Go Back   Vina Forums > Câu Lạc Bộ Giao Lưu > Nhịp Đập Trái Tim > Nghệ Thuật Sống
Hỏi/Ðáp Thành Viên Lịch Tìm Kiếm Bài Trong Ngày Ðánh Dấu Ðã Ðọc

Trả lời
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài
  #1  
Old 03-17-2007, 10:43 PM
TT_LưuLyTím_TT's Avatar
TT_LưuLyTím_TT TT_LưuLyTím_TT is offline
 
Tham gia ngày: Mar 2004
Bài gởi: 7,757
Default Văn hoá với ngôn ngữ thầm lặng

Văn hoá với ngôn ngữ thầm lặng (nét mặt, cử chỉ, động tác)

Có nhiều ngôn ngữ phát ra bằng tiếng nói, cũng có những ngôn ngữ thầm lặng (body language) không biểu lộ bằng âm thanh mà bằng nét mặt, cử chỉ, động tác thân thể, tay chân. Câu thơ: Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu của Nguyễn Du là ngôn ngữ thầm lặng, tuy không nói, nhưng lại bằng mười lần lên tiếng.

Tiếp xúc với người ngoại quốc là điều thú vị, có ích, nhưng đôi khi cũng là sự nguy hiểm. Chỉ vì một vài thiếu sót nhỏ, chúng ta bị lâm vào tình thế khó xử vì không hiểu phong tục tập quán của nhau. Trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch, sách dạy ngoại ngữ những chi tiết văn hoá này ít được nhắc đến hoặc không được nhắc đến. Nếu muốn thông tường được cách thức xã giao của một quốc gia, ít nhất cũng phải sống ở nước đó vài năm.

Chào hỏi. Ở Pháp và Nga, gặp nhau bất cứ lúc nào cũng có thể bắt tay họ được, còn ở Anh, Mỹ người ta chỉ bắt tay khi được giới thiệu thôi, nghĩa là chỉ bắt tay lần đầu gặp gỡ thôi. Bên Hoà Lan người ta đang tìm cách để bỏ hẳn lệ bắt tay và những lời tâng bốc xã giao. Các nước nói tiếng Anh, không chấp nhận lối hôn tay phụ nữ để chào mừng, nhưng đó lại là lối rất thông dụng ở Pháp, Tây ban nha. Sang nước Ba Lan và Ý tha hồ được hôn tay phụ nữ, hôn tay càng nhiều càng tỏ ra lịch sự. Ở nhiều nước Âu Mỹ không nên gọi điện thoại vào những ngày lễ ngày nghỉ cuối tuần trước 9 giờ sáng. Đến thăm nước Bồ đào nha, lệ này khắt khe hơn, chớ gọi điện thoại đến nhà người ta trước 11 giờ sáng. Ở Tây ban nha không nên đến thăm nhà người ta vào giờ nghỉ sau bữa ăn trưa, thời điểm này ai cũng mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi hơn là tiếp khách.

Nói chuyện Người Mỹ đứng nói chuyện cách nhau khoảng trên một mét, nên họ nói chuyện với một âm lượng vừa đủ nghe, còn người Nga đứng khá gần chúng ta, nên họ nói chuyện với âm lượng nhỏ hơn. Nếu nói chuyện với người Nhật, phải đứng xa hơn nữa, nếu không họ sẽ cho là chúng ta không hiểu gì về phong tục Nhật. Người Ả rập, Hy Lạp, Nam Mỹ đứng thật sát người đối thoại. Nếu chúng ta có ý đứng xa hay tự nhiên lùi lại, họ coi đó là người đối thoại tỏ thái độ lạnh nhạt, xa cách.

Tại nơi công cộng người Ả rập, Trung Hoa, Việt Nam thường hay nói chuyện lớn tiếng, đối với người Tây phương nói to như thế là thiếu lịch sự Không bao giờ nên nói hay viết thư cho người Scotland hay người Wales những dòng như: "Người Anh các ông .." hoặc " Ở nước Anh các ông .."họ sẽ không vui, bởi họ không nhận họ là người nước Anh. Đang nói chuyện, tự dưng chúng ta thấy có sự ngắt quãng, im lặng, thường thường là dấu hiệu của sự bối rối, khó xữ.

Người Ả rập ngắt câu chuyện để ngỏ ý ngầm là muốn được gần gũi nơi phòng the với người đối diện. Còn người Nhật ngưng câu chuyện là có ý họ không đồng ý với chúng ta về chuyện gì đó. Người Mỹ, người Âu châu, nhất là người Nam Mỹ dậm chân, huýt sáo, hoa chân múa tay, nhảy cỡn lên để bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối hay làm mất tinh thần đội thể thao khách, nhưng chỉ ở sân vận động thôi. Cử chỉ thân mật lối xã giao của người Mỹ và các nước Âu châu không quen ngửi nhũng mùi tự nhiên toả ra từ thân thể người đối thoại. Trong khi đó người Ả rập hít mùi, ngửi hơi người đối thoại là cách phải có trong câu chuyện tâm sự. Người Mỹ, Anh cả hai giới nam nữ, không thích người khác đụng chạm vào thân thể họ Ví dụ như nắm tay, vỗ vai vuốt tóc, quàng vai nhưng người Ả rập, người Nam Mỹ và người Phi châu thích vuốt ve đụng chạm thật tự nhiên nếu chúng ta gây được cảm tình với họ.

Người Trung Hoa bên nước họ cấm hôn nhau ngoài đường phố, nơi công cộng Luật Trung Hoa có thể trục xuất khách du lịch trong vòng 24 tiếng đồng hồ, vì họ cho cử chỉ đó ngoài công chúng là bại tục. Nhiều nước Á châu ông bà, cha mẹ, con cái không ôm hôn nhau, dù chỉ hôn vào má, hay chạm má.

Ở Mỹ không nên có cử chỉ thân mật giữa nam với nam, hay nữ với nữ dù chỉ là quàng vai, dắt tay nhau, đó là cử chỉ của những người đồng tính luyến ái. Vì lo sợ chuyện quấy nhiễu tình dục (sex harassment) và xâm phạm trẻ em nên có những trường hợp bị đưa ra toà oan uổng. Người lớn, là khách lạ và ngay cả ông bà chú dì dù cưng các cháu đến mấy không được hôn vào hạ thể con nít dù đứa bé chỉ mới mấy tháng tuổi.

Trong nhà, ngoài đường phố, nơi công cộng, người khách không quen hay quen đã lâu, không được sờ mó vuốt ve trẻ con. Học sinh, trẻ em Mỹ có câu cửa miệng :"Don't touch me!" Ở hãng xưởng, công sở, văn phòng nhân viên, công nhân ở Mỹ dễ bị thưa kiện về chuyện quấy nhiễu tình dục giữa nam nữ. Không những bị coi là vi phạm nếu sờ mó vuốt ve người khác phái mà ngay cả chỉ bằng lời nói hay cử chỉ nào đó cũng dễ bị thưa gửi. Tại một số cơ sở người ta có phổ biến cho biết những lời nói, cử chỉ, hành động nào bị coi là quấy nhiễu tình dục cho nhân viên tránh trước.

Ăn uống chuyện ẩm thực có sự liên quan kỳ lạ với khái niệm lịch sự. Nếu chúng ta là đại diện cho một tổ chức, một cơ quan, công ty mà biết cầm đũa để dùng bữa thì người Việt Nam, Nhật, Trung Hoa và Đại Hàn sẽ thấy là chúng ta là người họ có thể nói chuyện được, thảo luận được Trong các gia đình trung lưu trở xuống người Cam pu chia, Nam Dương, Mã Lai, nếu chúng ta là khách biết rửa tay trái cho sạch rồi thản nhiên bốc cơm ăn trên đĩa thì dân ở đó quý chúng ta lắm. Ở nước Anh, trong bữa ăn không được dùng nĩa để xúc rau lên ăn. Nếu vô ý dùng nĩa chọc vào một hạt đậu đưa lên miệng, chúng ta sẽ mất hết uy tín.

Ở Ý trong một hiệu ăn bình thường, không bắt buộc phải dùng nĩa quấn mì sợi để ăn, nhưng biết ăn lối đó trong bữa ăn với người bản địa sẽ thu được nhiều cảm tình lắm. Ở Bỉ coi những người biết ăn cho hết những đĩa thức ăn đầy chủ nhân đặt ra bàn để thết đãi là những người có học thức. Nhưng cũng ở Bỉ, đừng vội nhận lời mời đi ăn hay mời đến nhà ăn, ngay từ lần mời thứ nhất. Hãy cứ cám ơn và từ chối, để họ mời đến lần mời thứ ba cho đúng lệ Bỉ. Bù lại , chúng ta muốn mời họ cũng phải mời ba lần. Ngay ở Việt Nam, ở miền quê những cụ già vẫn còn thói quen tiếp thức ăn vào bát cho khách bằng chính đũa của các cụ. Trong khi người khách lại không muốn ăn thức ăn từ muỗng nĩa, đũa người khác.

Ở Á châu có một số nước đợi người lớn tuổi ăn trước rồi mới ăn, để tỏ lòng kính trọng người già, người có địa vị cao hơn. Tại Trung Hoa và Việt Nam và vài nước khác ở Á đông, trong bữa ăn thường ồn ào. Họ có thói quen nhai nhồm nhoàm, ợ, vỗ bụng, xúc miệng, xỉa răng, trước mặt mọi người, làm như thế để tỏ ý khen chủ nhà, cám ơn bà chủ nhà đã cho ăn no nê, ngon lành. Trái lại người Âu, Mỹ lại kỵ những tiếng động và cử chỉ đọ

Một vài nước Á châu có thói quen uống rượu bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào trong tuần, uống ngay từ buổi sáng và phải có đồ nhắm (mồi)) kèm theo. Người Âu Mỹ chỉ uống rượu từ tối thứ sáu, tối thứ bảy, chủ nhật, lẽ dễ hiểu là ban ngày và ngày làm việc còn phải đi làm. Họ cũng uống rượu không cần phải có mồi.

Mời ăn cơm, dự tiệc Ở Bỉ, nếu được mời dự tiệc lúc bảy giờ, chúng ta nên đến lúc bảy giờ rưỡi. Nếu giấy mời có ghi rõ "đúng bảy giờ cũng chỉ nên đến lúc 7 giờ 15. Người Việt và người Trung Hoa trước đây có ý niệm rằng người đến sau trong bữa tiệc, buổi họp là người quan trọng. Tiệc ở nhà có thể bị trễ nửa giờ tiệc tại nhà hàng, hiệu ăn có thể trễ đến một giờ cho đến hai giờ rưỡi đồng hồ. Người ta cố ý đến chậm vì biết trước rằng có đến sớm hơn cũng vẫn phải chờ. Thói tục không hay này không biết bao giờ có thể bỏ được?

Mặc quần áo thói quen về trang phục cũng là một thứ ngôn ngữ trầm lặng nói lên văn hoá từng dân tộc. Người Việt và người Trung Quốc thường hay mặc quần áo ngủ ra đường phố (pyjama). Người Âu Mỹ kỵ ăn mặc kiểu đó lắm. Khi ra bãi bể, ở Âu Mỹ, phụ nữ mặc áo tắm hở hang theo thời trang, nhưng đàn ông bắt buộc phải mặc quần tắm, chỉ trừ khi dự thi đấu bơi lội, nhào lặn mới được mặc "slip". Bảo thủ nhất ở ngoại quốc là dân Ấn Độ, Pakistạn. Dù sống ở nước nào họ cũng vẫn mặc quốc phục, nhất là phụ nữ.

Phụ nữ Việt và vài nước Á châu thường trang điểm và ăn mặc kỹ càng khi đi ra ngoài như đi chợ, đi khám bệnh. Phụ nữ Âu Mỹ ăn mặc đơn giản và ít trang điểm hơn vào những dịp này. Tắm khoả thân nơi công cộng, ngoài cảnh thiên nhiên như trong rừng, bên suối trên núi, được người Nhật chấp nhận, trong khi đó các nữ sinh vài nước Á châu lại không bao giờ thay áo quần khi tập thể dục trước mặt bạn gái, điều mà các nữ sinh Mỹ rất tự nhiên. Trong các buổi lễ hội hè ở vài nước Phi châu, nếu thấy phụ nữ bản địa để trần phần trên thân thể thì phụ nữ ngoại quốc đừng ngạc nhiên và phái nam ngoại quốc đừng có cái nhìn hay có ý nghĩ gì không trong sạch, vì đó là cách ăn mặc quốc hồn quốc tuý của dân tộc đó.

Quà tặng Mỗi dân tộc đều có thói quen trao đổi quà tặng khác nhau, nếu chúng ta không biết rõ, sẽ bị lầm lỗi. Chẳng hạn ở Pháp, muốn tặng hoa chỉ được tặng một bông. Nếu tặng cả bó hoa và lại là hoa cúc vàng thì chỉ được trao khi nhà người ta có đám tang. Trái lại ở Việt Nam và Trung Quốc hoa cúc vàng các loại được trưng bày vào dịp Tết. Ở Nhật hoa cúc được quý trọng, dùng làm quốc huý. Ở Đức hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu, vậy hãy cẩn thận nếu không phải để tỏ tình yêu, chớ có tặng hoa hồng.

Người Nhật thích nhận quà vào bất cứ dịp nào. Họ chú trọng đên cách gói ghém gói quà. Dân Á đông không có thói quen mở gói quà ra ngay và giơ lên cho mọi người trông thấy như người Âu Mỹ. Chó mèo Người Âu Mỹ và người giàu có các nước nuôi chó mèo để làm cảnh, để cưng chiều. Một số ít nuôi con vật cưng để cho bớt cô đơn. Việt Nam và một số nước thực tế hơn, nuôi chó là để giữ nhà, nuôi mèo là để bắt chuột. Không được đánh chó mèo và các con vật cưng khác, nếu không sẽ bị thưa gửi về tội độc ác với loài vật Ở Mỹ, có khi trên một con đường bị ngưng xe vì phải chờ cho đàn vịt, đàn ngỗng đi ngang qua đường. Ở Mỹ không được nuôi quá nhiều con vật trong nhà, (bang California, nếu không phải là nông trại) chỉ được nuôi bảy con trở xuống thôi. Nuôi gia súc để chúng bị đói khát, bệnh tật la người chủ có tội.

Ánh mắt Cách nhìn, ánh mắt "mơ huyền" cũng có thể gây rắc rối nếu chúng ta có cái nhìn không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Với người Mỹ và các nước Âu châu, nếu không nhìn thẳng vào mắt người đối thoại là tỏ ra mình thiếu thành thật nên phải tránh ánh mắt người ta. Người Ả rập cũng vậy, dù chúng ta có đứng ngang với họ, nhưng họ không thấy ánh mắt của chúng ta, sẽ rất khó đạt được thoả thuận với họ nếu ta muốn thương thuyết hoặc thuyết phục họ. Riêng người Anh, Ấn Độ, Pakistan và một vài nước Á đông cũng tránh chạm ánh mắt khi giao thiệp. Họ cho rằng nhìn chằm chằm vào mắt người đối thoại là bất lịch sự. Còn ở Nam Mỹ nếu có ánh mắt chăm chú nhìn người khác phái có thể bị suy diễn ra là sự chú ý về tình yêu nam nữ, và tiếp sau đó sẽ có những phản ứng bất ngờ không lường trước được.

Cười, khóc Người Trung Đông và Á châu thường khóc lớn tiếng, vật vã trong đám tạng. Người Âu Mỹ trái lại chỉ khóc âm thầm thôi. Cũng như họ cũng không cười lớn tiếng nơi công cộng. Họ cười khi hài lòng, khi vui vẻ, khi đồng ý, khi hiểu chuyện, ngược lại, người Á đông gì cũng cười, vì thế mới có cười nhạt, cười nửa miêng, cười buồn, cười gằn. Đồng ý hay không đồng ý cũng cười, vui hay buồn cũng cười, hiểu hay không hiểu cũng cười. Không phải họ vô lý đâu, họ có những cái cười mang nét đặc biệt mà người Âu Mỹ không hiểu được.

Những cử chỉ, hành động kiêng kỵ Không được vẫy tay gọi người lớn lại gần, trừ khi là chỗ thân tình ở các nước Á châu. Không được ngủ chung giường, khi đi công tác, du lịch chung với người ngoại quốc cùng giới tính. Người Âu mỹ không nên ngồi gác chân lên bàn ở công sở hay ở nhà trước mắt người Á đông.

Một vài cấm kỵ có tính cách tin dị đoan: Không được vỗ vai, vỗ trên đỉnh đầu người Á đông. Không được dương ô khi còn ở trong nhà, phải ra khỏi cửa mới được mở ô. Không nên mời người Việt, người Trung Hoa chụp chung ảnh gồm có ba người. Ở chơi nhà người Âu Mỹ, không nên cởi áo ở phòng ăn và nhà bếp. Hãy thay quần áo trong phòng tắm hoặc trong phòng ngũ. Người Mỹ muốn tỏ ý là "mọi sự đều tốt đẹp cả" bằng cách khoanh ngón tay trỏ và ngón tay cái thành vòng tròn. Người Brazil và người Nga coi đó là một cử chỉ tục tỉu. Nếu làm cử chỉ đó ở các nước Ả rập có thể chúng ta sẽ bị ăn đòn vì họ nghĩ là chúng ta định gây chuyện với họ Khi muốn ra dấu "OK", mọi sự đều tốt đẹp cả người Nga và người Brazil nắm tay lại chìa ngón tay cái lên trên. Những dấu hiệu bằng tay như thế ở các nước nói tiếng Anh lại là động tác thường dùng để xin đi quá giang xe ở đầu xa lộ

Tóm lại cách biểu lộ ngôn ngữ thầm lặng, tức biểu lộ tình cảm bằng cử chỉ, động tác, nét mặt ở nhiều nơi có nhiều điều phức tạp, ít người dám nói là thông suốt hết. Tuy nhiên nhờ có phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại, nên khoảng cách văn hoá khác biệt thu hẹp lại dần. Đó cũng là nhờ ở ảnh hưởng tiếng nói và chữ viết. Những tầng lớp nào có học tiếng Anh và các ngôn ngữ chính thức khác như Pháp, Bồ đào nha, Tây ban nha, Nga, Trung Quốc .. đặc biệt là các cựu thuộc địa, nhượng địa cũ chịu ảnh hưởng văn hoá và ngôn ngữ của nước đi khai phá.

Sở dĩ thói quen, tập quán tạo thành là do giáo dục, tôn giáo kinh tế, tác động đến. Chẳng hạn như gia đình nghèo ít phòng ngủ, các con phải ngủ chung một giường. Phải mặc pyjama ra đường là do ít quần áo. Tôn giáo bắt buộc những người đàn bà theo đạo Hồi phải có mạng che, phải mặc quần áo rộng. Ngược lại các nước Âu Mỹ lại tôn vinh thân thể không có áo quần che phủ là một tác phẩm quý giá đẹp đẽ do Thượng Đế tạo thành. Họ vẽ tranh, nặn tượng khoả thân trịnh trọng trưng bày ở các bảo tàng viện, hay dựng ngoài công viên, ngược lại những người theo đạo Phật, đạo Hồi cho thế là thô lỗ tục tằn.

Sưu Tầm
__________________
http://Taochu.Uhm.vN
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời


Ðiều Chỉnh
Xếp Bài

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn
Bạn không được quyền gởi bài
Bạn không được quyền gởi trả lời
Bạn không được quyền gởi kèm file
Bạn không được quyền sửa bài

vB code đang Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển đến


Múi giờ GMT. Hiện tại là 04:18 AM.


Powered by: vBulletin Version 3.6.1 Copyright © 2000 - 2025, Jelsoft Enterprises Ltd.