Go Back   Vina Forums > Vườn Thơ > Tủ Sách Văn Học
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

 
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Prev Previous Post   Next Post Next
  #15  
Old 08-13-2013, 04:55 AM
da1uhate's Avatar
da1uhate da1uhate is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Oct 2007
Bài gởi: 605
Default

Chương 28

Chiều nay trời mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão từ Phi Luật Tân đổ vào miền Trung trong mấy ngày qua. Gió thổi mạnh làm những tàn cây dầu lớn ở phía sau dãy nhà xe vang lên những tiếng đập phần phật. Tháng tư. Đang bước vào mùa hè nên trời buổi chiều hay nắng nóng. Hai chiếc quạt trần, có lẽ từ thời Pháp thuộc, quay chầm chậm không đủ mang đến những con gió mát cho lũ học trò đang sôi kinh nấu sử. Cơn mưa lớn, bỗng nhiên chợt đến làm không khí như được tưới bằng vòi hoa sen, thẫm nước mang đến cơn mát dịu ngọt đầu hè. Gió thổi mạnh vào cửa sổ bắn những giọt nước mưa vào phòng học. Những cánh cửa sổ được vội vàng đóng kín. Không khí trở nên ấm cúng và gần gũi.
- “Bão ở miền Trung dai dẳng dữ. Sao lại có bão mùa này không biết...”, thằng Dũng thì thầm với thằng Thạch.
Lại bão. Lại lụt. Miền Trung không tránh khỏi họan nạn của ông trời. Cơn bão rớt từ Philippines tạt ngang cũng đủ làm dân nghèo miền Trung khốn đốn. Năm nào miền Trung cũng có bão. Miền Trung bão lụt quanh năm. Chỉ có dân Sài Gòn không hiểu thế nào là bão lụt. Sài Gòn chỉ có năm Thìn bão lụt. Dân Sài Gòn sướng. Học sinh Sài Gòn sướng hơn học sinh miền Trung. Học sinh Sài Gòn phải có trách nhiệm về mật tình cảm với học sinh miền Trung. Lá lành đùm lá rách. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ là những câu thường được nghe nhắc đến trong những cuộc lạc quyên hướng về miền Trung “trời hành cơn lụt mỗi năm”.
Năm nào trường nó cũng tổ chức những đợt quyên góp cứu trợ cho dân nghèo miền Trung. Trưởng ban xã hội trong lớp vận động tụi nó nhịn tiền quà. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Những khẩu hiệu kêu gọi lòng hảo tâm của học sinh trong trường được dán khắp các cửa ra vào, lớp học. Thằng trưởng ban xã hội xăng xái vận động, đốc thúc bằng mọi cách vì nó được bầu ra để dành cho những đợt cứu trợ như thế này thôi. Uy tín của trưởng ban xã hội được đo bằng cách thức nó huy động được tiền đóng góp của học sinh trong lớp. Muốn moi tiền túi của tụi nó không phải là chuyện dễ dàng. Phải tìm mọi cách. Năn nỉ, thuyết phục, hứa hẹn, kêu gọi lòng thương người hảo tâm.
- “Mầy sắp có chuyên làm”, thằng Dũng thầm thì với thằng Thạch.
- “Làm chuyện gì?”
- “Vận động cứu trợ cho nạn nhân bão lụt.”
- “Sao mầy biết?”
- “Đọc trên báo.”
Sở dĩ thằng Dũng bảo thằng Thạch phải lo chuyện vận động cứu trợ vì thằng này hiện là trưởng ban xã hội của lớp. Nó nhận được “chức" này vì sự láu cá.
Gần tết năm ngoái. Tết thì tết, trời cũng chẳng thương dân miền Trung, ổng làm một trận bão xứng đáng với cái tên là bão. Sau đó đi kèm với thằng bão là thằng lụt. Lụt cũng chẳng kém bão để xứng đáng là cặp đôi hoàn hảo. Dân tình Sài Gòn xót xa cho dân miền Trung tết gần đến mà còn bị trời hành bèn tổ chức quyên góp “Lá lành đùm lá rách". Các hội từ thiện vận động cứu trợ theo kiểu các hội từ thiện. Các tòa báo vận động cứu trợ theo kiểu các tòa báo. Sinh viên học sinh thì vận động cứu trợ kiểu sinh viên học sinh. Ca, kịch sĩ thì tổ chức Đại nhạc hội cứu trợ nạn nhân bão lụt. Không cần chính quyền kêu gọi. Người Sài Gòn làm với tinh thần tự giác, tự nguyện. Người Sài Gòn là dân tứ xứ. Dân Nam kỳ Lục tỉnh chạy lên thì mang theo tinh thần hào sảng “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh húng”. Còn dân miền Trung vào Sài Gòn sinh sống vì không chịu nổi cảnh khó khăn của chiến tranh thì nghĩ về miền Trung như là núm ruột, máu thịt. Ngoài xã hội, mọi tầng lớp đồng bào nghĩ về đồng bào bão lụt miền Trung như thế nào thì trong các lớp học của trường Petrus Ký cũng như thế ấy. Theo lời kêu gọi của Ban đại diện học sinh trường các lớp tự quyên tiền cứu trợ. Còn ban đại diện trường sẽ tổ chức từng toán học sinh ôm thùng lạc quyên đi vòng vòng khu trung tâm Sài Gòn từ rạp Rex xuống công trường Quách Thị Trang. Trong mùa cứu trợ, vào những buổi sáng chủ nhật, những người bát phố Bô-na, hay lang thang ở những quán Cái Chùa, Grival đều thấy những em học sinh quần xanh áo trắng, mang phủ hiệu Petrus Ký, vai đeo một cái thùng giấy tổ bố có ghi giòng chữ “Lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung”. Mà không chỉ có học sinh Petrus Ký thôi. Học sinh Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng, Trường Sơn, Lê Bảo Tịnh, Tân Văn, Bồ Đề với những chiếc áo dài thướt tha đứng giữa hè phố đông đúc để lạc quyên cứu trợ cho đồng bào mình. Những buổi ôm thùng đi lạc quyên chính là những buổi học môn công dân về tình đồng bào một cách hữu hiệu. Bằng thực hành chứ không chỉ bằng những bài học về tinh nghĩa đồng bào, máu chảy ruột mềm mang đầy tính lý thuyết trong sách giáo khoa. Những giọt mồ hôi, những lời kêu gọi người đi đường đóng góp khan cả cổ chính là những bài học về tình yêu thương sống động mà những học sinh Petrus Ký khi ra đời không bao giờ quên. Đó là hình thức lạc quyên ngoài đường phố. Trong mỗi lớp lại có hình thức vận động riêng.
Năm ngoái, trong giờ ra chơi, tụi nó tập trung chung quanh quày bán báo xuân của nữ sinh trường Gia Long. Mỗi năm, đây là dịp để tụi nó chòng ghẹo các nữ sinh của ngôi trường có tiếng là gia giáo như trường... tụi nó. Thôi thi đủ trò chọc ghẹo, xin chữ ký rồi sẽ mua báo, xin trao đổi phù hiệu để nhớ nhau. Một tờ báo kèm một cái địa chỉ. Dù là địa chỉ ma nhưng miễn là địa chỉ do cô nữ sinh Gia Long đến bán báo xuân ghi thì được. Lúc đó, thằng Thạch cùng thằng Dũng đang đứng trong vòng vây những chàng Petrus Ký mặt đang trong thời kỳ mụn trứng cá nở hoa đứng ngắm các người đẹp Gia Long. Thằng Thạch chợt nghe tiếng thằng Cường trách thằng Ninh:
- “Mầy không chịu đóng tiền cứu trợ mà lại để tiền mua báo xuân. Đồ dại gái!”
Thằng Ninh cự lại:
- “Thôi bỏ qua đi tám. Mầy là trưởng ban xã hội thì mầy phải vận động anh em bằng mọi cách. Mầy làm như mầy cha người ta vậy.”
- “Cứu trợ là nhiệm vụ của tụi mình...”
- “Thôi tám ơi, tùy lòng hảo tâm, chứ nhiệm vụ gì. Chỉ là nhiệm vụ của mầy thôi. Mầy sợ lớp mình đóng tiền ít thì mầy quê với mấy lớp khác chứ gì?”
Thằng Thạch quay lại, hỏi thằng Cường:
- “Lớp mình đóng được bao nhiêu rồi?”
- “Mới có 22 đồng.”
- “Được rồi. Tí xíu nữa, vào giờ học tao sẽ có cách quyên góp tụi nó cho mầy.”
Khi giờ học sau bắt đầu, thằng Cường xin phép giáo sư cho nghỉ nửa giờ để quyên góp cứu trợ. Tụi trong lớp vỗ tay vì nhân cơ hội này được ngồi chơi nửa tiếng. Trong giờ học, dù chỉ câu giờ cúa các giáo sư được 10 phút cũng là quá đã.
Thằng Thạch đi từ phía dưới bàn lên trên bục bảng đen, quay xuống dưới lớp nói:
- “Thưa tụi... các bạn. Hôm nay, khi nữ sinh Gia Long sang bán báo, tui...”
- “Mầy rờ được tụi nó hả?”, thằng Thuật hỏi lớn làm tụi trong lớp cười cái rần.
- “Không. Tao rờ không được nhưng có lấy được cái này. Đố tụi bây là cái gì?”. Phải khêu gợi trí trí tỏ nó của tụi nó, thằng Thạch nghĩ.
- “Khô mực”, cũng là thằng Thuật, vua khai mào cho những câu nói tầm bậy.
- “Khăn mu-soa chùi mũi.”
Thấy tình hình có vẻ nghiêng về chiều hướng nói bậy, thằng Thạch cắt ngang:
- “Một cái kẹp tóc.”
Nó móc trong túi quần ra một cái kẹp tóc giơ lên cao: “Bây giờ ai muốn có cái cặp tóc này phải trả giá cao nhất mới mua được. Tiền bán kẹp tóc sẽ dành để lạc quyên. Cách thức như thế này: Thằng nào trả cao giá nhất thì được mua cái kẹp, còn những thằng đã trả giá rồi mà không mua được cũng phải đóng tiền, nếu không thì những thằng phá hoại sẽ trả giá mà không mua.”
- “Nghĩa là sao?”, thằng Chương hỏi.
- “Thí dụ mầy trả 2 đồng nhưng thằng Hải trả 3 đồng thì thằng Hải mua được. Còn mầy dù không mua được cũng phải đóng 2 đồng.”
- “Sao đấu giá gì mà bóc lột dữ vậy?”
- “Tiền đấu giá dùng để cứu trợ, vì vậy nếu có bóc lột tụi bây cũng chẳng sao”, thằng Thạch thẳng thắn.
- “Còn đứa nào có ý kiến gì không? Nếu không tao bắt đầu bán giá một đồng. Quá rẻ.”
- “Một đồng rưỡi”, một thằng nào đó hô.
- “Không chơi năm cắc. Phải hơn nhau ít nhất là một đồng”, thằng Thạch chắc giá.
Cả lớp bắt đầu nháo nhào. Đấu giá mua cây kẹp thì ít mà nói bậy thì nhiều. Nhân cơ hội đấu giá mả tụi nó chơi thả giàn. Nhưng dầu sao, chuyện đấu giá cây kẹp của ghê Gia Long vẫn là chuyện hấp dẫn nhất chiều nay. Còn câu giờ được đến đâu thì tụi nó củng cố câu.
- “Hai đồng”, thằng Mai kêu.
Nhiều đứa quay xuống nhìn thằng Mai. Trong lớp, thằng Mai là thằng học sinh nghèo nhất nhì của lớp. Ít khi thấy nó ăn quà bánh trong giờ ra chơi. Đi học thì mặc cái quần kaki cao lên khỏi mắt cá. Thế mà nó cũng dám chơi đấu giá. Tụi nó bắt đầu nóng gà:
- “Ba đồng”, thằng Tuấn lớp trưởng.
- “Tao mua cây lược của thằng Tuấn 10 đồng”, thằng Hải cố tình trêu thằng Tuấn. Vì nó biết cây lược là vật bất ly thân của thằng Tuấn. Thằng này có thói quen chải đầu mọi lúc, mọi nơi. Thằng Thạch chụp lấy ngay cơ hội, không cho thằng Hải thoát.
- “Cây lược của thằng Tuấn, thằng Hải mua 10 đồng.”
Không thằng nào lên tiếng.
- “Ai mua cây lược của thằng Tuấn 10 đồng.”
- “Tao mua 11 đồng.”
Tụi nó ồ lên ngạc nhiên vì người mua cây lược không ai khác hơn là... chính thằng Tuấn. Thằng này không thể rời xa cây lược của nó được.
- “Rồi như vậy thằng Hải đóng 10 đồng, thằng Tuấn đóng 11 đồng. Trở lại cây kẹp, thằng Tuấn đã trả ba đồng...”
Sau cây lược cúa thằng Tuấn, màn đấu giá cây kẹp của em gái Gia Long trở nên vui vẻ và sôi nổi. Không khí được hâm nóng vi những thằng có tiền rủng rỉnh bắt đầu tham gia cuộc chơi khi bị thằng Thạch khích tướng. Thằng Thạch quả không phụ lòng dạy dỗ của ba nó trong các trò khích tướng để đối phương xùy tiền ra.
Cuộc đấu giá chấm dứt khi cây kẹp của em gái Gia Long được bán với giá 22 đồng mà người mua không ai khác hơn là thằng Cường, đương kiêm trưởng ban xã hội. Thằng Cường không cho thằng Mạnh qua mặt mình về mọi phương diện. Thằng nào mua cây kẹp này cũng được trừ thằng Mạnh. Thằng này đã dám vuốt râu hùm khi nói “Bố thằng Cường chỉ mới là đại tá trưởng ty mà nó lối với anh em...”.
Tổng cộng sau cuộc đấu giá cây kẹp và cây lược, tiền cứu trợ thu được 117 đồng. Trưởng ban xã hội vui vì không ngờ cuộc đấu giá thắng lợi như thế. Riêng thằng Thạch được anh em tín nhiệm quá xá vì đã đem lại một phương thức sinh hoạt vui mà tụi nó chưa từng biết. Nhờ kết quả này mà khi bầu cử trưởng ban xã hội năm đệ tứ thằng này được tín nhiệm bầu vào “ghế” trưởng ban xã hội. Oai ra phết.
Lúc tan học về, thằng Thạch trả lại thằng Mai 2 đồng mà thằng Mai đã ứng làm cò mồi để tham gìa đấu giá lúc đầu. Thằng Mai hỏi nhỏ thằng Thạch:
- “Sao mầy lấy cây kẹp của con nhỏ Gia Long hay quá vậy? Tao đứng gần mày mà mầy lấy lúc nào tao chẳng biết”.
Thằng Mai ngạc nhiên cũng phải vì nói về chuyện chôm chỉa thì thằng này thuộc loại có hạng, được “đào tạo” từ khu xóm chuyên bài bạc của nó từ nhỏ. Thằng Thạch trả lời tỉnh bơ: “Làm gì có kẹp tóc của em gái Gia Long. Cây kẹp này là kẹp tóc của chị tao.”
Cứ nghĩ lại câu chuyện thằng Thạch lừa gạt cả lớp về câu chuyện cây kẹp của mấy em gái Gia Long mà thằng Dũng vẫn còn muốn phì cười. Không biết sắp tới có đợt cứu trợ đồng bào miền Trung bão lụt nữa thằng Thạch sẽ có chiêu thức “tàn chi quái đao” gì nữa đây?
Đột nhiên, ánh sáng từ bốn ngọn đèn nê-ông trong phòng học tắt ngóm. Phòng học chợt bùng lên tiếng ồn ào, thậm chí có tiếng như reo mừng từ xóm nhà lá của thằng Thuật. “Cúp điện... cúp điện.”
Ngồi trên bàn giáo sư, thầy Sum chép miệng:
- “Các em ngồi yên. Chắc cúp điện không lâu đâu. Ông tổng trưởng kinh tế nói nước mình sắp hết thiếu điện rồi...”
Thầy Sum thường có lối nói châm biếm như thế nhất là khi thấy nói về tình hình thời sự kinh tế xã hội khi ngẫu hứng trong lúc giảng bài. Nhờ vậy, đôi khi bài giảng của thầy trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn.
- “Các em thử dịch chữ thiếu điện sang tiếng Anh xem sao?”
- “Electric lacking thầy...”
- “Power lacking thầy...”
Thầy Sum vẫn lắc đầu. Thằng Hòe giơ tay:
- “Power shortage thầy...
- “Right. Đúng rồi. Sau này các em có thể ghi trong bài thi của mình hai chữ này để nhắc ông tổng trưởng...”
Thằng Thạch giơ tay:
- “Xin thầy cho em bàn với lớp về việc đi lạc quyên chủ nhật này ạ...”
Thầy Sum gật đầu, rồi bỗng nhiên cảm khái:
- “Miền Trung là miền đau khổ. Người dân miền Trung chịu đựng chiến tranh rồi chịu đựng thiên tai, địch họa. Vì vậy vùng đất này luôn sản sinh những anh hùng tài năng, những danh nhân kiệt xuất cho đất nước. Các em khi ngồi đây, trong phòng học dù cúp điện tối thui nhưng vẫn sung sướng hơn các bạn học sinh miền Trung. Trong điều kiện của mình, các em nên có hành động để giúp đỡ đồng bào mình...”
Thằng Thạch đứng lên nói:
- “Thưa các bạn. Nhân lúc cúp điện, xin được thông báo với các bạn là Ban đại diện phân công lớp chúng ta 8 người sẽ tham dự với học sinh các lớp khác đi lạc quyên cứu trợ vào sáng chủ nhật này…”
- “Sáng chủ nhật...”, nhiều đứa kêu lên.
- “Tại sao không chọn buổi chiều hai, ba, tư, năm, sáu, bảy để khỏi đi học...”
Thầy Sum cười:
- “Làm từ thiện mà các em đòi hỏi quá thì mất hết ý nghĩa rồi, phải nghĩ đến chuyên hy sinh chứ...”
Thằng Thạch nói lớn, át tiếng phàn nàn của xóm nhà lá: “Ban đại diện trường đã phân công rồi, chúng ta chỉ đồng ý tham gia hay không mà thôi. Lớp chúng ta chỉ cần 8 người nữa, ngoài tao ra... Ai thích đi thì giơ tay lên, chuyện này không ép buộc...”
Thằng Dũng, rồi thằng Mai, thằng Tuấn trưởng lớp, thằng Ninh, thằng Ngầu đồng loạt giơ tay. Rồi một lát sau, thêm vài cánh tay của thằng Khải, Chương, Hòe... Bây giờ mới là giờ thằng Thạch ra oai chọn lựa:
- “Thằng Hòe phải ở nhà ôn bài vì sắp thi đố vui để học. Thằng Lý đen giơ tay sau, chỉ ưu tiên những ai giơ tay trước...” Nhân cơ hội lớp học vẫn còn tối om vì cúp điện, mà ngoài kia thì trời vẫn còn mưa làm bầu trời xám sẩm, thằng Thạch xin phép thầy cho nó họp nhóm đi lạc quyên lại để phân công và phổ biến nội quy:
- “Tụi mình được phân công lạc quyên chung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, bưu điện sài Gòn, đi xuống đường Tự Do, tới trước Quốc Hội... ”
- “Mình đeo thùng đi lên đi xuống đường Tự Do chứ không phải đứng một chỗ hả?”
- “Đúng. Tám thằng có 4 cái thùng. Hai thằng chia nhau ôm một cái thùng.”
- “Nhưng người ta không biết mình là ai làm sao người ta cho tiền được", thằng Mai nêu thắc mắc.
Thằng Thạch quay sang thằng Dũng:
- “Mầy phải làm mấy câu thơ thật tàn chi quái đao cho tao. Đọc ca dao của mầy xong là người ta muốn móc túi cho tiền ngay. Mình dán mấy câu thơ đó với mấy chữ học sinh Petrus Ký lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung.”
- “Mình bận quần áo đi học hả?”
- “Ừ, phải quần xanh áo trắng, đeo phù hiệu đàng hoàng nghe."
- “Mấy giờ sáng chủ nhật mình có mặt tại trường?”
- “Bảy giờ có mặt đi.”
- “Giờ đó đói thấy mẹ”, tiếng thằng Mai.
Thằng Thạch gãi đầu:
- “Ừ, hé... giờ đó đói à. Thôi được rồi. Tập trung ở trường ăn sáng rồi đi luôn.”
- “Mỗi thằng tự ăn hay có ai bao?”
Thằng Thạch tỏ mặt là trưởng nhóm:
- “Tao bao.”
- “Thôi ăn mì ngay quán cà phê Năm Dưỡng cũng được.” Thằng Thạch cáu:
- “Thôi bỏ qua đi tám, phở mì cái cù loi heo. Tiền đâu mà bao tụi bây ăn phở, sang vậy?”
- “Ủa, chứ không phải mình ăn sáng từ tiền lạc quyên sao?”, lại cũng thằng Mai.
Thằng Thạch sửng cồ:
- “Sao mầy cù lần quá vậy mậy? Tiền lạc quyên là tiền giúp cho đồng bào. Mình đi lạc quyên vì mình muốn làm việc thiện, muốn làm cái gì đóng góp cho đồng bào miền Trung. Mình đâu có thể lấy tiền đó ăn sáng được."
Thằng Mai ngồi ngẩn tò te, nghe thằng Thạch giảng mo-ran một chặp. Thằng Dũng giảng hòa:
- “Thôi, ăn cái gì cũng được, miễn là no để đủ sức ôm cái thùng đi lên, đi xuống đường Tự Do là được rồi.”
Thằng Thạch chốt lại:
- “Nhớ nghen, sáng chủ nhật, bảy giờ có mặt tại trường. Tao lo cho tụi bây ăn sáng. Ngon tàn chi quái đao luôn.”

* * *

Chiều thứ bảy thằng Dũng đã làm xong hai cái thùng bằng cạc-tông dán kín, chỉ để hở một khe nhỏ để những người hảo tâm bỏ tiền vào. Bên ngoài thùng thằng Dũng viết hai câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” và có thêm câu phụ chú nhỏ “Hs Petrus Ký lạc quyên cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung”. Tụi nó đem gửi hai cái thùng này trong phòng sinh hoạt hiệu đoàn, cẩn thận, thằng Dũng còn viết thêm chữ “Tứ 7” để tránh các lớp khác cầm nhầm.
Sau giờ tan học, thằng Thạch kiểm tra công việc đã phân công và nhắc nhở những thằng đi lạc quyên vào ngày mai có mặt đúng giờ. Khi chia tay với mấy thằng trong nhóm xong, thằng Thạch chạy xe thẳng xuống đường Cao Thắng. Đến xe bánh mì của con Tịnh. Nó đi mua bánh mì cho tụi nó sáng sớm ngày mai. “Mình mua tới 10 ổ, tại sao không ủng hộ con Tịnh”. Nó mua bánh mì vì mục đích ủng hộ con bé Tịnh chứ không nhằm tán tỉnh con bé nay vì nó biết giờ này con Tịnh chưa ra bán.
Đúng như nó nghĩ xe bánh mì cũng như rạp Việt Long bây giờ đang vắng khách. 5 giờ rưỡi chiều không có xuất chiếu cũng như giờ này là giờ chuẩn bị cơm chiều, ăn bánh mì thì làm sao mà ăn cơm. Một con bé, gương mặt khá giống con Tịnh đang ngồi ngáp vặt. Nó ngừng xe và nói với con bé bán bánh mì:
- “Bán cho tui 10 ổ...”
Nghe có người mua 10 ổ, con nhỏ đang ngồi đứng dậy liền:
- “Mỗi ổ 10 dồng?”
Thằng Thạch chỉ có 50 đồng, nó hy sinh đãi anh em buổi sáng, làm gì có tới 100 mà mua một ổ 10 đồng.
- “Không. Một ổ năm đồng."
- “Năm đồng? Năm đồng làm sao bán. Có chút xíu thịt được không?”
- “Sao cũng được. Nhưng mà...”
- “Nhưng mà sao?”
“Sáng mai tui lại lấy được không? Vì tui mua cho sáng mai.”
- “Vậy thì sáng mai anh cứ lại chứ đặt mua gì sớm vậy?”
- “Tui muốn sáng mai em làm 10 bánh mì trước, khỏi mắc công đợi.”
- “Lỡ anh không mua bánh mì của tui thì sao?”
- “Mua mà. Tui đưa tiền trước.”
- “Thôi phiền phức lắm anh ơi. Lúc đó anh nói là mua một ổ 10 đồng hay là đòi đủ thứ thì làm sao...”
Thằng Thạch gãi đầu. Đúng là hai chị em. Con chị thì như người câm còn con nhỏ em thì đủ thứ lý sự. Mình đi mua ủng hộ nó mà nó làm như mình đi tán nó vậy. Có tán thì tán con Tịnh chứ đâu tới phiên nàng, cô nương! Nó thầm nói trong đầu và chuẩn bị quay xe đi mua chỗ khác.
- “Thì cứ nhận lời bán cho người ta đi...”
Thằng Thạch nhìn ra sau. Người nó run bắn lên. Trời ơi, con Tịnh. Con nhỏ đang dắt chiếc xe đạp, đứng sau lưng nó. Mái tóc dài của con Tịnh còn ướt thơm lừng mùi lài xà bông cô Ba của hãng Trương Văn Bền và các con. Thằng Thạch đứng lặng yên tận hưởng mùi thơm đó. Không phải mùi thơm của xà bông mà là mủi thơm của tóc. Tóc của chị nó được “săn sóc” bằng xà bông Camay của Mỹ mà đâu có cái mùi thơm này đâu. Lâng lâng!
Thấy con bé Tịnh, cô bé bán bánh mì liền nói:
- “Thôi, em giao cho chị đó. Sáng mai chủ nhật là tới phiên chị bán, chị tính sao tính. Em đi về nấu cơm phụ má nghen.”
- “Ừ, em về đi. Để chị bán. Tối ra phụ hàng với chị”
Con bé Tịnh quay qua thằng Thạch, nó sửng mắt, ngạc nhiên: “A... cái anh chung thủy với món ăn... lâu ghê mới thấy anh lại mua bánh mì...”
- “Trời ơi, con bé này nhớ đến câu nói của mình! lại còn để ý là mình không lại mua bánh mì nữa... thiệt là tàn chi quái đao”, thằng Thạch cảm thấy như trời đất đang quay cuồng. Nó lắp bắp:
- “Tại...”
- “Tại đi đánh lộn phải không?”
- “Đánh lộn...? Tui... tui có đi đánh lộn bao giờ đâu!”, đến lượt thằng Thạch thắc mắc.
- “Anh không nhớ thì thôi. Tui thấy anh đánh thằng cha lính đó... để cứu bạn anh.”
Thôi, chết rồi. Té ra là con bé Tịnh đã thấy nó nhào vô đánh với thằng cha lính khi thằng Ngầu bị đánh hội đồng. Biết con gái rất ghét mấy thằng hay đánh lộn, không thư sinh nho nhã nên thằng Thạch ngọng:
- “Tui... tui... Mà sao... Tịnh thấy?”
Bây giờ đến phiên con bé Tịnh ngạc nhiên:
- “Anh... anh biết tên tui nữa à?”
- “Cả trường Petrus Ký biết!”
- “Cái anh này. Làm sao trường anh biết tên tui được?”
- “Vì Tịnh sắp thi đố vui để học liên trường chung với thằng Hòe Petrus Ký.”
- “A... té ra là anh là bạn cùng lớp với anh Hòe. Sao anh Hòe giống như con gái, còn anh... Nhưng như anh mới là còn trai hơn. Con trai mà như con gái hổng hay. Bữa đó, tui lại trường anh học với anh Hòe và anh Huy, khi về tui thấy anh bênh bạn anh nên bị ông lính đó đánh..."
Thằng Thạch mắc cỡ:
- “Tui nhào ra đại chứ đánh đâu có lại mấy ông lính đó. Lính khỏe lắm.”
- “Anh mua mấy ổ bánh mì?”
- “10 ổ.”
- “Anh mua làm gì nhiều vậy?”
- “Mua cho nhóm đi lạc quyên cứu trợ.”
- “Anh mua một ổ bao nhiêu tiền. 10 hay 15 đồng? Ăn vậy mới no.”
Thằng Thạch ngần ngừ, nhưng túi tiền của nó quyết định là nó không thể nào sĩ diện:
- "Một ổ... một ổ... năm đồng năm đồng thôi. Sức tụi nó ăn yếu lắm. Buổi sáng ăn chơi cho nó nhẹ bụng.”
- “Năm đồng bánh mì thịt?”
- “Ừ. Một ổ bánh mì thịt năm đồng. Thịt ít cũng được, nhưng là phải có đồ chua, hành ngò thiệt nhiều. Bánh mì mà không có đồ chua thì không ngon. Chính đồ chua làm dậy mùi bánh mì, làm trung hòa chất bột, chất thịt, tạo ra một mùi vị riêng...” Chỉ để tránh cái sự quê là chỉ mua có năm đồng mà thằng Thạch phải tự diễn giải cái ngon của bánh mì nhờ đồ chua. Sự diễn giải này nó học được từ thằng Mai - vua ăn bánh mì không với đồ chua và nước tương vì... không có đủ tiền mua bánh mì thịt.
Con bé Tịnh cười làm lộ rõ hai núm đồng tiền bên hai má.
- “Bánh mì chan nước tương hay xịt muối tiêu.”
- “Nước tương. Nước tương mềm mại hơn muối tiêu.” Nó định nói nước tương mềm mại như tay em nhưng ngại nên nói trớ.
Không biết hôm nay ông ứng bà hành hay sao mà lời thằng Thạch nói ra y như danh ngôn, đủ cho danh ngôn để chỉ nói về bánh mì. Con bé Tịnh xuýt xoa:
- “Lần đầu tiên tôi nghe nói nước tương mềm mại. Nước tương mềm mại… hay thiệt.”
Muốn đứng nói chuyện với con nhỏ Tịnh một chút nữa nhưng nó thấy có một vài người đang đứng chờ mua bánh mì nên nó rút lui. Vả lại, theo quân sư Dũng, rút lui đúng cách sẽ làm địch quân... nhớ.
- “Sáng mai, gần 7 giờ tui lại lấy bánh mì. Tui trả 50 đồng trước. Nhớ nhe, sáng mai, gần 7 giờ.”
Nói xong, không chờ con Tịnh trả lời, nó phóng xe đi. Thiệt là tàn chi quái đao!
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
 


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 01:24 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.