Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Thiếu Nhi
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 05-03-2005, 03:22 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default


Kim Đồng

Chương 1



Kim Đồng, tên cha mẹ đặt cho là Nông Văn Dền, quê ở Nà Mạ.

Làng Nà Mạ cách Pác Bó một quãng đường. Từ những năm 1940 cho tới Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Hồ từ nước ngoài về, đã có khi ở căn cứ núi Pác Bó, lãnh đạo cách mạng cả nước.

Phong trào tỉnh Cao Bằng bấy giờ là gương mẫu đầu tiên. Làng Nà Mạ nhỏ bé gần Pác Bó, đã góp phần xứng đáng cho tỉnh Cao Bằng. Làng Nà Mạ, châu Hà Quảng ngày ấy chỉ

có khoảng hai mươi nóc nhà dân tộc Nùng. Từ những hội đánh Tây trước kia, cho tới cao trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, cả làng Nà Mạ đã tham gia. Cụ già, em bé Nà Mạ đều vào hội cứu quốc.

Nhiều hy sinh thật to lớn. Đồng chí Quí Hiệu, đồng chí Nhất Sơn bị Pháp bắt, chặt đầu, bêu ở chợ Sóc Giang. Các đồng chí Phục Quốc, Phục Hưng gia nhập đoàn quân Nam tiến, hy sinh khi đánh Nhật ở Bắc Kạn. Có nhà bốn anh em thì hai người liệt sĩ, như nhà các đồng chí Ngư Mạn, Bát Ngư.

Có nhà, hai anh em cùng hoạt động, đều hy sinh cả, như nhà Kim Đồng.


Đương ồn ồn, bỗng lặng im.

Những tiếng nháo nhác đã xa. Không ai trông thấy gì nữa. Chỉ nghe chân bước ũng oẵng trong vũng nước hai bên cỏ tranh. Người làng bị lôi đi cả rồi. Các xóm ở Nà Mạ, ngõ nào cũng tụ lại, lố nhố người, nhưng im lặng. Im lặng như gốc mít, gốc trám, gốc nghiến, gốc vối. Chỉ còn những con mắt chớp chớp lóa nước mắt.

Thế là chuyến bắt phu các làng đi làm lô cốt đồn Sóc Giang hóa ra thật rồi, thật. Không ai ngờ làng xóm chẳng được kịp ăn tết rằm tháng bảy.

Cuộc bắt phu từ gà gáy. Lính cơ trên châu ập về, như cướp đến. Lính còn vây quanh làng. Sợ người trốn đi. Rồi, lính ùa lên nhà với xã đoàn, kéo từng người. Người xuống thang đành đạch như con cá giãy. Ngựa của châu đoàn ngoài đường cứ chốc chốc lại đập chân, rũ đuôi và chuông cổ coong coong như tiếng nhạc cúng ma. Đằng nào cũng buồn bã thế. Người bị lôi tay xuống thang, buông chân đi mà bụng buồn như còn nghe đoạn hát then "khảm hải" nửa đêm qua.

Lúc chuông ngựa châu đoàn réo, Dền mới thức dậy. Ngoài đường đã ồn ã lắm. Trong nhà mình vẫn lặng tờ. Ngoài đường nhộn nhạo, trong nhà im. Nhưng ngoài đường không phải tiếng ơi ới gọi nhau đi xem hội hát. Có tiếng chửi réo lên kìa. Tiếng rít, tiếng roi đập chát chát. Không xong rồi, Dền nhỏm lên.

Bố Dền đang nhóm lửa bếp giữa sàn để hơ lá gói bánh gai. Bấy giờ, cả mẹ, cả anh và Dền đã ra ngồi quanh lửa. Sương sớm buông xuống tận đầu nhà. Tháng bảy đưa cái lạnh về sớm thế này ! Mấy ngày vừa qua, mưa dầm nên không phơi lá gai được. Tết đến, nhà nào cũng làm bánh gai - trẻ con thích bánh gai, bánh gai ngọt hơn bánh nếp. Nhưng bấy giờ Dền cũng quên cả ăn bánh gai. Cái lặng lẽ quanh mình đương đầy sợ hãi.

Rồi có tiếng động chân ngoài đầu sàn, đã thấy chiếc nón :Dp nhoi lên. Kìa có lính đến nhà mình. Bố Dền đứng dậy.

Bố Dền bước ra. Bếp sưởi trống một chỗ. Còn như lạnh hơn lúc nãy. Bố Dền quay lại, nói:

- Hay là mẹ Dền nấu cơm cho tôi gói đi.

Lính quát :

- Ra ngay ! Người ta đợi cả ngoài kia rồi.

Ngay đó, lính đẩy bố Dền lao đầu xuống thang. Tuy vậy, bố vẫn phải quay lại chỗ cột, bê ra hai hòn đá to đã buộc sẵn, để đấy rồi bố Dền quảy đi.

Mấy lâu nay, xã đoàn đã đến bảo từng nhà: quan hai xây lô cốt trên đồn Sóc Giang, nhà nào có người ở tuổi đi phu phải sắp sẵn hai hòn đá to. Lúc đi, quảy đá lên. Không có hai tảng đá lên theo thì phạt kéo thêm hai ngày phu.

Mà cứ gì người đi phu mới phải vác đá xây lô cốt. Dền đã thấy người làng đi chợ Sóc Giang, chợ Nà Giàng, cả người đi chợ Nậm Nhũng lèo tèo xa nhất, ai cũng quảy theo một hòn đá. Không có hòn đá tảng đi chợ, không được vào mua muối của cai chợ đứng bán.

Không biết trời đất sắp thế nào mà đồn Tây, đồn châu, đồn bang tá phá hết bờ rào tre và tường đất, đắp nên lô cốt đá. Rồi đến các nhà châu đoàn, xã đoàn cũng đua đòi xây tường đá, lô cốt. Chánh tổng Thước ở Thông Nông bắt mỗi người đi chợ qua nhà phải nộp một tảng đá. Người ta nói rủa: Có việc gì mà mày phải đắp mả nhà mày kỹ thế ?

Bố Dền quảy hai hòn đá ra tới đầu ngõ. Những người trong làng phải đi phu đã đứng chen chân đấy, đương túi bụi, rối rít trong tiếng roi quất, tiếng cai cơ quát lính đếm xem đủ số phu chưa. Rồi con ngựa châu đoàn nhong nhong đi trước. Đám lính chạy sau, dồn phu quảy gánh theo, chửi om. Đoàn người bật ra ngõ. Tiếng ồn ào xa dần vào con đường lầy lội trong cỏ tranh cao lấp đầu, không nhìn thấy bọn người đi đâu nữa.

Những người đứng đầu xóm, có người òa khóc, rồi cung cúc chạy về. Không giữ được nước mắt, nhưng ai cũng cố kìm tiếng khóc. Sợ khóc thế thì sái cho người đi xa.

Mẹ và anh em Dền ra bờ suối. Chỗ suối ấy trông thấy bóng người dưới nước. Suối Pác Bó chảy về đến Nà Mạ, từng quãng trong vắt rồi trắng ngần qua hai bên những cây vối già nghiêng nửa mình, tựa vai nhau soi bóng trên mặt dòng nước phẳng như gương.

Nhưng không trông thấy bóng người. Bờ suối đằng kia, những cái chày hẫng không, chỏng lên bên cánh cối nước(1) quay vội vội. Cái cọn(2) thì thong thả, cót két, múc lên từng ố ng nước. Những cảnh hàng ngày ấy, trông đau lòng thêm. Trời Hà Quảng trong xanh, ruộng Hà Quảng đất lẫn đá bốn mùa khô xác, không giữ được một hạt nước, một hạt màu. Mưa lụt, nắng hạn, đất nghiêng đi đâu mà nghiêng mãi, lúc nào cũng chỉ thấy người tháo, người đắp giữ nước ngoài đồng. Tháng bảy rồi mà cọn nước còn kẽo kẹt suốt đêm múc từng ống vào ruộng. Hạn to rồi. Mới có tháng bảy mà những cái cánh cối đã tất tả quay suông. Như thế là chẳng còn hạt gạo dính trôn cối.

Mẹ quay mặt đi. Anh em Dền không để ý. Cả hai mải cúi sát mặt cầu, nhìn theo dòng nước, một lúc, bỗng reo lên :

- Có bóng người đằng xa kìa.

Mẹ quay lại, nói như nghẹn :

- Thấy bóng thì chẳng làm gì...

Rồi mắt mẹ nhòa nước mắt. Anh tưởng vì mình nói to thế làm mẹ buồn. Hai anh em cuống quít giục :

- Mẹ về, mẹ ạ.

Rồi anh chợt nhớ :

- ồ, nhà mình chưa thả vịt. Về thả vịt nào!

Mùa này phải cho vịt đi ăn sớm mới được.

Nhưng mẹ bảo :

- Sáng nay chưa đi chăn vịt đâu.

- Sao, hả mẹ ?

Mẹ nói :

- Nhà còn mấy ống gạo để dành ăn Tết rằm tháng bảy. Có khi mà Tết rằm này bố mày được về ăn Tết. Từ hôm nay đến rằm phải đi đào mài để ăn thì mới dành được gạo tết rằm. Bố mày đương đào dở một bọn mài. Hôm nay không đi rừng sớm, người ta cướp công mất. Bây giờ hai mẹ con phải đi đào nốt.

Anh xịu mặt. Không phải ngại đào đâu. Anh

đã đi với bố vào rừng đào củ mài nhiều lần.

Những củ mài nằm sâu độ sải tay, anh đã đào gọn được. Củ mài hôm qua cũng là hai bố con đương đào. Mài rúc sâu thế là củ to lắm. Không

đi đào nốt thì có đứa nẫng mất. Chỉ vài nhát mai nữa thôi. Nhưng lại còn lo vịt đói. Vịt cũng cần vỗ béo.

Dền nói tự nhiên :

- Để em chăn vịt cho.

Anh reo lên :

- Phải đấy. Mày chăn vịt, tao đi đào mài.

Mẹ đau chân, mẹ cứ ở nhà, đừng đi đâu.

Nhưng rồi anh băn khoăn :

- Không được, mày chưa biết đuổi con vịt.

Nó mà xuống suối, đi mất thì...

Dền nói :

- Biết rồi. Tay cầm cái roi thế này. Vịt đi xa thì giơ lên, gọi : kíu kíu, như anh vẫn làm mọi khi. Em đã biết đào giun cho vịt ăn. Em biết chỗ giun nằm có cứt giun đùn nhiều.

Anh cười, vẻ thú vị :

- Nói nghe thạo đấy. Được, cứ thử cho mày chăn vịt, tao đi đào mài.

Nói phân phát công việc như thế, anh nghĩ mình đã lớn hơn mọi khi và cảm thấy bây giờ phải xốc vác, thay bố đi vắng. Một lát sau, anh

đã lồng cả đôi "dậu" , quảy trên vai, tay xách cái thuổng.

Nhưng anh ra vẻ người lớn cũng chưa bằng Dền đâu. Kể ra, Dền không biết so sánh. Nhưng, từ lúc nhận chăn vịt, Dền thấy mình bây giờ lớn rồi, khác hẳn, khác nhất bởi vì Dền chưa chăn vịt bao giờ. Chỉ mới đi xem người ta chăn thôi. Bây giờ Dền đi chăn vịt. Mẹ phải biết thế, anh phải biết thế. Dền sẽ đuổi vịt khéo, không để vịt lạc suối. Dền đã biết chỗ đào được nhiều giun. Lúc anh vác củ mài về, anh sẽ nhìn sướng mắt lắm : đây này, diều con vịt nào cũng to tướng, no nê thây lẩy ra, ngang cái đít ngoe ngoảy của nó. Thật đấy.

Đàn vịt nằm trong chiếc bu đầu sàn vừa được bỏ xuống. Dưới chuồng có ba con vịt to, anh đã tháo chốt cửa. Thoạt đầu, Dền cũng lo vịt chạy tản mạn mỗi con mỗi nơi thì thật khó.

Những con vịt to vẫy cánh vươn vai. Cánh vịt quạt lên, như rỡn cho gió lộng vào mặt nhau. Ba con vịt càng nhởn thêm, cứ dang cánh quạt quanh ra xa, mãi đầu bờ rào. Đàn vịt con đàng sau sợ gió, nhớn nhác, táo tác. Tất cả loạn lên như trêu tay chăn vịt non.

Nhưng Dền bình tĩnh. Dền đã đoán cách làm cho có trật tự được. Dền nhón chân lên, xách mai, bước ra. Thế là cả ba con vịt to đều quay đầu, hiếc mắt rồi cụp cánh, lạch đạch chạy theo Dền. Đàn vịt nhỏ cũng tíu tít bu lại. Chúng biết hiệu. Có thế chứ, vịt to vịt bé đều phải biết hôm nay đến lượt Dền dắt chúng mày đi ăn đây.
Chú vịt con háu đói vừa đi vừa nghển lên mổ mổ mảnh đất bám lưỡi mai. Những con vịt tinh quái. Nó biết cái mai sắp thục xuống đất đào giun. Dền đã ra đến đám đất ẩm rêu. Chỗ ấy có nước lần ở máng trên sàn đầu nhà thấm đến, giun dế trú ngụ nhiều lắm. Đàn vịt cứ xúm xít, cạc cạc kíu kíu trò chuyện quanh chân Dền.

Thế là Dền thành tay chăn vịt. Anh về anh hẳn bằng lòng. Bố về thì chắc lạ lắm. Chăn vịt thường thôi đã khó, lại làm sao giữ cho vịt chỉ ăn quanh nhà, làm sao đưa vịt xuống suối qua ruộng không rúc lúa. Chỉ đi men chân lúa, người ta trông thấy, đã chửi réo và bắt đền. Vịt chẳng biết nghe như người mình nói với nhau. Vịt lại có tính bướng, cứ thả bừa chân, bạ chỗ nào cũng quơ mỏ. Nhất là chỗ ấy có nước. Vịt cúi cổ xuống, thò chiếc mỏ bè bè. Bất kể ra thế nào, hãy cứ rèn rẹt rúc thử xem đã, rồi mới chịu lắc lư đi. Cái giống vịt là gàn bướng thế !

Dền đã biết đưa cả đàn qua ruộng mà vịt không la đà rúc lúa người ta. Cũng vẫn chỉ công ở cái mai. Dền xách mai đi. Vịt lớn trông

thấy, nháo nhác theo. Chưa được. Phải nhử cho cả lũ vịt con cũng sán đến đầy đủ rồi mới đi.

Những con vịt con đã trông thấy cái mai giơ lên. Dền chúc mai xuống làm cho các cu cậu phải kiễng cả chân, cả mắt đớp cong cóc vào mảng đất dính trên lưỡi mai. Thật thì trên lưỡi mai lúc này cũng có miếng mồi giun, nhưng anh chàng vịt lớn nào đã chớp mất rồi. Tuy vậy, mùi thức ăn ngon vẫn phảng phất. Các cu cậu này cứ mổ côm cốp rồi quay ra nhìn nhau, rồi lại xô lên, mổ côm cốp, hăng hơn. Lúc ấy Dền mới cầm cái mai và dềnh dàng đi. Cả đàn vịt chen nhau, chăm chú, nghển cổ đuổi theo lưỡi mai. Chẳng mấy lúc, người và vịt đã ào qua tràn ruộng, xuống tới bờ suối. Bấy giờ Dền mới ngả cái mai xuống vệ cỏ. Những con vịt hích nhau chen vào rúc thật sự, dũi hết mảng đất trên lưỡi mai. Không thấy gì, nhưng bấy giờ đã qua hết ruộng lúa không để mang tiếng vịt rúc lúa nhà ai và rướn cổ nhìn ra, đàn vịt đã thấy làn nước chảy vui vui trước mặt. Đàn vịt đã mắc mẹo Dền.

Cả đàn vịt à xuống suối. Vịt ăn lần lên lần xuống theo hai bên bờ. Có những lúc đùa nhau, đuổi nhau, lắc đuôi, hụp xuống nước. Mà vẫn trông thấy cả con vịt lặn ve vé trong nước. Vịt lên bờ, rỉa lông rỉa cánh, kỳ cọ rồi nằm im thành một bọn chồng đống giữa bãi cỏ. Nhưng hễ động cái lá rụng, một lũ mắt vịt lại ti hí mở. Tuy thế, cũng là lúc vịt nghỉ ngơi. Lúc ấy, Dền mới lội xuống suối bắt cá. Dền đã xem các anh bắt cá nhiều lần. Hôm nay Dền cũng bắt chước bắt cá suối.

Quãng suối ấy có vực sâu. Mặt nước không một gợn sóng. Dền rón rén bơi đến. Xanh trong, đến đỗi thấy cả một giọt nắng đụng đậy đáy nước. Những con cá măng lượn đi lượn lại, nhấp nhánh, loang loáng rồi biến đâu. Đàn chép lấp lánh đỏ hồng như những vảy nắng, cũng chui vào khe đá. Vực nước vắng tanh, sóng gợn xanh. Cá động nước đã trốn cả.

Nhưng Dền đã trông dõi, biết hết những con cá chui vào hốc đá ấy, chỗ ấy. Màu hồng cá chép thì không lẫn được với bóng đá. Dền nhẹ nhàng lướt đến. Thật nhanh, Dền thò tay vào hốc. Một chú chép băng thoát ra. Tay ngoài, Dền được tóm ngay.

Buổi trưa, Dền dồn vịt về, xách theo một xâu cá.

Có hôm, không đợi anh đi đào mài về. Dền đã mổ cá rồi bắc mảnh chảo xuống. Những con cá rán giòn cong lên. Có khi, anh đã mang về một nắm măng chua. Anh nói :

- Để nấu canh cá. Biết thế nào cũng được cá mà.

Rồi lại nói :

- Mày chăn vịt được đấy ! Lại biết bắt cá.

Giỏi rồi.

Dền nói : phải chăn vịt cho béo, bố về ăn rằm tháng bảy.

Nhưng tết tháng bảy rồi mà không thấy bố về. Cả làng chuyến ấy đi phu đồn Sóc Giang cũng chưa ai được về. Cái tết chán ngắt. Không có người bưng bánh tẻ bánh gai đi biếu nhau. Mưa suốt đêm, nước suối tràn hết sang ruộng mía, ruộng lúa hai bên đường. Những người nhà đem gạo lên chợ Sóc trở về, thở dài, bảo : bọn phu này phải đến Tết cả mới được về cũng nên. Tường đồn bây giờ mới đương xây móng.

Tối mười bốn, ba mẹ con ngồi sân sàn trông ra. Trăng tròn đã đứng đầu núi bên kia. Dòng suối giữa cánh đồng, lằn trắng như con đường cái quan thênh thang. Nhưng không một bóng người. Ba mẹ con ngồi đến tận khuya. Như có ý đợi. Ngày tết sắp đến mà còn người vắng nhà thì ai cũng muốn chờ, dù chờ vu vơ. Rồi hai anh em đi ngủ lúc nào. Mẹ đem guồng sợi đánh vải ra ngồi quay trong bóng trăng.

Thế là bố không được về. Tết này mẹ chỉ thổi một đấu xôi nếp "mỡ vịt"(1).

Mẹ bảo :

- Phiên chợ tới chúng mày cứ đem bán đôi vịt to. Bố về thì vịt con đã lớn rồi.

Hôm ấy, phiên chợ Nà Giàng. Bỏ chợ Nậm Nhũng, chợ châu, đợi phiên Nà Giàng. Chợ Nà Giàng, bán vịt được tiền. Anh tính thế.

Hai anh em mang vịt đi chợ. Châu Hà Quảng có chợ Nà Giàng to nhất, hơn cả chợ châu lỵ. Chợ Sóc Giang chỉ được cái lắm người ngoài biên giới đem vào các hàng lạ : bát đĩa, gương to, hũ đựng đậu giống và nhiều thợ làm răng vàng bên kia sang. Chợ Nà Giàng ở giữa châu, thuận đường qua lại - cả dưới phủ Hòa An, ở Nước Hai, tận ngoài tỉnh người buôn cũng kéo lên đợi chợ từ chiều hôm trước.

__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 05-03-2005, 03:23 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Dền thấp lũn chũn mà đeo một vai mấy cuộn thừng bo. Từ tháng trước, anh đã chặt cây bo để tước vỏ vặn thừng. Định khi đi chợ, nhân thể đem bán thừng, kiếm thêm vài đồng tiền. Anh xách đôi vịt bỏ trong lồng mới đan. Hai con vịt trắng, chân vàng :De. Chốc chốc lại thụt nan bu, con vịt cái kêu cạc cạc váng một bên tai.

Gần đến chợ, người càng đông. Từ hai bên triền núi xanh, từng đám người Mèo, người Nùng cõng về chợ những thùng rượu ngô, lại giắt theo con bò lông vàng mỡ. Nhưng mặt người nào cũng bạc xám. Chắc thiếu ăn đã lâu. Những con bò đem bán, bò ăn cỏ tốt trên núi cao, béo bóng lông, có yếm trễ lắc lắc dưới cổ.

Cạnh suối, dưới những bụi mai phấn trắng, đàn ngựa của người buôn ở chợ tỉnh về đã buộc đấy. Có những ngựa con theo mẹ về chợ, đến đây vừa mỏi chân, nghiêng lưng gài vào sườn đá, lim dim hai mắt.

Đầu tiên, Dền thấy những hàng xôi ở đầu dốc. Hai bên, bắc ghế dài cạnh chõng hàng, trên đặt chõ xôi trắng lỗ chỗ hoa hiên, xôi lại nhuộm lá gì đỏ như mào gà. Dền trông thoáng. Nhưng cái ngon mà không được vào miệng, thì chỉ mới nhìn, bụng đã réo ong óc. Dền không nhìn nữa, Dền rảo bước bám theo anh.

Mỗi lúc vào, cái chợ lại đông hơn. Người Dao bán giấy. Người Tày cầm từng xâu những con cá chép đỏ hỏn. Trên hiên, một dãy hàng thổ cẩm sặc sỡ như hoa thuốc phiện. Mấy người Nùng cởi trần ngồi trước cái chân cột đá - những người làm nghề đẽo đá kê cột. Trông mặt hốc hác thì biết người đói, có lẽ cả đời chỉ đi làm chân cột cho nhà người ta, chưa bao giờ được đẽo hòn đá kê chân cột nhà mình.

Người chất đống quanh nơi bán muối. Cạnh chỗ người vào đưa đá để xây đồn, có lính đứng đếm đếm ghi ghi, chốc lại hất ngọn roi lên, gạt người chạy sang chỗ đong muối. Những người khác ồ lại. Bọn lính kéo ra những người mà nó quát là chưa nộp đá lô cốt, không được mua muối. Thế là người xô, người níu lại, tiếng roi vút, người chửi người hét, rống lên, lung tung lên.

Một chốc, có con trâu bồn từ phía dưới tới. Trẻ con trong chợ sợ trèo cả lên cây. Người bảo trâu điên. Nhưng có người kêu : trâu xổ đấy. Bọn cướp đón cướp của đằng kia giết chết cả lái trâu rồi. Thế là cả cái chợ nghiêng ngả, xanh xám đi.

Anh đứng lại, bảo em :

- Vào chợ đông thế này, có khi bị chen mất cả vịt. Mày đứng đây đợi. Tao đến chỗ hàng xén gửi người ta bán hộ chỗ thừng bo này rồi tao ra. Hai đứa cùng đem vịt vào chợ mới được. Nhớ, giữ vịt thế này này...

Anh đặt bu xuống ven đường, bảo Dền ngồi đấy. Anh làm kiểu cho Dền bắt chước, kẹp đầu gối vào hai đầu bu. Tay Dền úp trên mặt bu. Như con gà ấp.

- Thế, ngồi im thế. Ngồi im thế, không nhúc nhích. Ai hỏi không nói, không mở tay ra...

Anh lấy cuộn thừng bo trên vai Dền rồi đi vào đám người đương túi bụi trước mặt. Thấy anh thành thạo thế, Dền cũng đỡ sợ. Nhưng đầu tiên còn trông thấy anh, anh còn quay lại, cười cười. Dền yên tâm. Sau anh đi vào mãi trong, không trông thấy. Dền mới chợt ngơ ngác và cúi mặt.

Người qua lại tăm tắp, lườn lượt. Hai đầu gối Dền càng kẹp chặt cái bu. Hai bàn tay Dền tõe ra, muốn che kín cả mặt bu. Đừng ai trông thấy hai con vịt nhà mình nữa. Nhưng con vịt cái cứ quang quác cái mỏ. Chỉ nhích chân, nó cũng làm loạn xạ lên. Người đi qua, ai cũng nghe tiếng, ai cũng nghé nghiêng xuống. Có người khen: "Vịt nhà mày béo quá, béo quá". Có người hỏi xấn xổ : "Bán vịt không ? Bán vịt không ?". Dền sợ, nhắm mắt lại. Nhưng khi nhắm mắt thì nghe tiếng ồn ào, la thét trong chợ, tiếng bò rống, tiếng gà vịt kêu càng dữ, càng hãi hơn. Dền lại mở mắt. Nhưng không dám ngẩng mặt. Chỉ trông xuống cái bu vịt nhà mình. Thấy những bàn chân đi qua. Bàn chân mọi người đi qua. Chân ai cũng liên liến đi. Thấy chân ai chậm lại, dừng lại, Dền sợ. Người ta đứng nhìn bu vịt của mình. Sao anh đi lâu thế. Càng chờ càng thấy lâu.

Bỗng có hai cái ống chân quấn xà cạp xám sững trước mặt. Dền hé mắt, nhìn lên thấy một người lính đội nón sơn quang dầu vàng nhóng nhánh. Thấy lính, đã trợn. Hôm nọ, lính đã lên nhà, bắt bố mình đi phu đấy. Dền nghĩ : phải cẩn thận mới được.

Người lính hỏi :

- Vịt nhà mày à ?

Dền không nói. Bàn tay giữ mặt bu, cựa quạy.

Người lính cúi, đẩy tay Dền, xách bổng cái lồng :

- ạ, hai con vịt béo nhỉ ?

Đầu gối Dền bị hẫng ra. Nhưng cả hai tay Dền vẫn bíu đít bu, giằng xuống.

Người lính cau mặt :

- Thằng này hỗn à ?

Rồi hất tay Dền đi. Dền hoảng, thằng lính sắp cướp mất con vịt. Thế là, Dền vừa khóc vừa thụi vào bụng người lính. Nhưng nắm tay con con chỉ bằng vỗ bụi cái lưng khố lục, cái vạt áo vải vàng dày kệp mà thôi.

Người lính cười khành khạch rồi lại cau mặt: - Vịt béo thì phải bán cho quan. Tao mang biếu quan hai con vịt của nhà mày. Đứng đấy, rồi tao mang tiền của quan về trả cho.

Vừa nói, người lính xách bu vịt đi liền. Con vịt cái giẫm thụt chân trong nan bu quạc quạc kêu om lên. Người vẫn nhốn nháo đi qua. Dền khóc nức nở. Có người đứng lại. Không ai biết chuyện ra sao cả.

Vừa lúc, anh ở trong chợ chạy ra. Dền trỏ tay:

- Thằng lính lấy mất vịt kia kìa.

Anh nhìn theo tay em. Đằng ấy, lộn xộn người và đằng ấy cũng nhiều lính đương ngổn

ngang đi. Có cả ông quan châu tay cầm cái gậy song. Có cả Tây đồn, đội mũ sùm sụp ngang mắt, hai ria vểnh ngoắt lên. Dưới bụng có khẩu súng đeo trong cái thắt lưng da to. Người ngồi chợ thấy quan đến, giạt ra hai mép đường, chắp tay vái. Cho đến lúc quan cộp cộp bước qua.

Hai anh em Dền quên không biết sợ, vẫn hớt hải chạy lên. Nhưng chẳng thấy người lính xách bu vịt đâu. Chỉ sáng nhoáng những nón :Dp đồng, những thắt lưng da, những bắp chân quấn xà cạp xám. Đâu cũng lính, lại lính. Hai anh em vẫn đuổi theo. Không biết đến đâu đi đâu, nhưng cứ đuổi.

Vừa đuổi, vừa kêu. Không ai nghe những tiếng kêu khóc ấy giữa cái chợ ầm ầm cả trăm người gào thét. Dền cũng chẳng trông thấy những hàng xôi hoa hiên, xôi đỏ mào gà, như mời ăn. Không trông thấy những con ngựa từ núi cao xuống đứng vẫy đuôi trong búi mai. Hai tai nghe đặc tiếng vịt kêu và trong con mắt, vẫn thấy đằng trước có thằng lính xách chiếc lồng vịt của nhà mình. Rõ ràng thằng lính đi phía trên, nó chỉ mới qua đây thôi.

Ra tới quãng trống, có người hỏi :

- Cái gì mà các cháu kêu thế ?

Anh nói như quát :

- Thằng lính cướp cái lồng vịt !

Dền thút thít :

- Nó bảo đứng đấy nó đem tiền quan ra trả.

Mấy người đứng lại đương thương hại hai anh em cũng không nhịn được tiếng cười, càng thương hại thêm.

Một người hỏi :

- Có nhớ mặt nó không ?

Chưa biết trả lời sao thì nhiều người khác đã nhao nhao : "Thôi, cũng bằng gặp quân cướp ngày. Biết mặt hay không cũng chẳng cởi khố nó ra được đâu". Rồi, thương xót cũng chẳng biết làm thế nào, mỗi người lại tất tả mỗi việc. ạng thì khiêng đá đến nộp cai cơ để được vào đong muối, ông ôm con lợn con vừa mua được. Những ai có bu vịt, tự dưng đâm sợ, lấy cái túi chàm, cái lá dáy, lá chuối che lên mặt bu cho khỏi ai trông thấy.

Anh em Dền vẫn chạy tìm vịt nhà mình. Cái sợ, cái tức, cái tiếc xui chân đi. Chạy đã qua chợ Nà Giàng, lại qua không biết mấy xóm nữa. Dền nghĩ cứ chạy thế này, không thấy thằng lính xách cái bu vịt, đến lúc thấy được cái vực sâu, chui xuống, không phải về trông mặt mẹ nữa cũng được. Dền lại nức nở khóc.

Dưới gốc cây nhãn, cái chõng đặt chõ xôi trắng cao có ngọn, người xúm xít ngồi ăn. Bên cạnh, bà hàng đương xắn tay áo mở cái nút lõi ngô đổ rượu trong hũ ra. Người ngồi xổm uống một bát rồi chùi mép, đứng dậy đi ngay.

Đã mệt, anh em bước lải rải rồi đứng lại. Mấy người ngồi hàng và người uống rượu cũng vừa đứng lên. Họ thì thào gì rồi vào cả trong xóm. Đầu tiên, anh tưởng người ta đi đánh bạc.

ở Sóc Giang, ở Nậm Nhũng, Tổng Gọt, Hàng Thoóng hay Nà Giàng đều có sòng bạc. Nhiều người mất ruộng mất trâu lắm. Anh đương ngao ngán, cứ hỏi bâng quơ, cầu may.

- Các bá ơi ! Các bá đi đâu ?

Một người nói :

- Vào xem hội đánh cướp.

Hội đánh cướp là cái gì. Nghe lạ tai, và biết đâu lại có thể tìm được vịt ở đấy. Đánh cướp mà. Hai anh em vào ngay.

Giữa xóm, trên khoảng đất trống, nhiều người xúm quanh cái phản gỗ mọi ngày vẫn để bán thịt lợn. Đây mọi khi là nơi chợ đổi vai. Trong làng đem ra bán cho người buôn rồi về. Chỗ này họp chiều trước ngày phiên chính. Nhưng lúc ấy chỉ có người đứng, nhiều đàn ông và những cong rượu to. Đằng kia, một ông chít khăn chàm đương nói. Cái khăn xổ xuống vai, mà ông vẫn nói thật to.

- Bây giờ kẻ cướp mỗi ngày một nhiều.

Làng nào xóm nào ta cũng phải cùng nhau một bụng. Có cướp đến, đánh trống, gõ sàn, gõ nồi rồi ra đánh đuổi cướp đi. Các làng đều có hội đánh cướp, xóm ta vào hội đánh cướp.

Anh chen vào, nói to :

- Các bá ơi ! Tôi vừa mất cướp.

Nhiều người trố ra nhìn. Đứa nào ở đâu nghênh ngang vào đây. Nó con nhà ai, sao nói thế, nó mất cướp thế nào!

Những tiếng quát hỏi :

- Mày mất cướp ở đâu ?

- Ngoài kia.

- Mất cái gì ?

Anh kể :

- Tôi mất hai con vịt ở chợ Nà Giàng.

- Ai lấy của mày ?

Dền nói :

- Thằng lính đội cái nón thế này, thắt lưng da thế này, các bá ạ.

Mọi người cười to - cười như mếu. Lại những cái cười thương hại anh em nhà ấy mất vịt. Cũng không ai biết trả lời lại thế nào. Mãi sau mới có người nói: - Các cháu ơi, nó là thằng lính, không phải thằng cướp đâu.

Anh hăng lên :

- Thằng lính đi cướp thì cũng là thằng cướp, hội đánh cướp phải đánh cả thằng lính ăn cướp chứ !

Mấy người đứng gần đẩy anh em Dền ra. Rồi sợ sệt, nói khẽ : "Mày về hỏi hội đánh cướp làng mày. Nói ở đây thế mà xã đoàn nghe tiếng thì phải trói đấy. Chúng tao không biết đâu".

Hai anh em về. Chợ Nà Giàng nhốn nháo tan tác. Thấy cái nón lính, cái bắp chân xà cạp đi gần, Dền lại giật mình, nắm hai tay. Câu anh hỏi người ta lúc nãy còn vẩn vơ trong đầu Dền. Sao lính đi ăn cướp lại không dám đánh ? Không được, nếu bao giờ làng Nà Mạ nhà mình có hội đánh cướp thì không thể tha cái thằng lính cướp lồng vịt.

_______________________________

(1) Hát then: Một lối hát thờ. "Khảm hải" là tên một bài hát.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 05-03-2005, 03:23 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Chương 2


Đường về nhà hôm ấy Dền muốn nó dài mãi, xa mãi. Lại tưởng tượng đường xa đến tận ngọn suối cho đến lúc trông thấy thằng lính đội nón :Dp, xách cái lồng vịt. Mình sẽ giằng lấy cho kỳ được rồi mới chịu về nhà.

Những ý nghĩ vẩn vơ đã nguội lúc về tới đầu xóm, trông xuống mặt suối. Thế là sắp đến nhà, sắp thấy mẹ. Dền muốn khóc ngay. Mất đôi vịt, làm thế nào bây giờ ?

Mẹ đón các con về chợ trên đầu thang nhà. Đến chân thang, còn đương rửa chân, anh đã kể lại mọi chuyện ở chợ Nà Giàng. Dền đứng sau anh, giấu mặt vào tay áo. Mỗi câu anh kể, thít lại, như cái roi quật vào người.

Dền nín thở, Dền đợi. Mẹ bíu vách, tập tễnh bước xuống.

- Đừng sợ, con ạ. Nhà còn đàn vịt nhỡ.

Con chăm cho nó :Dng lớn, mai kia bố về. Bây giờ con biết chăn vịt rồi mà.

Dền chúi đầu vào thắt lưng mẹ và oà khóc. Từ hôm ấy, Dền lại ra công chăm vịt.

Những con vịt mây mẩy lớn lên trông thấy. Tiếng vịt kêu vang động, sáng sớm người trong xóm đã thấy đàn vịt của Dền bơi trắng suối. Chúng ăn no rồi lặn hụp một lúc, lên bờ vung vẩy rỉa lông rỉa cánh rồi loay hoay nằm ghếch lên nhau ngủ.

Dền cặm cụi đào giun, ngày mưa còn đi bắt dế cho vịt ăn.

Buổi trưa, các đàn vịt trong xóm ra bơi loang lổ mặt suối. Nhưng Dền biết cách cho vịt ăn no, vịt nhà Dền lớn khác hẳn, không lẫn với đàn nào. Mới hôm nào hai đầu cánh còn trổ lông mòng mọng, bây giờ cườm cánh đã xoè biêng biếc và khi con vịt đực cất tiếng kêu, nghe khàn khàn vỡ tiếng, ra kiểu anh chàng lắm. Đàn vịt của Dền lớn nhanh thế đấy.

Dền nghĩ: "Vịt :Dng béo chắc :Dng ngày bố về". Dền cố chăm cho con vịt lớn.

Một lúc, Dền giong vịt ở suối lên, trông thấy mấy người trong xóm vội vã từ cầu thang nhà Dền xuống. Anh cũng xuống theo. Cả bọn mải miết đi, không trông thấy Dền. Dền gọi. Anh không thưa. Cũng không quay đầu lại. Dền nghe trên nhà có tiếng khóc.

Dền lên nhà. Trong nhà, chỉ có mình mẹ ngồi trước bếp. Chậu vôi ngâm vỏ dó để trước mặt. Như mẹ đương tước dó làm giấy. Nhưng mẹ đương khóc. Thấy Dền mẹ khóc to hơn. Dền đứng trông mẹ, không dám hỏi. Rồi Dền cũng khóc.

Dưới sàn có tiếng lạt xạt. Mấy đứa trong xóm nghe tiếng ồn ào, đã tụ đến. Dền lau mắt, bước xuống, thấy Thàn trong bọn. Thàn là em họ Dền. Bố mẹ nó đã chết cả. Bây giờ nó lang thang, khi ở với bác, khi ở với cô.

Thàn chạy lại, kéo tay Dền ra ngoài suối. Thàn nói hấp tấp :

- Dền ơi ! Anh biết chuyện rồi á ? Bố anh phải cướp chém trên chợ Sóc hả ? Anh ấy lên châu đấy hả ?

Thàn hỏi nhưng rồi Thàn lại kể :

- Người làng đi phu trên châu về nói thế.

Tối hôm qua có cướp về đánh phố, đánh cả vào chỗ phu ở. Bố anh không chạy kịp, chẳng biết phải cướp hay phải lính chém, không biết thế nào bây giờ.

Dền chẳng nghe tiếng Thàn nữa. Dền nhớ lại sáng sớm ấy, bố bước bổ xuống sàn theo người lính đi. Người lính cũng đội nón sơn, thắt khố lục, chân xà cạp. Giống thằng lính xách của Dền lồng vịt hôm nọ. Lại cái thằng lính này. Những thằng lính độc ác. Dền nghĩ điều ấy và Dền không khóc nữa. Những chuyện tức giận làm nước mắt không chảy ra được.

Thàn nói giọng người lớn :

- Mẹ anh bây giờ ở một mình.

Dền cãi :

- Có chúng tao chứ !

Thàn nói :

- Nhưng mà bá phải ở góa.

Dền nói :

- ở góa thì sao ?

Thàn, vẻ thành thạo, kể một thôi:

- Anh không biết rồi. ở góa khổ lắm. Người lớn vẫn kể thế. Nhà góa không có người lớn đàn ông, không ai sợ nhà góa. Nuôi vịt không được ăn đâu. Kẻ cướp, kẻ trộm đêm nào cũng mò. Người đi qua nhà muốn vào lấy cái gì cũng được. Cái "dậu" để trước cửa cũng mất. Có nắm thóc đem ra cối giã thì không còn hạt nào đem về. Trông thấy người đến lấy gạo cối mà không làm gì nổi. Nhà không có người lớn ra đuổi nó mà. Ngày trước bố tôi chết, mẹ tôi ở góa, cả làng đến bắt nạt, bắt trộm hết. Mẹ tôi sợ quá phải chết nốt. Tôi biết cái sợ ấy rồi.

Thàn nói một thôi những chuyện ghê gớm. Nhưng Dền nghĩ khác và không sợ. Dù bố mình chết thật, nhà mình vẫn có đàn ông, có người lớn, như mọi nhà khác. Anh mình thật người lớn rồi. Có lần trông thấy anh nắm hai sừng trâu, mặt anh đỏ tía, anh dìm đầu con trâu xuống. Con trâu chịu phép không ngóc lên được. Anh khỏe lắm. Hôm nọ anh đuổi theo thằng lính. Hôm ấy mà bắt được nó, nhất định anh đã lấy lại cái lồng vịt lại còn đánh gãy cái tay ăn trộm của nó rồi cũng nên. Anh không biết sợ cái gì đâu. Anh là người lớn đàn ông trong nhà. Mình cũng sắp thành người lớn rồi. Anh đi làm vắng, đã có mình ở nhà. Đứa nào đến bắt nạt mẹ, đứa nào đi qua mà đỏ mắt muốn vào ăn trộm, mình đấm cho cái mắt nó tím thâm lại.

Nghĩ thế, Dền bảo Thàn :

- Nhà tao không chịu thua đâu. Đứa nào đến ăn trộm, tao đánh. Tao đẽo sẵn cái gậy.

Thàn lại nói theo vào :

- Con dao nữa, anh ạ. Phải có con dao anh nhỉ ? Giá ngày trước tôi biết đánh con dao để trong nhà thì mẹ tôi không phải sợ quá mà ốm chết đâu, anh nhỉ ?
- ừ, con dao. Tao cũng làm người lớn được rồi.

Thàn múa hai tay lên :

- Có dao, có gậy, tôi cũng thành người lớn. Dền nói :

- Mày giúp tao đánh những đứa bắt nạt mẹ, được không ?

Thàn sốt sắng :

- Được, được...

Dền nói :

- Từ nay mày ở luôn nhà tao. Để tối còn rình trộm.

- Anh nói với bá thế nhé ?

- Chắc mẹ tao bằng lòng thôi.

Dền kéo Thàn lên nhà. Tiếng mẹ khóc làm cho Dền nhụt bớt cái hăng hái vừa rồi. Tuy vậy, Dền vẫn bước nhanh lên thang. Thàn thập thò theo sau. Dền đến ngồi bên chậu ngâm vỏ dó, trước mặt mẹ.

Dền nói :

- Mẹ ơi ! Mẹ đừng khóc. Mẹ đừng sợ.

Không phải mẹ ở một mình đâu. Không đứa nào bắt nạt mẹ được. Không đứa nào dám vào nhà mình ăn trộm. Con là người lớn đây. Thằng Thàn cũng là người lớn đến giúp nhà mình rồi. Bây giờ, tối mẹ cho nó ngủ nhà mình, nó ở luôn nữa.

Mẹ ngước lên, nhìn thấy hai thằng bé "người lớn đàn ông" ấy lấp ló chưa cao hơn cái thùng ngâm chàm. Dền mới được mười tuổi. Mẹ lại khóc to hơn. Mẹ vừa khóc, vừa gọi : "Con ơi! Con ơi !" Dền không hiểu ý nghĩ của mẹ, chỉ thấy thương mẹ nhưng Dền không khóc như lúc nãy. Vì cảm thấy bây giờ mình thật là người lớn trong nhà.

Từ hôm ấy, Dền để ý tìm ra việc làm trong nhà nhiều hơn mọi khi.

- Con xuống suối giặt áo cho mẹ. Chỗ bến đá trơn lắm. Chân mẹ đau, mẹ đừng ra. Cái Tết năm mới qua rồi, Dền bảo mẹ :
- Mẹ cho con nuôi thêm lứa vịt. Bây giờ vịt to vịt bé con nuôi được cả.

Cái Tết năm mới lại qua rồi. Chẳng bao giờ bố Dền về nữa.

Dền nói với mẹ :

- Mẹ ơi ! Sớm mai con lên núi lấy cây dó với anh. Con rủ thằng Thàn đi cùng.

Ba anh em đi lấy cây dó sớm hôm sau. Chưa có người ra đường, những ngọn lau sáng sớm còn đẫm sương. Bếp lửa đương đượm ấm khắp nhà, Dền đứng dậy, đeo dao vào lưng. Con dao rừng dài chấm đầu gối.

Dền và Thàn theo anh đi bóc vỏ dó về làm giấy cúng. Mỗi bước, phải lấy que đập trước. Làn sương bụi lau rơi như mưa lả tả trước mặt. Mới lên lưng núi, ba anh em đã ướt đến bụng áo. Rét quá. Phải ngồi đốt sưởi một chốc, mới lại trèo được.

Đã nhiều năm nay, mẹ Dền bị bệnh, không chữa khỏi. Bệnh gì như người lỏng đầu gối. Bố con phải đổ sức đẽo chân núi ra mới được một vạt mấy hàng lúa. Mỗi mùa, đến kỳ giáp hạt, cả xóm phải lên rừng. Nhưng mẹ chân đau cũng không theo nổi người ta. Có lần bố lên núi ở Lục Khu, đem về được cách làm giấy bằng cây dó, cây trúc của người Dao. Từ đấy, mẹ Dền ở nhà, khi làm giấy, khi kéo sợi. Vào dịp Tết nhất, làm được giấy đem chợ bán thì có ít đồng tiền ra vào. Nhưng cũng khó nhọc lắm. Rừng gần chẳng còn mấy cây trúc, phải đi tìm cây dó trên núi cao, trong khe đá. Lục lọi chặt từng gốc cây, tỉa cành, rồi bó lại như bó củi, vác về nhà tước vỏ, ngâm thành bột.

Bây giờ người khôn của khó, trong làng cũng đi lấy nhiều, cây dó đã vãn ở các tầng núi thấp. Anh đưa Dền và Thàn trèo lên đợt núi cao sau làng. Lên đến những ngọn đá lởm chởm, vẫn thấy xanh sẫm đằng xa. Trèo tới, lại trèo qua, lại thấy đám núi xanh sẫm trước mặt cao hơn. Núi này mở ra núi khác và người cứ trèo mãi, đau dồn đầu gối cũng không hết những ngọn núi xanh sẫm. Cây dó cũng ác lắm. Chỉ cao bằng đầu người mà phải vào đến khe đá mới có. Mùa hè, mỗi cành dó rủ xuống những chùm hoa nâu, thơm loang khắp rừng. Tìm núi có cây dó, cứ theo mùi hoa mà đến.

Anh chặt cây xuống, bó lại mỗi ôm. Một lúc đã được hơn mười bó to.

Ba anh em ngồi nghỉ trên mỏm đá. Khói đốt sưởi bốc xanh, hơi đá bớt lạnh hơn lúc nãy.

Trước mặt, rặng núi Ma Líp kéo dài răng cưa lởm chởm đến chân trời. Bên này, dãy núi Lục Khu chàm thẫm như một đoàn người đi nổi lưng áo chàm xanh biếc.
Anh nói :
- Ngày trước, lúc tao còn bé như chúng mày, mỗi hôm ra sân sàn ngửa cổ lên, thấy bốn phía núi, tao sợ lắm. Tao nghĩ thế là suốt đời núi cao đóng gông con người ở một chỗ này, không bao giờ ra khỏi được. Một lần, tao theo bố lên lấy củi, bố trỏ cho tao biết trèo qua dãy Ma Líp thì đến Thông Nông, đằng ấy có chợ, lên đến bên này Lục Khu cũng có chợ. Tao hỏi bố có đi các chợ ấy được không. Bố nói: Có chứ ! Có chứ ! Tao lạ lắm. Bây giờ thì biết rồi. Là con người thì đi đâu cũng được. Không sợ cái gì cả.

Dền nói :

- Hôm nay em cũng biết thế !

Nghỉ một lát, anh đứng dậy, bảo :

- Chúng mày vác dó về. Một lần không hết thì lên vác lần nữa, phải trèo núi một mình cho quen.

Dền hỏi :

- Anh còn đi đẵn dó nữa à ?

Anh đáp :

- Không.

Dền băn khoăn :

- Anh không về với chúng em à ?

Anh đáp :

- Chúng mày về trước.

Dền lại hỏi :

- Anh đi đâu ?

Anh đáp chủng chẳng :

- Tao trèo lên cao nữa.

- Lên làm gì ?

- Việc người lớn, mày không biết được.

Nhớ một câu dạo trước Dền đã nói với mẹ, Dền bảo anh :

- Chúng em sắp là người lớn rồi.

Anh cười, đập lưng Dền một cái :

- Bao giờ mày thật là người lớn hãy hay.

Dền vật nài :

- Anh trèo lên cao làm gì cơ ?

__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 05-03-2005, 03:24 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

- Lên cao...

- Bắt chim a ? Trên ấy có tổ chim phượng hoàng đất ? Mọi khi em nhìn thấy đàn phượng hoàng đất bay ra phía này.

- Không, anh không đi bắt phượng hoàng đất.

Rồi khe khẽ nói :

- Anh lên ngọn núi tìm cây gỗ "xưa". Em chưa thấy gỗ "xưa" đâu, hiếm lắm. Gỗ ấy làm quân cờ. Gỗ chắc, lại nhiều vân. Quân cờ gỗ "xưa" mài kỹ, nó bóng hoa lên.

- Anh làm bàn cờ à ?

- Không... à...

- Anh lấy gỗ "xưa" làm gì ?

Anh bảo :

- Không được nói với ai đấy. Tao lấy gỗ "xưa" để làm cái súng.

Dền reo lên :

- Em biết rồi.

Anh ngạc nhiên, hỏi :

- Biết cái gì ?

Dền đáp :

- Làm cái súng "tài lống"(1) như người Mán. Thế thì em biết rồi.

Anh cũng cười, nói : "Phải", rồi kể:

- Chúng mày ạ, ngày trước thằng Tây đến chiếm châu Hà Quảng, có ông người Mán ở Đạo Ngạn là Triệu Phúc Sinh kéo quân ra đắp ụ súng "tài lống" ở Tổng Gọt đánh nhau với Tây... đánh Tây mấy năm... giỏi quá...

Bỗng dưng, anh hỏi Dền :

- Có còn nhớ năm trước, phiên chợ Nà Giàng...

- Em vẫn nhớ. Thằng lính lấy mất bu vịt.

- Tao vào trong xóm hỏi hội đánh cướp có đánh lính, đánh quan được không.

- Em còn nhớ. Sao không đánh được lính đi ăn cướp, anh nhỉ ? Em vẫn tức mình...
Anh nhìn em, nói thong thả :
- Bây giờ khác rồi. Bây giờ có hội đánh lính, đánh quan, đánh Tây nữa. Làm người thì cái gì cũng làm được, không biết sợ đâu.

Dền thích trí :

- Thế a ?

Anh nói nhỏ :

- Không được kể lại cho ai biết, nghe không. Bây giờ hai đứa vác dó về đi.
Rồi anh trèo lên sườn đá. Dền còn muốn hỏi nhiều nữa. Nhưng anh đã leo thoắt vào sau vỉa núi. Tuy vậy, còn đang thích trí và bâng khuâng lắm. Lúc vác bó dây dó, Dền bảo Thàn :

- Chắc anh tao biết cái làng có hội đánh cướp, đánh Tây, đánh quan ấy rồi.

Thàn còn đương mải nghe tiếng chặt gỗ từ trên cao vang xuống. Thàn hỏi lại:

- Có hội đánh cướp, đánh Tây à ? ở đâu thế ?

Không đứa nào nói nữa. Những bó cây dó nặng đè nghẹo một bên vai, phải bíu lên gờ đá, tránh từng vết rêu, mới bước xuống được. Dốc đá trơn ghê. Chẳng nói chuyện nữa, hai đứa đi im lặng nhưng trong bụng nghĩ miên man, xa xôi, lạ lùng.

*

* *

Làng Nà Mạ ở lọt giữa bốn góc núi. Phía nào cũng trông thấy núi, ngước mắt lên, chỉ thấy núi. Pác Luông, Pác ý, Nà Mạ bên nào bóng núi cũng đè trên mi mắt. Núi đóng gông mình - anh bảo thế. Nếu không có suối Pác Bó chảy qua, làn nước trắng dưới những cây vối già phủ lá xanh rờn, nếu không có mùi hoa vối mùa hạ thơm thoảng mặt nước lan đi xa xa thì không ai biết còn lối nào đi nữa, không biết ở đâu có bao giờ thay đổi.
Nhưng không phải mãi như thế.
Hôm ấy, nghe từ khe núi uôm xuống những tiếng âm như sấm rền. Không phải tiếng sấm. Bên kia núi không có cơn mưa. Trời đương nắng to. Các sườn núi xanh rực không một gợn mây. Có người đoán đấy là tiếng mìn. Dạo này, Tây ở tỉnh đem phu dưới xuôi lên làm đường vào Hà Quảng. Thỉnh thoảng, hay nổ mìn bắn đá như thế. Nhiều người đi chợ đã được xem. Vài hôm sau, có người dưới châu đi mua xương thú lên qua, hỏi các xóm:

- Hôm nọ vỡ chợ Sóc, đây không ai biết à?

Người trong xóm ra hỏi lại :

- Vỡ chợ thế nào ?

Người ấy kể :

- Đương còn sớm, đằng châu Nguyên Bình có tiếng ầm ầm, trông lên thấy đàn tàu bay trắng phau như đàn ngỗng trời rồi tiếng nổ bom ầm ầm. Đến trưa, lính trên bốt chạy xuống chợ kêu : tàu bay về ném bom tan Mỏ Sắt rồi còn đứng đây à ? Thế là chợ vỡ, người chạy hết. Chẳng thấy bom, chỉ thấy hôm ấy bọn lính được một mẻ to. Có thằng hai tay dắt bốn năm con bò béo khoáy đít. Có thằng lính vơ bạc nghìn trong sòng bạc...

Mọi người không để ý chuyện lính ăn cướp chợ mà bàn tán về cái tiếng bỏ xuống như tiếng sấm trưa hôm ấy là tiếng bom tàu bay Mỏ Sắt. Của Nhật hay của Mỹ ? Chắc không phải của Tây. Chẳng nhẽ Tây lại đem bom ném vào chân nó. Không biết của ai, nhưng cảm thấy có điều gì đương xảy tới.

Trời đất dường như cũng khác năm trước. Quả lê Đông Khê năm nay mọng nước mà nhạt thếch. Lê châu Hạ Lang thì còi. Mùa lê chưa đến mà suốt ngày sương mù đã cứ từ khe núi đùn ra, trắng cả ngọn cây, thế là mất mùa lê rồi.

Mấy năm trước, làng vào hội chống cướp. Cả xóm mổ gà, uống rượu ăn thề không dắt cướp, không theo cướp, giúp nhau đánh cướp. Thế nhưng đấy là nói cướp trên núi xuống, cướp ở biên giới tràn sang. Còn bọn Tây, bọn quan, bọn lính thì vẫn tự nhiên vào xóm, lấy cái gì cũng được, đánh ai cũng được. Quân quan đi ăn cướp thì đâu cũng thấy, ở Sóc Giang, ở Bó Gai, ở Đôn Chương, ở Mỏ Sắt, chỗ nào có đồn, có bốt, có chợ, có quan Tây, có tri châu, bang tá, có châu đoàn, có lính, là có bọn cướp ngày ấy. Người ta bảo nhau : kẻ cướp thì vãn rồi, quân quan đi cướp của còn đông hơn. Làm thế nào đây ?

Có tiếng thì thào ngày một nhiều rằng các làng vào hội đánh cướp đã có lời thề mới. Bây giờ thề đánh cả Tây, cả quan. Việc này phải kín, làng nào giỏi lắm mới vào được hội như thế. Tiếng đồn khẽ. Nhưng tiếng đồn khẽ cũng như con hổ kêu trong đêm khuya, vang xa lắm, lâu lắm. Thành thử, ai cũng biết. Người ta cảm thấy đây lại là một điều mới lạ đương xảy tới. Bây giờ không như mấy năm trước nữa.

Chặp tối, anh Bát Ngư đến rủ anh đi đâu. Hai anh ngồi bên bếp, hút thuốc nói chuyện, có lúc thì thào. Dền lắng tai kỹ mà không rõ. Lát sau, hai người lục cục ra ngoài sàn. Anh xuống trước, rút mấy thanh nứa làm đuốc. Anh Bát Ngư vừa xuống tới đầu nhà, Dền thò ra cửa sổ, gọi khẽ :

- Anh à...

- Dền đấy hả ?

- Em hỏi cái này, được không ?

Dền ngập ngừng, rồi hỏi :

- Anh đi đâu đấy ?

Anh Bát Ngư đáp :

- Đi có việc.

- Chốc nữa, anh có về nhà em không?

- Có.

- Về cho em hỏi câu này nhé.

- Câu gì thì hỏi luôn nào.

- Câu này phải hỏi lâu mới được.

- Cố thức nhé.

Sau đấy, bọn trẻ ra đầu xóm chơi sáng trăng. Dền cũng ra chơi. Trong bụng vẫn nghĩ những câu chốc nữa hỏi anh Bát Ngư.

Buổi tối sáng trăng, trẻ chơi ngoài xóm vẫn bàn tán về những cái tàu bay hôm nọ. Trăng sáng như ban ngày. Dưới bờ suối, cây cối đứng như những nùm rơm lù lù. Mặt đất loang lổ. Tiếng hươu giác xa xa. ở gầm sàn nhà ai, con vịt cất tiếng kêu khe khẽ. Những con vịt nhích vào nhau, tránh con rắn luồn qua đương mát lạnh dưới chân.

Trăng đã lên trên :Dp núi. Tháng nào cũng thấy một lần thế mà vẫn thấy trăng lên như mới. Đám trẻ vừa chạy vừa reo a a từ dưới suối lên. Cả bọn ngồi lại, nói lao xao một lúc rồi lại chạy chơi. Cái tàu bay, câu chuyện thì thào các nơi có hội đánh cướp, đánh quan. Nhưng chuyện hay đến thế mấy cũng không giữ chân trẻ con ngồi một chỗ những đêm trăng được.

Dền nói to :

- Này, tao có cái chơi mới.

Nhao nhao :

- Cái gì thế ?

- Chơi tàu bay.

Chưa biết đầu đuôi thế nào, cứ reo to hơn:

- Hay đấy ! Tàu bay !

- Mày bày ra chơi đi !.

Dền bảo một đứa nằm úp xuống mặt cỏ, dang hai tay, cứng người.

- Trông giống cái tàu bay không nào!

- Tàu bay thì phải biết bay.

- ừ, tàu bay phải bay. Được thôi.

Một đứa ra đỡ cánh tay phải. Một đứa nắm bên trái rồi mỗi đứa nâng một chân lên. Thằng "tàu bay" lấy gân nằm cứng đơ trên tay các bạn. Các bạn ầm ầm khiêng đi. Thế là cái tàu bay đương bay.

- A ! A ! Tàu bay bay đi ! Bay đi!

Ba bốn đứa khiêng "cái tàu bay" chạy xuống bờ suối rồi lại rù rù ngược lên, rồi lại lao xuống. Cứ lần lượt, đứa nằm đứa kéo như thế.

Tiếng reo inh ỏi :

- Tàu bay bay ! Tàu bay bay đi !

- Tao cưỡi lên tàu bay tao đi ném bom.

Thằng nào không chạy kịp, tao đấm một cái, thế là nó ăn bom chết rồi, lại phải làm tàu bay cho tao cưỡi.

- Tao cưỡi trước...

- Tao trước !

Rối cả lên. Nhưng rồi các bạn cũng dành cho Dền cắt lượt. Dền quát to :

- Phải chia đứa nằm làm tàu bay.

Trò chơi tàu bay đến khuya, trăng ngả xuống, bóng núi ủ mờ trên xóm Nà Mạ.

Dền và Thàn về nhà. Mẹ vẫn còn ngồi tước vỏ dó ngâm vào chậu nước vôi. Hai đứa đến bếp, hơ sưởi. Mắt Thàn đã díp lại. Thàn đi ngủ. Dền ngáp luôn mấy cái. Nhưng vẫn ngồi gan. Mẹ giục :

- Đi ngủ thôi.

Dền nói :

- Con chờ các anh.

- Chờ được thịt hươu về ăn cháo à?

- Không.

- Cứ ngủ đi, có thịt hươu về, mẹ gọi.

Dền còn ngồi rốn một lúc. Chưa thấy các anh về. Đành rúc vào chăn với Thàn.

Dền nằm tạm, Dền đợi. Cái chăn vỏ cây sui, thật ấm. Nhưng ngứa và bụi, chốc lại ho sặc sụa. Dền định nằm chơi. Thế mà, lát sau, đã ngáy pho pho.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 05-03-2005, 03:24 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Chương 3


Giữa tháng, có một toán lính đi tuần qua làng. Mọi khi, đầu tháng mới có lính đi qua. Đúng là trời đất nóng. Nóng đến tận chỗ tay cầm rồi.

Không phải dõng. Tốp lính cơ cẩn thận. Đầu nón, chân xà cạp đi đất. Vai vác súng. Cả bọn bước một dãy con kiến sau đuôi ngựa quan châu.

Bọn ấy vừa qua một lúc, có tốp khác đến, tốp này dài hơn, cũng đi hàng con kiến, thắt lưng đóng khố lục. Giữa bọn, bước thong thả con ngựa, trên lưng ngựa, quan hai Tây đồn Sóc Giang ngồi chễm chệ. Cái mũ hùm hụp kín gáy, sụp ngang mặt, chỉ thấy bộ ria vểnh. Khẩu súng lục to bằng bắp chuối trễ bên thắt lưng.

Chưa khi nào thấy quan châu và quan hai đi tuần cùng một ngày như thế. Hai bọn đều từ Hòa Mục lên, qua Nà Mạ, lên nữa. Nhưng không thấy quay lại. Dễ mà quan quân vòng về châu đi đằng Nà Sác hay tạt sang Kéo Yên. Không phải đi tuần. Có lẽ đi dò đường. Thấy khác đấy.

Mấy hôm sau, có lệnh bắt phu. Lính vào các xóm. Nhưng xã đoàn đến, nhiều người chạy ra núi. Anh cũng phải trốn ra ở núi. Người ta canh cho nhau trốn đi phu.

Mấy hôm, chẳng có lính đến nữa. Hai anh em Dền lại đi tra ngô ngoài nương.

Anh bổ hố. Em tra hạt. Đã được nửa vạt nương. Trong xóm, tiếng chó sủa ẳng ẳng. Cả tiếng gà táo tác như gà phải cáo ban ngày. Dền ngó về xóm, hỏi anh :

- Đồn lại xuống bắt phu, phải không?

Anh nói :

- Tao về nghe xem sao.

Dền can :

- Về thì nó bắt đấy.

Nhưng anh nói :

- Việc tao phải về.

Anh đi rồi, Dền tra nốt mấy hố ngô rồi buộc con bò vào gốc vối, cũng chạy về. Vừa tới đầu xóm, thấy châu đoàn Nã đoàn dẫn một đám người ra. Cả anh đi trong ấy. Thì ra, anh mới đến chỗ đầu nương, đã đụng phải thằng lính. Thế là nó tóm anh.

Nhiều bà chạy theo, kêu khóc. Châu đoàn nói :

- Các quan đem phu đi làm bốt đầu làng, chiều về thôi. Còn khóc nữa, quan đem lên châu giam cho mà được khóc nhiều.

Thì ra, dạo nọ quân quan thăm đường đất để làm bốt gác các đầu làng.
Giữa đường, từ Hòa Mục lên, cái bốt đã lù lù. Người Nà Giàng lên làm bốt ấy. Phu Nà Mạ thì làm bốt Bó Bẩm trên cửa suối Pác Bó, mỗi nhà phải giam ra một người, bất kể ai. Lại bắt phu nữa.

Dền đã về nhà, ngồi dưới gầm sàn, giữ đàn vịt. Cả xóm nháo lên như chợ vỡ.

Một lính nhò đầu lên nhà Dền, đập cái roi, gọi to :

- Người nhà này đâu !

Mẹ Dền đứng dậy :

- Bẩm ông thương cho, chân tôi đau.

- Đau chân thì phải bỏ đây đồng bạc.

Không có thì phải đi làm bốt.

- Con tôi đi lúc nãy rồi.

- Đi nữa !

Dền trèo lên bậc thang, thình lình đến đằng sau vỗ vào thắt lưng lính. Người lính giật nảy mình, giật cả nón, hốt hoảng nhảy xuống, giơ roi. Dền đứng yên, chắp tay, lễ phép :

- Thưa quan, tôi đi phu cho mẹ tôi...

Người lính không dám đánh và không biết nghĩ thế nào, đẩy thằng bé đi.

Thế là Dền phải đi phu làm bốt. Dền đi, nắm hai bàn tay, như hai quả đấm, như sắp đánh nhau. Hôm nay Thàn mà ở nhà cùng đi thì hăng lắm đây. Có khi được đánh nhau với lính, đánh nhau thật. Nhưng Thàn đã lên núi vác cây dó từ sớm.

Dền ra chỗ đường cái, thấy nhiều người đã phải điệu đến đấy. Có trẻ con, cũng có cả bà già như mẹ mình. Nó bắt hết cả làng đi phu rồi.

Bốt làng Nà Mạ dựng ngay đấy. Đám phu vét trong làng phải ra làm thêm bốt này. Cái chòi cho lính đứng, cho dõng gác, khi chúng nó đi canh đường qua.

Một đám người xuống suối, vác lên những tảng đá, dựng lên làm tường kín ba phía. Tốp khác vào xóm chặt tre. Khó nhọc nhất là những người bị sai đi dỡ những mái ngói lợp quanh nhà, ngói mái cửa. Lính trỏ roi vào đâu thì phu đến đấy dỡ ngói đem ra. Người ta chửi, xô lại. Không dỡ được. Châu đoàn lại thúc lính húc vào. Người chạy, người vác, tiếng quát với roi lính hoa lên vun vút.

Dền chúi vào đám người đương ngoi ngóp vác đá dưới suối. Nhưng Dền lẩy bẩy, nhấc được hòn đá lên, hai ống chân chệnh choạng. Một lúc vẫn chưa lê được một hòn. Một bác đến đỡ vai cho Dền. Dền tựa vào bác ấy, đi lên. Lính đứng trên bờ, dứ roi, sừng sộ :

- Chúng mày đi rước đá à ?

Bác vác hộ nói :

- Đá to thế này nó chưa vác nổi đâu.

Người lính thưa với cai :

- Cho thằng cóc con này đun nước.

Cai không nói, chỉ quất vào đít Dền một roi. Thế là nó làm hiệu bằng lòng. Lính lôi Dền đến bên gốc vối. Thùng nước đương khói um. Hai người ngồi chổng vộc, thổi bếp, mù mịt. Mặt thùng nước quẩn khói mà vẫn lạnh tanh.

Lính quát :

- Hai thằng đun một thùng nước không nên ! Vào dỡ ngói !

Hai người nhổm lên, cung cúc chạy. Lính quất roi đuổi hụt. Nó quay lại, ấn Dền xuống :

- Thổi bếp đi ! Thổi đi !

Và như còn tức vì đánh hụt hai người kia, mỗi tiếng "thổi đi", nó thụi Dền một quả rồi lẩm bẩm : "Đến hết buổi mà không có nước uống thì ông chôn sống mày".

Quá trưa, Dền về nhà. Dền lảo đảo bước lên sàn. Hai tay đen như nắm than. Mặt nhọ tịt mít, chỉ còn trắng hai con mắt.

Mẹ hỏi to :

- Con ơi ! Con có phải nó đánh nhiều không ?

Dền cười, vẻ tự nhiên :

- Chẳng sao cả, mẹ ạ. Anh về chưa?

Lúc ấy, dưới sàn có tiếng nói lên :

- Anh về rồi.

Dền chạy xuống, thấy anh đương ung dung đứng cho vịt ăn. ở đâu về, anh bắt được một xâu dế. Trông anh bình thường. Nhưng nhìn cái đầu tóc còn nước chảy ròng xuống mặt, Dền đoán anh mới tắm suối. Chắc lúc nãy anh cũng nhọ nhem như mình thôi.

Dền hỏi :

- Nó bắt anh đi làm bốt tận đâu ?

- Trên Bó Bẩm.

- Xong chưa ?

- Chưa xong cũng trốn cả rồi.

Anh cười. Rồi anh cởi khuy áo cho em :

- Xuống suối tắm đi.

Dền chưa xuống suối. Dền móc con dao rừng của anh treo ở đầu vách. Anh hỏi :

- Lấy dao làm gì ?

Dền trỏ vào cột sàn :

- Em khắc vào đây.

Rồi Dền hí hoáy vạch một dấu dài vào cột. Dền nói :

- Thằng lính lấy cái bu vịt, chém cái dấu chỗ này. Thằng lính bắt bố đi cho cướp đánh chết ở chợ Sóc, em chém chỗ này. Hôm nay, thằng lính đánh em, em chém cái dấu chỗ này. Chém thế để nhớ, anh ạ.

Anh nhìn em, mắt đăm đắm. Em đã nên đứa trẻ biết nghĩ. Anh nghĩ : mai kia, em lớn, em sẽ vào đội tự vệ cứu quốc như các anh. Em biết không, bây giờ làng nào cũng có đội tự vệ, có hội đánh Tây. Mai kia, em lớn, em sẽ biết.

Dền đã mang máng biết rồi. Anh vẫn tưởng Dền chưa biết. Dền đương muốn rình cho biết.

Trời tối nay lại trăng. Ngoài đấu xóm, tiếng trẻ con cười như có một trăm con nắc nẻ cùng kêu. Thằng Tinh khập khiễng chân mà khỏe cười thế. Tiếng nó hô hố to nhất. Quên đi những khó nhọc, những bực dọc ban ngày. Tưởng như cái làng bình yên trong bóng núi, bây giờ có ông trăng hiền hậu nhìn xuống.

Nhưng Dền không chơi trăng đêm nay. Và cả Thàn nữa. Hai đứa đương ẩn cạnh mô đá ở lối vào ngõ. Ngồi im, ngồi im đến nỗi mấy con vịt về chuồng muộn, gọi nhau kíu kíu, chân bước lạch bạch trong bùn, đi qua mà không biết trong ấy có người nấp.

Lát sau, tiếng động sàn cạch cạch. Dền bấm Thàn. Hai đứa nhìn ra. Anh Bát Ngư vẫn bước xuống sau, như hôm nọ. Anh chui vào phía trong chỗ bò đứng. Dền lại kéo áo Thàn. Thật như Dền đã đoán lúc nãy : thế nào anh cũng vào gầm sàn lấy cái súng đẽo bằng gỗ "xưa". Hôm trước, chơi ở gầm sàn, Dền đã lục thấy.

Đầu khẩu súng giả đã nghênh ra, anh cầm chúc xuống, như người cầm cái sào đi làm cỏ tháng bảy. Anh bước sau anh Bát Ngư, qua mấy nhà đầu xóm, ra ngoài. Đám trẻ đùa, đã nghe vẳng đằng kia. Các anh không đi qua đấy. Các anh lặn vào bóng tối gốc cây gạo rồi men sườn đá, lên núi.

Không biết Dền và Thàn đi theo từ nãy. Hai đứa đi hệt các anh. Cũng núp bóng cây gạo rồi sườn đá lên. Hai anh lùi lũi đi, miên man như bóng tối. Không biết gì phía đằng sau.

Đến quãng rừng trám, trăng sáng loáng thoáng, ai đi cũng thấy rõ. Dền và Thàn phải ngồi đợi hai anh bước xa hơn rồi mới nhỏm lên. Cứ thế, suốt quãng đá ấy rồi qua rừng mai, nghe gió đẩy lá mai ram ráp, xào xạc. Có lần Dền theo người lớn đi tìm trâu, đã biết đường này. Đàng trước, sẽ đến một bãi đá rồi khoảng cỏ bằng phẳng. Đàn trâu các nhà, khi thong thả hết mùa cày, hay lên nằm ngơi ở đây hàng tháng.

Phía bãi đá nghe tiếng xì xào. Dền và Thàn đứng lại. Các anh cũng đứng lại.

Nhưng có thấy ai đâu. Mãi sau nhận ra mấy bóng đen nhấp nhô trên các tảng đá quanh đấy đều là người ngồi. ánh trăng tỏ, thấy rõ đến hơn mười người đương chụm lại. Mỗi lúc lại nhìn thêm ra người đã đến. Họ đứng dậy mới biết. Ai cũng có cái súng hay cái gậy hình như đầu nhọn nhô lên.

Dền nghe lạt xạt đằng sau. Nhưng không phải người. Con cầy hương ra ăn sớm. Tuy vậy, cũng làm Dền nhớ ra : có thể có người đến nữa. Dền và Thàn trèo tót lên một cành dâu da. Trên cây, trông thông thống trước mặt. Trăng tròn xoe mỗi lúc một trong như lọc. Gió đuổi những ngôi sao bay vùn vụt. Dền chăm chú nhìn ra chỗ có người bí mật.

Thêm mấy người nữa từ phía rừng đến. Quang cảnh bỗng chốc thấy lạ lùng. Những bóng đen, phút chặp lại, phút tỏa ra, lom khom rồi đứng thẳng, khi trèo, khi nấp. Thàn nắm áo Dền. Thàn sợ. Thàn nhìn ra cái gì nhảy nhảy, không phải người. Con ma. Dền ghé tai Thàn, khẽ nói :

- Tập trận đấy. Thàn nhớ rồi.

Chỗ kia, một đám nữa, bóng lổm ngổm bò rồi đứng, bò rồi đứng, lúc lúc một gần lại gốc dâu da. Hai đứa bám chặt cành cây, im thít. Dền muốn co mình lại nữa. Hơi đụng tay cũng sợ ra ánh trăng người dưới nhìn thấy. Nhưng sợ thế thôi. Đám người đã quay lại, lại bò, lại chạy về đằng kia.

Không rõ mặt, chỉ là những cái bóng. Thế mà Dền và Thàn xem không chán mắt. Bởi hai cậu bé hiểu. Các cậu ấy đoán các anh đương tập bắn, tập đánh nhau - để đánh cướp, đánh Tây. Đêm trăng như đêm nay, các làng lên rừng tập trận. Tưởng tượng ra thấy mọi nơi đông lắm ở khắp các làng châu Hà Quảng.
Nhưng hội này chỉ có người lớn, hội của người lớn. Nhưng chỉ tập như thế thì trẻ con cũng biết. Cả một ngày, Dền đã phải đun bếp, lính đá vào đít, thế thì Dền chẳng khác người lớn. Tối mai chúng mình cũng tập bắn súng đánh nhau thế này. Làm ngay ở đầu xóm, chẳng sợ ai. Hội trẻ con sẽ to hơn hội người lớn cơ.

Hai cậu bé ngồi trên cây dâu da đến khuya. Các anh thôi tập đã lâu, nhưng ngồi cả lại quanh tảng đá. Đầu tiên, không biết các anh làm gì, sau, có lúc thoảng nghe nói to, biết đương bàn chuyện. Chẳng có gì xem nữa mà vẫn phải bám cành cây, không dám leo xuống.

Trong ánh trăng có sương, ngồi cây lâu quá, mềm cả tóc và ướt hai vai áo.

Một lát, những bóng đen dưới bãi trước mặt bỗng đứng thẳng tắp. Như theo một lệnh. Rồi đi. Nhưng không đi tản ra. Các anh về một phía, qua ngay gốc cây dâu da. Mùi chàm áo lẫn mồ hôi, bốc lên, hăng hắc. Trông rõ mồn một. Lá cây dâu da thưa thoáng mà trăng thì cứ sáng trơ ra. Dền lại sợ các anh ngước lên. Hai đứa nép chặt vào cây - như con tắc kè trốn lẫn mình vào bóng tối.

Các anh đi hết, hai đứa mới rón rén leo xuống. Tất cả trườn xuống sườn đá, lối lên lúc nãy. Nhưng lúc này, từng hòn đá ướt nhãy. Có lúc Dền trượt chân, ngã oạch một cái. Cứ nằm yên thế, các anh đi một đỗi, mới lúc cúc đuổi theo.

__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #6  
Old 05-03-2005, 03:24 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Mà sao không ai về trong xóm. Có lẽ những người ở xóm khác, tận Hòa Mục, Đạo Ngạn cũng nên. Thế thì anh Bát Ngư và anh mình tối nay đi ngủ theo bạn à. Hai đứa vừa đi vừa băn khoăn. Nhưng cũng cứ theo. Dưới kia, làng xóm đã yên tĩnh trong làn sương trăng nhạt. Tiếng trẻ con chặp tối reo hò ngoài đầu xóm đã tan từ bao giờ. Lắng im, chỉ nghe tiếng suối rào rào đẩy những cánh cối quay suông, chốc lại đổ nước xuống kêu ùm một cái. Đương mùa đói, tiếng chày giã buông không ngửi thấy hơi gạo. Rồi lặng thăm thẳm.

Họ đi cả về phía Nà Kéo. Xuống chỗ chòi canh mới dựng. Đã thấy cái chòi nhô nghênh lên giữa đường. Canh gác chắc. Lẽ nào ! Hội đánh cướp, đánh quan mà lại làm lính canh gác?

Những cái bóng chạy quanh vào chòi canh. Rồi, kỳ lạ, cái chòi sụp ngay xuống. Người người hì hục khuân từng tảng đá ném xuống suối. Có những anh xếp ngói, các thứ nữa, xếp từng đống. Nghe ngói xô lạch cạch thì biết. Một thoáng, không còn bóng cái chòi đâu.

Các anh dỡ chòi canh ! Thế mà không đoán ra. Mấy lần, Dền và Thàn ngứa chân, toan xô đến. Nhất là Dền, giờ chỉ được ra bê vứt hòn đá xuống suối hay vác cái cột tre đi, cũng sướng, cũng bõ cái tức phải cong cổ thổi bếp đun nước cho lính uống. Lại còn bị cai cơ đá mấy chiếc vì đun nước oi khói. Bây giờ được ra dỡ cái chòi ! Nghĩ lại, mà Dền không dám ra. Nhưng trong bụng thật thích.

Hôm sau, Dền đi chăn vịt sớm. Vờ dắt vịt lên phía Nà Kéo. Không phải ngủ mê đâu. Biến mất cái chòi canh thật. Mà biến sạch sanh... tài thế. Không còn một tảng đá tường, không một ống tre, một miếng ngói, không nhận ra cái chòi đã dựng chỗ nào ! Người mới đi qua một lần không thể nhớ nơi đầu xóm Nà Kéo đã có khi có cái chòi canh. Dền vào xóm. ạ hay, mấy cái mái ngõ, hôm qua bị dỡ trụi, nay đã lại thấy mái đầy. Như chẳng việc gì đã xảy ra.

Mấy lâu sau, ở Nà Mạ người ta nghe chuyện ông cai cơ đồn Sóc Giang bị bóc lon. Chuyện như thế này : có một hôm, châu đoàn cho lính lên Nà Kéo gác đường trước cho quan hai sắp đi tuần. Lính lên Nà Kéo rồi về thưa quan hai : ở Nà Kéo không có chòi canh, thế thì canh đứng đường hay vào ngồi trong xóm. Quan hét lính : "Láo nào ! Quan sai thầy cai mang lính đi làm chòi phiên chợ trước rồi mà". Lính lại kêu : "Bẩm quan, không thấy. Quan không tin thì quan lên Nà Kéo mà xem". Nhưng chưa quan nào kịp đi xem có chòi canh ở Nà Kéo hay không thì quan hai đồn Tây đã tuần lên đằng ấy, rồi vòng về đằng cửa Bình Mãng. Không thấy chòi canh ở Nà Kéo như trong bản đồ phòng thủ châu Hà Quảng đã vẽ ra. Quan hai mắng lên tận tỉnh. Thế là cả châu đoàn cũng phải quan án tỉnh khiển trách nặng. ông cai cơ bị khép tội vào làng tìm rượu, không làm chòi canh. ạng ấy phải bóc lon cai, ra tù làm cỏ vê ít lâu ở chợ Sóc, ai cũng trông thấy, rồi lại đổi đi xuống làm lính ở nơi khác.

Người Nà Mạ nghe biết, không ai nói ra. Nhưng mỗi người trong bụng cười một cách. Dền và Thàn thì kể cho đám trẻ trong làng nghe hết câu chuyện kỳ lạ đêm sáng trăng ấy.

Dền đương lạch cạch đẽo cái gì dưới gầm sàn. Anh đi cày về, treo cày lên ngoẵng rồi ra rửa chân đầu máng nước.

- Làm gì đấy ?

Dền đáp :

- Em làm cái này.

Dền đương gọt một mẩu gỗ. Anh lại hỏi:

- Làm mõ trâu a ?

Dền cười, hỏi:

- Anh xem giống cái súng thật chưa?

Anh hỏi lại:

- Em đẽo cái ấy làm gì ?

Dền trả lời:

- Làm cái súng đeo thắt lưng như quan hai đồn Sóc Giang.

Rồi Dền lấy trên hóc cột ra mấy mẩu gỗ đã đẽo thành những hình súng ngắn, súng dài. Mẩu gỗ được làm khéo, tròn xoe, nhẵn thín, vân bóng. Dền lần lượt ướm thử từng miếng vào cạp quần, rồi lại bồng lên vai đi ve vảy, như Tây, như lính.

Trông mẩu gỗ, anh ngờ ngợ, liền hỏi:

- Lấy gỗ này ở đâu ?

Dền đáp :

- Gỗ "xưa" trên núi dạo trước anh làm súng đấy. Chúng em lên nhặt được khúc gỗ anh bỏ

lại, vác về đẽo thành những cái này. Đúng gỗ "xưa", phải không ?

Anh đương băn khoăn chưa hiểu hết trò chơi súng của Dền, Dền đã bước tới, nói nhỏ:

- Hôm nào em làm đủ súng, em cho mỗi đứa một cái rồi chúng em cũng lên núi, chúng em tập.

Anh trợn mắt:

- Em bảo thế nào ?

Dền thích chí, khoe tung ra :

- Em nói anh biết nhé. Chúng em xem các anh tập rồi. Các anh tập hay lắm. Mấy hôm sáng trăng, tối nào chúng em cũng bắt chước tập ngoài đầu xóm, đông ghê. Nhưng chưa có đủ súng. Hôm nào đủ súng, chúng em lên núi !

Anh kêu lên :

- Chết thôi. Không nên đâu. Đế quốc mà biết thì nó đến khủng bố. Các em có sợ không?

Dền đáp, cứng cáp :

- Các anh không sợ, chúng em cũng không sợ.

- Nhưng các anh biết giữ bí mật.

- Chúng em cũng giữ bí mật.

- Bí mật mà em lại khoe với anh là em làm súng. Bí mật thì phải im hết, không ai biết được.

Dền cười :

- Thế mà anh làm gì em cũng biết.

Anh mắng :

- Chỉ nói lung tung !

Dền lại thích chí, nói luôn :

- Không lung tung đâu ! Người ta nói chuyện cai cơ phải tù, châu đoàn phải phạt vì mất cái chòi canh Nà Kéo, chúng em ngồi im nghe rồi cười thôi. Nhưng vẫn giữ bí mật. Chúng em đã thấy các anh phá cái chòi canh thế này này : ở trên núi tập xong, các anh xuống người thì vác đá, người thì dỡ ngói, một lúc sạch hết.

Anh càng ngạc nhiên và lạ quá. Thế thì trẻ con xóm này biết hết chuyện đội tự vệ. Nghĩ thế, anh giật mình. Nhưng cũng cảm động nữa. Chợt nhớ năm trước, hôm thằng lính lấy mất lồng vịt của nhà mình, ở Nà Giàng, anh thương em lắm. Những câu nói biết nghĩ, biết lo của Dền, anh vẫn nhớ. Dền còn bé, nhưng nó đã tinh. Nó hay để ý. Nó hay hỏi chuyện xa xôi. Mới đây, người ở Hòa An lên kể chuyện dưới Nước Hai bây giờ, nhiều làng có hội cứu quốc. Từ bờ sông Bằng vào đến dãy núi Phia Ngà, nhiều làng có hội cứu quốc hoàn toàn rồi. Cả trẻ con cũng biết làm cách mạng như người lớn. Tây ở đồn hay Tây ở Sở Ngựa ra, trẻ con thấy chúng nó đi đâu cũng báo cho người lớn biết. Trẻ con chơi đùa, tắm dưới sông Bằng, thấy lính tuần sang sông là về báo cán bộ ngay. Dền hỏi mãi : Bác ơi ! Trẻ con dưới ấy vào hội cứu quốc thế nào ? Khách phải lờ đi, nói sang chuyện khác. Thỉnh thoảng, Dền hỏi lại anh : Trẻ con dưới Hòa An có vào hội cứu quốc như người lớn không, anh có biết không, và bắt anh kể chuyện... Việc nước đang khó nhọc, trẻ con cũng biết lo.

Nghĩ thế, anh nhìn em. Nó cũng đương nhìn mình, chăm chú rồi tủm tỉm:

- Anh xem em đã vào hội tập súng được chưa?

Quên cả giữ bí mật, anh thong thả nói:

- Vào đội tự vệ, em ạ.

Rồi Dền nghe anh nói :

- Hôm xưa, anh em ta ở chợ Nà Giàng đuổi theo thằng lính lấy trộm vịt, từ ngày ấy, nhà mình toàn chuyện buồn. Người các nơi về qua nói chuyện bây giờ trên đất nước mình đâu chỉ có những chuyện buồn thế thôi. Đâu cũng Tây lấy phu, Tây đánh người, làm chết người, như bố chúng mình chịu chết đấy. Các anh cán bộ nói: mọi người phải đoàn kết vào hội đánh Tây, lấy lại đất nước, mới có yên vui được. Nghĩ ra lời nói có lý. Trong châu này, chỉ có một thằng Tây, ba thằng quan, vài chục lính, ta có cả làng, cả người Mán và người Mèo trên núi. Tất cả cùng vào cách mạng, nghìn người như một, kéo anh em đến vây nó, đòi lại đất nước, thế nào cũng đòi được.

Dền hỏi chen :

- Hôm nào ta đi vây chúng nó ?

- Không dễ thế đâu. Nó có nhiều súng.

Người của ta thì chưa về hết với cách mạng.

Dền hỏi anh :

- Anh về chưa ?

- Rồi, em ạ.

Hai mắt Dền lóng lánh nhìn anh, thèm muốn, yêu quí. Rồi gọi:

- Anh! Anh Nọi!

Anh nói :

- Anh còn có tên của cách mạng cho nữa.

- Tên cách mạng cho anh là gì ?

- Tên anh là Phục Quốc.

- Phục Quốc là thế nào, hả anh ?

Anh cắt nghĩa :

- Phục Quốc là quyết chí đánh Tây lấy lại đất nước. Cách mạng cho anh tên như thế.

Dền reo :

- Anh Phục Quốc! Anh Phục Quốc! Anh cho em theo cách mạng đi đánh Tây với. Em rủ được trẻ con cả xóm. Em rủ thằng Thàn trước, có được không ?

Phục Quốc lặng lẽ nhìn Dền, khẽ nói:

- Anh đi hỏi cán bộ đã.

- Cán bộ là ai ?

- Cán bộ là người cách mạng về dạy quân sự, dạy khai hội, dạy chữ, bảo ta biết nghĩ điều đúng.

- Có phải anh cán bộ chiều hôm qua mới đến nhà ta ?

Phục Quốc gật đầu. Dền lại cười, nói: - Thế thì em cũng biết rồi. Anh ấy tên là Viễn.

Em chăn vịt ngoài suối vẫn gặp luôn. Anh hỏi cho em, không có để em hỏi lấy cũng được.

Lúc ấy, ở trên bếp, mẹ nói xuống:

- Mải chuyện nhiều thế! Quên ăn cơm à?

Dền đương vui, nói to:

- Con lên đây!

Rồi nhảy tót ba bậc thang một, lên nhà.

Một hôm, anh Bát Ngư hẹn Dền ra gốc gạo đợi.Dền không biết có chuyện gì, cứ im lặng đi, nhưng đoán phải có việc bí mật, anh mớihẹn thế. Rồi hai người trèo lên núi. Dốc đá dựng đứng, leo cao lắm mới đến chỗ hơi phẳng. Trông thấy trong gốc cây thông đã có người ngồi - anh cán bộ, Dền đoán thế, đúng người mà Dền hay gặp đi qua suối.

Anh cán bộ ra bắt tay Dền. Như bắt tay người lớn ! Rồi bảo Dền ngồi xuống. Anh Bát Ngư bảo Dền :

- Cán bộ Đức Thanh đấy , Dền à.

Rồi anh nói với cán bộ Đức Thanh:

- Dền thích vào cách mạng lắm, anh Đức Thanh ạ.

Dền hỏi ngay :

- Chúng em muốn làm cách mạng như các anh có được không ?

- Được chứ !

- Em về bảo bọn nó làm cách mạng nhé?

Anh Đức Thanh trả lời :

- Rồi anh sẽ dạy các em vào hội làm cách mạng. Bây giờ cùng nhau hát bài hát cách mạng đã.

Dền cất tiếng theo hai anh, cùng hát. Hai lùng quang... Trăng sáng cao... Hai lùng quang... Ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn... Trăng sáng cao, ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn ta... mọi người vì đâu mà đói khổ...

Xuống đến chân núi, trời đã tối. Dền nóng ruột về kể cho Thàn nghe ngay những chuyện mới lạ. Tức quá, lúc ấy Thàn đã ngủ. Cả ngày, Thàn đeo làn giấy đi bán ở chợ Sóc Giang, vừa về. Dền tức, nhưng lại thương thằng bé mỏi chân, không dám gọi. Mẹ vẫn ngồi bóc vỏ dó. Dền vừa ăn cơm, vừa líu tíu kể, vừa hát cho mẹ nghe. Mẹ cười, không nói. Dền hỏi mẹ:

- Mẹ biết cách mạng rồi à ?

Mẹ vẫn chỉ cười. Mẹ cũng đương vui như Dền. Hình như mẹ biết cách mạng rồi. ờ "cả làng, cả châu, cả tỉnh Cao Bằng, tỉnh Bắc Kạn... cả đất nước vào cách mạng..." các anh đã nói thế mà.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #7  
Old 05-03-2005, 03:25 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Chương 4

Cuộc họp ấy ở bên xóm Thoong Mạ. Đúng ước mong của Dền : được vào hội như người lớn. Dền sắp vào hội. Dền sẽ có tên mới của cách mạng cho, như anh. Dền sẽ được làm công việc cách mạng.

Anh Phục Quốc bảo :

- Thượng cấp đồng ý làm hội cho các em rồi. Chiều mai sang Thoong Mạ.

- Em phải làm thế nào ?

- Em rủ những đứa tốt cùng sang...

- Thằng Thàn có được không ?

- Được.

- Con gái vào hội được không ?

- Được.

- Như cái Xâu nhé.

Dền còn hỏi cho nhiều đứa nữa rồi bồn chồn đợi đến mai. Hôm sau, anh Phục Quốc đi cày về muộn hơn mọi khi. Xung quanh Dền, ai làm cái gì cũng lâu hơn mọi khi. Còn ngày thì dằng dai mãi chẳng đến chiều.

Rồi buổi chiều chờ đợi cũng đến. Mặt trời vừa lấp sau lưng thì bóng núi bên kia suối ngả đè xuống. ánh nắng như những dòng suối đỏ rực chạy ra, chan hòa mặt ruộng. Dền lội lõm bõm dồn vịt về.

Đứng trên sàn, mẹ hỏi :

- Sao cho vịt về sớm thế ?

Dền nghiêm trang nói :

- Con có việc phải đi, mẹ ạ.

- Con đi đâu ?

- Đi việc người lớn với anh Phục Quốc, mẹ ạ. Mẹ ngạc nhiên, hỏi lại :

- Anh Phục Quốc là ai ?

Dền mới nhớ ra anh dặn cần bí mật. Nhưng mẹ cũng không hỏi thêm.

Bấy giờ còn trong tháng giêng. Người đi chơi giêng hai theo các đám then còn lăn lóc, mê tơi suốt ngày sang đêm qua các xóm. Hát then vừa réo rắt vừa buồn, đông người nghe nhất là đến đoạn "khảm hải", đúng nửa đêm. Lúc ấy, hương và nến nhà then được thắp thêm, người nghe then im phắc. Trong bóng tối, giọt nước mắt rơi theo lời hát, thương Sa Dạ, Sa Đồng vượt biển mãi chưa đến nơi. Đời con người, ai cũng có lần nghe then đến đoạn "khảm hải", khóc thương người trong chuyện lại ngẫm nghĩ đời mình cũng lênh đênh như vượt biển mà chưa tới. Mẹ ngỡ anh em Dền đi xem then. Trẻ con chưa biết gì, nhưng trẻ con mà đi nghe "khảm hải", trẻ con cũng sắp phải vào đường khổ như người lớn, người già rồi.

Mẹ thương con, mẹ nghĩ vẩn vơ thế. Nhưng trên lưng tảng đá sau xóm Thoong Mạ chiều hôm ấy, có một đám ngồi bên gốc cây nghiến xanh rì. Ai trông thấy, chắc tưởng bọn trẻ trâu trên gò xuống chỗ kín đáo để chơi nghịch, - chỗ ấy có mấy tảng đá phẳng. Đúng, bọn trẻ trên gò xuống. Cả người lớn cũng xuống nữa.

Trong bọn trẻ, có thằng Tinh. Tinh bị liệt chân từ thuở bé. Nhưng Tinh vẫn cỡi trâu và đuổi trâu như mọi bạn khác. Vào gốc cây nghiến vướng đá, trâu không trèo được, thế mà Tinh vào được. Bọn trẻ leo lên tảng đá sau núi. Rồi Dền cõng Tinh. Thàn thì lúc giữ, lúc đẩy đằng sau, đun Tinh trèo lên.

Anh Bát Ngư nói :

- Có anh Đức Thanh về dự hội.

Mấy em cùng nhìn anh Đức Thanh. Anh ấy, nhà ở làng dưới, ai cũng đã rõ. Dường như biết các em đương tò mò nhìn, anh Đức Thanh nói : - Đức Thanh là tên đoàn thể cho anh. Bây giờ các em vào hội, các em cũng có tên cách mạng để giữ bí mật cho cách mạng.

Tất cả đều nói :

- Chúng em muốn có tên cách mạng.

Đức Thanh cười :

- Bây giờ anh cắt nghĩa cho các em nghe.

Hội cứu quốc để đánh Tây đuổi Nhật là hai kẻ thù của dân tộc mình. Ai muốn đánh Tây đuổi Nhật đều theo hội cứu quốc của Việt Minh. Các cụ già hội phụ lão cứu quốc. Phụ nữ thì phụ nữ cứu quốc. Thanh niên thì thanh niên cứu quốc. Ai khỏe mạnh vào đội tự vệ cứu quốc tập luyện chiến đấu. Các em đã giác ngộ cách mạng các em được vào hội nhi đồng cứu quốc. Dền làm tổ trưởng, các em muốn không ?

Tất cả nói :

- Em bằng lòng.

Anh Đức Thanh lại nói :

- Dền nhanh nhẹn thế thì tên cách mạng của Dền là Kim Đồng !

Dền thích thú, hỏi lại :

- Em được tên là Kim Đồng a ?

Anh Đức Thanh lại nói :

- Thàn thì là Cao Sơn. Cách mạng như núi cao. Cao Sơn, tên cách mạng của em Thàn là thế.

- Cái này ở nhà tên là cái Xâu. Anh cho nó tên cách mạng là gì ?

- Em là Thanh Thủy, dòng suối trong. Cách mạng như dòng suối trong qua làng.

- Tên em là Nì, anh ạ.

- Tên cách mạng của em là cô Thủy Tiên, hoa thủy tiên quí lắm, hoa cách mạng quí lắm.

- Tên em là Tinh. Có đứa ác, gọi em là Tinh thọt.

- Bây giờ em là Thanh Minh nhé.

Rồi anh Đức Thanh dõng dạc nói:

- Các em đã có hai tên. Một tên của cha mẹ cho. Một tên cách mạng đặt cho. Làm con biết kính yêu cha mẹ. Làm người cách mạng thì trung thành với cách mạng. Những công tác cách mạng thế này. Khi giặc Pháp và quan lính chó săn vào làng, các em giữ bí mật của hội viên. Trước nhất, các em phải học văn hóa. Giặc Pháp không mở trường, bắt dân ta chịu dốt, ta phải bảo nhau đi học lấy chữ. Có chữ mới biết đọc sách báo, làm cách mạng giỏi được.

Bây giờ cùng nhau hát bài Trăng sáng cao. Kim Đồng hát trước một lần đi cho các bạn nghe.

ở Nà Mạ đã có sẵn lớp văn hóa của đội tự vệ. Bây giờ thêm lớp bí mật của các em. Không có giấy bút, học thế nào. Cả bọn bàn cách lên núi lấy cây dó về làm giấy. Em nào cũng đã biết làm giấy. Làm ra tờ giấy dày và mịn hơn giấy cúng ma bán ở chợ thì viết được. Rồi đi chợ Nà Giàng mua bút chì. Thế là có sách, có bút. Chỉ còn công thu được chữ về, thế là biết chữ.

Tối tối các bạn rủ nhau đi học. Cả những đêm trăng sáng đỉnh núi, các em cũng đến lớp - một cái lán trong khe đá. Những cục nến trám thắp lên. Các em mở giấy, thì thầm đọc. Ngoài đầu rừng, trăng trải sáng như tờ giấy phẳng. Thèm chạy nhảy ngoài trăng lắm, nhưng phải cố nhịn. Đến khi tan học, mới ra đùa một lúc bên bờ suối. Tối nào cũng vậy, thật nhộn và mê mải.

Trong bọn có Thanh Minh chăm học và sáng dạ nhất. Thanh Minh biết mình không bằng chúng bạn, Thanh Minh càng chăm. Chân bị bệnh liệt, suốt ngày phải ở nhà. Đương quay sợi hay bóc dó, Thanh Minh cũng cặm cụi tìm cách học. Nghe các anh dạy chữ nào, Thanh Minh thuộc như nuốt chữ ấy. Thanh Minh lấy than viết chữ ra khắp xó cột, quanh bếp. Chẳng bao lâu đã nhớ hết mặt chữ cái, cả lối học quốc ngữ mới, có chữ i chữ t ở bài một. Thanh Minh đã biết đánh vần sách Ngũ tự kinh của cách mạng.

Nước ta bị Tây cướp, Đã bảy tám mươi năm...

Kim Đồng thì nhanh trí và hay có sáng kiến. Kim Đồng nói với anh Đức Thanh : - Anh cho em công tác giao thông. Em đi được.

Anh Đức Thanh im không nói. Rồi anh trỏ tay ra ngoài trời tối :

- Có khi công tác cần tối cũng phải đi, em ạ.

Kim Đồng nói :

- Em cũng có đi tối rồi. Em đã lên núi xem các anh tập quân sự, đi đêm đấy.

Anh Đức Thanh vỗ vai Kim Đồng, "à" một tiếng, rồi cười : - Được, hôm nào anh cho em đi giao thông.

Anh Đức Thanh đi khỏi. Kim Đồng nghe tiếng chân anh bước ra ngoài lán học khe núi. Đêm lặng lẽ đầy sao. Chân anh giẵm gãy một cành khô. Xa, tiếng chó sủa. Một mình trong đêm, chắc giao thông cách mạng cũng đi như thế, chẳng có gì là sợ.

Rồi Kim Đồng được làm công tác mới cho cách mạng. Kim Đồng đi công tác giao thông. Nhưng không phải đi đêm, như Kim Đồng vẫn nghĩ. Hôm ấy, một buổi sáng.

Anh Đức Thanh đưa Kim Đồng một cái thư. Chỉ là cuốn giấy nhỏ tý bằng tổ sâu. Anh dặn:

- Tiếng nói của cách mạng đựng trong thư này. Cứ trông cái giấy phong bì ngoài thư vẽ một ông sao, hai ông sao thì biết đấy là thư có tiếng nói cần, phải đưa nhanh. Hôm nay em đưa thư này xuống Hòa Mục.

Anh dặn Kim Đồng xuống Hòa Mục tìm ai và những điều tỉ mỉ khác.

- Để thư trong mép áo, gấu quần, trong mũ... Kim Đồng hỏi :

- Trong cần câu được không ?

- Đốt trúc cần câu rỗng thì để được. Nhưng để chỗ nào cũng phải cẩn thận. Tây hay lính khám không thể biết tìm được để thư ở đâu.

- Gặp Tây hay gặp quan thì làm thế nào?

- Cứ đi tự nhiên. Nhìn trộm nó dễ nghi ngờ. Đi như đi chơi, đi chợ. Thằng quan hỏi đi đâu, bảo đến nhà mo(2). Mẹ ốm, phải tìm người về cúng. Gặp Tây, bảo tôi đi chơi. Hay nói cái gì khác cũng được, cốt nó không biết mình đi việc cách mạng.

- Vâng ạ.

- Ta nói để che mắt địch, làm cho nó đứng trước mặt mà không biết gì.

Từ Nà Mạ xuống Hòa Mục có một quãng đường. Kim Đồng đút thư vào đốt cần câu, rồi lấy đất thó trít lại. Cái cần câu cầm nơi tay. Có khó khăn, ta vứt ở đâu đấy, chốc lại lấy cũng được.

Kim Đồng vừa đi vừa lẩm nhẩm:... gặp Tây này... gặp lính này... gặp châu đoàn này... Lính quát, ... Xã đoàn quát: mày đi đâu ? Tôi đi câu. Tôi đi chơi. Tôi đi gọi mo. Cứ nói tự nhiên, nó không biết gì cả. (Không phải nói dối, đây là cách mạng nói che mắt nó) - anh Đức Thanh bảo thế... Cái gì, ai đi kia ? Tây đồn hả?

Không khéo thì lính đấy, một lũ kia mà. Cả đòn gánh, cả "dậu" ngô, "dậu" thóc. Không, người trong làng đi chợ Nà Giàng mua muối về.

Suốt đường, Kim Đồng nhìn xa và lẩm nhẩm ôn các cách trả lời. Nhưng chẳng gặp cái gì lạ. Có lúc mong cứ thử gặp thằng lính xem sao. Đường vẫn vắng tanh. Chỉ có mỗi bọn đi mua muối về ấy thôi. Còn chỉ thấy hoa cỏ tranh bạc trắng vờn hai bên. Những cây vối xù xì, lụ khụ bên bờ suối lại đương trổ lớp lá xanh mởn. Mùa này nước trong, gió hiu hiu, lội xuống bắt cá vực sâu kia, chắc bữa chiều nhà mình có cá rán đấy.

Nhưng thôi, hôm nay đương bận việc cách mạng.

Đến Hòa Mục, vào một nhà tận cuối xóm. Anh Đức Thanh dặn nhà ấy có bụi mai. Bụi mai đây. Bụi mai mọc ngay chỗ máng nước rửa chân lên nhà. Đúng như anh dặn. Đây rồi, Kim Đồng không phải hỏi thăm. Anh Đức Thanh đã bảo : bụi mai, bên máng nước lần đầu nhà... cố nhớ đừng hỏi thăm.

Lên nhà, Kim Đồng thấy một bà có tuổi, đầu quấn khăn chàm tùm hụp, đang thổi bếp. Bà này có phải là người của cách mạng không. Người cách mạng mà lại nhăn nhó thổi bếp thế kia! Nhưng, anh Đức Thanh đã bảo thế. Ta cứ hỏi. Kim Đồng bạo dạn chào:

- Chào bá ạ.

Bà ấy vẫn thổi bếp, không nhìn, chỉ nói lên:

- ừ cháu đến chơi. Cháu chưa lên núi đuổi trâu về à ? Nó còn mải bắt cá ngoài vực kia kìa, bảo mãi vẫn chưa đi. Hư quá. Cháu ra gọi hộ bá.

Kim Đồng bấm bụng không dám cười. Kim Đồng biết bà nhầm mình đến rủ con bà lên núi dồn trâu về. Kim Đồng dõng dạc nói câu khẩu hiệu để người cách mạng nhận nhau - câu anh Đức Thanh dặn:

- Phiên trước bá đi chợ Nà Giàng, hay bá đi chợ Nậm Nhũng ?

Bà ngẩng lên, giụi mắt, hỏi :

- Cháu là người của cán bộ Đức Thanh a?

- Vâng ạ.

Bà bối rối :

- Cháu... đồng chí... Ngoan quá, giỏi quá... cháu đồng chí... cháu ngồi đây...

Kim Đồng lấy thư ra đưa rồi xin bà cho về ngay. Việc bí mật, bà không dám hỏi con nhà ai, ở đâu, nhà có xa không. Bà chỉ hấp tấp tìm được hai quả trứng vịt luộc, để trên chạn bát, bắt Kim Đồng cầm đi ăn đường. Khi Kim Đồng xuống thang, bà đứng trên sàn, nhìn theo. Trời đất đổi thay đến nơi rồi. Bà nghĩ thế.

Kim Đồng về chuyến ấy, anh Đức Thanh khen. Anh bảo Kim Đồng họp tổ, kể lại các bạn biết cách đi đường và sự đề phòng của Kim Đồng thế nào. Ai cũng nghĩ rồi có khi đến lượt mình đi giao thông như thế.

Thế là Nà Mạ có thiếu nhi biết làm cách mạng. Từ khi Nà Mạ có hội của thiếu nhi thì bạn nào cũng thấy như xung quanh tấp nập. Cũng cái chơi như mọi khi, mà bây giờ có ý nghĩa khác.

Chẳng bao lâu, cả hai xóm Pác ý và Pác Luông ở Nà Mạ đều vào hội cứu quốc. Người cả xóm theo cách mạng rồi, bây giờ chỉ khi họp đông mới phải lên núi. Cán bộ và giao thông qua lại đều ở dưới làng. Nhưng Nà Mạ đi từ đằng xa, đã thấy mái nhà. Nà Mạ kề bên đường cái, đường suối. Các làng đi chợ qua, đầu súng của lính tuần quệt cả vào giọt mái gianh.

Bởi vậy, khi có họp, có người lạ, phải đặt trạm gác ở chỗ cao ngoài Pò Đoi. Ngoài ấy ới một tiếng, trong này đã biết.

Nhưng lại không phải lúc nào cái thác Pò Đoi cũng chảy hiền lành. Mùa mưa, nước lũ đẩy thác đột nhiên réo lên.

Hôm ấy có họp. Đội thiếu nhi cắt gác. Kim Đồng đếm các bạn, thấy đến lượt mình. Kim Đồng dắt đàn vịt ra bờ suối rồi đi chăn bò nhân thể. Đêm qua lại mới có lũ về làm cái thác kêu điếc tai. Cái mõ theo nhịp cổ con bò lắc lư, kêu coọc coọc, phải lắng tai mới nghe tiếng.

Một lúc, con bò ngoạm vào luống ngô. Kim Đồng phát vào lưng nó một cái. Bò chạy lồng ra. Mõ cổ bò coọc coọc inh lên. Kim Đồng chợt nghĩ bây giờ nếu treo cái mõ này vào nhà các anh đương họp rồi dòng dây ra đây thì hay quá. Mõ báo động treo tận trong kia, cái thác Pò Đoi tha hồ gào đến hôm nào thì gào !

Nghĩ thế, Kim Đồng làm ngay. Kim Đồng buộc dây, ném qua bờ suối, chỗ ấy bãi hoang không người đi, rồi chằng dây vào đầu xóm. Cái dây qua ruộng dưa, buộc hờ cái mõ khác ở đấy - lính thấy thì bảo là mõ đuổi chim, rồi dây dòng nữa vào vườn hành, ngay bên cạnh cột sàn, đến đấy mới buộc cái mõ thật. Ngoài Pò Đoi có báo động, giựt dây, trên nhà nghe tiếng mõ ngay.

Không phải thế đã xong. Trị được mọi tiếng rống thác Pò Đoi rồi, bây giờ đến cái ruộng mới khó. ở đầu xóm, người làng trồng ngô tháng năm xuống ven suối.

Ngô đã cao ngập đầu rồi. Ngồi ở Pò Đoi mà gác họp thì đến lúc thằng lính đi đâm vào người mình mới biết.

Tình hình ấy phải canh hai người. Thanh Thủy đào giun cho vịt cạnh thác Pò Đoi, có đầu mối giựt dây báo động vào xóm ở đấy. Đào giun hay làm gì thì làm, nhưng phải ngồi nghe động tĩnh phía bờ suối bên ngoài ruộng.

Bờ suối, Kim Đồng ngồi câu. Lúc nãy, gặp người đi bắt cá nước lũ về, Kim Đồng đã xin được một con cá nheo. Kim Đồng thả con nheo vào giỏ, để bên mép nước. Cái cần câu cắm hờ ở gốc vối. Kim Đồng đứng trên cành vối nhìn ra.

Gió thổi đung đưa rập rờn lá ngô. Từ trên ngọn cây gạo gần đấy, đàn sáo đen liệng xuống. Con đậu, con bay, tiếng hót vang. Tự nhiên, cả đàn lại bay ù lên cây. Tinh ý, Kim Đồng biết có người đi vào, chim sợ bay lên cao. Trông ra, đã thấy nhô nhốp bọn lính cơ đương rẽ tay đi trong ruộng ngô.

Kim Đồng kêu to :

- Được con cá rồi ! To quá ! To quá!

Hét xong, Kim Đồng nhảy xuống, lấy vội con cá trong giỏ ra. Nhưng con cá đã chết cứng từ lúc nào. Bọn lính xô tới.

- Xem được cá bằng nào mà mày quát to thế. Nếu lính thấy cá chết thì lộ mất. Nhanh thoắt, Kim Đồng càu nhàu ném đét con cá xuống bờ đá.

- Nhảy à ! ạng quật chết tươi cho mất nhảy!

Rồi Kim Đồng rút dao lưng, mổ cá luôn. Cả lão châu đoàn tới nữa. Lính hỏi:

- Cá to nhỉ ? Được mấy con ?

- Mỗi con này !

- Đập chết thế, ăn không ngon.

Kim Đồng cười :

- Nó mà tụt xuống suối, mất ăn thì mất cả ngon nữa !

Kim Đồng vẫn ngồi nguyên mổ cá. Bọn lính kéo vào xóm. Lính đi khỏi, Kim Đồng trèo lên cây vối, nhìn theo. Những mái nhà im lặng. Chắc cuộc họp trong xóm đã tan kịp rồi. Tiếng ve kêu buổi trưa râm ran. Lúc lâu, vẫn tiếng ve kêu thế. Thanh Thủy đã giựt mõ báo động rồi. Nhất định thế.

Lát sau, châu đoàn và lính lục tục ra. Kim Đồng nằm úp mình trên cành vối, nhìn mặt nước. Như mải câu. Thật thì chẳng thèm nhìn quan lính nào nữa. Và bọn lính qua cũng không buồn hạch sách thằng bé một câu. Chúng lừ đừ đi.
Từ trong ruộng ngô, tiếng Thanh Thủy hỏi:
- Được cá thế nào mà kêu to thế? Thật à?
Kim Đồng trèo xuống, nhấc giỏ đựng con nheo vừa câu được. Cái giỏ đã biến mất. Thì ra lính đi qua, đã kều cả giỏ và con cá đi rồi.

Vừa hay, trời lộp độp mưa. Hai đứa chạy ù nấp dưới mái cầu. Những chiếc cầu gỗ lợp mái từng quãng qua trên suối cho người đi đường tránh mưa tránh nắng. Kim Đồng nói:

- Tiếc công mổ cá ! Lại mất con cá nheo.

Phải bắt cái suối đền con cá khác mới được !

Thanh Thủy đi tìm mồi cho Kim Đồng câu. Hai đứa tha thẩn trên bờ suối, đến chiều mới về. Kim Đồng câu được bốn con nheo, bảo Thanh thủy đem về. Nhà nó có em bé, thích ăn cá. Nhưng Thanh Thủy không lấy. Sau chia, mỗi đứa xách hai con.

Một lần nữa, Kim Đồng về đến đầu làng. Trông ra, thấy nước suối cuồn cuộn. Đương giữa tháng sáu, trận mưa sáng sớm chỉ đổ ào một lúc, đã trắng ruộng. Trong đầu ngõ, đàn vịt các nhà kéo ra. Mưa mới, vịt xô nhau chạy tìm con giun, con mối bị ngập nước, chui lên.

Một toán lính bỗng từ phía trên xuống. Kim Đồng vẫn đi tự nhiên. Lính cũng bằng đàn vịt kéo đến thôi. Trong người Kim Đồng không mang tài liệu. Chẳng lo gì, mình cũng giống một trẻ con nào đi chơi đấy.

Đám lính đã đi tuần suốt ngày, qua mấy làng. Có vẻ đói, mỏi lắm. Bây giờ chỗ nào cũng thấy lính. Đồn Sóc Giang lính khố đỏ về xây lô cốt ra tận chợ. Lính dõng của tri châu đóng lên Háng Thoóng và tận trên Nậm Nhũng. Từ Lũng Pèng xuống Xí Pài thì tổng đoàn Cưu đem người đi mò suốt đêm.
Bây giờ gặp lính, Kim Đồng có ý nghĩ khác trước kia, khác ngày bị nó cướp cái lồng vịt. Kim Đồng chăm chú để ý. Nó là kẻ thù của cách mạng. Xem nó muốn làm gì. Có thể bọn này muốn bắt vịt. Vịt ra đồng nhiều thế kia, như làm mồi cho nó. Nó tóm cổ con này rồi quơ đâu được chai rượu, vào làng đánh chén. Vịt của những nhà ai, vịt của tổ nuôi làm quỹ cứu quốc thì thiệt quá. Không được. Hay là chạy vào gọi người ra giữ vịt.

Tự dưng, con vịt lại như trêu ngươi. Chẳng biết sợ rắn nước, rắn mòng gì sắp ngoằng vào chân, đương ăn giữa ruộng cày cứ lạch đạch chạy về phía bọn lính. Rõ đem mồi đâm vào chân nó.

Nhỡ nó bắt mất. Con vịt trắng xệ đít, đi lúc lắc.

Một lính nhìn đàn vịt, cười nhăn mũi, hỏi trống không :

- Tao lấy một con nhé ?

- Rút thắt lưng đập thì chết ngay. Chỉ việc xách đi !

- Phải đấy.

Một lính hỏi to, như thách :

- Đứa nào xách con vịt này ?

Bọn đằng sau quát giựt giọng :

- Ông ơi ! Thôi, ông ơi !

Tất cả bỗng lùi lũi đi, im lặng. Kim Đồng cũng chưa kịp ra cản cách nào.

Kim Đồng ngạc nhiên. Kim Đồng không biết chúng nó sợ cái gì.

Đi một quãng, một đứa ngoảnh cổ lại, như tiếc rẻ, rồi chép miệng, nói :

- Thôi, trêu vào vịt Việt Minh thì có khi không đem cái xác về được với vợ con.

Những lính khác bàn tán hốt hoảng hơn: - Chạy nhanh lên không thì chết cả bây giờ ! Không biết hôm nọ thằng Lểu chết ở đây đấy a ! Không biết vùng này đã Việt Minh cả rồi a !

- Mình đi thế này, có khi Việt Minh đương nấp trên núi nhìn.

Cả đám lính lếch thếch chạy.

Năm trước, nó lấy lồng vịt của Kim Đồng ở giữa chợ. Hôm nọ, nó bắt trộm con cá nheo. Bây giờ nó sợ vịt. Nó bắt làng nào cũng phải rào ba chặng rào tre nhưng nó sợ không dám vào làng. Kim Đồng thấy vui lạ lùng. Kim Đồng tung cái cần câu. Kim Đồng nhặt cần câu. Kim Đồng chạy vào trong xóm. Phải kể chuyện này ngay với các bạn.

Kim Đồng đi qua gốc gạo. Tiếng con chim lạ kêu trong bụi. Kim Đồng quay lại. Không phải chim kêu. Đấy là hiệu người gọi. Anh Phục Quốc đứng núp đấy.

- Anh làm gì đấy ?

Phục Quốc hỏi lại em :

- Còn lính ngoài ấy không ?

- Nó đi xa rồi.

Phục Quốc bước trong bụi ra, kêu "ồi" một tiếng, như thở dài cho nhẹ mình, rồi kể :

- Tao đương cày đằng chân núi. Có đứa trong xóm rung dây mõ báo động. Trông ra đã thấy lính về vàng cả mép đường kia. Tao đuổi bò vào rừng rồi ra đây rình xem nó có vào làng không.

Kim Đồng nói :

- Bây giờ lính sợ cách mạng rồi.

Rồi kể chuyện lúc nãy lính thèm ăn thịt vịt mà phải chạy, không dám bắt vịt.

Phục quốc ngẫm nghĩ, rồi nói :

- Nó sợ, ta lại càng phải cẩn thận. Hồi này, Tây đồn vừa đi sục phá ta, vừa bắt lính nhiều lắm. Bây giờ em đứng đây canh, anh vào cày cho nốt buổi.

Có động thì làm hiệu gọi bò, nghe không. Phục Quốc lại vào chân núi, lúi húi cày đằng ấy. ừ, canh gác. Bắt được con dế cỏ, cầm cái cần câu "công tác", Kim Đồng trèo vắt vẻo lên cành vối, thả câu xuống mặt suối.

Nước lóng lánh chảy. Bờ đá xanh mờ rêu. Nhòa nhòa mấy bóng người đi tới.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #8  
Old 05-03-2005, 03:25 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Kim Đồng ngẩng lên, trông qua khe lá vối. Anh Đức Thanh đi trước. Tay anh cầm lồng chim họa mi, che miếng vải đỏ. Như vừa ở làng người Mèo trên núi Lục Khu xuống. Trên ấy, nhà nào cũng nuôi họa mi, ngày chợ đem chim đi chọi ăn tiền thưởng. Sau lưng anh, có một ông già. Anh Đức Thanh không chơi chim chọi.

Chắc lồng chim của ông, anh cầm hộ. Kim Đồng cũng chưa trông thấy ông này bao giờ.

Ông gầy, cao, tay cầm cái gậy trúc. Nhưng không phải gậy chống. Cái gậy hơi dài, cái sào của người Hà Quảng đi làm cỏ ruộng. Chân ông đi đất, ông mới đi làm cỏ ruộng về. ạng có râu lưa thưa, mặc áo chàm Nùng bạc vai, một bên cửa ống tay rộng đã vá miếng to. Mới nhìn, lại ngỡ ông mo đi cúng. Trông cái sào và hai người, lại tưởng hai bố con mới đi chơi chọi chim trên núi về.

Nhưng chắc không phải. Kim Đồng đoán: chỉ có ông đi chơi hay ông đi cách mạng thôi. Kim Đồng tò mò, đoán, để ý.

Anh Đức Thanh đã thấy Kim Đồng ngồi trên cành vối.

- Kim Đồng làm gì trên ấy ? Câu à ?

Kim Đồng nhảy xuống đất, chắp tay, lễ phép : "Cháu chào ông ạ", rồi mới trả lời anh Đức Thanh :

- Em canh gác cho anh em đương cày đằng kia.

Ông cười, đến bắt tay Kim Đồng. Rồi Đức Thanh hỏi Kim Đồng :

- Có phải lính dõng tổng đoàn Tiếp lúc nãy?

- Phải ạ.

Đức Thanh hỏi dồn :

- Có biết đám cướp hôm qua giết lái trâu trên dốc ?

- Thấy bảo còn dõng canh xác người lái trâu trên ấy.

Đức Thanh quay lại, nói gì với ông. Rồi hai người rẽ vào trong xóm. Đoán là hai người lên trạm nghỉ ở hang đá chỗ Nọc én đằng sau nhà. Kim Đồng nghĩ : chắc có lính còn đóng ngoài đường, chưa đi được.

Xế trưa, anh Phục Quốc đi cày về rồi lại đi ngay. Lúc về, dặn Kim Đồng ra sau xóm, chờ ở gốc cây dâu da. Đến nơi, đã thấy anh Đức Thanh đứng đấy. Kim Đồng nói câu anh Phục Quốc vừa dặn nói lại với anh Đức Thanh: - Anh à, bọn dõng canh xác người trên dốc núi đã rút rồi.

- Đi hết chưa ?

- Nó bắt dân ra chôn người lái trâu. Cả ngựa cai khố xanh cũng đi rồi.

Đức Thanh lại đi, chốc lát đã cùng đồng chí già xuống nhà anh Ngư Mạn. Đồng chí già hỏi Đức Thanh :

- Kim Đồng đâu ?

Đức Thanh đáp :

- Em đợi ngoài kia rồi.

Đồng chí già bảo anh Đức Thanh gọi Kim Đồng vào. Kim Đồng trông thấy ông vẫn cầm cái sào trúc và hai ống quần xắn. Đức Thanh nói với ông:

- Em Kim Đồng, hội viên nhi đồng, giao thông, liên lạc, canh gác, em đều làm được cả.

Ông hỏi Kim Đồng :

- Cháu bao nhiêu tuổi ?

Kim Đồng đáp :

- Thưa ông, cháu được mười ba.

- Cháu học lớp mấy ?

- Đồng chí Đức Thanh dạy cháu đã biết đọc biết viết.

- Cháu cố gắng học cho giỏi hơn...

- Vâng ạ...

Ông lại hỏi :

- Cháu có hay đi gác cho các anh họp không?

- Thỉnh thoảng ạ.

- Nếu lính đến thì cháu làm thế nào?

- Cháu kêu : Bò ăn lúa ! Bò ăn lúa! Rồi chạy vào, thế là các anh biết có lính tuần.

- Bây giờ ta sắp đi được chưa ?

- Thưa ông, đi được rồi.

- Bây giờ đi đường gặp địch thì cháu nói thế nào ?

- Cháu nói thật to: "Chào quan ạ", để đằng sau các đồng chí biết mà tránh đi.

- Thế chúng nó hỏi cháu đi đâu ?

- Cháu nói: Đi đón thầy cúng. Mẹ cháu ốm đau chân. Nó có bắt đưa về nhà thì cũng thấy mẹ cháu đau chân, ông ạ.

Ông đứng dậy, nói :

- Nào ông cháu mình đi !

Rồi ông và anh Đức Thanh lội đường suối về phía Pác Bó. Kim Đồng thoăn thoắt đi trước. Trăng đã lên đằng góc núi. Sáng trăng đổ xuống thung lũng bên ấy, như vàng chảy sang bên này.

*

* *

Mỗi con suối đều có cuộc sống, vẻ mặt, dáng dấp và cả ý nghĩ của suối nữa. Khi suối âm thầm vào rừng sâu rồi ào ào xuống vực thác. Khi suối len lỏi cạnh cánh rừng thưa quanh làng. Khi suối nhởn nhơ vui với người qua lại bên mình, qua các bến đá, các nhịp cầu mái lợp có người ngồi chờ.

Dưới vách đá đứng, nguồn lên một dòng nước xanh trong. Chỗ ấy nước từ khe đá, lòng đất tuôn ra, đấy là nơi bắt đầu Pác Bó.

Con suối Pác Bó ấy khác tính lắm. Nguồn nó không phải mạch nước nhỏ. Suối này đã chảy thành dòng từ lâu trong đá, không biết đã qua mấy ruột núi, đến đấy, suối nhả ra dòng nước Pác Bó xanh trong.

Bạn đọc yêu quí !

Bác Hồ của chúng ta đã từ nước ngoài về ở hang đá bên suối Pác Bó, trong vùng núi ấy, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng mở hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19 tháng 5 năm 1941, lãnh đạo cách mạng cả nước.

Có một đám trẻ trong xóm ra chơi trên dòng suối chân núi. Thật thì các em vừa chơi vừa làm. Bọn lúi húi đắp đá ngăn nước tát cá. Người làng ở bờ suối, ai cũng biết tay không bắt cá. Mấy cậu buộc dây, thả túm lá bồ quân kết lại, rồi kéo ngược lên. Tưởng tượng thuyền đương xuôi xa lắm, tận Nước Hai, tận Cao Bằng. Chiếc dây đứt, tiếng reo inh ỏi vang mặt nước.

Có một ông già râu dài đi qua. Thấy trẻ chơi vui, ông đứng lại. Lũ trẻ nhìn ông mặc áo Nùng như mình, quần xắn, tay cầm cây trúc. Như ông mình đi làm cỏ ruộng về. Như ông ở trong núi ra. Có lẽ ông làm cỏ ruộng. Năm nay mùa mất to. Trên thửa ruộng ven rừng cấy lúa sớm, trơ những bông lép. Cái loóng(1) nằm ngửa, đầy nước mưa, chẳng ai buồn tát ra bởi cái loóng đã để không từ tháng năm, chẳng hạt thóc nào đập vào. Lúa mùa mà cỏ cao quá đầu lúa. Cả cụ già cũng phải đi làm cỏ mà không xuể !

Ông già hỏi :

- Các cháu chơi gì đấy ?

Đám trẻ nhìn ông, tíu tít :

- Cháu bắt cá.

- Cháu thả thuyền.

- Ông vào đây chơi với cháu.

Ông cắm gậy trên bờ. Rồi xắn quần cao nữa, ông xuống suối với các cháu. Bọn trẻ thích quá. Cái bờ đã be cao. Càng rối rít múc tay tát nước. Ông cũng chũm tay, tát nước. Vừa tát nước vừa ngoảnh ra, chuyện với đám bé hơn, đương chơi thả thuyền. Ông hỏi:

- Cháu có biết thuyền đứt dây thì trôi đi đâu?

- Trôi vào bờ, ông ạ.

- Nếu không trôi vào bờ, trôi mãi thì đi đâu, cháu biết không ?

Một em đáp :

- Xuống Nước Hai.

Một em đáp :

- Đi Cao Bằng.

Một em bé nói :

- Cháu không biết, ông bảo cho.

Ông trỏ tay ra xa :

- Thuyền này đi hết núi thì ra cánh đồng, đúng, xuống Nước Hai. Nhưng còn đi mãi. Thuyền qua hai phủ tám châu đất Cao Bằng rồi suối đưa thuyền ra gặp con sông, sông lại đưa thuyền qua các cánh đồng, các thành phố ra tận biển. Các cháu sẽ được ngồi trên thuyền theo cái suối và con sông đi xem các nơi khắp đất nước ta.

Tiếng trầm trồ :

- Thích lắm.

Ông lại nói :

- Bao giờ lớn, các cháu muốn đi như thuyền cũng được.

Bọn trẻ lao xao hỏi :

- Làm thế nào đi được, hả ông ?

Ông bảo :

- Các cháu phải biết chữ.

- Thưa ông, làm thế nào cho biết chữ?

Ông mách :

- Nhiều anh lớn trong làng đã có chữ, bảo các anh dạy cho. Biết chữ mới đọc được sách, báo và đi đến các nơi có những cánh đồng, thành phố và cửa biển.

Bọn trẻ cùng kêu :

- Phải rồi ! Phải rồi !

Ông hỏi :

- Các cháu thấy ở trong xóm ông Dương có nhà không ?

- Ông không chơi với chúng cháu nữa à ?

Ông cười.

Một em chắp tay, nói :

- Ông Dương cháu có nhà. Cháu đưa ông về. ông lên bờ, cầm cái sào trúc.

- Các cháu cứ chơi. Ông biết nhà ông Dương rồi.

Ông còn quay lại, cười vẫy tay đùa. Bọn trẻ hỏi theo :

- Ông ơi, nhà ông ở đâu ?

Ông trỏ vào núi.
Ông vào xóm. Ông đi rồi. Nước suối Pác Bó phân vân chảy tràn trên những tảng đá trắng. Đám trẻ trông ra, tưởng tượng như lời ông, đương thấy được cái suối đem đi xa, to dần ra đến lúc gặp con sông. Qua hết những cây vối to kia đến chỗ hai bên bờ có những cánh đồng...

... Rồi gặp con sông. Rồi qua những cánh đồng, những thành phố, những cửa biển xa xôi của đất nước, chưa bao giờ được thấy.

Bạn đọc yêu quí !

Ngày ấy, công tác cách mạng phải bí mật. Không ai biết ông cầm cái sào trúc - cái sào làm cỏ lúa của người Hà Quảng, đấy là Bác Hồ.

Các cháu đã được gặp Bác Hồ, mà các cháu còn được gặp Bác Hồ nhiều lần nữa. Những năm ấy, các cháu gọi Bác là ông "ở núi", ông Thu Sơn.

Lát sau, anh Đức Thanh đi qua. Tay anh vẫn xách cái lồng chim họa mi. Lại kèm cả dây củ mài vừa đào được. Anh vừa tạt vào rừng, kiếm bữa ăn chiều nay. Anh lội ào ào qua suối.

Bọn trẻ mách :

- Anh Đức Thanh à, có ông ở núi vào nhà ông Dương.
Anh Đức Thanh nói : "Thế à ?" rồi đi vội vội theo.

*

* *

Anh Phục Quốc cày xong, đuổi bò về xóm rồi ra suối đợi em. Phục Quốc nhìn ngược lên phía suối, có hai cây vối già tựa vai nhau trên mặt nước, làm cầu cho xóm Pác ý sang xóm Pác Luông và đằng xa, bóng suối Pác Bó lấp lánh lên. Kim Đồng vừa về đến đấy.

Thấy anh, Kim Đồng khoe :

- Hôm qua, em đưa ông già cách mạng đi với anh Đức Thanh.



Hai anh em thong thả về xóm. Cả hai cùng im lặng, mỗi người có một ý nghĩ. Phục Quốc nói : - Người già cũng đi làm cách mạng thế đấy.

Kim Đồng nói :

- Bây giờ em mới thấy.

Phục Quốc nói :

- Ông già rồi mà ông vẫn xa nhà đi.

Phục Quốc đứng lại, nhìn Kim Đồng:

- Em ạ, thanh niên như anh đi cứu nước, còn đi nhiều lắm, đi xa lắm.

Kim Đồng nhìn anh và hỏi :

- Anh đi đâu ?

Phục Quốc lại nói :

- Anh nghe cán bộ bảo con đường đi hết nước ta từ đây về phía nam, một bên là biển Đông, một bên là núi Trường Sơn, dài mấy nghìn cây số. Đường Nam tiến đi cứu nước là đường ấy. Anh sẽ đi.

Kim Đồng lại hỏi :

- Bao giờ anh đi ?

- Anh cày sớm cho xong vụ.

Kim Đồng nói :

- Anh đừng lo. Có hội cứu quốc giúp nhà mình. Mà em cũng sẽ học cày.

Phục Quốc cười :

- Thế thì giỏi.

Rồi Tết rằm tháng bảy đến. Khi mong thì lâu, nhưng đã đến thì lại đi qua :Dng quá. Cả châu Hà Quảng lặng lẽ trong cái tết. Ngày nào lính đồn, lính châu cũng tuần phòng trên đường cái. Người ta sợ, chỉ ở làng xa mới có những cô gái mặc áo chàm mới, khăn thêu, lên ngồi hát trên đồi.

Chúng nó tất bật lo đối phó với cách mạng. Đồn bốt và lô cốt đã xây đá xong hết. Đánh hơi thấy đâu đáng nghi, quan quân đi bắt ngay. Chợ Sóc Giang bây giờ vắng hẳn. Phiên nào có tin đồn Tây chặt được đầu cán bộ, sắp đem bêu chợ, không ai đi chợ phiên ấy.

Các làng âm thầm hẳn đi. Nhưng người ta càng ngày càng thì thào cách mạng đã về khắp nơi. Không còn biết bên trong mỗi làng thế nào. Rằm năm nay, xã đoàn không thu được của dân một cái bánh, một con vịt để đem lên Tết quan. Có thể vì mất mùa. Có thể các làng đã theo cách mạng. Đằng nào thì quan đồn, quan châu cũng phải làm ngơ như không biết.

Nhà Kim Đồng năm nay lại khác người, làm tết rằm thật to.

To thật đấy. Nấu hai mẻ rượu ngô, gạo làm bún đã đầy đủ, lá gai phơi từ nửa tháng trước -mọi thứ sửa soạn cho tết. Anh Phục Quốc làm thịt một lúc những năm con vịt. Lại gói mấy chục chiếc bánh nếp. Kim Đồng đoán: có khi Tết xong anh đi xa, đem cả bánh đi ăn đường. Nhà mình ăn Tết to năm nay là phải.
Kim Đồng thèm kể chuyện "anh Phục Quốc đi Nam tiến" với các bạn, muốn khoe "đường ấy dài mấy nghìn cây số, qua hết đất nước.


Hai bên đường có đồn Tây, đồn Nhật. Quân cách mạng có súng, dẹp tan hết các đồn lấy đường đi". Nhưng Kim Đồng không dám nói. Anh Phục Quốc đã dặn : giữ bí mật. Kim Đồng cố nhịn, nhưng cũng phải kể với một mình Cao Sơn.

Kim Đồng còn muốn kể cho mẹ nghe. Nhưng nghĩ mẹ thương anh đi, lại thôi. Tuy vậy, Kim Đồng cảm thấy như mẹ đã biết. Lúc ăn, mẹ cứ bảo anh ăn nhiều vào. Mọi khi, bữa có thịt, mẹ chỉ giục Kim Đồng gắp thêm. Một con vịt vừa làm canh bún, vừa cả thịt luộc mà cả nhà ăn không hết, hôm nay nhiều thịt quá.

Đêm tháng bảy, trăng suông mát rợi. Không nghe tiếng trẻ đùa ngoài đầu xóm. Các bạn trong làng đã vào hội cứu quốc, tối nào không đi học cũng đi tập hát, ít chơi nhông như trước.

Ngoài cửa sổ, có con chim sột sạt gãi mỏ trong cây bo. Đằng xa, tiếng nước thác Pò Đoi khe khẽ rơi xuống đá. Con ve kim kêu đêm trong rừng chợt rít lên rồi lắng im. Tiếng chó nhủng nhẳng làm nũng với bóng tối, tiếng trâu bồn rền rền dài ra, xa mãi. Đêm về làm cho mặt đất hình như rộng hơn ban ngày.

Mẹ và anh ngồi bên bếp. Đêm Tết, năm nào mọi người cũng ngồi thong thả như thế. Nhà ai cũng lấp ló vách lửa. Anh nói chuyện rì rầm với mẹ, Kim Đồng nghe lõm bõm... chuyện lấy vỏ dó... cái nương bông, cái khuôn tráng giấy chữa rồi... Nhà mình đã xong vụ cày.... Một chốc, Kim Đồng nghe bên cạnh lưng mình. Cao Sơn đã ngáy khò khò. Rồi Kim Đồng cũng ngủ nốt.

Không ngờ, anh đi ngay đêm ấy. Đáng lẽ Kim Đồng cũng không biết. Đã khuya, hay gần sáng, lúc ấy Kim Đồng đương ngủ say. Mẹ khẽ gọi :

- Dền, dậy con ! Anh đi rồi !

Mẹ chỉ gọi thế, Kim Đồng tỉnh ngay và ngồi lên, Kim Đồng mở mắt. ánh lửa bếp đỏ hỏn, xung quanh còn tối. Cao Sơn cũng nhỏm theo, ngơ ngác. Hai đứa thấy anh lúi húi trước bếp. Anh vẫn mặc bộ quần áo chàm cũ khi đi cày, lại đội cái mũ nồi vá. Kim Đồng không thể tưởng đi Nam tiến như thế. Sau nghĩ ra, nhớ khi nghe lỏm các anh học quân sự nói chuyện "đánh du kích, cướp súng giặc, giết giặc". Thế thì phải mặc quần áo cũ mới dễ vào đồn nó được. Có đến mấy gói to bọc lá chuối nặng kệt để ngay cạnh anh. Mẹ phải lấy thêm cái "dậu" nữa mới đựng đủ. Đấy là những gói thịt vịt và bánh nếp. Thì ra, mẹ bảo tết này làm nhiều vịt để anh mang đi. Mẹ đã biết anh đi. Chẳng đợi mình phải mách.

Anh Phục Quốc đứng dậy, ra mái, rút cái đòn gánh. Anh xách túi và "dậu" lên. Mẹ bước đến, giơ tay ấn thêm cái mũ trên đầu anh xuống cho ấm. Mẹ sợ ngoài kia trời sương lạnh. Anh ôm cả hai vai Cao sơn. Kim Đồng đương ngồi dưới sàn nhìn lên, cũng đứng lên cho anh ôm vai. Kim Đồng muốn khóc. Anh chưa đi mà đã thấy nhớ quá. Bây giờ, Kim Đồng lại không muốn để anh đi nữa.

Anh Phục Quốc nói :

- Em ở nhà cho ngoan. Cách mạng thành công thì anh về.

Nghe anh nói thế, Kim Đồng lại thấy hăng hái lên. Anh bước xuống, từng bậc thang kẽo kẹt. Bóng anh quảy đôi "dậu" mờ mờ. Tự dưng, Kim Đồng sờ tay, thấy ướt trên má từ lúc nào. Nhưng Kim Đồng mắm môi lại. Không, Kim Đồng không thích khóc. Kim Đồng nghe chân anh giẫm rào rạo trên những chiếc lá mít khô. Tiếng lạch xạch, ấy thế là anh đã ra gốc cây bo, anh đã ra tới cây bưởi. Có lẽ không phải. Chân ai đằng ấy bước lại.

Chợt nhớ Kim Đồng khẽ gọi :

- Anh Bát Ngư !

Có tiếng hú đáp khẽ. Hình như thế. Chắc anh Bát Ngư đứng đợi đấy. Hai anh lúc nào cũng đi cùng nhau. Bây giờ hai anh cùng đi Nam tiến. Như Dền, với Thàn, với Thanh Thủy, đi đâu cũng cùng đi. Hai người cùng đi...

...Con đường đi hết nước ta từ đây về phía nam, một bên là biển Đông, một bên là núi Trường Sơn, còn dài mấy nghìn cây số Đường Nam tiến đi cứu nước là con đường ấy Anh sẽ đi...

Trời vẫn sáng trăng suông. Các anh đi vào bóng trăng. Hai đứa đoán chắc có đông người đương đợi các anh ngoài kia, cùng đi.

Kim Đồng và Cao Sơn ôm cột, áp tai vào cột, nghe những tiếng động kỳ lạ, đâu đâu, tiếng thác Pò Đoi, cái cọn rền rĩ, cái cối nước giã vào trống không, tiếng hổ vờn nhau trong rừng thẳm, tiếng sao đổi ngôi rơi, tiếng chân người đi, tất cả, một lúc rập rờn đến, một lúc mênh mang xa, mặt đất ban đêm dài ra theo bước các anh, đấy là tiếng chân các anh đi
________

(1) Ngũ tự kinh: một tài liệu tuyên truyền của Việt Minh viết lối thơ năm chữ, trước Cách mạng tháng Tám 1945 rất phổ biến ở Việt Bắc và đồng bằng miền Bắc.
(2) Mo: thày cúng.
(3) Loóng: khúc gỗ rỗng ruột đặt ngoài ruộng để đập lúa ngày mùa.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #9  
Old 05-03-2005, 03:26 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Chương 5


Vào những ngày cuối năm ấy, đồn bốt khắp châu nhụng nhặng hẳn lên. Vùng Đạo Ngạn, Nà Giàng có lính của đội Tam, vùng Sóc Hạ thì tổng đoàn Kim. Cả chúa đất Giúng Páo trên vùng Mèo ở Phia Viêng cũng theo Tây đi gác. Chúng phao tin sẽ đem lính Mọi "ăn thịt người" vào Hà Quảng. Nhưng mới chỉ thấy hai đại đội lính khố
đỏ và cả lính da đen đóng ở Sở Ngựa dưới Nước Hai và ngoài tỉnh lỵ Cao Bằng kéo thêm vào, đóng rải qua Kéo Yên xuống Sóc Giang.

Trong khi ấy, đoàn thể mở ngày hội văn hóa toàn châu ở ngay bản Hồng. Ban Việt Minh tỉnh và báo "Việt Nam độc lập" đem cờ tặng Đại hội. Lại có phụ nữ hội viên các làng về làm bánh bán lấy tiền treo giải thưởng cho người học giỏi. Có súng canh gác ở Keo Giá. Mấy trăm đại biểu các xã về dự. Thi làm toán, thi đọc "Ngũ tự kinh" và "Lịch sử nước ta"(1), thi bắn súng, thi hát, lấy dây rừng xếp chữ, rồi biểu diễn thể thao kéo co, chồng người.

Đội của Kim Đồng được đi hội, học thêm được nhiều bài hát mới, về kể mãi chuyện không hết.

Cán bộ xuôi ngược khắp nơi. Anh Phục Quốc, anh Bát Ngư đi Nam tiến. Trên đất nước, chỗ nào cũng có người đi. Càng nhiều công tác, cán bộ càng qua lại nhiều. Đội của Kim Đồng mê mải làm giao thông suốt đến áp Tết. Có khi đi xa tận Phù Ngọc.

Hôm ấy, Kim Đồng lên núi vác dó về sớm rồi xuống Hòa Mục đưa cán bộ lên. Bây giờ, Kim Đồng đã là anh em với các bạn dưới ấy.

Đấy cũng có đội thiếu nhi. Nhiều lần, Kim Đồng đã tập hát cho các bạn. Cả đêm mưa, nước lầy lội trắng cánh đồng.
Chắc đường mưa chẳng gặp ai. Tuy vậy, vẫn nhớ những điều cần khi đi công tác. Trong túi đeo, Kim Đồng có bát gạo và cái áo cũ. Chiếc áo rách để trèo núi vác dó, vừa cởi ra, bỏ luôn vào đấy. Đi tìm then, tìm mo về cúng cho người ốm phải đem theo cái áo của người ốm và bát gạo để nhà thầy thắp hương bói quẻ. Lệ xưa nay vậy.

Anh cán bộ đi cách xa Kim Đồng. Đã dặn nhau trước đến quãng nào có tiếng thác đổ khó báo tin hoặc gặp đường quanh mới đi gần lên một chút. Đi đường phải cẩn thận thế.

Vừa tạnh mưa, bắt đầu quang sương. Trên lưng núi, nương thuốc phiện của người Mèo, người Nùng đã nở hoa, như những đàn bướm li ti bay trong bụi phấn. ở những tràn ruộng xâm xấp nước trước mặt, đàn vịt nhà ai ra chạy lạch đạch quanh những chân cầu lợp, cái cối nước tất cả quay suông, chẳng rúc tìm được hạt thóc nào.

Vừa một quãng, gặp châu đoàn, Thế mà ngỡ đường vắng ! Châu đoàn cưỡi ngựa, thu mình trong cái áo dạ xám. Người lính dõng chạy sau, nghe không hiểu chân người hay chân ngựa, bì bọp trong bùn. Xem cách đi, Kim Đồng đoán không phải đi tuần. Châu đoàn đi đánh bạc về, hay có việc lên đồn đêm qua, ngủ lại châu, bây giờ về sớm. Nhưng nghề nó như con chó ngứa răng, thấy người thì sủa, châu đoàn dừng ngựa lại, hỏi :

- Mày đi đâu ?

Thế là Kim Đồng kêu tướng lên :

- Trời ơi ! Quan châu đoàn đừng đánh tôi... đừng đánh tôi...

- Tao đã đánh mày đâu. Mày vu vạ cho quan à ?

Kim Đồng quay lại, đã thấy biến mất anh cán bộ. Bấy giờ Kim Đồng mới nói bình thường, khe khẽ :

- Không, không...

- Đi đâu ? Đi Việt Minh à ?

- Tôi đi hỏi ma cho mẹ ốm.

Châu đoàn bảo người dõng lôi cái túi trên vai thằng bé xuống xem có gì ở trong. Trong túi có bát gạo và cái áo rách. Thật nó đi gọi then. Mà phải, ở Bản Vàng có cô then(2) hay. Thế là ngựa châu đoàn lại co cổ cất vó lội bùn đi.

Kim Đồng thong thả nhìn lại. Anh cán bộ nấp trong bụi lau bờ suối. Tiếng ngựa châu đoàn đã xa hẳn. Kim Đồng huýt sáo như chim hót làm hiệu rồi lại vội vội đi lên trước.

Về đến Nà Mạ, chưa quá buổi cơm trưa.

Bắc Lạng, ra bí mật trước Cách mạng tháng Tám, 1945 do Bác Hồ sáng lập và viết bài.

Hôm sau, có gói tài liệu to. Cả tập báo Việt Nam độc lập(2) vừa đến. Cần đi ngay. Không thể nhét tập báo vào đốt cần câu. Cũng không cầm tay được. Bàn nhau xong, anh Ngư Mạn và Kim Đồng cùng đi.

Anh Ngư Mạn mặc cái áo rách nhem nhuốc, như người đi phu về. Gói tài liệu bọc lá dong, hệt chiếc bánh tày Tết, Kim Đồng treo trên túi vai.

Thường thì buổi trưa dễ đi. Lúc ấy, lính tuần đã tạt vào đâu cơm rượu và ngả lưng rồi. Đã trông thấy con suối đến chỗ ấy lượn nghiêng, ánh mặt nước, cái cầu cong vênh một bên. Trong cầu, không thấy ai. Tuy vậy, Kim Đồng vẫn chăm chú nhìn anh Ngư Mạn đi đằng trước.
Anh Ngư Mạn bỗng ngã chúi người. Như vấp hòn đá. Báo động rồi. Kim Đồng nhìn sang bên kia cầu, thấy áo vàng, nón :Dp nhảy đến, xúm lại, vừa quát vừa khám, vừa chửi anh Ngư Mạn. Dáng hẳn bọn này đi quá buổi, chưa cướp được cái gì vào bụng, càng cáu gắt hơn.

Anh Ngư Mạn phải cởi trần cả cái áo rách cho nó khám. Bên đường, Kim Đồng đến đứng im lặng, chăm chú nhìn bọn lính đương khám anh. Kim Đồng đứng xem. Trên vai, vắt cái túi không. Anh Ngư Mạn nghĩ khen thầm. Kim Đồng gan đến thế.

Một lính quay ra hỏi :

- Mày đi đâu ?

Kim Đồng cười lửng lơ, không đáp. Bọn kia rối rít :

- Mặc kệ nó ! Đói sắp chết đây ! Đi thôi.

Rồi chúng bồn như trâu chạy về phía trước. Anh Ngư Mạn vào trong cầu, vờ ngồi nghỉ.

Anh lấy cái bật sừng trâu, kéo một cái, lấy lửa. Anh đốt sưởi. Kim Đồng lẳng lặng đến bên anh. Kim Đồng khỏa xuống mặt nước rửa chân bùn lấm. Anh Ngư Mạn hỏi :

- Tài liệu đâu ?

Kim Đồng trỏ vào rệ cỏ. Kim Đồng ra nhặt gói báo to như cái mo, lại bỏ vào túi đeo lên vai. Hai anh em, cách nhau một quãng, lại đi.

Cuối tháng giêng, cái Tết chỉ còn phảng phất. Chẳng còn bánh nếp, thịt lợn, chẳng còn gì. Chỉ còn tiếng hát. Dù trong cảnh ngặt nghèo, vẫn có tiếng hát và niềm mong ước. Trai gái các làng đi từng đám như hội. Trong những chiếc cầu lợp vắt qua các làng hai bên suối Pác Bó, người ngồi đợi nhau đi hội rồi vừa đi vừa hát. Cho đến đêm thì tụ về các nhà then. Và, bao giờ cũng vậy, then hát đến đoạn kể Sa Dạ, Sa Đồng vượt biển xa xôi, nhiều người già cũng đến nghe. Tưởng như tiếng hát đương kể vào kiếp làm con người khổ cực. Cái khổ được kể ra, nước mắt rơi xuống. Năm nay, ở nhiều đám then, có người về hát bài then cách mạng... Trang thiên hạ mì hả ăn châu... Trong thiên hạ có năm châu: Mỹ, úc, Œu, Phi và á ... Người nô nức đến nghe thật đông. Lạ thật, đời người thay đổi đến nơi rồi.

Thanh Thủy sang rủ Kim Đồng :

- Đêm mai sang Đạo Ngạn xem then nhé.

Cả bọn cùng đi.

Kim Đồng ngồi trong cửa sổ nhìn xuống. Thanh Thủy mặc như cô gái lớn. Tuy cái áo dài thì cũ, đã ngắn, nhưng chiếc thắt lưng mới, dấu chàm nhuộm còn xanh trên hai bàn tay, đầu thắt lưng ngoắt như hai sừng bò vắt vẻo đằng sau. Chít khăn, đầu ngôi mượt rẽ giữa, lại đội nón. Ngày Tết, ai cũng ra vẻ đấy. Kim Đồng thấy náo nức đi với Thanh Thủy.

Nghe rõ rồi nhưng Kim Đồng còn hỏi đùa:

- Đi đâu ?

- Đi xem then bên Đạo Ngạn.

- Có hội văn hóa nữa thì thích nhỉ. Chỉ muốn đi hội văn hóa, học thêm bài hát mới.

Thanh Thủy nói :

- Nghe nói then bên ấy cũng có người về hát bài cách mạng.

Rồi lại hỏi :

- Mai có đi không ?

Kim Đồng lặng im rồi nói :

- Các bạn đi thôi.

Thanh Thủy cau mặt :

- Sao thế ?

Kim Đồng ra thang, xuống trước mặt Thanh Thủy, rồi nói khẽ :

- Anh mình đi công tác rồi, Tết này mình không muốn vắng nhà cách đêm. Mẹ ở nhà mong.

Thanh Thủy nghe ra, nói :

- Chặp tối về thôi mà.

Kim Đồng lại nói :

- Anh Đức Thanh bảo mai tổ ta gác.

- Ai gác thì người ấy ở nhà. Họp tổ bảo thế rồi.

Kim Đồng bàn :

- Thôi các bạn cứ đi xem then.

Thanh Thủy băn khoăn :

- Thế thì Thanh Thủy cũng ở nhà.

- Sao không đi ?

- Không muốn đi nữa.

Hôm sau trong xóm có cuộc họp, anh Đức Thanh đã bảo.

Không biết họp gì, người các nơi về đợi từ đêm.

Có cả các chị. Ai cũng quần áo mới, như đi chơi Tết, như người vào xóm tìm đám then.

Nhưng Kim Đồng trông mặt biết không phải người chơi. Các anh các chị cách mạng đều có vẻ khác, hai con mắt nhìn chăm chú, tươi cười. Rồi Kim Đồng qua mấy nhà, biết thêm:

nhiều người có súng, có dao dài. Biết thế nào ! Hay đội tự vệ sắp ra đánh đồn Sóc Giang.

Có tiếng đồn ở Khuổi Ngược dưới châu Nguyên Bình có một bọn lính vào dỡ nhà làm bốt giữa xóm. Được mấy hôm, người ta lấy củ nâu trắng giã nhỏ thả xuống máng nước, bốt lính uống nước đều đau bụng kêu cha kêu mẹ, phải cút hết. Từ đấy, lính đi tuần cả châu phải đeo lọ nước sau đít, không dám uống nước máng trong xóm. Các anh còn kể chuyện ở nhiều nơi, Việt Minh đã chiếm được lô cốt. Có nơi lính đồn giết Tây, đi theo cách mạng. Kim Đồng nghe, thèm hỏi, mà không dám hỏi. Giá anh Phục Quốc có nhà thì hỏi rồi.

Từ sớm, Kim Đồng ra ven đường, tìm cái dây mõ báo động xem chỗ nào đứt sửa lại. Từ mùa lũ năm ngoái, không giựt mõ. Mảnh dây bìm phơi khô rồi nối, bền quá, không đứt. Kim Đồng lại kiếm cái đạc trâu đem buộc vào đầu cành nhãn, ngay dưới mái nhà. Nghe thử, anh Đức Thanh bảo : mõ kêu to đấy. Rồi Kim Đồng xua dồn đàn vịt ra khoảng ruộng ven đường bờ suối. Chẳng thiếu việc, lúc vịt mải đi rúc đằng xa. Kim Đồng trèo lên cây vối, mở giấy ra học bài, học hát. Cành vối che kín hai bên, như ở cái cửa tò vò nhìn ra. Người phía nào đi tới cũng trông thấy được tận đằng xa.

Suốt ngày, dập dìu người đi qua ngoài đường. Mới trông cũng giật mình tưởng lính tráng về làng. Nhưng rồi quen mắt, biết là người vào các xóm tìm xem nốt mấy chuyến hát then cho tròn tháng giêng. Quần áo mới của ai cũng thẫm hơn màu chàm núi. Có tiếng cười. Tiếng hát đằng xa, như nước mưa mới ở khe đá róc rách. Sốt ruột đấy. Thế nào mai cũng rủ cả bọn đi Đạo Ngạn nghe bài then cách mạng một hôm.

Anh Đức Thanh đến nhà lúc chặp tối, Kim Đồng hỏi ngay :

- Mai còn họp không, anh Đức Thanh à ?

Anh cười :

- Nóng ruột muốn đi hội rồi, phải không?

Bây giờ có việc cần lắm, Kim Đồng ạ.

- Việc gì thế ?

- Có thư về Pác Bó.

- Em đi cho.

- Mai em còn gác.

- Để Thanh Thủy gác cũng được.

- Bọn nó đi xem then rồi.

- Không, Thanh Thủy bảo nó ở nhà, hôm nào hết gác thì cùng đi.

- à...

Kim Đồng hỏi :

- Em đi Pác Bó, Thanh Thủy gác thay em được không ?

- Được.

Kim Đồng sang nhà Thanh Thủy. Trời tối. Kim Đồng đến dưới gầm sàn. Củi nổ lách tách trên bếp. Đứng im một lát, nghe cũng biết ai trên nhà ngồi chỗ nào. Tiếng Thanh Thủy cười đùa với các em bên ánh lửa, ngay trên đầu Kim Đồng. Chỉ việc giơ tay gõ khẽ lên xà ngang thì Thanh Thủy biết hiệu.

Kim Đồng gõ ba tiếng. Rồi chép miệng như con mối bắt muỗi. Tiếng cười bặt im. Chân người ra ngoài sàn đầu thang.

Thanh Thủy đã xuống.

- Mai gác hộ nhé.

- Đằng ấy đi đâu ?

- Có công tác.

- Tối về thì đến nhà Kình xem cúng kỳ yên(4), nhớ đấy.

Rồi Kim Đồng chạy về. Đường tối, không đi chuyền cây vối sang suối được, Kim Đồng lội ào xuống nước, hai chân buốt tê. Tối nay còn thức đạp nốt chỗ dó ngâm thành bột, cho mai mẹ có cái làm giấy.

Sáng sớm, Kim Đồng đi Pác Bó. Mũ chàm mới, áo và đôi giày vải mới nữa. Vẫn thấp thoáng những người trảy đi các làng nghe hát then. Như trong mái nhà nào cũng vẳng ra tiếng hát, giục giã chân người.

Các đầu xóm đều có bốt gác. Tây đồn bắt làng xóm phải tuần ngày Tết thật nghiêm. Nhưng chẳng ma nào canh ! Có khi người ngồi trong bốt, chỉ thấy ngồi ngây ra. Có khi là người hội cứu quốc ta ra gác vờ hay đấy là dõng,

nhưng ngày Tết, ai cũng muốn ngồi im. Cho khỏi phiền một năm khó nhọc.

Đường lên Pác Bó hôm nay dài quá, càng mong :Dng đến càng thấy dài. Con suối ngoằn ngoèo đuổi theo chân đi. Sang mấy cái cầu rồi, đếm rồi lại quên.

Rồi những cây vối cổ thụ bóng lá xanh kín mặt nước, đến chỗ ấy hết, lại thấy cây nữa, lại đếm. Càng mong càng lâu. Mong :Dng tới, mong về. Sớm mai thì cả bọn cùng nhau sang xem then bên Đạo Ngạn. Tối nay về sớm, chơi đám cúng kỳ yên các bạn đều đến đấy cả rồi mai cùng đi. Đã hẹn mà.

Mong mãi cũng phải được. Đã thấy sườn núi Pác Bó chàm thẫm. Mưa phơn phớt chắn chân lại, nhưng cứ đi vào thì bao giờ núi cũng lại mở ra. Rồi trông thấy xóm Bó Bẩm mờ trong sương. Không có khói bếp. Mấy nhà lơ thơ như cái lá khô rơi trong chân núi.

Mà ở các xóm nghèo hết Tết rồi. Chưa vào nhà đã biết. Quanh xóm, chẳng thấy con vịt nào. Vịt đã bỏ vào nồi cả, ra giêng không còn gì. Trên lạch suối đầu xóm, người đương lúi húi bắt cá. Vừa Tết xong, đã phải tát cá suối, trong nhà chẳng còn cái ăn. Mà bắt cá suối mùa lạnh thì mấy khi được.

Đến gần, Kim Đồng nhận ra ông Dương và mấy cháu đương tát cá.

Kim Đồng đứng lại.

- Cháu chào ông Dương.

Ông Dương ngẩng lên, nhìn ra, rồi nói:

-Ô kìa, cháu đã vào.

Kim Đồng sốt sắng :

- Cháu xuống bắt một tay với.

__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #10  
Old 05-03-2005, 03:27 PM
vui_la_chinh vui_la_chinh is offline
Senior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2005
Nơi Cư Ngụ: Trum Yeu Gai
Bài gởi: 4,697
Send a message via Yahoo to vui_la_chinh
Default

Ông Dương đứng thẳng đấm lưng mấy cái, rồi nói :

- Không còn con nào nữa đâu. Tao cũng về đây. Cháu đi đâu ?

- Cháu vào nhà ông.

Ông Dương buông tay áo, bỏ ống quần xuống. ống tay ống chân ông bị lạnh cóng, cũng tím như màu áo. Gió núi thổi ra buốt quá mà ông Dương chỉ mặc ngoài có tấm vỏ sui.

Ông Dương cầm cái thư của Kim Đồng đưa. Ngoài thư, vẽ ba ngôi sao. Biết thư này cần lắm. Ông ra cửa gọi cháu. Một lát, thằng bé về, mặt còn dính bùn. Nhưng biết có việc, bé quàng cái túi lên vai. Bé đưa Kim Đồng đi ngay lúc ấy vào sau núi. Đi nhanh quá, một lát Kim Đồng đã trở về.

Kim Đồng để thư bí mật ở hang Si Điếng rồi về ngay. Đã có hẹn trạm thư ở đấy. Nhiều lần, Kim Đồng tưởng đến Si Điếng sẽ gặp lại ông già cách mạng hôm trước. Mà không được gặp. Nhưng Kim Đồng đoán biết các cánh rừng quanh Si Điếng đều có các đồng chí cách mạng ở và chắc cũng có ông ở đấy. Lần nào vào Si Điếng, Kim Đồng cũng nghĩ và để ý như thế.

Bấy giờ đã xế trưa. Trời rét âm u suốt ngày. Trong chân núi, lúc nào cũng như sắp sập tối. Kim Đồng ra suối ngắt một nắm cải xoong vào làm cơm. ạng Dương nướng cá. †n xong, ông Dương bảo Kim Đồng ngủ lại, mai về sớm. "Cháu nhiều bài hát cách mạng hay lắm. Ngủ lại đây, dạy mấy đứa nhà tao cùng hát với". Nhưng Kim Đồng không muốn ở lại. Công tác, và cả những cuộc chơi đi xem then ngày mai, ngày kia đương đợi ở nhà.

Kim Đồng nói :

- Cháu xin về, ông à.

Ông Dương nói :

- Về bây giờ thì tối giữa đường mất.

Kim Đồng trả lời :

- Cháu đi tối cũng quen rồi.

"Cháu đi công tác tối cũng quen rồi", như thế. Năm trước, Kim Đồng vẫn còn sợ đêm. Tối rửa chân ngoài máng, bước lên sàn rồi, ngại xuống thang lắm. Đi ngủ như gà lên chuồng, Thàn và Dền nằm ngay cạnh bếp. Hai đứa nép vào cột nhà, quay lưng ra cửa sổ. Đêm tối có những gì đáng sợ thì có cả ở ngoài ấy. Nghĩ lại, lại cười mình. Bây giờ Kim Đồng đã bước vào đêm, có khi trong đêm rất khuya, nhiều

lần rồi, đầu chỉ nghĩ đến công tác. Không thấy cái gì ghê gớm ở bóng tối ra vồ mình cả.

Kim Đồng về ngay từ xế trưa. Buổi chiều trên núi đi sang chặp tối rất nhanh. Bỗng ngẩng lên, đã thấy đêm trong vắt, lấp lánh ngôi sao giá buốt.

Một tay Kim Đồng cầm chiếc gậy. Nhưng Kim Đồng biết mùa lạnh thì các loài rắn đều ngại rét chúi trong hang, không bò đi ăn đêm.

ồ, cái sợ và cái vững, cái bạo cứ chập chờn từng lúc. Đường cái ban đêm thăm thẳm, khác hẳn. Chỗ nào cũng lố nhố như ma đứng. Nhưng cứ đi qua. Thì thấy đấy cũng là những bụi cây. Nhiều khi, nghe tiếng chim ríu ríu trong đó. Con chim nào ngủ mê, hót cả trong đêm thế kia. Cái gì huỳnh huỵch ai đuổi đằng sau? Không quay lại. Đấy cũng là mình nghĩ ra thế thôi. Có lúc Kim Đồng thử quay lại. Không có gì. Nhưng quay lại như thế thì đâm ra trợn. Tự dưng chân hấp tấp nhanh hơn. Lại phải lấy gân, cầm ngang gậy, bước bon bon. Không sợ gì. Không sợ gì cả. Những ngôi sao giá buốt trên trời như cũng đương đuổi theo mình.

Ban đêm, xó nào cũng nghe tiếng rúc rích. Con cầy hương ra kiếm ăn sớm nhất. Nếu có đèn săn chắc thấy hai cái mắt đỏ. Kim Đồng đập gậy một cái. Nó chỉ là con cầy hương nhút nhát thôi. Nếu mang theo cái nỏ thì bắn được.

Khi nghe tiếng hươu kêu trong núi, Kim Đồng biết đã khuya. Tiếng hươu giác bảng lảng xa rồi gần, hươu từ trong núi ra, kêu cộc lốc như nhát búa bổ. Hươu ra ăn đã gần nửa đêm.

Hươu nai ra ăn rồi mới đến hổ ra. Người đi săn nói rằng con gấu háu đói, tìm ăn cả ngày còn con hổ bao giờ cũng đi ăn khuya nhất rừng. Hổ ở trong khe sâu, đợi khi yên tĩnh mới ra. Thế là con hổ cũng biết sợ đấy. Mắt Kim Đồng không thấy hổ bao giờ. Nghĩ ghê ghê. Nhưng những lúc ấy, nghĩ về công việc lại nhãng được cái lo. Trời nhiều sao thế này, sắp nắng, sắp ấm đây. Hôm nào nắng ấm, ta rủ chúng nó đi lấy dó. ừ, hôm nào ấm thì đi lấy dó...

Về đến đây, đã nghe tiếng thác nước Bản Vàng. Mùa lạnh, nước xuống thác bay nhẹ như gió thổi. Phải về đêm mới nghe thấy. Bản Vàng Bản Hồng, đến chỗ có nhiều nhà rồi. Kim Đồng đã buồn ngủ. Kim Đồng chập chờn, vừa đi vừa ngủ vừa nghĩ loăng quăng. Hai con mắt díp dần. Buồn ngủ ghê.

Đến chân thác, Kim Đồng tạt xuống men nước, vốc nước vỗ lên mặt. Nước lạnh tê hai tay, làm cho hai mí mắt mở rộng. Tan cơn buồn ngủ.

Kim Đồng nhìn về phía trước mặt. Nhà mình phía ấy. Ban đêm, cái gì cũng thấy xa hơn ban ngày. Có phải còn vẳng tiếng đàn

cúng kỳ yên. Cả ánh lửa. Nhưng, giụi mắt, nhìn kỹ lại, không thấy. Tiếng đàn và tiếng hát cũng là tưởng tượng. Khuya lắm rồi, đám cúng kỳ yên đã tan. Bọn Thanh Thủy chắc về nhà từ lâu. Thật thì nghe kỹ chỉ có tiếng thác Bản Vàng thì thào sau lưng mà thôi.

Đi một quãng nữa, Kim Đồng lại lắng nghe. Bây giờ, tiếng thác Bản Vàng cũng đã khuất vào lưng núi. Xung quanh lặng lẽ hẳn.

Tiếng chó sủa đằng xa. Chó sủa ran từ phía Bản Vàng mình vừa đi qua. Chó sủa lắc rắc. Hình như người đi qua, chó sủa theo, kéo dài một vệt trong bóng tối. Ai đi đâu khuya ? ở những đám then, những đám cúng kỳ yên, người xem quá nửa đêm hay ngủ lại. Chỉ có người đi săn đi đêm. Nhưng người đi săn, như đứa ăn trộm, đi rà rà, sương xuống đã ăn nhạt hết hơi người, con thú không đánh hơi thấy, con chó không ngửi ra. Sao chó sủa nhiều thế. Chỉ có người tìm thầy cúng cho người ốm giong đuốc đi, như đánh thức chó dậy, qua xóm nào cũng loạn tiếng chó sủa theo.

Nhưng Kim Đồng đoán thêm : bọn lính đi rình cách mạng cũng có thể làm chó sủa nhiều thế. Đã lâu, lính và quan không đi tuần đêm. Cả ban ngày, chúng cũng đi từng bọn đông. Từ khi đội tự vệ cứu quốc bắt thằng mật thám Lểu ở Nà Kéo thì không bọn lính tuần nào dám vào làng tìm rượu, tìm vịt nữa. Đi qua, chúng đi nhanh, chân bước thon thót. Khi bất ngờ, chúng cũng tuần đêm, nhưng phải đi thật đông.

Tiếng chó sủa lắc rắc trải ngược lên, lan xa ra, đằng kia, có lúc theo gió, lại chập chờn trở về đằng này. Tưởng như trông thấy bọn lính đương ngậm hơi luồn vào từng xóm đằng ấy.

Nhưng đường về nhà Kim Đồng không qua lối ấy. Kim Đồng đứng im, nghe một lát rồi leo lên đồi, theo lối tắt, về nhà. Hai con mắt lại buồn ngủ, muốn sụp mí xuống, đuổi chân bước thật nhanh.

Chẳng mấy chốc đã đến chân cầu thang lên nhà. Nghe tiếng mẹ hỏi vọng xuống :

- Dền à...

Kim Đồng đáp khẽ :

- Con đây.

Rồi lẳng lặng lên thang.

Không biết mẹ mới dậy sưởi hay mẹ vẫn ngồi bếp đợi con từ chặp tối. Bấy giờ mẹ bắc nồi và bỏ thêm cành củi vào bếp. Tiếng củi bén lửa nổ tách tách.

Mẹ nói :

- Còn thịt vịt đấy, con ạ.

Mẹ nói thế, biết là mẹ bảo : ra đây thổi lửa lên mà ăn cơm. Nhưng Kim Đồng đã tụt giày ra, hai ống quần ướt sương như người lội suối. Cứ thế, chui vào chăn.

Cái chăn vỏ cây sui, Cao Sơn đã nằm cuốn tròn giữa. Nó ngáy khò khò. Chỗ nó nằm cũng ấm như lửa sưởi rồi. Kim Đồng kéo mạnh một cái mới giằng ra được một góc để đắp. Nhưng lưng vẫn hở ngoài và cái chăn sui nhiều bụi, Kim Đồng sặc, ho mấy tiếng. Rồi chốc lại ho khúc khắc.

Chập chờn nhớ lại chặng đường lúc nãy. Vừa đi rét thế, xa thế mà bây giờ đã về đến nhà, nằm ấm.

Kim Đồng nhớ tiếng chó sủa. Tiếng chó sủa kéo dài... Dần dần, Kim Đồng tỉnh ngủ hơn. Kim Đồng chưa ngủ được. Có lẽ nào... Có thể thế không... Nếu không phải là chó sủa người đi gọi thầy cúng thì là lính đi tuần đêm rồi. Cũng có khi lính mò đi đêm... ở Hòa Mục đấy... Nó bắt của ta một người. Con chó cũng ghét lính, đêm hôm làm nó phải khó nhọc, mỏi cả mõm. ừ, tiếng chó sủa lính, có thể...

Lính tuần qua. Có thể đi xuống Nà Giàng, cũng có thể nó lên đây. Lính lên mà lùng ra cán bộ hay người ở nơi khác đến, không xong rồi...

Nghĩ thế, Kim Đồng ngồi phắt dậy. Cơn ngủ đương làm cộm mắt, tan mất. Cũng không thấy rét hai mang tai. Kim Đồng lay Cao Sơn. Cao Sơn ậm ừ. Kim Đồng lại lay. Cao Sơn co lưng rồi lại ngáy. Kim Đồng ghé tai :

- Thàn... Thàn... Có công tác.

Tiếng "công tác" làm Cao Sơn tỉnh ngay, hỏi :

- Công tác à ?

Kim Đồng hỏi lại :

- Lúc nãy có anh Đức Thanh đến đám lễ kỳ yên không ?

- Có.

- Đi ngay bây giờ. Cùng đi nhé.

- ừ.

Cao Sơn ngồi dậy. Không phải chỉ tại hai đứa thì thào với nhau mà mẹ biết. Người già vốn ít ngủ. Mẹ vẫn chưa chợp mắt từ chặp tối. Mẹ ngồi tựa cột bếp. Mẹ hỏi :

- Lại đi đâu thế ?

Kim Đồng nói với lại :

- Chúng con đi đằng này một tý.

Mẹ ra lấy mẩu củi to, bỏ vào bếp. Cho lửa đượm hơn, cho các con về sưởi. Không biết lúc ấy còn khuya hay đã gần sáng. Mẹ nói:
- :Dng về nhé.
Mẹ nói như mọi khi. Khi đêm, khi ngày, anh em nó vẫn rủ nhau đi như thế, không biết thế nào, mẹ không bao giờ nói.

Kim Đồng và Cao Sơn lặng lặng xuống thang.

Trong gầm sàn, con bò như biết lệ người xuống như mọi khi, thò mõm ra khe thang. Kim Đồng hay nghịch giơ chân cho bò liếm. Con bò nghiện liếm chân Kim Đồng từ lâu lắm, từ năm Kim Đồng chưa biết chăn vịt. Con bò này về nhà mình từ khi bố còn sống. Bao năm nay, tối đến, bò vẫn ngủ trong gầm sàn. Những buổi tập bài hát, đàn trâu bò tụ hội lại, trẻ con ngồi trên lưng chúng nó, cùng lên núi, hát vui lắm.

Cái lưỡi bò liếm sồn sột vào chân, thấy ấm ran rát. Con bò thường liếm chân Kim Đồng như thế, mỗi khi Kim Đồng đi đâu về, dù nửa đêm như đêm nay cũng thế. Cũng như hai đứa bò và người chào hỏi nhau.

Kim Đồng đã xuống hết chân thang. Sau lưng, tiếng kíu kíu trong góc cột sàn. Những con vịt rất nhát đêm. Động một cái đã mở mắt, nhúc nhích chân, kêu khẽ khẽ. Cả đàn vịt nhốt phía ấy, không phải rắn cắn hay cáo bắt lần nào.

Kim Đồng nghe tiếng vịt gọi. Nhưng không để ý. Kim Đồng và Cao Sơn đã chạy ra đầu ngõ.

Nhìn lên vách nhà Kình, thấp thoáng ánh lửa. Còn người thức thật.

Kim Đồng đến chân thang, có tiếng hỏi xuống :

- Ai ?

- Dền đây.

Một bóng người ló ra. Người gác đầu sàn đã hỏi : "Đi đâu khuya thế, gần sáng rồi mà..." Kim Đồng lên thẳng nhà. Các anh Đức Thanh, anh Ngư Mạn, anh Nhất Sơn còn đương ngồi bếp.

Anh Đức Thanh quay ra, hỏi Kim Đồng :

- Đi Pác Bó mới về à ?

Kim Đồng đáp :

- Về từ nãy. Đằng kia nghe tiếng chó cắn dài lắm. Khéo mà có lính đi tuần. Em đã về rồi. Bây giờ nghĩ ra, phải vào tìm các anh.

Anh Đức Thanh có ý băn khoăn rồi nói :

- Phải có người ra gác ngoài suối.

Kim Đồng nói :

- Để chúng em ra cho.

Anh Đức Thanh nói :

- Em đi cả đêm rồi...

- Đằng nào cũng sắp sáng. Mà em ra đấy đến sáng rồi về đằng suối cũng được.

Anh Đức Thanh nói theo, lúc ấy Kim Đồng đã đương xuống thang :
- Ra suối rồi về thẳng nhà nhé. Sáng rồi, các anh cũng sắp đi đây.

Kim Đồng và Cao Sơn đã ra ngoài đường. ánh lửa trên bếp nhấp nháy trên khe vách. Một lúc như rừng tối sẫm, ấy là sắp sáng. Rồi con chim bìm bịp bay ra trên trời mờ mờ. Lát nữa, bìm bịp kêu lần thứ hai thì trời sáng rõ. Suối Pác Bó mùa cạn, nước chảy nghe không biết, chỉ thấy xa xa thác Bản Vàng đôi lúc phảng phất.

Kim Đồng bảo Cao Sơn :

- Đến đây mà im tiếng chó cắn, chắc nó xuống Nà Giàng. Ta ở bên này suối thôi. Lúc bìm bịp ra kêu lần nữa thì ta về.

Hai đứa đứng trên bờ suối. Kim Đồng lại bảo Cao Sơn :

- Này, rửa mặt cho tỉnh ngủ cái đã.

Hai đứa cùng xuống suối. Kim Đồng đến bờ suối, cúi té nước lên mặt. Thình lình, ngẩng lên, thấy những bóng loáng thoáng bờ bên kia. Không phải bụi cây như trong đêm thấy. Một bóng, hai bóng, ba... lung lay. Lính tuần rồi.

Kim Đồng nghĩ rất nhanh : Thàn vào nấp dọc cây vối, ta chạy xuống. Về xóm báo. Nó bắn. Mặc kệ. Trời còn tối thế này. Mà nghe tiếng nổ, cả xóm biết có lính vào, các anh chạy kịp lên núi rồi.

Kim Đồng tụt giày quay lại, cúi mặt, nói khẽ trong cánh tay :

- Lính đấy, chạy đi !

Cao Sơn choàng lên bờ, lẩn vào gốc cây vối. Kim Đồng lao về bãi sỏi trắng dài theo mép nước. ánh sương lẫn mặt nước, đương tan nhanh.

Bọn lính xuống bờ bên kia đương tụ đấy. Chúng lóng nhóng đợi ông cai bảo lội suối sang hay quay lại. Có đứa trông sang bờ thấy thấp thoáng người.

Tiếng quát lao xao :

- Đứng lại ! Đứng lại !

Kim Đồng vẫn vút đi.

- Đoàng !

Trong sương mù.

1973

Hết
____________________________

(1) Lịch sử nước ta: một tài liệu tóm tắt lịch sử nước ta theo thể văn vần, do Bác Hồ viết, lưu hành ở Việt Bắc thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
(2) Cô Then: người làm nghề mê tín, như cô đồng ở vùng xuôi.
(3) Báo Việt Nam độc lập: báo của Việt Minh ba tỉnh Cao
(4) Cúng kỳ yên: lễ cúng đầu năm cầu bình yên.
__________________




**************************************************
TRUM YEU GAI , CHET VI GAI
SONG DE YEU , CHET VI YEU
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 09:20 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.