Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Nguyễn Nhật Ánh
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #11  
Old 07-23-2004, 05:55 AM
NNA_Fan NNA_Fan is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2004
Bài gởi: 200
Default

Chương 11

Tôi tỉnh dậy giữa bóng tối đen kịt. Tôi phải nhấp nháy mắt hai, ba lần để biết đích xác tôi không nằm mơ.
Cùng với bóng tối là một sự im lặng đầy chết :Dc. Nỗi kinh hoàng nhanh :Dng lan tràn khắp cơ thể tôi. Ngực tôi tức thở như bị dá đè, còn ruột gan thì quặn thắt lại vì sợ. Tôi há miệng tính kêu lên nhưng phát hiện ra miệng mình bị nhét đầy giẻ. Tiếng kêu của tôi biến thành tiếng ú ớ nghèn nghẹt trong cổ họng.

Cùng lúc, tôi nhận ra hai tay tôi bị trói chặt vào người. Cả hai chân cũng vậy.

Tôi cố sức vùng vẫy nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi đành phải ở trong tư thế nửa nằm nửa ngồi như cũ. Mùi đất ẩm và gắt xộc vào mũi khiến tôi muốn nôn mửa.

Dần dần, tôi trấn tĩnh lại và cố đoán xem mình đang ở đâu. Dù sao tôi cũng không thể nhớ ngay được mọi chuyện nhất là cái cảm giác đau buốt sau ót làm tôi không tài nào tập trung được những ý nghĩ lúc nào cũng chực rời ra.

Rõ ràng tôi bị ai đó đánh vào đầu khi tôi đang loay hoay nạy viên gạch dưới nền nhà trong lò thịt. Tên hung thủ là ai? Chắc là một tên đồng bọn với tên đã đi ra ngoài. Hắn nấp ở một xó xỉnh nào đó trong lò thịt nhưng tôi và An lại không phát hiện được. Hắn âm thầm theo dõi hai đứa tôi và khi thấy bí mật của chúng có nguy cơ bị lộ, hắn đã ra tay hành động. Như vậy hẳn đây là một băng cướp hoặc trộm cắp và lò thịt chính là sào huyệt của bọn chúng. Cũng có thể đây là một ổ gián điệp của địch cũng nên.

Đang nghĩ ngợi miên man, tôi bổng giật bắn khi nhớ đến An. Chẳng biết số phận của nó hiện nay ra sao. Khi nãy, lăn qua lăn lại mấy vòng trong "nhà giam", tôi biết rằng chỉ có một mình tôi bị nhốt ở đây. Còn An chẳng biết bị giam giữ ở đâu.

Tôi chợt nghe nhói trong tim khi nghĩ rằng có thể An đã bị giết chết. Chuyện đó rất có khả năng xảy ra. Bởi An không phải là đứa yếu bóng vía như tôi. Nó bạo dạn, lại to con, gặp bọn cướp, có khi nó vung dao chống cự lại không chừng. Và vì vậy có thể nó đã bị sát hại. Nghĩ đến đó, mặc dù không thể khóc thành tiếng, những giọt nước mắt đã ứa ra nóng bỏng trên đôi má tôi. Tôi nhớ lại những kỷ niệm giữa hai đứa trong thời gian qua, những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Tôi bỗng thấy thương An vô hạn và tôi tự trách mình đã không tận tình giúp đỡ An trong học tập. Nhưng hối hận thì đã muộn. Có thể An chẳng còn trên cõi đời này nữa.

Nhưng biết đâu An còn sống. Biết đâu nó đã chạy thoát khỏi tên khốn kiếp kia . Niềm hy vọng như một tia chớp lóe lên trong óc tôi. Nhưng rồi tia chớp đó vụt tắt ngấm. Bởi vì nếu An chạy thoát mà tôi vẫn còn bị giam giữ ở đây thì hai đứa cũng không gặp lại nhau được.

Tôi lan man nghĩ đến số phận mình. Nếu bọn kia không quay lại thả tôi ra, nếu bọn chúng vô tình hoặc cố ý quên sự có mặt của tôi ở đây hẳn tôi sẽ chết, chết dần mòn vì sợ hãi, vì bóng tối, vì thiếu dưỡng khí hoặc vì đói khát. Tôi chợt kinh hoàng với ý nghĩ đen tối đó. Lần đầu tiên tôi ý thức được tình cảnh nguy kịch của mình. Tôi cố trấn tĩnh suy nghĩ cách thoát thân nhưng vẫn không tài nào tìm ra một mưu kế sáng sủa trong khi đó ruột gan tôi cứ co thắt từng chặp.

Đột nhiên tôi lắng tai nghe. Hình như có tiếng rì rầm phát ra từ trên đầu tôi. Tiếng rì rầm thoạt đầu văng vẳng từ xa, về sau gần lại, rõ dần và tôi nhận ra tiếng hai người đang nói chuyện. Rõ ràng là có hai người đi về phía tôi bị nhốt, họ vừa đi vừa trò chuyện. Tiếng trò chuyện mỗi lúc một gay gắt.

Tôi giật mình khi nhận ra giọng nói của An. Hóa ra nó còn sống. Và đích thị nó đang tìm cách cứu tôi. Nó nói với người kia:

- Anh thả bạn em ra đi!

- Không được! - Tiếng người kia đùng đục, tôi nghe quen quen nhưng chưa nhận ra ai.

- Anh nhốt như vậy nó ngạt thở chết sao?

- Nó không chết đâu mà lo! - Giọng người kia vẫn lạnh lẽo.

Im lặng một lát.

- Anh ác lắm! - Giọng An ấm ức.

- Kệ tao.

- Anh định nhốt nó đến bao giờ?

- Lát nữa tao đi, mày xuống thả nó ra.

Tôi chợt nhận ra giọng người đang nói chuyện với An và tôi như không tin vào chính tai mình. Đó là anh Dự. Điều đó thật là quá sức tưởng tượng của tôi. Hóa ra anh ở trong băng của bọn kia và có lẽ chính anh là người đã nện vào đầu tôi. Hèn gì trước đây anh tỏ ra không hài lòng về chuyện thằng An vào "thám hiểm" trong lò thịt.

Tiếng and Dự lại vang lên:

- Gặp thằng Nghi, mày không được hó hé nghe chưa!

- Không hó hé gì là sao?

- Mày đừng có giả vờ! Mày phải nói là sau khi nó bị đánh, mày hoảng hồn chạy ra ngoài. Chờ một tiếng đồng hồ sau thấy êm êm, mày mới vào cứu nó. Và mày chẳng gặp một ai hết.

Tiếng An lầm bầm:

- Đồ nói láo!

- Mày bảo ai nói láo? - Giọng anh Dự hằm hè.

- Anh chứ ai! - An gầm lên.

Tô tưởng anh Dự sẽ đánh An. Nhưng giọng anh cố kiềm chế:

- Kệ tao.

Dường như bây giờ anh cảm thấy không còn uy quyền trước mặt An nữa.

Giọng An vẫn chua chát:

- Anh nói láo đủ thứ!

Anh Dự im lặng.

- Tổ hợp nhựa của anh đây hả? - An chì chiết.

Anh Dự vẫn không trả lời.

An thút thít khóc. Nó nói với vẻ tức tối:

- Em về méc má cho coi!

Giọng anh Dự rít lên:

- Mày mà hở chuyện ra với ai là tao "thịt" mày liền!

- Em thách anh đó!

- Đừng có thách! Khôn hồn thì câm mồm! - Giọng anh Dự đầy vẻ đe dọa.

- Anh thả bạn em ra đi! - An lại năn nỉ.

- Thì tao đã bảo là lát nữa.

- Nhưng mà nó chết mất.

Anh Dự gằn giọng:

- Chết sao được mà chết!

- Khi nãy anh đánh nó một cú mạnh quá trời! - Giọng An có vẻ trách móc.

Anh Dự khịt mũi:

- Tao đánh nhẹ nhẹ thôi.

Đang nói, tự nhiên giọng anh Dự đâm ra hốt hoảng:

- Mày nghe thấy gì không?

Anh Dự hỏi An nhưng tôi cũng dỏng tai nghe ngóng. Nhưng tôi chẳng nghe thấy gì. Bây giờ thì tôi đã biết tôi bị nhốt dưới căn hầm do chính tôi và An phát hiện khi nãy. Căn hầm bị cách với bên ngoài bằng một lớp đất nên những tiếng động từ xa khó mà vọng tới.

Tôi nghe tiếng An.

- Hình như mọi người đi tìm tụi em.

Giọng anh Dự rõ ràng thiếu bình tĩnh:

- Người ta sắp tới đây rồi đó. Tao với mày chuồn lẹ lên.

An trù trừ:

- Nhưng còn bạn em?

Anh Dự gắt:

- Thì cứ để nó đấỵ Khi nào người ta rút đi, mày quay lại lôi nó lên.

- Không được! Nó chết mất!

- Tao đã bảo ...

An ngắt lời:

- Không bảo gì hết! Anh đi đi, em ở lại đây.

- Mày ở lại làm gì? Rủi mọi người bắt gặp thì sao?

- Không sao cả! Em bảo là đi em với Nghi đi chơi. Tới đây tự nhiên Nghi biến mất. Thế là em đi tìm.

- Mày nói vậy ai mà tin được. Rồi mày định chỉ căn hầm này cho người ta cứu nó ra chắc?

- Chứ sao nữa!

Tiếng anh Dự rít qua kẽ răng:

- Không được! Không thể để lộ căn hầm của tụi tao được!

Giọng An bướng bỉnh:

- Kệ anh.

- Thế thì tao nhốt cả mày luôn.

- Tôi thách anh !

- Khỏi thách!

Anh Dự vừa nói xong, tôi nghe một tiếng "huỵch". Có lẽ anh vật An xuống đất. Tôi điếng hồn. Tưởng anh nói chơi ai dè anh làm thật.

Nghe ầm ầm trên đầu, đất cát rơi rào rào khắp người, tôi biết hai anh em đang vật lộn, vùng vẫy tứ chiếng phía trên. Hình như An đang chống cự kịch liệt. Tôi hồi hộp theo dõi trận đấu bằng tai, trong bụng thầm mong An thắng.

Thình lình, anh Dự la lên:

- Tao bẻ răng mày bây giờ, đồ chó!

Đang thấp thỏm, tôi cũng đâm tức cười. Chắc An đang giở đòn "cẩu xực" để sát thương đối thủ.

- Anh mới là đồ chó ! - Tiếng An gầm gừ.

Liền đó, tôi nghe một tiếng "bốp" và sau đó tiếng An im bặt. Có lẽ nó đã bị nhét giẻ vào mồm, hệt như tôi.

Tiếng vùng vẫy yếu dần, yếu dần. Tôi hiểu là An đã bị khống chế.

Nắp hầm trên đầu tôi bắt đầu rụt rịch. Tiếng các viên gạch bị xê dịch. Ánh đèn pin nháng lên khiến tôi vội vàng nhắm mắt lại.

Rồi một thân người rơi phịch xuống cạnh tôi. Thế là An cũng cùng chung một số phận như mình, tôi buồn bã nghĩ thầm.

Trước khi đậy nắp hầm lại, anh Dự nói vọng xuống:

- Tạm thời mày ở đó với bạn mày, lát nữa tao trở lại.

Phải thú thật là thấy An bị nhốt, tôi vừa buồn lại vừa vui, mặc dù tôi biết như vậy là không đúng. Nhưng rõ ràng là từ khi có nó bên cạnh, tôi cảm thấy nỗi sợ hãi và lo lắng giảm đi rất nhiều, dù nó cũng đang bị trói gô lại như tôi. Căn hầm lạnh lẽo tự nhiên ấm áp hẳn lên.

Không thể trò chuyện hay sờ soạng gì được, tôi lăn người đụng An một cái thay cho lời "chào hỏi".

Đáp lại, An "đụng" tôi hai, ba cái liền, tỏ vẻ mừng rỡ. Tôi biết nó mừng vì thấy tôi còn sống, chưa có "ngạt thở chết" như nó vẫn lo.

Nhưng hai đứa tôi chẳng trao đổi được gì ngoài chuyện "đụng" nhau. "Đụng" qua "đụng" lại một hồi cũng chán, hai đứa bèn ngồi yên, thấp thỏm chờ đợi.

Lúc này, chúng tôi đã nghe những tiếng rầm rì phía trên. Hẳn mọi người đã vào trong lò thịt.

- An ơi! Con ở đâu?

- Nghi ơi Nghi!

Chúng tôi nghe văng vẳng những tiếng kêu. Hình như đó là tiếng của má An và má tôi. Tôi nghe nhói trong ngực, không biết làm sao đáp lại những tiếng kêu thảm thiết kia. Giờ này có lẽ đã khuya lắm. Nếu không, mọi người chẳng cất công đi tìm như vậy.

Chợt có tiếng nói ngay trên đầu chúng tôi:

- Chẳng hiểu hai thằng nhỏ biến đi đâu. Rõ ràng có người thấy tụi nó đi về hướng lò thịt mà.

Tôi nhận ra đó là tiếng bác Pha, tổ trưởng tổ dân phố. Có tiếng ba tôi đáp:

- Lúc tám giờ tôi đã không thấy nó đâu. Bây giờ là mười hai giờ hơn rồi. Chẳng biết chuyện gì đã xả ra cho tụi nó! Khổ thật.

Tiếng hai người nhỏ dần rồi không nghe thấy nữa. Họ đã rời đi chỗ khác. Tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng pha lẫn hờn giận dâng lên trong lòng. Đã đứng ngay trên nắp hầm mà không chú ý gì hết! Tôi nghĩ thầm, với tất cả cay đắng và ấm ức.

An "đụng" nhẹ vào người tôi như để chia sẻ sự không may đó.

Thình lình có tiếng kêu phát ra ngay phía trên:

- Ôi, xem mấy viên gạch kìa!

Tôi mừng rỡ nhận ra tiếng chú Thuần, thợ hớt tóc ở kế nhà tôi. Có lẽ chú phát hiện ra những dấu vết mà tôi và An đã thấy. Có tiếng chân rậm rịch của nhiều người đổ xô lại.

Tiếng bác Pha reo lên:

- Ừa hén! Nạy thử lên coi!

Tiếng lịch kịch nổi lên.

Tôi ngước mắt lên, nín thở theo dõi.

Một lát sau nắp hầm đã được mở. Ba, bốn vệt đèn pin quét xuống hầm. Cùng lúc là những tiếng reo:

- Hai đứa nhỏ đây nè!

Một luồng sáng dừng ngay trên mặt tôi khiến tôi chớp mắt hai, ba cái.

Chú Thuần mừng rỡ.

- Còn sống! Còn sống!

Và chú nhảy ngay xuống hầm bế hai đứa tôi lên.

Giẻ trong miệng tôi và An được lôi ra. Những sợi dây trói quanh người nhanh :Dng được cắt đứt.

Má tôi ôm chầm lấy tôi, lo âu hỏi:

- Sao vậy con? Ai nhốt tụi con vậy ?

Tôi lưỡng lự một thoáng rồi lắc đầu liếc sang An:

- Con không biết!

Đằng kia, má thằng An cũng đang hỏi nó rối rít.

Nhưng cũng như tôi, An giấu nhẹm mọi chuyện.

Nó nói:

- Tụi con đi ngang qua đây, thấy trong lò thịt có bóng người, liền bước vào xem thử ai đang làm gì. Không dè bước qua khỏi cửa, tụi con bị vật xuống, nhét giẻ vào miệng và bị trói lại, nhốt xuống hầm. Tối quá, tụi con chẳng biết ai vô ai!

Lúc nãy, hai con dao và cây đèn pin của tụi tôi đã bị anh Dự lấy đi nên không ai nghi ngờ gì lời kể của thằng An.

Sau khi đưa hai đứa tôi ra khỏi hầm, chú Thuần còn leo xuống đó dò xét một lần nữa. Khi trở lên, chú chép miệng:

- Chẳng có gì ngoài cái lỗ thông hơi!

Mọi người còn đi lục lạo khắp các ngõ ngách trong lò thịt một hồi nữa mới chịu rút.

Trên đường về, ba tôi nói:

- Chắc đây là sào huyệt của bọn làm ăn phi pháp.

Bác Pha gật gù:

- Có thể là nơi bọn chúng giấu "hàng".

Ngày mai tôi sẽ báo công an.

Trong khi mọi người trao đổi thì tôi lẽo đẽo theo sau như một tên tội phạm, không dám hó hé một tiếng.
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #12  
Old 07-23-2004, 06:01 AM
NNA_Fan NNA_Fan is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2004
Bài gởi: 200
Default

Chương 12

Sau câu chuyện tày trời đó, tôi bị ba má tôi "nạo" một trận nên thân.
Ba tôi nói:

- Lần sau muốn làm gì con phải xin phép đàng hoàng! Không có đi đứng lung tung như vậy nữa!

Má tôi chép miệng:

- Con thật là dại dột! Nếu thấy trong lò thịt có gì khả nghi con phải báo cho người lớn chứ ai đời lại xông vào trong đó đêm hôm như vậy.

Tôi chỉ biết ngồi cúi đầu im lặng.

Cũng may là tôi giấu biến cục u trên đầu. Nếu má tôi biết chẳng hiểu sự thể còn xoay ra đến đâu nữa.

Chỉ có nhỏ Ái là chẳng lên án tôi. Nó chỉ trách:

- Vậy mà bữa đó anh giấu em!

- Tao sợ mày méc má.

Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi thừa nhận:

- Ừ, nếu lúc đó em biết, em đã méc má rồi.

Tôi cao giọng:

- Thấy chưa! Tao không nói cho mày biết là đúng.

Nhưng nhỏ Ái phớt lờ chuyện đó, nó tò mò hỏi:

- Bộ anh hết sợ ma rồi hả?

Tôi ưỡn ngực:

- Tao sợ ma hồi nào!

Nó cười hí hí:

- Anh nói dóc!

Tôi quay mặt đi:

- Mày không tin thì thôi! Tao không nói chuyện với mày nữa!

Nó níu tay tôi:

- Thì bây giờ em tin. Anh kể chuyện cho em nghe đi!

Tôi làm mặt lạnh:

- Chuyện gì đâu mà kể!

- Chuyện anh với anh An vô lò thịt đó.

Tôi nhún vai:

- Thì cũng giống như hằng ngày đi vô lớp học vậy thôi!

- Xì! Nói vậy mà cũng nói!

Thấy nó vùng vằng, tôi cười làm lành:

- Thôi để tao kể đầu đuôi cho mày nghe!

Thế là tôi hào hứng kể lại kỳ công của tôi và An, một phần vì nhỏ Ái muốn nghe, một phần tôi cũng muốn khoe khoang sự dũng cảm của mình. Tất nhiên trong khi tường thuật lại mọi diễn biến, tôi không quên thêm mắm thêm muối cho cuộc phiêu lưu của mình thêm ly kỳ, rùng rợn.

Nhỏ Ái ngồi há hốc mồm ra nghe, mắt ánh lên sự hồi hộp pha lẫn thán phục. Thấy vậy, tôi ngứa miệng ba hoa:

- Thấy tao và An bước vào, ba bốn tên cướp xông lại ...

- Làm gì tới ba, bốn tên lận!

- Ừ, đông lắm.

- Rồi tụi anh bỏ chạy hả?

Tôi vung tay:

- Sức mấy mà chạy! Tao liền rút dao ra đâm lia lịa.

- Dao đâu mà đâm?

- Tao đem theo chứ đâu! Con dao i-nốc đó!

Nhỏ Ái "à" một tiếng:

- Hèn gì sáng nay má tìm con dao gọt khoai mà không thấy!

Tự nhiên nó xen vào khiến tôi xụi lơ:

- Mày đừng có méc má nghe!

Nhỏ Ái tỏ vẻ hiểu biết:

- Em không có méc đâu! Anh kể tiếp đi! Rồi sao nữa?

Thấy nó hứa hẹn ngon lành, tôi bình tĩnh ba hoa tiếp:

- Một tên bị tao đâm bị thương, tên khác xông lại từ phía sau đâm vô gáy tao.

Nhỏ Ái ôm mặt:

- Eo ôi, ghê quá!

Tôi phì cười:

- Có gì đâu mà ghê! Nghe tiếng gió rít bên tai, tao liền ngã sấp người xuống, hai tay chống đất lấy thế còn hai chân tung ngược lại phía sau. Thế là "păng", con dao trên tay tên kia bị tao đá văng mất tiêu.

Nhỏ Ái vỗ tay:

- Trời ơi, anh giỏi quá! Cứ y như trong phim vậy!

Tôi tặc lưỡi:

- Thì nhờ tao xem phim nhiều nên mới đánh ác vậy đó chứ!

- Rồi sao nữa? - Nó lại giục.

- Không kịp nghĩ ngợi, tôi bịa luôn:

- Thấy vậy, lại một tên nữa chạy lại cứu bồ, nó phang cây sắt lên đầu tao.

Nhỏ Ái chen ngang:

- Anh lại ngã sấp người xuống, hai tay chống đất ...

Tôi vội vã xua tay:

- Không, không! Ai lại giở mửng cũ, nó biết hết.

- Chứ anh làm sao?

Chưa nghĩ được miếng đòn nào, tôi lúng túng:

- Tao chẳng làm sao hết. Tao đưa đầu chịu trận!

Nhỏ Ái lại nhăn mặt sợ hãi:

- Rồi có sao không?

Tôi cười:

- Chẳng sao cả! Nó đánh trúng đầu tao một cái "bốp", cây gậy gãy đôi!

- Xạo!

- Thật mà! Tại tao gồng đầu lên.

Nhỏ Ái vẫn không tin:

- Gậy sắt mà gãy?

Tôi ấp úng:

- Tao nói lộn! Gậy gỗ!

Nó khăng khăng:

- Gậy gỗ cũng không gãy!

Tôi đành thở dài:

- Hình như là gỗ ... mục!

Nó cười hích hích:

- Anh chỉ giỏi bịa!

- Bịa thì thôi!

Nói xong, tôi bỏ đi.

Nhỏ Ái hoảng hồn, nó năn nỉ rối rít:

- Thôi, thôi, anh không bịa!

Nhưng mặc nó, tôi vẫn không ngồi lại.

Tôi sợ ngồi lại bịa một hồi, "bể mánh" hết trọi.

Bà tôi thì rầy tôi là không chịu nghe lời bà. Bà bảo tôi không nên đi ra khỏi nhà vào ban đêm mà tôi cứ đi. Bà nhìn vấn đề này theo kiểu của bà:

- Đích thị là cháu bị ma giấu!

Tôi cãi:

- Không phải đâu bà ơi!

Bà tôi vẫn cả quyết:

- Ma giấu đó cháu! Ma nó hay giấu người trong lùm trong bụi rồi nhét đất nhét lá vô miệng. Xưa nay người ta bị hoài!

- Nhưng ở đây là nhét giẻ.

- Giẻ cũng vậy thôi! Gặp giè nó nhét nấy.

Tôi buồn cười trong bụng, nhưng không nói ra. Tôi tìm cách bắt bẻ bà:

- Nhưng nó còn trói cả tay chân cháu lại. Ma thì đâu có trói người?

Bà tôi nhìn lên trần nhà:

- Để bà nhớ coi! Hình như thỉnh thoảng nó vẫn ... trói.

Tôi nhìn bà bằng ánh mắt láu lỉnh:

- Cháu vật nhau với nó nữa bà ạ. Cháu còn kéo tuột lưng quần của nó nữa.

- Này, này, - Bà tôi la lên - Cháu đừng có ăn nói báng bổ như vậy chứ! Nó vặn cổ cháu bây giờ!

Tôi cười khúc khích:

- Cháu chẳng sợ! Bạn cháu còn cắn cả vào đùi của nó nữa. Nó la trời ầm ĩ.

Bà tôi lắc đầu nguầy nguậy:

- Cháu đừng có nói vậy, không nên!

Tôi tiếp tục ghẹo bà:

- Thật mà! Đau quá, nó kêu: "Tao bẻ răng mày bây giờ, đồ chó!" Cháu nghe rõ ràng.

Bà tôi bắt đầu ngao ngán:

- Cháu ăn nói lung tung quá ! Đời nào ma lại kêu lên như vậy!

Tôi cười:

- Nhưng đây đâu có phải là ma! Đây là bọn cướp kia mà!

Bà một mực khăng khăng:

- Không phải đâu! Ma đấy cháu!

- Chỉ có bà bảo là ma, còn tất thảy mọi người đều bảo là bọn cướp.

- Thì cháu đi mà nói chuyện với mọi người! Nhưng nếu có là bọn cướp đi nữa thì cháu cũng không nên đi đêm ngang qua lò thịt như vậy!

Bà tôi nói giọng giận dỗi. Lần đầu tiên tôi thấy bà ở trong tình trạng như vậy. Có lẽ cũng vì đây là lần tiên tôi tỏ ra không tin những câu chuyện thần bí của bà. Riêng tôi, tôi cũng hiểu rằng sẽ không bao giờ tôi còn chịu ảnh hưởng bởi những niềm tin huyền hoặc đó nữa.

Tất nhiên, tôi hoàn toàn có thể thuyết phục bà thay đổi ý kiến về câu chuyện xảy ra ở lò thịt. Tôi biết cuối cùng bà sẽ thở dài "tao nói là nói vậy" nếu tôi tiết lộ sự có mặt của anh Dự trong câu chuyện này.

Nhưng vì An, vì tình bạn giữa tôi với nó mà tôi cứ băn khoăn hoài về việc nên hay không nên tố cáo anh Dự với mọi người. Tôi định bụng sẽ nói chuyện với An xem thử ý kiến nó thế nào. Sáng nay thấy mặt nó lầm lầm lì lì như đưa đám, tôi chả tiện mở miệng.

Nhưng lầm lì là về phần An, còn đám bạn trong lớp thì lại rất đỗi xôn xao về cuộc mạo hiểm của hai đứa tôi.

Thoạt đầu tụi nó bu quanh An dò hỏi. Nhưng rồi thấy thằng An mặt mày băng giá, tụi nó dạt hết, chạy qua tôi. Thế là tôi trở thành trung tâm của cuộc "phỏng vấn".

Được vây quanh bởi những đôi mắt tò mò và háo hức, tự nhiên tôi thấy mình quan trọng hẳn lên. Thật chỉ còn thiếu cái mi-crô và ống kính của máy quay phim nữa thôi!

Nếu là bình thường, tôi không bao giờ bỏ qua một cơ hội như thế để tha hồ bốc phét. Nhưng lúc này nhìn vẻ mặt của An, biết nó đang rầu rĩ tôi chẳng có chút hào hứng nào để ba hoa.

Tôi trả lời nhấm nhẳn khiến tụi bạn phát cáu.

Thằng Quyền cà khịa:

- Mày mắc chứng cà lăm hồi nào vậy?

Tôi không thèm đáp. Nó lại khiêu khích:

- Hay là mày sợ bọn cướp trả thù?

Tôi cười khẩy:

- Tao cóc sợ! Nếu sợ tao đã không vào lò thịt!

Thằng Phước thắc mắc:

- Vậy sao mày không chịu kể?

- Tao không thích thế thôi!

Nói xong, tôi lảng đi chổ khác.

Hưng nhí theo tôi tò tò. Nó trách móc, vẻ tiếc rẻ:

- Sao bữa đó mày không rủ tao đi với?

- Mày nhát gan thấy mồ!

Nó phản ứng:

- Tao mà nhát? Hôm trước tao chẳng đi với tụi mày tới lò thịt là gì!

Tôi bình luận:

- Đi ban ngày khác xa với đi ban đêm.

Nó hùng hổ:

- Ban nào tao cũng đi hết.

- Thôi được, lần sau đi nữa tao sẽ rủ mày đi!

Để rứt ra khỏi Hưng nhí, tôi đành phải hứa với nó như vậy, mặc dù tôi biết cái "lần sau" đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Nhưng Hưng nhí có vẻ khoái chí lắm, nó sáng mắt lên:

- Nhớ nghe!

- Ừ.

Tôi đi tìm thằng An muốn mỏi con mắt. Tôi mới thấy nó thấp thoáng đâu đây, bây giờ nó biến đi đâu mất tiêu.

Mãi một hồi lâu, tôi mới tìm thấy nó ngồi thu lu ngoài vỉa hè sau lưng lớp học. Mặt nó buồn xo.

Ngồi xuống cạnh nó, tôi thận trọng hỏi:

- Có chuyện gì vậy mày?

Nó không nhìn tôi:

- Anh Dự bị bắt rồi!

Tôi bàng hoàng:

- Ảnh bị bắt hồi nào ?

- Sáng nay, lúc năm giờ.

- Bộ "người ta" biết rồi hả?

Nó hắng giọng:

- Mày hỏi buồn cười. Không biết sao bắt?

Thấy bị hớ, tôi ngồi im re. Nó nói tiếp:

- Công an theo dõi lâu rồi. Nguyên "băng" bị tóm, cả thảy bốn tên.

Tôi định hỏi An về những hoạt động cụ thể của "băng" anh Dự nhưng lại ngại ngùng không dám mở miệng.

An đi guốc trong bụng tôi, nó vừa nói vừa nhăn mặt:

- Theo công an, đây là một "băng" trộm cướp chuyên nghiệp, hoạt động lâu rồi. Vụ đánh cắp mấy chục cái đồng hồ tại trung tâm thương nghiệp quận cách đây một tháng là do "băng" này tổ chức. Còn căn hầm ở lò thịt là nơi giấu hàng trước khi đem tiêu thụ.

Tôi nhìn An bằng ánh mắt thông cảm như muốn chia sẽ nỗi bất hạnh của nó. Nó nói những điều vừa rồi với một vẻ ghê tởm không giấu diếm, vừa cay đắng, vừa phẫn uất, nghe thật nhức nhối, xót xa. Có lẽ nó đau khổ ghê lắm, nhất là trước nay nó vẫn coi anh Dự như một mẫu người đáng noi theo. Bây giờ cái thần tượng ấy bị sụp đổ thảm hại khiến nó bị hụt hẩng, chới với đến tội nghiệp.

Tôi đặt tay lên vai An, bùi ngùi hỏi:

- Trước đây má mày biết chuyện đó không?

- Đến sáng nay má tao mới biết. Bả khóc quá trời!

Tôi lại ngồi im, mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn động viên, an ủi An vài lời. Nói điều gì cho có ý nghĩa trong lúc này thật là khó. Con người có tính cách khôi hài, ưa pha trò như An một khi đã buồn bã thì thật không dễ gì vực dậy. Thường ngày tôi với nó vẫn trò chuyện, vui đùa một cách tự nhiên sao bây giờ cái "tự nhiên" đó trốn đi đâu mất.

Hai đứa ngồi lặng lẽ bên nhau cho đến khi có tiếng trống vào lớp. Nhưng từ lúc đó, cái không khí nặng nề đeo bám tôi và An trong suốt buổi học cho đến tận lúc ra về.

Ngày hôm sau, An không đi học.

Trưa đó, tôi định chạy qua nhà nó nhưng ăn cơm xong, ba tôi chở tôi đi thăm cô Sáu tôi đang ốm đến tối mịt mới về.

Qua ngày hôm sau nữa, An vẫn không tới trường.

Sáng sớm vô lớp không thấy nó, tôi đã nghi. Nhưng tôi cố nghĩ là nó đi trễ. Hết mười lăm phút ôn bài đầu giờ, vẫn không thấy nó xuất hiện, tôi biết chắc nó lại nghỉ học.

Không biết chuyện gì đã xảy ra với An, lòng tôi như lữa đốt. Tôi ngồi học mà người cứ nhấp nha nhấp nhổm.

Giờ ra chơi, Nhuận hỏi tôi:

- Sao thằng An nghỉ học vậy?

- Tao không biết.

- Chiều mày ghé nó thử coi!

- Ừ, tao cũng định như vậy.

Buổi chiều, khoảng một giờ, tôi qua nhà An.

Nó ở nhà một mình. Má nó bán hàng ngoài chợ, buổi trưa ăn cơm luôn ngoài đó.

An đang lui cui bên chậu cá vàng, thấy tôi tới, nó ngước mắt lên nhưng không nói gì.

Tôi bước lại gầh:

- Mày mới mua chậu cá hả?

- Ừ.

Tôi ngắm nghía mấy con cá một hồi rồi nhận xét:

- Không có cá ông tiên. Cá ông tiên sống dai lắm!

- Cá ông tiên đen thùi lùi, tao không thích.

Tôi lại góp ý:

- Mày kiếm rong bỏ vào làm nhà cho cá ở.

- Ừ, lát chiều tao chạy đi xin.

An thò tay tính bắt mấy con cá nhưng vì nước đầy nó mò hoài vẫn không bắt đuợc.

- Mày bắt chúng chi vậy? - Tôi hỏi.

- Tao thay nước.

- Sao mày không đổ nước ra trước?

- Bắt vầy vui hơn.

Cuối cùng, nó cũng tóm được mấy con cá quỉ quái kia.

Đã mấy lần tôi định hỏi An về chuyện nghỉ học nhưng thấy nó muốn lờ, tôi đâm ra ngần ngại.

- Sao mày không mua cá lia thia về nuôi?

Tôi hỏi một câu chẳng ăn nhập gì với ý nghĩ trong đầu.

An không đáp, nó lặng lẽ đổ nước vào chậu.

Tôi lại nói:

- Lúc trước mày thích chơi cá đá lắm mà!

- Bây giờ tao hết thích rồi.

Nó nói với giọng trầm trầm.

Mấy phút trôi qua, hai đứa chẳng nói thêm với nhau một lời nào. Để xua tan bầu không khí ảm đạm, tôi rủ nó:

- Lát nữa tụi mình đi đá bóng đi!

An lắc đầu:

- Tao không đi đâu!

Tôi liếc nó:

- Mày ốm hả?

Nó lại lắc đầu.

Tôi quyết định đi thẳng vào vấn đề:

- Vậy sao mấy hôm nay mày không đi học?

Nó nói gọn lỏn:

- Tao nghỉ luôn.

Tôi bàng hoàng cả người:

- Mày nói chơi hay nói thiệt đó?

- Nói thiệt!

- Thôi đi! Đừng có điên!

Nó nhếch môi:

- Điên gì! Thích thì nghỉ thế thôi!

- Má mày không nói gì sao?

- Tao đi học hay ở nhà, má tao chẳng bao giờ để ý.

- Nhưng tại sao lại phải nghỉ học?

Thoạt đầu An không muốn nói, nhưng sau một thoáng đắn đo, nó thú thật:

- Tao xấu hổ với tụi bạn trong trường.

Tôi hiểu ra:

- Chuyện anh Dự bị bắt chứ gì?

- Ừ.

- Nhưng mà đâu có ai biết!

An buồn bã:

- Trước sau gì mọi người cũng biết.

Tự nhiên tôi thấy thương An vô cùng. Nghĩ đến hoàn cảnh tệ hại mà nó rơi vào, nghĩ đến nỗi buồn chán nó đang mang trong lòng, tôi nghe cay xè nơi mắt.

Thấy mắt tôi đo đỏ, An gắt:

- Việc gì mày phải khóc!

Tôi nổi cáu vặc lại:

- Chứ việc gì mày phải nghỉ học! Chuyện anh Dự có liên can gì đến mày?

- Sao lại không liên can?

- Ảnh làm bậy chứ mày đâu có làm bậy!

- Nhưng tao là em ảnh.

- Em thì em chứ! Ai làm nấy chịu!

An nói trổng trổng như tự nói với mình:

- Em kẻ cắp!

Giọng nó rầu rầu, nghe như một tiếng than.

Suốt buổi chiều, tôi quanh quẩn bên An và tìm mọi cách thuyết phục nó thay đổi ý kiến nhưng chẳng ăn thua gì. Nó cứ một mực đòi nghỉ học. Trước thái độ quyết liệt của nó, cho đến lúc ra về, lòng tôi vẫn còn giận dỗi.

Cuối cùng, không biết làm sao, tôi đành "xin ý kiến" của ba tôi.

Ba tôi rất đổi ngạc nhiên khi nghe tôi thuật lại mọi chuyện:

- Hóa ra kẻ nhốt tụi con là anh của An?

Tôi gật đầu:

Ba tôi xoa cằm:

- Con báo với ban chỉ huy Đội để các bạn tìm cách động viên An.

Tôi lắc đầu:

- Không được đâu, ba! An rất ngại bạn bè biết chuyện này.

Ba tôi nhíu mày:

- Hay là con báo với giáo viên chủ nhiệm!

Có lẽ không có cách nào khác! Tôi nghĩ bụng. Thực ra, tôi đã nghĩ đến chuyện gặp cô Nga nhưng trong bụng còn trù trừ vì tôi sợ cô "hỏi thăm" chuyện tôi với An bỏ học đi đá bóng bữa trước.

Nhưng khi gặp tôi, cô không nhắc gì đến chuyện đó. Sau khi nghe tôi nói, cô hỏi:

- Em đã nói chuyện này với bạn nào trong lớp chưa?

- Dạ chưa.

Cô gật đầu:

- Ừ, em giữ kín như vậy là tốt. Chiều nay cô sẽ ghé nhà An. Theo cô, chẳng việc gì An phải bỏ học.

Chiều đó, tôi cùng cô Nga đến nhà An. Nhưng nó đi vắng. Nhà đóng cữa im ỉm.

- Chiều mai, cô và em ghé lại nhà An lần nữa!

Khi chia tay, cô Nga bảo tôi như vậy.

Nhưng tôi và cô Nga chưa kịp ghé An thì sáng hôm sau nó đã lò dò tới lớp.

Tôi bùi ngùi nhìn chiếc cặp trên tay nó:

- Mày đem sách đi trả hả?

Nó lắc đầu:

- Tao đi học!

Gương mặt thoáng vẻ tươi tỉnh của nó làm tôi ngạc nhiên:

- Bộ anh Dự được tha về rồi hả?

An nhún vai:

- Còn khuya!

Tôi không nén đuợc sự tò mò:

- Vậy tại sao mày lại ...

Đang nói, chợt nhận ra sự vụng về trong câu hỏi của mình tôi liền im bặt.

Nhưng An chẳng để ý chuyện đó. Nó mỉm cười không đáp. Dường như nó muốn giấu tôi sự bí mật của nó. Tuy nhiên tôi chẳng lấy thế làm buồn. Hễ nó đi học lại là tôi vui rồi.

Mãi đến khi vào lớp, tôi mới biết nguyên nhân khiến An thay đổi quyết định khi thằng Quyền quay xuống khoe:

- Tối hôm qua, tao thấy anh mày trên ti-vi!

Thoạt nghe, tôi giật thót.

Nhưng Hưng nhí đã kịp bổ sung:

- Anh nó là "người tốt việc tốt" đó!

- Ai chẳng biết là "người tốt việc tốt"! Anh nó là kiện tướng lao động của thanh niên xung phong!

Thằng An ngồi nghe, mặt đỏ lên một cách ngượng ngập.

Hóa ra anh Vĩnh nó đã "cứu" nó. Niềm tự hào về ông anh này ít ra cũng giảm nhẹ được nỗi hỗ thẹn về ông anh kia. Tôi mừng cho An. Dù sao nỗi đau của nó cũng xoa dịu. Chỉ có điều trớ trêu là anh Vĩnh của nó, người anh mà trước đây đối với nó "có cũng như không", không bao giờ ngờ được những việc làm của mình lại có "giá trị thuyết phục" đối với em mình như vậy, điều mà tôi năn nỉ đến gãy lưỡi cũng không xong.

Trưa đó, tôi đưa An về tới tận nhà nó.

Dọc đường, chúng tôi chẳng trò chuyện gì nhiều nhưng nhìn vẻ mặt bình tĩnh của An, tôi biết rằng sóng gió đã qua đi.

Trước khi chia tay, An đột ngột bảo tôi:

- Chiều mai mày ghé qua học với tao!

Tôi trố mắt:

- Ngày mai đâu phải thứ năm!

An cười:

- Thì cần gì phải thứ năm! Bây giờ tao muốn học để đuổi kịp bạn bè!

Tôi nheo mắt:

- Mày không xạo đấy chứ!

An đáp vẻ cả quyết:

- Tất nhiên.

Thật ra tôi hỏi chọc nó chơi chứ trong thâm tâm tôi biết lần này An nói thật. Qua những chuyện vừa rồi, những suy nghĩ của An bắt đầu thay đổi. Điều đó đối với tôi hoàn toàn dễ hiểu.

Và tôi tin rằng một khi An đã chịu học, nó sẽ không thua kém bất cứ ai. Càng nghĩ tôi càng mừng cho An.

Tôi cũng mừng cho tôi nữa.

Bây giờ tôi có thể đi ngang qua lò thịt mà không hề sợ hãi. Như ngay lúc này đây, một mình tôi trên đường về nhà.

--Hết--
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 02:11 PM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.