Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Cổ Tích - Truyện Lịch Sử
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 10-27-2008, 09:36 AM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default Những Điển Tích Hay

Thần đồng vấn Khổng Tử


Thần đồng vấn Khổng Tử là câu chuyện Thần đồng Hạng Thác hỏi Đức Khổng Tử nhiều điều mà Ngài không trả lời được, nên chịu phục Hạng Thác làm thầy.


Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường đi qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy có một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa nghịch. Đức Khổng Tử dừng lại hỏi cậu bé :


- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia ?

Cậu bé đáp :


- Đùa giỡn thì vô ích. Sự đùa giỡn có thể làm rách quần áo, nhọc công mẹ vá khâu và làm buồn lòng đến cha, nên tôi không đùa nghịch.

Nói xong, cậu tiếp tục đắp thành. Đ. Khổng Tử lại hỏi :


- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao ?

Cậu bé thản nhiên đáp :


- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.

Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời hay quá, thấy cậu bé nầy có vẻ khác lạ, liền xuống xe đến gần cậu bé bàn luận nhiều việc xa xôi. Cậu bé đều trả lời xuôi rót, nhưng có tánh cách biến trá. Đức Khổng Tử trách rằng :


- Cậu hãy còn bé mà sao đã biến trá lắm vậy ?

- Người ta sanh ra 3 ngày đã biết tìm vú mẹ, con thỏ sanh ra 3 ngày đã chạy tung tăng trên đồng nội, con cá sanh ra 3 ngày thì biết xuôi ngược khắp sông hồ. Đó là tánh tự nhiên, sao gọi là biến trá ?

- Cậu ở xóm nào, làng nào, cha mẹ ở đâu ?

- Tôi sanh tại đây, họ Hạng tên Thác, chưa có tên tự.

- Ta muốn cậu cùng đi chơi với ta, ý cậu thế nào ?

- Trong nhà tôi còn có cha, cần phải phụng, còn có mẹ cần phải dưỡng, có anh để phụ tùng, có em phải dạy dỗ, còn có thầy để học hỏi, đâu có rảnh để đi chơi với ông.

- Trong xe ta có sẵn 32 con cờ, ta muốn cùng cậu đánh cờ, cậu có bằng lòng không ?

- Thiên tử mê cờ thì bốn biển không người gìn giữ, chư Hầu mê cờ thì chính sự không an, nho sĩ mê cờ thì việc học đình trệ, nông phu mê cờ thì quên việc cày cấy, vì thế tôi không đánh cờ.

- Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không ?

- Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tỳ. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tỳ thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên tôi không bình luận việc thiên hạ.

Đức Khổng Tử lại hỏi :


- Lửa nào không khói ? Nước nào không cá ?
Núi nào không đá ? Cây gì không cành ?
Người nào không vợ ? Ai kẻ không chồng ?
Trâu nào không nghé ? Ngựa nào không con ?
Trống nào không mái ? Mái nào không trống ?
Ai là quân tử ? Ai kẻ tiểu nhân ?
Vật gì không đủ ? Vật gì có thừa ?
Thành nào không chợ ? Người nào không con ?

Cậu bé Hạng Thác liền đáp :


- Lửa đôm đốm không khói. Nước giếng không cá.
Núi đất không đá. Cây khô không cành.
Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.
Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
Trống độc không mái. Mái độc không trống.
Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân.
Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.

Sau khi Hạng Thác trả lời xong, Đức Khổng Tử hỏi tiếp :


- Cậu có biết gì về lẽ Đạo hằng của Trời Đất ?
Sự cuối cùng của Âm Dương ?
Đâu là phải ? Đâu là trái ?
Đâu là trong ? Đâu là ngoài ?
Ai là Cha ? Ai là Mẹ ?
Ai là chồng ? Ai là vợ ?
Gió từ đâu đến ? Mây từ đâu ra ?
Sương từ đâu có ? Trời Đất xa nhau mấy dặm ?

Cậu bé Hạng Thác liền trả lời :


- 9 lần 9 chu kỳ là 81. Ấy là đạo của Trời Đất.
8 lần 9 là 72. Ấy là Âm Dương cùng cuối.
Tây là phải. Đông là trái.
Trong là lý. Ngoài là biểu.
Trời là Cha. Đất là Mẹ.
Mặt Trời là chồng. Mặt Trăng là vợ.
Gió từ cây xao động. Mây trong núi bay ra.
Sương từ đất dậy. Trời Đất xa nhau ngàn ngàn
vạn vạn dặm.

Cậu bé Hạng Thác đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của Đức Khổng Tử. Bây giờ cậu bé xin thỉnh giáo Đức Khổng Tử đôi điều :


- Thưa Ngài, vịt ngỗng sao nổi trên mặt nước ?
Chim hồng chim nhạn sao lại kêu to ?
Tùng bách sao ngày Đông vẫn xanh lá ?

Đức Khổng Tử đáp rằng :


- Vịt ngỗng vì chân nó banh mà nổi bơi trên mặt nước.
Chim hồng chim nhạn kêu to là vì cổ nó dài.
Tùng bách ngày Đông xanh lá là vì ruột nó đặc.

Cậu bé Hạng Thác cười nói rằng :


- Chắc không hẳn như vậy đâu.
Tôm cá vẫn nổi trên mặt nước mà chân nó có banh đâu.
Ễnh ương, ếch nhái kêu to mà cổ của nó có dài đâu.
Cây trúc rổng ruột mà ngày Đông vẫn xanh lá.

Sau khi bắt bẻ các câu trả lời của Đức Khổng Tử, Thần đồng Hạng Thác hỏi tiếp :


- Trên bầu Trời có sao lấp lánh, vậy thưa Ngài có tất cả bao nhiêu vì sao ?

- Chuyện dưới đất không thiếu gì sao lại hỏi chuyện trên Trời.

- Vậy dưới đất nhà cửa san sát có bao nhiêu ngôi nhà ?

Đức Khổng Tử lại nói rằng :


- Ta nên nói ngay chuyện trước mắt có phải là thực tế hơn không, cần gì nói chuyện Trời Đất.

- Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài cho biết lông mày có bao nhiêu sợi ?

Đức Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi.


Ngài quay lại nói cùng các học trò rằng : “ Hậu sanh khả úy.” (kẻ sanh sau đáng sợ thật). Đó là kẻ rất khó tìm thấy trong thiên hạ. Nói xong Ngài trở lên xe đi thẳng.


Bài thi : Thần đồng vấn Khổng Tử :


Hưu khi niên thiếu thông minh tử,
Quảng hữu anh tài trí quá nhân.
Đàm luận thế gian vô hãn sự,
Phân minh Cổ Thánh hiện kỳ thân.
Tạm dịch :
Đừng khinh tuổi trẻ bậc Thần đồng,
Có lắm anh tài trí quảng thông.
Luận việc thế gian không giới hạn,
Thánh xưa hiện rõ thể vừng đông.

Tối hôm ấy, Đức Khổng Tử ngồi thẩn thờ trước án, ngọn đèn bạch lạp lụn tàn. Tử Lộ mạo muội vào hỏi thầy :


- Thầy trầm tư về cuộc tranh luận với Hạng Thác ? - Phải.

- Thầy không vui vì mình yếu lý ? - Không.

Thấy Tử Lộ có ý hồ nghi, nên Đức Khổng Tử nói tiếp :


- Nầy Do, bình sanh ta đi chu du thiên hạ để truyền bá Nhơn đạo, mặt luôn luôn hướng thẳng, lòng sáng tợ gương, ý thành, ngôn chánh. Còn miệng lưỡi của Hạng Thác là miệng lưỡi của phường biện sĩ, nên có thể chứng minh ngựa trắng không phải là ngựa trắng. Khi xướng thuyết Liên Hoành cũng thuận, mà bày kế Hợp Tung cũng thông. Xét từ bản chất của ngôn ngữ, cuộc tranh luận vừa qua cũng như nước chảy dòng đôi, xa trăm ngàn đợt sóng nhấp nhô, nhưng kỳ thật không lượn lớn lượn nhỏ nào va chạm. Do làm sao hiểu được !


(Tử Lộ là học trò giỏi của Đ. Khổng Tử, tên Trọng Do, kêu tắt là Do)Tử Lộ hỏi : - Vậy cớ nào thầy buồn ?

- Ta buồn vì có Khổng Khâu mà còn phường biện sĩ. Hạng Thác nhắc cho ta nhớ đến vai trò của kẻ biện sĩ. Biện sĩ chỉ thuyết cho sự lợi ích mà không thuyết cho Chơn Lý. Khắp thiên hạ, kẻ cầu lợi đông như kiến cỏ, người hướng về Chơn Lý đốt đuốc khó tìm.Thế sự trôi chảy không ngừng. Chánh đạo của ta liệu truyền lưu được bao lâu nữa ? Đó chẳng phải là điều đáng buồn hay sao ?

Tử Lộ toan lui ra, Đức Khổng Tử kêu lại hỏi :


- Trò Do, trò còn nhớ người hiền nước Sở ?

- Bẩm, có phải là Sở cuồng Tiếp Dư ca hát nghêu ngao.

- Trò còn nhớ 2 ẩn sĩ họ Kiệt, họ Tràng ?


- Bẩm, có phải 2 lực điền ở giáp ranh Sở, Thái ?

- Họ khuyên ta bỏ đi việc chính sự lụy phiền, để làm người tỵ thế. Khuyên ta : Trời không hề nói gì mà vạn vật điều hòa. Ta cũng muốn êm lời, nhưng gặp việc nghĩa mà không làm, biết Chơn Lý mà không nói thì phải sống với đồng loại hay sống với chim muông !

Tử Lộ ra ngoài nói với các bạn : Thầy nói : Hậu sinh khả úy. Không phải sợ kẻ sanh sau tài giỏi hơn mình, mà sợ họ làm sai lạc Chánh lý bằng ngoa ngôn xảo ngữ vị lợi đó thôi.



( Sưu Tầm )


thay đổi nội dung bởi: quehuong, 10-27-2008 lúc 09:38 AM.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 11-02-2008, 08:56 AM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default

Tôn Tẫn tầm sư học Đạo

Tôn Tẫn là người nước Yên, cha là Tôn Tháo, mẹ là Công Chúa Yên Đơn, ông nội là Tôn Võ Tử .
Công Chúa Yên Đơn thọ thai 48 tháng mới sanh ra Tôn Tẫn. Lúc sanh ra là lúc Công Chúa Yên Đơn đương bị khổn trong trận do Hỗn Thiên Tán của Túy Vân, nên nằm bất tỉnh rồi lâm bồn đúng giờ Tý tại núi Kinh Kha nước Yên.
Lúc Tôn Tẫn lên 9 tuổi thì Tôn Tháo mất, Tôn Kiều là chú đang làm quan Đại Phu nước Tề ddem Tôn Tẫn về nuôi dưỡng. Sau đó Tôn Kiều gặp nạn, phải lánh sang nước Châu, gia đình sa sút, Tôn Tẫn phải đi làm thuê để sinh sống .
Tôn Tẫn lớn lên, nghe đồn Quỉ Cốc Tiên Sinh có taì cao phép lạ , nên tìm đến xin thọ giáo. Nguyên ở Dương Thành thuộc địa phận nhà Châu, có một chỗ gọi là Quỉ Cốc, vì nơi ấy có núi cao rừng rậm, âm khí nặng nề. Trong núi ấy có một ẩn sĩ họ Vương tên Hủ , trước ở núi Vân Mộng cùng Mặc Địch hái thuốc, tu Tiên, sau đến ẩn nơi Quỉ Cốc, nên người ta thường gọi là Quỉ Cốc Tiên Sinh .
Quỉ Cốc Tiên Sinh có học vấn uyên bác, tu Tiên đắc đạo, tinh thông lý số, thông hiểu lẽ huyền vi của Trời Đất, lại cũng tinh thông binh thơ đồ trân. Học trò của Quỉ Cốc Tiên Sinh có nhiều người tài giỏi như : Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi, vv... Tôn Tẫn và Bàng Quyên thì học về binh pháp. Còn Tô Tần và Trương Nghi thì học về du thuyết .
Bàng Quyên học được 3 năm, tự cho mình đã giỏi rồi, nên xin thầy cho xuống núi đi lập công danh.
Quỉ Cốc bảo Bàng Quyên đi hái một cành hoa đem vào đây để thầy đoán vận mạng cho. Bàng Quyên đi ra khỏi động, nhằm lúc khí Trời nóng nực, cây cối không ra hoa, chỉ thấy một bông hoa cỏ, liền nhổ lên cả gốc, toan đem trình thầy, bỗng nghĩ rằng bông hoa nầy mềm yếu và không đẹp nên ném xuống đất, rồi đi tìm hoa khác, nhưng không tìm được cành hoa nào, đành trở lại chỗ cũ, nhặt cành hoa đã bỏ lúc nảy, bỏ vào túi áo, rồi vào trình thầy rằng :
- Trong núi mùa nầy không có hoa.
- Không có hoa thì vật gì trong túi áo của ngươi đó ?
Bàng Quyên không giấu được, buộc phải đưa ra trình.
- Nhà ngươi có biết cái hoa nầy tên gì không ? Nó là hoa Mã Đâu Linh, mỗi lần nở 12 bông, ứng với số năm vẻ vang của ngươi. Hoa nầy hái ở Quỉ Cốc, thấy mặt Trời thì héo, bên chữ QUỈ ( ) có chữ ỦY ( ) thành chữ NGỤY ( ) , nhà ngươi xuất thân ở nước Ngụy. Sau nầy nhà ngươi vì việc lừa dối người mà bị người lừa dối lại. Vậy nên lấy điều đó mà răn mình. Ta có 8 chữ nầy, nhà ngươi khá nhớ : “ Gặp dê thì vinh, gặp ngựa thì hỏng.”
Bàng Quyên lạy thầy 2 lạy nói rằng :
- Lời giáo huấn của thầy, đệ tử hết lòng ghi nhớ.
Tôn Tẫn tiễn Bàng Quyên xuống chơn núi.
Bàng Quyên nói :
- Đệ cùng huynh kết nghĩa anh em, thề giàu sang cùng hưởng, khốn nàn cùng gánh. Chuyến đi nầy nếu đệ lập được công danh thì sẽ tiến cử huynh để cùng lập cơ nghiệp.
Hai người chia tay, Tôn Tẫn buồn rớm nước mắt, trở lên núi. Quỉ Cốc Tiên Sinh hỏi Tôn Tẫn :
- Ngươi bảo cái tài của Bàng Quyên làm được Đại Tướng không ?
- Nhờ ơn thầy dạy bảo đã lâu, lẽ nào Bàng Quyên không làm được Đại Tướng ?
- Không làm được, nhứt định không làm được.
Tôn Tẫn nghe thầy nói vậy thì lấy làm lạ nhưng không dám hỏi thầy lý do. Hôm sau, Quỉ Cốc bảo các học trò :
- Ban đêm, ta rất khó ngủ, ta rất ghét tiếng chuột kêu. Các trò phải luân phiên nhau thức mà đuổi chuột cho ta.
Các trò đều vâng lời, chia phiên thức gác. Tới phiên Tôn Tẫn, Tiên sinh lấy một quyển sách trao cho Tôn Tẫn nói :
- Đây là 13 thiên binh pháp của ông nội nhà ngươi tên là Tôn Võ Tử, xưa đem dâng cho vua Hạp Lư nước Ngô, nhờ đó mà Hạp Lư phá tan quân Sở. Hạp Lư giữ cuốn sách nầy làm gia bảo, bỏ vào hộp sắt, giấu vào cột Cô Tô Đài. Từ khi quân nước Việt đốt Cô Tô Đài, cuốn sách ấy mất tích luôn.Ta có chơi thân với ông nội ngươi, nên được xem sách ấy, ta nhớ và ghi lại, tự tay ta chú giải thêm nhiều điều bí mật trong cách hành binh. Ta chưa từng cẩu thả giao sách cho ai, nay thấy ngươi trung hậu, nên ta giao cho ngươi học, trong 3 ngày giao lại cho ta. Học cuốn sách nầy, khéo dùng thì làm lợi cho thiên hạ, không khéo dùng thì hại rất lớn. Bàng Quyên không là người tốt, nên ta không dạy.
Tôn Tẫn đem sách về phòng, ngày đêm nghiền ngẫm, trong 3 ngày thì nằm lòng. Ba ngày sau, Tôn Tẫn đem sách nộp cho thầy. Tiên Sinh theo từng thiên hỏi lại Tôn Tẫn, Tôn Tẫn đối đáp rất trôi chảy. Tiên Sinh mừng rỡ nói :
- Ngươi biết dung tâm như thế, Tỗ phụ ngươi dầu đã qua đời chắc rất vui lòng.
Nói về Bàng Quyên, xuống núi thẳng đến nước Ngụy, vào cầu quan Tướng Quốc Vương Thác. Vương Thác tiến cử Bàng Quyên lên vua Ngụy Huệ Vương. Khi Bàng Quyên vào chầu vua, gặp lúc nhà bếp dâng lên món thịt dê. Bàng Quyên mừng thầm vì nhớ lời thầy dặn , gặp dê thì vinh .

Bàng Quyên được Huệ Vương trọng dụng, lần lần phong lên đến chức Nguyên Soái, kiêm Quân Sư. Con trai là Bàng Anh, cháu là Bàng Thông, Bàng Mai đều được vua phong làm Tướng, cả nhà vinh hiển.
Lúc bấy giờ có Mặc Địch ghé Quỉ Cốc thăm bạn cũ là Vương Hủ (Quỉ Cốc Tiên sinh), Mặc Địch gặp Tôn Tẫn, đàm luận rất hợp ý, bèn bảo Tôn Tẫn :
- Anh học nghệ đã thành, sao không đi lập công danh ?
- Tôi có người bạn học là Bàng Quyên, đã ra làm quan ở nước Ngụy, có hẹn khi nào đắc chí sẽ tiến cử tôi, nên tôi đợi.
- Bàng Quyên đã làm Nguyên soái nước Ngụy, để tôi vì anh mà đến đó dọ ý Bàng Quyên thế nào ?
Mặc Địch từ giã Quỉ Cốc rồi đi vào nước Ngụy, nghe Bàng Quyên cậy tài, nói quá không biết thẹn, không có ý tiến cử Tôn Tẫn. Mặc Địch vào nói cho Huệ Vương rõ các việc. Huệ Vương liền đòi Bàng Quyên đến hỏi :
- Ta nghe nói Tôn Tẫn cùng học một thầy với Nguyên soái, lại được học riêng binh pháp bí truyền của Tôn Võ Tử, tài giỏi không ai bằng, sao Nguyên soái chẳng vì Quả nhân mà tiến cử người ấy đến giúp Trẫm.
- Tâu Bệ hạ, hạ thần không phải không biết tài của Tôn Tẫn, nhưng Tôn Tẫn là người nước Tề, nay làm quan nước Ngụy thì thế nào cũng liên lạc với Tề. Nay Bệ hạ muốn triệu Tôn Tẫn thì hạ thần xin viết thơ gọi đến.
Bàng Quyên ở vào thế buộc phải viết thơ gọi Tôn Tẫn, nhưng thâm tâm rất sợ Ngụy Vương trọng dụng Tôn Tẫn, bỏ rơi mình, nên thầm tính kế hại Tôn Tẫn.
Bàng Quyên viết thơ xong, Huệ Vương dùng xe Tứ Mã và đồ lễ long trọng, sai người đến Quỉ Cốc rước Tôn Tẫn.
Tôn Tẫn tiếp được thơ của Bàng Quyên, vội đem trình thầy. Tiên sinh bảo Tôn Tẫn đi hái một cành hoa để bói coi tốt xấu. Tôn Tẫn thấy bình hoa trên án có một cành hoa cúc, bèn đến rút lấy đem trình thầy, rồi đem cắm trở lại vào bình.
Tiên sinh đoán rằng : Cành hoa nầy bị bẻ, không hoàn hảo, nhưng tánh chịu rét, dẫu có bị tàn hại cũng không hề gì. Vả cắm trong bình, mọi người đều quí trọng, mà cái bình ấy lại là vàng đúc cùng một loại với chung đỉnh, chắc rồi sẽ có tiếng tăm lừng lẫy. Nhưng cành hoa nầy 2 lần cất nhắc lại cắm vào bình, vậy sự nghiệp của ngươi chưa thể đắc ý ngay được, mà kết cuộc sẽ làm nên ở quê mình. Vậy ta đổi tên cho, có thể mong tiến thủ được. Tên ngươi là TÂN ( ) , ta thêm một chữ NHỤC ( ) ở bên tả thành chữ TẪN ÂÁ , vậy tên của ngươi là Tôn Tẫn ( ) . (Tân là khách, Tẫn là bị chặt xương đầu gối) Tiên sinh đổi tên như thế là vì Tiên sinh biết trước học trò mình bị cái hoạ chặt chưn, nhưng không dám tiết lộ.
Khi Tôn Tẫn lạy thầy từ biệt, Thầy trao cho một bức cẩm nang, dặn kỹ khi nào gặp việc nguy cấp mới mở ra xem. Tôn Tẫn lạy tạ thầy lần nữa, rồi xuống núi, lên xe Tứ Mã thẳng đến nước Ngụy, tạm ở trong phủ của Bàng Quyên.
Bàng Quyên biết Tôn Tẫn tài giỏi hơn mình, sợ Ngụy Vương dùng Tôn Tẫn, bỏ rơi mình, nên Bàng Quyên, ngoài mặt giả đò anh em thân thiết, nhưng ngầm lập kế ám hại Tôn Tẫn. Bàng Quyên giả mạo chứng cớ, cáo buộc Tôn Tẫn tư thông nước Tề để hại nước Ngụy. Huệ Vương nghe lời sàm tấu của Bàng Quyên, bắt Tôn Tẫn chặt chưn và thích vào trán 4 chữ “ Tư Thông Ngoại Quốc ”.
Tôn Tẫn trở thành phế nhân, mỗi ngày chịu ơn Bàng Quyên cung cấp 3 bữa ăn. Bàng Quyên lại dùng thủ đoạn để gạt người bạn cũ chép 13 thiên binh pháp truyền lại cho mình.
Tôn Tẫn vì lầm gian kế của Bàng Quyên nên rất khổ sở, quá chán nãn cho tình người đen bạc, lại bị vết thươngchặt chưn hành hạ quá đau đớn, muốn tìm kế thoát thân, nhưng chưa biết phải làm sao, sực nhớ bức cẩm nang thầy ban cho, liền bí mật mở ra xem, thấy thầy đề 2 chữ : Giả điên.
Buổi chiều hôm ấy, khi mâm cơm đưa tới, Tôn Tẫn cầm đủa định ăn, bỗng làm ra dáng mê man, nôn oẹ, hồi lâu nổi giận giương mắt hét to lên rằng : Mày dùng thuốc độc hại ta, rồi hất đổ mâm cơm xuống đất, miệng lảm nhảm chửi hoài.
Bàng Quyên được lính hầu báo cho biết việc Tôn Tẫn nổi điên thì không tin, đến tận nơi xem xét và nhốt Tôn Tẫn vào chuồng heo, đem cơm đến cho ăn. Tôn Tẫn lại hét : “ Mày lại đem thuốc độc đến hại ta à ?” Nói rồi gạt mâm cơm đổ xuống đất. Tên lính hầu nhặt cơm cho chó ăn, lấy một cục bùn đưa Tôn Tẫn thì Tôn Tẫn liền lấy ăn ngay.
Bàng Quyên tin chắc Tôn Tẫn điên thật nên không lấy làm lo, dần dần thả lỏng Tôn Tẫn muốn đi đâu thì đi, nhưng ra lịnh cho người theo dõi, mỗi sáng phải trình báo cho biết Tôn Tẫn hiện đang ở đâu.
Bấy giờ Mặc Địch sang chơi nhà Điền Kỵ nước Tề. Có người học trò tên Cầm Hoạt ở nước Ngụy đến. Mặc Địch hỏi thăm Cầm Hoạt lúc nầy Tôn Tẫn có đắc ý không ? Cầm Hoạt thuật lại việc Tôn Tẫn bị chặt chưn và trở nên điên khùng.
Mặc Địch nói :
- Ta muốn tiến cử hắn nào ngờ lại thành ra hại hắn.
Mặc Địch liền nói rõ tài học của Tôn Tẫn cho Điền Kỵ nghe và việc Bàng Quyên ganh tài ám hại Tôn Tẫn, khuyên Điền Kỵ tìm cách rước Tôn Tẫn sang Tề. Điền Kỵ vào tâu với vua Tề là Tề Uy Vương. Uy Vương muốn đem binh đón Tôn Tẫn thì Điền Kỵ can, nói phải lập kế mới rước Tôn Tẫn được.
Uy Vương sai Thuần Vu Khôn sang Ngụy dâng trà, đem Cầm Hoạt đi theo giả làm kẻ hầu. Qua đến Ngụy, Cầm Hoạt bí mật đi tìm Tôn Tẫn, rồi mướn người khác giả làm Tôn Tẫn, đặng rước Tôn Tẫn thật về Tề.
Thuần Vu Khôn và Cầm Hoạt đưa được Tôn Tẫn ra khỏi nước Ngụy thì đi thẳng về Lâm Tri, có Điền Kỵ thân hành ra đón. Tề Uy Vương rất mừng, muốn phong Tôn Tẫn làm Quân Sư, nhưng Tôn Tẫn tâu rằng :
- Hạ thần chưa có chút công chi nên chưa dám nhận quan tước. Vả nếu Bàng Quyên biết thần làm quan cho Tề ắt lo đề phòng, chi bằng tạm giấu đi mới dễ bề hành động.
Uy Vương bằng lòng, cho Tôn Tẫn ở trong dinh Điền Kỵ, tôn là thượng khách.
Lúc đó, Ngụy Huệ Vương sai Bàng Quyên đi đánh nước Triệu để đòi đất Trung Sơn. Quân Triệu bị thua. Triệu Thành Hầu cầu Tề cứu viện. Tề Uy Vương định phong Tôn Tẫn làm Đại Tướng đem binh cứu Triệu. Tôn Tẫn tâu rằng :
- Hạ thần là kẻ tàn phế, nếu cho làm Đại Tướng e cho quân địch sẽ cười Tề không có tướng tài, chi bằng Đại Vương cử Điền Kỵ làm Tướng, và hạ thần bí mật theo giúp mưu kế.
Tề Uy Vương cử Điền Kỵ làm Đại Tướng, Tôn Tẫn làm Quân Sư bí mật ở trong xe, kéo đại binh cứu Triệu.
Điền Kỵ muốn đem quân thẳng đến Hàm Đan là kinh đô của Triệu. Tôn Tẫn nói : Tướng nước Triệu không đánh nổi Bàng Quyên, nên khi ta kéo quân đến đó thì Hàm Đan đã mất về tay quân Ngụy rồi, chi bằng ta cứ đóng quân giữa đường, rêu rao nói rằng ta đi đánh Tương Lăng của Ngụy. Huệ Vương lo sợ, ắt phải gọi Bàng Quyên trở về giữ Tương Lăng. Bấy giờ ta đón đánh Bàng Quyên thì thế nào cũng thắng.
Điền Kỵ y theo kế đó mà làm. Quả đúng như lời Quân Sư Tôn Tẫn, Bàng Quyên kéo binh về giữ Tương Lăng. Điền Kỵ bày binh theo cách của Tôn Tẫn, đánh Bàng Quyên một trận tơi bời, Bàng Quyên ban đêm chạy trốn về Ngụy.
Năm sau, Bàng Quyền cùng Thái Tử Thân đem binh đánh nước Hàn. Hàn sang cầu cứu Tề. Tề Uy Vương cử Điền Kỵ và Tôn Tẫn đi cứu Hàn.
Điền Kỵ muốn kéo quân đến nước Hàn. Tôn Tẫn nói :
- Không nên, trước kia ta cứu Triệu mà chưa hề đến Triệu, nay cứu Hàn cũng y theo kế hoạch đó. Cái thuật giải cứu Hàn là phải đánh vào nơi yếu trọng của Ngụy thì quân Ngụy tất phải kéo về. Cái kế ngày nay là phải đem binh thẳng đến kinh đô Ngụy thì mới cứu được Hàn.
Bàng Quyên đang thắng thế ở nước Hàn, nhưng Ngụy Huệ Vương ra lịnh cho Bàng Quyên phải tức tốc rút binh về đón đánh quân Tề đang thừa cơ kéo đến đánh kinh đô của Ngụy. Tôn Tẫn bày kế lừa Bàng Quyên. Quân Tề làm như sợ hãi khi biết Bàng Quyên kéo quân trở về Ngụy. Ban đầu làm 10 vạn bếp, sau đó rút quân như bỏ chạy, hôm sau làm 6 vạn bếp, hôm sau rút chạy nữa, chỉ còn làm 3 vạn bếp.
Bàng Quyên cho quân quan sát các bếp của quân Tề, cười lớn nói với Thái Tử Thân :
- Thật là hồng phúc của Ngụy Vương, quân Tề hèn nhát, vào đất Ngụy có 3 ngày mà binh sĩ bỏ trốn quá nửa. Kỳ nầy, Quyên sẽ bắt sống bọn Điền Kỵ để rửa cái hận Tương Lăng năm trước.
Nói xong, Bàng Quyên chọn 2 vạn tinh binh tiến gấp đánh quân Tề, còn đại binh từ từ đi sau.
Tôn Tẫn dọ biết tin đó, tính toán và dự kiến đoàn quân của Bàng Quyên sẽ đến Mã Lăng vào lúc tối. Đường Mã Lăng ở giữa hai trái núi có cây cối um tùm, rất dễ phục binh. Tôn Tẫn sai chặt cây ngã ngang để chẹn lối đi, chỉ chừa một cây to giữa đường, cho cạo sạch một một ô vuông vỏ cây ở phía Đông, rồi dùng than viết lên đó mấy chữ : “ Quân Sư Tôn bảo : Bàng Quyên chết tại cây nầy.”
Tôn Tẫn sai bộ tướng Viên Đạt, Độc Cô Trần, kén 5000 quân cung nỏ, mai phục 2 bên tả hữu Mã Lăng, dặn kỹ hễ nơi gốc cây có ánh lửa phát ra thì nhất tề nhắm vào đó bắn.
Lại sai Điền Anh dẫn 1 vạn quân mai phục cách Mã Lăng 3 dặm chẹn đường quân Ngụy.
Tôn Tẫn phân phát binh xong thì cùng Điền Kỵ dẫn binh còn lại lên đóng phía Bắc để dự bị tiếp ứng.
Bàng Quyên kéo binh đến Mã Lăng thì Trời vừa tối, thấy cây cối bị đốn ngã nằm ngổn ngang, cho rằng quân Tề sợ quân Ngụy đuổi theo kịp nên đốn cây cản đường như thế.
Bàng Quyên cho thu dọn cây cối, bỗng thấy có một cây giữa đường, gần nơi gốc đẽo trắng, có viết chữ nhưng Trời tối không thấy rõ. Bàng Quyên sai một tên lính châm lửa lên xem, Bàng Quyên đọc xong mấy chữ thì la lên :
- Ôi ! Ta mắc mưu thằng què rồi !
Vừa la xong thì có cả muôn mũi tên từ nỏ bắn ra, quân Ngụy chết thôi vô số. Bàng Quyên bị loạn tên trọng thương, liệu không thoát được, bèn rút kiếm tự đâm cổ chết.
Cuộc đời của Bàng Quyên đúng y như lời của Quỉ Cốc Tiên Sinh đã nói trước : Ngươi sẽ vì lừa người mà bị người lừa lại, gặp dê thì vinh, gặp ngựa thì hỏng. Bàng Quyên chết tại Mã Lăng. (Mã là ngựa).
Giết xong Bàng Quyên rồi, Tôn Tẫn xin với vua Tề cho về ẩn dật tu luyện ở núi Thạch Lư. Một năm sau, không còn ai biết Tôn Tẫn ở đâu nữa.

SƯU TẦM
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 11-03-2008, 01:21 PM
banglado banglado is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2008
Bài gởi: 118
Default

Cảm ơn những điển tích rất hay của bác ạ. Hì hì... Những người có tên Ái thường rất giỏi điển tích ,lịch sử đúng không bác?
__________________
Bàng lá đỏ
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 11-07-2008, 07:01 AM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default

Cám ơn bạn.

*****************

Tích Mạnh Mẫu

Mạnh mẫu là mẹ của thầy Mạnh Tử. Thường nói : Mạnh mẫu trạch lân, nghĩa là : Bà mẹ của Mạnh Tử chọn chỗ ở có láng giềng tốt mới ở để dễ dạy con.
Theo Liệt Nữ Truyện, Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, mồ côi cha từ năm 3 tuổi, ở với mẹ, nhà nghèo, ở gần nghĩa địa nơi chân núi. Mạnh Kha thường thấy người ta đào đất đem chôn quan tài người chết, rồi nằm lăn ra khóc. Mạnh Kha về nhà, cùng với lũ trẻ nhỏ ở cùng xóm, bắt chước chơi trò chôn cất và nằm lăn ra khóc.
Mẹ của Mạnh Kha là Bà Chương thị, thấy thế thì nói rằng :
- Chỗ nầy không phải là chỗ cho con ta ở được.

Bà dọn nhà ra ở gần chợ. Mạnh Tử thấy người ta buôn bán, tráo trở đảo điên, thêm bớt, nói thách nói gạt. Cậu bé Mạnh Kha về nhà cũng bắt chước đùa nghịch một cách đảo điên như người ở ngoài chợ.
Bà mẹ của Mạnh Kha thấy thế thì nói :
- Chỗ nầy cũng không phải là chổ để con ta ở được.
Bà liền dọn nhà đến ở cạnh một trường học. Câu bé Mạnh Kha thấy trẻ con đua nhau cặp sách vở đi học tập rất có lễ phép, cậu về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép và cặp sách vở. Bà mẹ của Mạnh Kha bây giờ mới vui lòng nói :
- Chỗ nầy con ta ở được.
Một hôm, Mạnh Kha thấy nhà hàng xóm giết heo làm thịt, về nhà hỏi mẹ :
- Người ta giết heo để làm gì thế hả mẹ ?
Mạnh mẫu nói đùa với con :
- Để cho con ăn thịt đấy.
Nói xong, Bà biết mình lỡ lời nên ân hận, thầm nghĩ : Ta đã nói lỡ lời rồi. Con ta còn thơ ấu, trí thức mới mở mang, mà ta nói dối với nó thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối sao !
Rồi Bà ra chợ mua thịt heo về nấu cho con ăn thật.
Lại một hôm, cậu Mạnh Kha đi học, bỗng bỏ về nhà chơi. Mạnh mẫu đang ngồi dệt vải trên khung cữi, bèn đứng dậy, kêu con lại, chỉ tấm vải trên khung, rồi Bà cầm dao cắt ngang. Cậu bé Kha cả kinh hỏi mẹ :
- Sao mẹ lại cắt ngang bỏ tấm vải như thế ?
Mạnh mẫu đáp :
- Con đang đi học mà con bỏ ngang trở về nhà thì cũng giống như mẹ đang dệt tấm vải nầy mà cắt ngang như thế.
Cậu bé Kha liền hiểu được ý mẹ, cậu cảm thấy xấu hổ, và từ hôm đó trở đi, cậu chuyên cần học tập, không dám chểnh mảng, cậu hay học tập việc tế lễ, việc học mỗi ngày một tăng tiến.
Khi lớn lên, Mạnh Kha theo học với thầy Tử Tư, tức là thầy Khổng Cấp, cháu nội của Đức Khổng Tử.
Thầy Tử Tư đem cái học trong sách Trung Dung truyền lại cho Mạnh Tử. Mạnh Tử hiểu rõ được cái đạo của Đức Khổng Tử, quán thông nghĩa lý sâu kín của Lục Kinh, làm điều gì cũng noi gương Đức Khổng Tử.
Mạnh Tử thọ được cái học Tâm truyền của Tử Tư, đạt được cái Tâm học cao siêu huyền bí của Nho giáo, nên đã trở nên một vị Thầy đứng sau Khổng Tử.
Người đời sau tôn Mạnh Tử là bực Á Thánh (bực Thánh đứng hàng thứ nhì sau Đức Khổng Tử), và truy phong Mạnh Tử là Á Thánh Trâu Quốc Công, được phối hưởng nơi miếu thờ Đức Khổng Tử.

Sưu Tầm
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 11-11-2008, 10:31 PM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default

Thành Bình Định Võ Tánh thiêu mình

Theo Việt Nam Sử Lược, sau khi Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) đã bình định được Nam Việt, thì đem quân ra đánh Tây Sơn, lấy được thành Bình Định. Nguyễn Vương cử Võ Tánh và Ngô tùng Châu ở lại giữ thành, còn đại quân kéo trở về Gia Định, lúc đó là năm 1799.
Quân Tây Sơn trở lại vây chặt thành Bình Định, quân của Nguyễn Vương giải vây không nổi, chống cự được 2 năm thì trong thành hết lương thực, thành Bình Định thất thủ. Võ Tánh phải tự thiêu mình, còn Ngô tùng Châu thì uống thuốc độc chết để bảo vệ khí tiết của mình.
Võ Tánh, nguyên quán tại làng Phước Tỉnh, tỉnh Bà Rịa, cha mẹ mất sớm, ở với anh là Võ Nhàn.
Bấy giờ Tây Sơn dấy lên, đánh tan Chúa Nguyễn ở phương Nam, Nguyễn Ánh phải bôn tẩu qua Xiêm (Thái Lan). Anh em Tây Sơn để Nguyễn Lữ trấn thủ Gia Định và Nguyễn Lữ xưng là Đông Định Vương.
Các sĩ phu ở miền Nam không phục, trong đó có Đỗ thành Nhân, lập ra đạo binh Đông Sơn, chống lại Tây Sơn. Võ Nhàn ứng nghĩa vào đạo binh nầy. Sau Đỗ thành Nhân bị hại, Võ Nhàn cũng chết theo. Bà dưỡng mẫu đang nuôi Võ Tánh cũng tìm đường lánh nạn, đem Võ Tánh qua ngụ tại Gò Tre làng Thuận Ngãi tỉnh Gò Công. Bà buôn bán tảo tần nuôi Võ Tánh, lúc đó được 10 tuổi. Bà cho Võ Tánh đi học chữ, nhưng Võ Tánh không thích học chữ mà thích học tập võ nghệ, Bà thấy cũng hợp thời nên không ngăn cản.
Đời hỗn loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Vùng Gò Tre thường bị bọn cướp đánh phá. Võ Tánh sẵn lòng nghĩa hiệp, lại biết võ nghệ, nên đứng ra chiêu dụ thanh niên tập hợp chống bọn cướp, bảo vệ thôn làng, đánh bọn cướp nhiều lần thua chạy, nên chúng không dám kéo đến Gò Tre nữa. Võ Tánh bắt đầu nổi tiếng là tay nghĩa hiệp.
Nguyễn Lữ nghe tiếng Võ Tánh nên cho người xuống Gò Công vào Gò Tre chiêu dụ Võ Tánh, nhưng Võ Tánh cự tuyệt. Nguyễn Lữ tức giận đem binh tới bắt Võ Tánh. Bà dưỡng mẫu, trong lúc gấp rút, bảo Võ Tánh chui trốn vào đống rơm, để bà đối phó với quân Tây Sơn. Bọn lính tìm không được Võ Tánh nên khảo tra bà dưỡng mẫu, nhưng bà một mực nói không biết Võ Tánh đi đâu. Bọn lính đành kéo binh về. Bà dưỡng mẫu bị tra tấn nên mang bịnh và chết.
Võ Tánh thù hận không cùng, liền qui tụ các bạn đồng chí, chiêu mộ anh hùng, khởi nghĩa tại Gò Tre. Các nhà hào phú trong vùng ủng hộ tiền bạc mua khí giới chống Tây Sơn.
Võ Tánh được người bạn là Ngô tùng Châu, một bậc văn tài nhiều mưu lược, ra giúp. Ngô Tùng Châu xuất thân là thủ khoa ở huyện Ninh Hoà tỉnh Bình Thuận, vào Gò Công lánh nạn Tây Sơn, kết bạn cùng Võ Tánh.
Bấy giờ, Võ Tánh xưng là Tướng quân, Ngô tùng Châu làm Tham mưu, chỉ huy một đội binh rất có kỷ luật, thường đi cứu khổn phò nguy, khiến mọi người đều mến phục.
Mấy lần quân Tây Sơn của Nguyễn Lữ kéo đến đánh, bị Võ Tánh đánh cho thảm bại trở về, và sau đó không dám kéo tới nữa. Nhờ vậy dân Gò Gông được yên ổn làm ăn.
Khi Nguyễn Ánh ở Xiêm trở về trú tại Vĩnh Long, nghe tiếng Võ Tánh, liền sai sứ giả là Trương phước Giao đem hậu lễ tới triệu. Võ Tánh cùng Ngô tùng Châu và các bạn đồng chí đồng lòng hưởng ứng, xem Nguyễn Ánh là chính thống của Chúa Nguyễn phương Nam. Võ Tánh liền kéo quân qua Vĩnh Long. Võ Tánh dâng Chúa Nguyễn Ánh một quả gạo và một quả trứng gà để làm lễ ra mắt. Kẻ thị thần thấy vậy thì cười khi dể.
Chúa Nguyễn Ánh biết là Võ Tánh có dụng ý nên tiếp đón niềm nở và hỏi :
- Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý trọng, ta muốn biết ý hậu của tướng quân.
Chúa Nguyễn Ánh đem lời trong Kinh Thi khuyến dụ, Võ Tánh thưa rằng :
- Xin Chúa ngự xem, hột gạo trắng trong, trứng gà to tròng đỏ lớn. Hai món thổ sản nầy tượng trưng tấm lòng trung dũng của dân Gò Công, đem kính hiến Chúa.
Nguyễn Ánh cả mừng, xuống ôm Võ Tánh nói :
- Thật quả là Địa linh Nhơn kiệt.
Chúa truyền luộc trứng gà và nấu một chén cháo cho Chúa dùng, còn bao nhiêu đổ vào nồi lớn nấu chia cho tướng sĩ để cùng nếm cái hương vị Trung Dũng của dân Gò Công.
Nguyễn Ánh cảm mến Võ Tánh nên đem em gái là Công chúa Ngọc Du gả cho Võ Tánh. Từ đây, Phò mã Võ Tánh giúp Chúa Nguyễn lập được nhiều chiến công hiển hách, uy danh lừng lẫy, đứng đầu Tam Hùng ở Gia Định .

Nguyễn Ánh lần lần đánh thắng quân Tây Sơn, thâu phục miền Nam, rồi kéo binh ra miền Trung, hạ thành Bình Định. Đây là nơi phát tích của 3 anh em Tây Sơn. Nguyễn Ánh giao cho Võ Tánh và Ngô tùng Châu trấn thủ thành Bình Định, còn Nguyễn Ánh rút đại binh về Gia Định, chỉnh đốn việc cai trị, tích thảo đồn lương, luyện tâp binh sĩ, chờ ngày Bắc tiến. Nguyễn Ánh lúc bấy giờ xưng Vương, gọi là Nguyễn Vương.
Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), Tây Sơn sai 2 danh tướng là Trần quang Diệu và Vũ văn Dũng vào quyết đoạt lại thành Bình Định. Quân Tây Sơn vây phủ 4 mặt. Nguyễn Vương đem quân ra giải vây, nhưng không kết quả. Vương cho lệnh bảo Võ Tánh bỏ thành. Võ Tánh không chịu, lại dâng kế cho Nguyễn Vương, thừa lúc quân Tây Sơn dồn vào đây hãm thành, bỏ trống kinh thành Phú Xuân (Huế), Nguyễn Vương nên đem thủy quân đánh chiếm Huế thì tự nhiên giải vây được thành Bình Định.
Nguyễn Vương y kế thi hành, đem thủy quân chiếm Phú Xuân dễ dàng. Hai tướng Tây Sơn nghe tin Phú Xuân đã lọt vào tay Nguyễn Vương thì cả kinh, chia quân về cứu, nhưng bị tướng Lê văn Duyệt của Nguyễn Vương chận đánh nên không ra được.
Quân Tây Sơn quyết đánh gấp thành Bình Định để rảnh tay cứu viện các nơi khác. Võ Tánh và Ngô tùng Châu trong thành hiểu dụ tướng sĩ và dân chúng trong thành hết lòng chống giặc, ông cố thủ được 2 năm thì trong thành hết lương thực, ăn tới thịt ngựa thịt voi. Tướng sĩ xin Võ Tánh cho liều mình xông ra phá trùng vây, nhưng Võ Tánh không chịu, nói :
- Nếu phá đặng thì giặc vào thành giết hết binh sĩ và dân chúng, lòng ta không nỡ. Ta nhứt quyết ở lại để cứu dân.
Võ Tánh nói với quan Hiệp Trấn Ngô tùng Châu :
- Tôi là võ tướng nên không thể đầu giặc. Trước khi chết, tôi muốn cho giặc thấy nên đã cho chất củi sẵn nơi lầu Bát giác. Bạn là văn thần, chắc giặc không nói đến, bạn nên tự lo liệu để bảo toàn.
Ngô tùng Châu đáp :
- Cùng là bạn tri kỷ với nhau, võ tướng đã tận trung, há văn thần không biết báo ơn Chúa hay sao ?
Nói rồi, Ngô tùng Châu về tư dinh, uống thuốc độc tự tử.
Nghe quân vào báo, Võ Tánh khen Ngô tùng Châu :” Vẻ vang thay cho bậc trung thần Ngô tùng Châu.”
Võ Tánh liền viết một bức thơ cho 2 tướng Tây Sơn Trần quang Diệu và Võ văn Dũng, lời lẽ bi ai thống thiết, phân tích ai vì chúa nấy, phận làm tướng phải chết trước khi thành mất, xin 2 vị tướng quân thương hại đừng giết chết binh lính và lương dân.
Võ Tánh vào mặc triều phục, hướng về Nam lạy Nguyễn Vương rồi giã từ các tướng sĩ, đi lên lầu Bát giác, phóng hỏa tự thiêu.
Mọi người đều rơi lụy. Hồn người trung nghĩa hiển Thánh. Đó là ngày 27-5-Tân Dậu (1801).
Trần quang Diệu kéo quân Tây Sơn vào thành, rất khâm phục khí tiết của Võ Tánh và Ngô tùng Châu, rồi y theo lời cầu xin của Võ Tánh, tha chết cho các binh lính và dân chúng trong thành.
Sau đó, dần dần Nguyễn Vương diệt được Tây Sơn, thu phục giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế, xưng hiệu là Gia Long.
Vua Gia Long truy tặng Võ Tánh là Khâm Sai Chưởng Hậu Quân Bình Tây ThamThặng Đại Tướng Quân, Hoài Quốc Công, tùng tự nơi nhà Thái miếu.
Vua Gia Long cũng truy tặng Ngô tùng Châu : Lễ Bộ Thượng Thư Vinh Hòa Quận Công.

LINH HỒN LÀ BẤT TỬ

Ngọn lửa tinh trung định Nguyễn trào,
Nam bang gầy dựng lắm công lao.
Thủ thành Bình Định, Tây Sơn đoạt,
Phạt ải Đông Kinh, Chúa Nguyễn thâu.
Đế nghiệp xây thành ba thước củi,
Quốc gia vững chặt ít tô dầu.
Anh hùng thân tử, thần vô tử,
Nêu tấm gương trung lại kẻ sau.

VÕ TÁNH

Sưu Tầm
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #6  
Old 11-14-2008, 07:01 AM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default

Tô Huệ chức cẩm hồi văn

Đời nhà Tấn (265-419) ở đất Thần Châu có nàng Tô Huệ có tài văn chương và có nghề thêu rất khéo. Năm nàng 20 tuổi, cha mẹ gả nàng cho chàng hàn sĩ tên Đậu Thao.
Cưới nhau chưa được bao lâu thì đất nước bị giặc Phiên từ phương Bắc kéo binh vào đánh phá Trung nguyên. Vua ra lịnh trưng binh, các thanh niên phải sung quân, lên đường chinh chiến, giữ gìn bờ cõi đất nước.
Đậu Thao, chồng của nàng Tô Huệ, cũng tuân lịnh vua, nhập ngũ tòng chinh.
Thời gian kéo dài ngót 3 năm, nàng Tô Huệ quá nhớ chồng, khiến dung nhan thêm tiều tụy. Đêm đêm bên ngọn đèn khuya leo lét, lòng mong nhớ chồng không nguôi, hồn thơ xúc động, nàng viết ra 10 bài thi tứ tuyệt, lời thơ đầy tình cảm nhớ nhung chan chứa, nàng cầu xin đấng quân vương xét cho hoàn cảnh của nàng, tha cho chồng trở về sum họp cùng nàng.
Nàng lại lấy một bức gấm vuông độ chừng một thước, dùng chỉ ngũ sắc dệt 10 bài thơ tứ tuyệt ấy lên bức gấm, đọc theo lối hình trôn ốc từ ngoài xoay tròn vào trung tâm bức gấm. Nàng thêu khéo, chữ hay, nên bức gấm trông rất đẹp.
Xong nàng đem dâng lên vua. Thấy lạ, vua truyền cho quần thần đọc, nhưng không ai đọc được, vua phải truyền gọi nàng Tô Huệ.
Đứng giữa triều đình, nàng Tô Huệ cất giọng ngâm 10 bài thơ, với một giọng não nùng bi thảm.
Nhà vua thương tài nàng nên đặc cách cho Đậu Thao trở về sum họp cùng nàng.
Bài thơ dệt trên gấm của nàng Tô Huệ được gọi là : CHỨC CẨM HỒI VĂN.
Sau đây là 10 bài tứ tuyệt của Tô Huệ dệt trên gấm :

I/ Quân thừa hoàng chiếu an biên thú,
Tống quân tống biệt hà kiều lộ.
Hàm bi yểm lệ tặng quân ngôn,
Mạc vong ân tình tiện trường khứ.

II/ Hà kỳ nhứt khứ âm tín đoạn,
Ý thiếp bình vi xuân bất noãn.
Quỳnh diêu giai hạ bích đài không,
San hô trướng lý hồng trần mãn.

III/ Thử thời đạo biệt mỗi kinh hồn,
Tương tâm hà thác cánh phùng quân.
Nhứt tâm nguyện tác thương hải nguyệt,
Nhứt tâm nguyện tác lãnh đầu vân.

IV/ Lãnh vân tuế tuế phùng phu diện,
Hải nguyệt niên niên chiếu đắc biên.
Phi lai phi khứ đáo quân bàng,
Thiên lý vạn lý diêu tương kiến.

V/ Thiều thiều lộ viễn quan sơn cách,
Hận quân tái ngoại trường vi khách.
Khứ thời tống biệt lư diệp huỳnh,
Thùy tín kỷ kinh mai hoa bạch.

VI/ Bách hoa tán loạn phùng xuân tảo,
Xuân ý thôi nhơn hướng thùy đạo.
Thùy dương mãn địa vị quân phan,
Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo.

VII/ Đình tiền xuân tảo chánh phân phương,
Bão đắc Tần tranh hướng họa đường.
Vị quân đàn đắc Giang Nam khúc,
Phụ ký tình thâm đáo sóc phương.

VIII/ Sóc phương thiều đệ sơn hà việt,
Vạn lý âm thơ trường đoạn tuyệt.
Ngân trang chẩm thượng lệ triêm y,
Kim lũ la thường hoa giai liệt.

IX/ Tam xuân hồng nhạn độ giang thinh,
Thử thị ly nhơn đoạn trường tình.
Tranh huyền vị đoạn trường tiên đoạn,
Oán kết tiên thành khúc vị thành.

X/ Quân kim ức thiếp trọng như san,
Thiếp diệc tư quân bất tạm nhàn.
Chức tương nhứt bổn hiến Thiên Tử,
Nguyện phóng nhi phu cập tảo hoàn ./.


GIẢI NGHĨA TỪNG CÂU :

C.1 : Chàng tuân chiếu chỉ của vua đi lính thú giữ yên biên giới.
C.2 : Đưa chàng tiễn biệt lối cầu sông.
C.3 : Ngậm sầu nén lệ nói với chàng,
C.4 : Chớ quên ân tình thuận tiện đi xa.
C.5 : Sao lần đi bặt vô âm tín,
C.6 : Lòng của thiếp ở trong phòng the không ấm hơi xuân.
C.7 : Dưới thềm Quỳnh dao bỏ không, mọc rêu xanh.
C.8 : Nơi màn San hô đầy bụi đỏ.
C.9 : Thử thời đường ly biệt, mỗi khi nghĩ tới lòng lo sợ.
C.10 : Đem lòng làm sao gởi đến gặp chàng ?
C.11 : Một lòng nguyện làm trăng ngoài biển xanh,
C.12 : Một lòng nguyện làm mây trên đầu núi.
C.13 : Mây trên núi năm nào cũng gặp chàng,
C.14 : Trăng ngoài biển năm nào cũng chiếu khắp biên thùy.
C.15 : Bay đi bay lại đến bên cạnh chàng,
C.16 : Ngàn muôn dặm xa nhìn thấy nhau,
C.17 : Xa xôi, đường xa, quan san cách trở,
C.18 : Hận chàng ở ngoài biên giới làm khách lâu dài,
C.19 : Khi đi tiễn chàng thì lá cây lau vàng,
C.20 : Ai tin mấy độ hoa mai trắng,
C.21 : Trăm hoa tan tác sớm gặp xuân,
C.22 : Ý xuân thúc giục người hướng về đường nào ?
C.23 : Nhành dương rủ xuống đầy đất vì chàng níu xuống,
C.24 : Hoa rơi đầy đất không ai quét.
C.25 : Trước sân xuân sớm hoa thơm phức,
C.26 : Ôm được cây đàn Tần tranh hướng đến nhà vẽ,
C.27 : Vì chàng mà khảy khúc nhạc Giang Nam,
C.28 : Nhờ gởi mối tình thâm đến phương Bắc,
C.29 : Phương Bắc xa xôi núi sông vượt qua,
C.30 : Ngàn dặm tin thơ cắt đứt đã lâu.
C.31 : Áo bạc trên gối nước mắt thấm vào áo,
C.32 : Tơ vàng, xiệm lụa hoa đều bị chia xé.
C.33 : Ba mùa xuân, chim hồng nhạn qua sông cất tiếng kêu,
C.34 : Ấy là ly biệt người, tình yêu đứt ruột.
C.35 : Dây đàn tranh chưa đứt, ruột đứt trước,
C.36 : Nỗi oán hờn kết thành trước khúc nhạc chưa thành.
C.37 : Nay chàng nhớ thiếp nặng như núi,
C.38 : Thiếp cũng nhớ chàng chẳng tạm yên.
C.39 : Dệt lụa một bức dâng lên Đức Vua,
C.40 : Cầu xin tha cho chồng thiếp kịp sớm trở về ./.

Diễn Nôm bằng thơ :
(của Hoàng Quang)

I/ Chàng vâng chiếu ra yên cõi ngoại
Thiếp đưa chàng tới lối cầu sông
Ngậm sầu gạt lệ nhắn lòng
Chớ tham chốn khác mà vong tình này

II/ Trông tin tức tớinay thăm thẳm
Để buồng hương chẳng ấm hơi xuân
Từ ngày đôi ngả cách phân
Màn dần bụi bám, thềm dần rêu phong

III/ Tưởng ly biệt nỗi lòng kinh sợ
Thiếp với chàng bao thuở gặp nhau
Nguyện làm trăng giữa biển sâu
Nguyện làm mây phủ trên đầu non cao

IV/ Trăng giữa biển năm nào cũng thấy
Mây đầu non dầu mấy cũng thông
Bay qua bay lại bên chồng,
Dầu ngàn muôn dặm, xa trông như gần

V/ Quan sơn ấy mấy lần trở cách
Hềm nỗi chàng làm khách rất lâu
Chàng đi mới ố bóng lau,
Mà nay mấy độ trắng màu hoa mai

VI/ Hoa trăm thức xuân tươi hớn hở,
Xuân giục người than thở với ai ?
Liễu kia rủ những tơ dài
Hoa kia rã cánh không người quét cho

VII/ Sân xuân sớm thơm tho trăm thức
Chốn hoa đường lựa bậc đàn tranh
Giang Nam khúc nhạc đành rành
Mượn đầu năm móng gởi tình sóc phương

VIII/ Sóc phương ấy đôi đường diệu vợi
Âm thư nầy nhắn gởi không thông
Gối riêng nước mắt tuôn dòng
Xiêm thêu áo vẽ lâu cùng mục tan

IX/ Ba xuân tới, tiếng nhàn nhắn gởi
Xuân giục người bối rối như tơ
Năm dây còn đó sờ sờ
Buồn đà đứt ruột, khảy chưa rồi đàn

X/ Chàng thương thiếp tình hơn núi nặng
Thiếp nhớ chàng tình chẳng kém thua
Dệt đem bức gấm dâng vua,
Xót lòng dạ thiếp tha cho chàng về .

Sưu Tầm
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #7  
Old 11-16-2008, 12:06 PM
quehuong quehuong is offline
Nhóm Mài Mực
 
Tham gia ngày: Apr 2006
Bài gởi: 523
Default

Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi

Bạng là con trai, thuộc loài sò hến, nhưng lớn, thịt béo.
Duật là con cò, giống chim mỏ dài, cổ cao, lưng màu tro, lông trắng ở ngực và bụng, thường ở ngoài đồng, ăn các loài sò, hến, hay cá nhỏ. Tục truyền rằng, khi Trời sắp mưa con Duật kêu lên, nên sách Thuyết văn gọi con chim Duật là : Tri Thiên tương vũ điểu (con chim biết Trời sắp mưa). Thời Xuân Thu, người ta dùng lông chim Duật để làm mũ cho các quan coi Thiên văn, nên sách Lễ Ký có câu : Tri Thiên văn giả quan Duật (Người biết Thiên văn là quan đội mão bằng lông chim Duật).
Tương trì là kéo níu lẫn nhau. Ngư ông là ông làm nghề chài lưới. Đắc lợi là được lợi.
Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi là con trai và con cò kéo níu nhau làm ông chài được lợi, vì ông chài túm bắt cả 2 con đem về làm thịt, nấu chung một nồi.
Trong Chiến quốc sách có viết một đoạn nói về “Bạng Duật tương trì, ngư ông đắc lợi” như sau :
Vào Thời Chiến Quốc bên Tàu, 2 nước Yên và Triệu thường đánh nhau. Chiến tranh giữa 2 nước kéo dài từ năm nầy sang năm khác, khiến nhơn lực và tài nguyên của 2 nước bị suy kiệt dần.
Một người nước Yên tên là Tô Đại (anh của Tô Tần) tới yết kiến vua nước Yên là Huệ Vương, tâu rằng :
- Trên đường đi tới đây, tôi đi ngang qua bờ sông Dịch Thủy, thấy một con trai đang há miệng phơi nắng. Lúc đó một con cò đáp xuống, thấy thịt trai có vẻ ngon, thò mỏ mổ vào thịt trai, con trai lập tức khép chặt miệng lại, kẹp cứng mỏ cò. Hai con trì níu nhau một hồi lâu.
Con cò bảo :
- Hôm nay mầy không há miệng ra, ngày mai mầy không há miệng ra, mầy sẽ chết đói.
Con trai đáp :
- Hôm nay mầy không rút được mỏ ra, ngày mai mầy cũng không rút được mỏ ra, mầy cũng sẽ chết đói.
Hai con tiếp tục trì kéo nhau, không con nào chịu buông tha con nào.
Một ông chài đi ngang trông thấy, mỉm cười thích chí, thò tay túm bắt cả 2 con : trai và cò, đem về nhà làm thịt, nấu chung một nồi, gia đình ông chài được một bữa ăn ngon lành.
Hiện nay, nước Triệu đang muốn đánh và thôn tính nước Yên; nước Yên cũng đang chuẩn bị đánh lại. Hai nước cứ tiếp tục đánh nhau, khiến dân chúng 2 nước điêu linh khổ sở, người và tài nguyên thiệt hại, chẳng khác chi hai con trai và cò trì kéo lẫn nhau.

Tôi e rằng nước Tần hùng mạnh kia sẽ đóng vai ngư ông, chờ 2 nước Yên và Triệu không còn đủ sức tự vệ nữa thì đem quân thôn tính của 2 nước. Vua Yên Huệ Vương cho là lời nói của Tô Đại rất xác đáng, giựt mình tỉnh ngộ, khen thưởng Tô Đại là người thấy xa biết rộng, rồi cử Tô Đại làm sứ giả, đi qua nước Triệu giảng hòa, bãi việc chiến tranh.

Sưu Tầm
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 01:53 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.