Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Thành Viên Sáng Tác
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

 
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
Prev Previous Post   Next Post Next
  #11  
Old 03-06-2015, 01:52 AM
AiHoa's Avatar
AiHoa AiHoa is offline
thích gõ đầu trẻ
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Bài gởi: 2,072
Default

Cột đồng chưa xanh (tt)

Ba người hoà lẫn vào dòng người lũ lượt mua sắm, vừa đưa mắt nhìn ngắm quang cảnh hai bên. Hôm nay mồng một là ngày phiên chợ nên phố rất đông vui. Người các làng La Cả, La Khê ra bán the, người Đại Mỗ bán hàng cấp lụa đũi; ngoài ra còn có gấm vóc thì cấp của người làng Vạn Phúc, lĩnh của người làng Bưởi. The lụa đũi vẫn còn để mộc, những người ở chợ Dầu, ở Hàng Bông đến nhận về nhuộm thâm. Những người ở phố Cầu Gỗ, Bưởi thì nhận về nhuộm màu hay chuội trắng. Những người thợ cửi ở Hà Đông ra Hà Nội bán xong hàng, lại tìm mua tơ của các nhà buôn ở Hàng Đào, Hàng Gai để làm hàng cho phiên chợ sau.

Đến một góc đường chợt nghe tiếng huyên náo. Mọi người xúm xít quanh một khoảng đất rộng trước một hiệu buôn lớn, trên đó có khoảng chục người mặc đồ chẽn màu đỏ và trắng. Thì ra đó là một đám múa lân do ông chủ hiệu buôn Thuận Phát mời khai trương chi nhánh mới. Một số người cầm côn đứng rải rác, số khác mang trống, thanh la, não bạt. Ở giữa là hai con lân trắng và đỏ mỗi con có hai người nâng. Đầu lân chế tạo rất công phu bằng giấy bồi cứng, lông gắn rậm rạp, sơn phết đẹp đẽ. Lân đỏ có sừng được buộc mảnh vải đỏ, lân trắng không có sừng. Thân của lân là tấm vải khá dài, rộng, có nhiều miếng vải nhỏ giả làm vảy rồng, nhiều màu sắc, con lân vì vậy có cái đầu khá to và cái mình khá dài, điều này giúp cho lân có vẻ linh động, uyển chuyển khi múa. Trên trán lân gắn một miếng kính tròn nhỏ. Không nén được tò mò, Phong Nguyệt hỏi:
_ Sao lân có con có sừng, có con lại không có nhỉ?

Đào Long Vân đáp:
_ Lân đực có sừng, lân cái không có.

Phong Nguyệt à lên tỏ vẻ hiểu, rồi hỏi tiếp:
_ Đào huynh có biết nguồn gốc múa lân xuất phát từ đâu chăng?

Phong Lôi chen vào:
_ Văn hoá ta chịu ảnh hưởng người Tàu nên chắc múa lân cũng từ nước Tàu mà ra chứ gì?

Phong Nguyệt nói:
_ Thì em cũng biết từ nước Tàu, nhưng ý nghĩa của trò này kia. Chắc phải có sự tích chi chứ?

Long Vân cười đáp:
_ Đúng thế, nhưng có lắm truyền thuyết khác nhau. Người ta kể rằng thời ấy có một loài quái thú từ dưới biển lên gây tai họa cho loài người. Đức Di Lặc dùng cỏ linh chi hái trên núi, hóa thân làm ông Địa dụ cho con vật ấy, tức là con lân, ăn cỏ này. Từ đấy nó được thuần phục, chỉ ăn chay, trở nên hiền lành và theo Phật về trời tu luyện. Hàng năm, vào mùa Tết, ông Địa dẫn lân giáng trần ban phước lộc cho nhân gian. Dựa vào tích này, người ta dựng lại cảnh múa lân trong các dịp lễ và tin tưởng là làm như thế thì vẫn được Phật giáng phúc lành như xưa. Vì thế khi lân đến nhà múa, lủng lẳng dưới sợi dây cột tiền, chủ nhà còn treo thêm rau cải giả là cỏ linh chi như trong tích cũ. Theo sự tích khác thì ngày xưa có năm trời làm thiên tai dịch tả, người chết như rạ. Phật Di Lặc hóa thân thành ông Địa giáng trần để cứu nhân độ thế. Ông lên ngọn núi cao chót vót tìm thất diệp nhất chi hoa tức cỏ linh chi là loài thuốc quí. Nhưng thuốc này do một con lân canh giữ, ông phải dùng mẹo làm thân với nó mới hái được cỏ. Cỏ có 7 lá, ông Địa ăn một lá, con lân ăn một lá, cả hai nhờ thế được trường sinh. Ông Địa dùng 5 lá còn lại luyện thành thuốc rồi rủ con lân cùng xuống trần gian để cứu mọi người thoát khỏi dịch bệnh. Cũng có thuyết cho rằng vào thuở khai thiên lập địa, có một con thú ăn thịt người, cứ vào tháng tám hàng năm thì xuất hiện gieo rắc tai họa làm mọi người khiếp sợ. Ngày kia, có một nhà sư muốn ra tay giúp dân trừ ác thú. Ông sai một đệ tử mập mạp, bụng to, tay cầm chiếc quạt thần phất lên xua đuổi thú. Các đệ tử khác giống trống khua chiêng ầm ĩ phụ họa để áp đảo tinh thần con vật, nó khiếp sợ nên bỏ chạy. Con thú đó là con lân, người đệ tử bụng phệ là ông Địa, các đệ tử khác nay là nhóm người đánh trống, thanh la ….

Phong Nguyệt reo lên:
_ Hay nhỉ? Nhưng sao sừng con lân kia lại buộc vải đỏ?
_ Đấy là do có lần lân phạm tội bất kính với Ngọc Hoàng, ngài giận dữ nên trừng phạt lân bằng cách chẻ chiếc sừng là nơi chứa đựng sinh lực của lân ra làm hai khiến nó chết đi. Một vị Thánh Mẫu thương xót lân, bèn dùng loại lá thuốc màu đỏ có phép tiên cột chiếc sừng, rồi đọc thần chú triệu hồn lân trở lại, nhờ thế mà lân mới hoàn sinh.

Phong Nguyệt suýt soa:
_ Ngọc Hoàng ác nhỉ? May mà nhờ có Thánh Mẫu nhân từ! Ô kìa, trên trán lân có mảnh gì nhoáng thế? Có phải là con mắt thứ ba không hở Đào huynh?

Đào Long Vân đáp:
_ Không hẳn đâu, đấy chỉ là mảnh gương con gắn trên trán lân. Người ta tin rằng nó sẽ làm cho ma quỷ hoảng sợ khi nhìn thấy hình ảnh của chính chúng bị phản chiếu.

Chợt nghe tiếng trống nổi thùng thùng, cuộc biểu diễn bắt đầu. Phong Nguyệt lại hỏi:
_ Quái, sao chỉ có lân đỏ múa còn lân trắng đứng yên một bên?

Đào Long Vân trả lời:
_ Đấy là cách “Độc chiếm ngao đầu’. Theo vũ đạo này thì chỉ có một con lân biểu diễn độc đấu với bộ pháp hùng dũng, tiến thoái nhịp nhàng, nhảy cao, trèo giỏi thể hiện cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán anh hùng tả xung hữu đột giữa vòng vây địch quân giống như viên hổ tướng nhà Thục Hán là Triệu Tử Long phò ấu chúa ở trận Đương Dương Trường Bảng.

Khi lân dứt bài múa, cúi chào mọi người, tiếng vỗ tay khen ngợi vang như sấm. Sau đó lân trắng từ từ bước ra nhập cuộc. Hai con lân vờn quanh nhau có vẻ tươi vui, quyến luyến, thể hiện sự hòa hợp, nghĩa tình.

Đào Long Vân giải thích:
_ Đấy là điệu múa “Song hỉ”, đôi lân cùng nhau song vũ, tượng trưng cho niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.

Phong Nguyệt hỏi:
_ Thế còn điệu vũ nào khác chăng?

Đào Long Vân đáp:
_ Còn có điệu “Tam Tinh”, ba con lân cùng múa, thể hiện ước nguyện của muôn người để đạt ba điều lành là Phúc, Lộc, Thọ; hoặc cũng có thể diễn tả truyện Đào Viên kết nghĩa của ba người bạn Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi với tình thương yêu gắn bó nhau hơn cả anh em ruột thịt. Nếu bốn lân thì là “Tứ Quý hưng long” gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương hay bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Phong Lôi vòng tay thán phục:
_ Kiến thức Lý huynh thực là quảng bác. Đi cùng với huynh trí não của anh em chúng tôi mở mang ra rất nhiều.


Ái Hoa
(còn tiếp)
__________________
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ (Quách Tấn)




Trả Lời Với Trích Dẫn
 


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 12:26 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.