Go Back   Vina Forums > Thư Viện Online > Kho Tàng Truyện > Truyện Cổ Tích - Truyện Lịch Sử
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 11-05-2012, 03:10 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - tác giả: Sơn Nam

LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM


Nhận xét tổng quát


Đồng bằng sông Cửu Long, Ménam và Irraouaddi là ba trung tâm sản xuất lúa gạo, có dư để xuất cảng, quan trọng nhứt trên thế giới. Việt Nam, Xiêm, Miến Điện gồm đa số dân sống bằng nghề nông. Ba quốc gia này liên ranh, nằm trong khu vực gió mùa với những nét lớn giống nhau :
— Lãnh thổ phát triển lần hồi từ Bắc xuống Nam.
— Biết làm ruộng cấy ở đồng sâu, nhờ đó mà sản lượng đạt mức cao so với ruộng tỉa ở đất khô.
— Mức sống thấp kém.
Nam tiến không phải là mãnh lực huyền bí của riêng dân tộc Việt Nam. Những dân tộc chịu ảnh hưởng ấn độ vẫn đạt được kỹ thuật cày sâu cuốc bẫm không kém nước ta. Việc tôn thờ rắn thần và rồng để cầu mưa, vài môn giải trí như thả diều, trai gái đối đáp nhau nào phải chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Dân Việt gặp dân Miên vốn có nền văn hóa cổ kính khá cao. Vào thế kỷ 13, người Miên đã tìm ra giống lúa và dẫn thủy nhập điền thích ứng giúp họ thâu hoạch 3 hoặc 4 vụ trong một năm. Cuộc Nam tiến của người Xiêm, người Miến Điện gặp hoàn cảnh khá tốt về địa lý, hai con sông Ménam và Irraouaddi thuận lợi cho việc thông thương, trong khi Hồng Hà và sông Cửu Long có nhiều thác đá. Từ hạ lưu sông Hồng, dân Việt len lỏi theo mấy cánh đồng nhỏ bé dọc theo bờ biển Đông nhiều giông tố để lần hồi đến hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu Long.
Tuy là đặt chân trên đất Cao Miên nhưng đối thủ đáng nể của người Việt đi khẩn hoang lại là người Xiêm đang nuôi tham vọng đô hộ vùng Vạn Tượng, Cao Miên và Mã Lai. Xiêm quốc lúc bấy giờ đang thời hưng thịnh, với tướng giỏi, quân sĩ có kinh nghiệm về chiến đấu đường bộ và đường thủy.
Người Việt đã giữ được thế chủ động trong hoàn cảnh gay go.
Khi đặt chân ở đồng bằng sông Cửu Long, nước Việt bị chia cắt từ sông Gianh, công trình khẩn đất và giữ đất lúc đầu chỉ do một số dân từ Quảng Bình trở vào gánh vác. Bấy giờ, ưu thế của người Việt khong là kỹ thuật canh tác cao, nhưng là ưu thế về tổ chức chính trị và quân sự. Bộ mấy hành chính khá hoàn hảo đã giúp chúa Nguyễn theo dõi được tình hình ở những địa phương xa xôi, quân đội có thể tập trung khá nhanh khi cần thiết. Đơn vị xã hội nhỏ nhất là thôn ấp đủ khả năng tự trị, các tổ chức đồn điền có thể tự quản trị về kinh tế và an ninh.
Quân đội Xiêm hùng mạnh, nhưng đi xa thì mất hiệu năng. Nước Cao Miên bấy giờ quá suy nhược, vua chúa kém năng lực chỉ biết cầu viện với ngoại bang, dân chúng thì ly tán : người Xiêm thường lùa bắt từng loạt dân Cao Miên đem về xứ họ để làm nông nô phục dịch.
Vua chúa Việt Nam thúc đẩy việc khẩn hoang vì những lý do sau đây :
— Mở rộng địa bàn thống trị, đất rộng, dân giàu thì kinh đô được bảo vệ chu đáo hơn.
— Thuế điền và thuế đinh gia tăng nhanh chóng.
— Nạn đói kém được giảm thiểu, nơi này thất mùa, nơi kia bù lại, ít có nguy cơ nội loạn.
— Dân số gia tăng, thêm lính tráng, thêm dân xâu.
Bộ Đinh và bộ Điền tiêu biểu cụ thể cho nhân lực, tài lực. Với binh sĩ giữ gìn bờ cõi và trấn áp nội loạn, với tiền bạc và nhân công làm xâu, vua chúa tha hồ phung phí, sống xa hoa, xây đắp cung điện lăng tẩm, ưu đãi người trong giòng họ, mua chuộc quan lại, để ngôi vị được ổn định, chống các âm mưu ly khai ở địa phương.
Về phía dân chúng, khẩn hoang là việc tích cực, không phải là hưởng thụ, thụ động, chờ thời vận.
* Phải có yếu tố thiên nhiên tương đối thuận lợi, đất quá thấp thì lúa dễ bị ngập, quá cao thì gặp nạn thiếu nước. Từ nơi cư trú đến thửa ruộng, đường đi phải gần để khỏi phí thì giờ lui tới, lúa đem về nhà không mất nhiều công lao và phí tổn chuyên chở.
* Đủ nước ngọt để uống, nấu cơm và cho trâu bò uống.
* Gia đình đủ vốn liếng, đủ lúa gạo ăn trong khi chờ lúa chín. Lại còn quần áo, tu bổ nhà cửa, thuốc uống, trầu cau, lúa gạo để nuôi heo gà, ghe xuồng, nông cụ. Thêm vào đó, còn yếu tố xã hội vì làm ruộng đòi hỏi sự hợp quần cần thiết :
— Sức một người, một gia đình chỉ có giới hạn. Một khoảnh ruộng ở giữa tư bề đất hoang thì hoa mầu sẽ bị chim chuột từ các vùng lân cận tập trung lại phá nát. Năm bảy gia đình góp sức canh tác liên ranh nhau thì sự tổn thất vì chim chuột được giảm thiểu.
— Mùa cấy tuy là co giãn, xê xích mươi ngày nhưng nằm trong thời gian quy định. Cấy quá sớm, thiếu nước, cấy quá trễ, cây lúa mọc không kịp nước mưa. Mỗi người chỉ có thể cấy chừng 4 mẫu tây trong một mùa mà thôi, đàn bà lo cấy ở nơi này thì đàn ông lo dọn đất ở nơi kia. Dọn đất cấy quá sớm, cỏ mọc trở lại, trì hoãn thì nước trong ruộng lên cao, không dọn đất được. Lúa chín mà gặt trễ chừng năm bảy ngày là hư hao.
Phát cỏ, cấy lúa, gặt lúa đòi hỏi sự tập trung nhân công, mướn hoặc đổi công, theo lịch trình không được bê trễ. Phải nhờ người lân cận hoặc ở địa phương khác đến. Ngay trong một khoảnh đất nhỏ, mặt đất chưa bằng phẳng, nơi cao nơi thấp, việc đắp bờ, tát nước vẫn là công trình của nhiều người.
Vùng định cư để khẩn hoang cần liên lạc với vùng phụ cận dễ dàng để giải quyết vấn đề nhân công. Trong một ấp, nhà này không được ở quá xa nhà kia. Gần thôn ấp, phải có nơi bán tạp hóa, có người cho vay, người tiêu thụ lúa. Việc sanh đẻ, cưới hỏi, may chay đòi hỏi các phương tiện tối thiểu. Nhà cửa, tính mạng người dân phải được bảo vệ, chống trộm cướp, loạn lạc. Lại còn nhu cầu học vấn, nhu cầu về tâm linh với đình, chùa, miễu, hát xướng.
Đơn vị tối thiểu về xã hội vẫn là một làng.
Khẩn hoang đòi hỏi nhiều yếu tố căn bản. Khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long là cuộc vận động lớn, toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.
Vua chúa quy định chính sách điền địa, thuế khóa, quân dịch và thưởng phạt. Tùy nhu cầu mà có khi quân sĩ, lưu dân và tù nhân phải đóng đồn, lập ấp, cày cấy ở nơi mất an ninh. Đất kém mầu mỡ, khó canh tác nhưng chính quyền lại cưỡng bách đến định cư. Có những giai đoạn, những khu vực mà chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc khẩn hoang, nhưng cũng có lúc người dân được dễ dãi. Nhiều vùng đất tuy người Cao Miên chưa chánh thức nhượng cho ta nhưng dân ta đã đến khẩn hoang, hoặc ngược lại, đã nhượng từ lâu nhưng vẫn còn hoang phế.
Cuộc vận động phối hợp quân sự, chính trị và kỹ thuật này có thể chia ra từng thời kỳ :
1) Từ các chúa Nguyễn đến những năm cuối đời Gia Long : Khai khẩn vùng đất phù sa tốt, đất giồng ven sông, đất cù lao theo nhu cầu phát triển xứ Đàng Trong, phục quốc và củng cố quốc gia.
Còn lại các vùng nước ngập sâu vào mùa mưa, đất quá phèn, rừng Sác. Vùng người Miên tập trung, trên nguyên tắc thì để nguyên vẹn (Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc).
Thành lập các trấn Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Thanh.
2) Từ cuối đời Gia Long tới cuối đời Minh Mạng : Khai khẩn phía hữu ngạn Hậu Giang, nối qua vùng đồi núi Thất Sơn, vì nhu cầu xác định biên giới Việt Miên. Khai khẩn vùng đồi núi, vùng đất thấp, canh tác những lõm đất nhỏ mà cao ráo, giữa vùng nước ngập lụt.
Thành lập tỉnh An Giang, tách ra từ trấn Vĩnh Thanh.
3) Từ đời Thiệu Trị tới đời Tự Đức : Khai khẩn những điểm chiến lược, nhằm đề phòng nội loạn ở phía Hậu Giang, chánh sách đồn điền được thúc đẩy mạnh.
Thực dân Pháp đến, nhằm mục đích bóc lột nhân công rẻ tiền, và xuất cảng tài nguyên, đã thực hiện được vài việc đáng kể :
1) Cho đào kinh để chuyên chở lúa gạo, giúp giao thông vận tải được dễ dàng, đồng thời rút bớt nước vào mùa lụt từ Hậu Giang ra Vịnh Xiêm La. Vùng đất phèn, tạm gọi là phù sa mới, không còn bị nước ngập quá cao. Việc chuyên chở sản phảm về Sài Gòn ít tốn kém hơn trước.
Thành lập các tỉnh mới : Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, vùng này trở thành nơi dư lúa gạo, nhờ dân ít mà mức sản xuất cao. Khai khẩn rừng tràm và đồng cỏ.
2) Thúc đẩy việc làm ruộng sạ, nhờ chọn các giống lúa thích hợp hơn, giúp vùng đất thấp ở Long Xuyên, Châu Đốc và Đồng Tháp Mười canh tác được. Còn lại là vùng rừng Sác Cần Giờ, rừng Đước Cà Mau, vùng than bùn U Minh, vùng đất quá nhiều phèn chung quanh Hà Tiên và Đồng Tháp Mười.
3) Lập đồn điền cao su ở miền Đông.



Chương 1 - 1

Nhu cầu phát triển xứ đàng trong, phục quốc và củng cố quốc gia


Những hành động quyết định


Từ lâu, các chúa Nguyễn đã biết về vùng đất ở Đồng Nai và Cửu Long, nhưng cơ hội chưa thuận lợi để đẩy mạnh cuộc phát triển về phía Nam. Năm 1623, một phái bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prei Nokor (vùng Sài Gòn) để thu thuế hàng hóa.
Năm 1658, khi còn bận rộn giao tranh với chúa Trịnh ở phương Bắc, chúa Hiền cho quan Khâm mạng đến Trấn Biên dinh (Phú Yên) đem 2000 quân đến Mỗi Xui (Mô Xoài) để đánh phá, bắt vua Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. Khi ấy ở Mỗi Xui (vùng Bà Rịa ngày nay) và ở Đồng Nai, “đã có lưu dân của nước ta đến sống chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì”.
Năm 1672, tình hình vô cùng thuận lợi cho Hiền Vương, ngài đã thắng chúa Trịnh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Năm 1764, Cao Miên có loạn, thêm lý do để quân chúa Nguyễn can thiệp, lần này phá luôn được các đồn binh Cao Miên ở Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang sau khi thắng ở Mô Xoài.
Bảy năm sau, 1679, Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biền và gia quyến hơn 3000 người và chiến thuyền hơn năm chục chiếc đến gần kinh đô.
Hiền Vương cho phép bọn di thần nhà Minh vào Nam. Chi tiết đáng chú ý là đoàn chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn. Đây là cuộc hướng dẫn thần tình, chứng tỏ thời chúa Nguyễn bản đồ và khung cảnh ở đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long được nghiên cứu khá tường tận. Chúa Nguyễn và người hướng dẫn đã đánh giá đúng mức giá trị chiến lược của vùng Mỹ Tho và vùng Biên Hòa — nơi bọn di thần nhà Minh được phép đến định cư — sự đánh giá ấy mãi đến sau này vẫn còn là đúng.
Miền Nam vẫn còn hai nơi quan trọng khác ở phía Tây và Tây Nam. Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh đem binh lên tận Nam Vang để can thiệp về quân sự. Chuyến về vào khoảng tháng tư năm canh thìn (1700), ông cho quân sĩ theo dòng Tiền Giang, trú đóng tại Cái Sao (vùng chợ Thủ của Long Xuyên) “Ba quân bị phát bịnh dịch và ông cũng bị nhiễm bịnh”. Thời gian trú quân ở đây là hơn nửa tháng, binh kéo đi hai ngày sau là ông mất. “Ông có công dẹp yên Cao Miên rồi khai thác đất này”. Ai trực tiếp khai thác ? Chắc chắn là số binh sĩ bị bịnh, hoặc một số tình nguyện ở lại vùng Cái Sao mà khai thác trước khi đất đai này được vua Cao Miên nhượng cho. Bấy giờ nhóm này sống cheo leo bên kia sông Tiền. họ được gọi là dân Hai Huyện, trực thuộc phủ Gia Định từ xưa.
Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân thừa lịnh hành quân lên Cao Miên để đánh quân Xiêm, khi trở về lại cho trú quân ở Vũng Gù (nay là Tân An) lập đồn điền, “làm thủ xướng cho quân dân”, đắp đồn và đào kinh cho rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho ăn thông với nhau, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang.
Về phía Vịnh Xiêm La, khoảng năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
Trần Thắng Tài (Đồng Nai), Dương Ngạn Địch (Mỹ Tho), Nguyễn Hữu Cảnh (Tiền Giang), Nguyễn Cửu Vân (Vàm Cỏ), Mặc Cửu (Hà Tiên) và quân dân đã đi những bước tiên phong trong thời gian ngắn. Nhóm di thần nhà Minh và dân Việt thật sự làm ruộng và định cư nơi đất lạ. Bao nhiêu khó khăn dồn dập xảy tới : cuộc tranh chấp về quân sự với người Cao Miên, người Xiêm. Mãi đến 134 năm sau (1834), vùng đất mà ông Nguyễn Hữu Cảnh
khai sáng còn gặp chinh chiến với quân Xiêm, mặc dầu cuộc Nam tiến hoàn tất vào năm 1759. Lại còn việc tranh chấp dằng dai với anh em Tây Sơn, khiến việc khẩn hoang bị đình trệ hoặc hư hại.
Chúa Nguyễn nắm nguyên tắc căn bản là phát triển các đơn vị hành chính liền ranh nhau. Thoạt tiên dinh Trấn Biên đóng ở vùng Phú Yên. Năm 1698, chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra Gia Định phủ gồm có :
— Xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên.
— Xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn;
Rồi lần hồi, vùng Long Hồ nối vào đất Gia Định, vùng Mỹ Tho nối vào Gia Định, vùng An Giang nối vào Long Hồ (Vĩnh Long). Lúc Hà Tiên quá suy sụp, năm 1805 (đời Gia Long) dinh Vĩnh Trấn (Vĩnh Long) cai quản từ hữu ngạn Tiền Giang đến Rạch Giá, Cà Mau, tức Vịnh Xiêm la để rồi năm 1810 trả lại cho trấn Hà Tiên như cũ.
Từ ngàn xưa, dân Việt học được kinh nghiệm về định cư : miền rừng núi bao giờ cũng bất lợi, ít đất thịt, nhiều sỏi đá, nhứt là bịnh rét rừng (sơn lam chướng khí) nguy hại có thể gây nạn diệt chủng. Nhà cửa nên cất nơi đồng bằng, nhưng đất phải cao ráo, gần sông rạch càng tốt, tránh nơi nước đọng ao tù. “Sông sâu nước chảy” là cuộc đất lý tưởng về phong thủy (tài lợi dồi dào) nhưng trong thực tế là ngừa được bịnh rét, giao thông thuận lợi, có nước để làm ruộng, có nước để uống, nếu là nơi nước mặn gần biển thì trên giồng cao vẫn đào giếng được.
Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt hai huyện đầu tiên, tình hình khẩn hoang được mô tả như sau :
— Đất đai mở rộng 1000 dặm, dân số được hơn 40000 hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở về Nam đến ở khắp nơi, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh điền và lập hộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch.
Nhóm di thần nhà Minh đến ở cù lao Phố và vùng Mỹ Tho gồm 3000 người khi tiên khởi. Hai mươi năm sau, con cái của họ lớn lần. Một số người Trung Hoa khác lần hồi đến làm ăn buôn bán, rồi định cư luôn. Ta thấy còn lại trên ba chục ngàn gia đình Việt Nam gồm có :
— Những người lập nghiệp từ trước ở Mô Xoài (Bà Rịa).
— Những người từ Bố Chánh (Quảng Bình) trở vào đến lập nghiệp. Số người này sống rải rác từ Bà Rịa đến cù lao Phố (Biên Hòa), vùng Sài Gòn, Mỹ Tho. Địa danh Trấn Biên bao gồm một vùng rộng rãi từ ranh Bình Thuận đến tận Nhà Bè. Phiên Trấn bao gồm Tân Bình đến phía Cần Giuộc, Cần Đước, Tân An. Phủ Gia Định thuở ấy ăn đến tận vùng Cái Bè (tả ngạn Tiền Giang) sau này là châu Định Viễn. Đây là những lưu dân. Nhưng nên chú ý số người “có vật lực” từ miền Trung đến. Không vốn liếng thì không làm ruộng được, người có chút ít vốn nếu chịu mang vào “đất mới” sẽ dễ trở thành điền chủ, phú hào.
Lỵ sở thường đặt ở những nơi quan trọng, dân đông, kinh tế dồi dào, thuận lợi cho việc thương mãi và là vị trí có giá trị chiến lược quân sự. ở lưu vực sông Đồng Nai và Cửu Long, dân ta thiết lập được :
Vùng cù lao Phố : nòng cốt của Biên Hòa
Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu (Trấn Biên) với đường bộ đường thủy nối liền về miền Trung, đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thắng Tài gây cơ sở lớn ở cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm năm sau khi định cư, chùa Quan Đế dựng lên.
Trần Thắng Tài chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liên lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn giữa phố
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam — Trang 6/6
lát đá trắng, nhai ngang lát đá ong, nhai nhỏ lát đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.
“Đại Phố” bấy giờ là đệ nhứt thương cảng ở miền Nam, phồn thịnh nhờ lý do sau đây :
— Việc thương mãi tổ chức khéo léo, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết, đây là bọn thương buôn chuyên nghiệp, có vốn to và giàu kinh nghiệm, đến sau chớ không phải là người đi theo Trần Thượng Xuyên trong đợt tiên phong (số người đi đầu gồm đa số là quân sĩ, tức là nông dân nghèo, không vốn).
— Sông sâu có chỗ thuận lợi cho tàu biển đậu (đây là vực sâu gần đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh).
— Việc tồn trữ và phân phối hàng hóa được điều hành hợp lý. Nhà lầu, phố xá bên các nhai lộ lát đá là kho hàng và cũng là nơi nghỉ giải trí của chủ tàu và thủy thủ. Tàu chạy buồm gặp gió thuận thì mới đến hoặc đi được. “Xưa nay thuyền buôn đến hạ neo xong là lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lại đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là “hồi đường”, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ buôn ấy cũng chiếu y ước đơn mua dùm chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ khách chiếu tính hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã được nước ngọt tắm rửa sạch sẽ lại không lo sự trùng hà ăn lủng ván thuyền, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”.
Chưa thấy tài liệu cụ thể về các sản phẩm mua bán lúc ấy, nhưng ta đoán là thương gia Huê kièu nắm độc quyền về xuất nhập cảng từ khi bắt đầu khẩn hoang, ngoài những sản phẩm đất Đồng Nai như gạo, cá khô, còn một số sản phẩm từ Cao Miên đem xuống : các loại thảo dược, ngà voi. Sản phẩm nhập cảng gồm tơ lụa, vải bô, dược phẩm cho đến những xa xí phẩm. Người Tàu thích dùng đồ bên Tàu : gạch ngói, đá xây cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc. Họ cưới vợ Việt Nam, bày ra những thói ăn xài, phung phí vào dịp Tết.
Những địa điểm định cư lúc ban đầu là vùng Bà Rịa, Đồng Môn, Long Khánh, Tân Uyên, những cánh đồng ở hai bên bờ sông Đồng Nai gần cù lao Phố. Đất Trấn Biên lúc bấy giờ ăn đến Thủ Đức, Giồng Ông Tố, vùng Thủ Thiêm, Nhà Bè; phía Tây thì ăn qua vùng Thủ Dầu Một, Lái Thiêu.
Vùng Bến Nghé Sài Gòn : nòng cốt của Gia Định
Đây là vùng đất giồng ở sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè lên Hốc Môn, Gò Vấp; vùng Chợ Lớn ngày nay ăn xuống Bình Điền, Bình Chánh; Gò Đen, nối liền đến Cần Đước, Cần Giuộc, những giồng thuận lợi để làm ruộng và làm rẩy. Nếu vùng cù lao Phố được ưu thế là có nước ngọt quanh năm, thì vùng Sài Gòn lại bị ảnh hưởng nước mặn từ biển tràn vào, giồng cao ráo, đào giếng có thể gặp mạch nước ngọt, phần còn lại là đất quá thấp.
Vùng Sài Gòn là Prei Nokor (chùa Cây Mai được gọi là Vat Prei Nokor) nằm trên giồng, phía Chợ Lớn ngày nay. Năm 1739, đồn Dinh đóng ở thôn Tân Mỹ, có tài liệu ghi là Tân Thuận, phải chăng vì quân sĩ muốn ở gần bờ sông lớn (gần Nhà Bè) để dễ di chuyển và kiểm soát an ninh ? Thoạt tiên từ cù lao Phố đến Bến Nghé — Sài Gòn chỉ dùng đường thủy, chợ Nhà Bè thành hình, ứng dụng vào nhu cầu như một chợ nổi ở giữa ngã ba. Hanh Thông xã (Gò Vấp) trở thành đơn vị hành chánh từ năm 1698, Phú Thọ năm 1747, Tân Sơn Nhứt năm 1749. Ngay từ năm 1698, người Hoa kiều lập xã Minh Hương ở vùng Sài Gòn, nơi đây họ cũng nắm việc thương mãi. Năm 1770, sử chép chuyện ông Tăng Ñn đánh cọp tại chợ Tân Kiểng (Tân Cảnh), năm 1774 chùa Giác Lâm dựng lên, trên gò đất cao ráo (do người Minh Hương là Lý Thụy Long quyên tiền), chùa Kim Chương lập năm 1775. Phú Lâm, vùng Bình Điền là đất giồng. Nhưng nơi thuận tiện cho việc canh tác phải kể là vùng Cần Giuộc, Cần Đước. “Gạo Cần Đước nước Đồng Nai” nổi danh là ngon và trong mát. Vùng ven biển Nam kỳ (trừ ra rừng Sác — Cần Giờ và rừng Đước mũi Cà Mau) còn nhiều đất rất tốt. Bên kia Cần Đước là Gò Công với nhiều giồng và đất phù sa ở bờ Cửa Đại, Ba Lai (trở thành vựa lúa quan trọng đời Gia Long).
Đất đã tốt lại ở ven biển, lưu dân có thể đi ghe bầu từ miền Trung vào vàm mà lập nghiệp, ngoài huê lợi ruộng nương còn huê lợi cá tôm. Đánh lưới ngoài biển vốn là sở trường của dân Việt. Làm ruộng ở những nơi xa lỵ sở thì dễ trốn thuế, tha hồ chọn lựa đất tốt. Nhờ đường biển, việc liên lạc về quê xứ miền Trung được thuận lợi.
Trấn Biên và Phiên Trấn khi mới khẩn hoang tuy đất không tốt bằng phía Cửu Long nhưng vẫn là phì nhiêu so với vùng Bình Thuận. Vì ở gần lỵ sở, gần thương cảng nên lúa gạo bán có giá. Về mặt an ninh vì xa sông Tiền sông Hậu nên khỏi sợ nạn chinh chiến khi chúa Nguyễn và Xiêm La gây hấn.
Vùng Ba Giồng : nòng cốt của Định Tường
Sông Cửu Long khác hơn sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ. Hằng năm, Cửu Long có nơi nước lụt tràn bờ. Đất giồng ven bờ sông, đất cù lao ở Cửu Long khác hơn mấy gò ở gần Đồng Nai. Vùng Cửu Long đất thấp, đào xuống vài lớp xuổng là gặp nước, việc trồng cây ăn trái lại dễ dàng, khỏi tưới. Múc nước giếng, hay gánh nước từ mé rạch lên nhà, lên rẫy lại ít tốn công. Bờ Cửu Long thường có bãi bùn, bồi đắp nhanh chóng, đất cù lao lan ra trong vài năm là thấy cuộc biển dâu. Việc vận tải, giao thông dùng ghe xuồng thay vì dùng xe bò hoặc đi bộ, khiêng gánh. Kỹ thuật cày bừa cùng là ngày tháng cấy hái phải thay đổi cho thích ứng với hoàn cảnh mới.
Dương Ngạn Địch “đem binh lính ghe thuyền chạy vào cửa Soi Rạp và Đại Tiểu hải khẩu rồi lên đồn trú ở xứ Mỹ Tho”. Đây là cuộc định cư có sắp đặt, “xá sai Văn Trinh và tướng thần lại Văn Chiêu đưa dụ văn sang Cao Miên bảo Thu Vương chia đất để cho bọn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và đưa ghe thuyền đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho rồi dựng nhà cửa, tụ tập người Kinh, người Thượng (người Miên) kết thành chòm xóm”, “sau này mới lập dinh trấn, đều là tùy thời dời đổi, hoặc hướng Nam, hoặc hướng Bắc, hoặc đem tới, hoặc rút lui cũng chẳng ngoài địa cuộc ấy”.
Trên 1000 binh sĩ của Dương Ngạn Địch làm ăn tại đâu ?
Họ không rời khỏi “địa cuộc” tốt chọn lựa lúc ban đầu như tài liệu trên cho biết. Chúng ta có thể xác nhận là giồng Cai Yến ăn đến vùng Ba Giồng, khởi đầu là Tân Hiệp (nay còn gọi là giồng Trấn Định) đến Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, giữa Tiền giang và Đồng Tháp Mười.
Lúc mới khẩn hoang, hai lỵ sở chính là Biên Hòa và Phiên An ở gần nhau phía Đồng Nai. Các quan thì muốn cho dân chúng phân tán ra chiếm cứ đất phía Tây Nam nên đặt quy chế rộng rãi, không câu thúc. Về nguyên tắc, người khẩn hoang ở Vũng Gù (Tân An, sông Vàm Cỏ) hoặc Mỹ Tho, đều là dân của hai huyện Phước Long và Tân Bình. Để khỏi chuyên chở đường xa khi đóng thuế bằng lúa và bằng tiền mặt, họ có thể nạp tại các kho thuế ở địa phương, vừa thuận lợi cho dân, cho các quan cũng khỏi lo sợ nạn thất thâu. Một số người làm nghề rừng, nghề biển hưởng quy chế riêng khỏi lập thôn ấp, chỉ cần đôi người thay mặt đứng ra chịu trách nhiệm để kết họp thành trang trại, man, thuộc, nậu. Họ sống định cư hoặc lưu động, với người cai trại hoặc người bộ trưởng, người đầu nậu cầm đầu.
Chín kho thâu thuế (cửu khố trường) dành cho các trại, các nậu, mang tên sau đây (đặt ra từ năm 1741) :
— Quy An
— Quy Hóa
— Cảnh Dương
— Thiên Mụ
— Gian Thảo
— Hoàng Lạp
— Tam Lịch
— Bả Canh
— Tân Thạnh
Ba kho Tân Thạnh, Cảnh Dương, Thiên Mụ, làm chỗ cho dinh Trấn Biên trưng thâu tô thuế để nạp tải về Kinh, đều ở phía bắc Hậu giang tức là sông Cát, phía đông cù lao Phố.
Kho Tam Lạch (Tam Lịch) ở vùng Mỹ Tho (theo cha Jean de Jésus thì Tam Lạch là nơi mà quân Đông Sơn khởi sự xưng danh tánh), ta hiểu là vùng Ba Giồng.
Kho Bả Canh ở vùng Cao Lãnh ngày nay.
Kho Gian Thảo ở cách phía nam thành Gia Định 4 dặm rưỡi, sau sửa lại gọi là kho Bốn Trấn.
Kho Hoàng Lạp ở huyện Phước Long (Biên Hòa). Phải chăng kho này dùng để thâu sáp ong và lâm sản do thợ rừng phía biên giới Việt Miên đóng góp ?
Kho Quy An và Quy Hóa ở đâu ? Có nên suy luận là vùng An Hóa ở cửa Đại ngày nay, lấy hai tiếng sau chót nhập lại ? Nguyễn Khoa Thuyên ghi rằng ở Quy An có hơn 100 thôn, tên Quy An được nhắc tới theo thứ tự sau Tam Lạch và Tân Bình. Bả Canh được Nguyễn Khoa Thuyên ghi lại như là một trại, cùng với hai trại khác là Ba Lai và Rạch Kiến.
Trên bản đồ, ta thấy có đến 4 kho tập trung ở cù lao Phố và Bến Nghé để thuận đường chở chuyên về kinh đô Huế và các tỉnh miền Trung khi chúa Nguyễn còn nắm chủ quyền. Mấy kho kia ở Ba Giồng (Tam Lạch), Cao Lãnh (Bả Canh), Qui An có lẽ gần một vàm sông nhánh của Cửu Long, hoặc Ba Lai, hoặc cửa Đại.
Đời vua Hiển Tôn (1691—1725), lập phủ trị ở phía bắc chợ. Năm 1772 lập Trường Đồn đạo, năm 1779, lấy phần đất nằm giữa trấn Biên, Phiên trấn và Long Hồ đặt làm Trường Đồn dinh có Lưu thủ, Ký lục và Cai bộ coi việc quân sự, hành chánh, thuế vụ và bãi bỏ các kho trên. Trường Đồn dinh đóng ở giồng Cai Yến (giồng này bắt đầu từ vùng Khánh Hậu thuộc Tân An ngày nay), rồi lại đổi tên là Trấn Định, đóng ở Tân Hiệp. Hai tiếng Định Tường chỉ xuất hiện từ năm Gia Long thứ 7 (1808).
Vùng Long Hồ : nòng cốt của Vĩnh Long, An Giang
Kiểm soát sông Tiền, sông Hậu là vấn đề mà các chúa Nguyễn quan tâm nhứt, về mặt quân sự và về canh tác. Muốn dùng binh lên Cao miên, phải cho chiến thuyền đi ngược dòng Tiền giang để đến Ba Nam rồi Nam Vang. Tiền giang là sông nhiều nhánh, gần vàm biển mỗi nhánh khá rộng với bờ đất phù sa cao ráo, thuận lợi để trồng đậu, trồng khoai, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm, trồng cau, trồng trầu, trồng dừa, các loại cây ăn trái. Đất còn lại là ruộng tốt. Đây là cuộc đất lý tưởng “sông sâu nước chảy”. Thoạt tiên, hai tiếng Long Hồ phát xuất từ tả ngạn Tiền giang. Năm 1732 chúa Nguyễn sai quan khổn súy Gia Định chia phần đất của Gia Định (sau này là của Định Tường) lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ tại Cái Bè, gọi là Cái Bè dinh.
Năm 1756 và 1757, cuộc Nam tiến hoàn tất về mặt chính trị. Trước mặt dinh Cái Bè — ở vàm rạch Cái Bè phì nhiêu, bên cạnh rạch Cái Thia nhiều phù sa — là những cù lao lớn giữa các sông Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, chưa kể đến mấy cù lao tuy nhỏ nhưng quan trọng ở giữa Tiền giang. Bên kia Tiền giang là nơi tập trung nhiều sốc Miên, vùng Trà Vinh. Có thể là trước khi sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, lưu dân đã đến làm ăn rải rác nhưng cuộc khẩn hoang được xúc tiến quy mô hơn từ khi trở thành lãnh thổ Việt Nam, danh chánh ngôn thuận. Hai địa danh cù lao Bảo, cù lao Minh xuất hiện sau này, xứng danh là trái châu của Cửu Long.
Phía cù lao Bảo có tám giồng, phía cù lao Minh có 11 giồng. Đặc điểm của những giồng này là chịu ảnh hưởng nước lớn nước ròng do thủy triều, nhưng không bao giờ bị ngập vào mùa lụt của sông Cửu Long.
Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du xin dời dinh Long Hồ từ Cái Bè qua đất Tầm Bào, tức là vùng chợ Vĩnh Long ngày nay, đồng thời đặt những đồn ở Tây Ninh, Hồng Ngự, cù lao Giêng, Sa Đéc, Châu Đốc.
Dinh Long Hồ kiểm soát Tiền giang và hai bên bờ Hậu giang. Đồng thời dinh này cũng bao trùm luôn vùng biên Vịnh Xiêm La với Long Xuyên đạo (Cà Mau), Kiên Giang đạo (Rạch Giá). Riêng về vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) nơi người Miên sống quá tập trung thì việc cai trị vẫn thuộc về họ.
Dụng ý của chúa Nguyễn là dùng nơi này để khống chế Cao Miên. Sông Cửu Long là biên giới Việt Nam ở miền ba biên giới.
Năm 1779, chúa Nguyễn duyệt xem bản đồ, nâng vùng Mỹ Tho làm dinh (Tường Đồn dinh) đồng thời cũng thử bày một chuyến phiêu lưu : dời dinh Long Hồ đến cù lao Hoằng Trấn, ở giữa Hậu giang. “Đương thời có người bàn rằng địa thế Hậu giang rộng lớn, rừng núi mù mịt, vùng Ba Thắc, Cần Thơ, Trà Vinh có nhiều sốc của Cao Miên mà cách xa dinh Long Hồ, nên đặt một đai trấn để khống chế, mộ dân đến khai khẩn ruộng đất”. Dinh Long Hồ dời đến Hoằng Trấn năm trước là năm sau (1780) lại lui về chỗ cũ (tức là vùng chợ Vĩnh Long), đổi tên là Vĩnh Trấn dinh.
Kinh nghiệm cho thấy rằng con đường từ Hậu giang lên Cao Miên quá xa, không thuận bằng đường Tiền giang, phía Vĩnh Long. Cù lao Hoằng Trấn ở Hậu giang được khai thác sớm, còn mang tên là cù lao Tân Dinh, gợi lại hình ảnh của dinh Long Hồ ngày trước. Giữa Tiền giang và Hậu giang, có s≥n nhiều sông rạch lớn nhỏ liền lạc nhau lại còn nhiều giồng đất tốt, quanh năm nước ngọt, mùa nước lụt không ngập (vùng Sa Đéc). Những cù lao trên sông Tiền, sông Hậu đều đáng giá, nhiều cù lao vừa rộng vừa dài, đất biền chung quanh cù lao rất màu mỡ, năng xuất cao : cù lao Dung, cù lao Trâu, cù lao Dài, cù lao Giêng, cù lao Mây, cồn Bình Thủy, cù lao Năng Gù. So với sông Vũng Gù (Vàm Cỏ Tây) luôn cả sông Đồng Nai thì Tiền giang và Hậu giang đất tốt hơn, khí hậu khá lành. Dân cư còn thưa thớt, đòi hỏi nhiều đợt lưu dân đến khai thác. Duy có điều bất lợi là xa Gia Định, người Miên sống tập trung tại nhiều vùng lớn rộng có thể khuấy rối an ninh ; vùng Thất Sơn chưa thám hiểm được, lại còn cánh đồng bát ngát (Rạch Giá, Cần Thơ) nằm giữa hữu ngạn Hậu giang và vịnh Xiêm la. Nước Xiêm đang hồi hăng sức, có thể đột nhập miền biên giới — một biên giới chưa rõ rệt, khó định cư vì nước ngập quá sâu, không thích hợp với lối cày cấy đương thời (đồng Châu Đốc, Láng Linh, Tháp Mười).
Những chuyến đi về “tẩu quốc và phục quốc” của vua Gia Long được thực hiện dễ dàng là nhờ ngài am hiểu địa thế của vùng đất rộng ấy hơn quân Tây Sơn. Nào là sông Mân Thít nối ngang Ba Kè tới vùng Trà Ôn, nơi nhiều người Miên sống tập trung. Nào vùng Nước Xoáy tấn thối dễ dàng, lại còn vùng Cần Thơ với rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bè rồi sông Cái Lớn với vùng U Minh. Sông Gành Hào, sông Ông Đốc ở tận mũi Cà Mau. Thời thạnh trị của họ Mạc quá phù du vì không đủ dân và không đủ quân để kiểm soát một vùng Hậu giang quá rộng mà trên danh nghĩa thì họ Mạc được chúa Nguyễn giao cho cai quản.
Sơ kết thành quả :
Thương cảng Sài Gòn thành hình và phát triển
Người Hoa kiều nắm nội và ngoại thương ngay từ buổi đầu, họ lại có thế lực quân sự. ở cù lao Phố, Trần Thắng Tài sống thuận hòa với chúa Nguyễn, năm 1700, ông cùng quân sĩ tùy tùng tham gia trận đánh quyết định, chiến thắng tại Nam Vang. Con Trần Thắng Tài là Trần Đại Định cưới con gái Mạc Cửu, tức là em gái của Mạc Thiên Tứ (vợ Mạc Cửu là người Việt Nam, quê ở Đồng Môn, thuộc Biên Hòa), về sau Trần Đại Định vì bị hiểu lầm nên buồn tủi, chết trong ngục. Dương Ngạn Địch chết vì phó tướng là Hoàng Tấn làm phản, Hoàng Tấn lại bị quân sĩ Việt Nam trừng trị. Họ Mạc ở Hà Tiên được chúa Nguyễn cho hưởng quy chế tự trị. Dòng họ này trung thành với chúa Nguyễn nhưng lại bị Xiêm Vương là Phi Nhã Tân quấy rối (ông vua Xiêm này gốc người Triều Châu). Một viên tướng Triều Châu tên là Trần Liên đã đem binh qua đốt phá Hà Tiên, quyết sanh tử với Mạc Thiên Tử. Hai tên cướp Triều Châu khác là Hoắc Nhiên và Trần Thái cũng gây khá nhiều rắc rối cho họ Mạc ở Hà Tiên.
Có người cho rằng người Trung Hoa hải ngoài thường tự tôn, ôm ấp giấc mơ làm bá chủ một cõi. Nếu có thật vậy, thì những giấc mơ ấy không bao giờ thực hiện được ở đất Đồng Nai, ít ra là về mặt chánh trị và quân sự. Chỉ một lần hồi năm 1747 khi có thương gia người Phước Kiến là Lý Văn Quang đến cư ngụ tại cù lao Phố, nhân thấy việc phòng bị lơ là nên cấu kết với hơn 300 bè đảng, xưng là đại vương. Cuộc khởi loạn bị dập tắt, Lý Văn Quang và đồng bọn bị áp giải về Phước Kiến (bấy giờ, ta ngại rắc rối về ngoại giao với nhà Thanh).
Năm 1772, chúa Nguyễn suy yếu, Trương Phúc Loan lộng quyền nhưng quân sĩ Đàng Trong vẫn còn mạnh, 10000 quân ở dinh Bình Khương, Bình Thuận cùng 300 chiến thuyền hợp với quân ở dinh Long Hồ kéo lên Cao Miên đánh thắng một trận lớn để cứu vãn tình thế nguy ngập ở Hà Tiên, cứu Mạc Thiên Tứ khi quân Xiêm chiếm cứ thành này ;
Tình thế ở Đàng Trong trở nên bi đát khi anh em Tây Sơn khởi nghĩa. Tháng hai năm 1776, Nguyễn Lữ léo vào đất Gia Định. Tháng năm năm ấy, Nguyễn Lữ rút lui sau khi cướp lấy lúa kho, chở hơn 200 thuyền chạy về Quy Nhơn. Con số này giúp chúng ta thấy phần nào thành quả của việc khẩn hoang ở Đồng Nai và Cửu Long.
Một viên cai bộ ở phủ Gia Định là Hiến đức hầu Nguyễn Khoa Thuyên báo cáo lại những con số cụ thể về lực lượng quân sự và tình hình chánh trị, kinh tế. Sau đây là vài chi tiết về xứ Đồng Nai :
— Huyện Phước Long (vùng Trấn Biên) có hơn 200 thôn, dân số 8000 người, lệ thuế ruộng hơn 2000 hộc.
Các thuộc Cảnh Dương, Thiên Mụ, Hoàng Lạp có phỏng 40 thôn nậu, dân số 1000 người phải nạp thuế.
Thuộc Ô Tất gồm phỏng 30 nậu, dân số ước 500.
— Huyện Tân Bình có hơn 350 thôn, số dân hơn 15000 dinh, thuế ruộng hơn 3000 hộc.
Quy An có hơn 100 thôn, số dân 3000 đinh, ruộng hơn 5000 thửa.
Tam Lạch có hơn 100 thôn, số dân 4000 đinh, ruộng hơn 5000 thửa.
Các trại Bả Canh, Ba Lai, Rạch Kiến, có 100 thôn, dân 4000 đinh, ruộng hơn 4000 thửa.
— Châu Định Viễn có lối 350 thôn, dân 7000 đinh, ruộng 7000 thửa.
Nhìn con số trên, ta thấy Cửu Khố (còn gọi 9 trường biệt nạp), dành cho vùng đất ở xa Trấn Biên và Phiên Trấn (sau này là Trấn Định, trở thành Mỹ Tho), gồm các thuộc :
Cảnh Dương, Thiên Mụ, Hoàng Lạp, Ô Tất (đóng thuế về Phước Long).
Tam Lạch, Quy An, Bả Canh, Ba Lai, Rạch Kiến (đóng thuế về huyện Tân Bình, vùng Sài Gòn).
Tài liệu của Nguyễn Khoa Thuyên cũng nêu rõ quân số, các nơi trú quân của chúa Nguyễn. Nhiều thủ ngự đặt ở Tiền giang và Hậu giang gần vàm rạch mà ta tin rằng ở vùng phụ cận có thôn xóm khá sung túc : vàm Ông Chưởng, Tân Châu, chợ Thủ, Sa Đéc, Vũng Liêm, Láng Thé, Lấp Vò, Trà Ôn, Cần Chung (Cần Chong nay là Tiểu Cần), cù lao Tân Dinh, Bắc Trăng (thuộc Trà Vinh).
Thành tích này khá lớn lao : những vùng đất phù sa ven sông rạch, những cù lao thuận lợi cho việc canh tác cổ truyền (ruộng cày, mỗi năm một mùa gặt) đều có người chú ý đến, không bỏ sót. Đồng bằng Cửu Long hơn đồng bằng Đồng Nai rõ rệt về mặt canh tác, sản xuất lúa gạo, với nhiều triển vọng tươi sáng hơn.
Trước 1776, thương cảng lớn nhất của miền Nam là cù lao Phố.
Năm 1776 và 1777 quân Tây Sơn tràn vào Gia Định, đánh cù lao Phố “chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Quy Nhơn”.
Nông Nại Đại Phố tức là thương cảng cù lao Phố suy sụp luôn, thương gia Hoa kiều bèn kéo nhau xuống vùng Chợ Lớn ngày nay để lập chợ Sài Gòn, sát với chợ Tân Kiểng thành hình từ trước 1770.
Thương cảng Sài Gòn (nên hiểu là Chợ Lớn ngày nay) thành hình và phát triển nhanh từ năm 1778. “Từ khi Tây Sơn nổi lên, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời đậu ở sông Tân Bình (sông Sài Gòn)”. Nhưng 4 năm sau, năm 1782, Nguyễn Nhạc tới 18 thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm bại, hộ giá Ngạn của Tây Sơn tử trận. Nhạc nhận ra bọn phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa gồm nhiều người Tàu theo giúp Nguyễn ánh. “Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”.
Ngoài việc trả thù riêng người Tàu, Nguyễn Nhạc còn có dụng tâm tiêu diệt đầu não kinh tế của miền Nam, nơi chúa Nguyễn nắm được nhân tâm từ lâu.
Suốt thời gian tẩu quốc và phục quốc, Sài Gòn được xem là kinh đô của Nguyễn ánh (1779—1801).
Sài Gòn được ưu thế là gần vùng Mỹ Tho và Long Hồ. Việc chuyên chở lúa gạo và sản phẩm từ Tiền giang tuy khó khăn nhưng lúc bấy giờ kinh rạch vẫn tương đối thuận lợi cho loại ghe có sức trọng tải nhẹ. Nhìn trên bản đồ, ta thấy sông rạch chằng chịt ; vào mùa mưa nước sông tràn đầy, nhưng mùa nắng thì nhiều khúc không lưu thông được, hoặc lưu thông khó khăn phải sang qua ghe nhỏ, kéo bằng sức người hoặc sức trâu, sông rạch lại quanh co, không đủ nhân công để vét. Công trình đào kinh khởi đầu với sáng kiến của Nguyễn Cửu Vân để cố gắng nối liền sông Vũ Gù (Vàm Cỏ Tây) qua sông Mỹ Tho tức là Vàm Cỏ Tây qua Tiền giang, sau lại đào sâu thêm. Tuy nhiên, vì có giáp nước khiến phù sa hai đầu dồn vào nên bị cạn, thuyền to phải chờ khi nước lớn mới qua lại được. Đã có tạm đường thông thương từ Mỹ Tho qua Vũng Gù. Vũng Gù thông qua Vàm Cỏ Đông đến Bến Lức, theo đường nước đến Ba Cụm rồi theo sông Bình Điền đến Chợ Lớn. Năm 1772, Nguyễn Cửu Đàm (con của Nguyễn Cửu Vân) đào kinh Ruột Ngựa, nối liền Rạch Cát đến kinh Lò Gốm mà trước kia ghe thuyền không qua lại được, chỉ có “một đường nước đọng móng trâu”. Phía Gò Công, Cần Giuộc cũng có đường thủy lên Rạch Cát. Phía Hậu giang, khi tranh chấp bằng quân sự với Tây Sơn, Nguyễn ánh vẫn tấn thối theo đường sông từ Sài Gòn Gia Định đến tận Sa Đéc, Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá.
Dời đến Sài Gòn thì thể thức phân phối và tích trữ hàng hóa không được thuận lợi như lúc ở cù lao Phố : “Khi thuyền cặp bến, không có chủ lớn bao trữ nên phải gánh đến các chợ bán lẻ linh tinh, kịp khi muốn mua thổ hóa đem về, thì đi tìm đông hỏi tây rất nhọc sức. Lại có bọn thổ côn giả dạng làm người giàu có nói dối, mua xong rồi tìm nơi trốn tránh, nếu mất số vốn một ít thì còn gắng chịu mà về, thảng hoặc mất vốn quá nhiều thì phải cầm ghe lấy tiền ở đến mùa đông để truy tầm bọn ấy, làm cho kẻ viễn thương ngày càng cực khổ”.
Tệ đoan xảy ra vì địa bàn hoạt động của Sài Gòn rộng hơn cù lao Phố, nhưng chỉ là lúc giao thời. Về sau, cũng chính thương gia Huê kiều đứng ra tổ chức hệ thống mua bán hoàn hảo hơn.
ở vàm Hậu giang, từ lâu người Miên sống tập trung tại vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) trên đất giồng cao ráo, làm ruộng khéo léo, gạo nổi tiếng là ngon. Thay vì chở lên Sài Gòn, thương gia địa phương đứng ra chịu mối với các ghe buôn từ nước ngoài đến. Một thương cảng thành hình từ xưa, phỏng đoán là ở vùng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay) nơi sông Ba Xuyên ăn thông ra Hậu giang. Theo nhựt ký của cố đạo Levavasseur vào năm 1768, thì thương cảng này mang tên là Bassac thành lập ở mé sông, nơi đất thấp với nhà lợp lá. ở đây dùng tiền quan (quan 600 đồng của Việt Nam) ; một đồng bạc Con ó trị giá 5 quan tức là 3000 đồng. Chợ bán gạo, nhiều loại trái cây, rau, gà vịt, heo. Phải chờ nước lớn ghe thuyền mới vào được. Thuyền chủ toàn là Trung Hoa, dân ở chợ đa số là người Trung Hoa, quan cai trị là người Cao Miên. Thuyền buôn đều của người Trung Hoa, đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để mua gạo và mua đường. Không hiểu họ đem tới đây bán những món gì.
Nên nhắc đến thương cảng Hà Tiên mà các thương gia ngoại quốc thường đề cập tới, được phồn thịnh một thời nhờ xuất cảng sản phẩm của Cao Miên phần lớn, khi Mạc Cửu và Mạc Thiên Tử còn hưng thời.
Việc tổng động viên năm 1789
Cuộc tranh chấp bằng võ lực giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh làm nguy hại cho nông nghiệp. Nói chung thì quân Tây Sơn không thâu phục được nhân tâm, trừ một trường hợp là cuộc chiến thắng quân Xiêm ở rạch Gầm, Xoài Hột vào năm 1874. Quân Xiêm do hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương với lực lượng hùng hậu kéo đến nhưng Trịnh Hoài Đức, người viết sử thiên vị rõ rệt về phe Nguyễn ánh cũng đã thú nhận : “Binh Tiêm đến đâu đều cướp bóc khó bề hạn chế nên vua (Nguyễn ánh) lấy làm lo. Đã vậy mà binh Tiêm lại kiêu hãnh, lòng dân bất phục”. ở trấn Vĩnh Thanh, trong lúc Tây Sơn vào chiếm cứ thì dân chúng “đều chôn cất của cải không dám phơi bày ra, cho nên bọn cường đạo không cướp lấy được vật gì”. “Chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chàm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc làm một đại đô hội rất phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cứ, đổi làm chiến trường, đốt phá gần hết, từ năm 1788 trở lại đây, người ta lần trở về, tuy nói trù mật nhưng đối với lúc xưa chưa được phân nửa”.
Chánh sách của Tây Sơn ở miền Nam là phá căn cứ địa, chận các đường thủy từ Sài Gòn, Cần Giờ đến vùng vàm sông Cửu Long, chận các vị trí chiến lược nối Tiền giang qua Hậu giang, Hậu giang đến vịnh Xiêm La, từ vùng Long Xuyên (Cà Mau) ra Phú Quốc, qua Xiêm. Thủy quân của Tây Sơn đồn trú hoặc tuần tiểu tới lui vùng Băng Cung, Ba Thắc, Phú Quốc, vàm sông Mân Thít, Trà Ôn, Sa Đéc, sông Ba Lai. Khi chiếm đóng, chính sách kinh tế và việc tổ chức hành chính thay đổi như thế nào ? Nguyễn Huệ chịu trách nhiệm từ Huế ra Bắc phần. Nguyễn Lữ, phò mã Trương Văn Đa, lưu thủ Hóa ở đất Gia Định khong biểu dương được tài năng gì lạ ngoài những hàng động quân sự.
Quân Tây Sơn bị cô lập ở đất Gia Định vì những lý do sau đây :
— Dân khẩn hoang mang ơn các chúa Nguyễn, họ được khá giả hơn lúc ở miền Trung, đất tốt còn nhiều, chưa cần một chánh sách điền địa mới, hoặc một sự thay trào đổi chúa.
— Quân Tây Sơn không thâu phục được người Huê kiều (đốt chợ cù lao Phố, đốt chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, phá chợ Mỹ Tho), là hậu thuẫn kinh tế cho Nguyễn ánh.
— Người Cao Miên ở Trà Ôn, người Đồ Bà (Chà Châu giang) đều có cảm tình và tích cực ủng hộ Nguyễn ánh, nhờ đường lối chính trị mềm dẽo. Lúc bấy giờ quân Tây Sơn nặng lo những vấn đề ở Bắc hà (cựu thần nhà Lê) và còn lo đối phó với quân nhà Thanh. Quân Tây Sơn đánh giá quá thấp sức chịu đựng của Nguyễn ánh, nhứt là chuyện Nguyễn ánh cầu viện với nước Pháp. Pháp quốc lúc bấy giờ đang nuôi nhiều tham vọng, việc tổ chức quân đội của Pháp đạt kỹ thuật cao, với hải quân mạnh và võ khí tốt. Hành động của Bá Đa Lộc tuy phiêu lưu nhưng gây nhiều hậu quả trầm trọng. Tháng 9 năm 1788, chiến thuyền và sĩ quan Pháp đến trong khi Nguyễn Huệ lo ứng phó với Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long.
Tháng 8 năm 1788, Nguyễn ánh thâu phục thành Gia Định. Tại Gia Định năm ấy lập ra kho Bốn Trấn làm kho chung cho cả bốn trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Định Tường để thâu trữ thuế khóa, chi cấp bổng hướng. Tháng sáu năm 1789, Nguyễn ánh đưa ra chánh sách rõ rệt, lấy việc tăng gia sản xuất làm trọng, đặt ra các điền toán gồm 12 người (trong đó có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh) đi khắp bốn dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định để đốc xuất dân chăm làm việc ruộng. Ai không làm ruộng phải đi lính. Ai làm ruộng đất tốt được 100 thúng lúa, hoặc làm ruộng đất xấu được 70 thúng lúa trở lên thì được tưởng thưởng, nếu là phủ binh (binh lính phục vụ tại các công sở) được miễn một năm khỏi làm việc quan (làm xâu). Những người dân lậu (không vô sổ bộ) có thể làm ruộng dưới quyền chăm sóc của các quan điền toán, xem như là lính, nếu thiếu vốn thì được vay trước, sau sẽ trả.
Vào tháng 10 năm 1890, ngài đặt thêm sở Đồn Điền nhằm khuyến khích quân sĩ tại ngũ tích cực cày cấy, bấy lâu vì chiến tranh nhiều vùng đất phải bỏ hoang. Binh sĩ thuộc dinh Trung quân và quân các vệ thuyền đến khẩn ruộng tại Tháo Mộc Câu (sông Vàm Cỏ) gọi là trại Đồn Điền, nhà nước cấp ngưu canh điền khí và lúa giống, đậu, bắp giống, hễ cắt hái xong rồi đem nạp vào kho, chánh cơ Nguyễn Bình coi việc ấy.
Các quan địa phương phải lập đội đồn điền, mỗi năm một người trong đồn điền nạp 6 hộc lúa, ai mộ được 10 người trở lên cho làm quản trại, trừ tên trong sổ làng (khỏi đi lính).
Về mặt quân sự, ngài sai lựa quân chiến tâm, tức là quân tinh nhuệ, hết lòng đánh giặc, tập luyện kỹ càng được cấp lương và tiền rất hậu.
Để tích trữ thêm lúa gạo phòng khi hành quân tái chiếm các thành ở miền Trung, ngài đặt ra lúa thị túc, thị nạp, tức là thứ thuế phụ thu (ngoài thuế điền).
— Năm 1792, mỗi người nộp thuế thị túc từ 1 đến 5 phương.
— Năm 1799, vùng Bình Định, Phú Yên mỗi mẫu ruộng nộp 17 thăng gạo.
— Năm 1800 ở Gia Định, mỗi người nạp 2 phương, người già tàn tật nộp phân nửa. Ruộng một mẫu nộp một phương gạo; một phương gạo bấy giờ trị giá 7 tiền 30 đồng. Những năm dùng binh, số thuế và số thị túc phụ thu vẫn không đủ để chi tiêu, nhà nước thu trước thuế năm tới. Về thuế ruộng, mỗi năm nhà vua thâu hai kỳ.
Nhà nước giữ độc quyền mua những hóa hạng liên hệ tới nhu cầu quân sự như kẽm, sắt, đồ đồng, diêm, lưu hoàng. Năm 1791, đặt thêm lệ về việc khẩn hoang : sau khi khẩn, 3 năm mới thâu thuế, ai muốn khẩn thì nộp đơn trong thời hạn ngắn là 20 ngày, quá thời gian ấy, đất hoang sẽ giao cho quân sĩ cày cấy, dân không được giành nữa.
Lúa gạo đất Gia Định tích cực góp phần vào việc phản công của Nguyễn ánh. năm 1795 và 1796, chở tiền gạo ở Gia Định ra trữ tại thành Diên Khánh. Năm 1799 lúc ngài ra Quy Nhơn, quân lính lại chở thêm quân lương, “chẳng hề thiếu thốn”. Năm 1802, sử chép là Gia Định đói lắm, ngài sai quan trấn phát gạo kho cho dân mượn, cùng ra lịnh giảm thuế ruộng cho tỉnh Gia Định. Phải chăng vì lúa gạo dùng vào việc quân quá nhiều ?
Tháng 2/1790, Nguyễn ánh cho xây thành Sài Gòn, theo hình bát quái (còn có tên là Quy Thành) kiểu thành Vauban của Pháp (do Olivier de Puymanel vẽ kiểu và coi xây cất). Đây là Gia Định kinh, Nguyễn ánh xem như kinh đô của mình, với thái độ tự tin. Từ thành này có đắp quan lộ lên Biên Hòa, và quan lộ xuống Trấn Định (Mỹ Tho) đến Cai Lậy, đường rộng 6 tầm, hai bên đường có trồng cây mù u và cây mít là thứ cây thổ nghi.
Nguyễn ánh tự tin là phải. Bấy giờ lúa gạo Gia Định có nhiều, quân sĩ đang thừa thắng, một số sĩ quan Pháp lại trực tiếp giúp đỡ. Ngài ra lịnh tấn công Quy Nhơn lần thứ nhất (1790). Nguyễn Huệ băng hà, lại có cuộc tấn công lần thứ hai, lần thứ ba để rồi năm 1801, đến Huế.
Về sau, năm 1814, vua Gia Long còn nhắc nhở : “Gia Định là nơi trung hưng, ngày xưa chỉ có một đám đất và một toán quân mà khôi phục đất cũ”. Nên nói thêm rằng đó là “đám đất” tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng tốt, gồm đất giồng và đất cù lao của Đồng Nai và Cửu Long, và toán quân không quá đông đảo nhưng gồm toàn những nông phu đã chịu cực khẩn hoang, đến khi đi lính cầm gươm rồi mà còn phải cày cấy, phải đóng thuế. Đó là hình ảnh của Võ Tánh với 10000 quân ở vựa lúa Gò Công xin theo chân ngài.
Nguyễn ánh vĩnh viễn rời đất Đồng Nai để về Huế đô, nhưng đất Đồng Nai, Gia Định vẫn còn giữ vai trò cũ : vai trò vựa lúa, vai trò tiền đồn của nước Việt. Vua Cao Miên và vua Xiêm càng thèm thuồng vùng đất phì nhiêu này.
Những năm thái bình đời Gia Long
Gia Long xưng Hoàng đế ở Huế, vùng Gia Định dứt nạn binh đao trong khoảng thời gian ngắn, nhưng là khá dài so với thời chúa Nguyễn và các trào vua kế tiếp. Từ Bình Thuận trở vào, về mặt hành chánh đặt ra Gia Định thành với quan Tổng trấn cầm đầu, nắm khá nhiều quyền hạn, lãnh coi các việc binh dân, xâu thuế và hình phạt của năm trấn : Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Lại coi luôn trấn Bình Thuận về mặt quân sự. Dân số lần hồi đông đúc, các tổng trước kia đa số đều thăng làm huyện, huyện thăng làm phủ.
Việc phồn thịnh của thương cảng Sài Gòn và lỵ sở của các trấn được ghi khá đầy đủ qua Gia Định thành Thông chí do Trịnh Hoài Đức, người đương thời biên soạn. Đường giao thông vận tải nắm ưu thế vẫn là đường thủy. Du khách Hoa Kỳ là John White năm 1819 có đến Sài Gòn, ghi lại trong quyển sổ tay như sau :
— Thành lũy Sài Gòn xây bằng đá ong, kế bên một cơ thủy trại, gần đó là xóm nhà của dân cư gồm những lều lụp xụp, thấp hẹp. Xóm buôn bán ở về hướng Đông. Khi đức Gia Long dẹp yên giặc Tây Sơn thì dân chúng tụ về thành rất đông. Họ sửa sang nhà cửa lại mới, một phần lớn các gia đình này dồn về hướng Tây của thành lũy nhà vua”. ... “Thời buổi ấy, dọc theo hai bên bờ sông và bờ kinh rạch có vài chỗ đã được cẩn đá hay xây gạch kỹ càng, chạy nối dài non ngàn thước tây. Về công lộ, có đường đã lót đá nguyên miếng lớn dễ coi, nhưng phần nhiều vẫn quanh co uốn khúc và không được săn sóc tu bổ nên không được sạch”.
Về nhân số thì thành Sài Gòn phỏng độ lối :
— 180 000 dân bổn thổ
— 10 000 người Trung quốc.
Năm 1822 “lại có một thú y sĩ qů danh là ông Finlayson tháp tùng phái đoàn Crawfurd cũng có đến viếng Sài Gòn. Finlayson viết : Sài Gòn gồm hai thành phố, mỗi cái đều rộng lớn bằng kinh đô nước Xiêm La, ấy là :
— Sài Gòn.
— Pingeh.
Nên hiểu Pingeh là Bến Nghé (Sài Gòn ngày nay), còn Sài Gòn là Chợ Lớn ngày nay.
Mức sản xuất lúa gạo lúc bấy giờ gia tăng như thế nào ?
Chúng ta không có con số cụ thể. Chỉ biết là năm 1804, vua Gia Long sai các quan địa phương trữ lúa thuế vào kho cho nhiều. Kho Đồn Điền của Gia Định thành dựng năm 1805 gồm hai dãy kho ngói, mỗi dãy gồm sáu gian, trữ số lúa đồn điền để làm số lưu trữ, còn dư thì trữ theo kho ở các trấn.
Năm 1804, nước Lữ Tống (Phi Luật Tân) đói, xin đong gạo Gia Định, vua cho đong 500000 cân gạo, năm 1817 vùng Long Hồ, Sa Đéc đủ sức bán cho Cao Miên, nhân nạn đói đến 10000 hộc lúa. Năm 1816, có lịnh cấm thuyền buôn không được chở lúa gạo ra nước ngoài. Đường thủy cũng được tu chỉnh lại, nhằm chuyên chở lúa gạo từ sông Cửu Long lên Sài Gòn : năm 1819, sửa lại cho rộng và cho sâu con kinh nối liền từ Vũng Gù (Tân An) đến rạch Mỹ Tho mà Nguyễn Cửu Vân đã cho đào từ năm 1705, dùng non 10000 dân phu trong trấn Định Tường. Đào xong, vua đặt tên là Bảo Định Hà.
Cũng năm 1819, sai Huỳnh Công Lý đốc xuất dân phu đào con kinh nối liền từ cầu Bà Thuông (Thị Thông) đến kinh Ruột Ngựa (kinh Ruột Ngựa đào từ năm 1772), vua đặt tên là An Thông Hà vừa rộng, vừa sâu, hai bên bờ để đất trống, đưa sản phẩm từ Tiền giang lên Sài Gòn “dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng, thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả, thật là tiện lợi”.
Hương binh được bãi cho về cày ruộng (1810). Lúc chiến tranh, nhiều cường hào lợi dụng thời cơ, chiếm đất của dân nên vua định lệ quân cấp công điền công thổ (1804), và công điền công thổ không được bán vì bất cứ lý do gì. Ai làm ruộng ẩn lậu, không khai báo để đóng thuế thì có thể mất đất, đất giao cho người tố giác.
Vấn đề cho vay được đặt ra, trên nguyên tắc một vốn một lời (tức bất quá bổn), người cho vay trái phép và con nợ lường gạt đều có tội. Từ năm 1806, khi mất mùa vì thiên tai, hạn hán, lụt lội thì có lệ là chủ ruộng phải khai báo trước khi gặt để được miễn thuế. Khai báo gian hoặc quan lại mà giấu không chịu khai báo thì tội đồng nhau. Khi thâu thuế có người đáng tin cậy ngồi coi, đề phòng nạn người coi kho làm khó dân, chê lúa xấu tốt, đong ít đong nhiều để ăn hối lộ.
Trịnh Hoài Đức ghi chép rằng người địa phương ít dùng những địa danh về hành chánh. Họ dùng tên của “những lỵ sở hoặc chỗ nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu” mà gọi đại khái, tổng quát.
Trong dân gian gọi trấn Biên Hòa là Đồng Nai Bà Rịa, trấn Phiên An là Bến Nghé Sài Gòn, trấn Định Tường là Vĩnh Gù Mỹ Tho, trấn Vĩnh Thanh là Long Hồ Sa Đéc, trấn Hà Tiên là Cà Mau Rạch Giá.
Trong một trấn tại sao chỉ chọn lựa hai vị trí, và tại sao lựa vị trí này mà không lựa vị trí khác ? Dân gian nói thành thói quen ắt có lý do riêng. Theo chúng tôi nghĩ đó là họ muốn xác nhận nơi làm ăn sung túc, “làm ăn“ có nghĩa là mua bán, cày cấy.
Sài Gòn là thành phố của người Trung Hoa dựng lên lúc ban đầu, nặng về bán sỉ, trong khi thành phố Bến Nghé do người Việt xây dựng về sau, nặng về bán lẻ và là khu hành chính. Vũng Gù tức là chợ Tân An ngày nay, tuy không có chợ lớn nhưng đáng chú ý nhờ khẩn hoang lâu đời, đất khá tốt. Sa Đéc nằm trong trấn Vĩnh Thanh, là nơi sung túc dân cư trù mật, sống nhờ huê lợi ruộng tốt và vườn cây ăn trái. Trấn Hà Tiên, với lỵ sở nổi danh là đẹp nhưng nghèo, không thể sản xuất đủ lúa gạo, cá mắm, chỉ có vùng chung quanh chợ Cà Mau và chợ Rạch Giá là dễ đánh lưới và làm ruộng dễ trúng mùa, tàu buồm Hải Nam ra vào chở cá khô, gạo.
Gia Định thành Thông chí (trong mục Cương Vực Chí) đã nêu rõ danh sách các huyện, tổng, thôn ở toàn cõi Gia Định thành hồi đời Gia Long. Vùng nào tập trung nhiều làng xã trên diện tích nhỏ thì nhứt định là đất tốt, khẩn hoang có kết quả. Vùng nào có quá ít làng xã trên diện tích quá rộng thì đất xấu. Nguyên tắc lập làng xã là có người, tức là dân bộ. Dân bộ phải nhiều đến mức nào đó (thường là 10 người) mới lập được một làng.
Mục Cương Vực Chí giúp ta thấy hình ảnh khá rõ rệt về tình hình khẩn hoang lúc bấy giờ. Một thí dụ cụ thể là vùng Kiến Hòa ngày nay (tức là khái quát vùng cù lao Bảo và cù lao Minh của Bến Tre thời Pháp thuộc) tuy diện tích nhỏ nhưng là một huyện, lấy tên là huyện Tân An với hai tổng Tân Minh 72 thôn và An Bảo 63 thôn. Riêng tổng Hòa Bình (vùng Gò Công, Chợ Gạo và An Hóa) có đến 86 thôn, không kém vùng đông dân Sài Gòn, Chợ Lớn.
Trong khi ấy, một huyện ở vùng khó khẩn hoang với diện tích to rộng chỉ có 37 thôn : huyện Vĩnh Định, bao gồm phía hữu ngạn Hậu giang, từ biên giới Châu Đốc đến vàm Ba Thắc ở biển Nam Hải và chưa phân ra thành tổng như ở miệt trên;
Một nơi khác, đất phèn và nước mặn là mũi Cà Mau (nay là An Xuyên và một phần của Bạc Liêu) chỉ có 40 xã thôn. Vùng Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay, trừ Hà Tiên) gồm một huyện với 2 tổng, tổng thứ nhứt là Kiên Định có 7 thôn, tổng thứ nhì là Thanh Giang có 4 thôn. Trong số này lại có những nậu, những thuộc, tức là xã thôn chưa thành hình đầy đủ.
Đồng ruộng ở Sài Gòn gồm dân số đông đúc, lúa bán cao giá, hoa màu phụ dễ khai thác: Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Vấp, hoặc phía Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây, Bình Đông.
Những con số trên chỉ ghi những thôn xã do người Việt Nam thành lập. Phía Hậu giang, ruộng nương chưa đến đổi ít oi, dân số không quá thưa thớt, chỉ vì phần Cương Vực Chí không ghi lại nhân số, diện tích các sốc Cao Miên, tập trung ở vùng Trà Vinh, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng.
Riêng về vùng gần chợ Hà Tiên ghi 6 phố, sở của người Tàu, 26 sốc Cao Miên và 19 xã thôn Việt Nam (trong số này có 12 thôn ở đảo Phú Quốc).
“Huyện Kiến Hòa đất ruộng phì nhiêu, mênh mông bát ngát. Nhiều người lo việc canh nông làm gốc, trong nhà có chứa vựa lúa gạo đầy dẩy”. Mục Phong Tục Chí của Trịnh Hoài Đức ca ngợi trường hợp huyện Kiến Hòa (trấn Định Tường). Định Tường lúc bấy giờ khá rộng rãi, huyện Kiến Hòa nói trên bao gồm trọn vùng Gò Công, vùng Chợ Gạo, luôn cả vùng đất giữa sông Ba Lai và Cửa Đại (tức là An Hóa ngày nay). Vùng Gò Công nổi danh đất tốt, gạo ngon. Đất ở bờ Cửa Tiểu và Cửa Đại là phù sa cao ráo. Nói riêng về từng trấn, Định Tường (với Gò Công làm nòng cốt) là vựa lúa quan trọng nhất của xứ Gia Định.
Về đất ruộng, ở nơi có núi đồi và có đồng bằng như miền Trung, theo lệ từ lâu, cứ phân chia ra sơn điền và thảo điền. Sơn điền có năng xuất kém, thảo điền năng xuất cao, vì vậy mà trong việc quy định thuế điền, luôn luôn thảo điền chịu thuế cao hơn.
ở vùng đồng bằng Cửu Long, để tiện việc thuế khóa, nơi nào đất mới trưng khẩn thì khai là sơn điền (mặc dầu không có núi) để chịu thuế nhẹ, vài năm sau khi đất đã thành thục (trở thành đất thuộc) thì nâng lên làm thảo điền.
Ruộng ở đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long chia ra hai loại, đứng về mặt kỹ thuật cày bừa mà xét (sự phân biệt này qua thời Pháp thuộc vẫn còn) :
— Đất cày
— Đất phát
Ruộng đất cày thường là tương đối cao, chờ mưa mới cày, thường là khai thác lâu năm, nếu không cày thì mặt đất quá cằn cỗi thiếu chất màu mỡ, cày để trộn đất lên.
Vùng Phiên An, Biên Hòa gồm loại ruộng cày.
Ruộng đất phát là đất thấp, còn mới, ít khai thác, mặt đất còn nhiều cỏ và phân, nếu cày thì đất phèn phía dưới lại trồi lên làm hư lúa (Trịnh Hoài Đức ghi là “trạch điền” để chỉ loại đất phát này).
Muốn làm ruộng đất phát, khi sa mưa, nước lên cỡ ba tấc tây thì phát cỏ (Trịnh Hoài Đức dùng chữ trảm phạt, nhưng không nói rõ là phát bằng thứ dụng cụ gì). Theo ý kiến chúng tôi, nông dân thời ấy dùng cây phãng mà người Miên đã dùng từ trước. Phãng giống như cây mã tấu, cán phãng uốn lại theo góc thước thợ, lưỡi phãng dài cỡ bảy, tám tấc tây. Người phát cứ đứng nghiêng mình mà chém, dùng cây cù nèo gạt cỏ qua một bên rồi chém tiếp. Phát cỏ xong xuôi, dùng cây bừa cào thứ to mà dọn cho đất trống trải, sau đó là cấy với cây nọc (đất không cày nếu dùng tay mà cấy thì không tài nào khoét lỗ để nhét cây mạ được).
Ruộng đất phát (trạch điền) ở Vĩnh Thanh một hộc giống thâu được 300 hộc, trong khi ruộng cày ở Phiên An, Biên Hòa một hộc lúa giống chỉ đem lại 100 hộc.
Giống lúa sạ (lên cao theo nước lụt) tuyệt nhiên không thấy nhắc tới. Lúc bấy giờ, việc mua bán, liên lạc với Cao Miên cũng khá thường xuyên. Lúa sạ có nhiều ở Cao Miên, tại sao ta không cho du nhập để giải quyết việc trồng tỉa ở phần đất rộng mênh mông phía Đồng Tháp Mười và phía Châu Đốc ? Theo thiển ý chúng tôi, bấy giờ đất giồng ở bờ sông còn nhiều, chưa cần khai thác quá xa tận vùng Châu Đốc và Đồng Tháp. Vả lại, lúa sạ không ngon cơm, bán thấp giá trên thị trường.
Trong Gia Định thành Thông Chí, không lời lẽ nào đề cập đến lối canh tác một năm hai mùa ruộng (khi người Pháp chiếm nước ta hồi cuối thế kỷ 19, ở Nam kỳ vẫn chưa làm một năm hai mùa). Ruộng hai mùa đòi hỏi đất cao ráo, để có thể đắp bờ mà giữ nước hoặt tát nước vào ruộng cạn. Đắp bờ và tát nước đòi hỏi nhân công, các thửa ruộng phải liền lạc, gần nhau. Người nông phu lúc bấy giờ vì đất còn tốt và rộng nên chưa nghĩ đến cách khai thác thâm canh ấy. Lúc rảnh rỗi, họ trồng đậu, bắp khao dễ sinh lợi và ít tốn công hơn.
Doãn Uẩn từng là thự án sát tỉnh Vĩnh Long vào năm 1833 (sau làm đến Tổng đốc An Hà) ghi lại vài chi tiết về cách làm ruộng : “Việc trồng lúa thì cứ phát rạp lau sậy, bừa cỏ hai ba lần rồi cấy, không phí sức nhiều. Như đã cấy rồi thì không cần trông nom tới, cũng khỏi phải lo nước hạn. Vào những tháng 7, 8, 9 lục tục cày cấy, đến những tháng 11, tháng chạp mới lần lượt gặt hái, rồi gom nhóm lại để ngay ngoài ruộng, tới ra giêng lối tháng 2, tháng 3 mới cho trâu đạp lấy lúa hột”. “Cổ nhân nói : Xuân canh, hạ vân, thu thâu, đông tàng xét ra không thể hoàn toàn đúng với mọi vùng, hoặc thổ ngơi không điều hợp, thổ tục thì theo thói quen mà làm, hoặc giả khí hậu có sớm có tối khác nhau, riêng tôi cũng chưa thấu đạt được vậy. Cũng như nói về hoa quả, tại nhiều tỉnh dưa đều đại khái chín vào mùa hạ, mà Nam Kỳ lại chín vào đông xuân. Tại Bắc kỳ, sen nở mùa hạ, mà Kinh kỳ (Huế) lại trỗ bông vào giữa thời gian giao mùa đông xuân, còn Nam kỳ thì bốn mùa sen đều có hoa cả”.
Về phong tục ở miền Nam lúc bấy giờ, Trịnh Hoài Đức ghi lại khá nhiều chi tiết, xin lược kê vài đoạn, chứng tỏ việc khẩn hoang đem lại mức sống sung túc : “ở Gia Định, có khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo, mà lại có nhiều người lậu xâu, trốn thuế đi đến xứ này ẩn núp, bởi vì có chỗ dung dưỡng vậy”. “Đất Gia Định nhiều sông, kinh, cù lao, bãi cát nên trong 10 người đã có 9 người biết nghề bơi lội, chèo thuyền, lại ưa ăn mắm, ngày ăn ba bữa cơm mà ít khi ăn cháo”. Lại có thói đùa cợt, bằng cách thách đố nhau ăn hoặc uống thật nhiều. Doãn Uẩn chép : “Cũng có kẻ nghèo phải đi ăn xin, nhưng mỗi tháng họ chỉ đi xin một lần cũng đủ sống rồi. Họ thường tựu nhau nơi đình miếu, mỗi người đều có mùng màn riêng. Trộm cắp cũng ít xảy ra, trâu thì có chuồng nhốt ngoài đồng”. Họ rất thích ca hát, không ngày nào là không có múa hát.
Người Tàu còn khai thác ruộng muối ở vùng biển Sóc Trăng (Ba Thắc). Biên Hòa nổi danh với nghề trồng mía, làm đường. Rừng Tây Ninh sản xuất nhiều gỗ tốt, đặc biệt là dầu rái để trét ghe, làm đuốc.


Chương 1 - 2

Nhu cầu xác định vùng biên giới Việt Miên


Đời Gia Long, vấn đề biên giới ở Gia Định thành được tạm ổn định. Các hải đảo quan trọng đều có người Việt đến khai thác. Tại đảo Côn Lôn lúa, bắp, khoai, đậu tuy không đủ dùng nhưng dân ở đảo kết đoàn làm binh sĩ, gồm 3 đội, khai thác hải sản, trồng cau. Giặc cướp Mã Lai chỉ đến khuấy rối tạm thời. Đảo Phú Quốc phía vịnh Xiêm La được bố trí phòng thủ cẩn thận, dân Phú Quốc đã từng hết lòng ủng hộ lúc Gia Long tẩu quốc, gồm 12 thôn xã và thuộc. Hòn Sơn Rái có dân, lập thành một thôn.
Riêng về Hà Tiên thì không còn quan trọng, từ khi bị giặc Xiêm đốt phá năm 1771. Hậu duệ của họ Mạc tuy được Gia Long chiếu cố nhưng thiếu tài kinh bang tế thế, vả lại, trọng tâm việc thương mãi đã nghiêng hẳn về phía Sài Gòn, Đà Nẵng ; việc mua bán với Cao Miên thì đã có Sa Đéc, Cái Bè. Vua Gia Long cho các tàu buôn và ghe buôn ở hạt Hà Tiên được miễn thuế (1810), đồng thời di chuyển một số quan lại, viên chức ở bốn trấn miền trên đến tăng cường cho trấn Hà Tiên, gia tăng binh sĩ để lo việc tuần phòng giặc biển. Năm sau (1811) vua cho Trương Phước Giáo và Bùi Đức Mân đến Hà Tiên để tu chỉnh thành phố, chiêu dụ lưu dân : người Trung Hoa, người Cao Miên, ngườiChà (gọi là chà Châu Giang), đều có dành khu vực cư trú riêng, khá phân minh. Tuy nhiên, thương cảng Hà Tiên không sao hưng thịnh được như trước.
Vua Gia Long đặt quan bảo hộ ở Cao Miên, nhưng như đã nói, đối thủ của dân Việt Nam vẫn là vua Xiêm với chính sách hung hăng đang tìm cách mở rộng biên giới. Từ năm 1795, Xiêm chiếm cứ luôn vùng Battambang và Siemrap của Cao Miên. Năm 1814, lấn luôn vùng Mélouprey và Stungtreng thuộc tả ngạn sông Cửu Long, thọc sâu giữa lãnh thổ Lào và Miên. Vua Xiêm còn có tham vọng “Nam tiến” xuống bán đảo Mã Lai.
Về mặt nội an, từ lúc tẩu quốc, Gia Long nắm được tình thế đối với các vùng tập trung sốc Miên. Năm 1780, người Miên ở Trà Vinh làm loạn, nhưng tướng Đỗ Thanh Nhân dẹp được với chiến thuật khá tinh vi. Năm 1757, nhờ lãnh tụ Miên là Nguyễn Văn Tồn theo chúa Nguyễn nên vùng Trà Ôn sống yên lành, chẳng có mầm mống phản loạn. Người Miên trở thành dân binh giữ an ninh, đóng đồn tại địa phương, họ hưởng chế độ tự trị khá rộng rãi, nhờ đó mà “những chỗ gò hoang đất trống đã được khai khẩn thành ruộng vườn trồng tỉa”. Vua Gia Long cũng ra lịnh cho quân và dân trong đất Gia Định trả lại những phần ruộng đất chiếm của người Cao Miên và không tán thành việc dùng người Miên làm đầy tớ (1816).
Việc bảo vệ biên giới Việt Miên
Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên không kém Bắc thành. Vua Gia Long đã quan niệm rõ rệt như thế. Bắc thành để ngăn ngừa nạn xâm lăng của Trung Hoa; Hà Tiên, Châu Đốc để ngăn ngừa giặc Xiêm và giặc Cao Miên.
Giữa ta và Cao Miên, biên giới có phần giáp vào trấn Phiên An và Đồng Tháp Mười, nhưng con đường chiến lược bấy lâu vẫn là sông Cửu Long, cụ thể là Tiền giang, nơi đối phương có thể từ Nam Vang đổ xuống nhanh chóng rồi thọc vào Định Tường. Về phía vịnh Xiêm La, còn Rạch Giá, Hà Tiên ở sát mé biển.
Đồn lũy ở Hà Tiên và Châu Đốc đã có từ lâu, kể cả đồn Tân Châu, đồn Sa Đéc.
Lằn ranh biên giới giữa ta và Cao Miên khi Cao Miên dâng đất Tầm Phong Long là vùng người Miên gọi là Méat Chruk (tức là mõ của con heo, ta âm lại là Ngọc Luật, Mật Luật), đại khái lấy sông Châu Đốc làm ranh giới. Đồn Châu Đốc ở phía tây sông Châu Đốc, thủ sở phủ Mật Luật Cao Miên ở bờ phía đông sông Châu Đốc, ấy là địa đầu quan ải trấn Vĩnh Thanh và nước Cao Miên. Vua Gia Long đặt tên vùng Châu Đốc là Châu Đốc Tân Cương, đặt chức Quản đạo. Từ đồn Châu Đốc đến vịnh Xiêm La, đường ranh giới quá mơ hồ : Vàm sông Châu Đốc (ngược về phía bắc) tiếp đến vùng Thất Sơn và rạch Giang Thành. Năm thứ 14 (1815), Gia Long ra lịnh cho trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường đem dân binh trong trấn hạt 3000 người để xây đồn, chung quanh có hào thông với sông cái, xây vào tháng chạp. Ngài giải thích với vua Cao Miên rằng đắp đồn Châu Đốc là để giữ yên trấn Hà Tiên, làm nơi tiếp ứng cho thành Nam Vang. Ngài muốn nói đến việc quân Xiêm sẽ can thiệp vào Cao Miên. Ngài ra lịnh xây đồn cho nhanh kẻo bận rộn đến việc cày cấy của đám người đi làm xâu. Đồn Châu Đốc vừa xây xong, vua Gia Long xem địa đồ, nêu ý kiến : “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thời nông thương đều lợi cả, ngày sau dân ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to”. Nhưng Nguyễn Văn Nhân tâu can nên ngài bỏ ý kiến ấy.
Tuy nhiên đó chỉ là bỏ tạm thời. Ngài muốn lập một trấn mới, tách ra khỏi trấn Vĩnh Thanh quá dài (trấn Vĩnh Thanh ăn từ biên giới Cao Miên đến biển Nam Hải). Ngài muốn cho lưu dân quy tụ để mở đất. Một người Tàu làm quan cho ta bên Cao Miên tên là Diệp Hội được gọi về, bấy lâu Diệp Hội được tiếng là mẫn cán “xử việc gì dân cũng bằng lòng”. Diệp Hội được cử làm Cơi phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Thổ và người Tàu vào đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi súc vật, buôn bán hay làm nghề gốm, cho tùy nghề nghiệp làm ăn, người nào thiếu vốn thì nhà nước cho vay. Lại truyền dụ quan Tổng trấn Gia Định rằng : dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích khiến dân được an cư lạc nghiệp, chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên.
Vua Gia Long hiểu rõ tình hình vùng biên giới Châu Đốc ; xứ này có đồi núi, chăn nuôi súc vật dễ dàng ; từ xưa, người Miên giỏi về nghề làm đồ gốm, nên thử cải tiến lại. Rất tiết là đất ở vùng Thất Sơn quá xấu, chỉ có thể làm nồi, cà ràn, gạch ngói, chớ không làm tô chén được. Việc quy dân lập ấp lúc bấy giờ cũng khó vì dân Việt thưa thớt ; ở phía nam, gần Cần Thơ và gần Vĩnh Long còn nhiều đất tốt chưa khẩn hết, đi làm ăn ở tận biên giới Châu Đốc là chuyện phiêu lưu. Người Tàu, người Cao Miên với nghề làm đồ gốm, nghề chăn nuôi, trồng cây được nhắc tới là phải.
Trước khi muốn khơi động sinh hoạt kinh tế cho vùng Châu Đốc, ngài ra lịnh cho Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) đào con kinh sau này gọi là Thoại Hà (gọi nôm na là kinh Núi Sập) trong năm 1817, vào tháng 11, dùng 1500 dân xâu gồm người Việt và người Cao Miên, đào hơn một tháng mới xong. Đây là con đường mà trước kia dân gian thường đi, nhưng chật hẹp, nay đào nới rộng thêm. Thoại Hà đã có sẵn ở khúc đầu và đoạn chót, chỉ vét lại phần giữ để nối liền từ Hậu giang qua Rạch Giá bên bờ vịnh Xiêm La (ngọn của Rạch Giá là rạch Sốc Suông, địa danh Miên, sử ghi là Khe Song). Mục đích trước tiên của việc đào kinh vẫn là quân sự. Ngài nghĩ : chỗ ấy gần Chân Lạp, địa thế rậm rạp lắm, đàng thủy đi qua Kiên Giang thì lắm bùn và cỏ. Ngài ra lịnh cắm dân không được chặt cây trên núi Sập, nơi con kinh này đi ngang qua, chắc vì muốn giữ phong thủy.
Nhưng việc đào kinh nối liền Châu Đốc qua Hà Tiên ở biên giới vẫn là mối bận tâm của ngài. Kinh Thoại Hà đào xong ở phía Nam cũng như con kinh Vĩnh Tế sắp đào ở phía Bắc vẫn nhằm mục đích đưa thủy quân của ta từ Hậu giang ra vịnh Xiêm La thật nhanh, để giữ Kiên Giang và chợ Hà Tiên, ngừa quân Xiêm đem binh đến thình lình. Khi vỗ về và động viên dân trong trấn Vĩnh Thanh, ngài nói thẳng là “công trình đào sông ấy (nối Châu Đốc qua Hà Tiên) rất khó. Việc nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Bọn ngươi tuy là khó nhọc một lần mà ích lợi cho muôn đời về sau, phải bảo nhau biết, chớ nên sợ nhọc”. Trước khi đào kinh, ngài cũng trấn an sứ giả của Cao Miên.
Kinh Vĩnh Tế đào năm năm mới xong, ngưng rồi lại tiếp tục. Có đoạn dễ đào vì nhằm nơi đất ruộng, sình lầy (khúc kinh này qua vùng Bến Đổi), nhưng có khúc ở đất cứng, có đá, sát chân núi. Mùa nắng phải ngưng lại vì thiếu nước uống cho dân phu. Vua Minh Mạng tiếp tục công trình do Gia Long đề xướng. Lê Văn Duyệt huy động đến 55000 dân công, gồm người Việt ở Vĩnh Thanh, Định Tường và người Miên ở đồn Uy Viễn (Trà Ôn do Nguyễn Văn Tồn cầm đầu).
Mãi đến nay, dân gian còn nhắc lại những khó khăn khi đào con kinh này, lớp thì chết vì bịnh, lớp thì trốn về dọc đường bị sấu ăn thịt. Nói đến kinh Vĩnh Tế, vua Minh Mạng không che giấu mục đích quân sự : “Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (Gia Long) mưu sâu, nghĩ xa, chú ý việc ngoại biên...”. Việc ấy (việc đào kinh) không lợi gì cho Chân Lạp.
Những thành quả đầu tiên
Nên nhớ trấn Vĩnh Thanh đời Gia Long và đầu Minh Mạng bao gồm các tỉnh thời Pháp thuộc : Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.
Nói chung thì phía Nam đã có dân cư, đất không bị ảnh hưởng ngập lụt hằng năm của sông Cửu Long và Hậu Giang, phía Bắc thì quá thưa thớt, trừ vùng Sa Đéc, Tân Châu. Vùng ngày nay thuộc Cần Thơ (Phong Dinh), Long Xuyên, Châu Đốc chưa có người Việt đến định cư nhiều. Tại Cần Thơ, Ô Môn, Thốt Nốt đất khá cao và tốt, dân ta đến lập thôn xóm, nhưng người Miên còn chen chúc gần đấy. Hữu ngạn Hậu giang, phía biên giới hầu như không người ở, trừ mấy cù lao trên sông. Đây là vùng bị ngập lụt quá sâu, cấy lúa không được, ai siêng năng thì chỉ có thể chọn vài giồng đất nhỏ, vài gò ở ven sông hay giữa đồng mà làm ruộng kiểu “móc lõm” tức là theo hình thức “da beo”, nhưng lối làm ăn này quá phiêu lưu, khi nước sông lên quá mức bình thường là bị lụt, hoặc mùa màng bị chim chuột cắn hại, đầu hôm sớm mai.
Kinh Vĩnh Tế đào chưa xon glà Thoại Ngọc Hầu cho phép dân lập làng với quy chế rộng rãi, từ cù lao Năng Gù đến Bình Thiên theo sông Hậu, và dọc theo bờ kinh Vĩnh Tế, từ Châu Đốc đến Thất Sơn. Người khẩn đất cứ dâng đơn, Thoại Ngọc Hầu lúc bấy giờ được trọn quyền ở biên giới (với chức vụ Khâm sai thống chế, án thủ Châu Đốc đồn, lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ), phê vào đơn rồi đóng ấn son “Bảo hộ Cao Miên quốc chi dương” là xong. Tờ đơn được đóng dấu này có giá trị như tờ bằng khoán. Dọc theo kinh Vĩnh Tế, nhiều người thử làm ruộng trên phần đất phía Nam, bờ kinh đắp cao, dễ cất nhà. Kinh rút bớt nước, lại thuận lợi giao thông. Một số lưu dân đến mấy vùng đất cao ở chân đồi, chân núi phía Thất Sơn mà canh tác. Rải rác trên bờ kinh, quân sĩ xây nhiều đồn bão nhỏ, giữ an ninh, lại còn đường lộ đắp từ bờ kinh chạy vòng quanh, liền lạc nhau (gọi là xa lộ). Để tiện việc di chuyển và để khi mùa lụt nước ruộng rút nhanh, người khẩn hoang lúc bấy giờ nghĩ ra sáng kiến đào nhiều con kinh ngắn (gọi là cựa gà) đổ ra kinh Vĩnh Tế, bên phần đất mới khẩn để thăm ruộng hoặc chở lúa từ ruộng về nhà dễ dàng hơn. Lịnh của triều đình cấm ngặt không được khẩn vào phần đất hiện có người Cao Miên làm chủ. Núi Sam, gần Châu Đốc nối liền vào chợ với con lộ đắp đất. Làng Vĩnh Tế thành lập (gọi là Vĩnh Tế Sơn thôn, làng ở núi Vĩnh Tế tức là núi Sam). Thoạt Ngọc Hầu tỏ ra xứng đáng, làm đúng lời dụ mà vua Minh Mạng đưa ra vào năm thứ hai (1821) “Châu Đốc là một vùng xung yếu, nhà ngươi phải khéo léo trong mọi trường hợp, trấn an phủ dụ nhân dân địa phương. Trước hết phải chiêu mộ dân buôn, xây dựng xóm làng, làm cho đinh số hộ khẩu ngày càng tăng, ruộng đất ngày càng được khai khẩn thêm”. Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829, thống chế Nguyễn Văn Tuyên thay thế, rồi năm 1832 người lãnh bảo hộ Chân Lạp, giữ đồn Châu Đốc là Ngô Bá Nhân. Tính đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), dọc theo kinh Vĩnh Tế qua phía Thất Sơn, các thôn sau đây thành hình, lần hồi dân chúng xin khẩn thêm đất, đa số là vu đậu thổ, tức là đất làm rẫy :
— Vĩnh Tế Sơn thôn (từ Châu Đốc vào)
— Nhơn Hòa thôn
— An Qů thôn
— Thân Nhơn thôn (giữa An Qů và Vĩnh Bảo)
— Vĩnh Bảo thôn (giữa Thân Nhơn và Long Thạnh)
— Long Thạnh thôn (giữa Vĩnh Bảo và Vĩnh Nguơn)
— Toàn Thạnh thôn (giữa Nhơn Hòa và An Thạnh)
— Vĩnh Gia thôn (giữa Vĩnh Điền và Vĩnh Thông)
— Vĩnh Lạc thôn (giáp với An Nông)...
Từ biển Nam Hải trở lên Châu Đốc, tức là hữu ngạn sông Hậu giang có vài khu vực đáng kể không chịu ảnh hưởng nước lụt. Vùng Ba Thắc, Sóc Trăng đã có người Miên khai khẩn từ lâu rồi. Phía Sóc Trăng từ đời Gia Long thấy ghi làng Tân An (rạch Cần Thơ), làng Thới An (Ô Môn), làng Thới Thuận, Tân Thuận Đông (vùng Thốt Nốt), làng Bình Đức ở rạch Long Xuyên, làng Bình Lâm ở Năng Gù. Làng này cách làng kia hàng chục cây số, nằm trên các vùng đất gò, đất giồng. Các thôn xóm này đều bám sát vào bờ Hậu giang. Cù lao ngoài bờ sông cái thì phì nhiêu hơn : ven cù lao là đất cao ráo, thích hợp để trồng khoai, trồng đậu. Nhìn các bản đồ kèm theo đơn xin khẩn đất đời Minh Mạng ở vùng này, ta thấy đa số đồng bào khẩn theo lối móc lõm, ở ngọn, ở ngay ngả ba rạch. Đông đúc nhất là vùng Năng Gù, Chắc Cà Đao, đất khẩn liên ranh nhau. Tiếp giáp vào phần đất làm ruộng làm rẫy là đất lâm (ở vùng mé sông là rừng tre, thanh trúc lâm). Vì là bờ sông cái nên chim cò bay tới lui, đáp xuống bãi sông, tre chịu được ngập lụt hằng năm mà không chết. Ta có thể đoán rằng mực nước ở đồng ruộng vùng Cần Thơ, Thốt Nốt, Ô Môn hồi đời Minh Mạng tương đối cao hơn bây giờ. Vào mùa lụt (bấy giờ chưa có nhiều kinh đào đổ nước ra vịnh Xiêm La như sau khi người Pháp đến).
Rạch Cần Thơ nổi danh là phì nhiêu, đất tốt, không bị ngập. Vùng Cái Răng trở thành làng vào đời Minh Mạng rồi phát triển thêm. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng Thường Thạnh của Cái Răng tăng thêm dân cư, tách ra một làng mới lấy tên là Trường Thạnh.
Rạch Bò ót được dân khẩn hoang chú ý.
Rạch Cái Côn đã có làng từ đời Gia Long (làng Phú Mỹ), ấy thế mà năm Minh Mạng thứ 19 (1838) còn đến năm khoảnh rừng rậm hoang vu. Làng Bình Mỹ cũng thành lập từ đời Minh Mạng, ăn tới rạch Cái Dầu. Vùng Thốt Nốt, đời Gia Long chỉ có làng Thới Thuận, qua Minh Mạng thêm các làng Tân Thuận Đông, Vĩnh Trinh.
Những làng vừa kể trên trở thành phần đất của các tổng mới lập : Châu Phú, Định Thành, Định Phước, thuộc huyện Tây Xuyên (có nghĩa là bờ phía Tây của Hậu Giang). Từ Cần Thơ trở xuống thuộc về huyện Vĩnh Định với các tổng Định Thới, Định An, Định Khánh. Phía Sa Đéc, vùng Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Nha Mân và những cù lao trên Tiền giang đã đông đúc dân cư từ đời Gia Long. Đời Minh Mạng còn lưu lại vài văn kiện xác nhận việc xúc tiến khẩn hoang ở huyện Vĩnh An, với nhiều đơn xin khẩn đất :
— Năm Minh Mạng thứ 12, khẩn thêm ở các thôn Tân Dương, Tân Đông, Tân Phú Đông, Phú Mỹ, Tân Hòa, Tân Quý, Tân Thuận.
— Năm Minh Mạng thứ 19 và 20, khẩn thêm ở các tổng An Thới, An Thạnh, An Mỹ, An Trường, những vùng Nha Mân, cù lao Tòng Sơn, rạch Cái Vồn được chú ý nhứt.
Từ đời Minh Mạng về sau, phần đất phì nhiêu, nhiều huê lợi của An giang vẫn là phía Tiền giang với Sa Đéc và các vùng phụ cận.
Việc lập làng — Sự phân chia điền địa
Vua Minh Mạng đặc biệt khuyến khích việc lập ấp ở vùng Châu Đốc. Năm 1830, thành thần trấn Gia Định tâu : Hạt Châu Đốc là vùng biên cương mới mẻ, ruộng đất chưa được khai khẩn hết, xin triển hoãn việc thâu thuế. Vua phán : “Đó là vùng biên giới quan trọng của quốc gia, trẫm muốn vì nhân dân mà gìn giữ cho nên phải đặc biệt chú ý tới việc cai trị. Đó chính là kế hoạch biên phòng. Còn vấn đề thuế khóa đinh điền, đâu phải là việc cần tính toán trước”. Rồi ngài cho miễn thuế ba năm. Ba năm sau, thành thần Gia Định tâu xin thâu thuế. Ngài ra lịnh : “Những xóm làng tân lập được miễn thuế thêm ba năm nữa. Riêng thuế thân, thuế điền thổ được hoãn thêm một năm nữa”. Một tài liệu khác cho biết thêm con số : đồn Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường; dân đinh chỉ mới được hơn 800 người. Nhưng năm sau (1831), Tổng trấn Gia Định thành lại tâu với lời lẽ bi quan : “Đồn Châu Đốc xã dân mới thiết lập, địa thế ruộng đất khó khai khẩn”. Vua cho bộ Hộ biết : “Đồn ấy là nơi địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần sinh sống. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong việc củng cố vùng ngoại biên cương. Nhất sơ việc khai khẩn còn khó khăn nên đã được triển hạn nhiều lần. Năm ngoái đây, quan trấn thành đã có lời xin, lần thứ hai trẫm đã khoan miễn cho ba năm tiền dung (tiền xâu) cùng dịch vụ, và đã phán bảo phải dùng nhiều phương pháp để chiêu dụ thu nạp, để cho đồng áng ngày càng mở mang, sinh sống dồi dào, đã hơn một năm nay mà vẫn chưa thấy thi thố phát triển điều gì, liền vội cho là vì tình trạng khó khăn. Đó phải chăng là lối làm việc tắc trách cho xong chuyện ? Nay truyền chỉ cho thành thần (quan trấn Gia Định) phải nghiêm sức các công chức của đồn phải tất tâm thi thố, hầu làm cho đất rộng đông dân, hạn đúng ba năm phải có đủ hồ sơ về triều đình khen thưởng, không thể đổ cho là tại tình hình khó khăn mãi được”.
Vua quan tâm đến vấn đề biên giới Châu Đốc, và tiên đoán những rắc rối sắp xảy ra giữa Việt Nam và Xiêm La, không riêng ở mặt trận Cao Miên mà còn ở cả mặt trận Lào. Ngài muốn quy dân gần như vô điều kiện, miễn thuế hai đợt.
Hai năm sau, cuối năm 1833, quân Xiêm tràn qua.
Làng ấp ở vùng kinh Vĩnh Tế và Thất Sơn lúc bấy giờ thành lập với quy chế dễ dãi, như trường hợp làng Phú Cường, tách ra từ làng An Nông. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vào tháng 3, Trương Văn Nghĩa đứng đơn, xin khẩn vùng đất hoang từ núi Chân Tầm Lon tới núi Trà Béc, bấy lâu thuộc làng An Nông. Lúc đầu, Trương Văn Nghĩa và đồng bọn 11 người đến khai phá, sau chiêu mộ thêm được 4 người nữa, đã có nền tảng để lập làng mới lấy tên là Phú Cường. Cả bọn xin đến năm thứ 17 (1836) sẽ đóng đủ thuế, khi mộ được thêm dân và lập hộ. Đơn được phú hồi cho Tuy Biên phủ để tra khám và chuẩn cho vào tháng 11, năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Qua văn kiện trên, ta thấy việc cứu xét kéo dài từ 1831, khi Trương Văn Nghĩa khẩn đất, xin sẽ lập bộ và đóng thuế; quan địa phương thâu đơn, chờ đến ba năm sau mới chánh thức chấp nhận. Trong thời gian chờ đợi, bọn người khẩn hoang tha hồ làm ăn, khỏi đóng thuế, khỏi khai báo gì cả.
Làng Trường Thạnh tách ra từ làng Thường Thạnh, rạch Cái Răng (Cần Thơ) lập vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834) do hai người đứng đơn. Làng tân lập này gồm 8 người dân có tên trong bộ làng Thường Thạnh, 8 người dân lậu và một niên lão 67 tuổi. Họ chịu đóng thuế 5 khoảnh đất, hạng sơn điền (thuế nhẹ). Đây là vùng có an ninh, đất tương đối tốt, cách xa Châu Đốc hàng trăm cây số ngàn, nên không thấy ghi những điều khoản dễ dãi dành cho vùng biên giới.
Sử thường nhắc tới việc cho phép tù nhân đi khẩn hoang. Chúng tôi gặp tài liệu về một hộ thợ săn, tập trung thợ săn thú rừng, gọi là “Thuộc Tỉnh Biệt Nạp Lạp Hộ” được hưởng quy chế của một làng, nhưng không có đất đai. Cầm đầu là Hộ trưởng tên Nguyễn Văn Luật, người ở kinh Vĩnh Tế, 55 tuổi. Hộ trưởng phải chịu trách nhiệm về thuế vụ cho 7 người do ông ta bảo lãnh, thuế đóng bằng ngà voi, 150 mỗi năm. Gia nhập hộ thợ săn, có mọt người quê ở Cái Thia (Định Tường), 1 người ở vùng Chợ Gạo (Định Tường), đặc biệt là 1 người quê ở Vĩnh Tế can tội đồng lõa ăn cướp, đang bị phát vãng (lưu đày) lên Trấn Tây (Cao Miên) để làm đồn điền binh.
Về sự phân chia đất sai, đặc biệt là vùng Thốt Nốt, nhiều điền chủ khẩn đất rộng tới 26, 28 hoặc 60 mẫu, trong khi tính trung bình mỗi phần đất của dân khẩn hoang là 2 hoặc 3 mẫu. ở đất tốt mé sông Cái hoặc cù lao, việc phân khoảnh nhỏ bé hơn, trung bình từ 1 đến 2 mẫu.
Mãi đến năm Minh Mạng thứ 19 (1839) tỉnh An Giang vẫn còn được triều đình nâng đỡ so với các tỉnh khác. Tỉnh thần dâng bộ sổ, ghi rõ số dân đinh, vì dân đinh có phần tăng, nên xin tăng thêm ngạch lính giản. Vua xuống dụ rằng : Hạt ấy lâu nay mong được dìu dắt dạy dỗ, hộ khẩu mỗi năm một tăng, nay lại nhân được thái bình nên cùng với dân nghỉ ngơi, khiến cho cùng lo việc cày cấy, đào giếng mà an nghiệp, để dân chúng ngày càng thêm đông đảo, thịnh vượng, hà tất phải xin thêm ngạch lính giản làm chi. ý vua muốn nói tới việc xâm lăng của Xiêm mà vùng Châu Đốc hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, trong thời gian vừa qua...
Vài vấn đề nội an : Loạn Lê Văn Khôi. Các vùng người Miên đông đảo
Tháng 7 năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành mất. Vì có thù hằn lâu đời với Tả quân, vua Minh Mạng thừa cơ hội này đưa toán vệ binh Minh Nghĩa về Quảng Ngãi. Sau khi chôn cất Tả quân xong, vua Minh Mạng còn ra lịnh đưa cơ An Thuận về Kinh. Tháng 10 năm ấy, Gia Định thành không còn là đơn vị quan trọng nữa. Vua bãi bỏ chế độ Tổng trấn, tất cả đổi là tỉnh, trực thuộc vào triều đình Huế. Tháng 11 năm ấy, vua cho nguyên Tổng đốc tỉnh Sơn Tây là Lê Đại Cương làm Tổng đốc An Hà kiêm lãnh ấn Bảo hộ Chân Lạp.
Việc thuyên chuyển một viên chức từ Sơn Tây vào Nam không là điều lạ nếu ta biết rõ chính sách của vua Minh Mạng là triệt hạ uy thế và nhân tâm mà Tả quân Lê Văn Duyệt đã gây được ở kinh Vĩnh Tế do ngài đốc xuất đào ra trong hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh An Giang chánh thức thành hình với hai phủ Tuy Biên và Tân Thành, năm 1835 lấy thêm đất Ba Thắc lập thành phủ Ba Xuyên. An Giang chiếm trọn miền hữu ngạn của Hậu giang, phía Bắc thì gồm luôn vùng Vĩnh an (Sa Đéc) cắt ra khỏi trấn Vĩnh Thanh lúc trước.
Lê Văn Khôi nổi loạn, thành công nhanh chóng trong đợt đầu, chiếm lần hồi 6 tỉnh, nhưng giữ không được lâu. Dân chúng tuy mến một công đức Tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng cá nhân Lê Văn Khôi không đủ uy tín. Hơn nữa ngày qua tháng lại, dân chúng thấy Lê Văn Khôi không tin vào dân trong nước, lại còn trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cõng rắn cắn gà nhà.
Lê Văn Khôi có chút ít tinh thần tiến bộ, chống lại chế độ tập quyền hà khắc của vua Minh Mạng ? Một tài liệu cho biết là khi được hỏi về ruộng nương và tình hình an ninh tại các tỉnh, tỉnh thần Vĩnh Long tâu rằng : “Trước đây bọn giặc (Lê Văn Khôi) chiếm cứ tỉnh thành, các thôn ấp đều bị chúng đốt phá rồi chúng còn chiếu theo nóc nhà dân, đem tiền trong kho ra tán cấp đến hơn một ngàn quan, nay dân tình nguyện y số đem nạp lại”. Vua ra lịnh miễn cho. Việc lấy tiền trong kho chia đều cho dân, lúc đang xảy ra, chắc là được dân hoan nghinh. Và dân đem nộp lại cho quan khi bọn phản loạn bị dẹp, chưa chắc vì tình nguyện, vì sợ đúng hơn.
Loạn Lê Văn Khôi chỉ là một trong những mối lo sợ của vua Minh Mạng, vì lúc bấy giờ ở Bắc kỳ loạn lạc nổi lên với cường độ đáng kể, lý do chánh là nạn đói kém, là quan lại tham nhũng. Nhưng cuộc khởi loạn Lê Văn Khôi tạo cơ hội cho quân Xiêm đánh ta trong đó có mặt trận Lào, riêng mặt trận An Giang là quan trọng hơn cả.
Từ lâu, vua chúa nhà Nguyễn lo lắng về các vùng người Miên định cư tập trung, nhiều nhứt là ở địa phận trấn Vĩnh Thanh ngày xưa :
— Vùng Trà Ôn được yên ổn nhờ có Nguyễn Văn Tồn (một người Miên hữu công, trong thời gian phục quốc, được mang họ Việt Nam) nắm được nhân tâm. Nguyễn Văn Tồn chết, con là Nguyễn Văn Vị được trưng dụng và có ra tận Huế đô bái kiến vua.
— Vùng Lạc Hóa (Cầu Kè, Tiểu Cần). Năm 1835 đặt ra xã thôn, tùy theo sốc lớn nhỏ, quan đến tận nơi khám xét, để định rõ thuế khóa.
— Vùng Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách). Vua Gia Long khi còn ở đất Gia Định thì cho người Miên ở địa phương lập đồn điền mỗi năm nạp lúa sưu thuế. Năm 1792, Nặc ấn ở Xiêm về, vua đem đất ấy cho lại ; năm 1835, các quan lại người Miên ở địa phương yêu cầu ta giúp đỡ, vua Minh Mạng cho người Miên hưởng chế độ tự trị rộng rãi với quan phủ coi việc nội an, mãi đến khi người Pháp đánh nước ta, quan phủ vẫn là người Miên.
— Vùng Ô Môn (phía bắc Cần Thơ) là nơi người Miên tập trung đáng kể. Về sau, họ phân tán, rút về phía hậu bối, xa bờ Hậu giang (Đại Nam Nhứt thống chí ghi là “thổ huyện Ô Môn”).
— Vùng chợ Hà Tiên, rạch Gianh Thành, vùng Thất Sơn là những trung tâm gần biên giới, nơi mà vấn đề an ninh không được toàn hảo, mặc dầu triều đình đã chú ý từ đời Gia Long, Hà Tiên đất nhiều phèn, quá xấu, trừ vài lõm nhỏ ở sườn đồi mà người Trung Hoa đến làm rẫy, người Việt đến đánh cá ven biển. Vị trí chợ Hà Tiên tuy “tốt” về phong thủy, trên lý thuyết, nhưng quân Xiêm đánh chiếm chớp nhoáng. Người Miên ở Thất Sơn và ở Hà Tiên thường liên lạc với họ, hễ cơ hội đến là nổi loạn, vào cuối đời Minh Mạng. Năm 1835, theo lịnh nhà vua, tuần phủ Trần Chấn lập đồn điền ở núi Đá Dựng (chữ gọi là Châu Nham) sát biên giới, binh sĩ vừa cày ruộng, vừa luyện tập.
Chánh sách của vua Minh Mạng đối với người Miên (luôn cả người Lào, người Mường...) là “nhứt thị đồng nhân” (xem tất cả cùng là người), nghe qua thì như là dân chủ, nhưng thực chất là muốn bắt buộc các sắc dân phải theo luân lý, theo cách tổ chức thôn xóm, cúng tế của Việt Nam và Tàu, lại buộc lấy họ (như họ Sơn, Thạch, Kim, Kiên...)
Biến cố quân sự ở An Giang và ở Cao Miên
Tháng 6, Lê Văn Khôi nổi loạn thì tháng 11 quân Xiêm đem binh đánh nước ta (1833), bề ngoài như để cứu Lê Văn Khôi nhưng bên trong là quân Xiêm chọn lựa đúng thời cơ để thủ lợi. Quân sĩ ta lúc bấy giờ bị tiêu hao và bị cầm chân khá nhiều, một số vào trong thành Phiên An theo Lê Văn Khôi, một số thì bao quanh chờ cơ hội tái chiếm.
Trong đợt tấn công đầu tiên, quân Xiêm làm chủ tình thế, tướng Xiêm chỉ huy cuộc hành quân cấp tốc này là tay có tài, tên là Phi Nhã Chất Tri (sử gia Tây phương gọi là tướng Bodin, Phi Nhã chỉ là chức tước). Tháng 11 năm 1833, Hà Tiên mất, tháng 12 thành Nam Vang rồi đến đồn Châu Đốc cũng mất theo.
Nhưng vua Minh Mạng bình tĩnh đối phó, bố trí cẩn thận và giữ bí mật. Quân Xiêm thừa thắng, từ Ba Nam cho chiến thuyền đổ xuống theo Tiền giang. Đây là con đường chiến lược vô cùng quan trọng, nếu cứ tiến thêm thì đến Sa Đéc, rạch Gầm, Định Tường, thọc vào trung tâm miền Nam, nơi nhà cửa đông đúc, nhiều tài nguyên.
Quân ta liền phản công. Tại Tiền giang, nơi Vàm Thuận (sử ghi là Thuận Cảng, Thuận Phiếm cửa của Vàm Nao phía Tiền giang) ta chiến thắng. Giặc phải dừng lại rồi tạm rút lui về Ba Nam với dụng ý đánh theo đường bộ đến Tây Ninh, nhưng mặt trận này không mở ra được.
Vài mươi ngày sau, qua tháng giêng năm 1834, thủy quân Xiêm lại theo đường cũ, đến vùng mà chúng đã thu hôm nọ để quyết chiếm yết hầu Tiền giang, đến Vàm Thuận không thấy gì xảy ra, chúng thử tiến thêm đến rạch Củ Hủ (vùng chợ Thủ). Khi ấy, giặc nhân lúc nước xuống, theo bờ sông phóng hỏa đốt bè, ngăn trở thủy quân ta rồi chúng lại sấn tới đánh, Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui. Đây là trận đánh kéo dài từ ba bốn giờ khuya đến chín mười giờ trưa, giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Trận này khiến ta nhớ tới trận rạch Gầm ở dưới Mỹ Tho vào năm 1784 Nguyễn Huệ đã thắng quân Xiêm. Từ Vàm Thuận đến chợ Thủ thuộc huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang, bao nhiêu tàn phá diễn ra. Nhưng quân ta lại thừa thắng thâu phục đồn Châu Đốc, thâu phục thành Hà Tiên rồi chiếm thành Nam Vang từ tay quân Xiêm.
Giặc Xiêm đồng thời cũng đánh ta theo mặt Quảng Trị và Nghệ An trên đất Lào, nhưng bị chặn lại.
Ta rượt theo đến vùng Biển Hồ (Tonlé Sap) tận căn cứ địa của quân Xiêm. Cũng năm 1834 này, vào tháng tư, Trương Minh Giảng (bấy giờ là Tổng đốc An Giang, Hà Tiên) từ Nam Vang trở về ra lịnh tu bổ đồn Châu Đốc, rồi nghĩ đến việc dời tỉnh lỵ Hà Tiên qua phía Giang Thành (xa bờ biển, dễ phòng thủ hơn). Vừa lúc ấy, lại hay tin quân Xiêm cũng do Phi Nhã Chất Tri cầm đầu đang kéo qua Cao Miên với lực lượng là 5000 quân. Quân ta đến nơi trấn áp, đóng đồn tại Vũng Xà Năng (Kompong Chnang).
Năm thứ 16 (1835), vua Minh Mạng cho đổi đồn An Man ở Nam Vang làm thành Trấn Tây, định chế độ cai trị, đứng đầu là một vị tướng quân, hai vị tham táng, quan lãnh binh, quan đồn điền. Việc này chỉ gây thêm mệt nhọc cho quân dân ta. Từ năm trước, nước Chân Lạp bị đói kém đến đổi có người phải ăn các thứ tấm cám nên phải xuất ra từ các kho hai tỉnh Định Tường và Vĩnh Long chở lên Cao Miên một vạn vuông gạo để phát chẩn cho dân khỏi xiêu tán.
Chánh sách đồn điền được ban hành ở Trấn Tây, người đi đồn điền gồm tù phạm của Nam kỳ lục tỉnh. Ai trốn về thì bị tập nã gắt gao. Theo lời Trương Minh Giảng năm 1839 thì ở Trấn Tây, dân tâu của Việt chiêu tập thành lập được 25 xã thôn, với 470 dân binh, 340 mẫu điều, theo quy chế thì ba năm sau mới đóng thuế. ở Trấn Tây, người Tàu cư ngụ khá đông, số người có sản nghiệp là 220, xin thành lập 5 bang.
Năm 1837, Trương Minh Giảng mở rộng thêm ảnh hưởng, lấn sát vùng mà người Xiêm chiếm đóng ở Biển Hồ. Biển Hồ (Tonlé Sap) được gọi là Hồ Hải (vì hình dáng có eo giống như cái bầu đựng rượu). Đây là khu vực nhiều huê lợi. Trương Minh Giảng xin lập ba phủ Hải Đông, Hải Tây và Sơn Định ở phía đông, phía tây Biển Hồ và ở núi Đậu Khấu (dãy Cardamomes), đồng thời lập đồn điền, tập lính, trử lương, cho người Việt và người Miên đến khẩn hoang, tìm cách dạy tiếng Việt, dạy chữ cho người địa phương để việc cai trị được dễ dàng.
Một ngàn người Xiêm trốn khỏi vùng quân Xiêm kiểm soát để theo ta năm 1837 ; năm 1839 dân Miên ở vùng Battambang do Xiêm kiểm soát cũng trốn về, tạo thêm nhiều gánh nặng cho quan quân đến bảo hộ, như cấp phát gạo muốn cho họ. Nhưng một số người Miên thích nếp sống lưu động. Vua Minh Mạng bắt buộc họ phải có gia cư để dễ lập số bộ. Lính Miên thì chia nhau cày ruộng, phân nửa ở tại ngũ, phân nửa về quê, mỗi năm chỉ tập trung đầy đủ vào tháng mười, mùa nắng. Lúa gạo sản xuất ở Cao Miên lúc bấy giờ không đủ cung cấp cho việc binh, vua Minh Mạng hiểu thị cho dân sáu tỉnh Nam kỳ : Ai nạp lúa xay gạo để làm quân nhu lên thành Trấn Tây thì được thưởng phẩm hàm, miễn thuế thân, miễn đi lính và làm xâu, ai cấp 2500 hộc lúa thì được thưởng chánh cửu phẩm.
Cuối đời Minh Mạng (1840) xảy ra cuộc tranh tài giữa Phi Nhã Chất Tri và Trương Minh Giảng. Nếu từ lâu Trương Minh Giảng thắng thì phen này lần hồi lâm vào thế yếu. Nhân tâm ở Cao Miên lúc bấy giờ rất bất lợi, loạn lạc nổi lên đối phó không kịp, phần lớn do các quan của ta cai trị không công bình lại thêm tham nhũng.
Việc đóng quân ở Cao Miên có thể tạm tổng kết như sau :
— Về chánh sách, vua chúa phong kiến Việt Nam cũng như Xiêm là cứ luôn luôn mở mang bờ cõi. Đất Cao Miên là nơi tranh chấp. Đánh qua Cao Miên, đưa các quan cai trị là phiêu lưu, nhưng thử hỏi nếu không làm việc ấy để cho Xiêm chiếm đóng ở Cao Miên sát Châu Đốc, Hà Tiên, sát Tây Ninh, liệu lãnh thổ ta có được yên ổn, vẹn toàn ? Đây là cuộc tấn công để phòng ngự.
— Về quân sự, khi nào quân Xiêm tiến vào lãnh thổ của ta thì họ thua. Hễ nắm vững đường thủy chiến lược từ Nam Vang đến Tân Châu là ta thắng. Cứ điểm quan trọng nhứt là Ba Nam (Ba Cầu Nam) trên sông Tiền giang. Ngược lại, khi nào quân ta phiêu lưu đến vùng Biển Hồ, sát căn cứ của quân Xiêm La là ta bị khó khăn, nếu không nói là thua. Nguyễn Công Trứ từng dẹp giặc Nồng Văn Vân ở Bắc kỳ đã dâng sớ và so sánh : So với sự thế đảng giặc Nồng Văn Vân thời việc dẹp yên giặc Thổ (Cao Miên) này hơi khó mà chậm... Nay, giặc Thổ dậy khắp nơi, trong chỗ hoang mảng, trông bốn mặt đều là tre gai rậm rạp, nước sâu bùn lầy, không phải như cây lớn, núi cao có thể đốn phá tìm đường đi băng được... Huống chi đường đem lương từ Trấn Tây (Nam Vang) đến chỗ quân thứ, một lần đi tám ngày đường mà chỉ đủ ăn một tháng... Chúng tôi trộm nghĩ trước phải đánh được giặc Xiêm rồi sau đó giặc Thổ mới dẹp yên được.
Tình hình năm 1840 thật bi đát. Cũng theo lời tâu trên của Nguyễn Công Trứ, thời bấy giờ từ An Giang đến Trấn Tây, từ An Giang đến Hà Tiên, quân giặc đóng đồn cả.
— Về chính trị, có sự kỳ thị rõ rệt, nhưng nặng nhứt là vì lý do văn hóa. Người Cao Miên chịu ảnh hưởng văn hóa ấn độ với những tập tục địa phương, thích sống rày đây mai đó. Vì còn tàn tích mẫu hệ, việc cưới gã của người Miên hơi khó hiểu, không giống người Việt theo phụ hệ, vì vậy bị hiểu là loạn luân. Cách mặc, cách ăn (ăn bốc, mặc sà rong) của người Miên không hợp với cảm quan của nho sĩ Việt, cùng là tục lệ hỏa thiêu. Ngay đến đạo Phật, người Miên theo hình thức Tiểu Thừa, nghĩa là khác với cách tụng niệm, cách ăn uống của chùa theo Đại Thừa. Và quyền hạn của giai cấp tăng lữ ở Cao Miên cũng khá rộng. Quan lại Cao Miên, dưới thời đô hộ của vua Minh Mạng phải mặc áo, đội mão như quan lại Việt Nam. Từ việc tuyển chọn quan lại, cách thu thuế, nói chung công việc hành chánh ở Cao Miên ngày xưa rất khác với Việt Nam. Doãn Uẩn viết trong Trấn Tây Kỷ Lược: Họ cũng chưa biết đạo dựng nước, ta chỉ còn mong ở sau này ngày càng củng cố mở rộng thêm chánh thể duy tân dần, chắc sẽ không còn phác lậu như trước nữa vậy.
Trong khi ấy, giới bình dân Việt Nam và người Miên sống chung đụng nhau dễ dàng. Lúc canh tác, bắt cá, chế biến thức ăn, ta cũng bắt chước vài kỹ thuật của người Miên; việc người Việt cưới vợ Miên không phải là không có.
Lập địa bộ năm Minh Mạng thứ 17 (1836)
Đây là lần đầu tiên mà ở đất Gia Định lập địa bộ với quy mô lớn, lưu lại bằng chứng cụ thể. Mỗi thôn vẽ bản đồ các sở đất, loại đất, diện tích, ranh giới bốn phía, ghi tên chủ điền. Lịnh vua ban ra vào tháng 2, phái đoàn này do Trương Đăng Quế cầm đầu, với Nguyễn Kim Bảng, cả hai đều sung chức Kinh lược đại sứ (nhưng Nguyễn Kim Bảng mang bịnh, Trấn tây đại tướng là Trương Minh Giảng thay thế). Trương Đăng Quế là Binh bộ Thượng thư, Nguyễn Kim Bảng là Lại bộ Thượng thư. Hai vị Phó sứ là Tôn Thất Bạch và Nguyễn Khắc Trí. Tháng 7 năm ấy, phái đoàn trở về, công tác hoàn thành. Vua ban thưởng và xuống dụ cho nội các : Trương Đăng Quế là người công bằng vô tư nên việc làm đến chỗ thành tựu, đúng như mệnh lệnh của trẫm, tuy không thể sánh với việc đi dẹp biên cương, mở rộng bờ cõi được phân minh, so với việc mở đất đai cho rộng biên giới có khác gì ?
Sử chép tiếp : Sau đó 6 tỉnh Nam kỳ không phải tăng thuế ruộng mà tiền tài vẫn bội thu. Thuế điền thổ Nam kỳ được định lại, sau khi đạc điền. Kết quả là tăng thuế cho công quỹ, nhưng người khẩn đất chịu thiệt thòi nhiều là không được giữ ruộng đất ẩn lậu như trước.
Năm 1836 rồi 1839, vua Minh Mạng quy định về thể lệ thưởng phạt dành cho các viên chức địa phương, đất khẩn thêm thì thưởng, bỏ hoang thì phạt. Hậu quả đi tới đâu ? Việc đạc điền có lẽ đã làm cho dân khẩn hoang mất hào hứng phần nào, vì thuế vụ. Năm 1837, liền sau khi đạc điền và ban hành lệ khen thưởng, theo báo cáo của “các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Long, Định Tường thì con số khẩn thêm không được bao nhiêu, riêng tỉnh Biên Hòa lại càng thấy vắng vẻ. Đến như Gia Định An Giang tới nay vẫn còn chưa tâu báo... Làm việc không đứng đắn như vậy thiệt nên trị tội xứng đáng... Hãy dặn Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, án sát mấy nơi ấy nhắc nhở các phủ huyện sở tại hãy hết lòng khuyến khích, làm cho nông dân vui vẻ quay về việc nông, đem những ruộng đất hoang phế trong hạt mà khai khẩn cho hết”.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 11-05-2012, 03:12 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Chương 1.3 - 1.4

LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM


Chương 1 - 3

Nhu cầu chỉnh đốn về nội trị : Những đồn điền chiến lược ở Hậu giang


Vua Minh Mạng mất, để lại gánh nặng ở phía biên giới Việt Miên. Loạn lạc đã phát khởi ngay từ khi cuộc chinh phạt của tướng Trương Minh Giảng đang diễn ra tại phía Biển Hồ, tuy rằng về hình thức là dẹp xong nhưng mầm mống còn đó. Người Miên cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên phong trào lên cao. Quân Xiêm lại khéo phao tin tuyên truyền. Người Cao Miên lúc bấy giờ ở Nam kỳ lại bực dọc với chính sách “nhứt thị đồng nhơn” của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Lại còn chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của sốc Miên khiến họ mất quyền tự trị. Vùng biên giới Hà Tiên, An Giang bắt đầu xáo trộn khi vào năm 1838, tên Gi — làm chức An phủ cho ta — cấu kết với người Xiêm. Năm sau, viên quản cơ người Miên ở An Giang là Hàn Biện cùng đồng bọn làm phản rồi bỏ đi, một số đông lính Miên cũng chạy theo chúng như rồi một số quay trở lại. Vua truyền lịnh tha tội những người biết hối cải. Năm 1840, tình hình thêm bi đát : người Miên ở Tịnh Biên (An Giang) nổi loạn khiến quan tri phủ bỏ trốn, loạn quân kéo về phía biên giới Hà Tiên đánh đồn Châu Nham (Đá Dựng), quan binh nhiều kẻ bị hại. Tháng 10 năm ấy, giặc từ Thất Sơn gồm hơn 2000 người kéo qua tận Kiên Giang, phá chợ Rạch Giá, đắp đồn ở hai bên bờ rạch này; vùng Xà Tón (Tri Tôn) cũng bị khuấy động. Năm Thiệu Trị nguyên niên, tất cả các vùng người Miên sống đông đúc đều nổi loạn, quan quân vô cùng vất vả. Ba khu vực quan trọng nhứt là :
— Vùng Trà vinh (nay là Vĩnh Bình) bao gồm các khu vực rộng lớn từ Tiền giang qua Hậu giang (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), sử gọi là vùng Lạc Hóa. Cuộc khởi loạn dai dẳng và có quy mô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1841, người cầm đầu là Lâm Sâm (còn đọc Lâm Sum, người địa phương gọi là Xà Na Xom hoặc Xà Xom, tức là viên tướng tên Xom). Thủ đoạn xách động là dùng bùa ngãi, do các tên thày bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt : Ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, võ khí là đao mác, chà gạc, phãng kéo cổ thẳng (trở thành cây mã tấu). Thoạt tiên loạn quân chiếm Trà Vinh (đồn Nguyệt Lãng của ta). Giặc lại lôi cuốn được mấy sốc Miên ở rạch Cần Chong (nay là Tiểu Cần) xuống đến Bắc Trang ra đến mé sông Hậu giang, vùng Trà Điêu. Có lúc giặc thắng thế, chiếm giữ một vùng dài hơn 30 cây số, gồm toàn sốc Miên. Trận gay go nhất xảy ra ở vùng Trà Tử (nay gọi là Hiếu Tử), bố chánh Trần Tuyênvà tri huyện Huỳnh Hữu Quang đều tử trận. Số loạn quân lên đến bảy tám ngàn, ngoài Lâm Sum còn tên tổng Cộng (chắc là cai tổng tên Cộng) và một tên tự xưng là phó mã Đội. Tham dự cuộc tảo thanh ở vùng Lạc Hóa, gồm có tổng đốc Bùi Công Huyên, tham tánh thành Trấn Tây là Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Công Trứ cũng rút về nước tiếp tay, ngoài ra còn có tướng Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương dời binh tiến đánh, tuy phá tan được luôn, nhưng chỗ này tan rã thì chỗ kia quy tụ, cứ đánh phía đông, giữ phía tây, không thể nào diệt hết được. Khi Trương Minh Giảng rút lui về An Giang, ta được thêm 3000 quân sĩ đến tiếp ứng ở mặt trận Lạc Hóa. Trong đám loạn quân đầu thú, có cả người Việt và người Tàu. Phải chăng là những người Việt trước kia theo Lê Văn Khôi, nay trốn lánh ?
— Vùng Sóc Trăng, trung tâm cuộc khởi loạn là Ba Xuyên, Trà Tâm, từ tháng ba cũng năm tân sửu. Thoạt tiên giặc bị phân tán rồi tập trung tại Sóc Đâm đóng đồn mà chống cự. Tháng 11, quân của Nguyễn Tấn Lâm và Nguyễn Tri Phương đánh hai mặt giáp lại. Giặc tan, vua Thiệu Trị cho Nguyễn Tấn Lâm ở lại Ba Xuyên dẹp đám tàn quân và lập an ninh. Theo truyền thuyết, lãnh tụ loạn quân ở đây là Xa Ne Tia.
— Vùng Thất Sơn, Vĩnh Tế. Nếu Trà Vinh và Sóc Trăng nối liền nhau (bên này và bên kia sông Hậu Giang), dân đông, kinh tế phì nhiêu, người Miên sống tập trung thì vùng Thất Sơn lại là nơi mà người Miên dễ tấn thối và khuấy động, với hàng chục ngọn đồi lớn nhỏ, nhiều thung lũng, dân cư thuần nhứt lại ở sát biên giới Cao Miên. Năm nguyên niên, giặc tụ tập tại Lẹt Đẹt, quân ta dẹp tan rồi đánh luôn tới Cần Sư. Phía Tịnh Biên cũng có loạn vài ngàn tên, nhưng dẹp được. Nguyễn Tri Phương đến núi Tượng để đánh loạn quân. ở hai huyện Hà Dương và Hà Ñm, tình hình khuấy động. Hà Dương gồm vùng núi Cấm, núi Tượng; Hà Ñm gồm các làng dọc theo biên giới bên kinh Vĩnh Tế. Sở dĩ loạn quân dám kiêu ngạo vì bên kia biên giới, Phi Nhã Chất Tri “đem quân Xiêm đến dựng đồn lũy ở bờ sông Vĩnh Tế rồi qua lại gây sự với những đồn bảo của quân ta. Quan binh bèn chia đường đi tiễu trừ, giết và làm bị thương rất đông, chiếm lấy được bảy đồn, hai bên bờ sông Vĩnh Tế một loạt được dẹp yên. Bọn giặc ở trong các đồn ở núi Cấm, núi Tượng nghe tin bèn chạy trốn. Quân Xiêm gặp sự thất bại tan rã ấy muốn tăng thêm binh và chiến thuyền để trở lại một lần nữa giúp dân Miên gây sự, vừa lúc ấy nước họ có việc nên ngưng.
Nhưng tình hình ở Cao Miên, Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế chỉ là tạm thời lắng đọng. Năm sau, cuộc xâm lăng đại quy mô lại diễn ra. Nếu lần trước chiến sự xảy ra tại Tiền giang, từ Vàm Thuận đến Chợ Thủ thì lần này mặt trận chánh lại diễn ra ở vùng Thất Sơn và kinh Vĩnh Tế.
Ngăn chận giặc Xiêm năm 1842
Trong khi nội loạn xảy ra ở Lạc Hóa (Trà Vinh) thì tình hình trên Cao Miên rất tồi tệ, vua Thiệu Trị đồng ý với các đại thần là nên rút quân về An Giang, thật khéo và lặng lẽ. Voi đem về không tiện thì làm thịt cho quân sĩ ăn, những người Việt trước kia gồm đa số là tù phạm lên Cao Miên làm ăn thì lựa chỗ mà cho ở lại. Tháng 9 năm 1841, quân sĩ ta rút về An Giang. Khi về đến nơi, tướng Trương Minh Giảng mất vì bịnh, nhưng lý do chánh là vì buồn giận triều đình. Quân Xiêm không bỏ lỡ cơ hội, mở ngay cuộc xâm lăng vào lãnh thổ Việt Nam. Lần này sự bố trí của Xiêm khá chu đáo, chiến thuật thay đổi hẳn. Lại còn một yếu tố đáng chú ý : yếu tố chính trị. Đó là những người Việt đa số là tù phạm bị đày làm đồn điền. Khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị đã nghĩ tới số phận của họ. “Nhưng trong xứ Trấn Tây, giặc Thổ chưa yên mà những tên tù phạm khi trước can án phát quân hiện đương sai phái ở đó, phải đợi khi yên giặc rồi sẽ nghỉ”. Bấy giờ ở Nam Vang có người con trai tự xưng là con của hoàng tử Cảnh, lấy hiệu là Hoàng Tôn (có nghĩa là cháu nội vua Gia Long) đang tụ tập một số đông gồm Xiêm, Lào, Hán (Việt Nam), Thổ, những đứa trốn tội cũng theo nhiều lắm. Phải chăng trong số tù nhân bị phát quân lên Cao Miên, đời Minh Mạng, gồm nhiều người can tội dính líu xa gần tới cuộc khởi loạn của Lê Văn Khôi, ở Sài Gòn và các tỉnh ?
Đưa kẻ tự xưng là Hoàng Tôn về nước chỉ là một trong những lý do của quân Xiêm; hành động chính trị này không gây được xúc động tâm lý đáng kể. Dù sao đi nữa, ta cũng thấy Phi Nhã Chất Tri là kẻ tinh tế và đa mưu.
Tháng giêng năm 1842, chiến thuyền Xiêm đến vùng đảo Phú Quốc, tấn công để dò xét. Nguyễn Công Trứ, người đã từng dẹp giặc Tàu Ô ở vịnh Hạ Long thử trổ tài, nhưng bị “sóng gió ngăn trở”.
Bọn Hoàng Tôn đưa 5000 người đến Sách Sô, thành phần toàn người Xiêm và Lào (người Xiêm có thói bắt dân vùng bị chiếm làm nô lệ, làm lính). Sách Sô là vị trí quan trọng ở giữa Tiền giang và Hậu giang. Tướng Nguyễn Tri Phương nhận định rằng Tiền giang là con sông quan trọng ăn thông giữa trung tâm An Giang, Vĩnh Long và Định Tường, xin đem binh thuyền bố trí sẵn.
Việc xảy ra nhằm lúc vua Thiệu Trị đang ra Hà Nội để nhận lễ thụ phong của sứ Tàu.
Tháng 2 quân Xiêm lại tăng cường hải quân, đến gần Cần Vọt (Quảng Biên, Kampot), ta bố trí giữa tại cửa Hà Tiên (Kim Dữ). Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. Xiêm kéo mấy vạn binh tràn vùng kinh Vĩnh Tế, ta chống đỡ không kịp. Cánh quân chánh của Xiêm đánh từ bờ biển vịnh Xiêm La qua theo đường Hà Tiên, chớ không từ Nam Vang mà thọc xuống theo sông Tiền giang như mấy lần trước. Trước nguy cơ ấy, vua Thiệu Trị cho quân lực từ Huế kéo vào tăng cường, cùng với lính thú từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đợt tấn công đầu tiên của quân Xiêm bị chận lại, ở khắp các mặt trận Vĩnh Tế, Tiền giang và Hậu giang. Nhưng quân Xiêm chưa rút lui, cho củng cố thành lũy, chiếm trọn vùng núi Cô Tô (Tô Sơn, thuộc dãy Thất Sơn). Tháng năm năm ấy, ta kéo vào chiếm lại khu Cô Tô mà quân Xiêm vừa xây dựng trên lãnh thổ của ta. Đây là nơi người Miên sống tập trung từ lâu đời. Binh ta gồm năm đạo, mỗi đạo 1000 quân, đem súng lớn đặt tại Tri Tôn (Xà Tón) mà bắn phá lũy giặc. Nguyễn Tri Phương đem đại binh đến núi Cô Tô, giặc tan, một số đông ra đầu thú gồm người Tàu và người Miên có đến số ngàn. Vua Thiệu Trị sai Nguyễn Công Trứ điều động việc lập ấp, khuyến khích khẩn ruộng. Nhưng ta tin rằng việc làm này không đi tới đâu cả, đất ở chân núi từ lâu đã được người Miên canh tác, họa chăng các quan của ta chỉ lo chỉnh đốn an ninh trong các sốc Miên.
Rồi ta kéo quân lên phía Nam Vang, truy nã. Tháng 7 năm 1845, giặc Miên lại đến bờ kinh Vĩnh Tế tại làng Vĩnh Điền, phá rồi Trường Lũy (Trường Lũy là bức trường thành mà ta dựng lên, trồng tre gai, xa xa có đồn nhỏ dọc theo kinh Vĩnh Tế, khi Pháp đến còn di tích này). Nhưng giặc bị đánh lui.
Năm 1845, ta thắng vài trận đáng kể. Đến lượt Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn thi tài với Phi Nhã Chất Tri. Ta tiến đến Vũng Long (Kompong Luông). Cao Miên nhìn nhận sự bảo hộ song phương của Xiêm và Việt Nam.
Thành lập các đồn điền chiến lược
Hậu quả những năm loạn lạc ở vùng An Giang, Trà Vinh, Ba Xuyên, Hà Tiên như thế nào ? Chắc là trầm trọng lắm. Hễ loạn lạc là đốt nhà cướp của, bộ sổ mất mát, quan lại tham nhũng, cường hào thổ mục tha hồ húng hiếp dân. ở những vùng người Miên sống tập trung, việc bình định chỉ có nghĩa là gìn giữ được an ninh. Mầm mống bất mãn vẫn còn. Vua Thiệu Trị mất năm 1847, ngài gánh tất cả những hậu quả của vua Minh Mạng để lại. Tình thế không suy sụp là nhờ tướng tài, giàu kinh nghiệm chiến trường và quân sĩ hết lòng. Doãn Uẩn dựng chùa Tây An ở núi Sam năm 1847 là việc có nhiều ý nghĩa đối với nhân tâm thời bấy giờ và nhứt là đối với cá nhân một nho sĩ hăng hái nhưng thấm mệt.
Công tác khẩn hoang ngưng trệ, nếu không nói là bị đổ vỡ phần nào ở Hậu giang. năm Thiệu Trị thứ ba (1843), đào thêm con kinh nối liền Tiền giang (từ Tân Châu) đến thủ Châu Giang phía Hậu giang. Kinh này ngắn nhằm mục đích quân sự để chiến thuyền đi nhanh từ Tân Châu đến vịnh Xiêm La khi hữu sự, qua kinh Vĩnh Tế. Dân phu từ hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang tập trung lại. Đợt đầu đào dở dang rồi ngưng, số dịch lại coi việc đào kinh đã bức hiếp khiến dân phu bất mãn, trốn né rất nhiều. Sau mùa gặt, dân phu lại được huy động lần thứ nhì. Một tài liệu của phủ Hoằng Đạo tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, cù lao Bảo) cho biết dân phu phủ này đi đào kinh Vĩnh An gồm 8 đội, mỗi đội 50 người, có viên phó tổng hoặc lý dịch coi sóc. Mỗi đội mang theo 10 cây cuốc, 10 cây mai, phãng, rìu, cây mù u, gàu nước, gióng, gánh, ky, mỗi thứ 30 cái, lại còn dây tre dài hơn 1 trượng. Viên chức ở tỉnh tới địa điểm đào kinh từ trước để cất trại cho dân phu ở. Cứ 15 ngày thay đổi một lần cho dân nghỉ ngơi. Kinh đào xong vào tháng 4 năm 1844, đặt tên là Long An Hà.
Nội loạn vừa dẹp xong, tổng đốc An Hà là Nguyễn Tri Phương và Tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn điều trần ba biệc (1844) :
— Xin lượng bớt các điều lệ thanh tra.
— Xin tước trừ ngạch hư trong bộ sổ dân.
— Xin tha các hạng thuế thiếu lâu nay.
Mấy điều trên chứng tỏ dân An Giang, đặc biệt là vùng kinh Vĩnh Tế xiêu tán quá nhiều, lắm người đến nơi khác làm ăn, kẻ ở lại bám đất thì đành chịu trực tiếp ảnh hưởng chiến tranh. Các sở đồn điền ở Biên Hòa, Định Tường được khả quan hơn, giao lại cho dân địa phương cày mà nạp thuế làm ruộng công (trở thành công điền cho dân mướn), lính khai thác đồn điền thì triệt về tỉnh, lo việc khác. ở Tây Ninh, giáp biên giới Miên, cũng xúc tiến lập đồn điền từ năm 1843.
Vua Tự Đức lên ngôi, gánh bao nhiêu hậu quả. Trương Quốc Dụng dâng sớ tâu : “Tài lực trong dân, soi với năm trước mười phần kém đến năm sáu mà các quan địa phương thường hay trau dồi tiếng tốt, hỏi số dân thì tâu rằng tăng, hỏi mùa màng thời tâu rằng được, chỉ muốn cho mình được tiếng khen”. Vua Tự Đức răn các quan đã dụng tâm làm nặng nhẹ, bắt lính đòi thuế, lo hối lộ quan trên, góp tiền kẻ dưới. Đời Minh Mạng, Thiệu Trị đã xảy ra nội loạn rồi. Vua Tự Đức cố đề phòng nhưng khó cứu vãn, nhứt là đối với miền Bắc và miền Trung nơi đói kém thường xảy ra. Lại còn nạn ngoại xâm của thực dân Pháp mà ngài không tiên đoán nổi mức trầm trọng.
Tháng giêng năm 1850, cho Nguyễn Tri Phương là Thượng thơ bộ Công làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ. Nguyễn Tri Phương giữ chức vụ này đến cuối năm 1858 để rồi trở về Kinh, lo đối phó với thực dân Pháp.
Nguyễn Tri Phương am hiểu tình hình các tỉnh Tiền giang, Hậu giang, luôn cả Cao Miên từ hồi Thiệu Trị. Ông đã đặt chân đến những nơi hẻo lánh và nguy hiểm nhứt như Thất Sơn, Vĩnh Tế, Trà Vinh, Ba Xuyên. Tóm lại, những vùng mà người Miên sống tập trung.
Năm 1853, vua Tự Đức cho phép lập đồn điền, lập ấp ở xứ Nam kỳ theo lời tâu của đình thần. Tại sao có việc lập đồn điền này ? Từ trước đã có chánh sách đồn điền rồi. Nhưng lần này đưa ra cấp bách nhằm đối phó kịp thời với tình hình điêu tán ở vùng biên giới và Hậu giang. Nguyễn Tri Phương nói thẳng mục đích : “Đất Nam kỳ liền với giặc Miên, dân xiêu tán nhiều. Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về đốc việc khai khẩn để nuôi dân ăn, thật là một cách quan yếu để giữ giặc và yên dân đó”.
Lập đồn điền và lập ấp là hình thức tổ chức nhằm phục vụ chiến lược lớn : giữ giặc và yên dân. Nội dung tóm tắt như sau :
— Thành phần : dân ở khắp Lục tỉnh Nam kỳ cùng các tỉnh từ Bình Thuận trở ra phía Bắc, theo nguyên tắc tình nguyện.
— Địa điểm thành lập : ở hai tỉnh An Giang và Hà Tiên còn dư thì cho qua vùng kinh Vĩnh Tế, Tịnh Biên, hoặc Ba Xuyên.
— Hình thức tổ chức : có hai hình thức, lập đồn điền và lập ấp.
Mộ dân lập đồn điền
Dân sống tập trung làm lính đồn điền, đây là hình thức bán quân sự.
Ai mộ được 50 người thì tổ chức thành một đội, người mộ được làm suất đội. Về sau, khi cày cấy có kết quả, đội này cải ra thành một ấp, viên suất đội mặc nhiên trở thành ấp trưởng, theo quy chế dân sự.
Ai mộ được 500 người thời tổ chức thành một cơ (gồm 10 đội), người mộ được bổ nhiệm làm chánh đội thí sai phó quản cơ, khi đất trở nên thành thuộc, cơ này trở thành một tổng, người đứng mộ trở thành cai tổng, theo quy chế dân sự.
Mộ dân lập ấp
Dân trong ấp sống theo quy chế dân sự, không bị câu thúc nhiều. Con số tối thiểu để lập một ấp là 10 người, đủ số ấy mới được chọn đất mà khai khẩn, lập bộ. Nên hiểu đây là 10 người dân cam kết chịu thuế, lần hồi ấp này quy tụ thêm một số lưu dân, bọn này không cần vô bộ, cứ sống theo quy chế dân lậu. Khi ruộng đất thành thuộc, dân đông hơn thì nâng lên thành một làng.
Người Tàu cũng có thể đầu mộ, lập ấp.
Có lệ khen thưởng những người mộ dân lập ấp : được 30 người thì tha xâu thuế trọn đời, 50 người thời thưởng chánh cửu phẩm, 100 người thời thưởng chánh bát phẩm. Nên nhớ là muốn mộ dân thì phải có vốn lớn để nuôi dân, cho vay làm mùa trong mấy năm đầu (vay tiền và vay lúa ăn). Các ông bá hộ, tức là chủ nợ (đồng thời cũng là ân nhân) khi chết thì trở thành tiền hiền, thờ trong đình làng. Đây là nội dung lời tâu đặc biệt của Nguyễn Tri Phương :
— Người Cao Miên ở các sốc thuộc Ba Xuyên và Tịnh Biên mới quy tụ về theo ta (sau các biến loạn đời Thiệu Trị) đáng lý thì phải đem phân tán khắp nơi, nhưng ta lại cho họ trở về quê quán, nếu tiếp tục sống như thế họ sẽ có cơ hội để làm loạn như trước. Bởi vậy dân khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu muốn ứng mộ qua Tịnh Biên, Ba Xuyên để lập ấp thì cứ cho, nhưng họ phải sống trong các tổng đã thành lập rồi (nhưng nay thì đã xiêu tán, dân không còn đủ số).
— Tù phạm ở Lục tỉnh, ai mộ được một đội hoặc một thôn (50 người) thời cho làng chúng nó bảo kiết, sẽ tha tội rồi đưa đến vùng kinh Vĩnh Tế (thuộc tỉnh An Giang) hoặc vùng rạch Giang Thành (tỉnh Hà Tiên) để cày ruộng, tùy theo công việc kết quả tới đâu, hạnh kiểm ra sao sẽ liệu định mà giải quyết.
Qua lời tâu của Nguyễn Tri Phương, ta thấy có dụng ý cho tù phạm đoái công chuộc tội vì vùng Vĩnh Tế và Giang Thành là nơi khó khai khẩn, lại ở sát biên giới, nguy hiểm hơn các vùng khác.
Năm sau, 1854, sáng kiến của Nguyễn Tri Phương gặp nhiều sự khen chê của các quan, thấu tai vua. Nguyễn Tri Phương tâu về việc ích lợi của chánh sách nói trên và nhìn nhận rằng : “Tôi xét việc đồn điền vẫn lợi nước lợi dân mà không lợi cho Tổng, Lý. Vậy nên Tổng, Lý đặt điều để phỉnh dân, những người nói bất tiện đó chẳng qua bị chúng phỉnh mà thôi”.
Tổng, Lý tức là cai tổng và lý trưởng, họ chống đối vì chính sách này khiến cho dân trong làng trong tổng có thể qua vùng đất khác mà làm ăn. Làng tổng của họ trở nên thưa thớt, thiếu người đóng thuế và làm xâu. Hoặc những phần đất hoang trong làng trong tổng sẽ bị cắt ra để trở thành một làng, một ấp khác, địa bàn hoạt động và số dân mà họ cai trị bấy lâu nay bị thâu hẹp lại.
Nhân dịp ấy Nguyễn Tri Phương báo cáo kết quả đầu tiên sau một năm : lập được 21 cơ đồn điền và phỏng chừng 100 làng. Đồng thời Nguyễn Tri Phương cũng xin khen thưởng những địa phương mà việc khẩn hoang thâu kết quả tốt.
Một trăm làng (ấp) nói trên quy tụ 10500 người. Năm 1866, nha Dinh điền xứ An Giang, Hà Tiên và vùng có nhiều người Miên ở Vĩnh Long (Lạc Hóa). Đồng thời với các tỉnh nói trên, những tỉnh còn lại ở Nam kỳ cũng tổ chức đồn điền để khẩn hoang; đáng chú ý nhất là đồn điền ở Gia Thuận, huyện Tân Hòa (Gò Công) thuộc tỉnh Gia Định do Trương Định cầm đầu. Lực lượng bán quân sự của đồn điền trợ giúp đắc lực cho quân sĩ triều đình khi giữ thành Chí Hòa và còn tham gia các cuộc khởi nghĩa về sau.
Những chi tiết cụ thể
Lập đồn điền là chánh sách tốt, tuy nhiên người dân chịu khá nhiều hy sinh, cực nhọc? Họ bị cưỡng bách, như trường hợp đám dân nghèo ở làng Tân Niên Tây (nay thuộc Gò Công). Họ là dân lậu, hương chức làng tống khứ họ qua Gia thuận để gia nhập đồn điền. Nhưng vài ngày sau, họ bỏ trốn, qua cư ngụ tại làng Kiểng Phước. Để cho dân số trong đồn điền khỏi bị hao hụt, viên đội của đồn điền Gia Thuận là Bùi Văn Cẩm báo cáo lên, và quan huyện cho phép viên đội này truy nã bọn dân vừa trốn, gồm 5 người. Dầu sao đi nữa, làm dân lậu trong một làng có nếp sinh hoạt thuần thục vẫn khỏe thân hơn là bị bắt đi nơi khác để làm đồn điền. Trường hợp nói trên xảy ra vào năm Tự Đức thứ 11 (1858). Người dân có phản ứng vì khi bận rộn cày cấy thì làm sao họ có thể diễn tập về quân sự như quan trên mong muốn ? Vả lại cày cấy ở đất hoang đòi hỏi nhiều công phu hơn ở vùng đất thành thuộc, tốn công nhiều nhưng huê lợi không thu được bao nhiêu, trong những năm đầu tiên.
Vì nhu cầu gìn giữ biên giới, tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên) là Cao Hữu Dực đã đưa nhiều kế hoạch thúc ép dân, đến đỗi các quan ở Nội các phải can thiệp. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), một năm sau khi ban hành quy chế đồn điền, Trương Đăng Quế, Trương Văn Uyển và Võ Đức Nhu bái yết vua, nhắc lại việc làm và những yêu sách của Cao Hữu Dực, rồi đi đến một kết luận mà nhà vua đã đồng ý : Phải mộ người và tập luyện lần lần thì việc làm mới có kết quả. Cứ chờ ba năm rồi hãy hay. Nhà vua hiểu rằng các quan địa phương thấu rõ hoàn cảnh và có xin nhiều việc vấn đề đồn điền. Tóm lại, phải cho dân sống dễ dàng, góp công từ từ. Không cần con số quá đông. Cao Hữu Dực xin việc chế quân phục (dân đồn điền khi thao diễn có sắc phục riêng) và việc thao diễn thường xuyên. Hai việc ấy không cần kíp lắm. Nên làm sổ sách để ghi số lưu dân, dân lậu, từ từ gom thành đội để khai khẩn cho hợp với hoàn cảnh. Sau 3 năm chuẩn bị thì hai điều trên (sắc phục và thao diễn) mới làm được.
Cũng năm 1854, ta có một tài liệu về việc lập đồn điền. Đây là một đội (50 người dân lậu) xin khẩn 2 khoảnh đất tổng cộng là 200 mẫu của làng Thường Thạnh (nay là Cái Răng, Cần Thơ). Đội trưởng Nguyễn Văn Tấn đứng đơn, có thôn trưởng, hương thôn và dịch mục ký tên. Thôn trưởng làng giáp ranh (làng Như Lăng) ký vào để xác nhận vấn đề ranh giới, viên cai tổng cũng ký vào. Đơn này được quan Tổng đốc An Hà phê.
Đồn điền nói trên thu hút dân của làng Thường Thạnh và cắt đất làng này bớt ra đến 200 mẫu. Ta hiểu tại sao việc lập đồn điền thường bị các làng có đất tốt chống đối, nếu là cắt đất xấu ở nơi nước mặn đồng chua thì chẳng ai tranh cản làm chi.
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), có một tài liệu theo đó các ấp trưởng của 9 ấp (Thanh Thiện, An Mỹ, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Phú Thạnh, Mỹ Thành, Vĩnh Thới, Phú Mỹ, Phú Khai) họp cùng đội trưởng và bốn ông bá hộ cùng đi tu khám điền địa để đo đạc rồi khai vào sổ bộ. Chẳng hiểu ngày nay các ấp nói trên nằm trong địa phương nào, nhưng ta thấy sự phối hợp giữa ấp trưởng (đội đồn điền) và vai trò các ông bá hộ giúp vốn.
Chúng tôi thử xác nhận vị trí của vài đồn điền thành lập dưới thời Tự Đức. Việc làm này khó khăn vì một số đồn điền lần hồi trở thành làng xã, một số khác về sau bị thực dân Pháp giải tán.
— Vùng Tân Châu còn tài liệu liên quan đến ông Đội Chín Tài ở Vịnh Đồn, theo đó vào những năm 1853 và 1856, ông được viên chỉ huy bảo Tân Châu cho làm ấp trưởng, rồi tác đắc cử ấp trưởng. Năm 1860, ông được cấp cho một “vi bằng cấp sự” để đi mộ lính ở thôn Phú Lâm. Ông Đội Chín Tài sau thăng chức hiệp quản, trong đội binh Giang Nghĩa.
— Dọc theo kinh Vĩnh Tế, những làng mạc thành lập từ đời Minh Mạng và Thiệu Trị ắt đã tiêu điều, lúc quân Xiêm tràn tới và chiếm đồn Châu Đốc. Trung tâm quy tụ lưu dân được nói nhiều nhất trong vùng này đời Tự Đức là Tịnh Biên và bờ kinh Vĩnh Tế. Nhưng ở đây, như Nguyễn Tri Phương quy định “họ phải sống trong các tổng đã thành lập rồi” tức là bổ sung vào các làng cũ, có ranh giới, có bộ đinh, bộ điền từ đời Minh Mạng để tránh việc lấn vào ruộng đất người Miên. Riêng về các đội do tù phạm lập ra, đưa về Giang Thành hoặc Vĩnh Tế thì không thấy dấu vết cụ thể, ngày nay tìm lại cũng quá khó khăn vì người địa phương nếu là con cháu của tù phạm thì cũng che giấu, hoặc không biết rõ việc này (và chính ông cha của họ cũng che giấu lai lịch, vì thể diện đối với các làng khác).
Tu sĩ Đoàn Minh Huyên, sau này là Giáo chủ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đến vùng Tịnh Biên, tại Thới Sơn để lập trại ruộng, quan địa phương không ưa thích nhưng ta không thấy tài liệu nào nói đến việc ngăn cản, chứng tỏ khẩn hoang ở vùng biên giới đời Tự Đức là công tác được khuyến khích.
— Người Chàm sống tập trung ở Châu Giang (ngang Châu Đốc) tổ chức lại thành từng đội, có quan hiệp quản cầm đầu.
— Tại vùng Trà Vinh (Lạc Hóa) nơi người Miên từng gây náo động hồi đầu đời Thiệu Trị, Nguyễn Tri Phương đã lập đồn điền ở vùng Cầu Ngang, Trà Cú ước vài ngàn dân, một người Miên là Thạch In được làm hiệp quản đồn điền (khi Pháp đến ông này ra làm cai tổng). Tại ngả ba Trà Cú, có ông đội Mười Nhơn.
— Tại vùng Mỹ Tho, Nguyễn Tri Phương lập đồn điền ở miền Xoài Tư.
— Tại vùng Ba Xuyên, việc lập ấp, lập đồn điền phát triển nên lập thêm một huyện mới ở Nhu Gia, năm Tự Đức thứ 13 (1860).
Nói chung các đồn điền chiến lược, các ấp nói trên được thiết lập xen kẽ vào vùng có người Miên cư ngụ tập trung. Vì vậy mà ngày nay du khách phải ngạc nhiên khi gặp những xóm đông đúc người Việt Nam, với nếp sống thuần thục, ở nơi chung quanh toàn là sốc Miên, nhứt là ở Trà Vinh, Thất Sơn, ở vùng Sóc Trăng.
Việc lập ấp, lập đồn điền xúc tiến trong vòng non 6 năm là thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Tuy nhiên, sau khi cắt ba tỉnh miền Đông cho Pháp, năm 1864, vua Tự Đức chuẩn cho Trần Hoán làm tuần phủ Hà Tiên kiêm sung chức Dinh điền ở An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long : kết quả chắc là mong manh vì thực dân lại đánh vào ba tỉnh miền Tây năm 1867.
Đồng thời với quy chế lập ấp và lập đồn điền năm 1835, vua Tự Đức định lệ người cày mướn ruộng : Gặp năm mất mùa, nếu nhà nước miễn thuế cho chủ điền theo tỷ lệ nào thì chủ điền phải theo tỷ lệ ấy mà bớt lúa ruộng cho tá điền. Đây là việc làm có chút ít tiến bộ.
Năm 1850, khi được sung Nam kỳ kinh lược sứ, Nguyễn Tri Phương chú ý đến nạn cho vay nặng lời. Từ lâu, theo lệ triều đình thì cho vay riêng tư hoặc cầm cố tài vật, bất luận là năm tháng lâu mau thì chỉ lấy một vốn một lời mà thôi, mỗi tháng tiền lời không quá 3 phân, ai trái lịnh thì bị phạt 40 roi. Lời dạy của Hình Bộ nói rất kỹ : như mượn một lượng bạc, cứ mỗi tháng 3 phân mà lấy lời, kéo dài tới 33 tháng thì bạc lời đã đầy một lượng tức là ngang với số vốn rồi. Như con nợ không trả tiền lời đều đặn, trả kéo dài năm mười năm thì cũng giữ nguyên tắc “một vốn một lời” là dứt nợ. Nguyễn Tri Phương nhắc lại nguyên tắc không quá 3 phân mỗi tháng. “Gần đây, nghe Gia Định tỉnh có phú hộ cho vay, phần nhiều trái lịnh cấm cho nên con nợ không thể trả, thường bị chủ nợ làm khổ. Người lính (mang nợ) không yên trong cơ ngũ, mà dân sống không yên cho nên có người sinh tâm phải ăn trộm, chớ không phải nhứt thiết vì tham. Cổ nhân thường nói : cho vay tiền không bằng cho vay đức (trái tài bất như trái đức), nên giảm thuế, bớt tô. Triều đình thường ra kế an dân, sao người ta lại tham để làm hại nhau ? Bởi vậy bản chức thể đức ý của triều đình, lấy an dân làm nhiệm vụ, đã sức cho phủ huyện bảo cho người phóng trái : trừ người từ trước đã trả được ít nhiều, còn kỳ dư là bất lực, hãy hoản cho họ một năm để cho họ an cư sinh sống, chậm việc thúc bách đòi nợ họ”.
Mấy nét trên đây giúp soi sáng một khía cạnh quan trọng của việc lập ấp di dân : các ông bá hộ đứng ra đỡ đầu đều thủ lợi quá đáng. Lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương chắc ít được lưu ý. Nguyễn Tri Phương khuyên các chủ điền (cũng là bá hộ, là chủ nợ) nên giảm địa tô. Điều này lại càng khó được hưởng ứng vì luật pháp không hề quy định rõ rệt, cứ để cho người chủ đất thao túng.
Năm Tự Đức thứ 13 (1860) là năm bi đát. Tháng giêng, quân sĩ Cao Miên gây sự đánh vào An Giang và Hà Tiên, nhưng ta đuổi được (quân Cao Miên qua chiếm vùng Thất Sơn). Tướng Nguyễn Tri Phương được phái vào Nam để lo chiếm lại thành Sài Gòn, sau khi nguyên soái Pháp (Page) đưa ra một dự thảo hòa ước rất ngặt nghèo cho ta.
Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển truyền cho dân dũng trong đồn điền, trong ấp phải thao diễn tại tỉnh, các đồn ở trong làng canh phòng cẩn mật, dân trong ấp phải chăm lo việc nông, các nhà phú hộ thì tích trữ lúa thóc để bán cho nông dân hoặc cho vay, ai bán hết thì bị phạt nặng. Mặt khác, phải ngừa gian thương chở lúa gạo bán ra vùng giặc. Đất không được bỏ hoang, lúa phải tích trữ để dân khỏi bị khốn trong lúc “thanh hoàng bất tiếp” (lúa bắt đầu chín, chưa gặt ăn được).


Chương 1 - 4

Làng xóm, điền đất và người dân thời đàng cựu


Trước khi người Pháp đến, đất Nam kỳ đã là nơi việc cai trị tổ chức thành nền nếp khá minh bạch. Người Pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, sửa đổi hoặc noi theo phần nào để áp dụng có lợi cho việc thực dân. Những tài liệu sau đây phần lớn rút từ “Những bài giảng về cách cai trị thời đàng cựu” do viên tham biện nhiều kinh nghiệm là J.B. Eliacin Luro đem dạy tại trường Hậu Bổ Sài Gòn vào năm 1875. Luro từng là sĩ quan tham gia đánh chiếm và bình định xứ Nam kỳ. Thời ấy, tài liệu tuy bị mất mát nhưng còn khá nhiều, vài viên chức thời đàng cựu đã giúp Luro biên soạn, đặc biệt là ông Trần Nguơn Vị (bát phẩm cựu trào, tục danh ông Hạp) làm việc cho Pháp thăng lần đến Đốc phủ sứ. Theo quy chế đàng cựu (thời Tự Đức) ở mỗi tỉnh có năm phòng : phòng Lại, phòng Hộ, phòng Lễ... Ông Hạp là viên chức đứng đầu một phòng, tương đương với chức vụ trưởng ty ngày nay. Mỗi công văn đều lần lượt do thơ lại thảo ra, trình cho ông Hạp, ông Hạp trình cho viên kinh lịch hoặc thông phán xem kỹ trước khi trình lên quan Tổng đốc. Ông Hạp Trần Nguơn Vị là người vùng Lấp Vò (Long Xuyên) nên trưng ra nhiều tài liệu về vùng này.
Về địa bộ năm Minh Mạng thứ mười bảy
Như đã nói, ở Nam kỳ đây là lần duy nhất triều đình tổ chức việc đo đạc do Trương Đăng Quế cầm đầu, cùng với một số viên chức chuyên môn từ kinh đô vào. Nên phân biệt địa bộ và điền bộ :
— Địa bộ ghi rõ từng khoảnh đất : diện tích, loại đất, ranh giới tứ cận, tên người chủ.
— Điền bộ, gọi nôm na là bộ điền, chỉ ghi tên người chủ đất, diện tích, loại đất, đặc biệt là số thuế phải đóng.
Địa bộ nặng về chi tiết liên quan đến tên họ chủ đất, ranh giới, diện tích mà không ghi số thuế hàng năm trong khi điền bộ chỉ chú trọng vào thuế má : thuế ấy ai phải trả ?
Năm Minh Mạng thứ 17, mỗi làng phải lập một địa bộ gồm 3 bổn giống nhau.
— Bổn Giáp, gởi về Hộ Bộ ở Kinh đô.
— Bổn ất, giữ tại tỉnh, nơi văn phòng quan Bố chánh.
— Bổn Bính, giữ tại làng.
Từ đó về sau, mỗi khi mua bán đất, nhà nước lấy địa bộ Minh Mạng này ra điều chỉnh.
Xin đơn cử làm thí dụ bổn địa bộ Minh Mạng của thôn Tân Bình, thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng Lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang.
Hương chức gồm Thôn trưởng, Hương thân, Hương hào đứng tên lập ra, có Cai tổng và Phó tổng “Thừa nhận thiệt”.
Sau đó là viên Tri huyện “Thừa duyệt thiệt”.
Các viên chức của tỉnh (tỉnh phái) cũng ký vào, theo thứ tự :
— Thơ lại của án sát sứ ty “Thừa cứu”
— Thông phán của Bố chánh sứ ty “Thừa tỷ”
— Quan Bố chánh và quan án sát của tỉnh An Giang “Thừa hạch thiệt”
Các viên chức từ Kinh đô đến (Kinh phái) ký vào theo thứ tự :
— Thơ lại của Tào chánh ty, thuộc Bộ Công “Thừa Cứu”
— Viên ngoại lang của Bộ Lễ “Thừa tỷ”
— Chủ sự của Bộ Binh “Thừa phúc cứu”
Tổng cộng các hạng điền thổ trong làng Tân Bình là 208 mẫu.
Trong số này, ruộng canh tác gồm 88 mẫu : 19 mẫu thảo điền và 69 mẫu sơn điền.
Đất ruộng đổi thành vườn cau, có gia cư : 11 mẫu.
Đất ruộng đổi thành vườn chuối, tre, có gia cư : 13 mẫu.
Đất trồng dâu và trồng mía : 10 mẫu.
Đất trước kia trồng dâu, nay trồng đậu, khoai : 17 mẫu.
Đất trồng tre : 30 mẫu.
Đất trồng lá dừa nước : 30 mẫu.
Đất trước kia trồng dâu, nay đổi thành đất lập chợ phố : 5 mẫu.
Ngoài ra còn đất gò quá cao, đất làm nghĩa địa, đất bỏ hoang không đo đạc diện tích.
Về sự phân khoảnh đất ruộng, 19 mẫu thảo điền đã kê khai chia làm ba sở : 5 mẫu, 8 mẫu, 6 mẫu.
Về sơn điền, chia ra 4 sở : 18, 17, 12 và 20 mẫu.
Địa bộ của làng chỉ có tên họ năm bảy ông điền chủ mà thôi.
Khu đất dành để cất chợ là 5 mẫu, do hai người đứng tên làm chủ. Cuối bổn địa bộ, hương chức làng cam kết không khai thêm bớt, nếu sai lạc hoặc còn đất ẩn lậu mà không khai thì chịu tội.
Về điền bộ, (tức là bộ ghi thuế điền) trước sau chỉ lập ra có bốn lần từ hồi nhà Nguyễn tới khi thực dân Pháp đến, gọi là Đại Tu Điền Bộ, làm chuẩn để thêm bớt vào những năm sau.
Bốn lần ấy là :
— Năm Thiệu Trị thứ ba.
— Năm Tự Đức nguyên niên.
— Năm Tự Đức thứ 11.
— Năm Tự Đức thứ 16.
Cũng làng Tân Bình (Lấp Vó) nói trên, so với địa bộ Minh Mạng hồi 12 năm về trước, có sự thay đổi rõ rệt : đất ruộng chịu thuế đã giảm về diện tích trong khi các loại đất trồng đậu, khoai và trồng tre vẫn như cũ. Trong địa bộ Minh Mạng không ghi đất công điền, nhưng trong điền bộ sau này ghi rõ các sở công điền. Có lẽ diện tích sút giảm vì dân qua các làng khác làm ăn, hoặc có sự ẩn lậu diện tích để trốn thuế. Đây là một làng thuộc tỉnh An Giang, thành lập từ đời Gia Long nên dân lậu rút bớt qua các làng tân lập, khiến các chủ điền vì sợ đóng thuế không nổi nên hiến cho làng để làm công điền ; một số đất khác thì lần hồi canh tác rồi cũng bỏ hoang.
Đất thiệt trưng, tổng cộng 165 mẫu trong đó “điền” (đất làm ruộng) là 58 mẫu và “thổ” (các loại trồng tỉa khác) là 106 mẫu.
Thảo điền gồm một sở công điền 5 mẫu và 10 mẫu tư điền khác chia làm hai sở.
Sơn điền gồm 42 mẫu, trong đó công điền ba sở, tư điền hai sở. Đáng chú ý là có một sở 12 mẫu do Mai Văn Ngọc làm chủ, ông này vì can án theo ngụy (phải chăng là theo ngụy Khôi) nên đất bị tịch biên đem vào công điền.
Ngoài số đất ruộng nói trên, những phần đất trồng tre, trồng dâu, trồng khoai đậu không thay đổi mấy.
Trong làng Tân Bình, bộ điền ghi 18 mẫu liệt vào loại “hoang phế” (vì dân đã thất lạc) từ năm Thiệu Trị thứ 5, bỏ hoang dưới 5 năm.
Lại còn 28 mẫu ghi vào loại “cửu kinh hoang phế” tức là bỏ hoang lâu hơn. Một số đất lần hồi trở thành xấu, lúc trước canh tác được nhưng về sau đất chai lần, sanh ra sỏi (loại đá ong). Lại còn vài mẫu đất phù sa mới bồi, ghi vào bộ. Một số người khẩn đất trước kia bỏ xứ mà đi, không biết lý do, đất trở thành công điền. Lại có người chết không có con cháu thừa tự nên đất cũng trở thành công điền.
Về thuế đất, năm Tự Đức nguyên niên, thấy ghi rõ trong bộ như sau :
Thảo điền, mỗi mẫu thâu tô túc 26 thăng, thập vật tiền là 3 tiền.
Sơn điền, mỗi mẫu tô túc 23 thăng, thập vật tiền là 3 tiền.
Tang căn thổ (đất trồng dâu), mỗi mẫu 2 quan.
Viên lang thổ (đất lập vườn cau), mỗi mẫu 1 quan 4 tiền.
Vu đậu thổ (đất trồng khoai đậu), mỗi mẫu 8 tiền.
Thổ trạch, mỗi mẫu 8 tiền.
Thanh trúc thổ (đất trồng tre), mỗi mẫu 4 tiền.
Dà diệp thổ (đất trồng lá dừa nước), mỗi mẫu 4 tiền.
Biểu thuế trên đây tính theo lệ đã ban hành từ năm Minh Mạng thứ 17.
Lập làng mới
Đời Tự Đức, ở Nam kỳ Lục tỉnh, nhà nước khuyến khích lập làng để thúc đẩy khẩn hoang, thâu thêm thuế đinh và thuế điền. Việc lập làng được hưởng ứng, bất kể dân giàu hay dân nghèo.
— Người giàu (thường là bá hộ) được dịp ban ơn bố đức cho dân đi khẩn đất. Trong giai đoạn đầu, người khẩn đất cần vốn liếng để sắm nhà cửa, ghe xuồng, nông cụ, quần áo, gạo để ăn, tiền để xài. Ông bá hộ cho vay tiền, vay lúa với mức lời rất nặng, trên 50 phần trăm mỗi năm. Ngoài ra, nếu ông bá hộ trực tiếp khẩn đất thì có thể canh tác với nhân công mướn rẻ, đó là những người bạn làm ruộng ăn lương hàng năm, khi rảnh việc cày cấy gặt hái thì chủ bắt chèo ghe, sửa nhà, đắp bờ, đào mương vườn. Bạn làm công luôn luôn mượn tiền trước với tiền lời rất nặng, lắm khi vì đau yếu hay cờ bạc, vợ và con phải làm việc thay thế để trừ nợ.
— Người nghèo không gia cư, đã túng thiếu đổ nợ ở các làng cũ nếu có chí thì đi nơi khác xin lập làng mới, chịu khó làm ăn thì có thể trở thành điền chủ nhỏ, được làm hương chức. Trong nhiều trường hợp, người đi lập làng thường lôi kéo theo nào là bạn thân, nào là bà con xa, bà con gần để trong việc làm ăn hàng ngày họ sống trong bầu không khí thân mật và tin cậy hơn.
Đơn xin lập làng làm ra hai bổn, dâng lên quan Bố chánh. Trong đơn ghi rõ :
— Ranh giới tứ cận của làng mới lập.
— Tên những người gia trưởng (điền hộ).
— Ranh giới các sở đất xin khẩn, tên chủ đất, diện tích, loại đất gì (sơn điền, thảo điền hoặc vu đậu).
— Nêu rõ tên làng mới (xin đặt tên).
— Xin miễn thuế, miễn sưu và miễn lính trong ba năm.
— Ghi tên những người dân bộ (bộ đinh) để bảo đảm có số thuế tối thiểu trong tương lai.
Quan Bố chánh nhận đơn, chỉ cần biết rõ ranh giới làng mới và tên tuổi của dân lập làng (gồm dân đã từng đứng bộ trong làng khác và dân lậu) rồi phê vào mấy chữ : “Phú hồi sở tại phủ viên khám biện”.
Khi nhận được lịnh, quan phủ bèn đến tận nơi với vài nhân viên (lại lệ), đòi hương chức các làng kế cận, luôn cả viên cai tổng để xác nhận rằng làng mới xin lập không lấn ranh vào những làng đã có ở bốn phía và chẳng ai ngăn cản. Dân xin lập làng phải có mặt để xác nhận chịu khẩn và chịu đóng thuế, sở đất của người này không lấn ranh vào sở của người kia. Dân lậu xin lập làng cũng đến để được điều tra xem có tội trạng, tiền án, hoặc có giả mạo tên tuổi không. Quan phủ cho đo diện tích để biết lần đo trước của dân làng có chính xác chăng (dư hoặc thiếu), xem ranh giới từng sở đất, tên người chủ, loại sơn điền, thảo điền hoặc đất trồng dâu, trồng khoai đậu... Luôn dịp ấy, quan phủ nhìn nhận cho người xin lập làng làm chức thôn trưởng, cấp cho con dấu nhỏ, hình chữ nhựt, theo nguyên tắc con dấu phải làm bằng cây (vì vậy gọi là mộc ký, hoặc nói gọn là con mộc). Đồng thời quan phủ cho phép làng cũ hủy bỏ tên những người dân đã di chuyển để ghi vào bộ sổ của làng mới lập.
Quan phủ soạn tờ phúc bẩm, trình với quan Bố chánh việc mình đã làm, kèm theo bản đồ tổng quát của làng tân lập, vị trí các sở đất, loại đất, tên người xin khẩn, diện tích. Trên bản đồ thường vẽ hình cây lâm vồ, chòm tre, lung bàu hoặc hình chùa miễu để làm chuẩn. Thôn trưởng ở mấy làng giáp ranh đồng ký vào.
Tờ phúc bẩm này được quan phủ dâng cho quan Bố chánh, làm hai bổn. Khi nhận được, quan Bố chánh phê “trình biện”; chuyển lên quan Tổng đốc thì được phê “chiếu biện” khi chấp thuận.
Một bổn có lời phê trên đây lại gởi trả xuống cho quan phủ hoặc quan huyện. Lập tức, quan phủ hoặc quan huyện đến làng tân lập nọ, lần thứ nhì, để làm tờ khám án (Luro dịch là jugement procès verbal). Trong tờ này ghi là đã đến nơi, gọi các viên cai tổng, thôn trưởng kế cận đến để xác nhận, rồi kê khai các sở đất, diện tích, loại đất, tên người khẩn như trong tờ phúc bẩm. Bên dưới là chữ ký của thôn trưởng, hương thân, của dân làng tân lập cùng các ông cai tổng sở tại và lân cận.
Tóm lại, việc lập làng chia ra ba giai đoạn :
— Dâng đơn lên quan Bố chánh
— Quan phủ hoặc quan huyện đến nơi làm tờ phúc bẩm
— Khi được quan Tổng đốc đồng ý, quan phủ trở lại làng, làm tờ khám án
Trường hợp làng Châu Quới tân lập, tách ra từ làng Châu Phú (nay là vùng chợ Châu Đốc) lúc mới làm đơn xin chỉ có 7 người dân đứng tên (2 người dân có bộ cũ, 5 người dân lậu), đất khẩn các loại tổng cộng 66 mẫu (trong đó chỉ có 2 mẫu thảo điền và 3 mẫu sơn điền) giúp ta thấy rõ tình trạng làng xóm lúc bấy giờ, quan trên tỏ ra dễ dãi, những người đứng tên là tiểu điền chủ, sau này sẽ quy tụ thêm dân đến làm công hoặc làm tá điền cho họ.
Nói chung, hương chức làng (hương dịch) chia ra làm 2 hạng : “các chức lớn” và “các chức nhỏ”. Các chức nhỏ là người thi hành, đi gặp dân để truyền lịnh của các chức lớn. Muốn được hương chức cần có điều kiện tuy đơn giản nhưng gắt gao : phải cư ngụ trong làng, có hằng sản hoặc uy tín lớn (thí dụ như người nghèo nhưng ông cha ngày xưa làm quan hoặc đã sáng lập làng). Lúc ban đầu chỉ đặt ra thôn trưởng (xã trưởng) và hương thân (theo Luro, chức hương thân do Nguyễn Tri Phương bày ra). Lần hồi khi làng đông dân, thuế má dồi dào thì cử thêm ấp trưởng, cai tuần, trùm cả, thủ hộ, biện lại, biện đình. Hương chức lớn thì có thêm hương hào, hương sư, hương chánh, hương lễ...
Nhiều người cho rằng hương chức làng là tổ chức dân chủ. Đó là nói quá đáng, nếu không sai lạc : tổ chức phong kiến, của phe đảng thì đúng hơn. Khi thiếu một người hương chức thì mấy người sáng lập làng hoặc những người đang làm hương chức bèn nhóm lại rồi cử người trong nhóm, trong phe. Dân nghèo không hằng sản, tức là không điền đất hoặc không vốn liếng to để làm nghề mua bán thì chỉ được quyền đứng ngoài xa mà nhìn, hoặc là nấu nước pha trà cho các ông hương chức uống khi họ bầu cử lẫn nhau. Vua chúa ngày xưa nhắc nhở đến dân, “dân vi quý” hoặc gọi tổng quát là bá tánh. Nhìn qua bộ điền hoặc địa bộ của làng, ta thấy tên họ của những người dân mà thời phong kiến đề cập tới : đó là những điền chủ lớn nhỏ, những ông bá hộ. Dân lậu, không tên trong bộ, không được nhìn nhận là dân.
Việc khẩn đất
Lần hồi, khi Gia Long bắt đầu cai trị thì việc khẩn hoang không còn quá dễ dãi như lúc mới bắt đầu Nam tiến. Nhà nước kiểm soát kỹ lưỡng việc khẩn đất, nhằm mục đích thâu thuế. Đời Tự Đức, trên nguyên tắc thì đất hoang (hoang nhàn) ai làm đơn xin khẩn trước là người đó được.
Hễ đất bỏ hoang, không đóng thuế là đem cho người khác trưng khẩn để nhà nước khỏi bị mất thuế.
Đất tạm bỏ hoang, trong trường hợp chủ đất chết, không con, thân nhân chưa hay biết thì giao tạm cho người khác, chờ có người đến nhìn nhận.
Không đóng thuế, đất có thể bị mất. Muốn đóng thuế, phải đăng vào địa bộ. Muốn đăng vào địa bộ thì phải làm đơn theo thủ tục.
Nhà nước luôn luôn thúc giục dân khẩn đất, ghi vào địa bộ và đóng thuế để khỏi bị tranh cản về sau, nhứt là trường hợp đất tốt ở nơi đông dân cư, gần đường giao thông tiện lợi.
Nhiều sự trừng phạt đích đáng dành cho kẻ ẩn giấu diện tích, canh tác lậu.
Năm Gia Long thứ 9, theo lệ thì khi gặp đất canh tác lậu thuế (đất không xin ghi vào bộ), kể tố giác được hưởng phần đất ấy, xin ghi vào bộ để làm chủ, tức là hưởng công lao khẩn hoang của kẻ đi trước. Nếu người tố giác không muốn khẩn thì đất vẫn còn là của chủ cũ, chủ cũ phải lập tức hợp thức hóa.
Nếu là vùng đất tốt, tên Giáp khai 5 mẫu nhưng trong thực tế cày cấy đến 8 mẫu, người tố giác có thể xin trưng khẩn 3 mẫu thặng dư.
Lệ năm Minh Mạng thứ 15, sửa đổi chút ít : kẻ nào canh tác trên phần đất ruộng hơn diện tích đã khai trong bộ thì bị phạt, tiền phạt đem thưởng cho kẻ tố giác (đất lậu ấy không bị tịch thâu).
Nếu khẩn một khoảnh đất riêng rẽ, hoàn toàn trốn thuế từ lâu thì đất bị tịch thu, giao cho kẻ nào chịu đến canh tác và chịu đóng thuế.
Lệ năm Tự Đức nguyên niên đặt ra : hễ đất mới khẩn mà chưa làm ruộng, chủ hoàn toàn trốn thuế thì giao cho người tố giác làm chủ, ghi vào bộ. Nếu đất trước đó có canh tác, có đóng thuế nhưng trải qua một thời kỳ bỏ hoang lâu hay mau, chủ trở lại canh tác mà không chịu đóng thuế thì chủ đất bị phạt 3 quan mỗi mẫu, đất không bị tịch thâu. Tóm lại, đời Tự Đức đất chỉ bị tịch thâu giao cho người khác khi là đất hoang, mới khai khẩn. Kẻ bị tố giác phải chịu đóng thuế năm trước và những hình phạt bằng roi cho kẻ khai gian diện tích.
Luật lệ khẩn đất ngày xưa định như sau :
— Đất đã ghi vào bộ, biết rõ ranh giới và diện tích mà bỏ hoang vô thừa nhận thì dân làng cứ làm đơn xin phục khẩn, quan Bố chánh có trọn quyền định đoạt. Đất mới bỏ hoang dưới 5 năm, được miễn một năm thuế điền, đất bỏ hoang quá lâu (cửu kinh hoang phế), miễn 3 năm.
— Chủ đất chết, không con thừa tự thì làng cho người khác tới lãnh, ghi tên vào bộ (diện tích đã biết rõ rồi).
— Nếu muốn khẩn nới rộng thêm một sở đất đã vô bộ từ trước, chủ đất cứ làm đơn, quan trên sẽ chấp nhận sau khi khám xét (trường hợp tăng trưng).
— Nếu là sở đất to, ở vùng hoang nhàn chưa ai khai khẩn thì theo thủ tục khá phức tạp, giống như thủ tục xin lập một làng mới :
* Làm đơn dâng lên quan Bố chánh để xin khẩn, kèm theo bản đồ sơ sài, ghi tứ cận ranh giới. Quan Bố chánh sẽ phú hồi cho quan huyện sở tại khám xét.
* Quan huyện gọi hương chức làng và những người chủ đất giáp ranh đến, khám xét lại, mục đích chánh là đề phòng trường hợp lấn vào phần đất mà người khác đang khai khẩn nhưng chưa xin vô bộ kịp, rồi lập tờ phúc bẩm, chờ quan Bố chánh duyệt xem.
* Quan huyện cho viên chức tới lập tờ án khám, xác nhận cấp đất.
Trên thực tế, thủ tục khẩn đất quá khó khăn. Ngày xưa đường giao thông bất lợi, dân ở vùng Sóc Trăng phải vượt đường xa, đến tận chợ Châu Đốc để dâng đơn lên quan Bố chánh, hơn trăm cây số. Lại còn bao nhiêu sở phí linh tinh : lo lót cho lính lệ, cho các viên chức và quan huyện đi làm phúc bẩm và án khám, lo lót cho hương chức làng. Người dân nghèo thiếu vốn liếng để giao thiệp và lo hối lộ thì chẳng bao giờ làm chủ đất được. Lương bổng của các quan rất ít oi; đứng về pháp lý và luân lý Khổng Mạnh, các quan lớn nhỏ được phép tha hồ nhận tiền hối lộ (gọi là lộc). Làm chuyện ích lợi cho dân, dân đền ơn thì cứ hưởng một cách thoải mái, lương tâm chẳng ray rứt !
Chủ điền, chủ nợ và tá điền
Dân trong làng phải ghi vào bộ để chịu thuế; dân có nghĩa là đàn ông, con trai. Tất cả dân, làm bất cứ nghề gì cũng phải ghi. Trên nguyên tắc thì vậy nhưng ở làng có rất nhiều người không ghi tên vào bộ đinh. Họ là dân lậu. Rốt cuộc, chỉ những người điền chủ mới ghi tên, chịu thuế. Luro giải thích : Hương chức làng đã qua mặt Triều đình và Triều đình làm ngơ vì nếu áp dụng luật lệ quá gắt gao, một số đông dân làng sẽ bỏ trốn vì đóng thuế không nổi, chi bằng cứ chấp nhận một số ít dân đóng thuế mà làng xóm tồn tại, việc ruộng nương được điều hòa.
Dân lậu là ai ? Là tá điền, tức là những người không đủ thế lực, không đủ vốn khẩn đất, họ mướn lại đất của chủ điền.
Là tá điền, khi mướn đất họ phải làm tờ tá điền (gọi tắt là tờ tá) tức là tờ mướn đất để làm ruộng. Mỗi mùa, họ đong cho điền chủ một số lúa gọi nôm na là lúa ruộng (chữ nho gọi là “tá túc”), lúa mướn đất. Nên phân biệt với “tô túc” là số lúa mà chủ điền đóng cho nhà nước trong thuế bằng hiện vật, cộng với một số tiền mặt.
Thời phong kiến (luôn cả đến thời Pháp thuộc) giữa chủ điền và tá điền không có quy định nào rõ rệt do nhà nước đưa ra về số lúa ruộng (tá túc) mà tá điền phải đóng cho chủ điền, theo tỷ lệ hoặc giá biểu nào cả. Tá điền chỉ biết trông cậy vào lòng nhân đạo của chủ điền mà thôi. Luân lý Khổng Mạnh thường nhắc đến hai tiếng “tích đức”, là nhắm vào chủ điền trong việc đối xử với tá điền, giới tá điền dầu có lòng tốt thì cũng chẳng có ai dưới tay để mà ban bố.
Về pháp lý, tờ tá (tờ mướn đất) là văn kiện do chủ điền và tá điền tự ý ký kết. Nếu tá điền vi phạm điều giao kết thì chủ điền tố cáo, nhờ quan làng xử. Năm nào tá điền trả không nổi thì chủ điền giữ giấy ấy lại, xem như là giấy nợ hợp pháp.
Một số hương chức và thân hào tuy không đứng bộ, không làm chủ sở đất nào trong làng nhưng lại có ưu thế đối với đất gọi là công điền, do làng làm chủ (nhưng hương chức làng không được tự ý bán, trong bất cứ trường hợp hoặc vì lý do nào). Họ đứng ra mướn đất công điền với giá rẻ rồi cho dân mướn lại với giá cao hơn, họ đóng vai trung gian mà ăn lời. Trên lý thuyết thì sự thành lập công điền nhằm mục đích giúp cho công quỹ của làng thâu thêm lúa và tiền để dùng vào công ích, đồng thời giúp một số tá điền có đất làm ruộng. Nhưng người tá điền chẳng được hưởng ân huệ gì cả.
Người chủ điền thời xưa được quyền hưởng “lộc” do tá điền đền ơn cho, vì chủ điền đã giúp tá điền có đất mà cày, có nơi cất nhà, có chỗ vay mượn lúc đau ốm. Khi vay, con nợ phải mang ơn; chủ điền là ông vua nho nhỏ trong đất đai của họ, tá điền đóng vai thần dân của tiểu giang sơn. Chủ điền bắt buộc tá điền làm “công nhựt”, tức là làm thí công, mỗi năm vài ba ngày, (tùy theo lòng nhân đức của mỗi chủ điền) lúc có đám giỗ, lúc chủ điền gả con, ăn mừng tuổi thọ ngũ tuần, lục tuần. Đặc biệt là trước ngày Tết, tá điền phải đến làm cỏ vườn, bửa củi, xay lúa, chèo ghe. Ngoài số lúa ruộng ghi trong giấy mướn đất, tá điền còn góp một số hiện vật gọi là “công lễ”, thì dụ như vài lít rượu nếp thứ ngon, một thúng nếp trắng, một cặp vịt vào dịp đám giỗ trong gia đình chủ điền hoặc ngày Tết, theo kiểu chư hầu cống sứ cho thiên tử. Đáp lại, nhiều chủ điền tỏ ra rộng lượng, bố thí và tích đức cho con cháu mình bằng cách đốt bỏ giấy nợ của tá điền, loại giấy nợ không thanh toán nổi từ mấy năm trước vì mất mùa hoặc đau yếu.
Thân phận đàn ông làm tá điền gẫm lại còn khỏe hơn đàn bà. Đàn bà trong gia đình nghèo lo lắng cực nhọc, trong ngoài : gặt lúa, cấy lúa, bửa củi, nuôi heo gà, xay lúa giã gạo, lại còn nuôi con. Con trẻ lớn lên đôi khi trở thành một thứ động sản mà cha mẹ đem cầm cố cho người khác để chăn trâu, khi nào dứt nợ hoặc đủ tiền chuộc thì mới được về nhà.
Về mức sống cụ thể của chủ điền, chúng tôi không sưu tầm được tài liệu để so sánh, hoặc trường hợp tiêu biểu. Trong tài liệu của Luro, có sao lục lại tờ chia gia tài của một chủ điền ở Tân Thành phủ, Vĩnh Phước thôn, tỉnh An Giang tức là địa phận Sa Đéc đất ruộng phì nhiêu. Ông điền chủ này kê khai tài sản để chia cho con cái :
— 3 sở đất cộng là 75 mẫu
— 2 đôi xuyến vàng
— 7 đôi bông vàng
— 10 đôi xuyến bằng vàng (tử kim)
— 4 bộ ngũ sự (chưn đèn, lư hương...)
— 10 xâu chuỗi hổ (hổ phách)
— 50 đính bạc, mỗi đính 10 lượng, tức là 500 lượng bạc.
— 1000 đồng bạc “điểu ngân” (bạc con ó Mễ Tây Cơ)
— 15000 quan tiền kẽm
và một số nợ mà người khác chưa trả cho ông.
Ông điền chủ nói trên làm tờ chia gia tài vào năm Minh Mạng thứ 20 (1839), để lại một nhà ngói ba căn, chẳng hiểu ngoài nghề làm điền chủ, cho tá điền vay, ông còn buôn bán gì khác chăng ?
Về giá đất, có vài tài liệu như sau, lẽ dĩ nhiên giá thay đổi tùy theo địa phương, tùy loại đất hoặc vị trí gần xa đường giao thông, chợ phố.
— Đất tốt (thảo điền) ở Định Tường : 10 mẫu, 9 sào, 8 thước trị giá 1682 quan, bán đứt, năm Thiệu Trị thứ 7.
— Đất hơi xấu (sơn điền) ở Phú Mỹ thôn (vùng Thị Nghè), Gia Định : 5 mẫu, 6 cao, 7 thước, cố vô thời hạn (mại lai thục) với giá 650 quan, khi có tiền cứ chuộc lại đúng số tiền trên không ăn lời, năm Tự Đức thứ 5.
— Đất ở Long Thành (Biên Hòa) loại sơn điền : 2 mẫu, 3 sào cầm với giá 190 quan, hẹn 3 năm thì chuộc lại, trả vốn và lời theo luật định (3 phân), năm Tự Đức thứ 5.
Về lúa ruộng (nay gọi là địa tô, xưa gọi là tá túc) ở làng Nhơn Ngãi, tổng Dương Hòa Trung, tỉnh Vĩnh Long : 10 mẫu đất cho tá điền mướn với giá là 50 phương lúa, hẹn tháng 2 âm lịch năm sau, khi làm mùa xong phải đong cho chủ điền. Thuế điền thì do chủ điền đóng, năm Tự Đức thứ 4.
Về lúa ruộng ở làng Vĩnh Điền, phủ Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc : mướn sơn điền 10 mẫu trong 10, mỗi năm 500 quan tiền mặt hoặc thay vào đó, đong lúa hột (húc tử) 500 giạ. Tá điền phải đong lúa hoặc trả tiền vào tháng 2 âm lịch, sau khi làm mùa. Chủ điền chịu đóng thuế điền cho nhà nước, nếu trong thời gian trên tá điền không canh tác hết, còn đất bỏ hoang phế thì khi giao trả đất cho chủ điền, phải làm cỏ cho sạch, năm Qů Dậu (1873) khi người Pháp vừa xâm chiếm nước ta.
Về việc mướn trâu của chủ điền để cày và kéo lúa, ở làng Mỹ Trà (Cao Lãnh) : mướn một con trâu đực 6 tuổi, một con trâu cái 5 tuổi, mỗi năm trả 80 giạ, vào năm Bính Ngọ (đời Thiệu Trị, 1846). Nếu trâu đau thì cho chủ biết kịp thời, phòng khi trâu chết có chứng cớ.
Bán trâu ở làng Tân Sơn (Vĩnh Long) : một con đực 5 tuổi, một con cái 4 tuổi và một con nghé chưa đủ 1 tuổi với giá 400 quan, năm Giáp Tuất (1874) khi người Pháp đã qua xứ ta.
Tài liệu nói trên chỉ là giấy tờ, trên thực tế chắc có khác. Lại còn vài tài liệu về giấy nợ, nhưng chỉ ghi là ăn 3 phân lời theo luật định (trong thực tế, theo Luro, việc cho vay lúa ăn làm mùa tính lời 50 phần trăm trong vòng năm ba tháng). Lại còn vài chủ điền bắt ép tá điền phải vay mặc dầu tá điền đã đủ ăn, nếu không vay nợ thì chủ điền không cho mướn đất ruộng.
Người có đất thì ít khi nào chịu bán đứng vì còn bận bịu về tình cảm, về thể diện với xóm làng. Hơn nữa, còn chữ hiếu. Ông bà để đất lại, con cháu phải gìn giữ cho bằng được, nhiều khi mồ mả ông bà còn nằm trong ấy. Bởi vậy, túng tiền thì đem đất mà cầm hoặc cố; cầm thì phải chịu lời, trong khi cố thì không chịu tiền lời. Lắm khi vì cần tiền nhiều và nhắm sức mình khó trả, chủ đất đem cố trong thời hạn 10 hoặc 20 năm (lệ quy định quá 30 năm, con nợ không được quyền chuộc lại). Trong suốt thời gian đất bị cầm hoặc cố, thường là người chủ nợ hưởng lợi, đem đất ấy cho người khác canh tác mà thâu lúa ruộng.
Việc cầm cố thường xảy ra, nhứt là đối với người có đứng bộ vài sở đất. Họ không dám vay nợ quá nhiều, vì vay nhiều thì chẳng cách nào trả nổi. Vay bạc (không có đất cầm hoặc cố) thường chịu lời hơn 50 phần trăm mỗi năm; dầu cho tiết kiệm và mùa màng thâu hoạch ở mức trung bình, huê lợi ruộng nương chỉ đem lời độ 20 phần trăm mà thôi.
Cách đo lường thời đàng cựu
Đời Tự Đức, đơn vị để đo là một thước, còn gọi là thước quan, lấy tiêu chuẩn là 22 đồng tiền đời Gia Long sắp liền nhau; phỏng định tương đối chính xác là 526 ly (tức là hơn 5 tấc 2, tính theo mét).
Một thước quan chia ra 10 tấc, 1 tấc 10 phân.
Để đo diện tích ruộng đất, lệ xưa định một mẫu là diện tích của một hình vuông mỗi góc 150 thước quan ; tính ra mẫu tây (hectare) là 62 ares, 2521. Theo cố đạo Tabert thì một mẫu thời đàng cựu to hơn, là 73 ares, 0890.
Một mẫu chia ra 10 sào.
Một sào chia ra 15 thước, còn gọi là cao.
Người thời xưa quan niệm đơn giản rằng mẫu là sở đất hình vuông; sào là sở đất hình chữ nhật với bề ngang là 15 thước, bề dài là 150 thước.
Người Pháp ra nghị định ngày 3/10/1865 để thống nhứt việc đo đạc, họ quy định đại khái 2 mẫu ta ngày xưa là một mẫu tây (hectare). Như vậy có sự sai biệt, thật ra, hai mẫu ta là 125 ares tức là to hơn một mẫu tây.
Một mẫu tây chia ra 100 sào tây (100 ares).
Về đong lường, trên nguyên tắc thì dùng hộc để đong lúa, dùng vuông để đong gạo.
Một hộc chia ra 26 thăng, một thăng là 10 hiệp, một hiệp là 10 thược. Một hộc tính ra 71 lít, 905, đem cân nặng cỡ một tạ.
Một vuông chia ra 13 thăng (phân nửa của hộc) tính ra nhằm 35 lít, 953.
Một hộc lúa khi xay ra thì được một vuông gạo, tính đổ đồng.
Trong thực tế, khi mua bán đổi chác, người dân thường đong lúa gạo bằng vuông, gọi nôm na là “giạ”.
Người Pháp quy định một vuông là 40 lít, lúc ban đầu còn thâu thuế điền bằng lúa và một số tiền mặt theo lệ đằng cựu. Một vuông nâng lên là 40 lít thay vì non 36 lít như thời xưa, có lợi cho nhà nước thực dân hơn, dễ tính toán, với con số tròn trịa là 40 lít.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 11-05-2012, 03:14 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Chương 2.1 - 2.2

LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM


Chương 2 - 1

Nghĩa quân thất trận và nông dân mất ruộng


Thực dân Pháp gây xáo trộn toàn diện cho việc khẩn hoang ở miền Nam, mạng sống người dân không được bảo đảm, nói chi đến mùa màng, đất ruộng. Thực dân không dung túng hạng dân lậu như hồi cựu trào. Đất ruộng cũng thay đổi chủ. Giới quan lại, nho sĩ bị phân hóa, một số ít theo thực dân Pháp nhưng chỉ được chúng xài lúc ban đầu, vắt chanh rồi bỏ vỏ. Một số khác thì giữ thái độ tùy thời, tự biện hộ là minh triết bảo thân. Nhưng ở miền Nam, thực dân đưa ra miếng mồi khá ngon là khẩn đất, cơ hội tốt cho ông nhiêu, cậu ấm trở thành điền chủ để rồi rảnh rang uống rượu ngâm thơ, công kích vu vơ, chán đời lúc về già. Một số đông cố ý lẩn tránh, không hưởng bất cứ ân huệ nào của tân trào, sống nghèo với nghề dạy trẻ, hốt thuốc, coi quẻ diệc, dạy đờn ca, về thôn xóm mà vui với điền viên, mơ đời Nghiêu Thuấn, biết vinh biết nhục, tuy nhiên sinh kế khó khăn khiến cho các ông phải lâm vào cảnh “chỉ nhện lăng nhăng, cò vướng cánh ; bãi lau lẩn bẩn, cá quên sông”. Nho sĩ dùng võ lực kháng Pháp nổi danh là Thủ khoa Huân, đáng danh chí sĩ ; chiến sĩ văn hóa là ông Đồ Chiểu. Liều mạng đến mức gàn là ông Cử Trị, ông Nhiêu Phang. Thiên hộ Dương là điền chủ. Trương Định coi việc đồn điền, cũng là điền chủ. Nguyễn Trung Trực là nông dân, dân chài (anh chài Lịch).
Thoạt tiên, thực dân lúng túng, chưa tìm ra thể thức cai trị thích hợp : Việt Nam là dân có trình độ văn hóa khá cao và có nét độc đáo khác hơn các thuộc địa “da đen” ở Phi Châu. Thực dân cố ý dùng chánh sách :
— Đồng hóa về mặt hành chánh để dễ cai trị, sửa đổi lề lối làm việc cùng là cách soạn thảo công văn, cách thâu thuế, dự trù thuế, cách giam giữ, cách đấu thầu, tức là sắp đặt bộ máy hành chánh quan liêu mới thay cho những thủ tục quan liêu cũ.
— Bảo vệ những tệ đoan phong kiến, gọi cho ra vẻ sang trọng là bảo vệ văn hóa dân tộc : Duy trì hủ tục ở thôn quê, đình làng xôi thịt, các ông hương chức làng vẫn tha hồ bầu cử lẫn nhau trong phe phái, duy trì chế độ bắt dân làm xâu, “xá bẩm” các quan to quan nhỏ. Tham biện chủ tỉnh Pháp được gọi là quan Lớn trong công văn, với lời lẽ sợ sệt của người dân thời đàng cựu (trăm lạy quan Lớn, xuống phước cho con dân nhờ). Không quy định giá biểu mướn ruộng, chủ điền muốn cho mướn giá nào tùy theo lòng nhân đạo. Nhưng điểm đáng chú ý hơn hết trong lúc đàn áp các phong trào chống đối là dùng luật bổn xứ tức là luật Gia Long, với những biện pháp vô nhân đạo : tra tấn công khai, kẻ tòng phạm bị kết tội như chánh phạm, tru di tam tộc (bắt vợ con, cha mẹ của tội nhân). Quan Thống đốc được đón rước theo nghi lễ ngày xưa dành cho vua hoặc cho quan kinh lược với bàn hương án.
Ba nhân vật đắc lực nhứt
Lúc đánh chiếm và bình định xứ Nam kỳ Lục tỉnh, thực dân đã may mắn gặp được ba tên tay sai độc ác mà chúng dung túng lúc ban đầu. Đành rằng nếu kẻ này không làm Việt gian đắc lực thì còn kẻ khác, nhưng phải nhìn nhận rằng chính vì bọn này mà phong trào kháng Pháp bị suy giảm nhiều. Đó là Lãnh binh Tấn, Tổng đốc Phương, Tổng đốc Lộc.
Khi Pháp đánh thành Sài Gòn (1859), cả ba đều còn trẻ : Lộc 20 tuổi, Phương 18 tuổi, Tấn 22 tuổi.
Lãnh binh Huỳnh Công Tấn
Trước là tay chân của Trương Định chống Pháp ở Gò Công, bị Pháp bắt cung khai mọi việc và lập công lớn là dẫn quân Pháp bao vây “Đám lá tối trời” để giết chủ cũ. Tấn cũng tham gia trận bao vây đảo Phú Quốc để nhìn mặt và bắt Nguyễn Trung Trực. Nói chung thì Tấn không nuôi tham vọng lớn, chỉ có khả năng giới hạn, Pháp xài Tấn để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới nhiều, am hiểu nhân dân và địa thế. Tấn lãnh trách nhiệm dọ thám, theo dõi những người kháng Pháp, lợi dụng địa vị để bắt bớ người này tha lỏng người kia, lẽ dĩ nhiên là vì tư lợi. Tấn làm giàu nhờ tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư. Quan Tham biện (người Pháp) ở địa phương chán ngán lối làm việc luông tuồng và thất nhân tâm vì Tấn lấn quyền. Thực dân phong cho chức lãnh binh của lính mã tà, tức là chức vụ quân sự cao nhứt trong một tỉnh thời đàng cựu. Về sau, thực dân không phong chức này cho ai nữa vì ở thuộc địa, quyền chỉ huy quân sự nằm trong tay người Pháp, chẳng qua là sự khích lệ lúc ban đầu để Tấn hăng hái hoạt động. Tấn là người thất học, quê mùa nên ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo đến quan Giám đốc Nội vụ lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre : “bởi quan Tham biện chúng tôi xưa là quan coi binh chưa từng biết việc dân cho nên ra việc quan, làm thì làm bậy, nói thì chẳng thông lý sự bằng dường như kẻ ngu si dốt nát”. Tấn lại lập công, tố cao : “Chúng tôi nghe bà con hai cậu (con Phan Thanh Giản) những người làm giặc trốn ở trong làng Bảo Thạnh nhiều lắm”. Quan Giám đốc Nội vụ (directeur de líintérieur) phẫn nộ, trách mắng và tìm cách đổi Tấn về miền Đông Nam kỳ, nhưng Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt phó Đốc binh đàng cựu là Bùi Duy Nhứt đang hoạt động chống Pháp với danh nghĩa Tham biện toàn hạt (bắt năm 1869). Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an và Tấn lọt vào “mê hồn trận”. Pháp cho một tay sai khác là huyện Vĩnh tố cáo Tấn về tội lạm quyền, Tấn tự bào chữa bằng cách tố lại sự lạm quyền của huyện Vĩnh. Sau cùng, Tấn chết năm 37 tuổi, vì bịnh, trong chiếc ghe hầu trên đường Gò Công Sài Gòn.
Tổng đốc Đỗ Hữu Phương
Sanh quán ở Chợ Đũi, Pháp chiếm Sài Gòn, Phương trốn lánh lên Bà Điểm chờ thời. Khi thành Chí Hòa thất thủ, nhờ cai tổng Phước ở Bình Điền dẫn ra trình diện với Francis Garnier bấy giờ, làm Tham biện hạt Chợ Lớn. Lãnh phận sự dọ thám và kêu gọi những người khởi nghĩa ra hàng. Về mặt quân sự, Phương rất khôn ngoan, chỉ tham gia vài trận đánh cho Pháp tin cậy : trận đánh Ba Điểm, lúc bấy giờ lọt vào tay cậu Hai Quyền (con Trương Định) vào tháng 7/1866, vài ngày sau, truy nã tới Bến Lức. Tháng 11/1867 cùng Tôn Thọ Tường đi Bến Tre để chiêu dụ hai cậu trai con ông Phan Thanh Giản; tháng 6/1868 xuống Rạch Giá dẹp loạn Nguyễn Trung Trực, tàu mắc cạn, nghĩa quân đóng đồn ở Sóc Suông (gần chợ Rạch Giá) chống cự mãnh liệt, Phương và bọn mã tà gần 200 người đã hết đạn nhưng vẫn cố thủ để chờ viện binh. Tháng 7/1868 được làm Đốc phủ sứ ở Vĩnh Long, góp phần truy nã nghĩa quân khi tên phó tổng ác độc ở Vũng Liêm bị giết.
Năm 1878, qua Pháp dự hội chợ Quốc Tế, năm 1881 gia nhập Pháp tịch, và lại qua Pháp chơi, thăm các con đang du học, hai lần vào những năm 1884 và 1889. Là một trong những người đề xướng việc thành lập trường Nữ trung học ở Sài Gòn. Xin chép vài chi tiết liên quan đến việc đàn áp của Phương để chứng minh rằng tuy lọt vào tay Pháp nhưng ở vùng Chợ Lớn, phong trào chống Pháp vẫn mạnh :
— Bắt quản Thiện và quản Việt ở Lò Gốm.
— Năm 1866, có cuộc khởi loạn ở vùng Chợ Lớn (nên hiểu là tỉnh Chợ Lớn), Nguyễn Văn Hoan bị bắt. Năm 1867, xảy ra nhiều vụ ám sát cũng ở Chợ Lớn, Pháp gọi Phương đến để cho thêm tài liệu và điều tra.
— Năm 1871 và 1875, có khởi nghĩa ở Phước Lộc (Cần Giuộc), Phương ra công dọ thám.
— Năm 1873, Phương trình cho thực dân danh sách một số lãnh tụ kháng Pháp, sắp khởi loạn ở các tỉnh miền Tây. Cuộc khởi loạn này do Trần Tuân điều khiển từ Khánh Hòa.
— Năm 1879, tố giác kịp thời âm mưu khởi loạn của nhóm Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng.
— Năm 1881, cùng với một cha sở ở Lương Hòa (Tân An) kịp thời tố giác âm mưu khởi loạn ở Long Hưng, Lộc Thành và ở vùng Thất Sơn.
— Năm 1878, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu.
Nhiệm vụ quan trọng của Phương vẫn là dọ thám vùng Chợ Lớn, Cần Giuộc và Tân An. Về mặt chánh quyền, trước tiên làm hộ trưởng (bấy giờ, thành phố Chợ Lớn chia ra làm 20 hộ); năm 1868 Phương trình cho thực dân danh sách những người đáng tin cậy có thể làm chức hội tề. Năm 1872, được chỉ định làm hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm 1879, làm phụ tá cho Xã Tây Chợ Lớn. Như ta biết, Chợ Lớn là nơi tập trung thương gia Huê kiều, Phương không bỏ qua cơ hội để làm giàu, giải quyết mọi “áp—phe” giùm cho thương gia, đãi tiệc viên chức Pháp, làm trung gian lo hối lộ. Nhờ vậy mà làm giàu nhanh chóng, uy thế lên cao đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer khi vào Nam còn ghé nhà Phương ăn uống, có lẽ nhờ dịp này mà được quan Toàn quyền cho khẩn trưng sở đất ruộng lớn đến 2223 mẫu tây. Trong lúc dọ thám, Phương tỏ ra khéo léo, tránh gây thù oán công khai, nhờ đó mà so với Lãnh binh Tấn và Tổng đốc Lộc, bề ngoài thấy như là Phương hiền lành, cứu người này, bảo lãnh người kia.
Nhưng trời bất dung gian đảng, Phương bị mất tín nhiệm vì đã bảo lãnh, xin chứa chấp để theo dõi Thủ khoa Huân trong nhà. Suốt khoảng 3 năm (sau khi bị đày ở Cayenne rồi được ân xá), Thủ khoa Huân biết lợi dụng hoàn cảnh để liên lạc với những Huê kiều theo Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và tới lui vùng Tân An để cổ súy, tổ chức cuộc kháng Pháp. Chuyện vỡ lỡ ra, tưởng chừng Phương mang họa. Bấy lâu ngoài Thủ khoa Huân, Phương đã từng bảo lãnh nhiều người mà thực dân Pháp không tin cậy cho lắm. Kẻ thù của Phương là Tổng đốc Lộc thừa dịp này làm núng, đưa điều kiện là giam lỏng Phương trước khi dẹp loạn Thủ khoa Huân. Nhưng rốt cuộc, Phương vẫn ung dung, càng mau giàu thêm và được thang Tổng đốc — nên hiểu là Tổng đốc hàm — vì theo quy chế quan lại bản xứ do thực dân ở Nam kỳ bày ra, chỉ đến ngạch đốc phủ sứ là hết.
Tổng đốc Trần Bá Lộc
Đây là tay sai đắc lực số một, vượt hẳn hai nhân vật trên : háo thắng, ham địa vị, ưa tàn sát theo lối phong kiến. Khi Pháp chiếm thành Mỹ Tho, Lộc sốt sắng tìm cơ hội bèn tản cư với chiếc ghe chở đầy tiền kẽm (tiền của ai ?), đến trình diện với Cha Marc, bấy giờ cha sở này kiêm luôn chức tham biện. Năm 1861, ngay sau khi xin việc, Lộc được cấp cho căn nhà lá, gia nhập lính mã tà rồi lập công lên cai, lên đội. Ngoài thời giờ làm lính, Lộc còn lãnh trách nhiệm giữ kho lúa cho nhà nước và được quan tham biện cho ân huệ là đem cơm dư của lính về nhà mà nuôi heo. Nhờ hăng hái điềm chỉ và bắn giết, năm 1865 làm huyện, ngồi tại Cái Bè để canh chừng vùng Đồng Tháp. Cái Bè là vị trí chiến lược trên Tiền giang, có thể đi thẳng lên Cao Miên. Bấy giờ một số quan lại đàng cựu gom về Bình Cách, Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, lập đồn để liên lạc với Thiên Hộ Dương trong bưng. Lộc đánh quân sĩ đàng cựu ra khỏi Cai Lậy rồi cuộc tấn công đại quy mô của Pháp diễn ra, Lộc đóng vai trò quan trọng, đánh từ Cần Lố để nối với mấy cánh quân khác đánh từ đồn Hữu (phía Bến Lức) và đồn Tiền (phía Cai Lậy). Năm 1867, thăng làm phủ rồi năm sau góp công đánh đuổi và bắt sống Tổng binh Bút khi ông này đánh vào toán quân Pháp trú đóng tại Sa Đéc (đình làng Tân Qů Đông). Lộc coi huyện Tân Thành (Sa Đéc), sau được gọi về Cái Bè, thăng đốc phủ sứ (15/8/1868). Bấy giờ ở Rạch Giá, Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, tỉnh lỵ này bị tái chiếm, Nguyễn Trung Trực chạy ra đảo Phú Quốc. Pháp kéo binh bao vây đảo. Lộc dùng thủ đoạn cố hữu là bắt giết thân nhân những người trong cuộc. Nguyễn Trung Trực phải ra mặt để cứu sống những người bị bắt làm con tin. Lộc lãnh trách nhiệm điều tra rồi trình cho Pháp danh sách 170 người liên can với Nguyễn Trung Trực.
Từ 1868 tới 1871, Lộc góp phần giảy vây đồn Cái Bè, bấy giờ bị bốn ông Long, Thận, Rộng, Đước tấn công (bốn ông này đều bị Lộc giết). Rồi đến vụ tham biện Vĩnh Long là Salicetti bị giết khi đến Vũng Liêm đàn áp cuộc khởi loạn : Lộc đụng với nghĩa quân ở Láng Thé, gồm đa số là người Miên, cuộc chiến khá sôi nổi, nhiều phen tưởng chừng Lộc thua trận nhưng sau rốt nhờ khí giới tốt nên thắng.
Năm 1875, lại nổ lực dẹp cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân, có Phủ Đức tiếp tay để chận phía cửa Tiểu (đề phòng Thủ khoa Huân trốn theo đường biển). Lộc ruồng vùng còn lại, Thủ khoa Huân bị bắt gần Chợ Gạo. Trận này Pháp giao trọn quyến bắn giết nên lính của Lộc ruồng các lùm bụi, đến mức nai, chồn, cọp chạy tán loạn vào xóm.
Năm 1878, dẹp cuộc khởi loạn của Ong và Khả ; hai vị này toan đánh thình lình chợ Mỹ Tho. Năm 1883, đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Miên ở Trà Béc (Cao Miên).
ở miền Trung bấy giờ Mai Xuân Thưởng nổi lên, Pháp dẹp không nổi nên nhờ bàn tay gian ác của Lộc. Lộc mộ 1050 lính mã tà, đem về thành Ô Ma (Sài Gòn) tập dượt rồi đến chiến trường thi hành thủ đoạn bắt thân nhân của Mai Xuân Thưởng và của những người theo quân khởi nghĩa. Lộc tỏ ra hách dịch, làm việc lấn quyền các sĩ quan Pháp ở địa phương. Lúc hành quân, Lộc dùng con dấu “Thuận Khánh Tổng đốc”, tức là Tổng đốc của hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa. Khi xong việc, về Cái Bè vẫn thích dùng con dấu ấy. Lộc lại đề nghị với Pháp tách hai tỉnh này ra khỏi Trung kỳ, nhập vào Nam kỳ vì chính quân sĩ Nam kỳ (tức là của Lộc) đã ra tay dẹp loạn, nhưng đề nghị này khó thi hành !
Về già, Lộc đau ung thư bao tử nhưng vẫn hăng hái ra tài “kinh bang tế thế”. Loạn lạc không còn, Lộc ra tay chỉnh trang vùng Cái Bè. Học được phép đo đạc nên đem áp dụng, phóng mấy con lộ ở chợ này. Lộc lại xin bắt dân xâu để đào kinh trong vùng Đồng Tháp, ban đầu đào thử (kinh bề ngang rộng 3 mét), nhưng lại bắt dân xâu đợt nhì nới rộng ra 10 mét, nối liền từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng (1897) gọi là kinh Tổng đốc Lộc (thực dân cho phép đặt tên). Lộc trở thành người điền chủ lớn nhứt của tỉnh Mỹ Tho khi mua lại cù lao Năm Thôn và đất ở cù lao Rồng.
Tóm lại, Lộc đóng vai tích cực trong việc đàn áp các phong trào Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân, Mai Xuân Thưởng. Pháp dung túng cho Lộc làm những việc dã man, vô nhân đạo mà chúng không muốn làm, sợ mang tiếng xấu về chúng. Nhưng được chim thì treo ná, thực dân lần hồi tỏ ra lạnh nhạt đối với kẻ đã quá sốt sắng với nhiệm vụ — lỗi thời. Pháp cho người nói xấu công khai rằng chức Tổng đốc của Lộc là bất hợp lệ, chỉ dùng ở Trung kỳ chớ không dùng ở xứ thuộc địa, do đó phải sửa lại là “Tổng đốc hàm” (honoraire). Lại còn chức vụ Khâm sai mà Lộc đã tự phong khi in thiệp chúc Tết năm 1888. Lộc cho rằng Khâm sai là chức vụ hợp pháp, vì ông ta thừa lịnh quan Thống đốc Nam kỳ ra ngoài Trung dẹp giặc, nhưng có người tố cáo rằng Lộc tự xưng Khâm sai của triều đình Huế, với dụng ý làm loạn về sau.
Lộc thích đánh giặc với đạo quân riêng lúc ban đầu gồm hơn 100 người nhưng về già, thực dân chỉ để cho 5 người lính hầu mà thôi.
Một chi tiết đáng chú ý là vào năm 1868, Lộc đã đi “bắt quân làm ngụy ở phía Trà Đư” đem về Châu Đốc nộp cho quan tham biện. Đây là những người thuộc nhóm Bửu Sơn Kỳ Hương ở Thất Sơn.
Lời phê của các quan tham biện giúp chúng ta hiểu rõ thái độ của thực dân. Đại khái, họ biết Lộc tàn ác nhưng họ xài trong thủ đoạn dùntg người và luật lệ bổn xứ để đàn áp người bổn xứ : “Một viên chức quá kỹ lưỡng, quá tận tâm trong vài trường hợp”, “không cẩn thận trong việc dùng phương tiện, nhưng lại đạt mục đích chắc chắn”. Lộc sanh tật uống rượu, tánh tình thay đổi rõ rệt. Ba năm trước khi chết, Lộc được viên tham biện Mỹ Tho phê như sau : “Người ta có thể phàn nàn lão già này về những hành động ác độc lúc trước đã trở thành chuyện huyễn hoặc, khó tin, nhưng tôi cho là trong hàng ngũ viên chức bổn xứ hiện nay khó tìm được một người biết kính bề trên, dám tận tụy với chính nghĩa của nước Pháp bằng ông ta”.
Tình trạng xáo trộn về gia cư, tài sản
Trong giai đoạn khá dài, dân chúng chịu cảnh ly tán, kẻ lương thiện có thể bị vạ lây. Chỉ cần bị tình nghi là bị tù, bị đày ra Côn Nôn hoặc Đại Hải (đảo Bourbon) hoặc qua tận Mỹ Châu, ở thuộc địa Pháp nổi danh ma thiêng nước độc : xứ Cayenne (gọi là Cai Danh quận). Hoặc qua tận đảo Antilles sát Nam Mỹ Châu, hoặc qua nhà tù ở Toulon.
Ngoài chuyện nhắm mắt cho bọn Việt gian bắt giết, tống tiền và hăm họa, thực dân còn ngang nhiên phán quyết những bản án hành chánh (jugement administratif) theo đó, tham biện chủ tỉnh được quyền đề nghị bỏ tù, đày ra Côn Đảo hoặc các lãnh thổ ngoại thuộc Pháp những người chỉ bị tình nghi, vu cáo là làm loạn nhưng chưa tìm được bằng chứng gì cụ thể. Thống đốc Nam kỳ hoặc Giám đốc Nội vụ (directeur de líIntérieur, lúc đầu dịch ra chữ Nho là Lại Bộ thượng thơ), xét lại rồi chuẩn y. Một dịp cho bọn Việt gian địa phương tha hồ báo cáo để giựt ruộng vườn nhà cửa.
Thoạt tiên, bọn tham biện chủ tỉnh bắt bớ tù đày quá nhiều, đến mức ba tháng sau (23/11/1868), đô đốc Ohier gởi văn thư khiển trách viên tham biện hạt Vĩnh Long đã lạm dụng. Ngày 9/3/1875, Duperré ra lịnh dứt khoát rằng tài sản của những người bị lên án phản loạn đều bị tịch thâu, tiền bán tài sản này dùng trợ cấp cho gia đình bọn lính mã tà tử trận lúc đi ruồng bố. Nhưng năm sau, ngày 25/8/1876 lại có lịnh : tài sản của bọn phiến loạn đem bán ra, thay vì đem thưởng cho kẻ tố giác thì lại thuộc về nhà nước ; nhà nước tùy trường hợp mà thưởng riêng. Trong thực tế, ruộng đất do con của Trương Định làm chủ đã bị bán đấu giá từ năm 1869, nhưng không ai ra mua. Kinh nghiệm vụ khởi loạn Thủ khoa Huân cho thực dân biết rằng một số không ít hương chức hội tề làm việc cho Pháp đã tán trợ trực tiếp hoặc gián tiếp những người làm loạn. Do đó, đô đốc Nam kỳ ký nghị định số 123 ngày 20/5/1875 quy định từ rày về sau làng nào làm loạn hoặc đồng lõa với loạn quân thì bị xóa tên, giải tán, sáp nhập qua làng lân cận, tài sản của hương chức hội tề bị tịch thâu, hương chức hội tề bị quản thúc ở tỉnh xa. Nghị định ngày 25/5/1881 ban hành quy chế thổ trước (indigénat) theo đó tham biện chủ tỉnh được quyền xét xử bỏ tù trong vài trường hợp, khỏi cần đưa qua tòa án (gọi nôm na là ở tù bố, tức là ở tù theo lịnh của tòa Bố, lúc Pháp mới qua, có quan Bố chánh như thời đàng cựu, nhưng là quan Bố người Pháp). Bộ Thuộc địa tán thành việc bắt giam một số đông người mà không cần truy tố ra tòa, để đề phòng cuộc khởi loạn mà thực dân được tin là sắp bùng nổ ở Mỹ Tho vào năm 1883, cho đó là áp dụng quy chế thổ trước. Đồng thời, Bộ cũng cho phép thống đốc Nam kỳ được quyền câu lưu trong thời hạn nhứt định những phần tử bị tình nghi, và ân xá họ khi nào thấy thuận lợi (5/9/1884).
Đối với người Tàu, Bộ Thuộc địa tán thành biện pháp mà Thống đốc Nam kỳ áp dụng để trừng phạt những người theo Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng (1/9/1882) theo đó nạn nhân bị trục xuất về Tàu, tịch thâu tài sản. Bang Triều Châu ở Sóc Trăng phải xuất tiền trả lương cho bọn lính mã tà do nhà nước tuyển thêm để giữ an ninh trong tỉnh, đồng thời Bang này phải chịu phạt nếu trong hàng ngũ Thiên Địa Hội lại có người trong Bang gia nhập.
Việc kháng Pháp ở Nam kỳ Lục tỉnh khá rầm rộ, thực dân và tay sai đã dẫm nát những vùng gần tỉnh lỵ đến tận thôn xóm hẻo lánh. Dân chúng hăng hái vì bấy giờ triều đình Huế hãy còn. Họ đặt hy vọng vào sự can thiệp của triều đình. Đi theo Pháp thì sợ về sau sẽ bị trừng trị. Việc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông với hiệp ước 1862 không làm cho dân chúng tuyệt vọng. Họ sẵn sàng tản cư qua ba tỉnh miền Tây. Ngay sau hiệp ước 1862, trong bức thư trả lời cho nguyên soái Bonard đề mùng 6 tháng 8 âm lịch năm Tự Đức thứ 15, ông Phan Thanh Giản tỏ thái độ đứng đắn về việc giải giới những người còn cầm khí giới ở ba tỉnh miền Đông. Những người này được ông Phan gọi là dân mộ nghĩa (mộ nghĩa nhân) ; ông viện cớ là “già nua và bất tài” nên chưa thể nào thực thi chuyện tước khí giới đám dân mộ nghĩa ấy được. Việc ấy, nhà cầm quyền Pháp ở ba tỉnh miền Đông cứ ra lịnh kêu gọi những người quản suất quân nghĩa dõng.
Sau khi mất ba tỉnh miền Tây, dân chúng vẫn tiếp tục chiến đấu. Dân ở nông thôn dời chỗ nhiều lần, xa sanh quán, họ hàng thất lạc, thay tên đổi họ để khỏi bị tập nã. So với cõi Bắc kỳ và Trung kỳ, làng mạc miền Nam bị phá tán nhiều hơn, ngoài mục đích bình định, thực dân còn nhằm hủy hoại văn hóa ; thành lũy bị san bằng trăm phần trăm tại Sài Gòn cũng như ở các tỉnh, gia phả không còn, người có căn cư trở thành lưu dân, đất ruộng đổi chủ. Sau khi hạ thành Chí Hòa, thực dân muốn giữ các tổ chức đồn điền như cũ để việc sản xuất lúa gạo không bị đình trệ và việc cai trị ít bị xáo trộn. Nhưng đến ngày 22/8/1861, lại giải tán vì đồn điền là cơ sở chống đối mạnh mẽ.
Vài thí dụ điển hình
Vào cuối năm 1868, đô đốc Ohier ba hành quyết định số 473 ra giải thưởng cho những ai bắt nộp những lãnh tụ kháng Pháp gồm 11 người với giá 1000 quan mỗi người : cậu Hai Quyền (con Trương Định) bấy giờ cỡ 25 tuổi ; Hàn Lâm Phu ; Tổng binh Thành ; ấp Quyền (phó của Trương Định) ; Nguyên soái Thân (người đã đánh đồn Mỹ Tho) ; Tổng binh Hinh ; Tổng binh Cách ; cậu Tư, cậu Năm (hai con của Phan Thanh Giản), Tổng binh Thành (gốc ở Thất Sơn, trước đấy có ở Rạch Giá) ; phó Nguyên soái Dương (vượt ngục Mỹ Tho năm 1867, hiện đang ở Ba Động).
Tổng binh Thành mà thực dân hài rõ gốc ở Thất Sơn chính là nhân vật quan trọng thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (đức Cố Quản).
Hàn lâm Phu, không rõ là ai (trong nguyên văn không bỏ dấu).
Và 2 người với giá 500 quan : Đốc binh Sắc, Đề đốc Đạo (trước đấy, Đạo ở Mỹ Tho).
Quyết định nói rõ là lính hoặc viên chức bổn xứ hữu công có thể lên cấp bực, ngoài tiền thưởng. Các viên cai tổng, hương chức hội tề nếu có hành động cản ngăn việc truy tầm, không sốt sắng tập nã sẽ bị trừng phạt theo luật đàng cựu (lois annamites). Vào dịp khởi nghĩa Thủ khoa Huân, thực dân Pháp cố ý phá tan cơ sở nông thôn đến tận gốc rễ, khủng bố luôn những ai sống dưới sự cai trị của chúng nhưng còn thái độ úp mở. Cả một vùng rộng lớn từ Tân An, từ vùng Chợ Gạo đến sát chợ Mỹ Tho, dài theo Tiền giang phía rạch Gầm đều chịu họa lây. Đồng bào nhân dĩ Mỹ Tho, Chợ Gạo đã hết lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa này với sự tán trợ của hương chức hội tề.
Chủ tỉnh Mỹ Tho được quan Thống đốc cho xuất ra 6550 quan để trả những chi phí về cuộc hành quân chống Thủ khoa Huân là 4481 quan, tiền còn lại thì dành trợ cấp cho vợ bọn lính tử trận. Nhưng thực dân không mất gì cả, lại có lời cho ngân sách khi ra lịnh phạt những người đã tham gia khởi nghĩa nhưng không ra đầu thú và trình diện kịp thời, phạt bằng tiền theo quyết định của Thống đốc Nam kỳ ngày 5/7/1875. Và Thống đốc Nam kỳ cũng trừng phạt 47 làng trong tỉnh Mỹ Tho đã gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ Thủ khoa Huân (quyết định ngày 5/7/1875) tổng số là 53700 quan, lẽ dĩ nhiên, hương chức làng gánh chịu và dân làng phải chia sớt để khỏi bị rắc rối.
Lúc hành quân và truy nã, thực dân còn tịch thâu được 1515 quan, Hương chức hội tề ở hai làng Song Thạnh và Bình Dương đã góp cho quân khởi nghĩa 387 đồng (trị giá 2147 quan) là tiền do làng thâu thuế được ; nhà nước ra lịnh bồi thường bằng cách tịch thâu và bán tài sản của hai vị hương chức hội tề làng Song Thạnh có tham gia khởi nghĩa (đã bị giết), số tiền còn lại thì một ông hương chức hội tề làng Song Thạnh và 5 ông ở làng Bình Dương phải bồi thường cho đủ, các người này lẽ dĩ nhiên là bị cách chức.
Vào tháng 9, cũng năm 1875, Thống đốc Nam kỳ ra quyết định phạt hương chức làng Mỹ Đức, tỉnh Châu Đốc về tội cho phép một người “phản loạn” từ Mõ Cày (Bến Tre) đến trú ngụ mà không bắt buộc kẻ lạ mặt phải xuất trình giấy của địa phương cũ cho phép thay đổi nơi cư trú.
Nhóm người muốn “tạo lập đời” theo quan niệm tôn giáo tụ họp lần hồi đến Thất Sơn hẻo lánh, có cọp beo nhưng xa khu vực thực dân kiểm soát, lại được ưu thế là gần biên giới Việt Miên. Tuy nhiên, những làng tân tạo này vẫn bị thực dân đến quấy rối : vùng An Định ở núi Tượng bị phá xóm, đốt chùa về tội lập Hội kín.
Đầu năm 1872, vùng rạch Cái Tàu (ven rừng U Minh Hạ) tuy là thưa thớt, nghèo nàn, làng xóm chưa thành nền nếp nhưng hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự đã khởi nghĩa, giết được lính mã tà. Đỗ Thừa Tự có lần ẩn lánh ngoài khơi vịnh Xiêm La, tận hòn Sơn Rái nơi thảo am của thầy Đước : người tu hành ở cheo leo ngoài biển khơi vẫn nặng lòng vì nước. Về sau, hai anh em họ Đỗ bị bắt và xử tử, nghĩa quân thì bị đày. Tham biện Rạch Giá xử họ trong phiên tòa gọi là “tòa án bổn xứ”, chính ông ta làm Chánh án. Tên chủ tỉnh Benoist nổi danh là tàn ác (và thích khảo cứu) đã “nhân danh dân chúng nước Pháp” mà buộc tội và tuyên án đúng “luật An Nam” theo đó “người làm loạn bị xử trảm, kể luôn những bọn đồng lõa, không cần phân biệt tội nặng nhẹ giữa chánh phạm và tòng phạm”. Tuy nhiên, viên chủ tỉnh cho ân giảm đổi án tử hình ra 20 năm lưu đày (trường hợp Phạm Tấn Trì). Một can phạm cũng trong vụ khởi nghĩa này là Võ Văn Trước, người làng Đông Thái bị xử lưu đày chung thân.
Nay hãy còn nhiều danh tánh can phạm do thực dân xử theo biện pháp cao hứng, tùy theo sự tố cáo với tang chứng mơ hồ. Họ là chiến sĩ vô danh, đa số bị lưu đày từ thanh niên đến kẻ già nua, từ kẻ thất học đến kẻ đậu tú tài, ngụ ở làng mạc vùng Mỹ Tho, Tây Ninh, Bà Rịa, Cao Lãnh, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Thủ Dầu Một, Long Xuyên, Vĩnh Long, Châu Đốc, Bến Tre. Thân nhân của họ nhờ các quan địa phương chuyển đơn kêu nài. Trường hợp ông Võ Văn Tòng từng làm đội quản (lãnh bằng cấp để khởi nghĩa) bị bắt vào cuối năm 1864, vừa bị đày ra Côn Nôn một tháng là chết bịnh ; ấy thế mà 15 năm sau, vì gia đình chưa hay tin nên con là Võ Văn Toán lại làm đơn xin ân xá vì cha đã thọ án được 15 năm rồi ! Trường hợp của ông tú tài Trần Văn Trà bị đày qua Cayenne, vợ làm đơn xin ân xá, xin giảm án quá nhiều lần mà không được chấp thuận, mặc dầu có tri phủ Tôn Thọ Tường đứng ra làm tờ bảo lãnh với quan trên : “Như ông còn hồ nghi sự gì thì xin khi tha nó ra rồi dạy nó phải ở tại Sài Gòn sau nó còn làm sự gì quấy quá thì tôi cũng xin chịu tội chung với nó”.
Vụ ông Quản Hớn giết phủ Ca ở Hóc Môn được xử tại Gia Định vào 12/9/1885 gồm 37 người lãnh án, trong đó 14 người bị lên án tử hình. Cũng năm 1885 này, ở Cao Miên phong trào chống Pháp lên cao.
Người Miên ở Hà Tiên và người Việt hợp tác nhau đánh Pháp vài trận, quân khởi nghĩa gom đến trăm người ở vùng Mũi Nai (chợ Hà Tiên) và Rạch Vược, Ba Hòn.
Vấn đề lưu dân ở Sài Gòn
Sự khủng bố ở thôn quê khiến nhiều người mất công ăn việc làm, kéo lên Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng ngoại ô nhưng họ chưa thích ứng được với hoàn cảnh sinh sống mới. Do đó, thực dân gặp nhiều khó khăn trước phong trào mà chúng gọi là “lưu manh, du côn” Sài Gòn. Từ năm 1864, đô đốc Lagrandière ra quyết định bắt buộc những người Việt cư trú ở Sài Gòn phải ghi tên vào bộ vì nhiều vụ cướp bóc (?) xảy ra từ lâu, hạn 8 ngày không đến làng để khai lý lịch và ghi tên vào bộ thì bị phạt từ 5 đến 10 quan và ở tù từ 8 ngày đến hai tháng. Non hai tháng sau có lịnh nghiêm nhặt hơn : xét bắt những người Việt hiện đang cư trú chung quanh thành Sài Gòn cũ và vùng rạch Thị Nghè, luôn cả người Tàu ; ai có giấy tờ của làng cũ thì bị đuổi trở về, ai không căn cư, chẳng làng xã nào nhìn nhận thì bị nhốt để chờ ngày đày ra Côn Đảo hoặc đảo Bourbon. Thực dân đề phòng gắt gao vì được tin sắp có khởi nghĩa tại Sài Gòn. Mãi đến năm 1875, vùng ngoại ô Sài Gòn vẫn chưa yên tịnh, một tay sai đắc lực của thực dân từng điềm chỉ những người cầm đầu khởi loạn lại bị giết bỏ xác gần chùa ở ranh giới ba làng Tân Thới, Bình Hưng và Bình Hưng Đông ; thống đốc Nam kỳ ra lịnh phạt hương chức hội tề ba làng nói trên về tội không phát giác kịp thời và giấu nhẹm ; tiền phạt cộng chung là 1000 quan, trong đó 500 quan xuất ra trợ cấp cho gia đình nạn nhân. Đến năm 1887, quan tham biện hạt thứ 20 (sau đổi lại là tỉnh Bình Hòa rồi đổi là tỉnh Gia Định) báo cáo tỉ mỉ hơn, nhận định rằng thành phần bọn bất hảo gồm nào thợ thất nghiệp, lao công Việt và Tàu, bọn đánh xe ngựa, bọn làm bồi cho Tây đang thất nghiệp, đông đảo nhứt là bọn lưu dân từ khắp các tỉnh Nam kỳ tựu về tìm phương kế sinh sống. Bọn này thường tỏ ra ngạo mạn, bất phục tùng luật pháp. Vì có lịnh không cho áp dụng quy chế thổ trước tại quận Gia Định nên viên chức không còn khả năng trừng trị họ. Họ cứ ung dung làm điều sai quấy, hễ bị bắt là 24 giờ sau họ được thả ra, theo luật định. Năm 1899, tình hình ở tỉnh Gia Định và ngoại ô Sài Gòn thêm bi đát hơn. Du đãng tụ tập ở Bà Điểm Bà Quẹo để lộng hành, chỉ huy bọn nài ngựa ở trường đua, cầm đầu bọn ăn trộm ở Hòa Hưng ; hương chức làng Hòa Hưng không dám hó hé. Én cướp đánh tại làng Bình Sơn, trên sông Sài Gòn, có tên cướp xăm mấy chữ “anh hùng nhứt xứ”. Tổng đốc Phương nhận định rằng từ năm 1895 việc du côn ngày càng thêm, hiệp với bọn Thiên Địa Hội mà hà hiếp dân sự, ai giận ai thì mướn nó đánh phá, muốn được cử làm hội đồng, cai tổng thì mướn du côn coi chừng, ai không bỏ thăm cho phe thì chận đánh, ở nhà quê, du côn lại nhà giàu mượn tiền 50, 30 đồng, ai thưa với làng thì nó đốt nhà, mượn không bao giờ trả, chẳng ai dám tố cáo. Bọn du côn hăm he hương chức làng rằng nếu bắt chúng, sau khi ở tù về, chúng giết chết. Bắt thì tòa theo luật Lang Sa không cầm tù lâu. Bởi vậy, chẳng ai dám bắt, trở về tụi nó sẽ dữ hơn. Nếu tòa phạt năm bảy ngày, cả bọn góp tiền mướn thày kiện lãnh ra. Tổng đốc Phương yêu cầu đày bọn du côn đi làm xâu vào dịp mở đường xe lửa Lang Bian, du côn thứ dữ thì phạt một năm tù, thứ vừa thì phạt sáu tháng, làng xã phải kê khai tên tuổi bọn du côn trong làng.
Năm 1901, bọn du côn đánh nhau giữa ban ngày, cách tòa Bố Gia Định có 500 thước, đánh nhau mà không bao giờ thưa gởi tới cò bót. Tại sòng bạc ở Gò Vấp, lính mã tà phải xin lỗi bọn du côn chứa bạc vì đã trót đến xét bắt. Mỗi xứ đều có anh hùng riêng, đường Monceaux, vùng Đất Hộ, Phú Nhuận, vùng Bình Hòa, vùng Gò Vấp. Nổi danh nhứt là bọn Ba Thiên và Sáu Thắm, chúng hẹn nhau đến Lăng Cha Cả hoặc ngả tư Phú Nhuận mà so tài, theo luật giang hồ. Du côn ở Đất Hộ mà quan cầu thì bị du côn Phú Nhuận hành hung. Bên trong vấn đề trừng phạt bọn du côn là cuộc tranh chấp về quyền hành giữa các tham biện chủ tỉnh và các cơ quan tư pháp vào năm 1901—1902. Nha Tư pháp Đông Dương muốn áp dụng luật pháp, chống những bản án hành chánh mà tham biện các tỉnh bấy lâu đã lạm dụng để đày ra Côn Đảo những kẻ mà quan làng không thích, mặc dầu không bằng cớ. Các viên chức hành chánh thì cho là nếu căn cứ vào luật pháp thì làm sao bắt bọn du côn được ? Điển hình nhứt là lập luận của tham biện tỉnh Gia Định bảo rằng dân thuộc địa chỉ sợ sức mạnh của người Pháp mà thôi, không nên đối xử bình đẳng vì dân du côn xem việc ở tù sướng hơn là sống ở ngoài đời. Và làm sao trưng được bằng cớ cụ thể để buộc tội, khi bọn du côn ăn thề, kết nghĩa với nhau trong quán rượu chớ không ghi trên giấy trắng mực đen.
Phong trào gọi là “du côn Sài Gòn” vào đầu thế kỷ gồm những thành phần như sau :
— Bọn bất lương, đâm thuê chém mướn, không lý tưởng gì cả.
— Một số người theo Thiên Địa Hội muốn tạo khu vực ảnh hưởng riêng để làm ăn, nắm độc quyền về bến xe, chứa cờ bạc.
— Một số nông dân mất cơ sở làm ăn ở thôn quê, lên thành phố nhưng chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, họ vẫn giữ óc tự tôn cho rằng xã hội nông nghiệp đàng cựu đẹp hơn xã hội mà người Tây phương đặt trên đầu dân ta. Họ có tinh thần chống Pháp.
Mãi đến đệ nhứt thế chiến, “anh chị” ở Sài Gòn Chợ Lớn còn là đề tài lưu truyền trong dân gian. Những áng thơ bình dân, những người mù nói thơ đờn độc huyền vẫn ca ngợi Năm Tỵ, Sáu Nhỏ, Sáu Trọng hoặc tiết tháo của thày Thông Chánh, cậu Hai Miên mặc dầu thực dân tìm cách ngăn cấm.
Bến Nghé Sài Gòn trong sanh hoạt mới
Trong khi vùng ngoại ô Sài Gòn chưa bình định xong thì thực dân chánh thức cho phép tàu ngoại quốc vào thương cảng Sài Gòn mua bán (22/2/1860). Năm 1860, có 246 chiếc tàu máy và thuyền buồm của các nước Ñu Châu và của Trung Hoa tổng cộng sức trọng tải là 63299 tonneaux, đã ăn 53939 tonneaux gạo trị giá khoảng 5184000 quan và các sản phẩm linh tinh khác trị giá một triệu quan. Đồng thời hàng hóa nhập cảng vào Sài Gòn trị giá ước lượng một triệu quan, cộng thêm 500 000 quan á phiện để tiêu thụ trong xư.
Đây là năm mđầu mà thương cảng mở cửa, xuất cảng hơi nhiều vì gạo từ năm trước còn ứ đọng lại, thành Sài Gòn mất nên ghe bầu từ ngoài Trung không vào ăn gạo như trước được. Năm 1861, mức xuất cảng gạo sụt, năm 1862 lại sụt hơn vì ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa của Trương Định ở vựa lúa quan trọng miền Nam lúc bấy giờ là Gò Công. Nhưng năm 1862 lại xuất cảng thêm 1 200 000 quan cá khô của Cao Miên, do thương cảng Sài Gòn.
Ba loại gạo mà giới xuất cảng chuộng nhứt là gạo Gò Công, rồi đến gạo Vĩnh Long; gạo sản xuất từ Sóc Trăng, vùng Bãi Xào (gạo Ba Thắt) thì được giá trên thị trường Trung Hoa hơn.
Ngày 16/6/1865 đô đốc Roze cho phép thành lập Ű ban nghiên cứu phát triển Canh Nông và Kỹ nghệ ở Nam kỳ, bốn tháng sau ủy ban ra tạp chí chuyên môn, dành nhiên cứu các loại sản phẩm nông nghiệp và kỹ nghệ mà Nam kỳ có thể phát triển trong tương lai, nhằm giúp đường hướng cho bọn thực dân làm ăn.
Ngoài ra, nhiều tờ Công báo cũng ra đời từ 1862, 1865, đáng chú ý là bọn thực dân ở Sài Gòn chia phe nhóm, ra báo Pháp ngữ công kích lẫn nhau như “Líindépendant de Saigon, Ere Nouvelle...” và công kích luôn chính sánh của Thống đốc. Tờ Gia Định Báo ra vào tháng 4/1865 bằng chữ quốc ngữ nhằm mục đích phổ biến thông cáo, nghị định đến các làng các tổng.
Năm 1865, dân đinh trong bộ ở 3 tỉnh miền Đông là 35 778 người, năm 1866 được 39369 người, một phần do sự đăng bộ của đám dân ậu, một phần là những người chạy giặc trở về trình diện để bảo vệ đất đai ruộng vườn cho khỏi mất. Năm 1867, Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, nhờ đó mà dân số Nam kỳ được thêm khoảng 477000 người (kể cả nam phụ lão ấu), diện tích ruộng đất tăng thêm khỏang 123000 mẫu tây và nhiều huê lợi khác chừng ba triệu quan.
Năm 1883, đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho bắt đầu hoạt động, hãng Tàu chạy sông ra đời vào 1883, gọi nôm na là tàu Mỹ (xuất phát từ Mỹ Tho, rồi từ đó nối về Sài Gòn bằng xe lửa) hoặc tàu Nam Vang vì chạy tới kinh đô chùa Tháp.
Thoạt tiên, để thử phát triển các giống lúa, thảo mộc và gia súc, thực dân cho lập nông trại làm thí điểm do nhà nước tài trợ tại khu đất Ô Ma ăn lên đồng Tập Trận rộng hơn 50 mẫu, trồng một mẫu lúa giống đem từ Miến Điện nhưng thất bại, còn dư là để cho cỏ mọc, thử nuôi ngựa giống. Cũng năm 1885, Ű ban thành lập “Viện Bảo tàng thuộc địa” hoạt động lai rai, thu lượm những mảnh tượng đá xưa, sưu tập cây cỏ ngoài Côn Đảo, trồng cây kỹ nghệ và vài trăm loại thảo dược đem về từ Thượng Hải. Riêng về cây cà phê, từ năm 1873, Thống đốc Nam kỳ khuyến khích, trợ cấp cho những người Pháp thử trồng tỉa.
Dưới mắt một số thực dân và sĩ quan hải quân Pháp thì vùng Sài Gòn (không kể vùng Chợ Lớn ngày nay) giống như quê hương của họ ở xứ Normandie, họ khen ngợi vùng Chợ Quán và vùng Gò Vấp, nơi dân Việt định cư lâu đời, có vườn tược, mỗi nhà đều có hàng rào bằng cây tươi, với đường xá quanh co nối liền xóm nhỏ, bên đường là cây cổ thụ che mát.
Thực dân nghĩ đến việc thiết kế thành phố, và trong việc “làm đẹp” thành phố, họ cố ý làm cho đất Sài Gòn mất vẻ cổ kính mà dân Việt đã tạo được từ 170 năm qua. Nhà và đất có bằng khoán, cứ đóng thuế thổ cư rồi đều mặc nhiên bị truất hữu theo quyết định của đô đốc, chỉ huy quân lực khiêm chức thống đốc ký ngày 20/2/1862. Đất chia từng lô bán bằng bạc con ó (không nhận trả bằng tiền kẽm), tất cả nhà cửa, vườn tược trên lô đất đều bị bán luôn. Nếu chủ đất đấu không kịp giá thì có thể xin bồi thường với người đấu giá được, muốn khiếu nại phải xuất trình toa vé xác nhận sở phí cất nhà trước kia, nếu có.
Luật lệ tàn ác này khiến nhiều gia đình cố cựu ở vùng Sài Gòn phải mất nhà, mất đất vì họ không đủ tiền để đấu giá cho kịp bọn thực dân và bọn cường hào đang có tiền, chưa nói tới một số đông người đã chạy giặc không dám về trình diện. Để cho những người mất đất tạm thỏa mãn, nhà nước ra quyết định ngày 6/5/1862 dành vùng đất giữa kinh Tàu Hũ, rạch Ong Bé và rạch Ong Lớn cho những người bị mất đất phía Sài Gòn và khuyên những người chủ đất ở vùng Rạch Ong nên khiếu nại trong vòng 30 ngày : những người mất đất ở Sài Gòn lại trở thành kẻ thù của người mất đất ở Rạch Ong. Ngày 2/2/1863, để xẻ đường lộ và phòng kinh đào ở vùng Sài Gòn, thực dân ra lịnh ai có mồ mả của thân nhân phải hốt cốt trong vòng 15 ngày.
Phía Chí Hòa, Hòa Hưng, Phú Thọ xưa kia là làng xóm trù mật mà dân đã tản cư từ khi Nguyễn Tri Phương cho đắp thành Chí Hòa (ăn từ Chí Hòa đến tận Bà Quẹo). Phần đất này lại chia ra từng lô từ 20 mẫu đến 35 mẫu, bán hoặc cho mướn dài hạn, chỉ dành riêng cho người Pháp mà thôi.
Vùng bên kia sông, thuộc Khánh Hội và Thủ Thiêm cũng phân lô, bán từ năm 1861. Mấy chợ nhỏ ở mé sông Sài Gòn ngày xưa bị dẹp bỏ, dành cất phố xá và công sở. Quyết định ngày 12/8/1864 cho phép cất một nhà chợ ở đầu cầu Ông Lãnh, công việc không trôi chảy như ý muốn, mãi đến tháng 6/1874 chợ này mới cất xong. Một số đất tốt được cấp vô điều kiện cho thân hào nhân sĩ hữu công vào năm 1873 để cất nhà. Tháng 8/1880, cho đấu giá đất thổ cư Chợ Lớn và Bình Tây, đa số người mua được là Huê kiều và ấn kiều.
Thể thức mà người Pháp dùng bấy giờ là cho đấu thầu mọi dịch vụ, quan lại tha hồ tham nhũng và thương gia giỏi chạy áp phe thì làm giàu nhanh chóng.
Thương gia Pháp và Đức kiều tha hồ làm mưa làm gió, nào là đấu giá xây cất đồn bót, dinh thự ở Quy Nhơn, ở Bắc kỳ, Hải Phòng, cung cấp mùng mền cho bọn lính sơn đá, đèn thắp ngoài đường, thức ăn cho lính, cho tù, cho bệnh viện, nhứt là cung cấp vôi, xi măng, cây, ván, gạch. Người Trung Hoa nhiều thế lực nhứt là Wang Tai. Lại còn nhiều dịch vụ đấu thầu khác mà người Trung Hoa chiếm ưu thế : khi chiếm ba tỉnh miền Tây vừa xong, công ty Hoa kiều Ban Hop nắm độc quyền về bán á phiện ở ba tỉnh này (28/8/1867). Và số tiền kẽm thu thuế của dân cũng được Hoa kiều đấu giá mua lại : Công ty Tang Keng Sing và Ban Hop mua 90000 quan tiền kẽm ở kho bạc Sa Đéc (1868), mua luôn 120000 quan ở Mõ Cày, 25000 quan ở Mỹ Tho. Hoa chi góp chợ, bến đò ở Sài Gòn và các tỉnh thường lọt vào tay người ấn.
Từ 1861, riêng vùng Chợ Lớn, Pháp cho đấu thầu hoa chi sòng bạc, quy định là mười sòng, cuối năm ấy lại áp dụng cho vùng Sài Gòn, năm sau (1862) cho toàn ba tỉnh miền Đông. Người Trung Hoa rành về tổ chức sòng bạc nên nắm độc quyền khai thác. Người Trung Hoa được ưu đãi, vì đã giúp đắc lực để xuất cảng lúa gạo và phân phối các sản phẩm nhập cảng. Không nên chê trách dân Nam kỳ thuở ấy không biết nắm độc quyền to lớn này, ta nên thấy rõ vấn đề : người Trung Hoa đã tạo lập hệ thống buôn bán từ khi mới khẩn hoang, lập chợ cù lao Phố, chợ Sài Gòn. Dầu cho người Việt muốn tranh thương thì cũng chẳng tài nào làm nổi. Huê kiều ở Chợ Lớn dính líu với các nhóm tài phiệt ở Tân Gia Ba. Và những Huê kiều chuyên mua lúa gạo ở Tân Gia Ba đến Chợ Lớn lại được phép thành lập một bang riêng, với ít nhiều tánh chất tự trị. Người Huê kiều có vốn lớn đem từ ngoại quốc sang mà tung khắp hang cùng ngõ hẻm. Để cờ bạc, thưởng thức nhan sắc của ca nhi, họ được phép thành lập nhà “xẹc” riêng để giải trí, bàn chuyện đầu cơ, chuyện lo hối lộ với bọn Pháp hoặc là buôn lậu. Hàng chục nhà “xẹc” khác trở thành nơi tụ tập riêng của từng tổ hợp: nào của người Phước Kiến, của Nhóm thương gia Huê kiều ở Tân Gia Ba, Thương gia chuyên mua bán lúa gạo, Nhóm thương gia chuyên mua lúa gạo Quảng Đông, Thương gia Huê kiều ở Chợ Lớn hoặc Thương gia Huê kiều ở Chợ Lớn thuộc quốc tịch Anh... Họ cất chành trữ lúa, mỗi nhóm giữ quyền lợi riêng, hoặc lập nhà máy xay lúa, mua ghe chài.
Luật lệ về công thổ
Danh từ công thổ chỉ những loại đất còn hoang, hoặc có chủ khai khẩn rồi bỏ phế trở thành vô thừa nhận. Ngày trước, đất là của Vua. Người Pháp đến, xác nhận ruộng đất là của Thuộc địa, mặc nhiên nhà nước làm chủ tất cả đất đai trong toàn cõi thuộc địa, muốn là sở hữu chủ phải có sự chấp nhận về mặt pháp lý của Thống đốc Nam kỳ, ở tỉnh thì chủ tỉnh là người được ủy quyền của quan Thống đốc trong phạm vi nhỏ.
Nhiều nghị định liên tiếp ra đời rồi điều chỉnh lại vì sự thi hành không trôi chảy như ý. Đại khái, nghị định 30/3/1865 và 29/12/1871 định rằng nhà nước sẽ đo đạc, điều tra về đất đai để lần hồi cho dân khẩn. Những điền chủ cũ có ghi tên trong địa bộ hồi đời Tự Đức phải trình diện để khiếu nại trong vòng 3 tháng để từ ngày dán yết thị tại địa phương và đăng trên Công báo, quá thời hạn trên thì đất ấy thuộc về nhà nước, xem là công thổ. Nhà nước bán theo giá thuận mãi với giá là 10 quan mỗi mẫu tây. Riêng những ngừười hữu công với nhà nước, đất có thể cấp không.
Người dính líu đến việc chống Pháp, trong điều kiện ấy làm sao dám trình diện ? Một số đất có chủ lại trở thành công thổ. Những người không dính dấp gì tới quốc sự cũng bị thiệt thòi quyền lợi, họ tiếp tục đệ đơn khiếu nại mặc dầu thời gian ba tháng niêm yết đã trôi qua. Họ không biết chữ, hương chức làng lắm khi giấu giếm bảng yết thị đó để thủ lợi, hoặc người chủ đất tản cư qua vùng khác, khi hay biết thì về quá trễ (châu tri của Giám đốc Nội vụ ngày 7/5/1879). Trong tờ phúc trình lên Hội đồng quản hạt đề ngày 11/10/1881 của Giám đốc Nội vụ thì cách chức khẩn đất hiện hữu quá rắc rối. Trước kia, thời đàng cựu hễ ghi tên vào bộ điền, đóng thuế là làm chủ đất. Theo luật mới, khi khẩn trưng 10 mẫu đất xong, muốn làm chủ thiệt thọ thì phải mua với giá 10 quan mỗi mẫu và nộp bản đồ (gọi nôm na là bông đồ) đo đạc chính xác theo phương pháp mới và được quan Thống đốc chuẩn phê. Như vậy là bất lợi cho dân và cho nhà nước, nhà nước thiếu nhân viên chuyên về khám đạc (gọi nôm na là họa đồ, kinh lý) để đi khắp các tỉnh các làng; tiền vốn vẽ bản đồ, tiền in tờ bằng khoán lại cao hơn giá bán 10 quan mỗi mẫu. Nghị định năm 1878 cho phép dân khẩn đất được miễn thuế bốn năm đầu tiên nên người nghèo vào đơn xin trưng khẩn quá nhiều. Nay cứ đặt ra điều kiện dễ dãi, hễ ghi tên vào bộ điền, chịu đóng thuế là coi như đã làm chủ, nhưng người khẩn đất chỉ được miễn thuế trong năm đầu mà thôi, năm sau phải đóng đủ. Tờ phúc trình này cũng khuyến cáo các tham biện chủ tỉnh không nên cấp những lô đất to hơn 20 mẫu, đề phòng nảy sinh ra giai cấp đại điền chủ.
Năm 1885, nhìn chung là ít ai chịu khẩn đất với diện tích rộng hơn 20 mẫu (đa số dân nghèo đều làm đơn xin trưng khẩn dưới 10 mẫu) vì sợ đóng thuế không nỗi. Kẻ nào xin khẩn sở đất to là nhắm vào đất tốt để đầu cơ, bán lại. Từ năm 1882 đến 1885 số đất được dân xin khẩn là 9055 mẫu.
Về công điền, tên tham biện Nicolai đã làm tờ phúc trình dứt khoát để tước đoạt không cho hương chức làng hưởng quyền hạn rộng như xưa. Nicolai trình bày :
— Theo nghị định 29/10/1871 và 22/8/1882 hễ phần đất nào không ghi vào địa bộ với sở hữu chủ rõ rệt thì phải theo quy chế đất công thổ. Trước khi người Pháp đến, hương chức làng có quyền đối với đất hoang trong địa phận họ cai trị, quan Bố chánh chỉ can thiệp khi đất ấy đã có người canh tác nhưng người ấy không đóng thuế hoặc đóng thuế ít so với diện tích. Hương chức làng ngày xưa được quyền gọi dân tới khẩn, bắt buộc họ làm đơn, vẽ bản đồ sơ sài rồi chịu thuế.
Nicolai nhắc lại những nguyên tắc của nghị định 1871 :
— Đất hoan, chưa vô bộ, chỉ có quan Thống đốc Nam kỳ mới được phép cho trưng khẩn, bán hoặc đổi.
— Chỉ có tham biện chủ tỉnh, thừa ủy quyền của Thống đốc Nam kỳ mới được phép quy định ranh giới công thổ.
— Đất nào có chủ thời đàng cựu, nhưng sau ba tháng truyền rao trên Công báo mà chủ không nhìn nhận, hoặc thiếu bằng cớ cần trưng ra khi nhìn nhận, thì sẽ không được tranh chấp nữa và trở thành công thổ. Tóm lại, công thổ (đất hoang, vô chủ trong địa phận mỗi làng) không phải là đất của làng, dẫu là về mặt tinh thần, tượng trưng. Hương chức không có quyền cấp đất hoang, hoặc cho dân tạm khẩn hoặc cày cấy tạm. Quyền ấy là của tham biện chủ tỉnh, thay mặt cho nhà nước. Bấy lâu vì chưa hiểu nguyên tắc ấy, nhiều nơi hương chức còn tự ý cấp đất hoang. Quan Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định 2/1/1892 để ngăn cản tình trạng trên.
Với sự quy định ấy, thôn xóm chỉ còn tự trị về mặt hình thức mà thôi, vì trong thực chất, hương chức làng chẳng còn quyền hạn gì đối với đất đai bỏ hoang cả. Ngay đến sở đất gọi là công điền của làng, phải được nhà nước thừa nhận thì mới là hợp pháp.
Tình hình các tỉnh dưới mắt người Pháp
Tài liệu vào thời người Pháp mới đến tuy dồi dào nhưng phiến diện, chỉ là sự nhận xét và báo cáo chủ quan của vài viên chức nặng óc thực dân. Xin lược kê đôi ba tài liệu, gọi là chỉ dẫn mà thôi :
— Báo cáo của Paul Vial, Giám đốc Nội vụ vào tháng 9/1865 : tỉnh Mỹ Tho ở vào ải địa đầu (Vĩnh Long, bấy giờ thuộc quyền triều đình Huế) chia ra bốn hạt tham biện, mỗi hạt do người Pháp trực tiếp trông coi, dân làng đã tự động chống quân làm loạn. Tháng rồi, 4 lãnh tụ trước kia theo Trương Định bị bắt và giết ở phía Gò Công, do người bổn xứ giết (nên hiểu là bọn theo Pháp như lãnh binh Tấn).
So với năm rồi, diện tích làm ruộng tăng thêm 50 phần trăm. Dân ở Sài Gòn và Biên Hòa tăng thêm, đó là dân hồi cư. Tỉnh Biên Hòa được khả quan từ khi lập đồn Bảo Chánh, một số dân miền Thượng giúp đỡ Pháp để chận loạn quân từ Bình Thuận đột nhập. Người Thượng theo Pháp vì dư đảng của Trương Định đối xử vụng về với họ.
Tỉnh Sài Gòn (Gia Định) không còn loạn quân nhưng bọn cướp còn đánh phá ghe thuyền di chuyển lẻ tẻ. Có chừng 20000 ghe thuyền lớn nhỏ chở chuyên hàng hóa, phân nửa số này di chuyển thường trực. Vial đề nghị cho tàu máy đi tuần theo sông rạch, mỗi tàu chỉ cần 2 người Pháp, 6 tên lính mã tà là đủ. Trước kia, chợ quan trọng ở nơi xa, nước cạn, vì vậy bọn giặc Tàu Ô khó khuấy rối, bây giờ cũng vì nước cạn mà tàu máy khó tới (phải chăng muốn ám chỉ vùng Ba Cụm lừng danh). Gần sông Vàm Cỏ (có lẽ Vàm Cỏ Tây) còn một nhóm 7 người Tagal và một số loạn quân ẩn náu, trước sau gì chúng cũng bị dẹp (đây là lính Tagal từ Phi Luật Tân qua đánh ta lúc trước). Vial nhận định rằng quan lại thời đàng cựu hống hách với dân ; nạn nhân của chế độ cũ là những điền chủ và thương gia giàu có. Hai hạng này được Pháp chú ý trọng dụng. Vial khen ngợi họ hăng hái hoạt động và có óc thực tế, họ sẽ giúp người Pháp thâu phục nhân tâm.
á phiện đem cho nhà nước hoa chi 1 200 000 quan mỗi năm. Vial cho rằng người bổn xứ đã hút trước khi Pháp đến, á phiện không hại gì cả, nếu hút có độ lượng. Đề nghị nên tiếp tục cho hút vì dân Trung Hoa hút khá nhiều nhưng vẫn giữ được đức tánh cố hữu là hăng hái, siêng năng.
Hoa chi sòng bạc thâu được 400 000 quan vào năm rồi nhưng gây xáo trộn ở làng xóm. Hương chức làng vì mê cờ bạc nên ăn cắp công quỹ và ăn hối lộ. Nông phu đánh bài, trẻ con cũng vậy, sanh nạn trộm cắp. Đề nghị dẹp hoa chi cờ bạc, nếu cần thì chỉ cho phép mở sòng bạc tại Sài Gòn mà thôi.
Về thuế bến thì tàu Pháp và tàu Tây Ban Nha hưởng ưu tiên khỏi đóng. Đề nghị nên bỏ thuế này cho tàu buôn bán các nước khác, để thương cảnh thêm tấp nập.
Gạo tăng giá 5 lần lúc hơn trước, nhờ xuất cảng được.
Ruộng làm nhiều vì lúa bán cao giá. Ruộng canh tác lậu thuế quá nhiều, có đến phân nửa diện tích trốn thuế. Vài năm nữa, nếu đo đạc xong, thuế điền sẽ thâu được gần bằng hai mà khỏi cần tăng giá biểu thuế. Vial cho rằng giá biểu thuế điền còn quá thấp.
Số dân công làm xâu trị giá 1 triệu quan mỗi năm. Với số bạc mặt tương đương, chưa chắc mướn được nhân công để đào kinh, đắp lộ như người Pháp đã làm (đây là việc cưỡng bách làm xâu thời đàng cựu mà người Pháp duy trì).
Giá đường, non 1 quan 1 kí lô. Dầu phộng, 60 quan 1 tạ dầu, dầu dừa 8 quan 10 lít, cau khô bán qua Trung Hoa (?) từ 60 đến 80 quan mỗi tạ...
Điền chủ bổn xứ cho tá điền vay ăn lời từ 5 đến 10 phân mỗi tháng, tá điền phải chịu điều kiện là dùng hoa màu thu hoạc được để thế chân. Thông lệ là tháng 7 dương lịch năm tới là trả điền vay, tới tháng 1 dương lịch năm tới là trả gấp đôi. Vial nhận xét thêm về mức sống và trình độ văn minh của dân Nam kỳ : khá cao, sang trọng, mỗi chợ đều có đủ thứ nghề, nào là dệt chiếu, nào trại mộc, lò đặt rượu, nhà dệt, lò nhuộm. Trại hòm hoạt động mạnh, hòm (quan tài) hạng thường nbán 30 quan, mỗi năm sản xuất từ 20 đến 20 ngàn cái tức là trong 3 tỉnh miền đông Nam kỳ xài 1 000 000 quan về hòm, người Việt chú trọng đến cái hòm của mình từ khi còn sống.
Về tiền tệ, Vial nêu vài chi tiết đáng chú ý :
Một quan tiền kẽm gồm 600 đồng, ăn 1 quan tiền Pháp.
Một quan tiền kẽm đời các vua sau này cân nặng từ 1 kí lô 10 đến 1 kí lô 1, trong khi tiền kẽm đời Gia Long cân nặng hơn : từ 1 kí lô 20 đến 1 kí lô 25. Trong quan tiền kẽm thông dụng, có khoảng 5/7 là tiền đời Gia Long.
Bạc nén, mỗi nén nặng 374 g (10 lượng) nhà nước nhận khi thâu thuế với giá là 74 quan 61, nhưng bạc nén đem ra chợ đổi được từ 95 đến 100 quan tiền ta, hoặc từ 16 đến 20 đồng bạc con ó.
Một nén vàng, mà Vial cho là ít khi thấy xài, cân nặng khoảng 336 g, dân xài với giá từ 1400 đến 1500 quan, kho bạc nhà nước nhận xài với giá chính thức là 1050 quan.
Đồng bạc con ó lúc đầu khó xài trong dân gian, một đồng con ó đổi 3 quan mà thôi, phổ biến rất chậm. ở thôn quê chưa thấy xài. Thời ấy vì xài nhiều thứ tiền khác nhau nên có nạn đầu cơ tùy theo mùa, có thể đem lợi cho bọn người chuyên đổi tiền.
— Báo cáo của Paul Vial ngày 17/9/1867 : giúp thấy sơ qua tình hình 3 tỉnh miền tây vừa bị Pháp chiếm từ 20/6 tức là non 3 tháng trước. Mục đích của viên Giám đốc Nội vụ này là tìm hiểu nguyện vọng, giải thích cho dân hiểu thiện chí của người Pháp. Mặt khác, thử nghiên cứu cách thức thâu thuế điền bằng tiền mặt, thay vì thâu bằng lúa như thời đàng cựu.
Theo Vial, lúc trước ở 3 tỉnh miền Tây có từ 4 đến 5000 lính đàng cựu, nay chỉ cần tuyển chọn 900 người là đủ dùng vào việc trị an (bớt tốn công quỹ để nuôi lính). Nên tuyển chọn lính mã tà trong gia đình dân có bộ (khá giả), được bảo đảm hơn là lựa trong đám lưu dân. Vial xuống tàu ngày 31/8/1867 (từ Mỹ Tho) với 25 lính mã tà từ Gò Công gởi qua tăng cường cho Trà Vinh, trước đó có 50 lính mã tà đã đến Trà Vinh rồi. Tới Bến Tre, Vial còn thấy di tích của dinh phủ Hoằng Trị thời đàng cựu đã bị bắn sập từ 1862, quan tham biện làm việc trong căn nhà lá, tiếp tay với tham biện là hai quan huyện : một là cựu cai tổng ở Gò Vấp, một là tay phú hộ ở Gò Công. Tham biện Bến Tre lúc bấy giờ là Champeaux. Theo ý kiến Champeaux thì dân Bến Tre sẵn sàng đóng thuế bằng tiền. Champeaux thắc mắc về sự hiện diện của một số quan lại cựu trào đang cư ngụ dưỡng già tại Bến Tre, xem như là những phần tử có hại cho an ninh (chắc ám chỉ những người ở Ba Tri như ông Đồ Chiểu ?) Tàu đến vàm rạch Cầu Ngang. Cách chỗ tàu đậu chừng 4000 thước, quân sĩ đang giao chiến với loạn quân, lát sau, Pháp tái chiếm Cầu Ngang. Đêm đến, Vial ngủ tại Cầu Ngang, được biết rằng tất cả dân làng đều theo bọn phiến loạn. Từ ngày 28/8, tại làng Tân Lập, dân nổi loạn giết một thư kỳ và 3 lính mã tà. Một tốp Cao Miên chừng 200 người tới xin quy thuận và điềm chỉ bọn cầm đầu phản loạn gồm chừng 54 tên nhưng bọn này đã trốn mất. Đến Vĩnh Long, bấy giờ dân đang còn lo sợ, chợ Vĩnh Long có đường sá lót bằng gạch vụn. Chợ Sa Đéc rộng rãi và náo nhiệt. Viên tham biện Sa Đéc mách cho Vial biết : huyện Phong Phú (Ô Môn, Cần Thơ) ở quá xa, cần lập tại đó một hạt tham biện. Phong Phú là vùng giàu có nhưng chưa kiểm soát được. Vial đi từ Sa Đéc qua Rạch Giá theo rạch Lấp Vò, ở chặng đầu, thấy dân đông, sung túc. Ra Hậu giang, đến Đông Xuyên (tức là Long Xuyên ngày nay), thấy cù lao trên sông có nhiều rẫy mía khá tốt. Vial tiếp tục hành trình qua Rạch Giá theo kinh Núi Sập (Thoại Hà), kinh nhiều cỏ, tàu khó chạy vì chân vịt tàu thường bị vướng, muỗi quá nhiều, không thấy nhà cửa ở hai bờ kinh. Sáng ngày 9/9 đến Rạch Giá, khúc gần chợ, bề ngang rạch chừng 30 đến 40 thước, hai bên đầy nhà cửa và ghe xuồng. Nước chảy mạnh, tại vàm biển ngoài những ghe cỡ nhỏ còn có một chiếc goélette (Vial muốn nói loại tàu buồm Hải Nam ?) trọng tải chừng 80 tonneaux của người Tàu ở Kampot đến đậu từ 3, 4 tháng rồi, chờ khi thuận gió sẽ rời bến.
Vàm Rạch Giá cạn, vì vậy đã cho cắm mấy hàng nọc dài ra biển để hướng dẫn cho tàu khỏi rướn lên bãi bùn. Quân sĩ và tham biện Rạch Giá ngụ trong đồn cũ thời cựu trào, tu bổ khéo léo, mỗi góc đồn chừng 80 mét (đồn này không đầy một năm sau là bị Nguyễn Trung Trực đốt rụi). Tư thất tham biện lợp lá, còn tốt. Dinh tham biện ở hữu ngạn Rạch Giá, trên giồng cao, nhiều cát, gần đấy có xóm nhà và vườn cây ăn trái. Thời cựu trào, người Tàu ở đây có quyền hạn nhiều (ít nhiều tự trị) phỏng định chừng 800 người, khó tin cậy, đề nghị tăng cường cho Rạch Giá vài người lính Pháp.
Mấy ông cai tổng ở Cà Mau (bấy giờ, Cà Mau thuộc về hạt tham biện Rạch Giá) đang gom mấy khẩu thần công thời cựu trào đem về đồn. Tại Cà Mau, có 20 lính mã tà nhưng xin thêm 120 lính nữa để tăng cường. Hạt Rạch Giá ruộng ít, dân ít, nếu bắt thêm 100 lính thì dân chịu không kham, không như ở Sa Đéc và Vĩnh Long nơi dân đông hơn. Người Cao Miên ở Rạch Giá đông gần bằng người Việt Nam, có nuôi bò nhưng không phải nuôi để ăn thịt. Vial muốn cho lính và viên chức Pháp ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá được ăn thịt bò đầy đủ.
Trở về Đông Xuyên (Long Xuyên) để xuồng Ba Xuyên, từ vàm rạch Ba Xuyên đến chợ Sóc Trăng tốn 10 giờ vì nước cạn. Tàu chạy được một khoảng, khoảng còn lại phải đi ghe. Trên đường tới Sóc Trăng có nhà thờ Công giáo nhỏ, chợ Sóc Trăng nhiều gạo, gạo ngon và bán thật rẻ, nhiều ghe từ Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho, Chợ Lớn đến mua. Lính mã tà ở Sóc Trăng gồm một số ở Hóc Môn đổi tới nên khi gặp ông phủ Trần Tử Ca (cùng đi với Vial) thì họ quá mừng, họ nhớ nhà, tới đây 25 người, đã chết 3 người. Sáu năm về trước, người Miên Sóc Trăng đã nổi loạn chống cựu trào, từ đó về sau họ thù hằn người Việt. Ông phủ U là người Miên hợp tác với Pháp. Lúc ở Sóc Trăng, Vial được tin gởi về cho biết lính mã tà ở Cà Mau vừa bắt được bá hộ Chương, người cầm đầu phản loạn bấy lâu. Chuyến về, Vial được phủ Trực cho biết : có con rạch đi tắt từ Mỹ Tho đến Trà Vinh, đó là rạch Lách Cần Thay (nay là Chợ Lách). Vial cho biết : các tham biện mà ông ta gặp đều đồng ý là nên giải tán hẳn các đồn điền đàng cựu, đất ruộng thì giao trả lại cho làng cũ vì đa số dân đồn điền theo phe làm loạn trong thời gian qua. ở tỉnh Sài Gòn (Gia Định), việc giải tán đồn điền đã thi hành có kết quả từ 1861.
Hình ảnh miền quê dưới mắt một người Việt
Năm 1894 ông Dương Tế Mỹ làm chức kinh lịch (lettré, một chức vụ khong quan trọng chuyên phiên dịch những giấy tờ chữ Nôm, chữ Nho ra quốc ngữ) gởi về Nam kỳ Soái phủ một tờ trình, góp vài ý kiến để cải cách xã hội, đề tháng 10/1894. Bấy giờ, Dương Tế Mỹ đã nghỉ việc, cư ngụ tại làng Minh Đức, tỉnh Trà Vinh. Xem qua, ta hiểu phần nào bộ mặt của miền quê hồi cuối thế kỷ 19. ý kiến của ông Mỹ có thể tóm tắt như sau :
— Nạn đánh me lan tràn, người Huê kiều làm chủ sòng mà thủ lợi, việc đánh me được nhà nước hợp thức hóa để thâu hoa chi. Vì cờ bạc mà sanh nạn trộm cắp, con nít 12 tuổi cũng biết đánh me. Đề nghị nhà nước ta nên kiểm soát nghề nghiệp và lý lịch của dân cho kỹ hơn.
— Bọn làm bồi cho Tây sống lưu động, là bọn du đảng nguy hiểm. Nên nhốt bọn chúng
— Nên mở mang tiểu công nghệ cho dân có thêm công ăn việc làm, nên phát triển trồng bông vải.
— Yêu cầu nhà nước đừng đánh thuế rượu đế (rượu nếp nấu theo phương pháp cổ truyền). Người Tàu chịu đóng thuế, đặt rượu nếp bán lại cho dân, mấy nhà máy rượu ấy bỏ hèm : hèm là thứ mà dân ta dùng nuôi heo rất tốt. Để bù vào thuế rượu, nhà nước có thể tăng thuế thân hoặc thuế điền. Hồi đàng cựu, ai muốn nấu rượu thì cứ tha hồ, nhờ đó mà dân nhậu thưởng thức nhiều thứ rượu nếp với hương vị độc đáo khác nhau, chẳng khác nào rượu nho bên Pháp gồm nhiều loại. Người Hoa kiều nắm độc quyền lập nhà máy đặt rượu nên dân chỉ thưởng thức có một thứ rượu mà thôi. Hễ được tự do đặt rượu dân có thể tìm thứ rượu ngon theo sở thích mà uống. Nếu nhà nước bỏ thuế rượu, sẽ có chừng 15 phần trăm dân chúng được nhờ, họ xay nếp đặt rượu bán, lấy hèm để nuôi thêm heo; do đó, giá thịt heo sẽ rẻ.
— Có đến 3/4 dân chúng mang tật cờ bạc.
— Mấy ông cai tổng ở Trà Vinh đã thật sự trở thành tai họa lớn cho dân. Mỗi lần bầu cử cai tổng, nhiều người dám tốn 1000 hoặc 2000 đồng để lo hối lộ với quan trên hoặc bày tiệc mua chuộc cảm tình trước. Tuy tốn kém lớn nhưng trong năm đầu tiên, các ông lấy được vốn và thêm lời, tiền thâu vô phỏng định từ 2500 đến 3000 đồng với chi tiết như sau :
* Nhận lễ vật của dân và của làng vào dịp Tết : 120 đồng.
* Nhận lễ vật của dân vào ngày mùng 5 tháng 5 : 120 đồng.
* Nhận của hương chức làng, mỗi tháng khi hương chức đến hầu là 80 đồng.
* Nhận hối lộ của hương chức khi làng lập bộ thuế đinh và thuế điền, khai thêm khai bớt cho nhẹ thuế : 300 đồng.
* Cho chứa cờ bạc, mỗi tháng thâu 50 đồng.
* Én hối lộ rải rác khi đi thăm các làng : 200 đồng.
* Bắt dân làm công nhựt, tức là làm xâu cho cá nhân : làm ruộng, phát cỏ vườn, đào mương vườn, chèo ghe thí công.
* Én hối lộ khi xử kiện, 700 đồng một năm. Ai lo tiền nhiều là thắng kiện.
* Chứa chấp bọn ăn trộm, chia tiền bạc với chúng.
* Cướp đoạt ruộng đất của dân để cho mướn lại.
lại.
* Ai muốn làm đám giỗ phải làm đơn, muốn được phép phải lo tiền.
* Bọn tay sai của cai tổng (biện, người chạy giấy) tha hồ tống tiền hương chức, hưởng huê hồng riêng là 17 phần trăm. Bọn này trở nên giàu có.
* Vài viên cai tổng có từ 10 đến 15 bà vợ, tất cả đều do các ông trợ cấp.
* Cai tổng thường lạm quyền, khám xét thơ từ của dân hoặc tờ trát của quan trên gởi về làng.
— Đề nghị cho các ông cai tổng đổi vùng để bớt những tệ đoan nói trên...
Mười phần thế nào cũng có tám chín hoặc hơn nữa. Đây là tiếng nói của một viên chức thân Pháp, tuy còn máu phong kiến nhưng bất mãn, vì thực dân đã tỏ ra “phong kiến hơn phong kiến” với hình thức giả hiệu tự do, bình đẳng, bác ái. Đáng chú ý là chuyện cướp đoạt ruộng đất.
Trường hợp một vụ người Việt cướp đất của người Việt
Tài liệu rút từ bản báo cáo của đốc phủ sứ Trần Tử Ca, đề ngày 29/11/1869 (hai năm sau khi mất ba tỉnh miền Tây), xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long. Phủ Ca là người tận tụy với người Pháp, về sau bị giết ở Hóc Môn, ấy thế mà vẫn bất bình và can thiệp không được. Người bị tố cáo là cai tổng Nguyễn Văn Dõng thuộc tổng Bình Chánh, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long (Vũng Liêm), năm trước loạn quân còn hăng hái hoạt động. Phủ Trực được thực dân tinh cậy giao cho huyện này.
Tổng Dõng xin với phủ Trực cho mộ 30 người để làm lính giữ trật tự trong vùng, nhưng lại dùng số người này để phục dịch việc riêng tư.
Bấy giờ phủ Trực cho khai con kinh tại Bưng Trường, hai bên bờ đất tốt, phát cỏ rồi cấy là xong, khỏi cày. Phủ Trực truyền cho dân lậu ở các làng cứ đến đó mà khẩn đất, sau ba năm thì nộp thuế, lập làng mới, giống như thời đàng cựu. Dân lậu kéo đến làm ruộng, lập được 3 tổng, tính hơn 20 làng (mỗi làng 10 tên dân, khẩn ruộng 20 mẫu). Một số dân khác cũng tới con kinh này vì đất ở quê quán quá xấu, họ làm ruộng thêm, lấy huê lợi đem về đóng thuế ruộng ở quê quán.
Vì là cơ hội để khẩn đất nên số lính mà tổng Dõng đã mộ trước kia bèn trốn tới kinh này làm ruộng, gia nhập vào các làng mới lập. Tổng Dõng kêu nài, phủ Trực lần sau chỉ cấp cho 5 người tùng giả, do dân làng nạp (tùng giả là người sai vặt, cận vệ của cai tổng hoặc hương chức làng, theo quy chế xưa, có ăn lương tượng trưng).
Tổng Dõng quá khôn, nhân cơ hội này làm đơn đến tham biện chủ tỉnh, xin khẩn riêng đất hoang 20 mẫu (tức là diện tích quy định cho một làng), phần đất này giáp Bình Thắng thôn (Đông), Bình Thọ thôn (Tây), Thạnh Mỹ thôn (Nam), Long Khánh thôn (Bắc). Đơn được chấp thuận, phủ Trực đã chỉ rõ ranh giới phần đất như trên cho tổng Dõng biết.
Vì mẹ chết nên phủ Trực nghỉ phép ba tháng, thừa cơ hội ấy, tổng Dõng trở thành vua một cõi, từ sở đất vừa được phép khai khẩn ông ta lấn ranh qua thôn Bình Thắng phía Đông, lấn 150 mẫu dành cho bà con bên vợ làm.
Tổng Dõng bèn dâng đơn lên quan phó tham biện mà tố cáo : Vì có đào kinh mới nên dân đã bỏ làng do ông vừa lập mà đi, xin quan trên ra lịnh cho dân trở về làng cũ. Quan phó tham biện chấp thuận và cho Dõng một tờ trát để đuổi dân. Dân mới làm ruộng đang lúc bắt mạ (gieo mạ) nên do dự, không chịu về, Dõng bắt họ mà đóng trăng (một thứ gông làm bằng ván khoét) và đánh đập.
Đỗ Hữu Phương (sau này là tổng đốc Phương) bấy giờ là đốc phủ sứ ở tại chợ Vĩnh Long lo việc dẹp loạn, bèn thâu lại lịnh đuổi ấy giao cho phủ Trực vừa mãn thời gian nghỉ phép, trở lại nhiệm sở. Bấy giờ dân làng Bình Thắng giáp ranh đất của Dõng lại đâm đơn tố cáo Dõng về tội lấn đất làng họ. Phủ Trực đòi Dõng tới, nhưng Dõng lánh mặt rồi đi thẳng lên tỉnh mà tố cáo phủ Trực với phó tham biện.
Trở về, tổng Dõng khoe với dân rằng phó tham biện dạy làng Bình Thắng phải thường cho ông ta mỗi công đất là 8 giạ lúa và 8 quan tiền; ruộng 1638 công (tức là non 150 mẫu mà Dõng đã lấn ranh) bồi thường với giá 10944 quan, năm sau đất tốt hơn, phải bồi thường đến 13680 quan.
Bấy giờ (có lẽ phủ Trực làm hậu thuẫn bên trong vì khi cho đào kinh, ông ta đã có tham vọng chiếm đất), dân làng Bình Thắng tố cáo Dõng 13 khoản, làng Long Hội tố cáo 27 khoảng, làng An Hội tố cáo 21 khoản. Quan tham biện giao cho phủ Ca xét xử. Phủ Ca đến huyện Vĩnh Trị, hai làng khác tố cáo thêm. Và khi đến làng Bình Thắng lại nhận đơn tố cáo khác. Tổng Dõng không chịu đến để giáp mặt với làng. Phủ Ca đành đến Mân Thít (nguyên văn ghi là Mơn Thích) gặp tổng Dõng.
Cuộc điều tra của phủ Ca cho thấy rõ tổng Dõng phạm vào các tội :
Chiếm làng Bình Thắng 150 mẫu, chiếm của làng Bình Thọ hơn 100 mẫu. Dõng còn mượn tiền bạc, lúa gạo của làng và của dân 512 quan mà không trả. Nhưng tham biện Vĩnh Long chỉ cho phép phủ Ca xử vụ chiếm đất làng Bình Thắng mà thôi, các khoản khác đều bỏ qua. Phủ Ca đề nghị tịch thâu cây súng riêng của Dõng, đày Dõng lên Sài Gòn hoặc Trảng Bàng một năm “để sửa mình”. Phủ Ca cho biết thêm là Dõng lợi dụng những người “theo nghịch” mà Dõng tha tội cho, sau khi thông dâm với mẹ của tội nhân, và bắt tội nhân làm đày tớ riêng. Lại còn bắt dân làm đày tớ riêng cho vợ bé, bắt hương chức làng đóng thuế cho phần đất của anh vợ. Ai muốn được cử hương thân, hương hào phải lo hối lộ mỗi người 5 quan, bằng không thì đánh 40 hoặc 50 roi, và nhiều khoản khác.
Sự việc kết thúc ra sao ? Ai phải ai quấy ? Điều chắc chắn là bọn theo Pháp thời bấy giờ giành giựt quyền lợi, ăn thua nhau và dựa vào những gốc to là bọn Pháp. Bọn Pháp sử dụng dân bản xứ trong việc trừ nội loạn và đồng thời cũng thích ăn hối lộ. Chỉ tội cho người dân chịu oan khổ, nào quan tây, quan ta, tốn công khẩn hoang ; luật lệ, nghị định của các quan Thống đốc chỉ là hình thức.
Điển hình một vụ người Pháp lập tiểu quốc ở cù lao Năm Thôn :
công ty Taillefer
Trước khi chiếm ba tỉnh miền Tây, nhà nước đã kêu gọi người Pháp nên mua đất ruộng vì là dịch vụ có lời nhanh chóng, thí dụ như ruộng ở làng Bình Lập (Tân An) vào 1865 mỗi mẫu (ha) đem lại lợi tức 140 quan mỗi năm, nhưng bán chỉ có 100 quan mỗi mẫu. Thực dân tiên đoán : gạo xuất cảng dễ và cao giá nên nhứt định giá ruộng sẽ tăng lên. Khi trước mỗi mẫu đem lại lợi tức từ 30 đến 40 quan, nhưng từ khi hương cảng Sài Gòn mở cho tàu buôn ngoại quốc vào, giá gạo tăng gấp bốn lần hồi đàng cựu.
Một trong những người Pháp lạc quan, táo bạo nhứt trong vụ làm ăn về ruộng đất là Taillefer. Vốn là sĩ quan hải quân, từng tham gia chiến trận. Ông ta xin phép nghỉ không ăn lương, dành thời giờ mà khai thác nông nghiệp. Cha của Taillefer làm dân biểu bên Pháp, nhà giàu, có vườn nho. Vào cuối 1864, Taillefer đệ trình với viên Tổng tham mưu quân đội viễn chinh ở Sài Gòn một dự án. Bấy giờ là giai đoạn quân sự nên nhà binh nắm rất nhiều quyền hạn. Taillefer muốn dẫn thủy nhập điền để làm ruộng mỗi năm hai mùa, nhờ đó mà mức sản xuất lúa gạo sẽ tăng gấp đôi. Kinh Bảo Định (nối từ chợ Tân An đến chợ Mỹ Tho, Vàm Cỏ Tây đến Tiền Giang) có thể chọn làm địa điểm, kế hoạch tiến hành như sau :
— Đắp đập chận hai đầu kinh này, lấy nước ngọt tát lên ruộng, dùng 3 máy chạy bằng hơi nước (mỗi máy 50 mã lực); chạy mỗi ngày 12 giờ là tát được 486000 thước khối.
— Mỗi mẫu tây chỉ cần 1000 thước khối nước là đủ làm ruộng. Nếu trừ hao nước bốc hơi là 10 phần trăm, cứ 10 ngày, máy chạy 1 lần là đủ. Ai có đất hai bên bờ kinh thì cứ đào mương mà hứng nước vào ruộng, trả lại cho công ty mỗi mẫu và mỗi mùa lúa là 100 quan.
— Việc tát nước vào mùa nắng giúp mỗi năm làm được hai mùa, nước dưới rạch tát lên có sẵn phù sa là thứ phân quá tốt, dân khỏi tốn tiền mua phân bón ruộng. Lần hồi sẽ khai thác thêm, áp dụng cách tát nước bằng máy này khắp cánh đồng bao la giữa Cao Miên và Sài Gòn !
Thoạt tiên, kế hoạch được chú ý, nhà cầm quyền nhờ các viên tham biện tìm thử ở Trảng Bàng, Tây Ninh hoặc Mỹ Tho một sở đất liền lạc rộng khoảng 1000 mẫu để thực thi, nhưng tìm không ra.
Kế hoạch đẹp đẽ trên giấy tờ bị dẹp qua. Nhưng Taillefer không thối chí. Khoảng 1866, lại lập một công ty lấy tên là công ty Trồng Tỉa và Dẫn Thủy ở Nam kỳ, hoạt động chừng 5 năm là phá sản luôn, gây bao nhiêu thắc mắc cho nhà nước. Taillefer muốn lập một tiểu quốc ở cù lao Năm Thôn (Mỹ Tho) trên Tiền giang mà ông ta chiếm trọn, (ngoài ra, còn khẩn đất ở Tân An 189 mẫu đất, lập một đồn điền khác).
Đất ở Tân An và ở cù lao Năm Thôn mà Taillefer trưng khẩn không phải là đất hoang, nhưng là giựt của dân.
Vốn của công ty là 300 000 quan.
Cù lao Năm Thôn là vùng trù phú nhứt nhì của sông Tiền giang, khai khẩn từ hồi chúa Nguyễn, nổi danh nhờ huê lợi ruộng, trồng cau dừa, trồng dâu nuôi tằm. Trước khi thực dân đến, đã lập xong 5 thôn (vì vậy mà gọi là Năm Thôn). Cù lao bỏ hoang vì dân chạy giặc (nên nhớ đây là vùng sát bên Cái Bè, nơi Tổng đốc Lộc trấn đóng). Mãi đến 6 năm sau, chỉ có 8 gia đình trở về xin lãnh phần đất mà trước kia họ làm chủ, viên tham biện cho phép. Số đất được dân nhìn nhận trở lại có 36 mẫu mà thôi.
Taillefer đến, thoạt tiên trưng khẩn một lô 300 mẫu tây, nhà nước cấp cho bằng khoán. Rồi xin khẩn trọn cù lao nhưng nhà nước đưa ra giá quá cao nên việc không xong. Khi làm bá chủ phần lớn cù lau này (trong thực tế là chiếm trọn), Taillefer đến gặp số người đã hồi cư, họ hứa sẵn sàng bán đất cho y (36 mẫu vừa kể trên) sau khi họ có bằng khoán. Tạm thời, họ sẵn sàng mượn tiền của công ty để làm ăn. Lẽ dĩ nhiên công ty hài lòng, muốn làm ruộng mà thiếu dân thì sao thực hiện được. Điều đáng chú ý là trước khi cấp cho Taillefer lô đất to này, nhà nước đã niêm yết suốt ba tháng trong tỉnh Mỹ Tho nhưng mấy người chủ đất cũ chẳng ai ra tranh cản (không dám tranh cản thì đúng hơn).
Taillefer trở nên hống hách, công khai tuyên bố rằng cù lao này thuộc trọn quyền sở hữu của y, dân ở trên cù lao bị đối xử như tá điền, như cu—li. Lại còn quả quyết rằng nhà nước không được quyền lập lại làng xóm như thời đàng cựu, vì lập làng là phải bớt ra mộ số đất để làm công điền.
Việc bóc lột bắt đầu. Trước tiên, lập một nhà máy xay lúa. Để có đủ lúa cung cấp cho nhà máy hoạt động, y bèn mua lúa đứng (lúc lúa gần chín) của dân trên cù lao, với giá rẻ. Đây là hình thức cho vay gọi là “cho bạc lúa”. Lại còn cho vay bạc ăn lời với tỷ lệ lời cao, không thua mấy ông điền chủ thời đàng cựu (50 phân một năm). Và cho vay cắt cổ : một người nọ vay nợ 250 quan, phải trả vốn và lời trong 5 tháng với tiền lời 50 phần trăm. Đồng thời con nợ phải ký giấy để cố miếng đất trị giá 1000 quan, không trả được số bạc nói trên thì phải chịu mất đất.
Taillefer còn mơ ước viễn vông là loại bỏ trung gian Huê kiều trong việc mua lúa. Y cho người đem tiền đến các chợ phụ cận mua lúa về, với triển vọng là sẽ mua ghe chài mà chở lên Sài Gòn, bán thẳng ra ngoại quốc sau khi xay tại cù lao. Từ cù lao Năm Thôn, y dòm ngó qua Sóc Trăng, toan cạnh tranh mua lúa ở Hậu giang và lập chành trữ lúa, lại yêu cầu quan tham biện Sóc Trăng cho bắt dân địa phương làm xâu để cất chành lúa tại chỗ thí công cho y, nhưng đơn bị bác bỏ.
Y nhập cảng thẳng từ bên Pháp một số nồi niêu, soong chảo, vải bô, khăn mu soa, luôn cả rượu chát (do gia đình bên Pháp sản xuất) để bắt buộc dân trong cù lao mua lại hoặc đổi lúa mà họ canh tác được. Đây là bắt chước người Hoa kiều dùng hàng hóa đổi lúa, nhưng hàng hóa của y đổi lại không có giá trị thực tiễn đối với dân.
Thấy việc làm ruộng không được khả quan như dự định, bèn đặt kế hoạch trồng cây va—ni để chế bột thơm gia vị, trồng bông vải, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía.
Hằng ngày, áp dụng chế độ cai trị riêng : sáng và chiều, cho đánh trống, các gia trưởng trong đám tá điền phải tập họp để điểm danh, như ở trại lính. Dân trên cù lao chỉ phải đóng địa tô cho y và khỏi đóng thuế cho bất cứ ai cả. Khi gặp chuyện thắc mắc, y viết giấy đòi dân tới văn phòng mà khoát nạt, tự xưng là “ông quan ba”, ai làm sái quấy cứ phạt tiền và phạt vài chục roi, như quan thời đàng cựu.
Đến năm 1868, theo lời y, dân thêm đông đảo, già trẻ bé lớn chừng 1200 người. Y cho lập hai làng, canh tác chừng 250 mẫu, những làng này không được quyền có đất công điền.
Nhưng việc gì phải đến lại đến. Vào năm 1868, mùa màng thất bát, đa số dân trên cù lao trốn qua đất liền mà ở để giựt nợ; những người lãnh tiền để mua lúa cung cấp cho nhà máy xay cũng biệt tích.
Y làm đơn thưa với tham biện và tòa án Mỹ Tho, nhờ xét xử bọn giựt nợ và bọn không chịu đong lúa ruộng. Trong thời gian khai thác cù lao, y tỏ ra hách dịch, khinh thường bọn quan lại người Pháp ở địa phương nên đây là dịp tốt để họ trả thù : những con nợ đều được xử trắng án, vì y đã ăn lời quá cao hơn luật định. Y làm đơn thưa với Thống đốc Nam kỳ, nhưng viên chức đi điều tra bèn tố cáo ngược lại. Y tự biện hộ rằng cho vay nặng lời là để bù trừ những vụ giựt nợ. Y ăn hiền ở lành, vì nếu ác độc thì đã bị dân nổi loạn giết rồi ! Y khoe khoang đã phát thuốc thí, giúp dân chúng bớt bịnh hoạn. Theo y, phải dùng biện pháp mạnh đối với dân bổn xứ vì họ là bất hảo.
Sau cuộc điều tra, nhà cầm quyền cho phép lập trở lại trên cù lao 5 làng như trước, với công điền. Taillefer nổi giận cho rằng người “An Nam” nhờ y giúp đỡ lập nghiệp, nay lại muốn đuổi y ra khỏi cù lao thay vì mang ơn.
Rốt cuộc công ty phá sản, vì nhà nước thực dân không muốn dung túng trường hợp lập tiểu quốc mà tư nhân kinh doanh nắm trọn quyền về quân sự, hành chánh và tư pháp. Về nhân tâm, chính Taillefer cũng nhìn nhận là có một số tá điền giựt nợ rồi trốn đi làm ăn cướp hoặc theo phiến loạn.
Người vui mừng nhứt khi thấy công ty phá sản là tổng đốc Lộc. Lộc thèm thuồng cù lao phì nhiêu này từ lâu nhưng không dám tranh giành. Lộc liền mua đấu giá phần đất của Taillefer khẩn (dân ở cù lao thời đàng cựu phải chịu mất đất luôn). Lộc chết, giao lại cho con là Trần Bá Thọ, và Thọ lại tự tử vì khai thác lỗ lã lúc sau này trên cù lao.


Chương 2 - 2

Khái quát về việc khai khẩn thời Pháp thuộc ở Nam kỳ


Sau đây vài con số, gọi là để chỉ dẫn lúc người Pháp cai trị đến cuối năm 1929, rút phần lớn từ tài liệu do viên chức Pháp soạn ra. Lúc bấy giờ, việc thống kê đã tương đối chính xác, ranh giới các tỉnh đã cố định, chỉ trừ giai đoạn sơ khởi. Tuy nhiên, có nhiều việc ghi trên giấy tờ, trên nghị định nhưng không áp dụng đúng mức hoặc bị méo mó (trường hợp những nghị định cho khẩn đất, trường hợp Nhà Băng Canh nông cho vay), hoặc những báo cáo chánh thức căn cứ vào tài liệu do hương chức thời xưa sưu tầm về dân số, sản lượng.
— Dân số vào năm 1873 : 1 500 000 người.
Đất đã khai thác : 600.000 mẫu tây làm ruộng và 90.000 mẫu tây vườn tược, hoa màu phụ (dừa, cau, thuốc, mía, bắp...)
— Dân số vào năm 1929 : 4.500.000 người (tăng gấp ba lần).
Đất đã khai thác : 2.440.000 mẫu tây làm ruộng và 170.000 mẫu trồng bắp, mía, dừa, thuốc, đậu... (trong số này kể luôn 87.000 mẫu trồng cây cao su). Ngoài ra, còn vườn cây ăn trái từ 12.000 đến 15.000 mẫu.
Như vậy riêng về ruộng nương, diện tích tăng gấp 4 lần, sau khoảng 60 năm thực dân cai trị.
— Đường giao thông vào năm 1929 :
Quốc lộ (gọi là lộ Đông Dương) : 1.013 km
Liên tỉnh lộ : 1.083 km
Tỉnh lộ 1.728 km
Tổng cộng : 3.824 km, ngoài ra còn 3.243 km hương lộ xấu và nhỏ, lắm khi mùa mưa không dùng được.
— Kinh đào (kinh xáng múc hoặc đào tay) : 1.664 km
Miền Đông Nam kỳ đất cao, nhiều rừng, là khu vực đa canh. Miền Tây Nam là khu vực độc canh.
Đất miền Đông đại khái chia ra 150.000 mẫu làm ruộng, hơn 80.000 mẫu trồng cao su, 7.5000 mẫu trồng mía, 800 mẫu vườn tược, đậu, thuốc (trong tỉnh Gia Định), 600 mẫu trồng gòn ở Thủ Dầu Một, 450 mẫu trồng cà phê (trong đó 300 mẫu ở Thủ Dầu Một), lại còn vài vườn tiêu ở Bà Rịa.
Đất miền Tây Nam dành ưu tiên cho ruộng lúa, chiếm khoảng 2.400.000 mẫu trong tổng số đất có trồng tỉa của miền này là 2.460.000 mẫu, tức là 97 % diện tích trồng trọt, ngoài ra nên kể thêm khoảng 20.000 mẫu vườn cây ăn trái.
Ruộng lúa miền Tây Nam đứng hàng đầu, chiếm 92 % diện tích trồng tỉa của Nam kỳ, và là 37 % diện tích của toàn lãnh thổ Nam kỳ. Mức sản xuất ước định như sau :
Mùa 1924—1925 : 22.270.000 quintaux
Mùa 1925—1246 : 19.900.000
Mùa 1926—1927 :
Mùa 1927—1928 : 28.239.500
Mùa 1928—1929 : 21.500.000
Tính đổ đồng, mỗi người ăn từ 175 đến 219 kg mỗi năm, ngoài ra còn dùng để nấu rượu, nuôi gia súc. Số dư đem xuất cảng. Lúc trước Miến Điện là nước xuất cảng lúa đứng đầu thế giới nhưng từ năm 1925, Nam kỳ lại dẫn đầu. Gạo Nam kỳ kém phẩm chất hơn gạo Miến Điện vì quá nát, nhiều tấm.
Về cao su, tuy phát triển mạnh nhưng chỉ có 1,9 % của tổng số sản xuất trên thế giới.
Năng xuất lúa còn kém, đất tốt thâu hoạc 1.600 kg lúa mỗi mẫu, đất trung bình và đất xấu từ 400 kg đến 600 kg, thua xa các nước khác. Lúc bấy giờ, ở các tỉnh miền Hậu giang chưa biết phân hóa học là gì.
ảnh hưởng của kinh đào
Trước khi Pháp đến, những vùng thuận lợi có sông rạch đều làm ruộng rồi. Trong thời cai trị của người Pháp, có thêm hai việc lớn :
— Đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, rút bớt phèn.
— Vài giống lúa sạ được canh tác có kết quả ở những nơi mực nước lụt quá cao là loại lúa thường (lúa cấy) không sống nổi.
Việc đào kinh cứ gia tăng từ năm 1880 :
1880—1890 đào 2.110.000 thước khối đất. Năm 1890, diện tích ruộng là 932.000 mẫu, tăng 169.000 mẫu, so với thời đàng cựu.
1890—1900 đào 8.106.000 thước khối. Năm 1900, diện tích ruộng là 1.212.000 mẫu, tăng 280.000 mẫu so với năm 1890.
1900—1910 đào 27.491.000 thước khối đất. Năm 1910, diện tích canh tác là 1.542.000 mẫu, so với năm 1900, tăng 331.000 mẫu.
1910—1920 đào 66.104.000 thước khối đất. Năm 1920, diện tích canh tác là 1.953.000 mẫu, tức gia tăng 410.000 mẫu so với năm 1910.
1920—1930 đào 72.042.000 thước khối. Diện tích canh tác năm 1930 là 2.452.000 mẫu, so với năm 1920, tăng thêm 499.000 mẫu.
Nhìn qua thì thập niên đầu (1880—1890) đến thập niên chót, số thước khối đất phải đào để khẩn thêm một mẫu ruộng là 12 thước khối, rồi tăng lên đến 28, đến 83, rồi phải 161, đến mức 144 thước khối.
Như vậy có nghĩa là trong tổng quát, càng ngày việc đào kinh càng tốn kém hơn. Năm 1890, muốn khai thác một mẫu đất mới, chỉ cần đào 12 thước khối. Năm 1930, muốn khai thác thêm một mẫu đất phải đào đến 144 thước khối, hơn 10 lần.
Hiện tượng trên đây có thể giải thích :
— Trước khi người Pháp đào kinh xáng đã có một số đất ruộng khá tốt, có năng xuất cao sẵn rồi, không đào thêm một thước khối đất nào nữa thì cũng có dư lúa để bán ra ngoài.
— Diện tích đất hoang chỉ có giới hạn, càng đào kinh thì diện tích ấy càng thu hẹp lại.
— Tới mức chót, có đào thêm kinh nơi đất quá xấu thì diện tích ruộng canh tác cũng không tăng bao nhiêu. Người khẩn đất không thích đến, làm ăn thưa thớt, không như trong đợt đầu tiên đào kinh qua vùng đất tốt.
Hơn nữa, việc sản xuất lúa gạo đòi hỏi nhiều yếu tố khác, ngoài yếu tố thuần túy kỹ thuật : vay mượn vốn để làm mùa, quy chế cho trưng khẩn, giá cả trên thị trường quốc tế.
Tính đến năm 1930 thì những tỉnh có đất phù sa tốt như Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng đã khai thác xong, kể luôn những phần đất giồng ở Long Xuyên, Châu Đốc, Tân An, Sa Đéc. Trong các tỉnh này chỉ còn lại chừng 150.000 mẫu đất chưa trồng tỉa ở vùng Đồng Tháp, vùng Láng Linh và phụ cận tỉnh lỵ Hà Tiên là nơi đất quá phèn.
Từ năm 1880, các tỉnh trù phú như Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long đã khai thác xong trên diện tích hơn phân nửa diện tích canh tác vào năm 1929, tức là ở các tỉnh nói trên việc khẩn hoang xúc tiến rất chậm, trong khoảng 50 năm người Pháp cai trị chỉ tăng chừng 40 %.
Cũng từ năm 1880, các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Tân An, Hà Tiên, Sa Đéc tính đến năm 1929, tăng thêm 3/4 so với diện tích canh tác cũ, đối với các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ thì tăng 2/3.
Khi mới chiếm cứ, thực dân chỉ chú trọng vào phần đất tốt, đông dân, có sẵn đường giao thông ở miền Tiền giang. Các tỉnh này xem như giải quyết xong từ năm 1910 tổng số là 651.000 mẫu, đến năm 1930 tổng số là 705.000 mẫu.
Từ năm 1910 trở về sau, thực dân mới chú ý các tỉnh ở xa, hoặc đất xấu hơn thuộc Châu Đốc, Long Xuyên, Tân An, Sa Đéc, phía Đồng Tháp. Diện tích đã canh tác ở các tỉnh nói trên cộng lại như sau :
1910 241.000 mẫu
1920 399.999 mẫu
1930 534.000 mẫu
Các tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng cũng phát triển từ năm 1910 về sau :
Cần Thơ
1910 132.000 mẫu
1920 202.000 mẫu
1930 205.000 mẫu
Sóc Trăng
1910 176.000 mẫu
1920 188.000 mẫu
1930 212.000 mẫu
Việc đào kinh đã thúc đẩy công tác khai khẩn ở hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng từ năm 1890 đến 1920. Riêng về tỉnh Cần Thơ, khoảng 1900 đến 1920, có hơn 350 km kinh đào thêm nối qua Rạch Giá và Sóc Trăng.
Lúa sạ giúp khai thác phần đất bấy lâu bỏ hoang, nhờ đó mà Châu Đốc có thêm 90.000 mẫu, Long Xuyên 47.000 mẫu (năm 1929).
Trường hợp đặc biệt ở Bạc Liêu, Rạch Giá
Đây là khu vực nhờ đào thêm kinh mà diện tích canh tác gia tăng với những con số hùng biện nhứt. Đời Tự Đức, ít ai chịu tới làm ăn, lý do chánh là đất quá phèn, đường giao thông chuyên chở khó khăn và quá xa Sài Gòn. Hầu hết mấy con sông lớn vùng này đều đổ ngược qua phía vịnh Xiêm La.
Mãi đến năm 1897 (trường hợp Bạc Liêu) và năm 1916 (trường hợp Rạch Giá) mới có đường xe nối liền với Sài Gòn, trong khi đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho đã có từ năm 1883. Việc đào kinh xáng giúp các vùng Bạc Liêu và Rạch Giá bán lúa nhanh và có giá hơn trước, đồng thời đất ráo phèn, nước bớt sâu dễ cày cấy hơn. Diện tích canh tác của hai tỉnh này gia tăng như sau :
1880 20.000 mẫu
1890 83.000 mẫu
1900 136.000 mẫu
1910 265.000 mẫu
1920 405.000 mẫu
1930 600.000 mẫu
Ruộng hai tỉnh này chiếm 1/4 trong tổng số diện tích làm ruộng của toàn cõi Nam kỳ.
Ngay khi vừa đào xong những con kinh đầu tiên, dân tứ xứ tới cất nhà, làm ruộng mà nhà nước khỏi cần giúp đỡ về vốn liếng, gia súc, hoặc cây lá gì cả. Họ đến cánh đồng bao la giữa Hậu giang và vịnh Xiêm La, mạnh ai nấy chiếm, nấy cấm ranh. Chỉ trong 3 năm (1927—1930) họ tự động chiếm 17.000 mẫu. Việc chiếm hữu này xảy ra :
— Do những nông dân nghèo ở các tỉnh miền trên đến lập nghiệp. Họ muốn làm chủ phần đất tương đối đầy đủ để nuôi sống gia đình.
— Do những người đem vốn lớn từ các tỉnh khác đến, họ mướn dân địa phương cắm ranh, khẩn hoang đợt đầu tiên cho họ rồi họ gom lại, trở thành đại điền chủ.
Rồi tình trạng hỗn loạn, tranh chấp, tham nhũng lại xảy ra. Nhiều người có uy thế, nhìn xa và rành luật lệ đã nộp đơn tại Sài Gòn xin trưng khẩn, vì trên bản đồ những phần đất này vô chủ. Khi thấy đất khai thác xong, bắt đầu có huê lợi thì họ đến địa phương để tranh chấp với những người thật sự khai khẩn (nhưng không có giấy tờ).
Nhà nước phàn nàn rằng dân đã tự động chiếm đất công thổ, không có cách gì ngăn được. Nhưng một số thân hào nhân sĩ, hội đồng, cai tổng hoặc đại điền chủ ở những tỉnh khác thì lại vui mừng vì rốt cuộc, những vùng đất này rơi vào tay họ. Một số người Pháp cũng lợi dụng tình thế để lập đồn điền. Nhà nước lại xúc tiến việc đạc điền, để ghi vào bộ và đánh thuế. Dân địa phương nổi lên tranh chấp, ngăn cản những kẻ chiếm đoạt đang mướn chuyên viên đến đo đạc. Hoặc dân địa phương dùng khí giới bén mà ngăn chận những người tự xưng là “chủ đất hợp pháp” đến đòi thâu lúa ruộng. Hoặc họ tự đứng đơn tập thể, kéo nhau đến Tòa bố (tòa Hành chánh tỉnh) để ngồi lì, hoặc tự vệ một cách tuyệt vọng.
Luật lệ về trưng khẩn
Nhiều luật lệ về trưng khẩn đất ruộng ra đời, ban đầu thể thức dễ dãi, lần hồi thì siết lại thêm khó khăn. Xin lược kê những nghị định căn bản, với nét chánh :
— Những nghị định năm 1864, 1871 và 22/8//1882 : ngoại trừ những đất đã canh tác rồi hoặc đất thổ cư (đặc biệt là đất thổ cư ở Sài Gòn, Chợ Lớn) thì đất công thổ cho trưng khẩn không, tức là không bán lại bằng tiền. Muốn khẩn thì làm đơn, ghi diện tích, ranh giới, rồi đóng thuế. Những nghị định trên không nêu điều kiện là bắt buột người trưng khẩn phải khai thác, không được bỏ đất hoang (về sau, nghị định 15/10/1890 bổ túc chi tiết này). Tham biện chủ tỉnh được quyền cho trưng khẩn những sở đất nhỏ dưới 20 mẫu (nghị định 9/6/1886 rút lại còn 10 mẫu).
— Nghị định 15/10/1890 bắt buộc phải canh tác trong thời gian là 5 năm cho xong và định rằng nhà nước có quyền lấy lại đất khi có nhu cầu công ích (đào kinh, đắp lộ...)
— Nghị định 10/5/1893 định rằng đất trưng khẩn không được ăn dài theo mé kinh, mé sông rạch quá 1/4 của chu vi sở đất (tránh trường hợp người tham, chỉ khẩn đất phía mặt tiền kinh rạch, đất mặt tiền thì luôn luôn có giá hơn đất ở hậu bối).
— Nghị định 27/1/1896 quy định những lố đất đã xin tạm khẩn mà người thừa kế không nhận làm chủ, trường hợp đất quá xấu, thì phải hoàn trả lại để nhà nước ấp cho kẻ khác.
— Nghị định 13/10/1910 lần đầu tiên quy định đất công thổ được tư nhân trưng khẩn phải bán theo giá thuận mãi, đặc biệt là đất trồng cao su. Nhà nước chánh thức bán đất công thổ cho dân.
Nghị định của phủ toàn quyền ngày 27/12/1913 và của Thống đốc Nam kỳ ngày 11/11/1914 định rằng đất ruộng chỉ cấp với điều kiện là đem đấu giá công khai hoặc theo thể thức thuận mãi. Không bao giờ cấp cho không (khỏi mua) những sở đất trên 300 mẫu như trước kia đã làm. Việc trưng khẩn đất trên 1.000 mẫu phải do phủ Toàn quyền Đông Dương cho phép.
— Nghị định của phủ Toàn quyền ngày 26/11/1918 bổ túc nghị định 27/12/1913 : những người trong một gia đình chỉ có thể xin cấp cho không (khỏi mua) một lần dứt khoát tối đa là 300 mẫu mà thôi. Chỉ có thể xin cấp cho không một lần thứ nhì là 300 mẫu, nếu đã canh tác xong ít nhất là 4/5 của sở đất cấp cho không lần trước. Và đương sự không được quyền xin cấp cho không một lần thứ ba.
— Nghị định 4/10/1928 quy định chặt chẽ việc khẩn đất, tuyệt đối cấm không được chiếm đất công thổ theo kiểu tiền trảm hậu tấu, làm ruộng rồi sau đó mới khai xin vào bộ. Cũng vì nghị định này mà số người xuống Rạch Giá, Bạc Liêu để lập nghiệp phải giảm bớt, họ chẳng còn cơ hội khai khẩn nơi nào họ thích, dành quyền ưu tiên như trước kia.
— Nghị định 25/6/1930 quy định những vùng còn cho phép và những vùng không còn cho phép trưng khẩn. Đại khái, sau khi áp dụng nghị định này thì chỉ có khoảng 150.000 mẫu ở Bạc Liêu và 80.000 mẫu ở Rạch Giá là còn được phép cho trưng khẩn mà thôi, lẽ dĩ nhiên, chỉ còn loại đất phèn, đất nước mặc quá thấp và xấu, thiếu kinh thoát thủy.
Hậu quả của những nghị định trên là tạo ra một thực tế bi đát. Người Pháp cho rằng họ cố ý phát triển chế độ tiểu điền chủ mà thôi nhưng trong thực tế, đại điền chủ lại phát triển.
Luật định rằng những phần đất 10 mẫu mà tham biện chủ tỉnh có quyền cấp phát (gọi nôm na là đất công nghiệp) không được phép bán trong thời gian tạm khẩn, chỉ 3 năm sau khi chánh thức làm sở hữu chủ, chủ đất mới được bán cho người khác. Nhưng thực dân lại cố ý dung túng việc cho vay nặng lời, khiến người tiểu điền chủ không đủ vốn canh tác mang nợ, vốn lời chồng chất đến mức giao phần đất công nghiệp của mình cho kẻ khác để trừ nợ.
Một số viên chức thực dân đã bào chữa cho rằng chế độ đại điền chủ ở Nam kỳ, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây lần hồi tự nó suy sụp : về lâu về dài, không còn đất trống để khẩn thêm và gia đình người đại điền chủ lại đông con, đất chia ra mãi đến đời cháu nội thì chỉ còn là từng mảnh nhỏ !
Nhà nước có tổ chức những nhà băng Canh nông nhưng trong thực tế chỉ một số nhỏ điền chủ vay được, họ đem về cho tá điền vay lại với tiền lời cao hơn. Người Chà Chetty cũng cho vay với tiền lời theo luật định (năm 1930, phỏng định họ cho điền chủ Nam kỳ vay khoảng 30 triệu đồng) nhưng người được vay phải chịu tiền lời cao, trên giấy tờ ghi đã nhận một ngàn đồng mà thật sự chỉ nhận có 900.
Điền chủ cỡ nhỏ, luôn cả điền chủ cỡ lớn thường thích vay bạc lúa (lấy bạc lúa) của thương gia Hoa kiều vì thủ tục giấy tờ gần như không có, lấy tiền rồi đến mùa thì đong lúa trả lại. Thương gia Huê kiều đưa tiền ra mua lúa khi chưa tới mùa, với giá rất thấp so với giá thị trường lúc gặt hái. Họ thâu lợi nhiều nhưng họ khéo đối xử với chủ điền. Tùy giá thị trường do họ tiên đoán, tùy sản nghiệp của ông điền chủ (con nợ), tùy sự tín nhiệm trong quá khứ mà họ cho vay nhiều hay ít. Nét đặc biệt là trong việc cho vay này là nếu con nợ giựt thì họ không cho vay nữa, gần như chẳng khi nào họ truy tố hoặc nhờ pháp luật tịch thu đất đai. Trường hợp vay tiền của Chà Chetty hoặc của nhà băng Canh nông thì trái ngược lại : ăn lời rất ít nhưng khi thất hẹn thì đất đai bị tịch ký.
Về địa tô (lúa ruộng) thì giống như thời đàng cựu, thực dân Pháp không đưa ra luật lệ nào cả, chủ điền cứ thỏa thuận với tá điền. Giá biểu địa tô cao thấp tùy theo đất tốt xấu, tùy theo “lòng nhân đạo” của chủ điền. Nhưng ta có thể nắm lấy nguyên tắc : chủ điền đã tính toán thật kỹ để đến khi lúa chín, bằng mọi cách, họ thâu 80 % sản lượng mà tá điền gặt hái được. Tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm quần áo, ăn chơi trong mấy ngày Tết, ra giêng là bắt đầu vay nợ mới. Nhiều chủ điền tỏ ra nhân đạo, thâu địa tô rất thấp nhưng bắt buộc tá điền phải vay thêm tiền mặt và lúa để ăn với tỷ lệ lời quá cao.
Xin miễn đề cập đến việc tổ chức cho vay của nhà nước vì bấy giờ trong thực tế, người điền chủ bực trung không hưởng gì ráo. Cũng như xin bỏ qua việc khuyến nông, việc nghiên cứ về kỹ thuật trồng tỉa, cùng cách tổ chức quan sát khí tượng mà trên báo cáo về mặt chính quyền thì rất “tiến bộ”, đầy đủ. Vào năm 1930, chừng 30 máy cày trong vòng thí nghiệm ở các điền của người Pháp. Lưỡi cày, vòng gặt, nọc cấy, cây bừa cào, cách thức trị định trâu bò nếu được cải tiến chút ít so với thời Tự Đức thì hoàn toàn do người Việt bày ra mà thôi.
Trong tổng số đất đai trồng tỉa ở Nam kỳ là 2.700.000 mẫu, người Việt đứng tên làm chủ được chừng 2.400.000 mẫu, tức là 8/9 diện tích. Trong đất đai trồng tỉa, nên chia ra :
— Đất trồng cao su : 80.000 mẫu của người Pháp, người Việt chỉ có 5.300 mẫu.
— Đất làm ruộng : người Pháp đứng bộ 243.000 mẫu tức là hơn 1/10 diện tích tổng quất trồng lúa, con số này kể luôn đất của người Việt nhập Pháp tịch ; người Pháp chánh gốc đứng bộ khoảng 150.000 mẫu.
Các bảng thống kê nêu con số hơi khác nhau về chi tiết, nhưng đại để các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Cần Thơ là nơi tập trung đại điền chủ vì là đất mới.
Vựa lúa miền Nam thành hình trong hoàn cảnh mới
Đời Gia Long, vùng sản xuất lúa gạo nhiều nhứt của đất Gia Định nói chung là vùng Gò Công, thuộc trấn Định Tường.
Khi người Pháp đến, trung tâm điểm của vựa lúa di chuyển lần hồi về miền Tây Nam. Muốn có lúa gạo thặng dư để xuất cảng, cần hai điều kiện :
— Diện tích canh tác rộng.
— Dân số địa phương ít, mức tiêu thụ tại chỗ không cao.
Sau đây là vài con số về diện tích canh tác của từng tỉnh. Thời Pháp thuộc, việc phân chia ranh giới các tỉnh không đồng đều, tỉnh thì quá lớn, tỉnh thì quá nhỏ. Số lượng đất đai chỉ là chỉ dẫn, vì đất tốt xấu khác nhau.
Năm 1873 :
Chợ Lớn 37.340 mẫu (tỉnh Chợ Lớn gồm Cần Đước, Cần Giuộc là nơi sản xuất lúa tốt và nhiều)
Mỹ Tho 34.238
Vĩnh Long 28.784
Gò Công 28.146 (Gò Công là tỉnh có diện tích tổng quát rất nhỏ nhưng đứng hạng tư về đất canh tác, tức là vẫn còn giữ vị trí bực nhứt).
Năm 1900 :
Sóc Trăng 158.439 mẫu (đứng đầu Nam kỳ)
Cần Thơ 124.588
Trà Vinh 120.419
Mỹ Tho 91.748
Năm 1930 :
Rạch Giá 358.900 mẫu (đứng đầu Nam kỳ)
Bạc Liêu 330.030
Sóc Trăng 212.909
Cần Thơ 205.000
Long Xuyên 186.049 (đa số lúa sạ, gạo xấu)
Mỹ Tho 154.662 (dân đông đúc, một phần lúa sạ phía Đồng Tháp)
Trà Vinh 152.000
Theo P. Bernard, mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là vựa lúa thật sự của Nam kỳ để xuất cảng. Năm tỉnh nói trên gồm 966.000 mẫu ruộng, những năm bình thường cung cấp hơn phân nửa tổng số lúa xuất cảng của Đông Dương. Các tỉnh ấy xuất cảng 986.000 tấn. Dân số trong hiện tại (ở các tỉnh vừa kể, khoảng năm 1930) phỏng chừng 1.130.000 người, tính đổ đồng mỗi mẫu ruộng là 1,15 người và mỗi mẫu ruộng xuất cảng được một tấn.
Theo bác sĩ Trần Như Lân thì buổi bình thường trước khi xảy ra kinh tế khủng hoảng, Nam kỳ và Cao Miên mỗi năm xuất cảng 1.300.000 tấn gạo; trong số này có 200.000 tấn gạo của vùng Battambang (Cao Miên) và 900.000 tấn của miền Hậu giang.
Nhiều tài liệu đề cập đến việc đào kinh xem là yếu tố quan trọng để vựa lúa thành hình với các chi tiết kỹ thuật. Xin ghi lại vài nét chánh :
— Vùng Cần Thơ đào từ 1890 đến 1900 : kinh Trà ết, kinh Xà No, kinh Long Mỹ, Bassac (gọi nôm na là kinh Lái Hiếu); từ 1900 — 1920 : kinh Thốt Nốt qua Giồng Riềng, kinh Thới Lai, Ô Môn, Xuân Hòa, Phong Điền, Cái Răng, Trà Lồng, kinh Cái Vồn...
— Vùng Sóc Trăng : đào từ 1890 — 1900 : kinh Bocquillon, kinh Saintenoy...; từ 1900 — 1920 : kinh Phụng Hiệp, Sóc Trăng (1905), kinh Maspéro (1911), kinh Cái Trầu (1914—1917), kinh Quan lộ, Nhu Gia (1925), kinh Cái Trầu qua Chàng Ré (1917), kinh Nàng Rền (1911), kinh Tiếp Nhựt (1911)...
Một phần lớn kinh do xáng đào từng chặn, sửa chữa nới rộng và vét tới vét lui nhiều lần; một số kinh thì đào tay, bắt dân làm xâu. Tỉnh Rạch Giá được ảnh hưởng tốt nhờ mấy con kinh đào từ Cần Thơ và Sóc Trăng ăn qua.
Để nhiên cứu vựa lúa Hậu giang cũng là vựa lúa quan trọng của Nam kỳ và Việt Nam, chúng tôi chọn ba tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu và Cần Thơ.
Rạch Giá và Bạc Liêu là hai tỉnh rất mới mà việc khai khẩn vẫn chưa hoàn tất mãi đến khi người Pháp rời xứ Nam kỳ. Nghiên cứu hai tỉnh này, ta thấy rõ việc làm của người Pháp và những nét đặc biệt của vùng đất rộng người thưa mà vùng Tiền giang không có.
Tỉnh Cần Thơ điển hình cho sự sung túc của Hậu giang, nơi gọi là thủ đô miền Tây, với nhiều đồn điền của Pháp. Một phần đất của Cần Thơ đã được khai khẩn từ thời Minh Mạng, Tự Đức. Cần Thơ là nơi người Việt chiếm đa số, phong tục thuần tục, nước ngọt, đất tốt, đường giao thông thuận lợi về Sài Gòn, với vùng Ngả Bảy (Phụng Hiệp), một quận thành hình nhờ việc đào kinh thời Pháp thuộc.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 11-05-2012, 03:17 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Chương 2.3 - 2.4

LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM


Chương 2 - 3

Vùng Rạch Giá đất rộng người thưa


Rạch Giá là hậu bối khá rộng của bờ biển vịnh Xiêm La. Bờ biển từ Rạch Giá (vàm sông Cái Lớn) ăn về phía Nam là khu rừng sác với cây mắm, cây giá, cây cóc, loại cây tạp không đem huê lợi gì đáng kể, trừ huê lợi sáp và mật ong, hoặc cua, ba khía sống nhun nhúc trong bãi bùn (khu vực của cây đước chỉ ở về phía cực Nam tận mũi Cà Mau). Hậu bối tức là sau lưng, giáp vào rừng sác. Có thể nói đất Rạch Giá là rừng tràm minh mông, nhiều phèn và thấp; xa bờ biển hàng đôi chục cây số ngàn vẫn còn là rừng tràm cầm thủy (trầm thủy). Nổi danh nhứt là U Minh Thượng và U Minh Hạ. U Minh Thượng là rừng chồi, có từng lõm “đất cháy” (than bùn) nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn. U Minh Hạ là rừng tràm tốt và mọc dày, dọc ven biển chạy dài tới Cà Mau. Đất Rạch Giá khi người Pháp đến hãy còn nhiều cọp, khỉ, sấu, heo rừng, huê lợi chánh vẫn là mật và sáp (nhờ bông cây tràm, cây giá). Ngoài ra còn cây tràm (làm củi, cột nhà), lá dừa nước (để lợp nhà), cá đồng và cá biển. Đáng chú ý là voi thường tới lui cánh đồng nối liền với Cần Thơ mà ăn lau sậy.
Hai con sông đáng kể là Cái Bé và Cái Lớn từ đất thấp phía Đông chảy ra vịnh Xiêm La, hiệp lại ở một vàm khá rộng. Hai con sông này chia ra nhiều nhánh nhóc. Ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ, về bờ Hậu giang. Sông Cái Lớn ăn xuống Ba Xuyên, thuộc Sóc Trăng hoặc xuống phía chợ Cà Mau nhưng là những đường liên lạc nhỏ bé, vào mùa nắng có nhiều chặng cạn và hẹp, đầy cỏ. Dân ở vùng Rạch Giá, trước khi đào kinh xáng, phần lớn sống nhờ nước mưa, trừ trường hợp chợ Rạch Giá hứng nước ngọt từ kinh Thoại Hà (đào từ cuối đời Gia Long) nối qua Hậu giang. Giếng có thể đào trên mấy giồng cao ráo, chắc thịt bên bờ sông. Vùng ven biển vịnh Xiêm La định cư được là nhờ nước suối chở từ Hòn Tre. Bên bờ Cái Lớn, Cái Bé và các phụ lưu, rải rác nhiều giồng, nhiều gò, nơi người Miên đến lập từng sốc : những ốc đảo hoang vắng, chung quanh là rừng che kín chân trời. Muỗi mòng, rắn và vô số chim cò tha hồ nẩy nở.
Trước đời Gia Long, dân chúng đã chọn lựa vài gò cao lập được bảy xã theo sông Cái Bé và chợ Rạch Giá (tổng Kiên Định), bốn xã theo sông Cái Lớn (tổng Thanh Giang). Nhưng dân số người Miên và diện tích ruộng đất do họ canh tác từ xưa vẫn đáng kể tuy không có con số chánh thức. ít ra họ cũng dư khả năng tự túc về lúa gạo. ở Rạch Giá, người Miên đứng vào hàng đầu (Rạch Giá : 80.000 người, Trà Vinh : 80.000, Sóc Trăng : 50.000, Châu Đốc : 30.000, Bạch Liêu : 23.000).
Vĩnh Long mất, Hà Tiên lại mất, thực dân chiếm huyện Kiên Giang không tốn một phát đạn. Viên tham biện đầu tiên là Luro. Paulin Vial đến Rạch Giá thanh tra nhưng năm sau Nguyễn Trung Trực đánh một trận thần tình, giết gần trọn người Pháp vừa lính vừa viên chức ở tỉnh lỵ này (16/6/1868).
Dạo ấy, Rạch Giá là hải cảng tấp nập, tàu buồm Hải Nam tới mua bán luân lưu giữa khu vực Cao Miên (thương cảng Kampot), Xiêm (Vọng Các), Tân Gia Ba và Nam Dương. Nhà cửa san sát ở hai bờ rạch sát vàm biển. Thoạt tiên, hạt Rạch Giá bao gồm luôn trọn mũi Cà Mau, tức là huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên thời Tự Đức. Sông rạch nhỏ chằng chịt, tháng nắng dùng không được, chỉ thuận lợi cho ghe xuồng cỡ nhỏ. Nhiều con đường mòn dành riêng cho dân địa phương sử dụng ở nơi đi bộ không được đi xuồng không xong; đó là đường cộ, dùng cộ có trâu kéo (không bánh xe, kiểu cộ trượt tuyết ở Bắc Ñu). Mãi đến năm 1879, vùng Rạch Giá còn trong vòng thám hiểm của thực dân, bản đồ chưa được chính xác, nhiều con rạch dân chúng sử dụng được nhưng chưa ghi, lại còn vị trí nhiều xóm nhỏ ẩn lánh ở ngọn rạch của bọn người đốn củi lậu thuế hoặc ăn ong (lấy sáp và mật). Bọn thợ rừng sử dụng những con đường quanh co để chở củi lậu thuế. Việc cai trị ở thôn quê xa tỉnh lỵ chưa thành nền nếp. Theo báo cáo của tham biện thì năm 1879, tỉnh này tuyệt nhiên chưa có địa bộ, tất cả đất trong tỉnh đều được xem như là công điền. Hương chức làng kê khai diện tích tổng quát, chịu thuế rồi gán ép lại cho dân. Vài người tự nhận là chủ của phần đất đang canh tác, vì chính họ khai phá hoặc do cha mẹ để lại. Trường hợp làng Vĩnh Lộc (vùng Ngan Dừa, còn gọi là Ngan Gừa) : hương chức làng chịu thuế điền là 406 quan để rồi bắt buộc dân gồm đa số là Cao Miên phải đóng gấp đôi gấp ba. Hương chức cứ ở không mà hưởng, đến độ dân địa phương phẫn nộ, đòi tản cư luôn qua Sóc Trăng nếu họ không được phép lập một làng riêng.
Đầu năm 1880, tham biện chủ tỉnh làm tờ trình về tình hình thuế khóa và dự án thâu như sau (Rạch Giá và Cà Mau) :
— Thuế điền ănm 1879 : 11.068 quan, tính trên tổng số đất ruộng và rẫy là 2.847 mẫu.
Dân đinh gồm người Việt và Cao Miên : 2744 người (2.010 Việt và 734 Miên).
Mấy giồng chung quanh chợ Rạch Giá trồng xoài, vì lâu năm nên hóa xoài rừng. Người Huê kiều và người Minh Hương làm rẫy rau cải, đất ngoại ô cũng như tại chợ đều không có bộ sổ chi cả.
Thuế kiểm lâm thất thâu, dân chúng lén đốn cây tràm trong rừng rồi theo đường quanh nẻo tắt mà chở qua Sóc Trăng thay vì đi ngang qua trạm kiểm soát.
Nguồn lợi lớn nhứt của ngân sách vẫn là thuế phong ngạn (đấu giá từng lô rừng cho dân khai thác sáp, mật) : năm 1879 đã thâu : 29.546 quan (trong khi thuế điền chỉ có 11.068 quan).
Nguồn lợi thứ yếu là đấu thầu sân chim : năm 1879 đã thâu : 25.000 quan.
Tóm lại, năm 1880, Rạch Giá không được chánh phủ Nam kỳ chú ý nhiều. Riêng về sân chim thì các viên tỉnh trưởng xem như là “kỳ quan”. Tuy nhiên, những nguồn lợi sáp mập cùng là sân chim giảm bớt trong những năm sau, dân phá rừng lần hồi để bán cây. Cây tràm tuy không là danh mộc nhưng làm cột nhà rất tốt, bán qua các tỉnh lân cận. Sân chim mỗi lần khai thác là giết cả trăm ngàn con vừa lớn vừa nhỏ để lấy lông kết quạt.
Trong khi ấy ở một tỉnh xưa như tỉnh Sa Đéc (tức huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang đời Tự Đức, thuộc trấn Vĩnh Thanh đời Gia Long) dân số và bộ điền đã khá rành mạch :
Chúng ta thử so sánh tạm.
Diện tích ruộng vườn và rẫy, trong bộ sổ của Pháp mới lập :
Rạch Giá 2.2847 mẫu
Sa Đéc 53.386
Dân đinh ở Rạch Giá, Cà Mau 2.744 người
Sa Đéc 128.902 người
Vì là tỉnh xưa, ở Sa Đéc nhiều vùng đông đúc, mật độ cao đến 241 người mỗi cây số vuông, đất bị cắt manh mún theo chế độ tiểu điền chủ, những sở đất dưới 5 mẫu chiếm 4/10 của tổng số đất khai thác. Và 6/10 của đất khai thác là đất thổ cư và vườn tược.
Sáu năm sau, năm 1886, tình hình tỉnh Rạch Giá bắt đầu khả quan hơn. Báo cáo của tham biện ngày 8/8/1886 nêu vài chi tiết :
— Trong 7 người dân, tỷ lệ là 4 người Cao Miên, 3 người Việt.
— Biến cố ở Kinh thành Huế (vụ Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi 1885) chẳng gây xúc động gì rõ rệt trong dân gian;
— Đường bộ quá ít, dân chúng ao ước đường thủy phát triển thêm. Mọi việc xê dịch đều dùng đường thủy.
— Dân ra chợ mua bán thường dùng đường biển cho nhanh hơn. ở vùng Cái Lớn (Mũi Gảnh) nạn chìm ghe thường xảy ra.
— Năm 1883, đã bắt dân xâu đào con kinh, gọi là kinh Ông Hiển, để đi từ sông Cái Bé, từ rạch Tà Niên ra chợ mà khỏi vượt biển. Kinh này tiếp tục đào đến năm 1886. Đường liên lạc từ Rạch Giá đến Châu Đốc gần như không có, dân chúng dùng xuồng nhỏ, theo đường quanh len lỏi giữa rừng tràm.
— Đào xong con kinh từ Cạnh Đền ăn xuống Cà Mau (kinh Bạch Ngưu), dùng dân xâu làng Vĩnh Lộc.
— Con lộ chiến lược quan trọng nhứt trong tỉnh chạy từ chợ Rạch Giá vô Minh Lương (khoảng 15 cây số). Minh Lương làm xóm sung túc từ lâu đời, gồm đa số người Miên. Lộ này vạch sẵn hồi xưa, nay tu bổ lại để đem thơ từ, chạy ngựa.
— Trường học tại tỉnh lỵ lợp lá, ngưng dạy từ mấy năm qua đang bắt đầu hoạt động trở
— Năm 1885, trong toàn tỉnh có 6 trường tổng, trường ở Minh Lương không đem lại kết quả vì thiếu giáo viên.
— Dân bộ chịu thuế năm 1883 là 8.000 người, năm 1886 là 10.000 người. Kết quả này thâu được là nhờ lập bộ kỹ lưỡng hơn trước.
— Bộ điền năm 1883 : 8000 mẫu; năm 1886 : 10000 mẫu.
Đất ruộng khó kiểm soát vì dân làm ruộng không đều, hễ thất mùa thì họ dời chỗ. Nhiều vùng đất 3 năm mới có làm một mùa ruộng.
Tại chợ, từ 4 năm qua đã lập một lò gạch nhưng xấu về phẩm chất. Vì chưa cấp bằng khoán thổ cư nên chẳng ai dám xây nhà gói, sợ sau này bị đuổi.
— Việc mua bán xáo trộn vì giá tiền kẽm bị sụt. Tiền điếu (bằng đồng phiếu) lại khó xài, nhà nước phát ra khi dân lãnh ngân phiếu, nhưng dân đem tiền điếu đóng trở lại cho “công xi” khi mua á phiện và rượu.
Tóm lại, tỉnh Rạch Giá (gồm luôn Cà Mau) là miếng mồi khó nuốt so với các tỉnh miền Tiền giang như Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long hoặc Long Xuyên. Huê lợi, thuế khóa quá thấp kém. Các viên tham biện không rành về hành chánh, những bản phúc trình chánh thức gởi về cho Giám đốc Nội vụ về hình thức cũng như nội dung gần như là thơ riêng gởi cho bạn, viết tháu, báo cáo đại khái vài nét, nhận xét tùy hứng, không thứ tự.
Trong thực tế, muốn báo cáo kỹ lưỡng cũng không được vì tỉnh này vừa khi mới thành lập đã thiếu người hợp tác; các tỉnh Tiền giang dầu sao đi nữa cũng thừa một số người lịch lãm biết chữ nho hoặc chữ quốc ngữ, am hiểu địa phương. Sau cuộc đánh úp đồn chợ Rạch Giá vào năm 1868, người Pháp nghi kỵ tất cả người Việt vì đa số lính mã tà, đến viên quản mã tà cũng đều làm nội ứng. Thực dân không muốn xài người Việt ở Rạch Giá và nhân dịp tu chỉnh lại bộ máy cai trị, chúng cố ý dùng người Miên để trị người Việt, cổ xů chia rẽ. Vài người hữu công được nâng lên làm huyện, bấy giờ đóng vai phụ tá của tham biện để cai trị, đi điều tra miền quê. Đây là những người kém văn hóa, háo sát, ham danh vọng. Những người Miên hoặc Miên lai Tàu này đều lấy tên họ như người Việt :
— Phó quản mã tà người Miên tên là Cao Thiên gọi nôm na là phó quản Thiên làm phủ, lập công sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực bằng cách điềm chỉ, bắt giết. Năm 1873, nghỉ việc vì già (60 tuổi), Pháp cho chức phó quản là để tưởng lệ công lao, chẳng có năng lực chuyên môn gì cả.
— Huyện Xiêu được làm huyện sau khi Nguyễn Trung Trực rút khỏi Rạch Giá, kiêu hãnh tới mức dám tố cáo chuyện xấu của tham biện Rạch Giá lên quan trên. Tám tháng sau khi nhận chức thì bị Pháp cách chức.
— Huyện Trần Lương Xuân, cũng người Miên được tin cậy cho trấn nhậm vùng Minh Lương, khu vực đông dân và phì nhiêu. Tự xưng trong công văn “Kiên Giang huyện, Tri huyện Trần Lương Xuân”, được giữ một khẩu súng lục, 2 khẩu súng hai lòng, 1 khẩu súng 1 lòng, 4 cây giáo, 1 khẩu súng Le Faucheux.
lại.
— Trịnh Lục Y, người Miên, từng được cựu trào phong chức cai tổng, cư ngụ vùng áp lục (Rạch Tìa, Thủy Liễu) rồi theo Pháp. Sau thời gian làm cai tổng dài dẵng là 48 năm, thấm mệt xin nghỉ, được huy chương bạc hạng nhứt.
— Cai tổng Hà Mỹ Phiến (tên ngoài là Phến) người Tàu lai Miên làm vua một cõi ở tổng Kiên Hảo, chữ nghĩa kém, được sắm 4 cây mác thông cho bọn hộ vệ khi đi hầu quan vì đường sá còn rừng rậm (con và cháu đều làm cai tổng nối tiếp đến năm 1945).
— Cai tổng Trần Quang Huy (con của cai tổng Trần Quang Sô) cũng người Miên, làm phó tổng Kiên Hảo. Cai tổng Sô tận tụy với thực dân từ buổi đầu, bị nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực giết. Sau đó, Pháp ban chức phó tổng cho Huy là nghĩ tới công lao của cha. Ngày trước, Pháp cho tổng Sô hai cây súng, súng này giao lại cho Huy.
Người Việt Nam duy nhứt được Pháp tin cậy ban chức cai tổng là Nguyễn Văn Nguơn, coi tổng Kiên Định, ngụ ở Tân Hội, một làng đông dân khi Pháp đến và có công lớn là báo tin trước cho tên tham biện Rạch Giá về việc Nguyễn Trung Trực sắp tấn công nhưng tên tham biện không tin lời (vì oán xã Nguơn nên nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã giết lây một số người công giáo ở Tân Hội, xóm của Nguơn cư ngụ). Cai tổng Nguơn làm chúa một vùng, được cấp cho 6 khẩu súng, đặc biệt là 1 khẩu thần công mà quân sĩ của Nguyễn Trung Trực bỏ rơi lại.
Với bọn cộng sự viên như thế, các tham biện ở giai đoạn đầu tỏ ra chán nản. Chung quanh chợ, ngoài vài xóm đông đúc là rừng rậm, họ không muốn đi thanh tra. Mãi đến năm 1901, viên bếp trạm (đi thơ từ công văn, ngạch bếp) còn kêu nài để xin được giữ cây súng vì vùng Ngan Dừa (làng Vĩnh Lộc) là nơi nguy hiểm, khó di chuyển, đi trát cho làng nọ làng kia thì đường đi rừng bụi vắng vẻ quá, “có nhiều lần tôi gặp cọp nó làm dữ với tôi, thì tôi cũng nhờ có cây súng tôi bắn nó chết, có khi nó ra phá xóm làng thì người ta tới kêu tôi cùng đi cứu giúp mà bắn cho đặng bình an trong xóm”.
Vì không thấy có huê lợi dồi dào về thuế má trong tương lai gần nên vào khoảng 1889, hạt Rạch Giá bị sáp nhập vào hạt Long Xuyên cho đỡ tốn kém về mặt bố trí cơ sở hành chánh cùng là lương bổng nhân viên. Rạch Giá lúc bấy giờ trên con dấu chánh thức là “Kiên Giang huyện” của tỉnh Long Xuyên, còn con dấu của tham biện Long Xuyên ghi “Arrondissement de Long Xuyên” chính giữa là “Long Xuyên, Rạch Giá”.
Nhưng đôi năm sau, Rạch Giá tách trở lại làm một tỉnh như trước, chánh phủ đang trù liệu kế hoạch khai thác quy mô vùng Hậu giang với ngân sách của chánh quốc cho mượn : đào kinh nối liền từ vịnh Xiêm La lên Sài Gòn.
Chỉnh đốn tỉnh lỵ Rạch Giá và các vùng phụ cận
Chợ Rạch Giá là cơ sở tốt với giồng cao ráo sát bờ biển, lại còn nhiều giồng đất phì nhiêu vùng phụ cận. Quy chế khẩn đất đặt ra rành mạch, các tỉnh miền Tiền giang không còn đất tốt vô chủ khiến nhiều người đổ xô về Rạch Giá là nơi dễ làm ăn, đặc biệt là dân từ Long Xuyên đến. Tháng 10/1895, chủ tỉnh báo cáo về Thống đốc Nam kỳ với ý kiến của Hội đồng địa hạt đưa nhiều đề nghị :
— Từ vài năm qua dân số gia tăng gấp đôi.
— Diện tích canh tác tăng hơn 10 lần.
— Đề nghị vét kinh Rạch Giá, Long Xuyên (Thoại Hà) để tàu Lục tỉnh từ Sài Gòn đến chợ Rạch Giá ít nhứt là 3 lần trong mỗi tuần như các tỉnh khác. Bấy lâu, Rạch Giá và Hà Tiên không có chuyến nào trong tuần (tức là khoảng 10 ngày mới có một chuyến).
— Bảo vệ bờ biển Rạch Giá đừng cho lở, bằng cách cẩn đá mà chận sóng biển. Đồng thời, xây một con đê bằng đá chạy ra ngoài biển để vào mùa hạn tàu bè có thể cất hàng hóa (nhưng không thực hiện được).
Bấy lâu đường giao thông từ Rạch Giá lên Sài Gòn khó khăn vì kinh Thoại Hà quá cạn, nhứt là vào mùa hạn. Hành khách từ Sài Gòn đến Rạch Giá dùng xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho, rồi đi tàu Lục tỉnh từ Mỹ Tho đến Long Xuyên. Từ Long Xuyên, dùng ghe mà chèo chống qua Rạch Giá.
Để thiết kế tỉnh lỵ, năm 1896, 4 xã Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa (Huề), Vân Tập, Thanh Lương nhập lại gọi là làng Vĩnh Thanh Vân. Đến năm 1908 mới đặt tên đường sá lại chợ và năm 1910, đưa dự án dùng đèn thắp bằng “ga” ở đường phố.
Tàu buồm Hải Nam ra vào cửa Rạch Giá tấp nập. Vào tháng gió chướng (gió mùa từ Đông Bắc), nhiều khi 20 chiếc cặp bến một lượt. Ty Thương chánh hoạt động với quyền hạn không phân định rõ rệt vì cho rằng chỉ chịu sự chỉ huy từ Sài Gòn mà thôi, không can hệ gì đến nhà cầm quyền ở tỉnh. Năm 1887, viên chức Thương chánh xét bắt Hoa kiều ở chợ, tha hồ làm tiền vì quả thật các tàu buôn Hải Nam vào bến chở theo á phiện lậu thuế để bán lén theo hệ thống riêng cho các tỉnh miền Tây là nơi tập trung người Huê kiều khá giả. Người Huê kiều thì ăn chịu với viên chức địa phương. Ngoài ra, viên chức Thương chánh (bấy giờ gọi là Công—xi) lại còn bắt buộc người làm nước mắm ở hòn Sơn Rái, thuộc tỉnh Rạch Giá phải đóng thuế nhập cảng, lấy cớ trong nước có mắm muối, xem mấy người làm nước mắm như đã chở muối lậu thuế. Mấy bang Huê kiều yêu cầu đừng đánh thuế quá nặng những hàng hóa chở từ bên Xiêm vào chợ Rạch Giá, nhưng không được chấp thuận. Bấy giờ, tàu Hải Nam chở vào nhiều nhứt là vải, từ Xiêm hoặc từ Tân Gia Ba, đặc biệt có loại vải thông dụng (gọi là vải Xiêm, vải tám Hạ, tức là từ Hạ Châu đem đến). Mặc nhiên, hàng hóa xuất xứ từ Anh quốc lại cạnh tranh với hàng hóa Pháp ! Mấy viên cai tổng đồng thanh phản đối việc tra xét của mấy ông tây “Công—xi”, khi đồng bào đến chợ theo đường biển phải đi ngang qua Thương cảng. Năm 1886, hải quân Pháp ra tận hònCổ Tron (Poulo Dama) để thám hiểm nhưng ngoài ấy chẳng có nguồn lợi gì về kinh tế.
Việc bán gạo từ hải cảng Rạch Giá đã có từ đời Mạc Cửu do người Huê kiều đảm trách độc quyền. Dịch vụ xay lúa tổ chức theo kỹ thuật cổ truyền, dùng loại cối to, mỗi cối có bốn người cầm giàng xay, hai người sàng, một người quạt, một người giần tấm.
Năm 1884, chợ có 6 trại xay lúa, sử dụng gần 40 cối to. Khi tàu Hải Nam gần đến để ăn gạo, trại hoạt động suốt ngày đêm, dùng toàn sức người. Dọc theo bờ rạch gần mé biển, người Huê kiều cất khi dự trữ hàng hóa. Tàu Hải Nam đến mua nhiều nhứt là gạo, chiếu, tiền kẽm, nước mắm, cá khô, mắm ruốc cà ròn (bao bằng vàng), mật, sáp. Họ chở đến tô chén, bài tứ sắc, vải bô, giấy tiền vàng bạc, mền, thuốc Bắc, pháo, nhang, trái cây khô.
Lần hồi, thương cảng bớt hoạt động. Gạo xay máy từ Sài Gòn chở qua Hương Cảng bằng tàu máy ít tốn sở phí hơn là gạo xay bằng sức người, chở bằng ghe buồm ở Rạch Giá.
Về đường sá trong tỉnh, mãi đến năm 1907 chỉ thấy vài khúc lộ dở dang. Theo sáng kiến của tham biện, con lộ từ chợ Rạch Giá đến Hòn Đất thành hình, bắt dân làm xâu, đường trải đá ong Biên Hòa và trải đất hầm (đất ruộng đốt cho chín rồi đập ra từng cục nhỏ). Dụng ý của bọn Pháp ở địa phương là đắp đường theo mé biển ăn tới Hòn Đất nơi chúng chọn làm căn cứ nghỉ mát ; từ trên Hòn nhìn ra vịnh Xiêm La, khung cảnh khá thơ mộng. Điều bất lợi là con lộ này chạy ngang vùng còn rừng tràm, người Miên sống rải rác. Trong tương lai, nhà nước hy vọng là nối lên Hòn Chông thuộc Hà Tiên. Nhưng công tác này trở thành tốn kém vô ích, khí hậu Hòn Đất không tốt cho lắm, đất hai bên lộ quá xấu, mở đường mà chẳng ích lợi gì cho việc canh tác ! Bọn Pháp ở địa phương cố duy trì kế hoạch, lấy lý do là để tới lui giữ an ninh đồng thời làm bờ đê chận nước biển. Lộ bị dẹp bỏ vì rốt cuộc ai cũng nhìn nhận là lãng phí (lộ hãy còn di tích sát theo bờ biển, song song với con lộ Rạch Giá, Hà Tiên đắp xa biển hơn lúc sau này).
Con lộ thứ nhì là nền móng của lộ Rạch Giá, Cần Thơ. Năm 1907, nối liền tới Minh Lương (khoảng 15 km), trải đá ong và đất hầm. Có kế hoạch nối luôn tới Gò Quao rồi Long Mỹ. Mãi đến năm 1914, lộ Rạch Giá qua Cần Thơ mới tiếp tục khởi công.
Việc chia ra quận (huyện) trở thành cấp bách, tham biện Rạch Giá nêu lý do là dân số gia tăng, nhiều người từ tỉnh khác đến làm ăn nên khó kiểm soát, diện tích của tỉnh lại quá rộng.
Vùng ở giáp ranh Cần Thơ và giáp ranh Bạc Liêu, Sóc Trăng cần mỗi nơi một ông phủ hoặc ông huyện để coi sóc, ngoài ra, cần một quan huyện ở Châu Thành. Năm 1898, tham biện Rạch Giá nhắc lại ý kiến nên lập một phân khu hành chánh ở ngọn Cái Lớn (nhằm đề phòng trộm cướp) hoặc lập ở làng Long Mỹ một quận mới. Nhưng cấp trên bác bỏ cho là tốn thêm tiền xây cất cơ sở hành chánh, mướn thơ ký, mã tà ; nếu tỉnh quá rộng, tham biện chủ tỉnh cứ đi thanh tra bằng tàu máy là đủ rồi. Bấy giờ, việc khẩn hoang chỉ mới xúc tiến, thuế má chưa thâu nhiều. Nhưng đến năm 1907, quận Long Mỹ thành lập ở ngọn sông Cái Lớn, phía giáp ranh với Cần Thơ. Chủ quận đầu tiên là Maurel nắm nhiều quyền hạn quan trọng. Quận Gò Quao thành lập, trên con dấu ghi mấy chữ nho “Đại Hà huyện” (tức là huyện lập ở sông Cái Lớn), quận Giồng Riềng ghi là Tiểu Hà huyện (sông Cái Bé), quận Châu Thành tại chợ thì thêm mấy chữ nho “Kiên Giang phủ”.
Việc phân chia ra tổng cũng chưa hợp lý và gây nhiều phiền phức : riêng tổng Thanh Bình, năm 1907, rộng đến 250.000 mẫu tây (trong khi tỉnh Bến Tre chỉ có 164.000 mẫu, tỉnh Gò Công 62.698 mẫu diện tích vào năm 1922), ăn từ vịnh Xiêm La đến ranh Sóc Trăng. Riêng làng Đông Thái (thuộc về tổng này) dài cỡ 30 cây số từ rạch Thứ Năm đến rạch Mương Đào, lý do chánh là đất quá rộng, dân ít, còn nhiều rừng, xóm này xa cách xóm kia. Bấy giờ, cai tổng tha hồ xử kiện theo ý thích, xã trưởng thì không thèm đi “hầu việc” quan trên, viện lý do là biển động, đi sợ ghe chìm hoặc nộp thuế thì sợ bị ăn cướp dọc đường.
Đại khái, Rạch Giá là tỉnh chậm phát triển về đường sá, dân trí kém mở mang, thua xa các tỉnh miền Tiền giang hoặc gần Sài Gòn nơi mà nhà nước thực dân đã chú ý thiết kế từ trước năm 1900. Mãi đến 1910, 1911 hương chức làng ở Rạch Giá mới bắt đầu có con dấu bằng đồng để đóng vào công văn.
Những rắc rối đầu tiên trong việc khẩn đất
Chủ tỉnh Rạch Giá báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ ngày 17/3/1898 :
— Trên nguyên tắc, mỗi làng phải có địa bộ và điền bộ. Nhưng ở Rạch Giá trước năm 1891 không nơi nào có địa bộ. Một số hương chức làng tự ý lập địa bộ, vẽ bản đồ chia ra từng sở đất, ghi tên chủ đất nhưng thường là ghi tên “ma”, ai đến xin khẩn thì bảo là hết đất, nếu muốn thì làng sẽ đứng làm trung gian mua lại giùm cho. Hương chức làng tự ý sửa chữa, sang tên các sở đất, hậu quả là địa bộ ở làng trên nguyên tắc là bản phụ, lại không giống với địa bộ (bản chánh) nạp ở tỉnh.
— Ai muốn sao lục địa bộ (có giá trị như bằng khoán đất) thì làng đòi ăn hối lộ rồi mới chịu sao.
— Chủ tỉnh nhắc lại nguyên tắc : mọi sửa đổi về ranh giới hoặc tên người chủ sở đất đều phải được phép của chủ tỉnh (theo nghị định 6/3/1891, chủ tỉnh là người quản thủ địa bộ).
— Để cứu vãn tình thế, chủ tỉnh Rạch Giá yêu cầu Thống đốc cho thành lập một ủy ban gồm một chủ tỉnh từ tỉnh khác đến làm chủ tịch, một viên kinh lý (họa đồ) cũng là cai tổng và hương chức sở tại để tu chỉnh, lập địa bộ mới cho tỉnh.
— Không làm được việc ấy thì dân ở tỉnh khác không xuống Rạch Giá đông đảo như trước nữa. Trong hiện tại, đa số người chiếm giữ đất để canh tác không có bằng khoán hợp pháp, còn những người tranh chấp thì chẳng có giấy tờ gì để chứng minh.
— Không lập được địa bộ thì dân làng chỉ làm công cho thiểu số người có thế lực hưởng huê lợi.
Nhiều vụ tranh chấp xảy ra.
Dân khẩn hoang thoạt tiên tin rằng nhà nước cho phép họ làm ruộng trước rồi sẽ khai báo để hợp thức hóa về sau, với điều kiện khẩn không quá 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp). Làm sao người dân hiểu rành cách thức làm đơn và dám ra tỉnh lỵ để hầu quan chủ tỉnh ? Đường xa, lắm khi hơn 70 cây số, ra chợ lại không biết thưa bẩm với ai. Vài người hiểu luật lệ đã chịu khó chạy chọt, tìm cách giựt đất.
ở làng Vĩnh Hưng, năm 1904, một viên thông ngôn tòa án đang ăn lương lớn lại xin nghỉ việc để tranh cử chức cai tổng, chưa đắc cử là cho vợ đứng đơn xin khẩn chồng lên mấy sở đất mà người khác đã ruồng phá thành khoảnh từ trước. Vai trò của cai tổng khá quan trọng khi lập địa bộ cấp đất, vì là một ủy viên. Năm 1903 chủ tỉnh rất áy náy vì tình trạng chiếm đất, do thiểu số nhiều uy thế và rành luật lệ. ở làng Lộc Ninh, nhiều sở đất có rừng tràm tốt hoặc có người đang canh tác lại bị kẻ lạ mặt làm đơn xin trưng khẩn. Chủ tỉnh ra lịnh cho cai tổng Thanh Bình cứ ghi tên những người thật sự đang canh tác và cho họ được ưu tiên vào bộ.
Theo thủ tục bấy giờ, hễ vô đơn xin tạm khẩn thì mặc nhiên được cấp cho một biên lai. Với tấm biên lai có chữ ký của chủ tỉnh, bọn gian hùng cứ đến địa phương mà tranh cản, tự nhận là sở hữu chủ, với diện tích rộng hơn. Ai năn nỉ thì họ bán tấm biên lai với giá cao, bảo đó là tờ bằng khoán chánh thức.
Khi hay tin kinh xáng Xà No sắp đào nối liền qua Rạch Giá, nhiều ông hội đồng, cai tổng, thân hào đã vội làm đơn xin khẩn, căn cứ vào bản đồ con kinh mà họ biết trước. Luôn luôn họ dành phía mặt tiền, giáp với bờ kinh. Chủ tỉnh bác những đơn ấy không phải vì thương dân, chẳng qua là muốn dành cho bạn bè, hoặc cho kẻ nào dám dâng tiền bạc hối lộ.
Có người vội cho rằng Pháp bày ra việc cử Hội đồng quản hạt, địa hạt, cai tổng chỉ là để mua chuộc một số người Việt háo danh mà thôi. Thật ra, những chức vụ ấy đem lại nhiều ưu thế trong việc khẩn đất. Nhờ chức vụ mà giao thiệp dễ dàng nên họ biết kế hoạch đào kinh qua phần đất nào, khi cho trưng khẩn thì họ vô đơn trước. Lại còn trường hợp nếu cho ai trưng khẩn với diện tích lớn thì họ được hỏi ý kiến. Chủ tỉnh sẵn sàng cho họ quyền ưu tiên trưng khẩn để bù lại việc họ làm ngơ cho chủ tỉnh chi tiêu phí phạm ngân sách địa phương, hoặc tăng thuế, hoặc xuất công qű tu bổ công sở... Họ vận động với quan trên, lo lót tiền bạc để xin phép sắm súng cho bằng được, nhằm mục đích uy hiếp tinh thần dân chúng khi cần chiếm đất. Khẩn đất cũng là cơ hội cho vài tên đầu cơ, mị dân, gây uy tín cá nhân để ứng cử chức nghị viên Nam kỳ. Vào năm 1912, ký giả thực dân hạng nặng là J. Adrien Marx đến quận Gò Quao để hướng dẫn kẻ bị mất đất làm đơn tố cáo điền chủ và quan chủ quận về tội ăn hối lộ, lấn hiếp dân : 12 người Miên đã khẩn được 108 mẫu từ năm 1907—1908, vô bộ ở làng rồi, thế mà điền chủ lại mướn tay em chừng 70 người đến đánh đập, tịch thâu nông cụ lúc họ đang canh tác. Lại còn bọn kinh lý (họa đồ) Pháp thừa cơ hội và cậy quyền thế để giựt đất một cách hợp pháp. Năm 1913, ấp Thành Lợi (sau này trở thành làng Ninh Thạnh Lợi, phần đất cũ của làng Lộc Ninh) được thành lập do 3 người xin khẩn nhưng ba năm sau, một viên kinh lý người Pháp đến trưng khẩn bao trùm lên và bắt buộc 3 người nọ phải làm tờ mướn đất như là tá điền. Rốt cuộc theo sự phân xử của chủ tỉnh, 3 người này thất kiện, mỗi người chỉ còn giữ được 10 mẫu đất công nghiệp, còn bao nhiêu đất dư ra đã thành thuộc rồi thì phải giao cho viên kinh lý. ở tỉnh lỵ Rạch Giá, có người chuyên sống bằng nghề trung gian để lo hối lộ. Năm 1916, người nọ xin khẩn 2.000 mẫu ở làng Vĩnh Bình, nhờ kẻ trung gian đút lót trước 2000 đồng cho chủ tỉnh, xong việc sẽ đưa thêm tiền. Chủ tỉnh trình việc ấy lên Thống đốc Nam kỳ và bảo rằng phần đất ấy chắc chắn có người đang khai thác từ lâu. Chủ tỉnh tố cáo, vì số tiền lo hối lộ quá ít hay vì thanh liêm ?
Để làm điền chủ lớn, nhiều người dùng nhiều chiến thuật khác nhau :
— Họ làm đơn với chủ tỉnh, lo lót, ra mặt công khai chiếm đất. Rồi khi tới địa phương, họ chịu bồi thường chút ít cho người đã khai khẩn từ trước ; hoặc mua lại với giả rẻ lúc người dân cô thế đang tuyệt vọng thấy mình chẳng bao giờ đủ khôn lanh và đủ tiền bạc để kêu nài hoặc lo hối lộ.
— Họ không bao giờ đứng tên khẩn đất trong đợt đầu, tránh mọi việc tranh chấp vụn vặt có vẻ vũ phu và bất lương. Họ đem tiền tới nơi (tiền này thường là tiền vay) để mua đất trong những năm ruộng thất mùa. Hoặc họ chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lời, hoặc chứa cờ bạc để lần hồi bắt con nợ phải bán đất cho họ mà trừ nợ. Họ công khai đưa con nợ ra tòa, với giấy tờ hợp pháp về hình thức : người dân quê dốt chữ khi túng thiếu vì đau ốm, vì thua cờ bạc đã ký tên, điểm chỉ vào sau khi nghe đọc qua loa nội dung tờ giấy nợ chứa đựng nhiều cạm bẩy ngặt nghèo.
Kẻ quyền thế thường vận động với các quan lại cao cấp, chịu tốn kém về tiệc tùng để được khẩn không tiền theo quy chế mà nhà nước dành cho người hữu công : Tổng đốc Phương hưởng theo quy chế này 2.223 mẫu ở các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng ; Trần Chánh Chiến (sau này cổ húy cho phong trào Duy Tân ở Nam kỳ) khẩn hơn 1000 mẫu ; một nho sĩ họ Trần ở Rạch Giá cũng nhờ Tổng đốc Phương điền chủ ở Trà Vinh khẩn trong địa phận Rạch Giá trên 1400 mẫu.
Những nguồn lợi thiên nhiên
Trước khi trở thành ruộng, rừng tràm là nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Vào đời Gia Long, vùng Rạch Giá được chú ý nhờ sáp ong và cá tôm. Làng Vĩnh Hòa, làng Đông Yên ở hữu ngạn sông Cái Lớn thành hình từ lâu nhờ nguồn lợi sân chim (sử chép là Điểu đình), những khu rừng mà hằng năm loại chàng bè, lông ô (còn gọi già sói, marabout) tụ họp về làm ổ, sanh sôi nẩy nở hàng chục vạn con, thợ rừng đến sân (nơi chim tụ họp) bao vây và giết sống để nhổ lông bó lại đem bán cho tàu buôn Hải Nam. Thuở ấy người Việt cũng như người Tàu đều ao ước có cây quạt kết bằng lông chim, với đứa tiểu đồng đứng hầu quạt phe phẩy, tiêu biểu cho nếp sống phong lưu. Thuế điểu đình vẫn duy trì, nhà nước thực dân cho đấu thầu nhưng giá thầu ngày càng thấp, dân giết quá nhiều không chừa chim con. Gặp khi giông tố bất thường, chim kéo đến khu rừng khác, người thầu không được quyền truy nã theo để khai thác. Người trúng thầu thường là Huê kiều. Họ có hệ thống tiêu thụ ở nước ngoài : giá thầu là 21.000 quan (1879), 20.000 quan (1880). Việc thầu sân chim có lúc bị bãi bỏ hoặc ngăn cấm. Năm 1908 cho khai thác trở lại. Những năm chót, nhà nước hương chức làng thầu với giá tượng trưng. Năm 1912, một hội viên của Phòng Canh nông Nam kỳ (cũng là tay khai thác đất đai nổi tiếng ở Hậu giang) lên tiếng xin nhà nước cấm khai thác sân chim vì thuế thâu vào chẳng bao nhiêu mà gây tai hại lớn. Theo bài toán của ông ta, chim có đến hàng trăm ngàn con bị giết mỗi năm, mỗin gày một con chim già sói (marabout) ăn đến 20 con chuột, mất chim thì hàng triệu chuột tha hồ sinh sôi nẩy nở. Đây chỉ là bài toán không tưởng mà thôi.
Mật, sáp ong, cá tôm là nguồn lợi lớn và lâu dài hơn. Khi mới chiếm vùng Hậu giang, đặc biệt là vùng Rạch Giá, những huê lợi này đều do nhà nước giao lại với giá thầu tượng trưng cho các ông cai tổng, xem như là hình thức mua chuộc rất có hiệu quả. Các ông cai tổng cứ chia ra từng sở nhỏ, giao cho bọn tay sai thân tín thầu lại với giá cao. Kế đến là giai đoạn giao cho hương chức làng thầu với giá phỏng định. Năm 1895, hương chức làng thâu lợi quá nhiều đến mức dám hiến lại cho ngân sách tỉnh phân nửa số lời mà họ thu được (2785 đồng).
Sáp là nguồn lợi làm cho xứ Rạch Giá nổi danh (người Miên gọi là vùng Kramuôn—Sor tức là xứ sáp trắng) vì thời xưa ổ ong bám vào cây tràm, lâu ngày rụng xuống rồi trôi trên sông, không người vớt. Thời Tự Đức (và có lẽ trước hơn), quan lại địa phương chia rừng tràm ra từng “ngan” tức là từng lô nhỏ, lấy những con rạch thiên nhiên làm ranh giới. Nay hãy còn dùng làm địa danh. Ngan Trâu, Ngan Dừa, Ngan Rít, Ngan Vọp. Nghề ăn ong gọi là “ăn ngan”, lô rừng đem đấu thầu gọi là sở phong ngạn (phong là ong, ngạn là bờ ranh). Phong ngạn tập trung ở những làng nhiều rừng tràm, năm 1905, làng Vĩnh Lộc có tới 19 sở, làng Sóc Sơn 13 sở. Làng Đông Thái có 4 sở to chạy theo địa phận làng, dài cỡ ba mươi cây số.
Chủ tỉnh Rạch Giá thảo ra điều kiện sách nhằm dành ưu tiên cho người khẩn đất làm ruộng. Điều 2 ghi rõ : “Rừng thì lần lần có người khai phá làm ruộng vì việc canh nông có lợi hơn, nên sự đấu giá này (đấu giá phong ngạn) không buộc 3 năm, buộc một năm mà thôi. Nhưng mà chủ ngan phải thưa cho nhà nước biết trước ngày 15/1 kế đó”.
Nghề khai thác phong ngạn lần hồi trở nên khó khăn vì gặp sự tranh chấp của người làm đơn khẩn ruộng. Thoạt tiên, chủ đất xem khu rừng tràm là của mình, tha hồ đốn cây để lấy huê lợi đầu tiên. Hoặc dân làng cứ đốn cây, phá rừng. Báo cáo của làng Mỹ Lâm ngày 12/12/1911 cho biết : Năm nay bị thất mùa màng, dân nghèo nàn quá, không có phương thế chi mà làm ăn. Chúng nó cứ việc hạ tràm tươi mà cưa làm củi bán đổi gạo ăn (Hồ sơ Miel et Cire). Diện tích rừng để khai thác ong mật bị thu hẹp vì thỉnh thoảng rừng cháy, ong bỏ ổ đi nơi khác.
Nhưng lý do chánh khiến cho nghề phong ngạn suy đồi là trận bão lụt năm Thìn (1904) khiến đa số rừng tràm bị ngã sập, rễ tràm vì ăn bám trên vùng đất sình lầy nên chịu đựng không nổi. Tràm ngã xuống, sau này khi cày cấy hễ gặp là đào lên đem về chụm bếp, gọi là tràm lụt (bão lụt). Đối với ngân sách làng và ngân sách tỉnh, đây là sự hao hụt đáng kể. Để bù vào số thuế phong ngạn, chủ tỉnh Rạch Giá giải quyết bằng cách bắt buộc dân phải chịu thêm một thứ thuế phụ trội, cộng thêm với thuế thân mà dân phải đóng. ở làng Mỹ Lâm, trước kia ngân sách dồi dào nhờ thuế phong ngạn, nhưng vì dân bộ quá ít nên khi chia ra thì mỗi đầu người phải gánh đến bốn đồng.
Sáp là sản phẩm qů, theo lệ xưa và mãi đến khi người Pháp đến, đó là món dùng để lo hối lộ thông dụng nhứt (gọi khôi hài là “đút sáp”).
Thủy lợi, theo nghĩa là huê lợi cá tôm ở sông rạch được chú ý từ thời xưa. Người Pháp lúc ban đầu cũng dùng chánh sách mua chuộc cai tổng và hương chức làng bằng cách cho họ mua lại (tức là thầu) với giả phỏng định.
Rừng tràm phát triển ở nơi đất thấp, vào mùa mưa thì nước ngập tràn. Rừng ở Rạch Giá và luôn cả rừng tràm ở Hà Tiên, Châu Đốc, Cà Mau có thể so sánh với vùng Biển Hồ ở Cao Miên về phương diện sinh hoạt của cá tôm. Nước mưa dâng lên, cá lên rừng mà sanh đẻ, di chuyển. Rừng rậm với con lăng quăng do trứng muỗi nở ra là thức ăn lý tưởng của cá. Khi mùa nắng vừa bắt đầu, gió chướng thổi thì cá biết là nước sắp cạn, từng bầy tìm cách ra sông, xuống rạch để khỏi chết khô. Bởi vậy, rạch ở rừng tràm là nơi tập trung cá; loại cá đồng đắt giá như cá lóc, cá trê chở đem bán nơi xa được, không chết dọc đường.
Dân địa phương từ lâu đã biết các đào đìa. ở vùng cỏ hoang hoặc giữa rừng tràm, cá rút xuống đìa mà sống. Và khi đã quen thói, hằng năm cá lên rừng vào mùa mưa, trở về rạch, về đìa khi mùa nắng bắt đầu. Nhiều đìa cá của dân làng đào sẵn trong rừng hoang lại trở thành đìa của điền chủ vì phần đất ấy đã bị trưng khẩn. Đìa đào ở trong rừng thì nhiều cá nhưng khó đem cá về, lắm khi phải gánh cá hàng năm bảy cây số, nếu đìa ít cá thì bỏ luôn chẳng ai thèm tát (đìa ở xa trong rừng gọi là đìa U Minh theo nghĩa là ở nơi u u minh minh, tối tăm như địa ngục, mặc dầu không nằm trong vùng U Minh).
Nhà nước bày lệ đấu thầu để thâu thuế nhiều hơn, mỗi lần đấu cho phép khai thác trong ba năm. Điều kiện sách ghi rõ là sự “ích lợi của nông nghiệp phải trọng hơn các điều khác” nhưng trong thực tế, việc đấu thủy lợi làm giàu cho một số trung gian. Họ chia ra từng phần nhỏ rồi cho mướn lại với giá cao gấp đôi hoặc gấp ba. Để bắt hết cá, kỹ thuật hữu hiệu nhất là xây rọ với đăng sậy, tùy theo hình thể con rạch mà lựa chọn kiểu rọ thích hợp. Nhiều cuộc tranh chấp xảy ra, người đấu thủy lợi nếu có thế lực thì cứ phá đập giữ nước (của kẻ khác đang làm ruộng) để cá trên ruộng chạy xuống rạch, gây nạn lúa háp vì ruộng bị cạn quá sớm. Hoặc người khai thác thủy lợi làm cản trở lưu thông, ngăn cản không cho câu cá khiến người địa phương ăn uống khổ cực, thiếu cá làm mắm dự trữ để làm mùa. Nhiều làng đã xin quan trên bỏ việc cho thầu thủy lợi để dân làng tự do bắt cá mà ăn. Nhưng khoản dự thâu ngân sách về thủy lợi hằng năm không thể bỏ được, quan trên thường giải quyết bằng cách bắt buộc mỗi đầu dân đóng thêm năm cắc hoặc một đồng để bù trừ lại.
Chủ đất có thế lực thường ngang nhiên đắp đập ở ngọn rạch, không cho cá xuống khiến người xây rọ chịu thất thâu.
Dân Châu Đốc xuống Rạch Giá dạy nghề xây rọ. Dân Gò Công tới vàm biển sông Cái Lớn phổ biến việc đóng đáy (trước năm 1912).
Việc thành lập làng mới
Người nhiều vốn để mộ dân đi khẩn hoang mà dám bảo đảm sẽ đóng đầy đủ thuế thì được nhà nước chấp thuận cho lập làng mới. Đây là nguyên tắc từ thời vua chúa nhà Nguyễn mà thực dân cho áp dụng trở lại để thâu thêm thuế điền và thuế thân. Năm 1894, việc thành lập làng Vĩnh Hưng cho thấy sự xuất hiện của bọn cường hào mới. Vùng đất này ở phía nam tỉnh Rạch Giá, giáp ranh Sóc Trăng. Hai người giành nhau lập làng, cả hai đều là bá hộ nổi danh thời bấy giờ, tuy là người Việt nhưng gốc Hoa kiều.
— Phan Hộ Biết (tục danh là bá hộ Bì) ở Bạc Liêu xin lập làng mới. Dân do ông ta quy tụ sẽ lần hồi đóng thuế cho nhà nước. Ông ta đã xuất tiền túi ra xây cất xong một nhà việc (công sở làng) trị giá 200 đồng.
— Bành Trấn thì đưa kế hoạch đào kinh do chính ông xuất vốn, mướn nhân công. Lại cam kết rằng sau khi được chấp thuận lập làng thì sẽ có 150 dân công do ông quy tụ, đóng thuế ngay (thuế này do chính ông xuất ra cho dân mượn trước). Và tuy đất chưa thâu hoạch huê lợi, ông sẵn sàng chịu thuế điền 1500 mẫu, đóng ngay cho nhà nước. Nếu nhà nước chịu cho đứng tên làm chủ 1000 mẫu đất thì ông ta hứa bảo đảm đóng thuế cho 300 người trong những năm tới. Theo lời trong đơn, vùng này còn nhiều voi và trộm cướp, lập làng thì đất trở thành tốt, thú rừng và bọn bất lương không còn lai vãng. Kế hoạch của Bành Trấn được Thống đốc Nam kỳ chấp thuận vì Bành Trấn vào đơn trước hơn Phan Hộ Biết. Nhưng lý do vẫn là vì Bành Trấn chịu đóng thuế ngay, làng Vĩnh Hưng trở thành một tiểu quốc của Bành Trấn, ông ta bèn bắt buộc bọn tá điền trả lại tiền thuế thân đã ứng trước, rồi cho vay nặng lời. Rốt cuộc tất cả dân trong làng trở thành tá điền, chẳng ai làm chủ mảnh đất lớn nhỏ nào cả. Đến năm 1911, nhà nước mới can thiệp vì lập làng như vậy là thất nhân tâm, có lợi cho cá nhân đứng lập làng nhưng hại cho nhà nước.
Bởi vậy, khi cho lập làng Ninh Quới vào năm 1913, viên phó tham biện đặc trách quận Long Mỹ đã tổng kết kinh nghiệm và nhận định về việc bầu cự các hương chức hội tề :
— Trong ban hội tề, chức vụ xã trởng là quan trọng hơn hết, viên chức này giữ mộc ký (triện) của làng. Xã trưởng lựa người thân tín, cho làm chức hương xã, rồi đến chức hương thân, hương hào. Những chức vụ còn lại thì do xã trưởng nêu điều kiện, ai muốn làm thì cứ thương thuyết, lo hối lộ cho ông ta. Đây là tình trạng lập làng mà không có bầu cử về hình thức.
— Nếu bày ra hình thức bầu cử, chỉ một thiểu số điền chủ được ứng cử và có quyền bầu mà thôi. Dân làng không được tham khảo ý kiến. Và dân chỉ muốn cuộc bầu cử diễn ra thật nhanh, ai làm cũng được, để họ biết ai là người nhận tiền thuế mà họ phải đóng.
— Khi lập làng mới, công việc đầu tiên của hương chức là bắt buộc dân phải ký giấy nợ, trả lại cho họ những sở phí lập làng (tiền mua bộ sổ, tiền mua tặng phẩm để hối lộ cho quan trên). Dân không dám cãi lịnh vì họ được khai khẩn vài mảnh đất nhỏ.
Bởi vậy, theo ý kiến của Marcel Roché (phó tham biện đặc trách quận Long Mỹ) thì nên lưu ý việc sắp đặt hương chức hội tề ở làng mới lập : nếu xã trưởng và hương cả thuộc một phe với nhau thì nhà nước nên cho người thuộc về phe khác (lẽ dĩ nhiên hai phe này đều tham nhũng) làm những chức vụ còn lại trong ban hội tề, để khi hai phe nói xấu, tố cáo nhau thì nhà nước có lợi là biết được sự thật. Nếu chỉ một phe cường hào nắm trọn một ban hội tề thì dân càng khổ. Cũng theo ý kiến viên phó tham biện này, những người đứng ra sáng lập làng thường đem lá đơn được chấp thuận ấy về địa phương mà dằn mặt dân, rồi bắt đầu lên “ngai vàng mà thống trị như vua chúa”.
Trường hợp một làng khác ở quận Long Mỹ, có viên chức cho 17 người Miên đến khẩn đất. Họ lo bắt cá, đốn củi, sau bão lụt năm Thìn, cây rừng ngã xuống mới bắt đầu làm ruộng. Khi đất dọn xong thì mới hay rằng viên chức nói trên đã làm đơn xin khẩn chồng lên phần đất ấy từ trước, có biên lai. Cũng may là vụ này được giải quyết êm đẹp, dành ưu tiên cho người Miên vì họ chịu cực khai phá từ trước.
Trường hợp làng quá rộng như làng Đông Thái dài 30 cây số, dân đến cư ngụ lần hồi, khi đủ số thì những ấp ở xa trở thành làng mới, tách ra lập thêm ba làng là Đông Hưng, Đông Hòa và Đông Thạnh từ năm 1914.
Lắm khi vì muốn kiểm soát an ninh ở mấy ấp hẻo lánh, nhà nước chấp thuận cho tạm lập một làng mới. trong giai đoạn sơ khởi, lúc quan kinh lý chưa đến phân ranh thì hương chức không được thâu thuế, chỉ được xử kiện những vụ nhỏ và sắp đặt dân canh phòng mà thôi : làng Thạnh Lợi tách ra khỏi làng Thạnh Hưng tháng 11/1912.
ở những làng quá đông người Miên, hương chức hội tề có thể ký tên bằng chữ Miên và điều kiện để làm hương chức không cần là phải biết chữ quốc ngữ. Quan trọng nhứt là chức xã trưởng, chỉ dành cho người hằng sản để có thể bồi thường cho nhà nước trong trường hợp làm sổ sách sai lạc hoặc gian lận thuế, lấy tiền công nho để cho vay nợ riêng, hoặc cờ bạc thua. Người biện làng (thơ ký, nhân viên riêng của xã trưởng) lãnh trách nhiệm viết lách, thảo đơn từ, phúc bẩm báo cáo.
Việc lựa chọn vài người háo danh và khờ khạo để làm hương chức lắm khi là dụng ỳ của những tay có thế lực để dễ dàng thao túng. Tệ đoan lớn ở mấy làng xa quận lỵ là nạn cờ bạc, chứa chấp bọn trộm cướp do hương chức làng chủ mưu và chia phần. Nhiều ông điền chủ không thèm vào ban hội tề, khi cần thế lực thì dựa vào quan trên hoặc đứng ngoài, sắp xếp tay em của họ vào làm hội tề là đủ rồi.
Trong những làng mà đất đai đều do người Pháp làm chủ, về mặt hình thức thì người Việt Nam vẫn cai trị lẫn nhau nhưng hương chức chỉ là tay sai. Khôi hài nhứt là những báo cáo của làng gởi lên cấp trên : nếu là trên lãnh thổ của điền Tây thì phải có chữ ký của chủ điền hoặc của người quản lý thì mới có giá trị. Người “chủ điền Tây” có quyền thị thực chữ ký hoặc xác nhận sự kiện trong công văn của làng. Trong điền của Pháp, việc cử hương chức hội tề (chỉ định thì đúng hơn) không theo tiêu chuẩn là có hằng sản vì tìm đâu ra một người có hằng sản ! Năm 1911, vào tháng 9, hương chức làng báo cáo khi chủ quận ra lịnh cử một người thay thế cho vị hương chủ vừa chết : “Ông A. Isidore mới lập làng, dân làng là người nghèo nàn và các nơi tới mướn đất làm ruộng cấy, lúa tốt thì nó ở, lúa xấu thì nó trốn đi, dân không có vườn đất tại làng. Xin đình lại tháng Décembre nhằm mùa lúa trổ, làng xét lại lúa ai tốt là người khá trong làng và lựa người xứng đáng làng mới dám cử”.
Vài nét lớn về điền của Pháp
Cần nhớ là bấy giờ ở Nam kỳ, danh từ đồn điền không được xài tới vì gợi ý nghĩ không tốt, trùng hợp với những đồn điền thời đàng cựu mà Pháp chánh thức giải tán (dân đồn điền thường là dân làm loạn khi người Pháp mới đến). Gọi là điền, kèm theo tên của người chủ, thí dụ như điền ông La—bách (Labaste) hoặc tên tục như điền ông Kho (Gressier), hoặc khôi hài hơn : điền Tây Mập, điền Tây Tàu (tên này có tàu riêng để chở lúa) hoặc điền Tây Đầu Đỏ (tóc đỏ). Nếu là của công ty thì gọi là điền hãng. Người làm chủ đất thì gọi là điền chủ (gọi “địa chủ” nghe không thanh tao, theo lối nói lái của người miền Nam). Chủ ruộng là người canh tác trên đất mướn của người khác. Tá điền là người mướn đất làm ruộng (không gọi là dân cày, vì dân chúng bấy giờ cho là trâu mới cày, người đâu phải trâu mà cày).
Thoạt tiên, nhà nước định hễ người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp khai thác trên mười mẫu thì được hoàn toàn miễn thuế trong 5 năm liền; đến năm thứ 6 là bắt đầu đóng 1/5 số thuế, cứ như vậy đến năm thứ 10 là đóng trọn. Nghị định ngày 4/1/1894 sửa đổi lại không miễn thuế 5 năm đầu, ngay trong năm đầu đóng số 1/5 thuế, đến năm thứ 5 là đóng trọn. Nghị định 13/4/1909 cho phép những người Pháp có trên 80 tá điền và khai thác một diện tích ít nhứt là 400 mẫu được quyền lập riêng một làng mới, nếu chủ điền yêu cầu, dân trong điền được hưởng quy chế “dân điền Tây”.
Với nhiều ưu đãi vừa kể, thực dân Pháp tha hồ làm mưa làm gió. Trước khi có nghị định trên, từ năm 1906 ở Rạch Giá đã xảy ra một vụ lập làng mới lấy tên là Vĩnh Báu, trên địa phận của làng Vĩnh Viễn. Chủ điền là trạng sư Doutre cho người quản lý (gọi nôm na là cặp—rằn) đem 70 dân đến lãnh thổ vừa được phép trưng khẩn để lập làng mới. Hương chức hội tề địa phương can thiệp vì chưa có lịnh chánh thức của quan trên. Người quản lý này (người Việt) cứ ra lịnh tiếp tục cất công sở mới và xúi dục tá điền cầm dao rượt chém hương chức làng sở tại !
Thực dân khuyến khích cho người ở xa cũng khẩn đất, trường hợp Nam tước Rothiacob cư ngụ ở Ba Lê làm đơn xin khẩn ở Vị Thủy (Rạch Giá) phần đất 1357 mẫu, vào năm 1911 vì nghe tin sắp đào kinh ở vùng này, nhưng chỉ được cấp 642 mẫu để rồi không nhận lãnh. Phần đất tốt này lại được dân địa phương canh tác mà không làm đơn trước vì họ tưởng là vô chủ. Hai người Pháp là Duval và Guéry (đã có đất ở Cần Thơ) lấn qua đó 80 mẫu, đến năm 1911, tên Labaste xin trưng khẩn (Labaste nổi tiếng là lãnh chúa với những phần đất ở Sóc Trăng).
Vài người Pháp lanh lợi và thực tế đã khéo lợi dụng sự ưu đãi để giựt đất của dân hoặc giựt tiền trợ cấp của chánh phủ thuộc địa, điển hình là L. Bélugeaud, kinh lý hữu thệ. Năm 1911, ông ta trưng khẩn 500 mẫu đất ở làng Hưng Điền (Mộc Hòa), xin trợ cấp cho 500 đồng để thí nghiệm cơ giới hóa nông nghiệp theo một kiểu máy do chính ông ta sáng chế và ráp tại chỗ. Đến nông trại, ông ta nhờ tham biện, nhờ hương chức làng giúp mướn cu—li, mướn trâu và cất chòi. Khi lãnh tiền, ông ta cho bọn cu—li cày bừa rồi lại báo cáo từng đợt để hưởng thêm trợ cấp, sau rốt, ông ta bỏ căn chòi xơ xác nọ, bỏ mấy bộ phận sắt vụn đầy sét, giựt luôn tiền mướn trâu và mướn cu—li. Đến mùa, ông ta hưởng phần hoa lợi do bọn cu—li canh tác theo lối cổ truyền chừng 30 mẫu. Năm 1913, Bélugeaud đến Rạch Giá mở văn phòng lãnh đo đạc ruộng đất, bấy giờ muốn có bằng khoán thì phải có bản đồ do chuyên viên được chánh phủ thừa nhận lập ra. Dịp tốt để Bélugeaud đòi tiền thêm, cao hơn giá mà nhà nước quy định. Và sau khi đo xong, chủ đất phải lo hối lộ thêm 500 đồng thì mới có bản sao của bản đồ. Trước đó, năm 1909, ông ta tìm cách giao thiệp với các người giàu có ở Rạch Giá, nhận tiền rồi bảo là để vận động giùm với quan trên, ai muốn khẩn đất to thì cứ đưa nhiều tiền. Dân địa phương tin lời, vì ông ta là người Pháp. Năm 1913, thấy phần đất giữa làng Lộc Ninh và làng Vĩnh Bình đã có dân khai thác từ lâu nhưng chưa được cấp phát chính thức, ông ta làm đơn xin khẩn 1000 mẫu, với dụng ý bắt buộc dân đang canh tác phải nạp địa tô cho ông ta.
Một tay khác là Beauville—Eynaud, làm chức còm—mi ở Rạch Giá đã quá chú trọng vào việc khẩn đất. Khi thấy nhà nước soạn kế hoạch đào kinh xáng giữa Rạch Ngan Dừa và Cạnh Đền, ông ta xin trưng khẩn 1300 mẫu, khẩn xong, lại khai là mất mùa và không thèm đóng thuế !
Nhiều người Pháp nhờ bạn bè đứng tên giùm để khẩn thêm đất, hoặc có những viên chức Pháp không thích canh tác nhưng cứ khẩn để bán lại cho người Việt. Lại còn trường hợp tên Ernest Outrey (sau này là Thống đốc Nam kỳ) lợi dụng danh nghĩa là nghị viên của Nam kỳ can thiệp với chủ tỉnh để cho bạn bè ông ta được khẩn đất, nói đúng hơn là chiếm phần đất mà dân quê đã khai phá từ buổi đầu.
Đời sống trong điền Tây
Điền của người Pháp là một tiểu quốc, người tá điền của điền Tây hưởng quy chế đặc biệt về thuế thân. Họ được chủ đất bảo lãnh, dùng “giấy đỏ” “(carte díengagé, in trên giấy cứng màu đỏ), thuế thân đóng một đồng bạc thôi, trong khi dân ở thôn xóm làm lụng cho chủ điền Việt Nam phải đóng cỡ 5 đồng. Họ chỉ đóng thuế chánh, khỏi những thuế phụ trội, khỏi làm xâu, khỏi đóng tiền canh gác. Để đề phòng trường hợp họ trốn, loại giấy đỏ này phải được chủ đất hoặc người thay mặt ký tên xác nhận, cứ 3 tháng gia hạn một lần, ai ra khỏi điền mà không có giấy phép đặc biệt của chủ thì bị bắt, xem như chưa đóng giấy thuế thân.
Kẻ ở điền Tây phải làm giấy giao kèo “ở mướn cố công với chủ”, tùy theo điền mà giá cả khác nhau ; mượn tiền, mượn lúa với số lời khá cao nhưng trong giao kèo thì ghi thấp. Người làm ruộng nhiều thì được vay nhiều, tùy theo sự tiến triển của mùa màng mà chủ đất lần hồi cho họ vay thêm.
Điền tây là nơi chứa chấp đủ thứ tội ác : cờ bạc, hút á phiện lậu, đặt rượu lậu thuế. Hương chức làng, lính mã tà, nhân viên thương chánh khó bề đột nhập để tra xét nếu không được phép của người chủ điền Tây. Trong những điền lớn, chủ đất thường vắng mặt quanh năm, việc quản lý giao cho hai ba người Pháp gọi là “surveillant agricole” được phép mang súng, lắm khi họ là người Pháp dốt nát (lính sơn—đá nghỉ dài hạn hoặc đã giải ngũ). Lại còn những cặp—rằn bổn xứ chuyên nghề tuần tra với cây cù ngoéo, có thể đánh đập dân chẳng khác nào mấy ông hương quản, cai tổng. Điền Tây còn là nơi chứa chấp trộm cướp ; bọn này hành nghề ở địa phương khác rồi trở về ẩn náu, làm ruộng cho có hình thức. Đôi khi, điền Tây lại vô tình thâu nhận những chánh trị phạm, những tay phiến loạn bị tập nã từ các tỉnh miền Tiền giang.
Mùa lúa chín thì chung quanh điền Tây việc canh phòng bố trí nghiêm nhặt như một cơ sở quân sự. Bọn cặp—rằn đánh mỏ canh tuần ghe xuồng di chuyển gần điền phải bị tra xét phiền phức. Mục đích là đề phòng bọn tá điền “lưu” lúa ra ngoài bán trước lấy tiền xài riêng, rồi khi chủ điền tới đong, tá điền nói gạt rằng ruộng thất mùa. Người trong điền muốn chở lúa đem bán nơi khác hoặc cho bà con thì phải xin giấy chứng nhận là đã đóng đủ địa tô rồi.
Nơi trạm kiểm soát, bọn cặp—rằn treo lá cờ to làm hiệu, tùy sở thích của chủ điền mà cờ này màu đỏ hay màu trắng (bởi vậy dân địa phương căn cứ vào màu cờ mà gọi là điền Tây Cờ đỏ, điền Tây Cờ trắng...).
Về mặt trị dân, vài tên chủ điền Tây hoặc cặp—rằng tỏ ra đầy đủ bản lĩnh, thí dụ như họ dám hòa mình với dân Việt : ăn mắm, uống rượu đế, ăn thịt chó, cỡi trâu kình (trâu đua). Có tay còn gian hùng hơn, rước thày về để làm lễ tống ôn, tống gió, ăn lễ hạ điền, tụng kinh cầu cho quốc thái dân an với dụng ý cầm giữ dân và phát triển mê tín, óc xôi thịt. Hoặc là ông Tây chủ điền già nua lại mặc áo dài xanh, đội khăn đóng “cúc cung bái” khi cúng đình thần, với chức vụ là đại hương cả.
Bọn chủ điền Pháp là thế lực khá mạnh, thường đưa ra nhiều yêu sách với chánh phủ thuộc địa như đòi tham gia Hội đồng địa hạt để bàn bạc hằng năm về giá biểu thuế khóa trong tỉnh. Trong một bài báo, J. Delpit đòi được miễn thuế “bách thân phụ trội” đánh vào thuế điền vì thuế này do chủ tỉnh đặt ra, tham khảo với Hội đồng địa hạt An Nam chớ chủ điền Pháp không được hỏi ý kiến. J. Delpit bảo rằng thuế ấy chỉ dành cho người Việt đóng mà thôi. Nhà nước thực dân nhận định rằng nếu đưa người Pháp vào Hội đồng địa hạt thì quá đáng : đa số điền chủ Pháp không cư ngụ tại địa phương thì làm sao họ đại diện cho dân trong hạt được ? Vả lại, đa số điền chủ Pháp đều là công chức hoặc chức sắc của công giáo.
Delphit khoe khoang rằng chủ điền Pháp đã góp công lớn vào việc xây dựng thuộc địa Nam kỳ : Trong vòng 40 năm, họ đã khai khẩn đến 247.417 mẫu (do 300 người chủ đất), cao hơn diện tích mà suốt 15 thế kỷ qua người Miên và người Việt đã khai khẩn (215.578 mẫu, năm 1868), chưa kể đến 85.000 mẫu đất trồng cao su. Bên cạnh người Pháp, dân Việt đã khai khẩn từ 215.578 mẫu năm 1868 đến mức 1.291.358 mẫu vào khoảng năm 1912.
Vào năm 1912, cũng theo con số mà J. Delpit trưng dẫn, Rạch Giá là tỉnh mà người Pháp có nhiều ruộng đất nhứt : 12.304 mẫu đã canh tác cộng với 26.121 mẫu đang trên đà khai phá, sắp có huê lợi.
Đứng nhì là Sóc Trăng với 11.246 mẫu đã canh tác của người Pháp và 4.308 mẫu khác đang trên đà khai khẩn thêm. Hạng ba là Cần Thơ với 8.127 mẫu đã khai thác cộng thêm với 21.931 mẫu đang trên đà khai thác của người Pháp. Tỉnh Rạch Giá cũng đứng đầu về số người Pháp làm điền chủ : 23 người, (trong số này có 11 vị chức sắc công giáo).
Sống trong điền của Tây hay điền của người Việt sướng hơn ? Câu hỏi này là cái vòng lẩn quẩn : nếu gặp năm thất mùa thì đâu cũng là cực khổ. Chủ đất nào cũng đưa giá biểu địa tô tùy hứng, gom góp ít nhứt là 80 % tổng số lúa thâu hoạch vì ở đâu cũng cho vay nặng lời, công khai hoặc trá hình.
Cuộc tranh đấu của giới đại điền chủ
Từng lớp đại điền chủ bổn xứ thành hình nhờ khẩn đất nhiều và đất tốt, nhứt là phần đất có nước ngọt từ Hậu giang dẫn qua nhờ kinh đào. Đặc biệt ở phía sông Cái Bé, một mẫu đất trị giá bằng năm, bảy hoặc mười mẫu ở phía Cái Lớn, nơi nước mặn. Kinh đào biến nhiều vùng thành ra phì nhiêu, dễ sinh sống, nước ngọt mãn năm. Điền chủ vay nợ để khẩn đất. Trong vài năm đầu, nếu gặp gió thuận mưa hòa thì lấy vốn được. Hễ thấy đất tốt, tá điền ít chịu dời chỗ. Đất tốt dầu thất mùa vẫn thu hoạch tương đương hoặc cao hơn nơi đất xấu vào những năm trung bình.
Trận bão lụt năm Thìn (1904) gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng ở Rạch Giá (bấy lâu, ta chỉ biết rằng thiệt hại to lớn là ở Mỹ Tho, Gò Công mà thôi). Chủ điền lo ngại vì không kiếm ra tiền để đóng thuế điền. Mặt khác, số vốn khá to mà họ đưa cho tá điền vay lại bị mất luôn. Một số tá điền ngang nhiên bỏ đất, dời qua vùng khác, trong trường hợp chánh đáng mà điền chủ không có lý lẽ để truy tố được.
Tại Rạch Giá, năm Thìn (1904) xảy ra hai trận bão lớn : 1/5 và 3/11. Năm sau (1905) lại thêm lụt rồi nắng hạn bất ngờ.
Trong điền của Gilbert Trần Chánh Chiếu, mức tổn thất được kê khai như sau với nhà nước :
— Đất ruộng ở làng Thạnh Hòa (Tràm Chẹt nhỏ) 1000 mẫu bị ngập suốt hai tháng liên tiếp, rồi trận giông ngày 2/11/1904 làm sập nhà cất cho tá điền ở, lẫm lúa bị tốc nóc. Đất khẩn ở phía Hòa Hưng gồm 200 mẫu, hư trọn. Trong hiện tại, cần cấp dưỡng cho 200 tá điền sống lây lất.
— Từ bốn năm trước, lúa trong lẫm gom từ 20 tới 25 ngàn giạ lúa, năm 1904 chỉ còn thâu được từ 1000 đến 1500 giạ. Sự lỗ lã ước lượng là 15000 đồng. Xin nhà nước cho vay trợ cấp, để tiếp tục khai thác.
Đơn kêu nài gởi lên. Chủ tỉnh cho cai tổng tới điều tra, thấy phần đất ở Thạnh Hòa của Trần Chánh Chiếu trước kia có 125 gia đình tá điền thì nay 42 gia đình đã đào tẩu, còn lại 83 gia đình. Nhà cất cho tá điền ở gồm 93 cái, cộng là 232 căn đã bị sập hết 72 cái, tức là 177 căn. Năm 1904, đất này canh tác 645 mẫu.
Riêng về phần đất ở Hòa Hưng gồm 14 người tá điền, còn lại 3, trốn hết 11. Nên nhớ là ở Rạch Giá chỉ làm ruộng mỗi năm một mùa, người cai quản ruộng đất của ông Chiếu trình bày trong đơn : “Thiệt tội nghiệp, trong dân tá điền ai ai cũng đều nghèo khổ, đói khát, rách rưới, ở ruộng thì nhờ ruộng, một năm làm ruộng có một lần, trông đợi có bấy nhiêu song chẳng đặng, bây giờ phải đợi qua năm khác, lâu không biết bao xa mà nói cho cùng”. Và hiện tại, dân chỉ biết hy vọng cấy lúa ván ăn đỡ, kiếm chút ít mạ hồi mùa rồi còn sót lại, chặt bớt rễ mạ mà cấy tạm khi nước giựt xuống.
Một linh mục ở họ đạo Trà Lồng gởi thơ lên chủ tỉnh xin miễn thuế, cho biết : vì đường giao thông khó khăn nên trong điền lúa hạ giá quá thấp dân không bán được, trong khi những sản phẩm cần thiết thì mua với giá gần gấp đôi ngày thường.
Phong trào tranh đấu chống thuế điền nổi lên, khi chủ tỉnh Rạch Giá hăm he truy tố vài người chủ điền ra tòa và mặt khác, gởi trát đòi từng người để thúc hối, cảnh cáo. Nhưng chủ tỉnh cho riêng Thống đốc Nam kỳ biết là không thể nào đòi được số thuế điền trong tỉnh còn thiếu lại là trên 135.000 đồng. Lại báo tin rằng điền chủ lớn đang xúi giục điền chủ nhỏ đừng đóng thuế điền năm 1905 rồi theo đà ấy, không đóng thuế luôn qua năm 1906.
Tòa án Rạch Giá đã xử làm gương hai vị điền chủ thiếu thuế. Lúc đầu, hương chức làng mời tới công sở, họ không thèm tới gặp. Ra trước tòa, họ tỏ thái độ ngạo mạn hơn. Khi được hỏi tại sao mà không tới gặp hương chức làng, họ nói thẳng là “chỉ vì họ không muốn đóng thuế, và chẳng có ai được quyền bắt buộc họ đóng”, nếu nhà nước đem phát mãi đất của họ, nhứt định là chẳng ai dám mua (ngụ ý là nếu mua thì sẽ bị họ trả thù). Chủ tỉnh Rạch Giá còn đưa ra đề nghị nên chia những tổng có diện tích quá rộng ra làm đôi, để có thêm cai tổng đi thúc thuế. Đồng thời, cương quyết phạt tù kẻ thiếu thuế, đem đất họ ra phát mãi, dán yết thị ở những làng lân cận để người giàu ở tỉnh khác đến đấu giá.
Để đối phó lại, 81 người “điền chủ lớn” ở Rạch Giá đồng ký tên vào đơn, trình cho chủ tỉnh để xin tha thuế năm 1905, đứng đầu là hai ông Trần Chánh và Huỳnh Thiện Kế (đơn ngày 29/4/1906) với lập luận sắc bén :
— Muốn trở thành điền (tức là canh tác) một mẫu đất, phải nuôi tá điền 20 giạ lúa và vài ba đồng bạc là tối thiểu.
— Năm rồi (năm Thìn, 1904) chủ điền phải vay bạc của nhà băng Đông Dương mà nuôi nhân điền (tá điền).
— Như hạt Sa Đéc là chỗ điền thổ đã khai mở lâu năm thành khoảnh mà nhà nước còn chuẩn cho các chủ điền đóng thuế hạng nhứt sụt hạng nhì, hạng nhì sụt hạng ba, còn hạng ba thì tha thuế trọn, huống chi là hạt Rạch Giá là hạt mới khai mở không đặng 10 năm, và phần nhiều trong số điền thổ khai phá không đặng 4 năm nay.
— Nhà nước đã hứa miễn thuế cho điền chủ nghèo, còn với điền chủ lớn thì đợi lúa thóc gặt rồi, cho đóng 1/3. Nay xin tha trọn thuế, vì đất ruộng ở phía sông Cái Bé thất bát 7/10, nước vừa giựt xuống là bị nắng hạn.
— Yêu cầu nhà nước áp dụng luật Gia Long về tỷ lệ miễn thuế, luật này được nhà nước Lang Sa phê ưng và cho thi hành từ năm 1871 : theo đó hễ ruộng thất mùa 1/10, không giảm thuế; ruộng thất 2/10, giảm 1/10; khi thất mùa đến mức 8/10 hoặc hơn nữa thì miễn trọn thuế.
Kết quả là Thống đốc Nam kỳ chịu miễn thuế cho những ai chưa đóng thuế năm 1904 mà thôi (tức là cho mùa gặt cuối năm 1903). Còn về hậu quả của bão lụt năm Thìn thì đóng y như cũ. Nhưng điền chủ ở Rạch Giá chưa chịu thua. Họ loan tin rằng nhà nước đã hoàn toàn miễn thuế, khiến cho một số điền chủ bấy lâu rụt rè lại hăng hái lên không thèm đóng.
Theo đề nghị của chủ tỉnh, Thống đốc Nam kỳ cách chức viên cai tổng và phó tổng tổng Kiên Tường (cả hai đều là người Miên) về tội phao tin thất thiệt là hoàn toàn miễn thuế. Thật ra, nhà nước chỉ chấp nhận miễn phần thuế quản hạt (budget local) mà thôi, chớ vẫn thâu trọn phần địa hạt và bách phân phụ trội.
Thống đốc lại cho một viên chủ tỉnh nhiều năng lực là Albert Lorin nghiên cứu vấn đề. Lorin phúc trình rằng Rạch Giá có 6 tổng, mỗi tổng đều quá rộng nên khó theo sát từng điền chủ để làm áp lực. Trong vòng hai năm mà ở Rạch Giá lại thay đổi 4 lần chủ tỉnh nên chánh sách không được liên tục. Theo ý kiến của Lorin, chỉ nên giảm thuế cho chủ điền nhỏ, chớ chủ điền lớn thì vẫn còn dư tiền để mua đất, khẩn đất thêm : Hiện tại, ở tòa Bố Rạch Giá còn đến 439 đơn xin khẩn một diện tích là 14.031 mẫu, chứng tỏ điền chủ bốn xứ hãy còn hăng hái trong việc làm ăn.
Năm 1911, tỉnh Rạch Giá trải qua một cơn mất mùa trầm trọng, nhà nước đành cứu xét miễn thuế, tuy miễn ít nhưng những ai lì lợm thì cũng bỏ luôn.
Cuộc tranh đấu trên đã bộc lộ một sự thật khách quan : vào năm 1905, giai từng điền chủ đã thành hình, có tinh thần chống Pháp nhứt là vào những năm kế tiếp khi đa số điền chủ lớn ở Nam kỳ đều hưởng ứng cuộc Minh Tân (phong trào Duy Tân) do Bùi Chi Nhuận và Trần Chánh Chiếu điều khiển, ủng hộ ông Phan Bội Châu và ông Cường Để. Điền chủ trong nước thấy rõ là thực dân pháp ngăn cản không cho họ tiến xa hơn để họ tự do kinh doanh, trở thành những chủ xưởng, những thương gia như ở bên Nhựt. Thực dân Pháp, thương gia Huê kiều (nắm độc quyền về mua bán, thao túng giá lúa gạo). ấn kiều cho vay đều là những chướng ngại mà họ muốn san bằng.
Còn vài chi tiết cần ghi nhớ về vai trò của giới điền chủ, không riêng gì cho tỉnh Rạch Giá :
— Mua nhiều trâu bò từ Cao Miên đem về (từ tỉnh Tà—Keo) nhờ đó mà việc cày cấy thêm phát triển. Mua sắm nhiều ghe độc mộc từ sông Lớn (Cao Miên, Lào) giúp phương tiện vận tải.
— Thích sống xa hoa theo lối Pháp, tiêu thụ rất nhiều hàng hóa nhập cảng, nhất là rượu Tây.
— Vào những năm lúa có giá và giá lúa được vững (1928, 1929 luôn cả năm 1930), mức sống lên cao tột bực, điền chủ bực trung ở Hậu giang dư sức cho con qua Pháp du học, có gia đình đi cả hai ba người, học siêng năng thì thành bác sĩ; ăn chơi thì trở thành “công tử”.
— Một số không nhỏ điền chủ ở Rạch Giá là người Minh Hương hoặc Huê kiều. Người Huê kiều nếu làm điền chủ thì bị đồng hóa, trở thành Việt Nam trong vài năm (khăn đóng áo dài khi làm hương chức hội tề, cúng đình). Riêng người Huê kiều ở chợ chuyên nghề buôn bán thì giữ nếp sống riêng.
Về đời sống của tá điền
Tá điền chẳng có quyền tham dự sinh hoạt chính trị nào cả. Hương ấp, phó quản (gọi là hương chức nhỏ) do hương chức hội tề chỉ định. Hương chức làng thì do bọn hương chức chọn lựa lẫn nhau, giới thiệu bà con vây cánh, sau đó được cai tổng và chủ quận chuẩn y. Cai tổng và phó tổng, ban biện được cử do một số thừa sai (người thay mặt); tùy theo số dân bộ mà mỗi làng được gởi nhiều hay ít, đổ đồng 50 dân bộ có một người. Các vị thừa sai thay mặt cho dân phải là hương chức làng (trừ xã trưởng, hương thân, hương hào), phó xã hoặc điền chủ. Hội đồng canh nông, hội đồng địa hạt hoặc hội đồng quản hạt là chuyện riêng của một số hương chức làng và điền chủ đi bầu. Tóm lại, người dân nghèo chẳng bao giờ được đi bầu cử ai cả.
Hai gánh nặng cho tá điền là thuế thân và xâu (sưu). Thuế thân thời Pháp thuộc được quy định đồng đều (trừ những năm sau cùng của chế độ thực dân, chia ra người có hằng sản và người không có hằng sản). Thuế chánh chỉ là mọt đồng bạc nhưng dân phải đóng thêm một số tiền gọi là bách phân phụ trội cho ngân sách. Số bách phân này thay đổi tùy theo năm để cho ngân sách được quân bình chi tiêu. Ngoài ra mỗi người phải chịu năm ngày làm xâu, có thể chuộc bằng tiền, lại còn phụ thâu về thủy lợi, về rừng.
Nếu là dân ở xa tới, chưa vào bộ thì đóng thêm một số tiền gọi là thuế dân ngụ. Tính trung bình vào những năm đầu thế kỷ, thuế thân cọng thêm các khoản linh tinh vừa kể là 5 đồng, làng này đóng nhẹ nhưng làng kia lại đóng nặng. Nên nhớ là lúc bấy giờ lúa bán vài cắc một giạ, một đứa trẻ chăn trâu suốt năm chỉ được khoảng 10 đồng thôi. Có làng lại đặt ra thuế nóc gia hoặc quy định tiền chuộc công sưu (đóng tiền để khỏi đi làm sưu) với giá quá cao, thí dụ trường hợp làng Vĩnh Hòa Hưng, tổng cộng là 8 đồng 3 xu về thuế thân, năm 1914.
Số đông tá điền không đóng nổi thuế thân hoặc không muốn đóng vì suốt năm họ không có việc gì để đi ra khỏi làng. Thỉnh thoảng lính mã tà vào làng xét hỏi, dân lậu thuế (gọi là trốn xâu lậu thuế) chạy trốn ngoài ruộng hoặc vô rừng mà ẩn náu. Bị bắt về tội thiếu thuế thân là 5 ngày tù với 15 quan phạt vạ. Khi mản tù phải đóng thuế, ai không tiền thì làm cu—li cho nhà nước tại chợ lấy tiền mà bù vào.
Người nào trốn thuế quá lâu mà muốn vô bộ thì hương chức giải quyết bằng cách ăn hối lộ rồi cấp cho một giấy thuế thân mà làng đã xin cho người khác (nhưng người ấy đã trốn, bỏ làng). Trường hợp thay đổi tên họ như thế thường xảy ra. Gặp năm mất mùa hễ không đóng nổi thuế thân và không trả được địa tô cho chủ điền thì cứ trốn qua xứ khác mà làm ruộng lưu động, để rồi tiếp tục dời chỗ (gọi nôm na là làm ruộng dạo, làm ruộng hàng xáo).
Ngao ngán nhứt cho người dân là việc làm xâu. Trong những năm cần đào kinh hoặc đắp đường, nhà nước trưng dụng quá thời hạn 5 ngày mà luật đã định. Cai tổng và hương chức lợi dụng để bắt nạt tống tiền, ai muốn ở nhà thì lo hối lộ. Mãn hạn thì người làm xâu được về nhưng hương chức thường bắt buộc làm thêm vài ngày (trường hợp làm đường lộ Rạch Giá, Hòn đất năm 1905). Năm 1911, khi bày việc đào kinh từ rạch Cái Su đến rạch Thứ Nhứt, dân phải làm đến 20 ngày, tự túc đem theo ky, cuốc, xuổng, gạo, nhà nước không cấp phát gì cả. Trong vài trường hợp nhà nước có cấp phát tượng trưng bằng tiền mặt. Người ở gần sông, đặc biệt là ở phía sông Cái Lớn hoặc Cái Bé tiếp giáp qua Cần Thơ lại phải làm xâu vớt lục bình, đề phòng sông rạch bị chận nghẹt, ghe thuyền khó qua lại. Thời thực dân hễ gom dân làm xâu, trong văn kiện làng công khai gọi là “đuổi dân xâu ra nhà việc”. Khi phóng lộ hoặc tiếp tay với nhân viên Công chánh đắp lộ, dân phải làm cu—li với giá rẻ, nhiều người bỏ trốn.
Người Miên khổ cực hơn người Việt. Trong những địa phương người Miên quá đông, hương chức làng đa số là người Miên. Họ bị cai trị hteo lối phong kiến đặc sệt. Khi bị đòi tới làng, tới quận là họ sợ bị tù. Khi cần hợp thức hóa đất ruộng mà họ dày công khai phá, họ lại vắng mặt. Họ ít khi dám đòi hỏi quyền lợi chánh đáng, thà chịu thua thiệt mà được ở nhà.
Thực dân Pháp khinh thường người Miên ra mặt. Trừ một số ít người mang họ (Sơn, Thạch...) do ông bà truyền lại từ đời Tự Đức, hoặc lai Tàu (họ Trần, họ Lý nhưng không có chữ lót) thì tất cả đều không họ. Trong bộ sổ, cứ gọi tên này tên kia (Danh), đàn bà thì gọi là Thị.
Trong công tác khẩn hoang, người Miên góp công lao đáng kể. Họ làm công hoặc làm tá điền cho người Việt, dầm mưa dãi nắng rất dẻo dai, sở trường của họ là chèo ghe, đốn tràm, đào mương, tát đìa bắt cá. Đàn bà Miên giỏi về cấy và gặt lúa, gặt cấy rất kỹ lưỡng và vén khéo tuy chậm chạp. Gia đình Miên nào nghèo thì khó tả : ngủ nóp, hoặc ngủ trần với bếp un, ở nơi muỗi mòng mà nhiều đứa trẻ từ khi lọt lòng đến tuổi mười hai mười ba vẫn ở trần ở truồng, không biết áo quần là gì, ăn uống quá đạm bạc. Vài người đã mất đất vì ham cờ bạc, quá cao hứng lúc uống rượu say nên sẵn sàng điềm chỉ vào bất cứ giấy nợ hoặc giấy bán đất. Về thuế thân thì mười người trốn hết bảy tám.
Đặc biệt là ở Rạch Giá, người Huê kiều lại tích cực khẩn hoang với sở trường là làm rẫy ở đất giồng ven sông Cái Lớn và Cái Bé (những giồng này gọi là thanh lang). Họ có mặt tại xứ Rạch Giá từ đời Mạc Cửu nhưng con cháu số người cố cựu ấy đã trở thành Việt Nam từ lâu đời rồi. Đợt người sang cư trú khi Pháp đến gồm đa số là người Triều Châu. Theo bảng kê khai vào tháng giêng năm 1906, tỉnh Rạch Giá có :
Quảng Đông 266 người
Hẹ (Akas) 17 người
Hải Nam 331 người
Phước Kiến 108 người
Triều Châu 876 người
Người Triều Châu làm rẫy cư ngụ thành xóm đông đúc, siêng năng không ai bì kịp, ăn ít, làm việc thì nhiều, bất chấp giờ giấc. Khóm (thơm) ở Tắc Cậu, khoai lang ở Ngả Ba Đình, khoai lang ở Trà Bang (Long Mỹ), ổi ở Bến Nhứt một dạo nổi danh toàn cõi Hậu giang. Đa số nghèo khó, không được quyền làm thừa sai để bầu cử ông Bang vì muốn làm thừa sai thì phải có hằng sản, đứng bộ điền hoặc đóng thuế môn bài. Họ cưới vợ Việt, gặp năm rẫy thất mùa, đời sống nói chung là cơ cực vì còn phải trả tiền mướn đất rẫy.
Thuế thân của Hoa kiều cao gấp ba lần thuế của người Việt. Người nào làm ăn khá, còn sức khoẻ thì Bang trưởng đứng ra bảo đảm đóng thuế giùm, sau này trả lại. Nhưng gặp trường hợp quá nghèo, đau yếu thì chẳng ai dám bảo lãnh giùm cả. Thiếu thuế nhiều năm liên tiếp, theo luật là bị trục xuất về Trung Hoa. Người thiếu thuế 4 năm nếu bị bắt thì phải đóng 62 đồng, cộng thêm 30 đồng tiền phạt. Một số làm ăn thất bại, trốn xuống tàu buồm Hải Nam mà đến xứ khác như qua Xiêm, Mã Lai, rủi bị trục xuất về Tàu thì xảy ra cảnh chồng Bắc vợ Nam. Huê lợi về rẫy không được bền, sau năm bảy năm, họ trồng các loại khác, kém huê lợi hơn vì đất lần lần mất chất màu mỡ. Người quá nghèo không còn bà con bên Tàu thì cố gắng ở lại xóm rẫy. Trong trường hợp thiếu thuế, họ đành tự giam hãm trong làng, lo hối lộ từng chập cho hương chức hội tề để khỏi bị bắt. Hoặc dời chỗ, cải trang như trường hợp của người mang tên là Trần Văn Sơn, 60 tuổi, người Triều Châu để búi tó, mặc quần áo như người Việt Nam bị bắt vào tháng chạp 1914 ở Gò Quao vì bị tình nghi là theo Thiên Địa Hội. Ông này khai thật rằng qua Việt Nam hồi năm 38 tuổi, ở Bạc Liêu làm ăn 3 năm, ở Cần Thơ 8 năm, ở Cà Mau 3 năm, ở Rạch Giá từ 3 năm qua nhưng rốt cuộc làm ăn không khá, đành mua tấm giấy lão của người Việt tên Phạm Văn Lê. Vì sợ tung tích bại lộ nên ông ẩn lánh ở sốc người miên.
Về tình trạng của nông dân nghèo năm 1908, nhà cách mạng Trần Chánh Chiếu cũng là điền chủ lớn ở Rạch Giá đã viết bài đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn số 42, tháng 9/1908 (hai tháng sau là ông bị bắt vì việc vận động Đông Du). Bài lấy hai câu thơ “Nhị ngoạt mại tân ti. Ngũ ngoạt khiếu tân cốc” làm nhan đề.
Người Nhiếp di Trung làm bài thơ Mảng Nông có câu thơ rằng : tháng hai bán tơ mới, tháng năm bán lúa sớm, cắt thịt vá ghẻ nghĩa là đở ngặt vậy chớ khổ cũng hoàn khổ.
Thương hại cho dân nghèo ra thân đi làm tá điền, vì trong tay không có nghề sản nên mới chui đụt đỡ giấc, nói tiếng làm ruộng chớ kỳ trung đi kiếm ăn cho qua ngày tháng. Làm ruộng gì mà mãn nhứt đại không có dư một hột lúa dính tay, lẽ thì ba năm làm mới có một năm thiếu ăn, có đâu hụt trước thiếu sau, lúa gặt vừa rồi đã đi lãnh ruộng giao, lãnh công cấy công phát.
Một năm 12 tháng, làm ruộng thật sự có bốn năm tháng còn bảy tám thán dư linh làm nghề chi ? Vì không có nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo.
Thương ôi, dốt đặc hơn cá tôm, vụng về hơn trùng dế. Dân nước khác tiếc tới giờ tới phú như tiền bạc, dân nước mình phí ngày tháng như nước trôi.
Uổng thay, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều luống những đêm ngày. Nghe ai cho vay thì mừng hớn hở, hỏi rồi nào lo trông trả. Vì vô nghề nghiệp nên mới sanh tệ trong xứ như thế. Làm người phải biết thương cái thể diện của mình.
Kẻ thương quê hương phải hết sức giúp cho nền công nghệ thì có ngày trừ đặng việc tình tệ mới bày tỏ trước đó.
Hơn 20 năm sau, vài học giả Pháp nghiên cứu tình hình kinh tế, tình hình đất đai miền Nam, cách khẩn hoang ở Hậu giang, vấn đề cho vay, việc phân phối đất đai... rồi đưa ra vài biện pháp “xây dựng”. Nhưng gẫm lại, việc nghiên cứu của họ chỉ là thương vay khóc mướn, không tiến bộ bằng bài báo trên. Vấn đề chánh là tá điền sống trong tình trạng bán thất nghiệp, ruộng một mùa, độc canh ; kỹ thuật thì không hơn thời vua Tự Đức, nếu không nói là thời Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp.
Bi thảm nhứt là năm mất mùa, bao nhiêu lúa phải gom lại để trả địa tô để rồi xuất cảng, trong khi “những người mạnh khỏe, nếu tìm được công việc làm (làm mướn trong xóm) cũng khó đủ tiền để mua gạo ăn trong ngày, vì giá lúa cứ tăng lên tại địa phương”.


Chương 2 - 4

Vùng Bạc Liêu, Cà Mau xa xôi và phức tạp


Cà Mau là đất có dân từ thời Mạc Cửu, qua đời Gia Long thì những giồng cao ráo ở ven sông Ông Đóc, sông Gành Hào, sông Bãi Háp và vài phụ lưu đã thành xóm. Lúc tẩu quốc, Gia Long nhờ dân ở Cà Mau giúp nhiều về tài lực, nhân lực ; vài người nổi danh, như Dương Công Trừng. Mũi Cà Mau là vùng rừng đước, rừng vẹt, còn lại là rừng tràm. Phía Nam Hải, nhiều nơi có bãi cát đen. Phần ở chót mũi Cà Mau gần như nước mặn tư niên, trừ khi mưa già. Dân sống được là nhờ nước ngọt từ Hòn Khoai chở vào bờ.
Từ xưa, Cà Mau là nơi người Hoa kiều sống rải rác với người Miên. Nhằm mùa đánh cá, ngư phủ ở Gò Công đến ven biển, cất chòi ở tạm rồi trở về xứ. Đợt Huê kiều vào lập nghiệp khiến cho Bạc Liêu, Cà Mau trở thành khá phồn thịnh là đợt cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến. Họ đi bằng tàu buồm vào Cà Mau, khỏi ghé qua Sài Gòn. Lại còn một số người từ Sài Gòn, Chợ Lớn đến lập nghiệp.
Nghề làm ruộng muối do người Hoa kiều nắm trọn. Vào thời Gia Long, nghề dệt chiếu thành hình với kỹ thuật cao, cùng là nghề khai thác sáp ong, mật ong và sân chim. Người Pháp nhận xét lệch lạc về vùng Cà Mau, Bạc Liêu vì họ so sánh với các tỉnh miền Tiền giang. Dân địa phương đã khéo léo nhắm vào nhu cầu thị trường, làm ruộng vừa phải, dư quá nhiều cũng không ích lợi gì. Họ làm thêm rẫy khoai lang, nhứt là nghề đánh lưới và đóng đáy để thu huê lợi to hơn : tôm khô, cá khô.
Các viên tham biện đầu tiên đến Cà Mau, Bạc Liêu ghi lại khung cảnh hoang vắng thưa thớt, họ quên rằng lúc ấy hễ nghe tiếng máy tàu là ai nấy chạy trốn. Nhà cửa thường cất khuất lấp ở ngọn rạch, nơi đất cao. Vàm rạch là bãi bùn đầy cây cỏ. Chạy tàu ngoài sông cái, nơi nước sâu thì khó bề nắm được tình hình. Lại còn sự kê khai sai lạc về đất ruộng và dân số của hương chức làng. Người Huê kiều thì tỏ ra ương ngạnh, không muốn nơi mà họ đã nắm ưu thế lại bị xáo trộn.
Về mặt hành chánh, thực dân lúng túng không biết nên tổ chức thế nào cho hợp lý. Thoạt tiên sau khi chiếm ba tỉnh miền Tây, vùng mũi Cà Mau nhập vào hạt Rạch Giá với tỉnh lỵ là chợ Rạch Giá. Vùng Bạc Liêu thì nhập qua hạt Sóc Trăng.
Vào tháng 6/1871, vùng mũi Cà Mau nhập qua tỉnh Sóc Trăng, tách khỏi Rạch Giá. Nhưng 6 tháng sau, hoàn lại tỉnh Rạch Giá như cũ. Đến ngày 18/12/1882, chánh phủ mới dứt khoát lập ra một tỉnh mới : lấy một phần vùng Bạc Liêu thuộc hạt Sóc Trăng và vùng Cà Mau thuộc hạt Rạch Giá nhập lại đặt ra tỉnh Bạc Liêu. Đây là hạt thứ 21 của Nam kỳ thuộc địa.
Nên phân biệt rõ về trường hợp tỉnh Bạc Liêu, tuy gom vào chung một đơn vị hành chánh nhưng gồm hai phần đất khác nhau về địa chất và về mức khẩn hoang :
— Vùng Bạc Liêu, theo địa danh thời Tự Đức, ăn từ rạc Bạc Liêu trở về phía đông tiếp giáp qua Sóc Trăng. Mãi đến những năm 1930, người lớn tuổi trong giới bình dân còn gọi vùng này của Bạc Liêu là hạt Ba Xuyên (bài vè Nọc Nạn : Lục tỉnh có hạt Ba Xuyên, Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày). Gọi như thế vì vùng này thời Tự Đức nằm trong địa phận phủ Ba Xuyên rồi tách ra lập thành huyện Phong Thạnh do phủ trực tiếp kiếm nhiếp. Khu vực này thoạt tiên được người Pháp cho nhập vào tỉnh Sóc Trăng, gồm phần lớn là đất giồng tốt, cao ráo, nhà cửa sung túc với ruộng gò, rẫy, vườn nhãn, ruộng muối. Vùng Bạc Liêu này là đất khai thác từ xưa.
— Vùng mũi Cà Mau, tức là huyện Long Xuyên thời Tự Đức với rừng đước, rừng tràm, phần lớn là đất thấp giống như khung cảnh phía nam vùng Rạch Giá. Vùng Cà Mau này đáng nói hơn, vì là đất mới.
Điểm khó khăn cho vùng Cà Mau về mặt hành chánh là sự liên lạc với tỉnh lỵ. Tham biện Rạch Giá cho biết là phải dùng đường biển dọc theo vịnh Xiêm La. Nhập Cà Mau qua Sóc Trăng thuận lợi hơn, vì Cà Mau đến chợ Sóc Trăng tương đối gần. Nhưng đó là nhìn trên bản đồ mà suy luận thôi. Tham biện Sóc Trăng đưa ý kiến vào tháng 12/1869 rằng từ Cà Mau qua tỉnh lỵ Sóc Trăng đường liên lạc quá khó khăn vào mùa nắng : nhiều đoạn đường phải dùng trâu mà kéo ghe qua vùng lầy. Mùa mưa thì từ Cà Mau đến Sóc Trăng đi và về tốn 6 ngày, mùa nắng thì lại tốn đến 10 ngày.
Thật vậy, trên bản đồ ta thấy nhiều con rạch tuy có thật nhưng lại cong queo và quá cạn. Mùa mưa thì nước nổi nhưng không đủ sâu để ghe thuyền lui tới dễ dàng. Muốn di chuyển, từ lâu đời rồi, dân địa phương dùng xuồng nhỏ mà chống bằng sào hoặc dùng trâu để kéo cộ hay kéo ghe. Qua mỗi mùa mưa, cỏ và bụi lùm ở hai bên bờ rạch cứ mọc cao hơn trước, che khuất lối đi.
Nhiều vùng đất ở Cà Mau thuộc vào loại khó định nghĩa : có thể nói là một thứ đất lỏng bỏng hoặc là một thứ nước đặc sệt.
Hai năm sau, tham biện Rạch Giá cho biết : lúc trước vì có quyết định giải tán tỉnh Rạch Giá (Rạch Giá nhập qua tỉnh Long Xuyên) nên đành cắt vùng Cà Mau nhập qua Sóc Trăng. Nay đã duy trì tỉnh Rạch Giá thì nên cho Cà Mau trở về Rạch Giá như cũ để cho số dân Rạch Giá thêm đông đảo hơn :
Rạch Giá và Cà Mau nhập lại, được 100 làng.
Sóc Trăng và Cà Mau nhập lại, được 203 làng.
ý kiến nhập trở lại Rạch Giá được cấp trên nghe theo vì tham biện Rạch Giá là Benoist là tay có uy tín, tàn ác với dân bổn xứ. Ông ta sợ mất thuế phong ngạn (sáp và mật), mất thuế bến (đánh vào tào buồm Hải Nam) và đưa ý kiến là đường liên lạc từ Cà Mau đến Rạch Giá không xa cho lắm !
Sau rốt, tỉnh Bạc Liêu thành hình lấy tên là Bạc Liêu vì ngay chợ của tỉnh lỵ có con rạch Bạc Liêu (có giả thuyết cho rằng do Poanh Lieu mà ra, tức là nơi có đạo quân người Lào trú đóng thời xưa).
Lý do chánh để lập tỉnh Bạc Liêu do Thống đốc Nam kỳ nêu ra cho Tổng trưởng Thuộc địa Pháp là vấn đề an ninh, sự khuấy rối ngấm ngầm của Thiên Địa Hội. Giám đốc Nội vu trình bày với Hội đồng quản hạt ngày 28/8/1882 : nếu cái đầu của Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn thì thân hình của Thiên Địa Hội ở Bạc Liêu.
Ngoài ra, dưới mắt người Pháp, Cà Mau Bạc Liêu là nơi bấy lâu chưa được ổn định đúng mức : nhiều kẻ bất lương từ bên Tàu, từ các tỉnh lân cận tụ họp lại, lập sào huyệt.
Tham biện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu là Lamothe de Carrier báo cáo tổng quát vào năm 1882 :
— Trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên thành phố lớn nhứt của Nam kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kinh nối liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch Bạc Liêu. Cây cầu này giúp cho 6000 người qua lại mua bán mỗi ngày.
Theo báo cáo trên thì giữa Bạc Liêu và Cà Mau là đồng cỏ bao la che kín chân trời, không một bóng cây cao, cỏ mọc dày, rễ bám vào bùn. Mùa nắng, cỏ vẫn không chết. Mùa mưa nước ngập, cỏ lên cao đến một mét rưỡi. Trong đồng cỏ, ai muốn đi hướng nào thì đi, muỗi mòng vô số kể. Mùa mưa, xuồng nhỏ tha hồ di chuyển nhưng ghe to thì phải đi theo con đường con queo hơn, gọi là “đường láng”. Đường này đầy cỏ, khi di chuyển phải có người phát cỏ ngã rạp xuống, cào sang một bên rồi đẩy ghe trên khoảng đất vừa dọn trống trải ấy. Nếu gặp nơi cỏ quá rậm rạp, ghe chở nặng chỉ di chuyển một ngày có một cây số. Viên tham biện đề nghị cho đào con kinh Bạc Liêu Cà Mau rồi lấy đất đào ấy mà đắp đường lộ xe. Đồng thời, ông ta cho biết là dân số không quá ít oi nếu kiểm tra lại kỹ lưỡng hơn. Riêng về người Huê kiều ở phía Bạc Liêu trước kia khai 1900 người nay lại khai thêm 3000 người nữa cộng lại 4900 người, chưa kể một số Huê kiều làm bạn chèo ghe hoặc ẩn náu ở ruộng muối.
Cũng trong năm 1882, dân bộ trong tỉnh phỏng chừng 2500 người (có thể là 30000) tức là bằng số dân ở tỉnh Tây Ninh, cao hơn số dân Rạch Giá.
Diện tích toàn tỉnh là 810.000 mẫu tây, canh tác chừng 14.761 mẫu. Tổng số thuế dự thâu năm 1882 là 36.183 đồng, trong đó tiền thâu to nhứt là thuế thân của Huê kiều, kế đến là thuế điền 6.585 đồng, đến thuế thân của người việt 4.792 đồng.
Chợ Bạc Liêu nằm trên địa phận làng Vĩnh Hương. Vùng ngoại ô ăn qua các làng Vĩnh Hinh, An Trạch, Tân Hưng (năm 1890, nhập lại gọi là làng Vĩnh Lợi, hương chức các làng An Trạch và Tân Hưng kêu nài vì trong tên Vĩnh Lợi không có dấu vết tên làng của họ, đề nghị quan trên sửa Vĩnh Lợi ra làng Tứ Hòa, nhưng không được chấp thuận). Từ năm 1873, đất làng Vĩnh Hương đã đem ra đấu giá với giá một cắc hai xu một thước vuông. Năm 1880, khai trong bộ ở chợ Bạc Liêu là 2.757 người nhưng năm 1882 là 6000 người.
Việc thành lập tỉnh Bạc Liêu gây khó khăn cho ngân sách Nam kỳ, năm 1882, phỏng định tốn kém chừng 45.000 đồng để xây cất dinh thự, công sở, cộng thêm chừng 8.000 đồng lương bổng cho nhân viên. Thuế phỏng định chắc chắn sẽ thâu được là 35.000 đồng nhưng nếu thiếu tiền cứ dùng bàn ghế cũ từ tòa Bố Sóc Trăng gởi tặng. Và còn dự thu thêm một số tiền phạt những người nào theo Thiên Địa Hội.
Thoạt tiên, nhà lồng chợ cất bằng lá. Năm 1885, làng Vĩnh Hương xin cất chợ lợi ngói, hy vọng rằng tiền góp chợ sẽ tăng gấp đôi và xin vay trước của nhà nước 6100 đồng để xây cất, làng sẽ trả lại cho nhà nước cả vốn lẫn lời trong vòng 12 năm. Năm 1892, tham biện bắt buộc những nhà lá ở chợ phải dỡ bỏ để cất lại phố ngói có lầu.
Tiến triển của việc cai trị
Bộ máy hành chánh khá chặt chẽ vừa thiết lập làm cho người Huê kiều và người Minh Hương bực bội vì họ đã quen với quy chế tự trị tương đối rộng rãi hồi thời đàng cựu. Họ xem vùng Bạc Liêu như đất riêng của họ. Ngoài ra, còn nhiều người từ Rạch Giá đổ xuống, đa số là người lãnh bằng cấp của quân khởi nghĩa để chuẩn bị âm thầm dấy binh giữa vùng Rạch Giá và Châu Đốc, nhưng cuộc này không xảy ra được.
Năm 1885, lập được 5 trường tổng với 326 học sinh ghi tên, đa số đều vắng mặt khi bắt đầu mùa ruộng hoặc đau ốm vì bịnh rét rừng, tất cả đều là trường lợp lá, thiếu bàn ghế, nhiều trường không có sách gì cho học trò học ngoại trừ tờ Gia Định báo, tức là Công báo do làng phát cho.
Con Đường Láng tức là đường kéo ghe từ Bạc Liêu qua Cà Mau vẫn còn sử dụng vì chưa đào kinh được. Nhà nước giúp đỡ người đi ghe bằng cách cắm nọc làm dấu hai bên đường, mỗi năm hai lần, cắm vào lúc đầu mùa và lúc dứt mùa mưa. Kinh Mương Điều nối Rạch Đầm qua sông Gành Hào đào gần xong nhờ bắt dân làm xâu, chỉ còn lại 480 thước chót.
Trong mùa 1884—1885, ghe chở ra khỏi tỉnh 174.693 tạ lúa và 79.349 tạ muối. Việc khẩn đất thì đang tiến hành, dân ở miền trên đến, tha hồ khai khẩn để mong được làm điền chủ nhỏ ở vùng đất sình lầy, vô chủ. Về đất đai, năm 1885, chưa phân khoảnh để làm bằng khoán được, ngoại trừ tổng Thạnh Hưng và tổng Thạnh Hòa.
Quận Cà Mau còn nguyên vẹn, chưa đo đạc. Nhờ điều tra lại nên chủ tỉnh biết thêm về vùng Cà Mau : dân không giàu nhưng ai nấy đều đủ ăn, có chùa, có đình làng, có nhà ngói. Nhưng đi về phía mũi Cà Mau thì chạy tàu nhiều tiếng đồng hồ mà không gặp một căn chòi nào cả. Nghề đóng đáy, làm tôm khô bán cho ghe Hải Nam càng phát triển. Chiếu Cà Mau được giá, nhiều người bỏ nghề ruộng để dệt chiếu và vô rừng khai thác mật ong, sáp. Mùa mưa, đường vận tải dễ dàng, họ đốn cây mà bán lậu qua Sóc Trăng hoặc lên chợ Bạc Liêu.
Theo sự phỏng định lạc quan của chủ tỉnh Caffort thì trong vòng hai năm tới, Bạc Liêu sẽ là vùng giàu có, chỉ cần cho người từ Bắc kỳ vào canh tác với kỹ thuật cổ truyền là đủ làm cho huê lợi tăng lên gấp mười. Tỉnh Bạc Liêu phía giáp Sóc Trăng là nơi Huê kiều và người Cao Miên đông đúc, ruộng tốt, dân chúng thích nói tiếng Triều Châu. Riêng về quận Cà Mau, người Việt đông hơn, gần như là thuần túy, chỉ trừ hai làng có sốc Miên mà thôi.
Năm 1887, Lamothe de Carrier trở lại Bạc Liêu làm chủ tỉnh và nhận định rằng tình hình thay đổi khả quan so với nhiệm kỳ trước của ông ta. Việc kiểm tra cho biết ở Bạc Liêu sau người Việt thì đông đảo nhứt là người Cao Miên, kế đến người Minh Hương gốc Triều Châu. Trong 2.500 Huê kiều, người Triều Châu chiếm đến 2000. ở tổng Thạnh Hưng, nhiều gia đình chỉ nói toàn tiếng Triều Châu và các ông hương chức hội tề không biết nói tiếng Việt. Nạn Thiên Địa Hội, ăm trộm trâu, ăn trộm ghe, nhứt là buôn lậu á phiện còn đầy dẫy. Dân hút thêm á phiện nhưng nhà nước bán ra ít hơn năm trước :
— Năm 1884, nhà nước bán ra 56.000 đồng.
— Năm 1886, nhà nước bán ra dưới 40.000 đồng vì nạn á phiện lậu thuế.
Viên chủ tỉnh này lại báo động : điền chủ trong tỉnh mượn của Đông Dương ngân hàng trên 35.000 đồng để làm mùa, nhưng có lẽ họ thua cờ bạc hết rồi. Đề nghị cho dân ngoài bắc vào, cắp đất cho họ. Năm 1882, phỏng định 36.000 dân, nay được hơn 50.000. Đang làm đường nối qua Sóc Trăng, đường ở chợ Bạc Liêu đã tráng đá.
Để kiểm soát vùng đất rộng, giao thông khó khăn và dân số phức tạp, thực dân đã cố ý đưa về Bạc Liêu và Cà Mau một số công thần với tác phong kiêu binh và hách dịch. Phủ Đức, từng góp công dẹp loạn lúc trước ở Mỹ Tho đến làm mưa làm gió ở Cà Mau. Cai mã tà tên là Cang, người đã trực tiếp bắt Thủ khoa Huân ở Chợ Gạo được về Bạc Liêu làm chức phó quản mã tà. Lính tập hữu công đã từng viễn chinh ở Bắc kỳ, dẹp loạn ở Cao Miên cũng trở về Bạc Liêu làm chức quan trọng.
Một viên thông ngôn từng trấn đóng, cướp giựt, ăn hối lộ ở Hạ Lào đã về tận Bạc Liêu rồi mà chủ nợ ở Hạ Lào vẫn năn nỉ xin nhà nước can thiệp vì số nợ quá nhiều. Lại còn viên chức Pháp chuyên ăn hối lộ, làm ở sở “Tào cáo” (Thương chánh) đã từng có thành tích xấu ở tỉnh khác. Nhà nước chọn người “đáng tin cậy” để làm hương chức làng nhưng bọn này lại xài thâm công quỹ, đánh bài và hút á phiện, đến mức chủ tỉnh nổi giận đề nghị với Thống đốc Nam kỳ đày họ ra Côn đảo để làm gương.
Vụ phủ Đức ở Cà Mau là điển hình nhứt. Năm 1897, chủ tỉnh Bạc Liêu nhận định Cà Mau là quận xa xôi và nghèo nàn nên không cần đưa một phó tham biện đến cai trị, vả lại cơ sở quận lỵ thiếu tiện nghi. Phủ Đức đổi tới Cà Mau rồi gặp rắc rối với một công chức Pháp làm nhân viên Công chánh. Tên bồi của viên chức này ra chợ mua đồ, cứ theo thói quen là nửa mua nửa giựt, dân trong chợ phản đối, tên bồi đánh luôn người thầu góp chợ rồi chưởi luôn phủ Đức. Tên bồi này bị bắt, chủ tỉnh giải hắn ta lên Khám lớn Sài Gòn để rồi hắn được tha tội. Viên chức Pháp hồi nghi phủ Đức đã yêu cầu bắt giam người bồi, nên trả thù bằng cách công khai tố cáo phủ Đức là kẻ tiểu tốt vô danh, không biết nói tiếng Pháp mà đòi cai trị Cà Mau với những luật lệ theo quy chế thổ trước, tức là muốn giam ai thì cứ giam. Theo viên chức Pháp này thì chợ Cà Mau là nơi hỗn loạn, dân chúng mở sòng bạc ngay ở ngoài đường, phủ Đức thì tưởng mình nhiều oai quyền như thời đàng cựu, tha hồ ăn hối lộ, chợ phố thì chẳng lo chỉnh trang, đến mức không còn tìm đâu một quán cà—phê, một tiệm tạp hóa cho ra hồn !
Một số thơ rơi gởi đến Thống đốc Nam kỳ để tố cáo phủ Đức (đây là do viên chức Pháp xúi dục, hay dân chúng thừa cơ ra tay tranh đấu ?). Những khoản tố cáo giúp ta thấy lối cai trị thời ấy, ở nơi xa mặt trời :
— Phủ Đức cho cất nhà hầu mới (nhà hầu tức là dinh quận) rồi bắt buộc cai tổng, các ông bang Huê kiều và hương chức làng dâng lễ, gồm sáp ong, bốn tấm hoành phi (mỗi tấm đáng giá 20 đồng). Ngoài ra còn một số bạc mặt.
— Gọi người Huê kiều và hương chức làng tới nhà hầu để đánh bài với ông ta, để ông ta lấy xâu. Nếu thua thì ông ta xin luôn.
— Cho chứa cờ bạc trong xóm, me và bài tây (bài cào), xâu một ngày một đem năm đồng.
— Mỗi người dân phải chuộc công sưu nhỏ (tức là phần làm xâu cho tỉnh) là 2 ngày, theo quy định 2 ngày này là 5 cắc, nhưng phủ Đức bắt buộc dân phải đóng 1 đồng bạc, năm cắc dư bỏ túi.
— Ngày Chánh Chung (lễ 14/7 của Pháp) lại chứa cờ bạc sau nhà, ông ta lấy xâu 15 đồng một ngày, 4 ngày là 60 đồng.
— Trong vòng một năm mà phủ Đức tổ chức kỵ cơm cho ông bà cở năm sáu lần. Mỗi lần như thế, làng phải đi 4 nang sáp và 4 đồng, làng nghèo thì 2 nang (quận Cà Mau gồm 30 làng cả thảy).
— Đem về quận hai ghe hát (hát bội), bắt buộc các làng phải mướn hát bao giàn một ngày một đêm là 10 đồng, con của phủ Đức làm kép hát, đến từng nhà mà mượn tiền mỗi nhà một đồng.
— Phủ Đức lục lạo thùng thơ trước khi cho gởi, vì vậy các đơn tố cáo đều bị xem trước.
— Mỗi tháng phủ Đức chở sáp đem về xứ một lần, mỗi lần chở hai thùng đầy, thùng dài 1 thước rưỡi, cao 1 thước.
Lại còn đơn tố cáo phủ Đức có thành tích xấu hồi trấn nhậm ở Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu. Chủ tỉnh Bạc Liêu binh vực phủ Đức, cho là vu khống (phải chăng vì có ăn hối lộ của phủ Đức) nhưng chủ tỉnh cũng nhượng bộ, yêu cầu cấp trên cho một người Pháp tới thay thế vì phủ Đức đã quá 60 tuổi rồi.
Vài nét về tình hình năm 1902 trở về sau
Thiên Địa Hội được tổ chức lan tràn khắp Bạc Liêu khiến người Pháp báo động. Một số đông người Việt và Hoa kiều gia nhập, ăn thề với nhau nhưng rốt cuộc dường như Hội chỉ còn hoạt động trong phạm vi cứu tế, vài người lại lợi dụng hệ thống bí mật của Hội để buôn bán á phiện lậu thuế.
Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ trung kiên của Thiên Địa Hội biết kiên nhẫn chờ thời để phối hợp hành động với toàn Nam kỳ vào năm 1913. ở Cà Mau vào khoảng năm 1910, ông hội đồng Trần Đắc Danh và ông Lâm Mẫn Huệ hoạt động mạnh, bị tù. Thực dân cứ xét bắt, phạt tiền kẻ vô tội mặc dầu chẳng tìm được bằng cớ nào chứng tỏ người Huê kiều ở Bạc Liêu theo đuổi mục đích chính trị chống Pháp. Thực dân cũng cố gắng kiểm soát hàng ngũ lính mã tà và hương chức làng. Những người Việt quá hăng hái thì lén trốn lên vùng Thất Sơn, gia nhập những nhóm Thiên Địa Hội mang tánh chất Việt Nam hơn, nhằm mục đích đánh đổ thực dân.
Phong trào tranh đấu đáng kể của đồng bào Bạc Liêu, Cà Mau là việc chống làm xâu. Con đường từ chợ Bạc Liêu nối xuống Cà Mau đã thành hình nhưng nhiều nơi cần phải đắp cao lên, khó khăn nhứt là trải đá. Nhà nước không giao cho nhà thầu vì quá tốn kém. Thay vào đó, bắt dân đốt đất ruộng cho chín rồi đập nát đem trải mặt đường, xài tạm thay cho đá.
Thực dân bấy lâu chỉ chú ý tu bổ con lộ ăn từ Bạc Liêu qua phía Sóc Trăng ; theo hệ thống giao thông thời ấy thì công văn, thư từ đưa từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng, để rồi từ Sóc Trăng ra Đại Ngãi (Vàm Tấn, bờ Hậu giang) đến đây mới dùng tàu thủy đưa về Sài Gòn.
Làm xong con lộ Bạc Liêu, Cà Mau là kiểm soát thêm dân, thâu thêm thuế, lúa gạo đưa về tỉnh lỵ nhanh hơn. Và ở hai bên bờ lộ, đất hoang sẽ có người tới khẩn, nhà nước tha hồ bán đấu giá.
Lộ xe làm từng khúc, ngang tổng nào thì dân tổng ấy làm xâu, kinh đào cũng vậy. Thoạt tiên khi có lịnh thì một số đông người đi làm lấy lệ để rồi phản đối ra mặt.
Nhà nước bắt buộc mỗi người đắp lộ 14 mét bề dài, bề cao 5 tấc và mỗi người đốt đất 7 thước khối, hầm chín.
ở làng Vĩnh Mỹ, hương chức làng bắt mỗi người dân xâu đắp đến 28 thước lộ và cung cấp 7 thước khối đất.
Làng Hòa Bình và làng Vĩnh Mỹ trở thành trung tâm tranh đấu. Ngày 15/4/1902, dân làng Vĩnh Mỹ làm đơn trình bày là họ chỉ đồng ý làm trọn 2 ngày công sưu theo luật định mà thôi. Còn việc đốt hầm để trãi đường thì “chúng tôi không biết làm chi mà đốt đủ để trả cho nhà nước, nay chúng tôi đành ở tù” ; 58 người ký tên dưới lá đơn.
Hương chức làng đánh trống ở công sở gọi dân tập họp đi làm xâu, 32 người đến và ra mặt chống đối. Hương chức làng hăm he. Họ đưa yêu sách : sẵn sàng làm xâu cho nhà nước 5 ngày, nhưng việc đốt đất thì không.
Ngày 15, tại làng Hòa Bình thì không ai chịu đi cả. Viên phó tổng đánh trống thì 39 người tới công sở bảo rằng họ cương quyết không chịu làm xâu. Một số khác không thèm tựu lại công sở, hỏi thì họ trả lời rằng sợ bị trả thù, vì bọn chống đối hăm he đốt nhà rồi giết những ai đi làm. Viên phó tổng yêu cầu chủ tỉnh phạt bọn chống đối mỗi đứa 8 ngày tù và 10 đồng tiền vạ.
Ông Hội đồng quản hạt (thuộc đơn vị Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu) là Hồ Bảo Toàn trình bày với Thống đốc Nam kỳ :
— Theo luật định, mỗi người dân chỉ phải làm 2 ngày công sưu nhỏ (phần địa hạt) mà thôi. Nhiều người đã chuộc công sưu, chịu đóng 2 ngày là 5 cắc cọng vào tiền thuế thân rồi. Nay bắt họ đi làm xâu thì nhà nước phải trả lại 5 cắc ấy cho họ.
— Việc đắp lộ và hầm đất vượt quá khả năng của người dân vì tốn nhiều công để đào đất, đốt đất, đập đất cho nhỏ, chở đến lộ rồi trải ra với mớ tro đã hầm (tro than củi). Tóm lại, chủ tỉnh Bạc Liêu đã “quá sốt sắng”.
Hội đồng quản hạt can thiệp chỉ vì dân 2 làng nói trên gồm 150 người đứng đơn kêu nài gởi thẳng đến Thống đốc Nam kỳ, một việc làm táo bạo lúc bấy giờ vì họ dám trực tiếp chống viên chủ tỉnh Pháp là Chabrier. Dân đưa ra lý lẽ :
— Làm xâu chỉ có 2 ngày theo luật mà nay nhà nước lại bắt hầm đất đắp lộ, làm 2 tháng chưa chắc rồi. Hơn nữa, muốn đốt cho xong 7 thước khối đất, dân phải xuất tiền túi ra mà mua củi.
— Năm ngoái (1901), nhà nước đã bắt làm xâu mỗi người 2 tháng (mà theo luật định thì chỉ có 2 ngày) để đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau mà chẳng thấy nhà nước trả thêm đồng bạc nào.
— Làng Hòa Bình là nơi thiếu củi để hầm đất, hầm xong phải chở 10 cây số mới tới lộ xe.
— Cai tổng và hương chức làng đòi hối lộ, ai lo lót 15 đồng thì khỏi làm xâu, người nghèo phải đi làm vì không tiền lo.
Ngày 18/4/1902, dân trong 3 làng kéo nhau đến trước cửa tòa Bố. Họ bị viên phó tổng và bọn lính mã tà đàn áp, đánh đuổi.
Dân làng gởi liên tiếp 3 lá đơn đến Thống đốc Nam kỳ để tố cáo : “Vả chăng quan Chánh bố là quan trong địa hạt mà hiệp với tổng mà khắc khổ dân tình lắm”, dưới đơn có 83 người ký. Rốt cuộc, chủ tỉnh là Chabrier bị Thống đốc rầy rà vì việc làm xâu đã vượt mức luật định và xa thực tế, từ rày về sau “phải tránh những việc tương tự”.
Việc đắp đường cứ tiếp tục. Chủ tỉnh nhượng bộ, hạ mức 7 thước khối đất hầm còn 2 thước khối và khoe khoang rằng mỗi ngày đã huy động từ 10.000 đến 12.000 dân xâu đắp lộ ; theo ông ta thì việc làm xâu quá luật định cũng đã từng xảy ra ở tỉnh Sóc Trăng. Và ở Bạc Liêu chỉ có hai làng là phàn nàn mà thôi.
Chưa xong việc đắp lộ, nhà nước lại thúc đẩy việc đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau : dân làm xâu được nhà nước phát cho rượu đế, vì là “thức uống hợp vệ sinh”.
Việc làm xâu đã từng là tai nạn lớn cho dân ở Cà Mau từ khi người Pháp mới đến : năm 1877, phủ Hòa bắt dân 3 tổng ở Cà Mau (Long Thủy, Quảng Long, Quảng Xuyên) đào kinh Bạch Ngưu nối qua phía nam Rạch Giá, đánh đập dân ; năm 1881, tự ý cho dân mướn thủy lợi trong kinh này nhân dịp bắt dân xâu lần thứ nhì.
Năm 1895, mùa màng thất bát quá mức tưởng tượng : Bạc Liêu và Sóc Trăng chỉ còn 1/10 hoa màu, mưa quá nhiều rồi gặp đại hạn. Vì mức thâu hoạch chỉ còn 1/10 nên Hội đồng quản hạt đề nghị với Thống đốc Nam kỳ miễn thuế điền ở Bạc Liêu năm 1896 cho 46.000 mẫu ruộng, huê lợi sút kém chỉ còn đủ nuôi sống dân trong tỉnh là 46.498 người. Trong số này, có 11.484 dân bộ được bớt thuế thân để tiếp tục làm xâu đào kinh Bạc Liêu, Cà Mau. Năm ấy đào được 46 cây số (con kinh dự định đào dài 72 cây số). Cuối năm 1895, cai tổng Thạnh Hưng báo động, làm đơn xin miễn thuế với Thống đốc Nam kỳ : “Bây giờ dân không biết đi đâu hết vì nội tổng tôi không có lúa, nó đi kiếm ăn đỡ đói”.
Đất ruộng nói chung thì tập trung về phía Đông giáp qua Sóc Trăng, nơi đã có người làm chủ từ lâu. Dân mới đến lập nghiệp chỉ còn vùng đất gần biển hoặc đất quá thấp phía mũi Cà Mau. Năm 1902, vài người khẩn đất lại phá sản, trả lại cho nhà nước vì đất không huê lợi, không sao đóng thuế được. Người nọ khẩn 160 mẫu ở Tân Hưng, thiếu thuế rồi bị bỏ tù, hương chức làng dán yết thị, rao bán đất ấy để bù tiền thuế nhưng chẳng ai thèm mua.
Làng Tân Thuận phía Cà Mau khai với quan trên : “đất đồng không có, làm đất ráng (tức là sình lầy có ráng mọc) theo mé sông, nước mặn tràn vô làm hư lúa, nước không tràn khi nào mưa muộn”. ở Tân Duyệt, trừ số đất cao ráo có người khẩn từ xưa thì “dân nó làm ruộng đất rẫy là đất dừa nước, chà là và ráng ở gần biển”, đa số đất ở gần biển vùng mũi Cà Mau đều là “nê địa ủng tắt”. Theo giá trị thường, một mẫu đất tốt ở Mỹ Tho, Gò Công trị giá từ 200 đồng đến 300 đồng trong khi đất gọi là đốt ở vùng Cà Mau trị giá không hơn 100 đồng.
Nhờ quy chế mỗi người được khẩn 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp) nên dân tứ xứ luôn cả những người đã thất bại ở Rạch Giá trong đợt khai thác đầu tiên đều rủ nhau đến Cà Mau. Nói chung thì đất hoang ở tỉnh Bạc Liêu quá thấp, có chân nước mặn, ba bốn năm đầu khó thâu huê lợi.
Mức trưởng thành của Bạc Liêu, Cà Mau khi chuyển mình góp phần lớn vào vựa lúa miền Nam, có thể đánh dấu vào khoảng 1914, khi nhà nước cho nghiên cứu đào kinh Quan Lộ, nối liền Phụng Hiệp xuống Cà Mau (gọi Quan Lộ vì kinh này khởi đầu từ rạch Quan Lộ). Nhờ đó mà trong tương lai gần, lúa gạo vùng Bạc Liêu, Cà Mau được chở về Sài Gòn theo đường thủy, ngang qua Rạch Giá, Cần Thơ rồi Trà Ôn, Vĩnh Long (Mân Thít)...
Năm 1927, người Pháp chỉ làm chủ ở Bạc Liêu chừng 30.000 mẫu. Bạc Liêu tiến sau các tỉnh khác, nhưng theo tốc độ nhanh.
Năm 1893, bán ra 316.000 tạ gạo.
Năm 1921, bán ra 2.733.330 tạ.
Năm 1927, diện tích canh tác lúa gạo của Bạc Liêu đứng hạng nhì ở Nam kỳ, chỉ sau Rạch Giá. Nhưng Bạc Liêu còn thêm nguồn lợi than đước, ruộng muối, nhứt là rừng tràm và hải sản. Đến năm 1927, đất ruộng đã chiếm 34 % diện tích của toàn tỉnh Bạc Liêu và chiếm 49 % diện tích của toàn tỉnh Rạch Giá.
Trong thực tế, với trình độ kỹ thuật và cơ cấu xã hội kinh tế thời ấy, khó mà khai thác nhiều hơn.
ở Bạc Liêu vào năm 1927, nhiều làng rộng 20.000 mẫu tây, to hơn một tỉnh bực trung ở Nam kỳ. Đứng đầu là làng Khánh An rộng đến 140.000 mẫu tây. Tuy nhiên, ta không nên có ảo tưởng là dễ tạo nên ruộng lúa phì nhiêu : đây là rừng tràm nê địa, dân khẩn hoang đến ở tuy gan lì nhưng rốt cuộc phải ra đi vì chỉ thâu được huê lợi duy nhất là đốn củi lậu thuế, bán từng xuồng nhỏ mà đổi gạo ăn ngày qua ngày. Một vài giồng đất cao thì đã có chủ từ thời Gia Long tẩu quốc rồi.
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #5  
Old 11-05-2012, 03:20 PM
Helen's Avatar
Helen Helen is offline
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jan 2007
Bài gởi: 3,082
neww LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Chương 2.5 - 2.6 - HẾT

LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM


Chương 2 - 5

Cần Thơ, đầu cầu và thủ đô miền Hậu giang

Vùng Cần Thơ thời Mạc Thiên Tứ mang tên là Trấn Giang, vào năm 1793. Mãi đến khi người Pháp xâm chiếm, Cần Thơ là vùng không quan trọng. Ngọn rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bé rồi ra vịnh Xiêm La nhưng không rõ rệt. Đời Tự Đức, Đại nam Nhất thống chí mô tả khúc đường ấy : Cuối đông qua xuân, nước khô bùn cứng ghe thuyền qua lại không được, từ mùa hạ qua đông, nước mưa tràn bờ thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà đi, cứ trông theo phía tả hay phía hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng người, có rất nhiều muỗi và đĩa, người qua lại rất khổ sở. Tóm lại, Cần Thơ chỉ đông đúc ở phía sát bờ Hậu giang.
Về giao thông và kinh tế, từ đời họ Mạc đến lúc người Pháp đến, lúa gạo ở Rạch Giá và ở Cà Mau thì xuất cảng cho những ghe Hải Nam vào chợ Cà Mau và Rạch Giá; lúa gạo ở Sóc Trăng và Ba Thắc thì bán theo cửa Ba Thắc (bản đồ Pháp ghi là cửa Tranh De, chắc là do chữ Trấn Di, đọc trại rồi âm lại). Vùng Cần Thơ chỉ là những xóm sung túc bên rạch Cần Thơ và rạch Bình Thủy, phía bắc là vùng Ô Môn có đất giồng khá tốt.
Đời Gia Long, Cần Thơ thuộc về huyện Vĩnh Định, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) nhập qua phủ Tân Thành (do Sa Đéc cai quản).
Vùng Ô Môn đời Tự Đức (và có lẽ từ các đời trước) là khu vực ít nhiều tự trị của người Miên nên Đại nam Nhất thống chí gọi là “thổ huyện”.
Thoạt tiên người Pháp đặt Cần Thơ (vùng rạch Cần Thơ và Ô Môn) là hạt nhưng không quan trọng bằng hạt Long Xuyên (Đông Xuyên) hoặc Sóc Trăng. Nghị định ngày 30/4/1872 lại đặt ra Trà Ôn, phần đất của Cần Thơ nhập qua Trà Ôn. Hạt Trà Ôn lại bị giải tán để rồi ngày 23/2/1876 tái lập hạt Cần Thơ với chợ Cần Thơ là tỉnh lỵ; Trà Ôn chỉ còn vai trò quận lỵ, nhưng là quận lỵ quan trọng nhứt nhì của tỉnh.
Pháp không lầm khi chọn Trà Ôn làm trung tâm quan trọng. Việc bán lúa gạo ra nước ngoài lần hồi không còn do các hải cảng Cà Mau, Rạch Giá (phía vịnh Xiêm La) hoặc Bãi Xàu (bờ Hậu giang) đảm nhận như trước nữa. Ghe buồm Hải Nam tuy to, chở nặng nhưng làm sao cạnh tranh nổi với các tàu sắt, chạy máy của Tây phương tại bến Sài Gòn.
Tàu máy chở gạo qua Hương Cảng với giá vốn nhẹ hơn. Dầu muốn hay không, lúa gạo miền Sóc Trăng cũng phải mượn đường Trà Ôn để đem bán tại Chợ Lớn. Rạch Trà Ôn nối qua sông Mân Thít bên Tiền giang, con đường mà trước kia Nguyễn ánh và Tây Sơn giành nhau quyền kiểm soát.
Quan cai trị Pháp biết nhìn xa : dời tỉnh lỵ về rạch Cần Thơ thì chợ Cần Thơ trở thành ải địa đầu quan trọng, nắm luôn nẻo thông thương thứ nhì, cũng nối từ Hậu giang qua Tiền giang để lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Đó là con đường từ rạch Cái Vồn qua rạch Nha Mân, phía Sa Đéc. Lại còn phía tây Cần Thơ là vùng Rạch Giá, Cà Mau bao la với nhiều triển vọng về lúa gạo, đất hoang chưa khai phá.
Cần Thơ có khí hậu tốt, đất hoang tuy chưa được khai thác đúng mức nhưng là rừng chồi thưa thớt, không như rừng tràm ở nước mặn phía Rạch Giá, Cà Mau. Giữa Cần Thơ, Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp như Đồng Tháp Mười, không quá sình lầy và nhiều phèn. Đó là cánh đồng sau này trở thành quận Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau). Thoạt tiên người Pháp gọi đó là “Đồng Sậy” nhưng vì khai phá xong nên địa danh này không còn thông dụng như trường hợp Đồng Tháp Mười hay rừng tràm U Minh.
Rạch Cần Thơ chạy dài tới Phong Điền, nhà cửa đông đúc. Rạch Cái Răng là nơi đất tốt. Đất ở rạch Bình Thủy không đâu sánh bằng; rạch Cần Thơ và rạch Bình Thủy như nối tiếp nhau ở cuối ngọn. Tuy không là văn vật như miền Tiền giang nhưng dân ở hai con rạch này khá thuần thục, thông hiểu lễ nghĩa “trai Nhân ái, gái Long Xuyên”.
Thực dân Pháp nhắm mục đích biến Cần Thơ thành trung tâm quan trọng nắm giềng mối đường giao thông về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau trong giai đoạn mà đường thủy nắm ưu thế. Về sau, sau trận thế chiến 1914—1918, những con lộ xe cũng nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược này. Phải qua Cần Thơ mới lên Sài Gòn được, đa số lúa gạo gom về Cần Thơ vì đây là con đường vận tải ngắn nhứt.
Khi Pháp đến, vùng Ba Láng (nhánh của rạch Cần Thơ) là nơi khởi nghĩa của Đinh Sâm. Đinh Sâm thất bại nhưng vào tháng 3/1870, chừng 200 nghĩa quân tụ tập lại ăn tiệc, chuẩn bị đánh tòa thâm biện Cần Thơ. Thực dân phát giác kịp, bắt giam 141 người, trong số này chừng 55 người mà thực dân cho là nguy hiểm bị đề nghị đày ra Côn Nôn hoặc đảo Réunion. Tham biện lúc bấy giờ là Alexandre dùng dân địa phương làm xâu, cất nhà lá chung quanh nhà lồng chợ để bán hoặc cho mướn lại.
Theo báo cáo thì ở Cần Thơ việc kiện thưa đất đai xảy ra quá nhiều chứng tỏ người dân thấy tương lai sáng sủa của nghề nông. Chủ tỉnh ra lịnh lập bộ điền cho kỷ hơn để thâu thuế. Năm 1887, đất canh tác là 85.000 mẫu, so với năm trước (khai để đóng thuế) tăng thêm 17.000 mẫu. Diện tích của tỉnh là 205.000 mẫu, tức là còn lại 110.000 mẫu có thể canh tác. Dân ghi trong bộ để chịu thuế trong toàn tỉnh là 26.500 người.
Đào kinh xáng Xà No
Kinh xáng Xà No là công trình lớn lao đầu tiên của Nam kỳ về đường thủy, có thể so sánh với việc thiết lập đường xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho về đường bộ. Kỹ thuật Tây phương đã biểu diễn với tất cả sức mạnh và hiệu năng.
Đời Gia Long và Minh Mạng, vua và các quan đã nhận rõ vai trò quan trọng của kinh đào đối với miền Tiền giang và Hậu giang. Kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế là những công trình chiến lược đứng đắn, nối vịnh Xiêm La qua Hậu giang để rồi lên Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn. Ai cũng biết đào kinh thì đất ráo phèn, ruộng nương dễ khai phá, dân chúng thích quy tụ ở nơi “sông sâu nước chảy”.
Kinh xáng Xà No nối Hậu giang qua vịnh Xiêm La, xuyên qua vùng đất tốt và to rộng giữa nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ (nhánh sông Cái Lớn nơi ấy gọi là Rạch Cái Tư).
Từ năm 1866, nhà nước dùng xáng mà vét lại rạch Bến Lức và kinh Bảo Định nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Năm 1875, đô đốc Duperré cho đào lại kinh Chợ Gạo và kinh Trà Ôn, dùng dân xâu. Năm 1893, quan toàn quyền De Lanessan cho đấu thầu ở Paris. Công ty Montvenoux trúng thầu với giá là ba cắc rưỡi một thước khối, trong tháng đầu phải đào 60.000 thước khối đất và năng xuất tăng thêm, trong tháng thứ 25 phải đào 200.000 thước khối.
Sáng kiến đào kinh Xà No trước tiên do hai người Pháp là Duval và Guéry nêu ra vì quyền lợi ích kỷ. Họ thấy đất tốt và rộng nên xin trưng khẩn. Và khi chưa được giấy phép trưng khẩn chánh thức là họ đã vận động với quan toàn quyền Paul Doumer (17/5/1900). Chủ tỉnh Cần Thơ cho biết là trước đó, năm 1896, đã đào kinh Ô Môn (nối ngọn sông Cái Bé từ Rạch Giá qua Ô Môn) dùng dân xâu nhưng tạm ngưng vì ở vùng đào kinh xảy ra nạn dịch khí. Kinh Xà No nếu đào được thì ích lợi vô cùng, giúp khai thác hàng mấy chục ngàn mẫu đất tốt phía địa phận Cần Thơ. Nhưng Duval và Guéry lại muốn nhà nước đào thật gấp, trong vòng một năm cho xong và bắt đầu đào ở phần đất mà họ đang xin trưng khẩn (tức là khởi đầu từ khoảng giữa) để họ thâu lợi sớm.
Kinh vừa khởi đào là Guéry được nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp cho không một sở đất tốt với diện tích khổng lồ là 2.500 mẫu nằm trên vùng đào kinh, tọa lạc tại làng Nhân Nghĩa, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ (nghị định số 338 ngày 14/2/1901).
Kinh Xà No đào từ 1901 đến tháng 7/1903 là xong, bề ngang trên mặt rộng 60 mét, dưới đáy 40 mét tốn phí 3.680.000 quan. Lần này, nhà thầu sử dụng loại xáng lớn chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi giàn mút được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60 mét. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn (như xe đạp nước). Từ xa, chiếc xáng giống như chiếc chiến hạm, máy chạy vang rền suốt năm ba cây số, mang theo một số chuyên viên, nhân công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng đốt nồi sốt—de bằng củi.
Vài chuyện khôi hài xảy ra, một số dân chạy theo xáng, dùng thúng mà hứng bùn để tìm vàng, nhưng chỉ gặp xương người xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất ấy về phần mình, vì mình đến trước nhứt. Cu—li của hãng xáng tụ tập, bày ra đánh bài, uống rượu hoặc đi ăn cướp, bọn cặp—rằn đo đất thì hăm dọa những chủ nhà ở gần con kinh sắp đào để tống tiền, ai cho tiền thì nhà cửa, vườn tược khỏi bị đào ngang. Bọn chuyên viên người Pháp đứng cao trên xáng, hò hét như các vị chỉ huy chiến hạm. Khung cảnh trầm hùng này đã in sâu vào giai thoại thời ấy, trở thành ca dao, chiếc xáng của Tây là sức mạnh cơ khí vô địch.
Lễ khánh thành kinh Xà No là ngày trọng đại, có lẽ đó là lần đầu tiên mà quan Toàn quyền Đông Dương chịu đặt chân đến miền Hậu giang. Quan lại địa phương, thân hào nhân sĩ từ các tỉnh lân cận đến tề tựu đón rước, ban quân nhạc từ Sài Gòn đến, lại có tổ chức dạ vũ.
Phần đất mà Duval và Guéry trưng khẩn thuộc vào loại tốt nhứt nhì của Nam kỳ. Những năm 1908—1910, trong khi ở tỉnh Cần Thơ điền chủ bổn xứ và điền chủ Pháp rầu lo vì nạn đói, nước mưa dâng quá cao thì phần đất của Duval và Guéry chẳng bao giờ bị lỗ lã nhờ ở sát bờ kinh. Điền của Guéry mướn bọn cựu quân nhân Pháp làm cai điền với súng ống hẳn hòi, xét bắt ghe xuồng qua lại. Ai chở lúa lậu thì bọn cai điền được chủ tỉnh cho phép lập biên bản giải tòa. Dân ở gần điền và các chủ điền lân cận đều bực dọc về thể thức xét hỏi này : lúa của họ bị kiểm soát, khi cần mượn đường nước để đi ngang qua điền. Kinh đào là của nhà nước, nhưng bọn điền Tây xem như là khu vực quân sự riêng của họ.
Vào những năm đầu thế kỷ, ở Cần Thơ người Pháp và người Việt có Pháp tịch làm chủ 36.000 mẫu (1910). Dường như chỉ có Duval và Guéry là thành công nhứt, vài công ty khác như Société des Rizières franco—annamites, hoặc Michel—Villaz et Cie đều lỗ lã, hoặc có những tư nhân như Balmann đã phá sản.
Công ty Associaton Rizicole Indochinoise thành hình vào năm 1910, gởi chuyên viên qua Mỹ quốc nghiên cứu các loại máy cày thích hợp rồi cho một kỷ sư canh nông là Alazard đến Thới Lai (Ô Môn) mang theo máy cày, máy bừa, máy gieo mạ, xin chánh phủ thuộc địa trợ cấp để thí nghiệm cải tiến kỹ thuật nhưng không đạt kết quả khả quan. Tên Duquet thử thí nghiệm việc cày máy vào mùa nắng, đầu năm 1911.
Tư nhân Pháp sẵn sàng góp tay với nhà nước để trong điền đất của họ có kinh đào cho riêng họ thủ lợi, dân xâu phải tiếp tay (trường hợp Sambuc và Belin trợ cấp 8.600 đồng nhân dịp đào kinh Thới Lai).
Năm 1907, để phục vụ cho mùa 1907—1908 nhà nước thiết lập ở Cần Thơ một phòng Dinh Điền nhầm mục đích tìm nhân công cho các điền của người Pháp ở Cần Thơ, mộ dân nghèo ở Bắc kỳ vào. Nhưng tốp dân mộ này vì bị quan lại ở quê xứ cưỡng bách, nên khi đến Cần Thơ lại lãng công, thiếu thiện chí. Rốt cuộc, nhà nước trả họ về quê để khỏi chịu tốn kém về cơm gạo.
Phòng Dinh Điền bèn kiên nhẫn thí nghiệm lần thứ nhì, nhờ quan Công sứ tỉnh Thái Bình chọn lựa kỹ lưỡng hơn, nhằm khẩn hoang vùng Phụng Hiệp. Người ứng một phải ký giao kèo chịu ở Nam kỳ ít nhứt là 3 năm, mỗi gia trưởng khi đến Cần Thơ được tạm cấp 4 mẫu đất, 5 năm sau trở thành sở hữu chủ, trong giai đọan khai thác đầu tiên được miễn 5 năm khỏi đóng thuế điền và thuế thân. Sau này, đất bán lại với giá rẻ cho người khai thác, lại còn giúp đỡ cụ thể về tiền bạc để sắm quần áo, nông cụ.
Đích thân viên đầu phòng Dinh Điền ra tới tỉnh Thái Bình để ký giao kèo với các gia trưởng chịu vào Cần Thơ nhưng làm sao viên chức này biết rõ cách thức tuyển mộ của quan Công sứ tỉnh Thái Bình ? Đợt người vào Nam này gần như bị quan trên bắt buộc phải đi, gồm có : 84 gia đình tổng cộng 328 người, chia ra 84 người cha, 85 người mẹ, 122 trẻ con, 37 người lớn tuổi.
Cuối tháng 5/1908, họ vào Cần Thơ, đưa đến vùng Phụng Hiệp (bấy giờ còn hoang vu) cứ 8 ngày là phát gạo, 15 ngày là phát tiền. Họ lãng công, một số chịu làm lụng nhưng không quen kỹ thuật làm ruộng ở địa phương, một số đông thì trốn, bỏ vợ con. Theo báo cáo của quan huyện ở Rạch Gòi thì tốp người ứng mộ này chỉ gồm chừng 5 hay 6 người là nông dân, còn bao nhiêu là dân mà viên chức ngoài Bắc cứ lùa vào Nam, tạp nhạp, theo kiểu bắt phu. Vì thế mà cuộc di dân không thu được kết quả gì ráo.
Từ tháng 12/1908 đến tháng 4/1909, họ lần lượt bị đưa về Bắc, còn sót lại 19 người đang ở tù, vì bất hảo (phúc trình hằng năm về tình hình tổng quát tỉnh Cần Thơ, niên khóa 1908—1909 của chủ tỉnh L. de Natra).
Trong đợt di dân đầu tiên, 50 người gọi là “cu li Bắc kỳ” tới điền của Duval và Guéry với một viên đội và 2 người cai canh chừng, nhà nước yêu cầu chủ điền cho lãnh lương hơi cao một tí để họ siêng năng làm việc. Nên hiểu cuộc dinh điền của Pháp chỉ là mô phỏng vụng về hình thức lập ấp đời Tự Đức. Đây là hình thức nô lệ trá hình, bị thất bại vì thiếu chính nghĩa.
Câu hát “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. Anh thương em cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm riềng họ hay” phản ảnh tâm trạng lạc quan của người dân thời ấy.
Vàm Xáng (vàm của kinh Xáng) là nơi kinh Xà No khởi đầu bên phía Cần Thơ (Xà No, Srok Snor, xóm có nhiều cây điên điển). Ngã ba này trở nên tấp nập, ghe xuồng đậu để chờ con nước thuận lợi mà qua Rạch Giá hay ra chợ Cần Thơ.
Năm 1908, hương chức làng Nhân ái đứng đơn xin lập chợ, gọi là chợ Vàm Xáng để thâu huê lợi cho làng. Một thân hào tình nguyện cho làng khoảnh đất để cất chợ, nhà canh và phố. Về sau, nhà tước tách địa phận này qua làng Nhân Nghĩa. Hương chức làng Nhân ái lại phản đối, lấy lý do : “Làng Nhân ái này là của ông bà cha mẹ chúng tôi lập ra hơn một trăm năm nay, nên luôn luôn rất bình an”, nếu cắt đất chợ mà nhập qua làng khác, e hư phong thủy (nhưng thật ra hương chức làng mất dịp làm ăn).
Năm 1913, một thân hào khác lại tặng cho làng sở đất 880 thước vuông để cất nhà trường làng “dạy trẻ con học hành phong hóa”. Lúa từ phía Rạch Giá theo kinh Xà No chở ra chợ Cái Răng, do người Huê kiều mua về, mướn nhà máy xay ra gạo tại chỗ trước khi đem về Chợ Lớn mà xuất cảng. Nhờ đó, chợ Cái Răng trở thành kho lúa gạo to lớn với nhiều dịch vụ mua bán mà người Huê kiều thao túng trên thị trường nội địa.
Năm 1908, chợ Cái Răng đã sung túc đến mức hương chức hội tề sở tại bán cái sườn nhà lồng chợ cho làng Thới Thạnh để mua cái sườn nhà chợ khác, to và chắc chắn hơn.
Vào đầu năm 1911, nhiều người bày ra sáng kiến lập chành, thoạt tiên chành cất bằng lá. Và cũng năm này, công ty Asiatic Petroleum xin phép cất cây cầu sắt dài 15 mét tại bến Cái Răng cho tàu chở dầu cặp bến dễ dàng hơn.
Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ
Đây là phong trào Duy Tân (gọi là cuộc Minh Tân) do Gilbert Trần Chánh Chiếu cầm đầu.
Cần Thơ là nơi mà giới điền chủ Việt có truyền thống văn hóa cao, tuy kém các tỉnh miền trên như Mỹ Tho, Tân An nhưng đứng vào hàng đầu các tỉnh Hậu giang. Người ở Cần Thơ liên lạc dễ dàng với các tỉnh miền trên. Đặc biệt là giới công chức Cần Thơ có tinh thần dân tộc, đến mức khiến thực dân Pháp phải khó nghĩ, lo ngại.
Phong trào Đông Du lôi cuốn con nhà khá giả ở Bình Thủy và Trà Ôn (nơi giáp ranh vùng Tam Bình). Lão sư Nguyễn Giác Nguyên ở chùa Nam Nhã (chùa Minh Sư, Bình Thủy) được ông Cường Để phong cho chức chủ tỉnh Cần Thơ nếu việc lớn được thành. Về mặt công khai, phong trào Duy Tân khá rầm rộ. Nhân sĩ yêu nước thời bấy giờ lập Hội khuyến học Cần Thơ vào ngày 23/3/1906. Trên điều lệ, mục đích của hội là giúp hội viên học hỏi trau giồi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước Pháp bằng mọi phương tiện. Hội trưởng hội này là Võ Văn Thơm, hai ông phó Hội trưởng là Hồ Hưng Nhường và Nguyễn Háo Văn. Vì chê thành phần Hội khuyến học Sài Gòn lúc bấy giờ kém tích cực và cũng vì muốn hoạt động riêng nên Hội Cần Thơ không tán thành việc gia nhập vào Hội khuyến học Sài Gòn (20 phiếu chống, 2 phiếu thuận). Ông Nguyễn Háo Văn là chiến sĩ đắc lực của phong trào Duy Tân. Về sau, khi vụ án Gilbert Chiếu phanh phui ra, ông bị cách chức vào ngày 19/4/1909 (ông là thư ký hạng nhứt). Và ba ngày sau thực dân cũng cách chức ông tri phủ Nguyễn Công Luận ở Sa Đéc, ông Huỳnh Công Bền, tri phủ Cai Lậy, ông Phạm Văn Bảy, tri huyện ở chợ Mỹ Tho bị can đồng một tội.
Tuy nhiên, vì không dám khuấy động quá mức, thực dân lúc bấy giờ có thái độ tương đối hòa hưởn, ông Nguyễn Văn Háo rút đứa con trai đang du học bên Nhựt về, cho tiếp tục học tại Saint Joseph English College Hong Kong (đây là ông Nguyễn Háo Vĩnh, có công trong việc chấn hưng ngành xuất bản sách ở miền Nam).
Trong bài diễn văn đọc kỳ đại hội của Hội khuyến học Cần Thơ ngày 10/1/1908, ông Hội trưởng Võ Văn Thơm công khai đề cao tinh thần dân tộc, cổ xúy người Việt nên hăng hái, bớt lười biếng, đứng lên tranh thương với Hoa kiều và ấn kiều, và trong hiện tại, họ đã nể nang người Việt. Lời lẽ trong bài diễn văn này không dính dấp gì với mục đích của Hội là “phổ biến văn hóa Pháp” cả.
Khi báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ về tình hình trong tỉnh, lần lượt các viên chủ tỉnh ở Cần Thơ thú nhận như sau :
— Báo cáo năm 1908—1909 của L. de Natra : Chủ tỉnh Cần Thơ hồi năm ngoái nhận định rằng “vụ án Gilbert Chiếu và đồng bọn không gây phản ứng gì rõ rệt đối với nhân tâm trong tỉnh. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận rằng một số đông kẻ liên can trong vụ án đều là quê quán ở Cần Thơ. Họ đang bị giam để chờ ngày ra trước tòa án Mỹ Tho...”
Chủ tỉnh de Natra nói là những biến cố năm 1908 chứng minh một cách khá rõ rệt rằng dân Nam kỳ bấy lâu chỉ lo làm ăn và cầu mong được yên ổn, lại bị xúi giục. Đa số người đi xúi dục này đều là những kẻ thọ ơn nhà nước Pháp. “Người bổn xứ, mà ta có thể tin cậy là trung thành với chế độ đã tìm mọi cách mà họ có thể có được để chuẩn bị khởi loạn”.
— Báo cáo năm 1909—1910 : Từ khi xảy ra vụ án Gilbert Chiếu tới nay, chẳng có sự việc gì nổi bật, đáng ghi... “Nhưng khi tiếp xúc với người bổn xứ, ngay đến những người đã từng phục vụ nhà nước Pháp một cách hữu ích, ta phải giựt mình vì thái độ chỉ trích của họ đối với tất cả những gì liên quan đến chính quyền thuộc địa, một lối chỉ trích mỉa mai, cay cú”.
Báo cáo năm 1910—1911 : “Không có cuộc biến loạn, không có sự bộc lộ cụ thể nào xảy ra. Tuy nhiên, dưới bề ngoài yên ổn này ta nhận ra một cách dễ dàng là còn một phần của dân chúng — may thay số người này không đông đảo cho lắm — họ có thái độ đối lập và thái độ chỉ trích không nhân nhượng, tận gốc, đối với tất cả những gì của chánh quyền, những gì xuất phát từ phía người Pháp”. Gilbert Chiếu được tòa xử miễn tố, vì vậy mà họ càng lừng lẫy hơn, lại còn một số người đồng lõa trong vụ án cũng được miễn tố. Dân trong tỉnh đủ sức đóng thuế, nhưng tình hình bên Mãn Châu đã có ảnh hưởng ở toàn cõi Viễn Đông. Cầm đầu nhóm chống đối chính quyền, có nhiều viên thư ký hoặc quan lại đã bị cách chức, họ đang sống ngày qua ngày.
Thiên Địa Hội phát triển đặc biệt ở vùng Rạch Giá. Tháng 5/1909, nhà nước phát giác từ 3 đến 400 người gia nhập hội, chừng 15 người cầm đầu bị đưa ra tòa. Năm 1910—1911, chủ tỉnh Cần Thơ lại bực mình vì sau 50 năm thống trị của người Pháp mà những hội như thế ấy tại sao lại có thể tồn tại và phát triển ? Theo viên chủ tỉnh này, lý do chánh là sự bất lực của các tòa án đã xử phạt quá nhẹ nên dân không sợ.
Một tài liệu khám phá tổ chức Thiên Địa Hội ở vùng Cần Thơ thuộc về Nghĩa Hòa đoàn (gọi theo giọng Tàu là Dì Hóa). Về cách tổ chức thì giống như các nhóm Thiên Địa Hội khác, với chủ soái, phó chủ soái, chánh chủ hương, phó chủ hương. Hội viên lấy bí danh, theo họ của các vị ngũ tổ thời trước như Vạn Vân Long, Hồng Vạn Chương. Chỉ trừ một số người Huê kiều làm chánh chủ soái, còn bao nhiêu đều là hương chức. Đặc biệt là về chức vụ thảo hài, hồng côn, bạch phiến, có riêng một người là võ bạch phiến, một người là văn bạch phiến, văn thảo hài, võ thảo hài. Phải chăng họ chú trọng đến vấn đề quân sự để khởi nghĩa trong ngày gần nhứt ?
Vào những năm 1907, vùng biên giới tỉnh Cần Thơ xảy ra nạn cướp bóc, chuyên đánh ghe buôn và những chủ điền ở nơi hẻo lánh. Cần Thơ gồm đất đai ở hai bên bờ Hậu giang, giữa sông lại có cù lao, bọn cướp hoành hành nơi giáp ranh với Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá. Cầm đầu bọn cướp gồm những tay khét tiếng đầy đủ bản lãnh, nổi danh nhứt là Sáu Nhỏ. Theo lịnh của cấp trên, các làng được phép truy nã bọn cướp qua làng bên cạnh, mặc dầu khác tỉnh. Vì bọn chúa đảng lần hồi sa lưới nên các vụ cướp giảm lần từ 43 vụ, khoảng 1906—1907, sụt còn 14 vụ, khoảng 1908—1909.
Lộ xe, chợ phố và trung tâm ngã bảy (Phụng Hiệp)
Nhiều con kinh tiếp tục đào nối liền các rạch nhỏ trong tỉnh, quan trọng nhứt là công trình mở mang đường giao thông ở cánh đồng Phụng Hiệp mà trước kia người Pháp gọi là Plaine des Roseaux. Đất Cần Thơ phía tả ngạn Hậu giang đã có dân cư từ lâu. Phía hữu ngạn là đất tốt tuy hoang vu đầy lau sậy nhưng dầu sao đi nữa với địa thế tương đối cao (so với Châu Đốc hoặc Rạch Giá), với phù sa nước ngọt (dễ trồng hoa màu phụ), nhứt là gần đường giao thông về Sài Gòn (lúa bán có giá) thì vẫn là nơi lý tưởng mà ai cũng muốn bám vào, không xong thì mới xuống Rạch Giá, Cà Mau là nơi đất thấp, nhiều muỗi mòng.
Liệt kê việc đào kinh ở tỉnh Cần Thơ là điều rắc rối vì nhiều con kinh đào đợt đầu, rồi đợt nhì nối dài rồi mở rộng, rồi vét lại cho sâu nhiều lượt.
Nên chú ý là số dân xâu dùng vào việc đào kinh nhỏ khá nhiều, cực khổ nhứt là dân vùng Rạch Gòi (về sau quận lỵ dời về Ngã Bảy, Phụng Hiệp).
Chuyên viên thủy nông nghiên cứu không chính xác. Lắm vùng đất làm ruộng được, nhưng bỗng nhiên lại trở thành đất thấp, bị ngập lụt triền miên chỉ vì ảnh hưởng của mấy con kinh đào lân cận. Trong trường hợp ấy, dân làng và điền chủ phải tự nguyện xin làm xâu, đào thêm kinh phụ để cứu nguy cho ruộng đất của mình.
— Đào kinh Trà ết (1902), đào kinh Bà Thậm qua Tân Lược (1899), vét lại năm 1904.
— Đào kinh từ ngọn Cái Bé qua Thốt Nót từ 1908 đến 1910.
— Vét kinh Nhiêu Sự để nối liền Bò Hút qua Sa Đéc (1909).
— Vét kinh Vàm Bi (1909—1910), điều chỉnh lại kinh Ô Môn qua ngọn sông Cái Bé (1911—1912).
— Đào kinh Xẻo Vông (1908—1912).
Năm 1911, vào ngày 9/4, quận Rạch Gòi có đến 2150 dân xâu làm việc thường trực để đào kinh. Riêng về rạch Ông Rầy (nối qua Rạch Giá) dùng đến 1230 dân xâu. Năm 1910, quận Ô Môn cung cấp 3250 dân xâu (Định Thới : 1130 người, Thới Bảo : 2120 người). Việc đào kinh không theo nguyên tắc mà luật lệ đã định (5 ngày) nhưng là làm khoán, trung bình mỗi chuyến làm xâu, mỗi người phải đào cho xong chừng 15 thước khối đất.
Năm 1909, một kế hoạch có ích lợi thực tế được thực hiện, đó là đào con kinh ngắn, cắt ngang cù lao Mây để ghe chở lúa từ phía Phụng Hiệp đi tắt qua vàm Trà Ôn, khỏi đi vòng quanh phân nửa cù lao như trước.
Lộ xe từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, đi Long Xuyên, đi Vĩnh Long cứ đắp từ từ, dùng dân xâu và cu li mướn rẻ tiền, từ năm 1908 về sau. Bấy giờ chưa có hủ lô chạy máy nên dân phải thay phiên nhau đẩy “ống cán” để cán đá. Đá đã tới bến thì dùng sức người để đẩy xe rùa trên đường rầy bằng sắt mà đưa tới chỗ cán, hao tổn sức lực. Khi làm đường lộ, có cai và đội lục lộ trông coi, ai lười biếng thì bị rầy la, ai muốn trốn về nhà thì cứ lo hối lộ. Nhà nước phát chừng 4 cắc bạc mỗi ngày, nhưng tiền này thường bị ăn bớt.
Cánh đồng Phụng Hiệp lần hồi có nhiều kinh quy tụ về một trung tâm, gọi là Ngã Bảy.
Voi rừng bị bắn chết, một mớ thì bị mấy thày ngải từ Nam Vang tới bắt; nhà nước đã xuất ra 241 đồng để thưởng mấy thày ngải này.
Có thể nói khoảng 1908—1909 là những năm lạc quan nhứt về mặt phát triển, xây dựng cơ cấu kinh tế : cất xong nhà chợ (chợ cá) tại chợ Cần Thơ, ráp nhà lồng chợ mới ở Cái Răng, nhà lồng chợ Cái Răng thì bán cho chợ Ô Môn, nhà lồng chợ Ô Môn thì bán cho chợ nhỏ hơn là chợ Rạch Gòi.
Cuối năm 1910, nhà thầu đã cẩn xong bờ sông Cần Thơ (chỗ vàm rạch Cái Khế) : cẩn bằng cừ cây, lót vỉ sắt, tráng xi—măng bên ngoài cho nước không làm lở và đồng thời cẩn đá luôn bờ sông tại chợ.
Năm 1911, chỉnh đốn lại mấy “mũi tàu” rạch Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Bé và bờ rạch Trà Ôn. Mấy nẻo yết hầu này là đường chở lúa gạo từ Hậu giang qua Tiền giang; dùng kỹ thuật đặc biệt, cẩn từng cục xi—măng cứng (gọi là cuirasse Decauville) để khỏi bị nước xoáy làm lở bờ. Năm 1908, chủ tỉnh Outrey đưa ra kế hoạch biến Phụng Hiệp trở thành một thương cảng.
Xáng đào thêm con kinh nối Phụng Hiệp với Sóc Trăng, năm 1901.
Bấy lâu, lúa từ Cà Mau chở lên Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn theo con đường quanh co, không thuận lợi : từ Cà Mau theo kinh lên Bạc Liêu, qua Cổ Cò, Sóc Trăng, ra Đại Ngãi, vượt Hậu giang rồi theo con rạch Tiểu Cần đến Láng Thé, rồi qua Tiền giang đến Mỏ Cày, qua Bến Tre rồi Mỹ Tho. Năm 1914, kế hoạch đào kinh Quan Lộ được nghiên cứu và thi hành gấp, nối liền Cà Mau thẳng lên Phụng Hiệp để từ đó qua Cái Côn rồi qua Trà Ôn, con đường rút ngắn hơn nhiều. Ngoài ra, hai bờ kinh Quan Lộ sẽ quy tụ dân đến khẩn đất, nhà nước thêm lợi.
Năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi dời đến Ngã Bảy, Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp. Đây là quận thành hình giữa vùng lau sậy hoang vu, sau 10 năm đào kinh xáng, nằm trên đường thủy từ Cà Mau ra Hậu giang, đem lúa và sản phẩm lên Sài Gòn.
Trên những nét chánh, việc khẩn hoang được hoàn tất, khi đường thủy nắm ưu thế. Qua trận thế chiến thứ nhứt, đường bộ bắt đầu phát triển. Cần Thơ vẫn nắm giềng mối của các tỉnh giàu có như Sóc Trăng, Bạc Liêu (và Cà Mau). Đồng thời phân nửa tỉnh Rạch Giá cũng nhờ Cần Thơ mà đến Sài Gòn theo đường bộ ngắn nhứt.
Nhờ dân đông đúc nên việc giáo huấn ở Cần Thơ phát triển mạnh hơn các tỉnh khác ở Hậu giang. Năm 1903, đã lập trường nữ tiểu học với một nữ giáo viên người Pháp cai quản, trường dạy thêm môn thêu thùa và có bàn máy may biểu diễn cho học sinh và cha mẹ học sinh xem.
Từ năm 1910, dân ở Cần Thơ và ở Trà Ôn được xem chiếu bóng (chiếu bóng câm) do nhóm Batisson cho chiếu lưu động những phim ngắn, khôi hài hoặc thời sự khoa học. Năm 1917, An Hà nhựt báo ra đời tại Cần Thơ, đó là ấn bản chữ Việt của tờ Courrier de líOuest cũng ra mắt tại Cần Thơ.
Năm 1926, trường Trung học Cần Thơ nhận học sinh năm đầu tiên (lớp thứ nhứt).


Chương 2 - 6

Những triệu chứng bất ổn


Việc khai thác đất đai ở Nam kỳ đem lại nguồn lợi đáng kể cho thực dân : bán đất công thổ, thâu thêm thuế điền, thâu thuế xuất cảng lúa gạo, dân tiêu thụ thêm hàng hóa nhập cảng.
Sau trận thế chiến thứ nhứt, địa vị người Pháp ở thuộc địa được củng cố hơn. Nước Pháp thắng trận, các nước ở Đông Dương góp phần để giúp mẫu quốc với con số khá cụ thể :
— Trong 1000 dân, đổ đồng có 5 người sang Pháp (cỡ 2 người làm lính chiến, 2 người làm lính thợ).
— Tính đổ đồng, mỗi người dân ở Đông Dương gởi giúp sang Pháp là 2 cắc, trích trong quỹ của ngân sách Đông Dương còn dư lại.
— Năm 1916, quan toàn quyền Charles cho Pháp bằng tiền và bằng gạo trị giá 3 triệu bạc.
— Gần hồi đình chiến, Đông Dương cho Pháp vay lối 30 triệu bạc.
— Tiền quyên trợ cho Pháp lối 600 triệu bạc.
Sau năm 1919, nền kinh tế Đông Dương thêm dồi dào nhờ chánh sách đầu tư. Năm 1921, Pháp cho một tập đoàn tài phiệt (trong đó có Đông Dương Ngân Hàng) thử nghiên cứu việc nối liền đường xe lửa từ Sài Gòn lên Battambang (Batambang là tỉnh nhiều lúa gạo dư để xuất cảng) và đường xe lửa nối liền từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu nhưng chỉ là kế hoạch dở dang trên giấy.
Mức sản xuất ở Nam kỳ từ năm 1920 đến 1927 trung bình trên hai triệu tấn mỗi năm, cao nhứt là năm 1927 với 2.291.333 tấn. So với 1926 thì mùa 1927 ở các tỉnh miền Tây diện tích canh tác tăng thêm 72.440 mẫu (Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu). Các tỉnh còn lại của Nam kỳ chỉ tăng chừng 16.000 mẫu.
Mức gia tăng này đạt được nhờ sự thành công lớn của giống lúa sạ đem kết quả tốt ở Long Xuyên. Riêng tỉnh Châu Đốc, tăng thêm đến 5000 mẫu lúa sạ và 9500 mẫu lúa ba trăng.
Con kinh Cái Sắn đã đào xong, lộ xe Rạch Giá Long Xuyên thành hình bắt đầu cho lưu thông vào năm 1929, giúp cho cánh đồng Cái Sắn dễ khai thác suốt 60 cây số ngàn..
Tại khu vực Bình Đông Bình Tây, người Huê kiều lạc quan tới mức lạm phát nhà máy xay lúa gạo : năm 1925 có 46 nhà máy cỡ lớn, năm 1927 đến 66.
Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu có ảnh hưởng đối với Đông Dương từ giữa năm 1930. Đặc điểm của cuộc khủng hoảng này là lúa gạo vẫn có thể bán ra được, có nơi tiêu thụ nhưng với giá quá rẻ.
Giá gạo tại Sài Gòn sụt lần từ 13,30 đồng mỗi 100 kí lô (vào tháng 4/1930) còn 3,20 đồng (vào tháng 11/1933). Theo P. Bernard, gạo mất giá từ 72 đến 76 % so với lúc trước. Nhưng trong thực tế ta thấy khác hơn :
— Năm 1928, lúa bán một giạ (40 lít) là 1,2 đồng, theo bài vè Nọc Nạn “lúa thì một giạ bán thì đồng hai”.
— Năm 1933, vào tháng 12, phái bộ Nam kỳ ở Đại Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương đánh điện cho Bộ Thuộc địa rằng “Dân chúng đói khát lầm than... lúa bán 1 cắc (1 giạ) ở Nam kỳ”.
Nguy cơ lớn lại xảy ra cho điền chủ Việt và luôn cả điền chủ Pháp. Đặc biệt là điền chủ Việt bấy lâu thiếu nợ quá nhiều của nhà Băng hoặc của Chà Chetty, với giấy tờ và những điều kiện đặc biệt. Vay bằng tiền thì phải trả bằng tiền, chớ không được trả bằng lúa. Ngày trước, khi chưa có kinh tế khủng hoảng, muốn thanh toán 1200 đồng bạc để trả tiền lời nợ, chỉ cần bán 1000 giạ lúa. Năm 1933, muốn thanh toán số nợ trên phải bán đến 12.000 giạ lúa, tức là 12 lần nhiều hơn, một số lúa mà không bao giờ chủ điền có dư nổi.
Tiểu điền chủ đã vay nợ của đại điền chủ với điều kiện ngặt nghèo hơn. Họ đành chịu mất đất để trừ nợ. Một số lớn điền chủ đành chịu phát mãi đất. Theo bác sĩ Trần Như Lân cũng là hội đồng quản hạt (quê ở Rạch Giá, nên am hiểu tình thế khá cụ thể) thì vào năm 1933 nợ của điền chủ thiếu nhà Băng và Chà Chetty lên tới 65 triệu đồng nhưng nhà nước chỉ cho vay lại — trong thực tế — có 5 triệu. Số 5 triệu này, nhà nước không đưa ra bạc mặt nhưng cho điền chủ mượn trên nguyên tắc, để trả nợ số mà điền chủ đã thiếu nhà nước khi mua đất công thổ (trong khoảng 1921 đến 1930, chánh phủ bán cho điền chủ 4.987.167 đồng về đất công thổ).
ở Hậu giang, ngay trong khi nền cai trị còn vững mạnh, hai biến cố lớn đã làm lung lay chánh sách khẩn đất của thực dân Pháp : vụ Ninh Thạnh Lợi ở Rạch Giá và vụ Nọc Nạn ở Bạc Liêu vào những năm 1927 và 1928. Báo chí Sài Gòn nói nhiều, các chánh khách quốc gia thuộc đảng Lập Hiến cũng lên án thực dân. Vụ Ninh Thạnh Lợi làm cho 17 người Miên chết vì thực dân tàn sát. Vụ Nọc Nạn khiến cho 4 người Việt Nam chết. Họ là những tiểu điền chủ, họ tự động chống cự với thực dân, tuyệt nhiên không ai xúi dục; lúc bấy giờ ở miền Nam chưa có đảng Cộng Sản.
Khuyết điểm căn bản của nước ta hồi thời Tự Đức là chánh sách bế quan tỏa cảng, vì vậy mà lúa bán không được giá. Người dân chỉ làm ruộng trong mức đủ ăn. Điền chủ thì cho vay lấy địa tô để đóng thuế cho triều đình và dành dụm tiền bạc mà ăn xài, hưởng thụ cá nhân, sắm vàng để lại cho con cháu, lập vường tược để dưỡng già, nếu dư thì đầu tư vào việc mua thêm đất ruộng.
Thực dân Pháp cho áp dụng chánh sách thông thương, phát triển xuất cảng, tìm thị trường mới cho lúa gạo Nam kỳ với những tàu máy chở chuyên nhanh và nhiều. Giá gạo tăng gấp 5 lần so với thời Tự Đức. Đó là lý do chánh yếu khiến cho dân chúng lần hồi sống an phận và có phần vui vẻ với Tân trào, các lãnh tụ cầm đầu nghĩa quân với mục đích phò vua lần hồi chẳng còn ai theo.
Nhưng việc mở mang thương cảng Sài Gòn và phát triển thương mãi, thâu vét tài nguyên và lợi dụng nhân công rẻ của thực dân Pháp đã gây thêm nhiều mâu thuẫn trong nước :
— Phong trào Hội kín thành hình theo kiểu Thiên Địa Hội, đã liên kết được một số nông dân có kỳ thị với văn hóa Tây phương. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Thất Sơn phát triển thêm. Một lực lượng đáng kể cũng tập họp ngay trong thành phố Sài Gòn gồm những nông dân chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, vì vậy mà xảy ra hai cuộc khởi loạn năm 1913 và 1916 ở Nam kỳ (Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều tỉnh).
— Phong trào Duy Tân (gọi là cuộc Minh Tân) cùng việc vận động Đông Du đã đánh dấu giai đoạn tranh đấu phối hợp với toàn quốc. Nam kỳ là nơi có nhiều điền chủ và công chức sang giàu. Họ không muốn bị thực dân Pháp kềm hãm bằng một chánh sách bế quan tỏa cảng mới, về mặt tinh thần : Hoàng thân Cường Đễ có lẽ được người ở Nam kỳ ái mộ nhiều, so với miền Trung hay Bắc.
Nhưng người Nhựt đã phản bội, nhân sĩ và điền chủ Nam kỳ thấy rằng vọng ngoại là bất thành. Ngày nào còn thực dân Pháp thì họ không thể nào phát triển kỹ nghệ bổn xứ hoặc nắm việc nội ngoại thương được. Phong trào bị dập tắt nhưng dư âm cứ vang dậy. Thực dân rất lúng túng về sự xuất hiện của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ : đàn áp thì khó vì đây là một tôn giáo đã được hiện đại hóa, nhưng để cho phát triển thì e có hại vì trong tôn giáo có nội dung dân tộc này, vài cựu chiến sĩ của phong trào Duy Tân lại đóng vai trò quan trọng.
Việc đầu tư của thực dân Pháp khiến phát triển thêm một vài hãng xưởng nhưng quan trọng nhứt là những công ty đồn điền cao su với số nhân công cực khổ, thua sút thân phận người tá điền. Đấy là lực lượng lớn, tập trung, khó kềm hãm.
Việc khai hóa của nước Pháp về hình thức là cho du nhập những tư tưởng tự do, dân chủ và tư tưởng xã hội của Tây phương, đồng thời cũng chấp nhận việc cho phép thanh niên Việt Nam du học sang Pháp nếu ngăn cấm không cho họ sang Nhựt. Đám thanh niên này về nước, tuy một số đã hủ bại, nhưng còn một số khác trở thành tai họa không nhỏ. Họ tranh đấu, dùng những phương tiện mới, thấp nhứt là hình thức ra báo chí.
Ngày xưa, khi ông Cử Trị châm biếm Tân trào, khi ông Đồ Chiểu làm thơ ca ngợi hào khí đất nước thì chỉ một số ít người biết. Nhưng với hai vụ Ninh Thạnh Lợi và Nọc Nạn vào năm 1927 và 1928, lần đầu tiên ở toàn Nam kỳ và các nhà “khảo cứu” Pháp phải giựt mình, nhờ vai trò của báo chí. Hai biến cố trên là việc bộc phát tự động, chứng tỏ người lưu dân ở Rạch Giá, Cà Mau tuy xa xôi, trình độ văn hóa kém nhưng đã trưởng thành, cả người Việt lẫn người Miên.
Lịch sử khẩn hoang ở miền Nam ít ra cũng giúp ta thấy được một thực tế. ý thức dân tộc phát triển mạnh khi sinh hoạt làng xóm thành nền nếp và sinh hoạt vật chất được tạm ổn định. Nếu khi người Pháp chiếm Nam kỳ vào cuối thế kỷ 19, vùng Ba Giồng được nổi danh là nhờ đất xưa, gọi là địa linh, thì kể từ cuộc kinh tế khủng hoảng 1930—1933 người bình dân ở Rạch Giá, Cà Mau cũng bắt đầu theo dõi chuyện Nhựt đánh Mãn Châu, vụ Thượng Hải, Ngô Tùng qua báo chí, qua lời thuật lại của một vài thầy giáo làng từ Sa Đéc, Tam Bình thuyên chuyển xuống.
Họ thấy chế độ Pháp quả là không hợp thời. Họ hiểu rõ khi cho đào kinh xáng, mở mang lộ xe, thực dân có dụng tâm gì. Và biện pháp hữu hiệu nhứt để cho người ở trong vựa lúa miền Nam được hạnh phúc không phải là cắt Nam kỳ ra để lập một tiểu quốc, để rồi không lấy tiền thuế của dân Nam kỳ mà đem tài trợ cho ngân sách Đông Dương, dành tiền thuế của người Nam kỳ cho riêng người Nam kỳ xài, như một chánh sách của đảng Lập Hiến đề xướng cho “Pháp — Việt đề huề”. Các chiến sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh đưa ra biện pháp tích cực, hợp với thực trạng của dân tộc hơn.


Phụ Lục


Người Pháp cố ý ém nhẹm những rắc rối xảy ra trong việc phân phối đất đai. Thuở ấy, người dân thấp cổ bé miệng chỉ có thể kêu nài và nếu đem phân xử thì người dân không rành luật lệ luôn luôn bị thất kiện.
Hội đồng phái viên đi xét đất gồm toàn là viên chức, thân hào của tỉnh, quận, tổng và làng. Lề lối làm việc của Hội đồng này tuy nói là quan sát tại chỗ, ghi vào biên bản rành mạch nhưng họ chỉ ngồi tại công sở làng, với lính mã tà bảo vệ. Làng mạc ở Hậu giang quá rộng, dầu đủ thiện chí các viên chức cũng khó lội bùn sình, phơi nắng dầm mưa hằng đôi ba cây số dưới ruộng để xem đâu là ranh giới từng sở đất. Trên nguyên tắc, nhà nước Pháp tự hào là dành nhiều dễ dãi cho dân, phát triển chế độ tiểu điền chủ hơn là chế độ đài điền chủ nhưng trong thực tế lại khác.
Dư luận của mọi giới kể cả dư luận của những tay thực dân Pháp đã xúc động khi ở Hậu giang xảy ra hai biến cố quan trọng về quyền sở hữu đất ruộng :
— Vụ Ninh Thạnh Lợi, năm 1927 ở Rạch Giá.
— Vụ Nọc Nạn, năm 1928 ở Bạc Liêu.
Lúc bấy giờ từ những tờ báo thân chánh quyền, ủng hộ thực dân đến báo có xu hướng ôn hòa đều lên tiếng vì những lý do sau đây :
— Nạn nhân là những người chí thú làm ăn, tuyệt nhiên không có những người làm chánh trị xúi dục. Họ chỉ muốn bảo vệ phần đất ruộng mà họ đã khai thác từ lâu.
— Những người phạm tội đã tìm đủ mọi cách để kêu nài trong mức cố gắng tối đa của họ.
— Thành phần xã hội của những bị can là điền chủ lớn hoặc nhỏ, chớ không phải là tá điền hoặc bần cố nông.
— Họ không bao giờ nêu khẩu hiệu chống chế độ thực dân Pháp hoặc đưa yêu sách giùm cho người khác, nhằm mục đích khuấy động thành một phong trào lan rộng.
— Bộ máy đàn áp của thực dân Pháp đã quá sốt sắng, trừng phạt quá đáng thay vì dùng biện pháp ít tốn xương máu hơn. Luật lệ mà thực dân bấy lâu đưa ra về vấn đề khẩn đất chỉ là những cạm bẫy để cho kẻ lương thiện sụp xuống dễ dàng.
Thực dân đành thú nhận sự thiếu sót về mặt nghiên cứu tâm lý dân Việt, cũng như tâm lý người Miên.
Hai vụ Nọc Nạn và Ninh Thạnh Lợi vi phạm đến những nguyên lý thấp nhứt về lòng nhân đạo : Có thể nói là chẳng một ai dám binh vực thái độ của thực dân, mặc dầu đã tán thành ngấm ngầm chế độ ấy trong một mức nào đó. Nhờ báo chí tường thuật và quảng bá tin tức, dư luận xúc động mạnh, các chiến sĩ quốc gia dùng dịp này mà chỉ trích chánh sách của thực dân; ôn hòa như ông Bùi Quang Chiêu mà cũng phải lên tiếng.
Các tài liệu hoặc sách nghiên cứu của người Pháp sau này không dám bỏ quên hai biến cố nói trên nhưng họ chỉ đề cập vắn tắt trong vài hàng, hoặc cố ý giảm thiểu tầm quan trọng.
Nhiều giai thoại được phổ biến truyền khẩu nên hai vụ án trên lần hồi trở thành chuyện truyền kỳ, người thuật lại có thể vô tình hay cố ý thêm thắt chi tiết hoặc sửa đổi nội dung. Chúng tôi thử ghi lại những nét chánh.
Vụ án Ninh Thạnh Lợi
Tài liệu căn cản mà chúng tôi sử dụng là bản phúc trình của Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse gởi lên Toàn quyền Đông Dương, đề ngày 28/5/1927.
Làng Ninh Thạnh Lợi (quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá) trước kia là vùng đất thấp và phèn, cỏ mọc hoang vu, trên mấy giồng cao ráo thì người Miên đã làm ăn lâu đời. Từ khi đào kinh Quan Lộ — Phụng Hiệp nối Cà Mau đến Ngã Bảy (Cần Thơ), dân tới khai khẩn hai bên bờ ngày càng đông đúc, lập ra quận Phước Long (khi trước làng này thuộc về quận Long Mỹ).
Thời đàng cựu tuy là dùng chánh sách đồng hóa nhưng vua chúa nhà Nguyễn dành cho người Miên ở Nam kỳ nhiều quyền tự trị : đất đai của họ thì họ gìn giữ, thủy lợi (huê lợi cá tôm dưới sông rạch) thuộc về họ hưởng.
Người Pháp lúc mới xâm chiếm đã gặp nhiều sốc Miên khá đông đúc nên vội kết luận là người Việt không có tài “thực dân”, vì những vùng chung quanh xóm Miên hãy còn nguyên vẹn, hoang vu.
Theo luật thông dụng của người Cao Miên từ xưa thì người dân được quyền tự do canh tác nơi nào họ muốn; họ cứ đến cày cấy nơi vùng đất hoang. Nếu có người canh tác từ trước thì phải đợi khi nào đất bỏ hoang trong 3 năm liên tiếp, kẻ khác mới được chiếm hữu.
Luật lệ phiền phức về khẩn đất mà người Pháp ban hành đã làm đảo lộn tình thế. Vài cường hào thừa cơ hội lập bộ mới để chiếm đoạt, lấn đất người Miên nhưng người Việt Nam vẫn thua người Pháp về phương diện này. Năm 1922, một người Pháp là Beauville—Eynaud dùng thủ đoạn hợp pháp nhưng bịp bợm, cho tay em đứng tên xin khẩn đất trong làng Ninh Thạnh Lợi rồi hắn mua lại những biên lai xin khẩn ấy. Kết quả là hắn trở thành người chủ điền lớn, chiếm đến 9/10 diện tích của làng. Nhưng trước lời thánh oán của dân Miên, tên Eynaud phải trả đất lại, dân làng lúc bấy giờ đã kêu nài tận quan Thống đốc Nam kỳ và Hội đồng quản hạt.
Nhưng một người xã trưởng (Huê kiều lai) vẫn giữ nhiều thế lực trong làng. Ông ta vốn là tay sai thân tín của tên Beauville—Eynaud chiếm đất dạo nọ. Ngoài ra, xã trưởng này cũng là người thân tín của cai tổng Tr.
Kế hoạch chiếm 9/10 đất đai của làng Ninh Thạnh Lợi đã thất bại. Nhưng lần sau, tiếp tục kế hoạch này là cai tổng Tr. Viên cai tổng này làm việc chậm rãi và thâm hiểm hơn, cho tay em là xã trưởng làm giấy tờ để trưng khẩn từng sở đất nhỏ, do đó mà một phần đất của ông chủ Chọt bị sứt mẻ.
Ông chủ Chọt bèn kiện viên xã trưởng và thắng kiện. Ông chủ Chọt, người cầm đầu cuộc khởi loạn là điền chủ gốc Tàu lai Miên. Trong làng có tất cả chừng 900 dân đinh, đại đa số là người Miên. Chủ Chọt đứng bộ 300 mẫu đất ruộng, góp địa tô và cho vay ăn lời, mỗi năm thâu ước 15.000 giạ lúa.
Vào đầu tháng 5/1927, chủ Chọ (người Pháp phiên âm là Chok) bắt đầu ra tay.
Hương chức làng lân cận và lính mã tà ở quận lỵ Phước Long cùng chủ điền Pháp đều chú ý đến những cuộc hội họp bất thường, trong đó có chủ Chọt, Mốc (em rể của ông ta) và một người thày bùa tên là Cồ Cui mà nhiều người cho rằng em của chủ Chọt. Họ tụ họp chừng 40 người, làm lễ cúng, phát bùa, khoe rằng hễ đeo vào người là súng bắn không lủng. Bọn tay em mặc quần áo trắng, mấy người lãnh tụ thì mang cờ xí nhiều màu. Họ cử hành liên tiếp nhiều cuộc lễ khác, thay đổi địa điểm trong làng hoặc ở làng giáp ranh, phải chăng với mục đích củng cố tinh thần bọn tay em và thâu nạp thêm người mới ? Mọi việc diễn ra êm thắm, không xúc phạm đến tài sản hay tánh mạng ai cả.
Một biến cố nhỏ lại xảy ra. Khi chủ Chọt và bọn tay em làm lễ trên phần đất đai của đồn điền Mézin (tên thực dân nổi danh về khai thác rừng tràm, gần như độc quyền) thì tên cai điền của Mézin bèn thị oai, cầm súng đưa lên như hăm dọa bắt buộc chủ Chọt phải giải tán (cai điền của Pháp được quyền giữ súng). Bọn chủ Chọt và tay em liền phản ứng ngay, bắt sống bốn người tá điền trên phần đất của Mézin rồi đem về “lãnh thổ” của mình.
Tên cai điền hoảng hốt bèn đánh điện cho chủ tỉnh Rạch Giá mà báo nguy (đây là làng gần quận lỵ). Trong khi đó, chủ Chọt và đồng bọn trở về sào huyệt. Đó là căn nhà lớn của ông ta, hai bên là lẫm lúa và nhà cho bọn làm công ở, ngoài ra còn tích trữ sẵn nào dao mác, nào phãng phát cỏ kéo cổ thẳng trở thành loại gươm bén !
Một cuộc lễ khác diễn ra. Cồ Cui làm phép, cầu khẩn với thần linh. Bấy giờ đạo Cao Đài bắtn đầu phát triển đến Hậu giang, hương chức mấy làng lân cận suy luận qua sắc phục trắng của bọn tay em, cho là hình thức giống như đạo Cao Đài. Có lẽ chủ Chọt và đồng bọn muốn lập một tôn giáo mới, thế thôi.
Bức điện tín của người cai điền đến tay chủ tỉnh Rạch Giá vào lúc chủ tỉnh hội thường lệ với các chủ quận. Chủ quận Phước Long và viên cai tổng được lịnh trở về địa phương để xem xét tình hình và ứng phó gấp.
Bấy giờ, tình hình như căng thẳng hơn. Sau cuộc lễ lớn, chủ Chọt bước qua giai đoạn mới : cho giăng tứ phía một sợi chỉ màu trắng tượng trưng cho ranh giới bất khả xâm phạm, cấm ngặt không cho ai bước qua.
Quan chủ quận Phước Long đi ghe đến công sở làng Ninh Thạnh Lợơi vào chiều ngày 6/5/1927. Ông lên bờ, thấy vài người Miên mặc quần áo trắng đứng lãng vãng gần đó. Ông ra lịnh gọi họ lại để hỏi chuyện. Trong công sở cũng còn một vài người Miên nhưng tất cả đều không thèm trả lời và như theo một hiệu lịnh, họ kéo ra, chạy về phía quan chủ quận.
Quan chủ quận hoảng sợ, chạy trở xuống ghe trong khi bọn tay em của chủ Chọt rượt trên bờ và liệng đất theo ghe để khiêu khích.
Hôm sau, ngày 7, theo lịnh quan chủ quận, 2 người lính kín (mật thám), 4 lính mã tà và viên cai tổng cùng đến nơi để tái lập trật tự. Họ mang theo loại súng bắn đạn chài. Khi gặp tay em của chủ Chọt, lính bắn vài phát. Bọn tay em dùng dao mác và phãng mà rượt theo, chẳng ai bị thương cả. Bọn lính mã tà và lính kín hoảng sợ chạy trở về dinh quận để báo động.
Ngay trong đêm ấy, bọn chủ Chọt liền đến bao vây nhà của cai tổng Tr. ở ngã tư Phó Sinh và nhà của viên xã trưởng Ninh Thạnh Lợi ở Cỏ Thum. Viên cai tổng vắng mặt. Họ rút lui, không phá hại gì trong nhà cả. Nhưng mặc dầu không có xã trưởng ở nhà, bọn người hăng máu nọ ra tay hạ sát cha của ông này.
Viên cai tổng và xã trưởng vì quá khôn ngoan nên không dám ngủ nhà, điều này chứng tỏ rằng chủ Chọt hận về chuyện giựt đất.
Uy thế của chủ Chọt càng lẫy lừng, bọn tay em càng tin rằng với bùa phép thì súng bắn không lủng, như lần bị bắn đạn chài hôm trước cho thấy rõ.
Chủ tỉnh Rạch Giá bèn đích thân vào quận Phước Long để đàn áp. Cùng đi với ông ta có viên thanh tra mật thám và một số lính mã tà. Khi đến Phước Long thì đã 8 giờ tối. Và ông ta lại trở về chợ Rạch Giá vào lúc hừng đông hôm sau. Ông ta thấy không nên ở lại Phước Long vì toán quân gồm lính mã tà và tên cò Tây đã bị loạn quân đánh đại bại. Tên cò Bouchet bị thương khá nặng, 3 người lính mã tà thì chết khi lâm trận. Trận này xảy ra trước khi viên chủ tỉnh đến Phước Long vì ông ta đi bằng tàu đò sung công, còn tên cò Bouchet thì lại dùng chiếc tàu khác, mượn của ty Kiểm lâm.
Số là viên cò Bouchet quá khinh địch, khi tàu chạy ngang vùng cấm địa của bọn chủ Chọt thì dừng lại rồi ra lịnh cho chừng 10 tên mã tà mang súng trên vai đến tìm vài tên phiến loạn mà bắt sống làm con tin, để dằn mặt và điều tra. Dọc đường, lính mã tà gặp bọn tay em của chủ Chọt đang nghinh chiến với dao mác. Bọn lính dỗ dành, mời họ đi theo để gặp mặt viên cò Tây mà kêu nài, trình bày nỗi oan ức.
Bọn tay em của chủ Chọt chịu nhận lời nhưng với điều kiện là họ được đi thong thả phía sau, bọn lính phải đi phía trước. Bọn lính chấp thuận và lại khinh địch, mang súng trên vai, đi trước.
Khi còn chừng 100 mét tới công sở (tức là chừng 120 mét thì tới chiếc tàu mà viên cò Tây đang chờ đợi) thì theo hiệu lịnh bằng tiếng Miên, bọn tay em của chủ Chọt xông tới, đâm bọn lính mã tà từ phía sau lưng, khiến chẳng ai đề phòng kịp.
Hai ba người lính mã tà đủ thời giờ nạp đạn bắn trả lại, làm cho đối phương bị thương và chết 6 người. Một viên mã tà và 2 người lính (có lẽ lính kín) bị loạn quân giết tại trận.
Viên cò Bouchet bấy giờ đang đứng trên bờ, thấy chuyện náo động thì hoảng sợ (mặc dầu bên cạnh ông ta còn 15 người mã tà), nên chạy lên tàu trốn vào “ca—bin” riêng. Nhưng một tay em của chủ Chọt lanh tay, giựt cây súng của tên mã tà tử trận (trong ấy có sẵn đạn), bèn nhắm vào viên cò mà bắn gây thương tích trầm trọng. Phát đạn thứ nhì bắn lên tàu trúng tên cai mã tà, gây thương tích. Lại còn một tên lính bị chém đứt 3 ngón tay.
Thế là tàu chạy nhanh để tẩu thoát, bỏ sót lại một tên lính mã tà. Tên này nhảy xuống kinh xáng, lẩn trốn dưới cỏ để rồi lội nước qua bờ bên kia.
Sau này, giới hữu quyền Pháp chê tên cò Bouchet quá vụng về và quá sợ chết. Bấy giờ, trên bờ chỉ có chừng 30 loạn quân với võ khí thô sơ và 3 cây súng mà họ vừa giựt được. Nếu từ trên tàu mà bắn cho kéo tay thì hàng chục người lính còn lại đủ sức giải tán và gây tổn thất nặng cho đối phương, chớ không rút lui một cách thảm bại.
Viên chủ tỉnh gặp toán quân của tên cò Bouchet trên đường về Phước Long. Lính mã tà của chủ tỉnh và của tên cò cộng lại cỡ 30 người, đủ sức trở lại ăn thua với bọn người làm loạn. Nhưng viên chủ tỉnh không làm chuyện đó được vì ông ta “đi tàu đò từ Long Mỹ đến, và chủ tàu này không chịu chạy đến nơi bất an”. Vả lại, chủ tỉnh còn muốn đưa tên cò Bouchet về Sài Gòn để điều trị gấp.
Quả thật là thắng lợi cho phe chủ Chọt về phương diện tâm lý : chủ quận rút lui, chủ tỉnh cũng rút lui, tên cò bị thương... Vì vậy dân trong vùng hoảng sợ, trong một đêm ai nấy vội vã tản cư trong khi chủ Chọt treo bảng ra lịnh không cho bất cứ tàu bè nào qua lại khu vực của ông ta kiểm soát, đồng thời mấy tiệm buôn Huê kiều phải mua bán như thường lệ, bằng không thì sẽ bị phá cửa.
Chủ tỉnh Rạch Giá bèn đánh điện cầu cứu với tỉnh Cần Thơ. Hôm ấy, khi nhận được điện văn là vào lúc xế trưa, các quan ăn lễ kỷ niệm nữ anh hùng Jeanne díArc. Chủ tỉnh Cần Thơ nghỉ phép, vắng mặt. Phó chủ tỉnh bèn ra lịnh cho trung úy cảnh sát tên là Turcot tức tốc qua Rạch Giá với 30 lính mã tà của tỉnh Cần Thơ.
Họ đi xe hơi tới Long Mỹ. Nơi đây, trung úy Turcot gặp viên Thanh tra Lao động từ Sài Gòn đến. Viên Thanh tra này biết nói rành tiếng Miên. Khi bàn chuyện bạo động ở Ninh Thạnh Lợi, viên Thanh tra này hỏi về cách ứng phó sẽ áp dụng thì Turcot bảo rằng khi đến nơi sẽ bắt bọn làm loạn, nếu bọn này chống lại thì lính mã tà sẽ dùng súng đạn, không cần dè dặt.
Toán lính của trung úy Turcot đến, tấn công ngay vào sào huyệt. Lẽ dĩ nhiên, chẳng một ai chịu ra đầu hàng khi viên trung úy ra lịnh.
Súng nổ, bọn tay em của chủ Chọt chống cự hăng hái, họ dùng khí giới bén và bốn khẩu súng giựt được của lính mã tà hôm trước. Họ bắn tất cả 80 viên đạn, tức là đến viên đạn cuối cùng. Bên chủ Chọt, 14 người chết tại trận, gồm chủ Chọt, tên thày bùa và con gái của chủ Chọt. Cô gái này đứng hàng đầu, xung phong khi nghinh chiến. Ngoài ra còn khoảng 20 người bị thương, bị bắt giam.
Tài liệu không nói rõ bên lính mã tà tổn thất ra sao (theo lời thuật lại sau này của người địa phương thì lính mã tà bị thương khá đông, nhưng nhẹ thôi).
Những người thuộc phe chủ Chọt, luôn cả chủ Chọt được chôn vào địa điểm mà đến nay người địa phương còn gọi là “mã chủ Chọt” ở giữa ruộng (đến vùng Phước Long hỏi ai cũng biết).
Quan Thống đốc Blanchard de la Brosse chứng minh rằng cuộc thảm sát xảy ra là tất yếu, không có cách nào khác hơn (ông ta muốn binh vực bọn thuộc hạ) nhưng nhìn nhận rằng tên cò Bouchet bị thương lần trước và bọn lính mã tà đều quá dở.
Người địa phương thì “khen ngợi” viên xã trưởng, thầy cai tổng và quan chủ quận Phước Long là khôn ngoan và am hiểu tình hình : thà rằng trốn hoặc rút lui còn hơn là xông pha vào vòng giáo mác. Khôn ngoan nhứt là viên chủ tỉnh Rạch Giá đã rút lui về chợ mà ở cho yên thân, để rồi chụp mũ, cho cuộc khởi loạn có tánh cách chống Pháp. Chủ quận và hương chức làng Ninh Thạnh Lợi cũng muốn chụp mũ như vậy để khỏi gánh trách nhiệm về những bất công mà họ đã gây ra.
Quan Thống đốc không đồng ý rằng cuộc khởi loạn nhằm mục đích lật đổ ách thực dân Pháp, vì người Miên ở các vùng phụ cận tuyệt nhiên không hay biết. Chủ Chọt không ngu dại gì mà cử đồ đại sự với lực lượng vỏn vẹn 40 người.
Lập luận thứ nhì, do một số đông báo chí Pháp ngữ đưa ra, lại thiên về “khảo cứu chủng tộc” : người Miên vào mùa nắng thường nổi cơn “say máu ngà” giống như trường hợp người Mã Lai say nắng, nổi cơn khùng (kêu là Amok) trở nên cuồng dại, hung hăng bất cần thực tế, lý trí kiểm soát không được hành động. Chẳng qua là dân ở Ninh Thạnh Lợi chưa được khai hóa, còn manh tánh chất thời cổ sơ của chủng tộc “ấn độ, Mã Lai”. Họ bảo rằng đây là vấn đề bịnh thần kinh, thuộc về y học !
Lập luận thứ ba, của báo chí Việt ngữ ở Sài Gòn lúc bấy giờ, cho đây là cuộc khủng hoảng của chánh sách điền địa bất công do người Pháp bày ra; viên chức địa phương tham nhũng, giành đất của dân.
Tuy không nói rõ rệt mình theo lập luận nào nhưng quan Thống đốc Nam kỳ lại trình bày với quan Toàn quyền rằng theo ông ta thì “lịch sử của các tỉnh miền Tây Nam kỳ trùng hợp với lịch sử của cách tổ chức về quyền tư hữu ruộng đất, và sự phản ứng của dân bản xứ, của người Miên đối với quy chế về đất đai (mà chánh phủ sắp đặt cho họ)”. Rốt cuộc, quan Thống đốc chứng minh rằng mục tiêu đầu tiên của chủ Chọt chỉ là ăn thua với cường hào địa phương (xã trưởng và cai tổng) vì hai cá nhân này lấn đất của ông ta. Đây không phải là vụ khởi loạn có tính chất chính trị nhưng là một vụ thường phạm.
Tuy nhiên, vẫn theo ý kiến của viên Thống đốc này, chánh phủ nên chú ý hơn đến các sốc Miên hẻo lánh ở miền Tây. Ông ta cũng hứa với quan Toàn quyền là sẽ cứu xét với tinh thần rộng rãi một số nguyện vọng của người Miên, như việc đóng thuế, quy chế miễn đi lính cho sư vãi, đồng thời thử nghiên cứu việc tách ra vài vùng đất ruộng dành đặc biệt cho người Miên làm chủ. Và sẽ cứu xét một cách công bình những vụ khiếu nại về ruộng đất ở làng Ninh Thạnh Lợi.
ít ra, giặc chủ Chọt cũng làm cho thực dân Pháp và cường hào giựt mình trong nhiều năm.
Vụ án Nọc Nạn
Cánh đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, quận Giá Lai, tỉnh Bạc Liêu thời Pháp thuộc. Về nguồn gốc của hai tiếng Nọc Nạn thì chưa ai giải thích thỏa đáng, hoặc là nơi đây đất thấp, dân muốn cất nhà thì phải xốc nạn theo kiểu nhà sàn. Hoặc là tiếng Miên, nói trại lại. Cánh đồng này nằm trên đường Bạc Liêu, Cà Mau, với con rạch Nọn Nạn. Vùng này đất cao ráo và tốt.
Những chiến sĩ quốc gia bấy giờ lên tiếng và theo dõi vì đây là cuộc tranh đấu giữa người tiểu điền chủ chống cường hào, để giữ lại phần tư hữu tài sản mà chính ông bà họ đã tạo ra. Không có gì chứng minh rằng họ hành động vì có người xui giục để khuấy động trong địa phương.
Cuộc tranh đấu xảy ra chỉ vì cường hào địa phương được che chở bằng những luật lệ quanh co và phức tạp của thực dân Pháp.
Nhiều giai thoại truyền khẩu vẫn còn được nhắc nhở, chi tiết lần hồi có thể sai lạc. Chúng tôi căn cứ vào hai nguồn tài liệu căn bản :
— Bài vè Nọc Nạn do tác giả vô danh được truyền tụng, lời lẽ mộc mạc, chi tiết khá cụ thể, lưu hành từ những năm 1930, 1931.
— Loạt bài do ký giả Lê Trung Nghĩa (tự Việt Nam) đăng trên báo La Tribune Indochinoise do Bùi Quang Chiêu làm chủ nhiệm. Bấy giờ, Bùi Quang Chiêu là chiến sĩ quốc gia tiến bộ. Ký giả Lê Trung Nghĩa là người gốc ở Phong Thạnh, chuyển xảy ra tại quê quán nên ông hiểu rõ và đến địa phương nhiều lần, giúp gia đình nạn nhân bằng mọi cách, khác hơn trường hợp một vài ký giả khác chỉ tường thuật đại khái để bán báo.
Báo La Tribune Indochinoise từ ngày 17/8/1928 đến 24/8/1928 đặc biệt dành cho vụ án này với những bài chiếm trọn cả trang nhứt; những số trước đó cũng đã nhắc nhở từng chập.
Bài vè Nọc Nạn chúng tôi không sưu tầm được phần sau, nên ghi phần đầu mà thôi :
Trời Nam thiên hạ thái bình,
Kẻ lo nông nghiệp người gìn bán buôn.
Ngàn năm gió thuận mưa tuôn,
Lúa thì một giạ, giá thì đồng hai.
Nhân dân ai nấy mừng thay,
Rủ đi làm mướn giá rày đặng cao.
Dưới sông, ca—nốt, đò, tàu,
Lộ thì xe chạy, trước thì khách thương...
... Lục tỉnh có hạt Ba Xuyên,
Bạc Liêu chữ đặt, bình yên dân rày.
Mậu Thìn vốn thiệt năm nay,
Một ngàn hai tám, tiếng rày nói vang.
Phong Thạnh vốn thiệt tên làng,
Giá Rai là quận, chợ làng kêu chung.
Anh em Mười Chức công khùng,
Bị tranh điền thổ, rùng rùng thác oan.
Hăm lăm tháng chạp rõ ràng,
Lúc bảy giờ sáng xe quan đến liền.
Chợ đông đương nhóm tự nhiên,
Thấy cò lính lại, người liền đến coi.
Thuốc đạn, súng ống hẳn hoi,
Hai cò bảo lính : “Đòi làng đến đây.
Có trát biện lý bằng nay,
Sai ta xuống rày, đong lúa đương tranh !
Thị Trân là vợ huyện Lành,
Lãnh án đành rành mướn bọn ta đi.
Biện Toại nhà ở chốn ni ?
Làng phải dẫn lộ ta đi đến liền”.
Hai cò bước xuống đò nghiêng,
Bảo làng với lính đi liên một đò.
Phong Thạnh hương quản tên Cho,
Ngồi trước mũi đò, bàn luận gần xa :
“Xuống đây, ắt bọn nó ra,
Dữ lành chưa biết việc mà làm sao ?”
Nước ròng đò xuống đi mau,
Tám giờ đã tới lao xao lên liền.
Cò bảo lính đứng liên liên,
Còn làng phải đứng ra riêng một hàng.
Trong nhà Mười Chức luận bàn,
Than cùng từ mẫu hai hàng lâm ly :
“Dầu con thác xuống âm ti...
Về những bài báo do Lê Trung Nghĩa viết, chúng tôi sử dụng với sự dè dặt. Bấy giờ có những sự thật mà ký giả biết rõ nhưng không thể viết ra được, vì là cuộc vận động công khai trên báo chí để cứu nạn nhân.
Lời khai trước tòa án của những nhân chứng hoặc của người trong cuộc phải được hiểu qua khía cạnh riêng : lắm khi, họ phủ nhận sự thật vì sự thật ấy bất lợi cho họ trước tòa, hoặc họ biết nhưng lại khai rằng không biết, chưa kể đến những người làm chứng bị mua chuộc bằng tiền bạc.
Trước năm 1900, một nông phu đến khai phá rừng ở rạch Nọc Nạn trên diện tích non 73 mẫu tây. Năm 1908, ông này chết để lại cho con là hương chánh Luông. Đất thì rộng, sức người và vốn liếng có hạn, năm 1910, anh em hương chánh Luông bắt đầu làm việc tích cực hơn. Đất khai phá phải trải qua hai ba năm đầu không có huê lợi vì cây cỏ còn nhiều, nào gốc cây, nào đất trủng quá thấp, nạn chuột bọ, heo rừng. Lúc bắt đầu khai phá thì vùng này hoang vu, thưa thớt dân cư, chẳng thấy ai đến tranh giành cả. Tỉnh Bạc Liêu hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất để lập bộ rất chậm trễ so với các tỉnh miền trên.
Năm 1910, hương chánh Luông làm đơn xin khẩn chánh thức 20 mẫu và chịu đóng thuế trên diện tích này. Đơn ấy được chấp thuận và được cấp biên lai.
Năm 1912, họ làm ruộng thêm trên khoảnh đất ấy, canh tác trọn và xin rước kinh lý (trường tiền) đến đo đạc theo luật định, để xin bằng khoán chính thức. Viên trường tiền tên là Arboratie đến đo đạc, làm phúc trình và chủ tỉnh Bạc Liêu trao cho ông hương chánh Luông bản đồ phần đất nói trên.
Năm 1916, một người tên là Tăng Văn Đ. đứng ra tranh cản, viện lý do phần đất mà hương chánh Luông và gia đình đang canh tác là công lao của y một phần nào. Tăng Văn Đ. được chủ tỉnh đòi đến xử và thất kiện. Tuy nhiên, viên chủ tỉnh lại cho Tăng Văn Đ. một sở đất nhỏ, cắt ra từ phần đất của ông chánh Luông.
Phần đất của ông chánh Luông gồm 72,95 mẫu, bị cắt cho Đ. bốn mẫu rưỡi tức là chỉ còn lại 68,45 mẫu mà thôi. Để giải quyết vụ này, viên chủ tỉnh nói trên cấp cho hương chánh Luông một tờ bằng khoán tạm, số 303 đề ngày 7/8/1916.
Ông hương chánh Luông mất. Biện Toại là con trai lớn của gia đình và các em đành nhường nhịn và chấp nhận, mặc dầu đất của tổ phụ để lại mất hết 4 mẫu rưỡi. Nên nhớ rằng bằng khoán cấp cho Biện Toại là bằng khoán tạm.
Tưởng rằng công việc canh tác được yên ổn, dè đâu năm 1917 xảy ra một biến cố khác : sự can thiệp của một người Huê kiều giàu khét tiếng trong tỉnh : ông bang Tắc, tên thật là Mã Ngân. Ông bang này muốn khẩn đất bằng con đường quanh co nhưn hữu hiệu, ông ta rành luật lệ và biết rõ những sơ hở.
Số là giáp ranh với phần đất của gia đình hương chánh Luông do Biện Toại là con trai đứng thay mặt, có phần khác do Phan Văn Được làm chủ. Sau khi chết, đất của Phan Văn Được để lại cho vợ hưởng, người vợ này tên Nguyễn Thị Dương. Ông bang Tắc (Mã Ngân) chú ý nhiều vào phần đất của Nguyễn Thị Dương, đến gặp bà này mà trả giá và tìm đến hương chức làng Phong Thạnh để xem xét lại kỹ.
Hương chức làng Phong Thạnh tiết lộ rằng phần đất của anh em Biện Toại, giáp ranh với phần đất của Nguyễn Thị Dương đã khai thác xong nhưng chưa có bằng khoán chính thức.
Là người rành luật lệ, ông bang làm giấy tờ mua đất, cho thêm bà Dương chút ít tiền để trong tờ bán đất ghi rằng “bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất mà anh em Biện Toại đang khai thác”.
Lập tức, ông bang Tắc tìm cách hăm he, cho anh em Biện Toại biết rằng đất mà họ đang canh tác là của ông ta, vì ông ta đã mua lại của bà Nguyễn Thị Dương rồi. Lẽ dĩ nhiên, anh em Biện Toại phản ứng ngay, tìm cách kêu nài lên quan trên rằng bà Nguyễn Thị Dương đã bán phần đất mà họ đã có bằng khoán tạm cho bang Tắc, và bang Tắc đã lấn đất.
Đơn đã gởi bốn lần đến chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam kỳ, luôn cả quan Toàn quyền Đông Dương để kêu nài. Nhưng việc khác lại xảy ra.
Năm 1919, bang Tắc lại xúi dục tá điền của ông ta xông qua phần đất của anh em Biện Toại, đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu để dằn mặt. Nhưng anh em Biện Toại vẫn không nao núng, tin nơi công lý. Bấy giờ, chủ quận ở Giá Rai là ông phủ H. Theo lời tự thuật của quan phủ này thì khi đến trấn nhậm tại Giá Rai, hay tin có cuộc tranh chấp giữa ông bang Tắc và anh em Biện Toại, ông ta đã đòi ông bang Tắc tới để phân xử, đề nghị với ông Bang là nên nhân nhượng chia đất ra hai phần đồng đều, ông bang phân nửa, anh em Biện Toại phân nửa (như vậy là trong thực tế, ông bang đã lấn thêm một phần đất đôi chục mẫu). Quan phủ H. cũng phân trần rằng chính ông đã nhờ hương cả trong làng để đưa đề nghị ấy với anh em Biện Toại, nhưng anh em ông này không chấp nhận sự chia hai đồng đều ấy.
Trong vụ án Nọn Nạn, dư luận đã đổ lỗi cho quan phủ H. Phải chăng quan phủ này nhận số tiền của ông bang nên đưa đề nghị này ? Nếu là người vô tư, tại sao ông không mời anh em Biện Toại đến dinh quận để phân giải mà chỉ mời có một mình ông bang ? Quan phủ thanh minh với dư luận như vậy thì ta tạm tin như vậy.
Cũng năm ấy (1919), quan phủ H. được làm chủ Tịch Hội đồng phái viên để xác nhận sở hữu chủ của từng sở đất ở làng Phong Thạnh với diện tích chính xác, ranh giới, để chánh thức cấp bằng khoán.
Mặc dầu anh em Biện Toại khiếu nại nhưng với thế lực của ông bang, với sự hậu thuẫn của một số người, phần đất của anh em Biện toại lại bị chính thức xem như là đất của ông bang Tắc. Về sau, ra trước tòa đại hình, Biện Toại vẫn cả quyết đây là vụ ăn hối lộ, luôn cả viên họa đồ là Roussotte cũng ăn vì thoạt tiên, khi đo đạc tên Pháp này cho rằng đất ấy là của Biện Toại, nhưng khi đã nhận tiền của bang Tắc, hắn nói ngược lại đó là của bang Tắc.
Mặc dầu vậy, anh em Biện Toại vẫn cương quyết chống đối. Đất đã mất rồi, họ ở đó mà chờ... đèn công lý của thực dân Pháp !
Bang Tắc cứ tiếp tục lo hợp thức hóa phần đất chiếm cứ mà Hội đồng phái viên (có ông phủ H. làm chủ tịch) xác nhận là của chính bà Nguyễn Thị Dương ưu tiên khai khẩn rồi bán lại cho ông ta. Ngày 13/4/1926, Thống đốc Nam kỳ ký nghị định bán thuận mãi sở đất 50 mẫu với giá 5000 đồng cho Mã Ngân (tên thật của bang Tắc).
Bang Tắc cứ hăm dọa, buộc anh em Biện Toại đong lúa ruộng vì với nghị định trên và với tờ bằng khoán chính thức, anh em Biện Toại đã trở thành tá điền trên phần đất của họ.
Anh em Biện Toại chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện vì ông ta đã từng dính líu vào vài chuyện rắc rối về pháp lý, nếu sanh sự thêm thì nhà nước thực dân lúc bấy giờ có thể dùng luật lệ mà trục xuất ông ta về Tàu, cộng với mấy tọi trạng trước. Ông ta nghĩ ra một biện pháp rất có lợi và rất ôn hòa để thắng đối phương. Ông ta bán sở đất trên cho một bà rất có uy thế : bà Hà Thị Tr., mẹ vợ của người anh ông phủ H. (vì vậy mà sau này, dư luận cho rằng vụ giựt đất là do phủ H. tiếp tay với bang Tắc một cách đắc lực). bà này mua xong, bèn đòi thâu địa tô trên phần đất mà anh em Biện Toàn đang canh tác.
Ngày 6/12/1927, bà Tr. xin được một án lịnh của tòa cho phép tịch thâu tại chỗ tất cả lúa mà anh em Biện Toại gặt được. Anh em Biện Toại nghe tin ấy, bắt đầu lo sợ.
Ngày 13/2/1928, lính mã tà tới gặp anh em Biện Toại để thi hành lịnh thâu lúa, anh em Biện Toại kháng cự.
Ngày 14, tức là ngày hôm sau, lính mã tà lại vô lần thứ nhì. Anh em Biện Toại cũng chống cự, lính mã tà lại rút lui.
Ngay trong đêm ấy, anh em Biện Toại đoán chắng rằng ngày mai, lính mã tà sẽ đến với lực lượng đông đảo và thái độ cứng rắn hơn vì là lần thứ ba, sau hai lần cảnh cáo.
Anh em trong gia đình tụ họp lại, làm lễ lạy ông bà. Mẹ là bà hương chánh Luông cũng được mời ngồi để các con lạy, gọi là báo hiếu lần chót. Anh em bèn trích huyết vào cái tô, thề ăn thua, không sợ chết. Để thi hành kế hoạch, anh em bày ra chuyện bắt thăm để nhờ vong linh ông bà chỉ định ai là người đứng ra hy sinh đầu tiên. Lần thứ nhứt, đứa em gái tên Trọng lại rút nhằm thăm. Anh em không muốn thấy đứa em gái lại đảm nhận sự hy sinh quá lớn lao nên đồng ý là cho bắt thăm lần thứ nhì.
Và lần thứ nhì này, cũng cô Trọng được lá thăm ấy. Cô Trọng bình tĩnh đứng dậy, bảo các anh :
— Ông bà đã dạy, em xin liều chết !
Nên nhớ một chi tiết : Trước đó, khi được án tòa và thấy thái độ quá cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng tự ý bắt giam 24 giờ bà hương chánh Luông để hăm dọa. Biện Toại vì thương mẹ nên hứa sự không chống cự. Nhờ đó, bà hương chánh được về nhà để các con lạy lần chót.
Lúc đến công sở, thái độ của Biện Toại rất buồn rầu.
Lại còn một chi tiết khác : thày hương thân trong làng đã mướn người gặt lúa của anh em Biện Toại, vì lịnh tịch thâu đưa tới nhằm lúc lúa chín. Mười Chức, em Biện Toại đã xin phép vị hương thân để được tự mình gặt lúa nhưng vị hương thân từ chối, hồ nghi rằng nhân cơ hội ấy Mười Chức có thể giấu bớt lúa. Khi ra tòa, viên Chưởng lý thắc mắc : tại sao số lúa mà hương chức làng mướn gặt chỉ có 2.080 giạ thay vì 3.500 giạ như phỏng định ? Phải chăng hương chức làng đã lén ăn cắp bớt số lúa này để xài riêng ? Và nếu lúa gặt được nhiều, sau khi đong lúa ruộng theo án lịnh tòa mà còn dư lại đủ ăn trong mấy tháng đầu năm thì anh em Biện Toại chưa ắt tuyệt vọng đến mức, để rồi thảm trạng lại xảy ra !
Biện Toại sống với mẹ và các em trong đại gia đình, số lúa thu hoạch chia ra vẫn là ít. ở xứ Bạc Liêu, mỗi năm gia đình nào cũng phải dư nhiều lúa để bán mà sắm quần áo, thuốc men, chớ không như ở Tiền giang chỉ cần đủ lúa ăn, còn bao nhiêu món khác trong gia đình đều mua sắm nhờ hoa màu phụ như vườn dừa, chuối, hoặc chăn nuôi.
Thảm trạng xảy ra vào sáng ngày 16/2/1928. Tìm lại sự thật, nhứt là các chi tiết thì hơi khó khăn. Lính mã tà thì cương quyết đổ tội cho đám anh em Biện Toại (trong giấy thuế thân, ghi sai là Tại). Những nạn nhân trong cuộc thì muốn chứng minh rằng họ chỉ tự vệ. Một số người trong cuộc đã chết, nếu còn sống thì họ sẽ đưa ra nhiều bằng chứng khác.
Đại khái, những nét lớn như sau :
Khoảng 7 giờ sáng, hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn người lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng mà thi hành lịnh án của tòa, đong số lúa hiện ở trên phần đất của anh em Biện Toại. Hai viên cò này tưởng là chuyện thông thường, họ không được cho biết là sẽ gặp khó khăn. Tên cò Tournier vừa mua được cây súng săn nên đem theo, dọc đường anh ta còn lạc quan, bắn thử một phát chết một con cò. Cùng đi với họ đến đống lúa có hương thân, hương hào và hương quản làng sở tại;
Anh em của Biện Toại cất nhà rải rác hơi xa nhau, sát bờ rạch. Đống lúa thì ở ngoài ruộng, cách nhà họ chừng 500 thước.
Dọc đường, khi đi ngang qua nhà Biện Toại, hương hào kêu réo để mời chứng kiến việc đong lúa nhưng không ai trả lời. Nhà cứ đóng cửa. Lập tức, hương hào bèn đến nhà Biện Toại và đến nhà bà mẹ là bà hương chánh. Chẳng ai chịu đến cả.
Đến gần đống lúa, tên cò Tournier yêu cầu hương chức làng phải mời một người trong gia đình, thí dụ như một người em của Biện Toại đến chứng kiến việc đong lúa.
Mười lăm phút sau, một cô gái đi ra, hướng về đống lúa : cô Nguyễn Thị Trọng, em của Biện Toại. Theo sau là đứa cháu gái của Trọng, đứa bé này tên là Tư, 14 tuổi.
Thoạt tiên, tên cò Tournier đuổi cô Trọng, bảo rằng con gái còn nhỏ làm sao hiểu đầu đuôi cuộc tranh chấp đất ruộng này được ! Viên cò nói là đến đây để trợ giúp hương chức làng đong số lúa theo lịnh tòa.
Cô Trọng phản đối bằng lời lẽ khẳng khái, trong đó có câu “Chết sống ở đây”. Viên đội mã tà thông dịch lại. Tên cò Tounier ra lịnh đuổi lần thứ nhứt. Cô Trọng cứ đứng đó, yêu cầu khi đong lúa xong thì hương chức phải giao cho cô một giấy biên nhận ghi rõ bao nhiêu giạ.
Tournier trả lời rằng không có chuyện trao biên nhận. Rồi thì Tournier tát tai cô Trọng.
Cô Trọng rút trong áo ra một cây dao nhỏ, loại dao có miếng sặt chận ở trước cán. Cò Tournier đập một báng súng khiến cô té xỉu. Cò Bouzou bèn tiếp tay, giựt cây dao của cô bà Bouzou lại vụng về khiến lưỡi dao đâm tay ông ta một vết xoàng không đáng kể. Rồi thì lính mã tà trói cô Trọng để đó.
Đứa cháu nãy giờ đứng ở ngoài xa, khi thấy cô Trọng ngã gục và bị trói, bèn chạy về nhà, báo động.
Từ trong xóm nhà, anh em Biện Toại chạy ra, mang theo nào là dao mác, gậy gộc. Họ chia ra hai tốp. Tốp thứ nhứt do Mười Chức, em ruột Biện Toại cầm đầu; tốp thứ nhì do thị Nghĩa, vợ Mười Chức cầm đầu.
Tên cò Tournier ra lịnh cho bọn lính chuẩn bị ứng phó. Tournier bảo một tên lính ra lịnh cho Mười Chức đừng dùng vũ khí.
Mười Chức chạy đến quá gần, cò Tournier bèn bắn chỉ thiên một phát. Nhưng Mười Chức cứ tiến tới và tên cò lại nhắm ngay Mười Chức mà bắn.
Tuy bị thương rất nặng, Mười Chức vẫn cầm mắc gượng nhào tới, đâm trúng bụng tên Tournier, rồi cả hai đều ngã xuống.
Anh em của Mười Chức tấn công bọn lính mã tà và tên cò Bouzou. Cò Bouzou rút súng lục, bắn làm bị thương nặng bốn người. Cò Tournier tuy bị thương nặng nhưng cũng bò lết lại gần cò Bouzou. Vì bắn không còn một viên đạn, Bouzou bèn giựt khẩu súng lục của Tournier mà bắn tiếp. Một số người bị thương, bị chết. Miều là em rể của Biện Toại giựt được khẩu súng mút—cơ—tông của Bouzou. Với khẩu súng ấy, Miều chạy ra xa bắn về phía bọn lính mã tà nhưng không gây thương tích cho ai. Lính mã tà cũng rút lui một lượt.
Nhân viên công lực đến điều tra, được biết trong số người “làm loạn” có 5 người đàn ông, 2 người đàn bà và 3 người đàn bà khác không biết tên.
Ngay buổi sáng hôm ấy, Mười Chức và vợ (tên Nghĩa) đều chết, luôn cả người anh tên Nhẫn cũng chết.
Nhịn (trong giấy thuế ghi sai là Nhịnh, anh của Mười Chức), Liễu (em gái của Mười Chức) đều bị thương nặng, được đưa tới nhà thương. Liễu còn sống. Ba ngày sau, Nhịn chết. Tóm lại, về phía gia đình Biện Toại thì có 4 người chết (ba đứa em ruột và một người em dâu là vợ Mười Chức). Nên chú ý là vợ Mười Chức đang mang thai. Bài vè Nọn Nạn ở đoạn chót kể lại với giọng trầm hùng là “Năm người đổi một thằng Tây” tức là kể luôn đứa hài nhi còn trong bụng mẹ.
Về phía đối phương, chỉ có tên cò Tournier chết ngày 17, khi nằm ở nhà thương Bạc Liêu.
Bọn hương chức hội tề đã nhanh chân bôn tẩu từ khi thấy tình hình quá căng thẳng.
Cô Trọng bị bắt. Biện Toại với con trai là Tía thì ra chợ Bạc Liêu với khẩu súng mà Miều đã giựt được. Ông Biện nộp súng và thưa với nhà nước về chuyện các em bị cò Tây giết. Ông Biện và đứa con bị bắt luôn. Miều thì hôm sau bị bắt. Còn một người duy nhất trốn thoát là Dậu.
Hoàn cảnh của bà hương chánh Luông thật đáng thương hại : các con của bà đều bị chết, không chết thì bị bắt. Bà ở nhà một mình.
Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đua nhau khai thác vụ Nọc Nạn. Ký giả xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, luôn cả giới thực dân đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu, họ là tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường nào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ vào đường cùng. Hơn nữa, bấy giờ phong trào quốc gia đang sôi nổi, xu hướng chống thực dân lan tràn, đám táng cụ Phan Chu Trinh vừa xảy ra vào hai năm trước (1926). Đảng Lập Hiến ra đời, thủ lãnh là ông Bùi Quang Chiêu còn đang hăng hái. Tuy là theo chủ trương Pháp, Việt đề huề, ông cũng cố gắng làm một chuyện xây dựng mặc dầu ông phủ H. nối giao cho bang Tắc, là người của đảng ông. Ngoài ra, còn sự giúp đỡ tận tình của ký giả Lê Trung Nghĩa là cây bút phóng sự của tờ La Tribune Indochinoise do chính Bùi Quang Chiêu chủ trương.
Trong giới trí thức Pháp, nhiều người tiến bộ đã bực mình vì biến cố Nọc Nạn. Ký giả Lê Trung Nghĩa nhờ hai luật sư rất tận tâm là Tricon và Zévaco biện hộ cho gia đình nạn nhân, cãi không ăn tiền. Người có chút lý trí phải nhận rằng anh em Biện Toại chẳng mảy may gì thù oán cá nhân tên cò Tournier cả.
Tòa Đại hình Cần Thơ xửa vụ án này vào ngày 17/8/1928. Ông Rozario ngồi chánh án, công tố viên là Moreau. Ông Moreau này khá tốt và công bình. Ngoài ra còn một ông hội thẩm là ông Sự, rất tốt.
Người Pháp đứng trước tình thế gay go. Mặc nhiên, họ đem ra xử những hậu quả của luật lệ bất công do chính họ ban hành, tức là họ xử cái chế độ của họ. Tha bổng tất cả nạn nhân thì không được, nhưng lên án thì lên án làm sao ? Chuyện này cả nước đều hay biết.
Trừ báo La Dépêche lIndochine ra thì tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt, theo dõi phiên tòa : báo LíEcho Annamite, Đông Pháp thời báo, LíImpartial, LíOpinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.
Tòa tuyên án như sau : Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út của Toại) và Tia (con trai của Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, 6 tháng tù (nhưng đã bị giam sáu tháng rồi). Miều, chồng của Liễu (em rể của Biện Toại) : 2 năm tù vì có tiền án ăn trộm.
Đây là bản án rất nhẹ, so với những bản án khác thời thực dân. Qua lời khai của can phạm và những người làm chứng, chúng ta biết thêm những chi tiết quan trọng sau đây :
— Từ năm 1910, Biện Toại đã vào đơn xin trưng khẩn phần đất mà về sau xảy ra tranh chấp. Bấy giờ, chủ tỉnh có cấp cho biên lai. Nhưng biên lai ấy bị ăn cướp đánh lấy mất, Toại làm đơn xin bổn nhì. Điều rất lạ là bộ sổ ghi đơn xin khẩn đất ở Bạc Liêu vào năm ấy lại bị mất. Ai làm mất ? Phải chăng là sự cố ý đánh cắp, thủ tiêu hồ sơ trong văn khố cũ, để cường hào tha hồ tung hoành ! Viên chức ở tòa bố Bạc Liêu lúc vụ án xảy ra là ông phủ Tâm. Nưhng ông này xác nhận rằng tài liệu cũ bị đánh cắp từ lâu rồi, trước khi ông nhận chức.
— Ông hội thẩm Sự đã nhấn mạnh cho tòa nhớ rằng tiếng Việt khó dịch, thí dụ như mấy tiếng “Chết sống ở đây” mà cô Trọng trả lời với tên cò Tournier. Nếu viên đội thông dịch sai thì viên cò có thể nổi giận. “Chết sống ở đây” có hai nghĩa. Một là “Dầu chết hay sống, tôi vẫn đứng tại đây, đuổi tôi, tôi không đi đâu hết”. Hai là “Mạng đổi mạng tại đây”.
— Hương thân Hồ Văn Hi xác nhận rằng tên cò Tournier bắn trước, sau đó Mười Chức mới đâm tên cò. Chi tiết này xác nhận lời đồng bào địa phương đồn đãi cho rằng Mười Chức là người đầy đủ tiết tháo và chí khí anh hùng : Bị đạn rồi, nhưng còn đủ thần lực và bình tĩnh để ngã về phía trước mà đâm kẻ thù cho bằng được, đâm rất trúng, rồi mới chịu chết vì bị thương quá nặng !
— Công tố viên Moreau lưu ý với tòa : Có thể là viên thơ ký lãnh trách nhiệm ghi nhận đơn xin khẩn đất hồi năm 1910 đã trao cho Biện Toại một biên lai nhưng không có đánh số, với dụng ý dành phần đất ấy cho người khác.
— Lâm Văn Kiết từng có chân trong Hội đồng phái viên đã xác nhận với Hội đồng : Phần đất tranh chấp là của Biện Toại khai khẩn trước tiên. Công tố viên bèn nói tiếp : Lâm Văn Kiết chỉ là hương chức làng, làm sao dám cãi lại ông phủ (ám chỉ ông phủ H., người theo phe của bang Tắc).
— Tri phủ Ngô Văn H. khai rằng mặc dầu thấy có tranh chấp về đất đai, nhưng hồi năm ấy với danh nghĩa là chủ tịch Hội đồng phái viên, ông ta đành buông trôi vì đo lại ranh rấp đất đai là vấn đề phiền phức. Viên họa đồ đã tốn công đo đất ở làng Phong Thạnh suốt 3 năm rồi. Công tố viên bèn quở trách cho rằng vì công lý không thể viện lý do là mất thời giờ, nếu thấy bất công là phải đo đạc, xem xét ranh đất trở lại. Công tố viên nói thẳng : lề lối của phủ H. trong lúc làm chủ tịch Hội đồng phái viên thật là bừa bãi, vì phủ H. bừa bãi nên xảy ra vụ án bi thảm này.
Bị luật sư chất vấn, phủ H. đành thú nhận rằng chính anh của ông ta chớ không phải ông ta là người đang hùn vốn với bang Tắc để khai thác hai chiếc tàu đò đang chạy trên đường Bạc Liêu, Cà Mau mang tên là tàu Hồ Nam và Hồ Bắc.
— Khi bang Tắc (Mã Ngân) ra làm chứng, ông ta bảo rằng khong hối hận gì cả. Viên hội thẩm hỏi Mã Ngân : “Dân chúng cho rằng đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier”. Mã Ngân nín, không trả lời.
— Qua lời khai của bà Hồ Thị Tr., công chúng thấy có sự sắp sặt của bang Tắc để bán lại cho bà ta phần đất tranh chấp, vì ba ta đủ sức ăn thua công khai hơn. Mã Ngân muốn phủi tay.
Trước khi buộc tội, Công tố viên Moreau yêu cầu Tòa nên thận trọng trước khi phán quyết. Công tố viên nhắc lại rằng vụ này xảy ra sau vụ án Ninh Thạnh Lợi hồi năm ngoái. Vụ này chứng tỏ dân chúng đang sống trong tình trạng căng thẳng và vấn đề đất đai là chuyện nghiêm trọng. Người ta có thể xúc phạm bất cứ chuyện gì, nhưng nên tránh xúc phạm tới điền thổ. Mã Ngân chỉ là người mua đất để cho tá điền mướn lại, trong khi Biện Toại là người đích thân canh tác. Công tố viên trách cứ bà Hồ Thị Tr. là giàu có (tài sản ước từ 2 đến 300.000 đồng lúc bấy giờ) mà quá nhẫn tâm đòi tịch thu tất cả lúa gặt hái được của Biện Toại lại còn đòi thêm một số tiền khác. Công tố viên bảo rằng hoàn cảnh của Biện Toại thật là khốn nạn : Những người không tình cảm đến giựt đất, rồi bọn quyền thế lại tiếp tay với bọn người sang đoạt. Công tố viên Moreau yêu cầu Tòa :
— Tha bổng Biện Toại và con là Tia.
— Cho cô Trọng được hưởng trường hợp giảm khinh (ra trước Tòa cô Trọng cứ chối là không có cầm dao, mặc dầu đủ bằng cớ).
— Cho Miều (em rể của Biện Toại) được hưởng trường hợp giảm khinh, mặc dầu Miều đã ba lần bị can án ăn trộm.
— Tha bổng cô Liễu (em Biện Toại, vợ của Miều) vì thiếu bằng cớ.
Luật sư Tricon đứng lên biện hộ, đại ý nhận định đây chỉ là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chánh sách trưng khẩn ruộng đất hồi thời nhà Nguyễn thật là công bằng và thích hợp với thực tế, trong khi những luật lệ về trưng khẩn đất đai do người Pháp đặt ra chưa được hoàn hảo có thể gây nhiều rắc rối lúc áp dụng vào thực tế. Thời gian quá kéo dài, từ khi đương sự được tạm cấp đất đến khi được cấp vĩnh viễn; vì vậy mà xảy ra cưỡng đoạt, gian giảo. Những người trong Hội đồng phái viên chỉ ngồi tại chỗ, không chịu bước chân xuốn bùn mà tới sở đất để xem xét. Họ quyết định theo ý kiến cho những người lương thiện hoặc kém lương thiện báo cáo lại.
Luật sư Tricon kết luận đại để :
— Biện Toại đã tranh đấu với rừng rậm để khai phá và tranh đấu với tử thần. Sau một ngày làm lụng khổ nhọc, anh em trở về chòi, sau khi ăn cơm, họ cho rằng chết có lẽ sướng thân hơn là sống trong hoàn cảnh nhọc nhằn. Sau khi tranh đấu với tử thần (có lẽ luật sư muốn nói tới bịnh rét rừng), anh em trong gia đình lại còn phải tranh đấu với những người khác, tức là bọn người chỉ biết có đồng tiền, làm giàu bằng thủ đoạn sang đoạt. Sau khi tranh đấu với bọn người nói trên, họ còn phải tranh đấu với thủ tục pháp lý. Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp.
Luật sư Zévaco đứng lên biện hộ, ca ngợi lời buộc tội của Công tố viên, vì Công tố viên đã lưu ý đến sự thật, đến công lý và cả lòng nhân đạo. Luật sư phân chia ra hai vụ án, vụ tranh chấp điền thổ và vụ án giết người.
Luật sư cho rằng chánh sách của nhà nước thì tốt, nhưng nhiều người thừa hành xấu đã làm cho chánh sách trở nên xấu đối với dân chúng. Việc cai trị trở thành xấu nếu các quan phủ (chủ quận) là người ác độc. Sau khi xảy ra thảm trạng, có lẽ nhà nước nên nói thẳng với Mã Ngân : “Chúng tôi trả lại cho ông số tiền 1.080 đồng mà ông đã xuất ra theo giá của nhà nước để mua phần đất của Biện Toại. Và xin ông để nhà nước được yên”. Luật sư nhắc lại ý kiến của Công tố viên là muốn cho bộ máy cai trị có lề lối đứng đắn thì phải sa thải những kẻ bất lương. Luật sư nói thêm rằng : Đuổi những tên bất lương ở cấp dưới cũng chưa đủ, phải đuổi những người ở cấp cao hơn mà bấy lâu nhà nước đã tin cậy. Nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo. Chúng ta đã thấy rõ hành động của cặp bài trùng : Mã Ngân cấu kết với một ông phủ chủ quận. Tên chánh phạm của tấn kịch đẫm máu này chính là phủ H.
Trạng sư Zévaco cũng xin tòa tha thứ cho các bị can và lên tiếng : Xin qů ngài đừng đưa ra một bản án nghiêm khắc, một bản án được luận ra vì phẫn nộ. Bởi vì những người nông phu khốn nạn này mai đây cũng sẽ bị trừng phạt khá đầy đủ rồi, khi họ trở về tới nhà. Thừa phát lại sẽ tới để tịch thâu số lúa của họ, và lần này, quý tòa có thể tin rằng không bao giờ xảy ra vụ nổi loạn nữa đâu. Thưa qů tòa, lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ trên đó.
Một số người Pháp ở Cần Thơ và ở vài tỉnh lân cận đã đến xem phiên tòa gay cấn này, họ tỏ ra hài lòng với bản án. Vài người ở Phong Thạnh xin gặp những người bị tội và xin phép cho tội nhân ăn bữa cơm với thức ăn đem sẵn.
Một tiệc bày ra tại Cần Thơ để thết đãi hai vị luật sư và ký giả của các báo Pháp và Việt, do một số đồng bào ở Phong Thạnh và một số nhân sĩ như các ông Huỳnh Minh Chí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rài, ông Bùi Văn Túc ở Long Điền. Nên hiểu đây là thói trung hậu và hào hoa cố hữu của dân Bạc Liêu xưa nay. Một đại diện đứng lên cám ơn hai luật sư và bà hương chánh Luông cũng đến cám ơn họ.


HẾT
__________________
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 09:01 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.