Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Tiểu Thuyết - Truyện Dài
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 09-11-2012, 09:01 AM
Củ Cải Củ Cải is offline
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2007
Bài gởi: 86
Default Lòng dạ đàn bà - Hồ Biểu Chánh

Lòng dạ đàn bà
Hồ Biểu Chánh





Chương 1

Lòng dạ đàn bà



Mặt trời chen lặn, ngọn gió lao rao. Dọc theo đường Cái-Tắc đi Long-Mỹ, lúa gần chín, nên trông ra ruộng có đám ửng vàng, có đám còn xanh lét.

Ngang mấy xóm, người ta thừa hứng cái cảnh trời chiều mát-mẻ, nên lăng-xăng ngoài đường, người thì chấp tay sau đít, bước chẫm-rãi, mắt ngó mông vô đồng; kẻ thì ngồi dựa bên lề, mặt tươi cười, miệng nhai nhóc-nhách; khúc thì dụm năm dụm ba hỏi nhau lúa trúng ước mấy giạ một công; chỗ thì con gái con trai trửng-giỡn chạy tứ tung, nói cười inh-ỏi.

Cái cảnh vui-vẻ dường ấy, con người thảnh thơi dường ấy, mà sao trước nhà của ông Hội-Ðồng Lê-Tấn-Thành, cũng ở dựa bên khúc lộ nầy, lại vắng-hoe, trong nhà lặng-lẽ, ngoài ngõ im-lìm. Hàng rào dưới xây gạch, trên song sắt, chạy dọc theo đường bị cỏ mọc che khuất nhiều khúc, coi chẳng khác rào hư. Cái cửa ngõ sắt, một cánh mở hé, còn một cánh thì khép hoài, nên chốt bị sét đóng, xô mở không nổi.

Trong sân thì kiểng vật ê-hề, nhưng mà mấy hàng cây tây trồng dài theo đường đi, không săn sóc, không tỉa nhánh sửa lá, nên bụi rặm-rịt tàn lan, bụi ngã xiên ngã xó. Mấy chậu kiểng không tưới nước, không bắt sâu, nên chậu nứt đất bày rễ, chậu rụng lá khô gốc.

Cái nhà rộng lớn đò-sộ, giá cất đến bạc muôn, mà cửa đóng bì-bịt, thềm đầy lá khô, trông ra thì đã biết đã lâu rồi chủ nhà không tiếp khách.

Thình-lình có một cái xe hơi thùng kiếng còn mới tinh, ở Long-Mỹ chạy ra đậu ngay cửa ngõ ông Hội-Ðồng Thành. Anh sớp-phơ mặc đồ tây vàng, đội kết vàng, đi giày trắng, nhảy xuống mở cửa xe rồi đứng nép một bên, bộ cung kỉnh người đi xe lắm. Trên xe thủng-thẳng bước xuống một cô, mặc áo quần lụa màu trứng gà, đầu choàng khăn sạt cũng màu trứng gà, vai mang cái choàng tơ màu xám thiếc. Cô trạc chừng 30 tuổi, gương mặt tròn-trịa, nước da trắng trong, má bầu mà lại ửng hồng, mài vòng nguyệt mà lại nhỏ rức, răng trắng mà khít rịt, môi mỏng mà đỏ au, miệng vui vẻ tươi cười, mắt long-lanh chói sáng. Bước xuống xe rồi, cô thủng-thẳng lột cái choàng mà liệng vào xe, mùi dầu thơm bay ngọt-ngào. Con tỳ-nữ còn trong xe, chụp lấy cái choàng ngồi mà xếp. Cô đứng ngó vô cửa mà nói rằng: “Phải cái nhà nầy rồi, mà thế chủ nhà đi khỏi hay sao nên cửa đóng bì-bịt vậy kìa? Trong a! Xách cái bồp đi vô đây với cô”. Con tỳ-nữ ôm một cáp bốp da lớn leo xuống xe mà đi theo.

Cô mỹ-nữ nầy bước vô sân, thấy kiểng-vật tiều-tụy, đường-sá bịt bùng, cảnh xem vắng-hoe lòng bắt ái-ngại. Cô thủng-thẳng đi dọc theo chái nhà mà vòng vô phía sau. Có hai con chó vàng nằm lim-dim tại cửa sau, thấy dạng khách lạ thì tuôn ra mà sủa. Một ông già ở trần, lưng đen trạy, ăn trầu, miệng bô-bô, bước ra la chó. Cô mỹ-nữ hỏi có ông bà Hội-Ðồng ở nhà hay không, thì ông già đáp rằng: “Thưa, có một mình bà tôi ở nhà. Ông tôi ở trên Sài-gòn”.

Cô mỹ-nữ theo ông già mà vô nhà sau, rồi bắt đó đi thẳng ra nhà lớn. Cô vừa bước chơn lên thềm thì la lớn rằng: “Bà Hội-Ðồng ở đâu? Có khách xa tới xin cơm đây nè”. Cô vừa bước vô và nói và cười ngất,

Bà Hội-Ðồng đương nằm tại bộ ván dựa cửa, bà giựt mình lồm-cồm ngồi dậy. Cô gái lớn của bà là cô Kim-Lang, 14 tuổi, ngồi thêu một bên đó, cũng buông cây kim, ngước mặt lên ngó. Bà Hội-Ðồng vùng la: “Ủa, cô tư! Vậy mà tôi tưởng là ai đâu chớ! Cô đi đâu xuống tới dưới nầy? Mạnh giỏi há?”.

Cô mỹ-nữ ấy cười mà đáp rằng: “Ờ, tôi xuống thăm chị, chớ đi đâu. Tôi mạnh giỏi luôn-luôn. Còn chị làm giống gì mà ốm dữ vậy? Chị đau hay sao? Anh Hội-Ðồng đi đâu mà đóng cửa bì-bịt vậy?” Bà Hội-Ðồng nghe hỏi tới chồng, thì đổi sắc, bộ buồn-bực lắm và thở ra mà nói: “Từ hồi làm Hội-Ðồng tới giờ, cứ đeo ở trên Sài-gòn hoài, có ở nhà đâu”.

Bà Hội-Ðồng tên là Kim-Diệp, năm nay được 35 tuổi. Hồi còn xuân-xanh, bà là một gái vừa có sắc, vừa có hạnh, mà lại cha mẹ có tiền nhiều, bởi vậy những con nhà giàu, những người có học-thức, ai cũng trầm-trồ gấm-ghé. Lúc nhỏ cô Kim-Diệp học tại Nhà Trắng Sài-gòn, tới 19 tuổi mới thôi học mà lấy chồng. Cô ở với ông Hội-Ðồng Lê-Tấn-Thành có ba đứa con, một đứa con gáî tên Kim-Lang, 14 tuổi, đứa con trai tên Tấn-Ðức, 10 tuổi và một đứa con gái út tên Kim-Cúc, mới 4 tuổi.

Còn cô mỹ-nữ tới thăm đây tên là Thanh-Thủy, vồn là chị em bạn học với bà Hội-Ðồng. Hồi 18 tuổi, cô lấy chồng là một quan lương-y bổn-quốc có danh ở Sài-gòn, đến 25 tuổi, rủi chồng mất, cô không có con, mà có của, cô mới mua một cái nhà thiệt đẹp ở đường Mayer, trước có sân rộng, hai bên có trồng cây mát-mẻ, mà ở với một đứa cháu gái, tên là Thanh-Bạch, 15 tuổi, rồi mua hột xoàn đi lục tỉnh bán chơi, không thèm lấy chồng khác. Tuy hai cô Kim-Diệp và Thanh-Thủy lớn lên có chồng mỗi người ở một nơi, nhưng mà tình chị em vẫn còn thân thiết , nghĩa đồng-song vẫn còn mặn-mòi như xưa. Từ ngày cô Thanh-Thủy đi mua bán hột xoàn thì cô thường hay ghé thăm cô Kim-Diệp, duy có năm rồi, miệt Rạch-giá, Cần-thơ, Sóc-trăng, Bạc-liêu, thiên hạ bị khuẩn-bách[1] nặng-nề, ít mua hột xoàn, cô không xuống mấy tỉnh nầy, nên cô không có ghé.

Cô Kim-Diệp thấy có khách mới sai con kêu trẻ ở nhà mà biểu đi đốt đèn, trải chiếu lăng-xăng.

Cô Thanh-Thủy ngồi nói om-sòm, hỏi lia-lịa một hồi, rồi nói rằng:

- Mới năm ngoái với năm nay tôi không xuống miệt nầy, nên không gặp chị. Bây giờ tôi coi sao vóc chị ốm nhiều, mà sắc chị lại buồn lắm vậy chị?

- Vì tôi buồn việc nhà nên tôi hư lung lắm.

- Ối, việc nhà hơi đâu mà buồn. Cuộc kinh-tế khủng-hoảng nầy lâm-nguy cho thiên-hạ hết thảy, chớ phải có một mình chị bị hay sao mà chị buồn. Ðừng có buồn giống gì hết. Lên Sài-gòn chơi, lên ở nhà tôi uống thuốc. Tôi coi chị ốm lắm đa, phải uống thuốc mới được.

Cô Kim-Diệp nghe mấy lời thì cô ứa nước mắt rồi chậm-rãi đáp rằng:

- Cái phần của cô sung-sướng, cô tưởng ai cũng như cô vậy hết, nên việc gì cô tính nghe cũng dễ như chơi được. Phải tôi mà được như cô thì nói gì!

- Trời ơi! Bây giờ chị nầy chỉ phân-bì với tôi chớ! Phận tôi góa bụa không con, ở tròi-trọi[2] một mình. Còn chị thì có chồng, làm tới chức đại-biểu của dân, danh-giá lừng-lẫy, có con gái con trai đủ hết, lại có nhà cửa lớn, ruộng đất nhiều nữa, mà chị trở lại phần-bì với tôi chớ. Tôi biết rồi, chắc anh Hội-Ðồng chơi bời mắc nợ mắc nần, làm cho chị cực lòng chớ gì, phải vậy hay không, chị Hai?

- Chuyện nhà của tôi, nói không hết được. Ủa, mà trời đã tối rồi tôi quên biểu bầy trẻ lo cơm nước cho cô ăn chớ. Kim-Lang a, con xuống biểu bầy trẻ bắt vịt làm thịt đặng dọn cơm riết cho dì con ăn, nghe con.

- Trời ơi, tôi đói bụng, mà đợi làm vịt, rồi chừng nào mới có cơm ăn.

- Không sao đâu, làm một chút thì rồi. Lâu gặp cô, nên gặp tôi mừng quá. Tôi bắt cô ở lại đây, tôi không cho đi.

- Bắt ở lại chi vậy?

- Chị em lâu gặp nên nói chuyện chơi.

- À ạ! Tôi tưởng chị bắt ở đặng làm bé ảnh nữa chớ. Tôi nói trước cho chị biệt, cái đó không được a. Ảnh thiệt kỳ quá, từ ngày nhà tôi mất, hễ ảnh gặp tôi là ảnh theo chọc ghẹo tôi hoài.

- Cái tánh vậy đó đa, thấy ai cũng muốn hết. Chớ chi mà được cô, là chị em, thì tốt lắm, ngặt …

- É! Chị khéo nói thì thôi! Ai mà chịu vậy nà!

Cô Thanh-Thủy và nói và[3] cười ngất.

Ăn cơm tối rồi, cô Kim-Diệp cầm cô Thanh-Thủy ở lại ngủ. Từ ngày ở Nhà Trắng hai chị em phân rẽ nhau tới nay chẳng có dịp nào mà được gần-gũi nhau cho nhiều ngày giờ. Hôm nay nhà vắng-vẻ, đêm im-lìm, ngoài sân gió bấc thổi lao-rao, trong vườn bóng trăng soi vặc-vặc[4]. Hai chị em nằm chung một ván, to nhỏ tâm sự với nhau. Nhờ cái dịp ấy, cô Thanh-Thủy mới hiểu cô Kim-Diệp buồn-rầu đến nỗi ốm là tại ông Lê-Tấn-Thành từ ngày đắc cử làm nghị-viên Hội-Ðồng Quản-Hạt, ông giao-thiệp rộng, lên xuống Sài-gòn thường, rồi ông sa-đắm một cô mỹ-nữ, tên là Ba Huyền, 22 tuổi, nhan-sắc thiệt là xinh đẹp, mà tánh-nết thiệt là lả-lơi, mua một cái nhà tại Phú-Nhuận mà ở với cô, sắm xe hơi cho cô đi chơi, mua hột xoàn cho cô trang-điểm, ngày như đêm say-sưa mê-mẩn cùng duyên mới, không kể gì đến vợ hiền-đức, con thơ-ngây ở nhà.

Cô Kim-Diệp thuật hết mọi việc rồi cô khóc tấm-tức tấm-tưởi mà nói thêm rằng: „Tôi không dè cái đời của tôi mà phải trêu cay nuốt đắng như thế nầy. Con gái lớn đương học tại trường đầm, hôm tháng trước tôi phải rút về đặng mẹ con hủ-hỉ giải buồn. Thằng con trai đã 10 tuổi rồi, mà không có ai lo kiếm trường cho nó học. Còn ruộng đất thì lúa đã khởi sự chín, mà không ai sắp-đặt thâu góp, day trở trong ngoài chỉ có một mình tôi. Tôi nói thiệt, nếu tôi không có mấy đứa nhỏ thì tôi đã chết rồi, chết cho kluất mắt, chết cho hết cực lòng, nhọc trí lo ngày đêm nữa .

Cô Thanh-Thủy nghe những lời thảm-thiết, thấy cái sắc ưu-sầu của chị em bạn, thì cô động lòng, nên cô cũng ứa nước mắt. Cô nằm gác tay qua trán mà thở ra, rồi vùng ngồi dậy nói rằng: „Ðời nầy có chồng thì phải giữ-gìn. Tại chị hơ-hỏng quá, nên mới ra cớ đỗi như vậy. Mà thôi, chị đừng có buồn rầu nữa. Người phải, không lẽ trời hại đâu. Chị phải gượng làm vui, mà nuôi con. Tôi về ít bữa thì chị sẽ được tin tôi. Tưởng là ai lạ, chớ con Ba Huyền tôi biết nhiều“.

Sáng bữa sau, cô Thanh-Thủy từ cô Kim-Diệp mà về, cô ôm mấy đứa con của cô Kim-Diệp mà hun từ đứa và nói rằng: “Con như vầy mà bỏ đành, cái anh nầy thiệt là tệ!” Trước khi lên xe cô lại nắm tay cô Kim-Diệp mà nói rằng: “Xin chị hãy nghe lời tôi, chị đừng buồn nữa. Ở nhà cứ lo góp lúa và dạy con, nếu chị buồn mà chị đau thì tôi giận chị lắm đa”.


[1] quẫn bách, khốn đốn, ngặt nghèo đến hết đường giải quyết

[2] trơ trọi, đơn độc

[3] vừa nói vừa

[4] vằn vặc

thay đổi nội dung bởi: Củ Cải, 09-11-2012 lúc 05:19 PM.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 09-11-2012, 09:04 AM
Củ Cải Củ Cải is offline
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2007
Bài gởi: 86
Default

Chương 2

Bỏ Chồng



Ở Phú-nhuận, gần ngã tư qua Bà-Chiểu có một cái nhà kiểu “banh ít”, nhà tuy nhỏ song kiểu đẹp-đẽ vô cùng. Trước nhà có một cái sân rộng lớn. Chính giữa sân có một cái bồn bông tròn trồng cây đủ màu, nhờ tưới nước săn-sóc mỗi ngày nên cây sum-sê, lá tươi-tốt. Từ ngoài cửa ngõ có làm một cái đường chạy vô tới gần bồn bông rồi tẻ ra làm hai ngã, đi vòng theo hai chái nhà, ngã tay mặt thì vô nhà để xe hơi, còn ngã tay trái thì vô nhà bếp. Dọc theo lề mấy đường ấy, thì lên liếp rồi trồng, khúc bông huệ trắng, khúc bông ngải tây, bởi vậy ban ngày sân chói đủ màu, ban đêm mùi thơm bát-ngát. Dựa hàng rào, hai bên thì trồng mãng-cầu xiêm xen lộn với mít tố nữ, cây trồng dày, lá rậm-rộp, nên dầu trưa nắng, cũng có khi mát-mẻ như sớm mơi.

Trong nhà thì ghế, giường, ván, đều sắm theo kiểu kim-thời. Chính giữa dọn sa-long ghế thấp thấp, mặt đều lót nệm ruột gà, có gối dựa lưng, có gối gác cẳng. Trong bốn góc phòng có để bốn chậu kiểng, lá sum-sê cho mát-mẻ. Tại bàn giữa thường có để một bình bông, bông thay hằng ngày, nên coi tươi rói. Cái phòng bên tay mặt thì dọn bàn ăn, có tranh tứ thời, có tủ đựng rượu. Cái phòng bên tay trái thì lót một cái đi-hoăn thiệt đẹp, có nệm, có gối, để nghỉ trưa, lại có ghế dựa, ghế dài, để nằm đọc sách. Phía trong một bên thì dọn phòng ngủ, một bên thì phòng văn; phòng ngủ để giường đồng, tủ áo hẳn-hòi, phòng văn để bu-rô, kệ sách rất đẹp.

Cái nhà nầy là nhà của ông Lê-Tấn-Thành mua mà ở với cô Ba Huyền.

Tối thứ bảy, ăn cơm rồi, ông Lê-Tấn-Thành ngồi trên cái đi-hoăn kề vai vào một cái gối dựa gòn rất êm, vừa hút thuốc, vừa đọc nhựt-trình, cô Ba Huyền, ở trong buồng đi ra, mặt giồi phấn, môi thoa son, hai gò má ửng hồng, cặp chơn mày nhỏ rứt, tóc uốn vặn khu ốc, cổ đeo chuỗi lòng-thòng, mình mặc một bộ đồ màu khói nhang, chơn mang một đôi giày thêu cao gót, tai đeo một đôi bông xoàn thiệt lớn, tay xách một cái bốp da bọc nhung, miệng chúm-chím cười có duyên, dầu thơm bay mùi bát-ngát. Cô lại ngồi trong lòng ông Hội-đồng, lấy tay vỗ mặt ông nhẹ nhẹ, đưa năm ngón tay vừa dài, vừa trắng trong. Cô mơn-trớn rồi miệng hun ông và nói nhỏ nhỏ rằng: “Sao bữa nay coi bộ mình không vui vậy mình?”

Ông Hội-đồng buông tờ nhựt-trình rồi ngó cô mà cười và đáp rằng:

- Có gì đâu mà không vui.

- Tôi chắc mình giấu tôi. Tôi biết rồi, hồi nãy tôi rủ mình đi coi hát bóng, mình không chịu đi, tôi nói tôi đi một mình, nên mình phiền tôi chớ gì?

- Trọn một tuần nay đi luôn luôn; để tôi nhớ coi, ừ, thứ hai đi ăn cơm trên Biên-hòa, thứ ba đi coi hát cải-lương, thứ tư đi vô nhà xét, thứ năm đi coi hát bóng, thứ sáu đi Xuân-Trường nữa, đi hoài, đêm nào cũng một hai giờ khuya mới về, nên tôi mệt quá, bữa nay tôi nghỉ ở nhà đọc nhựt-trình. Mình không mệt thì mình đi chơi, chớ phiền giống gì.

- Tôi đi chơi một mình không ghen hay sao?

- Không.

- Vậy thì tôi hết muốn đi.

- Sao vậy?

- Tôi vẫn biết tánh mình ghen lắm, bữa nào tôi đi một mình, chừng về mình cũng theo hỏi đon hỏi ren sớp-phơ hoài, nhứt là tôi đi Chợ-lớn, mình ghét lắm. Bữa nay sao mình lại xúi tôi đi chơi một mình. Tôi biết rồi, chắc mình muốn cho tôi đi, đặng mình ở nhá lén viết thơ cho vợ hay cho con chớ gì. Tôi không thèm đi.

- Không có đâu, ai viết thơ làm chi. Mệt nên ở nhà nghỉ chớ. Mình muốn đi coi hát bóng thì đi hay là muốn ở nhà tự ý.

- Mình nói mình không có ý muốn viết thơ cho vợ con, thôi mình thề đi. Thề tôi mới tin.

- Thề sao?

- Thề sao đó mình thề, tôi có biết đâu.

- Tôi có bụng muốn ở nhà đặng viết thơ cho vợ thì lịnh ông Quan Ðế bẻ cổ tôi đi, mình tin chưa.

Cô Ba Huyền cười đưa hai hàm răng trắng trong và nhỏ rít, rồi ôm đầu ông Hội-đồng mà hun trơ hun trất.

Cô đứng dậy xách bốp và nói rằng: „Gần tám giờ rưỡi rồi, thôi đi đa”.

Ông Hội-đồng giặc đầu và nói: „Ði đi, vãn hát rồi về liền, nghe hôn?“.

Cô vừa bước chơn đi, mà cô nghe lời dặn như vậy thì cô đưa tay chỉ ông Hồi-đồng mà nói: „Ðó, ló mòi ghen rồi đó!” Ông Hội-đồng cười. Cô trở lại nắm tay ông và nói:

- Ờ, quên nữa, mai đi coi đua ngựa, nghe hôn mình. Người ta nói mai đua độ hội có con la Gazelle chắc về nhứt lắm. Mai mình lên coi, tôi xề kiếm vài trăm dễ như chơi.

- Ối thứ cá ngựa tôi ghét quá!

- Tại sao mà ghét. Chúa-nhựt nào họ cũng đi cá rần-rần, dưới tỉnh người ta còn lên, huống chi mình ở một bên mà không đi.

- Bày gian lận bậy bạ.

- Gian lận chỗ nào? Mình thua là tại con mắt mình coi dở chớ. Mình nói nghe hơi nhà quê quá.

- Thà tôi chịu tiếng quê, chớ tôi không ưa đánh bạc.

- Thôi mai mình cho tôi hai ba trăm tôi cá chơi nghé.

Cô Ba Huyền ra đi. Ông Hội-đồng đi theo ra cửa, đứng coi cô lên xe hơi mà đi, rồi ông thủng-thẳng đi vòng theo bồn bông mà hứng mát. Ông đương đứng ngó trời nhìn hoa, bỗng thấy một cái xe hơi ngừng ngay cửa. Ông men-men đi ra coi xe nào. Một người sớp-phơ leo xuống đi vô cửa, dở kết chào ông và nói rằng:

- Bẩm ông, phải nhà ông Hội-đồng Quản-Hạt đây hôn?

Ông gặc đầu. Người sớp-phơ hỏi tiếp:

- Không biết có ông ở nhà hay không?

- Tôi đây. Em hỏi chi vậy?

- Cô tôi biểu hỏi.

- Cô của em là ai?

- Bẩm, cô Tư thầy thuốc ở đường Mayer.

Người sớp-phơ lật-đật trở ra xe. Ông Hội-đồng ngó theo, nhờ có bóng đèn giọi, nên thấy trên xe thùng kiếng kiểu Aérodynamique có hai người ngồi, tên sớp-phơ nói nhỏ ít tiếng rồi mở cửa xe cho một người mỹ-nữ bước xuống. Tuy đứng xa xa, đèn lu-lu, nhưng mà ông Hội- đồng thấy cô mỹ-nữ ấy nước da trắng, gương mặt tròn, lại mặc một bộ đồ màu trứng sáo choàng khăn cũng màu ấy, rồi da mặt giọi khăn, khăn giọi da mặt, nên coi thiệt là đẹp. Cô mỹ-nữ tay xách bốp, chơn thủng thẳng bước dịu dàng mà vô sân, chưng lại gần tới ông Hội-đồng, cô mới nói lớn rằng: “Anh Hai! Anh ở đây mà em có dè đâu? Chị Hai mạnh giỏi há? Năm nay anh được mấy đứa cháu?”

Tiếng nói lạ hoắc, làm cho ông Hội-đồng không biết là ai, mà lời hỏi lại chồng-chập, ông không biết đâu mà đáp. Chừng ông coi kỹ-lưỡng lại, thấy rõ mặt mày, ông mới la lớn rằng: “Ủa, cô Tư! Cô đì đâu đây?”.

Cồ Tư Thanh-Thủy cười ngất rồi đáp rằng:

- Cái anh nầy thiệt là vô tình quá! Ði kiếm mà thăm ảnh, ảnh không mang ơn, lại hỏi đi đâu, ai muốn vay tiền vay bạc gì hay sao mà anh sợ, nên anh hỏi kỳ-cục vậy?

- Xin lỗi cô, vì cô trốn lánh tôi, không cho tôi gặp mặt lâu quá, nay tình-cờ tôi được gặp, tôi mừng quýnh nên hỏi bất-tử vậy mà, chớ có phải là vô-tình đâu. Tôi có tình lắm chớ, đối với cô cũng vậy hoài, có bao giờ tôi quên.

- Anh quỉ nầy, hễ gặp thì cứ nói pha-lửng hoài. Tại vậy đó, nên mấy năm nay tôi không thèm cho thấy mặt, đáng lắm.

- Nói chơi vậy mà, có hại gì đâu.

- Sao lại không hại. Người ngoài họ nghe họ đàm tiếu chớ.

- Anh em mà đàm-tiếu giống gì?

- Anh em rồi chọc nhau vậy sao? Anh nói chơi mà rủi chị Hai chỉ ghen, phải là tôi

- Mang xấu hay không?

- Chị Hai ở đâu đây mà hay.

- Uả, mà tôi tới tôi thăm anh rồi anh bắt tôi đứng hoài ngoài sân hay sao? Anh nầy vô tình thiệt không ai có! Anh sợ tốn nước, nên không dám mời vô nhà. Anh không mời tôi cũng vô đặng tôi thăm chị Hai. Ðể tôi mét với chị Hai, tôi nói anh chọc tôi đặng anh bị rầy chơi.

Cô Tư Thanh-thủy nói chưa dứt lời thì cô ngoe-ngoảy đi thẳng vô nhà. Ông Hội-đồng đi theo sau mà nói rằng: “Có ở nhà tôi trên đây đâu, nhưng mà tôi cũng mời cô vô nhà chơi chớ. Tại cô cứ nói hoài nên tôi chưa kịp mời”.

Cô Tư đứng lại ngó ông Hội-đồng mà hỏi rằng: „Không có chị Hai ở nhà sao? Anh nói thiệt hay là nói chơi? Vậy chớ ai nhắn biểu tôi đem hột xoàn vô đặng mua, lại xưng là Bà Hội-đồng Thành”.

Lúc ấy cô Tư đứng ngay yếng sáng[1] ngọn đèn trong nhà chói ra. Ông Hội-đồng thấy cô tỏ-rõ, mặt thiệt là xinh đẹp, mắt thật là hữu tình, miệng thiệt là hữu duyên, dóc thiệt là yểu-điệu. Ngọn lửa tình ông nhen-nhúm từ ngày trước mà không được, bây gìờ nó lại muốn phừng lên, làm cho ông quên trả lời mấy câu hỏi và ông bước lại gần mà nói nhỏ rằng: “Cô Tư … Mời cô vô nhà….Cô vô rồi tôi sẽ nói chuyện cho cô nghe”.

Cô Tư liếc mà mỉm cười rồi đi vô, mùi dầu thơm bay bát-ngát, làm cho ông Hội-đồng đi gần, ông càng thêm ngơ-ngẩn. Vô tới phòng khách, cô không đợi mời, cô để cái bốp trên cái bàn nhỏ, rồi lựa cái ghế khuất trong góc, dựa bên chậu cau vàng sum-sê mà ngồi. Ông Hội- đồng thấy vậy cũng ngồi cái ghế gần đó.

Cô Tư cười mà hỏi rằng:

- Ủa! Sao tôi hỏi, mà anh không trả lời? Anh nói chị Hai không có ở trên nầy, vậy chớ ai mạo xưng “Bà Hội-đồng Thành” mà kêu tôi đây? Thế khi anh giả-mạo đặng gài bẩy cho tôi mắc chớ gì?

- Không có đâu. Thế khi cô Ba, cổ muốn mua xoàn nên cổ nhắn cô chớ gì.

- Cô Ba nào?

- Cô Ba Huyền.

- Ủa! Con Ba Huyền sao dám xưng là Bà Hội-đồng Thành?

- Nó làm bé tôi gần một năm nay.

- Chà chà! Anh có vợ bé vợ mọn đồ nữa há! Vậy mà tôi có hay đâu! Xin anh cho trẻ mời bà Hội-đồng nhỏ ra đây đặng coi hột xoàn.

- Nó đi coi hát rồi, không có ở nhà.

- Sao nhắn tôi vô rồi lại bỏ đi coi hát?

- Xin cô đừng phiền. Chắc cô Ba cổ quên. Mà cái quên của cổ là cái may của tôi, vì nhờ cổ quên, tôi mới được gặp cô, tôi gặp một mình và có lẽ còn gặp nữa.

- Chọc nữa chớ! Có vợ lớn, vợ bé đủ hết mà còn theo chọc hoài, ngộ quá. Bộ anh muốn kiếm thêm vợ bé nữa sao?

- Tôi có vợ bé là tại cô đa.

- Tại tôi là sao?

- Tôi thương cô quá, mà cô cứ nạng tôi ra hoài, tôi buồn nên mới sanh la sự đó đa.

- Làm bậy rồi đổ tội cho tôi chớ! Anh đã có vợ có con, mà còn thương tôi nỗi gì? Anh đừng có nói vậy. Ví dầu thiệt anh có tình nặng với tôi mà tôi không chịu đi nữa, thì bất quá anh buồn rầu, anh đau tưong-tư, chớ sao anh quên tôi anh lấy con Ba Huyền rnà gọi rằng anh thương tôi? Theo con mắt tôi xem, thì anh không phải là người có tình. Anh là một người ăn chơi tầm-thường lắm.

- Tại sao cô nói vậy?

- Anh lấy con Ba Huyền mà làm vợ bé được, thì anh tầm-thường quá, dầu anh có tình thì cái tình ấy thiệt thấp lắm. Con Ba Huyền ở Sài-gòn nầy ai mà không biết nó, duy có anh là người nhà quê, ở Lục Tỉnh lên, anh mê nó mà rước về làm vợ bé, chớ có ai dám làm như vậy đâu. Ối! Mà thôi chuyện của anh, anh làm sao anh làm, tôi không căn-cớ gì mà xen miệng vô cho mích-lòng, để bán hột xoàn kiếm tiền xài.

Cô Tư ngồi cười ngất. Ông Hội-đồng xích ghế lại gần cô một chút rồi hỏi rằng:

- Cô nói đi rồi cô trở lại như vậy, thiệt tức tôi quá! Cô chê tôi nhà quê thì tôi chịu. Mà còn cô nói tôi lấy con Ba Huyền là tôi dại, xin cô cho tôi biết coi tôi dại chỗ nào?

- Tôi đâu dám nói anh dại. Ý tôi nói anh gan ruột lắm chớ.

- Gan làm sao?

- Ối thôi, đừng có hỏi dần-lân[2]. Anh hỏi riết tôi đổ nùi[3] ra, rồi anh oán tôi chớ ích gì.

- Không oán đâu, dầu cô nói giống gì tôi cũng không giận hết. Biết cô Ba Huyền làm sao, đâu cô nói nghe thử coi mà.

- Tôi nói ra té ra tôi nói hành[4] người ta, mà dầu tôi nói ngay đi nữa, anh cũng không tin.

- Cô nói thì tôi tin lắm.

- Tin thiệt hay sao?

Cô Tư cười ngất rồi cô làm tỉnh lại, ngồi suy nghĩ. Ông Hội-đồng ngó chăm-chỉ, đợi cô nói ra sao. Ông sánh cô Tư với cô Ba Huyền thì cô Tư tuy lớn tuổi hơn nhưng mà dung-nhan cô xinh đẹp hơn, tướng-mạo cô thuần-hậu hơn bội phần.

Cô Tư chống tay dựa gò má mà suy nghĩ một chút, cô muốn nói mà rồi cô ngừng lại. Cách một hồi lâu, cô mới hỏi nhỏ nhỏ rằng:

- Từ hồi anh gặp con Ba Huyền tới giờ chắc anh tốn hao nhiều lắm há?

- Không bao nhiêu. Ăn xài chút đỉnh vậy thôi.

- Anh còn giấu nữa chớ. Anh giấu thôi tôì về.

- Khoan, khoan, ở nói chuyện chơi một chút mà.

- Thì nói thiệt đi.

- Thiệt, tôi lấy cô Ba Huyền hơn một năm nay tôi hao chừng vài muôn, mà trong số đó có mua cái nhà nầy hết 8.000 đồng và mua cái xe hơi 3 ngàn rưỡi.

- Tốn như vậy anh tiếc hôn?

- Không tiếc gì mấy.

- Trước khi anh lấy con Ba Huyền, anh biết gốc-gác nó hôn?

- Cổ nói thiệt cổ gốc con Triều-châu, hồi nhỏ đi vá bao mướn trong Bình-tây. Sau cổ có chồng An-nam, chồng mê vợ bé đánh đuổi cổ lưu-lạc một lúc.

- Trúng lắm, nói trúng lắm. Rồi sao nữa?

- Có sao đâu?

- Có lắm chớ. Bây giờ chồng nó làm giống gì ở đâu, nó có nói cho anh biết hay không?

- Chồng cô bỏ cô lâu rồi mà.

- Anh quê lắm! Bỏ cái gì? Chồng nó là thằng Bảy Cu, làm đầu bọn du-côn trong X… còn sờ-sờ đó, bỏ cái gì? Bảy Cu cho vợ nó đi làm nghề cám-dỗ đặng lật lưng đờn-ông lấy tiền cho nó đánh me, cá ngựa. Nhiều người bị con quỉ đó mà hết nhà hết cửa, còn ai dám ngó tới nó nữa, duy có một mình anh gan; anh dám lấy nó đây chớ.

- Có lý nào kỳ-cục như vậy!

- Anh không tin thì cứ lấy nó rồi sau anh sẽ biết. Tôi hỏi anh vậy chớ xưa rày nó có hay đi Chợ-lớn, hoặc hay lên Trường đua hay không?

- Cái đó có.

- Ờ, anh coi tôi nói trúng hay là nói bậy. Nó đi đó là đi đưa tiền của anh cho chồng nó đa.

Ông Hội-đồng biến sắc, ngồi châu mày suy nghĩ. Cô Tư Thanh-Thủy liếc ngó ông, thấy ông đã thắm thuốc rồi, cô muốn giục cho mau, bèn đứng dậy lấy cái bốp và nói rằng: “Thôi, tôi về để mai có con Ba Huyền về rồi tôi sẽ lại. Chuyện tôi mới nói với anh đó, anh đừng có học lại cho con Ba Huyền biết đa. Nếu nó hay tôi vạch, đố khỏi nó xúi chồng nó đâm tôỉ chết”.

Ông Hội-đồng cũng đứng dậy nói rằng: „Ai nói làm chi. Mà cô ở nói chuyện chơi với tôi, chớ cô về tôi buồn lắm”.

Cô Tư mắt liếc hữu tình, miệng cười chúm-chím mà đáp rằng:

- Nói chuyện gì nữa? Khuya rồi, để tôi về. Ngồi lâu quá người ta đàm-tiếu.

- Không có sao đâu mà.

- Thôi nà.

Cô Tư bỏ đi ra cửa. Ông Hội-đồng đi theo ra tới chỗ tối, ông kêu mà hỏi:

- Cô Tư, tôi đi theo cô đuợc hôn?

Ông và hỏi và vói nắm tay cô. Cô Tư giựt tay và cươi mà hỏi:

- Ði theo làm chi?

- Tôi thuơng cô quá, tôi muốn tỏ hết tình của tôi cho cô biết. Tại cô phụ-rãy tôi, nên tôi mới máng con quỉ nầy đó.

Cô Tư suy nghĩ một chút rồi lắc đầu nói rằng:

- Anh đi theo bây giờ không tiện. Xe có sốp-phơ, có con nhỏ ở, nói chuyện gì được. Thôi để bữa nào anh lại nhà tôi, rồi anh muốn nói gì thì nói. Tôi ở đường Mayer, số 563 anh biết hôn?

Ông Hội-đồng mừng quá, gặc đầu lia-lịa mà nói:

- Biết, biết. Ðể mai tôi lại. Cô phải ở nhà chờ tôi đa.

- Cồ Tư lắc đầu nói:

- Mai không được, vì tôi mắc có khách ở Vĩnh-long lên thăm.

- Thôi mốt.

- Mốt thì được. Mà tối rồi anh sẽ lại nghe hôn. Anh đừng có lại ban ngày, xóm-riềng họ thấy họ dị-nghị. Tối mốt tôi cho con cháu tôi đi coi hát và cho phép bồi bếp đi chơi, đặng nói chuyện cho dễ.

Cô nói dứt lời, rồi cô bươn-bả ra cửa ngõ, leo lên xe mà đi. Ông Hội-đồng đứng ngó theo, trong lòng ngơ-ngẩn.


[1] ánh sáng

[2] cù nhầy, chuyện nầy bắt sang chuyện khác

[3] gây rối rắm

[4] nói xấu một cách lén lúc

thay đổi nội dung bởi: Củ Cải, 09-11-2012 lúc 05:18 PM.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 09-11-2012, 02:10 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default

Hồi xưa Lỳ đọc được mấy cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh, hay, tội, mà lúc nào cũng " lên đậu mùa ".... Không biết tác giả có bị dị ứng với chicken pox kg Củ Cải ha? JK
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 09-11-2012, 06:46 PM
Củ Cải Củ Cải is offline
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2007
Bài gởi: 86
Default

Trích:
Nguyên văn bởi TT_LưuLyTím_TT View Post
Hồi xưa Lỳ đọc được mấy cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh, hay, tội, mà lúc nào cũng " lên đậu mùa ".... Không biết tác giả có bị dị ứng với chicken pox kg Củ Cải ha? JK
ớn chicken pox luôn chứ không phải dị ứng thôi đâu á Lỳ ui

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 09-11-2012, 06:47 PM
Củ Cải Củ Cải is offline
Member
 
Tham gia ngày: Sep 2007
Bài gởi: 86
Default

Chương 3

Lòng Dạ Ðàn Bà


Ngày hẹn đã đến. Ông Hội-đồng Thành kiếm chước nói có mấy người bạn mời ăn cơm đặng bàn tính quốc-sự, nên vừa chạng-vạng tối thì ông rửa mặt chải đầu, thay quần đổi áo, sửa-soạn mà đi. Cô Ba Huyền có việc riêng, cô cũng muốn đi Chợ-lớn, cô nghe ông Hội-đồng nói như vậy thì cô mừng thầm, song cô làm tỉnh mà nói rằng: “ Mình đi khuya, ở nhà buồn chết, ai chịu nổi. Thôi, mình đi hội, thì tôi đi coi hát”.

Ông Hội-đồng trong trí đầy cái hình-trạng của cô Tư Thanh-Thủy, ông không cần biết cô Ba Huyền đi đâu, nên ông hứa hễ ông xuống tới nhà hàng rồi thì ông trả xe về cho cô muốn đi đâu thì đi. Chừng hội rồi ông xe kéo cũng đươc.

Thiệt quả xuống tới nhà hàng thì ông biểu sớp-phơ đem xe về liền. Ông ăn sơ-sịa vài món rồi kêu xe kéo mà trở lên đường Mayer. Ông ngồi trên xe, đèn hai bên đường chấp-chóa, gió thổi hiu-hiu, trí quơ-quẩn nhớ cô Tư, lòng phập-phòng trông gặp mặt. Ông nghĩ những lời cô Tư châm-chích đêm nọ, ông nhớ thiệt quả cô Ba Huyền hay đi Chợ-lớn, ưa vô Trường đua, ông lại nhớ một lần kia ông đi mua đồ với cô Ba Huyền tại đường Ca-ti-na, ông vô nhà hàng, cô ngồi ngoài xe, chùng ông bước ra thì thấy cô đương nói chuyện với một người ngồi trên xe kéo, người ấy đội một cái nón đa thiệt to, mặc một bộ đồ xá-xị còn mới, mặt mày dữ-tợn, hình vóc dình-dàng, người ấy thấy ông thì biểu xe kéo đi, song còn nói vói rằng: “Mai phải có đa”. Ông hỏi người ấy là ai, thì cô nói: “Anh nầy là chồng chị Hai Cán, hồi trước chỉ có mượn tôi mười đồng bạc, tôi gặp ảnh tôi đòi, ảnh hẹn mai ảnh lãnh tiền rồi ảnh trả”. Lúc ấy ông Hội-đồng tin như lời, bây giờ có cô Tư Thanh-Thủy châm-chích, ông lại đoán quyết người ấy là chồng của cô Ba Huyền, lời dặn “mai phải có” đó là biểu đem bạc đưa cho nó. Ông vừa giận vừa hổ thầm, giận vì chúng lấy tiền bạc của mình mà nuôi thiên-hạ, hổ vì mình có học thức, có tên tuổi, mà còn bị điếm-đàng lường gạt. Ông thầm nghĩ nếu ông được gần cô Tư Thanh-Thủy thì ông sẽ đuổi cô Ba Huyền liền, ông chẳng tiếc chút nào hết; cô Thanh-Thủy tuy lớn tuổi hơn, nhưng cô có sắc, cô có hạnh, cô hiền-đức, cô thông- minh, cô khôn-ngoan, cô thành-thiệt hơn bội phần.

Xe kéo ngừng trước cửa cô Tư Thanh-Thủy thì trong trí ông Hội-đồng Thành đương quyết-định như vậy đó. Ông trả tiền xe, miệng cườí ngỏn-ngoẻn.

Nhà ba căn, đèn khí đốt sáng trưng, nhưng mà cửa giữa với cửa bên tay mặt đóng kín, chỉ căn bên tay trái cửa còn mở một cánh mà thôi. Ông Hội-đồng thấy cảnh như vậy thì ông mừng thầm, chắc rằng cô Tư rước mình mà sợ thiên-hạ thấy, nên cô mới sắp-đặt kỹ-lưỡng dường ấy. Ông đi nhẹ-nhẹ, lóng nghe trong nhà vắng hoe. Ông vừa bước vô cửa thì cô Tư Thanh-Thủy ở trong buồng cũng vừa đi ra phía trước; cô trang điểm cũng như sửa-soạn đi chợ, hay đi coi hát vậy, mặt giồi phấn, môi thoa son, áo quần nhổn-nha, tóc tai chải-chuốt, coi còn đầm-thấm, còn mặn-mòi hơn đêm nọ nữa. Cô thấy ông thì cô cúi đầu chào rất hữu đuyên, miệng chúm-chím cười như hoa nở.

Cô chỉ một cái ghế mà mời ông ngồi, rồí nói nhỏ nhỏ rằng: „Tôi cho bày trẻ đi chơi từ hồi tối tới giờ. Sao lại khuya vậy?” Cô liền lấy cái bình trà để trên bàn mà rót một tách, rồi bưng lại mời ông uống. Cô đứng trước mặt ông, cách ông chừng vài gang, chống một cánh tay trên cái bàn, mình uốn-éo, mắt long-lanh, mùi dầu thơm bay bát-ngát, làm cho ông mê-mẩn tâm thần. Ông vói nắm tay cô mà nó rằng: “Cô Tư, đứng xít lại đây tôi nói chuyện. Thiệt tôi không dè mà có ngày nay… Tôi thương cô quá! ….”.

Cô giựt tay, đứng nghiêm-chỉnh, ngó ngay ông mà hỏi lớn rằng: “Anh làm cái gì vậy? Tôi mời anh lại nhà tôi đặng tôi nói chuyện cho anh nghe, chớ có gì khác đâu. Anh tưởng tôi tổ-chức cuộc gió trăng hay sao, mà anh nắm tay tôi? Anh đã lớn tuổi, đã có vợ con, mà cứ giữ cái tánh hồi còn con trai hoài, không chịu bỏ! Anh tưởng tôi như con Ba Huyền vậy hay sao? Không, tôi không phải thuộc về cái hạng người ấy đâu. Tôi thương anh lắm, mà tôi lại thương chị Hai còn nhiều hơn nữa. Vì tôi thương chị Hai, tôi không đành giết chỉ, nên mấy năm nay anh theo ve-vãn mà tôi kháng-cự hoài. Anh thiệt ác lắm! Anh có một người vợ hiền-đức, tối ngày lo giữ của, lo nuôi con, biết thương chồng, biết trọng chồng, anh lại không thương, đành theo con đĩ mà bỏ vợ ở nhà sầu-não vóc ốm mình gầy, bỏ sấp con dại thân-sơ thất-sở[1]. Sao anh đành-đoạn dữ vậy, anh Hai? Chị Hai phải chết … Trong một vài tháng nữa đây chớ không lâu đâu …”.

Cô Thanh-Thủy nói tới đó, cô té ngồi trên một cái ghế úp mặt vào một bàn tay mà khóc rấm-rứt.

Ông Hội-đồng Thanh ban đầu chưng-hửng, chừng ông nghe những lời thê-thảm, thấy cái bộ bi-ai của cô Tư thì lần-lần ông cảm-động, ngồi buồn-hiu, không biết lấy lời chi mà đối-đáp.

Ðương lúc ông Hội-đồng tâm-thần bất định đó, thình-lình ba đứa con của ông là Kim-Lang, Tấn-Ðức và Kim-Cúc, ở trong buồng ào chạy ra kêu ba, rồi xúm lại ôm ông mà khóc, đứa thì hỏi: “Ba đành giết chết má hay sao ba“, đứa thì than: “Ba nỡ bỏ con hay sao ba”. Cái cảm chan-chứa đã đầy rồi, bị ba đứa con nó cho cảm thêm nữa, nên tự-nhiên phải tràn-trề. Ông Hội-đồng ngồi trân-trân như hình đá, mà hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng.

Cô Tư Thanh-Thủy day vô buồng mà kêu: “Chị Hai, chị ra đây”. Cô Kim-Diệp bước ra thấy cái cảnh cha con líu-nhíu, cha khóc con than, thì cô động lòng, nên cũng té ngồi trên một cái ghế mà khóc, chớ không nói tiếng chi được hết.

Cô Tư Thanh-Thủy thừa cái cơ-hội ấy, cô và lau nước mắt và nói: “Anh Hai, anh thấy chị Hai đó hay không? Ngày anh cưới chỉ có phải chỉ như vậy đâu. Tại anh mà ngày nay chỉ còn da bọc xương, anh coi cái tội của anh lơ là dường nào hử? Làm chồng thì quyết giết vợ, làm cha thì không thương con, anh ăn ở chi mà ác lắm vậy?”.

Ông Hộỉ-đồng càng khóc nhiều hơn nữa, mà vợ con ông cũng đồng khóc với ông. Ông khóc một hồi rồi ông mới nói rằng: “Tôi quấy với má bày trẻ nhiều lắm, nhờ cô Tư vén cái màn hắc-ám giùm cho tôi, thiệt tôi cám ơn không biết chừng nào. Tôi ngồi giữa nhà nầy, tôi thề quyết từ rày về sau, tôì không hề xa vợ lìa con, chẳng hề làm cho vợ con buồn rầu nữa. Tôi xin má bày trẻ cũng vậy, quên hết cái lỗi cũ của tôi đi, đặng cho tôi an lòng mà ăn-năn sám-hối”.

Cô Tư Thanh-Thủy nói: “Nếu anh biết thương vợ con anh, thì chẳng những là tôi không giận anh, mà tôi còn thương anh nữa”.

Ông Hội-đồng dã-lã với vợ, dan-díu với con tới 10 giờ rồi ông từ mà về Phú-nhuận, ông hứa khuya ông sẽ trở lại đặng rước vợ con về Cái Tắc.

Ông về nhà thì cô Ba Huyền đi chưa về. Ông ngồi viết một bức thơ mà từ cô và cho đứt cô nhà cửa cùng các tài-vật trong nhà. Ông bỏ quần áo vào hoa-ly rồi vô mùng mà ngủ. Cách một lát, cô Ba Huyền về, ông hay mà ông không thức dậy.

Ðến 4 giờ khuya ông dậy, ông để phong thơ tại đầu nằm cô Ba Huyền, xách hoa-ly ra xe, rồi kêu sớp-phơ dậy mà đi. Xuống đường Mayer, ông ghé nhà cô Tư Thanh-Thủy mà rước vợ con.

Khi dắt con lên xe mà về với chồng, cô Kim-Diệp nắm tay cô Tư Thanh-Thủy và khóc và nói rằng: “Có như vầy mới biết chỗ nào thiệt, chỗ nào giả. Chị đã nói với em từ hồi hôm tới giờ, từ rày về sau chị em mình phải ở chung với nhau một nhà. Ðể ít bữa, chị mạnh rồi chị sẽ tính. Em phải nghe lời chị, đừng có ái-ngại chi hết”.

Cô Tư Thanh-Thủy châu mày và ngó lơ, không đối-đáp chi hết. Nhưng mà xe rút chạy, cô đứng ngó theo cho tới chừng xe quẹo khuất rồi, cô mới thủng-thẳng trở vô nhà, miệng cười ngỏn-ngoẻn.

Sài-gòn, Avril 1935

- HẾT -



[1] lang thang không nơi nương tựa
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 03:07 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.