Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 06-03-2013, 05:28 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default Mùa hè năm Petrus - Lê Văn Nghĩa

Không sex, không thời thượng bằng ngôn ngữ, thành ngữ hiện đại, không bạo lực nhưng quyển truyện dài Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tái bản lần thứ ba (với 6.500 bản) chỉ trong vòng năm tháng. Theo NXB Trẻ, đấy là con số ước mơ trong tình hình xuất bản sách hiện nay.

Với văn phong, ngôn ngữ đơn giản, đôi lúc nhẹ nhàng nên thơ và chắc chắn là hài hước của Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước, Lê Văn Nghĩa đã đưa người đọc trở về thời học sinh dưới mái trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong ngày nay) cũng như các trường Gia Long (Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), Trưng Vương, Chu Văn An... Nói chung là cả một thế hệ học sinh ngày ấy.



Không chỉ thế, Mùa hè năm Petrus còn dẫn dắt người đọc đi lại những con đường Sài Gòn xưa với những địa danh, những rạp hát, những quán ăn chỉ còn trong ký ức người Sài Gòn. Người xưa đọc để nhớ, người trẻ tuổi đọc để tìm hiểu và người miền khác đọc để biết thêm một địa danh với những người có tính cách Người Sè... Goòng - một vùng đất đầy tình thương, chia sẻ và dung nạp.

Có phải như vậy không mà Mùa hè năm Petrus đã được nhiều thế hệ học sinh Petrus Ký - Lê Hồng Phong, Gia Long - Minh Khai, Trưng Vương, Võ Trường Toản... trong và ngoài nước đón nhận. Và không những thế, Mùa hè năm Petrus cũng được bạn đọc Hà Nội - một thị trường rất kén sách miền Nam - tìm đọc. Với tình hình này, NXB Trẻ lạc quan tiên đoán có thể lượng phát hành tác phẩm sẽ lên đến con số 10 ngàn cuốn.

(05-2013)
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 06-03-2013, 05:31 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 1

Thi xong đệ nhất lục cá nguyệt, tụi học sinh lớp tứ 7 thở phào, coi như cái ải đầu tiên trong năm học này đã qua. Đứa nào cũng vui vì không đứa nào bị điểm dưới trung bình. Nhớ lại ngày nhập trường dường như chỉ mới đâu đây thôi. Nhìn lại những khuôn mặt lấm tấm những mụn trứng cá, có thằng bắt đầu đã có râu mép lún phún như tấm gương soi để thấy mình đã lớn. Nhập trường với tập vở mới, quần áo mới, thầy cô mới và ngay cả phòng học cũng mới. Quan trọng hơn, không thằng nào nói ra điều tự hào bí mật: Nhập trường nghĩa là chúng đã lên được một lớp. Tụi nó đã lớn hơn năm ngoái. Lớp đệ tứ là lớp cuối cùng của bậc trung học đệ nhất cấp. Lớp đàn anh của những lớp buổi chiều của trường Petrus Ký. Tụi nó thấy mình quan trọng hơn, chững chạc hơn bọn nhóc đệ thất, đệ lục, đệ ngũ – ba lớp mà tụi nó đã trải qua với những ngô nghê nhìn bọn đàn anh đệ tứ với những ước mơ người lớn. Tụi nó có thể đi nghênh ngang vào trường, nhìn những thằng lớp dưới bằng đôi mắt đàn anh. Lớp đàn anh không sợ ai hết ngoài các thầy giám thị và giáo sư.
Ba tháng đã trôi qua nhanh cái vèo với những môn kim văn, cổ văn, toán, lý, hóa, sử, địa… những môn học mà thầy Minh – giáo sư hướng dẫn của lớp đã nói “… căn bản của lớp đệ nhị. Nếu các em nào chăm, học thật kỹ thì lên năm đệ nhị các em vừa học vừa chơi cũng đậu Tú tài 1 như giỡn. Nhưng các em nào chơi mà không học thì coi chừng vào quân trường mà chơi.” Thằng Cường mông – thằng học sinh Bắc kỳ duy nhất trong lớp, chuyên mặc áo Mongtagut đi học bạo phổi dám nói leo với thầy “nhưng làm sao để lên được đệ tam hả thầy?”. “Do các em thôi. Chỉ cần học những gì các thầy cô dạy em trong lớp là các em dư sức lên đệ tam”. Tụi nó phải ráng học vì các giáo sư năm đệ tứ kiểm tra bài rất chặt. Đứa nào không thuộc bài là bị cấm túc chép phạt bài mình không học.
Những sinh hoạt thường niên trong đầu năm học cũng trôi qua thật nhanh. Bầu cử trưởng lớp, trưởng ban văn nghệ, báo chí, xã hội… để lo những hoạt động trong lớp và của trường. Năm rồi thằng Hòe được mấy đứa trong lớp bầu làm lớp trưởng vì nó học giỏi lại hiền lành như con gái, đứa nào cũng có thể ăn hiếp được. Bởi vậy, khi bắt đầu cuộc bầu trưởng lớp dưới sự điều khiển của giáo sư hướng dẫn, thàng Lý đen, vốn chuyên cọp dê môn Anh văn của thằng Hòe, đã giới thiệu thằng này ra ứng cử chức trưởng lớp như năm ngoái. Thằng Thạch giơ tay, đứng dậy nói:
- Thưa thầy, thưa các bạn, tui xin được giới thiệu bạn Tuấn lược ứng cử lớp trưởng vì tui thấy thằng… ủa anh Hòe, học thì giỏi, hiền nhưng anh Hòe chỉ có học thôi chứ năm qua không làm được gì cho lớp trong sinh hoạt.
Thằng Cường giơ tay:
- Tui xin ứng cử trưởng lớp
Đột nhiên thằng Hòe đứng dậy:
- Tui xin được không ứng cử trưởng lớp vì tui thấy tui không có khả năng như anh Thạch nói, còn thằng Lý đen đề cử vì nó có cảm tình với tui. Tui xin không ứng cử trưởng lớp.
Nhiều thằng trong lớp bất ngờ với ý kiến của thằng Hòe vì được làm trưởng lớp nghĩa là cũng có uy tín nhất định với anh em trong lớp, được giáo sư hướng dẫn tin cẩn để giao sổ điểm – một bí mật mà tụi nó thường muốn biết khi bị kêu lên bảng trả bài hoặc trong hai kỳ thi lục cá nguyệt. Những lúc này, thằng trưởng lớp được các bạn săn đón một cách đặc biệt bằng những chầu cháo huyết, nước rau má của ông già Tàu mặc quần sọt đội nón cối nhựa. Được uy quyền như vậy mà thằng Hòe không khoái thì đứa nào cũng lạ thiệt. Nhất là thằng Lý đen, ngồi gần thằng Hòe, hết được hưởng đặc ân ngồi gần trưởng lớp nên nó hơi tức làm da mặt nó càng đen them. Hai năm đệ lục và đệ ngũ, thằng Hòe hưởng “đặc quyền” không bao nhiêu nhưng thằng Lý đen thì không bỏ lỡ cơ hội. Mỗi khi được thằng Hòe, vì cảm tình riêng, cho thằng Lý đen xem sổ điểm, thằng này không những xem điểm của nó mà còn xem điểm của vài đứa khác, sau đó nó nói úp mở cho mấy thằng đó biết là nó đã biết điểm của tụi nó. Thế là thằng Lý đen được mấy thằng này khao ăn cháo huyết, thằng nọ khao ăn bánh dừa, bánh su kem của chị Lan ngồi bán ngay hành lang gần nhà vệ sinh trong những giờ ra chơi, thằng khác thì bao uống nước rau má. Thằng Hòe không ra tranh cử thì thằng mất quyền lợi đầu tiên là thằng Lý đen.
Không còn đứa nào đề cử hoặc tự ứng cử trưởng lớp nên thầy Minh, giáo sư hướng dẫn gút lại danh sách hai ứng cử viên la Cường và Tuấn. Riêng thằng Hòe vừa là trưởng lớp cũ, lại không nằm trong danh sách ứng cử viên nên được thầy Minh giao cho trọng trách là trưởng ban điều hành bầu cử. Sau dó thầy đi ra ngoài để tụi nó được tự nhiên bầu bán. Thằng Hòe ra đứng giữa lớp nói:
- Ai bầu cho thằng Cường mông làm trưởng lớp, giơ tay lên
Tất nhiên thằng Cường giơ tay và ba thằng ngồi cùng bàn với nó. Thêm hai cánh tay ở phía xóm nhà lá là thằng Hoàng và Thuật nhưng thằng Hoàng vội vàng rút tay lại khi thằng Hòe đếm “phiếu”. Thằng Cường không được lòng mấy đứa trong lớp vì tính tình hống hách, hay chơi kiểu trên của nó. Lúc nào thằng này cũng khoe ba nó là đại tá trưởng ty. Nó đã hứa với thằng Thuật nếu thằng này đi lính thì nó sẽ giới thiệu cho ba nó bảo lãnh về quân vụ thị trấn ở đường Lê Văn Duyệt. Thằng Thuật liền ủng hộ thằng này một phiếu dù nó biết rằng là thằng Cường không thể nào bằng thằng Tuấn.
- Thằng Cường được năm phiếu. Còn ai bầu cho thằng Tuấn, giơ tay lên.
Chỉ trừ mấy thằng đã giơ tay hồi nãy, còn bao nhiêu thằng trong lớp thì giơ tay lên hết. Thằng Hòe tổng kết:
- Thằng Tuấn được 40 phiếu… Ủa thằng Thuật giơ tay hồi nãy rồi mà.
- Tao quên
- Thằng Tuấn được 39 phiếu. Ủa còn thiếu đâu một phiếu hả?
Thằng Lý đen nãy giờ cú thằng này lắm nên lên tiếng:
- Bộ mầy rút tên rồi không giơ tay hả? Còn thiếu mày chứ thiếu ai?
- Ừ hé. Thằng Tuấn được 40 phiếu làm trưởng lớp
Tụi nó liền vỗ tay chào mừng trưởng lớp cho năm đệ tứ. Sau đó, tụi nó lần lượt bầu trưởng ban báo chí là thằng Dũng, trưởng ban văn nghệ là thằng Chương, trưởng ban xã hội là thằng Thạch, trưởng ban học tập là thằng Hòe, trưởng ban thể thao là thằng Khải. Riêng trưởng ban kỷ luật thì tụi nó bầu cho thằng Ngầu vì thằng này là vua phá trong lớp. Thành tích nổi bật của nó là từ năm đệ thất đã dám đánh lộn với thằng học Chu Văn An lớn con hơn nó. Hình ảnh mà tụi nó nhớ mãi sau trận đá banh ở sân Lam Sơn là thằng Ngầu - nhỏ xíu con - cầm dây khóa xe đạp quay quay trên tay làm thằng học sinh Chu Văn An sợ quá, nhảy lên xe, co giò đạp xe chạy một mạch. Trong lớp, không đứa nào dám đụng với thằng Ngầu chỉ trừ thằng Cường vì thằng này đi học bằng xe Jeep do lính của ba nó lái xe chở tới trường.
Thật ra, trong những trưởng ban này thì chỉ có trưởng ban xã hội "làm việc" nhiều nhất vì năm nào cũng phải có việc vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, cháy nhà một hai lần. Kế đến là trưởng ban văn nghệ vì hằng năm phải lo chương trình văn nghệ tất niên còn các trưởng ban khác thì chỉ có "chức quyền" nhưng không có hoạt động chi mấy. Mấy năm trước tụi nó không để ý nhưng khi được biết các lớp khác sinh hoạt hiệu đoàn sôi nổi nên năm nay tụi nó cũng quan tâm đến hai trưởng ban văn nghệ và báo chí. Khi bầu đến trưởng ban văn nghệ thì có hai ứng cử viên. Một là thằng Hữu, trưởng ban văn nghệ năm ngoái và thằng Chương được thằng Mai đề cử. Thằng Mai nêu lý do:
- Thằng Hữu chơi đàn hay, có máy khuếch đại âm thanh nhưng nó lại hay đem mấy thằng học Lasan Taberd chơi ban nhạc chung với nó vào lớp chơi, không cho anh em trong lớp đàn hoặc biểu diễn văn nghệ. Làm sao cho văn nghệ liên hoan tất niên trong lớp mình anh em đều chơi được thế mới là công bằng. Tui xin đề cử thằng Chương. Sở dĩ tui đề cử thằng Chương vì tui được biết nó đang học ở trường Quốc gia Âm nhạc với thầy Nguyễn Hữu Ba...
Nhiều ý kiến khác ủng hộ ý kiến của thằng Mai nên thằng Chương đắc cử trưởng ban văn nghệ. Kế tiếp là trưởng ban báo chí. Cũng có hai ứng cử viên. Thằng Ninh trưởng ban báo chí năm đệ ngũ và một ứng cử viên mới là thằng Dũng.
Thằng Thạch là người đề cử thằng Dũng. Thằng nay cho rằng thằng Ninh là trưởng ban báo chí nhưng không làm được ngay cả tờ bích báo. Trong khi đó, thằng Dũng mặc dù không phải là trưởng ban báo chí nhưng đã tự tay làm được đến hai tờ báo in ronéo hẳn hoi. Thằng Dũng đã huy động anh em trong lớp viết bài, làm thơ đưa cho nó. Muốn viết gì thì viết, chủ yếu là những chuyện trong lớp, trong trường nhưng không được viết chửi nhau - mà bài vở loại này chiếm gần phân nửa bài viết mà nó nhận được. Những bài loại này không qua được bàn tay kiểm duyệt của "nhà báo" Dũng. Rồi nó tự sắp xếp bài vở. Phải có lời nói đầu thay cho xã luận do nó viết với lý do ra đời tờ báo - phải có thơ, phải có văn đầy đủ. Trang nào thiếu bài, còn trống thì nó sưu tầm mấy câu lời hay ý đẹp. Trình bài hình ảnh cũng do hcính tay nó vẽ lên giấy stencil. Sau đó, nó chạy đi in ở các tiệm ronéo đường Lý Thái Tổ. Khi tờ báo đã được in ronéo xong, nó đem vào bán lại cho mấy thằng trong lớp. Thằng Dũng vừa là người kêu tụi trong lớp viết báo, sau đó kêu tuị nó bỏ tiền ra mua báo. 50 tờ báo nó bán hết cái vèo trong vòng hai ngày vì thằng nào có viết bài cũng mua để xem chủ nhiệm Dũng có đăng bài của mình không. Còn những thằng không có viết bài thì cũng mua báo để xem có thằng nào viết nói xấu mình không. Thằng nào có bài được đăng thì hí hửng mua hai ba tờ để về nhà khoe với ba má còn những thằng không được đăng bài thì chửi thề, tuyên bố là nhất định lần sau không thèm viết nữa vì cho rằng thằng chủ nhiệm kiêm bán báo, kiêm họa sĩ trình bày đã ém tài nó. Thề thốt, giận hờn không thèm nhìn mặt thằng Dũng vậy mà khi thằng này kêu gọi viết bài cho số báo kế tiếp thì những thằng không được đăng lần này lại hăng hái hơn những thằng đã được đăng đang sống trong niềm tự hào là nhà văn, nhà thơ vĩ đại của lớp đệ ngũ 7.
Chuyện thằng Dũng tự huy động mấy đứa trong lớp thực hiện tờ báo bằng ronéo vang ra khỏi địa bàn lớp ngũ 7 vì mấy lớp kia chỉ làm bích báo là chính. Báo ronéo sang trọng hơn nhiều so với bích báo vì bài viết được đánh máy, có hình kèm theo cạnh bên tên tác giả còn to hơn cái tựa bài. Tờ báo được đóng thành cuốn y như các tờ báo đang bán ngoài sạp thì không sang trọng sao được? Phía trang cuối càng oách hơn khi có dòng chữ "Thực hiện: Dũng và học sinh lớp ngũ 7 trường Petrus Trương Vĩnh Ký. In 50 cuốn tại nhà in ronéo Hải. Chỉ bán cho học sinh lớp ngũ 7". Học sinh các lớp khác khi nhìn thấy tờ báo "Ngũ Bảy" đều không khỏi trầm trồ và mong ước lớp mình có tờ báo như vậy. Nhưng làm sao có được khi lớp tụi nó không có thằng Dũng - một thằng đã thừa hưởng không khí làm báo từ nhà in mà nó đang theo làm thợ học việc rã chữ typo chứ không phải học làm nhà báo.
Vì vậy, khi thằng Thạch giới thiệu thằng Dũng thì cả lớp vỗ tay. Thằng Ninh - trưởng ban báo chí năm đệ ngũ đứng lên xin phát biểu. Thằng Thạch thấy thằng Ninh đứng lên thì nó cũng đứng lên theo, định cướp lời thì thằng Hòe nói:
- Xin mời anh Ninh...
Thằng Thạch ngồi xuống có vẻ hậm hực vì biết thằng Ninh sẽ chống lại ý kiến đề nghị của nó. Thằng Ninh nói hơi cà lăm - trong những lúc xúc động hay trả bài thằng Ninh thường bị tật này:
- Tui... tui... xin rút tên... tui thấy... thằng Dũng... hay... hay... hơn tui...
Tụi trong lớp ồ lên, xì xào rồi vỗ tay làm cho thằng Hòe không biết là tụi nó vỗ tay để bầu cho thằng Dũng hay vỗ tay khen ngợi thái độ thằng Ninh. Tụi tứ 7 có thói quen đồng ý thì vỗ tay và khi không đồng ý thì cũng vỗ tay mà vỗ tay còn lớn hơn khi đồng ý nữa.
Khi mấy thằng trưởng ban và trưởng lớp mới đắc cử trình diện trước lớp thì thằng Chương nói:
- Tui sẽ tổ chức tất niên mà các bạn trong lớp sẽ vui vẻ và chơi thả ga. Chỉ mời khách tham dự còn học sinh lớp mình chơi văn nghệ là chính. Tụi mình sẽ lập ban văn nghệ cho lớp.
Còn thằng Dũng thì hứa;
- Tui hứa sẽ làm thêm mấy tờ báo cho lớp tứ 7 của mình. Năm nay mình sẽ làm tờ báo dầy hơn...
Sau khi học sinh bầu xong trưởng lớp và các trưởng ban trong từng lớp của mình thì khoảng chừng 10 ngày sau trường bắt đầu tổ chức bầu cử ban đại diện học sinh. Một liên danh tranh cử phải có gồm ba trưởng lớp. Các trưởng lớp có quyền ứng cử ban đại diện học sinh nếu như thành lập được một liên danh. Sau khi được ban giám hiệu đồng ý, các liên danh sẽ vận động tranh cử bằng các hình thức như dán bích chương để giới thiệu chân dung các ứng cử viên, đi nói chuyện với các lớp về chương trình tranh cử. Không khí trong trường đầu năm học, vì chưa phải thi lục cá nguyệt nên đầy sự chộn rộn, hào hứng. Năm nay, các lớp đệ tứ - là đàn anh các lớp buổi chiều, nên cũng được các "anh lớn" chọn mặt gửi vàng, chọn vào trong liên danh tranh cử.
Thằng Tuấn, trưởng lớp tứ 7, được anh Liên học đệ nhất B3 và anh Quốc lớp đệ nhị A2, mời đứng vào liên danh tranh cử. Liên danh của anh Liên tranh cử cùng với liên danh của anh Hà đệ nhất C, anh Tạ đệ nhất B1 và Hóa tứ 5. Mỗi liên danh phải đưa ra đường lối hoạt động của mình để cải thiện và nâng cao sinh hoạt hiệu đoàn cho nhà trường.
Thằng Dũng nhớ lại không khí bầu cử chộn rộn nhất là ở khu vực cổng vào trường của học sinh. Những tấm bích chương khổ lớn của hai liên danh được đóng vào các thân cây dọc hai bên đường vào lớp. Mỗi tấm bích chương của các liên danh đều được trình bày thật đẹp với những khẩu hiệu thật kêu như "Hãy bầu cho liên danh Liên, Quốc, Tuấn - những người đại diện xứng đáng cho bạn" hoặc "Liên danh Hà - Tạ - Hóa - những đại diện mà bạn mong đợi cho sinh hoạt của nhà trường". Thằng Tuấn đã gặp thằng Dũng để nhờ vẽ bích chương cho liên danh của nó.
- Mày vẽ ba chân chung của anh Liên, anh Quốc và tao cho thật giống nha
- Mặt mày thấy ghê, mụn không, vẽ giống mày ai dám bầu?
- Thì mày bỏ mấy cái mụn đi, ai biểu mày vẽ thêm vào làm gì.
- Thôi, tao lấy mặt của anh Hai mày để vô bích chương là ai cũng sợ mà phải bầu
Thằng Dũng biết chỗ nhược của thằng Tuấn là nó không muốn đứa nào chọc nó là em của giám đốc Nha cảnh sát đô thành. Trong lớp, thằng Cường lúc nào cũng tự hào và ra vẻ ta đây là con một ông đại tá trưởng ty nhưng từ khi nó biết rằng anh thằng Tuấn từ một giáo sư trường luật khoa được biệt phái sang làm giám đốc Nha cảnh sát đô thành thì cũng có kiêng nể thằng này một chút.
- Thôi mày ơi, mày vẽ dùm tao đi, chọc quê hoài
Thằng Dũng căn dặn:
- Mày phải giấu không được nói mày là em của anh mày nghe.
- Sao vậy?
- Tụi tao ghét cảnh sát lắm. Tụi học sinh các lớp khác biết mày là em giám đốc Nha cảnh sát đô thành là tụi nó không có bầu đâu. Tao nữa, tao cũng không bầu nhưng tại mày là bạn tao, tao biết mày hiền nên tao bầu.
- Sao mà ghét? Cảnh sát là ban của dân mà
- Bạn... bạn cái cù loi. Cảnh sát chuyên môn đi bắt quân dịch, làm tiền người nghèo. Mà nội cái chuyện anh mày ra lệnh bắt người ngồi xe gắn máy, xe đạp không được ngồi hai bên cũng đủ làm người ta ghét rồi.
- Ừ, tao không nói đâu. Tao biết đẻ ra nhiều thứ chuyện này tao không ứng cử đâu.
- Mày vô liên danh này ứng cử để làm gì?
Thằng Tuấn thiệt tình:
- Tao cũng không biết nữa. Anh Liên đến tìm tao mời tao vào chung liên danh với ảnh vì ảnh thấy tao học giỏi, có thể thuyết phục các trưởng lớp khác bầu cho liên danh ảnh. Ảnh nói cứ đứng chung liên danh với mấy ảnh, còn mọi chuyện để ảnh lo. À quên nữa... mấy cái chương trình vận động tranh cữ mày viết giống chữ in nghen... Có được thơ để cổ động thì càng tốt.
- Tại mày chung liên danh với hai cha này chứ tao thấy cái mặt mấy chả là muốn không bầu rồi.
Trong bích chương cổ động ứng cử của liên danh thằng Tuấn, thằng Dũng vẽ ba khuôn mặt của ba ứng cử viên Liên, Quốc, Tuấn với những nét góc cạnh như tranh của họa sĩ Duy Liêm trong những bìa nhạc. Phía dưới là những câu thơ do thằng Dũng nghĩ ra dựa vào chương trình ứng cử của liên danh này "Muốn cho được đá banh nhiều/Có nhiều sinh hoạt chiều chiều ta chơi/Hãy bầu Liên Quốc Tuấn bạn ơi/Vừa chơi, vừa học cái nào cũng hay". Khi thấy thằng Dũng đang ngồi cặm cụi vẽ bích chương, ba nó cười bảo:
- Học sinh ứng cử ban đại diện cũng giống như ứng cử dân biểu Hạ nghị viện vậy. Cũng bích chương, thơ ca cổ động om sòm hé.
Đúng là cổ động om sòm thiệt!
Hai liên danh đó chia nhau đi từng lớp để nói chương trình tranh cử của mình giống như các ứng cử viên dân biểu lên đài truyền hình vận động tranh cử. Chỉ khác hơn là không khí ở từng lớp khi các ứng cử viên ban đại diện đến thì rất náo nhiệt. Cái vui trước hết là tụi nó được nghỉ học, dù chỉ là nửa tiếng - phần vui còn lại là từ những câu hỏi và câu trả lời rất chi là... không liên quan đến bầu cử.
Khi liên danh của thằng Tuấn đến lớp tụi nó để vận động tranh cử, thằng Thạch đề nghị:
- Nếu đắc cử làm đại diện học sinh thì mày không nên lúc nào cũng bỏ lược trong túi. Quê một cục.
Lời nhắc nhở của thằng Thạch làm thằng Tuấn quê không biết để chỗ nào cho hết. Bên cạnh cây bút máy lúc nào thằng Tuấn cũng có cây lược trong túi để chải tóc. Tóc nó lúc nào cũng nằm ép sát xuống mái đầu vì anh chàng thường xuyên chải đầu khi cảm thấy có cọng tóc nào đó đang nằm ngoài đám tóc ngoan ngoãn. Tụi thằng Thạch, thằng Dũng rất ngứa mắt với cây lược vì tụi nó cho rằng cây lược là "phụ tùng" của bọn con gái. Phải có mái tóc khá là lãng tử như tóc của thằng Dũng, thỉnh thoảng năm thì mười họa mới gội một lần hoặc tóc của thằng Thuật - để tóc "bom-bê" như tứ quái Beatles. Tất nhiên, tóc của thằng Tuấn là tóc tiêu chuẩn của các giám thị hành lang, người chuyên theo dõi tóc tai quần áo của học sinh khi vào trường.
Để bọn học sinh không lợi dụng không khí vận động bầu cử để đùa giỡn - chuyện thường xảy ra ở những lớp mà liên danh này đã đến - anh Liên nói về chương trình hoạt động của liên danh mình:
- Liên danh Liên, Quốc, Tuấn chúng tôi sẽ đề cử với trường mở thêm phòng tập bóng bàn, phòng tập võ thuật Vovinam để các bạn có thể tập võ thuật. Ngoài ra sẽ mở thêm những giờ dạy thêm miễn phí do học sinh giỏi dạy kèm cho học sinh còn yếu...
- Mấy anh có xây hồ bơi như trường Gia Long không?
- Liên danh chúng tôi nghĩ rằng mình không thể hứa những gì ngoài tầm tay của mình vì việc xây hồ bơi cần phải có số tài chánh lớn. Chương trình làm việc của liên danh chúng tôi là làm những gì cần thiết và có thể thực hiện được. Chúng tôi không muốn hứa những gì mà chúng tôi không có khả năng thực hiện...
Thằng Chương đứng lên hỏi:
- Học sinh sẽ sinh hoạt văn nghệ như thế nào?
- Trong ban đại diện của liên danh chúng tôi có anh Trang, học trò của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba sẽ đảm trách phần sinh hoạt văn nghệ của toàn trường. Sẽ có phòng sinh hoạt văn nghệ chung với phòng tập bóng bàn với dàn dụng cụ âm nhạc. Ngoài ra liên danh chúng tôi, nếu đắc cử sẽ lập những tiểu ban để lo việc sinh hoạt cho hiệu đoàn luôn chiếm hạng cáo khi sinh hoạt chung với các trường ban.
- Mấy anh làm sao cho mấy ghệ trường Gia Long học chung với học sinh trường mình được không?
Mấy đứa trong lớp vỗ tay, cười và huýt sáo để ủng hộ cho câu nói đùa của thằng Thuật. Tụi nó không ngờ anh Quốc trả lời rất bản lĩnh:
- Tui nói thiệt với mấy bồ nha, tụi này còn muốn hơn các bồ nữa nhưng lúc đó sợ mấy bồ không còn thời gian để học nữa vì mấy đứa con gái Gia Long là chúa nhõng nhẽo.
- Sao anh biết?, thằng Thuật hỏi tiếp.
- Ba tui là học sinh Petrus Ký, má tui là nữ sinh trường Gia Long mà tui không biết sao được.
Câu trả lời, không biết thật hay chỉ là lời nói chơi, được tụi nó vỗ tay ủng hộ còn hơn ủng hộ chương trình tranh cử của liên danh này. Mấy thằng ngồi ở xómnhà lá nói với nhau:
- Liên danh này "tàn chi quái đao" hơn liên danh Hà, Tạ, Hóa tụi bây há. Bầu cho liên danh này nghe.
Vài hôm sau, thùng phiếu được ban tổ chức bầu cử mang đến tận lớp cho tụi nó bỏ phiều bầu trực tiếp. Tất nhiên là lớp thằng Dũng bầu cho liên danh của bộ ba Liên - Quốc - Tuấn với số phiếu tuyệt đối với lý do vô cùng dễ hiểu là trong liên danh này có người của lớp nó. Sau khi ban tổ chức kiểm phiếu, liên danh Liên - Quốc - Tuấn được 65 phần trăm số phiếu bình chọn của học sinh toàn trường và đã trở thành ban đại diện học sinh của niên học này.
Chộn rộn với những sinh hoạt hiệu đoàn, lo lắng với "có danh gì với núi sông" của Nguyễn Công Trứ, thân phận nàng Kiều của Nguyễn Du, với bài đại số, những vòng tròn tiếp tuyến... tụi nó đã quên thời gian qua nhanh. Để rồi ngày thi đệ nhất lục cá nguyệt đã đến, đã đi và tụi nó vừa thở phào. Tuổi học sinh là tuổi gắn liền với những kỳ thi và những tiếng thở phào.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 07-18-2013, 05:47 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 2


Trong lúc xếp hàng chờ vào lớp, thằng Dũng hỏi thằng Thạch:
- Mày có được đi bán báo xuân ở trường Da lợn không?
Thằng Thạch nhìn ra sân trường, nơi có bức tượng của ông Trương Vĩnh Ký bằng đồng nhìn thẳng ra đường Cộng Hòa:
- Đâu phải ai cũng được đi đâu mậy? Mày có được đi không?
Dũng nói với giọng hơi tự hào:
- Tao nghe anh trưởng khối báo chí trường mình nói tao được chọn đi, đại diện cho mấy lớp đệ tứ. Buổi chiều chỉ được chọn một lớp đệ tứ thôi vì mấy lớp đệ ngũ, đệ lục quá nhỏ.
- Làm sao mày được chọn vậy?
Lần này thì thằng Dũng tự hào thật:
- Tao có bài thơ đăng trong báo xuân
Có lẽ việc được đăng bài thơ trong báo xuân của trường không làm thằng Dũng sướng bằng được đi bán báo ở trường nữ trung học khác, nhất là trường Gia Long. Trường Gia Long với những nữ sinh mặc áo dài trắng, bay phất phới trong những giờ tan trường, trắng cả con đường Bà Huyện Thanh Quang, Phan Thanh Giản là ước mơ của những cậu con trai trường Petrus Ký. Trong giới học sinh đã từng có câu thiệu "trai Petrus Ký, gái Gia Long" nghĩa là con trai trường Petrus Ký chỉ có con gái học trường Gia Long mới xứng tầm với nhau thôi và ngược lại. Tuy nhiên, con gái học Gia Long cũng kênh kiệu lắm. Như là con nhỏ Xuân Chi trong hẻm nhà nó. Thi thoảng, có dịp đi ngang con đường Phan Thanh Giản, nhìn vào cổng trường Gia Long thâm nghiêm, cổ kính, thằng Dũng thấy một dọc những hàng cây nhạc ngựa chạy thẳng tắp. Đọc mấy truyện dành cho tuổi mới lớn nó thấy có nhà văn viết “Bên trong tâm hồn những đứa con gái là những bí mật” thì trường Gia Long đối với nó cũng bí mật không kém. Vậy mà vài hôm nữa nó được sang trường Gia Long để bán báo rồi. Không biết có gặp con nhỏ Xuân Chi không? Phải cho nó biết mình cũng có làm thơ được đăng trong giai phẩm xuân của trường Petrus Ký chứ bộ.
Đâu phải ai cũng được có bài đăng trong giai phẩm xuân đâu. Mỗi năm, còn khoảng hai tháng trước tết là anh trưởng khối báo chí trong ban đại diện của trường viết thông báo kêu gọi học sinh các lớp viết bài tham gia giải phẩm xuân của trường. Trước đó có cuộc họp của trưởng ban báo chí các lớp để chọn chủ đề cũng như cách thức nộp bài, thời hạn, chọn tranh bìa. Thằng Dũng cũng được tham dự vì nó là trưởng ban báo chí của lớp tứ 7.
Nó nhớ lại buổi họp với trưởng ban báo chí các lớp đàn anh. Cuộc họp được tổ chức vào buổi sáng vì mấy lớp đệ tam, nhị, thất của trường học vào buổi sáng. Khi vào cất xe, nó cảm nhận được một điều là dọc theo những hàng cây dầu đầy những xe Mobylette đen, Mobylette xanh, Velosolex, Sach, Puch… lại có cả một vài chiếc xe rất lạ mà mấy anh lớn thường nói đến tên nó với vẻ chiêm ngưỡng “xe Honda”. Chỉ có những học sinh nhà giàu mới đi xe đó. Cũng như chỉ có học sinh nhà giàu mới dám mặc áo Mongtagut, quần may bằng vải terylene đi học. Còn đa số bọn học sinh lớp trung bình cũng như nó đều mặc áo trắng, quần kaki xanh, cả tuần mới giặt, chỉ cần lấy tay đập vào là bụi bay mù mịt. Nhưng tụi nó không lấy thế làm mặc cảm. Ăn thua là trong lớp có là học sinh giỏi hay không mà thôi.
Anh trưởng khối báo chí của trường học lớp đệ nhất ban C – ban văn chương. Mấy anh học ban này thường có dáng vẻ của những nhà văn gầy gầy, gương mặt đăm chiêu và viết văn thơ thì khỏi chê. Nghe nói anh trưởng khối báo chí đã viết văn thơ được đăng trên báo Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc gì gì đó. Anh đứng giữa lớp, cạnh tấm bảng như các giáo sư, nói năng lưu loát về tờ giai phẩm xuân năm nay. Anh trưởng khối báo chí của trường nói xong thì những anh trưởng ban báo chí các lớp khác cũng giơ tay phát biểu ì xèo. Thằng Dũng thấy quá khớp, ngồi im re để nghe. Sao các anh lớp lớn, anh nào nói cũng hay hết!
Sau một cuộc họp mà nó chỉ nghe, buổi chiều vào lớp, thằng Dũng xin cô Khả cho nó được nói với các bạn trong lớp về việc viết văn, thơ cho giai phẩm xuân. Sau khi đồng ý cho lớp nghỉ nửa tiếng, cô Khả đi ra ngoài để cho thằng Dũng thuyết trình về việc nó được “phó hội” với các “anh lớn” sáng nay. Không cần biết là thằng Dũng sẽ nói cái giống gì, hay hoặc dở nhưng được nghỉ học giờ toán của cô Khả là tụi nó mừng hết biết. Dân học sinh Petrus Ký thứ thiệt đứa nào chẳng biết câu “nhất Khả nhì Lôi”. Khi cô Khả vừa ra khỏi lớp, cả lớp liền ồn ào, mạnh đứa nào đứa nấy nói. Thấy tình hình có vẻ nguy ngập, thằng Tuấn trưởng lớp, đứng dậy quay xuống phía dưới khu “nhà lá” nói:
- Ê, tụi bay cho thằng Dũng nói chứ.
Thằng Thuật, ngồi cùng thằng Hoàng, thằng Trung ngồi tuốt dãy bàn dưới cùng nói vọng lên:
- Viết văn giống “Vòng tay học trò” được không mậy?
Cả lớp cười lên cái rần. “Vòng tay học trò” là quyển truyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng viết về chuyện tình yêu của một nữ giáo sư với một đứa học trò trung học, quyển truyện đang trở thành đề tài nóng bỏng. Bọn học sinh chuyền tay nhau xem quyển sách ấy với đủ lời bình phẩm khác nhau. Thằng Thuật cứ vào trong lớp là cúi gằm mặt xuống bàn xem rồi bình phẩm với thằng Hoàng và thằng Trung – những thủ lĩnh của xóm nhà lá. Thằng Thuật, nổi danh với cái quần ống túm chật bó, thuộc loại đàn anh của lớp vì lớn tuổi hơn bọn thằng Dũng, học năm đệ tứ coi như là năm cuối cùng vì đến tuổi phải đi quân dịch. Nếu may mắn đậu bằng trung học đệ nhất cấp thì sẽ đeo lon trung sĩ, nếu không sẽ thuộc loại lính “đơ-dèm cùi bắp”. Bởi vì học năm cuối cùng nên nó chẳng còn có vẻ sợ kỷ luật của trường. Dầu gì thì cũng tự ra khỏi trường mà!
Thằng Dũng run run giọng nói:
- Chủ đề của giai phẩm xuân năm nay là tình yêu quê hương. Nếu viết như Vòng tay học trò mà yêu quê hương thì cũng được.
Thằng Ninh lật đật góp phần chọc vào chỗ yếu của thằng Thuật:
- Thằng Thuật mần thơ về cô Trang là rụng rún luôn
- Viết về tình yêu với mấy con ghệ Da lợn, Trứng vữa được không?
Thằng Dũng nói gần như rên lên:
- Tụi bay ơi, tao thông báo theo ý kiến của ban báo chí trường, tụi bay muốn viết gì thì viết.
- Viết nhạc được hôn?
Thằng Long ghita hỏi. Thằng này chơi đàn ghita nghe ngọt như đường phèn, thụ hưởng được tài năng âm nhạc từ bố nó là nhạc sĩ thổi sáo nổi tiếng trên đài phát thanh và các chương trình ngâm thơ Tao Đàn. Nó khoái chơi ghita vì nó mê nhân vật Hoàng ghita trong tiểu thuyết – một nhân vật anh chị giang hồ mà khá lãng mạn. Chơi đàn ghita có thể đệm cho các em hát nhạc Trịnh Công Sơn chứ thổi sáo phải phùng mang, trợn má, nhiều khi thổi văng nước miếng tùm lum như nó thấy ba nó đã từng, không có lãng mạn tí nào.
- Được, nhưng đừng có viết theo kiểu làn điệu dân ca
- Nhưng tao ở trong ban Dân Ca của thầy Ba.
Thằng Thuật huýt gió:
- Mày ở trong ban dâm ca chứ dân ca cái gì. Mày mà viết được bài hát cỡ “Trường cũ tình xưa” là tao cõng mày đi khắp trường.
Thằng Long cũng không vừa:
- Ừ, mày nói thầy Ký mần thơ đi, tao phổ nhạc không hay quá chết.
- Dám nói nhạc hay cỡ nhạc của thầy Cương lắm
Thằng Hà giơ tay, trịnh trong:
- Kính thưa “trưởng ban báo chí” em có thể vẽ tranh bìa, tranh mấy trang trong không?
Cái vụ này thằng Dũng không nghe đề cập đến trong buổi họp làm giai phẩm sáng nay nhưng nó cũng đáp bừa:
- Mày vẽ cái gì cũng được, miễn đừng vẽ con gái ở truồng thôi.
- Ý, nó vẽ con gái ở truồng đẹp mà, sao không cho nó vẽ?
Trong đầu thằng Dũng nghĩ “không biết nó nhận lời làm trưởng ban báo chí lớp làm chi cho khổi vầy nè”. Nhưng đây là một trong những buổi sinh hoạt hiệu đoàn trong lớp như thầy Minh nói “rất cần thiết…”
Sinh hoạt hiệu đoàn là một trong những tiêu chí giáo dục trong chương trình học của trường Petrus Ký. Các thầy hiệu trưởng, qua nhiều thời kỳ, trong nhiệm kỳ của mình đều thúc đẩy học sinh, ngoài việc học cần thường xuyên tham gia sinh hoạt hiệu đoàn. Thầy Minh, giáo sư hướng dẫn của lớp thằng Dũng đã nói trong buổi học đầu tiên của năm nó lên đệ tứ:
- Trường ta mong muốn các em, ngoài việc học chăm chỉ, còn dành thời giờ để tham gia những sinh hoạt hiệu đoàn như làm công tác xã hội, chơi thể thao, văn nghệ, báo chí… Các em học trong trường bảy năm, nghĩa là tính cách của các em sẽ được định hình thông qua những sinh hoạt hiệu đoàn nào các em ưa thích. Sau đó, sự lựa chọn này có thể để các em chọn ngành vào đại học. Thầy thí dụ như… à… à các em có biết cầu thủ Phàm Huỳnh Tam Lang không?
Cả lớp đồng thanh:
- Dạ biết thầy
Thằng Mai tài lanh:
- Dạ, ổng là chồng của nghệ sĩ Bạch Tuyết bảy chú lùn đó thầy.
- Ổng đá thủng lưới giải Merdeka thầy.
Thầy Minh chờ cơn phấn khích của tụi nó qua đi rồi hỏi:
- Các em còn biết gì thêm không?
Tụi nó im re, tắt cái đài, đứng phim cái cụp.
- Anh Tam Lang là học sinh trường Petrus Ký.
- Té ra ông Tam Lang cũng có đi học nữa hả thầy? Em tưởng cầu thủ đá banh không ai đi học hết.
Thầy Minh trả lời câu hỏi của thằng Phạm Anh Ninh – vua phá an ninh trong lớp – bây giờ đã được cả lớp bầu là trưởng ban kỷ luật.
- Chẳng những có đi học mà còn học rất “suya” nữa.
Thế là tụi nó vỗ tay, thổi tu huýt miệng kêu “hoét … hoét”. Thầy Minh đắm chìm vào kỷ niệm với Tam Lang:
- Hồi đó ở trong lớp ảnh đá banh giỏi lắm. Ảnh là trưởng ban thể thao trong lớp thầy. Ảnh là cầu thủ số 1 của nhà trường.
- Giống như thằng Khải cao hả thầy?
- Khải cao là cầu thủ nào?
- Dạ, cầu thủ, trưởng ban thể thao lớp tứ 7, cầu thủ xuất sắc của trường Petrus Ký, đàn em của Tam Lang.
- Đâu, Khải cao đứng dậy thầy coi.
Thằng Khải cao, do ở ngoài sân vận động nhiều nên người đen thui, nhưng tụi nó thấy mặt thằng này cũng đỏ lên, từ dãy bàn cuối lớp đứng dậy. Thằng Việt làm xướng ngôn viên:
- Khải cao, lực sĩ môn điền kinh thiếu niên toàn quốc đó thầy.
Thầy Minh nhìn thằng Khải nói:
- Thầy mừng cho em. Nhưng mà phải cố gắng học giỏi nha em. Ở trường, việc học vẫn là chính. Đừng bao giờ trở thành cầu thủ giỏi mà không có văn hóa. Hãy là người có văn hóa trước. Trường học là nơi dạy con người có văn hóa. Thầy nói lại, có gạch đít, trường học là nơi dạy các em trở thành người có văn hóa. Các em nên nhớ người có tri thức chưa chắc là người có văn hóa nghe chưa.
- Nhớ lời thầy nói nghe Khải… Không được chửi thề nghe mậy, Thằng Thạch chọc quê thằng Khải – vua chửi thề trong các trận đá banh.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 07-18-2013, 05:48 PM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 3


Đâu phải chỉ có mình thằng Dũng hồi hộp khi được bước vào ngôi trường Gia Long cổ kính đầy những tà áo dài trắng mà cả những anh lớn thuộc loại ăn nói hùng hồn, đầy tính triết học như anh Quân trưởng khối báo chí của trường. Chị trưởng khối báo chí của trường Gia Long đã đón tiếp phái đoàn học sinh bán giai phẩm xuân của trường Petrus Ký rất là thân tình và trân trọng. Chị tên là Trâm, người mỏng manh, mái tóc dài bỏ lửng xuống bờ vai. Ngồi trong phòng hiệu đoàn học sinh để chờ giờ ra chơi, chị Trâm hỏi anh Quân:
- Nghe nói chủ đề báo xuân năm nay của trường Petrus rất hay. Hình như giáo sư hướng dẫn báo chí của các anh là giáo sư Vũ Ký.
- Vâng, thầy cũng có đọc bài của tờ giai phẩm này và góp nhiều ý kiến
Bỗng chị Trâm nhìn qua thằng Dũng với cặp mắt như dò hỏi. Anh Quân hiểu cái nhìn đó nên nói liền:
- À, đây là em Dũng, học lớp đệ tứ. Em có bài thơ được đăng trong giai phẩm.
Mặt thằng Dũng đỏ lên vì nó có cảm giác hình như bao nhiêu máu trong cơ thể gầy nhom của nó chạy đồn lên hết trên mặt. Nó nghe giọng người Petrus này có vẻ tự hào. Phải tự hào chứ ngồi hội đàm cùng “địch quân” mà! Người Gia Long vẫn tiếp tục lịch sự hạ mình:
- Thật ra cái nghề viết văn làm thơ là của mấy anh thôi. Nhà thơ, nhà văn toàn là nam giới thôi chứ nhà thơ, nhà văn nữ thì đếm trên đầu ngón tay. Anh biết tại sao không?
- Chắc tại phái nam có tài hơn phái nữ
- Hổng phải anh ơi. Tại phái nam toàn bị phái nữ cho leo cây không, mấy ổng về, mấy ổng thất tình nên làm thơ hay vậy mà.
Tiếng chuông báo giờ ra chơi vang lên trong không khí im lặng, tĩnh mịch của ngôi trường rêu phong, mang đậm màu hoài cổ của thời gian, như cái kim nhọn chọc vỡ cái bong bong. Tiếng òa vỡ, rộn ràng trong ngôi trường mang tính đằm thắm dịu dàng và kỷ luật nghiêm ngặt cũng không khác gì tiếng reo vui của dân Petrus sau khi tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi. Bao nhiêu căng thẳng bắt nguồn từ sự tập trung trong giờ học được giải tỏa. Những cánh áo trắng túa ra trắng cả sân trường. Khác với học sinh tiểu học, giờ ra chơi của những học sinh trung học không có nhảy lò cò, đánh đáo, bắn đạn, tạt lon mà chỉ là những đôi bạn, những nhóm đứng nói chuyện, chạy xuống quầy bán hàng trong trường để mua bánh, nước ngọt… Tiếng chuông reng của giờ ra chơi là người bạn đường không thiếu được của đời học sinh. Tiếng chuông reo lúc này là sự cứu nguy cho anh Quân đang đực mặt ra vì câu nói của cô trưởng khối báo chí Gia Long lém lỉnh.
Quầy bán giai phẩm xuân được đặt chính giữa sân trường. Trên bàn là những chồng giai phẩm xuân được đặt ngay ngắn để giới thiệu cái bìa báo màu xanh da trời với màu cam tươi in đậm chữ giai phẩm xuân Petrus Ký và một gương mặt cằn cỗi bị bao quanh bởi những hàng rào dây kèm gai. Le lói từ xa là ánh mặt trời đỏ tía. Tuổi học trò đang bị đe dọa bởi chiến tranh. Học sinh lúc đó luôn mơ được thoát khỏi cửa ải quân dịch bằng cách phải học, phải đậu. Bìa báo do một họa sĩ học sinh trong trường vẽ mà thầy Đặng Công Hầu giáo sư môn hội họa đã vô cùng khen ngợi.
Chị Trâm phát biểu trước máy vi âm:
- Hôm nay học sinh trường bạn Petrus Ký…
Cô mới nói tới đó thì tiếng vỗ tay vang lên rào rào, làm các cu cậu sướng tê người. Người Gia Long ái mộ người Petrus quá! Bọn Chu Văn An đừng có tưởng bở. Trai Petrus, gái Gia Long vẫn là số dách.
- … đến trường ta để giới thiệu và bán giai phẩm xuân.Mong các bạn ủng hộ, trước mua vui, sau làm việc nghĩa. Giờ ra chơi sẽ kéo dài thêm 10 phút nữa để các bạn mua báo xuân…
Anh Quân hắng giọng, nói trước micro:
- Thưa các bạn, ông bà ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Báo chí xuân học sinh như là những miếng trầu thân ái mở đầu những câu chuyện thân tình của những người bạn với nhau. Hôm nay, học sinh Petrus chúng tôi nhân mùa xuân về, đem miếng trầu cay đến để giới thiệu với những người bạn gái Gia Long những tình cảm chân thành. Mai đây, rồi chúng ta sẽ rời bỏ ngôi trường yêu dấu của mình để tung bay vào vạn nẻo đường đời nhưng những kỷ niệm đời học sinh sẽ vẫn còn mãi vì nó đã được ghi đậm bằng những áng văn chương thời học sinh, lưu trên trang giấy…
Tiếng vỗ tay, khen ngợi không ngớt. Các cô gái Gia Long bình phẩm:
- Anh này nói hay y như diễn giả vậy ta!
- Nghe muốn rụng rún luôn
- Coi cũng bô giai hé mấy bồ
- Y như “Alen đờ lá”, em của Alen đờ lông tụi bay ơi.
Thằng Dũng không ngờ anh Quân nói hay như vậy. Giọng nói nhẹ nhàng, như ru, ví tờ giai phẩm xuân như miếng trầu để mở đầu câu chuyện với các em Gia Long. Tiếng chòng ghẹo vẫn vang lên sau lưng của Dũng:
- Sao dân Bê-lắc-Ký mà ốm nhom như thằng ghiền vậy.
Thằng Dũng nghe nóng ran lỗ tai. Nó biết rằng mấy “em” Gia Long đang chọc nó. Ai nói con gái hiền như “sương khói chiều giăng”.
Từng cánh tay đưa ra với tờ giấy 10 đồng để đón nhận tờ giai phẩm. Có cả những đồng tiền keng. Phải chăng đây là những đồng tiền nhịn ăn sáng, tiết kiệm để mua những món quà dành riêng cho nữ giới, bây giờ lại được dùng để ủng hộ tinh thần cây mùa xuân văn nghệ. Các cô gái giở từng trang báo còn thơ mùi mực in. Mùi mực typo, mùi giấy chính là tâm hồn nhà văn mang đến cho người đọc. Người yêu văn chương đến với người viết, đầu tiên bằng những con chữ tải lên giấy bằng mực typo. Chưa có áng văn chương nào nói đến mùi mực mà chỉ có những ấn công – thợ sắp chữ trong nhà in, những thợ đứng máy in mới cảm hết được mùi thơm của mực. Thằng Dũng cảm được điều đó. Hằng ngày nó nghe mùi mực typo từ những khay chữ chì chờ được tụi nó rã ra, rồi trả lại vào từng ô chữ. Nó cảm nhân được mùi mực, mùi máy in, mùi văn chương từ trong không khí của nhà in. Khi trao tờ giai phẩm cho một cô gái Gia Long nào đó, nó bỗng như nghe mùi thơm từ mực tỏa ra từ các bài viết và bài thơ “con cóc” của nó. Nó nhớ lại cảm giác khi được thầy Vũ Ký, giáo sư môn kim văn, và là giáo sư cố vấn khối báo chí của trường hỏi:
- Lê Hoàng Dũng là em nào?
Dũng vội đứng dậy.
Gảy gảy điếu thuốc, nhìn Dũng qua cặp kiếng cận, thầy nói giọng Huế đặc sệt:
- Nhà thơ tương lai đây hả?
Nói xong thầy cười. Thằng Dũng quá ngạc nhiên không biết tại sao thầy Vũ Ký lại biết nó làm thơ. Như để giải tỏa khức mắc của nó, giáo sư Vũ Ký nói tiếp:
- Trò gửi bao nhiêu bài cho giai phẩm xuân vậy?
Dũng đáp lí nhí:
- Dạ, thưa thầy một thôi ạ.
Tiếng thằng Ninh vang lên, thằng này nhỏ xíu con, như con choi choi, nhưng không hiểu làm sao mà giọng nói của nó nghe vang lảnh lót:
- Nhà thơ mà thầy, chỉ cần một bài thôi.
Thầy Vũ Ký rít hơi thuốc lá. Hai ngón tay của thầy vàng đến sậm nhưng thầy không ngừng đốt thuốc. Hết điếu này thầy liền mồi ngay điếu thuốc khác. Thằng Hùng sùi, mặt đầy mụn, nhận xét “thầy sợ tốn tiền mua diêm quẹt nên mồi thuốc liền liền cho đỡ tốn”. Thầy hỏi vui thằng Ninh:
- Sao trò tên Ninh mà trò mất an ninh quá vậy?
Thằng Hùng sùi nhào vô ăn có liền:
- Dạ thầy, nó tên An Ninh nhưng mà nó họ Phạm, thầy. Phạm An Ninh nên tối ngày nó cứ làm mất an ninh không.
Cả lớp vang lên tiếng cưới vì nhận xét dí dỏm của thằng Hùng sùi. Giáo sư Vũ Ký gật gật cái đầu:
- Người ta là Nguyễn An Ninh còn trò là Phạm An Ninh, hèn gì…
Nhờ thằng Ninh mà không an ninh, thằng Dũng thoát qua khỏi cửa ải thầy Vũ Ký vì nó sợ rằng, thầy đem thơ của nó đọc cho cả lớp nghe thì giờ ra chơi sẽ tới số với tụi trong lớp. Nhưng nó cũng mừng vì nó đã biết bài thơ của nó được thầy Vũ Ký khen, sẽ được đăng trong giai phẩm xuân của trường.
Vậy mà khi đứng đây, giữa ngôi trường đầy những hương thơm và đôi chút lung linh huyền thoại, nó – một nhà thơ của trường Petrus Ký lại không có được một em gái Gia Long nào đọc thơ nó, để mà ngưỡng mộ những dòng thơ trôi thăm thẳm “mỗi chiều vương chút khói sương, em về khuất nẻo dặm trường xa quê” ngọt ngào, êm dịu như thơ của Nguyễn Bính mà nó nắn nót chép đầy trong sổ tay của nó. Thầy Ký chẳng nhận xét là thơ nó mang đầy âm hưởng của thi sĩ Nguyễn Bính đó sao.
- Ơ… ơ… Dũng… Dũng cũng qua đây bán báo nữa hở?
Lồng ngực nó rộn lên. Nó nghe nóng bừng mặt. Cuối cùng điều nó chờ đợi cho buổi bán báo này cũng đến. Nhưng để tỏ ra mình thuộc loại có tầm cỡ, nó im lặng, tiếp tục bán báo, coi như pha cú nhận người quen của con bé Xuân Chi.
- Dũng… Dũng có viết bài trong giai phẩm không… Cho Chi xem với.
Mặt nó như vênh lên, giọng nói bỗng dưng rất phiêu bồng:
- Có. Trong giai phẩm có đăng của Dũng một bài thơ.
Con bé Xuân Chi, lắc lắc hai bím tóc, lật lật mấy trang báo hỏi:
- Đâu đâu, chỉ cho Chi xem với.
Lúc này thì thằng Dũng không còn lo bán báo, không còn bận tâm đến những cô bé Gia Long đang chờ để mua báo. Nó đang tự chiêm ngưỡng kỳ công của nó là bài thờ “khói sương” đang được Xuân Chi cắm cúi đọc. Một cô bé khác, đang đứng cạnh Xuân Chi, cúng chúi mũi vào đọc ké, rồi phát biểu oang oang:
- Đúng là thi sĩ… ròm.
Xuân Chi móc tiền trong chiếc ví cầm tay nhỏ ra đưa cho nó:
- Dũng bán cho mình tờ báo đi, nhớ ký tên ngay bài thơ nha.
Dũng sốt sắng:
- Ơ… ơ… Dũng tặng cho Chi tờ báo xuân… Chi không cần phải mua. Dũng ký tên ngay đây, ngay dưới bài thơ.
Như vậy là chuyến đi vào trường Gia Long bán báo xuân, đối với Dũng là một thành công ngoài mong đợi. Trường Gia Long có Xuân Chi. Có một cô bé hàng xóm ngày ngày đi qua ngõ nhà của Dũng. Không chào nhau. Chỉ liếc nhìn. Cả hai đang đọ sức lẫn nhau như trường Gia Long đang đọ sức với trường Petrus Ký. Một cuộc đọ sức giữa những “địch quân” nhưng lại vô cùng tình thương mến thương âm thầm từ truyền thống “Anh Petrus, em Gia Long”. Tờ báo xuân – trong đó có bài thơ con cóc của Dũng – đã trở thành miếng trầu giao duyên giữa Dũng và cô tiểu thư trong cái xóm nghèo của nó. Mặc dù buổi giao duyên trầu cau này có thể làm nó nhịn quà sáng. Mà như vậy vẫn còn quá rẻ. Nếu có thể tốn kém hơn, nó vẫn chấp nhận. Khi đã trở thành thi sĩ rồi thì nó chẳng màng đến chuyên ăn, nghe vô cùng phàm phu tục tử. “Thật là tàn chi quái đao”, nó nghĩ thầm như reo câu mà thằng Thạch trong lớp nó hay nói.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 07-18-2013, 05:49 PM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 4


Thằng Thạch được mấy thằng trong lớp, mà có lẽ bắt đầu từ thằng Khải, đặt cho cái hỗn danh là “tàn chi quái đao”. Từ ngày đọc tiểu thuyết võ hiệp “Lệnh xé xác” thằng Thạch mê nhân vật Dương Chí Tôn có đường đao “tàn chi” chuyên xé xác địch thủ thì nó thường nói “tàn chi quái đao” để tỏ ý là “số 1” hay “Ok năm - bờ oan”. Hôm nay, thằng Dũng nghe mùi xà bông Camay toát ra từ người thằng Thạch. Sau khi nhét cái cặp vào hộc bàn, nó nhìn thằng Dũng cười cười rồi nói nhỏ:
- “Ê, chút xíu nữa tao cúp cua hai giờ sau...”
- “Mầy dám cúp giờ bà Thiên Lôi sao? Bả hay gọi trả bài bất tử lắm đó.”
- “Nhưng kẹt quá. Ghệ hẹn tao chiều nay rồi. Bỏ hẹn đâu có được. Nhưng tao biết lúc này giữa niên học, bả không có bắt trả bài, dằn mặt tụi mình như lúc đầu niên học đâu. Tao nhờ mầy một chuyện nghen...”
- “Cái gì? Viết thư tình cho ghệ mầy nữa hả?,
Cái môn viết thư tình thằng Thạch rất kém, nó chỉ có đánh lộn là “tàn chi quái đao” mà thôi. Vậy mà, khi đọc mục kết bạn tâm tình bằng thư tín báo “Phụ Nữ Diễn Đàn” nó cũng liều mạng viết thư để kết bạn tâm tình. Nó lọc đâu ra được khoảng tám cái tên con gái mỹ miều, học sinh các trường nữ trung học Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng, cũng trạc bằng tuổi nó rồi nó gửi thư làm quen. Sau một thời gian, nó chỉ cồn viết thư cho một nữ sinh Trưng Vương. Nhưng con nhỏ này viết thư bay bướm, văn chương tràn đầy mà thằng Thạch thì cái khoản này xem như mù tịt. Nó bèn kêu cứu đến quân sư Dũng - vì thằng này thuộc loại giỏi văn chương, hồn thơ lai láng nổi tiếng trong lớp. Thoạt đầu thằng Dũng không chịu vì nó còn bận lo làm thơ để gửi cho báo Tuổi Hoa... Nhưng thằng Thạch năn nỉ quá, vả lại thằng Dũng nhớ đến cái ơn thằng Thạch đã cứu bồ nó khi nó bị mấy thằng bên lớp tứ 9 ăn hiếp nên đồng ý sáng tác thư tìm bạn bốn phương giùm cho thằng này.
- “Không phải. Khi nào bà Thiên Lôi điểm danh đến tên tao mầy la có nghe. Nhưng tao biết ít khi bả điểm danh lắm. Khi tan học, mầy mang cặp ra giùm tao. Tao đợi mày dưới nhà để xe.”
Tụi nó thường giúp đỡ lẫn nhau trong chuyện điểm danh. Khi trưởng lớp gọi đến tên thằng đã cúp cua thì thằng ngồi cạnh bên la “có”. Thằng Tuấn trưửng lớp biết nhưng nó cũng phải chấp nhận ghi vào sổ điểm danh dấu chéo - ký hiệu cho sự có mặt trong lớp học.
- “Nhưng lỡ bả kêu mày lên trả bài thì sao?”
- “Tao biết mà. Bả ít khi kêu lên trả bài lắm.”
Khi hết giờ ra chơi, thằng Thạch thơ thẩn ở khu vực phòng thí nghiệm, nằm cạnh bên lớp thất 9. Khu này nằm sát bên hông phần đất của trường Đại học Sư phạm và có một hàng rào cao ngăn cách với sân vận động Lam Sơn. Đây là khu đất tuyệt vời - một phần đất dành cho dân chuyên cúp cua, trốn ra khỏi trường trong vòng vài tiếng.
Sau khi tất cả học sinh đã vào lớp, khu vực này trở nên im ắng. Người ta chỉ nghe tiếng các giáo sư đang giảng bài vang ra từ ba lớp đệ thất nằm cùng dãy với phòng thí nghiêm. Ba lớp đệ thất 7, 8, 9 - với môn sinh ngữ tự chọn khi thi vào trường là tiếng Anh - nằm riêng, tách hẳn khỏi những lớp đệ thất khác. Khu lớp học này đi ra khoảng sân rộng với hai hàng cây dầu cao vút, phía tay mặt là các dãy nhà để xe và nhìn thẳng cổng ra vào đường Cộng Hòa. Thằng Thạch cũng như những thằng học sinh lớp tứ 7 bây giờ, đã từng học ở lớp thất 7. Nó nhớ lại năm đầu tiên vào trường, bọn nó không dám bén mảng vào “khu vực trung tâm”, nơi có đặt bức tượng cụ Trương Vĩnh Ký chính giữa sân cột cờ, nhìn thẳng vào dãy hành lang giáo sư hoặc gọi là hành lang danh dự vô cùng thâm nghiêm đến nỗi lạnh ỉẽo. Học sinh được gọi lên phòng giám thị thường đi bên ngả hành lang của các lớp đệ ngũ, nằm phía bên tay trái từ trong khuôn viên nhà trường nhìn ra đường Cộng Hòa. Còn lớp tứ 7 của thằng Thạch chỉ cần đi vài bước quẹo qua tay mặt là phòng của các giáo sư nghỉ ngơi trong giờ ra chơi hoặc ngồi chờ đợi, đọc báo, kháo chuyện trước giờ dạy. Từ hành lang học sinh có thể đến thư viện của nhà trường, một căn phòng nằm ở trên lầu, mà đứng ở đây học sinh có thể nhìn ra đường Cộng Hòa nơi có xe bán nước rau má của ông già Tàu, mặc quần xọt rộng thùng thình trên đầu hay đội cái nón cối bằng rơm và một xe bán trái cây ngâm cũng của một bà người Tàu. Muốn ngắm các chị sinh viên Khoa học đại học đường, đại học Sư phạm thì không gì bằng đứng nhìn từ thư viện của trường. Không thằng nào khám phá ra điều này chỉ trừ thằng Thạch. Nó không hề chia sẻ cái bí mật của nó cho thằng bạn nào biết.
Đứng bâng khuâng, nhìn các dãy lớp đệ thất một lúc, những phòng học mà nó không đặt chân tới từ khí trở thành những lớp đàn anh, chỉ trừ những khi cúp cua. Nhìn dáo dác, không thấy bóng dáng của các thầy giám thị hành lang, nó liền trổ tài “phi thân” lên bức tường ngăn cách khuôn viên trường và sân vận động Lam Sơn. Từ trên bức tường, nó nhảy xuống đất và nơi đây có con đường hẻm đi thẳng ra đường Trần Bình Trọng. Nó quẹo qua tay mặt để đến đường Nguyễn Hoàng đón xe buýt đi đến chỗ hẹn: quán nước đối diện cổng Hội Việt Mỹ ở 55 Mạc Đĩnh Chi vì cô bạn thư tín của nó đang học thêm tiếng Anh tại Hội Việt Mỹ.
Thằng Dũng phát hiện ra nó có mùi thơm thoang thoảng là đúng nhưng nó không dám nhận vì sợ “quê” với thằng này. Trước khi đi học, nó lén lấy chai nước hoa của chị nó xịt xịt vài cái vào hai bên nách, hai bên cổ theo cách mà nó thường thấy chị nó hay làm trước khi đi dự tiệc cưới hay cái “bum” nào đó. Chị nó thường nói con trai hôi rình con gái nó không thích, nhưng cũng đừng như một chai dầu thơm biết đi, rực mủi ngay từ đàng xa như thế người ta gọi là đàn ông ngựa.
Nó tháo cái phù hiệu mang tên trường cất vào túi. Tụi học sinh Petrus Ký thứ thiệt không bao giờ muốn chứng tỏ mình là học sinh Petrus Ký khi ra đường. Tụi nó chỉ mang phù hiệu khi vào trường vì bị bắt buộc. Học sinh nào bị giám thị bắt vì đi học mà không mang phù hiệu sẽ bị cấm túc ngày chủ nhật, vậy mà tụi nó cũng cố tình vi phạm. Thằng Thạch không muốn đeo phù hiệu trước mặt cô bạn gái vì nó muốn chứng tỏ mình đã... lớn, vì nó thấy mấy lớp đàn anh thường làm như vậy chứ nó tự hào vì nó là học sinh Petrus Ký lắm. Con nhỏ trường Trưng Vương này kết nó làm bạn vì nó là học sinh trường Petrus Ký văn hay chữ tốt, mà nhỏ này đâu có biết văn hay là của thằng Dũng, phần nó chỉ được chữ tốt mà thôi.
Trên túi áo nó dắt một cây bút Pilot, có cài nắp viết màu vàng. Đây là cách nó tạo sự chú ý theo lời dạy của thầy Đặng Công Hầu từ năm đệ thất mà nó còn nhớ tới nay “hãy tạo một điểm nổi bật trong tranh cũng như trong cách ăn mặc sẽ được người ta chú ý. Thí dụ như anh đang mặc cái áo đen thì anh có thể cài một cây bút màu vàng thì cây bút màu vàng sẽ nổi bật”. Vụ vẽ tranh thì nó không làm được chứ trong chuyện ăn mặc này thì nó cũng có thể làm được, chỉ cần gắn cây viết có màu vàng lên túi áo là xong. Học sinh chính hiệu dầu cù là Miến Điện Macphsu.
Nó chễm chệ ngồi xuống ghế trong quán nước, gọi một chai Coca kèm theo miếng chanh và muối để làm thanh cái giọng nói đang vỡ tiếng khàn khàn như vịt đực của nó. Trên tay nó cầm theo tờ nhạc “Đò chiều” của Lam Phương theo yêu cầu của cô bé Trưng Vương. Cô bé này có vẻ mê chiếu bóng lắm nên trong thư viết cô khen phim này hết mức làm cho nó phải tốn hết năm đồng chui vào rạp xi-la-ma thường trực để xem chàng tài tử La Thoại Tân “bô trai” như con gái và kỳ nữ Kim Cương trong một mối tình có cả con đò làm chứng. Xem xong nó không nhớ gì hết ngoài cái cảnh kỳ nữ ngồi khỏa thân cho họa sĩ La Thoại Tân vẽ. Chỉ tiếc một điều là nó chỉ thấy được đôi vai chứ chẳng thấy hết. Cô bé Trưng Vương muốn đặc điểm nhận dạng giữa hai người bạn lần đầu tiên gặp nhau là bản “Đò chiều” với lời nhạc “một buổi chiều trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều...” mà nó nghe chừng như sầu thê thảm.
Nó vừa uống xong ngụm Coca đầu tiên thì một chiếc áo dài trắng xuất hiện. Bỗng dưng nó như bị điện giật nhẹ, thoáng qua, người nó run lên. Lần đầu tiên nó hẹn hò với một đứa con gái. Trấn tĩnh lại, nhận xét đầu tiên của nó là con nhỏ này mập thù lù, mặt hơi mụn. Nhìn dáo dác và khi thấy thằng Thạch với ám hiệu là tờ nhạc, cô bé đi lại bàn. Thằng Thạch kéo cái ghế trước mặt ra ý mời con bé ngồi xuống:
- “Thạch đợi Oanh có lâu chưa?"
Cái giọng nói nghe còn được, thằng Thạch tự nhận xét tiếp rồi trả lời:
- “Hơn mười lăm phút rồi.” Nó nổ một chút để cho con nhỏ nay ghi nhận sự cực nhọc của nó. “Oanh uống gì, ờ thôi con gái thì uống xá xị con cọp hé..”
Nó phải ép con nhỏ uống xá xị vì nó sợ con bé này nổi hứng gọi món gì mắc tiền thì nó hết tiền đi xe buýt về trường.
- “Dạ, Oanh uống xá xị. Hôm nay lớp Oanh ra trễ vì thầy Hồ Liên Biện siêng dạy quá, đến giờ nghỉ còn ráng dạy thêm một chút xíu nữa. Thạch biết thầy Biện không?”
- “Thầy Biện mà ai không biết, ổng điều khiển trong chương trình “Đố vui để học” của đài truyền hình, ủa mà ổng dạy ở Hội Việt Mỹ nữa à?”
- “Ờ, thầy dạy lớp bảy cho tụi Oanh. Còn chừng năm lớp nữa tụi Oanh thi Proficiency rồi. Mấy lớp trên là giáo sư người Mỹ dạy."
- “Oanh học cuốn gì vậy?”
- "English for today, cuốn 4.”
Nó nói với vẻ hãnh diện vì trong chương trình học ở trường thằng Thạch mới học cuốn 3. Bỗng dưng sực nhớ, con Oanh hỏi:
- “Ủa mà chiều nay Thạch phải đi học mà?"
- “Đúng rồi. Nhưng Oanh hẹn thì mình phải tìm mọi cách để cúp cua đi gặp Oanh chứ. Lỡ có bị cấm túc thì cũng phải chịu thôi.”
- “Oanh quên mất cứ tưởng Thạch cũng học buổi sáng."
- “Không sao. Chỉ cần tối nay về, mình gạo một chút là xong bài. Môn sử địa dễ ẹt hà.”
- “Ừ, Oanh sợ nhất môn toán...”
- “Còn mình sợ nhất là môn sinh ngữ. Toán giúp cho mình suy nghĩ rất là... rất là... Zero... Ze ro tất.”
- "...?"
Thạch bẽn lẽn, cười xòa:
- “À quên. Trong lớp mình có thầy Dĩnh dạy toán. Vào lớp ổng cứ dê rô tất, dê rô tất nên tụi bạn trong lớp mình đặt cho ổng cái biệt danh là ông dê rô tất. Nhưng thầy Dĩnh dạy toán hay đến nỗi mình mê học toán luôn nghe. Rốt cuộc thầy chẳng cho được đứa nào dê rô tất cả.”
- “Vậy chắc là lên đệ tam Thạch chọn ban B?”
- “Ừ. Còn Oanh?”
- “Oanh đang suy nghĩ giữa ban A và ban C... Má Oanh thích Oanh chọn ban A để sau này vào SPCN trường Khoa học, sau đó thi vào Y khoa... Nhưng Oanh thì không thích làm bác sĩ. Oanh chỉ thích mình là giáo sư dạy Anh văn thôi, vì vậy mà Oanh cố gắng đi học thêm tiếng Anh. Còn Thạch, định đi ban B, lên đại học chắc chọn trường Phú Thọ hay Khoa học?”
Thằng Thạch nói tưng tửng:
- “Không biết đậu nổi Tú tài 1, Tú tài 2 không nữa làm sao nghĩ tới đại học.”
Con Oanh chu môi:
- “Xời ơi, con trai Petrus Ký học chì lắm, thi đậu năm nào cũng trăm phần trăm không, mà toàn là đậu Bình, Bình thứ trở lên không... Anh của Oanh nói nhự vậy.”
- “Còn con gái trường Trứng vữa học cũng giỏi vậy.”
- “Không chịu đâu, sao Thạch lại gọi trường mình là trứng vữa.”
- “Thì tụi nó gọi vậy chứ đâu phải mình tự đặt ra đâu.”
- “Vậy chứ Oanh gọi Thạch là học trò trường Bê lắc Ký hoặc Ba bốn Ký Thạch chịu hôn?”
- “Chịu chứ sao không? Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi tám”
Bỗng dưng nó buột miệng nói mấy câu trong một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy.
Con Oanh le lưỡi:
- “Cái bài hát gì mà thấy ghê.”
- “Của ông Phạm Duy đó.”
- “Bộ Phạm Duy là bài nào cũng hay hết sao?”
Con Oanh thấy thằng Thạch nói chuyện rất có duyên. Có duyên như văn thằng Thạch thường viết trong thư cho nó. Còn thằng Thạch thấy rằng nói chuyện chủ đề học này hoài một hồi là thế nào nó cũng bị lộ về cái chuyện nó nhờ thằng Dũng viết thư, trong thư có nhiều chuyện thằng Dũng phải sáng tác cho thằng Thạch nhiều chuyện như khoái học toán, lý, hóa, Anh ngữ. Tất nhiên là những môn này nó cũng học trên trung bình nhưng cũng không phải thuộc hạng giỏi trong lớp. Trong các niên học từ đệ thất trở lên, nó chỉ mong làm sao là điểm hai kỳ thi lục cá nguyệt trên trung bình là tốt rồi. Nó biết sức học của nó không thể vượt được một số thằng bạn trong lớp. Riêng đối với con nhỏ học gạo này - nó biết con gái thường hơn con trai chỗ học gạo, phải nói mấy chuyện ngoài cổng trường nó mới ớn. Vì vậy, thằng Thạch liền chuyển đề tài:
- “Oanh đi xe gì đến đây?”
- “Một chút xíu nữa anh của Oanh lại đón về. Anh ấy học thêm toán tại trường của thầy Bùi Hữu Đột.”
Lại học nữa. Nhưng cái lớp toán của thầy Đột nó biết, nên nó gật gù, ta đây:
- “Ở đường Công Lý với Hồng Thập Tự phải không?"
- “Thạch cũng biết trường thầy Đột nữa à. Nghe nói thầy dạy giỏi lắm.”
Ký ức về cái lớp học của thầy Đột hiện về. Kỳ nghỉ hè năm ngoái, nghe mấy thằng bạn nói năm đệ tứ là năm học khó vì những bài toán học năm đệ tứ sẽ được dạy lại nhưng mở rộng hơn vào năm đệ nhị - năm thi Tú tài 1 nên nó cũng ráng xin tiền ghi danh theo học lớp toán lý hóa đệ tứ để chuẩn bị cho niên học mới. Trường của thầy Đột dạy toán lý hóa từ đệ thất cho đến đệ nhất nên học sinh lúc nào cũng đông. Riêng lớp đệ tứ của nó một tuần học ba buổi sáng ba, năm, bảy từ 7 giờ cho đến 9 giờ sáng. Tưởng là lớp buổi sáng này ít học sinh ai dè sĩ tử quá đông. Gần cả hai trăm đứa ngồi chen chúc học một cách say mê vì thầy có một phương pháp dạy toán rất dễ hiểu đối với những thằng học sinh chậm tiêu như nó. Ngoài ra, trong khi dạy thầy thường hay pha trò nên lớp học toán lúc nào cũng vui, học đỡ ngán. Chính vì vậy mà danh tiếng của trường thầy được đồn đại trong giới học sinh các trường công lập cũng như tư thục khác. Trong lớp của thằng Thạch theo học có thể thấy đủ các hiệu đoàn công lập như Petrus Ký, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Gia Long, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ và các trường tư thục như Tân Văn, Trường Sơn, Văn Học, Tân Việt, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Taberd... Trong lớp này có những thằng rất giỏi toán cũng có những thằng thuộc loại cà bựa nhưng nói chung là bình đẳng vì thầy chỉ dạy chứ không có kiểm tra bài vở. Nếu có kiểm tra chăng là chỉ kiểm tra giấy biên lai học phí bởi một giám thị ngồi ngay cửa ra vào lớp.
Ngồi cạnh nó là thằng Sơn, cũng là một học sinh trường Petrus Ký nhưng học lớp tứ 3 - sinh ngữ Pháp. Thằng Sơn này thuộc loại hippy chính hiệu bà lang trọc. Mấy tháng hè không bị kỷ luật của trường P. Ký áp đặt nên cu cậu để tóc dài như mấy tay kích động nhạc CBC, Three dognight, Blue Jet... trong mấy kỳ đại hội nhạc trẻ tại trường Taberd. Đi học mà nó diện thấy ớn. Quần loe, áo bó, cổ áo bự. Vô lớp chỉ thấy nó ngồi ngáp rồi ngủ gà, ngủ gật. Nó đi học vì bị má nó bắt chứ giờ này là giờ nó còn nằm nướng trên giường. Chính anh nó, ca sĩ Thế Linh của ban tạp lục Tùng Lâm, trên đường đi làm ở ban văn nghệ tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu chở nó đến trường. Nhờ anh nó đi hát, nên thằng Sơn được nghe anh nói kể rất nhiều về chuyện đời tư của các ca sĩ, nhất là ca sĩ nữ rất hấp dẫn. Thằng Thạch khoái thằng Sơn nhờ những chuyện hậu trường màn nhung của giới ca sĩ.
- “Ổng dạy giỏi là cái chắc không giỏi làm sao mà đông học sinh. Phải chi Oanh đi xe buýt...”
- “Đi xe buýt thì sao?”
- “Mình sẽ mời Oanh đi ăn chè Hiển Khánh.”
- “Chè Hiển Khánh ở đường Phan Đình Phùng, gần góc đường Nguyễn Thiện Thuật.”
- “Bộ chè ở đó ngon lắm hả? Oanh thích ăn chè lắm...”
- “Ngon “tàn chi quái đao” luôn, ở đó có đủ loại chè nhưng đặc biệt là quán chè này có nhiều bài thơ hay treo trên tường cũng như lồng kiếng dưới bàn lắm. Ai vô ăn quán này làm thơ đều được chủ quán quảng cáo cho mọi người đọc lắm.”
- “Trời ơi hay qua hé. Để hôm nào Oanh rủ mấy con bạn đến đây ăn mới được...”
Thật ra thằng Thạch có ăn quán ở quán chè này lần nào đâu, toàn là nghe mấy thằng bạn trong lớp đấu láo rồi nó nhớ nhập tâm hôm nay bỗng dưng nó nhớ mà đem ra hù con nhỏ Trưng Vương ngơ ngơ tội nghiệp này.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #6  
Old 07-18-2013, 05:50 PM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 5


Trong khi thằng Thạch đang ngồi tán hươu tán vượn với người em gái Trưng Vương thì nó đâu biết rằng thằng Dũng đang vì nó mà lâm đại nạn.
Sau khi cô Thiên Hương vào lớp thì thằng Tuấn trưởng lớp vẫn điểm danh theo thủ tục. Lúc gọi đến tên thằng Thạch thì dưới này thằng Dũng lên tiếng “có”. Thằng Tuấn trưởng lớp nghe tiếng là biết thằng Dũng lên tiếng thế cho thằng Thạch, nó cũng lờ đi vì đây không phải là trách nhiệm của nó, nếu không ghi cho thằng Thạch có mặt trong lớp thì nó sẽ bị anh em tẩy chay vì chơi xấu.
Sau khi thằng Tuấn điểm danh xong, tụi nó liền lật tập, sách để chuẩn bị chép dàn bài giảng của cô Hương như mọi khi nhưng cô Hương lại cầm cuốn sổ điểm danh lên, lướt từ trên xuống dưới, xong cô gọi:
- “Nguyễn Văn Hòe, lên trả bài.”
- “Dạ.”
Thằng Hòe cầm tập bước lên bàn giáo sư. Cả lớp ngồi lặng thin thít, thỉnh thoảng có tiếng lật sách để dò lại bài. Tụi nó không ngờ hôm nay cô Thiên Hương lại kiểm tra bài bất tử nên nhiều đứa chỉ ôn bài qua loa. Cô Thiên Hương có tiếng là hỏi bài rất chi tiết, nhiều khi như là hỏi mẹo, đứa nào học bài không kỹ là bị cô cho ngay dê - rô với lời phê rất nặng. Cô Hương nhìn vào bài chép trong tập của thằng Hòe, hỏi: - - “Em cho cô biết tại sao có cuộc nội chiến Lê - Mạc?”
Thằng Hòe khoanh tay, đầu cúi gầm xuống đất như đang kiếm tiền rớt ngoài đường, suy nghĩ một chút rồi nó bắt đầu nói:
- “Thưa cô, cuộc nội chiến Lê - Mạc bắt đầu từ năm 1543, nhà Lê là vua Lê Trung Hưng...”
Như dòng nước bị nghẽn được khai thông thằng Hòe trả bài một mạch làm cô Hương rất hài lòng. Cô ghi vào sổ điểm cho nó con số 18 đẹp đẽ. Đây là con số điểm lớn nhất mà cô Hương có thể cho, ngay cả trong những bài kiểm tra. Hòe là một học sinh giỏi trong lớp, tháng nào nó cũng đứng hạng nhất hoặc hạng nhì hoặc bét lắm là hạng ba nếu như môn văn chương kéo điểm nó xuống, còn những môn học khác, nhất là những môn toán, lý và Anh văn thằng Hòe có thể được các giáo sư khác cho đến 19 hoặc 19,5. Trong lớp, nó là một học sinh chỉn chu, ăn mặc nghiêm chỉnh, đeo phù hiệu, hớt tóc cao ráo. Tụi học trò trong lớp chỉ khoái thằng Hòe trong chuyên học nhưng lại không khoái chuyện thằng này không biết tham gia với bọn nó những hoạt động khác trong lớp. Thằng Hòe không tham gia thể thao, không tham gia văn nghệ, không tham gia công tác xã hội, báo chí... Hình như nó không bao giờ được ba nó cho đi xem xinê vì sợ nó hư hỏng. Nó không biết nghe nhạc nhưng nói đến hàm số là nó giải ngay lập tức. Nó là thần phù hộ của thằng Dũng trong môn Anh văn năm đệ tứ với những thì và những cách chia động từ hơi phức tạp nhưng thằng Dũng lại thấy thằng này như một đứa con gái ẻo lả và hơi nhàm chán. Thằng Dũng đôi khi tự hỏi không lẽ suốt cuộc đời thằng Hòe chỉ có chuyện học không?
Khi thằng Hòe trở về chỗ ngồi, cô Hương tiếp tục nhìn vào sổ điểm danh. Cặp kính cận của cô lướt từ trên xuống dưới danh sách trong sổ. Tụi nó ngồi dưới này gần như thót tim' và thầm đoán là cổ đang lướt xuống vần chữ N hay đã đi tới chữ T?
- “Hoàng Dũng.”
- “Dạ.”
Thằng Dũng cầm tập đi lên bàn cô Hương, trong khi mấy đứa khác thở phào thoát nạn. Tụi nó vẫn khoái làm bài kiểm trong lớp hơn là phải lên mặt đối mặt với cô Hương vì hình như mỗi lần lên bảng là tụi nó bị vía của các giáo sư làm cho khớp không thể trả bài trôi chảy được. Thông thường các giáo sư thường có hai cách để kiểm tra học sinh lấy điểm xếp hạng học lực học sinh hàng tháng. Hoặc là mỗi đầu giờ học gọi học sinh lên trả bài hoặc là cho học sinh làm bài kiểm. Đa số giáo sư chọn cách cho học sinh làm bài kiểm bằng giấy vì gọi học sinh lên bảng trả bài thì sẽ mất rất nhiều thì giờ, không còn đủ thời gian để giáo sư có thể dạy bài mới cho học sinh theo chương trình. Chính nhờ thế nên tụi học sinh mới khoái vì khi làm bài kiểm trong lớp thì tụi nó có thể hỏi thậm chí còn cọp dê được chứ lên trên bàn giáo sư đứng nhìn xuống dưới lớp thì đừng hòng mà tụi nó có thể cứu bồ lẫn nhau được. Nhưng thi thoảng, các giáo sư cũng gọi một vài học sinh lên bảng trả bài để kiểm tra xem các em có thật sự hiểu bài không? Học sinh nào không chịu học bài đàng hoàng thì lãnh đủ. Chính vì có những lần trả bài tại lớp cúng như làm bài kiểm đột xuất mới làm cho học sinh học bài và làm bài tập ở nhà.
- “Em cho cô biết về nhà Hồ. Sự cải cách lớn nhất của Hồ Quý Ly là cải cách trong lĩnh vực nào?”
Thằng Dũng bình tĩnh trả lời:
- “Thưa cô trong lĩnh vực học thuật ạ.”
- “Học thuật?”
Cô Hương ngạc nhiên hỏi.
- “Dạ. Hồ Quý Ly có nhiều cải cách như dùng tiền giấy thay cho vàng bạc nhưng em nghĩ là cải cách về học thuật là lớn nhất khi ông in sách Minh Đạo để chê tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa...”
- “À... há...”.. Cô Hương hơi ngạc nhiên về cách lập luận của thằng Dũng.
- “Nhưng tại sao em lại cho là cải cách lớn nhất?”
- “Dạ, tại hồi đó trước giờ cái gì mình cũng theo tư tưởng của ông Khổng Tử, của mấy ông nhà nho, mặc dù mình thời nhà Trần mình thắng trận nhưng sau đó mình cũng lấy học hành, học thuật của Trung Hoa để mình làm theo...”
Thằng Dũng nói không được trơn tru, trót lọt lắm vì những điều mà nó đang trả bài cho cô Hương không có trong bài học. Nó đọc được trong một bản thảo của một ông giáo sư trong nhà in nơi nó đang làm công việc rã chữ in chì vào mỗi buổi tối. Nó cảm thấy nhận xét này hơi lạ hơn bài nó học nên nó có hỏi ba nó, một người thợ xếp chữ lão làng trong nhà in về bài viết này thì ba nó cho biết đây là một nhà học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về thời đại Hồ Quý Ly. Thế là nó tin, và không hiểu sao nó lại nhớ ngay những ý kiến trong bài báo của ông giáo sư này. Tất nhiên, điều nó nhớ và cách trình bày của nó thì chẳng có gì là học thuật hết. Nhưng điều này lại không làm cô Hương quan tâm. Cô Hương nhìn xuống lớp nói:
- “Đây là một cách để học Việt sử. Khi cô dạy các em là cô dạy những chi tiết, những yếu tố chính trong chương trình giáo khoa nhưng các em cũng có thể đọc mở rộng kiến thức trong những quyển sách khác. Điều này rất đáng khen. Chúng ta học sử để làm gì? Những điều tôi dạy các em là những điều chúng ta cần phải nhớ vì đó là cái cốt lõi của một thời gian dài ông cha ta xây dựng đất nước. Tuy nhiên các em cũng phải cần suy nghĩ thêm và đôi lúc cũng phải cần có thêm những câu hỏi tại sao, tại sao... Nên nhớ, các em không phải học để chỉ để lấy điểm. Điểm cfiì là một phần để chứng tỏ sự hiểu bài của các em nhưng các em sẽ có điểm lớn hơn nếu biết tự suy nghĩ thêm ngoài bài học của mình. Như cách học của trò Dũng hôm nay cô rất thích và cô khuyến khích các em hãy học cách học sử của trò Dũng. Cô cho Dũng 19 điểm."
Cả lớp vỗ tay, có cả tiếng huýt sáo của thằng Thuật. Thằng Dũng mặt đỏ rừ. Nó nói lí nhí trong miệng “cám ơn cô”, rồi cầm tập về chỗ ngồi.
Tụi nó tưởng là đã thoát nạn trả bài cho cô Hương nhờ thằng Dũng với vấn đề cải cách của Hồ Quý Ly nhưng hình như cách học của thằng Dũng đã gây cảm hứng cho cô Hương nên cô nhìn vào sổ và gọi tiếp:
- “Nguyễn Văn Thạch...”
Một sự im lặng bao trùm cả lớp. Có đứa nhìn về bàn của thằng Dũng và thằng Thạch. Cô Hương tưởng thằng Thạch chưa nghe nên gọi tiếp:
- “Nguyễn Văn Thạch...”
Cô Hương nhìn xuống lớp với vẻ ngạc nhiên vì không thấy ai bước lên bảng. Cô nhìn về vào bản đồ lớp rồi nhìn thằng Tuấn trưởng lớp hỏi:
- “Trò Thạch có đi học không?"
Tuấn trả lời thật thà:
- “Dạ, hồi nãy điểm danh em nghe tiếng “Có” thưa cô.”
Dưới này thằng Dũng đã chuyển trạng thái từ vui vẻ, phấn khởi sang lo sợ đến xanh mặt. Thằng Hòe thúc cùi chỏ vào cạnh sườn thằng Dũng nói “mầy nhận đi, nếu không cả lớp chết đó”. Cô Hương nhìn thằng Tuấn hỏi:
- “Sao trò Thạch không.có mặt trong lớp em lại ghi có mặt. Bộ các em định lừa tôi sao?”
Thằng Dũng thấy không thể để thằng Tuấn bị ảnh hưởng vì tội của nó nên đứng lên, mặt cúi gằm xuống bàn nói:
- “Dạ, thưa cô tại em...”
Cô Hương trố mắt ngạc nhiên:
- “Em... em sao?”
- “Dạ, em... em... điểm danh giùm trò Thạch, cô.”
- “Tuấn, hai giờ đầu trò Thạch có đi học không?”
- “Dạ có, cô. Thạch cúp cua hai giờ sau, thưa cô.”
Không ngờ đứa học sinh vừa được cô khen ngợi trước lớp bây giờ lại giúp đỡ một học sinh khác cúp cua, cô Hương đổ quạu:
- “Tuấn, em ghi cho cô trò Dũng và Thạch mỗi em một cấm túc chủ nhật này. Trò Dũng đã chia sẻ với bạn chuyên cúp cua thì cũng chia sẻ với bạn chuyện cấm túc cho nó đèu...”
Dũng im lặng, ngồi xuống bàn. Nó không kêu ca hay xin cô Hương tha cho nó cái cấm túc. Nó biết nó đã làm lỗi, vi phạm kỷ luật thì nó phải chịu hình phạt. Nó thường nghe người ta nói cái gì vui đến thì bạn đừng có mừng vì điều đau khổ sẽ đến hết sức đúng. Nhưng điều quan trọng là nó không biết nói với ba nó như thế nào khi nó phải đi cấm túc vào chủ nhật này vì theo lịch trình nó phải vào nhà in để rã chữ.
Còn tức hơn nữa khi nó nghe tiếng thằng Thuật vọng lên từ bàn sau:
- “Tao đã nói mà, gặp ghệ là xui lắm. Khi mầy đi bán báo mày có đụng phải người con ghệ nào không?"
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #7  
Old 07-29-2013, 11:12 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 18

Mặc dù từ trường Petrus Ký gần xịt trường Đại học Sư phạm, chỉ cần đi hết con đường Cộng Hòa tới đầu đường Thành Thái, nhưng trường cũng cho một chiếc xe Volkswagen chở ban nhạc vì những nhạc cụ lỉnh kỉnh. Tụi thằng Mai, Dũng, Việt - những thằng học sinh đàn em được dịp ngồi chung xe, diễn văn nghệ chung với các bậc đàn anh đang học năm cuối trong trường rất lấy làm hãnh diện. Các anh Kiệt, Trang, Duy Anh trong những bộ áo dài, khăn đóng cũng vui không kém tụi nó. Mấy anh bắt nhịp, hát hò:
- “Chiều nay, dô ta...”
Bọn thằng Dũng cũng hòa nhịp theo:
- “Dô... ta...”
Anh Trang tiếp tục bắt giọng:
- "... Kiến cắn cu sưng chù vù... không có tiền mua thuốc dán, dán... con cu...”
- “Dô ta... hò dô ta...”
Sau đó tới phiên anh Duy Anh làm trò giới thiệu:
- “Kính thưa quý vị đây là ban “dâm ca” của học sinh trường Petrus Ký xin hát mấy bài dâm ca kính tặng nữ sinh trường Gia... Heo..”
Tụi thằng Dũng không ngờ mấy anh lớn cũng vui vẻ, cũng nói bậy quá trời, quá đất. Vui đến nỗi tụi nó chỉ thấy xe đi một chút xíu là tới. Để chứng tỏ mình là cũng là dân đi tham dự biểu diễn văn nghệ như ai, thằng Mai, thằng Dũng... giành phần ôm mấy cây đàn. Thằng Chương và Việt thì lo khiêng mấy cái trống. Tụi nó gần như hất mặt lên trời khi gặp mấy đưa học sinh trong trường đi xem biểu diễn ủng hộ, nhất là khi đi ngang các tà áo dài trắng Gia Long và Trưng Vương. Tụi nó đã thành... nghệ sĩ rồi!
Vào phía sau hậu trường, thằng Dũng gần như hoa cả mắt khi thấy màu sắc từ các phục trang của các “nghệ sĩ học sinh”. Trong những gương mặt đã hóa trang tụi nó đi qua, đi lại nhộn nhịp; tiếng gọi nhau, tiếng nhắc nhở, tiếng tập hát của các nhóm văn nghệ vang lên từ các góc. Thằng Dũng nghe trong không khí mùi thơm của son phấn. Nó ngất ngây đứng nhìn các cô gái Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt trong những cái áo tứ thân, bà ba hay áo dài gấm có hoa văn trang nhã. Còn những chú chàng như những con gà trống trong những bộ phục trang lượn lờ chung quanh các nàng. Phía ngoài sân khấu, màn đã mở. Buổi diễn đã được bắt đầu bằng bài đồng ca “Việt Nam” của Phạm Duy do ban văn nghệ liên trường đồng biểu diễn. Một giọng ca nam của trường Mạc Đĩnh Chi hát chính. Giọng hát khỏe mạnh, truyền cảm, được dàn bè cao làm nền nghe nghe rõ từng lời nhạc trầm hùng đến nổi cả da gà: ‘‘Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai cầu nói bên vành môi, Việt Nam nước tôi..."
Nhóm nhạc trẻ của trường Lasan Taberd với những bản nhạc nước ngoài được viết bằng lời Việt và cách biểu diễn như những ban nhạc trẻ đang thịnh hành đã tạo không khí sôi nổi qua cách biểu diễn. Tiếng vỗ tay vừa chấm dứt thì các nữ sinh trường Gia Long xuất hiện trong tiết mục múa thiết hài “can can". Các cô gái Gia Long trong phục trang của nam, vẽ râu trên mặt, áo bỏ trong quần, thắt nơ đội nón rộng vành rất điệu nghệ và đều tăm tắp trong những lúc rãy gót chân xuống sàn sân khấu tạo ra những âm thanh lóc cóc đặc trưng của điệu múa thiết hài. Trong trang phục con trai, trông các cô bé điệu đàng và ngây thơ, dễ yêu vô cùng.
Chưa đến tiết mục biểu diễn nên thằng Mai và thằng Dũng chạy xuống khán phòng xem chương trình biểu diễn của nữ sinh trường Trưng Vương. Trên sân khấu, trong hoạt cảnh “Trưng Nữ Vương”, hai vị nữ lưu Trưng Trắc và Trưng Nhị trong áo hoàng bào xuất hiện trên kiệu, tay cầm kiếm, uy nghi theo điệu nhạc bài Trưng Nữ Vương. Những tên giặc Đông Hán - vẫn do các nữ sinh Trưng vương giả trai đóng bị Hai Bà đánh cho tan tác tơi bời. Cả hội trường vỗ tay vang dội, tán thưởng còn nhiều hơn tiết mục của nữ sinh Gia Long trong tiết mục thiết hài. Bỗng dưng thằng Mai reo to, tay chỉ lên sân khấu:
- “Chị Dung... chị Dung... Mầy ơi... chị Dung... chị Dung đóng vai Trưng Trắc, tay đang múa kiếm đó...”
Thằng Dũng thắc mắc:
- “Dung nào? Tao đâu có biết chị Dung nào đâu?”
- “Trời ơi, chị Dung... mình gặp ờ tiệm sách Khai Trí đó... Chị Dung học ở kịch nghệ đó...”
- “À... à... tao nhớ rồi. Chị Dung chỉ cách mầy thi vào trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ đó hả? Hèn chi, chị ầy đóng hay ghê.”
- “Chị ấy đẹp quá.”
Thằng Mai đứng xuýt - xoa mãi cho đến khi màn đóng mà nó vẫn đứng nhìn lên sân khấu như bị thôi mien. Mãi cho đến khi màn mở giới thiệu tiết mục đơn ca “Hòn Vọng Phu” của một nam sinh trường Mạc Đĩnh Chi, thằng Mai mới hết bần thần. Nghe giọng hát của nam sinh này, thằng Dũng nhận xét: “Anh này hát hay ghê... Hình như hồi nãy anh ấy lĩnh xướng bài Việt Nam - Việt Nam?"
- “Giọng ảnh ấm ghê hé... Lại đẹp trai nữa. Kiểu này chắc mấy con ghệ chết hết. Có nghe giới thiệu ảnh tên gì không?”
- “Hình như là Nguyễn Chánh Tín... thì phải. Học đệ nhứt đó nghe mậy!”
Thằng Chương xuất hiện, ra dấu cho tụi nó vào hậu trường. Thằng Dũng tỏ vẻ tiếc khi không được đứng nghe nam sinh này hát hết ba bài Hòn Vọng phu với màn hoạt cảnh phụ họa.
Thằng Việt từ trong hậu trường đi ra đứng trước micro. Nó nói một cách tự nhiên không cần cầm giấy:
- “Kính thưa quý vị quan khách, các thầy cô và các bạn học sinh liên trường. Trong những năm qua, với ý định phục hưng nền quốc nhạc, trường trung học Petrus Ký, dưới sự hướng dẫn của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba đã đưa dân ca vào trong chương trình học. Không thể nghĩ rằng người Việt Nam chỉ biết hát nhạc Mỹ, những bản nhạc thời thượng, thị trường. Muốn được như vậy, học sinh, rường cột tương lai của nước nhà, những công dân Việt Nam mai hậu phải được học và hiểu về âm nhạc dân tộc. Trong chương trình hôm nay, trường trung học Petrus Ký xin được giới thiệu những tiết mục nhỏ như là trình bày thành quả mà thầy và trò chúng tôi đã cố gắng trong nhiều năm qua.”
Quả thật thằng Việt rất có khiếu ăn nói. Nó giới thiệu thật lưu loát và có chuẩn bị nội dung hẳn hoi. Tiết mục chưa biểu diễn nhưng khán giả đã vỗ tay rào rào trong khắp khán phòng.
Thằng Mai và thằng Dũng, trong phục trang của hai chàng lính thú với những động tác múa thuần thục, hòa trong nền nhạc cổ gồm đàn tranh, đàn bầu, sáo, đờn nhị, sanh tiền, trống do các anh Kiệt, Duy Anh, Trang, anh Nhơn, thằng Chương biểu diễn. Tất cả các anh trong ban nhạc đều trong trang phục khăn đóng, áo dài đã tạo một nét khác lạ trong trang phục sân khấu của học sinh các trường khác. Thằng Mai biểu diễn anh chàng lính thú buồn rầu bước xuống thuyền rất linh động, làm cho khán giả liên tưởng đến thân phận lính thú qua lời hát dựa theo bài ca dao “Lính thú ngày xưa”: “Ngang lưng thì thắt bao vàng đầu đội nón dấu vai mang súng dài Một tay thì cắp hỏa mai Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền Thùng thùng trống đánh ngủ liền Bước chăn xuống thuyền, nước mắt như mưa...”
Hai thằng Mai và Dũng bước vào sân khấu bằng những động tác bước xuống thuyền làm khán giả cười và vỗ tay khen ngợi. Nhất là thằng Mai, trong gương mặt đã hóa trang, đã diễn tả được sự buồn khổ của chàng lính thú làm mọi người trầm trồ cho đến khi màn kéo lại.
Thằng Việt lại bước ra sân khấu, liến thoắng:
- “Vừa rồi quý vị được xem tiết mục những người lính thú mà không, họ lại không thú lắm khi làm lính. Ngày xưa, có lẽ mấy ông quan muốn thanh niên trai tráng đi lính nên đặt là lính thú làm mọi người lầm tưởng đi lính là thú. Rốt cuộc người đi lính thú lại không thú chỉ có các ông quan là thú thôi, phải không thưa quý vị?!”
Khán giả vỗ tay cười vì sự nhận xét, pha trò có duyên và mới mẻ đó. Thằng Việt tiếp tục:
- “Nhưng sau đây là một tiết mục sẽ làm quý vị quan khách thích thú khi chúng tôi giới thiệu một cây đàn của người Việt Nam biết bay...”
Khán giả xì xào “một cây đàn Việt Nam biết bay...?" chờ cho tiếng xì xào chấm dứt và sự im lặng trở lại khán phòng, thằng Việt nói tiếp:
- “Dạ, cây đàn biết bay đó là cây đàn... cò. Con cò thì phải biết bay phải không quý vị?”
Khán giả cười đồng tình. Nó tiếp tục:
- “Đó là bay theo nghĩa đen, còn nghĩa bóng là bay bổng, bay vượt cùng với âm thanh của những cây đàn nổi tiếng trên thế giới.”
Anh Trang: (từ trong hậu trường bước ra): Tôi không tin.
Việt: Chúng tôi, học sinh trường Petrus Ký, sẽ chứng tỏ cho anh thấy.
Anh Trang: Bằng cách nào?
Việt: Anh đàn bản gì, chúng tôi chơi đàn cò bản đó.
Anh Trang: Tôi chơi một loại nhạc cụ được gọi là nữ hoàng của các nhạc cụ, đàn violon.
Việt: Còn chúng tôi sẽ chơi một loại nhạc cụ được gọi là nhạc cụ dân tộc, đó là đàn cò hay còn gọi là đàn nhị...
Anh Trang: Nào chúng ta cùng so tài.
Việt: Khoan... Khoan...
Anh Trang: Sợ rồi hả anh bạn?
Việt: Đúng vậy. Tôi sợ vì tôi khòng biết chơi đàn nên không thể thi đua với anh. Tôi xin giới thiệu học sinh Minh Chương, học sinh đệ tứ Petrus Ký và là nhạc sinh năm thứ hai của trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ sẽ chơi đàn cò.
Chương từ trong hậu trường, vẫn trong trang phục khăn đóng áo dài, tay xách cây đàn nhị bước ra. Khán gíả lại tiếp tục vỗ tay vì đây là lần đầu tiên họ được xem tiết mục so tài giữa cây đàn violon và cây đàn nhị. Thằng Việt vẫn tiếp tục đứng ra làm người giới thiệu cuộc tranh tài.
- "Tôi xin mời anh đàn trước rồi đàn cò sẽ đáp lễ.”
Anh Trang gật đầu chào khán giả rồi bắt đầu đưa vĩ lên kéo đoạn đầu bài “Trở về mái nhà xưa”.
Sau khi anh Trang ngừng đàn, thằng Việt quay qua thằng Chương:
- “Anh có sợ không? Sợ thì chịu thua cho rồi.”
Thằng Chương lắc đầu.
- “A... anh Cò không sợ... vậy xin mời kéo.”
Thằng Chương co một chân, đặt cây đàn nhị co vào bắp vế, bắt đầu kéo đoạn nhạc bài “Trở về mái nhà xưa”.
Khán phòng im phăng phắc, sau đó tiếng vỗ tay tràn ngập kéo dài vang lẫn trong tiếng huýt sáo và tiếng “bis... bis...”. Đợi cho khán phòng im lặng trở lại, thằng Việt nói với khán giả:
- “Đó quý vị thấy không, đánh đàn cò là phải co một chân lên như con cò có cái cẳng cong cong có cái cổ co co...” Một tràng cười vang lên. Thằng Việt quay sang anh Trang: “Sao, anh có định kéo thêm vài bài nữa không?”
Anh Trang đưa cây đàn lên gật đầu. Sau đó, anh liền kéo đàn bài “Serenade” của Schubert. Lần nay, không cần sự đưa đẩy của thằng Việt, thằng Chương co chân, đặt đàn lên, chơi lại. Anh Trang đàn tiếp vài bài nữa và bài nào cũng được thằng Chương đáp lễ liền. Khán giả vừa vỗ tay hoan nghênh vì ngoài việc lần đầu tiên họ được nghe cây đàn nhị chơi nhạc cổ điển họ còn được thấy nhạc công vừa đánh đàn vừa co chân lên như con cò. Vui không thể chịu được. Ngay cả trong hậu trường, các diễn viên học sinh của các trường bu quanh bên cánh gà nhìn xem cuộc tranh tài đàn ngộ nghĩnh này.
Sau cùng, để chấm dứt tiết mục so tài, hai tay đàn cùng song tấu bài “Thu khói lửa” của thầy Nguyễn Hữu Ba. Phải nói là, bài nhạc này khá lạ đối vơi một số quan khách và học sinh vì bài nhạc đã được thầy viết vào những năm kháng chiến chống Pháp. Một số quan khách và các giáo sư ngồi xem có nhận xét “Chương trình văn nghệ của trường Petrus khá độc đáo, biết xây dựng những tiết mục lạ, không trùng lắp.” Khi các các “diễn viên” trong ban văn nghệ dân ca của trường Petrus Ký biểu diễn xong vừa ra khỏi hậu trường đi ra hành lang dọc theo khán phòng thì có hai vị khách bất ngờ xuất hiện. Thấy hai vị khách này, anh Trang và các thành viên trong nhóm đều khoanh tay cúi đầu chào trong sự xúc động “Dạ, tụi con chào thầy hiệu trưởng. Dạ, tụi con chào thầy...” Hai vị khách bất ngờ đó không ai khác hơn là thầy hiệu trưởng và thầy Nguyễn Hữu Ba. Té ra nãy giờ hai thầy ngồi dự trong khán phòng cùng khán giả mà tụi nó không biết. Thầy hiệu trưởng xoa đầu thằng Chương:
- “Mấy con chơi hay quá. Thầy có lời khen ngợi các con đã làm rạng danh trường ta...”
Thầy Ba nói thêm:
- “Các em nghĩ ra tiết mục hai cây đàn thi đấu thật là tài tình...”
Anh Trang thay mặt nhóm văn nghệ giới thiệu:
- “Thưa thầy người nghĩ ra tiết mục này là em Việt..."
Thật không ai ngờ người nghĩ ra tiết mục vinh danh cây đàn cò và giới thiệu thật sinh động lại là thằng Việt. Tiết mục này đến với nó một cách bất ngờ sau đêm thi đấu của thằng Chương và nhóm văn nghệ của thằng Hữu. Sau đó, thằng Việt gặp anh Trang đề xuất ý kiến này và được anh Trang đồng ý, bổ sung vào thời gian chót. Không ngờ nay lại là một tiết mục, dù không ồn ào trong cách biểu diễn nhưng lại có chiều sâu là giới thiệu được tính năng độc đáo của cây đàn dân tộc. Thầy hiệu trưởng cười:
- “Còn hai em nào đóng vai lính thú đâu?"
Anh Trang chỉ hai thằng Mai và Dũng:
- “Dạ, hai em này đây thầy.”
- “Cha... đây là hai kịch sĩ tài danh tương lai của trường ta đây hả...” Rồi thầy nói thêm: “Ráng học nghe...”
Tụi nó nghe thầy khen như mở cờ trong bụng. Khi hai thầy vào trong hội trường rồi tụi nó vẫn còn đứng đó ngất ngây. Tụi nó không ngờ hai thầy vẫn dành thời giờ để xem tụi nó biểu diễn. May mà các tiết mục được đầu tư, xây dựng đàng hoàng nếu không thì chắc làm phụ lòng các thầy vì làm mất danh tiếng của trường.
- “Chào anh lính thú.”
Thằng Dũng giật mình quay lại. Cô bé Thanh Danh đang đứng sau lưng nó. Thằng Dũng vừa ngạc nhiên vừa vui, nó lắp bắp:
- “Danh... Danh cũng có xem nữa hả...?”
-“Đi xem ủng hộ anh Kiệt.”
- “Không ủng hộ trường mình hả?”
- “Trường Gia Long có nhiều người ủng hộ rồi. Cũng không ủng hộ Petrus Ký chỉ ủng hộ anh Kiệt thôi.”
Thằng Dũng trêu:
- “Không ủng hộ Dũng sao?”
- “Không.”
- “Không ủng hộ Dũng, làm sao Dũng vẽ cuốn sổ thơ”
- “Ý... cuốn sổ thơ hả... Vậy thì Danh ủng hộ nguyên ban nhạc được không?”
- “Ừ... vậy thì được.”
- “Anh Dũng nói cuốn sổ thơ...”
- “Chưa xong.”
- “Xí... Vậy mà cũng nói làm Danh mừng hụt.”
- “Tại mấy hôm nay chuẩn bị cho văn nghệ quá...”
- “Vậy mà Danh cứ tưởng..."
- “Ngày mốt nhé... ngày mốt Danh cứ lại thùng thư, sẽ có một quyển thơ thật đẹp để trên nóc...”
Tụi nó quay trở lại vào hội trường. Bây giờ là phần quan trọng nhất của buổi liên hoan văn nghệ liên trường là phần công bố giải. Một vị quan khách đại diện cho Nha trung học thuộc Bộ Giáo dục đứng trên bục phát biểu ý kiến:
- “Tôi chưa bao giờ được xem những cuộc tranh tài văn nghệ học sinh giữa các trường trung học công lập hay và thích thú như thế này. Hy vọng rằng trong tương lai những nhân tài trong buổi biểu diễn liên hoan sau đây sẽ trở thành những danh tài cho nền văn nghệ nước nhà mai sau... Và các em nên nhớ là dủ đoạt giải cao hay thấp cũng chỉ là một sự xếp hạng tương đối, điều này không định đoạt được sự phát triển của nền văn nghệ từng trường hay của từng cá nhân. Đồng giải nhất: trường Petrus Ký, trường Trưng Vương và học sinh Nguyễn Chánh Tín trường Mạc Đĩnh Chi. Giải nhì được trao cho trường Gia Long và trường Chu Văn An, giải ba.
Anh Trang đại diện cho trường Petrus Ký, chị Ngọc Dung đại diện cho trường Trưng Vương cùng với đại diện các trường khác ra sân khấu nhận giải... trong tiếng nhạc hòa tấu hào hùng của bài “Học sinh hành khúc” của nhạc sĩ Lê Thương. Những người đại diện cho các trường nắm tay nhau. Thằng Mai thấy Nguyễn Chánh Tín nắm tay chị Ngọc Dung. Nó ước gì minh là Nguyễn Chánh Tín. Cả khán phòng rộn ràng trong những tiếng vỗ tay cổ vũ. Thằng Mai đứng đợi chị Ngọc Dung trong hậu trường chứ chưa vội theo thằng Dũng ra xe. Nó muốn chào chị Ngọc Dung. Chỉ chào thôi, nhưng sao mà tim nó vẫn run lên trong lồng ngực. Nó nói thầm “em chào chị... em chào chị...” mà không để ý rằng chị Dung đang đứng cạnh nó, đang nói chuyện với một cô gái nào đó. Khi nghe tiếng chị Ngọc Dung, nó giật mình, run run gật đầu chào: “Em chào chị...”
Ngọc Dung nhìn nó. Mặt nó vẫn chưa tẩy trang, vẫn còn trong gương mặt của chàng linh thú sầu não:
- “Em... em... là lính thú hồi nãy hả. Diễn hay nghe..."
Nó mạnh dạn nói ngay:
- “Chị... chị quên em rồi hả... Em là Mai... Mai... khỉ...”
Ngọc Dung đưa tay gãi đầu, ngờ ngợ để xem gặp chú chàng này ở đâu:
- “Em... chị...”
- “Em gặp chị ở nhà sách Khai Trí đó... Em nhờ chị hướng dẫn cho em thi vào trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ đó, chị nhớ chưa?”
- “A... Chị nhớ rồi... Tại em... chưa tẩy trang chị nhận không ra. Em có khả năng đó... Để chị hướng dẫn thêm cho em... Hôm nào lại nhà chị nghe, nhà chị ở số 123 Trần Quý Cáp... Có lại thì lại vào ngày chủ nhật, mấy ngày kia chị đi học hết rồi...”
- “Dạ."
Nó nhẩm trong đầu 123 Trần Quý Cáp, 123 Trần Quý Cáp cho đừng quên. Nó muốn thét lên hay gặp ngay thằng Dũng để nói lại chuyện chị Dung đã cho nó địa chỉ và kêu nó đến nhà chơi. Trời ơi, hôm nay nó sung sướng quá! Việc ban văn nghệ đoạt giải thưởng vẫn không bằng nó vừa được chị Dung cho địa chỉ nhà. Nó lâng lâng trong người như đang lên đồng.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #8  
Old 07-31-2013, 04:39 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 19

Chỉ còn nửa tháng nữa là tết.
Tụi nó được thông báo là sẽ ăn tất niên vào ngày 27 âm lịch sau đó nghỉ cho đến hết mùng bảy tết.
Những ngày này được tụi nó tính bằng ngày âm lịch 16 tết, 17 tết cho đến ngày đưa ông táo chứ tụi nó không thèm tính bằng ngày dương lịch. Nếu tính bằng dương lịch tụi nó sẽ thấy khổ vì những ngày tết rớt vào tháng 2 dương lịch. Điều đó có nghĩa là sau tết, tụi nó sẽ bắt đầu vật lộn với bài vở để chuẩn bị cho thì kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt vào tháng 4. Nhưng trong đầu đứa nào cũng nghĩ đến hai chữ “kệ nó”. Thằng Thuật còn phán câu “Học cho lắm, tắm cũng ở truồng!” Kệ nó, ăn tết cái đã!
Ăn tết là vui. Ăn tết là có quần áo mới, có tiền lì xì và... được nghỉ học đi chơi, xem phim thoải mái. Tết cũng là dịp cho những thằng học sinh nhà nghèo như thằng Mai, thằng Dũng kiếm tiền trong những ngày giáp tết để... tiêu trong những ngày tết. Vì thế, thằng nào cũng chờ đợi tết.
Không chỉ tụi nó mà ngay cả không khí trong trường cũng làm tụi nó chộn rộn. Nào là ban đại diện tổ chức đi bán báo xuân ở các tỉnh xa, rồi tổ chức Cây Mùa Xuân cho những gia đình nghèo nạn nhân chiến cuộc nhưng rộn ràng hơn là tụi nó dự định tổ chức chương trình liên hoan tất niên sao cho thật xôm tụ.
Một cuộc họp lớp được tổ chức trong giờ giáo sư bận họp vắng, chỉ được nghỉ một tiếng nên tụi nó ở lại luôn trong lớp. Thằng Tuấn trưởng lớp đứng giữa lớp phát biểu, còn tụi trong lớp vẫn ngồi tại chỗ. Thằng Thuật đề nghị:
- “Mầy lên bàn giáo sư ngồi luôn cho nó oai mậy.”
- “Ờ, chừng vài năm nữa, mầy đi học lại, tao sẽ dạy mầy... Ê, tụi bây... ủa các bạn chú ý...”
Thằng Tuấn vỗ tay, tiếng ồn ào ngưng bặt. Thằng Tuấn phát biểu:
- “Năm ngoái lớp tụi mình tổ chức ăn tất niên buồn quá. Năm nay làm sao phải vui hơn, đông hơn... tụi mình phải tham dự đủ. Năm nay là năm cuối trung học đệ nhất cấp, năm sau có thể một số anh em chia tay...”
- “Ê, đừng nói xui mậy... anh em đều lên đệ tam hết...”
- “Thì tao có nói anh em rớt đâu nhưng tụi mình học các lớp khác nhau, không còn gặp nhau nữa. Do đó, nằm nay mình phải ăn tất niên cho đủ mặt, có chụp hình để dành làm kỷ niệm nữa...”
Thằng Hữu nói to:
- “Đồng ý, bây giờ mình bàn chương trình đi...”
Thằng Ninh hét lên:
- “Mình mở “bum” đi.”
Thằng Thạch cà khịa:
- “Đồng ý. Sau khi liên hoan mình mở bum ở nhà thăng Ninh.” Thằng Ninh nhìn thằng Thạch chửi:
- “Đ. M mầy con...”
Thằng Dũng đứng lên:
- “Tao thấy tụi mình nên có một dàn nhạc, có chương trình văn nghệ cho nó xôm tụ...”
Có nước ngọt, bánh kẹo...”
- "... Có đủ thứ nhưng đóng tiền in ít thôi...”
- “Có được mời khách không?”
- “Phải mời khách chứ, có mấy con ghệ nữa mới vui...”
- “Năm ngoái, thằng Thuật có mời con ghệ gì thấy mà ghê...”
- “Chắc vợ nó ở dưới quê Mỹ Tho... he... he...”
Thằng Thuật quê quá, lên tiếng:
- “Năm nay, nhìn ghệ của tao tụi bây lé mắt luôn...”
Thằng Tuấn vãn hồi trật tự:
- "Tao tính vầy nè, thằng Hữu chơi ban nhạc đầy đủ đàn, trống, loa nghen. Mình đi mướn mấy dụng cụ này đi. Thằng Dũng lo trang hoàng lớp cho đẹp, thằng Thạch lo vụ bánh kẹo, còn thằng Khải, Thuật, Ninh, Hoàng, Việt, Mai... và một số thằng nữa, thôi tất cả anh em mình lo khiêng bàn...”
- “Còn mầy làm gì, không thấy tên mầy?”
- “Tao chỉ huy. Phải có chỉ huy mới thành công. Tao đi hướng đạo nên biết thuật chỉ huy...”
- “Mỗi thằng phải đóng bao nhiêu.”
- “Mười đồng. Thằng nào mời khách là 20 đồng.”
- “Sao mắc vậy. Khách cũng bằng giá với tụi mình sao.”
- “Vậy tao không mời con ghệ nào hết.”
- “Thôi giảm xuống, thằng nào mời khách thì đóng 15 đồng. Khách đâu có được ăn chùa đâu”, thằng Tuấn kết luận.
- “Đóng tiền cho ai?”
- “Đóng tiền cho thằng Thịnh kẹo.”
Thằng Thạch đứng lên:
- “Đồng ý đóng tiền cho thằng Thịnh kẹo, nhưng khi lấy tiền mua bánh, kẹo với nước ngọt là phải xuất tiền liền nghe chưa. Thằng này, tiền mà vô túi nó là biệt có lấy ra được...”
Đến phiên thằng Thịnh:
- “Mua số lượng nhiều được giảm giá đó nghe Thạch, nhớ trả giá. Trước khi mua nói giá cho tao biết trước.”
- “Bộ mầy nói tao ăn lời hả? Tao đâu có giống mầy đâu mậy. Tao sẽ đặt chị Lan bán bánh ở hành lang mua giùm mình cho khỏe...”
Thằng Thịnh nói giọng chỉ huy:
- “Rồi bắt đầu từ hôm nay, đứa nào có tiền đóng liền. Hạn chót là ngày đưa ông Táo. Thằng nào không đóng là khỏi dự liên hoan tất niên..."
Trong khi tụi nó đang bàn luận sôi nổi về chuyên tổ chức liên hoan tất niên sao cho xôm tụ, thì ở dưới này, thằng Dũng lấy ra miếng giấy trong vở tập vẽ và gấp đôi lại. Nó bắt đâu lấy bút chì vẽ gương mặt một người con gái, mấy nhành mai và viết thêm vài câu thơ của Xuân Diệu: “Xuân đang tới nghĩa lá xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” mà nó rất đắc ý. Nó sẽ gửi tâm thiệp xuân này đến cho cô bé Thanh Danh.
Thằng Dũng mở cuốn vở chép những bài thơ hay của nó lấy ra mảnh giấy pơ-luya gấp tư, có những giòng chữ con gái mang màu mực tím. Nó đã đọc trang thư này nhiều lần rồi nhưng bây giờ nó vẫn lấy ra ngắm những giòng chữ mực tím đó để tìm thi hứng. Đây là phần thưởng cho những buổi nó ngồi cặm cụi chép thơ của các nhà thơ tiền chiến vào quyển sổ sưu tầm thơ của cô bé Thanh Danh. Nó chép bằng ngòi viết rôbic để có những nét chữ nghiêng đẹp. Nó đã trình bày những bài thơ đó với những bức tranh nho nhỏ bắt chước theo những tranh trong các báo. Nhiều lúc vừa chép thơ, vừa gãi chân vì bị muỗi cắn, nó lại nghĩ đến tâm trạng của những nhà thơ khi “Hồn lơ đăng mộng ra ngoài cửa lớp” của thi sĩ Đinh Hùng, ôi nó thích bài thơ của thi sĩ này chỉ ở mấy câu "Làm học trò không có sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”. Nhiều lần nó đã đem tâm sự của mình nói cùng cây bông giấy trước hàng rào nhà con bé Xuân Chi. Nhưng cây bông giấy chẳng nghe mà con bé Xuân Chi lại chẳng cần nghe!
Khi chép xong quyển sổ sưu tầm thơ cho cô bé Thanh Danh xong, theo .lời hẹn nó lại nhà cô bé - Ty bưu điện quận 6 để gửi. Vừa qua khỏi cổng ty bưu điện, nó thấy một ông đeo kính, dáng người tròn tròn, áo sơ mi dài tay, bỏ trong quần, chắp tay sau đít, đi qua, đi lại nhìn nó với cặp mắt khả nghi. Nhưng nó bình tĩnh, làm bộ mở cặp lấy ra cái bì thư - vì nó đã chuẩn bị cho tình huống bất ngờ này - đi đến chỗ người đàn ông và hỏi một cách lễ phép:
- “Thưa bác, con muốn gửi thư bảo đảm phải vào quày nào ạ?”
Người đàn ông mập phệ này nhìn nó một cách cẩn thận, từ trên xuống dưới một chặp làm nó hồi hộp, muốn run lên, rồi trả lời:
- “Hầy, cái lầy ngộ lâu có piết. Ngộ đợi người quen đi nhẩm xà...”
Thằng Dũng hơi bị quê nên nói chọc tức:
- “Cái lị này nhẩm xà ngầu lôi tăng cể á.”
Mặc cho ông này đang ngơ ngác vì câu nói nửa nạc, nửa mỡ của nó, thằng Dũng đi vào trong quày ghi - sê nơi có đặt thùng thư dành cho khách bỏ thư bảo đảm. Chính cái nóc thùng thư này là địa điểm bí mật mà cô bé Thanh Danh bảo thằng Dũng đặt quyển sổ chép thơ lên trên vì thùng thư đặt khá cao, khuất tầm nhìn của mọi người.
Nó lấy quyển sổ ra, mở ra để nhìn xem “kiệt tác” của nó rồi kiểng chân lên đặt quyển sổ trên nóc thùng thư. Khi vừa đặt quyển số xuống nóc thùng thư thì bàn tay nó phát hiện một cái bì thư đã đặt sẵn tại đó. Nó không hiểu là thư của ai bỏ quên nên cũng chẳng để ý chỉ lo đặt quyển sổ thơ lên cái đã rồi mới tính sau. Khi đặt quyển sổ lên nóc thùng thư xong rồi, nó liền đi ra cửa, thở phào vì nhiệm vụ bí mật đã xong như trong phim tivi Mỹ “Mission impossible”, mà hàng tuần tụi nó phải canh xem cho bằng được, mặc dù chẳng hiểu các nhân vật trong phim nói gì nhưng đoán cốt truyện thì tụi nó cũng hiểu được lờ mờ.
- “Cháu ơi...”
Giọng của một người đàn ông đang gọi nó. Thằng Dũng quay lại. Một người đàn ông gầy, mái tóc hoa râm, cặp mắt kính cận nằm trên gương mặt hiền từ khắc khổ từ đâu xuất hiện nó cũng chẳng rõ. ông ta huơ huơ lá thư trên tay, hỏi:
- “Cháu làm rớt thơ nè...”
- “Dạ...”
Ông ta đưa cái bì thơ cho nó. Thằng Dũng ngần ngừ rồi cầm đưa hai tay cầm lấy “Con cám ơn chú” rồi liếc nhìn xuống dòng chữ đánh máy phía ngoài bì thư. Nó giật mình. Giòng chữ đánh máy chính là tên của nó. Đây là thư của con bé Thanh Danh gửi cho nó. Nó quay lại nhìn người đàn ông thì thấy ông ta đẩy cánh cửa ăn thông từ ghi-sê dành cho khách gửi thư vào phòng làm viêc của trưởng ty bưu điện. “Chết cha, không lẽ đây là ba của Thanh Danhệ Hú hồn, hú vía.”
Người đàn ông tốt bụng đó có phải là ba của cô bé Thanh Danh không thì cũng chưa chắc chắn lắm nhưng chắc nhất là cái thư này là của cô bé gửi cho nó. Nhưng dù sao thì cũng hú hồn!
Vừa ra khỏi cửa ty bưu điện, thằng Dũng vẫn còn thấy người đàn ông bụng phệ đứng đó, với tâm trạng vui vẻ nó gật đầu chào. Dựa chiếc xe đạp vào góc tường, nó liền mở thư ra xem. Nét chữ nghiêng viết bằng mực tím trên giấy pơluya màu xanh "Kính gửi anh Dũng. Danh nghe anh Kiệt nói anh cũng có làm thơ cho tờ giai phẩm xuân Petrus. Danh có đọc và thấy hay lắm. Hay hơn đoản ván của Danh nhiều. Danh cám ơn anh về việc anh Dũng chép dùm Danh mấy bài thơ sưu tầm. Anh Dũng có biết giai thoại về hoa Forget - me - not không kể cho Danh nghe với. Tiếng Anh phải viết là Don”t forget me mới đúng văn phạm chứ. Xí nữa Danh quên, hôm xem anh đóng vai lính thú đời xưa vui ghê. Nếu anh có viết thư cho Danh thì nhớ để ở chỗ này nghe chưa. Thanh Danh.”
Bức thư có bao nhiêu đó chữ nhưng thằng Dũng cứ xem đi xem lại như muốn tìm ra ẩn ngữ trong những giòng chữ nghiêng màu mực tím đó. “Hoa Forget - me - not - Đừng quên tôi có thể là ẩn ngữ cúa loài hoa tương tư thảo và cũng là ẩn ngữ của cô bé Thanh Danh. Phải giải thích cho cô bé thế nào đây giữa Don”t forget me va “forget - me - not”, phải hỏi mấy sư phụ ở nhà in thôi!
- “Mầy vẽ cái gì vậy?”, tiếng của thằng Mai đã đưa thằng Dũng trở về với thực tại.” À… à mầy vẽ thiệp xuân hả. Vẽ giúp tao một cái đi”, thằng Mai nằn nỉ.
- “Mầy cũng tặng thiệp xuân nữa à?”
- “Không. Tao làm thiệp mời.”
- “Thiệp mời?”
- “Ừ, mời ăn tất niên với lớp mình.”
- “Há...” thằng Dũng kêu lên ngạc nhiên. “Mầy mời ai, bạn gái hả?”
- “Không phải bạn gái, nhưng bí mật. Mầy cứ vẽ giùm tao đi.”
- “Rồi, nhưng cũng phải đợi vài hôm nữa nghe.”
- “Mầy vẽ cho tao một cái nữa”, tiếng thằng Thạch vang lên. Thằng Dũng cằn nhằn:
- “Mấy thằng tụi bây như tía tao vậy...”
Thằng Thạch cười hì hì:
- “Giúp đỡ anh em mà, nữa tao bao mầy đi coi xi-nê...”
Nghe nói đi xem xi-nê thằng Dũng dịu giọng xuống liền: “Ừ, nhưng cũng phải từ từ nghe...”
- “Chừng nào có?”
- “Qua tết.”
- “Ừ, vậy thì đợi qua tết coi xi-nê luôn.”
Thằng Thạch biết cái vụ xem xi-nê là chỗ yếu của thằng Dũng nên đem ra hù. Mà quả thật, khi nghe đến việc xem xi-nê ỉà thằng Dũng chịu thua ngay.
- “Giỡn chơi với mày cho vui, vài hôm nữa có.”
- “Mầy nhớ vẽ cái thiệp có hình một đứa con gái tóc thắt bím nhe, cái mặt hơi tròn tròn...”
Nó định nói thêm “giống như con nhỏ bán bánh mì ở rạp Việt Long” nhưng thôi vì thằng Dũng đâu có biết con nhỏ này mà nó cũng chẳng cần biết để làm gì...
Trong khi mấy đứa trong lớp bận bịu với việc tổ chức tất niên sao cho xôm tụ thì thằng Hòe lại phải học tổng quát gần hết cả chương trình đệ tứ để tham dự kỳ thi “Đố vui để học “giữa liên trường Petrus Ký, Gia Long và Chu Văn An để đấu với học sinh liên trường Marie Curie, J.J. Rousseau và Regina Pacis. Được chọn là học sinh để tham, dự kỳ thi này quả là một sự hãnh diện cho thằng Hòe và học sinh lớp tứ 7 vì trong 9 lớp đệ tứ cả trường, chỉ một mình mình học sinh của lớp tứ 7 được chọn.
Thằng Hòe được chọn cũng đúng thôi. Nhìn vào thành tích biểu1 của nó từ lớp đệ thất đến đệ tứ thì toàn chỉ thấy ba con số 18, 19, 20 cho các môn học. Năm nào thằng Hòe cũng nhận được học bổng cho học sinh giỏi. Tụi học sinh trong lớp tứ 7 chẳng lấy làm lạ vì gia đình thằng Hòe là một gia đình có truyền thống học hành. Chẳng những ba nó là giáo sư toán, mà mẹ nó lại là giáo sư Pháp văn nên chuyên học hành trong nhà nó rất được coi trọng. Không chỉ nó là học sinh giỏi mà cả hai thằng em nó, đều là học sinh có hạng của trường Petrus Ký. Nói đến tên thằng Hòe thì học sinh cấp lớp đệ tứ đều biết.
Thầy giám học của trường Petrus Ký là giáo sư hướng dẫn của đội liên trường học theo chương trình Việt đã có buổi gập gỡ ba học sinh của trường Petrus, Gia Long và Chu Văn An. Thầy nói:
- “Cuộc thi này là của học sinh các em, thầy là giáo sư hướng dẫn chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn và giải thích những điểm cụ thể về cuộc thi hoặc giải thích, hướng dẫn cho các em những vấn đề trong học tập do các em đặt ra. Các em phải phối hợp, cùng học với nhau, tự đặt ra những câu hỏi và tự cùng nhau giải thích, trả lời theo nội dung chương trình các em đã học. Các em phải làm sao để giữ được uy tín của trường Việt Nam, của chương trình học Việt Nam khi thi đấu cùng các học sinh trường Pháp. Thầy được biết các em đều là học sinh giỏi, thầy mong các em hãy cùng đoàn kết với nhau trong học tập. Dù là học sinh trường Petrus Ký hay Chu Văn An, Gia Long... đều là học sinh đại diện cho một ngôi trường duy nhất đó là trường trung học Việt Nam. Có thể ngôi trường của chúng ta còn thiếu thốn về cơ sở, về học cụ nhưng tinh thần ham học cúa học sinh chúng ta không nghèo...”
Thầy giám học nói tiếp về chương trình thi “đố vui để học”: “Chúng ta sẽ tập trung vào các môn toán và sinh ngữ và địa lý cồn sinh ngữ thì chúng ta thi hai môn Anh và Pháp. Phần Anh ngữ thì em Hòe và em Tịnh phải lo, em Huy tập trung phần Pháp ngữ.”
Thằng Hòe được thầy giám học chỉ định làm trưởng nhóm. Nó từ chối và xin nhường lại cho thằng Huy, học sinh trường Chu Văn An. Thầy giám học hỏi:
- “Hai em có ý kiến gì không? Các em là thành viên trong một đội, người đội trưởng phải được thành viên trong đội đồng ý mới được. Em Tịnh có ý kiến gì cứ nói.”
Tịnh, học sinh trường Gia Long, lắc lắc mái tóc thắt bím, nói nhẹ nhàng:
- “Dạ, em bầu cho anh Hòe.”
- “Em cũng bầu cho anh Hòe”, thằng Huy cũng có ý kiến. Thầy Lễ nói:
- “Em Hòe không thể từ chối được. Hai bạn trong đội đã đồng ý chọn em làm đội trưởng, vậy em phải tổ chức kế hoạch học tập cho toàn đội, kỷ luật trong đội khi tham dự ngày thi đấu tại đài truyền hình.”
Thằng Hòe gãi gãi đầu: “Em... em...”
Thằng Huy trêu:
- “Còn em em cái gì nữa. Tụi tui đang đợi bồ chỉ huy đây.” Con bé Tịnh hỏi đố thằng Hòe:
- “Anh biết vì sao tui bầu anh làm trưởng nhóm không?”
- “Tại tui cù lần chứ gì?”
- “Vì tôi biết khi bầu anh thì đội tụi mình sẽ thắng giải vì tên anh là Nguyễn Văn Hòe.”
Cả thầy giám học lẫn thằng Hòe và thằng Huy đều thắc mắc: “Tại sao tên Nguyễn Văn Hòe lại thắng cuộc thi?”
- “Vì ngày xưa có một ông trạng tên là Nguyễn Hòe. ông ấy rất giỏi.”
Thằng Hòe hỏi tiếp:
- “Tịnh đọc ở đâu vậy?”
- “Ở trong giấy gói bánh mì chứ đâu... Ủa trong sách chứ. Trong sách, sau đó, khi đọc xong ngưởi ta bán ve chai làm giấy gói bán bánh mì.”
Thằng Huy nhận xét:
- “Như vậy có thể nói khi đọc sách xong nên đem sách bán ve chai để ai ăn bánh mì có thể đọc tiếp...”
Cô bé Tịnh lắc cái bím tóc:
- “Anh Huy nói vậy là không đúng đâu. Nếu mình có sách thì mình phải giữ nó chứ, sao lại bán...”
Hòe gỡ cho Huy thế bí:
- “Chắc Huy nói chơi vậy mà. Tụi mình đâu còn thời giờ đọc sách nữa."
Thấy tụi nó mới gặp nhau lần đầu nhưng có vẻ như khá hòa hợp nên thầy giám học rất mừng. Thầy sợ nhất là tụi nó chỏi nhau vì tự ái thì khó có sự thống nhất trong cách ôn tập và phân công.
Khi tụi nó chuẩn bị ra về, thằng Hòe nói với cô bé Tịnh: “Hôm nào, Tịnh kể cho tui nghe câu chuyện về ông trạng Nguyễn Hòe được không?”
- “Được chứ. Để Tịnh về xem lại chứ lâu quá cũng chỉ nhớ mang máng. Biết đâu anh Nguyễn Văn Hòe là cháu mấy chục đời của ông trạng Nguyễn Hòe thì sao?”
- “Miễn là đừng có bà con với Quách Hòe thì được”, thằng Huy nói vui.
- “Quách Hòe là người Tàu thời Bao Công mà” - con bé Tịnh chữa lại.
Thằng Hòe trở lại vị trí trưởng nhóm của mình:
- “Mấy bạn về tự ôn tập nhé. Từ đây đến ngày thi đấu còn hơn tháng rưỡi nữa...”
- “Hết ăn tết rồi”, thằng Huy le lưỡi.
- “Mỗi tuần chúng ta gặp nhau vào ngày chủ nhật. Lần đầu tiên tại nhà tui ở đường Nguyễn Trãi, xóm Bàu Sen, lần sau là nhà của Huy rồi đến nhà Tịnh cho nó công bằng.”
Con Tịnh lắc đầu định có ý kiến gì đó nhưng nó lại im lặng. Thằng Hòe nói tiếp:
- “Mỗi buổi gập nhau tụi mình tự ra câu hỏi rồi sẽ cùng nhau trả lời như thi thật vậy. Nhớ là ai cũng phải ra câu hỏi hết để bắt người khác trả lời.”
Con Tịnh thắc mắc:
- “Nếu không ai trả lời được thì sao.”
- “Thì người ra câu hỏi phải giải đáp. Và ai cũng phải ráng ra câu hỏi thật khó nhé."
Cô bé Tịnh trêu:
- “Tịnh sẽ ra câu hỏi mà cả hai anh đều trả lời khác nhau cho coi.”
Thằng Huy cũng muốn thử tài con Tịnh:
- “Thử đặt câu hỏi bây giờ xem.”
- “Tịnh sẽ cho ra một câu hỏi rất ư là dễ nhưng hai anh lại trả lời không giống nhau. Chú ý nhé.”
Con Tịnh lấy quyển tập ra rồi nói:
- “Hai anh không được nhìn khi Tịnh vẽ.”
Hai thằng quay mặt đi, con Tịnh hí hoáy vẽ gì đó vào tập. Sau đó nó nói:
- “Xong rồi. Bây giờ Tịnh sẽ cho từng anh xem Tịnh ra câu hỏi gì rồi các anh viết câu trả lời vào giấy, sau đó sẽ mở ra một lượt nghen.”
Thấy có vẻ vui, hai thằng con trai đồng ý để cho con bé Tịnh chỉ huy cuộc thi. Con bé Tịnh cho thằng Huy xem câu hỏi bí mật trong tập trước. Khi nhìn vào tập của con bé Tịnh thằng này ngồi ngẩn người, rồi gãi đầu, lẩm nhẩm “lạ nhỉ... lạ nhỉ...” Con bé Tịnh nhắc:
- “Anh Huy viết câu trả lời lẹ lên. Dễ như ăn chè đậu mà”. Sau đó, nó chuyển qua thằng Hòe. Thằng này hăm hở nhìn vào đề thi bí mật rồi cũng như thằng Huy, nó cũng ngồi ngẩn ra một lát và tự hỏi: “đề thi gì kỳ vậy?”. Khi hai thằng đã trả lời xong câu hỏi vào giấy của mình thì con bé Tịnh bèn mở đề thi ra. Đó là hình vẽ một con heo nhưng nhìn thì hơi hơi giống con chó hay con ngựa với câu hỏi “Đây là con gì?” Xong xuôi, con bé Tịnh bảo cả hai thằng:
- “Đâu, hai câu trả lời của hai anh đâu?”
Thằng Huy mở tờ giấy trả lời của nó ra. Trong tờ giấy đó, nó viết hai chữ “Con lợn”. Sau đó, đến lượt thằng Hòe. Tờ giấy của nó có bốn chữ: “đây là con heo”.
Ba đứa cùng cười phá lên vì trò vui của con Tịnh. Bây giờ đến lượt con Tịnh thắc mắc:
- “Ừ, mà không hiểu sao trường Chu Văn An toàn dân Bắc Kỳ không vậy anh Huy hé?”
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #9  
Old 08-01-2013, 03:23 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Truyện này thời gian lộn tùng phèo hết, Nguyễn Chánh Tín sinh 1952, học đệ nhứt thì phải là niên học 1969-1970, mà học sinh lớp đệ tứ được miễn thi Trung học đệ nhất cấp từ niên học 1966-1967, hỏng lẽ anh ta học sớm tới những 3 năm?
Ngoài ra ngôn ngữ các nhân vật có vẻ giống... sau 75!


Anyway, học sinh Pétrus Ký sao có vẻ ham xxx quá hen?
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
  #10  
Old 08-01-2013, 09:52 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Đã nói truyện hư cấu mà sao thầy bắt bẻ tùm lum, có phải truyện lịch sử đâu nè.

Ngoài ra, vụ học sinh Petrus ham xxx thì phải hỏi người Petrus hồi đó mới biết được thầy có quen ai học Petrus hồi đó hong?
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 11:31 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.