏi xem tình hình mới được.

-- Thế hôm nay các anh tính săn nai nữa hở?

Các anh bộ đội đưa mắt nhìn nhau dò hỏi, anh Lý nói với một anh bộ đội, có lẽ là cấp chỉ huy của các anh:

-- Đồng chí Quang là giáo viên chuyên trách, hôm nọ đã hướng dẫn mấy anh em tụi này bắn nai đó!

Tôi tiến lại chào anh và đưa tay ra bắt:
-- Em tên Quang! Em vào đây thăm thầy Tường và lên B 11, B 12 và B 10 lấy tình hình cho Phòng Giáo Dục huyện.
-- Tôi tên Quốc! Đồng chí có gặp người lạ mặt trên đường đi không?
-- Dạ không ạ! Có chuyện gì thế?
-- Chúng tôi truy lùng địch. Đồng bào báo chiều qua, sáng nay chúng tôi đi kiếm, nhưng chưa gặp. Họ còn lòng vòng đâu đây thôi, vì dấu vết bỏ lại ở các khu rẫy Thượng còn mới!
-- Các anh đã truy lùng ở đâu rồỉ
-- B 8 và B 9, chỗ nào cũng có dấu vết nhưng mà bọn mình tới trễ. Họ cứ lẩn quẩn chứ không có phương hướng nhất định nên tìm chưa ra. Phen này mà gặp, đếch cần bắt giữ làm gì, bắn bọn nó chết bỏ mẹ tụi nó ngay tại chỗ.

Tôi quay nhìn anh Lý, anh Tiến, và anh Công. Cả ba đều tránh cái nhìn của tôi. Ba anh đều hiền lành, nói chuyện dễ thương, nhưng giọng nói của anh Quốc tôi thấy có vẻ đanh sắt và thù hận nên tôi chưa dám đề nghị nếu bắt giam giữ thì hay hơn, may ra còn có tiền chuộc. Phải chờ cơ hội, lạng quang anh chỉ huy này nổi dóa thì chết tới nơị Tôi nói:

-- Xin phép các anh nha! Em lên nhà thầy Tường có tí chuyện. Các anh đã gặp thầy Tường chưa?
-- Chưa, có thầy giáo ma nào đâu! Bọn này tới đây khoảng nửa giờ rồi mà có thầy bà nào ra chào đâu!
-- Có lẽ thầy Tường đang soạn bài dạy tối nay, vì ban ngày đồng bào đi làm hết, buổi sáng thì thầy dạy trẻ em nếu các em ở nhà! Thôi để em lên mời thầy Tường xuống giới thiệu cho các anh.

Tôi đi về nhà thầy Tường, leo lên cột thang, làm bằng một thân cây, đẽo từng bậc đi lên. Cửa nhà mở, tôi gọi lớn:

-- Thầy Tường, có ở nhà không? Quang đây!
-- Vào đi, anh Quang! Tường không khoẻ mấy nên nằm đây nghỉ.
-- Bị sốt rét hở?
-- Không, chỉ mệt mỏi thôị
-- Trời, sao mắt trái thầy đỏ hoe thế này. Khóc hay bị gì vậy?
-- Khóc cái gì, tự nhiên nó đó cả tuần nay, xức thuốc gì cũng không xong. Thầy mo nói phải cúng Giàng!
-- Thầy tin có bùa ngải không vậy?
-- Có đó! Nếu vài ngày nữa không khỏi thì Tường cũng phải nhờ thầy mo cúng Giàng! Tường có mua mấy con gà để dành kìa!
-- Cúng thầy mo mà phải ba con gà sao?
-- Không, một con thôi! Nhưng Tường mua luôn ba con gà trống để nếu cần làm thịt đãi bạn bè!
-- Vậy Tường bán lại cho Quang 1 con nha! Luộc gà đãi mấy anh bộ đội đang ngồi ở lớp kìa!
-- Đãi mấy chả làm gì! Tốn của toi cơm thôi!
-- Kệ đi, Tường mua bao nhiêu để Quang gởi tiền lạị
-- Thôi khỏi, Quang bắt ra một con rồi làm thịt. Tiền bạc gì!
-- Không được để Quang trả lại đàng hoàng mà! Tường mua bao nhiêu vậy?
-- Mười đồng ba con đó!

Tôi mở ba lô lấy ra 5 đồng, đưa cho Tường:
-- Tường cầm 5 đồng nha! Bây giờ Tường ra lớp, Quang giới thiệu Tường với các anh bộ độị

Tường miễn cưỡng ra lớp, tôi đem con gà trống đưa cho anh Lý:
-- Thầy Tường ủng hộ chú gà này cho các anh làm thịt ăn chiềụ
-- Mẹ nó, phải có chai ba xi đế thì đỡ quá, gà luộc nhắm rượu thì còn gì bằng.

Tôi gợi ý:
-- Rượu cần được không?
-- Không đế thì cần, đâu có kém gì?

Tôi hỏi du kích làng xem có ai có ghè rượu nào để bán cho mọi người cùng uống không. Một anh nói có với giá năm đồng, tôi không tiện lấy tiền trả sợ thầy Tường nghi ngờ sao tôi lại dư dật thế này, tôi quay hỏi thầy Tường:
-- Tường cho mượn lại 5 đồng nha!

Tường cười, rút trong túi đưa tôi đồng tiền tôi vừa đưa hồi nãy, giữ chưa được nóng túi quần.
-- Tiền thầy trả thầy!

Tôi đưa năm đồng cho anh du kích đi về nhà anh gần đó, khệ nệ đưa vò rượu ra, đổ nước lạnh vào, nói được nửa giờ nữa mới uống được. Tôi nhìn con gà anh Lý và anh Tiến đang nấu nước sôi để trụng và vặt lông, thấy hơi kỳ vì con gà chỉ đủ để đãi các anh bộ đội, lên tiếng hỏi:

-- Có ai có con gà nào lớn không? Tôi muốn mua thêm 1 con để đãi cho các anh du kích vì một con gà của thầy Tường chỉ đủ cho các anh bộ độị

Có hai anh du kích dưa tay lên:
-- Hai dền một con, thầy chịu không?
-- Được, bắt hai con đi, tôi trả cho các anh mỗi người hai đồng. Các anh làm hai con gà đó ăn chung với nhau và uống rượu cần chung với các anh bộ đội cho vui vẻ.

Tôi trở vào lục ba lô lấy ra bốn tờ một đồng, và một tờ năm đồng. Đưa cho hai anh du kích mỗi anh hai đồng, còn tờ năm đồng nhét vào túi thầy Tường, cười nói lại:
-- Tiền thầy trả thầy!

Cả đám lại được một phen cười hể hả. Tôi tính cho bà con uống say chiều nay để họ dừng lại đêm nay để tôi tiện việc tìm cách liên lạc với anh Trung và anh Tâm có lẽ chỉ cách xa tôi chừng 3, 4 tiếng đồng hồ. Du kích và bộ đội nghỉ chân đêm nay ở đây thì khoảng nửa đêm hay chừng một hai giờ sáng tôi sẽ đến vùng mà tôi dự đoán hai anh đã tớị Tôi dự định ăn uống một tí rồi đi ngay vì tôi phải đi tới làng kế bên trước khi trời tốị Tôi còn nhiều làng phải đi trong một khu vực rộng nên khối gì cách để nóị



:::: Chương XXXIII::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Gà rượu sắp sẵn sàng thì dân làng đi làm về. Thấy du kích và bộ đội chuẩn bị ăn uống, bác thôn trưởng và các ông khác cũng về nhà ôm mỗi người một ghè rượu ra chung vuị Du kích thủ thỉ với dân làm sao đó nên ông thôn trưởng và dân làng cứ lại vỗ vai tôi nói:

-- Nai pơ tho (Thầy giáo ) tốt lắm! Cho đồng bào nhum pai (uống rượu)!

Ban đầu tôi còn cười trừ ôm vai từng người chào hỏi, sau thấy nhiều người cứ tới, tôi nghĩ chắc đêm nay chẳng có ai muốn học vì mọi người ai nấy sẽ say sưa hát hỏng tới khuya, tôi phải đứng lên nói:

-- Hôm nay tôi có tin vui báo cho đồng bào là còn chỉ hơn một tuần lễ nữa chúng tôi sẽ huấn luyện một số giáo viên Jrai để dạy đồng bào viết chữ Jrai. Đây đúng là nguyện vọng của đồng bào. Ai trong đồng bào biết viết chữ Jrai, xin lên Phòng Giáo Dục để đăng ký. Các giáo viên Jrai sẽ được hưởng qui chế giáo viên. Tiệc hôm nay là để vui cùng các anh bộ đội, du kích và đồng bào đã cùng nhau hợp tác làm việc và học hỏị Tôi sẽ không ở lại đây đêm nay được vì còn phải đi các làng khác lấy tình hình để báo lên Phòng Giáo Dục. Lớp huấn luyện giáo viên Jrai sẽ bắt đầu 9 ngày nữa, đồng bào biết ai biết viết tiếng Jrai, xin báo cho họ để họ có thể dạy đồng bào viết tiếng mẹ đẻ của mình.

Trong lúc đồng bào Thượng xôn xao bàn tán vui vẻ, tôi giải thích bằng tiếng Việt cho các anh bộ đội đang há hốc miệng nhìn tôi kinh ngạc vì tôi nói tiếng Thượng một tràng dài như tôi vừa đọc xong diễn văn. Tôi quay sang thầy Tường nói:

-- Hôm nay Quang phá lớp của thầy rồi!
-- Không sao! Tường cũng mệt, nghỉ một hôm không hề gì!
-- Tường nhớ nhắc ông thôn trưởng vụ kiếm người gởi lên Phòng Giáo Dục dự lớp huấn luyện nhé!

Tôi lại hỏi chuyện các anh Quốc, anh Lý, anh Tiến, anh Công và các anh bộ đội khác. Các anh hình như cũng quên cuộc săn lùng vất vả hôm nay, cứ thay phiên nhau hút rượu cần, nhón thịt gà chấm muối, tiêu và chanh bằng tay không chứ không có đũa đang gì cả. Nồi cơm chín ít ai đụng tới, ai có ăn cơm thì lấy bầu nước rửa tay rồi lấy cơm bỏ vào tay, vắt lại thành cục cơm hình tròn hoặc dài thon thon ăn ngon lành, chẳng phân biệt Kinh - Thượng. Đúng là Kinh - Thượng một nhà.

Anh Quốc nói:
-- Tớ cứ tưởng rượu cần dở, uống ngang phè phè như hôm nọ. Ai ngờ ghè này ngon đếch chịu được. Phải uống cho đã hôm naỵ
-- Ghè này ngon nên giá mới mắc đó! Họ làm bằng gạo nếp, bông cỏ,
hoặc khoai mì thượng hạng là mì già đúng cỡ! Rượu cần dở làm bằng mì non!
-- Mì là gì?
-- À khoai mì là củ sắn đó! Em nói tiếng Nam pha lẫn tiếng Bắc. Người miền Nam gọi sắn là mì!
-- Đồng chí công tác vùng này bao lâu rồỉ
-- Gần một năm rồi! Còn các anh?

Anh Quốc nói:
-- Đa số mới thôi, còn tớ từ hồi còn chiến tranh, từ năm 1972 dde^'n giờ!
-- Vậy là anh đã trải qua những trận đánh kinh hoàng ở các nơi năm 1972.
-- Ừ mẹ nó! Giặc Mỹ ném bom chạy không được, chết không biết bao nhiêu đồng chí!

Tôi thật tình thương xót anh Quốc:
-- Cũng may mà anh còn sống và không việc gì!
-- Lúc đó tớ làm hậu cần lo việc nấu nướng cho các ông lớn ở trong hang núi nên thoát nạn. Bao nhiêu bạn bè cùng làng chết cả vì bom B 52 trong trận đánh Kontum.
-- Thế anh đã về Bắc lại chưa?
-- Bố dám về đồng chí ạ! Mình là người sống sót duy nhất trong cả trăm đứa đi cùng một chuyến thì còn mặt mũi nào mà về! Mình là thằng chết nhát, bám đít ông lớn mà sống sót thôi! Nhục nhã lắm!

Tôi đoán anh Quốc ngà ngà say rồi, tại anh là người uống cang rượu đầu ngay lúc đóị Khi uống rượu cần, người Thượng thường dùng ống tre nhỏ cắm sâu xuống ghè rượu rồi đổ nước trên mặt. Họ dùng cành tre nhỏ để trên mặt ghè hoặc chum rượu bẻ xuống chừng một đốt tay làm dấu một ngấn hay một cang theo tiếng Thượng. Mỗi người uống một cang xong đổ thêm nước lạnh trên mặt, rồi mời người khác uống. Du kích Thượng và dân làng nói tôi uống trước, tôi nói xin để xếp bộ đội, rồi tới thôn trưởng, rồi các anh bộ đội, du kích rồi mới tới tôi vì tôi còn phải đi các làng khác. Khi tới lượt tôi uống, cũng khoảng là người thứ ba mươi mấy rồi mà khi hút rượu vào miệng tôi biết là rượu thứ mạnh, chứ không phải loại xoàng, Thứ rượu này làm bằng bông cỏ, chỉ dùng khi người ta muốn say ngất ngâỵ Tôi cười thầm. Không khéo anh du kích sợ bộ đội bắt đi truy lùng người buổi tối nên khi tôi mua rượu anh đã ra giá cao để phục bà con rượu đêm nay cho khỏi phải đi tìm người.

Tôi uống một ngấn bên ghè rượu ngon rồi đổi qua các ghè khác nhẹ hơn uống cầm chừng vì tôi định chuồn khi mọi người đã thấm say hoặc say sưa ca hát. Khi uống rượu người Thượng thường hát chọc đùa nhau hoặc ri hay khan là lối kể chuyện bằng thơ như ngâm truyện thơ như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên ... của người Việt. Người Thượng rất tự do phóng khoáng, họ không thích ràng buộc. Đời sống họ đơn sơ, đói ăn khát uống, ít khi nghĩ tới ngày mai. Với họ miếng cơm giấc ngủ là quan trọng hơn là lý tưởng chủ nghĩa xa vời. Để họ tự do thoải mái tự lo cơm ăn áo mặc, có lẽ họ sẽ cả đời hồn nhiên hạnh phúc. Họ chưa có lòng tham vô đáy, chưa có thù hận ngập trời như những nơi gọi là gần gũi với văn minh tiến bộ, những nơi xã hội đã bị tham vọng cá nhân bóp méo lương tâm và lòng tốt bẩm sinh.

Sau khi hỏi đủ mọi thứ chuyện tôi cần biết, tôi rời anh Quốc và các anh bộ đội để đi nói chuyện với du kích và dân làng. Tôi nói chuyện thay uống rượu vì tôi còn phải đi xa, mỗi giờ trôi qua là các anh Trung anh Tâm lại đi xa hơn nữa, tôi có thể câu giờ một đêm nay thôi, chứ không thể cầm chân các anh bộ đội và du kích mãi được. Tôi không muốn thấy các anh phải chết dưới họng súng thời bình. Trong chiến tranh chết :Dc có thể là chuyện thường, nhưng chết khi chiến tranh đã kết thúc là một điều tôi không thể chấp nhận được. Nếu có lỗi lầm nặng chi nữa thì đã có nhà tù. Giết :Dc một cách bừa bãi, thù cá nhân là những điều không thể không lên án.

Anh Quốc mang mặc cảm của một kẻ sống sót khi các bạn anh đã tử trận, anh sống sót chỉ vì anh làm hậu cần, chui rúc trong hang hố lo cần vụ cho các cán bộ lớn ẩn mình trong hang hốc. Những cái bếp Hoàng Cầm đã cứu vớt họ. Hang động lớn nằm ở sườn núi phía đông, các anh bộ đội đào hang nhỏ dẫn khói tỏa bền sườn núi phía tây, nên bao nhiêu bom đạn B 52 cứ nhằm sườn núi phía tây mà thả. Tiếng bom chỉ đinh tai nhức óc, chứ họ dựng cây treo võng trong hang núi phía đông nên không hề hấn gì. Chỉ có các anh bộ đội tấn công vào các làng xã thị trấn Kontum, Dakto ... là lãnh đủ. Chỉ có núi rừng bị bom đan và thuốc độc da cam làm trơ trụi cây cành. Những người chủ tâm nắm đầu cuộc chiến tranh vẫn tồn tại trước những chết :Dc và khổ đau của đồng loại.

Tôi không thù hằn người cộng sản mặc dù ông, cha và anh tôi chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu năm trời. Tôi chỉ ghét chủ nghĩa cộng sản đã đưa lại tang thương cho đất nước. Trên đời này có gì tồn tại, những chủ nghĩa ngoại lai rồi sẽ qua đi, đức nhân ái của một dân tộc đã trường tồn từ bao nhiêu thế kỷ hy vọng sẽ biến đổi tất cả những ý thức hệ khác để hoà nhập với sự kiêm ái lấy người dân làm căn bản của dân tộc Việt từ đời Trần Hưng Đạo hay trước đó nữạ

Sự đoàn kết của người Kinh - người Thượng đã có tự ngàn xưa như thần thoại Âu Cơ hay gần đây hơn vào cuối thế kỷ 18, dưới sự lãnh đạo của anh em Tây Sơn, đã có những đoàn quân cỡi voi của người Thượng trong việc đánh phá quân Thanh. Mối quan hệ miền xuôi miền ngược, người đồng bằng và người vùng núi là những mối giây đoàn kết đã làm đẹp quê hương hình chữ S từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau, làm phong phú cho nền văn học của nước nhà.

Tôi biết tôi đã ngà ngà mặc dầu đã từ chối uống nhiều lần nên mặc cho dân làng và các anh bộ đội cản tôi từ giã để ra đi, hy vọng có thể tìm ra được anh Trung và anh Tâm, dẫn họ tới một khu vực an toàn hơn, vì hướng hai anh đi là hướng bộ đội sẽ truy lùng nếu họ tìm không ra kẻ khả nghi ở vùng này ngày mai.

Nguyên Đỗ
(Còn tiếp)
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #9  
Old 04-04-2004, 12:34 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

:::: Chương XXXIV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Tôi từ giã mọi người, rồi đi theo đường mòn dẫn lên B 12, đầu vẫn choáng váng vì chất rượu. Đi khỏi làng chừng 400 thước, có con đường dẫn xuống vọt nước của làng Ea Yut. Tiếng róc rách lẫn tiếng tè tè của mạch nước và vọt nước chảy nghe lôi cuốn vô cùng. Trời đã xâm xẩm tốii, tôi còn phải vừa đi vừa chạy cả bốn tiếng đồng hồ nữa mới tới vùng mà tôi ức đoán hai anh Trung và Tâm còn ẩn núp theo như hướng dẫn của tôị Chắc cũng quá nửa đêm tôi mới theo kịp họ được. Sức quyến rũ của tiếng nước chảy làm tôi không thể cưỡng lại được. Phải đi xuống vọt nước, phải tắm một phen mới được! Tôi nhìn quanh không thấy ai, giờ này ai nấy cũng quây quần hát hò quanh ché rượu! Tôi quên cả tính mắc cở thường ngày, tuột hết quần áo kể cả quần đùi, đứng dưới vọt nước. Mát ơi là mát, sướng rên mé đìu hiu! Mạch nước cứu thoát cơn nóng nực, mạch nước giải thoát cơn say! Tôi thọc ngón tay vào cổ để ói ra hết những chất men tôi đã thấm. Vọt nước chảy đều xoá hết những dấu vết rượu và thịt gà tôi vừa mửa ra. Tôi có đủ sức để đi với sứ mệnh tự đặt cho mình, tôi không còn ngà ngà say nữa. Tôi đã đủ tỉnh để tính toán và suy nghĩ cẩn thận. Tắm một hồi thật đã, tôi miễn cưỡng mặc bộ đồ cũ vào, để dành bộ đồ chưa mặc trong ba lo^. Tôi nhìn vọt nước một cách luyến tiếc như chưa đã thèm. Phải đi thôi cho kịp trước nửa đêm.

Tôi biết các anh bộ độ và du kích sẽ say bí tỉ đêm nay với đà uống liền tù tì của họ. Chắc ngày mai phải 10, 11 giờ họ mới thức được! Tôi tha hồ chạy, la lớn nếu cần vì theo lời anh Quốc, nhóm anh là nhóm biệt phái duy nhất đi săn lùng kẻ gian thôi. Tôi không còn phải lo âu, sợ hãị Tôi không còn phải hát những bài ca cách mạng giữa rừng hoang. Tôi chợt có ý nghĩ hay mình cứ hát những bài ca sinh hoạt của miền Nam may ra những người vượt biên lạc đường có thể nghe và tìm cách liên lạc với tôi được. Như vậy sẽ chậm bước đi, nhưng ít ra tôi cũng đã cố gắng tìm cách cứu thoát họ. Tôi chỉ có thể trì hoãn du kích và bộ đội tới trưa mai là cùng. Nếu người vượt biên nghe tiếng tôi hát may ra họ có thể ra mặt để tôi dẫn đi tìm anh Trung và anh Tâm luôn.

Thế là tôi vừa đi vừa hát những bài ca vô thưởng vô phạt của miền Nam mà tôi đã từng hát những ngày còn đi học:

"Ngựa phi, ngựa phi đường xa
Tiến lên đường cát trắng, trắng xoá ..."

Tiếng hát vang lên giữa rừng làm những con chim Blang đầu có mào
lông màu trắng như những túm bông gòn giật mình bay lên và tôi cũng cảm thấy bớt cô độc. Núi rừng Trường Sơn đẹp thật, chim :Dc muông thú, cỏ cây đều có sức quyến rũ lạ lùng. Càng đi vào sâu thì cây cối càng cao và to, co' the^? go.i la` ru*`ng gia`.

Không biết tôi đã hát bao nhiêu bài nhưng cổ thấy khô và chân cũng thấm mệt. Trời đã tối hẳn rồi. Tôi ngưng hát và ngồi ngay giữa đường mòn mở bi đông ra uống một ngụm nước chứ không uống nhiều. Uống nước nhiều mà chạy sẽ không nhanh và :Dng mệt. Chỉ cần uống chút xíu cho bớt khô cổ là đủ. Tiếng cú đêm kêu "tu hú" nghe buồn não ruột. Tôi lại đứng lên đi tiếp trong thinh lặng. Tôi nghe bước chân mình đi sột soạt. Ánh trăng non không đủ soi rõ đường mòn, nhưng tôi cũng không muốn dùng tới đèn pin, vì sợ hết pin bất chợt. Tôi chỉ xử dụng tới nó khi thật cần mà thôị

Bỗng tôi nghe tiếng "cách" của một cành cây gẫỵ Có lẽ là nai rừng đi trong khuya. Tôi dừng lại lắng nghe hình như có tiếng người rên gần đâỵ Tôi vội lấy đèn pin và lên tiếng vừa bằng tiếng Thượng vừa bằng tiếng Việt:

-- Ai đó? Tôi là giáo viên Quang!

Không có tiếng trả lời mà chỉ có tiếng vọng của câu tôi hỏi vang vang trong rừng khuya. Tôi đưa đèn pin rọi về phía có tiếng động. Có bóng đen nằm sấp như dáng người lẩn trốn mà chưa kịp. Tôi chuyển đèn pin qua tay trái, tay phải tôi rút lưỡi lê gắn trên phía trái ba lô để phòng hờ thú dữ. Chỉ có thể là con gì đó bị bẫy hoặc người vượt biên thôi. Tôi hỏi lại rõ ràng bằng tiếng Việt vì tôi biết chắc là không phải người Thượng, người Thượng nếu bị gì, họ sẽ rên la tự nhiên và lên tiếng khi có người hỏị

-- Ai đó? Lên tiếng đi, tôi là giáo viên Quang đi công tác miền núi!

Tôi rọi đèn pin vào bóng đen nằm sấp. Đó là một cô gái nhìn tôi mặt xanh nhợt nhạt:

-- Anh người miền Nam?

Tôi trả lời và hỏi thẳng chứ không quanh co vì thời giờ gấp rút:

-- Vâng tôi người miền Nam, đi dạy vùng này! Chị là người vượt biên phải không?

Cô gái trả lời, giọng rặt miền Trung:

-- Dạ, tụi em định vượt biên mà không biết đường, bị đói mấy ngày, phải đào mì ăn.

-- Bao nhiêu người đi? Các người kia đâu rồi! Gọi họ ra ngay đi, tôi dẫn đi cho kịp. Du kích và bộ đội tìm các bạn cả ngày hôm nay, giờ họ đang nhậu nhẹt ở làng kia cách đây khoảng ba tiếng, tôi cần đi sâu về hướng Tây, tôi có thể dẫn các bạn đi một quãng an toàn.

Cô gái bò dậy:

-- Ui cha, chân em bị trặc!

Tôi cúi xuống, rọi đèn pin xuống bàn chân. Bàn chân trái cô gái bị trặc thật. Tôi nói:

-- Gọi các bạn chị ra đi! Còn chị ráng nhịn đau để tôi nắn khớp chân lại!

Tôi bỏ đèn pin sang một bên đưa hai bàn tay nắn khớp chân rồi tôi nói:

-- Chị gọi bạn chị ra đi!

Trong lúc chị để tâm gọi thì tôi giật bàn chân chị cho trở lại bình thường, khi chị la "Á" thì tôi đã sửa xong khớp chân chị rồi nhưng dù sao cũng không thể nào để chị đi bộ đêm nay được.

Hai anh bạn chị ta lù lù ra sau khi biết tôi không phải là công an hay bộ đội. Tôi nói thẳng:

-- Tôi đưa các bạn đi liền, nhưng chị này không thể đi được vì bàn chân vừa bị trặc. Tôi có chiếc võng, chúng ta phải thay phiên nhau khiêng chị đi thôi.

Tôi để họ lại đó, soi đèn pin đi tìm một thân cây thẳng, cứng có thể chịu đựng được sức nặng của cô gáị Tôi dùng lưỡi lê chặt xuống. Tiếng chặt vang trong rừng khuya. Tôi phải chặt gần sát đất rồi lấy đất bôi lên chỗ mới chặt cho ít ai để ý và với vội lá khô mục lấp lên. Tôi rút chiếc võng dù ra và cột vào thân câỵ

-- Chị lách người vào võng nhé!

Rồi tôi nói với hai anh bạn của cô gái:

-- Hai anh ghé vai khiêng thử đi!

Khi thấy võng vững tôi nói:

-- Đêm nay không có ai truy lùng, nên các bạn đi cùng tôi nhanh và liền đi. Nếu chần chờ có thể trễ.

Tôi tóm tắt cho họ biết tình hình ở làng Ea Yut và dự định của tôi. Các anh chị này cũng cùng tuổi tôi thôi, nên cũng dễ dàng nói chuyện. Hai người con trai là anh em họ tên Lê Bá Minh và Lê Hùng Cường, còn cô gái là bạn gái của anh Minh tên Hồng. Mấy người này chẳng có gì tuỳ thân cả, chỉ có mỗi một bộ quần áo mặc trên người. Đi vượt biên kiểu này thì chỉ có chết thôi!

Tôi hỏi vật dụng tuỳ thân đâu hết rồi, họ nói hôm qua thấy động họ bỏ mọi thứ trong bụi rậm gần con suối phía Tây Nam chạy lấy thân nên chẳng còn gì. Tôi đoán có lẽ là suối Ea Yut, dù gì cũng trễ rồi, không thể trở lại tìm đồ đạc của họ được, chỉ có nước đi tới mà thôị Với khả năng cắm câu và kinh nghiệm của anh Tâm và Trung, may ra ba người này và hai anh có thể đùm bọc nhau được. Đi đông thì dễ bị lộ, nhưng tới nước này, tôi cũng phải liều đưa họ đi. Tôi tính thầm trong bụng, kế hoạch làm cho bộ đội và du kích say hôm nay tôi có thể xử dụng lại ở làng Tung Reng, là làng sát biên giới. Khi đãi rượu cho bà con say hết rồi tôi có thể dùng đò độc mộc cột bên bờ sông đưa anh Tâm, anh Trung, và các bạn mới này qua sông, chắc phải ba chuyến vì chiếc đò nhỏ không thể chứa sáu người cùng một lượt, cao nhất là ba hoặc bốn ngườị Tôi nguyện thầm xin Trời cho tôi tìm được anh Tâm và anh Trung đêm nay và dẫn họ tới chỗ an toàn dọc sông Krong Poco trước khi trời rạng sáng.


:::: Chương XXXV ::::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Anh Minh, anh Cường và tôi thay phiên nhau khiêng cô Hồng đi trên đường mòn. Trời cũng đã quá nửa đêm rồi, tôi ước chừng anh Tâm và anh Trung cũng ở khu vực nàỵ Vì khiêng cô Hồng đi nên chúng tôi hơi chậm một chút, nhưng chúng tôi đi trên đường mòn và không phải trốn tránh nên đi nhanh hơn hai anh nhiềụ Tôi nói anh Minh và Cường khiêng cô Hồng lách khỏi đường mòn, đi sâu vào một chỗ tương đối kín đáo phòng hờ, còn tôi đi vào sâu hơn, đi lên ụ đất cao, mở đáy đèn pin lấy ra mặt nhựa màu đỏ, vào bỏ vào mặt đèn pin. Tôi không muốn ánh sáng bình thường thu hút kẻ lạ dù rằng biết đêm nay cũng an toàn vì anh Quốc đã nói rõ tình hình trong huyện cho tôi khi anh ngà ngà say, nhưng dù sao cẩn thận vẫn hơn.

Tôi soi đèn pin về bốn phía, bấm tín hiệu Morse quốc tế khi kêu cứu SOS SOS mở đầu tích tích tích - tè tè tè - tích tích tích / tích tích tích - tè tè tè - tích tích tích ("... --- ... / ... --- ..."). Tôi bấm xong rồi hồi hộp chờ đợị Mỗi phút qua đi chậm như hàng giờ. Tôi chờ ba phút rồi bấm lại dấu hiệu kêu cứu để xem hai anh có trả lời không. Ba phút nữa trôi qua mà cũng chưa có ai trả lời hay động tịnh gì. Tôi bấm lại mạnh dạn hơn:

-- "... --- ... / ... --- .../ .- -. .... / - .-. ..- -. --. / - .- .- -- / --.- ..- .- -. --. / -.. -.. .- .- -.-- " (SOS SOS ANH TRUNG TAAM QUANG ĐAAY)

Lần này may mắn quá, tôi thấy đèn pin sáng loé lên ở hướng Tây, cách chỗ tôi đứng chừng 7, 8 trăm thước.

Tôi bấm lại:

-- Hai anh chờ đó, đừng đi đâụ Quang tới đón! Đừng bấm đèn, trừ khi Quang bấm dò đường.

Tôi nói với hai anh Minh và Cường:

-- Hai anh khiêng cô Hồng đi theo đường này khoảng hai cây số nữa thì chúng ta gặp lạị Quang đi đón hai người bạn đằng kia rồi sẽ đi chận đầu đường này đón các bạn. Làng Tung Reng còn cách đây hơn mười cây số nên các bạn đi an toàn thôị Quang sẽ gặp lại các bạn khoảng 45 phút nữạ

-- Anh cho bọn này theo anh đi, đi đường lạ sợ quá! Lỡ gặp người ta thì sao?

-- Không có ai giờ này đâu, chỉ sợ bộ đội nhưng theo như Quang biết thì bộ đội không tuần tiễu ban đêm. Họ trực trong đồn thôi. Mà đồn nằm trên B 11, nằm phía kia, chúng ta đang nằm biên giới B 12.

-- Làm ơn đi, cho bọn này theo anh!
-- Sẽ chậm mất thôi vì đường rừng khiêng người khó, đôi khi vướng vít. Các bạn can đảm đi! Quang sẽ gặp lại mà! Phải chi chị Hồng không việc gì thì các bạn theo Quang cũng không hề hấn gì!

Các anh Minh và Cường miễn cưỡng khiêng cô Hồng đi theo đường mòn dưới ánh trăng non lờ mờ. Tôi biết là họ sợ hãi lắm nên trấn an họ:

-- Cứ an tâm đi, có gì Quang sẽ gặp lại các bạn mà! Quang sẽ đón các bạn trước khi các bạn nghỉ mệt lần nữa, cứ đi với tốc độ thường, không việc gì đâụ

Tôi vội rời họ đi sâu vào hướng Tây về phía tôi thấy ánh sáng loé lên khi nãỵ Phải chi anh Trung và anh Tâm dùng mặt kính đỏ thì đỡ biết mấy! Tôi đi khoảng mười
phút thì bấm đèn SOS xin dấu vì đi đường rừng khó mà có thể đi đường thẳng, vì cây nhỏ mọc tùm lum, cứ phải lách qua lách lại nên đi xiên đi xẹo nhất là trong đêm.

Cuối cùng tôi đã tìm được hai anh. Hai anh ôm chầm lấy tôi như người thân. Tôi vội vã nói phải đi liền về hướng bắc để gặp ba người bạn vượt biên khác. Tôi tóm tắt tình hình và nhờ hai anh giúp ba người kia luôn.

Anh Tâm nói:

-- Cùng người hoạn nạn cả giúp đỡ nhau là chuyện thường. Đang không Quang phải liều lĩnh giúp đỡ bọn này, thì bọn này lý gì mà không giúp đỡ người đồng cảnh ngộ.

Tôi nói:
-- Chúng ta đi lẹ nha, mấy người kia sợ hãi, mình cố gặp càng sớm càng tốt.

Ba người chúng tôi còn khoẻ nên đi một cách nhanh :Dng. Chúng tôi không nói gì lúc đi đường sau khi tôi đã tóm tắt tình hình. Phải càng gấp rút càng tốt để kịp đưa họ ra dọc bờ sông, chỗ ít người qua lại, trốn trước khi trời sáng; còn tôi sẽ vào làng chuẩn bị kế hoạch cho bà con một bữa ăn no say mừng lớp huấn luyện giáo viên người Jrai sắp tớị

Thỉnh thoảng tiếng chim cú đêm vọng vang trong rừng "tu hú" nghe rờn rợn. Tôi dẫn đầu, các anh theo sau, chúng tôi lầm lũi đi nhanh. Đám lá cây rụng nằm trên mặt đất kêu sột soạt làm tim chúng tôi cứ đập thình thình mặc dù tôi đã báo cho các anh biết là đêm nay khá an toàn vì bữa tiệc rượu có chủ mưu của tôị Nhưng biết đâu chú Minh, người thủ trưởng già kinh nghiệm, lại có những thay đổi đột ngột cho tăng cường tuần tiễu đêm naỵ

Nguyên Đỗ

:::: Chương XXXVI:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Chúng tôi lặng lẽ đi hàng một, tôi dẫn đầu, còn anh Trung và anh Tâm đi theo sau, mỗi người cách một quãng, Tôi muốn đi nhanh để đón cô Hồng, anh Minh, và Cường sợ họ lo sợ đi lạng quạng rồi có gì xảy rạ Khu rừng này là rừng già, cây cao và to che kín ánh mặt trời nên các cây con không mọc được nên tương đối dễ đị Ở các khu rừng non, chừng mười mấy hai mươi năm đổ lại, hay khu gần sông thì cây cối um tùm phải chui nhủi, vạch cây cỏ phá đường mới đi được. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ làm cách nào đưa những người bạn này qua biên giới càng sớm càng tốt. Họ càng ở lại lâu thì tôi càng rắc rốị Lỡ họ bị bắt mà khai ra thì liên lụy nhiều người nhất là tôi sẽ chẳng bao giờ hy vọng được ngồi dưới mái trường đại học nữạ Hy vọng đó dù mỏng manh do lý lịch gia đình tôi, nhưng dù sao vẫn là hy vọng.

"Đi chậm lại tí đi, bọn này mệt nhoài rồi" Anh Tâm đuổi theo kịp tôi nói nhỏ nhẹ, thở hổn hển.

Tôi dừng lại, giật mình vì trong lúc suy nghĩ lẫn lo lắng cho ba người kia, tôi có lẽ đi vội vã, tôi quên không để ý anh Trung và anh Tâm đã mệt mỏi từ mấy hôm naỵ Tôi nói:

-- Hai anh cứ đi thẳng hướng này chầm chậm cũng được, còn Quang phải đi vội vì sợ mấy người kia lo lắng đi nhanh vượt qua chỗ Quang định chặn họ thì hỏng. Họ cứ đi thẳng trước mình thì họ sẽ vào làng là tiêu tan kế hoạch của Quang nên Quang phải đi nhanh chặn họ trước, hai anh mệt thì đi chầm chậm, chỉ còn chừng mười lăm phút nữa thôị
-- Mười lăm phút nữa thì bọn này cũng ráng, đi lạc nhau mất công và phiền phức lắm. Có Quang dẫn đường bọn này an tâm hơn.

Đi trong đêm trời tương đối mát mẻ hơn ban ngày nhiều dù hơi khó khăn hơn ban ngày nhưng mắt đi trong đêm hoài cũng quen dần với bóng tối, có thể nhận ra chướng ngại trước mắt. Nhờ đi rừng quen, tôi càng thương cảm những người lính như bố, các anh tôi đã băng suối vượt rừng trong những cuộc hành quân khi xưạ Rừng Trường Sơn hay vùng đồng lầy miền Tây đều có những hiểm độc khó khăn riêng mà những người dân ở thành thị không thể cảm thấỵ

Tôi nghĩ tới anh Minh, anh Cường và cô Hồng, không rõ họ ở vùng nào lên đây mà để lạc cả đồ tuỳ thân chỉ có mỗi một bộ đồ mặc trên ngườị Nếu để họ đi như vậy, mấy anh con trai thì không sao, chứ cô Hồng chỉ làm mồi cho muỗi, :Da, vắt độc mà thôị Khu vực này chưa có muỗi vì trên cao và rừng thưa, chứ đi xuống dọc sông Krong Poco thì những con vắt nho nhỏ thon dài sẽ bám đầy chân taỵ Có lẽ tôi phải tìm mua có cô Hồng một cái váy sà rông của thiếu nữ Thượng, giả như làm quà cho bạn gái hay hôn thê của tôị

Tôi nghĩ tới Nhung, tớ Du, không biết giờ này hai người đó đang làm gì, chắc chẳng ai ngờ tôi càng ngày càng lún sâu vào việc hiểm nguỵ Chiếc lao đã phóng rồi, nếu không vì Nhung, chắc tôi không liều lĩnh thế nàỵ Vào rồi, thấy cũng dễ vào hơn. Ai có thể ngờ một giáo viên hăng say như tôi lại nhúng tay vào việc có thể bị coi là phạm pháp. Với tôi, đó chỉ là việc làm nhân đạo. Có thể Nhung là động cơ trực tiếp đẩy tôi vào hành động nghĩa hiệp không tính toán, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, việc này chẳng trái lương tâm tôi tí nào. Bố me tôi mà biết được, chắc chắn họ sẽ cản ngăn ngay, không phải vì bố mẹ tôi không thương người, nhưng các người thương tôi và lo cho tương lai của tôi hơn.

Giữa Du và Nhung, tôi cũng khó lựa chọn, một bên là tình cảm tự nhiên giữa hai người yêu văn thơ cùng làm giáo viên trên vùng núi, một bên là bạn bè cùng lớp xưa, bên ngoài mọi người coi là đã đính hôn, còn bên trong chúng tôi vẫn chỉ là bạn bè thân thiết, dù Nhung đã tin tưởng và đưa tôi nhật ký ghi từng chi tiết của cuộc đời nàng. Ờ Nhung có lẽ yêu tôi thật nên mới dám viết và cho tôi đọc những điều thầm kín nhất mà ngay với Má của Nhung, Nhung cũng không hề thố lộ.

Tuy Nhung không hề viết tên của kẻ đã hãm hiếp nàng, nhưng tôi nhớ lại những lời Hải đã nói với tôi khi tôi từ ở Đức An về nhà, tôi đoán chắc kẻ hại nàng không ai khác hơn là Hảị Tôi đâm ra giận Hải khi nghĩ tới Nhung. Tôi đã gián tiếp làm mai cho họ thời gian đi học. Tôi không ngờ Hải lại làm như vậỵ Việc gì cũng phải từ từ, có sự đồng ý của hai bên, và của cha mẹ. Đằng này, phục rượu rồi ép buộc một người con gái thật không đúng là hành động của trượng phu. Nhưng liệu chắc có phải Hải không hay người đó lại là chú Phiếm, ông công an khu vực thường lui tới nhà nàng. Vừa quyền to, lại lắm kinh nghiệm tuổi đời có thể giăng bao nhiêu cạm bẫy đối với những người trẻ như tôi, như Hải, như Nhung...

Cuối cùng tôi đã đến con đường mòn để chờ đợi anh Minh, Cường và cô Hồng. Tôi quay lại nhìn anh Tâm và anh Trung. Không thấy bóng họ đâu trong màn đêm, có lẽ họ đi chậm hay tại tôi lúc suy nghĩ tới Hải, chú Phiếm bực mình quá đi nhanh. Tôi bỏ ba lô xuống bên vệ đường, lấy đèn pin ra quay về phía tôi mới ra, bấm đèn pin làm hiệu cho anh Tâm và anh Trung để họ an tâm tiến bước, rồi tôi cúi rạp người áp tai xuống đường mòn để nghe tiếng chân người bước trong đêm. Không có tiếng động nào cả, có lẽ họ vẫn còn ở xa, chứ không thể nào vượt qua khúc này được. Nếu anh Minh và anh Cường đi không, còn may ra, chứ phải khiêng cô Hồng thì không khi nàọ Tôi ngồi lên nghỉ mệt và đợi mọi ngườị

Khoảng 5 phút sau thì anh Trung trờ tới:
-- Anh Quang đi mau quá, bọn này theo không kịp!
-- Xin lỗi anh Trung. Quang vừa suy nghĩ vừa đi nên không quay lại thăm dò các anh. Anh Tâm đâủ
-- Còn đi đằng sau kìa, Trung phải ráng đuổi Quang đó, may mà Quang bấm đèn làm hiệu khi nãy chứ bọn này tưởng lạc rồị
-- Quang xin lỗị Nhiều cái bung bung trong đầu Quang nên vội vã quên không để ý là các anh đã đi mệt cả ngàỵ

Tôi đứng lên, bấm đèn làm hiệu cho anh Tâm. Rồi chỉ vào gốc cây lớn các đường mòn 10 thước nói nhỏ với anh Trung:

-- Anh lại đó nằm nghỉ đị Nghỉ được phút nào hay phút đó! Quang ngồi đây chờ anh Tâm và ba người kiạ Khi mọi người tới đông đủ, Quang sẽ dẫn các anh chị về phía biên giới càng nhanh càng tốt.

Trong sự tĩnh lặng của màn đêm và rừng khuya, tôi ngồi im, có thể nghe được tiếng đập của trái tim mình. Tôi biết tôi đang làm việc nguy hiểm, liều lĩnh, bên trong rất lo dù bên ngoài vẻ mặt trầm tĩnh không hề lộ tí gì sợ hãị Xét ra tôi làm việc nguy hiểm này chỉ vì lòng nhân đạo chứ chẳng có lợi tí nàọ Chuyện tôi giúp Nhung thì đã xong rồi, chuyện gì xảy ra cho anh Trung và anh Tâm hay ba người kia thì có liên quan gì tới Nhung hay tôi nữa đâụ

Tôi ngẩng đầu xoay lại bìa rừng nhìn khi nghe tiếng cành cây khô bị gãy khi anh Tâm đạp lên. Tôi đứng lên, anh Tâm trán chảy mồ hôi vì mệt giữa ban đêm, chắc là anh mệt lắm. Tôi đỡ anh, dẫn anh tới gốc cây chỗ anh Trung nằm nghỉ. Anh Trung đi mệt vừa nằm xuống đã ngủ ngay từ lúc nào rồị Tôi thì thầm nói với anh Tâm:

-- Anh Tâm cũng nằm nghỉ đi, được phút nào hay phút đó, đoạn đường còn dàị Quang phải ra kia chờ ba người kiạ
-- Cám ơn Quang, Tâm cũng mệt lắm rồị

Tôi thầm trách mình không để ý là các anh đều là những người ở thị xã lên không quen với sự đi lại trong rừng, hai ba cây số đối với tôi chỉ như bước qua nhà hàng xóm chứ không phải là hai ba cây số vì tôi đi bộ hàng ngày cả chục cây số đã quen. Tôi đã hẹn với ba người kia, anh Minh, Cường và cô Hồng, một tiếng, giờ này đã quá một tiếng rưỡi rồi mà cũng chưa thấy động tịnh gì cả nên cũng đâm ra sốt ruột. Có thể nào họ mệt mỏi rồi bỏ vào rừng nghỉ mệt không? Một điều chắc chắn là họ không thể vượt qua điểm này được vì tôi cố tình đi chận đầụ

Tôi khoác ba lô lên, bỏ anh Tâm và anh Trung nghỉ tại gốc cây to, đi ngược theo đường mòn. Đi được một quãng thì tôi nghe được tiếng chân người bước, tôi tạt vào rừng để xem họ là ai, có phải là ba người tôi quen không hay là ai khác. Tôi không nghĩ họ là người khác vì người Thượng ít đi đêm, và bộ đội ít khi đi kích đêm trong thơi buổi nàỵ Dù sao thì cẩn thận vẫn hơn! Khi tôi thấy bóng hai người khiêng võng thì tôi biết chắc chắn là anh Minh, anh Cường và cô Hồng rồị Tôi đằng hắng rồi nói:

-- Quang đây, các anh cứ đi tới trước đi, có hai anh kia ở đằng đó đang chờ.

Tôi lại gần thấy anh Cường có vẻ mệt mỏi nói:

-- Thôi anh Cường để Quang khiêng một đoạn.

Tôi ghé vai vào đòn cây khiêng cô Hồng đị Tôi nói:

-- Anh Cường đi sau, lúc nào khoẻ thì thế anh Minh. Quang còn khoẻ! Còn cô Hồng, sao không ngủ đi lấy lại sức?

-- Ngủ sao được, sợ muốn chết rồi nè!
-- Bây giờ có Quang dẫn đường rồi, ai ngủ được thì ngủ đi. Còn xa chứ không phải gần đâụ
-- Còn bao xa?
-- Tới bờ sông Krong Poco, cũng mất 3 tiếng nữa, nhưng khúc sau này mới gian nan, chứ không phải như đoạn đường mòn nàỵ Vì khúc này cỏ cây rậm rạp và khó đi hơn vì gần nước. Thôi bây giờ im lặng để vừa đi vừa dưỡng sức. Có gì Quang sẽ nói sau.

Tôi vừa đặt chân tới chỗ tôi để anh Tâm và anh Trung nằm nghỉ, thì một tiếng động vang xé màn tĩnh lặng của đêm đen làm ai nấy đều giật nẩy mình. Anh Trung và anh Tâm lồm cồm bò dậy, dụi mắt nhìn quanh:

--- Tặc , tặc, tặc ... Tắc Kè!

Tôi suýt phì cười nhưng lại đâm ra lo lắng vì tắc kè kêu trong rừng cũng giống như ếch kêu vùng đồng ruộng, báo hiệu mưa sắp đến. Mưa nhỏ ở rừng thì không đến nỗi nào, mưa rào ào ào lớn thì nguy hiểm cho người không quen đường rừng vô cùng. Những con suối khô cạn bỗng dưng sẽ ngập nước và chảy xiết, người không khéo có thể bị chết đuối như chơi. Sông Krong Poco nước sẽ chảy mạnh và tràn bờ khó lòng vượt qua sông. Nếu trời mưa ngay đêm nay hay sáng hôm sau thì không thể nào tôi có thể thực hiện kế hoạch mượn bè qua sông như tôi dự định được. Tôi phải tức tốc tìm một kế hoạch khác bằng không mọi người đều kẹt. Tôi còn phải trở lại Phòng Giáo Dục chứ không thể dây dưa lâu lắc ở đâỵ Chậm lắm là sáng mốt tôi phải về để tránh mọi sự nghi ngờ. Nhưng nếu trời mưa, đêm mai tôi không thể đưa họ qua sông an toàn. Phải làm sao đây? Tôi hối mọi người theo tôi đi gấp dù rằng ai cũng mệt mỏi và muốn dừng lại lấy sức.

-- Phải đi ngay không thể chần chờ, nếu trời mưa đêm nay, các anh chị sẽ qua sông không kịp.
-- Bây giờ có đi tới sông, bọn này cũng không đủ sức để bơi qua!
-- Ai bắt các anh chị bơi qua đâu? Nếu kịp Quang tháo thuyền độc mộc đưa các anh chị qua, có điều phải chia làm hai chuyến, vì mỗi chuyến chỉ chở tối đa 3 ngườị
-- Còn bao lâu nữa?
-- Ít nhất ba tiếng!
-- Chịu thua thôi, không đủ sức đâu, bọn này mệt nhoài rồi! Có cách nào khác không?
-- Có thì có nhưng sợ kẹt các anh thôi!
-- Kệ, Quang nói nghe thử rồi bọn này quyết định.
-- Cách đây chừng một tiếng có rừng lồ ô, le, và tre. Ít người qua lại mùa này, nhưng nếu mưa đến sớm năm nay thì sẽ khổ các anh vì người ta sẽ đi bẻ măng. Chỗ đó cao, nên tương đối an toàn. Măng có thể làm thức ăn tạm cho các anh chị, các anh chị có thể trú mưa lúc mưa, khi không mưa các anh chị có thể chọn mấy ngọn tre rậm lên lên giữa ngọn làm chỗ ẩn không ai biết đến. Lồ ô chặt ra có thể đóng làm bè vượt sông, nhưng các anh chị phải làm mau :Dng mới được vì khi chặt tiếng động vang trong rừng, nếu có người làng đi ngang họ sẽ nghi ngờ liền.

Tôi hỏi anh Trung:

-- Anh còn giữ bản đồ Quang đưa không?
-- Còn chứ, cẩm nang tìm sống mà bỏ sao được!

Tôi nói anh Trung mở bản đồ ra, rồi dùng đèn pin rọi vào bản đồ:

-- Bây giờ mình đang ở điểm này, cần đi tới con suối nhỏ này, cách đây nửa tiếng, cứ đi theo đường mòn chừng 1 tiếng nữa sẽ tới làng Tung Breng. Nhưng mình phải tách và đi dọc theo con suối, cứ đi theo con suối đó thì sẽ tới sông Krong Poco, khoảng hai tiếng rưỡi vì con suối đi vòng vòng theo thung lũng. Con suối nằm bên đồi làng Tung Breng. còn ngọn đồi đối diện là một căn cứ bộ đội trinh sát, nên các anh chị phải cẩn thận lắm mới được, đừng để lại một dấu vết nào khi đi đường hay chỗ ở. Đêm nay nếu không đủ sức tới sông Krong Poco, thì chúng ta phải nghỉ tại rừng le nàỵ Nếu trời mưa đêm nay hay sáng mai thì đêm mai Quang không thể đưa anh chị qua sông, hoặc là anh chị tự lo liệu hoặc phải chờ cả hơn ba tuần nữa Quang mới có thể giúp được. Nếu mưa thì ngày mai Quang ghé lại rừng le này đưa cho các anh chị ít gạo Quang sẽ mua tại làng Tung Breng, rồi anh chị tự lọ Sau khi Quang lo xong khoá huấn luyện giáo viên Thượng Quang mới có thể rảnh rang giúp được. Chỉ cầu mong đêm nay không mưa, thì đêm mai các anh chị có thể ngủ bên kia biên giớị

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, đã đi gần tới nơi mà một trận mưa lớn có thể cản trở công việc sắp thành! Tôi hối mọi người đứng dậy đi liền vì càng chần chờ thì càng nguy hiểm. Tôi nói anh Trung và phụ khiêng cô Hồng với tôi, để hai anh Minh và Cường nghỉ một chút. Anh Tâm thì nhìn bên ngoài còn xanh xao lợt lạt biết là không đủ sức rồị

Khi chúng tôi vừa rẽ theo con suối bỏ đường mòn thì trời bắt đầu sấm sét ầm ầm dù chưa có hạt mưa nàọ Thế là bao nhiêu dự định vượt sông đêm hôm sau có thể tiêu ma trong phút chốc! Tôi vẫn hy vọng, nếu có mưa cũng mưa nhỏ, nước không dâng cao và chảy xiết để tôi có thể điều khiển chiếc thuyền độc mộc đêm maị Tôi giúp đỡ các bạn này trong lúc cùng đường là một việc thiện, nhưng tôi như đang cầm một trái bom nổ chậm, nó có thể nổ bất cứ lúc nàọ Tôi bỏ trái bom này ra càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy!


:::: Chương XXXVII:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Trời khuya trong rừng đã tối còn tối thêm khi mưa ào ào đổ xuống bất chợt khi sáu người chúng tôi còn đi dọc theo con suối. Nước mưa tuy không đập trực tiếp vào mặt chúng tôi vì cây rừng phủ kín trên đầu nhưng những giọt nước mưa từ trên lá cứ lộp độp nhỏ xuống cũng ướt tèm nhẹp. Tôi và anh Trung đi trước khiêng cô Hồng, nhưng đường trơn, vướng vít, cây lại rậm rạp. Anh Trung đi chậm lại có vẻ mệt mỏi. Tôi đứng lại đề nghị anh Minh tạm thời cõng bạn gái của anh, rồi sau đó chúng tôi mỗi người lần lượt thay anh cõng vì đoạn đường đến rừng le lên dốc cao và hơi khó đi. Nếu khiêng hai người thì người đi sau gánh nặng trĩu xuống thì sẽ lãnh đủ .

Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe tiếng anh Minh văng tục:

-- D.m đi một mình còn không kịp thở, cõng làm sao nổi! Thôi tạm thời nghỉ chân ở đây đị

Tôi cố nhịn giải thích:

-- Không được đâu, chỗ này không phải là chỗ tốt để ẩn nấp. Phải tới rừng lồ ô mới an toàn hơn.

Anh Minh nói cố:

-- Mệt chết rồi đi làm sao nổi nữa!
-- Thôi để Quang cõng, chứ để chị Hồng đi chân sẽ sưng và cản trở sau nàỵ Ráng một chút đi.

Không thấy ai phản kháng, tôi bảo cô Hồng lách ra khỏi võng . Tôi tháo võng ra và bỏ vào ba lo^.

-- Anh Trung cầm đòn khiêng này làm gậy để leo đồi nàỵ Anh Cường đeo ba lô này giùm Quang. Còn các anh khác cứ bám sát theo nhau đi sau Quang. Trời khuya khó đi, chịu khó một chút, chừng nửa tiếng nữa thôi.

Anh Minh khó chịu:

-- Hồi nãy anh nói nửa tiếng lúc rẽ vào suối, bây giờ cũng nửa tiếng nửa, thế là thế nào?

Tôi bắt đầu bực mình vì sự vặn vọ và thái độ khiếm nhã của anh Minh, tôi đang giúp các anh chứ có phải tôi lấy tiền lo cho các anh đâu. Tôi có thể bỏ mặc họ ở đây rồi đi về làng Tung Breng, hay về lại Phòng Giáo Dục của tôi cho yên chuyện. Đường còn dài, trời lại mưa, nên tôi chỉ nói cụt ngủn:

-- Trời mưa đường khó đi hơn nên lâu hơn tôi dự đoán!

Rồi tôi ngồi chồm hổm trước mặt cô Hồng:

-- Chị chịu khó một chút nha, chị tựa vào lưng, ôm cổ, hai chân chị quàng ngang eo của Quang.

Đêm đen, tôi không thấy nét mặt của cô Hồng nên không biết cô có đỏ mặt hay không. Riêng tôi thì ái ngại lắm vì ngực cô áp sát vào lưng tôi, tôi vòng tay trái ra sau giữ đùi cô, còn tay phải chống xuống đất lấy đà đứng lên Mọi việc phải tuỳ hoàn cảnh! Tôi chưa bao giờ gần gũi một người thiếu nữ nào kiểu này, huống hồ một người gần như hoàn toàn xa lạ . Cũng may mà cô Hồng nhỏ con, không nặng lắm chứ không chắc tôi leo dốc không nổi. Khi tôi đi được một quãng, cô Hồng mỏi chân sao đó người cứ tuột làm tôi chẳng ngại ngùng đưa hai bàn tay ra sau đan ngón tay vào nhau để giữ thành ra tôi vô tình bợ cả hai mông cô ta. Ban đầu chỉ do phản xạ tự nhiên tôi làm mà chẳng suy nghĩ gì, nhưng càng đi lên cao, tôi càng đi chậm và giật mình suy nghĩ không biết bạn trai của cô Hồng nghĩ gì .

Đi được một quãng nữa, tôi vẫn còn có thể cõng được thêm, nhưng tôi đứng lại hỏi anh Minh:

-- Anh Minh cõng cô Hồng nhé!
-- Thôi anh cõng giùm đi, tôi đi một mình còn không muốn nổi.
-- Được, để tôi tiếp tục cõng, các anh ráng theo sát sau nha!

Tôi cố nhận định ra hướng đi mỗi lần chớp nhoáng lên. Đêm mai chắc là không thể qua sông được rồi, vì cơn mưa to và dài quá . Nếu chỉ mưa nhỏ hay mưa rào một tí thôi thì không đến nỗi. Đàng này mưa ào ào cả gần một tiếng rồi mà vẫn chưa có mòi dứt thì hy vọng của tôi đưa người qua sông trôi theo dòng nước.

Tôi im lặng cõng cô Hồng đi một mạch tới rừng le mọc rải rác chen với những bụi lồ ô lớn. Tôi qùi xuống thả cô Hồng xuống đất, ngồi thở phào chờ các anh kia lại gần. Cô Hồng hỏi:

-- Tới rồi hở anh ?
-- Vâng, tới rồi!

Cô Hồng lí nhí:
-- Cám ơn anh! Em phiền anh quá!
-- Không sao mà, Quang có gì sai thì chị bỏ qua nha!

Khi mọi người tới nơi đông đủ, tôi nói với họ:

-- Đây là khu rừng le, tương đối an toàn. Bây giờ các anh chị tạm thời nghỉ tại đâỵ Mai sáng sớm các anh chị chia nhau chọn mỗi người một gốc le, làm một vòng tròn để quan sát xem rủi có người tớị Quang đã chỉ vẽ cặn kẽ mọi sự với anh Tâm và anh Trung rồi, chuyện gì mọi người nên bàn qua với anh Tâm và anh Trung...

Anh Minh lại xen vào:
-- Vượt biên mà còn phân chia giai cấp hở!

Tôi xoay về phiá anh Minh, ban đêm tôi không thấy nét mặt anh, nhưng tôi chắc anh bực mình chuyện gì đó, có thể là tôi đã làm anh xấu mặt với bạn gái của anh chăng. Xấu mặt hay chăng thì tự cá nhân mỗi người nghĩ thôi, chứ thực ra vì mệt mỏi không thể cõng thì có nhằm nhò gì, chỉ có thái độ của anh Minh tự tỏ ra vẻ ích kỷ và cá nhân.

-- Khi đi rừng, mọi việc đều phải cẩn thận. Việc các anh và cô Hồng nhổ sắn, để lửa cháy trong nhà nhỏ trên rẫy đã khiến du kích và bộ đội truy lùng. Tôi bảo đảm nếu không có tôi can thiệp có lẽ chậm lắm là chiều mai các anh chị sẽ bị bắt hoặc bị bắn ngay tại chỗ theo như lời bộ đội nói. Bắt giữ chỉ tốn cơm tốn sức. Thành thử tôi đề nghị các anh chị triệt để nghe lời anh Trung và anh Tâm. Khỏi cần nói, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi nghỉ một chút rồi phải đi về làng Tung Breng liền, tôi may ra ngày mai hay đêm mai có thể đưa cho anh chị thêm ít gạo, cô Hồng chiếc váy sà rông. Tôi tiếc không thể ở đây lâu giúp thêm vì tôi phải về Phòng Giáo Dục lo công tác của tôi. Các anh chị từ nay phải tự lo lấy, tôi có giúp được tí gì, cũng phải chờ hơn ba tuần nữa.

Tôi nói một tràng dài như trút hết bực tức của tôi trước lời nói của anh Minh và sự im lặng của các người khác. Có lẽ họ mệt mỏi vì đường xa hay vì cơn mưa đột nhiên là tan biến hy vọng của họ. Tôi không dám trách ai, chỉ bực bội vì những lời nói có vẻ không biết ơn tí nào của anh Minh mà thôi. Tôi đâu có bổn phận để giúp họ vượt biên gì đâu mà bị vặn vọ này nọ. Lạng quạng tôi bỏ đi luôn cho bõ ghét! Ở đó mà hạch hỏi!



:::: Chương XXXVIII:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi


Tôi ngồi dưới bụi tre nghỉ giữa anh Tâm và anh Trung. Bụi tre rậm nên thỉnh thoảng mới có ít giọt nước mưa rơi xuống, mặt đất vẫn còn kho^. Cô Hồng, anh Minh và anh Cường ngồi ở bụi tre gần đó, xì xào điều chi đó. Tiếng mưa rơi lộp độp trên lá cây, với tiếng gió nên tôi không nghe được tiếng nào. Hai anh Tâm và Trung im lặng trong đêm, tôi nói với họ:

-- Hai anh nằm ngủ đi, Quang nằm ngồi nghỉ một chút rồi đi ngaỵ Quang sẽ nói anh Minh hoặc anh Cường trực đêm. Các anh phải thay phiên nhau gác đó phòng khi có chuyện gì....

-- Thôi chuyện đó để Trung lo. Trung sắp xếp sau. Quang nghỉ một chút rồi cứ tự nhiên đi, chuyện của bọn này bọn này lo được mà. Bọn này cũng đã phiền Quang quá nhiều. Không biết bao giờ bọn này mới có dịp giúp Quang lại.

Lời của anh Trung như ly nước mía uống được khi trời đang nóng bức, tôi ngồi im nhưng lòng khoan khoái lắm, ít ra cũng có người hiểu sự nguy hiểm mà tôi có thể gặp. Tôi khoác ba lô, đứng lên:

-- Quang đi đây, các anh giữ gìn cẩn thận. Nếu không có gì, chiều nay Quang ghé tới. Nấu nướng các anh phải chọn cành khô, đừng để bốc khói. Chuyện đó các anh biết rồi. Hay tạm ăn ít lương khô mà Quang đã đưa nếu còn.

Tôi tới chào cô Hồng, anh Minh và anh Cường:

-- Các bạn ở lại nha! Quang phải đi tới làng Tung Breng. Chiều nay Quang trở lại.

Cô Hồng ngồi dậy, nắm tay tôi thật chặt:

-- Cám ơn anh Quang nha! Anh cố trở lại sớm!

Những cuộc chia tay nào cũng có chút bịn rịn, nhất là giữa phái nam và phái nữ, dù quen sơ hay quen thân. Tôi liên tưởng tới lần Nhung ôm hôn tôi hôn khi tôi để Nhung ở lại nhà cô Liễụ Tự nhiên tôi muốn ôm cô Hồng vỗ về như vỗ về Nhung mà tôi chưa có dịp được an ủi chăm sóc từ khi tôi đọc nhật ký của nàng. Đời người con gái như cánh hoa trong sương gió, mỏng manh dễ bị tàn dập trong bão tố mưa sa. Tôi trấn tĩnh không choàng ôm cô Hồng như lòng tôi mong muốn khi sực nghĩ tới anh Minh cũng vừa ngồi dậỵ Phải chăng tôi yêu Nhung hơn là yêu Du? Hình như tôi cũng như những thanh niên khác có khuynh hướng bảo vệ những người con gái yếu đuối?

Tôi vội vã rời mọi người trước khi trời hửng sáng. Trời mưa nên bóng tối hãy còn dài mặc dù đã hơn bốn giờ sáng rồi. Tôi chỉ cần đi thêm chừng một tiếng nữa là tới làng Tung Breng, có lẽ trời cũng mờ mờ sáng. Trời mưa thế này thì chắc kéo dài cả ngày, không chừng hai ba ngày cũng nên. Tôi đi một thân một mình với một ba lô chỉ vỏn vẹn có ít đồ lặt vặt nên đi rất nhanh. Vừa gần tới đầu làng tôi đã nghe tiếng than van khóc lóc của người khóc người đã chết rồi. Tôi giật mình lo sợ. Phải chăng là điềm không hay trong chuyến đi này của những người tôi vừa quen. Tiếng khóc than van của người làng tỉ tê với tiếng gió nghe thê thảm dường baọ Tôi nhìn quanh làng và quyết định tới dưới gốc cây gạo to để bao lô xuống đất rồi tựa lưng vào đó ngủ chờ trời sáng hẳn thay vì vào làng ngay vì biến cố bất ngờ nàỵ Vào làng lúc có người chết trong đêm tối có thể làm người làng khiếp đảm như tôi là thần chết tới gõ cửạ Tôi cảm thương cho gia đình nào đó vừa có người qua đời, nhưng vừa ngồi xuống tựa lưng vào gốc cây gạo là thiếp đi dưới cơn mưa lã chã.

Khi tôi giật mình tỉnh dậy nhìn đồng hồ thì đã chín giờ sáng. Tôi đã ngủ thiếp đi một giấc dài gần 4 tiếng. Người khoan khoái mặc dù trời vẫn còn đang mưạ Trong làng vẫn không có động tịnh nào ngoài tiếng khóc tỉ tê của gia đình nào đó thỉnh thoảng ré lên. Tôi dụi mắt đứng dậy, khoác ba lô lên vai vào làng tìm gặp thầy Dũng trước tiên trong nhà ông làng trưởng.

Tôi đập cửa, cậu con trai của ông làng trưởng mở cửạ Tôi cúi đầu vào nhà chào ông bà làng trưởng đang ngồi bên bếp lửạ
Thầy Dũng nằm co ro trong xó nhà, trông ốm hẳn ra, con mắt hõm sâu đen. Thầy rất ngạc nhiên khi thấy tôị

-- Chết Dũng mất, Quang ơi! Cả làng bị bệnh! Chắc kỳ này chết hết vì bệnh dịch tả!

Nghe nhắc tới dịch tả, tôi hỏi liền:
-- Đã c
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #10  
Old 04-04-2004, 12:35 PM
TongGiang
 
Bài gởi: n/a
Default

:::: Chương XXXIX:::


Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Đi đường rừng một mình, trời nắng còn đỡ, chứ đi dưới cơn mưa thật là rầu rĩ. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ lung tung đủ mọi thứ chuyện không biết làm cách nào để giúp dân làng mau bình phục, chuyện vệ sinh căn bản bảo vệ sức khoẻ của đồng bàọ Rời căn cứ chú Minh chừng 20 phút, vừa xuống khỏi con dốc tới vùng tương đối bằng phẳng cỏ còn xanh vì có con suối nhỏ chạy dọc dưới chân đồi, thì tôi giật mình thấy một đàn trâu rừng đang nhẩn nha gặm cỏ cách đó không xạ Trâu rừng thường đi từng đàn cả mấy chục con, có khi cả trăm con, đây là lần thứ ba tôi gặp đàn trâu rừng. Lần thứ nhất khi tôi đi lên B 12 vùng Đức Cơ - Pleime, lần đó trâu ở phía xa, lần thứ hai trâu chạy ầm ầm đất rung chuyển, tôi và mấy người Thượng phải vội vã leo lên cây chưa biết chuyện gì xảy ra thì bất ngờ một bầy trâu có đến cả trăm con chạy dồn về phía tây có thể đạp chúng tôi tan thây nát thịt nếu chúng tôi không kịp leo lên caọ Tôi nghe nói thịt trâu dai nhanh nhách, nhưng bắn được một con trâu rừng là một dịp lễ lớn cho dân làng vì họ cho rằng đó là tặng phẩm của Giàng (Yang = Trời). Làng nào bắn được trâu rừng thì làng đó coi như được một ân xá, một đại xá có thể chuyển nghèo thành giàu, chuyển bệnh thành khoẻ trong năm đó. Tôi tuy không phải là người Thượng, nhưng làng Tung Breng đã xem tôi như người làng, nếu tôi bắn được một con trâu, không chừng vì lòng tin của họ biết đâu chừng họ mau khoẻ. Niềm tin mạnh hơn liều thuốc! Tôi mừng rỡ vòng ngược trở lại báo chú Minh và bộ đô.ị

--Kìa sao cháu trở lạỉ
--Cháu gặp một đàn trâu rừng dưới thung lũng, trở lại báo cho các chú xem các chú có muốn săn trâu rừng không?

Một anh bộ đội trẻ xen vào:

--Trâu rừng hở? Được lắm, chuyến này có thịt tươi ăn rồi! Ăn rau cải thiện mãi ngán ơi là ngán!

Chú Minh hỏi:

-- Đàn trâu bao nhiêu con, và liệu còn đó khi mình đến không?
-- Nhiều lắm, trời mưa, chúng lo ăn đâu để ý đâu! Bắn vài con là dư ăn rồi! Cháu xí một con đó!

Chú Minh cười:
-- Biết bắn không mà xí phần rồỉ
-- Chú cho cháu mượn một khẩu AK hay một khẩu CKC là biết ngay!
-- Cháu biết dùng súng AR-15 không?
-- Hồi nhỏ cháu có tập bắn ít lần với các anh lính đóng đồn ở gần nhà cháu\. Cháu đi gánh nước cho họ để được tập bắn chơi thôi!
-- Cháu thật thà quá! Được, chú có khẩu AR-15 và ít băng đạn trong kia, nếu cháu bắn được trâu, súng đó là của cháu!
-- Thôi cháu mượn lần này thôi! Giữ súng có ngày cháu bị tù!
-- Tù gì, giao cho cháu súng, chú phải cấp giấy phép chứ!
-- Cháu có phải bộ đội đâu!
-- Thằng này lôi thôi quá, chắc gì đã bắn được con gì nào! Coi như cá cuộc, nếu bắn được trâu, súng này của cháu, nếu không trúng, kiếm cho các chú một ghè rượu!

Tôi cao hứng giơ tay ra bắt tay:
-- Chú nói đó nha! Chứ cháu không phải là người đòi giữ súng đó!

Chú Minh giao súng cho tôi, chỉ cho tôi cách nạp đạn vào, lên đạn, cách bắn liên thanh, cách bắn từng phát một. Tôi thử một hồi, tập nhắm mà không bắn. Giả như chú Minh giao AK hay CKC cho tôi, tôi chắc chắn sẽ bắn được trâu thôi vì tôi đã mượn du kích Thượng súng CKC và AK để đi săn , còn súng AR-15 của lính Việt Nam Cộng Hoà và lính Mỹ thời xưa, tôi chỉ tập bắn chơi lúc còn nhỏ nên không mấy tự tin. Kệ thôi, tôi đâu cần súng, và một ghè rượu đâu có khó gì, ba ghè còn chưa lo, huống chi có một ghè! Tôi nhủ thầm, tôi phải ráng bắn trúng một con cho dân làng, rồi nhờ các chú bộ đội khiêng về làng cho tôi, rồi tôi tặng ba ghè rượu chứ không phải một hay hai ghè! Cho các chú bộ đội một ngày say bí tỉ với dân làng, rồi rinh thêm ba ghè nữa về căn cứ, gắn chặt thêm tình quân dân thì còn gì hơn nữạ Tôi đang mơ màng như cô gái đội rổ trứng ra chợ thì chú Minh lên tiếng:

-- Việc gì mà thừ người ra vậỷ

Tôi vá vấp:

-- Cháu đang suy nghĩ nếu cháu bắn được một con trâu và các chú cũng bắn được vài con nữa, cháu tính xin các chú khiêng con trâu cháu bắn vào làng Tung Breng được không?

Tôi kể cho chú Minh và bộ đội điều mê tín dị đoan của người Thượng về việc săn bắn trâu rừng, các chú bộ đội vỗ vai:

-- Nếu bắn được một con, thì bọn này giữ hết, hai con thì một con phần chú mày! Anh em bộ đội sẵn sàng khiêng vào làng, chú mày phải kiếm ít vò rượu đó!
-- Khỏi phải hỏi mà, cháu dư sức lo chuyện đó!

Mọi người đã sửa soạn xong, bọc vải nhựa trước họng súng, để tránh cho nước khỏi vàọ Cả căn cứ đòi đi, vì không ai chịu ở lại canh. Cuối cùng chú Minh viết giấy gập tư bỏ vào mũ cho mọi người bốc. Mười chú bộ đội được đi cùng với tôi nữa là mười một, chú y sĩ cũng bốc trúng. Chú Minh không bốc và cũng không đi dù chú rất muốn. Nhưng chú phải làm gương tốt nên cười nói với một người:

-- Đi cho đông, mà về không có con trâu nào, ngày mai Quang phải đem rượu vào đây đó!

-- Cháu về tới làng là đưa rượu sang cho các chú liền! Giá mà chú y sĩ vào làng cùng cháu chữa bệnh, cháu đem cả ba vò rượu vào đã các chú!

Chú y sĩ cao hứng vì cuộc đi săn kỳ thú:
-- Được, được trâu hay không được trâu, sau khi đi săn về, chú cháu cùng vào làng.

Tôi mừng thầm trong bụng, cám ơn Trời, cám ơn Giàng đã cho tôi gặp đàn trâu, thế là tôi không phải qua làng Ea Blang tìm thầy Nhân để nhờ thầy về huyện xin y tá lên đây, vừa xa xôi, vừa hiểm trở, không biết có ai hăng hái lên không. Tôi nhìn chú y sĩ cảm động nói:

-- Cám ơn chú thật nhiềụ Dân làng Tung Breng không quên ơn các chú đâu!
-- Thôi đi đi, kẻo trâu đi mất!

Chúng tôi đi nhanh, khi xuống dưới triền đồi thì chậm lạị Tôi khều tay chú y sĩ chỉ xuống thung lũng:

-- Kia kìa, các chú thấy không? Trâu rừng đó!
-- Mẹ kiếp, trâu đông thế này, nó mà chạy về phiá mình sừng nó húc cũng phanh thây!

Chú y sĩ ra lệnh cho mọi người dừng lại để có một chương trình hành đô.ng. Trời mưa như thế này thì không sợ lộ, nhưng một khi bắn thì phải bắn đồng loạt chứ không thì bầy trâu sẽ chạy mất. Tôi nhìn đồng hồ rồi hỏi:

-- Các chú có đồng hồ hết phải không?

Cả đám lắc đầu, kể cả chú y sĩ tên Dũng lúc đi đường vui vẻ tự giới thiệu! Thế này thì thật khổ, chúng tôi không thể tụ lại cùng một chỗ vì phải tìm vị trí thuận tiện để bắn, chú Dũng nói:

-- Bây giờ mọi người đếm từ một tới một ngàn, tới 1001 là nổ súng!

Chúng tôi chia tay để tìm vị trí dễ dàng bắn. Chú Dũng đi với tôi cùng một anh bộ đội trẻ. Anh vừa đi vừa đếm. Chúng tôi rạp người luồn đi dọc theo con suối để tránh khỏi bị phát giác. Khi chỉ còn cách đàn trâu một quãng thì anh bộ đội trẻ đếm tới 500. Chú Dũng nói:

-- Vừa tầm bắn rồi đó! Tìm chỗ thuận tiện bắn là vừa\.

Tôi chỉ con trâu nhỏ đứng gần nhất:
-- Cháu chọn con trâu nhỏ gần nhất kia! Chú Dũng và anh chọn mỗi người một con khác nhé!

Chú Dũng nói:

-- Tớ chọn con trâu sừng dài phiá bên phải!

Anh bộ đội đang đếm tới số 775, chỉ con trâu phía trái\. Tôi gật đầu:

-- Vầy nhé, vì mình ở gần nhau khi đếm tới 998 thì anh giơ tay lên, rồi mình đếm nhẩm 1, 2, 3 là bắn nhé!

Ba người chúng tôi mỗi người núp mỗi gốc cây ở gần nhau, nên có thể nhìn thấy nhau một cách dễ dàng, tôi hy vọng các nhóm kia cũng đã sẵn sàng trong tư thế bắn, vì nhóm tôi đã chuẩn bị sẵn.

Tôi ngồi trong tư thế bắn, thầm thì cầu nguyện xin Trời cho tôi bắn trúng con trâu rừng. Tôi nhắm thẳng vào đầu con trâu, hy vọng trúng đạn là trâu sẽ qụy ngaỵ Mọi sự đã sẵn sàng chỉ cần bóp cò súng. Tôi liếc mắt và lắng nghe tiếng đếm nho nhỏ của anh bộ đội trẻ.

Tôi nhẩm theo:

-- 995, 996, 997 ...

Tôi liếc thấy anh giơ cao tay lên, tôi nhắm lại đích ngay đầu con trâu trong lẩm nhẩm đếm một hai ba\. Tay tôi giữ chặt súng, ngón tay trỏ bóp cò:

-- Đoàng.

Tôi không nghe tiếng súng của ai cả, con trâu của tôi lảo đảo chạy, tôi nhắm thêm một lần nữa, bấm cò liên tiếp hai lần, vì sợ trâu chạy mất:

-- Đoàng, đoàng.

Tôi chỉ thấy con trâu của tôi ngã xuống trong khi cả bầy trâu giật mình chạy về phía Tây trong cơn mưa\.

Lúc này tôi mới ngẩng lên nhìn chú Dũng và anh bộ đội, thấy cả hai đều cười mãn nguyện trong khi tiếng la ó của các chú bộ đội khác át cả tiếng mưa\.

-- Các đồng chí bắn sớm quá!

Chú Tiến cười ha hả dưới mưa:

-- Bắn được ba con rồi còn gì! Khiêng về một con còn chưa nổi, mỗi thằng chúng bay đòi bắn mỗi thằng một con, thì thịt thối cũng chưa đưa về hết!

Cả bọn mười một người gặp nhau chỗ ba con trâu nằm, máu đỏ hoà với nước mưa, con trâu nào cũng chết ngay khi bị đạn vào đầu, nên cũng không tội nghiệp lắm. Con trâu của tôi bị trúng viên đạn đầu tiên ngay vào chỗ hiểm, tôi không cần phải bồi thêm hai viên nữa trúng trên vaị Hai con trâu kia cũng bị trúng mấy viên đạn, thì ra cả chú Dũng cũng như anh bộ đội trẻ cũng lo sợ như tôi, bồi thêm mấy phát cho chắc ăn.

Tám anh kia, dù chưa kịp bắn, nhưng cũng cười hả dạ, chỉ có một hai anh cằn nhằn, nói:

-- Thủ phó chơi ăn gian quá, làm gì đếm tới 1000! Bọn này mới đếm tới 900 thì đã nghe súng nổ rồi! Không thể nào mà đếm nhanh thế được. Một người còn sai chứ 8 người sai coi bộ vô lý quá!

Tôi nhìn anh bộ đội trẻ dò hỏi, vì thực tình tôi không để ý mãi cho tới khi tới lúc đếm tới 900 tôi mới để ý thôi, chẳng lẽ chúng tôi ăn gian. Anh bộ đội quay nhìn chú Dũng! Chú Dũng cười nói:

-- Lũ bay tinh thật! Tao bảo thằng Hùng đếm nhảy 100 con số đó! Tao sợ bọn bay nổ súng trước bọn tao đó mà. Thôi bỏ qua đi, được cả ba con trâu rồi còn đòi gì nữạ Mà cách nào đưa ba con về đây, con nào con nấy to kềnh thế này? Ca'c đồng chi’ bỏ qua cho tớ lần này!

Trời mưa mãi, ba con trâu to kềnh càng, nhìn trâu nghĩ tới đoạn đường leo dốc mà bắt ngán! Tôi đề nghị:

-- Vài chú về báo cho căn cứ biê't, đem dao tới đây mổ trâu, rồi mỗi người đem về một ít là xong. Riêng con trâu cháu bắn, chắc không cần nhờ các chú khiêng vào làng vì các chú lo cho hai con trâu này đủ mệt rồi! Cháu sang làng Ea Blang đề nghị dân làng ra xẻ trâu, một nửa đem về cho họ, còn một nửa họ đưa sang làng Tung Breng! Các chú thấy được không?

Chú Dũng, y sĩ, nói:

-- Đề nghị tốt! Nhất trí! Nhưng đừng quên mấy ghè rượu nhé!

Tôi bật cười thành tiếng:

-- Chú cũng đừng quên đi vào làng xem bệnh tình của dân làng với cháu đó!

Tôi giao khẩu súng AR-15 lại cho chú Dũng nói chú giữ dùm vì tôi không tiện mang súng vào làng Ea Blang. Tôi dẫn theo ba anh bộ đội trẻ để xin làng Ea Blang cho ít ghè rượu thay vì làng Tung Breng người bệnh không biết có rượu sẵn không. Cũng may mà hôm ấy trời mưa nên dân làng Ea Blang không ai đi làm, tôi gặp thôn trưởng trình bày đề nghị của tôị Ông thôn trưởng cười vui, nói ông thầy hay thật, bắn được trâu chia cho đồng bàọ Tôi nói con trâu to lắm làng phải đi ra đó cắt thịt, một nửa cho thanh niên đưa qua làng Tung Breng vì làng đó bị bệnh, cho làng đó nguyên cái đầu, và cái đuôi để cúng Giàng, còn thân mình thì chia đôị Ông thôn trưởng vỗ vai tôi nói:

-- Được mà, dân làng này có cái thịt để uống rượu ngày mưa là vui rồi!
-- Phải nướng, nấu kỹ đó, tôi không muốn ai bị đau cái bụng đâu nhé!
-- Đừng có lo, con Jrai khoẻ mà!
-- Khoẻ cũng phải cẩn thận, bộ dân làng Tung Breng không phải con Jrai à, sao mà họ bệnh hết vậỷ
-- Tại họ không cúng Giàng đó! Mấy hôm trước họ lấy được xác một con nai to trong rừng, đã chết mấy ngày rồi, nên không cúng Giàng nên bị Giàng phạt!
-- Sao ông biết?
-- Cháu tôi có cái chồng bên đó mà!

Tình cờ tôi biết được nguyên nhân bệnh của dân làng Tung Breng, họ ăn trúng thực chứ không phải dịch tả. Có lẽ con nai mắc bệnh chết chương rồi mà ăn không nấu kỹ nên bị té re tống tàng thôị Khổ cái là giáo viên của tôi sao cũng bị. Dù sao tôi cũng bớt lo phần nàọ Có trâu để cúng Giàng tạ tội, có người đem thịt trâu tới đãi tiệc chắc là mọi người sẽ phấn chấn và khoẻ mạnh trở lại mau :Dng hơn. Tôi hỏi mua vài ghè rượu cần cho bộ đội, ông xã trưởng nói:

-- Không được, ông thầy cho dân làng trâu, dân làng cho ông thầy rươ.ụ

Ông bảo dân làng đưa ra ba ghè rượu, bỏ vào gùi, rồi nói:

-- Rượu này cho ông thầy và bộ đội!

Giao ba chiếc gùi có ba ghè rượu cho bộ đội đeo, tôi dẫn dân làng cầm theo dao, gùi để xẻ thịt trâụ Lúc gặp chú Dũng tôi nói:

-- Dân làng cho các chú 3 ghè rượu, cháu đề nghị chú cho họ hai cái đầu và hai cái đuôi trâu, các chú cũng chẳng làm gì với các thứ đó, để họ cúng Giàng, được không?

-- Được mà, lấy mấy thứ đó làm gì cho mệt!

Tôi quay ra nói với ông thôn trưởng và dân làng bằng tiếng Jrai:

-- Bộ đội cám ơn lòng tốt của dân làng đã cho rượu, bộ đội muốn cho dân làng hai cái đầu và đuôi của hai con trâu nằm kia để cúng Giàng đó!

Ông thôn trưởng lại gần chú Dũng, cười vui:

-- Bộ đội tốt! Bộ đội tốt! Ngày mai tới uống rượu với dân làng!

Mọi người đang vui vẻ xúm vào xẻ thịt trâu thì chú Minh và cả căn cứ cũng xuống. Thấy ba con trâu to và ba ghè rượu trên lưng ba chú bộ đội, chú Minh cười thật lớn nói với tôi:

-- Cái thằng này thật hên! Đã trúng mối trâu, lại được rượu! Cháu Quang may mắn thật! Đi đâu cũng được dân làng cho cái này cái nọ Khẩu súng chú đưa cho cháu hồi trưa, cháu giữ luôn đi! Chút nữa về căn cứ chú làm giấy tờ chọ

Có súng để đi săn thì thật vui, nhưng giao súng ống một cách dễ dàng như vậy tôi phát sợ, không chừng là cạm bẫy bắt tôi vào tù thì khổ: tôi từ chối:

-- Thôi cháu mượn súng xài lúc cần thôi, cháu không lấy đâu! Việc bắn trâu xong rồi, cháu cần gì nữa! Coi chừng người ta tưởng cháu là phản động thì tiêu đời nhà ma!

-- Cháu khéo lo! Chú nói được là được mà! Chút nữa về căn cứ chú giải thích kỹ càng cho! Dân làng tốt với cháu vậy mà không lẽ chú thua saỏ

Tôi không nói gìthêm cầm tay chú Minh tới xem dân làng họ xẻ trâu, cắt thịt một cách nhanh :Dng. Tôi nói:

-- Đồng bào giỏi quá, cắt nhanh như cắt luá! Đồng bào cắt luôn hai con trâu kia giùm bộ đội đi, trông họ kìa chưa cắt được gì cả!

Mưa vẫn tiếp tục, mỗi nhát dao làm máu hoà với nước chảy loang. Tôi chạy tới chú Dũng:

-- Chút nữa chú cháu mình mang thịt về căn cứ trước rồi cháu dẫn chú sang làng Tung Breng nha!

-- Ừ, chưa bao giờ thấy vui như hôm nay! Chú đi với cháu một lần vào làng xem sao!

Tôi mừng lắm vì thấy nhiều chuyện xảy ra trong đời một cách thật tình cờ làm biến chuyển con người và cuộc sống. Mới sáng nay chú Dũng nhất định không đi đâu cả, tôi đã nảy ra dự định nhờ thầy Nhân về huyện tìm y tá hay bác sĩ lên đây, rồi chỉ vì nhìn thấy đàn trâu mà mọi chuyện gần như đâu vào đấy, tôi biết được nguyên nhân đau bụng của dân làng, thuyết phục được chú Dũng vào làng khám bệnh, lại còn được giao súng nữạ Có nên nhận khẩu súng đó không, tôi băn khoăn suy nghĩ! Hãy để nghe chú Minh giải thích khi về căn cứ đã, dù sao mình cũng chẳng mất mát gì! Điều mừng là dân làng không phải bị bệnh dịch tả, lại có thịt trâu tươi, có đầu và đuôi trâu để cúng Giàng, và nối kết được tình thân giữa dân hai làng với nhau, giữa dân làng và bộ đô.ị

:::: Chương XL:::

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Trong lúc mọi người lục đục nấu nướng thịt trâu rừng, thì chú Minh dẫn tôi tới nhà kho, nói anh cần vụ tìm ít đồ quân phục giao cho tôi, vì mặc dù có áo đi mưa, nhưng quần áo tôi đã bị ướt, người tôi bắt đầu thấm lạnh, môi thâm và nổi da gà. trên tay chân. Chú cần vụ đưa cho tôi một bộ mặc vào người, rồi lấy thêm một bộ nữa:

-- Quà của các chú cho cháu đó! Thủ trưởng cho phép chú tặng cháu hai bộ quân phục!

Tôi thực tình cám ơn chú Minh và chú cần vu, cám ơn rối rít! Áo quần hơi thụng thịnh một chút nhưng khô ráo nên đỡ phần nào lạnh. Chú Minh gọi tôi lên phòng riêng của chú, mở ngăn kéo lấy một tờ giấy đã đánh máy sẵn đặt lên bàn. Chú hỏi tôi:

-- Giấy chứng minh nhân dân cháu đâu để chú điền cho đúng, để cháu khỏi lo lung tung về chuyện chú giao khẩu súng AR-15 cho cháu?

-- Cháu thực sự không cần súng mà! Chỉ thỉnh thoảng đi săn cháu mượn của dân làng hay của các chú là được rồi!

Chú Minh nhìn thẳng vào mặt tôi:

-- Cháu có máu thợ săn, thấy súng đương nhiên là ham rồi, nhưng tại sao cháu lại từ chối không nhận súng?

Tôi thật thà:

-- Cháu sợ bị đi cải tạo vì chuyện không đâu!

-- Chú đã nói là có giấy tờ đàng hoàng, hơn nữa chú chỉ có cháu có hai băng đạn thôi, thì lấy gì mà lọ Chiến tranh đã hết rồi, cháu có khẩu súng và hai băng đạn này thì làm gì ai được. Đảng và nhà nước còn chủ trương giao súng ống cho các thanh niên phường xã rộng rãi hơn nữa kìa, nhưng chỉ giao cho ít đạn dược thôi, mà đôi khi còn là đạn giả. Những khẩu súng AR-15, M-16 của Mỹ Nguỵ hồi xưa còn để lại nhiều lắm. Trung ương đã có chủ mưu giao súng Mỹ Nguỵ lại cho các thành phần chống đối để dễ bề tóm bắt một cách dễ dàng.

-- Trung ương không sợ phản loạn saỏ
-- Sợ cái gì? Các thành phần cốt cán có âm mưu phản loạn là người của mình gài vào trong đó hết rồi, nhúc nhích một chút là trung ương đã biết ngaỵ Chú giao súng cho cháu là chú thấy cháu thật tình với chú , hết lòng dạy dỗ dân làng. Cháu mà có manh nha vớ vẩn là chú bắn thẳng tay chứ không có phải chuyện trò như thế này đâu.

Tôi đưa giấy chứng minh nhân dân ra cho chú Minh, chú loay hoay điền họ, tên tôi, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân vào một tờ giấy vàng nhạt đã in sẵn có hàng chữ Tổng Cục Tình Báo Trung Ương in đậm trên đầu trang. Tôi trố mắt nhìn thấy chú ghi lý do được cấp súng: Đương sự thi hành công tác đặc biệt. Mọi thắc mắc liên lạc thẳng với cục tình báo trung ương. Tôi giật mình mặt tái xanh vì tôi thực sự không muốn dính líu gì tới cơ quan phản gián trong khi tôi chỉ là một dân sự, con em của những người đã tham gia chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng Hoa, chỉ là một giáo viên đi công tác trong miền núi xa xôi mà thôì. Chú Minh loay hoay lấy ra mười mấy con triện, chú thử ít cái, rồi mới đóng mộc một con vào. Chú đưa cho tôi rồi cười nói:

-- Cháu là nhân viên chính thức của sở tình báo trung ương rồi đó!

Tôi cầm lấy tờ giấy, đọc lại kỹ thêm, rồi đưa trả lại:

-- Cháu không dám nhận đâu, cháu chỉ muốn làm một giáo viên quèn thôi, không muốn dính líu tới chính trị hay quân sự
-- Chú có đòi cháu làm gì đâu, giữ tờ giấy này, có lợi cho cháu chứ không có hại đâu mà sợ.
-- Cháu không làm tình báo được đâu thật sự đó!
-- Đã bảo là chỉ có danh mà thôi, chứ chú có trả lương hay đòi cháu làm gì đâu, nhà nước còn tốn phí bao nhiêu tiền, bao nhiêu giờ cho những chuyện, những người không đáng, mà chú chỉ tốn một mảnh giấy, một khẩu súng trước sau gì cũng giao cho người khác để giao cho cháu, một người đi đâu cũng được người mến, người thương thì có gì đâụ Ngay cả chú chính trị viên y sĩ cũng thích và thay đổi ý định đi vào làng với cháu kìạ Việc này chú đã tham khảo với chú Dũng rồị Nhận lấy đi!

Cực chẳng đã, tôi đành nhận lấy thẻ công tác đặc biệt, tôi nói:
-- Trước khi rời nhiệm sở này, cháu sẽ giao súng và thẻ lại cho các chú!
-- Việc đó nói sau đi!
-- Chú Minh à, hồi nãy cháu thấy chú thử mấy con triện rồi mới chọn một cái để đánh dấu, sao vậy chú? Bộ chú làm cho nhiều cơ quan khác nhau hở?
-- Không, con dấu là của một cơ quan thôi đấy, nhưng tùy thuộc vào ngày giao chú ghi xuống mà chọn một con dấu cho đúng để tránh người ngoài đánh dấu bậỵ
-- Cháu không hiểu.

Chú Minh cầm mấy con triện lên, đóng mộc xuống một tờ giấy trắng, rồi chỉ tôi:
-- Cháu thấy vị trí của các ngôi sao khác nhau không? Cháu để ý các chòm sao đứng bên phải tượng trưng cho tháng. Cũng mười hai ngôi sao, nhưng cái này một con đứng rời là tháng giêng, cái kia năm sao đứng chung là tháng năm, cái kia chín sao đứng chung là tháng chín... Chú cấp cho cháu tháng Giêng dương lịch, nên có một ngôi sao nằm riêng hẳn không dính liền với mười một ngôi sao kiạ Nếu chú ghi xuống ngày cấp giấy là tháng Hai, công an cầm tờ giấy này có thể còng cháu ngay tại chỗ vì biết là giấy tờ giả mạo.

Tôi giật mình sợ hãi vì tính cách tỉ mỉ dù rất mộc mạc thô sơ này, nhưng phải là những người trong ngành mới hiểu được, lơ xơ như tôi cứ lấy đại con triện nào rồi đóng dấu để dành xài bậy thì có ngày đi tù dễ dàng như chơị Tôi thắc mắc không biết Phòng Giáo Dục có làm theo hệ thống này không, nhưng giữ kín trong lòng không dám hé răng. Tôi nói:

-- Nhà nước và các chú chu đáo quá, bảo sao mà Mỹ không thua!

Chú Minh nói:
-- Đảng và nhà nước tính toán kỹ lắm, muốn chạy cũng không được. Trong đám người chạy ra khỏi nước năm 1975, cháu biết có bao nhiêu người của ta gài vào trong đó không?
-- Cháu sao biết được chuyện đó, ngay cả con số người đi ra nước ngoài cháu cũng không biết nữạ
-- Một trăm hai mươi mốt ngàn người, trong đó hơn hai mươi ngàn người là của tạ Những người này một số ít đã ra mặt trong vụ đấu tranh đưa người về Việt Nam, số đông còn lại phải nằm vùng, bám sát vào dân, tạo uy tín trong các cộng đồng để làm các nhiệm vụ đặc biệt sau nàỵ
-- Sao mà nhà nước tính kỹ thế\? Họ đã rời Việt Nam thì đâu liên quan gì tới mình nữạ
-- Phải như vậy mới được cháu ạ! Phải cô lập và bất hiệu hoá những hành động không có lợi cho đất nước mình! Cháu cứ hỏi chú Dũng, chú ta là đảng viên chính trị viên, chú ấy sẽ nói cặn kẽ cho mà nghe! Trong hàng ngũ địch hồi xưa, người của ta có người làm tướng, tá, cố vấn, trong cả bộ tham mưu của tụi nó nữa đó cháu ạ! Đảng và nhà nước dùng tiền, dùng gái, dùng liên hệ gia đình, dựa vào những điểm yếu của mỗi người để đưa người ta vào tròng.

Không biết sao hôm nay chú Minh nói nhiều chuyện cơ mật vậy, có phải chú định đưa tôi vào vòng hoạt động cho nhà nước không. Tôi đã tự hứa với bản thân là không bao giờ tham gia lực lượng mà cha anh tôi đã suốt một đời phản kháng, gia đình bố mẹ tôi đã bỏ Bắc vào Nam, lẽ gì tôi lại vì một khẩu súng mà làm chuyện tồi bại gì để cắn rứt lương tâm sau này, hay bị mang tiếng là hoạt động cho một tổ chức đã bắt thân nhân tôi đi cải tạo. Có thể nào tôi dùng gậy ông đập lưng ông được không trước một guồng máy chính trị tinh xảo như thế nàỵ Tôi phải làm sao đây? Đang suy nghĩ chưa kịp hỏi gì thêm thì chú Du~ng dda~ thay đồ và chuẩn bị xong ít thuốc men ghé đầu vào hỏi:

-- Mình đi được chưa, chú còn phải về cho kịp.
-- Dạ được, cháu dẫn chú đi!

Khi bước ra ngoài tôi ngạc nhiên thấy năm chú bộ đội khác cũng sẵn sàng, súng ống và mọi thứ cần thiết. Chú Minh cũng bước ra khỏi văn phòng. Chú Dũng trịnh trọng hô:

-- Thao tác nghiêm!

Năm chú bộ đội trước văn phòng đứng thẳng người trong tư thế nghiêm. Chú Dũng cầm khẩu súng AR-15 hồi trưa đưa lại cho chú Minh, nói đồng chí thủ trưởng giao súng cho lính mới.

Chú Minh cầm súng đứng trước mặt tôi lúc này trông không khác gì bộ đội, chỉ thiếu cái nón cối thôi.

-- Tân binh, nhận súng!

Tôi luýnh quýnh cầm khẩu súng giữa tiếng vỗ tay và cười vui vẻ của mọi ngườị Có lẽ họ sực nhớ tới ngày đầu được nhận súng mà tháng năm dạn dày chinh chiến đã làm họ lãng quên.

Tôi nhớ lại những lần anh cả tôi kể chuyện lúc anh ra trường sĩ quan Đà Lạt trước khi anh tử trận khi nhảy dù xuống cánh đồng Chum trong chiến dịch Hạ Làọ Lần nào cũng rưng rưng nước mắt hồi tưởng lại một thời mộng bay cao phụng sự tổ quốc. Bố tôi dạo ấy đã về hưu nói với anh vài tháng trước khi anh về phép thăm vợ con và bố mẹ tôi:

-- Mày chuẩn bị hồn xác trong sạch! Chúa có thể gọi về bất cứ lúc nào!

Mẹ tôi trách bố:
-- Cái ông này, chỉ nói qưở!

Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng trong bữa ăn cuối cùng, tôi thấy chị dâu và anh tôi buồn lắm, nhưng cũng cứ gượng vui với mọi người. Tôi vội vàng ăn mau rồi cõng cháu tôi đi ra đường chơi vì không khí ngột ngạt trong gia đình người nào hình như cũng muốn khóc.

Bây giờ tôi lại mặc trên người bộ quân phục của những người đã bắn chết anh tôi, tự dưng nước mắt tôi trào ra!

Chú Minh vỗ vai tôi nói:
-- Lúc chú lần đầu đeo súng, cũng muốn khóc như cháu!

Tôi yên lặng không trả lời, khoác lên vai giây đạn với ba băng đạn và đeo súng lên vaị Tôi chià tay bắt tay chú Minh nói:

-- Cám ơn chú! Cháu sẽ trở lại!

Chiến tranh là gì? Kẻ thù là ai? Tôi thấy bố tôi, anh tôi không hề sai lầm, tôi thấy chú Minh, các chú, các anh bộ đội khác, ngay cả chú Dũng cũng đáng mến. Con người với con người, nếu đối xử với nhau trong tình người, không phải để phục vụ một lý tưởng nào một cách mù quáng sẽ có thể ngồi lại được và giao thiệp với nhau một cách thân mật, chứ không để thù hận làm biết thái bản tính con người. Tôi sẽ phải làm gì đã xoá lấp hố sâu ngăn cách giữa người cộng sản và người quốc gia, người Thượng và người Kinh. Tôi phải làm gì để chứng minh cho người cộng sản biết rằng người quốc gia cũng là những người yêu nước chân chính, biết yêu quê hương, yêu tự do, yêu độc lập không kém gì họ, chỉ có một điều khác là người miền Nam không hề tôn sùng một chủ nghĩa nào, một lãnh tụ nào một cách mù quáng để vấp ngã nghiêm trọng trong cuộc đời.






Chương 41

Tình Ca Giáo Viên Miền Núi

Năm chu’ bộ đội cùng vơ’i chu’ Dũng và tôi từ giã mọi người rồi lên đường. Vì đường mòn đê’n làng Tung Breng nhỏ hẹp, chu’ng tôi hàng một đi theo nhau, tôi dẫn đầu, chu’ Dũng đi theo sau, rồi tơ’i ca’c chu’ bộ đội kha’c. Chu’ng tôi lầm lũi đi trong mưa, thỉnh thoảng mơ’i no’i qua no’i lại vài câu, vì chu’ng tôi vội vã đi mau để tránh bị ươ’t.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới làng Tung Breng. Tôi ngạc nhiên thấy nhiều người đi lại hoạt động chứ không im lìm như sáng naỵ Khi đến gần tôi mới biết đó không phải là dân làng Tung Breng mà là dân làng Ea Blang qua phụ giúp nấu nướng để cúng Giàng.

Chú Dũng cùng tôi vào từng nhà bắt mạch và coi bệnh của từng người\. Đúng như dự đoán, mọi người đều bị trúng thực chứ không phải bị dịch tả\. Thật là may!

Ông trưởng làng xin lỗi là không tổ chức tiệc lớn được vì mọi người đều bị bệnh, nói rằng:

-- Đồng bào bị bệnh nhiều quá không tiếp đãi bộ đội và thầy giáo chu đáo, ngày trăng tròn tháng tới mời bộ đội và thầy giáo tới đây uống rượu và ăn chơi với dân làng\. Hôm nay chúng tôi với sự giúp đỡ của làng anh em Ea Blang chỉ cúng Giàng và ăn uống chút xíu thôi\.

Chú Dũng quay sang nói với tôi:

-- Nói dân làng không được ăn uống gì trong hai ngày, chỉ uống nước đun sôi thôi\. Khi bụng không còn gì, thì bịnh tự khắc sẽ ngưng, không cần thuốc men gì\.

Khi tôi dịch cho ông trưởng làng, ông nhăn nhó nói:

-- Cúng Giàng thì mình cũng phải ăn uống với Giàng mới được chứ! Không có là khinh khi Giàng sao\?

Tôi biết phép vua thua lệ làng, khoa học chưa bài trừ hết lòng mê tín nơi những người con của núi rừng nên nói:

-- Ăn uống ít ít thôi cho phải lễ rồi còn dưỡng bịnh, nếu không sẽ bệnh lâu hơn.

-- Được, được. Tôi sẽ nói dân làng ăn uống ít ít thôi\.

Tôi cũng thừa biết khi đang bệnh, người bệnh cũng chẳng muốn ăn uống gì, nhưng sự thật cần phải nói thế thôi\. Ông trưởng làng gọi mấy nhà gần ông đưa sang 2 ghè rượu và lấy thêm một ghè rượu của nhà ông nói tôi đưa cho bộ đội đưa về căn cứ\. Tôi nói với ông trưởng làng:

-- Họ đã có ba ghè rượu của làng Ea Blang rồi, không cần nữa đâu\. Mấy ghè rượu này để cúng Giàng đi\.

-- Không được rượu làng Ea Blang là rượu làng Ea Blang, còn rượu làng Tung Breng là rượu làng Tung Breng. Không lẽ làng Tung Breng lại thua làng Ea Blang sao\?

-- Nói vậy thì tôi thua\. Để tôi nói lại với bộ đội\.

Tôi dịch cho chú Dũng, chú cười hể hả, bắt tay ông trưởng làng.

-- Đồng bào tốt quá, cám ơn! Đồng bào và bộ đội có quan hệ tốt.

Chúng tôi ở lại nhà ông trưởng làng một lúc rồi đi sang các nhà khác. Khi xong hết vòng, thì cũng là lúc mọi người đến tề tựu đông đủ nơi nhà ma để cúng Giàng cầu cho mọi người tai qua nạn khỏi và tiễn đưa người xấu số về thế giới thần linh\.

Người chết được bỏ vào phần mộ gia tộc. Thông thường đó là một cây cổ thụ bị chặt đẽo thành một cái hòm thật lớn, chôn nửa chừng, phầnửa còn trồi lên trên được đậy nắp kín, nằm dưới mái nhà con con không có tường vách để tránh mưa tránh nắng mà thôi\. Những người trong gia tộc thường được chôn chung trong một hòm. Cũng may là sự chết :Dc không xảy ra thường xuyên trong một gia tộc, chứ như thời chiến tranh, không biết họ sẽ phải làm gì\.

Dân làng Ea Blang cũng cùng có mặt cúng Giàng với dân làng Tung Breng. Hình như họ đã chuẩn bị trước nên làng Ea Blang đã nấu rất nhiều cơm nếp trong ống nứa và thịt trâu cũng được nấu với rau cỏ. Mọi người uống rượu và ăn uống qua loa, ông trưởng làng Ea Blang mời bộ đội và mọi người ba ngày nữa tới uống rượu tại làng ông, nhấn mạnh là làng ông có những hai cái đầu trâu do bộ đội cho\.

Mọi người cười vui vẻ, không có vẻ ghen ghét gì, vì làng Tung Breng chỉ có một cái đầu trâu để cúng Giàng. Ba ngày nữa thì đã hết hạn cấm ăn rồi, nên thời gian tiệc tùng bên làng Ea Blang thật đúng lúc, mọi người sẽ được ăn uống thả giàn. Tôi cáo lỗi với làng Ea Blang là tôi không thể tham dự được vì tôi phải về dạy khóa huấn luyện giáo viên. Ông trưởng làng Ea Blang có vẻ buồn, tôi nói:

-- Tháng tới tôi trở lại vui với làng Tung Breng, tôi sẽ sang làng Ea Blang vui với dân làng một hai hôm mà\. Không chừng chúng ta lại bắn thêm một con trâu, hay một con nai, hay một con heo rừng thì tha hồ ăn uống chung vui với mọi người\.

-- Tốt tốt, thầy giáo phải giữ lời đó!

Tôi đưa chú Dũng và năm chú bộ đội về căn cứ\. Họ cười nói vui vẻ ra phết\. Đưa họ ra tới bià làng, thì chú Dũng quay lại bảo tôi:

-- Thôi cậu trở lại chơi với dân làng đi, bọn này chưa say mà, ba ghè rượu này, mai căn cứ tha hồ say, cậu ghé lại chơi trước khi về huyện đó!

-- Được chú, mai cháu ghé lại!

Tôi trở lại chơi với dân hai làng một lát nữa, rồi kiếu nói rằng tôi hơi mệt và mai tôi phải trở về huyện sớm, dân làng Ea Blang mỗi người đưa cho tôi vài ống cơm nếp nói:

-- Để thầy giáo đi đường ăn.

-- Để dân làng ăn cho vui đi\.

-- Còn nhiều mà, thầy giáo không nhận, chúng tôi buồn đó\.

Tôi đành nhận hết tính ra cũng khoảng ba mươi ống, một mình tôi ăn cũng cả tuần cũng chưa hết.

-- Cám ơn đồng bào nhé. Cơm đồng bào cho tôi ăn đủ hai tuần huấn luyện giáo viên đó!

Mọi người cười sung sướng. Tôi mừng là đủ lương thực cung cấp cho năm người bạn mới còn đang ẩn núp trong rừng lồ ô kia\. Nhưng hôm nay tôi không thể tới được, phải chờ sáng mai kia, chứ không thì lộ hết. Không lẽ tôi kiếu mệt rồi lại đi liền, khi về lại không còn cơm ống. Ngày mai trước khi sang căn cứ bộ đội để về huyện tôi đem cho các bạn ấy thì cũng chẳng muộn và lại an toàn. Hơn nữa cả ngày đi, chạy ngược xuôi, cũng làm tôi uể oải rồi\.

Tôi đưa cơm ống về nhà, thầy Dũng mệt cáo bệnh không ra nhà mả được đã ngủ tự lúc nào rồi\. Tôi để cho thầy ít ống cơm ống còn bao nhiêu tôi lấy áo mưa cuốn gọn vào rồi để cạnh ba lô\.

Xong đâu đấy, tôi lấy khăn tắm và quần áo xuống suối tắm trước khi về ngủ để sáng mai còn phải đi sớm cho kịp giờ ghé lại rừng lồ ô, sang căn cứ bộ đội và về huyện. Đêm nay chắc tôi sẽ ngủ như chết cho mà xem.

(Còn tiếp)

Nguyên Đỗ
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 07:23 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.